Monday, August 31, 2009

Sunday, August 30, 2009

Blogosin


Bức tường Berlin

Tuần trước, một người Đông Đức, bà Angela Merkel, vừa lên tiếng trên cương vị Thủ tướng nước Đức thống nhất cám ơn Hungary cách đây 20 năm, tháng 8-1989, đã mở cửa biên giới của mình, để cho hơn 60 nghìn người Đông Đức thoát ra, dẫn tới sự kiện bức tường Berlin sụp đổ.

Tháng 6-2004, Hoàng- một đồng đội cũ của tôi ở trường sĩ quan, cựu đại úy quân đội nhân dân Việt Nam, con trai một vị tư lệnh chiến trường nổi tiếng thời đánh Mỹ và đánh Pol Pot- lái xe chở tôi chạy từ Đông sang Tây và cuối cùng đến trước bức tường Berlin. Hoàng nằm trong số những người Việt Nam đầu tiên leo qua phía Tây, thay vì đủ kiên nhẫn để đập đổ cái mà Hoàng, cho đến ngày nay, vẫn coi là “bức tường ô nhục”.

Berlin cũng như nước Đức, sau Thế chiến thứ II, bị “xẻ làm tư” theo thỏa ước Potsdam. Cho dù Liên Xô phản đối, các nước Anh, Pháp, Mỹ sau đó vẫn trả lại quyền tự chủ cho người Đức trên phần lãnh thổ mà mình tiếp quản. “Kế hoạch Marshall” đã giúp Tây Đức phát triển rất nhanh dựa trên nền tảng tự do.

Năm 1948, Stalin ra lệnh phong tỏa, không cho vận chuyển lương thực thực phẩm từ Đông sang Tây. Nhưng vẫn không có người Tây Đức nào đi theo Stalin. Trong khi, trong suốt thập niên 50 đã có hơn 3,5 triệu người Đông Đức bỏ chạy sang Tây Đức. Ngày 1-8-1961, Tổng Bí thư Liên Xô, Krushchev, điện đàm với Ulbricht, Bí thư thứ nhất Đông Đức “đề nghị xây tường”. Ngày 12-8 năm đó, Ulbricht ký lệnh đóng cửa biên giới và “bức tường ô nhục” đã được người Đức cùng với “Hồng Quân Liên xô” nửa đêm “dựng lên lén lút”.

Bảo tàng Bức tường Berlin là một trong những bảo tàng vô cùng ấn tượng. Có thể tìm thấy ở đây những sự kiện bi thảm; nhưng, cũng có thể tìm thấy ở đây những câu chuyện hết sức li kỳ. Chỉ có với khát khao tự do con người mới có thể bất chấp sự hiểm nguy mà vượt thoát mãnh liệt đến vậy. Lượng người dân Đông Đức bị bắn chết khi trèo qua bức tường Berlin không dừng lại ở con số 1.374; mới đây, Bảo tàng vừa cho bổ sung vào danh sách này những người không phải là dân “vượt biên” mà là lính biên phòng Đông Đức. Hàng chục lính biên phòng Đông Đức đã tự sát thay vì chấp hành lệnh chính quyền bắn vào nhân dân, những người tìm kiếm tự do.

Chỉ cần đến Bảo tàng Bức tường Berlin là có thể hiểu vì sao cả Đông Âu, tràn ngập xe tăng Liên Xô, thế mà vẫn đổ; có thể hiểu vì sao Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu lấy ngày “23 tháng Tám là ngày tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa Stalin và Phát xít”. Ngày 23-8-1939, Stalin đã bắt tay với Hitler, ký Hiệp ước phân chia Châu Âu. Chỉ một tuần sau, ngày 1-9-1939, Hitler đánh chiếm một phần Ba Lan; ngày 17-9-1939, Liên Xô xâm lược phần còn lại. Người của Stalin, ngay sau đó đã giết hại hàng trăm nghìn người Ba Lan và đưa hơn một triệu người Ba Lan khác lưu đày viễn xứ.

Nếu như, chủ nghĩa Hitler chỉ kịp gây tội ác trong những năm tháng chiến tranh thì chủ nghĩa Stalin lại tiếp tục hủy hoại con người ngay cả khi không còn tiếng súng. Sự hy sinh của hơn 20 triệu người Liên Xô, sự anh dũng của các tướng lĩnh, của Hồng quân là vô cùng vĩ đại. Nhưng, sự hy sinh ấy của nhân dân đã bị những người như Stalin tước đoạt. Liên Xô, quốc gia đóng vài trò quyết định trong cuộc chiến chống Phát xít, thay vì được ghi nhớ như là “giải phóng quân” đã trở thành một lực lượng chiếm đóng và đã áp đặt lên Đông Âu một chế độ tước đoạt hết của con người những quyền căn bản.

Tại Đông Đức, sau 8 năm chiếm đóng, chính quyền do người Nga lập nên liên tục có những hoạt động thanh trừng nội bộ; khủng bố những người bất đồng; kiểm soát thanh niên; trong khi, thực phẩm thì khan hiếm và đắt đỏ. Sau khi Stalin chết, hơn 1 triệu người dân Đông Đức đã xuống đường biểu tình. Chính phủ Đông Đức rút chạy vào tổng hành dinh của Hồng quân Liên Xô. Chính họ đã cầu cứu và “ngoại bang” đã dùng xe tăng thẳng tay đàn áp cuộc chống đối đâu tiên của nhân dân ấy.

Tại Hungary, sau năm 1945, cuộc bầu cử dân chủ chỉ đem lại cho đảng cộng sản Hungary 17%. Nhưng ngay sau đó, “toàn quyền Liên xô”, tướng Kliment Voroshilov đã buộc một thành viên không đảng phái trao ghế Bộ trưởng Nội vụ cho László Rajk, người của đảng cộng sản Hungary. László Rajk đã lập ra cơ quan an ninh quốc gia sử dụng cách mà Hitler đã làm trong thập niên 30: vu cáo, bắt bớ, tra tấn… tiêu diệt dần đối lập. Ngày 23-10-1956, người Hungary đứng dậy hô to “không cam chịu làm nô lệ nữa”. Nhưng, ngày 4-11-1956, xe tăng Liên Xô nghiến nát cuộc chính biến sau khi máy bay ném bom xuống Thủ đô Budapest: 2.500 người Hung bị giết; 200 nghìn người khác phải trốn khỏi quê hương.

Sự ngột ngạt về chính trị và bế tắc về kinh tế trở thành tình trạng phổ biến ở Đông Âu. Năm 1967, sau khi trở thành Bí thư thứ Nhất Tiệp Khắc, Alexander Dubcek tiến hành cải cách. Dubcek cho phát triển kinh tế tự chủ hơn; các tù nhân chính trị được tha và báo chí bắt đầu có tiếng nói. Không chủ trương đa đảng, Dubcek chỉ có ý định xây dựng “chủ nghĩa xã hội nhân bản hơn”. Tuy nhiên, những nỗ lực của Dubcek càng mang lại sự thịnh vượng cho nhân dân thì lại càng gây lo lắng cho Liên Xô. Cho dù không có “nổi dậy”, đêm 20-8-1968, xe tăng Liên Xô vẫn tiến vào Praha theo sau bởi hơn 165 nghìn quân của khối Warsava.

Tại bảo tàng Bức tường Berlin, có một đoạn video gần như được liên tục phát, đó là trích đoạn phát biểu ngày 12-6-1987 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan: “Mr. Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này”. Thật khó để xác định ai là người đóng vai trò chính để kết thúc chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, có thể bức tường Berlin đã không sụp đổ nếu như tháng 3-1989, Thủ tướng Hungary, Miklos Nemeth, khi có ý định “tháo gỡ hàng rào kẽm gai dọc theo biên giới” không nhận được tín hiệu từ ông Gorbachev: “Vấn đề an ninh biên giới là việc của ông Nemeth”.

Không có một dân tộc nào không nuôi khát vọng tự do ngay cả dưới họng súng của xe tăng và đại bác. Câu trả lời của ông Gorbachev đơn giản chỉ là trả cho người Hungary quyền tự quyết. Cái quyền mà người dân Đông Âu lẽ ra phải được hưởng kể từ 1945.

Cũng trong tháng 6-2004, tôi có đi qua một vài nghĩa trang quân Đồng Minh chết sau sự kiện Normandy. Những tấm bia ở đây nói rõ là nghĩa trang được lập bởi dân chúng địa phương góp đất và tiền để tưởng nhớ những người lính Anh, Mỹ, New Zeland, Australia… Những “nghĩa trang dân lập” ấy vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay với hoa tươi quanh năm. Trong khi, năm 2007, Tổng thống Nga Putin bị các quốc gia lân bang đặt trước tình huống phải ký sắc lệnh lập 7 văn phòng đại diện tại Ba Lan, Hungary và các nước vùng Baltic để bảo vệ mộ của Hồng quân. Thật không phải khi đụng đến nơi tưởng niệm những người đã hy sinh. Nhưng, cái cách mà Putin cư xử với lân bang đã khiến họ nhớ lại thời Liên Xô và nhận thấy những tượng đài Hồng quân “không còn là một biểu tượng chống phát xít mà là biểu tượng của sự chiếm đóng”.

Bên cạnh những bao cát của Checkpoint Charlie, chốt gác giữa Đông và Tây Berlin, cũng luôn có hoa tươi. Có lẽ ngay chính người Mỹ, sau những chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq, cũng thèm khát hình ảnh của chính mình trên bờ biển Normandy hay ở cái Checkpoint Charlie ấy. Từng là một người lính ở Campuchia tôi hiểu, không có người lính nào sẵn sàng hy sinh nếu không nghĩ, sứ mệnh của mình là giải phóng. Nhưng, không chỉ những người đã nằm xuống, người lính thường kết thúc sứ mệnh sau khi buông súng, mà những việc có ảnh hưởng tới “các giá trị thiêng liêng” khi ấy mới thực sự bắt đầu. Một cuộc chiến không còn được coi là “giải phóng” nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là độc lập tự do .

Huy Đức
Nguồn blogosin.org
Đọc thêm rfa.org - berlinwall.com - dcvonline.net - bbc.co.uk Video TQ bắt ngư dân VN

Nguoibuongio blog


Đại Vệ chí dị
(tiếp theo)

Năm ấy ngoài khơi nước Vệ có nhiều chuyện biến động, thủy quân nước Tề bắn giết ngư dân Vệ công khai như vua quan nước Tề thường hay đi săn thú tiêu khiển. Nước Tề tuyên bố tất cả phần lớn lãnh hải của Vệ thuộc về nước Tề. Cái này Tề Vương đã nhắc cho Vệ vương hồi hai nước mới trở lại bang giao. Lần ấy Vệ Vương mới lên ngôi, nghe Tề Vương nói các chuyện khác đều ầm ừ không nói gì. Chỉ có nói đến quyền lực của mình Vệ Vương mới thực sự bàn mà thôi.

Bởi thế Vệ Vương lần này bối rối không biết bày tỏ ý kiến có nên phản bác với Tề Vương hay không, trong lúc nghĩ cách thì Vệ Vương chốc lại bước ra cửa điện , chắp hai tay vọng về phương Bắc hô câu thần chú.

- Tình hữu hảo Vệ Tề đời đời bền vững núi Thái Sơn, mênh mông nghĩa nặng như biển Nam Hoa.

Vệ Vương nhớ lần sang Tề Quốc chầu buổi nao, lúc ra về Tề Vương nắm tay ần cần dặn dò kẻ mới lên ngôi còn đang bỡ ngỡ, chưa rành thuật cai trị rằng.

- Vì tấm lòng thành của ngươi đối với bản quốc. Nếu sau này có gì nguy cấp, cứ hướng về phương Bắc mà hô cầu thần chú như vầy như vầy sẽ có người giúp.

Mấy lần sau đó trong đời mình gặp lúc nguy khó, như lúc tay chân của Vệ Vương bị chặt đứt trong vụ tham nhũng cầu đường. Manh mối lần gần đến ngai vàng. Mạnh Vương trai giới 3 ngày 3 đêm trước sân điện niệm thần chú hữu hảo Vệ Tề. Nhờ thế mà mọi việc suôn sẻ.

Lại nói chuyện biển đảo lan truyền khắp nước Vệ, dân Vệ nhiều người phẫn nộ với quân Tề lắm. Tuy Vệ Vương sai người bưng bít thông tin, nhưng sự việc cứ ầm ĩ lan tràn. Vệ Vương mới họp các mưu thần bàn kế đối phó. Mưu thần Tôn Dưa hỏi.

- Chuyện này đối phó với ai mới là quan trọng , đối với Tề hay đối với sự phẫn nộ của dân Vệ. Đại Vương có chủ ý chưa?

Vệ Vương than rằng.
- Nước Tề là chỗ trông cậy của triều Vệ nhà ta, đối phó thế nào đây?

Tôn Dưa mới được cất nhắc lên làm đại thần nghị sự, tỏ ra tháo vát bàn.
- Cái nào khó đối phó thì tạm gác lại đó, cái nào dễ thì đối phó trước. Phàm là đấng minh quân phải biết chọn cái dễ mà làm.

Vệ Vương dường như khơi trúng tâm tư, thở phào trút gánh nặng ngàn cân. Cất lời hỏi.
- Vậy làm thế nào?

Tôn Dưa bước lên ghé tai Vệ Vương thì thầm, lời nói đến đâu Vệ Vương rạng rỡ mặt mày đến đấy. Tay vỗ thành ngai vàng khen liên tục.
- Hay, hay quả là kỳ diệu, kỳ diệu.

Tôn Dưa lui về chỗ, Vệ Vương lấy vẻ oai vệ thường ngày tức thì, tóc lại bóng mượt, mồm uốn éo tròn vo, đầu ngẩng cao nhìn khắp lượt quần thần đoạn ngạo ngễ hỏi.
- Quan bộ hình ở đâu?

Quan bộ hình bước ra giữa triều nghe Vệ Vương ung dung huấn dụ.
- Nay bản vương lệnh cho ngươi xem xét những kẻ bàn về chủ quyền biển đảo những điều sau. Xem thân nhân, lý lịch có tiền án, tiền sự không, có thân nhân từng là quan quân triều Ngụy hay không, xem có đóng thuế đầy đủ, có nợ nần ai hay không, có quan hệ với các thế lực Vệ Kiều hải ngoại hay không, có quan hệ nam nữ bất chính hay không, chấp hành luật giao thông hay không.Thu nhập thế nào, tại nơi làm việc đồng nghiệp có phàn nàn gì, hàng xóm láng giềng có gây bất hòa gì hay không, có bất mãn với triều đình hay có âm mưu cơ hội làm chính trị hay không, có bị bênh tâm thần hay không... với quyền lực mà ngươi có. Ta không nghĩ ngươi để ta thất vọng.

Sau 3 tháng thi hành huấn dụ của Vệ Vương, người nước Vệ không còn mấy ai quan tâm đến biển đảo. Người thì lo chạy tiền đóng thuế, người thi lo thanh minh về việc trước kia quá túng ăn trộm con gà, người đi xin giấy chứng nhận mình không bị tâm thần để khỏi bị tống vào nhà thương điên. Nhiều kẻ bị bắt vì những tội danh khác nhau... đến nỗi ở quán xá có kẻ nhắc đến biển đảo, bạn hữu ngồi cùng bàn vội bịt miệng kẻ đó lại mà nói rằng.
- Ba năm trước ông mới đánh bài với tôi nhân dip ngày xuân. Tôi không muốn vì ông mà bị bắt vì tội đánh bạc từ năm nào đâu.? Xin ông thận trọng giữ mình.

Hàng xóm, đồng nghiệp ghét nhau, trong đơn tố cáo hay nhận xét khuyết điểm thường có kèm câu là tên Mỗ, tên Na..trong đời sống hàng ngày hoặc công việc thường nhắc tới chủ quyền biển đảo của nước Vệ.

Trong kinh thành có một vị tướng già về hưu đã lâu, nổi tiếng là người can đảm, thao lược. Ông từng lên án nhiều sai trái cỉa triều đình. Thiên hạ ai cũng cho ông là người chính trực dám nói thẳng. Ngày nọ có kẻ lưu manh gặp ông mà hỏi rằng.
- Ông là người chính trực có tiếng trong thiên hạ, sử sách đều ghi. Nay kẻ hèn này xin hỏi ông một câu, những vùng biển đảo mà nước Tề đang rắp tâm chiếm kia có phải của nước Vệ không?

Vị tướng già cúi đầu buồn bã nói.
- Ta thì không chắc đã có tội gì, nhưng con cháu ta thì lại càng không chắc. Chuyện biển đảo là do triều đình quyết định. Ta khuyên anh lên chăm lo làm ăn, kiếm nhiều bạc nén mà vun vén gia đình nhà mình. Chuyện chính sự do triều đình và cũng do vận nước. Cá nhân thì nhỏ bé lắm.

Ngoài chợ thiên hạ đã thôi xầm xì vể biển đảo, trong triều ở quân đội có vài vị tướng lãnh vì máu trận chiến vẫn còn. Đôi lúc thường chất vấn triều đình về chủ quyền lãnh thổ. Vệ Vương goi lên hỏi.
- Gia đình các anh đi du lịch ở đâu?

Các tướng lãnh thưa rằng.
- Ở bên sứ xở của người da trắng, tóc vàng hay ít ra là bên Hồng, Thái, Sing...

Vệ vương hỏi?
- Thế có ăn cá biển của ngư dân nước Vệ ướp đá mấy ngày từ ngoài khơi mang về kinh đô, lại thêm hóa chất bảo quản của nước Tề không?

Các tướng lãnh thưa rằng:
- Không ạ, chúng thần ăn cá đóng hộp của các nước có tiêu chuẩn thực phẩm khắt khe. Chúng thần phải giữ gìn sức khỏe để bảo vệ tổ quốc.

Vệ Vương cười khà khà.
- Các anh cũng như ta, cả đời chúng ta có đi du lịch ở những chỗ nước Tề chiếm đâu, có ăn cá của ngư dân chúng ta đánh đâu. Vậy thì hà cớ gì các anh hỏi ta khi mà chúng ta đang giữ gìn sức khỏe của mình để xây dựng đất nước phồn vinh, ổn định nền chính trị nhỉ?

Các tướng lãnh nghe xong, ngộ ra ý của Vệ Vương. Chắp tay đồng thanh hô lớn.
- Đại Vương anh minh, nước Vệ hưng thịnh.Quân Vệ hùng cường, dân Vệ, dân Vệ...
Thấy các tướng lắp bắp mãi đoạn dân Vệ. Vệ Vương trên ngai vàng xua tay.
- Thôi thôi các người lui, dân Vệ vốn hiền lành, triều đình bảo thế nào là thế vậy. Không cần đưa họ vào khẩu hiệu.

Các tướng lãnh ra về. Vệ Vương ưu tư đi trong điện. Lát sau ngài đợi cho cung điện vắng vẻ ra sân vọng về hướng Bắc niệm thần chú hộ mệnh. Những tên lính hầu trong điện đang thực hiện nghi lễ đổi phiên gác mới. Bầu trời dần lên từ phía Đông, nước Vệ bắt đầu một ngày bằng những tia ánh sáng mặt trời đỏ thẫm như máu khô của những ngư dân trên chết biển vì đạn quân Tề. Trong ánh sáng của mặt trời đi qua biển Đông có cả mùi tanh tanh của máu.

Người buôn gió

Nguồn nguoibuongio Đọc thêm rfa.org - người buôn gió - Video TQ bắt ngư dân VN

Friday, August 28, 2009

Thơ Nguyễn Ngọc Phú


Về quê

Đường về quê ngả vào rơm rạ
Ký ức cộm hạt thóc gầy
Ao quê hoa bèo phủ lấp
Cá vừa búng thót giữa tay.

Tóc ta ngây ngây sợi khói
Bước chân nhún nhảy cào cào
Xa quê quên ngồi thổi sáo
Hồn tre giờ dạt về đâu.

Bến đò đã lâu vắng khách
Bóng ai còn đọng chân cầu
Có tiếng gì rơi trong vắt
Tơ trời nắng kéo vào sâu...

Về quê ta thành khách lạ
Gặp ai cũng muốn hỏi chào
Tổ tiên xanh rì mộ cỏ
Còi xe vương víu làm sao.
Ước chi thành cây lúa nếp
Trổ bông - Mẹ đỡ rầu lòng
Đã lâu rồi quên nhóm bếp
Ngõ quê đỏ mắt chờ mong...

Nguyễn Ngọc Phú
Nguồn xuthanh.net

Wednesday, August 26, 2009

Nghệ thuật nhân gian


Ruộng bậc thang vùng rừng núi Bắc Việt
































Vùng núi cao tỉnh biên cương Lào Cai có hai mùa tuyệt đẹp để ngắm cảnh kỳ thú của ruộng bậc thang: Mùa nước đổ vào vụ cấy đẹp như tranh thủy mặc và mùa thu khi lúa chín vàng trải dài ven sườn núi mờ sương…

Là vùng tiểu khí hậu á nhiệt đới gió mùa và phải chờ nước mưa đổ xuống (đồng bào ở đây gọi là mùa nước đổ), vùng cao Lào Cai cũng như một số tỉnh Tây Bắc đến tháng 5-6 hằng năm mới vào vụ gieo cấy lúa. Ðây là thời gian xuất hiện những cảnh đẹp nhất mùa hè trên những cánh đồng ruộng bậc thang lượn quanh ngọn núi cao của Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai.

Ruộng bậc thang ở Lào Cai có từ hàng trăm năm nay và đều do những đôi bàn tay tài hoa của người Dao, Mông, Hà Nhì, Giáy, Tày, Xa Phó… đời này nối tiếp đời kia tạo ra.

Những cánh đồng bậc thang không chỉ là tuyệt tác mà còn là những bồ thóc di động của đồng bào các dân tộc miền núi. Ðây là phương thức canh tác nông nghiệp hiệu quả, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo cho Lào Cai từ nhiều năm nay.

Ruộng bậc thang ở Lào Cai còn là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế và du khách các tỉnh phương Nam mỗi khi lên vùng Tây Bắc của đất nước.

Những đường nét, mảng màu không chủ đích của những "nghệ sĩ" nông dân Sa Pa hút hồn bao du khách.


Nguồn internet

Tuesday, August 25, 2009

Lý nhân duyên


Nhân duyên hội ngộ thời

Giả thử bách thiên kiếp, Sở tác nghiệp bất vong!
Nhân duyên hội ngộ thời, tự tác hoàn tự thọ!
Ở một vùng quê bên nước Anh, có gia đình nọ chuyên nghề làm vườn, gồm hai vợ chồng và đứa con trai duy nhất, vi hoàn cảnh quá nghèo, nên cậu con chưa học hết Tiểu học đã phải ở nhà giúp đỡ cha mẹ việc trồng tiả, hoặc đôi khi lên rừng lấy củi, kể cả việc câu cá ở một cái hồ lớn rất đẹp gần nhà, để thêm lương thực cho bữa ăn। Trong các việc làm phụ giúp cha mẹ, cậu bé thích nhất là đi câu, bởi vì mỗi buổi đi câu là mỗi lần được tắm, bơi thỏa thích. Cậu bơi tuyệt giỏi, đến mức bạn bè trong xóm gọi cậu là "thằng Rái Cá" (Otter boy).

Một hôm, khi "thằng Rái Cá" cắm xong mớ cần câu ở góc hồ, đang tính cởi áo nhào xuống nước bơi một tăng cho đã đời, thì nó thấy 3 chiếc xe limousine sang trọng trờ tới đậu ngay gần đó, nên nó khớp không tắm nữa, leo lên cây đại lăng ở cạnh hồ, núp mình trong tàng lá để canh chừng cần câu và cũng để ngắm nhìn toán du khách sang trọng.

Toán du khách đó, chính là một gia đình giầu có, quyền qúy, vào hàng đệ nhất Qúy Tộc của Vương Quốc Anh, họ từ Thủ Đô Luân Đôn đi du ngoạn miền quê, thăm dân cho biết sự tình. Dưới trời nắng đẹp, một cái tăng lớn được căng lên lộng lẫy, bàn ghế picnic bầy ra và thức ăn, cao lương mĩ vị dọn tràn đầy. Tiếng nhạc êm đềm réo rắt tỏa vang.Rồi đoàn du khách nhập tiệc. Kẻ ăn, người uống, kẻ khiêu vũ, người chụp hình ...

Một lát sau, "thằng Rái cá" ngồi thu mình trên cành cây đại lăng, nhìn thấy một đứa trẻ trong đám du khách, chắc cũng 11, 12 tuổi, cỡ tuổi nó, thay đồ tắm và lội xuống hồ bơi qua bơi lại. Dường như những người lớn chăm chú vào việc ăn uống chuyện trò, không mấy ai để ý đến đứa trẻ ở dưới hồ. Riêng "thằng Rái Cá" nó tò mò quan sát đứa trẻ...

Ồ, coi kìa thằng này bơi gì dở ẹc! rõ ràng là nó không biết bơi ếch, bơi sải, bơi bướm gì cả, đến bơi ngửa chắc cu cậu cũng chẳng làm được. Nó chỉ đập loạn tay chân lên thôi, cái điệu bơi chó như thế là không khá được!

Chợt "thằng Rái Cá" nhoài mình ra chăm chú nhìn, nó thấy 2 con bạch thiên nga từ xa bơi tới phía đứa trẻ, và đứa trẻ chắc là thích con bạch thiên nga nên bơi theo, ... chết chưa ! nó bơi tuốt ra xa qúa rồi, chỗ đó rất sâu, nguy hiểm lắm! Đúng lúc đó, có tiếng thét cấp cứu của đứa trẻ "Help me! Help...Help! !!" Toán du khách khi ấy kịp nghe và nhìn thấy, nhưng thay vì phải nhào ra cứu đứa trẻ, thì họ ồn ào, nhốn nháo cả lên, hai ba người xuống hồ với cả áo quần, nhưng chỉ lội ra nước đến cổ thì đứng lại.

Trời đất! hóa ra chẳng ai biết bơi cả! mà ngoài xa đứa trẻ đuối sức có vẻ muốn chìm rồi!

Không đợi lâu hơn được nữa, từ trên cành cây cao, "thằng Rái cá" phóng xuống chạy bay ra hồ trước con mắt ngạc nhiên của tất cả đoàn du khách. Tới bờ cao, nó nhún mình lao xuống nước trong tư thế plunge tuyệt đẹp, và chỉ loáng mắt đã sải tay bơi tới chỗ đứa trẻ bị nạn, nó hụp lặn xuống xốc nách đứa trẻ và như một chuyên viên rescue lành nghề, nó nghiêng người bơi xoải từ từ vào bờ, trước sự chứng kiến xúc động và tràng pháo tay reo mừng của mọi người. Khi tới bờ, đứa trẻ bị nạn được nhiều người xúm lại khiêng lên đưa vào giữa tăng, và tại đó có sẵn một vị Bác Sĩ (trong toán du khách) lo việc cấp cứu hồi sinh cho đứa trẻ.

Chừng một tiếng đồng hồ sau, không khí an toàn tươi vui trở lại với mọi người trong toán du khách, đứa trẻ qua tai nạn hiểm nguy, bây giờ quấn mình trong chiếc mền len và đang được uống mấy muỗng soup. Lúc ấy người ta mới chợt nhớ tới vị Ân Nhân vừa cứu sống nó. Ô hay, cái thằng bé con bơi giỏi hồi nãy đâu rồi nhỉ ? mọi người đổ xô đi tìm, lát sau phát giác ra chỗ ẩn của nó, "thằng Rái Cá" trèo lên ngồi yên chỗ cũ, trên cành cây đại lăng. Nó được gọi xuống và trịnh trọng đưa tới trình diện trước một vị Qúi Tộc, Ông này chính là cha của đứa trẻ vừa bị nạn.

- Hỡi con, (Vị Qúi Tộc nói với "thằng Rái Cá") con vừa làm một chuyện vĩ đại mà tất cả chúng ta đây không ai làm được, Ta xin thay mặt toàn thể cám ơn con.
- Bẩm Ông, ("thằng Rái Cá" lễ phép thưa) con có làm gì vĩ đại đâu! bơi lội là nghề của con mà... con cứu em là chuyện nhỏ, chuyện phải làm và cũng là chuyện thường đâu có gì khó khăn vĩ đại. Xin Ông đừng bận tâm !
- Không đâu con ơi ! con đã cứu mạng con trai Ta, gia đình Ta và Hội Đồng Qúi Tộc mãi mãi mang ơn con, nay ta muốn đền ơn con, vậy con muốn điều gì hãy nói cho Ta biết.

"Thằng Rái Cá" nghe hỏi vậy, ngập ngừng giây lát, rồi ngỏ ý muốn xin vài ổ mì dư thừa đem về cho cha mẹ. Lòng hiếu thảo của nó đã khiến cho Vị Qúi Tộc và nhiều du khách cảm động rơi lệ. Vị Qúi Tộc ôm nó vào lòng và nói:

- Hỡi con, điều con vừa xin là chuyện nhỏ, và đó chính là bổn phận của Ta, Ta biết Ta sẽ phải làm gì cho con và gia đình con. Nhưng câu hỏi của Ta là sau này lớn lên con ước mơ sẽ làm gì ?"Thằng Rái Cá" chỉ tay vào vị Bác sĩ khi nãy cấp cứu hồi sinh cho đứa trẻ bị nạn, trả lời:
- Lớn lên, con muốn làm việc cứu người như ông kia.
- Ồ, con muốn làm Bác Sĩ, tốt lắm! với Ta đó cũng là chuyện nhỏ thôi, Ta sẽ giúp con।

Câu chuyện nhỏ trên đây, có phần kết luận không nhỏ mà thật là vĩ đại, bởi vì đứa trẻ bị chết đuối hụt, có tên là Winston Churchill, sau này là vị Thủ tướng đã làm rạng danh nước Anh, một vĩ nhân tài giỏi lỗi lạc của Thế giới vào thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Còn "thằng Rái Cá", cậu bé đã cứu mạng Churchill tên là Fleming, sau này trở thành vị Bác sĩ tài ba lừng danh hoàn cầu, Fleming chính là Nhà Bác Học đã tìm ra thuốc Trụ sinh Penicilin, cứu mạng biết bao nhiêu người trên thế giới, Ông đích thực là vị Ân nhân vĩ đại của cả nhân loại।

Từ khởi đầu, chuyện chỉ là một chuyện nhỏ, sự hi sinh, vị tha, sự cho đi rất nhỏ nhoi! nhưng nhờ đó, thành qủa sau này đem đến cho cả nhân loại đã vô cùng lớn lao kỳ vỹ.

Câu chuyện còn thêm cho phần kết luận điều lý thú nữa, là một ngày nọ Thủ tướng Churchill bị lâm trọng bịnh, đến nỗi đã hôn mê, nhiều bác sĩ phải lắc đầu, tính mạng Ông ở vào lúc nguy kịch nhất, thì Fleming xuất hiện như một tiền duyên định mệnh, và vị bác sĩ tài ba này, đã lại một lần nữa cứu sống người Bạn cố tri của mình। Khi tỉnh dậy sau cơn mê, mở mắt ra nhìn thấy Fleming, Churchill ngạc nhiên xúc động và nói rằng:

- Fleming ! có phải cứ mỗi lần tôi sắp chìm, Chúa lại cho Bạn tới vớt tôi lên?
- Churchill, chúng ta hãy cám ơn Chúa ! nhưng không hẳn là tôi (Fleming giơ ra một viên thuốc nhỏ tí xíu) bởi cái này đây, chính cái này đã cứu bạn đó ... chuyên nhỏ mà!

Nguồn internet