Sunday, September 30, 2012

VNCH

Người Mỹ Già Homeless

Ở một ngã tư trên đường từ hãng làm về nhà mỗi khi ngừng xe chờ đèn xanh, mấy lúc gần đây tôi thường thấy một ông già người Mỹ đứng đó xin tiền, chờ khi đèn đỏ tất cả xe ngừng lại thì đi ngược theo đoàn xe dọc lề đường cầm một tấm carton có mấy chữ nguệch ngoạc trên đó: "I am hungry. Will work for food. God Bless". Những hình ảnh tương tự như vầy tôi vẫn hay thấy ở những ngã tư đèn xanh đèn đỏ rãi rác trong thành phố, nên gần như tôi không chú ý gì tới người Mỹ già này. Một vài lần ngừng xe ở một ngã ba, ngã tư nào đó, khi thấy một người homeless nào đến gần xe tôi đậu, nhìn dáng vẻ khổ sở tôi cũng động lòng cho ông ta 1 dollar. Rồi thôi! Xe chạy và tôi không mảy may để ý gì tới người đó nữa. Người Mỹ già homeless này cũng vậy. Xe tôi chạy qua ngã tư này hàng ngày và đậu chờ đèn xanh không biết bao nhiêu lần rồi. Tôi nhìn thấy ông Mỹ này chắc cũng 5,7 lần gì đó… nhưng có bao giờ tôi để ý tới ông ta đâu và có lẽ sẽ chẳng bao giờ để ý đến ông cho tới một hôm…

Hôm đó là một ngày tháng Năm, như mọi lần tôi đậu xe ngay sát lề chờ đèn xanh, nơi ông già Mỹ đang đứng. Tháng 5 là mùa Hè ở Texas, trời rất nóng. Bên ngoài cũng khoảng 92, 93 độ F chứ không ít. Ông già Mỹ cũng vẫn cầm tấm carton giơ lên trước ngực. Trời nóng như vậy mà ông ta mặc một cái áo lính rằn ri 4 túi kiểu của quân đội Mỹ. Nhưng cái đập vào mắt tôi ngày hôm đó là, trên ngực áo của ông ngoài mấy phù hiệu binh chủng, còn có huy hiệu một lá cờ vàng ba sọc đỏ. Chính điều này làm tôi chú ý. Khi ông bước đến cửa xe, tôi không cưỡng được nên hạ cửa kiếng xuống móc ra tờ giấy 1 dollar đưa cho ông:

- Hello, hình như ông là cựu quân nhân?
Ông nhận tờ giấy bạc:
- Cám ơn ông. God Bless. Phải! Tôi là cựu quân nhân đã từng tham chiến ở VN trước đây. Ông là người Việt hả? Bắc Việt Nam hay Nam Việt Nam?
Tôi cười, nheo mắt với ông:
- Đúng. Tôi là người Việt. Nam Việt Nam chớ không phải Bắc Việt Nam.
Ông giơ một ngón tay cái lên, mỉm cười qua hàm râu quai nón xồm xoàm lâu ngày không cạo:
- God Bless you. Good! Good! NamViệt Nam tốt lắm.

Ông ta chào tôi và tiếp tục đi qua xe khác.
Chỉ có thế! Đèn bật xanh. Xe tôi lại chạy nhưng đầu óc tôi cứ lưu lại hình ảnh người Mỹ già này suốt con đường về nhà. Không hiểu tại sao một cựu quân nhân Mỹ lại sa vào cuộc sống khó khăn đến thế? Ở xứ này, người dân vẫn tôn trọng cựu quân nhân lắm mà? Lần đầu tiên tôi thắc mắc về một người homeless. Có lẽ chính vì cái huy hiệu lá cờ vàng ba sọc đỏ đeo ở trước ngực áo ông ta cứ lãng vãng trong đầu óc tôi hoài.

Hai hôm sau, cũng tại ngã tư quen thuộc. Tôi gặp lại ông Mỹ này vẫn đang mặc chiếc áo trận rằn ri đi tới khi tôi đậu xe chờ đèn. Tôi hạ kiếng xe xuống:
- Chào ông. Tôi có thể hỏi thăm ông một chút được không?
Ông già nhìn tôi với một thoáng ngạc nhiên:
- Chào ông. Được chứ. Ông muốn hỏi gì?
- Ở đây không tiện. Đèn xanh rồi, xe tôi phải đi ngay đây. Tôi sẽ qua cây xăng bên kia đường. Tôi gặp ông ở đó trong vài phút nữa. Được không?
- Được chứ. Được chứ. Tôi chờ ông bên đó nghe.
Tôi quay xe ngược trở lại và tắp vào cây xăng Shell bên kia đường nơi ông già Mỹ đang đứng chờ. Tôi xuống xe bắt tay ông:
- Chào ông. Tôi tên là Khanh. Tôi có gặp ông trước đây. Ông có nhớ tôi không?
Ông già Mỹ cười làm rung động hàm râu quai nón xồm xoàm. Gương mặt ông trông giống như một tài tử xi nê nào đó mà tôi đã có dịp xem qua:
- Chào ông Khaan (Ông chào tôi bằng tiếng Việt và phát âm tên tôi như 2 chữ Kha An ) Nhớ chứ, nhớ chứ. Ông là người Việt tôi gặp hôm trước đây mà… Nam Việt Nam.
Ông lại cười, giơ ngón tay cái lên khi nói đến chữ Nam Việt Nam và nói tiếp:
- Tôi tên là Bill. Ông muốn hỏi tôi chuyện gì.
- Ồ! Cũng không có gì quan trọng. Thật ra… thật ra…

Tôi bỗng trở nên lúng túng, ấp a ấp úng khi thình lình nhận ra chính mình cũng không biết tại sao lại muốn nói chuyện với ông già Mỹ này. Có lẽ một sự ràng buộc vô hình nào đó với cái phù hiệu ông ta đeo trên ngực áo đã khiến tôi không cưỡng lại được và có lẽ sự thắc mắc trong lòng hai hôm nay cộng với thời gian đứng chờ đèn xanh quá ngắn ngủi có thể sẽ bỏ lỡ một dịp may hỏi ông ta vài câu mà mình thắc mắc. Nhưng khi cơ hội đến thì mới biết là tôi đã chẳng chuẩn bị gì hết, vì thế đâm ra lúng túng. Cuối cùng tôi cũng nói lên được một câu:
- Tôi cũng là lính ở trong thời chiến tranh VN.
- Vậy hả! Tốt! Tốt! Anh cũng là cựu chiến binh chiến tranh VN hả.

Tốt! Tốt!
Tôi nhìn gương mặt ông, thấy toát lên một vẻ rất chân thật khi nói lên câu trên. Hình như những hình ảnh về thời đi lính xa xưa ở VN vẫn còn để lại trong lòng ông nhiều kỷ niệm. Buổi chiều ở Round Rock mùa này trời nóng kinh khủng. Tôi chỉ mới đứng bên ngoài nói mấy câu với ông già Mỹ mà đã thấy khó chịu rồi. Vậy mà ông ta đứng ở ngoài trời cả ngày như thế thì thiệt là… Một thoáng xót xa dấy lên trong lòng tôi:
- Này Bill, ông có bận quá không? Nếu ông không bận, tôi muốn mời ông đi đến một nơi nào đó, chúng ta vừa ăn uống vừa nói chuyện. Được không?
- Không. Tôi không bận gì cả. Tốt. Tốt. God Bless.
Bill xách theo cái túi đeo vai đựng những vật dụng cá nhân của ông lên xe. Tôi chở Bill đi ngược lại đường May, con đường chính của thành phố Round Rock và sau đó rẽ trái qua đường 620:
- Mình ghé vào tiệm Fried Chicken phía trước được không?
- Tốt! Tốt. Fried Chicken ngon lắm.
Tôi nheo mắt nhìn Bill, cười:
- Nhưng ở đây không có bia đâu nhé.
- Không sao. Cám ơn ông. Ăn Fried Chicken tốt lắm rồi.
Chúng tôi ghé vào tiệm Golden Fried Chicken gần đó, gọi phần ăn cho hai người và chọn ngồi vào góc khuất trong tiệm. Buổi chiều giờ này quán còn vắng vẻ lắm. Không khí mát dịu của máy điều hoà bên trong làm tôi khoan khoái, dễ chịu hẳn lên sau khi vừa từ bên ngoài bước vào. Nhìn Bill làm dấu thánh giá trước khi ăn, tôi thấy ở ông toát ra một điều gì đó hiền hoà khác hẳn cái bề ngoài có vẻ "dữ dằn" qua quần áo, râu tóc rối tung của ông, tôi nói để bắt chuyện:
- Ông cứ ăn tự nhiên nhé.
- Tốt. Tốt. Cám ơn ông.
Vừa nhai ngồm ngoàm miếng gà chiên, ông vừa hỏi tôi:
- Khaan. Trước đây trong chiến tranh VN, ông đi binh chủng nào? Đóng ở đâu?
- Tôi hả? Tôi ở trong binh chủng Không Quân. Trước đây đơn vị tôi đóng ở Phan Rang. Tôi ở trong quân ngũ không lâu, chỉ từ 1972 cho đến ngày miền Nam nước tôi rơi vào tay CS miền Bắc. Còn ông?
- Tôi là lính Thủy Quân Lục Chiến sang VN năm 1966. Ở tại căn cứ Long Bình một thời gian. Sau đó đơn vị tôi chuyển ra Đà Nẳng và cuối cùng đóng tại Khe Sanh.

Ông vừa ăn vừa kể tôi nghe về một vài kỷ niệm ở VN trước đây, ông nói một vài tiếng Việt còn nhớ được với cách phát âm lơ lớ như những từ: "Chào ông, chào bà, chào cô… con gái VN đẹp lắm, nước mắm… đi đi…mau…cám ơn ông…"

Chúng tôi vừa ăn vừa nói cười thật cởi mở. Tôi cũng kể cho Bill nghe về đơn vị của tôi trước đây và một vài kỷ niệm vui thời lính tráng. Trong thoáng chốc, chúng tôi nói chuyện, cười đùa với nhau như hai người bạn hồi nào không hay. Bill kể tôi nghe thêm nhiều kỷ niệm về đời lính của ông và trận đánh ông tham dự lần cuối ở Khe Sanh:
- Trong trận đánh ngày 21 tháng Giêng năm 1968, tôi bị thương nặng và được đưa về bệnh viện Dã Chiến chữa trị tạm thời, sau đó họ đưa tôi về bệnh viện ở Đà Nẳng tiếp tục chữa trị. Cuối năm 1968, tôi được giải ngũ và về lại Mỹ.

Bill giở áo lên chỉ cho tôi thấy những vết sẹo còn để lại sau mấy ca phẩu thuật. Nhìn những vết sẹo dài còn để lại trên ngực và bụng của Bill, tôi có thể đoán vết thương của ông lúc đó chắc là ghê gớm lắm. Lấy tay chỉ chỉ vào những vết sẹo đó, ông nói:
- Những vết sẹo này từ năm 1968 đã là một phần cơ thể gắn bó thân thiết với tôi. Tôi tự hào đã có những vết sẹo này, tuy nhiên rất lấy làm tiếc là chúng ta đã không đạt được mục đích. Cái giá tôi trả và phần thân thể tôi để lại ở chiến trường VN đã không được đền bù xứng đáng. Tiếc thật!

Bill cho tôi biết trong lần bị thương đó, để cứu ông các bác sĩ quân y đã phải làm nhiều cuộc phẩu thuật lấy mảnh đạn trong người, cũng như cắt bớt và may vá nhiều khúc ruột. Ngoài ra các bác sĩ còn phải đặt một thanh sắt, bắt vít nối xương ống chân phải của ông.

Tôi nhìn gương mặt Bill, cặp mắt ông không biểu lộ một nét thù hận hay bực bội nào cả khi nói về những vết thương cũ! Hình như thời gian đã phôi pha và xoa dịu đi những đớn đau, mất mát mà ông đã trãi qua. Chúng tôi im lặng tiếp tục ăn, không ai nói với ai thêm lời nào nữa một lúc khá lâu. Có vẻ như Bill đang nhớ lại một vài kỷ niệm cũ trước đây. Tôi nghe thấy ông lẩm bẩm hai chữ Khe Sanh, Khe Sanh... vài ba lần trong khi đang ăn và đôi mắt ông hình như đang mơ màng về một cõi xa xăm nào đó. Đầu óc tôi ngập tràn nỗi xúc cảm không tả được. Trước mặt tôi là một người Mỹ già xa lạ. Một người mà nếu không có chiến tranh xảy ra ở đất nước tôi, có lẽ ông ta sẽ không hề biết tới VN là gì, nói chi tới những địa danh như Long Bình, Đà Nẳng, Khe Sanh… vậy mà cho tới bây giờ, sau mấy chục năm ông vẫn còn nhớ và phát âm khá chuẩn tên những địa danh này bằng tiếng Việt. Chiến tranh đã tình cờ mang ông đến với một quốc gia có cái tên gọi Việt Nam nghe thật xa lạ, nơi ông đã chiến đấu để bảo vệ lý tưởng Tự Do cho người dân nơi đó và ngay cả đã hy sinh xương máu cho một đất nước mà trước đó ông không hề biết tới. Trước mặt tôi, người Mỹ đó giờ đây lại là một người không nhà cửa, sống một cuộc sống lây lất không có ngày mai. Còn tôi, một kẻ tị nạn đang ăn nhờ ở đậu nơi xứ sở của chính ông, lại là người may mắn hơn ông nhiều. Ít ra tôi có được một ngôi nhà xinh xắn, một mái ấm gia đình, một công việc đàng hoàng và con cái tôi đang thọ hưởng nền giáo dục tốt đẹp nơi xứ sở của ông… Tôi không thể nào ăn được nữa, một điều gì đó đang dâng lên trong lòng khiến tôi nuốt không vô nữa:
- Này Bill. Tôi có thể hỏi ông một vài câu liên quan tới cá nhân ông được không?
Bill ngước mắt lên nhìn tôi, ngạc nhiên:
- Cá nhân tôi? – Ông cười – Cá nhân tôi thì đâu có gì đâu mà không hỏi được.
- Sau khi ông giải ngũ, ông đã làm gì? …và tại sao …tại sao ông lại trở nên… thế này? Xin lỗi Bill. Ông không cần phải trả lời câu hỏi này, nếu ông không thích. – Tôi hỏi và cảm thấy không được tự nhiên lắm với câu hỏi đường đột này –
Với tay lấy tờ giấy napkin lau miệng, Bill cười:
- Ồ! Không sao cả. Lâu lâu có dịp ôn lại chuyện cũ cũng thú vị lắm.

Ông hỏi tôi sau khi tôi giải ngũ hả?? Tôi làm lặt vặt một vài việc để kiếm sống rồi quyết định quay lại college lấy cho xong bằng 2 năm, sau đó vào làm việc cho một hãng chế biến đồ nhựa. Tại đây tôi gặp một người đàn bà và sau một thời gian quen biết đã kết hôn với người này. Năm đó là năm 1974 và lúc đó tôi đang ở Houston. Vợ chồng chúng tôi có một đứa con gái và sống hạnh phúc lắm. Nhưng sau 6 năm chung sống hạnh phúc, sóng gió bắt đầu nổi lên khi tôi bị laid off. Những cuộc cãi vã xảy ra, ban đầu thì còn ít và còn có lý do chính đáng, nhưng sau đó thì xảy ra gần như mỗi ngày mà toàn là những cuộc cãi vã không đâu ra đâu! Chuyện gì chúng tôi cũng có thể gây gổ với nhau được. Cuối cùng vợ tôi lấy cớ tôi hay uống rượu không lo kiếm việc làm và nộp đơn ly dị. Toà án phán mọi chuyện lỗi ở nơi tôi. Như ông biết đó, ở xứ này cứ 100 vụ ly dị là gần như 99 vụ đàn ông là người gây ra lỗi. Thế rồi vợ tôi được phép giữ đứa con gái và tôi phải trợ cấp nó cho đến khi nó đủ tuổi thành niên. Từ đó những việc làm kế tiếp của tôi bao nhiêu lương lãnh về, sau khi trừ chi phí trợ cấp cho con gái, còn thì chỉ đủ để tôi sống qua ngày mà thôi. Dù vậy tôi cũng cố gắng làm tròn bổn phận của mình và trợ cấp con gái tôi cho đến khi nó trưởng thành. Bây giờ nó đã có chồng và nghe nói đang sống tại một nơi nào đó ở Florida thì phải.
- Thế ông không gặp con gái thường xuyên sao? – Tôi hỏi chen vào khi thấy ông ngưng lại nửa chừng.
- Lần cuối tôi gặp nó lúc đó nó chưa có chồng, cách đây cũng hơn 10 năm rồi. Từ đó tôi không gặp nó nữa. Nhiều năm trước tôi nghe có người nói nó đã lập gia đình với một tay nào đó bán insurance và di chuyển về Florida. Như vậy cũng tốt. Xin Chúa ban phước lành cho vợ chồng nó.
- Con gái ông có biết ông gặp khó khăn như thế này không? Và có giúp đỡ gì cho ông không? – Tôi tò mò hỏi -
- Không. Nó hoàn toàn không biết - Bill nhún vai nói tiếp – Tôi cũng không cần nó phải giúp tôi. Nó cứ lo cho thân nó với chồng con nó là tốt rồi. Tôi nghĩ tôi OK.
Tôi không khỏi ái ngại nhìn Bill, gương mặt ông vẫn bình thản khi nói về người con gái duy nhất của mình:
- Ngoài cô con gái và người vợ trước ra, ông còn người thân nào không?
- Người thân của tôi hả? Còn chứ. Nhưng xin ông chờ tôi một chút, để tôi lấy thêm nước uống rồi trở lại kể tiếp cho ông nghe.
Không đợi tôi trả lời, Bill cầm ly giấy nước ngọt đã uống hết, đứng dậy đến chỗ mấy bình nước ngọt bày sát vách tường và bắt đầu "refill". Nhìn ông ta đang đứng lấy thêm nước ngọt và nghĩ về câu chuyện dở dang ông vừa kể, tôi thật khá ngạc nhiên với lối sống của người Mỹ. Tôi cứ tưởng ông ta không còn ai thân thuộc nên mới sa vào cảnh khó khăn đến thế. Đâu ngờ ông ta còn có con gái và người thân khác. Còn đang suy nghĩ lang mang thì Bill quay trở lại:
- Xin lỗi đã bắt ông đợi. Tôi đang kể đến đâu rồi nhỉ?
- Về người thân của ông….
- À. À. Người thân của tôi. – Ông chậm rãi uống nước ngọt – Chà! Hôm nay thật là thoải mái. Cám ơn ông Khaan. God Bless. Về người thân của tôi hả? Tôi hiện còn cô em gái đang sinh sống với chồng con ở Kentucky. Gia đình cô ta cũng OK. Thỉnh thoảng đi đâu ngang qua, tôi cũng có tạt qua ghé thăm vợ chồng cô ta. Ngoài ra, tôi có mấy cousins ở rải rác đâu đó tôi cũng không biết rõ nữa. Lâu quá rồi không gặp họ.
- Xin lỗi cho tôi hỏi thẳng câu này. Tại sao ông không kiếm một việc làm để đỡ phải vất vả?
- Đâu có ai muốn mướn tôi mà làm. Chắc ông nghĩ là tôi làm biếng không chịu đi kiếm việc làm phải không? Để tôi kể cho ông nghe tiếp. Sau cuộc hôn nhân lần đầu và sau nhiều năm trợ cấp cho con gái tôi đến khi trưởng thành. Cuối cùng tôi cũng thoát được sự ràng buộc của luật pháp để lo cho mình tôi thôi. Vào khoảng năm 1995- 1996 gì đó, tôi kiếm được một công việc tài xế xe tải lương rất khá, lại hợp với sở thích đi đây đi đó của tôi nữa. Cuộc sống của tôi sung túc dần và tôi nghĩ tới chuyện sống chung với một người đàn bà khác lần nữa. Cuối năm 1997, tôi gặp Christina trong một Country Club ở Dallas và chúng tôi mau chóng say mê nhau. Thú thật chưa có người đàn bà nào mà tôi chết mê chết mệt như Christina. Nàng có hai đứa con trai với một đời chồng trước. Hai đứa con trai này sống riêng với bạn gái, thỉnh thoảng mới về gặp nàng một lần. Sau một thời gian hẹn hò, chúng tôi quyết định chung sống với nhau. Chúng tôi mua một căn nhà nhỏ và sống thật hạnh phúc bên nhau ở một khu ngoại ô Dallas. Tôi vẫn còn giữ chân tài xế xe tải và Christina đang làm thư ký cho một kho hàng. Với lợi tức của hai chúng tôi phải nói là sống khá thoải mái. Tôi nghĩ là sau bao vất vả, cuối cùng Chúa cũng ban cho tôi một tình thương và mái ấm gia đình như ý muốn. Dự tính của hai đứa chúng tôi là ráng làm thêm vài năm nữa thì tôi sẽ thôi không lái xe tải và sẽ mở một cửa hàng nhỏ nào đó sống yên bình bên nhau. Nhưng…
Kể tới đây, giọng của Bill như chùn lại, lần đâu tiên tôi thấy đôi mắt ông biểu lộ một nỗi buồn man mác. Ông ngưng lại nửa chừng, nhìn ra ngoài qua khung cửa kính tiệm Fried Chicken nơi có mấy con chim bồ câu từ đâu đang sà xuống trước bãi đậu xe tìm thức ăn. Nắng ở bên ngoài đã bớt đi cái gay gắt khi nãy. Một vài thực khách bước vào gọi những phần gà chiên mang về nhà cho buổi ăn chiều. Tôi nhìn Bill, biết ông đang xúc động, nên không dám làm kinh động ông. Thú thật cá nhân tôi như bị cuốn hút vào câu chuyện của ông già Mỹ này. Ở ông có một nét gì đó tôi thấy cảm thông lắm, điều này phải chăng do buổi nói chuyện ngày hôm nay có sức thuyết phục tôi về một câu nói ai đó đã từng nói: "Đàng sau mỗi một người, ai cũng đều có một tâm sự riêng."
 
 Tôi rất tò mò muốn biết câu chuyện của ông ta như thế nào, nhưng nhận thấy ông đang xúc động nên đành nén lại:
- Bill? Ông có sao không? Ông có muốn về chưa? Tôi sẽ chở và thả ông xuống bất cứ nơi nào ông muốn trong thành phố.
- Ồ không. Tôi không sao. Xin lỗi ông. Lâu quá không có dịp nhớ về chuyện cũ nên cảm thấy hơi xúc động. Tôi chưa kể ông nghe hết mà. Tôi sẽ kể ông nghe nếu ông không có bận gì. Rất cám ơn ông đã đối với tôi tốt đẹp thế này. Thật là một buổi chiều tuyệt vời. Đã lâu rồi tôi không có được một buổi chiều đẹp và cũng lâu lắm rồi không có ai đối tốt với tôi như vậy. Cám ơn ông. God Bless.
 Tôi nói mấy câu khách sáo lại với ông và hỏi ông có muốn dùng gì thêm không. Ông cám ơn tôi lần nữa và bắt đầu kể tiếp câu chuyện dở dang:
- Tôi những tưởng sẽ có cuộc sống an lành bên Christina suốt cuộc đời còn lại với những dự tính tương lai rất bình dị như bao người dân lương thiện khác. Nhưng không ngờ những gì tôi tính toán chỉ là trong mơ mà thôi vì thực tế không bao giờ tôi có được những gì tôi đã mơ ước. Ông biết không. Tôi đâu có bao giờ ngờ vì cứ hay xa nhà trên những chuyến xe tải giao hàng xuyên bang… mỗi tuần chỉ về nhà 1, 2 ngày rồi lại đi tiếp. Khoảng thời gian trống vắng ở nhà một mình, Christina đã có bạn trai khác bù đắp vào. Khi tôi về thì nàng tiếp tôi ra điều yêu thương tôi lắm, nhưng hễ khi tôi xa nhà thì nàng lại có người khác đến. Tôi vẫn cứ một mực làm ăn và không hề hay biết gì về chuyện này cho đến một hôm… vì chuyến xe tải đi giao hàng của tôi bị đình hoãn theo yêu cầu của khách hàng, nên tôi trở về nhà… và bắt gặp ngay tại trận Christina với nhân tình của nàng ở trong phòng ngủ đang làm chuyện mà họ muốn làm. Tôi thật choáng váng với những gì phát giác được và thế là tôi điên tiết lên quất cho đôi gian phu dâm phụ một trận nên thân. Christina lúc đó chống cự lại tôi và lên tiếng bênh vực cho bạn trai của nàng nên càng làm cho tôi nổi điên hơn lên. Sau một cú tát của tôi Christina đã ngã vào con dao do chính nàng cầm lên hăm dọa tôi. Gã bạn trai của nàng lúc đó cũng nằm ngất ngư dở sống dở chết. Nhìn hiện trường, cõi lòng tôi hoàn toàn tan nát, nhưng đầu óc thì lại tỉnh táo vô cùng. Tôi gọi điện thoại 911 báo cáo sự việc xảy ra … Xe cảnh sát và cứu thương tới. Họ bắt tôi ngay sau đó và không may cho Chirstina đã chết trên đường đưa tới bệnh viện, còn thằng bạn trai của nàng thì chỉ bị thương nặng. Sau đó ra tòa… tôi bị khép vào tội cố ý hành hung người gây thương tích, kèm theo tội ngộ sát. Cuối cùng nhận bản án 9 năm về hai tội trạng này.

Tôi được thả về sau hơn 7 năm thụ án với hạnh kiểm tốt, tuy nhiên cuộc đời tôi thay đổi hẳn từ đó. Việc làm chẳng những khó kiếm vì ai nấy khi thấy lý lịch của tôi cũng đều né tránh. Tôi đã nộp đơn xin việc ở nhiều nơi, nhưng không chỗ nào nhận! Những việc làm tay chân họ cũng chỉ mướn tôi khi cần thiết 1, 2 ngày rồi thôi. Cuối cùng chính bản thân tôi cũng không còn muốn phấn đấu hoặc tha thiết đến chuyện kiếm việc làm nữa. Để làm gì? Khi người ta đã không muốn thuê mướn mình thì có đi van nài cũng vô ích! Từ đó, nếu ai cần mướn tôi làm gì thì tôi làm nấy. Còn không thì mỗi ngày với số tiền khách vãng lai bố thí cho, tôi cũng đủ sống rồi. Hoặc cùng lắm thì cũng có những nơi từ thiện giúp chúng tôi thực phẩm lây lất qua ngày cũng không sao. Bây giờ thú thật tôi không nghĩ gì nhiều cho bản thân nữa hết. Chúa muốn tôi thế nào thì tôi vâng lời thế đó, không bận tâm làm gì cho mệt. Xin ông đừng tìm cách khuyên lơn tôi. Nếu ông có lòng tốt hoặc thương hại, giúp tôi được chút gì, tôi hoan hỉ nhận lấy và cầu ơn Chúa ban phước cho ông. Nhưng xin đừng cố gắng khuyên tôi vì tôi sẽ không nghe đâu. Tôi tự biết tôi đang làm gì và bằng lòng với những gì mình đang làm.

Tôi im lặng nghe ông kể hết câu chuyện mà trong lòng cảm khái vô cùng. Thành thật mà nói, không đợi ông dặn trước. Nếu muốn khuyên một câu, tôi cũng không biết phải khuyên như thế nào nữa. Tôi nghĩ nên im lặng và tôn trọng ý của ông thì hơn. Có thể vì mình là người ngoài cuộc, nên không cảm nhận được hết cái phẫn uất của cuộc đời và những bất hạnh dành cho ông. Chúng tôi ngồi yên một lúc thật lâu. Sau khi kể xong câu chuyện đời mình, đôi mắt Bill có vẻ đăm chiêu hơn. Tôi nhìn ông và lái sang chuyện khác:
- Này Bill. Tại sao ông vẫn còn mang trên ngực áo huy hiệu lá cờ VNCH của chúng tôi?
Bill cúi xuống nhìn ngực áo của mình, miệng nở lại nụ cười hiền hoà như trước:
- Khi tôi đến VN tuổi còn rất trẻ, khái niệm về độc lập, tự do, chiến tranh, hoà bình tôi chưa rõ ràng lắm. Là một người lính, lệnh bảo như thế nào thì làm theo như thế đó. Quân đội mà! Nhưng thời gian chiến đấu tại VN, tôi đã thực sự hiểu rõ ý nghĩa của những điều này và thực sự trưởng thành nhiều. Tôi thấy rõ bản chất hiền hoà của người dân miền Nam ở đây và tại sao người dân miền Nam phải chiến đấu để bảo vệ cho sự Tự Do của họ. Tôi hiểu và thấy rõ ý thức hệ của hai miền Nam, Bắc ở VN khác nhau như thế nào và dần dần tôi ý thức được nhiệm vụ của mình và rất tự hào đã góp phần vào công cuộc bảo vệ Tự Do cho miền Nam VN. Ngay cả khi tôi bị thương suýt bỏ mạng tại Khe Sanh và mãi cho tới bây giờ, tôi không mảy may hối tiếc chút nào cả vì tôi nghĩ tôi đã phục vụ cho đất nước tôi khi chiến đấu bảo vệ lý tưởng Tự Do tại chiến trường VN. Chỉ tiếc là chúng ta đã thất bại. Chúng ta đã thất bại bởi vì những dị biệt chính trị của các chính khách ở đất nước tôi cuối cùng đã thay đổi và nhượng bộ luôn chính sách ở chiến tranh VN. Chúng ta đã thất bại vì đường lối và ý muốn của các cấp lãnh đạo, nhưng những người lính chiến như tôi và ông thì không hề thất trận. Tôi không nghĩ thế. Cho tới giờ phút này, tôi vẫn hãnh diện về những gì đồng đội và cá nhân tôi đã làm ở VN. Chúng tôi chiến đấu vì một lý tưởng tốt. Tôi mang phù hiệu lá cờ VNCH như một tự hào đã có lần chiến đấu cho sự Tự Do của quốc gia này.

Tôi không tránh khỏi xúc động với những lời của Bill. Đây đúng là lời nói chân tình của một đồng minh đã từng sát cánh với quân đội VNCH trong lý tưởng bảo vệ Tự Do cho quê hương tôi:
- Cám ơn ông đã nói lên những lời nói khẳng khái vừa rồi. Lời nói của ông làm tôi kính phục và cảm thấy chúng tôi đã nợ ông và đất nước của ông quá nhiều trong nhiệm vụ bảo vệ lý tưởng Tự Do qua cuộc chiến ở VN trước đây. Ông nói đúng. Chúng ta thất bại vì có những dị biệt trong chính trường ở nước ông nhưng quả thật quân đội của Hoa Kỳ và quân đội VNCH của chúng tôi không hề thất trận.
Đột nhiên gương mặt Bill trở nên buồn bã và giọng nói chùn hẳn xuống:
- Tuy thế, chiến tranh VN đã để lại cho chúng tôi nhiều đau buồn mãi cho tới hôm nay. Trong trận đánh Khe Sanh mà tôi đã bị thương và may mắn được cứu sống, có hai người bạn thân thiết nhất của tôi đã tử trận. Mỗi năm vào ngày lễ Memorial Day, tôi đều về Washington DC nơi có tấm bia tưởng niệm các chiến sĩ đã bỏ mình trong chiến tranh VN. Tên hai người bạn nằm xuống của tôi được khắc trên đó. Mỗi năm vào ngày lễ này, tôi đều đến tưởng niệm hai người bạn tôi dưới tấm bia đó. Sắp tới lễ Memorial Day nữa rồi, nhanh thật. Gần tới ngày này là tôi mặc lại chiếc áo trận ngày xưa để tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống và để chứng tỏ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi vẫn là một Veteran trong chiến tranh VN.
Lời nói của Bill làm tôi sực nhớ sắp tới ngày lễ cựu chiến binh rồi. Ở Hoa Kỳ, ngày lễ này được tổ chức mỗi năm vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 5. Memorial Day năm nay sẽ rơi vào ngày thứ Hai, 29 tây tháng 5 năm 2006. Tôi nói:
- Ông nói đúng. Chiến tranh đã để lại biết bao mất mát, đau buồn cho những người còn lại. Tôi cảm thông sâu sắc những gì ông vừa nói và thành thật chia buồn về sự mất mát hai người bạn thân của ông. Bao giờ ông sẽ đi Washington DC? Ông có đi diễn hành trong ngày lễ này không?
- Hai hôm nữa tôi sẽ đi. Ông nói diễn hành hả? – Bill lúc lắc đầu - Không. Tôi không cần những thứ đó. Trước đây tôi có tên trong hội Cựu Chiến Binh nhưng lâu rồi không còn liên lạc, sinh hoạt gì với hội nữa. Tôi chỉ mang đến cho hai bạn tôi hai cành hoa đặt dưới chân bức tường lưu niệm có khắc tên họ và ngồi tưởng nhớ lại những kỷ niệm xưa giữa tôi và họ khi còn ở chiến trường VN. Thế thôi! Tôi tự hứa sẽ đến thăm họ mỗi năm một lần nếu sức khoẻ tôi cho phép.
Tôi nhìn Bill, càng lúc càng kính phục ông hơn qua những gì ông nói:
- Hai hôm nữa ông sẽ đi à! Ông đi Washngton DC bằng phương tiện gì? Ông có trở về lại đây không?
Bill cười lớn, hàm râu quai nón rung rung theo tiếng cười:
- Dễ mà. Tôi sẽ đi bằng bất cứ phương tiện nào tôi có thể kiếm được. Quá giang, xe bus… đi tới đâu cũng sẽ có người giúp đỡ tôi cả. Ông đừng lo.
Ông nheo mắt nhìn tôi một cách hóm hỉnh rồi nói tiếp:
- Tôi đi đâu cũng sẽ gặp người tốt như ông mà, lo gì. Ông tin tôi đi. Tôi sẽ tới Washington DC đúng vào dịp lễ Memorial Day. Ở đó một vài ngày, sau đó lại lang thang. Ông biết đấy. Homeless như tôi thì ở đâu chẳng được. Có thể tôi sẽ về lại đây. Có thể sẽ đến một nơi nào đó tôi cũng chưa biết được.
Chúng tôi ra khỏi quán Golden Fried Chicken thì đã chiều lắm rồi. Nắng gần như tắt hẳn mặc dù mặt trời tháng Năm ở Texas như vẫn còn tiếc nuối chút ngày hè và còn lãng vãng đâu đó ở chân trời xa chưa chịu chìm xuống hết. Những con chim bồ câu tìm mồi trên bãi đậu xe lúc nãy đã bay đi đâu mất. Tôi hỏi Bill nơi ông muốn tôi chở trở về khi hướng xe ra phía xa lộ 35. Ngồi bên cạnh, Bill có vẻ thoải mái với không khí mát dần lên của máy lạnh trong xe. Ông luôn miệng cám ơn tôi về "một buổi chiều đẹp tuyệt vời" và lập đi lập lại nhiều lần hai chữ God Bless. Tôi tắp vào bãi đậu xe của một siêu thị ở góc ngã tư North Lamar và Braker Lane nơi Bill muốn tôi thả ông xuống. Tôi bước xuống xe, đặt vào tay Bill tờ giấy bạc $20 và bắt tay từ giã ông:
- Bill. Cám ơn ông. Hôm nay chính ông mới là người đã cho tôi một buổi chiều đẹp tuyệt vời qua câu chuyện của ông. Tôi xin chúc ông đi Washington DC được bình yên và gặp nhiều may mắn. Hy vọng chúng ta còn có dịp gặp lại nhau.
Hình ảnh Bill với cái túi đeo trên vai bước xa dần, lẩn khuất giữa những hàng xe trong bãi đậu xe của siêu thị Albertson khi màn đêm từ từ buông xuống và câu chuyện đời ông vẫn cứ bám theo tôi trên đường lái xe về nhà. Từ hôm đó đến nay, tôi không gặp lại Bill nữa. Ở ngã tư trên đường tôi đi làm về mỗi ngày, bây giờ có một người Mễ đứng bán hoa hồng cho những xe qua lại. Tuy nhiên như một thói quen, hễ gần đến ngã tư này là tôi lại đưa mắt tìm xem Bill có đứng đó không. Hình ảnh người Mỹ già homeless ngày nào và câu chuyện của ông ta vẫn là một kỷ niệm khó phai mờ trong tôi. "May God Bless you, Bill."

Vĩnh Khanh 
Round Rock,2006

Saturday, September 29, 2012

CT.VN

TỰ-DO Ở VIỆT-NAM
VÀ TRUNG HỌC Ở MỸ

"Tự-do", hai chữ thật đơn giản, nhưng tôi không biết định nghĩa thế nào cho đúng. Ở Việt-Nam, bất cứ văn kiện gì cũng phải mở đầu bằng: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Vậy," Tự-do" là một khẩu hiệu?

Khi lên 5 tuổi, 1983 ở Việt-Nam, tôi đã biết đọc, biết viết và đã hoàn tất chương trình lớp 1. Chẳng may, nhà nước qui định phải đủ 6 tuổi mới được học lớp 1. Vì thế má tôi xin cô giáo cho tôi được "dự thính" - Tức là không có tên trong danh sách chính thức - Cuối năm, mặc dù tôi xuất sắc tất cả các môn và là học trò giỏi nhất lớp; nhưng tôi phải học lại, vì chưa đủ 7 tuổi để lên lớp 2. Mặc dù ba tôi yêu cầu cô giáo viết thư giới thiệu và xác nhận thành tích học tập của tôi để nộp kèm theo đơn xin Thủ-Tướng chính phủ cứu xét cho tôi lên lớp 2. Nhưng có lẽ Thủ-Tướng không nhận được đơn, hay nhận được mà không bận tâm việc nhỏ nhặt như thế, nên không có thư trả lời. Tôi bị bạn bè chế diễu là "dốt, ở lại lớp !" Tôi chỉ biết khóc vì uất ức, về nhà nói lại mà thôi. Tự-do của tôi lúc ấy là sự cứu xét của Thủ-Tướng, nhưng ngài không xét và tôi đã mất nó.

Đến khi thi chuyển cấp lên lớp 6, tôi là một trong những học sinh xuất sắc nhất. Tôi "bị" ban cho "vinh dự" phải chọn Nga văn làm ngoại ngữ. Tất cả học sinh giỏi đều phải học tiếng Nga. Đó là chính sách của nhà nước. Trong khi hầu hết con cháu cán bộ đảng viên miền Bắc đều chạy chọt để học tiếng Anh! Nhà trường lại có điều lệ là mỗi giáo viên được bảo lãnh một con em mình để theo học tiếng Anh. Tại sao cái "vinh dự" của một học sinh giỏi phải nhờ tới sự bảo lãnh của một giáo viên mới thoát được cái "vinh dự" đó? Nếu để tự do chọn lựa, thì chắc chắn không một người bạn nào của tôi ở miền Nam thích học tiếng Nga. Vậy Tự-do đối với tôi lúc ấy là sự bảo lãnh của một cô giáo.
 

Gia đình tôi vượt biên 19 lần thất bại. Năm 1979, mới sinh ra 9 tháng, tôi đã phải ở tù chung với cha mẹ tại Huyện Châu-Thành, tỉnh Bà-Rịa vì tội vượt biên. Sau khi có 2 đứa em nữa, cha mẹ cũng tiếp tục dắt dìu chúng tôi ra đi. Có lần bị bại lộ, chính tôi phải dắt 2 em chạy bộ mấy cây số trong rừng hoang giữa đêm khuya ghê rợn. Cuối cùng, ba tôi quyết định ra đi một mình. Tôi thương ba tôi. Tôi không muốn xa người, nhưng tôi cầu nguyện hằng đêm cho người ra đi trót lọt.

Ba tôi mới vắng nhà hôm trước, nửa đêm hôm sau, nhà tôi bị gõ cửa. Công an lao xao: "Yêu cầu chủ nhà mở cửa!" Nỗi sợ hãi làm tim tôi muốn rớt ra ngoài. Tôi muốn khóc mà không khóc được. Tôi ôm chặt 2 em nằm im thin thít. Má tôi lạng quạng, run rẩy mở đèn. Tra mãi mà cái chìa khóa cứ lộc cộc không lọt vào ổ được. Bên ngoài nhiều cái đèn pin pha vào cửa hối thúc. E rằng ba tôi đã bị bắt, nên công an mới đến xét nhà! Tôi rùng mình nghĩ đến những ngày lao lý của ba tôi mà thấy lòng đau như cắt.

Cửa mở. Công an xuất hiện, họ đọc một án lệnh: "Yêu cầu chủ hộ số 121 xuất trình hộ khẩu và tập trung tất cả người nhà..." Má tôi vin vào khung cửa run run: "Dạ... số nhà tôi là 021, trên lầu kia mới là 121..." Công-an đã nhầm số. Rồi những bước chân của họ rầm rập chạy lên cầu thang trên lầu chung cư. Má tôi đóng cửa lại, lặng lẽ đốt một cây nhang lên bàn thờ Phật, qùy xuống, nước mắt ràn rụa. Tôi cũng khóc vì sung sướng, vì không phải ba tôi đã bị bắt. Hạnh phúc và Tự-do đã đến với chúng tôi. Tự-do lúc ấy là sự nhầm lẫn địa chỉ của công an!

Cuối cùng, do sự bảo lãnh của ba tôi, chúng tôi được bước lên phi cơ rời Việt-Nam. Sau cái vẫy tay giã từ bạn hữu, tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Tôi khóc thương cho người ở lại hay đó là giọt lệ tự do?

Ngày Thứ Ba, 27.8.1991, ba tôi đón chúng tôi tại phi trường Los Angeles. Tự do phải chăng là giọt nước mắt đoàn tụ của gia đình tôi sau 1.503 ngày xa cách? (Tính từ ngày ba tôi rời nhà: 16.7.1987)
Ba tôi gấp rút đưa chúng tôi đi khám bác sĩ, đi chích ngừa để kịp hoàn tất thủ tục nhập học. Có lẽ nước Mỹ không muốn một người mang bệnh truyền nhiễm vào lớp để lây lan cho người khác.
Đúng một tuần sau, ngày 3.9.1991, tôi vào học lớp 8 trường Warner trên đường Newland ở thành phố Westminster rất gần khu Phước Lộc Thọ của Little Saigon. Trên đường tới trường, ngang qua ngã tư Westminster và Newland, có người cầm bảng STOP ngăn xe, để tôi băng qua an toàn. Tất cả xe cộ đều phải dừng lại khi bảng STOP đưa lên. Xe nào không kịp dừng, sẽ bị phạt nặng, vì theo luật, tốc độ khu trường học thường không qúa 20 miles/ giờ. Hồi còn ở Việt-Nam, bộ hành tự mình phải lo thân, phải dành ưu tiên cho ô tô cán bộ, luôn luôn bóp còi inh ỏi, coi thường tánh mạng người đi bộ.

Ở Mỹ, học trò thuộc gia đình có lợi tức thấp được ăn sáng và trưa miễn phí tại trường. Ngay lớp 8, tôi cùng các bạn đã được hướng nghiệp sơ qua về y khoa, kinh tế, ngân hàng, khoa học, chính trị, giáo dục, phục vụ cộng đồng...Năm lớp 8, giờ workshop, huấn luyện viên hướng dẫn xử dụng cưa, bào để làm đồ gia dụng. Tôi đã chọn gỗ thật tốt để đóng một cái ghế dựa thật đẹp và sau khi chấm điểm, được đem về nhà làm kỷ niệm.

Tôi cám ơn cô giáo ESL (English as Second Language) ở lớp 8 trường Warner đã chuyển tôi lên lớp regular sau 3 tháng với những bài test khả năng anh ngữ của tôi. Tôi cám ơn những thầy cũ ở lớp ấy đã giúp đỡ tôi trong năm học đầu tiên ngỡ ngàng trên đất Mỹ. Tôi không hề cảm thấy bị kỳ thị hay phân biệt đối xử vì mái tóc đen hay màu da vàng. Nhờ những ân nhân ấy, nên năm lớp 9 ở Westminster high school, tôi được điểm A trong tất cả các môn học. Tôi cảm thấy cánh cửa cơ hội mở rộng khi được thầy cô "đuổi" lên lớp bằng những câu nói đầy khích lệ: "You don't belong in my class pumpkin, sorry! Get outta here!"
Tuy sung sướng khi được học những lớp advanced placement (AP) chung với bạn xuất sắc da trắng tóc vàng, nhưng tôi phải vất vả lắm. Nhiều đêm vì phải thức quá khuya để viết những bài bình luận văn học Mỹ nên tôi đã ngủ gục trong lớp. Khi chuông reo hết tiết, tôi giật mình sợ bị phạt hay xài xể, nhưng trái lại thầy cô lại biểu lộ sự thông cảm qua lời nói ân cần hay thái độ lo lắng đầy tình người.
Trung học Mỹ không phải chỉ dạy học trò theo sách vở lý thuyết hay giáo điều như vẹt, mà luôn tạo cơ hội cho học sinh tham gia thực sự vào thực hành. Vì có ý định theo ngành y, nên tôi gia nhập vào Heath Academy, ngay khi lên lớp 10. Tôi được huấn luyện nhiều giờ trong khi thực tập ở bệnh viện với nhiều loại bệnh nhân khác nhau. Tôi được vào phòng mổ tử thi để thí nghiệm. Trong áo choàng trắng, tôi cũng mang ống nghe trên cổ, đi vắt chân từ phòng bệnh này sang phòng bệnh khác để đo tim mạch, khám da, kiểm tra phân, nước tiểu, lấy máu, chích thuốc... để kịp ghi vào hồ sơ cho đúng lịch trình làm việc của bác sĩ. Lúc nào tôi cũng tâm niệm câu "Làm thầy thuốc lầm là giết một mạng người" . Nên lúc nào cũng phải hết sức cẩn thận.

Đủ giờ thực tập và lý thuyết xong phải trải qua 3 kỳ thi mới được cấp bằng nursing chính thức vào năm tôi 16 tuổi. Mùa Hè tôi thử nộp bằng để làm việc trong chương trình internship ở bệnh viện FHP. Lương thực tập chỉ có 5 đồng rưởi/1 giờ, nhưng tôi vẫn giữ bản sao cái check lãnh lương đầu tiên trên nước Mỹ.

Sau y khoa, tôi cũng thích computer science và Luật. Vào lớp computer, mỗi học sinh 1 máy, tha hồ mò mẫm. Tôi cũng gia nhập vào Mock Trial nghiên cứu về Hình luật cũng như những tố tụng dân sự. Nghiền ngẫm luật lệ, với những "cases law", những án lệ.. để xem các toà trước đã phán quyết ra sao. Cả nhóm phân công, nghiên cứu, bàn cải , viết những biện luận trạng hay cáo trạng, rồi học thuộc lòng.

Sau nhiều huấn luyện, thực tập, giáo sư giao phó cho chúng tôi những vụ án lắt léo, phức tạp. Chúng tôi chia vai. Học sinh không giỏi lắm thì đóng vai nhân chứng. Khá hơn một tí thì làm luật sư biện hộ hay công tố viên. Trước mỗi lần thi đua với các trường khác, chúng tôi phải tập họp ở toà án. Đến giờ đăng đường, tòa án cũng có cảnh sát và luôn luôn có một vị quan tòa thứ thiệt ngồi chấm điểm.

Trong những giây phút nhập vai làm luật sư biện hộ hay đóng vai công tố viên, chúng tôi quên mất mình chỉ là học sinh lớp 10, hay 11. Phe nào cũng uốn 3 tấc lưỡi đem hết tài hùng biện để mong làm trắng án một nghi can vô tội, hay làm cho một tên sát nhân trở thành "guilty". Chúng tôi rất thích thú khi khoác áo luật sư, hay đội lên đầu mái tóc vàng lăn quăn cùng với khước biện trên tay hay cáo trạng, hoặc phán quyết, chứa đựng toàn những terminology là từ ngữ nhà nghề. Mỗi lần thắng được đội trường khác, chúng tôi ôm nhau nhảy cà tưng cà tưng, mặc dù nhóm chúng tôi có Việt-Nam, Tàu, Nhật, Aán, Đại-Hàn, Phi, da đen, tóc vàng mắt xanh...

Về thể thao Team Sport, dĩ nhiên tôi không dám vào đội Football, vì dại gì tranh bóng với các đấu thủ nặng tới 200 pounds, tức gần 100 kí lô, chỉ có nước đứt gân máu mà chết thôi. Với chiều cao của người Việt, tôi cũng không dại gì vào đội basket ball để tranh bóng với đấu thủ cao gần 2m ! Cho nên, tôi chọn Tennis và cũng từng thi đấu với các trường khác. Có khi xe bus của nhà trường phải chở chúng tôi đi xa mấy giờ đồng hồ mới tới sân đấu của trường khác. Chúng tôi chia nhau từng cái cookie, từng uống chung chai nước lạnh, nhưng nhờ sự đoàn kết, dù thắng hay bại chúng tôi cũng thấy vui như thường.

Cơ hội của tôi lại tới , khi đắc cử làm lãnh đạo của Key Club. Tôi phải bay tới các tiểu bang khác trong các ngày đại hội lãnh đạo thế giới ( International Convention). Có một lần trong giờ khai mạc, Tổng-Thống Bill Clinton từ Hoa-Thịnh-Đốn điện thoại tới, máy đã khuyếch đại cho cả hội trường cùng nghe. Lãnh đạo của Key Club là học sinh đến từ khắp thế giới như Úc, Anh , Newzealand, Canada... chứ không phải chỉ nội 50 tiểu bang Hoa-Kỳ. Trong sinh hoạt, hằng ngàn học sinh ưu tú, trịnh trọng lịch lãm trong veston, ăn nói khôn ngoan chững chạc trong các cuộc phỏng vấn, không thua gì ứng cử viên nhà nghề. Tôi có lý do để tin tưởng họ có thể trở thành những lãnh đạo thực sự trong tương lai trên xứ sở họ.

Trong ngày "Government Day", sau khi học về luật lệ giao thông và hình phạt về sự vi phạm, tôi được mặc áo cảnh sát và ngồi trên xe tuần cảnh với officer Westminster đi thực tập. Một chiếc xe vi phạm giao thông, officer chớp đèn, và tôi bước xuống viết giấy phạt đúng luật lệ. Tôi phát ticket, người tài xế thấy mặt tôi non choẹt tưởng là dởn chơi nên cười cười. Officer cảnh sát bèn nói với anh ta : "It's real !" Tôi chào tài xế và lên xe, trong khi người tài xế vẫn còn ngơ ngác. Lúc về City Hall, ông Thị-Trưởng của thành phố Westminster là Charles V. Smith đã ký tên và cấp cho tôi một giấy khen "Youth in Government Day". Tại trường Westminster, trong ngày International Day, 23.4.1995, có trình diễn văn nghệ cho tất cả các sắc dân. Sau các tiết mục đặc sắc và phong phú của Mễ Tây-Cơ, Trung-Hoa, Đại-Hàn..Tôi được cử đại diện cho Việt-Nam qua một tiết mục đàn tranh. Tôi xuất hiện trên sân khấu trong chiếc áo dài và khăn vành. Bằng tiếng Anh, tôi đã mở đầu bằng lời giới thiệu: "Thưa qúi vị: Việt-Nam quê hương tôi, một đất nước triền miên đắm chìm trong khói lửa chiến chinh. Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, 30 năm nội chiến từng ngày, đã gây ra vô vàn đổ vở đau thương. Khi đất nước lâm nguy, hằng bao thế hệ đứng lên đáp lời sông núi. Chàng khoác chiến bào xông pha khói tên, nàng trở thành chinh phụ mỏi mòn chờ đợi. Nhưng đã bao mùa Thu trôi qua như nước chảy qua cầu, tin chàng vẫn biền biệt sơn khê ! Thời gian vô vọng và nắng mưa dầu dãi biến nàng thành tượng đá ôm con, đứng ở đầu non với niềm khắc khoải; " Chàng đã về hay chưa"? Đó là một thiên tình sử đẫm đầy máu lệ được nhạc sĩ Lê-Thương diễn tả qua "HÒN VỌNG PHU" sau đây .

Tôi ngồi xuống ghế, rồi bài 1,2,3 lần lượt độc tấu qua tiếng đàn tranh. Hội trường im phăng phắc, tôi thả hồn theo tiếng vó câu dập dồn, tiếng ngựa hí quân reo vang dậy núi đồi... Cho tới khi tôi đứng lên cúi đầu chào, tiếng vỗ tay bùng lên nhiệt liệt. Bà Kathy Miller, Hiệu-Trưởng trường Westminster bước đến ôm tôi và trao tặng một lẳng hoa với lời chúc "Happy Birthday". Bà Hiệu-Trưởng cũng công bố trước khán giả, hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Tôi cầm lẵng hoa trong tay và vô cùng xúc động trong khi tiếng hát " Happy Birthday " vang dội của khán giả ngồi đầy hội trường Westminster. Tôi quá bất ngờ, không thể tưởng tượng được là bà Hiệu-Trưởng và nhà trường đã quan tâm và âm thầm tạo "surprise" cho tôi. Năm lớp 12, tôi còn mất nhiều giờ để luyện thi các lớp AP. Nếu đạt điểm cao trong các kỳ thi này, sẽ miễn học lại những môn đó khi lên đại học. Muốn học đủ 4 năm ngoại ngữ như tiếng Tây-Ban-Nha, Pháp ở trung học, thường phải là học trò bản xứ từ tiểu học Mỹ đi lên. Tôi tới Mỹ năm lớp 8, trên nguyên tắc chỉ được học 2 năm mà thôi. Như vậy khi ra trường sẽ thiếu điểm và " mắc nợ ". Tôi chọn Spanish, nhưng lớp 11 mới được bắt đầu lớp 1, như vậy năm lớp 12 tôi sẽ mới được 2 năm ngoại ngữ. Trong khi dân bản xứ đã học lớp 4. Tôi không chịu " mắc nợ " như vậy, nên một mặt, tôi phải chứng minh khả năng Anh ngữ của tôi không tệ, bằng cách cố gắng đạt điểm cao trong lớp English( Honour). Sau đó, tôi xin cô giáo spanish giới thiệu cho tôi học Spanish 1 & 2 ở đại học. Mùa Hè tôi phải nuốt trọn 2 lớp Spanish vào bụng ( phải pass ). Lấy điểm đại học về trình cho trường, tôi phải làm test final lớp 2 ở trường. Khi nhập học lớp 11, tôi ung dung vào học Spanish lớp 3 cùng chung với những học sinh đã từng học 2 năm ở lớp 9 và 10. " Tụi nó " lé mắt luôn, ngạc nhiên không biết tại sao tôi không được học lớp 1 & 2 như tụi nó, mà lại nhảy phóc vào học lớp 3. Dù sao tôi phải cám ơn Mrs Swenson đã giúp tôi hoàn tất chương trình ngọai ngữ 4 năm trong vòng 2 năm. Tôi cũng được ghi tên vào danh sách Who's Who Among American High School Student. Ở trường, do sự đề nghị của thầy cô, 5 học sinh giỏi nhất trong số 100, được ghi tên vào directory của Who's Who và lưu trữ tại thư viện của lưỡng viện quốc hội Hoa-Kỳ.
Năm học đầu tiên ở Mỹ tôi rất ngạc nhiên tại sao mình học gần chết, mới được điểm A tức là được 4 chấm, điểm tối đa. Vậy tại sao có người Việt-Nam ra trường 5 chấm ? Sau này tôi mới biết đó là nhờ những lớp AP hay honour dành cho học sinh giỏi. Điểm A+ hay điểm A ở những lớp đó sẽ nâng cao điểm GPA (Grade Point Average) lên. Có những học sinh xuất sắc ở lớp 10 đã học hết chương trình lớp 12, cho nên nhà trường giới thiệu đi học trước các lớp cao hơn trên đại học. Điểm A của các lớp trên đại học đem về cho ngày ra trường trung học làm cho điểm GPA cao lên. Năm lớp 10 và 11 ai cũng thi SAT. (Scholastic Assessment Test). Có thể thi SAT nhiều lần để giữ lại lần nào có điểm cao nhất. Thí sinh nào có điểm SAT trên 1.300 và điểm GPA trên 4 chấm là khoẻ lắm rồi, vì các đại học recrute (tuyển mộ) sinh viên dựa trên tiêu chuẩn GPA và SAT. Ngay từ lớp 11, tôi đã được UC David ở Sacramento nhận. Đại học đứng đầu Hoa-Kỳ là Harvard ở Massachusetts, thứ nhì là Yale ở Connecticut, thứ ba là Stanford ở California. Đại học Berkeley ở CA xếp vào hàng thứ 16 và đại học UCLA ở CA xếp hàng thứ 23. UCLA thuộc hệ thống UC, cũng như UC Irvine, UC San Diego... là những đại học có thể nhận độ 10% những học sinh tốt nghiệp high school có điểm GPA cao nhất; trong khi hệ thống Cal State như đại học Fullerton, Long-Beach...ở CA có thể nhận 30 % rộng rãi hơn, trong số những học sinh tốt nghiệp high school.

Ngày 13.6.1996, tôi tốt nghiệp trung học tại trường Westminster, trên đường Goldenwest, cũng thuộc thành phố westminster. Điểm GPA tốt nghiệp của tôi là 4.15. Học sinh tốt nghiệp thủ khoa (valedictorian) đọc diễn văn tốt nghiệp là Đặng-Tiêu, điểm GPA là 4.85. Trong 32 học sinh đứng đầu, đã có 19 người Việt-Nam. Điều này chứng minh Mỹ là đất nước của cơ hội. Nếu nước Mỹ cũng xét lý lịch liệt sĩ, đảng viên Cách-Mạng v.v...thì chừng nào mới tới phiên 19 học sinh Việt-Nam đứng đầu danh sách tốt nghiệp ? Hầu hết những thủ khoa ra trường ở trường Westminster gần đây đều là Việt-Nam. Tôi phải cúi đầu khâm phục tinh thần mã thượng của người Mỹ.

Gia đình tôi được đoàn tụ dưới nhiệm kỳ của Tổng-Thống George Herbert Walker Bush, là Tổng-Thống thứ 41 của Hoa-kỳ. Người ký tên giấy khen President's Award for Educational Excellence trong ngày tôi tốt nghiệp trung học lại là Tổng-Thống Bill Clinton. Cử tri Mỹ đã tô điểm trong lòng tôi một đóa hoa dân chủ. Với lá phiếu của họ, một nhân vật được nắm giữ quyền lực tối cao. Thể chế này, khác với Việt-Nam. Chủ-Tịch Trường-Chinh tuyên bố: "Người Cộng-Sản chưa bao giờ chia xẻ quyền bính với bất cứ ai." Thành thử trong chế độ quân chủ, cha truyền con nối. Cộng-Sản cũng là một siêu quân chủ. Đàn anh trao lại cho đàn em trong đảng mà thôi.

Bốn năm dài ở trường trung học Westminster, với những thành công và thất bại, tôi cũng nếm trải biết bao kỷ niệm buồn vui. Cũng có lúc tôi hoài niệm về các thầy cô và bạn bè ở lại quê nhà. Không biết các bạn nhỏ lớp sau này có còn bị bắt buột phải học tiếng Nga như cái thời của tôi hay không ? Tôi luôn luôn thương kính thầy cô giáo, dù họ ở Mỹ hay đang ở Việt-Nam . Nếu không đi Mỹ, ngày ấy tôi sẽ thi văn toàn quốc. ( Sau khi đã được chấm hạng nhất kỳ thi văn cấp thành phố ). Để chuẩn bị thi văn toàn quốc, tôi đã đọc rất nhiều sách và thơ văn. Khi tôi đọc bài thơ của Tố-Hữu , đến câu: ..." Tiếng đầu lòng con gọi Mác Lê(*)" Má tôi tung cửa buồng ngủ, lớn tiếng: " Dẹp đi! Đọc chi đồ thối đó! Chỉ có thứ không cha, không mẹ, ở lỗ nẻ chui lên mới nói như vậy."
Cho tới bây giờ tôi mới hiểu được tại sao ngày ấy má tôi cay cú như thế.

Ngày 9.3.2001 vừa qua, trong chương trình talk show của bà Oprah, Billy Gilman 12 tuổi, sinh năm 1988 tại Rhode Island, đã học năm thứ 2 đại học. Ước vọng của cậu là làm tổng thống Hoa-Kỳ năm 36 tuổi (2024). Tôi thành thật chúc mừng cậu đã không sinh ra ở Việt-Nam. Ở vào tuổi cậu, bạn bè tôi ở Việt-Nam, có là thiên tài xuất chúng đi nữa, cũng phải học ở lớp 6 mà thôi./ -

PHẠM THỊ TỪ ÁI
@motgoctroi
 
BÀI VIẾT ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG CỦA PHẠM THỊ TỪ ÁI.
 
Trong kết quả Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ đợt sơ kết IV, năm đầu tiên 2000-2001, có tác giả Phạm Thị Từ Ái (21 tuổi), cư dân Nam California, cựu học sinh trường Westminster, được trao tặng giải thưởng đặc biệt, với bài viết mang tựa đề “Tự Do ở Việt Nam và Trung Học ởÛ Mỹ”. Vì sự sơ xuất của nhóm biên tập, trong sách “Viết Về Nước Mỹ” tập I và II –và cả khi nội dung sách được phổ biến trên Việt Báo Online- đã không có bài viết kể trên.
Nhóm biên tập trân trọng cáo lỗi cùng cô Phạm Thị Từ Ái và xin phổ biến bổ túc trên Việt Báo Online bài viết được giải thưởng của tác giả Từ Ái.

Friday, September 28, 2012

Dalai Lama


Lời khuyên của Đức Dalai Lama dành cho Việt Nam
 
Với tiêu đề "Dalai Lama nói về căng thẳng Việt-Trung" đài BBC tiếng Việt ngày 27 / 9/ 2012 có đưa một tin đáng lưu ý. Đó là nôi dung bài nói chuyện của nhà lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang lưu vong tại Ấn Độ với một đoàn gồm 102 người thuộc Câu lạc bộ Giám đốc điều hành Việt Nam (Vietnam CEO Club) tham dự buổi pháp thoại hôm 24/9/2012 tại Ấn Độ(bbc.co.uk)
 
Được biết đây là lần thứ hai Đức Dalai Lama từng giảng bài cho đoàn đến từ Việt Nam. Tháng 11 năm ngoái, tại Tu viện Namgyal ở Dharamsala, Ấn Độ, Ngài cũng giảng bài cho hơn 120 người, trong đó có những sao Việt như diễn viên Hồng Ánh, ca sĩ Thanh Lam.

Có thể coi đây là một dịp tiếp xúc "bán chính thức" hiếm hoi giữa Tây Tạng và Việt Nam mà trong đó Nhà lãnh đạo Tây Tạng đã nói lên viễn kiến của mình, gồm cả những lời khuyên đối với Việt Nam liên quan vấn đề "nhậy cảm" là tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Thiết nghĩ đây là những ý kiến khách quan vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính học thuật về triết lý và tôn giáo rất gần gũi đối với người Việt Nam để từ đó rút ra những bài học thiết thực trong bối cảnh tình hình đất nước hiện nay, đặc biệt trong đối sách với Trung Quốc .

Một là về việc xây đền chùa hay trung tâm nghiên cứu Phật giáo. Khi có người hỏi Đức Dalai Lama về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc vì quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời ngỏ ý muốn mời Ngài ra xây đền ở một trong các đảo, Đức Dalai Lama trả lời:Tôi không đặc biệt ủng hộ việc xây tu viện hay đền thờ, tôi muốn nhìn thấy một trung tâm học thuật, có thể làm trung tâm nghiên cứu triết học Phật giáo, Đạo giáo và đạo đức thế tục.” Ngài nói thêm :“Nếu một trung tâm như vậy có thể thành lập, có lẽ tốt hơn là đặt ở Sài Gòn hay Hà Nội thay vì trên một trong các đảo này.”

Đây là một cách nhìn đầy tính thực tế và thực dụng của Đức Dalai Lama dù đó là lĩnh vực tâm linh cao cả. Ngài không chỉ đề cao công tác đào tạo về Phật pháp mà còn gián tiếp phê phán sự kém hiệu quả của những ngôi chùa tốn kém mà Việt Nam đang xây lên ở Trường Sa. Phải chăng đó lại là sai lầm do lối tư duy "đền thờ miếu mão hoành tráng" từ đất liền nay lan ra biển đảo? Liệu quân xâm lược sẽ dừng bước trước những đền thờ ấy hay chỉ là một sự lãng phí?
 
Hai là về thái độ trong đấu tranh với người TQ. Theo Ngài, giận dữ không đem lại kết quả với người Trung Quốc.“Tốt hơn là tìm cách gây ảnh hưởng bằng phương cách thân thiện, dĩ nhiên có thể làm điều này từ vị thế cứng cỏi. Ngài nhắc lại vào năm 1979, khi “Trung Quốc định dạy Việt Nam một bài học, họ đã gặp phải một quân đội thiện chiến, cứng cỏi”.

Ý kiến này rất bổ ích cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay khi mà dân chúng rất căm giận, nhưng "một bộ phận không nhỏ" quan chức lo làm giàu hoặc lý do nào đó thường tỏ ra thờ ơ, vô cảm, thậm chí yếu hèn trước hành động lấn lướt của đối phương . Kết cục là, đất nước thiếu vai trò của thủ lĩnh đủ sáng suốt và quả cảm để tập họp lực lượng đoàn kết dân tộc nhằm đối phó với TQ trên "một vị thế cứng cõi" như gợi ý của Dalai Lama. Xin nhắc lại: cứng cõi, chứ không phải kéo léo và uốn éo!, vì không phải ngẫn nhiên mà Ngài đã nhắc lại hai lần từ "cứng cõi" khi nói ra ý này. Thiết nghĩ nhân dân sẽ bớt căm giận theo cảm tính nếu lãnh đạo (thủ lĩnh) của họ cứng cõi lên. Đó là quy luật. Người lãnh đạo chớ nên bao giờ đổ lỗi nhân dân vì họ căm thù địch., trái lại nên coi đó là chỗ dựa để lãnh đạo thêm cứng cõi.

Ba là về sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn.Trong buổi giảng, Đức Dalai Lama bày tỏ ngưỡng mộ dành cho kinh tế học Marxist, đặt biệt là tư tưởng phân chia của cải đồng đều. Ngài nhấn mạnh mình phản đối chủ nghĩa toàn trị. Ngài nói mặc dù mình có thể là một người Marxist, nhưng Ngài không đi theo chủ nghĩa cộng sản do Lenin áp đặt. Theo ngài, mặc dù chủ nghĩa Marx không nói về kiếp trước đời sau nhưng có chia sẻ với Phật giáo ở niềm tin rằng định mệnh do con người làm chủ. Một xã hội hạnh phúc phải do chính con người tạo dựng, không phải chỉ qua cầu nguyện mà bằng hành động”.Ý kiến này của Ngài Dalai Lama cũng khá phù hợp với hiện tình của Việt Nam khi mà sự khủng hoảng lòng tin (vào CN Marx-Lenin) "đang bị đe dọa sự tồn vong của chế độ" (theo tinh thần NQ TW4). Thực tế cho thấy ngày càng nhiều người Việt Nam, kể cả cán bộ đảng viên trở nên mê tín (chứ không phải tín ngưỡng lành mạnh) chỉ lo cúng bái cầu may trong những cuộc làm ăn dối trá và tham nhũng. Đáng lẽ kịp thời rút kinh nghiệm và cắt nghĩa rõ ràng, minh bạch về mức độ đúng /sai trên lý thuyết và thực hành để cùng toàn dân tìm cách khắc phục thì các bậc thầy lý luận của đất nước vẫn bám chặt vào cái đã lỗi thời và để mặc nhân dân tự suy diễn, đoán non đoán già sinh ra chán nản, mất lòng tin... Thật oan uổng cho ông Carl Marx, nhưng lại càng đáng tiếc hơn cho sự luẩn quẩn của Việt Nam.

Không ngờ Đức Dalai Lama dù chưa tới Việt Nam bao giờ vẫn có thể nhìn thấu những vấn đề căn bản của đất nước này đến vậy!
 
Trần Kinh Nghị

Thursday, September 27, 2012

CT.VN

Cơn sóng đòi tự do dân chủ
Lịch sử nền tư pháp Việt Nam sẽ ghi tên cô Tạ Phong Tần, anh Nguyễn Văn Hải, tức Ðiếu Cày, và anh Phan Thanh Hải, như những nạn nhân tiêu biểu của tình trạng tòa án làm nô lệ cho chính trị. Ðặc biệt, ở đây là chính trị thuộc cấp độ thấp nhất.
 
Trong phiên tòa diễn ra chỉ có vài giờ trong buổi sáng Thứ Hai ngày 24 tháng Chín, tòa án xử ông Nguyễn Văn Hải 12 năm tù, cô Tạ Phong Tần 10 năm tù và ông Phan Thanh Hải bốn năm tù. Cả ba người còn sẽ tiếp tục bị quản chế với thời hạn lần lượt năm năm, ba năm và ba năm.
 
Luật sư của ông Ðiếu Cày vừa nói rằng chính quyền không đưa ra được chứng cứ nào trong phiên xử để kết tội ba blogger này về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước;” tòa không cho ông Nguyễn Văn Hải chất vấn những người làm chứng; và cũng không cho luật sư tranh luận với phía công tố là Viện Kiểm Sát.
 
Trong bản lên tiếng đòi trả tự do cho ba nhà báo mạng (blogger), bà Catherine Ashton, đại diện của Liên Hiệp Châu Âu, nhấn mạnh là những bản án tù từ bốn đến 12 năm là quá nặng nề đối với các ông Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và cô Tạ Phong Tần.
 
Ðây cũng là nhận xét chung của những người từng theo dõi các cuộc tranh đấu cho dân chủ tự do ở Việt Nam. Ba nhân vật trên chưa bao giờ đòi lật đổ chế độ cộng sản. Họ cũng không tham dự một vụ bạo động nào. Tất cả chỉ lên tiếng nhắc nhở đồng bào phải bảo vệ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; và tham dự các cuộc biểu tình với mục đích đó. Ông Phan Thanh Hải từng chủ trương trang mạng (blog) AnhBaSaigon; cô Tạ Phong Tần, vốn là một sĩ quan công an, đã lập ra blog Công Lý và Sự Thật; ông Nguyễn Văn Hải đã nổi danh với blog Ðiếu Cày. Trong tháng trước, thân mẫu của cô Tạ Phong Tần, ở Bạc Liêu, đã tự thiêu phản đối công an dọa nạt, sách nhiễu gia đình bà. Công an đã ép bà và các con phải kết tội cô con gái đang bị tù; nhưng cả gia đình từ chối nên họ bị dọa sẽ mất kế sinh nhai và sẽ bị đuổi đi nơi khác sống. Việc tự thiêu của bà Ðặng Thị Kim Liêng là hành động tuyệt vọng của một người dân Việt Nam bị đẩy tới bước đường cùng, không khác gì việc anh Ðoàn Văn Vươn dùng chất nổ chống cự bọn tham nhũng cướp đất của anh ở Hải Phòng.
 
Tại sao Ðảng Cộng Sản Việt Nam lại kết án ba blogger nặng hơn hẳn các nhà tranh đấu dân chủ đã bị đưa ra tòa trước đây? Những bản án họ đã dành cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Ðịnh, Cù Huy Hà Vũ, ông Trần Huỳnh Duy Thức, và các thành viên những Ðảng Thăng Tiến, Ðảng Dân Chủ Nhân Dân, Ðảng Việt Tân, cùng các đảng và nhóm khác không lâu tới 10 và 12 năm như vậy. So sánh với những hành động của các nhà tranh đấu dân chủ trên thì ba nhà báo mạng Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải đáng lẽ chỉ bị kết án hai, ba năm tù vì hành động của họ không chống đối chính quyền cộng sản hoặc có ảnh hưởng mạnh hơn.
 
Tất nhiên, lý do duy nhất là tòa án chịu áp lực chính trị của đảng cộng sản. Nhưng lý do chính trị nào khiến đảng cộng sản quyết định như thế? Ai cũng nghĩ đến sức ép của sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Ba nhà báo tự do không đòi cải tổ chính trị ở Việt Nam, cũng không kêu gọi lật đổ chế độ cộng sản; nhưng họ đã chống chính sách bành trướng của Trung Cộng. Họ đều nhắm vào việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa năm 1974, đánh Trường Sa năm 1988; và kêu gọi mọi người Việt Nam đòi lại chủ quyền dân tộc. Ai cũng còn nhớ hình ảnh Ðiếu Cầy, Tạ Phong Tần trong những cuộc biểu tình đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Nhưng liệu Bắc Kinh có cần tạo áp lực trên Cộng Sản Việt Nam về những chuyện như xử án ba nhà báo hay không? Có thể họ không cần, và chưa chắc đã muốn. Mục tiêu cuối cùng của họ là làm sao đảng Cộng Sản Việt Nam phải ép cả nước phải im lặng chịu đựng mối nhục mất đất. Họ có những khí cụ mạnh hơn để thực hiện mục tiêu đó, và đã đạt được nhiều rồi. Bản án quá nặng cho ba nhà báo tự do sẽ chỉ gây cho nỗi oán hận của người Việt thêm nặng nề, bất lợi cho Bắc Kinh. Ba nhà báo không tác động dân chúng mạnh bằng những nhà trí thức và thanh niên đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Hà Nội trước sứ quán Trung Quốc.
 
Một lý do khác được giải thích là những bản án nặng này cốt nhắm vào dư luận của đồng bào trong và ngoài nước, cùng chính phủ các nước Tây phương. Họ muốn chứng tỏ rằng các lời lên tiếng đòi trả tự do cho ba nhà báo và kết tội cộng sản vi phạm nhân quyền chỉ gây tác dụng ngược, khiến cho ba nhà báo tự do phải chịu những bản án nặng nề. Ðây có thể là một thông điệp, báo tin cho các chính phủ khác và người Việt trong và ngoài nước từ nay hãy giảm bớt các lời nói và hành động kết tội họ; nếu không thì chính những người được bênh vực sẽ lãnh hậu quả.
 
Nhưng lối giải thích này khó đứng vững. Dư luận lên án chính quyền cộng sản về tất cả những vụ vi phạm nhân quyền, không riêng đối với ba nhà báo tự do này. Ông Obama hay bà Clinton lên tiếng đòi trả tự do cho ông Ðiếu Cầy, cô Tạ Phong Tần, vì đó là việc họ phải làm, dù đó là người Việt Nam hay người Congo. Lên án chính sách vi phạm quyền làm người vì nguyên tắc; không ai có thể thể giảm bớt hành động chống đàn áp chỉ để mua sự an toàn cho các nạn nhân. Chính những người can đảm đứng lên tranh đấu như Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, hoặc trước đó là Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Ðịnh, Cù Huy Hà Vũ, vân vân, họ cũng chỉ làm bổn phận đối với đất nước. Họ hãnh diện và sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Không ai trong số những vị trên lại đánh đổi lấy sự an thân của mình, muốn thế giới bên ngoài giảm áp lực buộc Cộng Sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.
 
Cho nên, cuối cùng chúng ta chỉ thấy một thứ ảnh hưởng chính trị trên người xử án ở Sài Gòn trong bản án nặng nề này là cuộc tranh giành quyền lực ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam.
 
Như chúng ta đều biết, những tay đầu sỏ trong chế độ đang công khai chống phá lẫn nhau. Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang đang tìm cách giảm bớt quyền hành của Nguyễn Tấn Dũng. Họ chống nhau bằng các hành động và lời nói, một cách công khai hoặc dùng những thủ đoạn ngấm ngầm. Bản án dành cho ba nhà báo tự do không phải do những cấp thừa hành quyết định. Nếu cấp thừa hành quyết định thì chắc chắn họ sẽ “theo lệ cũ,” ra lệnh cho tòa án phạt tù ba năm hoặc năm năm. Khi tăng số năm tù lên tới 10 hay 12 năm, những người phụ trách giật dây tòa án sẽ phải xin chỉ thị riêng. Chỉ thị riêng có thể do một trong những người cấp gần nhất với Bộ Chính Trị đưa ra. Trong lúc ba tay đầu sỏ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang đang tìm các kẽ hở của nhau để tấn công thì cả ba người hay đám tay chân của họ thấy phải tỏ ra cứng rắn hơn, để chứng tỏ họ vẫn đặt quyền lợi của đảng cộng sản lên trên hết. Trong cuộc tranh giành quyền lực của mấy người lãnh đạo cộng sản, các nhà báo tự do đã trở thành nạn nhân. Nhưng các bản án dành cho họ đã làm cho dư luận thế giới khinh thường cả nước Việt Nam.
 
Bà Catherine Ashton đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Hà Nội trả tự do ngay tức khắc cho ba nhà tự do báo trên mạng. Bà nhắc nhở chính quyền cộng sản là tất cả mọi con người phải có quyền tự do phát biểu. Cộng Sản Việt Nam phải chứng tỏ họ tuân thủ những công ước quốc tế mà họ đã cam kết thi hành như bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.
 
Ðại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội đã lên tiếng yêu cầu “Chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho Ðiếu Cày và các blogger Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần.” Lấy trường hợp Ðiếu Cày làm tiêu biểu, họ nhấn mạnh, “ông bày tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hòa,” là một quyền tự nhiên của mọi con người, được ghi rõ trong những bản văn mà chính quyền Hà Nội đã ký kết tôn trọng và bảo đảm thi hành. Thông cáo của sứ quán Mỹ phê phán phiên tòa và bản án đã vi phạm hai quyền tự do căn bản ghi trong công ước quốc tế, là quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử theo đúng thủ tục pháp lý của loài người.
 
Những lời nhắc nhở trên cho thấy cả thế giới kết án hành động đàn áp tự do ngôn luận của chính quyền cộng sản ở nước ta. Hành động biến tòa án thành một công cụ chính trị, những bản án bất công đang làm nhục cả dân tộc trước mặt thế giới văn minh.
 
Trong một bài thơ gửi ra ngoài trước phiên tòa, nhà báo Ðiếu Cầy viết:
 
Sóng biển trào dâng đòi tự do dân chủ,
 
Sóng cuốn phăng đi thành lũy lũ độc tài.
 
Ðó là những lời tiên đoán. Một chế độ khinh thường dân sẽ không thể nào tồn tại được. Cơn sóng đòi tự do dân chủ sẽ cuốn phăng đi thành lũy cuối cùng của bọn độc tài.
 
Ngô Nhân Dụng

Wednesday, September 26, 2012

CT.VN

Con đường nam tiến của Trung Quốc
 
Con đường bành trướng xuống phía nam của Trung Quốc được thực hiện cả trên bộ lẫn trên biển. Nếu quá bị cuốn vào chuyện biển Đông, chúng ta có thể rơi vào bẫy của Trung Quốc.
 
“Cần phải nhìn nhận quá trình nam tiến của Trung Quốc một cách toàn diện, trong đó không chỉ có khu vực biển Đông và hình thức xung đột quân sự. Đó còn là quá trình diễn ra trên đất liền với những hình thức chiến tranh kinh tế, chiến tranh tiền tệ, chiến tranh mạng, là bành trướng văn hóa, là áp lực chính trị, là quá trình di dân…” - Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nhận định.
 
Phân tích vị trí địa lý của Trung Quốc, ông Quách Hải Lượng không đánh giá cao cơ hội của Trung Quốc ở phía bắc (giáp với Nga), phía đông (bị Nhật Bản, Hàn Quốc án ngữ, mà đó là những đồng minh thân cận của Mỹ) và phía tây (giáp vùng Trung Á, vốn bất ổn với sự cạnh tranh của nhiều cường quốc). Hướng mở rộng của Trung Quốc gần như chỉ có một.
 
Nhận định này cũng trùng với ý kiến của TS chính trị học Đinh Hoàng Thắng. Trong một cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Thắng nói: “Phải thấy là Trung Quốc chỉ còn phía nam để phát triển xuống. Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, nếu chỉ dừng chân trong lục địa Trung Hoa thì không được, mà các ngả khác thì bị chặn hết rồi”.
 
Biểu hiện rõ ràng nhất của tư tưởng “nam tiến” có lẽ đã xuất hiện từ thời Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc từ năm 1949 đến năm 1976. Tháng 9-1963, Chu Ân Lai phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các đại diện của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Indonesia tại Quảng Đông: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam châu Á” (Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm, NXB Sự thật, năm 1979).
 
Đồng tiền đi trước
 
Hiếm khi nào trong lịch sử sự hiện diện của Trung Quốc ở Đông Nam Á lại mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực như từ một thập kỷ trở lại đây. Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, với sự gắn kết chặt chẽ về địa lý và văn hóa với Trung Quốc, với những yếu kém nội tại của mình, là mắt xích yếu nhất dọc biên giới mà người láng giềng phương bắc của họ có thể khai thác. Đồng tiền đi trước, con đường đầu tư kinh tế có lẽ là lối đi nhanh và hiệu quả nhất. Trong một bài viết mới đây, nhà nghiên cứu Trung Quốc Bonnie S. Glaser (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết: “Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã theo đuổi một chiến lược ở Đông Nam Á với nội dung căn bản là sử dụng “củ cà rốt” kinh tế để làm tăng lợi ích của các nước Đông Nam Á trong việc gìn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc”.
 
Năm 2010, với những khoản đầu tư trị giá 2,9 tỉ USD, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Lào và có trong tay khoảng 10.000 km2 đất dự án, tương đương với 4% diện tích của cả nước Lào. Người Trung Quốc kiểm soát phần lớn nền kinh tế Lào, từ khai thác mỏ, thủy điện đến cao su, hay cả ngành bán lẻ và dịch vụ khách sạn.
 
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Campuchia: Trong năm năm qua, Campuchia đã nhận được khoảng 2 tỉ USD tiền viện trợ từ Bắc Kinh với những điều kiện hết sức hào phóng.
 
Tại Myanmar, 8,7 tỉ USD đã được Trung Quốc rót vào các dự án đầu tư trong năm 2010, chưa kể khoản vay không lãi trị giá 4,2 tỉ USD. Tính đến tháng 7-2011, 800 dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn đăng ký 3,2 tỉ USD, đứng thứ năm trong các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Làm đường đến đâu xâm chiếm đến đấy”
 
Đầu tháng 7-2012, lần đầu tiên Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN với lịch sử 45 năm không thể đưa ra được thông cáo chung mà lý do là sự bất đồng của nước chủ nhà Campuchia với các nước có liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Nguyên nhân sâu xa này nhanh chóng được lý giải khi ngay sau hội nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảm ơn Campuchia về sự hợp tác chặt chẽ của chủ nhà trong tiến trình hội nghị.

Nhà phân tích Bonnie S. Glaser nhận định: “Việc Trung Quốc gây ảnh hưởng khống chế lên Campuchia không phải điều đáng ngạc nhiên. Bắc Kinh đã cung cấp tới hơn 10 tỉ USD đầu tư trực tiếp cho Campuchia. Chỉ tính riêng trong năm 2011, lượng đầu tư mà Trung Quốc cam kết với Phnom Penh cao gấp 10 lần con số Mỹ cam kết. Sự phụ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc, về mặt kinh tế, thể hiện rõ ở Cung điện Hòa Bình – công trình được xây bằng tiền tài trợ của Trung Quốc – là nơi họp hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua”.
 
Tháng 6-2011, thủ tướng Campuchia công khai khẳng định Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, đồng thời là nhà tài trợ lớn nhất trong việc giúp đỡ Campuchia xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm đường sá, cầu cống… Vấn đề ở đây, theo các nhà phân tích, là các thỏa thuận kinh tế luôn kéo theo những hệ quả chính trị, xã hội, quân sự đã được hoạch định từ trước đó.
 
Đại tá Quách Hải Lượng nói: “Trung Quốc rất giỏi trong việc xâm chiếm bằng cách làm đường. Làm đường đến đâu xâm chiếm đến đấy, di dân đến đấy. Họ mưu tính làm một con đường suốt từ Vân Nam đi dọc Lào xuống tới tận Tây Nguyên, mà ở đoạn cuối Tây Nguyên thì Campuchia và Lào cho họ thuê đất tới 55 năm. Như vậy cả khu vực sẽ gần như là đất của họ”.

“Đứng về chiến lược quân sự, đó là những con đường cơ động chiến lược và cơ động chiến dịch. Về kinh tế thì có thể khống chế được toàn bộ các hành lang quan trọng của bán đảo Đông Dương. Họ xây dựng cơ sở hạ tầng là nhằm như thế” - ông Lượng giải thích.

Trung Quốc đang nắn dần đường biên giới quốc gia không theo cách thức tấn công quân sự truyền thống mà bằng cách di dân. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy có khoảng 2,5 triệu người Hoa đến Đông Nam Á làm ăn sinh sống trong vòng 30 năm qua. Khoảng 1 triệu người Trung Quốc cũng đã di dân đến Myanmar trong giai đoạn 1995-2005, theo báo cáo của nhà nghiên cứu độc lập Sudha Ramachandran (Ấn Độ) và khoảng 300.000 người Trung Quốc đang sinh sống rải rác khắp nơi ở Campuchia. Đây hầu hết là lao động Trung Quốc tìm cách ở lại khu vực bản địa sau khi hết hợp đồng với các dự án. Họ thậm chí hình thành nên các khu “phố Tàu” như ở Mandalay (Myanmar) hay Viêng Chăn (Lào).

Tại Lào, một doanh nghiệp Trung Quốc đã thuê cả một thị trấn nằm sát biên giới hai nước và biến nơi đây gần như thành khu vực của riêng người Trung Quốc. Thị trấn rộng 21 km2 được đặt tên là Bò Thèn này có ngôn ngữ chính là tiếng Trung, thanh toán bằng nhân dân tệ và sử dụng giờ Bắc Kinh thay vì giờ Viêng Chăn. Hệ thống điện, viễn thông và ngay cả các lực lượng chức năng như công an cũng đều được “kéo” từ Trung Quốc sang. Lực lượng hải quan đã dời từ biên giới Lào-Trung xuống phía nam của thị trấn này. (Trung Quốc tăng cường di dân sang Lào, website nghiencuubiendong.vn, Học viện Ngoại giao, 29-3-2010).

Nói đến sự hiện diện của người Trung Quốc ở các khu Hoa kiều và nhiều khu vực có dự án đầu tư ở Việt Nam, Đại tá Quách Hải Lượng nói: “Nếu chấm trên bản đồ Việt Nam những khu vực có người Trung Quốc sinh sống, chúng ta sẽ có một tấm bản đồ da báo”.
 
 Đoan Trang

Tuesday, September 25, 2012

Lifestyle

Câu chuyện của hai vĩ nhân
 
Một câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1892 tại Đại học Stanford.
 
Có một cậu học sinh 18 tuổi đang gặp khó khăn trong việc trả tiền học. Cậu ta là một đứa trẻ mồ côi và không biết đi nơi đâu để kiếm ra tiền. Thế là anh chàng này bèn nảy ra một sáng kiến. Cậu ta cùng một người bạn khác quyết định tổ chức một buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để gây quỹ cho việc học.

Họ tìm đến người nghệ sĩ dương cầm đại tài Ignacy J Paderewski. Người quản lý của Paderewski yêu cầu một khoản phí bảo đảm $2000 để cho ông ấy được biểu diễn. Sau khi họ thoà thuận xong, hai người sinh viên ấy bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị để cho buổi trình diễn được thành công.

cau-chuyen-cua-hai-vi-nhanNgày trọng đại ấy cuối cùng đã đến. Paderewski cuối cùng cũng đã buổi diễn tại Stanford. Thế nhưng không may là vé vẫn chưa được bán hết. Sau khi tổng kết số tiền bán vé lại, họ chỉ có được $1600. Quá thất vọng, họ đến chỗ của của Paderewski (Hình phải)để trình bày hoàn cảnh của mình. Hai người sinh viên ấy đưa Paderewski toàn bộ số tiền bán vé, cùng với 1 check nợ $400, và hứa rằng họ sẽ trả số nợ ấy sớm nhất có thể.

“KHÔNG”, Paderewski nói - “Cái này không thể nào chấp nhận được.” Ông ta xé tờ check, trả lại $1,600 cho hai chàng thanh niên và nói: “Đây là 1600 đô, sau khi trừ hết tất cả các chi phí cho buổi biểu diễn thì còn bao nhiêu các cậu cứ giữ lấy cho việc học. Còn dư bao nhiêu thì hãy đưa cho tôi”. Hai cậu sinh viên ấy vô cùng bất ngờ, xúc động cảm ơn Paderewski..

Đây chỉ là một việc làm nhỏ, nhưng đã chứng minh được nhân cách tuyệt vời của Paderewski.

Tại sao ông ấy có thể giúp hai người mà ông ấy thậm chí không hề quen biết. Chúng ta tất cả đều đã bắt gặp những tình huống như vậy trong cuộc sống của mình. Và hầu hết chúng ta đều nghĩ: "Nếu chúng ta giúp họ, chúng ta sẽ được gì?”. Thế nhưng, những người vĩ đại họ lại nghĩ khác: "Giả sử chúng ta không giúp họ, điều gì sẽ xảy ra với những con người đang gặp khó khăn ấy?" Họ không mong đợi sự đền đáp, Họ làm chỉ vì họ nghĩ đó là việc nên làm, vậy thôi.

Người nghệ sĩ dương cầm tốt bụng Paderewski hôm nào sau này trở thành Thủ Tướng của Ba Lan. Ông ấy là một vị lãnh đạo tài năng. Thế nhưng không may chiến tranh thế giới nổ ra, và đất nước của ông bị tàn phá nặng nề. Có hơn một triệu rưỡi người Ba Lan đang bị chết đói, và bây giờ chính phủ của ông không còn tiền để có thể nuôi sống họ được nữa. Paderewski không biết đi đâu để tìm sự giúp đỡ. Ông ta bèn đến Cơ Quan Cứu Trợ Lương Thực Hoa Kỳ để nhờ sự trợ giúp.

Người đứng đầu cơ quan đó chính là Herbert Hoover, người sau này trở thành Tổng Thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông Hoover đồng ý giúp đỡ và nhanh chóng gửi hàng tấn lương thực để cứu giúp những người Ba Lan đang bị đói khát ấy.

cau-chuyen-cua-hai-vi-nhanThảm họa cuối cùng cũng đã được ngăn chặn. Thủ Tướng Paderewski lúc bấy giờ mới cảm thấy nhẹ nhõm. Ông bèn quyết định đi sang Mỹ để tự mình cảm ơn ông Hoover (Hình phải)vì cử chí cao quý của ông ấy đã giúp đỡ người dân Ba Lan trong những lúc khó khăn. Thế nhưng khi Paderewski chuẩn bị nói câu cảm ơn thì ông Hoover vội cắt ngang và nói: “Ngài không cần phải cảm ơn tôi đâu, thưa ngài Thủ Tướng. Có lẽ ngài không còn nhớ, nhưng vài năm trước, ngài có giúp đỡ hai cậu sinh viên trẻ tuổi ở bên Mỹ được tiếp tục đi học, và tôi là một trong hai chàng sinh viên đó đấy ”

Thế giới này thật tuyệt vời, khi bạn cho đi thứ gì, bạn sẽ nhận lại được những điều tương tự.