Sunday, February 28, 2010

Thơ Nguyễn Ngọc Tư


Chốn về

Tôi có một ngôi nhà khép cửa,
chưa bao giờ tôi mời ai tới đó,
Ngủ sâu trên giá những bức tượng đất nung buồn bã
cuộc trình diễn không người…

Hoa sứ sân sau nở ngậm ngùi
Chỉ một người ngồi ngắm,
Tôi không bóng
Ngủ sâu không ai gọi
Say nắng không ai lay,
Không ai dắt tay qua ác mộng ngày.

Máu chảy tự khô, vết đau tự liếm láp, hát tự nghe
trong ngôi nhà khép cửa,
chưa bao giờ tôi mời ai tới đó,
Bởi không thể đeo mặt nạ
không thể nói những lời xa lạ
ở nơi trú ẩn cuối cùng.


Nguyễn Ngọc Tư
Nguồn vanhocquenha

Thursday, February 25, 2010

Nguyễn Trần Diệu Hương


Vượt Biển Một Mình

Ngày 30 tháng Tư 1975, Saigon sụp đổ. Những gia đình đang ở trong các cư xá sĩ quan, cư xá công chức bị đuổi ra khỏi nhà. Cùng chung số phận, gia đình chúng tôi bị đuổi khỏi mái nhà thân yêu trong cư xá, nơi chúng tôi có một thời nhỏ dại êm ả. Mẹ đưa chúng tôi về căn nhà riêng Ba Mẹ đã xây nên bằng công sức của Ba Mẹ, nhưng nhà này cũng bị tịch thu. Sau hai lần mất nhà, chúng tôi lớn lên như câu ca dao "Còn cha gót đỏ như son, mất cha lăn lóc như lon sữa bò." Ba chúng tôi còn sống, nhưng đang bị đầy ải trong trại cải tạo ở núi rừng âm u đầy chướng khí của miền Bắc. Những ngày u ám đó in hằn vào đầu óc của chúng tôi, khiến chúng tôi trưởng thành sớm hơn tuổi của mình, vì chỉ được xã hội cho nếm mùi cay đắng.

Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người. Cũng như rất nhiều người vợ lính khác, Mẹ đảm đang, xuôi ngược nuôi chúng tôi, nuôi Ba trong các trại tù cải tạo từ Bắc vào Nam. Tất cả những điều đó đẩy chúng tôi đến đường cùng, không còn lựa chọn nào khác hơn là phải đưa chính mạng sống của mình đánh cuộc với định mệnh, với đại dương. Còn nhớ thời đó, người dân miền Nam Việt Nam vẫn truyền miệng một câu ngạn ngữ của thời đại "Một là con nuôi mẹ, hai là mẹ nuôi con, ba là con nuôi cá." Cứ thế một hai ba Mẹ lo cho con một mình vượt biển. Khả năng vượt thoát chỉ là một phần ba. Ròng rã gần mười lăm năm dài, từ cuối năm 1975 đến đầu năm 1990, hàng trăm ngàn thuyền nhân (hay theo như cách gọi của UNHCR United Nations High Commissions for Refugees, Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc là "Boat People") đã đến được bờ bến tự do. Cùng lúc, hàng trăm ngàn thuyền nhân khác gởi thân vào lòng đại dương.

Chưa qua khỏi tuổi thơ, nước mất, nhà tan, chúng tôi, không có thời mới lớn, tự động bước vào tuổi trưởng thành trước những khó khăn của Mẹ, vượt quá nỗi khổ của bà Tú Xương ở thế kỷ mười chín, vừa nuôi chồng trong tù cải tạo, vừa nuôi một bầy con dại còn ở Tiểu học hoặc ở những năm đầu Trung học. Từng đứa một, khi có điều kiện, Mẹ gởi chúng tôi ra đi.

Đến phiên tôi, Mẹ chỉ đưa được tôi ra bến xe liên tỉnh để đi Vũng Tàu. Cả hai mẹ con đều đội nón lá rộng vành để che những giọt nước mắt lã chã rơi không ngừng. Mẹ khóc nhiều hơn những lần đưa các anh em trai của tôi ra đi, vì tôi là con gái duy nhất trong nhà, thân gái dậm trường. Ngồi trên xe đò từ Saigon về Vũng Tàu, trong một góc xe đò, tôi úp nón lên mặt, để che đôi mắt sưng đỏ vì khóc của mình.

Gần một tuần lênh đênh trên đại dương, chỉ có trời và nước, xanh thẫm ban ngày, đen kịt ban đêm, không có cả một cánh chim, tôi nhớ Ba, nhớ Mẹ quay quắt, nhưng vẫn hài lòng với chọn lựa của mình. Hai ngày đầu, như mọi người trong lòng thuyền, tôi bị say sóng, nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là "mửa mật". Vậy mà chỉ hai ngày sau, quen dần với cảm giác bập bềnh của con thuyền nhỏ trước lực đẩy của nước ở đại dương, tôi tỉnh táo lại hoàn toàn với đầy đủ sinh lực của "tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu" mặc dù đã hai ngày không ăn uống. Khi thuyền ra hải phận quốc tế, chúng tôi được lên khoang thuyền hít thở không khí trong lành đầy vị mặn của đại dương, hình như có thoang thoảng mùi vị của tự do.

May mắn hơn những người tỵ nạn khác, chúng tôi đi bình yên, không gặp một thuyền nào khác. Trời êm biển lặng vào tháng sáu đầu mùa hè đưa chúng tôi đến thẳng đất liền của Mã Lai sau năm ngày sáu đêm lênh đênh trên biến.

Lên tới đất liền, cùng với chú lái tàu, tôi phải vận dụng vốn liếng tiếng Anh hạn chế đã tích lũy trong những tháng năm chuẩn bị vượt biên để giải thích cho nhân viên Cảnh sát Mã Lai biết chúng tôi là ai, tại sao chúng tôi đặt chân đến đây. Đó chỉ là lần đầu, một khởi đầu kéo dài mãi cho đến bây giờ, phải giải thích tương tự cho rất nhiều người khác nhau thuộc nhiều chủng tộc hiểu tại sao chúng tôi phải bỏ quê hương ra đi để sống đời lưu vong.

Những giờ phút đầu tiên trên đất liền, chúng tôi lại bị "say đất". Quen với trạng thái bồng bềnh, trôi nổi trên mặt nước; khi trở lại mặt đất bằng phẳng, mỗi lần đặt bước chân xuống, tôi có cảm giác mặt đất chao đảo như còn trên mặt sóng nhấp nhô. Sau hai ngày bận rộn với đủ thứ giấy tờ khai báo với cảnh sát địa phương Mã Lai, chúng tôi được đưa ra trại Pulau Bidong, trại tỵ nạn chính thức của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp quốc đặt trên lãnh thổ Malaysia để thành một người tỵ nạn chính thức có số căn cước thuyền nhân, chờ được phỏng vấn định cư ở một nước thứ ba. Lần này, hành trình từ đất liền ra đảo Pulau Bidong vững chắc hơn trên một thuyền khá lớn của UNHCR, có tên là "Blue Dart", khoảng cách lại ngắn, nên chúng tôi không bị say sóng.

Trại tỵ nạn Pulau Bidong đã dược xây dựng tương đối đầy đủ khi chúng tôi đến đảo vào giữa thập niên 80, có đủ trường Tiểu học, Trung học cho trẻ em, trường huấn nghệ (Vocational School) cho người lớn, có thư viện, có cả Chùa, Nhà thờ trên "đồi tôn giáo", có Bệnh viện với cái tên khá ngộ nghĩnh và dễ nhớ là "Sick Bay". Chúng tôi được đón tiếp với những thùng mì ăn liền vĩ đại hãy còn bốc khói, giống hệt như những thùng mì Liên Hiệp Quốc phân phàt cho nạn nhân của thiên tai Tsunami ở South Asia cuối năm 2004.

Lần đầu tiên ăn đồ cứu trợ, sống bằng lòng nhân đạo của người khác, một thân một mình ở trại tỵ nạn của một đất nước khác, nước mắt tôi lăn dài, nghĩ đến Ba vẫn đang mỏi mòn trong ngục tù cải tạo ở núi rừng âm u đầy chướng khí của miền Bắc vẫn thiếu ăn, thiếu mặc; nghĩ đến Mẹ đang vò võ một mình ở nhà, chắc là vẫn đang cầu nguyện cho bầy con đã tứ tán mỗi đứa một quốc gia, một phương trời khác nhau, ở tuổi chưa đến hai mươi.

Tưởng là mình đã rất can đảm khi dám chấp nhận cảnh "thân gái dặm trường", không ngờ, ở trại tỵ nạn Pulau Bidong, đến khu vực Cô nhi (Minor Refugees Residential Section), dành cho các em dưới mười sáu tuổi đến trại tỵ nạn một mình, tôi thấy em nhỏ nhất chỉ mới sáu tuổi.

Ở đó, có Hanh, chỉ mới mười một tuổi, thông minh, đầy cương nghị, có Bố đang bị "học tập cải tạo" - như Ba tôi - được Mẹ gởi đi vượt biển một mình trên một thuyền bị hải tặc, mọi người đói lả gần ba ngày trước khi đến được trại tỵ nạn. Ở trại tỵ nạn, cậu bé tuy mới mười một tuổi nhưng có sự khôn ngoan và nét chửng chạc cúa một người ngoài hai mươi học hành chăm chỉ, hết học Anh Văn lại quay qua học Toán, quanh quẩn cả ngày ở trường Trung học trên đảo Pulau Bidong.

Ở đó, có Huyên, một em gái mới mười ba tuổi, cả gia đình mất tích trên biển khi thuyền bị lật. Như một phép màu, Huyên bám được một thùng plastic rỗng, trôi nổi bồng bềnh giữa đại dương gần nửa ngày, trước khi được một tàu tỵ nạn khác đi ngang vớt lên. Người ta đã thấy cô bé Việt Nam nhỏ bé mắt nhắm nghiền, gần như hôn mê bất tĩnh. thân xác mỏng manh như chiếc lá khô, hai tay vẫn còn bám chặt cái thùng nhựa rỗng bồng bềnh trên đại dương.

Ở đó, có Việt, rất thâm trầm, dù mới mười lăm tuổi, nhà cửa bị tịch thu, Ba bị giam ở khám Chí Hòa vì "tội nhà giàu", Mẹ gởi em ra đi với nhà hàng xóm để thoát khỏi tương lai đen tối của giai cấp "tư sản mại bản".

Còn biết bao các em khác nữa. Mười một tháng sau đó ở Pulau Bidong, với vốn liếng Anh ngữ từ những năm ở trường Trung học, và những sách vở của thư viện trên đảo, tôi đã có cơ hội giúp cho UNHCR và cả các phái đoàn Mỹ, Canada, Úc trong việc thông dịch mỗi khi họ đến phỏng vấn thuyền nhân.

Mãi đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác xót xa khi nhớ lại những lần thông dịch cho những ngưồi đàn bà, con gái Việt Nam bị làm nhục bởi hải tặc trên đường vượt biển, em nhỏ nhất chỉ mới mười hai tuổi. Hồi đó, Cao ủy trưởng Alan ở Pulau Bidong chỉ định tôi chuyên làm công việc thông dịch đàn bà con gái trong các cuộc phỏng vấn các thuyền vượt biển bị hài tặc. Đó là một công việc rất tế nhị và đầy xót xa. Đến một độ nào đó, nỗi đau vượt quá sức chịu đựng, người ta mất cảm giác. Nhiều người nữ thuyền nhân, mặt còn đầy nỗi kinh hoàng nhưng kể lại từng chi tiết ô nhục mà chính mình phải gánh chịu với giọng đều đều, thản nhiên, lạnh lùng như nói chuyện trời mưa, trời nắng, trong khi chính tôi và cô May, Cao ủy của UNHCR đã giọt ngắn giọt dài. Mỗi lần dịch hay viết xong một hồ sơ tàu tỵ nạn bị cướp, tay áo tôi ướt đẫm vì nước mắt. Tôi vẫn tự hỏi thủ phạm trực tiếp cho nỗi đau này là hải tặc Thái Lan, thủ phạm gián tiếp thực sự là ai?

Đó là khoảng thời gian rất bận rộn với công việc thông dịch ban ngày giúp cho nhân viên Cao ủy Tỵ nạn. Ban đêm, tôi còn dạy thiện nguyện cho các em , chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi, ở trường Trung học trên trại Tỵ nạn. Trường chỉ dạy hai môn Anh văn và Toán. Sách học là những quyển sách đơn giản tương đương trình độ của bộ "English for Today" quyển I đến quyển III. Trước ngày ra đi, tôi chỉ mới học xong quyển IV ở Việt Nam , nhưng nhờ làm việc, tiếp xúc nhiều với các nhân viên UNHCR, và bằng long thương yêu các em chân thành như em ruột của chính mình, tôi mang hết kiến thức và hiểu biết của mình truyền lại cho các em, mặc dù tôi chưa hề được qua một trường lớp nào về Sư phạm. Chúng tôi, những người dạy thiện nguyện ở trường Trung hoc, vẫn đùa với nhau là mình đã theo một "trường phái sư phạm mới", lối dạy "mèo nhỏ tha chuột lớn".

Có lần, giải nghiã cho các em một từ mới, "dignity" - có nghĩa là phẩm giá - tôi không biết làm thế nào để giảng cho các em hiểu, đành viết lên bằng câu thí dụ "We lost everything, but never lose our dignity". Viết đến đó, tự dưng nước mắt tôi lăn dài, các em ở tuổi mười bốn, mười lăm lúc đó cũng khóc theo. Những giọt nước mắt đó vẫn còn đọng trong tâm khảm tôi cho đến bây giờ, cùng có niềm tin ở một thế hệ trẻ lưu vong có đầy đủ đầu óc và trái tim Chắc chắn, các em học sinh lúc đó, trên bước đường tha hương sau này, sẽ nhớ và hiểu nghiã chữ "dignity" hơn ai hết, và các em sẽ sống xứng đáng với lòng kỳ vọng của thân sinh các em, khi Ba Mẹ các em đã phải đứt ruột gởi con ra biển một mình.

Mỗi tuần hai lần, tàu "Blue Dart" của UNHCR cho nước ngọt, mì gói, gạo và thực phẩm tươi gồm gà và rau cải, đôi khi còn có dưa hấu hay thơm, vào cho thuyền nhân. Hầu hết chúng tôi đến trại tỵ nạn chỉ với một bộ quần áo dính trên người. Chúng tôi được phát áo quần từ một kho áo quần "second hand", tương tự như áo quần cũ bán trong Goods Will ở Mỹ. Áo quần thường rộng thùng thình, quá khổ, nhưng chúng tôi tự sửa lại đúng với kích thước của mình. Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp quốc đã rất là chu toàn trong việc bảo vệ và chăm lo cho những người tỵ nạn chính trị, Đến lúc được chuyển qua trại chuyển tiếp Bataan ở Philippines để được hướng dẫn về đời sống văn minh của Mỹ trước khi chính thức đến Mỹ như một người tỵ nạn, chúng tôi được huấn luyện chương trình buổi sáng, buổi chiều làm "Teacher Aid" cho các giảng viên người Phi. Ở đó, đời sống đầy đủ hơn, và lạc quan hơn vì chúng tôi biết chắc chắn ngày mình được định cư ở Mỹ. Và cũng ở đó, tôi có thì giờ tự học nhiều hơn cho chính mình, chuẩn bị một thời kỳ gian nan khác, một khởi đầu từ con số không ở quê hương thứ hai. Một vài lần được về chơi ở Manila (thủ đô của Philippines), những chuyến du lịch đặc biệt bằng xe bus dành riêng cho các "Teacher Aid", chúng tôi vẫn ngậm ngùi thương cho sự lạc hậu của đất nước mình ngay cả khi so sánh với các nước Á châu khác như Philippines.

"Nỗi buồn nhược tiểu" đó càng tăng cao khi trên đường bay qua Mỹ, tôi được dừng chân hai ngày ở Tokyo - Nhật, thủ đô của nước Á châu giàu mạnh nhất sau khi nếm bài học xương máu với hai cột khói trắng hình nấm khổng lồ ở Hiroshima và Nagasaki cuối thế chiến thứ hai. Tokyo văn minh sáng rực ánh đèn ban đêm tương phản với Saigon lạc hậu tranh tối, tranh sáng, Nước mắt tôi lại chảy xuống cho sự thụt lùi của quê hương đã bị bỏ lại sau lưng.

Tôi đến Mỹ một tuần trước lễ Giáng sinh, cùng một thuyền nhân Việt Nam khác, hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng được giao từ UNHCR, giúp đoàn người tỵ nạn gồm 85 người kể cả một vài người Lào và Cambodia cũng trốn chạy khỏi quê hương như chúng tôi. Giữa những hành khách Mỹ tự tin, cao to, với nhiều hành lý cồng kềnh về nước đoàn tụ với gia đình nhân dịp Giáng sinh và Tết dương lịch, rất dễ nhận ra những người tỵ nạn nhỏ bé, mảnh mai mắt mở to vui mừng lẫn ngơ ngác, chỉ có hai bàn tay trắng với những túi xách của UNHCR và IOM (International Organization for Migration), chỉ có giấy tờ nhập cư vào Mỹ và giấy tờ tùy thân .

Được chuẩn bị đầy đủ với gần 6 tháng học về "American Culture Orientation" ở trại chuyển tiếp Bataan, Philippines, với trình độ Anh văn tương đối sau một năm tiếp xúc và làm thông dịch viên cho nhân viên Cao ủy Tỵ nạn LHQ, tôi không đến nỗi bị lâm vào cảnh "mán về thành", nhưng thật sự đời sống ở Mỹ khác xa với đời sống ở quê nhà như mặt trời với mặt trăng, như ngày với đêm.

Hình ảnh của Ba với mái tóc bạc trắng ở tuổi năm mươi trong lao tù cải tạo, hình ảnh Mẹ với đôi mắt buồn trong những ngày chuẩn bị gởi chúng tôi ra đi là nguồn nghị lực không bao giờ cạn, tiếp sức cho chúng tôi trong thời gian chân ướt chân ráo ở quê hương thứ hai.

Từ nhiều trại tỵ nạn ở nhiều nước khác nhau: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, anh chị em chúng tôi đến Mỹ trong nhiều thời gian khác nhau, được trùng phùng, như trăm sông đổ về biển, và mang sức sống của tuổi hai mươi lao vào đất nước của tự do và cơ hội. Một người bạn cũ của Ba, qua Mỹ từ năm 1975, đang làm ở tổ chức thiện nguyện USCC, giúp tôi có được trợ cấp một lần là 650 dollars dành cho người tỵ nạn mới đến , bác viết cho tôi một reference letter và từ đó " I'm on my own way". Bác cũng giới thiệu cho tôi đến tìm việc làm ở một vài nơi. Trời thương, "thánh nhân đãi kẻ khù khờ", tôi được nhận vào làm full time ở một công ty lớn chỉ hai tuần sau ngày đến Mỹ. Lúc đó là đầu tháng giêng, giữa mùa Đông ở Mỹ, trời lạnh buốt, buổi sáng tôi thức dậy từ sáu giờ ba mươi, trời còn tối, ra đứng chỗ xe bus ở đầu đường, trời lạnh cóng, dưới 40 độ Fahrenheit, tôi phải mặc ba bốn lớp áo, nhưng áo quần cũ chị em chúng tôi đã mua từ Goods Will để vừa với túi tiền của mấy chị em lưu lạc quê người, chỉ có hai bàn tay trắng, với lòng tin của Ba Mẹ đặt ở mỗi chúng tôi. Một tuần sau, chịu không nổi cái lạnh gần đông đá , từ 32 đến 39 độ Fahrenheit của mùa đông thứ nhất ở Mỹ, tôi dùng cái paycheck đầu tiên của mình thuê người dạy lái xe và dốc hết tiền trợ cấp một lần cho người mới đến mua một cái Toyota Celica đã mười bốn tuổi, để đi học và đi làm. Đời sống lúc đó, còn nhỏ, là một hình tam giác với ba đỉnh là nhà, trường học và sở làm không hề có giải trí, không có cả thời gian để buồn và nhớ nhà. Đến Mỹ muộn màng, sau gần mười năm miền Nam sụp đổ, biết thân phận mình là "trâu chậm", chúng tôi lao đầu vào học, không dám để phí thêm một giờ phút nào. Mùa hè, học phí cao hơn, tôi chỉ ghi danh theo học một lớp, và làm part time cho một trạm bán xăng ở gần nhà Nghĩa là lúc đó, tôi đi làm full time, đi học full time quanh năm. Nhiều lúc quá mệt mỏi, tôi lại tự nâng đỡ tinh thần mình bằng câu nói cửa miệng của người Mỹ "No pain, no gain", và nhớ đến kỳ vọng của Ba Mẹ đã đặt ra cho chúng tôi. Buồn nhất là những lần bất chợt nghe được những câu hát rất đúng với tâm trạng của mình: "Ai trở về xứ Việt, nhắn giùm tôi người ấy ở trong tù .....", nghĩ đến Ba, nước mắt tôi vẫn lăn dài, và tự bảo lòng mình phải cố gắng học giỏi hơn để Ba Mẹ vui hơn, đủ nghị lực sống trong đời sống bị khủng bố tinh thần thường xuyên ở quê nhà.

Có lần được phát biểu cảm tưởng với thời gian ba phút trong một lần nhận học bổng, tưởng là sẽ cảm ơn đủ tất cả mọi người và hứa với "scholarship foundation" sẽ cố gắng nhiều hơn, nhưng tôi chỉ nói được gần hai phút: - Xin cảm ơn tất cả thầy cô đã có công dạy dỗ tôi, xin cảm ơn Hội đồng trao tặng học bổng cho tôi. Xin tri ân đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang và cung cấp một đời sống tự do, no đủ cho tất cả những người tỵ nan, lưu vong. Vinh dự hôm nay xin được dành riêng cho tất cả những người đã nằm xuống cho chúng tôi có được ngày hôm nay, và xin đặc biệt danh riêng cho Ba tôi, người vẫn còn đang bị đày ải trong lao tù Cộng sản vì đã ở trong một quân đội bảo vệ tự do, xin được dành riêng cho Mẹ tôi, người đã rất chu toàn trong việc nuôi dậy con cái một mình.

Một phút còn lại, tôi không nói được vì cử tọa trước mặt đã mờ đi sau màn nước mắt, mùi vị đắng cay sau năm 75 ở quê nhà vẫn kéo về với đầy nỗi xót xa, ngay cả trong giờ phút ngọt ngào nhất. Một thầy giáo người Mỹ gốc Ba Lan đã tỵ nạn Cộng sản từ cuối thập niên 60, dạy tôi từ năm đầu Đại học, hiểu rất rõ tâm trạng của một người tỵ nạn, đã lên diễn đàn giúp tôi hoàn tất lời phát biểu. Lần đó, tôi được đặc cách đề cử trực tiếp cho học bổng niên khoá kế tiếp, mà không phải qua những thủ tục bình thường. Món tiền tuy không lớn, cũng đủ để trang trải chi phí sách vở, học phí, ăn ở cho một năm học, là một yểm trợ vật chất lớn lao cho tôi trong ba năm đầu chân ướt chân ráo ở quê người. Có những điều hằn sâu trong ký ức, lúc nào cũng tưởng như mới vừa xẩy ra, như chuyện say sóng đến độ "mửa mật" của những ngày lênh đênh trên đại dương vẫn ám ảnh tôi không nguôi. Cho nên, có lần được chọn là "Employee of the year" được tặng vé cho một chuyến đi cruise trên biển một tuần cho hai người, nhớ lại cảm giác đắng nghét ở miệng, cảm giác mất thăng bằng của những ngày mới đặt chân lên đất liền, tôi đã nhường lại phần thưởng đó cho "the runner up" trước con mắt ngạc nhiên của mọi người làm cùng chỗ. Đó không phải là điều duy nhất người bản xứ không hiểu những người tỵ nạn, những người Mỹ gốc Việt lưu vong. Họ cũng không hiểu tại sao rất nhiều người Việt Nam nhỏ bé ốm yếu vẫn đội mưa đội gió hàng giờ giương cao những tấm biểu ngữ "Human Right for VietNam", "Freedom for VietNam" ở một góc đường nào đó trong đời sống lạnh lùng, đầy tất bật của đất nước Hoa kỳ.

Sau khi đã ổn định, - đã có một "career" đàng hoàng thay cho cái "job" để kiếm sống - có thời tôi đi dạy thiện nguyện cho một trường Việt ngữ ở điạ phương, học sinh là các em teenagers. Dù cùng tuổi nhưng học trò của tôi bây giờ vô tư, ngây thơ, khác xa các em trong trại tỵ nạn chững chạc, trưởng thành trước tuổi. Ở trường Việt ngữ, ngoài bài giảng từ sách của trường, thì giờ còn dư, chúng tôi giảng trích đoạn từ tác phẩm "Mùa hè đỏ lửa" của nhà văn Phan Nhật Nam, từ bài thơ bất khuất "Nếu ai hỏi" của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện để các em hiểu rõ hơn giá trị của tự do, và biết yêu thương cha mẹ hơn, biết ơn cha mẹ các em đã hy sinh rất nhiều để các em có được ngày hôm nay.

Đời sống ở Mỹ vốn tất bật, nhưng một phút bình lặng nào đó của tâm hồn, dù đang bị kẹt xe trên một xa lộ xe cộ tất tả ngược xuôi hay đang ở trong một cuộc họp ở sở, đầu óc tôi vẫn lang thang về với quê nhà, và buồn thay, bao giờ cũng vậy, mùi vị đắng nghét như đang bị "mửa mật", mùi vị chua cay của một thời vẫn hiện về, rõ ràng, mồn một như chuyện hôm qua.

Và có một lần "chuyện hôm qua" càng rõ nét hơn. Đến thăm Massachusetts Institute of Technology (MIT) nổi tiếng về chuyên ngành Toán và Kỹ thuật, đang ngồi chờ người bạn ở cafeteria của trường, bỗng một sinh viên người Á châu đi qua, đi lại trước mặt tôi nhiều lần. Sau cùng, anh ta dừng lại, lịch sự hỏi bằng tiếng Mỹ: - Xin lỗi, chị có phải là cô Thuyên ở trường Trung học Pulau Bidong năm 1988 không?

Tôi trả lời bằng tiếng Việt:

- Đúng rồi, em có thể nhắc cho tôi nhớ em là ai không?

Người thanh niên vui mừng, rồi bằng một thứ tiếng Việt rõ ràng và lễ độ, anh ta trả lời:

- Em là Hanh đây chị, em học cùng lớp với Huyên và Việt ở Pulau Bidong. Chị nhớ em không?

Hanh vẫn nhận ra tôi sau mười lăm năm không gặp, nhưng tôi thì không thể nhìn ra được anh thanh niên cao lớn chững chạc trước mặt mình là cậu bé đen nhẻm, chững chạc, chăm học ở trại tỵ nạn năm xưa, Hanh lúc đó đang ở năm cuối của chương trình Tiến sĩ Toán, như ước mong ngày nào em đã trình bày trong một giờ thực tập nói tiếng Anh ở lớp học nhỏ xíu, mái lợp tôn thô sơ giữa đảo Pulau Bidong. Hanh kể cho tôi nghe về chuyện em đến Mỹ một mình ở tuổi mười hai, cùng với một nhóm ngườI Việt Nam tỵ nạn đặt chân đến Mỹ ở phi trường San Francisco, Hanh đổi máy bay về Massachusetts. Đi một mình, dưới mười lăm tuổi, nên Hanh được một cô Stewardess đích thân dắt lên máy bay trước.

Ra đón cậu bé tỵ nạn Việt Nam ở phi trường Logan Boston - là đại diện của một tổ chức thiện nguyện và cha mẹ nuôi của Hanh. Đó là một gia đình ngươi Mỹ gốc Tiệp Khắc, qua Mỹ tỵ nạn từ thập niên 60s. Dù chưa bao giờ có ý định xin con nuôi, nhưng thấy Hanh là một cậu bé mới mười một tuổi vượt biển một mình, không có thân nhân, nên họ muốn đưa Hanh về nuôi. Cả hai ông bà đều dạy Trung học. Ông dạy Toán, bà dạy Home Economics (tương tự như môn Nữ công gia chánh ở Việt Nam). Người con duy nhất đi học xa, ông bà vẫn làm việc thiện nguyện ở một Nhà thờ Tin lành vào cuối tuần. Khi thấy tên Hanh, một em nhỏ tỵ nạn Việt Nam mới mười một tuổi, không có thân nhân ở Mỹ, được nhà thờ tìm người bảo trợ, họ xin nhận Hanh làm con nuôi. Vẻ chín chắn cùng sự khôn ngoan trước tuổi của Hanh đã chinh phục được lòng thương yêu của bố mẹ nuôi người Mỹ từ lúc đầu. Vì cả hai ông bà đều là nhà giáo, Hanh lại có căn bản về cả tiếng Anh lẫn học lực, lại chăm chỉ học hành nền em được vào thẳng lớp bảy như các học sinh bản xứ mà không gặp trở ngại nào.

Lên Trung học, Hanh tốt nghiệp thủ khoa Trung học. Với sự hướng dẫn quý báu của cha mẹ nuôi, với thành tích học tập xuất sắc trong bốn năm Trung học, cậu bé Hanh tỵ nạn năm xưa nhận được học bỗng toàn phần của MIT, trong niềm hãnh diện của cha mẹ nuôi ở Mỹ lẫn cha mẹ ruột ở Việt Nam. Giữa thập niên 90s của thế kỷ hai mươi, ba mẹ sinh thành cùng hai em của Hanh được qua Mỹ theo chương trình nhân đạo HO. Vậy là Hanh có đến hai ông bố, hai bà mẹ, và hai gia đình cùng ở tiểu bang Massachusetts, trong hai thành phố kế cận nhau. Không muốn làm mất lòng gia đình nào, và để được tập trung học tập, Hanh vào nội trú trong MIT. Mổi thứ bảy về với cha mẹ ruột, ăn món ăn Việt Nam do mẹ nấu, nghe ba kể về những đọa đày ông phải gánh chịu trong các trại "cải tạo". Và mỗi chủ nhật, về lại căn phòng thân thuộc mà cha mẹ nuôi đã dành cho Hanh từ ngày cậu bé Việt Nam, da còn đậm màu nắng gió của trại tỵ nạn, chân ướt, chân ráo đến Mỹ. Căn phòng dù không còn được dùng thường xuyên, nhưng trong closet vẫn còn treo hai bộ áo quần kỷ niệm của Hanh, một bộ Hanh mặc khi mới đến Mỹ được người bảo trợ ra đón, và bộ kia là bộ áo quần đầu tiên Hanh được bố mẹ nuôi mua cho. Ở một góc bàn học, vẫn còn cái lọ thủy tinh có cắm hai lá cờ nhỏ, một sọc trắng đỏ với năm mươi ngôi sao của Mỹ, một màu vàng với ba sọc đỏ của Việt Nam. Trên tường vẫn còn hình Hanh năm mười tám tuổi, chững chạc trong áo mũ và dây choàng thủ khoa (valedictorian) ngày tốt nghiệp Trung học.

Một chi tiết rất cảm động trong câu chuyện của cậu bé tỵ nạn ở Pulau Bidong năm xưa là hồi mới đến Mỹ, mỗi lần được cho kẹo chocolate, Hanh chỉ ăn một phần nhỏ và để dành hầu hết kẹo để gởi về Việt Nam cho hai em và cho các bạn. Điều "bí mật" đó bị phát hiện khi hai ông bà Mỹ thấy cậu con nuôi ăn uống rất chừng mực từ tốn nhưng luôn luôn xin được mua thêm chocolate. Kẹo "để dành" thường được Hanh gói cẩn thận trong những túi nylon dán kín để trong một góc tủ áo quần. Halloween đầu tiên ở Mỹ, đi học về, làm xong bài vở, trời vừa sụp tối, Hanh xin phép ba mẹ nuôi cho đi xin kẹo. Cậu bé miệt mài đi bộ một mình trong thời tiết se lạnh đầu mùa thu ở miền Đông Bắc trên bốn năm con đường, gõ cửa từng nhà xin kẹo. Kêt quả rất khả quan, sáng hôm sau Hanh gởi được một thủng kẹo mười hai lbs (khoảng 5kg) về Việt Nam mà cước phí còn cao hơn cả tiền mua kẹo. Có nguồn gốc là người Tiệp Khắc, một thời đã phải sống dưới chế độ Cộng sản, bố mẹ nuôi của Hanh hiểu ngay mọi chuyện. Và ông bà càng quý Hanh, cậu bé Việt Nam tuổi còn nhỏ nhưng tấm lòng đã rất lớn.

Đến phiên tôi, tôi cũng kể cho Hanh nghe giòng đời đã đẩy đưa tôi từ trại tỵ nạn năm xưa đến California như thế nảo. Có nằm mơ, tôi cũng không tưởng tượng nổi mình gặp lại được cậu học trò đen nhẻm vì vị mặn của gió biển ở Mã Lai, có đôi mắt sáng nhưng lúc nào cũng buồn ở trường Trung học trên đảo Bidong ngày nào. Ước gì tôi cũng gặp được Huyên và Việt, cũng như đã hội ngộ rất bất ngờ với Hanh ở một góc trường MIT ở miền Đông Bắc nước Mỹ. Nhưng dù chưa hay không có dịp tái ngộ với Huyên và Việt, tôi vẫn tin hai em đã rất thành công như Hanh, chứng minh mình có thể làm được nhiều điều, chẳng hạn như chuyện học hành, mà có một thời ở trong nước , sau tháng 4/75, nhà cầm quyền không cho phép mình làm.

Tất cả chúng tôi dều giống nhau ở chỗ phải xa nhà, bỏ đất nước ra đi một mình, dù lúc nào trong tâm tưởng của chúng tôi cũng có một vị trí trang trọng cho quê hương chôn nhau cắt rốn đã phải bỏ lại sau lưng. Chúng tôi đã phải mang cả sinh mạng của mình ra đánh cuộc với định mệnh, với đại dương; một cái giá không một khoản tiền nào, dù lớn đến đâu có thể mua được. Những được mất với cuộc đời hãy còn ở trước mặt, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng không ngừng để xứng đáng với cái giá mình phải đánh đổi.

Chia tay Hanh hôm đó, tôi mang theo câu nói của Hanh với khuôn mặt rất nghiêm trang, già trước tuổi, và vẫn với đôi mắt buồn xa vắng như lần đầu tiên tôi gặp em ở trường Trung học trên đảo tỵ nạn:

- Điều em vui nhất là đã đền đáp được phần nào ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ ruột và ân tình cưu mang của bố mẹ nuôi. Em vẫn cố gắng hết mình, cố gắng đến hết cuộc đời để luôn làm cho cả Ba Mẹ lẫn Mommy, Daddy của em vui Điều duy nhất không chắc em có làm được hay không, là "gánh sơn hà" mà đôi lúc Ba em và các bác, các chú cùng thời vẫn nửa đùa nửa thật là đã trao lại cho thế hệ của mình.

Hanh dừng một chút rồi hỏi một câu mà đến bây giờ tôi vẫn chưa biết cách trả lời:

- Gánh sơn hà nặng lắm một mình em hay cả hai chị em mình không thể nào gánh nổi! Chị ơi, làm thế nào để cả thế hệ của mình đủ sức gánh nổi sơn hà hả chị?

Câu hỏi đó cứ quanh quẩn trong tôi và chắc là phải còn lâu, lâu lắm, tôi mới biết được câu trả lời chính xác Nhưng tôi tin là chỉ cần một phần mười của một thế hệ Việt Nam (cả ở hải ngọai lẫn trong nước) biết đoàn kết, có nhiệt tâm gánh vác non sông với chí khí của Trần Quốc Toản, với lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học và với đầu óc của Lê Quý Đôn thì gánh sơn hà sẽ nhẹ nhàng như cái cặp đi học rất thân thuộc của một thời đèn sách.

Nguyễn Trần Diệu Hương
(Viết cho Lan Hương, Tiến, Tuấn và những thuyền nhân "đi biển" một mình).
Tác giả, hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose, kể chuyện một mình vượt biển giữa thập niên 80’ và trở thành cô giáo cho những thiếu niên không thân nhân tại trại tị nạn.
Nguồn internet

Wednesday, February 24, 2010

tanchaublog


Thần tượng của tôi.
Video Ai trở về xứ Việt

Ca sĩ Kelly Clarkson, American Idol, sẽ đến Úc trình diễn vào tháng Tư năm nay.

Mới ngồi vào bàn ăn trưa, các cô bạn cùng sở của tôi đã rộn ràng “lên chương trình” đi tham dự buổi ca nhạc của thần tượng mình.

Đặc biệt nhất là bàn tính, "lên kế hoạch" thắng cho được cuộc thi “Get up Close to Kelly Clarkson” để được gặp tận mặt và chụp hình với ca sĩ!

Các cô ríu rít rủ tôi đi xem.
Tôi không đặc biệt thích Kelly Clarkson nhưng cô ta là một trong những ca sĩ Mỹ có tính cách khá trong sáng, lành mạnh và dễ thương.

“Còn 2 tháng nữa mà!”: Tôi trả lời. “Nếu không mua vé bây giờ thì sẽ hết vé đó!”: Hai cô bạn thuyết phục.

“Ừ đi thì đi! Đặt vé giùm nhé!”: Tôi cười.

Các cô rất vui mừng có tôi đồng ý đi xem thần tượng của họ và bảo tôi phải ghi ngày vào sổ tay liền!
Rồi các cô tiếp tục tíu tít về Kelly Clarkson một hồi lâu, tôi cũng thấy vui vui lây và thích cô ca sĩ này. Bất chợt một cô bạn quay sang hỏi tôi: “Thần tượng của chị là ai?”

Tôi ngẩng nhìn cô bạn, tự nhiên thấy nhoi nhói trong lòng và trả lời:
“Những thần tượng của tôi đều đang bị ở tù ...”

... Một giây im lặng, rồi tôi giải thích rằng thần tượng của tôi là những người đấu tranh cho tự do, dân chủ cho Việt Nam và họ đã bị chế độ độc tài CS cầm tù.

Thế là tôi bắt đầu kể những thần tượng của tôi: họ là Trần Khải Thanh Thủy, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân!

Không khi trên bàn ăn trưa có vẻ thay đổi ... nhưng tôi cứ tiếp tục kể cho các cô bạn Úc nghe về những thần tượng của tôi với tất sự trân trọng quý mến và tự hào!

Thần tượng của giới trẻ bây giờ thường là những ca nghệ sĩ, tài tử phim ảnh hay các cầu thủ, vận động viên thể thao...


Họ là những người có tài và rất thành công trong sự nghiệp của mình lại được truyền thông ưu đãi, phô trương vẻ đẹp, vẻ hay, hào hoa phong nhã làm cho nhiều người mến mộ cuộc đời của họ, mến mộ họ ...

Trong khi những người như Trần Khải Thanh Thủy, như Phạm Thanh Nghiên, như Lê Thị Công Nhân là những tấm gương sáng cho giới trẻ về NGHỊ LỰC, về LÒNG YÊU NƯỚC, YÊU DÂN TỘC, về LÒNG CAN ĐẢM, về SỰ HY SINH CAO CẢ lại bị truyền thông nhà nước bôi xấu, bị đảng CS trù dập, đàn áp, bỏ tù! Thật là đau xót vô cùng!

Vì vậy cho nên khi các cô bạn của tôi thu thập hình ảnh, poster, pin-up, áo thun, mua vé đi xem Kelly Clarkson ... tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ trong công cuộc đòi tự do cho Trần Khải Thanh Thủy, cho Phạm Thanh Nghiên, cho Lê Thị Công Nhân!

Tôi sẽ viết, sẽ nói, sẽ kể để mọi người biết về họ, biết về sự Hy Sinh Cao Cả của Các Vị Anh Thư này và Tấm Lòng của họ đối với Quê Hương Dân Tộc.

Tôi tin rằng với con số ngày càng đông người quan tâm và hỗ trợ sẽ áp lực lớn lên chế độ độc tài rồi từ từ phải chịu khuất phục!

Năm nay tôi ăn Tết xa quê hương nhưng vẫn hưởng được không khí xuân tươi vui, ấm cúng với gia đình.

Trong khi nhưng nhà đấu tranh dân chủ, những nhà yêu nước, những thần tượng của tôi dù đang có mặt trên quên hương mình lại đang rất đơn độc trong chốn lao tù...

Ước gì tôi có thể đến thăm thần tượng của tôi để mang cho họ chút quà Tết, để được nhìn thấy, để chiêm ngưỡng, để được bắt tay, ôm chặt vào lòng ... dù chỉ 1 giây lát!

Nhưng tôi biết rằng cơ hội đó rất mỏng manh, nếu không nói là zero ... so với cơ hội các bạn Úc của tôi có thể được gặp mặt Kelly Clarkson...

Mùng Một Tết đêm nay, với tất cả lòng nhớ thương tha thiết xin gởi đến các thần tượng của tôi một chút mùa xuân tự do!

Tân Châu
14/02/2020
Nguồn tanchau

Sống đẹp


Một ngàn con hạc giấy

Sự hiểu lầm có thể làm cho con người ta mất đi vĩnh viễn 1 thứ gì đó mà ta rất yêu quý, để rồi, khi nhận ra thì đã quá muộn...

Có một chàng trai đã gấp 1.000 con hạc giấy tặng người anh yêu. Mặc dù lúc đó anh chỉ là một nhân viên quèn trong công ty, tương lai chẳng có vẻ gì sáng lạng nhưng họ vẫn luôn rất hạnh phúc bên nhau.

Rồi cho đến một hôm người yêu của anh nói rằng nàng sẽ đi Paris, sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa. Nàng rất lấy làm tiếc về điều này và an ủi chàng rằng rồi nỗi đau của chàng cũng sẽ trở thành dĩ vãng. Hãy để cho nó ngủ yên trong ký ức của mỗi người.

Chàng trai đồng ý nhưng trái tim tan nát. Anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm, cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều mà trước đây vì thiếu nó mà ngưới yêu đã rời bỏ anh, nó còn giúp anh xua đuổi khỏi tâm trí mình một điều gì đó của những tháng ngày xưa cũ.

Một ngày mưa tầm tã, trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ trông thấy một đôi vợ chồng già cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió. Chàng trai nhận ngay ra đó là cha mẹ của cô gái ngày xưa. Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại.

Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh. Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng anh bây giờ đã có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng, đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Vâng, chính anh, chính người mà trước đây con gái họ chối từ đã làm được điều đó.

Đôi vợ chồng già cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng, anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ. Và anh đã gặp lại người yêu xưa của mình, vẫn với nụ cười dịu dàng, đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ.

Cạnh cô là món quà của anh, những con hạc giấy ngày nào,
đến lúc này anh mới biết một sự thật: nàng đã không hề đi Paris. Nàng đã mắc phải căn bệnh ung thư và không thể qua khỏi.

Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc, anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh. Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Nàng mong ước cha mẹ sẽ đặt những con hạc giấy lên mộ nàng, để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa, anh có thể đem chúng về bầu bạn.

Chàng trai bật khóc.

Chúng ta cũng vậy, như chàng trai kia, cũng chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của một người mà cuộc đời đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta khi một sáng mai thức giấc, người ấy đã không còn ở bên ta nữa. Có thể họ đã chẳng yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ nhưng điều này không có nghĩa rằng họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có.

Một khi bạn đã yêu, bạn sẽ mãi mãi yêu. Những gì trong tâm trí bạn có thể sẽ ra đi, nhưng những gì trong tim bạn thì mãi mãi ở lại.

Nguồn internet

Tuesday, February 23, 2010

Cờ Vàng


Bản Tuyên Bố của thị trưởng
thành phố Tacoma công nhận Cờ Vàng

Trưa ngày thứ bảy 13 tháng 2 nam 2010, tại buổi lễ hội Mừng Xuân Canh Dần được Cộng Ðồng Người Việt Thành phố Tacoma và Pierce County tổ chức bên trong hội trường trường trung học Lincoln HS tọa lạc tại số 701 trên đường S 37 Th St Tacoma, bà Marilyn Strickland, thị trưởng thành phố Tacoma, thành phố lớn hàng thứ ba tại tiểu bang Washington; sau bài diễn văn chúc mừng Cộng Ðồng Việt Nam nhân Tết Canh Dần, bà đã dõng dạc tuyên đọc một tuyên bố mang theo bên mình: nội dung bản tuyên bố công nhận Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ là Quốc Kỳ của nước Việt Nam, dựa trên các chi tiết lịch sử, có ghi trong văn bản (Proclaimation).
Cả hội trường như òa vỡ sau tuyên bố của bà, hơn 300 người có mặt đã đứng dậy vỗ tay hoan nghinh nhiệt liệt. Bà đã trịnh trọng trao lại văn bản có chữ ký của bà và con dấu của thành phố Tacoma cho đại diện Cộng Ðồng Người Việt tại địa phưong là Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng

Công nhận Cờ Vàng là biểu tượng của Cộng đồng người Việt hải ngoại đã trở thành một vận động phát huy chính nghĩa rộng khắp và đã gặt hái nhiều thành tựu qua việc cộng nhận của các chính quyền địa phương, nơi có đông đảo Người Việt sinh cư. Tuy nhiên có lẽ đây là lần đầu tiên một văn bản chính thức thừa nhận Cờ Vàng là Quốc Kỳ của Việt Nam được chính người đứng đầu chính quyền địa phương ký tên và tuyên đọc trong ngày Tết Cổ Truyền thiêng liêng của dân tộc. Ðiều đáng quan tâm là các chi tiết lịch sử liên quan đến việc hình thành Lá Cờ bắt đầu từ thời các vua chúa thuộc triều đại phong kiến nhà Nguyễn đã được bà nêu lên tường tận và chi tiết trong văn kiện cùng qua lời tuyên bố trên lễ đài, cho thấy người phụ nữ đứng đầu thành phố Tacoma đã suy xét kỹ lưỡng trước khi ấn ký ban hành bản văn.

Ðiều bất ngờ không dừng lại ở đó, nhân giây phút mọi người đang vui mừng, reo hò Bà Thị trưởng đã giơ cao chiếc chìa khóa tượng trưng và trịnh trọng tuyên bố trao tặng bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng chìa khóa thành phố Tacoma. Ðây là một phần thưởng cao quý chỉ dành riêng cho những công dân vinh dự có thành tích đặc biệt với cư dân sở tại. Trường hợp Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng có thể nói là người gốc Việt đầu tiên tại địa phương được nhận lãnh vinh dự cá biệt này

Từ lâu đã có nhiều cố gắng vận động để cờ Vàng được công nhận tại thành phố Tacoma, nhưng hầu như bất khả thi. Cách đây vài năm, sau những cố gắng vận động tìm người gánh vác cơ chế đại diện cộng đồng không thành công, bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng phải đích thân ra tranh cử và hiện ông đang đảm nhận trọng trách lèo lái Cộng Ðồng Người Việt thành phố Tacoma và Pirece County.

Cơ chế đại diện chính thức đã tạo tiền đề cho việc thiết lập những mối quan hệ tương kính với chính quyền sở tại và làm căn bản cho cuộc vận động ủng hộ ứng viên Marilyn Strickland vào chức vụ thị trưởng Tacoma trong kỳ bầu cử vào tháng 11 năm vùa qua.

Khi công nhận Cờ Vàng là Quốc Kỳ của Việt Nam, cho thấy bà thị trưởng đã hết lòng yểm trợ Cộng Ðồng Người Việt tại địa phưong ngay khi phải đối đầu với các khía cạnh ngoại giao giữa chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, liên quan đến việc công nhận này.

Cộng đồng Tacoma sau những năm tháng kiên trì đấu tranh, đã thành công trong công tác vận động sinh hoạt chính trị dòng chính cũng như phát huy chánh nghĩa của Người Việt Quốc Gia. Hai phần quà Tết vô giá đã được bà Thị trưởng Marilyn Strickland trao tặng cộng đồng Người Việt Thành phố Tacoma và cho riêng bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng trong dịp Tết Canh Dần.

Có tham gia sinh hoạt chính trị dòng chính mới có thể hiểu rõ tính chất nhiêu khê của vấn đề và thông cảm cho những tốn kém vật chất cũng như công sức để cộng đồng Người Việt Tacoma đạt được thành quả mỹ mãn như đã diễn ra hôm 13 tháng 2 vừa qua, tại trường trung học Lincoln.

Người Việt Ngày Nay xin được phép gởi lời chúc mừng đến cộng đồng Người Việt Thành Phố Tacoma / Pierce County và riêng cho Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng một chiến sĩ chống cộng kiên cường và bền bỉ nhất tại địa phương.

Phạm Xuân Hùng
Nguồn freevietnews

Monday, February 22, 2010

Thơ Bình Nguyên Trang


Chợ Tết

Video Hát bội trẻ em,
Tết 2010 tại California
Chợt tết năm nay nhiều pháo hoa
Em đi với mẹ, đường làng xa
Một cánh đồng qua hai quãng vắng
Nghe mùa trở dạ lúc cuối đông

Hoa xuân chúm chím nụ cười hồng
Thuyền xuôi thôn Hạ, cập bến sông
Mẹ em xuống bến mua hoa Tết
Phiên chợ cuối cùng anh đi không ?

Mấy cô hàng xóm bận gánh gồng
Bày bán bao nhiêu là pháo bông
Lũ trẻ quần áo tươm tất quá
Đốt pháo xì xèo giữa chợ hoa

Mấy dì bán vải cứ thiết tha
Mời em mua vải tím hoa cà
Mẹ bảo em đừng may áo tím
Ngày xuân mặc thế sẽ trông già

Cầm tay mẹ dắt giữa chợ hoa
Mẹ sợ em đi lạc đấy mà
Gớm sao mà mẹ lo ghê thế
Mười bảy tuổi rồi, con tự đi

Em sợ ai trông thấy sẽ cười
Con gái lớn ai bày trò làm nũng
Chợ đông, người đông, hàng hoá cũng
nhiều đến vô cùng, phía trước, sau.

Nhưng em thương nhất chị bán trầu
Lặng lẽ xếp hoài mấy miếng cau
Nhìn nguời đua chen mà mua bán
Mắt chị mênh mang nỗi sầu.

Bình Nguyên Trang
1995
Hình trên
“Chợ Tết đầu làng”
Tranh sơn dầu của Họa sĩ Thanh Trí.
Nguồn :
yeutretho
Đọc thêm : binhnguyentrang - thanhtri

Sunday, February 21, 2010

Nga-Hoa


Nga tiêu hủy hàng hóa và xua đuổi người Trung Quốc.

Tin từ Trung Quốc:Ngày 11 tháng 9 năm 2008 (có tin nói ngày 29 tháng 6 năm 2009) nhà chức trách Moskva đã đóng cửa thị trường Cherjizuowo (dịch theo phiên âm Trung văn), một chợ container lớn của thành phố, đồng thời tịch thu 6.000 container hàng hóa Trung Quốc với tổng trọng lượng gần 100.000 tấn, trị giá 2 tỷ USD (có nguồn tin nói là 5 tỷ USD).

Bắt đầu từ ngày 21 tháng 1 năm 2010, người Nga đã tiến hành tiêu hủy số hàng hóa Trung Quốc nói trên gồm: giầy vải, áo lông thú, đồ chơi trẻ em, hàng da với lý do đó là hàng nhập khẩu lậu, chất lượng rất kém, có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, ô nhiễm môi trường. Công việc này dự kiến đến cuối năm 2010 mới hoàn thành. Chính quyền Moskva tuyên bố quyết không cho phép xuất hiện những khu phố người Trung Quốc tại thành phố này.

Một nguồn tin nữa cho biết tại thành phố X, thuộc vùng Siberia Nga gần đây người ta đã huy động máy xúc, máy ủi san bằng nhiều khu lều bằng nilon và vải bạt của một số “di dân” phi pháp Trung Quốc.
(Nguồn:“Tân Hoa võng” ngày 11/2/2010; “ Hỗ liên võng” ngày 11/2/2010; “Khán Trung Quốc” ngày 11/2/2010)

Bao giờ Việt Nam làm như thế ?


DQA
Nguồn boxitvn.net

Saturday, February 20, 2010

nguoibuongio blog


Đại Vệ Chí Dị
Video tu do dan chu cho VN

Năm Canh Dần, nước Vệ triều nhà Sản thứ 65.

Mùa xuân ấy, trời đất an hòa, khắp nơi vang lời ca tiếng hát ca ngợi công đức trời bể của tiên đế và triều đình. Vệ Mạnh Vương nhân dịp đầu xuân đi coi bói, thầy bói gieo quả phán rằng :

- Xuân hồi thiên quốc, vạn đại dung thân.

Vệ Vương sai bộ Lễ sắm cống vật chu đáo, hậu hĩnh. Chọn ngày đẹp sang Tề chầu kiến. Đoàn đi hùng hậu lắm , rất nhiều đại thần đi theo. Tề Bá Vương đón tiếp cực kỳ thân thiết. Vệ Vương dẫn quần sụp lạy ba hồi, tiếp tới dâng bản đồ và ngọc tỉ truyền quốc nước Vệ cho Tề Bá Vương. Vệ Vương sụt sùi nước mắt nói.

- Mong thiên triều nhận lại đứa con đã lưu lạc khỏi đất mẹ nhiều năm.

Tề Bá Vương đón nhận ngọc tỉ và bản đồ nước Vệ, hướng về thái miếu nước Tề khóc rống mấy hồi.

- Tiền nhân ơi, hàng ngàn năm mòn mỏi, nay anh em cũng quay về một cội.

Nói rồi ôm chầm lấy Vệ Vương khóc ròng, triều thần hai bên nhìn cảnh ấy ai cũng xúc động nước mắt ràn rụa. Tề Bá Vương mở tiệc khoản đãi linh đình, lúc rượu ngà ngà, hai bên bồi hồi cảm xúc mới ôn lại chuyện cũ. Vệ Vương ngậm ngùi kể.

- Xưa tổ tiên nước Vệ là người Hàng Châu tên là Quân, rời khỏi nước Tề đi lập nghiệp xuống phía Nam lấy vợ sinh được 100 con. Dựng lên cơ đồ một cõi, Quân lòng vẫn nhớ nước mẹ khôn nguôi mới tự nhận họ là Lạc. Ý muốn nói mình là đứa con lạc khỏi đất mẹ là nước Tề. Sau nhiều năm chính biến liên miên, nhiều sử gia quên mất chuyện ấy. Lại vì tính khí trái ngược mới vẽ ra chuyện nước Vệ nước Tề là hai cõi riêng biệt. Đến thời nhà Lý , nhà Lê các quan lại đại thần vì riêng tư mà khẳng định chuyện hai nước riêng rẽ không liên quan gì đến nhau. Sự hiểu lầm ấy kéo dài khiến hai bên có nhiều xung biến. Nay nhờ ơn phúc của tiền nhân, các sử gia, tuyên huấn nước Vệ mới tìm ra và chứng minh nguồn cội của Lạc Quân

Tề Bá Vương nói.

- Cũng nhờ ơn phúc mà các sử gia, tuyên huấn nước Tề mới thông minh tìm ra được nguồn cội như vậy. Phải ban thưởng thật hậu cho họ.

Hai bên bàn chuyện hồi mẫu quốc của nước Vệ, Tề Bá Vương nói.

- Sau bao năm xa cách, nay đột ngột trở về không phải là chuyện dễ, phải làm từ từ từng bước cho dân Vệ theo kịp, tránh gây bất ổn về chính sự, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đang yên ổn làm ăn. Trước tiên cứ thu nhận một vùng lãnh thổ đất liền , trên biển. Bước tới là để cho dân Tề sang Vệ khai khẩn làm ăn. Cùng với tuyên truyền tình hữu nghị anh em hai nước có nguồn gốc ruột rà mạnh mẽ. Dân Vệ dần dần sẽ thấm nhuần , thấu hiểu được, việc tái hợp vì thế mà không gây biến loạn, tránh những phần tử xấu, những thế lực thù địch xúc xiểm khiến nhân dân hoài nghi mà việc không thành.

Vệ Vương cùng quần thần sụp lạy hô vang

- Thiên tử anh minh, sáng suốt như thần, đúng là phúc của tiền nhân.

Vệ Vương ra về, lúc về hứa sẽ khẩn trương làm theo những lời căn dặn của Tề Bá Vương.

Vua tôi nước Vệ đi khỏi triều đình. Quan đại phu nước Tề mới thắc mắc hỏi Tề Bá Vương.

- Thưa thiên tử, sao chúng ta không nhận hết luôn thể nước Vệ.

Tề Bá Vương ngửa cổ lên trời, cười sằng sặc một hồi mới từ tốn giải thích.

- Cái nguồn cội nước Vệ là Lạc Quân là do ta bỏ tiền mua chuộc khiến bọn sử gia Vệ, bọn tuyên huấn làm theo.Lại có những trí giả chúng ta cài trong lòng nước Vệ bây lâu nay hỗ trợ. Bọn Vệ mới tin là thật. Chúng là bọn man di, mọi rợ sao cùng huyết thống với chúng ta. Nhận hết cả dân man ri ấy há có phải là gánh nặng cho nước Tề sao. Nay cứ nhận đất đai, lãnh hải , tài nguyên của chúng có phải là hơn không ?

Các đại thần nước Tề đều tấm tắc khen.

- Thiên tử thật cao kiến, nhận của tất phải hơn nhận người, mưu kế này có thể gọi là '' diễn biến hòa bình'' không đánh mà thắng.

Lại nói Vệ Vương ra về, qua khỏi biên giới mới chia. Có đại thần hỏi.

- Chuyện nguồn cội nước Vệ có đúng như vậy không ?

Vệ Vương nói.

- Đúng hay sai giờ không quan trọng, cái cần là chúng ta còn dựa vào Tề còn có được bổng lộc. Dẫu không là trùm thiên hạ thì cũng có thái ấp, dăm chục mẫu dưỡng thân. Còn hơn biến loạn há đến một tấc đất cũng vùi thây cũng chả còn.

Xuân năm ấy, nước Vệ mừng năm mới tưng bừng, nhạc tấu bài tình anh em ruột thịt Vệ Tề phổ biến khắp dân gian. Ai nấy cũng vui mừng.

Nguồn nguoibuongio
Đọc thêm Mùa Xuân dâng Tàu

Wednesday, February 17, 2010

Sống đẹp


Cách Nhìn Cuộc Sống

John là một ông lão ít nói và thông thái. Ông thường ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ trước hiên nhà, nhìn mọi người qua lại. Đôi khi ông vẫy tay chào họ. Một hôm, cô cháu gái nhỏ của ông John ngồi xuống cạnh ông mình, và cả hai cùng nhìn những người qua lại trước nhà họ.
Một người đàn ông lạ, cao lớn, anh ta nhìn quanh như tìm một nơi nào đó để dừng chân, rồi tiến đến gần hỏi ông John:

- Trong ngôi làng này người ta sống kiểu gì hả ông lão?

Ông John chậm rãi hỏi lại:

- Vậy nơi mà anh vừa đi khỏi, người ta sống ra sao?

Người lạ nhăn mặt:

- Nơi ấy hả? Mọi người chỉ toàn chỉ trích nhau. Hàng xóm thì ngồi lê đôi mách và nói chung là một nơi rất đáng chán!

John nhìn thẳng vào mắt người lạ và nói:

- Anh biết không, nơi này cũng như thế, hệt như nơi anh vừa đi khỏi vậy!

Người đàn ông không nói gì, anh ta quay đi. Một lát sau, một chiếc xe dừng lại bên vệ đường. Người đàn ông trên xe đỡ vợ con mình xuống xe. Người vợ hỏi ông John có thể mua một ít thức ăn cho bọn trẻ ở đâu, còn người đàn ông ở lại chỗ chiếc xe. Anh ta lại gần ông John và hỏi:

- Thưa ông, nơi này sống có tốt không ạ?

Vẫn như lần trước, ông John hỏi lại:

- Vậy nơi mà anh vừa đi khỏi thì thế nào?

Người đàn ông tươi cười :

- Ở đó, mọi người sống rất thân thiết, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau. Chúng tôi không muốn ra đi chút nào, nhưng vì điều kiện làm việc nên phải chuyển tới đây.

Ông John nở một nụ cười ấm áp:

- Đừng lo, nơi này cũng giống như nơi anh vừa đi khỏi đấy mà, cũng tốt lắm!

Vợ con người đàn ông quay lại, họ cảm ơn và tạm biệt hai ông cháu John rồi lái xe đi. Khi chiếc xe đã đi xa, cô cháu nhỏ cất tiếng hỏi ông:

- Ông ơi, tại sao ông nói với người thứ nhất là nơi đây không tốt lành còn với người thứ hai ông lại nói là một nơi tuyệt vời?

Ông John âu yếm nhìn vào đôi mắt xanh băn khoăn của đứa cháu nhỏ và bảo:

- Cháu ạ, dù có đi đến đâu, mỗi người vẫn mang thái độ của chính mình đối với cuộc sống đi theo. Chính thái độ của riêng mình, cộng với phản ứng của những người xung quanh với thái độ đó thì nơi mới đến có thể rất tồi tệ, hoặc rất tuyệt vời theo cảm quan của riêng họ mà thôi.


Nguồn internet

Nguyễn Văn Khanh


Uống rượu cuối năm cùng tổng thống Mỹ

Khi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama thú nhận với các nhà báo “thỉnh thoảng tôi vẫn thấy thèm một điều thuốc” và đôi khi lén vợ con để cùng với những nhân viên thân tín nhất “liều một đám,” tự dưng các anh nhà báo lắm chuyện đặt ngay câu hỏi: không biết lúc phì phèo điếu thuốc trên môi, tay ông sếp sòng của nước Mỹ có cầm ly rượu hay không? Và nếu có, ly rượu trên tay ông là ly rượu gì? Cognac? Whiskey? Một ly vang đỏ hay chỉ là một chai bia ướp thật lạnh?

Trước ngày ông bà Obama cùng 2 cô con gái với bà mẹ vợ dọn nhà từ Chicago về thủ đô, ông chủ cũ George W. Bush là một trong những vị tổng thống hiếm hoi nhất định không uống rượu. Trong những buổi tiệc tùng, ông Bush vẫn nâng ly mời mọi người -kể cả những bữa đại tiệc đãi các vị nguyên thủ nước bạn - nhưng ly ông cầm là ly nước lạnh. Lý do: lúc còn trai trẻ, cậu “W” đã từng có thời nổi tiếng say sưa, lái xe bị cảnh sát chận lại bắt thổi bong bóng, bắt dang tay làm chim bay, cò bay v.v... nên từ đó cậu hứa với gia đình “nhất quyết không bao giờ uống nữa.”

Lời hứa này được vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ giữ thật vững trong suốt 8 năm làm chủ Tòa Bạch Ốc. Ngay cả những buổi đích thân nướng BBQ ở nông trại để đãi khách ông cũng chỉ “nước lạnh làm chuẩn,” mặc kệ mọi người quyến rũ theo kiểu “ăn thịt bò nướng Texas mà uống nướng lạnh thì... chán chết!!!” Ai chán chứ ông “W” nhất định không chán: cứ ngửa cổ tu... hết chai nước lạnh này tới chai nước lạnh khác.

Nhưng không phải vị tổng thống nào của nước Mỹ cũng... hiền lành giống ông George W. Bush. Sau giờ làm việc, ông Lyndon Johnson bao giờ cũng phải làm vài ly scotch trước khi rời Phòng Bầu Dục để về nhà ăn cơm với gia đình, ông Richrad Nixon quê ở California nhưng lại mê rượu vang Pháp, nhà bếp Tòa Bạch Ốc được dặn dò kỹ lưỡng bữa ăn nào cũng phải có chai mang nhãn Chateau Margaux để trên bàn. Ông George Bush thì thích whisky, thỉnh thoảng nhấc điện thoại mời các vị dân cử cùng đảng Cộng Hòa ghé qua “tệ xá làm vài ly với anh em cho vui.” Nghe bảo trước đó Tổng Thống Franklin Roosevelt cũng thường làm như thế, nhưng ông Roosevelt thích uống martinis và “bao giờ cũng cho vào ly rượu đúng 2 cục đá” chứ không uống “sec.” Ngay chính ông Jimmy Carter nổi tiếng hiền lành từng chỉ thị nhà bếp Tòa Bạch Ốc “phải cắt giảm khoản tiền mua rượu” nhưng thỉnh thoảng cũng tươi cười cầm ly rượu ngọt “porto” uống chung với nhân viên hay với khách.

Thế còn ông Obama thì sao? Sau 14 tháng điều khiển quốc gia, quý ông bà nhà báo thủ đô nhìn thấy vị Tổng Thống Mỹ đương nhiệm uống đủ mọi thứ nên không ai biết ông thích loại rượu nào. Mùa Hè năm ngoái khi đưa Ðệ Nhất Phu Nhân lên New York đi ăn tối tại nhà hàng Blue Hill và xem nhạc kịch, ông Obama uống ly vang đỏ của Argentina trong khi bà Michelle uống 2 ly martinis. Trước đó có lần 2 ông bà dẫn nhau đi ăn ở nhà hàng Citronelle nổi tiếng tại thủ đô, ông số một và bà vợ chỉ gọi có một ly scotch “chia nhau nhấp thử” và... uống không hết!!! Ông chủ tiệm Jean-Jacques Retourne còn kể lại cho tạp chí The Washingtonian, “Hai ông bà gọi... nước lạnh, uống hết một chai to tướng và kết thúc bữa ăn bằng cà phê.” Thêm chi tiết: Tổng Thống Obama uống cà phê đen không bỏ đường, Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle cũng uống cà phê không đường nhưng có pha ít sữa.

Trước ngày đắc cử tổng thống, dân chúng đã nhìn thấy ông Obama uống rượu. Bạn bè được mời đến nhà ông ở thành phố Chicago kể lại “trong nhà có cả một hầm rượu vang” vài trăm chai, khi đi nhà hàng cả ông lẫn bà thường hay ngồi ở quầy rượu gọi ly margaritas uống trước khi ngồi vào bàn gọi thức ăn.


Theo tờ Chicago Sun-Times, hôm đắc cử ông Obama mở chai rượu nhẹ Granham Beck Brut NV nhập cảng từ Nam Phi để đãi các nhân viên trong Ban Tham Mưu Tranh Cử, và trước ngày lên D.C.làm việc, ông còn ghé nhà hàng Topolobampo ăn bữa cơm tối. Vẫn theo nhật báo Chicago Sun-Times, bữa ăn đó ông Obama trả hết 120 dollars gồm tiền ăn, tiền “típ” và tiền... 2 ly rượu vang.

Ông Obama uống rượu từ lúc nào? Bí mật này ông không hề tiết lộ, dù theo các sử gia Hoa Kỳ thì ông và ông George W. Bush là 2 chính trị gia lúc đang vận động tranh cử tổng thống công khai nhìn nhận đã có thời “say sưa.” Ông Bush - như đã kể ở trên - còn ông Obama kể chuyện cho các học sinh ở tiểu bang New Hampshire biết lúc còn trẻ không chỉ uống rượu mà còn “chơi” cả xì ke nữa. Trong buổi nói chuyện đó, ông nhìn nhận “từng có lúc quyết định sai lầm” và “hy vọng các bạn tránh được điều xấu xa tôi đã làm lúc còn trẻ.”

Chuyện Tổng Thống Mỹ uống rượu xin kết thúc với 2 mẩu chuyện khá thú vị. Khoảng ngày này năm ngoái ông Obama đi xem trận bóng rổ giữa hội Washington Wizards và Chicago Bulls. Cũng giống như những “fan” thể thao khác, ông vừa ngồi xem vừa uống bia và ăn “hot dog.” Sau khi hình ảnh này được chiếu trên T.V. và đăng trên mặt báo tức khắc đã tạo nên một gợn sóng nhỏ: một số khán giả và độc giả bực bội bảo “trong lúc dân chúng đang khốn khổ vì thị trường chứng khoán xuống dốc và công ăn việc làm không đảm bảo thì ông ta thành thơi ngồi uống bia.”

Một thính giả của đài phát thanh thể thao WWL ở Louisiana nặng lời hơn, “Ai cũng biết làm tổng thống là phải làm việc 24 giờ mỗi ngày, thế tại sao tổng thống không bị đuổi sở khi uống bia trong giờ làm việc?” Có lẽ học được kinh nghiệm này nên trong buổi party xem Super Bowl do ông tổ chức ở Tòa Bạch Ốc hôm Chủ Nhật tuần rồi, một trong những vị dân cử được mời kể lại, “Tổng thống chỉ ăn chứ không uống một giọt rượu nào cả” còn khách Dân Chủ lẫn Cộng Hòa “đa số vừa uống la de vừa xem football.”

Chuyện thứ nhì có liên quan đến Cố Tổng Thống Ronald Reagan. Nhà báo kỳ cựu Seymour Hersh kể lại có lần được Tổng Thống Reagan mời vào Phòng Bầu Dục. Trong buổi nói chuyện, ông Reagan than, “sống ở Tòa Bạch Ốc y hệt như đang sống trong một viện bảo tàng, không khí lạnh tanh” nên ông và Ðệ Nhất Phu Nhân Nancy “thích đến Trại David nghỉ cuối tuần hơn” là ở trong tòa nhà biểu tượng cho quyền uy của nước Mỹ.

Lúc nói chuyện, tay ông Reagan cầm một ly rượu bourbon pha đầy đá!!!


Nguyễn Văn Khanh
Nguồn nguoi-viet.com

Sunday, February 14, 2010

Cờ Vàng tại Thế Vận Hội mùa Đông


Cờ Vàng tại Thế Vận Hội mùa Đông
Vancouver - Canada 2010

Video




Source vancouver2010.com

Thursday, February 11, 2010

Thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt


Ngàn Năm Thăng Long

Đêm nay Hà Nội nhớ Thăng Long
Nhớ thời Vua Lý thêm đau lòng
Năm mươi tư Rồng rơi nước mắt
Tiễn dân miền Bắc ra biển Đông

Tết Mậu Thân đỉnh cao tội ác
Gia Hội chôn sống Huế điêu tàn
Khe Đá Mài Phú Thứ Đồi Cát
Thương xót dân Rồng cũng chịu tang

Sau Đà Nẵng Sài Gòn thất thủ
Di tản vào châu thổ Cửu Long
Bảy mươi lăm Rồng không về nữa
Bay với thuyền nhân ra biển Đông

Đại La thành dựng tượng Lê Ninh
Bá Bạch Quân Thủ Đức hành hình
Ven sông Hồng dân oan đói khổ
Rời Hoa Lư về núi Chí Linh

Nam Quan mất Chi Lăng bỏ ngỏ
Bát men Ngọc Lý cống Bắc triều
Hà Hồi im tiếng trống Ngọc Lũ
Bản Giốc thác buồn nghe quốc kêu

Lê Chiêu Thống thờ trong Văn Miếu
Mưa Hồ Gươm mặn cát Hoàng Sa
Sóng Bạch Đằng khóc voi Trưng Triệu
Cao Nguyên rước Mã Viện vào nhà

Bịt mắt bưng tai giam tiếng nói

Uốn bút đẽo lưỡi giả bồ câu
Tẩy não buộc con người gian dối
Vệ binh Mao quý hơn đồng bào

Ai rao bán trẻ con phụ nữ
Thế giới nhìn Việt Nam hôm nay
Xuất cảng lao nô đảng tỉ phú
Quan tham ô bắt dân kéo cày

Án tù chồng chất tội yêu nước
Công lý phi nhân luật bạo quyền
Phá nghĩa trang đấu tố liệt sĩ
Địa ngục chết còn muốn dựng lên

Gió đông buốt lạnh tù Thanh Cẩm
Hỏa Lò nóng cháy rừng U Minh

Long Khánh Hàm Tân qua Suối Máu
Ba Sao Thanh Liệt tới Hoàng Liên

Từ chốn lưu đày nhớ Thăng Long
Bà Huyện Thanh Quan cũng đau lòng
Nhớ bạn tù chết trong ngục tối
Nhớ người thân mất tích biển Đông

Từ Ngô Quyền tới Trần Hưng Đạo
Bao thế hệ bồi đắp cõi bờ
Có Lê Lợi Nguyễn Trải Nguyễn Huệ
Và Nghĩa Sĩ Việt Nam Tự Do

Trương Định Đề Thám Phạm Hồng Thái
Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu
Nguyễn Thái Học Cô Giang Cô Bắc
Nguyễn An Ninh và Tạ Thu Thâu

Nguyễn Trung Trực Kiên Giang Nhựt Tảo
Ngụy Văn Thà chết cho quê hương
Mơ Rồng về bay ngang quần đảo
Mơ Gánh Hàng Hoa khắp nẽo đường

Cảo thơm hương sắc vườn Văn Hiến
Chu Văn An và Lê Quý Đôn
Sương Nguyệt Ánh và Đoàn Thị Điểm
Nguyễn Du Đồ Chiểu Hồ Xuân Hương

Hà Nội không chỉ nhớ Thăng Long
Nhớ Sài Gòn Huế nhớ Hải Phòng
Nhớ Công Nhân Thanh Nghiên Thanh Thủy
Anh chị em bạn tù bất công

Bà Mẹ nói con tôi vô tội
Khi điểm mặt đảng xã hội đen
Uất ức biển ta ơi con viết
Quân sát nhân thái thú ngụy quyền

Nửa thế kỷ ngồi canh ngọn nến
Dung nhan em có bớt hao gầy
Từ buổi kinh đô bị giặc chiếm
Cành Nam bốn mùa chẳng đổi thay

Hà Nội con tin nhìn qua đêm
Trăng xưa thôi chải tóc trước thềm
Quanh Trụ Đồng công an tuần rảo
Em ơi Chim Việt có bình yên

Đêm nay Hà Nội nhớ Thăng Long
Biết Vua thời Lý cũng đau lòng
Người đi dưới ánh sao Khuê đó
Vững tin nơi Hồn Thiêng Núi Sông
.

Nguyên Hoàng Bảo Việt

Ghi chú
Hình phải trên:Các nữ tù nhân chính trị Việt Nam:Lê Thị Công Nhân-Trần Khải Thanh Thủy-Phạm Thanh Nghiên.
Đọo thêm ttxva.com- voanews.com

Tuesday, February 9, 2010

Huy Phương


Màu đỏ là màu anh trót... chê
Tôi biết nhiều người không thích màu đỏ, đã những không thích mà còn dị ứng nữa, hễ thấy màu đỏ là máu sôi lên, bằng chứng là đã có người lên tiếng thắc mắc, là cái cà vạt của dân biểu Mỹ gốc Việt Cao Quang Ánh mang hồi tháng 1 năm 2010 khi đi thăm Việt Nam, vì sao lại màu đỏ mà không là một màu nào khác!

Phần tôi thì thời niên thiếu đã không thích màu đỏ rồi, bạn thử nghĩ thích làm sao được ví như khi bạn có một người yêu, một ngày nào đó, sang ngang, để lại những vần thơ than thở:

Rồi một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hỡi làm sao gió lạnh nhiều.” (TTKh)

Và từ đó tôi bắt đầu thiếu thiện cảm với những thiếu nữ mặc áo màu đỏ! Thêm một lý do nữa tôi không thích màu đỏ vì đó là màu của pháo: “rồi một này kia pháo nhuộm đường!”, pháo vu quy của cô hàng xóm, pháo của những người thiếu nữ không quen biết nhưng ngày vui của họ để lại chút bâng khuâng trong lòng chàng trai mới lớn. Và nếu màu hoa phượng ở sân trường kia có đỏ thì nó cũng báo hiệu một mùa chia ly, chia ly rồi thì bao giờ có sum họp toàn vẹn trở lại.

“Lớn lên, trong những năm lá cờ Việt Minh bắt đầu hiện diện đã thấy bao nhiêu là máu hãi hùng. Cứ mỗi đêm nghe tiếng chó sủa ran trong xóm, sáng ra thế nào cũng thấy có xác nằm đường, chặt đầu hay đâm thủng ruột, rồi khúc ‘tiến quân ca’ nổi lên: ‘Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước!’Ai đó đã nói rằng: Chế độ Cộng Sản là sắt máu” thì đâu có gì là ngạc nhiên. Người Tàu từ xưa đã thích màu đỏ, từ lễ lược, đình miếu những ngày lễ Tết, ở đâu cũng thấy một màu đỏ. Mao Trạch Ðông phất ngọn cờ đỏ, gần mười lăm năm trường chinh, thôn tính xong toàn bộ nước Tàu năm 1949, quốc kỳ với ngôi sao lớn và bốn ngôi sao nhỏ nằm chung quanh. Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng tình nguyện nhuộm đỏ đất nước, có lá cờ đỏ màu máu với một ngôi sao vàng năm cánh, tượng trưng cho “sĩ-nông-công-thương-binh”. Từ cải cách ruộng đất năm 53-56, khởi nghĩa Quỳnh Lưu 1956 tại miền Bắc, thảm sát Mậu Thân tại Huế năm 1968, đến việc trả thù toàn bộ dân chúng miền Nam sau 30 tháng 4-1975 đều nhuộm đầy máu đỏ của “sĩ-nông-công-thương-binh” như ước nguyện của Văn Cao lấy máu in lên cờ.
Cộng Sản rất thích màu đỏ nên có Quảng Trường Ðỏ, Hồng Quân, Hồng Kỳ rồi hội Lưỡi Liềm Ðỏ (!),Cao Lương Ðỏ, sổ đỏ (giấy chủ quyền nhà đất), nhạc đỏ (nhạc hùng CS)...

Vào cuối thập niên 1860, Việt Nam có giặc Cờ Vàng (Hoàng Sùng Anh), giặc Cờ Ðen (Lưu Vĩnh Phúc), giặc Cờ Trắng (Bàn Văn Nhị, Lương Văn Lợi) vẫn quấy nhiễu ở vùng Việt Bắc, thời nay sử gia Vũ Ngự Chiêu gọi thêm tên giặc Cờ Ðỏ (Hồ Chí Minh). Tháng 4 năm 1975, Cộng Sản nhuộm đỏ đất nước bắt đầu với tuổi thơ với cái khăn quàng đỏ mang trên cổ, biểu tượng và đồng phục của đội viên Ðội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, bản sao của Ðội Thiếu Niên Toàn liên bang mang tên Lenin, bắt buộc những đứa trẻ vào đội luôn phải đeo khăn quàng đỏ khi còn học trung học (cấp 1 và cấp 2.) Ba góc của chiếc khăn quàng đỏ hình tam giác biểu trưng của sự liên kết giữa 3 thế hệ trong gia đình và 3 tổ chức nòng cốt của chủ nghĩa xã hội: thế hệ cha - thế hệ anh - thế hệ em tương ứng với 3 tổ chức Ðảng Cộng Sản - Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản - Ðội Thiếu Niên Tiền Phong.

Màu đỏ của máu chính là màu của chiếc khăn choàng đấu bò “capote de brega” mà chàng “metador” mỗi khi phất lên, con bò mộng phải say máu, đâm đôi sừng nhọn hoắt để húc vào. Chàng đấu bò uốn mình tránh né và vung chiếc khăn màu đỏ sang một hướng khác khiến chú bò hung hãn phải xoay mình, húc đầu theo những lần kế tiếp, cho đến lúc mệt nhoài để những anh hùng chiến thắng xuyên những mũi tên vào đầu con vật. Màu đỏ thôi thúc sự giết chóc và bạo tàn.

Ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975, hình như màu đỏ không được tôn trọng, người ta cũng biết trong chuyện học hành hay thi đua, thi đấu, “cầm đèn đỏ” có nghĩ là về hạng chót, và tay đua xe đạp luôn luôn được vinh dự mặc áo vàng lúc về đến đích. Quan tài người chết sơn màu đỏ chứ không phải màu đen như ở Tây phương. Mặt khác, những ông bạn già chắc cũng còn nhớ có một thời mà ngành hiến binh đội nón kết màu đỏ nên nhân gian mới có thành ngữ “hiến binh gác cửa!”

Màu đỏ quả thật là một màu đáng ghét, nhất là khi ở giữa lại có một ngôi sao vàng. Lá cờ này đi đến đâu gieo máu và lửa đến đó, khiến người miền Nam phải kinh hoàng, vượt rừng lội biển ra đi. Ấn tượng khó chịu đó đã khiến cho chủ một tiệm sang băng video, Trần Trường trở thành đối tượng của sự phẫn nộ trong cộng đồng người Việt tị nạn tại Little Saigon ở miền Nam California vào đầu năm 1999, khi y treo hình cờ đỏ sao vàng của Cộng Sản và hình Hồ Chí Minh trong tiệm cho thuê video của y trên đường Bolsa và đã lên tiếng thách thức sự can thiệp của cộng đồng người Việt. Biến cố xuống đường và tranh đấu trong 55 ngày đêm với sự tham dự của hàng chục nghìn người Việt tỵ nạn Cộng Sản là một thái độ dứt khoát với lá cờ đỏ này. Từ lâu, khó mà thấy một ngọn cờ đỏ nào được treo tại các đất nước tự do, ngoài phố hay ngay cả trong sân trường đại học, nơi có người Việt di cư sinh sống, ngoại trừ những cơ sở của những tòa “đại sứ không dân” đang bị nguyền rủa.

Hình ảnh một lá cờ đỏ trên màn ảnh, trên một trang báo, trên một bức tranh, trên một chiếc T Shirt nào cũng có thể gây phẫn nộ cho quần chúng nhạy cảm. Nhiều khi cả một hình ảnh trang trí dưới chân cầu xa lộ như ở Dallas, hay trên sợi dây nịt của một ca sĩ cũng kéo theo một đám đông phản đối. Kẻ bàn quan cho đó là quá đáng, người địa phương lại càng lạ lùng, nhưng quả thật phải hiểu rằng đó là một điều gì người ta vừa khinh ghét, vừa hãi hùng.

Dù không nói ra và cũng chẳng có ai minh định, người ta xem màu vàng hiện nay như biểu tượng cho quốc gia và tự do, màu đỏ là sự đối nghịch. Cho nên khi người đạo diễn mô tả một con chim bồ câu rải hạt “lúa đỏ” trên cánh đồng, thì người ta phải hiểu ngay dụng ý của những thước phim này muốn nói gì!

Quả thật là tôi ghét màu đỏ từ trong gan ruột, ngoại trừ màu đỏ của cái bao “lì xì” ngày Tết, và cũng từ đó hiểu ra rằng nhiều người quên nỗi sợ xưa kia, đã bắt đầu khoái màu đỏ vì họ ngửi thấy mùi tiền.

Huy Phương

Nguồn nguoi-viet.com

LS.Trần Thanh Hiệp


Đặt vấn đề cần xét xử cuộc tàn sát Tết Mậu Thân ở Huế

Đêm mồng một Tết năm Mậu Thân (30 tháng 1 năm 1968), 12 ngàn quân cộng sản đã nổ súng tấn công thành phố Huế, chiếm đế đô cũ của nhà Nguyễn trong 26 ngày.

Chiến dịch Đông Xuân, cửa ngõ đi vào tội ác

Cuộc binh biến này là một trong những cao điểm của Chiến dịch Đông-Xuân, với một quân số gần 200 ngàn người gồm cả bộ đội chính qui lẫn du kích, chính ủy, cán bộ cộng sản xâm nhập từ miền Bắc cũng như tuyển mộ tại chỗ, mà Hà Nội đã mở ra ở chiến trường miền Nam, vào ba năm cuối thập niên 1960, trong ý đồ tạo thế mạnh trên chiến trường để áp đảo trên bàn hội nghị nếu buộc phải đi vào cuộc thương lượng.

Ngày thứ 27 những tay súng xâm lăng Huế đã bị quân lực Việt Nam Cộng Hòa cùng với quân đội Đồng minh đánh bật ra khỏi những nơi họ chiếm đóng. Các trận đánh đã chấm dứt, một trong những việc khẩn cấp trong khi chờ đợi cuộc sống bình thường trở lại trên miền sông Hương núi Ngự là lo kiểm điểm thương vong. Đã không có cuộc kiểm tra dân chúng thật sự nào được thực hiện. Nhưng đại cương, chỉ biết rằng tính tới tháng Ba/1968, theo thống kê của nhà cầm quyền thì có 1.900 dân thường được đưa vào bệnh viện vì thương tích chiến tranh và khoảng 5.800 người bị Cộng sản bắt đi mất tích. Và cho đến bây giờ, tất cả những người này coi như đã chết. Nhưng họ đã chết như thế nào?

Đã có lúc người ta tưởng rằng đó là những bí mật đã bị chôn vùi dưới lòng đất và trước sau gì thì thời gian cũng sẽ xóa hết vết tích thôi. Nhưng không ngờ rằng chẳng bao lâu sau sự thật đã dần dần hé lộ. Và một loạt tội ác ghê rợn vì mức độ dã man làm chỗi dậy lương tâm loài người lần lượt được vạch trần ra trước ánh sáng. Vô số tử thi được tìm thấy rải rác, hay tập trung trong những hố chôn tập thể, ở những vùng chung quanh Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Bốn mươi năm đã trôi qua. Không biết có bao nhiêu người nay còn muốn nhắc lại câu chuyện Tổng công kích cách mạng của cộng sản tại Huế, còn đoái hoài tới những kẻ xấu số đã mất đi mạng sống của mình một cách thảm thương. Đành rằng trước những tội ác đảo lộn luân thường đạo lý của phát xít quốc xã và cộng sản toàn trị, thế kỷ XX đã bị tố cáo trước công luận thế giới là man rợ xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Nhưng công luận đã không đáp ứng được nhu cầu công lý. Có gì để đền bồi cho thân nhân hàng ngàn gười xấu số đã chết tức tưởi dưới bàn tay khát máu của cộng sản tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân? Và những kẻ sát nhân đã phải trả lời ra sao về tội ác của chúng? Có thể đành tâm im lặng nhìn cuộc sống thị phi lẫn lộn kéo dài vô tận được không?

Một người Mỹ từng có nhiều công trình nghiên cứu thâm sâu về những người Cộng sản Việt Nam, ông Douglas Pike, khi lập một hồ sơ về biến cố Tết Mậu Thân đã viết rằng: “Ngoài tiếng thở dài cay đắng, người dân sẽ nói cho quí vị hay những gì về Huế mà thế giới đã không biết tới, và nếu có biết, họ cũng chẳng quan tâm đến những gì ở Huế sau 27 ngày gọi là “giải phóng Thừa Thiên (...). Những gì xảy ra ở Huế làm cho những ai còn là người văn minh trên địa cầu nầy phải dành nhiều phút giây tĩnh tâm để tư duy về những điều đã được khắc ghi, cùng với những tai họa khủng khiếp khác về những hành động dã man của người đối với người sẽ không bao giờ quên được và trở thành một dấu ấn sâu sắc trong dòng lịch sử nhân loại” (lời dịch của Tuệ Chương).

Bốn mươi năm sau. Chúng ta, những người không Cộng sản còn nhớ được những gì và suy nghĩ gì về cuộc giết người hàng loạt này?

Bộ mặt ghê rợn của ý thức hệ

Một người dân Huế nhớ lại: “Tại thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, 22 địa điểm tìm được là các mồ chôn tập thể. Trong 22 địa điểm này, người ta đếm được 2,326 sọ người. Sau Tết, chúng tôi lập Hội Gia đình Nạn nhân Cộng Sản Tết Mậu Thân. Các gia đình kê khai có người chết, có người mất tích, lên đến 4,000 gia đình. Người ta ước tính vào khoảng 6,000 người. Có nhà báo ước tính 5,000. Chúng tôi cho con số 5 đến 6 ngàn là không sai lệch lắm đâu”.

Nhiều đợt kiếm xác làm liên tưởng tơi cảnh hành hình trong ngục của Diêm Vương. Các nạn nhân tay bị trói bằng dây thép gai buộc ra sau lưng, miệng nhét giẻ, thân xác không còn nguyên vẹn nhưng lại không có dấu vết bị thương. Chắc hẳn những người này đã bị chôn sống . Nơi tìm thấy nhiều xác nạn nhân nhất là ở những đồi cát của ba làng Vinh Lưu, Lệ Xá đông, và Xuân Ổ; đây là vùng đồi cát liên tiếp nhau, nhiều đụn cỏ, ở gần biển Đông. Cách xa cách vùng đầm nước mặn, đây là nơi thuận tiện để chôn tập thể. Đã có hơn 800 người được phát giác ở khu này. Các nạn nhân bị trói thành từng nhóm 10 hoặc 12 người, sắp hàng bên cạnh những cái hố do dân địa phương đào. Sau khi bị bắn bằng súng máy nhờ có vỏ đạn bên cạnh hố chôn nên đoán là do Nga sản xuất. Một địa điểm khác nữa là ở quận Nam Hòa, chỗ gọi là khe Đá Mài, hay là nơi người dân Phú Cam bị giết, tìm thấy hôm 19 tháng 9 năm 1969. Cán binh Cộng Sản đào ngũ khai với viên chức tình báo thuộc đoàn Không Kỵ 101 của Hoa Kỳ rằng họ đã chứng kiến việc giết hàng trăm người ở khe Đá Mài, cách Huế 10 dặm về phía nam vào tháng Hai 1968. Khu nầy hoang vu, không có dân cư, khó đến được, một toán tìm kiếm đã tới được khe Đá Mài báo cáo rằng trong dòng suối có rất nhiều đống xương người chồng chất lên nhau.

Nhờ những tin tức gom góp được, người ta tạm phỏng đoán những gì xảy ra ở khe Đá Mài. Tại khu Phú Cam, nơi có khoảng 40 ngàn dân, những người theo đạo Thiên Chúa chiếm 3/4 dân số thành phố. Hôm mồng 5 Tết dân khu này chạy vào nhà thờ tránh súng đạn như ở Việt Nam người dân thường làm. Thực ra, nhiều người trong số đó không phải là người có đạo Thiên Chúa.

Cán bộ Cộng sản vào nhà thờ bắt đi khoảng 400 người, một số theo danh sách có sẵn còn một số theo nhân dạng mà bắt (giàu có, sang trọng, trung niênv.v...). Cộng Sản cho biết họ phải vào vùng giải phóng để học tập chính trị trong vòng ba ngày, sau đó, sẽ được tha về. Họ bị đưa đi 9 cây số tới một ngôi chùa nơi Cộng sản đặt bộ Chỉ huy. Hai chục người được gọi ra trước cái gọi là “tòa án cách mạng”, bị tố cáo là có tội, bị hành quyết và chôn ngay trong sân chùa. Những người còn lại được đưa qua sông và giao cho đơn vị Cộng sản địa phương. Bảy ngày sau đó, không rõ số lượng bao nhiêu, cả người bắt và người bị bắt đã di chuyển về một vùng quê. Và để không cho ai thấy, người bị bắt bị dẫn đến những vùng núi non lởm chởm nhất miền Trung Việt Nam, tới khe Đá Mài. Tại đây họ bị bắn hay bị đập đầu, xác bị đạp xuống lòng khe.

Ông Nguyễn Phúc Liên Thành, nguyên Phó Trưởng ty Cảnh sát Đặc biệt tại Thừa Thiên nhớ lại: “Sau khi lập chính quyền thì Việt cộng bắt đầu cuộc thảm sát. Đầu tiên họ kêu gọi quân nhân cán chính trong thành phố Huế ra trình diện. Sau khi trình diện thì được cấp giấy, có quyền đi lại, coi như giấy thông hành. Những người này về nói lại với những người khác, người kế tiếp ra trình diện. Đến lần thứ ba thì họ yêu cầu tất cả những ai đã trình diện lần một và lần hai ra trình diện lại. Đây là lần quyết định, và cuộc thảm sát đã diễn ra!”

Ông Philip W. Manhard, cố vấn Mỹ tại Huế bị bắt làm tù binh và bị giam giữ tại một trại tù binh ở ngòai Bắc cho đến năm 1973, đã xác nhận rằng khi phải rút khỏi thành phố Huế, bộ đội cộng sản đã hạ sát tất cả những ai không chịu đi theo, cũng như những người quá già hoặc quá ít tuổi gây trở ngại cho cuộc rút quân này. (*)

Phải được thúc đẩy bởi những động cơ tâm lý như thế nào mới có thể giết người một cách vô cảm và phi nhân tính, theo đuổi ý đồ diệt chủng như vậy? Tìm cách giải nghĩa cuộc tàn sát Tết Mậu Thân dưới góc độ nhìn vấn đề như thế thì chỉ có một câu trả lời độc nhất, đó là sự thể hiện cụ thể nhất của hệ thống giáo điều ý thức hệ Cộng sản với căm hờn giai cấp, với vai trò lịch sử tự phong của lớp người tự nhận là vô sản, với chủ trương đảng trị độc tôn, toàn trị phi nhân quyền v.v... cho phép người cộng sản - như, đúng ra hơn cả Thượng Đế - có đủ mọi thứ quyền trên cõi đời này, kể cả quyền sinh quyền sát. Bởi vậy cuộc tàn sát đầu Xuân Mậu Thân vẫn còn là một vấn đề mà các thế hệ nói tiếp cần phải phân tích để thanh toán.

Khoảng cách bốn mươi năm đã mang lại nhiều thay đổi từ tư tưởng đến thực tế đất nước, góp phẩn làm hiển lộ sự thật. Nếu vào thời điểm năm 1968, những người Cộng sản có được sự thản nhiên lạnh lùng để hạ sát một cách man rợ hàng ngàn đồng bào là tại vì lương tâm con người trong họ đã bị tham vọng quyền lực, quyền lợi che lấp. Phải bằng mọi giá loại trừ bất cứ trở ngại nào trên buớc đường họ cướp quyền để cầm quyền. Nhưng sau hơn 30 năm chiếm được trọn quyền trong cả nước, những người cộng sản qua suy nghiệm bản thân chắc đã không thể không nhận rõ được thực chất vô đạo, dối trá, man rợ, lạc hậu của ý thức hệ của mình. Họ biết rằng không thể mượn những ánh hào quang giả trá của chủ nghĩa để biện minh cho hành động giết người của họ. Nên họ đã ra sức che dấu tội phạm bằng những luận điệu, hình thức lố bịch tự ca ngợi chiến thắng, tạo nên những căng thẳng tâm lý, khơi sâu thêm hận thù trong xã hội. Nhưng họ che dấu bằng thái độ phi luân lý, bất cần tốt xấu, sai đúng, khinh miệt mạng sống con người. Mặc dầu trước công luận thái độ này có chỗ dựa là chính quyền nhưng nó không thể làm nền tảng đạo lý cho môt nước Việt Nam dân chủ lương thiện được. Hồ sơ cuộc giết người hàng loạt Tết Mậu Thân vì vậy chưa thể xếp lại mà còn phải đưa ra trước công lý..

Đường thẳng và những ngõ ngách để đi tìm công lý

Chữ công lý có hai nghĩa. Hiểu một cách thông thường thì công lý là công bằng, hợp với lẽ phải, trái phải, công tội phân minh v.v... Công lý cho người dân cảm giác công chính, thỏa đáng, chính đáng. Nhưng điều này không phải tự nhiên đã có sẵn trong xã hội, cần phải thực hiện mới có và công lý chỉ thực hiện thông qua nhà cầm quyền. Chính quyền phải có những định chế để đáp ứng nhu cầu công lý của dân. Do đó, chữ công lý còn có nhiều nghĩa chuyên môn mang tính chất triết học, pháp lý. Công lý về mặt chuyên môn, và hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, là một phạm trù luân lý-chính trị-luật học, biểu hiện một trạng thái quan hệ trong đó con người được đối xử công bình, nghĩa là bình đẳng với nhau trước pháp luật, trong sự tương kính, phù hợp với hệ thống giá trị được coi như tiêu chuẩn của cuộc sống chung. Công lý vì thế là đạo đức hàng đầu của chính quyền, là lẽ chính thống của một một chế độ, là diện mạo của văn minh.

Cho đến cuối thế kỷ XX, trên đại thể, công lý là giá trị quốc gia. Nước nào có công lý của nước ấy, tuy rằng cũng phải qui chiếu vào cái hình bóng giá trị được gọi là công lý chung của nhân loại. Nhưng từ thập niên 1990 công lý chung này bắt đầu quá trình đột xuất dưới hình thức bào thai. Và đến năm 1998 thì nó chính thức ra đời ở thành phố Rome của nước Ý, dưới danh xưng Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, có thể nói một tòa án hình sự đầu tiên của cả loài người . Như vậy là từ nay sẽ có hai nền công lý, đó là công lý quốc nội và công lý quốc tế. Đúng hơn, nên nói hai cách thực hiện công lý với những khác biệt từ hình thức đến nội dung. Việc nhận diện cho rõ những khác biệt này không đơn giản vì nó đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn. Nhưng điều mà mọi người nên tránh là đừng đồng hóa một cách máy móc hai thứ công lý này.

Câu hỏi thực tế được đặt ra là trong khuôn khổ hai nền công lý ấy, phải làm sao để xét xử vụ giết người hàng loạt Tết Mậu Thân?

Có hai con đường thẳng và một số ngõ ngách để đưa vụ tàn sát Tết Mậu Thân ra trước công lý. Hãy bàn về những con đường thẳng để chọn hoặc con đường quốc tế hoặc con đường quốc nội. Về mặt công lý quốc tế thì vụ tàn sát này thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (TAHSQT). Thật vậy, những hành vi bắt người giết người và ý chí phạm tội của những thủ phạm cộng sản rõ ràng là những yếu tố cấu thành các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử (thuật ngữ luật học gọi là “thẩm quyền đối vật”, compétence ratione materiae) của cơ quan tài phán này, chiếu điều 6, 7 và 8 của Quy chế Rome 1998 thiết lập TAHSQT. Với những đặc tính này, vụ tàn sát Tết Mậu Thân là những tội phạm quốc tế đích danh như diệt chủng, chống nhân loại và tội phạm chiến tranh. Nhưng điều trớ trêu là các tụng nhân Việt Nam lại không có tố quyền để khiếu kiện trước TAHSQT. Vì chiếu điều 11 của Qui chế kể trên, TAHSQT chi thụ lý để xử những viêc xảy ra sau khi Qui chế này bắt đầu có hiệu lực, nghĩa là năm 2001. Hơn nữa trong mọi trường hợp, TAHSQT cũng không có hiệu lực đối với nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa vì nước này không ký tên vào Quy chế Rome 1998 nên không bị ràng buộc vào quy chế Rome. Như vậy, con đường thẳng quốc tế đã bị tắc nghẽn, các tụng nhân Việt Nam chỉ còn trông vào ba ngõ ngách là các nước Tây Ban Nha, Bỉ và Hoa Kỳ là ba nước tự cho mình có thẩm quyền trên tòan cầu xét xử một số tội hình sự bất cứ ai phạm ở nước ngoài (**). Với điều kiện là thủ phạm phải có mặt trên ba nước này và nếu không có mặt thì sẽ được dẫn độ. Rốt cuộc cũng vẫn là những bước phiêu lưu mà kết quả cũng không hơn gì trường hợp không có tố quyền. Vì thủ phạm không dại gì tự mang thân vào vòng tù tội và yêu cầu dẫn độ cũng chẳng bao giờ được chấp thuận (**).

Còn đường thẳng công lý quốc nội thi sao? Theo lẽ, những tụng nhân Việt Nam có thể vô đơn nhờ tòa án quôc nội xét xử vụ tàn sát Tết Mậu Thân. Như tòa án ở Phnom Penh đang xử những người Khơ Me Đỏ về tội diệt chủng. Nhưng người dân Việt Nam cũng sẽ đành phải bó tay thôi. Đương nhiên phải vậy bởì lẽ Đảng cộng sản, Đảng đã gây ra tội ác diệt chủng Tết Mậu Thân, vẫn còn đang cầm quyền khác với trường hợp Khơ Me Đỏ đã mất quyền. Thân nhân các nạn nhân vụ tàn sát Tết Mậu Thân chắc chắn là không hy vọng gì thấy được tòa án của chế độ hiện hữu chấp đơn khiếu kiện để tự mình xét xử mình và trừng phạt mình. Vậy chỉ còn ngõ ngách là tụ họp để khiếu kiện ngoài đường phố, đòi hỏi nhà cầm quyền mở cuộc điều tra để truy cứu các thủ phạm trong cuộc diêt chủng Tết Mậu Thân, trừ phi chính quyền tại chức bị mất chức và chính quyền thay thế sẽ không theo đưổi chính sách cai trị diệt chủng cũ.

Nói tóm lại, trước mắt, đặt vấn đề tìm công lý cho những nạn nhân vụ giết người hàng loạt Tết Mậu Thân là đặt vấn đề thay đổi ở tận gốc những điều kiện thực hiện công lý để cho nưóc Việt Nam có thể thực sự hội nhập với nhân loại văn minh. Để tạo ra một không gian pháp lý mới trong đó pháp luật sẽ thay thế cho bạo lực thay vì chỉ giữ vai trò công cụ cho bạo lực
.

LS. Trần Thanh Hiệp
2008

Ghi chú:
[*] Phỏng theo và tóm lược các tài liệu đã được phổ biến trên mạng lưới internet.
[**] Tây Ban Nha đã yêu cầu dẫn độ Pinochet, cụu Tổng Thống Chili để xét xử về cuộc tàn sát tập thể tại nước này. Anh quốc tuy đã bắt giữ tướng Pinochet nhưng đã từ chối không chấp đơn xin dẫn độ của Tây Ban Nha.