Monday, April 30, 2012

30-4

30 tháng 4  -  ai thắng ai.

Video SQ-QLVNCH  -  RFA-30/4  -  CothanhQT  -  pro&con

30 tháng 4 lại đến. Khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, lại phủ kín cờ đỏ sao vàng, lại khẩu hiệu, băng-rôn “Mừng đại thắng mùa Xuân”. Lại những lẵng hoa khổng lồ, sặc sỡ bên tượng Hồ Chí Minh. Mít tinh, diễn văn, diễu hành, duyệt binh, văn nghệ, pháo hoa, sâm-banh, tiệc tùng ăn mừng đại thắng.(Những ngày cuối cùng của thể chế Việt Nam Cộng Hòa. Ảnh google)

Người Mỹ không bại

Nhìn những chuyến trực thăng cuối cùng, vội vàng hấp tấp rời khỏi nóc tòa đại sứ Mỹ, những con chim sắt lao đầu xuống biển như người khồng lồ gieo mình tự vẫn. Nhìn đám người chen chúc, xô đẩy, khổ đau, tuyệt vọng, hoang mang, sợ hãi giống như cảnh ngày tận thế đã được mô tả trong sách Khải Huyền…
Một cách tự nhiên, lô-gic, Mỹ bị coi như là kẻ đại bại.

Nhưng chúng ta hãy cùng nhau làm một phép tính chia. Tổng số bộ đội miền Bắc thiệt mạng trong cuộc chiến này là khoảng 3 triệu, trong lúc quân nhân Hoa Kỳ là 58 ngàn.
3.000.000: 58.000 = 51.7
Như vậy, 52 bộ đội miền Bắc hy sinh tính mạng chỉ để tiêu diệt được 1 quân nhân Hoa Kỳ.

Những ai có dịp nghiên cứu tìm hiểu về nước Mỹ, đều phải công nhận rằng quốc gia này coi sinh mạng của công dân là vô giá, là thiêng liêng, không thể mua được bằng tiền, không thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì.

Trước một đối thủ “không tiếc máu xương”, chết bao nhiêu cũng được, mạng người không tính đến, xương có thể chất thành núi, máu có thể chảy thành sông, và chỉ có một khát vọng chiến thắng, thì việc Hoa Kỳ rút lui khỏi cuộc chiến là một hành động nhân đạo và đầy trách nhiệm. Người ta có thể chê người Mỹ là hèn nhát, nhưng phải thừa nhận rằng, họ không thể lãng phí xương máu của công dân. Họ thà mất mặt, chứ không mất mạng. Họ khôn ngoan tìm ra một ra một hành lang khác để đi đến chiến thắng nhẹ nhàng hơn, đỡ tốn kém hơn.

Và thời gian đã chứng minh. Người Mỹ không đại bại: Thảm đỏ được trải đến tận chân cầu thang để đón chào người Mỹ đến thăm Hà Nôi.

Việt Nam Cộng Hòa không thua

Bây giờ chúng ta lại cùng nhau làm một phép tính trừ. Lấy con số 3 triệu bộ đội miền Bắc thiệt mạng trừ đi nửa triệu lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã tử trận.
3.000.000 – 500.000 = 2.500.000.

Giả sử để đạt đến một chiến thắng tương tự, VNCH phải chịu hy sinh thêm 2 triệu rưỡi binh sĩ nữa. Nhưng VNCH đã chấp nhận thua cuộc, hai triệu rưỡi sinh mạng được bảo tồn. Hai triệu rưỡi gia đình thoát cảnh tang tóc. Hai triệu rưỡi phụ nữ khỏi kiếp cô độc. Nhiều triệu trẻ thơ không bị rơi vào cảnh mồ côi.

Bạn đã từng thấy trên truyền hình những cảnh sập hầm hay động đất. Những đoàn quân cứu hộ đã phải khoan sâu vào lòng đất, phải xúc ủi, phải bới móc, phải lục tìm trong những đống đất đá suốt cả ngày đêm. Khi chỉ cần một mạng người được cứu, tiếng reo hò như sấm dậy, niềm vui dâng trào, hàng triệu người ngấn lệ. Vậy hai triệu rưỡi người được cứu, không phải là một chiến thắng vĩ đại sao!

Ông bà mình dạy “Người là vàng, của là ngãi”. Họ chấp nhận trắng tay, chấp nhận mất tài sản, đất đai, công ăn việc làm, và địa vị xã hội, nhưng đồng đội của họ bớt thương vong. Sự thực đã chứng minh, bằng trí thông minh, bằng lòng trung thực, bằng bàn tay chăm chỉ, họ đã gầy dựng lại sự nghiệp và tài sản đã mất. “Người làm ra của, của không làm ra người”. Còn người là còn tất cả. VNCH không hề đại bại.

Ai đại bại?

Trở về với nông thôn miền Bắc trước năm 1975. Làng quê khi đó vắng vẻ đến rợn người. Trai đi bộ đội, gái đi thanh niên xung phong, trung niên đi dân công hoả tuyến. Còn lại toàn cụ già em nhỏ phải cáng đáng việc nhà nông nặng nhọc.Làng quê bấy giờ vắng lặng, nhưng không chút bình yên. Ngày ngày những người mẹ, người vợ, người yêu mỏi mòn trông đợi(Quân CSBV trên Trường Sơn)Gia tài của những người nông dân vùng này có gì khác ngoài vụ lúa, con heo, bầy gà. Nhưng tất cả để nuôi bộ đội. Lúa bị tận thu. Heo, gà phải qui ra từng ký lô giao nộp cho nhà nước. Tất cả vì tiền tuyến, vì chiến trường miền Nam. Toàn bộ sức người và tài sản ở nông thôn được khai thác đến khánh tận để phục vụ cho “đại thắng”.

Hôm nay gần bốn thập kỷ đã qua. Nông dân miền Bắc – những người đóng góp cho đại thắng đã được tri ân những gì?Trên đồng quê thanh bình của họ bây giờ có bóng dáng các đại gia thấp thoáng trong những xe hơi sang trọng; có những binh đoàn cảnh sát chìm cảnh sát nổi, đầu đội nón sắt, chân đi giầy đinh, mình mặc áo giáp, tay phải mang dùi cui, tay trái mang lá chắn, đằng đằng sát khí; có cả những thành phần “xã hội đen”, mặt mày hung dữ, gậy giáo tua tủa với máy ủi, máy xúc gầm rít, lồng lộn phía sau.Bên kia là những nông dân già, trẻ, hom hem, gầy ốm, xiêu vẹo, đầu đội nón bảo hiểm, tay mang cuốc, gậy, gạch, đá, liềm, dao, không được tổ chức, không trang bị, không huấn luyện.Trận đánh bắt đầu. Một bên vẫn dùng chiến thuật của chiến trường xưa, lấy sức đè người, áp đảo đối phương cả về con số và hỏa lực. Lựu đạn cay được ném ra không giới hạn. Dùi cui vung lên, quất vào mặt những người già đáng tuổi cha mẹ, ông bà. Năm bẩy cảnh sát cơ động lôi kép một phụ nữ gầy yếu. Những trái nổ như muốn xé rách bầu trời để uy hiếp tinh thần, nhanh chóng chia cắt đội hình đối phương thành những nhóm nhỏ để dễ bề khống chế. “Xã hội đen” nhẩy vào, những cú đánh hiểm được tung ra. Đồ ăn, thức uống của dân bị ném vào thùng rác. Còng số tám khóa lại những bàn tay lam lũ đói nghèo. Máy ủi, máy xúc từ phía sau dàn hàng ngang mà tiến. Đất bị đào bới. Hoa màu bị băm vằm. Nhà tù, trại giam mở cửa chào đón những tù binh nông dân.Tiếng nguyền rủa của người dân bao đời khốn khổ dường như thấu tận trời xanh.

Các đại gia nay trở thành những người đại thắng. Những ly bia trào bọt trắng xóa được nâng cao để ăn mừng. Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào, và hôm nay những nông dân cũng được quét sạch khỏi những cánh đồng mà dòng sông Hồng muôn tuổi bồi đắp phù sa.

Trận đánh với kẻ thù là nông dân giữ đất đã kết thúc tuyệt đẹp. Nó sẽ được viết thành giáo trình giảng dạy trong các trường công an nhân dân. Nó sẽ phổ biến kinh nghiệm chống nông dân trong toàn quốc. Người ta sẽ ca ngợi nó là chiến thắng. Là trận đánh tuyệt đẹp, thần tốc, táo bạo.

Tôi sinh ra ở nông thôn. Cha mẹ tôi là nông dân. Tôi được nuôi lớn bằng hạt gạo, củ khoai của vùng này. Những gì đang xảy ra ở làng quê Việt Nam hôm nay không khác gì những trận càn quét mang đậm nét thực dân. Tôi nhớ đến hai câu thơ của ai đó:
Suy cho cùng trong mọi cuộc chiến tranh
Bên nào thắng thì nhân dân đều bại.

Những người dân quê tôi đã đại bại. Tôi thấy chua xót, và bất lực. Không thể viết thêm điều gi.

Trần Hồng Tâm
29-04-2012

Sunday, April 29, 2012

30-4-1975


Ngày Đó, Tháng Tư Năm 1975

Năm nay tôi 80 tuổi. Vợ tôi thường nói với mấy con:

- Ông bà mình nói người già hay sanh tật, đúng quá! Bây coi: ba bây bây giờ sáng nào uống cà phê xong cũng lại đứng trước tấm lịch tháng treo ở phòng khách, nhìn trầm ngâm một chút rồi lấy bút gạch tréo ô vuông đề ngày hôm qua! Chi vậy hổng biết? Hỏi ổng thì ổng nói gạch để nhớ rằng đến ngày nầy tháng nầy mình vẫn còn trôi sông lạc chợ! Trời đất ! Định cư ở Pháp từ hơn ba mươi năm chớ phải mới đây đâu mà đi gạch lịch từng ngày! Ổng còn nói gạch để coi chừng nào mình mới thôi gạch để về lại Việt Nam …

Câu nói của tôi là sự thật nhưng vì vợ tôi không hiểu nên cho là tôi già sanh tật ! Làm sao giải thích được mỗi lần tôi gạch tréo một ngày như vậy tôi có cảm tưởng như là tôi vừa nhích lại gần quê hương một chút - một chút thôi - đủ để nuôi hy vọng thấy một ngày nào đó mình vẫn còn sống mà trở về …

Sáng nay, cũng giống như mọi ngày, tôi cầm bút gạch tréo ô vuông ngày hôm qua. Ô vuông ngày hôm nay đập vào mắt tôi làm tôi giật mình: ngày nầy, năm 1975! Tôi bỗng nhớ ra, nhớ rõ, những gì đã xảy ra ngày đó, nhớ như in. Rồi sợ «cái ngày đó» nó vuột khỏi ký ức vốn đã quá hao mòn của tuổi già, tôi vội vã lấy giấy bútghi lại …

… Hồi thời trước 75, tôi làm việc cho một hãng dầu ở Việt Nam, phụ trách nhập cảng xăng dầu từ Singapore vào kho dầu Nhà Bè để cung ứng cho thị trường dân sự và quân sự miền nam Việt Nam. Vì trong xứ có giặc nên thị trường quân sự chiếm 60%, trong đó xăng máy bay dẫn đầu. Các bạn tôi trong quân đội giải thích cho tôi biết rằng ở chiến trường Miền Nam sự yểm trợ của không lực là quan trọng nhứt. Do đó, tôi luôn luôn theo dõi sát tình hình dự trữ xăng máy bay ở các kho dầu Miền Nam, từ kho Nại Hiên Đà Nẵng dẫn xuống kho Cần Thơ thông qua kho lớn ở Nhà Bè …

Vào cuối tháng 5 năm 1975, sau lịnh triệt thoái cao nguyên, tình hình quân sự trở nên ồ ạt. Sợ trở tay không kịp, tôi còm-măng Singapore một tàu xăng máy bay. Hay tin nầy, hãng bảo hiểm có hợp đồng với hãng dầu tôi làm việc đánh điện phản đối, không cho tàu dầu qua Việt Nam viện cớ tình hình bất ổn. Đánh điện qua, đánh điện lại, cù cưa cả tuần họ mới bằng lòng cho tàu dầu qua, với điều kiện phải có hộ tống của Navy Mỹ họ mới cho tàu vào sông Sàigòn để cặp kho Nhà Bè !

Tôi báo cáo với ban giám đốc vì lúc đó ở kho lớn Nhà Bè trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ có bảy ngày tác chiến của không quân. Ban giám đốc chấp thuận điều kiện của hãng bảo hiểm. Tôi vội vã gọi điện thoại lại cơ quan yểm trợ Mỹ để xin họp khẩn. Ông trưởng sở trả lời :«Tôi sẽ đến ngay văn phòng ông. Cho tôi mười phút!». Tôi quen ông nầy - tên W, thường được gọi là «Xếp» - nhờ hay đi họp chung. Ông ta dễ thương nhã nhặn, biết chút đỉnh tiếng Pháp nên lần nào gặp tôi cũng nói: "Bonjour ! ça va ?" (Chào ông! Mạnh hả?)

Xếp W đến văn phòng tôi với hai người phụ tá. Tôi đã làm sẵn hồ sơ nên sau khi mời ngồi, tôi trao ngay cho họ để họ dễ theo dõi những gì tôi sẽ trình bày. Mười phút sau, tôi kết luận xin can thiệp gấp để tàu dầu xăng máy bay của hãng tôi được hộ tống, không quên nhắc lại điểm chánh yếu là trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ để chiến đấu trong vòng có bảy bữa !

Nghe xong, Xếp W xin phép bước ra ngoài gọi radio về trung ương. Một lúc sau, ông trở vào, nét mặt và giọng nói vẫn tự nhiên như chẳng có gì quan trọng hết:

- Rất tiếc ! Chúng tôi không giúp được! Thôi! Chúng tôi về! ôi đang nghe nghẹn ngang ở cổ thì ông W vỗ vai tôi nói nhỏ bằng tiếng Pháp:
- Allez vous en! (Ông hãy đi, đi!)

Ra đến cửa phòng, ổng ngừng lại nhìn tôi, gật nhẹ đầu một cái như để chào nhưng tôi nghĩ là ổng muốn nhắc lại câu nói cuối cùng "Allez vous en!" (Ông hãy đi, đi ! ) …

Tôi ngồi bất động, nghe tức tràn lên cổ vì thấy mình bất lực quá và cũng nghe thương vô cùng cái quê hương nhỏ bé của mình, nhược tiểu đến mức độ mà khi cần nắm tay để kéo đi theo thì «họ» dán … đầy đường cái nhãn «hai bàn tay nắm lấy nhau» để chứng tỏ sự thật tình «khắng khít», rồi khi không còn cần nữa thì cứ tự nhiên buông bỏ không ngượng tay giấu mặt, vì biết mười mươi rằng «thằng nhược tiểu đó không làm gì được mình !»

Tôi ráng kềm xúc động, bước qua phòng họp của ban giám đốc, chỉ nói được có mấy tiếng:
- Chánh quyền Mỹ từ chối!
Sau đó, tôi đánh điện qua Singapore, cũng chỉ bằng một câu: «Không có hộ tống». Họ trả lời ngay «OK! Good Luck!» (Nhận được ! Chúc may mắn!) Hai chữ cuối cùng, trong hoàn cảnh nầy và vào thời điểm nầy, nghe sao thật đầy chua xót !

Thấy mới có ba giờ chiều, nhưng không còn lòng dạ đâu để ngồi lại làm việc nên tôi lái xe về nhà. Tôi lái như cái máy, cứ theo lộ trình quen thuộc mà đi. Về đến trước nhà, tôi bỏ xe ngoài ngỏ, đi bộ vô. Vợ tôi chạy ra,ngạc nhiên:
- Sao về vậy anh?

Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc. Vợ tôi chưa biết những gì đã xảy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc:
- Ờ… Khóc đi anh ! Khóc đi!

Ngày đó, tháng tư năm 1975 … Đúng là ngày nầy!

Tiểu Tử

Saturday, April 28, 2012

30-4-1975


Sáng 30-4 ở Ngã Tư Bảy Hiền

Người sĩ quan mặc đồ rằn-ri tập họp đám Nhân Dân Tự Vệ lại và bảo:

- Bây giờ đã đến lúc các em phải tiếp tụi anh một tay. Việc đầu tiên là phải vứt hết các khẩu súng cùi này xuống giếng, sau đó lập một nút chặn không cho bất cứ một ai đem vũ khí vào thành phố. Ai cưỡng lệnh, các em cứ bắn bỏ, có như thế mới an tâm mà đánh đấm được!

Chỉ một lát sau, đám Nhân Dân Tự Vệ ô-hợp đã được trang bị toàn bằng súng M- 16 và những quả lựu đạn bóng lưởng đeo lủng lẳng trên người. Nhiều khuôn mặt non choẹt, nhưng đầy vẻ tự hào đi bên cạnh những người lính dày dạn gió sương, khiến đường phố trở nên nhộn nhạo và tăng thêm không khí chuẩn bị chiến đấu. Người sĩ quan ấy còn cất công hướng dẫn từng tốp Nhân Dân Tự Vệ đi ngược theo con đường chính dẫn vào Saigon. Vừa đi ông vừa chỉ vào những khẩu M-72 đã được dựng sẵn từ đêm qua, dựng rải rác dọc trên hè phố:

- Nếu gặp tăng, các em “làm ơn” nâng cái này lên vai, nhắm mục tiêu vào giữa và bóp cò giùm tụi anh một cái.. là xong!

Người toán trưởng Nhân Dân Tự Vệ sau khi nghe xong những lời dặn dò của người lính, liền lui về phía sau cùng với mấy người trong toán để tìm bảng viết vội hàng chữ: “Muốn vào thành phố xin để lại vũ khí” và máng nó lên một con ngựa sắt để giữa đường.

Chưa đầy một tiếng sau, chỗ đó đã chất đầy một đống vũ khí đủ loại. Người sĩ quan vẫn đi đi lại lại như con thoi. Mỗi khi gặp một người mặc quân phục đi vào thành phố, ông đều chận lại và hỏi:

- Còn muốn chiến đấu không?

Những ai gật đầu ông liền đưa tay chỉ đến đống vũ khí bị bỏ lại, để họ tự lựa chọn và tái trang bị. Những ai lắc đầu, nại cớ này kia thì ông chỉ lắc đầu ngao ngán, khoát tay bảo đi. Riêng đám Nhân Dân Tự Vệ thì rất hào hứng khi lần đầu tiên họ được tự do nhét vào bụng cả những cây súng ngắn Ru-Lô, P-38 và Colt 45 do những người lính tháo lui để lại bên đường. Lúc ấy trời mới vừa hừng sáng, những tiếng đạn pháo kích của Cộng quân bắt đầu nổ dồn dập, với những tiếng đạn rít xé trời bay ngay trên đầu nghe đến lạnh người.

Đoàn người lánh nạn lũ lượt chạy vào thành phố ngày một đông, và con lộ chính từ Ngã Tư Bảy Hiền dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất và Saigòn đã bắt đầu nổ ra các cuộc giao tranh đẫm máu. Những người lính tử thủ trong bệnh viện Vì Dân đã có một lợi thế vững chắc. Từ trên sân thượng họ đã phóng ra những trái hỏa tiễn M-72 chống chiến xa một cách chính xác. Đã có ít nhất 3 xe tăng T-54 của Cộng quân bị bắn cháy tại chốt phòng ngự này.

Những chiếc xe tăng của bắc Việt bị bắn cháy sáng 30-4 ở gần ngả tư Bảy Hiền

Một toán lính Nhảy Dù khác đóng chốt bên cánh phải của Ngã Tư, nơi có đồn cảnh sát Tân Sơn Hòa bị cộng quân bắn rát khiến họ phải rút sâu vào bên trong trường trung học Nguyễn Thượng Hiền. Một chiếc T-54 gia tăng tốc độ chạy về hướng nghĩa địa Tây, nhưng đã bị lính Nhảy Dù chận đầu bắn cháy, một chiếc khác tiến nhanh hơn chạy về tới gần Lăng Cha Cả thì cũng bị lính Không Quân bắn gục. Mấy người nằm vùng cầm cờ Mặt Trận Giải Phóng nửa đỏ nửa xanh dẫn đường cho toán bộ đội tùng thiết, thấy mấy chiếc tăng mở đường đều bị bắn cháy nên khiếp sợ cầm cờ chạy dạt vào bên trong các ngõ hẻm, khiến bộ đội Bắc Việt không biết đường nào để tiến vào thành phố. Hướng tiến công chính của Bắc Việt từ Tây Ninh này không ngờ gặp sức kháng cự dữ dội của lính Nhảy Dù và Không Quân nên bị chậm hẳn lại, khiến các bộ đội Cộng Sản phải dùng súng B-40 bắn loạn xạ nhằm tạo sự hỗn loạn trên dòng người chạy trốn.

Một trái đạn pháo kích rơi ngay ngả rẽ vào Nhà thờ Chí Hòa Nam, hất tung một chiếc xe lam chở đầy hành khách. Nhiều người bị thương nặng, không ai cứu chữa nằm lăn lộn la hét vang trời, tạo nên một cảnh hỗn loạn và bi thương tan tác chưa từng thấy. Vài chiếc trực thăng chong chóng quay xành xạch lượn sát mái nhà định đáp xuống khu cánh đồng rau muống (đằng sau Nhà Dây Thép Gió) để đón thân nhân di tản, bị đủ loại đạn bắn lên khiến không chiếc nào dám hạ cánh. Một chiếc “xâm mình” hạ xuống sân thượng để đón gia đình một vị dân cử, nhưng không gặp may khi một cánh quạt vướng vào tường nhà bên cạnh, làm cho chiếc trực thăng này không sao cất cánh lên được nữa.

Dù con đường Phạm Hồng Thái (Lê Văn Duyệt nối dài) bị đủ loại đạn bắn trực xạ từ phía Cộng quân, dòng người đổ xô về Saigòn để tìm đường thoát thân vẫn đông nghẹt. Nhiều xác chết không toàn thây đã được dân chúng kéo vào bên lề, và mỗi khi có tiếng đạn bay rít trên đầu, đoàn người lại dạt vào hai bên phố, hoặc chạy băng vào các ngõ hẻm, vứt lại ngổn ngang trên đường đủ loại hành lý và xe cộ.

Gần cổng trại lính Nguyễn Trung Hiếu một bà mẹ bị miểng đạn tiện đứt một chân máu me lênh láng nằm lăn lộn rên la trên đường, mà trên tay vẫn ôm chặt xác đứa con đã bị mảnh đạn khác lấy mất đầu. Vài người từ tâm dừng xe lại, nhưng biết không cứu giúp được gì nên đành nuốt nước mắt phóng đi. Lúc này không ai có thể lo cho ai được, vì số phận của họ cũng mong manh y như người đàn bà cụt chân đang hấp hối!

Người sĩ quan vẫn chạy đi chạy lại, ông hò hét số binh sĩ lấy thêm đạn từ bên trong doanh trại Nguyễn Trung Hiếu, và chở bằng xe Jeep lên cung cấp cho toán lính ít ỏi còn lại đang rải mỏng từ Ngã Tư Bảy Hiền xuống Ngã Ba Ông Tạ. Đang lúc dầu sôi lửa bỏng, một thanh niên mình trần đứng cãi vã với mấy anh Nhân Dân Tự Vệ, vì anh ta nhất định không chịu để lại vũ khí khi qua trạm. Đang ngồi trên chiếc Jeep chở vũ khí, viên sĩ quan nhảy xuống ra lệnh:

- Anh kia lại đây! Anh thuộc đơn vị nào? Có còn muốn chiến đấu không?

Người thanh niên lớn tiếng chửi thề:

- Đù mẹ! Chạy chết mẹ từ ngoài kia vào đây, còn đánh đấm chó gì!

Viên sĩ quan đanh giọng:

- Vậy phiền anh bỏ vũ khí xuống!

Bằng một cữ chỉ chống đối, người thanh niên vung khẩu súng M-16 lên, nhưng viên sĩ quan đã nhanh hơn rút khẩu Colt 45 bên hông. Tiếng nổ chát chúa vang lên và thân thể người thanh niên ngã vật xuống với dòng máu đỏ chan hòa! Đám Nhân Dân Tự Vệ xanh mặt đứng nép vào bên phố, viên sĩ quan mặc áo rằn-ri phân bua:

- Các nơi khác mất sớm cũng vì bọn làm loạn này! Phải thế thôi!

Đống vũ khí do những người tuân lệnh để lại ngày một nhiều hơn. Lác đác gần đó còn có cả các bộ quân phục và các túi quân trang. Những tiếng nổ của đủ loại súng đạn vẫn vang lên tứ phía. Các toán bộ đội Bắc Việt mở đường đã dần chiếm được các chỗ trú ẩn trong các căn nhà vững chắc và thận trọng tiến về phía trước. Các toán lính VNCH cố thủ cứ phải lui dần vì Cộng quân ngày càng tiến gần họ qua dòng người di tản, và nếu hỏa lực cứ bắn về phía trước thì người dân chết sẽ không cơ man nào đếm xuể.

Người sĩ quan vẫn oai dũng điều binh, và không cho bất cứ người lính nào lùi về phía sau thêm nữa. Nhưng đúng vào lúc tranh sống ấy, một viên đạn AK bắn sẻ đã tách ông rời khỏi chiếc xe Jeep đang đậu bên đường. Không ai tới tiếp cứu ông cả, vì họ chưa biết tên Cộng quân ẩn núp nơi nào! Cho đến khi hai người lính liều mình ôm súng phóng về phía trước với hỏa lực trợ giúp của đồng đội, đã kéo được ông vào chỗ an toàn. Nhưng lúc ấy ông chỉ còn là một cái xác không hồn. Viên đạn oan nghiệt duy nhất đã khoét một lỗ nhỏ trên ngực ông, nhưng lại phá toang khi trổ ra phía sau lưng!

Đúng lúc ấy, Dương Văn Minh vị tổng thống mới nhậm chức 2 ngày trước đã hạ lệnh cho quân đội buông súng đầu hàng. Người lính ôm máy truyền tin PRC-25 là người đầu tiên trút khỏi người chiếc máy nặng trình trịch, và chạy lại phía mấy người lính đang ngồi ôm súng cố thủ bên các ngõ hẻm. Họ nói với nhau về lệnh buông súng của Dương Văn Minh, và cứ thế họ rút về phía sau.

Đám Nhân Dân Tự Vệ nhặt được máy truyền tin, nhưng không biết phải dùng nó vào việc gì. Họ nhấc ống liên hợp lên, và lần đầu tiên trong đời họ nghe được những giọng nói the thé của Bắc quân:

- Buông súng đi! Tổng thống của các anh ra lệnh đầu hàng rồi! – Bọn ngụy quân nghe đây: Hàng sống! Chống chết! Biết không?

Tiếng súng chống cự thưa dần. Cùng lúc tiếng gầm rú của những chiếc xe tăng còn lại của Bắc quân đã bắt đầu tiến vào Saigòn, theo sau là những chiếc xe vận tải sản xuất từ Trung Cộng chở đầy các tên bộ đội còn non choẹt, ngơ ngác nhìn ngắm tứ phía như những người đến từ các hành tinh khác!

Trên đường dẫn vào Saigòn lúc ấy, ngoài những đống vũ khí và xác người rải rác, còn có những đống quân phục đủ loại và những bộ lễ phục còn mới toanh được ném vội ra đường phố. Dân chúng e ngại một cuộc trả thù, nên họ vội vàng tống khứ ra khỏi nhà bất cứ thứ gì có dính dáng đến chế độ cũ. Không ai nghĩ đến chuyện thu nhặt, vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới.

Đêm ấy, đủ loại súng đạn và hỏa châu được bắn lên trời. Nó giống như một đêm hội hoa đăng với những lằn lửa đạn chi chít đuổi theo nhaụ

Trong lúc Bắc quân say sưa mừng chiến thắng, thì cuộc vượt thoát của hàng triệu người lại bắt đầu…

Nguyễn Vi Túy

30-4

Tháng 4 về

Năm nay, tháng tư một lần nữa lại về trên đất nước VN với ngổn ngang bao điều ray rức trong những tâm hồn còn tha thiết với quê hương, với tư cách của một người từng trải qua thời niên thiếu trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, tôi xin được mượn lời của một nhà văn Tây Ban Nha đã từng nói với chế độ độc tài Franco vào năm 1936: “Các ông thắng nhờ nắm được sức mạnh thô bạo cần thiết, nhưng các ông không thuyết phục được vì muốn thuyết phục cần phải có lý”.

Cứ mỗi lần tháng tư về là tiết trời bắt đầu oi bức, những cơn gió Nồm từ biển thổi vào cũng không làm sao xóa tan được cái cảm giác khô nóng của mùa hè. Tôi đi dọc theo bờ sông Bàn Thạch nhìn dòng nước đục ngầu uể oải xuôi về Đông, mang theo nó là những rác rến, xác chết súc vật và rất nhiều những thứ bẩn thỉu khác.

Trên bờ sông này trước đây là xóm làng trù phú, yên tĩnh và trong lành với rừng cây sưa tỏa bóng. Mỗi lần tháng tư về hoa sưa vàng rực một khoảng trời, mùi thơm dịu dàng quyến rũ, làm cho tôi ngày ấy - một cậu bé nhiều mơ mộng choáng ngợp trước vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên mùa hè thường hay đứng ngẩn ngơ nhìn và suy nghĩ vu vơ… tháng tư về sân trường rộn ràng tiếng ve, khúc nhạc cất lên cùng giai điệu từ thuở ban sơ cho đến mãi mãi vô cùng, trong lòng các cô cậu lúc này chùng xuống một nỗi buồn nhè nhẹ, khi những cánh phượng hồng chớm nở trên sân trường, trên đường đi học.

Thiên nhiên hào phóng ban cho mùa hè thật nhiều vẻ đẹp: dòng sông nước ngập đôi bờ lai láng trong veo tha hồ vùng vẫy, màu đỏ của hoa phượng, màu vàng của hoa sưa-- mùi hoa sưa thơm dịu dàng -- và tiếng ve buồn man mác và biển mênh mông hiền hòa với bờ cát vàng óng mượt dưới chân… và còn nữa mùa hè là mùa của hoa trái trĩu cành đong đưa trong vườn, trước ngõ, mùa của hoa Ngọc lan thơm ngát… nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì tôi và những cô cậu bé cùng tuổi hạnh phúc biết bao nhiêu. Nếu trong ký ức của chúng tôi không có ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái ngày mà chúng tôi tan tác như đàn chim non gặp cơn bão dữ, để rồi sau cơn bão đó, rất nhiều những khuôn mặt, những đôi mắt, những mãi tóc thiên thần bé nhỏ, vĩnh viễn ra đi không trở về … chỉ còn lại trong tâm thức tuổi thơ nỗi đớn đau trở lại mỗi lần tháng tư về.

Mỗi lần tháng tư về, tôi hay lẩm cẩm nhớ lại quá khứ với sự tiếc nuối và ước ao. Ước gì mọi việc xảy ra theo một cách khác, có rất nhiều chữ “Nếu như” được đặt ra để rồi hụt hẩng, thương tiếc.

- Nếu như không có ngày 30 tháng 4/1975 thì đất nước chúng ta sẽ không phải như ngày hôm nay mà là một “Minh châu Trời đông”.

- Nếu như không có cuộc chiến tranh phi lý và vô nghĩa đó thì đất nước chúng ta đâu có bị tàn phá, đâu có quá nhiều người phải ngã xuống, đâu có vết thương hằn sâu trong lòng dân tộc này mà mãi đến nay vẫn không lành.

- Nếu như những người CS không có tham vọng thống trị người khác bằng mọi giá thì đất nước chúng ta đâu có chia hai miền Nam Bắc, đâu có mâu thuẫn hận thù tàn phá đến thế lương.

- Nếu như không có những người Cộng sản với chủ nghĩa Quốc tế Vô sản và chủ nghĩa đại đồng thì dân tộc ta đâu có bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh ý thức hệ tương tàn, làm quân cờ trong tay các thế lực siêu cường mà họ sẵn sàng hy sinh Dân tộc chúng ta để bảo vệ quyền lợi của họ và biến chúng ta thành một lũ ngốc.

- Nếu không có ngày 30 tháng tư-1975 thì đâu có thảm nạn thuyền nhân – với hàng triệu người vượt biên tỵ nạn-với hàng trăm ngàn người vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đại dương hay trên rừng sâu núi thẳm, trong số đó có rất nhiều thiếu nữ, phụ nữ bị hãm hiếp để lại vết đau ngàn năm không nguôi ngoai được, và ngày nay những tinh hoa của dân tộc chúng ta đâu phải đem tài năng để phục vụ cho sự phồn vinh của xứ người.

- Nếu như không có ngày 30 tháng Tư năm 1975 thì ngày hôm nay đâu có những tên Tư bản đỏ ngông nghênh kệch cởm tham tàn và nền kinh tế thị trường định hướng rừng rú tàn phá đất nước này với sự cai trị ngu ngốc, phiêu lưu làm kiệt quệ tài nguyên quốc gia, khánh tận tinh thần và đạo đức dân tộc.

- Nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì đất nước chúng ta đã là một quốc gia Tự do--Dân chủ hùng mạnh, một đất nước văn minh, nhân bản lãnh đạo khối Đông Nam Á chứ đâu có là một con vịt đẹt bị khu vực và quốc tế coi thường, người dân chúng ta đâu có bị khinh miệt.

- Nếu như không có ngày 30 tháng 4 và nguyên nhân của nó thì đất nước của chúng ta đâu có bị xâm thực, Hoàng Sa và một phần Trường Sa đâu có mất. Tài nguyên trong vùng biển này đâu có bị Tàu cộng cưỡng chiếm, đủ giúp đất nước chúng ta tự cường, tự lập về an ninh năng lượng và sự phong phú về Hải sản đủ để nuôi sống dân tộc này… và một điều quan trọng hơn rất nhiều là con đường để dân tộc chúng ta vươn ra biển lớn đâu có bị phong tỏa.

- Nếu như không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì ngày nay ngư dân chúng ta đâu có bị bắn giết bị đánh đập và sỉ nhục, bị cướp tài sản, bị giam giữ trái phép và bị đòi tiền chuộc khi hành nghề trên ngư trường truyền thống của cha ông mình và trong tương lai gần chúng ta sẽ mất biển Đông, lúc đó ngư dân chúng ta sẽ phải “cày đường nhựa” để sống.

- Nếu không có ngày 30 tháng tư 1975 thanh niên VN sẽ có mặt tại rất nhiều trường đại học danh giá trên thế giới để trở thành những tài năng lớn phục vụ đất nước, phục vụ dân tộc và nhân loại, làm vẽ vang cho nòi giống Tiên rồng chứ đâu có bán thân để kiếm sống hoặc làm lao nô trên xứ Mã Lai, Đài Loan, Hàn Quốc để chịu đựng sự hành hạ và tủi nhục.

- Nếu như không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì dân tộc này đâu có chỗ cho bọn độc tài ngu dốt, cho bất công và tha hóa, dân tộc ta đâu có bị hàng hóa của Tàu đầu độc hằng ngày, đâu phải sống trong một môi trường ô nhiễm, tai nạn giao thông làm chết người còn hơn cả một cuộc chiến tranh.

- Nếu như không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì dân tộc chúng ta đã là một ngọn Hải đăng trong khu vực Đông Á, một cường quốc chứ đâu có bế tắc về tương lai, khốn cùng trong hiện tại và đang đứng trước nguy cơ mất nước và bị Bắc thuộc như bây giờ.

Tháng Tư về ngồi ưu tư, lẩm cẩm viết lại những dòng này khi cả nhà tôi đang bị ba cái lệnh cưỡng chế vì “vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin” treo lơ lửng trên đầu với những cáo buộc nghiêm trọng, đầy tính ngụy biện, chụp mũ và hồ đồ…. Nhưng mặc kệ họ, tôi xin được mượn lời của Iouri Chevtchouk, thủ lĩnh nhóm nhạc Rock DDT huyền thoại, đã nói với Putin trong những cuộc xuống đường chống bầu cử gian lận tại nước Nga để nói với những người cộng sản VN rằng: “Vì con cháu chúng ta, nước VN không nên trở thành một quốc gia độc ác, tham nhũng, toàn trị, chỉ có một đảng với một lời ca ngợi, một tư tưởng”.

Năm nay, tháng tư một lần nữa lại về trên đất nước VN với ngổn ngang bao điều ray rức trong những tâm hồn còn tha thiết với quê hương, với tư cách của một người từng trải qua thời niên thiếu trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, tôi xin được mượn lời của một nhà văn Tây Ban Nha đã từng nói với chế độ độc tài Franco vào năm 1936: “Các ông thắng nhờ nắm được sức mạnh thô bạo cần thiết, nhưng các ông không thuyết phục được vì muốn thuyết phục cần phải có lý”.

Huỳnh Ngọc Tuấn

Friday, April 27, 2012

Thơ Thibang


Quá Khứ Nào ! 

Video cobay

Quá khứ nào ! còn theo tôi mãi mãi
Trời thiên thanh khắp dãy đất miền Nam
Lũy tre xanh bao bọc mọi xóm làng
Cảnh thanh bình - khi cờ vàng phấp phới !

Những đồng lúa mênh mông trong nắng mới
Tận cuối thôn từng sợi khói bay cao
Giữa trăng thanh - tiếng hò hát xôn xao
Đêm tình hẹn - mang bao niềm luyến tiếc !

Quá khứ nào ! một lần chào vĩnh biệt
Tết Mậu Thân quỷ đỏ giết dân lành
Giữa đêm đen - ai gào thét thất thanh
Xóm làng nhỏ tan tành vì Cộng sản !

Lửa chinh chiến cướp bao nhiêu sinh mạng
Mái tranh nghèo khóc khổ nạn can qua
Vợ xa chồng - con trẻ phải xa cha
Mối tình đầu - lệ nhạt nhòa đưa tiển !

Quá khứ nào ! hào hùng người lính chiến
Súng ghìm thù - từng bước tiến - cứu dân
Trận Cổ thành nghe pháo Cộng nổ ran
Chiếm kỳ đài, Cờ Vàng bay phất phới !

Năm bảy lăm (1975), vận nước trong tăm tối
Lũ cáo chồn múa rối giữa thị thành
Vị quốc vong thân - các đấng hùng anh
Tên ngời sáng - trong sừ xanh nước Việt !

Quá khứ nào ! lúc lên tàu tiển biệt
Giọt lệ buồn - luyến tiếc buổi chia tay
Biển mênh mông - mưa từng hạt bay bay
Khóc thương ai khổ đau ngày bịệt xứ !

Quá khứ nào! trong đêm dài tư lự
Nhớ mênh mang về mấy thửơ xa xưa
Mây mù còn bay - theo gió cuối mùa
Lệ non nước như giọt mưa trên lá !

Tiếng mưa rơi thì thầm bên xứ lạ
Như quốc kêu rộn rả giửa đêm dài
Hãy vùng lên cứu nước - những chàng trai
Trả về lại - những ngày xưa thân ái !


22-4-2012
thibang

@DCVonline

VN-CT

 Viết cho Tháng Tư


Tôi sinh trưởng sau năm 1975 và gia đình tôi không có liên quan gì nhiều đến cả hai phía trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì thế mối tương quan tình cảm của tôi với những sự kiện lịch sử và hoàn cảnh chính trị xã hội trong cuộc chiến hầu như rất ít nếu không muốn nói là không có. Những gì ít ỏi mà tôi được hiểu biết về nó chỉ đơn thuần là kiến thức. Đứng trong vị thế đó, tôi tạm thời có thể yên tâm rằng lập trường của tôi, và những gì tôi nói ra sau đây sẽ được hiểu một cách thiện chí và không bị gán ghép hay chụp mũ. Tôi không sợ bị chụp mũ, nhưng thiết nghĩ điều đó cùng với những nguỵ biện không có lợi cho sự tiến bộ.

Gần đây, tôi tình cờ đọc được một nhận xét của tướng William Childs Westmoreland- Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam- về tướng Võ Nguyên Giáp của quân đội Bắc Việt như sau: "Of course, he was a formidable adversary.... By his own admission, by early 1969, I think, he had lost, what, a half million soldiers? He reported this. Now such a disregard for human life may make a formidable adversary, but it does not make a military genius...". Xin được tạm dịch là: "Dĩ nhiên, ông ta là một đối thủ (kẻ thù) ghê gớm....Với sự thừa nhận của chính ông ta, đến đầu năm 1969, tôi nghĩ, ông ta đã mất nửa triệu lính? Ông ta đã báo cáo điều này. Hiện tại, một sự coi thường mạng người như thế có lẽ sẽ tạo nên một đối thủ (kẻ thù) ghê gớm, nhưng nó không tạo nên một thiên tài quân sự...."

Dù chúng ta là ai, đứng bên nào của cuộc chiến, chúng ta cũng phải đồng ý với Westmoreland rằng, một chiến thắng quân sự dựa trên chiến thuật đẫm máu, coi thường sinh mạng binh sĩ chỉ có thể tạo nên một kẻ thù nguy hiểm chứ không tạo nên một thiên tài quân sự như nhiều người vẫn rêu rao. Câu nói này của viên tướng Hoa Kỳ làm tôi suy nghĩ rất nhiều về sự "nguy hiểm" của những người Cộng sản Việt Nam. Họ nguy hiểm bởi họ là những người luôn hành động theo phương châm "mục đích biện minh cho phương tiện", nghĩa là bất chấp mọi thứ, miễn đạt được mục đích. Đối với tôi, nó không chỉ là lời nhận xét về tướng Giáp mà là một câu nói nêu bật lên bản chất của những người Cộng sản Bắc Việt, và cả chế độ mà họ dựng nên. Và những việc họ đã làm suốt từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam đến nay, từ việc "trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ" đến gần đây nhất là vụ cướp đất của nông dân đã chứng minh tất cả. 

Một kẻ đối địch ghê gớm có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất, đó là một kẻ thù đáng gờm, là đối thủ khó đánh bại vì có mãnh lực vũ trang, có chiến lược, chiến thuật hành động khôn ngoan... Nhưng khi nhìn xoáy vào chữ "formidable" mà Westmoreland đã dùng, tôi chú ý nhiều đến nghĩa "arousing fear"(gợi nên sự sợ hãi) . Với nghĩa này, nó gần giống với "terrorise" (làm cho sợ hãi). Mà làm cho người khác sợ hãi có nghĩa là "khủng bố". Chúng ta có thể hiểu theo hai cách về một "đối thủ ghê gớm" như tôi đã tạm phân tích ở trên. Nhưng biết đâu, cách hiểu thứ hai mới là điều mà ông tướng Mỹ kia ngụ ý? Xin hãy cho tôi tiếp tục trình bày mà tạm quên đi những mối thành kiến nào đó có thể đang dâng lên trong lòng quý vị.

Khi căn cứ vào những dữ kiện lịch sử- những điều không thể chối bỏ, những điều đã được trải nghiệm bằng chính xương máu của những người đã kinh qua cuộc chiến ấy- chúng ta sẽ có cái nhìn tường minh hơn. Riêng phần mình, với kiến thức ít ỏi về chiến tranh Việt Nam, tôi đã có thể tìm thấy những hình ảnh có khả năng "làm cho sợ hãi" của quân đội Bắc Việt qua nhiều biến cố như Tết Mậu Thân, và các "trận đánh" của đội Biệt động Sài Gòn như: "trận đánh" tàu nhà hàng Mỹ Cảnh, "trận đánh" cư xá Brinks...; và chưa kể đến những câu chuyện ghê gớm mà tôi từng được nghe những người già kể lại về vô số những "trận đánh" như thế vào trường học, khu dân cư, cầu cống....Đến nỗi, khi nghe nói quân đội Cộng sản Bắc Việt sắp vào đến ngã ba Cai Lang, thành phố Đà Nẵng, những người dân sống ở Đà Nẵng khi đó đã run cầm cập vì nghe tin đồn rằng người Cộng sản mà vào họ sẽ rút hết móng tay móng chân người dân. Đó có thể là điều sợ hãi thái quá, nhưng nó cho chúng ta thấy khả năng gieo rắc sợ hãi đến trình độ đỉnh cao của những người tự xưng là "quân giải phóng". 

Những ai đọc lịch sử, những ai có đủ lương tâm và tầm tri thức trung bình, đều thấy rằng, những cái mà quân đội Bắc Việt và những người "nằm vùng" gọi là "trận đánh" gây nhiều tiếng vang đều không nhằm vào những mục tiêu trên tiền tuyến, để giành chiến thắng quân sự trực tiếp mà đánh vào những nơi ăn chốn ở cốt để gây sợ hãi. Gây sợ hãi cho người dân nhằm làm xáo trộn xã hội, gây sợ hãi đánh vào tâm lý Quốc hội và dư luận Mỹ.... Ngày nay, ai đi qua đường Hai Bà Trưng, đều nhìn thấy "Bia chiến công trận đánh cư xá Brinks". Cái mà người ta gọi là trận đánh thực ra là một cuộc đánh bom một nơi ở của cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam do hai thành viên Biệt Động Sài Gòn thực hiện. Điều mà họ gọi là "trận đánh" sao tôi thấy nó hao hao giống cách làm của những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, chỉ khác một chỗ là họ không tự sát. Đối với thế giới ngày nay, những kẻ đánh bom như thế thật sự là những kẻ "nguy hiểm", "ghê gớm".

Ngoài cái cách thể hiện "formidable" như trên, quân đội Bắc Việt còn khiến người ta sợ hãi hơn gấp bội vì sự coi thường tính mạng binh sĩ của họ. Thông thường, con người sợ hãi những kẻ thù tấn công mình một cách tàn ác, nhưng người ta sẽ kinh hoàng đến rợn người khi biết về những hành động coi tính mạng của người phe mình như cỏ rác, cốt chỉ nhằm đạt được mục đích của kẻ chỉ huy. Người Cộng sản đã lấy chính nghĩa chống giặc ngoại xâm để lừa dối, tuyên truyền, kích động hàng triệu Thanh niên miền Bắc lao vào cuộc chiến như con thiêu thân. Chúng ta được nghe nói rất nhiều về những tấm gương đầy nhiệt huyết và sự hy sinh anh dũng của những người trẻ tuổi mới chập chững vào đời. Đối với những cái chết đó, tôi không có bất cứ tình cảm tích cực nào ngoài sự thương tiếc. Cả một thế hệ người đã bị lừa gạt vì không nhận chân được bản chất của chế độ, của cái chủ thuyết mà nó rêu rao. Âu tất cả cũng chỉ là những sản phẩm lịch sử của một thời đại!

Để rồi sau cái ngày "thống nhất" ấy là những chuyến vượt biên vượt biển của hàng trăm ngàn người, và đã có cả hàng ngàn người phải bỏ xác ngoài biển khơi; là những năm tháng bao cấp, đói khổ đến cùng cực; đến nay đỡ đói khổ một chút, nhưng dân Việt ta vẫn chưa thoát khỏi thân phận làm thuê, ở đợ cho thiên hạ; đặc biệt vẫn còn cam chịu làm thần dân phục tùng các ông vua Cộng sản. Thế nhưng bất chấp cái thực tế đau buồn ấy, nhiều ngụy biện về thống nhất, về "công lao chống Mỹ cứu nước của Đảng" vẫn tồn tại ngay cả trong lớp người "có học" ở Việt Nam. 

Thiết nghĩ một sự hy sinh chỉ nên có và đáng được ngợi ca khi đánh đổi với nó là một giá trị to lớn hơn. Bằng lập trường đề cao cá nhân, tôi cho rằng, mọi ý niệm: thống nhất, giải phóng dân tộc, kẻ thù...phải được đặt trong mối tương quan của chúng với những giá trị an sinh hạnh phúc thực sự của người dân. Suy cho cùng, mọi thứ bao gồm: thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chính trị...chỉ là những phương tiện để đạt đến những giá trị nhân bản, để bảo vệ và phục vụ con người. Mọi định chế, mọi nỗ lực chính trị và xã hội đều nhằm vào cái đích đến quan trọng nhất của nó là CON NGƯỜI. Nếu mục đích cuối cùng ấy không đạt được thì mọi phương tiện kia chỉ là mưu đồ của kẻ lãnh đạo. Thật điên rồ thay cho những kẻ luôn hô hào "mục đích biện minh cho phương tiện". Chúng ta biết rằng, việc đánh giá tính chính đáng của phương tiện tuỳ thuộc vào mối tương quan về bản chất của nó đối với mục tiêu. Nói rõ hơn, chúng ta không thể dùng một phương tiện phi nhân để giành lấy một mục tiêu nhân bản. 

Kết quả là, "sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước" đã không khiến Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn, dân tộc ta trở nên kiêu hãnh hơn; mà đơn giản chỉ là biến một miền Nam trước "giải phóng" hơn hẳn Hàn Quốc, sau gần bốn mươi năm thống nhất, cùng với cả nước lẹt đẹt chạy theo sau cả Thái Lan. Nếu ta lấy cứu cánh là sự phồn thịnh của quốc gia, là an sinh hạnh phúc, là tự do nhân phẩm của mỗi một người dân làm chuẩn thì liệu sự thống nhất ấy có nghĩa lý gì?

Đó là khi vấn đề được đặt dưới lăng kính lý luận. Còn thực tế thì mọi sự đã quá rõ ràng. Cái mà người ta gọi là "kháng chiến chống Mỹ cứu nước" ấy thực chất chỉ là để giúp Trung Quốc "đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng". Hay như Lê Duẩn từng nói : "ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước XHCN, cho cả nhân loại". Nói cho rõ ra, đó là cuộc chiến giúp cho chủ nghĩa Cộng sản bành trướng xuống Đông Nam Á theo tinh thần Quốc tế Cộng sản bất chấp tinh thần dân tộc, là giúp cho Trung Cộng dễ dàng Hán hoá một Việt Nam suy yếu sau cuộc chiến tương tàn khốc liệt.

Đã ba mươi bảy năm trôi qua kể từ ngày "giải phóng", giải phóng miền Nam khỏi mối quan hệ đồng minh với Mỹ để trở thành chư hầu hèn mọn của Trung Cộng. Sự thống nhất, sự giải phóng đó mới đau đớn làm sao! Gần bốn thập niên đã qua đi, dấu vết chiến tranh trên mảnh đất quê hương Việt Nam đã dần phai nhạt, nhưng những tổn thương của lòng người vẫn còn hằn sâu, thậm chí ngày càng sâu hơn. Thống nhất hai vùng địa lý nhưng vẫn vắng bóng một sự Hoà hợp trong tình tự dân tộc. Vết thương cũ do cuộc tiến chiếm miền Nam chưa kịp lành thì chúng ta lại có thêm những chia cắt mới : chia cắt giữa một bên là một nhóm người cam phận làm tay sai cho ngoại bang, với một bên là những con người yêu nước không khoan nhượng; chia cắt giữa một phía là nhóm người lãnh đạo Quốc gia cùng những kẻ ăn theo cố gắng bám giữ ngôi vị độc tài để tiếp tục nô lệ hoá người dân, với một phía là những người đấu tranh và chấp nhận hy sinh cho tự do và phẩm giá con người. Tôi vẫn nghĩ rằng, một con người trở nên dũng mãnh nhờ có ý chí. Một dân tộc trở nên hùng mạnh, cũng như vậy, phần nhiều dựa vào tinh thần và khí chất. Nhưng tinh thần và khí chất ấy chẳng thể có được nếu dân tộc ấy chia rẽ. Chính sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự Hoà hợp dân tộc có thể góp phần giúp chúng ta tạo lập một mãnh lực mới cho dân tộc.

Chỉ e Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bỏ lỡ những chuyến tàu thời đại nếu trong lòng dân tộc còn có những chia cắt chí mạng như thế. Nhưng thiết tưởng, sự Hoà hợp có khả năng xoá bỏ mọi ngăn cách, hàn gắn mọi vết thương, mang mọi người Việt về trong cùng một chí nguyện chỉ có thể đạt được trên tinh thần Hoà giải thiện chí, trên quyền lợi dân tộc và trên những nguyên tắc hướng thiện chứ không phải là sự thoả hiệp với cái xấu ác. Chỉ e những người Cộng sản Việt Nam quá u mê và tham lam để khởi động một chương trình Hoà hợp, Hoà giải và thay đổi chính trị đầy tham vọng như thế. Chỉ e những người Cộng sản chẳng thể làm nổi những gì mà nhà cầm quyền độc tài Miến Điện đã làm. Chỉ e.... Bởi đến hôm nay, họ vẫn một lòng một dạ coi mối quan hệ với Trung cộng là "chủ trương nhất quán", là "ưu tiên hàng đầu" như lời Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam đã tuyên bố mới đây tại Bắc Kinh.

Mỗi năm tháng Tư về, bao nhiêu lễ lạt, đình đám vẫn diễn ra bất chấp mối hoài niệm về quá khứ vẫn nặng trĩu trong lòng nhiều người Việt, bất chấp mối ưu tư về tương lai đất nước vẫn canh cánh trong lòng những người có tâm huyết với đất nước. Những con người có lương tâm và tự trọng không bao giờ vui sướng được trong nỗi thống khổ to lớn ấy của dân tộc. Thử hỏi xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống trong cuộc chiến chỉ để tạo nên một Việt Nam thống nhất trong chia rẽ, thống nhất trong sự Hán hoá, thống nhất trong sự mất tự do và quyền làm người hay sao? Ba mươi tháng Tư- xin cầu nguyện cho tự do và nhân phẩm, cho sự Hoà hợp dân tộc và nền công lý.

Huỳnh Thục Vy
Sài Gòn, ngày 20 tháng 4 năm 2012

Thursday, April 26, 2012

30-4-1975


Ngày bỏ nước ra đi…

Video SBTN/BN

Những gì đã xảy ra trong tháng tư năm 1975, những ngày tháng hỗn loạn kinh hoàng trời long đất lở, ngày tự do sụp đổ đổi đời tận thế đó phải được mỗi người trong hàng chục triệu người ghi chép để truyền lại hậu thế mai sau. Bởi vì lịch sử của một dân tộc trong một giai đoạn nào đó, đâu có gì sống động trung thực hơn những câu chuyện được kể lại của nhiều người…

Tôi quen biết Alan Carter, trưởng phòng thông tin và thư viện của tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, như một tình cờ văn chương định mệnh. Tại một buổi nói chuyện với đề tài “Những người yêu thơ” tại thư viện Hoa Kỳ ở Sài Gòn, tôi đề cập đến câu chuyện Tổng Thống John F. Kennedy. Ông Kennedy, là một người đẹp trai, một Tổng thống yêu thơ nhất trong các vị Tổng thống, bên cạnh ông thường có những tập thơ để ông đọc giải trí sau những giờ đau đầu nhức óc giải quyết công vụ. Ông rất say mê những tác phẩm văn chương của nhà thơ Robert Frost. Năm 1960, trong ngày lễ nhậm chức Tổng thống, ông mời cho bằng được nhà thơ Robert Frost đến đọc một trong những bài thơ hay của thi sĩ như là một tiết mục trong chương trình lễ đăng quang nầy. Ở Việt nam ta, vua Tự Đức là một thi sĩ, nhưng không biết vua Tự Đức có mời các vị Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương đọc thơ trong ngày lên ngôi, tôi có nhờ học giả Tam Ích lục tìm tài liệu, nhưng câu hỏi chưa được trả lời thì giáo sư Tam Ích đã treo cổ, đạp chồng sách kê cao làm chỗ đứng, vĩnh biệt ra đi…

Nhà thơ Robert Frost qua đời vào đầu năm 1963, thọ 88 tuổi. Ngày 26 tháng 10 năm 1963, đại học Amherst ở tiểu bang Massachusetts khánh thành một thư viện mới lấy tên thư viện Robert Frost để kỷ niệm nhà thơ vừa quá cố; Tổng thống Kennedy đã được mời đến để đọc một diễn văn nói về thi ca và quyền lực, trong đó có những câu:

- Poet saw poetry as the means of saving power from itself (Thi sĩ đã thấy thi ca như là những phương tiện của bảo tồn sức mạnh tự chính nó)
- When the power corrupts, poetry cleanses. (Khi quyền lực thối nát đồi bại, thi ca làm sạch tẩy uế.)
- At bottom, poet held a deep faith in the spirit of man. (Từ đáy sâu thẳm thi sĩ đã giữ một niềm tin sâu xa vào tinh thần của con người.)

Đây là một bài diễn văn cuối cùng đầy ý nghĩa văn chương sâu xa nhất của Tổng thống Kennedy; và 27 ngày sau, Robert Frost đã đón Kenney về cõi thơ đời đời, khi ông Kennedy bị ám sát chết tại thành phố Dallas vào ngày 22.11.1963.

Ông Alan Carter rất thích thú về câu chuyện của tôi trình bày; và từ đó chúng tôi làm bạn sách vở với nhau. Carter tặng tôi hai tác phẩm của William Faulkner, hai truyện dài đã đưa Faulkner lãnh giải Nobel văn chương năm 1949; tôi tặng Carter quyển “Cuộc đời của bác sĩ Arrowsmith” bản dịch việt văn tác phẩm của nhà văn Hoa kỳ Sinclair Lewis được giải thưởng văn chương năm 1930. Ông Carter vô cùng thích thú khi biết được độc giả Việt Nam đã thưởng thức văn chương Hoa kỳ trong một thời gian lâu dài hơn ông tưởng, trước khi người Mỹ ồ ạt đến Việt nam.

Alan Carter có bộ râu tuyệt đẹp phảng phất giống như nhà văn Ernest Hemingway được giải thưởng Nobel văn chương năm 1954 với cuốn “The old man and the sea”. Khi tôi bắt đầu dịch cuốn “Lão ngư ông và bể cả” được vài trang, thì một hôm Carter đem tặng tôi bản dịch ra Việt văn cuốn sách nay vừa mới in xong, và hể hả khoe rằng ông biết sinh hoạt văn chương Việt nam hơn cả tôi, để đáp lễ tôi biết chuyện Kennedy yêu thơ hơn cả ông, một nhà ngoại giao văn hóa Hoa kỳ.

Những ngày kinh hoàng tháng tư năm 1975, bộ râu của Carter bạc trắng ra xác xơ thêm mỗi lần gió nổi. Trong giai đoạn lịch sử nguy kịch hấp hối, Toà Đại sứ Hoa-kỳ lãng quên con người văn hoá, những ưu tiên di tản do ông đề nghị như gió nhẹ ngoài tai. Cuộc kết thúc đã rõ ràng, không còn gì nữa, ông không còn giúp ai được nữa, kể cả một số đông nhân viên cộng sự với ông trong cuộc di tản sống chết nầy. Cơ hội chỉ có một lần mà ông bất lực buông xuôi, không bao giờ nữa, never more… never more… Tôi không biết ông đang phân trần với tôi, hay là ông đang đọc bài thơ “The Raven” “Con quạ” của thi sĩ Edgar Poe với điệp khúc “never more” lập lại đến 11 lần ở cuối mỗi đoạn!

Và lần cuối cùng gặp nhau đó, ông Carter cho biết: khi đài phát thanh quân đội Hoa-kỳ gởi đến thính giả câu: “Mother wants you to call home” (Mẹ muốn bạn gọi về nhà) và tiếp liền sau đó bản nhạc “I am dreaming of a white Christmas” (Tôi đang mơ một lễ Giáng sinh trắng xoá) do ca sĩ Bing Crossby hát vang lên, đó là tín hiệu cuộc di tản toàn diện bắt đầu…

Alan Carter đã không giúp được tôi, đó là một trong 30 cơ hội chuẩn bị vượt thoát ra đi với 30 tên người quen biết thân thích cùng 30 địa chỉ số điện thoại ghi chép rõ ràng trên giấy để từng ngày liên lạc theo dõi. Lòng tôi quặn thắt đau nhói gạch bỏ cơ hội thứ 28 Alan Carter, như đã gạch bỏ từ cơ hội thứ nhất đến cơ hội thứ 27 trong mấy ngày trước đây. Nhưng tin tức Carter cho đã giúp tôi một chút hy vọng mong manh để bấu víu vào hai cơ hội cuối cùng…

Trước năm 1975, trong nhiều lần công du Đài Loan tôi quen biết một nhân vật, ông Hồ Liên, một đại tướng trong quân đội của Tổng thống Tưởng Giới Thạch, một học giả tâm lý học, một lý thuyết gia về chiến tranh tâm lý, một người nghiên cứu lịch sử chiến tranh và ông còn làm thơ nữa.

Một lần ông hỏi tôi:

- Trong lịch sử Trung Hoa đời Tống có một vị tướng Việt Nam dám đem quân sang đánh Trung Hoa ở Quảng Tây, Nam Ninh, giết chết Đô giám Quảng Tây, chiếm thành Ung Châu tiêu diệt hơn 5 vạn quân Tàu. Vị tướng Việt Nam đó rất được Tể tướng Vương An Thạch nổi tiếng đời Tống nể vì, nghe nói vị tướng Việt Nam đó là một thi sĩ?

Tôi hãnh diện cho ông biết đó là anh hùng Lý Thường Kiệt, vì sau thảm bại trên chính lãnh thổ Trung Hoa, năm 1076 Tể tướng Vương An Thạch chỉ thị cho các tướng Quách Quì, Triệu Tiết đem đại binh sang đánh phục thù. Tại bến cửa sông Như Nguyệt, quân hai bên xáp chiến vô cùng ác liệt dữ dội, Lý Thường Kiệt sai người giả làm thần nhân, đêm khuya cất lời ca sang sảng hùng khí bốn câu thơ đã làm phấn khởi nức lòng ba quân và đã đẩy lui được binh Tống:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Thoát dịch ra Việt văn:

Nước Nam sông núi, vua Nam
Phân định rõ ràng theo sách trời
Vì sao giặc nghịch sang xâm phạm?
Nếu cứ làm, chuốc bại tả tơi!

Tôi đã gửi tặng ông Hồ Liên nguyên bản bài thơ bằng Hán Văn và bản dịch tiểu sử của anh hùng Lý Thường Kiệt, ông vô cùng cảm kích và trong một bài ông viết đăng báo nói về sức mạnh của thi ca ông có kể chi tiết lý thú về vị anh hùng đất Việt phương Nam nầy.

Ngày 5 tháng 4 năm 1975 lúc 11 giờ 50 tối, Tổng thống Tưởng Giới Thạch qua đời, cả đảo Đài Loan buồn thảm nức nở đau thương. Ngày 18 tháng 4 năm 1975, một buổi lễ truy điệu đơn giản tại tòa Đại sứ Trung Hoa Dân quốc ở đường Hai Bà Trưng Sài Gòn, tôi đến tham dự và gặp lại ông Hồ Liên hiện làm Đại sứ Trung Hoa Dân quốc tại Việt Nam Cộng Hoà. Sau buổi lễ, ông mời tôi vào văn phòng và cho biết tình hình quân sự tại Việt Nam Cộng Hòa hiện nay cũng giống như Trung Hoa Dân Quốc năm 1949; sự hỗn loạn tâm lý cực kỳ nguy hiểm kéo theo sự sụp đổ nhanh chóng từng phần lãnh thổ như những con bài domino đè bẹp ngã chồng chất lên nhau. Trung Hoa lục địa đất rộng dân đông phải mất nhiều tháng, còn Việt Nam Cộng Hoà thì quá nhỏ.

Những lời nói của ông làm cho tôi khó thở nghẹn ngào. Sau đó ông cho biết thêm: Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc biệt phái hai chiếc tàu sẽ đến hải cảng Vũng Tàu để giúp di tản những người Trung Hoa liên hệ, và ông ký giấy giữ 5 chỗ cho vợ chồng và ba đứa con tôi. Khi đứng lên đưa tiễn tôi ra về, nhìn vẻ thất thần trên khuôn mặt mất ăn mất ngủ vài tuần nay của tôi, ông Hồ Liên ái ngại, thành thật và quyết tâm giúp đỡ hơn:

- Có thể hai chiếc tàu Trung Hoa đến quá trễ và tôi muốn giúp ông một việc nữa, một việc cuối cùng. Sáng ngày 25-4-1975 tôi sẽ đáp máy bay về nước, chiều ngày 25-4-1975 tòa Đại sứ Trung Hoa sẽ vĩnh viễn đóng cửa, tôi cho ông mượn chiếc xe Đại sứ của tôi, chiếc xe ngoại giao đoàn có thể chạy đến bất cứ nơi nào kể cả trong giờ giới nghiêm… Đó là tất cả những gì người bạn Trung Hoa của ông có thể làm được. Chúc ông may mắn…

Và quả thật tôi đã có một chút may mắn trong cơ hội vượt thoát cuối cùng thứ 30, trước khi ca sĩ Bing Crossby cất tiếng hát “Tôi đang mơ một mùa Giáng Sinh tuyết trắng” để báo hiệu cuộc di tản toàn diện bắt đầu, thì đại úy Kroll gọi điện thoại bảo tôi vào ngay phi trường Tân Sơn Nhứt vào chiều ngày 27-4-1975.

Nguyễn thị Kim Oanh, cô em vợ tôi, có bằng B.S nhân viên phái bộ quân sự Hoa kỳ (viết tắt là D.A.O), trước khi ra đi đã nhờ đại uý Kroll giúp đỡ gia đình tôi vượt thoát bằng các chuyến bay quân sự Hoa-Kỳ. Nhờ chiếc xe của đại sứ Hồ Liên, gia đình tôi vượt qua cổng gác phi trường Tân Sơn Nhứt một cách dễ dàng. Nhưng đại uý Kroll hoãn ưu tiên của gia đình tôi, yêu cầu xe chúng tôi quay về nhà, chờ những chuyến bay sau.

Ngày hôm sau, ngày 28-4 lúc 4 giờ chiều, chúng tôi đang xem trực tiếp vô tuyến truyền hình buổi lễ bàn giao giữa Tống thống ra đi Trần Văn Hương và tân Tổng thống Dương Văn Minh, thì chuông điện thoại reo vang, đại úy Kroll yêu cầu gia đình tôi vào ngay phi trường Tân Sơn Nhứt. Bầu trời tối sẫm, mưa đầu mùa rả rích, tôi quỳ lạy song thân tôi vừa mới di tản từ Quy Nhơn vào, rồi dìu ba đứa con, tôi cùng vợ lên xe hối hả ra đi. Mẹ tôi dầm mình trong cơn mưa, chạy theo đưa tiễn, nước mắt nhiều hơn nước mưa đẫm ướt trên khuôn mặt nhăn nheo khô héo của người…

Đường phố Sài Gòn chiều ngày 28-4 là cảnh cực kỳ hỗn loạn của ngày tận thế, mọi người bất chấp chỉ với một mục đích sống còn. Phải mất hơn một giờ rưỡi đồng hồ, xe chúng tôi mới đến cổng gác Tân Sơn Nhứt với hơn một trung đội quân cảnh Việt Mỹ, họ chận tất cả mọi xe dân sự không cho vào phi trường. Tôi thấy một số nhân vật trong Hội đồng nội các không có nhân viên hộ tống, xe họ bị chận lại và đuổi ra về. Khi gia đình chúng tôi trên xe đại sứ Trung Hoa được nhanh chóng chạy vào tới khu Air America, sát phi đạo thì những chiếc máy bay cộng sản trút bom xuống phi trường. May mắn thay gia đình chúng tôi thoát hiểm, chỉ cách chỗ chúng tôi không đầy 100 thước, tôi thấy vài chiếc máy bay C47 bị phá hủy hư hại hoàn toàn.

Vào xẩm tối, tôi bắt tay anh Bảy Điện, người tài xế đã đến lấy xe tại Tòa Đại sứ Trung Hoa chiều ngày 25-4, và trong ba ngày qua anh đã ở luôn trong xe, việc cơm nước do Kim Yến vợ tôi cung cấp, anh bất chấp sự sôi sục hỗn loạn của tình thế, quyết tâm giúp đỡ tôi. Anh đúng là một người bạn thật sự cần thiết vì cả vợ chồng tôi lúc đó không lái xe và cần thiết thật sự một người tài xế trung thành. Anh là người công giáo, công chức ngạch tài xế lâu năm, đã lái xe cho Tổng trưởng bộ Ngoại giao, tôi là chức vụ thấp nhất anh lái xe đưa rước. Sự vui vẻ bình tĩnh giúp đỡ trong ba ngày cuối cùng của anh đã làm phong phú cuộc sống của tôi quá nhiều…

Chúng tôi ôm nhau, biết nhà tôi luôn luôn cầu Phật, anh nói:

- Trời Phật sẽ giúp ông bà. Tôi sẽ cầu nguyện Chúa phù hộ ông bà. Vĩnh biệt…

Rồi anh lên xe, nhìn chúng tôi làm dấu thánh giá và nói theo:

- Bây giờ tôi làm đại sứ Trung Hoa lái xe ra về!

Giây phút cuối cùng anh còn dạy tôi thêm một bài học: trong mọi hoàn cảnh, kể cả tình trạng thê thảm bi đát nhất, hãy cố gắng giữ một tình thần lạc quan hài hước, một nụ cười…

Chín giờ tối ngày 28-4, đại uý Kroll cho tôi biết chuyến bay đưa gia đình tôi sang Phi Luật Tân sẽ cất cánh vào lúc 4 giờ 30 sáng ngày 29-4. Lúc bấy giờ tôi thấy khoảng gần hai ngàn người Việt Nam trong những ngôi nhà và sân thể thao của cơ sở phái bộ quân sự Hoa Kỳ. Sự an ninh trật tự được một trung đội thủy quân lục chiến Mỹ trang bị đầy đủ đảm nhận làm chúng tôi vững dạ an tâm. Nhưng những thử thách chết người vẫn chưa buông tha cho gia đình tôi.

Suốt cả đêm máy bay lên xuống không ngừng, tiếng máy bay gầm thét, tiếng đạn pháo từ xa vọng lại, cầu không vận hối hả tiếp diễn. Tôi nhìn theo những chiếc máy bay C130 đi lại trên bầu trời, tinh thần căng thẳng tột độ, không sao chớp mắt được. Bốn giờ 30 phút sáng 29-4, chuyến bay của gia đình tôi dự định cất cánh, thì đúng 4 giờ thần chết đã phũ phàng oái ăm đến sớm đổ ập xuống, tán đỡm kinh hồn.

Hàng trăm hỏa tiễn, hàng ngàn đạn đại bác 130 ly đinh tai nhức óc xé bầu trời, mưa lửa vào phi trường Tân Sơn Nhứt và cơ sở quân sự DAO. Tôi xô vợ con tôi xuống một cái hố cạn, sâu chừng năm bảy tấc, bên cạnh sân thể thao DAO. Các con tôi quá hãi hùng khóc ré lên, tôi bảo chúng lấy tay bịt tai, nằm cúi đầu sát xuống, còn tôi và vợ tôi mỗi người nằm đè lên chúng. Thật lạ khi cái chết sát kề, tôi không còn biết sợ là gì nữa, mở mắt nhìn chung quanh.

Ngoài xa một kho xăng của phi trường trúng đạn, bốc cháy khói đen đặc quánh bốc lên trên bầu trời, xen lẫn những đóm lửa tròn, những tia lửa đạn pháo cày nát không trung, tiếp theo những tiếng nổ trời long đất lở. Rồi lửa ngùn ngụt cháy lan nhanh. Một quả đạn nổ sát chiếc máy bay C130 đang đỗ trên phi đạo, tôi thầm nghĩ đó là chiếc máy bay đã sẵn sàng cho chuyến bay của gia đình tôi cất cánh lúc 4giờ 30 phút; giờ máy bay bị hư méo giống như một vật bằng nhôm bị bóp nát. Một trạm gác tại khu vực DAO cách chỗ tôi nằm không xa, hai người lính Mỹ nằm chết ngay do những đạn pháo ban đầu. Gần hơn, một người đàn bà nằm chết vì bị bức tường đè sập, trong lúc hàng trăm người Việt nam tán loạn bị khói lửa bom đạn lùa đi. Trong cơn bão lửa sấm sét bom đạn của ngày tận thế, tôi không còn đủ sức quan sát nữa, bèn bịt tai nhắm mắt lịm dần đi…

Tờ mờ sáng ngày 29-4, tôi đỡ các con tôi ngồi dậy, những thây người chết đã được khiêng đi, chỉ còn lại cảnh điêu tàn đổ nát. Đây đó những đám cháy nhỏ vẫn còn đang bốc khói. Số người Việt Nam ở lại tại sân thể thao cơ quan quân sự DAO lúc bấy giờ còn khoảng vài trăm và đến trưa chỉ còn lại hơn 60 người. Một điều đặc biệt thấy rõ là không còn bóng dáng một quân nhân Mỹ nào, ngoại trừ một người Mỹ dân sự bên bàn điện thoại truyền tin. Tôi tiến đến bên cạnh ông ta:

- Thưa ông, chúng tôi có thể chờ đợi ở đây để được lên máy bay ra đi?

- Xin lỗi, tôi không biết, tôi chỉ được lệnh ngồi giữ điện thoại nầy. Đó là D day, ngày dài nhất ngày định mệnh của đời tôi. Đến trưa các con tôi đói lả, chúng đã không ăn uống gì từ chiều hôm trước, cùng lúc đó Touneh Hàn Thọ, Phó Tổng Thơ ký Bộ Phát Triển Sắc Tộc, người bạn dân tộc thiểu số, nhà ở gần nhà tôi, Thọ vừa từ Sài Gòn lái xe đến mời gia đình tôi cùng ra về. Các con tôi leo lên xe, vợ tôi thấy như vậy là hợp lý, nhưng chần chờ đợi ý kiến của tôi. Tôi lấy sáu tập thơ đã xuất bản từ trong hành lý mang theo, ôm vai vợ tôi nghẹn ngào:

- Nếu em muốn, em có thể cùng các con ra về. Anh sẽ ở lại đây, nếu đi được thì sống còn. Anh không biết quyết định nào là đúng cho các con, nhưng ở lại đây với mấy quyển sách là hy vọng duy nhất cho đời anh.

Tội nghiệp cho vợ tôi, nàng và các con không thể bỏ tôi chết ở đây một mình. Đến 4 giờ chiều ngày 29-4, tôi meat nhọc đói lả, tinh thần suy sụp kiệt sức, hy vọng dần dần tan biến đi theo bước chân của mặt trời từ từ xuống thấp phía tây. Tôi không còn đủ sức ngồi nữa, nằm dài ra trên đất, đầu gối lên chiếc xách tay nhỏ đựng mấy tập thơ, mắt hướng về người Mỹ dân sự ngồi gác điện thoại, cách chỗ tôi nằm khoảng năm sáu thước. Hơn bốn giờ chiều tôi mệt lả dần dần mê đi và tôi mơ hồ thấy người Mỹ dân sự ngoắc tay vẫy gọi.

Trước khi nhắm mắt hẳn, tôi thì thào nói với vợ tôi đang ngồi bên cạnh:

- Anh thật sự hôn mê rồi, anh thấy người Mỹ vẫy tay gọi anh…

Vợ tôi nhìn theo, lớn giọng la lên:

- Nó vẫy tay mời gọi anh đó, anh không mơ đâu.

Tôi chậm chạp tiến đến chỗ hắn ngồi. Người Mỹ dân sự đứng dậy bắt tay tôi:

- Các anh sẽ được di tản bằng máy bay trực thăng. Hãy bảo nhau dọn sạch nơi nầy.

Nghe đến đây, tiềm năng và sức sống trong cơ thể tôi bừng bừng nổi lên hồi phục. Tôi cùng với vài chục thanh niên còn nấn ná ở lại, trong đó có cả Hàn Thọ đã nghe theo quyết định của tôi, chúng tôi dầm mình trong mưa nỗ lực cất dọn thành đống cao hàng trăm chiếc va-li Samsonite của những người chạy tán loạn đêm qua bỏ lại, trong đó chất chứa biết bao sự nghiệp, tâm sự, kỷ niệm của đời người…

Hơn 5 giờ chiều ngày 29-4, sân thể thao tại căn cứ quân sự DAO đã được dọn ũi sạch sẽ bằng phẳng, sau đó một tiểu đội thuỷ quân lục chiến Hoa kỳ trang bị toàn tiểu liên với đạn quấn đầy mình, từ máy bay trực thăng đổ xuống bảo vệ bãi đáp, theo đội hình chiến đấu. Khoảng nửa giờ sau, bốn chiếc trực thăng Chinook CH 53 đầu tiên đáp xuống sân thể thao căn cứ quân sự DAO và bốc đi những người từ tòa Đại sứ Hoa Kỳ hoặc những địa điểm tập trung khác do những chiếc xe buýt ào ạt chở đến. Rồi từng đợt bốn chiếc trực thăng Chinook đáp xuống, hối hả bay lên, cầu không vận bằng trực thăng rầm rộ ào ạt quay cuồng… Chúng tôi vô cùng lo lắng sốt ruột, sợ lại trễ, sợ tai họa lại giáng xuống… Mãi đến đợt thứ bảy, hơn 60 người cuối cùng còn lại tại sân thể thao căn cứ quân sự DAO, mới đến lượt ra đi…

Máy bay trực thăng Chinook CH 53 là một loại máy bay trực thăng lớn, hai cánh quạt ở đầu và đuôi, thường có thể vận tải 50 quân nhân Mỹ hoặc 60 người Việt Nam. Khi bốn chiếc máy bay cùng hạ xuống trong một sân thể thao hẹp, tám cánh quạt quay tít tạo ra một trận bão với sức gió 130 cây số một giờ. Tôi đã nhìn thấy một vài phụ nữ ốm yếu và trẻ em bị cuốn đi, nhưng nhờ sự dũng cảm tận tâm của binh sĩ Hoa kỳ, cuối cùng họ cũng được lôi vào trong lòng Chinook. Khoảng cách vài chục thước, nhưng dường như con đường dài vô tận cho ba đứa con tôi từ 6 đến 11 tuổi. Tất cả hành lý mang theo đều quăng bỏ lại, tôi ngồi xổm tiến lên theo kiểâu ếch đi, đẩy hai đứa con trai đang bò bằng hai tay, chậm chạp từng thước một. Khi ra đi, tôi cho hai đứa con trai mặc đồng phục hướng đạo vì nghĩ rằng nếu chúng có bất hạnh chết đi, cũng được chết trong can đảm danh dự. Giờ thì cơn lốc 130 cây số một giờ đánh tơi tả bộ đồng phục ngắn, mong manh. Năm phút trôi qua, mà gia đình tôi tiến được chừng mười thước, trong lúc tất cả hơn 60 người hành khách khác đã vào lọt trong phi cơ. Nước mắt lưng tròng, tôi hoảng hốt tuyệt vọng… Không thể chờ đợi lâu thêm một phút nào nữa, hai người lính thủy quân lục chiến Mỹ xông ra, một người bồng hai đứa con trai tôi, một người khác nắm tay vợ chồng và đứa con gái lớn của tôi kéo vào lòng phi cơ, ngay tức khắc máy bay từ từ lên thẳng. Máy bay lên được 3 thước thì phải hạ xuống vì quá trọng tải. Cố gắng lên vài thước nữa, rồi cũng phải hạ xuống. Tôi nghe tiếng ngưới Mỹ trưởng phi hành đoàn thét lên:

- Gắng một lần nữa, nếu không được thì giảm bớt hành khách!

Trời ạ, giá không hiểu Anh ngữ thì lòng tôi thanh thản an ổn hơn, giảm ai đây, hợp lý nhất và đại bất hạnh là gia đình tôi, những kẻ lên sau cùng.

Phi công hải quân Hoa kỳ quả thật kinh nghiệm tài ba và đầy bình tĩnh gan dạ. Lần thứ ba phi cơ lên nhanh và bắt đầu bay. Qua cửa hậu còn mở tôi thấy rõ máy bay vượt qua thành phố theo đường Vũng Tàu tiến về hướng đông. Tôi nhìn vợ tôi mặt mày hốc hác xanh tái đang ôm các con vào lòng, nước mắt nhạt nhòa dàn dụa nhìn xuống thành phố Sài Gòn, vĩnh biệt… vĩnh biệt…!

Khoảng 10 giờ tối, máy bay hạ cánh xuống tàu Hankcock, một chiến hạm trong đệ thất hạm đội Hoa kỳ ở Thái Bình Dương. Tôi ăn qua loa miếng bánh mì, uống vài ly nước và ngã gục xuống ngủ mê mệt như chết cho đến ba giờ sáng ngày 30-4-1975; một cơn đau bụng quặn thắt khủng khiếp đánh thức tôi dậy và biết tin chuyến bay chở gia đình tôi là chuyến bay cuối cùng tại căn cứ quân sự DAO. Và cũng trong giây phút này, Tom Polgar, giám đốc cơ quan tình báo của tòa Đại sứ Hoa kỳ, đánh bức điện tín cuối cùng về Hoa Thịnh Đốn thông báo chấm dứt cuộc di tản; bức điện tín lịch sử nhìn nhận bạo lực đã chiến thắng tự do đã chết, có một nội dung đầy triết lý, nguyên văn như sau:

“Đây là một cuộc chiến lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã bại trận” …

“Kinh nghiệm đau thương độc nhất này trong lịch sử Hoa kỳ, không nhất thiết có nghĩa là sức mạnh siêu cường của quốc gia Hoa kỳ đã chấm dứt tiêu tan. Nhưng tầm quan trọng của sự thua cuộc và trường hợp đưa đến sự thất bại, buộc chúng ta phải nhìn nhận cứu xét lại những chính sách nhỏ giọt nửa vời (the policies of niggardly half measures) là đặc điểm chính chúng ta đã áp dụng vào cuộc chiến trên đất nước này, mặc dầu sự cam kết về nhân lực và tài lực thật ra đã vô cùng phong phú. Những người không học được gì từ lịch sử, sẽ lập lại sai lầm của lịch sử. Hy vọng rằng chúng ta sẽ không có một kinh nghiệm Việt Nam khác và đó là điều chúng ta đã học được trong bài học này.

Chấm dứt liên lạc từ Sài Gòn”

Huy Lực Bùi Tiên Khôi

Wednesday, April 25, 2012

CHINA

Mối thù Ôn-Bạc,
 phe Đoàn và phe thái tử?

Chiếc Ferrari màu đỏ đổ xịch trước cửa tư gia Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh trong một buổi tối đầu năm nay và con trai của một trong những lãnh tụ hàng đầu của Trung Quốc bước ra trong bộ cánh dạ tiệc lịch lãm. Bạc Qua Qua (Bo Guagua), 23 tuổi, hẹn ăn tối với con gái của Jon Huntsman, đại sứ Mỹ lúc đó.

Nhưng chiếc xe mới là điều đáng chú ý. Cha của người lái là Bạc Hy Lai (Bo Xilai), nhân vật trọng tâm của một chiến dịch đầy tranh cãi với mục tiêu khôi phục tinh thần Mao Trạch Đông qua việc quảng bá những bài hát cách mạng cũ, hay còn gọi là “nhạc đỏ.” Ông ta còn ra lệnh học sinh và cán bộ phải đi lao động tại các nông trường để bắt mối liên lạc với nông thôn. Trong khi đó thì con trai ông ta chạy chiếc xe trị giá hàng trăm ngàn đô la có màu đỏ như màu cờ của một nước mà lợi tức trung bình của mỗi gia đình vào năm ngoái là khoảng 3,300 Mỹ kim.

Đó là đoạn nhập đề của bài viết “Children of the Revolution” (Những đứa con cách mạng) của Jeremy Page trên tờ The Wall Street Journal ngày 26.11.2011; sau được tờ The Weeken Australian đăng lại trong số ra ngày 3.12.2011 với nhan đề, “The mass look askance as China’s partying princelings put on a show”. (Công chúng đang ngờ vực khi những thái tử đảng được đưa ra trình diễn).

Điều đáng nói là cả hai nhân vật nêu trên đều là “thái tử đảng”.

Bạc Hy Lai là con trai của Bạc Nhất Ba (Bo Yibo - 1908-2007), bộ trưởng tài chính đầu tiên của Trung Cộng, một nhân vật bảo thủ từng chủ xướng hai cuộc thanh trừng nhắm vào Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương.

Với xuất thân này “thái tử Bạc Hy Lai” lên như diều gặp gió, trở thành ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh và một tương lai sáng lạn hơn khi có tin ông ta sẽ lên cao nữa trong đại hội tới.

Còn “Thái tử Bạc Qua Qua” thì đã tốt nghiệp Oxford tại Anh và đang theo học hậu đại học tại Kennedy School of Government thuộc Đại Học Harvard. Với lý lịch và học lực như thế, một tương lai sáng lạn đang chờ đợi cậu ta.

Tuy nhiên tháng Ba vừa qua Bạc Hy Lai đã bị cách chức khiến thế giới tốn khá nhiều giấy mực để bàn về những âm mưu đấu đá khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị khai mạc đại hội đảng thứ 18 vào ngày 18.10.2012.

Trong đại hội này thì Hồ Cẩm Đào sẽ chính thức nghỉ hưu và truyền chức bí thư, chủ tịch nước kiêm chủ tịch quân ủy trung ương cho Tập Cận Bình. Nhưng đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi quyền lực của đảng không tóm thu hết vào tổng bí thư mà là Bộ Chính trị (BCT) với 25 ủy viên. Nhưng thành phần quan trọng nhất lại là Thường trực BCT (TTBCT) với 9 ủy viên: đây sẽ là những tiếng nói tối hậu cho đường hướng của Trung Quốc trong 5 năm tới.

Trong đại hội 18 sẽ có 7 số trong 9 ủy viên TT BCT hiện tại về hưu nên hiện tại những trận đấu đá căng thẳng đang diễn ra giữa các phe phái để đưa người của mình vào. Chính việc cách chức nhân vật bảo thủ Bạc Hy Lai, người mà trước đây ai cũng tin chắc là sẽ nắm 1 trong 7 cái ghế trống nói trên, đã khiến thế giới bàn tán ồn ào với nhiều giả thuyết và bằng chứng.

Thứ nhất, đây vừa là một đòn thù cá nhân của Ôn Gia Bảo với dòng họ Bạc. Khi ra tay trả thù, họ Ôn có sự hậu thuẫn của cả Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.

Chính Bạc Nhất Ba đã cổ xuý các cuộc thanh trừng Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, là hai ông thầy đỡ đầu cho Ôn Gia Bảo. Và họ Bạc cũng đã đòi phải kỷ luật Ôn Gia Bảo trong vụ thanh trừng Triệu Tử Dương nhưng họ Ôn thoát nạn. Bạc Nhất Ba đã chết năm 2007 và nay đứa con Bạc Hy Lai phải lãnh “quả báo” từ họ Ôn!

Thứ hai, đây là ngón đòn của phe cải tổ đối với phe bảo thủ mệnh danh “Tân Tả” (New Left), trong đó Bạc Hy Lai được xem là một thủ lĩnh đầy cá tính.
Thứ ba, đây còn là trận đấu giữa phe “Đoàn thanh niên” với phe “thái tử đảng”. Phe Đoàn là những lãnh tụ tiến thân bằng sức mình, từ sinh hoạt ở đoàn thanh niên rồi vào đảng, “phấn đấu” để đi lên như Ôn Gia Bảo, Hồ Cẩm Đào, khác với giới lãnh đạo nhờ… thụ thai như Bạc Hy Lai.

Bạc Hy Lai

Bạc Hy Lai sinh năm 1949 đúng ngày khai sinh của Trung Cộng và hưởng mọi ưu đãi của một “thái tử đảng”. Nhưng khi CMVH nổ ra vào năm 1966 thì Bạc Nhất Ba bị thanh trừng và “thái tử” bị tống vào trại lao động, còn bà mẹ thì bị Hồng vệ binh đánh chết.

Sau khi Mao chết vào năm 1976 thì Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền. Lúc này Bạc Nhất Ba được phục chức, trở thành Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và được liệt vào nhóm “bát tiên”, “bát bất tử” hay “bát đại nguyên lão” (Eight Immortals) cùng với Đặng Tiểu Bình,Trần Vân, Bành Chân, Dương Thượng Côn, Lý Tiên Niệm, Vương Chấn và Tống Nhiệm.

Theo cha, Bạc Hy Lai về học sử tại Đại học Bắc Kinh và sau khi tốt nghiệp lại theo đuổi bậc cao học báo chí tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. Tuy nhiên nhờ thế cha, năm 1993 thì Bạc Hy Lai không làm báo mà trở thành thị trưởng Đại Liên ở miền đông bắc Trung Quốc, một lãnh tụ “đầu gà”. Mặt khác, nhờ vào kỹ năng báo chí đã học, Bạc Hy Lai trở thành một lãnh tụ con có nét riêng, biết cách tự quảng cáo mình.

Sau nhiều chức vụ khác nhau ở cấp tỉnh, thành phố, năm 2004 Bạc Hy Lai được “cơ cấu”vào Trung ương đảng chuyển về Bắc Kinh làm bộ trưởng thương mại. Tại đây, Bạc Hy Lai đã tạo tiếng tăm cho mình bằng năng lực cá nhân, thí dụ có thể ứng khẩu nói chuyện, phát biểu chứ không phải cầm diễn văn đọc chán ngấy như các lãnh tụ khác.

Năm 2007 Bạc Hy Lai được cử làm bí thư Trung Khánh, đây là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương tại Trung Quốc. Trùng Khánh là thành phố lớn, có dân số 31.4 triệu người, diện tích 82,300 cây số vuông và chính tại đây tiếng tăm của họ Bạc càng tăng cao theo sự lộ liễu của tham vọng cá nhân.

Bạc Hy Lai đã xây dựng một mô thức kinh tế chỉ huy song song với các sinh hoạt chính trị - xã hội kiểu “phát động phong trào” tại thành phố lớn này. Ông ta ra lệnh các đài phát thanh và truyền hình phải sử dụng càng nhiều nhạc đỏ càng tốt. Ông ta ra lệnh học sinh và cán bộ phải đi lao động ở các nông trường như là thời CMVH. Ông ta đầu tư rất nhiều vào những dự án phúc lợi như xây chung cư rẻ tiền cho dân nghèo và miễn hay giảm học phí cho người nghèo. Những chính sách này đã tạo nên cái gọi là "mô hình Trùng Khánh" và được phái “Tân Tả” xem là chọn lưạ tốt nhất cho Trung Quốc.

Tuy nhiên điều naỳ làm nhiều lãnh tụ chủ trương cởi mở kinh tế e ngại. Thứ nhất là hào quang chính trị của Bạc Hy Lai. Thứ hai là chủ trương “phục hồi tinh thần Mao Trạch Đông” và kiểu “phát động phong trào” như là CMVH: nếu Bạc Hy Lai thắng thế, các đế chế kinh doanh của gia đình và dòng họ sẽ bị bóp chết.

Bạc Hy Lai cũng khét tiếng qua việc dẫn dắt chiến dịch chống mafia quyết liệt ở Trùng Khánh với hàng loạt các vụ hành quyết, bắt giữ, ép cung, xử oan.

Nhưng người đích thân thực hiện chiến dịch này là Vương Lập Quân, giám đốc công an. Nhờ công bài trừ mafia, ngoài chức giám đốc công an, Vương Lập Quân được thăng hàm “phó thị trưởng”.

Gãy cánh

Tuy nhiên ngày 2.2.2012 Vương Lập Quân bị Bạc Hy Lai giáng chức, từ giám đốc công an chuyển sang làm giám đốc sở văn hoá, khoa học, giáo dục; một lĩnh vực mà ông ta hoàn toàn mù tịt. Mặt khác, Bạc Hy Lai đã thực hiện việc này như một lãnh chúa tối cao, không hề thông báo cho ngành dọc của Vương Lập Quân là Bộ Công an.

Không khí chính trị ở Trùng Khánh trở nên căng thẳng và ngày 6.2.2012 Vương Lập Quân chạy đến Toà lãnh sự Mỹ tại Thành Đô xin tỵ nạn. Ngay hôm sau đích thân thứ trưởng công an Tần Tấn (Qin Jin) đến tận nơi hộ tống ông ta về Bắc Kinh.

Ngày 8.2.2012 theo lệnh Bạc Hy Lai, chính quyền Trùng Khánh ra thông báo cho biết Vương Lập Quân “nghỉ phép để trị bệnh”. Chỉ một tuần sau, ngày 15.03.2012, ĐCSTQ ra thông báo ngắn, cho biết là ông Bạc Hy Lai thôi nhiệm chức bí thư thành ủy Trùng Khánh. Thông báo cũng cho biết phó thủ tướng Trương Đức Giang sẽ đến thay thế và các thông tin bên ngoài cho hay đây là một nhân vật bảo thủ, cùng cánh với Bạc Hy Lai.

Các thông tin bên trong cho thấy Vương Lập Quân đã phanh phui các hành vi tham nhũng của gia đình họ Bạc. Ngay lập tức, Bạc Hy Lai giáng chức Vương bất kể nguyên tắc và việc này khiến Vương lo sợ cho sinh mạng của mình, do đó tức tốc lái xe bỏ trốn, chạy đến Thành Đô xin trú tại Tòa Lãnh sự Mỹ.

Tin cho biết khi chạy trốn Vương Lập Quân đã mang theo vũ khí hộ thân là hồ sơ đen về gia đình Bạc Hy Lai. Vấn đề là trong khi trú tại Toà lãnh sự Mỹ, ông ta đã cho người Mỹ sao lại hồ sơ nào hay không?

Chỉ vấn đề này thôi có thể làm tắc nghẽn đường tiến thân của Bạc Hy Lai: ĐCSTQ không thể để một nhân vật mà người Mỹ “nắm thóp” nhảy lên những vị trí quan trọng.

Mặt khác, như đã nói ở trên, “Mô hình Trùng Khánh” của Bạc Hy Lai đã trở thành biểu tượng của "tả phái", với khẩu hiệu xây dựng một xã hội quân bình hơn như dưới thời Mao Trạch Đông.

Mà điều này đã chạm tới Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, là phe cải cách. Ngày 14.3.2012, chỉ một ngày trước khi có quyết định bãi chức Bạc Hy Lai, Ôn Gia Bảo đã đọc diễn văn bế mạc phiên họp quốc hội, cảnh cáo về việc cấp thiết phải cải cách đất nước bằng không thì “những thảm họa như CMVH có thể sẽ xảy ra”.

Những uẩn khúc trong đời

Bạc Hy Lai hô hào chống tham nhũng, hô hào phục hồi tinh thần Mao Trạch Đông và xây dựng xã hội công bằng. Thế nhưng những cư dân mạng Trung Quốc lấy làm bất mãn vì một lãnh tụ “thanh bạch” như ông ta lại có thể cho con trai du học tại Oxford và sau đó tại Havard. Không chỉ du học tại hai trường đại học tư đắt đỏ nhất thế giới, cậu còn lái chiếc Ferrari trị giá mấy trăm ngàn đô.
Nếu quả có chuyện Vương Lập Quân ôm hồ sơ tham nhũng khi chạy trốn, chắc hẵn hồ sơ này có thể phanh phui ra các nguồn thu nhập mà Bạc Hy Lai dùng để trả cho các chi phí ăn học và ăn chơi của con trai mình.
Nhưng vấn đề còn là chuyện ý thức hệ, chuyện lập truờng giai cấp. Trong khi con mình ăn chơi phỡn phè như thế đó thì ông bố ra lệnh cho những học sinh và các viên chức dưới quyền mình phải đi “lao động xã hội chủ nghĩa” hay “tự cải tạo mình” ở nông thôn. Đâu là “công bằng”?
Và nếu “thái tử” Bạc Qua Qua hiện tại là vậy, “thái tử Bạc Hy Lai” thời trước như thế nào?

Trong tài liệu do WikiLeaks đã đưa lên mạng năm 2010 có bức điện liên quan đến Bạc Hy Lai, do Toà Đại sứ Mỹ chuyển về Bộ Ngoại giao. Nội dung cho biết Mỹ đã thu được tài liệu cho thấy trong thời CMVH, để thoát thân như là thành phần “tiến bộ” và “giác ngộ”, Bạc Hy Lai đã tố cáo cha mình. Bức điện ghi nhận xét: “Người Trung Quốc đặt mối quan hệ gia đình trên hết, vì thế mà nhiều người nhìn Bạc Hy Lai như một kẻ phản bội hèn hạ”.

Bạc Hy Lai chào đời khi bố mình là bộ trưởng nên đã hưởng mọi đặc ân, học trong trường học dành riêng cho “thái tử đảng” là Trường cấp hai số 4 tại Bắc Kinh. Chính tại đây, Bạc Hy Lai đã cùng bạn học “thái tử đảng” đề xướng những cuộc đấu tố đầu tiên của CMVH để rồi sau đó bị cảnh gậy ông đập lưng ông.

Tháng 6.1966, những tháng đầu tiên của CMVH, một bạn học của Bạc Hy Lai đặt ra bài vè như là một thứ “đảng ca” của giới “thái tử đảng”: “Cha anh hùng, con cũng anh hùng. Cha phản động, con là đồ khốn khiếp”. Trong bài ca này, những Hồng vệ binh như Bạc Hy Lai đã biến phòng ăn của nhà trường thành nhà tù để nhốt các thầy giáo có thành phần xuất thân gọi là “kẻ thù giai cấp”. Tại đây, họ đã trích máu của các nạn nhân để vẽ lên tường khẩu hiệu “Độc tài đỏ muôn năm”!

Tuy nhiên thâm ý của Mao là thanh trừng đồng chí thân thiết mà ông sợ là “nuôi ong tay áo”. Bởi thế chỉ vài tháng sau thì cha mẹ của các “thái tử” hung hăng này bị biến thành “kẻ thù giai cấp” và để làm việc này, Mao đã sử dụng các Hồng vệ binh có thành phần xuất thân kém “cách mạng” hơn. Bạc Nhất Ba bị bắt, bị tra tấn rồi đưa về miền quê cải tạo. Còn Bạc Hy Lai bị lớp Hồng vệ binh bắt rồi giam tù trong suốt 6 năm.

Năm 1976 Bạc Nhất Ba được phục chức nhưng gia đình này chịu một vết thương không bao giờ chữa khỏi. Mẹ của Bạc Hy Lai cũng bị bắt và đã bị giết chết trong CMVH, không thể nào tìm ra thi hài!

Nếu ở trên Bạc Hy Lai bị phanh phui là tố giác cha mình thì ở đây ông ta mắc tội “phát động” một phong trào để rồi gây ra cái chết của chính mẹ mình. Đến bây giờ, sau khi gia đình tan nát vì Mao, vì CMVH, nhưng Bạc Hy Lai lại cổ xúy phục hưng tinh thần Mao, phục hưng CMVH.

Bạc Hy Lai hoàn toàn trái ngược với đối thủ của mình là Ôn Gia Bảo.

Ôn Gia Bảo

Ôn Gia Bảo lớn hơn Bạc Hy Lai 7 tuổi nhưng xuất thân kém “qúy tộc” hơn vì cha chỉ là một giáo viên quèn. Tuy nhiên ông giáo viên này cũng bị thanh trừng trong CMVH, bị tước quyền dạy học và bị bắt đi chăn lợn.

Thời trẻ Ôn Gia Bảo theo học ngành địa chất. Sau nhiều chức vụ chuyên môn kiêm đảng ủy trong các cơ quan địa chất khác nhau, năm 1983 được cử làm Thứ trưởng Bộ Địa chất - Khoáng sản. Từ đây, năng lực của Ôn Gia Bảo được nguyên Tổng bí thư Hồ Diệu Bang chú ý nên năm 1985 được cất nhắc làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng trung ương Đảng. (VPTƯĐ).

Hồ Diệu Bang tỏ ra là người khá cởi mở, đã khôi phục danh dự cho những người từng bị vu cáo trong thời CMVH. Ông cởi mở và khoan dung hơn với giới trí thức. Ông cũng nới rộng quyền tự trị của người Tây Tạng và ra lệnh rút hàng nghìn cán bộ người Hán khỏi nơi này.

Tuy nhiên những cải tổ này làm phe bảo thủ khó chịu mà nhân vật hàng đầu là Bạc Nhất Ba. Họ Bạc đã lôi kéo nhiều người, lôi kéo phó thủ tướng Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), cha của Tập Cận Bình hiện tại. Tập Trọng Huân từ chối nên bị ghi tên vào sổ đen và, sau đó, khi lên tiếng chỉ trích vụ đàn áp Thiên An Môn, Tập Trọng Huân đã bị cho về hưu non và tên tuổi chìm vào bóng tối.

Hồ Diệu Bang bị buộc tội vi phạm những “nguyên tắc chính trị quan trọng", để xảy ra hàng loạt vụ biểu tình của sinh viên vào cuối năm 1986. Ông bị buộc tội "có những sai lầm trong các mối quan hệ Trung-Nhật".

Ngày 16.1.1987 Hồ Diệu Bang bị buộc phải từ chức và ghế tổng bí thư về tay Triệu Tử Dương. Bất kể sự xáo trộn này, Ôn Gia Bảo vẫn không hề hấn gì và trong đại hội đảng đầu năm 1987, ông ta trở thành Chủ nhiệm VPTƯĐ.

Tháng 4.1989 Hồ Diệu Bang qua đời và đám tang của ông đã khơi mào nên vụ biểu tình Thiên An Môn. Giữa cao trào của cuộc biểu tình, nguyên tổng bí thư Triệu Tử Dương đã cùng Ôn Gia Bảo đích thân đến đây gặp gỡ và xin lỗi sinh viên vì đã đến “quá trễ”. Hành động này bị xem là mềm yếu và tháng 5.1989 họ Triệu bị thanh trừng, bị quản thúc tại gia cho đến khi qua đời vào năm 2005.

Lớn giọng nhất trong nhóm kết án Triệu Tử Dương lại là Bạc Nhất Ba. Lúc này họ Bạc đòi hỏi phải thanh trừng cả Ôn Gia Bảo tuy nhiên bất thành. Ôn Gia Bảo đã “thành khẩn kiểm điểm” và quay ngoắt 180 độ để ủng hộ phe cứng rắn, do đó nhận được sự bao che của các lãnh tụ lão thành khác.

Bạc Nhất Ba là kẻ thù của hai ông thầy đỡ đầu của Ôn Gia Bảo. Không chỉ là đỡ đầu cho Ôn Gia Bảo, Hồ Diệu Bang còn là người đỡ đầu cho những lãnh tụ khác, trong đó có Hồ Cẩm Đào. Cha của Tập Cận Bình là người từng ủng hộ Hồ Diệu Bang và từ chối sự lôi kéo của Bạc Nhất Ba.

Bởi lẽ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết là Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường (phó thủ tướng) đều đến nhà bà vợ goá của Hồ Diệu Bang để thăm hỏi chúc tết.

Bạc Nhất Ba còn là kẻ thù của chính Ôn Gia Bảo. Đã vậy, truyền nhân của Ba là Bạc Hy Lai lại chăm chăm phá vỡ những di sản của cuộc cải tổ mà Hồ Diệu Bang đã đặt nền móng, Triệu Tử Dương đã phát triển và được chính họ Ôn tiếp nối trong các năm qua.

Mặt khác, Bạc Hy Lai còn tạo uy tín cá nhân, đánh bóng hào quang của mình quá mức, đến độ khiến cả báo chí nước ngoài chú ý. Do đó Bạc Hy Lai phải bị diệt.

Cải tổ và bảo thủ: hai thứ quyền lợi

Phe bảo thủ xem Bạc Hy Lai và mô hình Trùng Khánh sẽ giữ Trung Quốc trong quỹ đạo XHCN và điều này làm phe cởi mở kinh tế lo sợ. Họ sợ rằng Bạc Hy Lai sẽ là một Mao Trạch Đông mới, một nhà độc tài có thể đe dọa họ và các quyền lợi kinh doanh của thân nhân gia đình họ.
Chỉ một ngày trước khi cách chức Bạc Hy Lai, Ôn Gia Bảo đã phát biểu trước quốc hội: “Chúng ta phải đẩy mạnh các cải cách về kinh tế và cấu trúc, trước hết là cuộc cải cách của hệ thống lãnh đạo Đảng và nhà nước, bằng không thì Trung Quốc không thể giải quyết các vấn đề của nó một cách cơ bản và một thảm kịch như CMVH có thể xảy ra”.
Tuy nhiên loại bỏ “người hùng Tân Tả” này không phải chuyện dễ vì Bạc Hy Lai có đồng minh hùng mạnh ở trung ương, trong đó có ủy viên thường trực Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, phụ trách Ủy ban các vấn đề luật pháp và chính trị. Do đó việc Vương Lập Quân bỏ trốn đã biến thành một cơ hội vô giá cho họ ra tay.
Thế nhưng Hồ và Ôn đã không dám khuấy động cả phe bảo thủ do đó phải đưa Trương Đức Giang, cùng nhóm Tân Tả và cùng nhóm “thái tử đảng” với Bạc Hy Lai về thay thế ông ta ở Trùng Khánh.

Phạm Đức Đồng Hùng