Thursday, February 28, 2013

Thơ Nguyễn Đắc Kiên


Bởi vì tôi khao khát Tự do

Tặng những người biểu tình ngày 09/12/2012

nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản,
ở nơi đó tôi gặp những người ngay,

ở nơi đó đồng loại tôi đang sống.

nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản,
ở nơi đó giam giữ Tự do,
giam giữ những trái tim khao khát Sống.

nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù Cộng sản,
ở nơi đó giam giữ những nhà thơ,
giam giữ kẻ ngủ hoang để thức tỉnh muôn đồng bào vô thức.

bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thiên thể Tự do.
bắt Tự do giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thơ tứ Con người.

nếu một ngày tôi phải vào tù,
thì chắc chắn là nhà tù Cộng sản,

bởi vì tôi khao khát Tự do.

Nguyễn Đắc Kiên

HN.09/12/12
@danlambao

Wednesday, February 27, 2013

BS.Trần Văn Tích

 
Ông Việt cộng Nguyễn Mạnh Tường
 
Cộng sản tàn ác, thâm hiểm, đểu cáng. Vì vậy phải chống nó. Chừng nào còn cộng sản thì còn phải chống. Chống một cách tự nhiên. Không thể bảo rằng cải cách ruộng đất, thảm sát Mậu thân, tù đày khổ sai, đánh tư sản mại bản v.v..đã thuộc về quá khứ; giờ chẳng cần nhắc nhở nữa. Và nên để cho những con người lịch sử dính dáng đến các tội phạm lịch sử ngủ yên với lịch sử. Suy nghĩ như thế tỏ ra nông cạn, hời hợt; nếu không là thiên cộng, theo cộng. Biết bao nhiêu trí thức đã tiếp tay cho tội ác các đảng cộng sản. Lẽ ra, sau khi chế độ cộng sản cáo chung ở châu Âu, phải không còn đầu óc bình thường nào thuộc cộng đồng người Việt lưu vong đi theo cộng sản nữa, một khi đã học được bài học lịch sử nhãn tiền. Nhưng thực tế trái ngược hẳn. Có kẻ đào tẩu trối chết tháng tư 75 sang được Mỹ bây giờ quay trở lại Hànội cùng bầy cộng nô hát bài hát của Phạm Tuyên. Có kẻ no cơm rững mỡ trên đất Hoa Kỳ bỗng dưng cho đăng bài báo tán dương cộng phỉ, mạ lỵ chế độ quốc gia, bêu riếu Quân lực Việt Nam Cộng Hoà để rồi có người hết sức vận dụng kiến thức luật học nhằm bênh vực cho hành động đốn mạt đó. Các thành phần dân tộc vừa kể đang sống đoạn đời chống đối, phá hoại ngày nào của những Jane Fonda, Simone de Beauvoir. Nhưng nếu Jane Fonda đã tự thú trong My life so far (2003) : All of us were deceived; nhưng nếu Simone de Beauvoir đã cảm thán trong Mémoires d'une jeune fille rangée (1958) : J'ai éte flouée thì có một số những kẻ gọi là có học (có thể là trí thức) người Việt vẫn đang dốc lòng dốc sức làm lợi cho Việt cộng. Họ chưa sống đến thời điểm để mà nhìn trở lại và thấy là mình deceived, mình floué. Họ rất cần một bài học. Bài học đó, nhân vật lịch sử Nguyễn Mạnh Tường có thể cung cấp miễn phí cho họ.

Xã hội lạc hậu và bán khai Việt Nam những năm đầu thập niên 30 thế kỷ trước đã vô hình trung tạo nên một vầng hào quang giả tạo xung quanh tên họ Nguyễn Mạnh Tường.

Ai đi học thì cũng lên lớp, ai lên lớp thì cũng đi thi, ai đi thi thì cũng có bằng. Ông Nguyễn Mạnh Tường học tiếng Pháp từ thuở ấu thơ, hết trường Paul Bert đến trường Albert Sarraut. Ông đỗ Tú tài Pháp. Ông tiếp tục sang Pháp học Đại học. Theo đuổi đủ học trình, ông tốt nghiệp. Tập quán Đại học đòi hỏi ông phải trình thèse. Ông trình luận án về luật Hồng Đức để lấy tiến sĩ luật. Ông trình luận án về nước Annam trong văn chương Pháp để lấy tiến sĩ văn chương1. Đầu đề (hay các đầu đề) luận án tiến sĩ văn chương của ông Tường không gây được ấn tượng mới lạ, bổ ích khi đọc chúng. Nhưng đầu đề luận án tiến sĩ luật khoa L'individu dans la vieille cité annamite. Essai de synthèse sur le Code des Lê thì lại khiến tôi thắc mắc, ngạc nhiên. Tôi không tìm được tài liệu hay nhân chứng nào xác quyết rằng người thanh niên 23 tuổi Nguyễn Mạnh Tường là một bậc thâm nho.2. Tuy nhiên không phải cứ giỏi chữ Hán là hiểu thấu đáo các danh từ chuyên môn luật học, khoa học để có thể chuyển dịch chúng sang các ngôn ngữ khác một cách chính xác3. Đó là về phía thí sinh. Về phía giám khảo thì chẳng lẽ hội đồng giám khảo xét duyệt luận án Nguyễn Mạnh Tường qui tụ toàn những nhà Hán học cự phách người Pháp vào tầm cỡ Paul Démiéville, Étiemble, Paul Schneider? (chư vị này không hề là nhân viên giảng huấn đại học). Trò không biết chữ Hán, thầy không biết chữ Hán mà lại có một công trình học thuật trình bày trước hội đồng khoa học luật học dựa vào một bộ luật chữ Hán để được công nhận học vị tiến sĩ!! Lạ một điều là chẳng ai để ý đến khía cạnh này cả. Trái lại một số người cứ hùa theo nhau mà khen lấy khen để, coi như đây là một kỳ tích, một vĩ nghiệp. Phần tôi thì không rơi vào cái khối người lên đồng tập thể đó. Tôi chỉ chấp nhận rằng đây là một bí mật của Trường Đại học Luật khoa Montpellier!!

Trong số những người ngưỡng mộ ông Nguyễn Mạnh Tường qua tư cách “lưỡng khoa tiến sĩ“, không hề có bất cứ ai nêu ra được một hoặc vài khía cạnh độc đáo, mới lạ, có giá trị, sensationnels của hai/ba luận án mà ông là chủ nhân. Vọng ngoại, mặc cảm khiến người ta không còn ý thức trong nhận thức. Người ta khen theo phản xạ dây chuyền. Trong khi đó thì công trình nhằm đạt học vị cao nhất ở bậc đại học của ông Nguyễn Mạnh Tường liên quan đến văn học “An nam“ từng khiến thầy trò Dương Quảng Hàm-Nguyễn Hiến Lê phải nhỏ lệ và ông “nghè“ họ Nguyễn đã bị Nguyễn Hiến Lê cùng nhóm bạn đồng học “ghét lây“4. Có thể nói mà không sợ sai là cả hai/ba luận án Nguyễn Mạnh Tường hầu như không hề bước ra khỏi tủ sách thư viện hai trường đại học luật khoa và văn khoa Montpellier5.

Đỗ đạt xong ông Nguyễn Mạnh Tường về nước. Nhưng rồi ông lại ra đi. Ông sang châu Âu những năm từ 1932 đến 1936 để du lịch và nghiên cứu. Ông ngừng chân ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập. Dẫu vậy ông Tường không hề biết đến 1) chuyến đi Liên Xô của Gide năm 1936 với hai tác phẩm Retour de l'URSS và Retouches à mon Retour de l'URSS; 2) năm 1933 André Breton bị khai trừ khỏi đảng cộng sản Pháp và bị tống xuất ra khỏi AEAR (Association des Écrivains et Artistes Révolutionnaires), một công cụ ngoại vi của đảng cộng sản Pháp; 3) Paul Éluard vào đảng cộng sản Pháp năm 1927 để bỏ đảng năm 1933, 4) Arthur Koestler vào đảng cộng sản Đức năm 1932 để bỏ đảng năm 1938; 5) tham gia Đại hội Văn học ở Mạc Tư Khoa mùa hè 1934, André Malraux đập thẳng thừng nhà văn Nga Nikoulin vì chủ trương quản lý tư tưởng của tên bồi bút cộng sản. Ngoài ra, trước đó không lâu, Mayakovski tự tử bằng một phát súng lục bắn thẳng vào tim năm 1930.

Không biết đến loi de vérité của Gide, không biết đến amour de la vérité của Malraux nên lưỡng khoa tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường cúc cung tận tụy phục vụ chế độ tàn bạo cộng sản Bắc Việt qua hành động và ngôn ngữ dẫm nát chân lý, xuyên tạc sự thực nhằm vu cáo chế độ Việt Nam Cộng Hoà tại Hội nghị Luật gia Dân chủ ở Bruxelles tháng 5 năm 1956. Trong cuốn tự truyện viết bằng tiếng Pháp Un Excommunié, Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel (Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức), do Quê Mẹ xuất bản năm 1992 tại Paris, và căn cứ vào bản dịch của Nguyễn Quốc Vĩ, chúng ta được biết luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã lợi dụng diễn đàn của Hội Luật gia Dân chủ ở Bỉ để một mặt xấc xược lăng mạ chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, mặt khác, trắng trợn vu khống chế độ quốc gia. Ông Tường cho rằng chính Miền Nam đã gây ra cảnh chia đôi đất nước, tạo nên nỗi đau đứt ruột cho nhiều gia đình bị phân ly. Ông kết án chế độ quốc gia đã cho tàu tuần cao tốc bắn chết những người yêu chuộng tự do tìm cách vượt sông Bến Hải để sang bên kia bờ vỹ tuyến 17 nhằm đặt chân vào thiên đường xã hội chủ nghĩa của ông. Ông tố cáo nền công lý tự do dân chủ đã sử dụng máy chém hành hình hàng loạt những công dân vô tội đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Và ông vận dụng tài năng hùng biện để công khai cổ xúy chiến tranh Nam-Bắc, ông sử dụng xàm ngôn xảo ngữ để hô hào xâm lược Việt Nam Cộng Hoà. Tri thức của ông Tường nghèo nàn đến nỗi ông không biết là ngoại trưởng Trần Văn Đỗ đã không chịu ký vào mớ giấy lộn mệnh danh là Hiệp định Genève, thính giác ông hạn chế đến nỗi ông không hề nghe vang vọng tiếng sáo Võ Thành Minh bên bờ hồ Léman. Nhãn quan ông thiển cận đến nỗi ông không hiểu được điều sơ đẳng mà một em bé học trò tiểu học cũng biết : không hề có một người dân Tây Đức nào liều chết vượt tường sang Đông Đức, chẳng làm gì có một công dân Nam Hàn nào thí mạng vượt vùng phi quân sự để lọt vào lãnh thổ Bắc Hàn. Mà chỉ có ngược lại, chỉ có ngược lại, chỉ có ngược lại mà thôi. Nạn nhân trên sóng nước Bến Hải là nhà thơ nhà văn Vũ Anh Khanh, tác giả Tha la xóm đạo, bị những tên đồng loã khốn nạn của ông Nguyễn Mạnh Tường tàn sát trên đường vuợt tuyến. Cái máy chém của ông Nguyễn Mạnh Tường quả có một nạn nhân, đó là Ba Cụt, nhưng nạn nhân này không hề chết vì đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Ăn nói hàm hồ, lập luận xảo trá, ông Nguyễn Mạnh Tường vì quá sợ không biết “phải ăn nói ra sao với lãnh đạo đây?“(sic!) nên đã tự bán đứng nhân cách. Hơn nữa, qua những lời hoa ngôn điêu ngữ gian dối hô hào chiến tranh Nam-Bắc, ông đã góp phần trực tiếp vào những vụ tận diệt lương dân Tết Mậu Thân, thảm sát trẻ thơ ở Cai Lậy và ngay cả vụ Mỹ Lai nữa. Riêng đối với vợ con, ông Nguyễn Mạnh Tường, qua cung cách ứng xử của bản thân, đã mang tội lớn gây cho họ cảnh sống dở chết dở khiến tiểu gia đình của ông mất hết khả năng chống đối, chỉ còn sức tàn chống đói.

Người ta phục ông Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường nói tiếng Pháp cừ khôi, diễn thuyết không cần giấy tờ ghi chép, cứ hai tay đút túi quần thao thao bất tuyệt trong khi Tây Đầm cắm cúi ghi. Ngày nay biết bao nhiêu người Việt Nam có thể nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức v.v..à la Nguyễn Mạnh Tường! Tôi cũng có thể nói cho công chúng Đức nghe, tôi cũng có thể giảng cho bác sĩ Đức hiểu theo cung cách Nguyễn Mạnh Tường. Bởi vì vốn dĩ thần tượng giảng huấn của tôi là nhị vị giáo sư Paul Hagenmuller và Nguyễn Hữu. Mà chắc ông Tường không phụ trách trình bày về đông y bằng Đức ngữ như tôi!

Sau cải cách ruộng đất, ông Nguyễn Mạnh Tường vì lên tiếng về luật lệ nên bị thất sủng và bị đoạ đày. Người ta bảo ông đã đánh vào xương tủy của chế độ độc tài đảng trị. Sau 1975, tôi cũng từng đập thẳng vào hệ thống lý luận khoa học của miền Bắc qua cuốn Đông y xybécnêtíc do Trương Thìn in (và Trương Thìn cũng biết là tôi đập!). Tôi từng phang túi bụi học thuyết Pavlov, tôi từng hết tay đả phá lý luận Lyssenko, tôi từng thẳng thừng vạch rõ Kim Bong Han là bịp bợm và tôi làm những việc này một cách công khai, trước mặt Ban Tuyến huấn Thành ủy Sàigòn. Đến nỗi giới chức lãnh đạo thành Hồ phải mời tiến sĩ Phan Phải từ Hà nội vào giải thích cho họ về học thuyết di truyền hiện đại, đồng thời đưa ông tiến sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô lên cả tivi nói chuyện cùng quần chúng6. Thế nhưng tôi đâu có bị cộng sản trù dập; trái lại, vào một ngày đẹp trời, cộng sản để cho tôi cùng gia đình năm người thơ thới lên máy bay rời nước.
Ông Nguyễn Mạnh Tường kể xấu, kể tội cộng sản. Đó có thể xem là việc của riêng ông. Ân thì đền, oán thì trả. Người quốc gia chân chính có trình độ cần/nên nhìn ông một cách chín chắn. Mực thước khen ngợi Ông trong một số vấn đề nhưng không nhẹ dạ khen ngợi những điều chẳng có gì đáng để khen ngợi. Khi ông Nguyễn Mạnh Tường lên tiếng sau cải cách ruộng đất thì chúng ta ghi nhận lòng can đảm của ông. Khi ông tường thuật những hành động tàn nhẫn của cộng sản đối với bản thân ông và gia đình, chúng ta hoan nghênh ông. Nhưng khi ông hồ đồ buộc tội chính quyền quốc gia thì chúng ta phải chỉ ra rằng ông sai trái. Trong vấn đề này người cộng sản tỏ ra sắc sảo, nhạy bén, lợi hại – và thủ đoạn – hơn hẳn người quốc gia khi cái quan định luận về Nguyễn Mạnh Tường7. Trên Wikipedia phần tiếng Việt – rõ ràng là do những người cộng sản trình bày – chỉ thấy ghi nhận rằng ông Nguyễn Mạnh Tường đã hai lần tham dự các hội nghị quốc tế vào năm 1952; lần thứ nhất ở Bắc Kinh (Hội nghị Bảo vệ Hoà bình Châu Á-Thái Bình Dương) và lần thứ hai, ba tháng sau, ở Vienne (Đại hội Hoà bình Thế giới). Kẻ thù của chúng ta đã thấy rõ tội ác mà ông Nguyễn Mạnh Tường từng trót phạm đối với tổ quốc dân tộc tại Hội nghị Luật gia Dân chủ Bruxelles năm 1956 và chúng đã bắt đầu tẩy xoá những bằng chứng tội phạm; song song với vô số biện pháp khác cùng chiều hướng và mục đích như áp lực bắt đục bỏ bia tỵ nạn ở một số nước Đông Nam Á, lưu manh xuyên tạc vụ thảm sát Mậu Thân v.v..

Trên thế giới có rất nhiều người đã từng hăng hái thu thập những kiến thức về chủ nghĩa xã hội, đã từng đam mê nghiên cứu học thuyết Marx-Lénine, đã từng đề cao, tán dương, tin tưởng thiên đường cộng sản. Nhưng độc lập trong đường hướng và phương pháp tư duy, không mảy may lệ thuộc vào hành trang tri thức đã gom góp; họ, những người đáng kính đó, ở một khúc ngoặt của cuộc đời trí thức, đã can đảm đoạn tuyệt với đảng cộng sản, đã hạ bệ không thương tiếc thần tượng cũ. Và tích cực hơn nữa, họ dấn thân bênh vực các nạn nhân của độc tài đảng trị, họ đả kích kịch liệt chủ nghĩa Satan-Mephisto. Qua tư cách là những người có văn hoá, có dũng khí, có trí tuệ; họ đã sáng tác những áng văn chương sau khi phản tỉnh đáng được xem là những tác phẩm văn học lớn. Họ là André Gide, George Orwell, Vladimir Vladimirovitsh Mayakovski, Jean Paul Sartre, Roger Vailland, Roger Garaudy, André Breton, Marguerite Duras, Arthur Koestler, Paul Éluard, Gy'rgy Lukács, André Malraux, Henri Miller, Cesare Pavese, Charles Péguy, Theodor Plievier, Francis Ponge, John Steinback, Vercors v.v.. Ông Nguyễn Mạnh Tường không thuộc hàng ngũ của những nhân vật lịch sử vừa kể. Khác với họ, hoàn toàn khác với họ, ông chỉ có cái tiểu thông minh tầm thường để thung dung trót lọt học và thi nhưng không hề có cái đại trí tuệ xuất chúng của trí thức, của thiên sứ.

Trong chế độ quốc xã có những bác sĩ trở thành tội đồ của nhân loại vì tiến hành các thử nghiệm phi nhân trên thân thể những người chế độ không ưa, nhất là trên cơ thể người Do thái. Trong chế độ cộng sản Đông Đức cũ, có những bác sĩ IM (inoffizieller Mitarbeiter) cộng tác viên của cơ quan Mật vụ Stasi, chuyên nghề rình mò theo dõi người khác để báo cáo cho công an. Đối với những hạng người này – những hạng người đem kiến thức chuyên môn phục vụ ác quỷ ngạ quỷ – các cơ quan truyền thông báo chí Đức ngữ thường xuyên phổ biến tài liệu về chúng, mặc dầu nước Đức thống nhất đang hưởng qui chế dân chủ tự do; khác với Việt nam, đang có một cộng đồng hải ngoại một sống một chết với cộng sản và một tập thể đồng bào đang ngắc ngoải vật vờ dưới chế độ cộng sản. Do đó không thể không nhắc đến những con người, những hành động phải nhắc đến.

Riêng cá nhân tôi thì chỉ đơn giản xem Luật sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường là một ông Việt cộng.

1 Về đầu đề của luận án văn khoa do ông Nguyễn Mạnh Tường đệ trình, có tài liệu ghi là L'Annam dans la littérature française, Jules Boisières (sic) nhưng cũng có tài liệu ghi là Essai sur la valeur dramatique du théâtre d'Alfred de Musset. Jules Boissière (1863-1897) là nhà thơ nhà báo Pháp từng sinh sống ở Bắc Việt thời Pháp thuộc, từng giữ chức phó công sứ, từ trần ở Hà nội; tác giả Fumeurs d'Opium.
2 Nữ sĩ Thụy Khuê – theo Wikipedia tiếng Việt – cho biết ông Tường “học thêm chữ nho và văn chương cổ điển Việt“nhưng chỉ sau khi ông đã đỗ tiến sĩ. Không rõ xuất xứ và mức chính xác của nguồn thông tin này.

3 Các tăng sĩ Phật giáo thường giàu vốn liếng Nho học. Thượng toạ Thích Tâm Ấn cũng vậy. Nhưng trong tập sách Châm cứu của mình, Thượng toạ dịch hai chữ thống kinh là chứng đau các kinh mạch. Thực ra thống kinh là phụ nữ hành kinh đau đớn. Bản dịch Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh của Đình Thụ Hoàng Văn Hoè có nhiều chỗ sai lầm, thiếu sót. Nơi tập Ma Chẩn Chuẩn Thằng, dịch giả chuyển hai chữ tòng trị thành “lựa theo mà chữa“. Dịch như thế tỏ ra dịch giả thiếu căn bản về lý luận đông y. Lựa theo cái gì mà chữa? Phép tòng trị của đông y là một trong bốn phép trị liệu căn bản (phản, chính, nghịch, tòng). Tòng trị là bệnh ở gốc thì chữa theo gốc (trị bản), bệnh ở ngọn thì chữa theo ngọn (trị tiêu). Tôi chỉ nêu ra hai ví dụ mà thôi.

4 Nguyễn Hiến Lê.- Thầy học tôi : Cụ Dương Quảng Hàm. Tạp chí Bách Khoa số 1.11.1966. (dẫn theo Ngô Lâm và Quế Kế. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Sự nghiệp, Hình ảnh, Bút tích. Sinnamon Park, Qld 4073, Australia, 2006, tr.121-129).

5 Quốc triều hình luật đã được Raymond Deloustal chuyển dịch sang Pháp ngữ và cho đăng tải trên Bulletin de l'École Française d'Extrême-Orient (B.E.F.E.O.).Hanoi. Tomes 8 (1908), 9 (1909), 10 (1910), 11 (1911), 12 (1912), 13 (1913), 19 (1919), 22 (1922) dưới nhan đề La Justice dans l'Ancien Annam, Traduction et Commentaire du Code des Lê. Năm 1956, dưới sự bảo trợ của Trường Đại học Luật khoa Sàigòn, dịch giả Cao Nãi Quang dịch Quốc triều hình luật sang Việt ngữ.

6 Bên cạnh huyền thoại Nguyễn Mạnh Tường, người cộng sản xây dựng lên nhiều huyền thoại khác trong y học, sinh học. Nhằm chứng tỏ tính ưu việt của nền y khoa xã hội chủ nghĩa, các thầy giáo Đại học Y khoa Hà nội trình bày học thuyết phản xạ của Pavlov theo một nội dung rất độc đáo. Họ chỉ nói vừa phải về phản xạ có điều kiện nhưng họ mở rất rộng học thuyết Pavlov vào lĩnh vực mệnh danh là “thần kinh cao cấp“ qua đó, tạo nên một nhân vật huyền thoại là Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, người tiếp thu Bệnh viện Vì Dân Sàigòn sau 1975, được đổi tên thành Bệnh viện Thống Nhất, chỉ nhận chữa các cán bộ cao cấp trong chế độ cộng sản. Hồi chánh viên Kim Nhật, trong Về “R“ viết như sau về Nguyễn Thiện Thành : “Bác sĩ Nguyễn Minh Nhân, nguyên trong chín năm kháng chiến chống Pháp là bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, Quân y viện trưởng Khu 9, rồi Phân Liên khu Miền Tây. Năm 1954 tập kết ra Bắc được đi học Tiến sĩ Y khoa ở Mát-scơ-va chuyên về Thần kinh cao cấp. Nguyễn Minh Nhân đã đỗ thủ khoa, dẫn đầu mấy trăm y khoa tiến sĩ cùng khoá. Sau đó đi Bình Nhưỡng tham quan và nghiên cứu về khoa châm cứu do Bác sĩ Viện trưởng Viện Châm cứu Bắc Triều Tiên – Kim Bong Han hướng dẫn. Về Hà nội, Nhân được cử giữ nhiệm vụ Chủ nhiệm Khoa Nội, Bệnh viện Quân sự 103 và chuyên gia thần kinh cao cấp ở Trường Đại học Y khoa và Quân sự cao cấp của Viện Nghiên cứu Y học Quân sự Hà nội. Mặt khác, Thành còn là bác sĩ trong Ủy ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung Ương Đảng, phục vụ bảo vệ sức khoẻ lãnh tụ. Năm 1963 đổi tên Nguyễn Thiện Thành ra Nguyễn Minh Nhân, đi tàu biển trở về Nam, đổ bộ lên mũi Cà mau rồi theo đường dây về R, đảm nhận chức vụ Phó Phòng Quân y R kiêm nhiệm chuyên gia nội khoa, cố vấn của Bệnh viện 320 – bệnh viện lớn nhất ở Miền Nam – và giảng viên thần kinh cao cấp của Trường Quân y Trung Cao R.“ (Kim Nhật. Về “R“ (Toàn bộ). Không để tên nhà xuất bản và năm xuất bản. tr. 488-490). Sau 1975, ngấm ngầm chống dốt chống ngu để chống cộng, tôi yêu cầu Ban Giám hiệu Trường Trung học Y tế Trung ương số 3, cơ quan tôi làm việc (cùng với Ngô Thế Vinh, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Khen) thuyết trình đặc biệt cho anh chị em bác sĩ “ngụy“ chúng tôi về học thuyết Pavlov vì chúng tôi không được học về học thuyết này tại Trường Y khoa Sàigòn. Chư vị trong Ban Giám hiệu giẫy nẩy lên và bảo : “Đâu được, tụi tôi đâu có giảng cho mấy anh chị được, để tụi tôi nhờ anh Nguyễn Thiện Thành“. Nhưng rồi không thấy tổ chức cho vị thánh sống về thần kinh cao cấp đến Trường thuyết trình trong khi các bác sĩ “ngụy“ cứ phải luân phiên “báo cáo chuyên môn“ đếu đều, tôi nhắc lại lời yêu cầu mời Giáo sư Tiến sĩ Viện trưởng Nguyễn Thiện Thành đến “lên lớp“ cho anh chị em chúng tôi. Ban Giám hiệu kẹt cứng vì tôi nêu lý do là tôi được giao phụ trách giảng về thần kinh cao cấp cho sinh viên, học viên mà qua suốt quá trình học ở Trường Y khoa, tôi không hề được trang bị các kiến thức liên hệ. Mặc kệ, tôi nói gì thì nói, Ban Giám hiệu cứ hẹn rày hẹn mai. Ngược laị, trong một buổi chấm thi tuyển sinh, nhân dịp ngồi nói chuyện với bà vợ ông Nguyễn Thiện Thành – bà này cũng người Nam như chồng, nhũ danh Dương thị Minh, xuất thân y tá chiến khu, nhưng “phấn đấu“ theo học hệ chuyên tu để trở thành...bác sĩ làm việc ở Chợ Rẫy – tôi nhắc đến học thuyết Pavlov thì bả xì một tiếng rồi bảo tôi : “Thôi anh ơi, tui hỏi anh, khi bệnh nhân không ngủ được thì anh biểu tui cho Valium hay cho Pavlov?“. Tất nhiên bả thoải mái nói thế vì biết tỏng tôi là “ngụy“ và vì chỉ có một mình tôi nghe bả nói câu đó. Vào một dịp khác, Vụ Đào tạo Hậu Đại học Bộ Y Tế tổ chức “bồi dưỡng chuyên môn“ cho các bác sĩ giảng dạy tại các trường Trung học Y tế Phía Nam về giải phẫu sinh lý. Anh Nguyễn Quang Quyền, cùng khoá với anh Bùi Duy Tâm nhưng ở lại không di cư, được chỉ định phụ trách phần giải phẫu, còn tôi phụ trách phần sinh lý. Khoá học do OMS tài trợ phương tiện trợ huấn cụ. Tôi nhận giảng về sinh lý nhưng từ chối không chịu giảng về học thuyết Pavlov, viện lẽ không đủ trình độ; yêu cầu Bộ giao cho Viện trưởng Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành. Làm khó nhau thế nhưng tôi vẫn thất bại, chẳng thấy đại chuyên gia thần kinh cao cấp xuất hiện, mà phần gọi là “sinh lý học thần kinh cao cấp“ được giao cho Bác sĩ Đặng Ngọc Tốt, thuộc bộ môn sinh lý Trường Y Thành Hồ, phụ trách phổ biến. Nếu biết rằng học thuyết về thần kinh cao cấp là một học thuyết lếu láo, nếu biết rằng Kim Bong Han – âm Hán Việt là Kim Phượng Hán – của Bắc Triều Tiên là một gã đại bịp, thì mới thấy kinh tởm : tất cả huyền thoại xung quanh Nguyễn Thiện Thành chỉ xây dựng trên lừa đảo, dối trá trong y học! Huyền thoại học cộng sản xây dựng nên nhân vật Nguyễn Thiện Thành trên cơ sở lường gạt, bịp bợm vẫn cứ được không ít người tin theo – trong số có hồi chánh viên Kim Nhật – y như những lý thuyết bệnh hoạn điên rồ “xã hội xã hội chủ nghĩa không còn cảnh người bóc lột người, trong xã hội đó của cải vật chất dư thừa, mọi người làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu“ đã từng và vẫn còn là bùa mê thuốc lú đối với hàng triệu hàng tỉ con người. Con trai Nguyễn Thiện Thành là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, đương kim Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Việt cộng.
Người chính thức tiếp thu Trường Đại học Y khoa Sàigòn sau 1975 và làm Khoa trưởng Trường là Giáo sư Bác sĩ Trương Công Trung. Đây cũng lại là một nhân vật ít nhiều huyền hoặc. Xin tiếp tục đọc Kim Nhật : “Hoàng Minh Thọ tức Trương Công Trung, nguyên Quân y viện phó Khu 9, cùng với Nguyễn Thiện Thành là cặp bài trùng y khoa nổi danh ở miền Tây trong thời kháng chiến chống Pháp. Nếu Nguyễn Thiện Thành chẩn đoán nội khoa “bá phát bá trúng“, điều trị cừ, sáng chế ra dược liệu Filatov ở miền Nam đầu tiên thì Trương Công Trung dù chỉ xuất thân là sinh viên y khoa năm thứ tư (?,TVT), chiến trường Khu 9 đã tạo cho Trung trở thành một bác sĩ ngoại khoa lỗi lạc, mổ nhanh như gió, giải quyết mọi ca hóc hiểm nhất của chiến trường miền Tây. Năm 1954 tập kết ra Hà nội, Trung được đưa sang Liên xô làm nghiên cứu sinh ngoại khoa chuyên về bụng và ngực, giật mảnh bằng tiến sĩ y khoa của Viện Hàn lâm Y học Liên xô. Về Hà nội, Trương Công Trung làm chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện quân sự 103 và là chuyên gia ngoại, giảng ở Trường Đại học Y khoa và Trường Quân y Cao cấp của Viện Nghiên cứu Y học Quân sự Hà nội. Cùng lúc với Thành, Trung cũng vào Nam cuối năm 1963, đi bằng tàu xung kích đổ bộ ở bờ biển Ba tri (Bến tre). Từ Bến tre, Trung được đưa một mạch về R giữ nhiệm vụ Phó Trưởng phòng Quân y R kiêm Hiệu trưởng Trường Quân y Trung Cao R và là chuyên gia ngoại khoa của bệnh viện 320. Từ đó, tên được cải đổi là Hoàng Minh Thọ. Cả hai đều mang cấp bậc Thượng tá Quân y, hai trong bốn Phó Phòng Quân y R. Về quân y ở miền Nam, hai nhân vật đó được xem là hai “sư tổ“, “oai danh trùm thiên hạ“ chưa một nhân vật nào có thể được xếp ngang hàng dù rằng cũng được học ở Liên xô, Đông Đức trở về.“ (Kim Nhật, tlđd). Cá nhân tôi chưa hề được gặp ông Trương Công Trung này nhưng chắc nhiều đồng nghiệp Miền Nam bị kẹt lại sau 1975 biết ông ta.

Nhà sinh học xã hội chủ nghĩa Trofim Denissovitch Lyssenko (1898-1976) phủ nhận sự hiện hữu và/hoặc vai trò của gen. Học thuyết Lyssenko xem công trình của Mendel trong di truyền học chỉ có giá trị thống kê học mà không đạt được trình độ học thuyết sinh vật học. Theo Lyssenko, học thuyết Mendel không vạch rõ các qui luật thật của tính di truyền mà chỉ mượn những phương pháp toán học hình thức thay thế cho việc nghiên cứu các hiện tượng về mặt sinh vật học. Cùng với những nhà khoa học của nền sinh học duy vật chủ nghĩa khác, Lyssenko khẳng định rằng việc nhận thức các qui luật phát triển của cơ thể tất yếu sẽ giúp cho việc chỉ đạo sự hình thành và phát triển các tính cách của đời sau được luôn luôn tốt hơn – tốt hơn hàm nghĩa phù hợp với nhu cầu uốn nắn, đào tạo, quản lý, cải tạo xã hội chủ nghĩa mà mục tiêu tối hậu không nói ra ai cũng biết, là hình thành con người mới, con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lyssenko tiến hành thí nghiệm tác dụng của độ lạnh trên nhiều loại lúa mì rồi tuyên bố rằng qua một tiến trình chọn lọc kỹ lưỡng các loại thực vật để tạp giao và trong những điều kiện trồng trọt hợp với bản tính của giống lai, người ta có thể gây được một chủng loại hậu duệ hoàn toàn đồng thể. Trong tác phẩm Nông nghiệp sinh vật học phát hành năm 1952, Lyssenko đã viện dẫn nhiều tài liệu thực nghiệm nhằm hoàn toàn bác bỏ học thuyết Mendel cùng các định luật bị xem là giả dối của Mendel. Lyssenko tuyên bố tính di truyền sẽ xuất hiện trở lại trong quá trình phát triển của một cá thể thuộc một chủng loại động vật/thực vật nhất định nếu có những điều kiện bên ngoài thuận lợi. Bằng không thì cơ thể sẽ thay đổi và tính di truyền, về phương diện nó là đặc tính của sinh vật, cũng sẽ thay đổi nốt. Nếu có đủ các điều kiện cần thiết thì những thay đổi đó sẽ trở thành cố định và sẽ đi vào phát dục hệ thống. Mao Trạch Đông hết lòng ủng hộ Lyssenko. Tuy nhiên tại Cộng hoà Dân chủ Đức, giới khoa học không theo Lyssenko, do thái độ sáng suốt của Hans Stubbe, nhờ thế nền kinh tế nông nghiệp Đông Đức không bị ảnh hưởng tai hại.
Kim Bong Han/Kim Phượng Hán là cha đẻ hệ Kim Phương Hán (Bong Han system). Theo họ Kim, trong cơ thể con người có một hệ thống dẫn truyền bên cạnh hệ thần kinh và hệ huyết mạch. Hệ này gồm những ống dẫn, những tiểu thể mà Kim Phượng Hán báo cáo là đã quan sát được, đã nhuộm sắc được. Đó là hệ thống ống dẫn Kim Phượng Hán (Bong Han duct), tiểu thể Kim Phượng Hán (Bong Han corpuscule), vận chuyển chất dịch Kim Phượng Hán (Bong Han liquor ). Hệ Kim Phượng Hán nuôi tham vọng giải thích một cách duy vật cung cách tác động của khoa châm cứu cổ truyền; theo đó, luồng kích thích từ các kim châm khởi xuất, truyền đi theo các ống dẫn Kim Phượng Hán đến các tiểu thể Kim Phượng Hán. Nói cách khác, Kim Phượng Hán đã phát hiện ra cơ sở cơ thể học của khoa châm cứu. Tuy nhiên học thuyết Kim Phượng Hán gây rất nhiều tranh cãi và nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ, kể cả những đồng nghiệp đồng chí của họ Kim ở Roumanie, Albanie.

Pavlov, Lyssenko, Kim Bong Han mỗi người một vẻ, dốc tâm phụng sự chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa xã hội. Áp dụng hoạt động thần kinh cao cấp theo Pavlov (?) có thể “cải tạo“ con người; biến đổi chức năng di truyền theo Lyssenko có thể đào tạo những chủng loại người mới, ứng dụng hệ Kim Bong Han có thể vật chất hoá hệ thống kinh mạch của khoa châm cứu! .

7 Cái quan định luận : khi nắp quan tài đã đậy lại rồi thì xã hội có quyền bàn luận về công, tội của một người.
 
BS.Trần Văn Tích

Tuesday, February 26, 2013

Thơ Huy Phương

 HUẾ OAN KHIÊN
 
Để nhớ những oan khuất Mậu Thân (1968)
 
Chiêng trống nào xin hãy nổi lên
 Gọi hồn vất vưởng chốn oan khiên
 Quan quân uổng tử giờ lâm trận
 Tử tội thân lê đoạn xích xiềng.

Những giọt đàn bầu tiếng nỉ non
 Nhị hồ réo rắt gọi vong hồn
 Cửa thành xương thịt phơi năm hướng
 Máu đỏ chan hòa cát biển đông.

Hãy thổi lên một đoạn sáo buồn
 Trong đêm than thở tiếng ca ngâm
 Gọi hồn lãng đãng chưa siêu thoát
 Gọi xác ngậm ngùi chưa rửa tan.

Xương thịt nào của những bách dân
 Chôn vùi dưới hào lũy Khiêm Lăng
 Kinh đô thịt nát ngày thất thủ
 Sọ trắng giăng hàng tết Mậu Thân.

Hãy gióng lên ơi những hồi chuông
 Vang về vách núi, dội ven sông
 Hồi chuông siêu thoát cho oan khuâát
 Lạnh lẽo âm thầm chẳng khói hương.

Hãy đánh lên ơi những tiếng cồng
 Tù và rúc gọi hồn lưu vong
 Tuổi trai tan nát đời chinh chiến
 Đầu núi, thân non, chân đạp rừng.

Xin gọi trăng soi khe Đá Mài
 Thời gian rêu phủ mảnh đầu ai
 Bãi Dâu đau xót hồn Gia Hội
 Phú Thứ tóc vương trảng cát dài.

Xin tụng cho hồn một thửa kinh
 Được nơi bến Giác, ngộ duyên lành
 Vượt qua hết kiếp trầm luân ấy
 Nếu thật hồn ơi có hiển linh!

Hãy dựng lên trăm tháp trai đàn
 Xin cùng trì chú với chư tăng
 Đốt nghìn ngọn nến lung linh sáng
 Rưới rượu cho hồn được giải oan.

Mệnh sử một thời mảnh đất Chiêm
 Nghìn năm thương Huế nỗi oan khiên
 Nam ai một khúc ca đòi đoạn
 Trăng khuyết, nhang khuya, lạnh miếu đền…

HUY-PHƯƠNG
@hdhqt

Monday, February 25, 2013

E.US

 
Một thế cân bằng địa chính trị mới    
 
Một khu khai thác khí đá phiến ở Pennsylvanie, Hoa KỳVới trữ lượng dồi dào và chi phí sản xuất rẻ, trong chính sách năng lượng của mình, Hoa Kỳ cho là khí đá phiến có thể thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Báo Financial Times của Anh Quốc nhận định rằng, một khi không còn cần đến dầu hỏa của vùng Vịnh nữa, Mỹ có thể sẽ từ bỏ vai trò cảnh sát biển quốc tế trong khu vực mà họ nắm giữ từ nhiều thập niên qua. Thế nhưng điều này lại có thể gây phiền toái cho Bắc Kinh.(Right Một khu khai thác khí đá phiến ở Pennsylvanie, Hoa Kỳ Nina Berman / NOOR_)

Cách mạng khí đá phiến rất có thể sẽ làm thay đổi diện mạo năng lượng trên toàn cầu. Liên quan đến chủ đề này, tuần san Courrier International trích đăng bài nhận định của Financial Times qua hàng tựa « Một thế cân bằng địa chính trị mới ».

Theo học thuyết quân sự của Carter vào năm 1980, Hoa Kỳ có thể sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của mình tại vùng Vịnh. Và học thuyết này đã được Mỹ áp dụng từ nhiều thập niên nay, nhằm bảo vệ con đường hàng hải huyết mạch nối liền các nước dầu hỏa vùng Vịnh với phần còn lại của thế giới.

Nhưng giờ đây, chính sách này đang dần thay đổi. Các cuộc chiến mệt mỏi tại Afghanistan và tại Irak, khủng hoảng tài chính năm 2008, suy thoái và thâm thủng ngân sách ngày càng lớn đã hướng Washington quay về thực tại. Công luận ngày càng ít hào hứng với một chính sách đối ngoại theo kiểu gây hấn.

Theo phân tích của Financial Times, nhờ vào việc sử dụng rộng rãi phương pháp nứt vỉa thủy lực, Hoa Kỳ từ chỗ thâm hụt khí đốt trở thành thặng dư, và xem đây như là một ngành công nghiệp mới. Hiện tại, Mỹ là quốc gia có sản lượngdầu và khí gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn phát triển dự án khai thác dầu ở vùng nước sâu tại vùng vịnh Mêhicô và gia tăng việc sản xuất khí đá dầu. Nếu kể thêm việc khai thác cát bi-tum tại Canada, vùng Bắc Mỹ đã có thể đủ tự cung cấp cho nhu cầu của chính mình. Như vậy, điều này có lẽ làm biến đổi hoàn toàn vai trò mà Mỹ đang nắm giữ trên thế giới.

Vấn đề hóc búa cho Trung Quốc

Financial Times nhận định rằng nếu như Hoa Kỳ ngày càng giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu bên ngoài, thì ngược lại nhu cầu của Trung Quốc ngày càng tăng. Hiện tại, hơn 50% lượng dầu hỏa tiêu thụ tại vùng châu Á – Thái Bình Dương là nhập từ vùng Trung Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng phải đối diện nhiều với những bất ổn trong vùng Vịnh.
Ông John Mitchell, chuyên gia về các vấn đề năng lượng cho Hội tham vấn Anh Quốc Chatham House, giải thích rằng “do phần lớn lượng dầu cung cấp vận chuyển qua eo biển Ormuz là cho châu Á, đảm bảo an ninh cho nguồn cung cấp không còn liên quan đến Hoa Kỳ nữa. Giờ đây, đó sẽ là vấn đề của riêng châu Á”.

Như vậy, nếu Hoa Kỳ không còn giữ vai trò sen đầm quốc tế nữa, vậy thì ai bây giờ? Trung Quốc ư? Financial Times trích dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh vẫn chưa đủ khả năng để đảm nhận vai trò này. Nếu so sánh về mặt tương quan lực lượng, năng lực của hải quân Trung Quốc vẫn còn xa mới sánh bằng với Mỹ. Hoa Kỳ sở hữu đến 11 tàu sân bay, trong khi đó Trung Quốc chỉ mới có một, vừa được tung ra vào hồi tháng 9 rồi.

Một số chuyên gia khác còn cho rằng, vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải cũng có thể trở thành một đồng tiền trao đổi trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ. Cũng theo ông John Mitchell, trong trường hợp một khủng hoảng mới xảy ra tại vùng Vịnh, Washington có thể sẽ chấp nhận bảo đảm an ninh cho việc giao hàng, với điều kiện Bắc Kinh phải có một số nhượng bộ. Chẳng hạn như yêu cầu Trung Quốc phải có thái độ đúng đắn trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước đồng minh của Mỹ tại Đông Á như Đài Loan, Nhật Bản và Philippines.

Thế nhưng, cũng có nhiều chuyên gia loại bỏ khả năng Hoa Kỳ rút quân khỏi vùng Vịnh. Ông David Goldwyn, giám đốc Văn phòng tư vấn Goldwyn Global Strategies, tiên lượng rằng, dù lượng nhập khẩu có thể giảm nhiều, nhưng Hoa Kỳ vẫn có thể bị lung lay trong trường hợp giá dầu thô bùng phát. Và hiện vẫn chưa có nguồn nhiên liệu nào có thể thay thế dễ dàng dầu hỏa trong ngành vận tải. Vì vậy, Mỹ vẫn phải tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình tại vùng Trung Đông và tiếp tục bảo vệ các tuyến đường hàng hải cũng như các điểm chiến lược như eo biển Ormuz chẳng hạn.

Financial Times trích kết luận của ông Ed Morse, phụ trách nghiên cứu về nguyên liệu cho Citigroup cho rằng, “dù gì đi nữa, trong một thế giới luôn phải đối mặt với nạn khủng bố và cuộc chiến Internet, thì biên giới của Hoa Kỳ là toàn cầu”.

Minh Anh
@rfi

Sunday, February 24, 2013

E.US

 Năm 2013 
sự tái xuất của nhãn hiệu "Made in US"

Trên trang báo này, các tuần vừa qua, Trẻ đã gửi đến bạn vài ghi nhận về khuynh hướng và dự báo chung cho năm mới 2013. Chúng tôi tạm khép đề tài này với một xu thế mới: các công ty hãng xưởng Hoa Kỳ đang âm thầm trở về lại Mỹ. Giới quan sát kinh tế dự báo năm 2013 sẽ chứng kiến sự tái phát thịnh của kỹ nghệ sản xuất, có thể làm thay đổi căn cơ nền kinh tế quốc gia.

Ngày càng nhiều các công ty hãng xưởng Hoa Kỳ mở cuộc hồi hương. Và trở về cùng với chúng là kỹ nghệ sản xuất.

Khảo sát thị trường tiết lộ có 37% những công ty với doanh số $1 tỉ đang cân nhắc đưa các dây chuyền sản xuất từ Trung cộng về lại Mỹ trong thời gian tới.

Có nhiều lý do các công ty hãng xưởng Hoa Kỳ hồi hương. Thứ nhất, giá xăng dầu đắt hơn 10 năm trước, khiến việc vận chuyển tốn kém.

Sự khai thác ồ ạt khí tự nhiên (natural gas) tại Mỹ giúp hạ giá năng lượng, rất cần để vận hành các cơ sở sản xuất (ngày nay, khí tự nhiên ở Á Đông đắt hơn tại Mỹ đến 4 lần). Chưa kể các chánh sách ở mọi cấp độ chánh quyền đang dành khá nhiều ưu đãi hấp dẫn để thu hút giới chủ nhân quay về Mỹ.

Hãng General Electric năm ngoái đã đưa công việc sản xuất máy giặt, tủ lạnh, và máy nước nóng từ Trung cộng về... đóng đô tại một cơ sở nội địa ở tiểu bang Kentucky. Có thể nói GE là một trong những mãnh lực đi đầu trong việc tái mở cửa các cơ sở sản xuất tại Mỹ. Họ mở hầu bao, đầu tư trên $800 triệu để tái thiết một cơ sở chuyên sản xuất đồ điện gia dụng đặt tại Appliance Park (Louisville, Kentucky). Tiếp bước GE, hãng hàng không Ball Aerospace vừa hoàn tất một cơ sở sản xuất $75 triệu ở Boulder, Colorado. Hãng Google thì quyết định sản xuất máy "Nexus Q" tại San Jose, California. Nhà bán lẻ khổng lồ Walmart cũng vừa ra tuyên cáo sẽ bày bán lượng hàng hoá trị giá $50 tỉ, với nhãn hiệu "Made in USA", trong vòng 10 năm tới.
 
Cơ sở sản xuất của hãng General Electric tại Appliance Park (Louisville, Kentucky).

Khi bắt gặp hàng hoá nhãn hiệu Trung cộng khắp nơi, nhiều người có thể ngộ nhận là Trung cộng khống chế cả thế giới. Tuy nhiên, hàng hoá "Made in China" đa phần tập trung nơi các món gia dụng, rẻ tiền, như đồ chơi trẻ con, quần áo, dụng cụ nhà bếp, v.v...

Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, trên thực tế, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia với kỹ nghệ sản xuất hùng mạnh nhất hoàn cầu. Mỗi năm, kỹ nghệ sản xuất thu đạt doanh số $1,800 tỉ. Trái với Trung cộng, người Mỹ sản xuất những món hàng dạng "độc chiêu": máy móc lớn và các loại phụ tùng thay thế (32%); xe hơi và phụ tùng xe (10.5%); phi cơ các loại (8%)... Những quốc gia khác xếp sau người Mỹ về sản xuất: Trung cộng (doanh số $1,106 tỉ); Nhật Bổn/Japan ($926 tỉ); Đức Quốc/Germany ($670 tỉ)...

Các thập niên trước, nhiều công ty hãng xưởng đua nhau xuất cảng công việc và công nghệ ra ngoại quốc, chánh yếu ở Trung cộng (offshoring). Lý do lớn nhằm để tận dụng nhân công rẻ. Ngày nay, nỗ lực mang công ăn việc làm về lại Mỹ được cân nhắc thiệt hại kỹ lưỡng, với nhiều yếu tố đan xen phức tạp. Người ta tin rằng với sự cẩn trọng này, lần tới công ăn việc làm sẽ không vỗ cánh bay đi dễ dàng khỏi nước Mỹ nữa.
 
Một thợ may giày của hãng Rancourt & Co. ở Lewiston, Maine. Đây là một trong những nhãn hiệu phát thịnh trở lại nhờ nhu cầu muốn có sản phẩm "Made in the USA" của khách hàng Mỹ.

Cũng cần phải kể đến yếu tố yểm trợ của khách hàng Hoa Kỳ. Khảo sát thị trường có trên 80% người Mỹ nói họ sẵn sàng trả tiền cao giá hơn để mua lấy sản phẩm hiệu "Made in America". Với các món đồ chơi trẻ em bằng gỗ, họ chịu trả cao hơn 60%. Với các loại điện thoại, họ chịu trả giá cao hơn 30%. Được hỏi lý do, có trên đến 90% cho biết họ muốn giúp phục hưng kỹ nghệ sản xuất và giúp tạo thêm công ăn việc làm cho xứ sở. Cứ mỗi người trích thêm chỉ 1% ngân sách tiêu xài cá nhân để mua hàng hoá nhãn hiệu "Made-in-USA", có thể giúp tạo thêm 250,000 công ăn việc làm mới.

Uy tín cao của nhãn hiệu "Made-in-USA" cũng kéo theo nạn làm hàng nhái, hàng giả. Thẩm quyền liên bang về bản quyền vẫn thường nhận nhiều than phiền mỗi tháng về các nhãn hiệu "Made-in-the-USA" bất khả tín. Về phía người tiêu thụ, cũng cần để ý vài... mánh khoé sơ đẳng nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Nếu bạn gặp các nhãn hiệu có những chữ "Made", "Produced", "Product of", hoặc "Manufactured" ở Mỹ, thì đó đúng là hàng hoá sản xuất tại nội địa Hoa Kỳ (trừ trường hợp hàng giả). Còn nếu nhãn hiệu được sáng tác kiểu ỡm ờ như "Created" hoặc "Designed" ở Mỹ, thì đích thực chúng được làm ở ngoại quốc rồi.

Tháng Mười Hai năm ngoái, các công ty Hoa Kỳ đặt hàng kỹ nghệ sản xuất tăng lên 4.6%, riêng về vật dụng kỹ thuật hàng không tăng 10%. Đây là dấu chỉ khả quan cho năm 2013.

Cũng trong dòng tin vui, hãng Caterpillar công bố mục tiêu doanh số đạt được trong năm từ $60 tỉ đến $68 tỉ. Caterpillar là nhà sản xuất lớn, chuyên trị các máy móc khổng lồ cho kỹ nghệ xây dựng, kỹ nghệ hầm mỏ, các máy phát điện công nghiệp... Theo dõi sự tiến triển hay sa sút của Caterpillar cũng có thể là một cách bắt mạch nền kinh tế.
 
Thành phố Houston, Texas là một trung tâm sản xuất lớn ở Mỹ, với khoảng 1/4 triệu công ăn việc làm.

Tính chung, kỹ nghệ sản xuất vẫn đang nắm giữ hơn 11 triệu công ăn việc làm ở Hoa Kỳ. Từ đầu năm 2010 đến hè năm 2012, ngành sản xuất thêm khoảng 500,000 công ăn việc làm, là mức gia tăng nhanh nhất trong gần hai thập niên qua. Từ Tháng Sáu 2009, hàng hoá sản xuất tại Mỹ tăng gần 20%. Kỹ nghệ sản xuất cũng là nguồn đầu tư chánh để khích lệ nhiều phát minh sáng chế - chiếm khoảng 70% tài trợ của các công ty hãng xưởng tư nhân. Ngay cả Toà Bạch Ốc cũng cho thiết lập một nhóm đặc nhiệm, tên gọi "Office of Manufacturing Policy" (văn phòng về chánh sách sản xuất) để giúp điều hợp, yểm trợ kỹ nghệ sản xuất.

Ngày nay, trong các thành phố Hoa Kỳ, Houston (tiểu bang Texas) đứng đầu với gần 250,000 việc làm trong ngành sản xuất. New York City (tiểu bang New York) thứ nhì với khoảng 150,000 việc làm. Thành phố Chicago (tiểu bang Illinois) có khoảng 110,000 người sinh kế nhờ kỹ nghệ sản xuất.

Không phải trong xã hội chỉ toàn công việc văn phòng, dịch vụ, như bác sĩ, nha sĩ, luật sư, chuyên viên tài chánh đầu tư, v.v... Các công việc "thợ thuyền" (Blue Collar) một thời tưởng đã thuộc về quá khứ, nay đang tái xuất giang hồ, với ít nhiều hứa hẹn. Đây là sự điều chỉnh tự nhiên, tự thân, và rất bình thường trong môi trường kinh tế tự do.
 
Thanh Dũng

Saturday, February 23, 2013

Obama 2013 Federal Speech

 
THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG 2013
CỦA TNG THỐNG MỸ BARACK OBAMA

 
Đồi Capitol, Washington D.c, 12/2/2013

Thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, thưa ngài Phó Tổng thống, thưa các nghị sĩ Quốc hội cùng toàn thể đồng bào Mỹ!

Cách đây 51 năm, Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố trước Căn phòng này rằng “Hiến pháp làm cho chúng ta không phải là những đối thủ tranh giành quyền lực mà là những đối tác vì sự tiến bộ… Nhiệm vụ của tôi”, ông nói, “là báo cáo Tình hình liên bang – còn cải thiện nó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta”. Tối nay, nhờ có sự can đảm và chịu đụng và quyết tâm của người dân Mỹ, có rất nhiều tiến bộ đề báo cáo. Sau một thập kỷ chiến tranh gây biết bao đau khổ, những quân nhân gan dạ nam cũng như nữ của chúng ta đang trở về nhà. Sau nhiều năm suy thoái gay go, các doanh nghiệp của chúng ta đã tạo ra được hơn 6 triệu việc làm mới. Chúng ta mua nhiều ô tô của Mỹ hơn so với trong 5 năm qua, và mua ít dầu lửa của nước ngoài hơn so với trong 20 năm qua. Thị trường nhà ở của chúng ta đang lành mạnh trở lại, thị trường chứng khoán của chúng ta đang phục hồi, và người tiêu dùng, các bệnh nhân và những người sở hữu nhà ở được hưởng những sự bảo vệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
 
Cùng nhau, chúng ta đã dọn sạch những tàn tích của cuộc khủng hoảng, và có thể nói với niềm tin được phục hồi rằng liên bang của chúng ta đang mạnh hơn lên.

Nhưng chúng ta tập hợp ở đây để biết rằng có hàng triệu người Mỹ mà sự làm việc vất vả và lòng tận tụy của họ vẫn chưa được tặng thưởng. Nền kinh tế của chúng ta đang tạo thêm được nhiều việc làm – nhưng quá nhiều người dân của chúng ta vẫn chưa thể tìm được việc làm đầy đủ thời gian. Lợi nhuận công ty đã tăng vọt không gì sánh kịp – nhưng trong hơn một thập kỷ, lương và thu nhập vẫn tăng không đáng kể.

Do đó, nhiệm vụ của thế hệ chúng ta là tái khởi động động cơ thực sự của sự tăng trưởng kinh tế Mỹ – một tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy, phát triển thịnh vượng.

Nhiệm vụ chưa hoàn thành của chúng ta là khôi phục thỏa thuận cơ bản xây dựng nên đất nước này – ý tưởng cho rằng nếu bạn làm việc chăm chỉ và thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của bạn, bạn có thể phát triển, không cần biết bạn xuất thân từ đâu, bạn trông như thế nào hay bạn yêu mến ai.

Nhiệm vụ chưa hoàn thành của chúng ta là đảm bảo chắc chắn rằng chính phủ nàv làm việc nhân danh nhiều người, chứ không phải chỉ một vài người; rằng nó khuyến khích hoạt động kinh doanh tự do, tặng thưởng sáng kiến cá nhân, và mở ra những cánh cửa cơ hội cho mỗi trẻ em trên khắp quốc gia rộng lớn này.

Người dân Mỹ không trông đợi chính phủ giải quyết mọi vấn đề. Họ không trông đợi những người chúng ta trong căn phòng này nhất trí về mọi vấn đề. Nhưng họ trông đợi chúng ta đặt những lợi ích của quốc gia lên trước những lợi ích đảng phái. Họ trông đợi chúng ta tạo dựng một sự thỏa hiệp họp lý mà chúng ta có thể. Vì họ biết rằng nước Mỹ chỉ có thể tiến lên khi chúng ta làm như vậy cùng nhau; và rằng trách nhiệm của việc cải thiện liên bang này vẫn là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.

Công việc của chúng ta phải bắt đầu bằng việc đưa ra một số quyết định cơ bản về ngân sách của chúng ta – những quyết định sẽ có một tác động lớn đến sức mạnh của sự phục hồi của chúng ta.

Trong mấy năm qua, cả hai đảng đã làm việc cùng nhau để giảm bớt thâm hụt hơn 2.500 tỉ USD – phần lớn thông qua những cắt giảm chi tiêu, nhưng cũng bằng cách tăng thuế đối với 1% số người Mỹ giàu có nhất. Kết quả là, chúng ta đã đi được hơn nửa chặng đường tiến tới mục tiêu cắt giảm thâm hụt 4.000 tỉ USD mà các nhà kinh tế nói rằng chúng ta cần để ổn định nền tài chính của chúng ta.

Giờ đây, chúng ta cần kết thúc công việc này. Và câu hỏi là, bằng cách nào?

Năm 2011, Quốc hội đã thông qua một đạo luật rằng nếu cả hai đảng không thể nhất trí về một kế hoạch nhằm đạt tới mục tiêu về mức thâm hụt của chúng ta, những cắt giảm ngân sách trị giá khoảng 1.000 tỉ USD sẽ tự động có hiệu lực trong năm nay. Những cắt giảm đột ngột, khắc nghiệt, tùy tiện sẽ gây nguy hiểm cho sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội chúng ta. Những sự cắt giảm này sẽ hủy hoại những ưu tiên như giáo dục, năng lượng và nghiên cứu y khoa. Những sự cắt giảm này chắc chắn sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi của chúng ta, làm chúng ta mất đi hàng trăm nghìn việc làm. Đó là lý do giải thích tại sao nhũng người thuộc đảng Dân chủ, những người thuộc đảng Cộng hòa, những người đứng đầu doanh nghiệp và các nhà kinh tế đã nói rằng những sự cắt giảm này, được biết đến ở đây ở Washington là “sự tịch thu tạm thời”, là một ý tưởng tồi.

Giờ đây, một số người trong Quốc hội này đã đề xuất chỉ ngăn chặn những cắt giảm về quốc phòng bằng cách đưa ra những cắt giảm thậm chí còn lớn hơn đối với những vấn đề như giáo dục và đào tạo việc làm; những phúc lợi của chương trình Chăm sóc sức khỏe và An sinh xã hội.

Ý tưởng đó thậm chí còn tồi tệ hơn. Đúng vậy, khoản lớn nhất trong nợ dài hạn của chúng ta là chi phí ngày càng tăng của việc chăm sóc sức khỏe cho một dân số đang già đi. Và những người trong chúng ta, những người quan tâm sâu sắc về các chương trình như Chăm sóc sức khỏe, phải chấp nhận sự cần thiết phải có những cải cách khiêm tốn – nếu không, các chương trình hưu trí của chúng ta sẽ hút hết các khoản đầu tư mà chúng ta cần cho con em chúng ta, và làm tiêu tan sự hứa hẹn về một sự về hưu an toàn cho các thế hệ tương lai.

Nhưng chúng ta không thể yêu cầu những công dân nhiều tuổi và các gia đình lao động phải gánh toàn bộ gánh nặng cắt giảm thâm hụt trong khi không đòi hỏi gì thêm từ những người giàu có nhất và có quyền lực nhất. Chúng ta sẽ không phát triển tầng lớp trung lưu đơn giản bằng việc chuyển chi phí chăm sóc sức khỏe hay đại học sang các gia đình đã phải vật lộn với khó khăn, hav bằng việc buộc các cộng đồng phải sa thải nhiều giáo viên, cảnh sát và lính cứu hỏa hơn. Hầu hết người dân Mỹ – những người thuộc đang Dân chủ, những người thuộc đảng Cộng hòa và những người độc lập – đều hiểu rằng chúng ta không thể cắt bỏ con đường tiến tới sự thịnh vượng của chúng ta. Chúng ta biết rằng sự tăng trưởng kinh tế trên cơ sở rộng rãi đòi hỏi phải có một đường hướng cân bằng đối với việc cắt giảm thâm hụt, với những cắt giảm chi tiêu và thu nhập, và với mọi người đang làm phần công việc công bằng của họ. Và đó là đường hướng mà tôi đề nghị tối nay.

Đối với Chươg trình Chăm sóc sức khỏe, tôi sẵn sàng đưa ra những cải cách sẽ đạt được số lượng tương đương những khoản tiết kiệm về chăm sóc sức khỏe vào thời điểm bắt đầu của thập kỷ tiếp theo như những cải cách được ủy ban Simpson-Bowles của hai đảng đề xuất. Đạo luật Chăm sóc sức khỏe có đủ khả năng đang góp phần làm chậm lại sự gia tăng những chi phí về chăm sóc sức khỏe. Những cải cách mà tôi sẽ đề xuất thậm chí còn đi xa hơn nữa. Chúng ta sẽ giảm bớt các khoản trợ cấp cho đối tượng nộp thuế đối với các công ty sản xuất thuốc kê đơn và yêu cầu nhiều hơn từ những người già giàu có nhất. Chúng ta sẽ giảm bớt những chi phí bằng việc thay đổi cách thức mà chính phủ chúng ta trả cho Chương trình Chăm sóc sức khỏe, bởi các hóa đơn khám sức khỏe của chúng ta không nên dựa trên số lượng các xét nghiệm được yêu cầu hay số ngày nằm viện – chúng cần phải được dựa trên chất lượng chăm sóc mà người già của chúng ta nhận được. Và tôi sẵn sàng tiếp nhận những cải cách bổ sung từ cả hai đảng, chừng nào mà những cải cách này không vi phạm sự đảm bảo về một sự về hưu an toàn. Chính phủ chúng ta không nên đưa ra những hứa hẹn mà chúng ta không thể thực hiện được – nhưng chúng ta phải giữ những lời hứa mà chúng ta đã đưa ra.

Để đạt được phần còn lại của mục tiêu cắt giảm thâm hụt của chúng ta, chúng ta cần phải làm những gì mà các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng đã đề xuất, và tiết kiệm hàng trăm tỉ USD bằng việc tránh những kẽ hở và những khấu trừ thuế cho những người giàu có và những người có quan hệ với giới thượng lưu. Xét cho cùng, tại sao chúng ta lại lựa chọn có những cắt giảm sâu hơn nữa đối với giáo dục và Chương trình Chăm sóc sức khỏe chỉ đê bảo vệ những sự phá vỡ thuế lợi ích đặc biệt? Điều đó công bằng như thế nào? Điều đó thúc đẩy tăng trưởng ra sao?

Lúc này là cơ hội tốt nhất của chúng ta đối với vấn đề cải cách thuế toàn diện của hai đảng, cải cách khuyến khích tạo công ăn việc làm và góp phần giảm thâm hụt. Người dân Mỹ xứng đáng được hưởng một bộ luật thuế giúp các doanh nghiệp nhỏ mất ít thời gian hơn để điền vào các mẫu đơn phức tạp, và dành nhiều thời gian hơn để mở rộng sản xuất và thuê nhân công; một bộ luật thuế đảm bảo các nhà tỉ phú với các nhân viên kế toán có năng lực không thể trả một mức thuế thấp hơn so với các thư ký làm việc vất vả của họ; một bộ luật thuế giảm bớt những sự khích lệ chuyển việc làm ra nước ngoài, và giảm thuế đối với các doanh nghiệp và các nhà sản xuất tạo công ăn việc làm ngay tại đây, ở nước Mỹ này. Đó là những gì mà cải cách thuế có thể mang lại. Đó là những gì mà chúng ta có thể làm cùng nhau.

Tôi thừa nhận rằng cải cách thuế và cải cách chế độ đặc quyền sẽ không hề dễ dàng. Hoạt động chính trị sẽ khó khăn đối với cả hai bên. Không ai trong chúng ta sẽ nhận được 100% những gì chúng ta muốn. Nhưng lựa chọn thay thế sẽ làm chúng ta mất đi việc làm, làm tổn thương nền kinh tế của chúng ta, và gây khó khăn cho hàng triệu người dân Mỹ làm việc chăm chỉ. Bởi vậy, chúng ta hãy gạt sang một bên những lợi ích đảng phái, và làm việc để thông qua một ngân sách thay thế những cắt giảm thiểu thận trọng bằng những khoản tiết kiệm thông minh và những sự đầu tư khôn ngoan vào tương lai của chúng ta. Và chúng ta hãy làm điều đó mà không có “chính sách bên miệng hố chiến tranh” nhằm vào người tiêu dùng và xua đuổi các nhà đầu tư. Quốc gia vĩ đại nhất trên Trái đất này không thể duy trì sự quản lý doanh nghiệp của mình bằng việc trôi dạt từ cuộc khủng hoảng sản xuất này sang cuộc khủng hoảng tiếp theo. Chúng ta hãy nhất trí, ngay tại đây, vào lúc này, duy trì chính phủ của nhân dân cởi mở, trả các hóa đơn của chúng ta đúng hạn, và luôn luôn giữ gìn niềm tin đầy đủ và uy tín của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Người Mỹ đã làm việc quá vất vả, trong thời gian quá dài, tái thiết từ một cuộc khủng hoảng không phải để thấy những quan chức được bầu lên của họ gây ra một cuộc khủng hoảng khác.

Giờ đây, hầu hết chúng ta đều nhất trí rằng một kế hoạch cắt giảm thâm hụt phải là một phần của chương trình nghị sự của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng phải rõ ràng là: chỉ riêng cắt giảm thâm hụt không phải là một kế hoạch kinh tế. Một nền kinh tế đang tăng trưởng tạo ra những việc làm tốt, cho tầng lớp trung lưu – đó phải là Ngôi sao Phương Bắc dẫn dắt những nỗ lực của chúng ta. Hàng ngày, chúng ta cần phải tự hỏi mình 3 câu hỏi với tư cách là một quốc gia: Chúng ta thu hút nhiều công ăn việc làm hơn đến lãnh thổ của chúng ta như thế nào? Chúng ta trang bị cho người dân của chúng ta những kỹ năng cần thiết để làm những công việc đó như thế nào? Và chúng ta đảm bảo chắc chắn như thế nào rằng làm việc chăm chỉ đưa đến một cuộc sống tươm tất?

Cách đây một năm rưỡi, tôi đã đề xuất Đạo luật Việc làm của Mỹ mà các nhà kinh tế độc lập nói rằng sẽ tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới. Tôi xin cám ơn Quốc hội trước vì đã thông qua một phần của chương trình nghị sự đó, và tôi hối thúc Quốc hội này thông qua phần còn lại. Tối nay, tôi sẽ đưa ra những đề xuất bổ sung mà sẽ được chi trả đầy đủ và hoàn toàn nhất quán với khuôn khổ ngân sách mà hai đảng đã nhất trí cách đây chỉ 18 tháng. Hãy để tôi nhắc lại – không điều gì mà tôi đề xuất tối nay sẽ làm gia tăng một xu thâm hụt của chúng ta. Đó không phải là một chính phủ lớn hơn mà chúng ta cần, mà là một chính phủ thông minh hơn đặt ra những ưu tiên và đầu tư vào sự tăng trưởng trên cơ sở rộng lớn.

Ưu tiên đầu tiên của chúng ta là làm cho nước Mỹ trở thành một cái nam châm hút những công ăn việc làm và chế tạo sản xuất mới.

Sau khi làm mất đi việc làm trong hơn 10 năm qua, các nhà sản xuất của chúng ta đã tạo thêm khoảng 500.000 việc làm trong 3 năm qua. Hãng Caterpillar đang đưa việc làm trở lại từ Nhật Bản. Hãng Ford đang đưa việc làm trở lại từ Mêhicô. Sau khi đặt các nhà máy ở các nước khác như Trung Quốc, hãng Intel đang mở nhà máy tiên tiến nhất của họ ngay tại đây, ở trong nước. Và năm nay, hãng Apple sẽ lại bắt đầu chế tạo máy tính Mac ở Mỹ.

Có những điều chúng ta có thể làm, ngay lúc này, để đẩy nhanh xu hướng này. Năm ngoái, chúng ta đã thành lập viện đổi mới chế tạo sản xuất đầu tiên của chúng ta ở Youngstown, Ohio. Một nhà kho từng bị đóng cửa giờ đây là một phòng thí nghiệm tiên tiến nhất hiện có, nơi những công nhân mới đang làm chủ kỹ thuật in 3D có khả năng cách mạng hóa cách thức mà chúng ta chế tạo gần như mọi thứ. Không có lý do gì mà điều này không thể diễn ra ở những thành phố khác. Vì vậy tối nay, tôi tuyên bố đưa vào hoạt động thêm 3 trong số những trung tâm chế tạo sản xuất này, nơi các doanh nghiệp sẽ liên kết đối tác với Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng để biến các khu vực bị tụt hậu do toàn cầu hóa thành những trung tâm việc làm công nghệ cao toàn cầu. Và tôi đề nghị Quốc hội này giúp tạo ra một mạng lưới gồm 15 trung tâm này và đảm bảo rằng cuộc cách mạng tiếp theo về chế tạo sản xuất được “Made in America”.

Nếu chúng ta muốn sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất, chúng ta cũng phải đầu tư vào những ý tưởng hay nhất. Mỗi đồng đôla chúng ta đã đầu tư để vẽ sơ đồ bộ gen người đã mang về 140 USD cho nền kinh tế của chúng ta. Hiện nay, các nhà khoa học của chúng ta đang vẽ sơ đồ bộ não người để mở ra câu trả lời cho những người bị mắc bệnh Alzheimer; đang phát triển các loại thuốc để phục hồi những cơ quan trong cơ thể bị hư hại; sáng chế ra vật liệu mới để làm cho ắc quy mạnh hơn gấp 10 lần. Bây giờ không phải là lúc để làm mất hiệu lực những sự đầu tư tạo công ăn việc làm này vào khoa học và đổi mới. Giờ là lúc để đạt được trình độ nghiên cứu và phát triển chưa từng được chứng kiến kể từ thời kỳ đỉnh cao của cuộc Chạy đua Không gian. Và ngày nay, không lĩnh vực nào hứa hẹn hơn những sự đầu tư của chúng ta vào lĩnh vực năng lượng của Mỹ.

Sau nhiều năm nói về điều đó, cuối cùng chúng ta ở tư thế sẵn sàng kiểm soát tương lai năng lượng của chính chúng ta. Chúng ta sản xuất nhiều dầu ở trong nước hơn so với trong 15 năm qua. Chúng ta đã tăng gấp đôi quãng đường mà ô tô của chúng ta đi được trên một galông ( 1 galông = 3,78 lít ở Mỹ) khí đốt, và lượng năng lượng tái sinh mà chúng ta tạo ra từ các nguồn như gió và ánh sáng mặt trời – với hàng chục nghìn việc làm tốt, của Mỹ là kết quả của điều đó. Chúng ta sản xuất ra nhiều khí đốt tự nhiên hơn bao giờ hết – và gần như hóa đơn năng lượng của tất cả mọi người đều giảm vì điều đó. Và trong 4 năm qua, lượng khí thải cácbon nguy hiểm gây ô nhiễm của chúng ta đe dọa hành tinh của chúng ta đã thực sự giảm xuống.

Nhưng vì con em và tương lai của chúng ta, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để chống lại sự biến đổi khí hậu. Đúng vậy, sự thực là không một sự kiện đơn lẻ nào tạo thành một xu hướng. Nhưng thực tế là 12 năm nóng nhất được ghi nhận đều đã xuất hiện trong 15 năm qua. Những làn sóng nóng, những đợt hạn hán, cháy rừng và lụt lội – tất cả giờ đây đều diễn ra thường xuyên và gay gắt hơn. Chúng ta có thể lựa chọn tin rằng Siêu bão Sandy, và đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, và những vụ cháy rừng tồi tệ nhất mà một số tiểu bang từng chứng kiến, tất cả đều chỉ là một sự trùng hợp bất thường. Hay chúng ta có thể lựa chọn tin vào đánh giá khoa học không thể thay đổi được – và hành động trước khi quá muộn.

Tin tức tốt lành là chúng ta có thể đạt được tiến bộ có ý nghĩa đối với vấn đề này trong khi thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tôi hối thúc Quốc hội này theo đuổi một giải pháp hai đảng, dựa trên thị trường đối với vấn đề biến đổi khí hậu, giống như giải pháp mà John McCain và Joe Lieberman đã làm việc cùng nhau cách đây vài năm. Nhưng nếu Quốc hội sẽ không hành động sớm để bảo vệ các thế hệ tương lai, thì tôi sẽ làm. Tôi sẽ chỉ đạo Nội các của tôi có những hành động về mặt hành pháp mà chúng ta có thể thực hiện, bây giờ và trong tương lai, để giảm bớt sự ô nhiễm, chuẩn bị cho các cộng đồng của chúng ta đối phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu, và đẩy nhanh quá trình chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững hơn.

Cách đây 4 năm, các nước khác đã chi phối thị trường năng lượng sạch và công ăn việc làm đi kèm với nó. Chúng ta đã bắt đầu làm thay đổi điều đó. Năm ngoái, năng lượng gió đã bổ sung gần một nửa trong toàn bộ công suất điện năng mới ở Mỹ. Bởi vậy, chúng ta hãy tạo ra thậm chí nhiều hơn nữa. Năng lượng mặt trời trở nên rẻ hơn vào năm nay – bởi vậy, chúng ta hãy giảm chi phí thậm chí nhiều hơn nữa. Chừng nào mà các nước như Trung Quốc tiếp tục tập trung hoàn toàn vào năng lượng sạch, thì chúng ta cũng phải như vậy.

Trong khi đó, sự bùng nổ về khí đốt tự nhiên đã dẫn tới năng lượng sạch hơn và sự độc lập lớn hơn về năng lượng. Đó là lý do giải thích tại sao Chính quyền của tôi sẽ duy trì việc giảm bớt thủ tục quan liêu và tăng tốc việc cấp giấy phép mới về dầu lửa và khí đốt. Nhưng tôi cũng muốn làm việc với Quốc hội này để khuyến khích việc nghiên cứu và công nghệ giúp việc đốt cháy khí đốt tự nhiên trở nên thậm chí sạch hơn và bảo vệ nguồn không khí và nước của chúng ta.

Quả thực, phần lớn năng lượng mới tìm thấy của chúng ta lấy được từ đất và nước mà chúng ta, và người dân, cùng nhau sở hữu. Vì vậy tối nay, tôi đề nghị chúng ta sử dụng một phần trong thu nhập từ dầu lửa và khí đốt của chúng ta để tài trợ cho chương trình Niềm tin An ninh Năng lượng, là chương trình sẽ định hướng cho việc nghiên cứu và công nghệ mới để thay đổi vĩnh viễn việc xe con và xe tải sử dụng dầu. Nếu một liên minh phi đảng phái gồm các tổng giám đốc, các tướng lĩnh và đô đốc hải quân nghỉ hưu có thể còn giúp ích cho ý tưởng này, thì khi đó chúng ta có thể thực hiện. Chúng ta hãy nghe theo lời khuyên của họ và giải thoát các gia đình và các doanh nghiệp của chúng ta khỏi những sự tăng vọt đầy đau đớn về giá khí đốt mà chúng ta đã chịu đựng trong thời gian quá lâu. Tôi cùng sẽ đưa ra một mục tiêu mới cho nước Mỹ: chúng ta hây giảm bớt một nửa lượng năng lượng bị lãng phí bởi các gia đình và các doanh nghiệp của chúng ta trong 20 năm tới. Các bang có những ý tưởng hay để tạo việc làm và giảm bớt các hóa đơn năng lượng bằng việc xây dựng các tòa nhà hiệu suất cao hơn sẽ nhận được sự hỗ trợ của liên bang để giúp thực hiện điều đó.

Lĩnh vực năng lượng của Mỹ chỉ là một phần của một sơ sở hạ tầng già cỗi rất cần sửa chữa. Hãy hỏi bất kỳ một vị tổng giám đốc nào địa điểm mà họ muốn đặt cơ sở và thuê nhân công: một đất nước với đường sá và cầu cống đang xuống cấp, hay một đất nước với đường sắt và Internet tốc độ cao: các trường học công nghệ cao và các mạng lưới điện tử phục hồi. Tổng giám đốc của hãng Siemens America – một công ty đã đem lại hàng trăm việc làm mới cho bang North Carolina – đã nói rằng nếu chúng ta nâng cấp cơ sở hạ tầng của chúng ta, chúng ta sẽ mang lại thậm chí nhiều việc làm hơn. Và tôi biết rằng quý vị muốn những dự án tạo công ăn việc làm này được thực hiện ở quận của quý vị. Tôi đã nhìn thấy tất cả quý vị ở các buổi lễ cắt băng khánh thành.

Tối nay, tôi đề xuất chương trình “Sửa chữa-Nó-Đầu tiên” để đưa người đến làm việc càng sớm càng tốt đối với những sửa chữa cấp bách nhất của chúng ta, như gần 70.000 cây cầu có vấn đề về kết cấu trên khắp đất nước này. Và để đảm bảo chắc chắn rằng người đóng thuế không phải gánh toàn bộ gánh nặng, tôi cũng sẽ đề xuất chương trình Quan hệ đối tác để tái thiết nước Mỹ, chương trình thu hút nguồn vốn tư nhân nhằm nâng cấp cái mà các doanh nghiệp của chúng ta cần đến nhất: các hải cảng hiện đại để vận chuyển hàng hóa của chúng ta; các đường ống dẫn dầu hiện đại để trụ vững trước một cơn bão; các trường học hiện đại xứng đáng cho con em chúng ta. Chúng ta hãy chứng tỏ rằng không có nơi nào để kinh doanh tốt hơn nước Mỹ. Và chúng ta hãy bắt đầu ngay lập tức.

Một phần trong nỗ lực tái thiết của chúng ta cũng phải bao gồm lĩnh vực nhà ở của chúng ta. Hiện nay, thị trường nhà ở của chúng ta cuối cùng đang phục hồi từ sự sụp đổ năm 2007. Giá nhà đang tăng lên với tốc độ nhanh nhất trong 6 năm qua, các giao dịch mua bán nhà ở tăng gần 50% và việc xây dựng một lần nữa đang mở rộng.

Nhưng ngay cả với những tỉ lệ thế chấp gần đạt mức thấp trong 50 năm qua, quá nhiều gia đình với khoản tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đáng tin cậy muốn mua một căn nhà đang bị từ chối. Quá nhiều gia đình chưa bao giờ nhỡ việc thanh toán và muốn tái tài trợ đã bị nói “không”. Điều đó đang kìm hãm toàn bộ nền kinh tế của chúng ta, và chúng ta cần phải sửa chữa nó. Ngay lúc này, có một dự luật trong Quốc hội này có thể đem lại cho mọi chủ sở hữu nhà có trách nhiệm ở Mỹ cơ hội để tiết kiệm 3.000 USD một năm bằng việc tái tài trợ với lãi suất của ngày hôm nay. Những người thưộc đảng Dân chủ cũng như Cộng hòa trước đó đã ủng hộ dự luật đó. Chúng ta đang chờ đợi điều gì? Hãy tiến hành một cuộc bỏ phiếu và gửi lên tôi dự luật đó. Ngay lúc này, những quy định chồng lấn làm cho các gia đình trẻ có trách nhiệm không mua được ngôi nhà đầu tiên của họ. Điều gì đang ngăn cản chúng ta? Chúng ta hãy sắp xếp hợp lý hóa tiến trình và giúp nền kinh tế của chúng ta tăng tưởng.

Những sáng kiến này trong sản xuất, năng lượng, cơ sở hạ tầng và nhà ở sẽ giúp các nhà doanh nghiệp và các chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ mở rộng sản xuất và tạo công ăn việc làm mới. Nhưng không gì trong điều đó sẽ quan trọng trừ phi chúng ta cũng trang bị cho các công dân của chúng ta những kỹ năng và sự đào tạo để thực hiện những việc làm đó. Và điều đó phải bắt đầu ở độ tuổi sớm nhất có thể.

Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác đều cho thấy rằng một đứa trẻ bắt đầu học tập càng sớm thì nó càng có tương lai tốt hơn. Nhưng hiện nay, chưa đến 3 trong số 10 đứa trẻ 4 tuổi tham gia một chương trình học trước tuổi đến trường chất lượng cao. Hầu hết các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu đều không thể có vài trăm đôla một tuần cho lớp học trước tuổi đến trường tư nhân. Và đối với những trẻ em nghèo, những đối tượng cần giúp đỡ nhiều nhất, sự thiếu tiếp cận với nền giáo dục trước tuổi đến trường này có thể phủ bóng đen lên phần còn lại của cuộc đời các em.

Tối nay, tôi đề xuất hợp tác với các tiểu bang để làm cho giáo dục trước tuổi đến trường chất lượng cao trở nên sẵn có đối với mọi trẻ em ở Mỹ. Mỗi đôla chúng ta đầu tư vào nền giáo dục sớm chất lượng cao có thể tiết kiệm hơn 7 USD sau này – bằng việc tăng tỉ lệ giáo dục, giảm số trẻ vị thành niên mang thai, thậm chí giảm tội phạm bạo lực. Ở những tiểu bang ưu tiên cho giáo dục trẻ em bé nhất của chúng ta, như Georgia hay Oklahoma, những nghiên cứu cho thấy các học sinh lớn lên có khả năng hơn trong việc đọc và làm toán ở cấp tiểu học, tốt nghiệp trung học, có một việc làm, và hình thành những gia đình riêng ổn định hơn của chúng. Vì vậy, chúng ta hãy làm những gì có hiệu quả, và đảm bảo chắc chắn rằng không ai trong số những đứa trẻ của chúng ta bắt đầu cuộc đua của cuộc đời đã bị tụt lại phía sau. Chúng ta hãy đem lại cho con em chúng ta cơ hội đó.

Chúng ta cũng đảm bảo chắc chắn rằng một tấm bằng trung học đặt con em chúng ta vào con đường dẫn tới một việc làm tốt. Ngay lúc này, các nước như Đức tập trung vào giáo dục các học sinh trung học của họ cái tương đương với một tấm bằng kỹ thuật từ một trong những trường đại học cộng đồng của chúng ta, vì vậy chúng đã sẵn sàng cho một công việc, ở những trường như P-Tech ở Brooklyn, với sự cộng tác giữa các Trường Công Niu Yoóc, trường Đại học Thành phố Niu Yoóc và hãng IBM, các sinh viên sẽ tốt nghiệp với một tấm bằng trung học và một tấm bằng liên kết về máy tính hay bằng kỹ sư.

Chúng ta cần phải đem đến cho mỗi sinh viên Mỹ những cơ hội như vậy. Bốn năm trước đây, chúng ta đã khởi động chương trình Cuộc đua lên Đỉnh – một cuộc thi đã thuyết phục được hầu như tất cả các tiểu bang phát triển giáo trình thông minh hơn và các tiêu chuẩn cao hơn, với khoảng 1% những gì chúng ta chi cho giáo dục mỗi năm. Tối nay, tôi sẽ công bố một thách thức mới nhằm thiết kế lại các trường trung học của Mỹ để họ trang bị tốt hơn cho các học sinh tốt nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu của một nền kinh tế công nghệ cao. Chúng ta sẽ tặng thưởng cho những trường phát triển quan hệ đối tác mới với các trường đại học và người sử dụng lao động, và mở các lớp học tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học – các kỹ năng mà những người sử dụng lao động ngày hôm nay đang tìm kiếm để lấp đầy những vị trí việc làm ngay lúc này và trong tương lai.

Ngày nay, ngay cả với những trường trung học tốt hơn, hầu hết thanh niên sẽ cần giáo dục bậc đại học. Đây là một thực tế đơn giản: càng được giáo dục nhiều hơn, bạn sẽ càng có nhiều khả năng có được một công việc và gia nhập tầng lớp trung lưu. Nhưng ngày nay, chi phí tăng vọt đã khiến quá nhiều thanh niên không thể học đại học, hoặc chất lên vai họ gánh nặng với các khoản nợ không bền vững.

Thông qua tín dụng thuế, trợ cấp, và các khoản cho vay tốt hơn, chúng ta đã tạo điều kiện cho hàng triệu sinh viên và gia đình có khả năng trang trải tiền học đại học hơn trong vài năm qua. Nhưng những người nộp thuế không thể tiếp tục trợ cấp cho chi phí tăng vọt của giáo dục bậc đại học. Các trường đại học phải làm phần việc của mình để giảm chi phí, và việc của chúng ta là đảm bảo rằng họ làm điều đó. Tối nay, tôi đề nghị Quốc hội thay đổi Đạo luật Giáo dục Đại học, để khả năng chi trả và giá trị được gộp cả vào việc quyết định trường đại học nào sẽ nhận được loại viện trợ liên bang cụ thể nào. Và ngày mai, chính quyền của tôi sẽ công bố “Thẻ điểm các trường đại học” mới mà các bậc phụ huynh và sinh viên có thể sử dụng để so sánh các trường học dựa trên một tiêu chí đơn giản: ở đâu bạn có thể nhận được lợi ích tối đa từ số tiền bạn dành cho việc học tập.

Để phát triển tầng lớp trung lưu của chúng ta, các công dân của chúng ta phải có quyền tiếp cận với nền giáo dục và đào tạo mà những công việc ngày nay đòi hỏi. Nhưng chúng ta cũng phải đảm bảo rằng nước Mỹ vẫn là một nơi mà tất cả những ai sẵn sàng làm việc chăm chỉ sẽ có cơ hội thành công.

Nền kinh tế của chúng ta vững mạnh hơn khi chúng ta khai thác tài năng và kỹ năng của nhũng người nhập cư đầy nỗ lực, đầy hy vọng. Và ngay lúc này, tất cả những nhà lãnh đạo thuộc các cộng đồng doanh nghiệp, lao động, thực thi pháp luật, và tôn giáo đều nhất trí rằng đã đến lúc phải thông qua cải cách nhập cư toàn diện.

Cải cách thực sự có nghĩa là an ninh biên giới vững mạnh, và chúng ta có thể xây dựng trên sự tiến bộ mà Chính quyền của tôi đã thực hiện được – áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ ở biên giới phía Nam hơn so với ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của chúng ta, và giảm tình trạng vượt biên bất hợp pháp xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua.

Cải cách thực sự có nghĩa là thiết lập một lộ trình có trách nhiệm hướng tới quyền công dân được công nhận – một lộ trình bao gồm cả việc vượt qua một cuộc kiểm tra về nhân thân, đóng các loại thuế và một khoản tiền phạt có ý nghĩa, học tiếng Anh, và chấp nhận xếp hàng sau những người đang tìm cách đến đây một cách hợp pháp.

Và cải cách thực sự có nghĩa là sửa chữa hệ thống nhập cư hợp pháp để rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm bớt thói quan liêu, và thu hút các doanh nhân và kỹ sư tay nghề cao có khả năng giúp tạo ra công ăn việc làm và phát triển nền kinh tế của chúng ta.

Nói cách khác, chúng ta biết cần phải làm gì. Ngay lúc này đây, các nhóm của hai đảng trong cả Thượng viện lẫn Hạ viện đều đang làm việc cần cù để soạn thảo một dự luật, và tôi hoan nghênh những nỗ lực của họ. Giờ đây, chúng ta hãy cùng hoàn thành công việc này. Hãy gửi cho tôi một dự luật cải cách nhập cư toàn diện trong vài tháng tới, và tôi sẽ ký nó ngay lập tức.

Nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đó. Chúng ta biết rằng nền kinh tế của chúng ta vững mạnh hơn khi những người vợ, người mẹ và con gái của chúng ta có thể sống cuộc sống của họ mà không phải chịu sự phân biệt đối xử ở nơi làm việc, và không phải sợ tình trạng bạo lực gia đình. Ngày hôm nay, Thượng viện đã thông qua Đạo luật chống bạo hành phụ nữ mà Joe Biden ban đầu đã viết ra gần 20 năm trước. Tôi hối thúc Hạ viện cũng làm giống như vậy. Và tôi yêu cầu Quốc hội tuyên bố rằng phụ nữ nên được hưởng một cuộc sống tương xứng với những nỗ lực của họ, và cuối cùng là thông qua Đạo luật công bằng tiền lương trong năm nay.

Chúng ta biết rằng nền kinh tế của chúng ta vững mạnh hơn khi ta thưởng cho một ngày công lao động nghiêm túc bằng một mức lương nghiêm túc. Nhưng hiện nay, một người lao động làm việc đầy đủ thời gian với mức lương tối thiểu kiếm được 14.500 USD một năm. Ngay cả với mức giảm trừ thuế mà chúng ta đã áp dụng, một gia đình có hai con với mức lương tối thiểu vẫn phải sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Điều này là không hợp lý. Đó là lý do giải thích tại sao, từ lần gần đây nhất mà Quốc hội nâng mức lương tối thiểu, 19 tiểu bang đã lựa chọn nâng mức lương tối thiểu của họ thậm chí còn cao hơn nữa.

Tối nay, chúng ta hãy tuyên bố rằng ở đất nước giàu có nhất trên Trái đất, không một ai làm việc đầy đủ thời gian phải sống trong cảnh nghèo khổ, và nâng mức lương tối thiểu của liên bang lên 9 USD một giờ. Bước đi duy nhất này sẽ gia tăng thu nhập của hàng triệu gia đình lao động. Nó có thể có nghĩa là sự khác biệt giữa cửa hàng tạp hoá hay nơi phát đồ cứu tế; thuê được nhà hay bị đuổi ra khỏi nhà; kiếm sống qua ngày hay cuối cùng tiến lên phía trước. Đối với các doanh nghiệp trên khắp đất nước này, nó có thể có nghĩa là khách hàng có nhiều tiền hơn trong túi của mình. Trên thực tế; nhũng người lao động không nên phải chờ đợi hết năm này qua năm khác để mức lương tối thiểu được nâng lên trong khi lương của tổng giám đốc cao hơn bao giờ hết. Và đây là một ý tưởng mà thống đốc Romney và tôi thực ra đã nhất trí từ năm ngoái: chúng ta hãy gắn mức lương tối thiểu với chi phí cuộc sống, để sao cho nó cuối cùng trở thành một mức lương mà bạn có thể sống được.

Tối nay, chúng ta cũng hãy cùng thừa nhận rằng có những cộng đồng trong đất nước này mà ở đó không cần biết bạn làm việc chăm chỉ như thế nào, bạn vẫn thực sự không thể tiến lên phía trước. Các thị trấn công nghiệp sa sút từ những năm các nhà máy bị đóng cửa. Những khu vực đói nghèo không thể trốn tránh, ở thành thị và nông thôn, nơi những người trẻ tuổi trưởng thành vẫn đang phải đấu tranh để tìm kiếm công việc đầu tiên của mình. Nước Mỹ không phải là một nơi mà cơ may ra đời hay hoàn cảnh có thể quyết định số phận của chúng ta. Và đó là lý do giải thích tại sao chúng ta cần phải xây dựng những nấc thang cơ hội mới đi lên tầng lớp trung lưu cho tất cả những ai sẵn sàng bước lên chúng.

Chúng ta hãy khuyến khích các công ty thuê những người Mỹ có những yếu tố cần thiết để được nhận vào vị trí công việc đang còn trống, nhưng đã không có việc làm lâu tới mức không ai sẽ cho họ một cơ hội. Chúng ta hãy cho người dân đi làm trở lại để xây dựng lại những ngôi nhà bỏ không trong những khu dân cư tồi tàn. Và trong năm nay, Chính quyền của tôi sẽ bắt đầu liên kết đối tác với 20 trong số những thị trấn bị tác động nặng nề nhất ở nước Mỹ để đưa các cộng đồng này đứng vững trở lại. Chúng ta sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo địa phương để nhắm các nguồn lực vào sự an toàn của dân chúng, giáo dục và nhà ở. Chúng ta sẽ cung cấp các khoản tín dụng thuế mới cho các doanh nghiệp nào chịu thuế nhân công và đầu tư. Và chúng ta sẽ làm việc để làm cho các gia đình trở nên vững chắc hơn bằng cách loại bỏ những trở ngại về tài chính đối với hôn nhân cho các cặp đôi có thu nhập thấp, và làm nhiều hơn nữa để khuyến khích việc làm cha – bởi vì điều khiến bạn trở thành một người đàn ông không phải là khả năng sinh ra một đứa trẻ; mà là sự can đảm để nuôi lớn đứa trẻ đó.

Những gia đình mạnh mẽ hơn. Những cộng đồng mạnh mẽ hơn. Một nước Mỹ mạnh mẽ hơn. Chính kiểu thịnh vượng này – rộng lớn, được chia sẻ và xây dụng dựa trên một tầng lớp trung lưu thịnh vượng – luôn là nguồn gốc của sự tiến bộ của chúng ta ở trong nước. Đó cũng là nền tảng của sức mạnh và tầm ảnh hưởng của chúng ta trên toàn thế giới.

Tối nay, chúng ta đứng bên nhau cúi chào những người lính và những người dân thường hy sinh hàng ngày để bảo vệ chúng ta. Nhờ có họ, chúng ta có thê tự tin nói rằng nước Mỹ sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình ở Ápganixtan, và đạt được mục tiêu của chúng ta là đánh bại được lực lượng nòng cốt của al Qaeda. Chúng ta đã đưa được 33.000 nam nữ quân nhân dũng cảm của chúng ta về nhà. Mùa Xuân này, các lực lượng của chúng ta sẽ chuyển sang một vai trò hỗ trợ, trong khi các lực lượng an ninh của Ápganixtan đi tiên phong. Tối nay, tôi có thể tuyên bố rằng trong năm tới, thêm 34.000 binh sỹ Mỹ nữa sẽ từ Ápganixtan trở về nhà. Và sự rút quân này sẽ còn tiếp tục. Và vào cuối năm tới, cuộc chiến tranh của chúng ta ở Ápganixtan sẽ kết thúc.

Sang năm 2014, cam kết của Mỹ về một nước Ápganixtan thống nhất và có chủ quyền sẽ vẫn tồn tại, nhưng bản chất cam kết của chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta đang đàm phán một hiệp định với Chính phủ Ápganixtan tập trung vào hai sứ mệnh: huấn luyện và trang bị cho các lực lượng Ápganixtan để nước này không rơi trở lại vào tình trạng hỗn loạn, và các nỗ lực chống khủng bố cho phép chúng ta truy đuổi những tàn dư của al Qaeda và các chi nhánh của chúng.

Ngày nay, tổ chức đã tấn công chúng ta vào ngày 11/9/2001 chỉ còn là một cái bóng của bản thân nó trước đây. Các chi nhánh khác nhau của al Qaeda và các nhóm cực đoan đã nổi lên – từ bán đảo Arập tới châu Phi. Mối đe dọa mà các nhóm này tạo ra đang tăng lên. Nhưng để đối phó với mối đe doạ này, chúng ta không cần phải cử hàng chục nghìn người con trai và con gái của chúng ta ra nước ngoài, hoặc chiếm đóng các quốc gia khác. Thay vào đó, chúng ta sẽ cần giúp các nước như Yêmen, Libi, và Xômali tự đảm bảo an ninh của chính mình, và giúp đỡ các đồng minh chiến đấu với những kẻ khủng bố, như chúng ta làm ở Mali. Và, ở những nơi cần thiết, thông qua một loạt các khả năng, chúng ta sẽ tiếp tục có các hành động trực tiếp chống lại những kẻ khủng bố tạo ra mối đe doạ lớn nhất đối với người Mỹ.

Và khi chúng ta thực hiện, chúng ta phải gắn những giá trị của mình vào cuộc chiến. Đó là lý do giải thích tại sao Chính quyền của tôi đã làm việc không biết mệt mỏi để xây dựng nên một khuôn khổ pháp lý và chính trị bền vững để chỉ đạo các chiến dịch chống khủng bố của chúng ta. Từ đầu đến cuối, chúng ta đã luôn đảm bảo để Quốc hội được biết đầy đủ về các nỗ lực của chúng ta. Tôi nhận ra rằng trong nền dân chủ của chúng ta, không ai sẽ chỉ tin vào lời nói của tôi rằng chúng ta đang làm mọi việc theo cách đúng đắn. Do đó, trong những tháng tới, tôi sẽ tiếp tục làm việc với Quốc hội để đảm bảo rằng không chỉ việc nhắm mục tiêu, giam giữ và khởi tố của chúng ta đối với những kẻ khủng bố vẫn tuân theo luật pháp và hệ

thống kiếm soát và cân bằng của chúng ta, mà các nỗ lực của chúng ta sẽ còn trở nên minh bạch hơn đối với người dân Mỹ và với thế giới.

Dĩ nhiên, những thách thức của chúng ta không dừng lại ở al Qaeda. Nước Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu nỗ lực ngăn chặn sự phổ biến những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới. Thể chế ở Bắc Triều Tiên phải biết rằng họ sẽ chỉ có được an ninh và thịnh vượng bằng cách tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của họ. Những sự khiêu khích theo kiểu mà chúng ta chứng kiến đêm qua sẽ chỉ cô lập họ hơn nữa, vì chúng ta sẽ sát cánh cùng với các đồng minh của mình, củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta, và dẫn đầu thế giới thực hiện các hành động mạnh mẽ để đáp trả những mối đe doạ này.

Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo Iran phải nhận ra rằng đây là thời điểm cho một giải pháp ngoại giao, bởi một liên minh thống nhất đòi hỏi rằng họ phải thực hiện các nghĩa vụ của mình, và chúng ta sẽ làm những gì cần thiết để ngăn chặn họ có được vũ khí hạt nhân. Đồng thời, chúng ta sẽ làm việc với Nga để tìm cách cắt giảm hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của chúng ta, và tiếp tục dẫn đầu nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo an toàn các nguyên liệu hạt nhân không để rơi vào những bàn tay sai trái – bởi vì khả năng gây ảnh hưởng của chúng ta tới những người khác phụ thuộc vào sự sẵn sàng dẫn đầu của chúng ta.

Nước Mỹ cũng phải đối mặt với mối đe doạ gia tăng nhanh chóng từ các cuộc tấn công mạng. Chúng ta biết việc các hacker ăn cắp những thông tin cá nhân của mọi người và xâm nhập các hòm thư điện tử cá nhân. Chúng ta biết việc các nước khác và các công ty nước ngoài đánh cắp những bí mật kinh doanh của chúng ta. Giờ đây các kẻ thù của chúng ta cũng đang tìm kiếm khả năng phá hoại lưới điện của chúng ta, các thể chế tài chính của chúng ta và các hệ thống điều khiển hàng không của chúng ta. Từ bây giờ chúng ta không thể nhìn lại nhiều năm và băn khoăn tự hỏi không hiểu tại sao chúng ta đã không làm gì trước các mối đe doạ thực sự đối với an ninh và nền kinh tế của chúng ta.

Đó là lý do giải thích tại sao, sáng sớm hôm nay, tôi đã ký một sắc lệnh mới sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ mạng của chúng ta bằng cách gia tăng việc chia sẻ thông tin, và phát triển các tiêu chuẩn để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta, công ăn việc làm của chúng ta và sự riêng tư của chúng ta. Giờ đây, Quốc hội cũng phải hành động, bằng cách thông qua quy chế mang lại cho chính phủ của chúng ta một khả năng lớn hơn để đảm bảo an toàn cho các mạng lưới của chúng ta và ngăn chặn các cuộc tấn công.

Ngay cả khi chúng ta bảo vệ người dân của mình, chúng ta nên nhớ rằng thế giới ngày nay đem lại không chỉ những mối nguy hiểm, mà còn cả những cơ hội. Để thúc đẩy hàng xuất khẩu của Mỹ, hỗ trợ công ăn việc làm của Mỹ, và cân bằng sân chơi ở các thị trường đang phát triển của châu Á, chúng ta dự định hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Và tối nay, tôi xin thông báo rằng chúng ta sẽ khởi động các cuộc thảo luận về một Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương toàn diện với Liên minh châu Âu – vì thương mại tự do và công bằng giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ hỗ trợ hàng triệu công ăn việc làm được trả lương cao của Mỹ.

Chúng ta cũng biết rằng tiến bộ ở những nơi nghèo khó nhất trên thế giới sẽ làm giàu cho tất cả chúng ta. Ở nhiều nơi, người dân sống với chưa đầy 1 USD/ngày. Do đó nước Mỹ sẽ cùng với các đồng minh của chúng ta xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực như vậy trong hai thập kỷ tới: bằng cách kết nối nhiều người hơn với nền kinh tế toàn cầu và trao quyền cho phụ nữ; bằng cách đem lại cho những người tài trí trẻ tuổi và thông minh nhất của chúng ta các cơ hội mới để phụng sự và giúp đỡ các cộng đồng tự nuôi sống, củng cố sức mạnh và giáo dục bản thân; bằng cách cứu các trẻ em trên thế giới khỏi những cái chết có thể ngăn chặn được; và bằng cách thực hiện lời hứa về một thế hệ không có AIDS.

Trên hết, Mỹ cần phải tiếp tục là ngọn hải đăng cho tất cả những ai tìm kiếm tự do trong thời kỳ thay đổi mang tính lịch sử này. Tôi đã chứng kiến sức mạnh của niềm hy vọng ở Rănggun hồi năm ngoái – khi Aung San Suu Kyi chào đón một Tổng thống Mỹ tới ngôi nhà nơi bà đã bị giam cầm trong nhiều năm; khi hàng nghìn người Mianma xếp hàng trên đường phố, vẫy cờ Mỹ, trong đó có một người đàn ông nói rằng: “Ở Mỹ có công lý và luật pháp. Tôi muốn đất nước mình được như thế”.

Để bảo vệ tự do, chúng ta sẽ vẫn là điểm tựa cho các liên minh vững mạnh từ châu Mỹ tới châu Phi, từ châu Âu tới châu Á. Ở Trung Đông, chúng sẽ sát cánh với người dân khi họ đòi hỏi những quyền lợi chung của mình, và hỗ trợ những sự chuyển tiếp ổn định hướng tới nền dân chủ. Tiến trình này sẽ lộn xộn, và chúng ta không thể mạo hiểm ra điều kiện cho tiến trình thay đổi ở những nước như Ai Cập; nhưng chúng ta có thể – và sẽ – khẳng định sự tôn trọng đối với các quyền cơ bản của tất cả mọi người. Chúng ta sẽ tiếp tục gây áp lực lên một chế độ Xyri đã giết hại người dân của chính mình, và ủng hộ các nhà lãnh đạo đối lập tôn trọng quyền của mọi người dân Xyri. Và chúng ta sẽ kiên định sát cánh với Ixraen trong việc tìm kiếm an ninh và một nền hòa bình lâu bền. Đây là những thông điệp tôi sẽ đưa ra khi tôi tới Trung Đông vào tháng sau.

Tất cả công việc này đều phụ thuộc vào lòng can đảm và sự hy sinh của những người đang phụng sự ở những nơi đầy nguy hiểm với rủi ro cá nhân lớn – các nhà ngoại giao của chúng ta, các nhân viên tình báo của chúng ta và những quân nhân nam cũng như nữ thuộc Các Lực lượng Vũ trang Mỹ. Chừng nào tôi còn là Tổng tư lệnh quân đội, chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì phải làm để bảo vệ những người phục vụ đất nước mình ở nước ngoài, và chúng ta sẽ vẫn là quân đội tốt nhất trên thế giới. Chúng ta sẽ đầu tư vào những khả năng mới, ngay cả khi chúng ta cắt giảm chi tiêu lãng phí và chi tiêu cho chiến tranh. Chúng ta sẽ đảm bảo đối xử công bằng cho tất cả các quân nhân, và phúc lợi công bằng cho gia đình của họ – người đồng tính và người bình thường. Chúng ta sẽ nhờ đến lòng dũng cảm và kĩ năng của những người chị em và con gái của chúng ta, bởi vì những người phụ nữ đã chứng tỏ trong lửa đạn rằng họ sẵn sàng chiến đấu. Chúng ta sẽ vẫn tin tưởng ở các cựu chiến binh của chúng ta – đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới, trong đó có chăm sóc sức khỏe tinh thần, cho những thương binh của chúng ta; hỗ trợ các gia đình quân nhân của chúng ta; và đem lại cho các cựu chiến binh của chúng ta những phúc lợi, giáo dục và cơ hội việc làm mà họ mong muốn. Và tôi muốn cảm ơn vợ tôi, Michelle, và bác sĩ Jill Biden vì sự cống hiến không ngừng nghỉ của họ cho việc phục vụ các gia đình quân nhân của chúng ta cũng như họ phục vụ chúng ta.

Nhưng bảo vệ sự tự do của chúng ta không phải là công việc của một mình quân đội của chúng ta. Tất cả chúng ta phải thực hiện phần việc của mình để đảm bảo những quyền do Chúa ban cho chúng ta được bảo vệ ngay ở trong nước. Nó bao gồm cả quyền cơ bản nhất của chúng ta với tư cách công dân: quyền được bầu cử. Khi bất kỳ người Mỹ nào – bất kể họ sống ở đâu hay thuộc đảng phái nào – bị từ chối cái quyền đó thì đơn giản là vì họ không thể chờ đợi 5, 6, 7 giờ đồng hồ chỉ để bỏ phiếu, chúng ta đang phản bội những lý tưởng của mình. Đó là lí do giải thích tại sao tối nay tôi sẽ giới thiệu một ủy ban phi đảng phái nhằm cải thiện tiến trình bầu cử ở Mỹ. Và tôi sẽ đề nghị hai chuyên gia kỳ cựu về lĩnh vực này, những người gần đây đã phục vụ với tư cách là người được ủy quyền hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của tôi và chiến dịch tranh cử của Thống đốc Romney, lãnh đạo ủy ban này. Chúng ta có thể sửa chữa tiến trình này, và chúng ta sẽ làm điều đó. Người dân Mỹ yêu cầu điều đó. Và nền dân chủ của chúng ta cũng vậy.

Dĩ nhiên, những điều tôi nói tối nay sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu chúng ta không cùng nhau bảo vệ nguồn lực quý giá nhất của mình – con em của chúng ta.

Đã hai tháng kể từ sau vụ Newtown. Tôi biết đây không phải là lần đầu tiên đất nước này tranh cãi về việc làm thế nào để giảm bạo lực súng đạn. Nhưng lần này thì khác. Đại đa số người Mỹ – những người Mỹ tin vào Luật Sửa đổi lần thứ 2 – đã cùng chung quan điểm xung quanh cải cách hợp với lẽ thường – như các cuộc kiểm tra nhân thân sẽ khiến những kẻ tội phạm khó sở hữu súng hơn. Các thượng nghị sĩ của cả hai đảng đang làm việc cùng với nhau về những điều luật cứng rắn mới nhằm ngăn chặn bất kỳ ai mua súng để bán lại cho những kẻ tội phạm. Các cảnh sát trưởng đang yêu cầu chúng ta giúp loại bỏ các vũ khí chiến tranh và nhũng tạp chí về đạn dược khỏi các đường phố của chủng ta, bởi họ đã quá mệt mỏi với việc bị lép vế về súng đạn.

Mỗi đề xuất trong số này xứng đáng có một phiếu bầu trong Quốc hội. Nếu quý vị muốn bỏ phiếu chống, đó là lựa chọn của quý vị. Nhưng những đề xuất này xứng đáng có một phiếu bầu. Vì trong thời gian 2 tháng kể từ vụ Newtown, hơn một nghìn ngày sinh nhật, lễ tốt nghiệp và lễ kỉ niệm đã bị cướp đi khỏi cuộc sống của chúng ta bởi viên đạn từ một khẩu súng.

Một trong số những người mà chúng ta đã mất đi là một bé gái có tên Hadiya Pendleton. Cô bé mới 15 tuổi. Cô bé yêu thích bánh Fig Newtons và son bóng. Cô bé là một người chỉ huy ban nhạc diễu hành. Cô bé rất tốt bụng với bạn bè của mình, tất cả họ đều nghĩ rằng mình là bạn thân nhất của cô. Chỉ 3 tuần trước, cô bé đã ở đây, ở Oasinhtơn, cùng với bạn cùng lớp của cô, biểu diễn cho đất nước mình tại lễ nhậm chức của tôi. Và một tuần sau đó, cô bé đã bị bắn và thiệt mạng tại một công viên ở Chicago sau giờ học, chỉ cách nhà tôi một dặm.

Cha mẹ của Hadiya, Nate và Cleo, đang ở trong căn phòng này tối nay, cùng với hơn hai chục người Mỹ mà cuộc sống của họ đã bị bạo lực súng đạn khiến cho tan nát. Họ xứng đáng có một phiếu bầu.

Gabby Giffords xứng đáng có một phiếu bầu.

Những gia đình ở Newtown xứng đáng có một phiếu bầu.

Những gia đình ở Aurora xứng đáng có một phiếu bầu.

Những gia đình ở Oak Creek, Tucson và Blacksburg, và vô số những cộng đồng khác đã bị bạo lực súng đạn phá vỡ – họ xứng đáng có một phiếu bầu.

Những hành động của chúng ta sẽ không ngăn chặn được mọi hành động bạo lực vô nghĩa trên đất nước này. Quả thực, không luật pháp, không sáng kiến, không đạo luật quản lý nào sẽ giải quyết một cách hoàn hảo tất cả những thách thức mà tôi đã phác họa ra tối nay. Nhưng chúng ta chưa bao giờ được cử tới đây để tạo sự hoàn hảo. Chúng ta được cử tới đây để tạo ra sự khác biệt mà chúng ta có thể, để đảm bảo an toàn cho quốc gia này, mở rộng cơ hội, và giữ gìn những lý tưởng của chúng ta thông qua công việc tự trị đầy khó khăn, dễ nản lòng, nhưng vô cùng cần thiết.

Chúng ta được cử tới đây để quan tâm đến những đồng bào Mỹ của chúng ta giống như cách họ quan tâm lẫn nhau, mỗi ngày, thường không cần phô trương, khắp nơi trên đất nước này. Chúng ta nên noi gương họ.

Chúng ta nên noi gương một y tá ở Thành phố Niu Yoóc có tên Menchu Sanchez. Khi cơn bão Sandy nhấn chìm bệnh viện của cô trong bóng tối, những suy nghĩ của cô không phải là tình hình gia đình mình hiện ra sao – mà là về 20 đứa trẻ sơ sinh quý giá được cô chăm sóc và kế hoạch cứu thoát mà cô đã vạch ra để giữ cho chúng được an toàn.

Chúng ta nên noi gương một người phụ nữ ở Bắc Miami có tên Desiline Victor. Khi tới địa điểm bầu cử, bà được cho biết thời gian chờ để bỏ phiếu có thể là 6 giờ đồng hồ. Và khi thời gian trôi qua, mối quan tâm của bà không phải là về cơ thể mỏi mệt hay đôi chân đau nhức của mình, mà là liệu những người dân như bà có được tiếng nói hay không. Sau nhiều giờ đồng hồ, một đám đông đã đứng xếp hàng ủng hộ bà. Vì Desiline đã 102 tuổi. Và họ vỡ òa lên sung sướng khi cuối cùng bà cũng đã dán lên áo mẩu giấy có dòng chữ “Tôi đã bỏ phiếu”.

Chúng ta nên noi gương một nhân viên cảnh sát có tên Brian Murphy. Khi một tay súng nã đạn vào một ngôi đền đạo Sikh ở Wisconsin, và Brian là người đầu tiên tới nơi, ông đã không màng đến sự an toàn của bản thân mình. Ông đã chống trả cho tới khi có hỗ trợ, và yêu cầu các đồng nghiệp của mình bảo đảm sự an toàn của những người Mỹ đang dự lễ bên trong – ngay cả khi ông nằm đó, máu vẫn chảy vì vết thương từ 12 viên đạn.

Khi được hỏi làm sao mà ông có thể đã làm được như vậy, Brian nói: “Đó chỉ là cách chúng ta được sinh ra”. Đó chỉ là cách chúng ta được sinh ra.

Chúng ta có thế làm những công việc khác, và mặc những bộ đồng phục khác, và có những quan điểm khác với người bên cạnh chúng ta. Nhưng là người Mỹ, tất cả chúng ta đều chia sẻ một tư cách đáng tự hào:

Chúng ta là những công dân. Đó là một từ không chỉ mô tả quốc tịch hay tư cách pháp nhân của chúng ta. Nó mô tả cách chúng ta được sinh ra. Nó mô tả những gì chúng ta tin tưởng. Nó nắm bắt ý tưởng lâu dài rằng đất nước này chỉ vận hành tốt khi chúng ta chấp nhận những nghĩa vụ nhất định với nhau và với các thế hệ tựơng lai; rằng các quyền của chúng ta bị ràng buộc với các quyền của những người khác; và rằng vào thế kỷ thứ ba của chúng ta với tư cách là một quốc gia, nhiệm vụ của tất cả chúng ta, với tư cách là công dân của nước Mỹ này, vẫn là những tác giả của chương tuyệt vời tiếp theo trong câu chuyện nước Mỹ của chúng ta.

Xin cảm ơn, cầu Chúa phù hộ cho quý vị, và cầu Chúa phù hộ cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ./.

@basam  -  nytimes