Friday, February 28, 2014

Vĩnh Hảo

Điệp Khúc Yêu Em
 
Hắn xuất hiện ở đâu, người ta đứng dậy vỗ tay chào đón ầm ĩ. Nơi nào hắn đến, nơi đó rộn ràng lên và hắn luôn luôn trở thành trung tâm của đám đông, thượng khách của tất cả những cuộc nhóm họp.
  Hắn, một con người đa năng, phi thường trong lĩnh vực xướng âm, ca hát, nhái giọng và một chút khôi hài trong cung cách biểu đạt bằng ngôn ngữ. Hắn có thể nhái giọng của bất cứ ai, bất cứ con người hay súc vật, thậm chí chim chóc, côn trùng... nói chung là bất cứ âm thanh nào do bất cứ thứ động vật nào phát ra hắn đều có thể nhái lại y hệt. Sự kiện này không phải chỉ đơn giản là nhờ cái thanh quản đặc biệt. Mọi người đều hiểu rằng hắn phải có một trí nhớ phi thường thế nào đó để lưu giữ những âm thanh hắn nghe được; đến khi cần, hắn lôi cái âm thanh đó ra, phát lại y hệt. Không phải chỉ nhái giọng, hắn còn có khả năng giả giọng nữa. Nhái giọng chỉ là lặp lại giọng nói đã nghe, còn giả giọng thì dựa vào giọng nói của một người rồi nói ra được cả những lời mình chưa hề nghe người ấy nói bao giờ.
 
Chưa hết, không những nhái giọng, giả giọng, hắn còn có khả năng phi thường về ngôn ngữ. Hắn học ngoại ngữ rất nhanh, phát âm rất chuẩn, giả giọng rất giống theo từng địa phương. Có điều chính hắn lại không thích nhồi vào đầu những ngôn ngữ nước ngoài làm gì đấy thôi. Hắn thích cái trò nhái giọng và giả giọng hơn. Vì những trò này không tốn nhiều thời gian tập luyện, không bắt hắn phải ghi nhớ mà lại thường làm khán thính giả sửng sốt hoặc cười rộ. Chỉ trong vòng vài năm, hắn trở thành một nghệ sĩ có mặt khắp các sân khấu của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, trở thành một danh hề, vừa là một ca sĩ tổng hợp tất cả giọng của các ca sĩ lừng danh. Thỉnh thoảng, với sự cố vấn của ông bầu, hắn còn bắt chước cả giọng hát các ca sĩ lẫy lừng của Mỹ, giọng nam lẫn giọng nữ. Hắn giả giọng của mỗi ca sĩ, từ thế hệ già của thập niên 60 và 70, đến thế hệ trung niên của thập niên 80 - 90, cho đến thế hệ trẻ mới nổi tiếng đầu thiên kỷ. Hắn hát những bản ăn khách nhất của họ là hắn thành công, hốt bạc. Nào là giọng của Elvis Presley, Paul McCartney, Lobo, Phil Collins, Bob Dylan, Mick Jagger, Elton John, Paul Anka, Garth Brooks... cho đến giọng nữ như Barbara Streisand, Gloria Esteffan, Madonna, Whitney Houston, Shanai Twain, Maria Carrey, Toni Braxton, Faith Hill, Jewel, Jennifer Lopez, Christina Aguilera, Britney Spears, Dido...
 
Hắn tên là Năm. Nguyễn văn Năm. Một cái tên bình thường, chẳng gì đặc biệt đối với xã hội Việt Nam. Một cái tên mà khi đọc lên, người ta liền có ấn tượng là người mang tên ấy xuất thân từ miền quê, nếu không vậy thì cũng từ một gia đình ít học, hoặc từ một gia đình vẫn còn niềm tin rằng đặt tên xấu cho con thì sẽ dễ nuôi hơn, không bị ông bà tổ tiên bắt đi.
 
Hắn ít học. Chỉ vừa lên trung học hai năm thì phải ngưng ngang. Cuộc sống của hắn bị đóng khung ở vùng quê với ruộng vườn, bò trâu, gà vịt, chim chóc, con cò, con diệc, con mểnh, con mang... Thế giới của hắn là từ khoảnh sân nhỏ phía sau mái nhà tranh dẫn đến ruộng, ngang qua một khoảnh rừng nhỏ đầy tre gai. Trường học và bạn bè của hắn càng lúc càng xa. Ngôi trường nhỏ năm ấy không còn nữa, muốn học lớp cao hơn phải lên tận huyện. Ba má hắn thấy chuyện học chẳng thiết thực mà cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho đời hắn nên bảo hắn nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình làm ruộng. Vả chăng, xong bậc tiểu học và hai năm trung học đối với dân ruộng ở đây thì cũng là khá lắm. Vậy rồi loanh quanh lẩn quẩn sáng ra đồng, tối về nằm nghe cải lương trước khi ngủ, thoắt cái hắn trở thành thanh niên, một chàng trai vạm vỡ, cục mịch nhưng hiền lành, ngây ngô như một đứa con nít.
 
Đứa con nít đó, mỗi lần thanh niên nam nữ trong xóm ấp tụ tập để ca hát vui chơi, cũng biết góp mặt làm trò cười bằng tiết mục nhái giọng, trình diễn trước đám đông rất dạn dĩ, nhưng phải lòng một thiếu nữ láng giềng thì chẳng bao giờ dám ngỏ ý. Cứ thấy cô ta là lủi mất, rồi lại đứng núp mà ngó theo, ngó theo. Cho đến một hôm bị cô ta dí vào nơi không chạy được nữa, mới chịu đứng lại nói chuyện.
“Anh trốn tui hả?”
“Đâu... đâu có,” hắn ấp úng đáp.
“Anh đi theo tui nãy giờ phải không?”
“Đâu phải, tại tui cũng đi ra ngõ đó mà...”
“Í, áo anh sao đứt hột nút ở đây vậy? Bị cô nào níu phải không?”
“Đâu có, đâu có... không có ai níu đâu.”
“Hi hi, nói giỡn đó mà. Anh muốn đi với tui ra ngoài ruộng không? Ruộng anh đã cho nước vào chưa?”
“Tát vào hôm qua rồi. Còn của nhà chị... Lộc thì sao hả? Chưa tát tui đi tát giùm cho.”
“Chưa. Hôm nay tát. Bộ tui lớn lắm hả sao kêu tui bằng chị?”
“Tại vì... tại vì...”
“Thôi anh ơi, khỏi tại với bị gì hết. Đi, đi ra ruộng không?”
“Đi chớ.”
Năm theo Lộc ra ruộng, giúp tát nước vào ruộng của cô. Bằng cái gàu đan bằng tre với bốn sợi dây, hai sợi cột trên miệng gàu, hai sợi cột dưới đít gàu, chia làm hai bên; hai người hai phía bờ ao, mỗi người nắm mỗi tay một quai, theo nhịp mà kéo nước từ ao, tát vào ruộng. Ban đầu thì Lộc hò, khi cô hết hơi thì Năm tiếp. Anh hò cả hai giọng, giọng nam rồi giọng nữ, nghe rất thú vị và đôi khi buồn cười. Lộc vừa tát nước vừa cười ngặt nghẽo, có khi phải ngưng tát, ngồi xuống bờ ao. Họ thân với nhau từ hôm ấy.
 
 
Một ngày sáng trăng, họ đi xem cải lương chung. Trên đường về ấp, họ nắm tay nhau lần đầu. Trước khi chia tay ở đầu ngõ, họ nói lời thương nhau.
“Tui thương anh lắm anh có biết không?”
“Có, có biết.”
“Vậy chứ anh thì sao?”
“Tui cũng thương... nữa.”
“Nói cho rõ ràng một chút được hôn?”
“Tui thương... em.”
“Không được, nói lại đi.”
“Anh... thương... em...”
Lộc cười sung sướng.
“Em cũng thương anh nữa. Thôi anh về đi, em vào ngủ nghen.”
 
Năm sau họ làm đám cưới. Đám cưới đơn giản chỉ có vài người thân trong gia đình, nhưng hàng xóm thì kéo đến thật đông. Lúc đó, ba Lộc đang ở tù cải tạo.
 
Một năm sau đám cưới của Lộc, ba nàng ra tù được đi Mỹ với diện H.O. Ba má Lộc và hai em đi trước. Lộc và Năm qua sau vì ban đầu chính Năm không chịu đi, muốn ở lại để còn có cơ hội chăm sóc mẹ già...
“Hơn nữa... em không biết đâu, anh yêu mảnh vườn mảnh ruộng của mình biết bao. Anh yêu con đường đất đỏ này biết bao. Có quá nhiều chuyện đẹp của hai đứa mình xảy ra ở đây, trong ấp này... anh không bỏ đi được đâu,” Năm giải thích với vợ để được ở lại.
 
Lộc chiều chồng, ở lại, sinh một đứa con, rồi hai đứa con, rồi cuối cùng qua thư từ và hình ảnh, thấy ba má sống bên Mỹ thoải mái quá, hai em ăn học thành công quá, Lộc muốn đưa chồng con đi. Lộc tìm mọi cách thuyết phục Năm. Thuyết phục mãi cho đến sau khi mẹ Năm mất một thời gian khá lâu, Năm mới đồng ý với vợ, quyết định lên đường.
 
Ba của Lộc vẫn có ý coi thường Năm ít học, là thứ nông dân dốt nát cục mịch, may mắn cưới được con gái mình. Ông cứ cằn nhằn phiền trách vợ mãi về chuyện gả Lộc cho Năm lúc ông còn trong trại cải tạo ngoài Bắc. Ông nói nếu có ông ở nhà thì con ông đâu có lấy thằng chồng tệ đến thế.
“Ông tưởng ông ở nhà thì mọi chuyện sẽ đổi khác đi à? Tui sợ không phải như vậy. Chính nhờ ông ở tù, khốn khổ, cơ cực, tủi nhục bao nhiêu ngày tháng trong đó nên mới được đền bù như ngày hôm nay,” má Lộc nói với chồng như thế.
“Đền bù cái chuyện xuất ngoại, cho con cái học hành nên danh nên phận, chứ đâu phải được đền bù lấy cái thằng nông dân ấy!”
“Suỵt, đừng có nói vậy nữa mà, hai em nó nghe được... sau này nó bắt chước cha nó, cứ khinh miệt anh rể, tội nghiệp người ta. Cái số con Lộc đã như thế, sửa đổi thế nào được. Dù gì thì hai đứa nó cũng đã hạnh phúc, có con với nhau. Thằng Năm cũng thương chiều vợ, biết lo cho con, lại hiếu thảo với mẹ nó, hiếu thảo với cha mẹ vợ nữa, vậy là tốt rồi, còn đòi hỏi chi nữa. Lỡ như con Lộc lấy phải thằng chồng có ăn học nhưng tính nết, tư cách, tâm tình chẳng ra chi thì nó còn khổ hơn. Vả lại, con Lộc cũng học hành hơn thằng Năm bao nhiêu đâu! Thằng Năm học xong lớp 7, con Lộc cũng mới hết lớp 9 thì nghỉ mất rồi.”
“Xì, bà nói sao thì nói, chứ tui vẫn thấy ấm ức, tức giùm cho con nhỏ làm sao ấy! Phải chi nó cứ ở vậy, qua đây tiếp tục đi học như hai thằng em thì hay biết mấy...”
“Làm sao biết được ngày nào ông về mà chờ đợi... Huống chi, cái chuyện tình cảm của tụi nó, đâu có chờ đợi mãi. Mình phải thương, phải hiểu hoàn cảnh của nó chứ. Thử tưởng tượng đi, ở cái ấp buồn xo ấy, quanh năm suốt tháng không có lấy một niềm vui, không có bất kỳ một trò chơi giải trí nào... không lẽ cứ để cho con mình chôn vùi tuổi xuân của nó trong công việc đồng áng? Ông không biết đâu... chính vì nhớ thương ông, bao năm vò võ một thân một mình nuôi con ở nơi chốn đói khổ cằn khô ấy, tui mới cảm thông được nỗi trống trải, cô đơn, buồn tẻ của tâm tình con người nơi ấy... Ôi, ngày này qua tháng nọ chỉ có gió hú, ve kêu, mưa dầm, đất nhão, nắng gắt, bụi mù... đôi khi giật mình giữa đêm, nghe một nỗi gì đau quặn trong lòng, cô liêu, thê thiết lắm. Có khi tưởng chừng không sao chịu đựng được nữa. Có khi muốn điên lên. Có khi chỉ muốn chết đi. Ở những nơi ấy, không có tình yêu thì không sống nổi đâu ông ạ. Chỉ nhờ tình yêu mà con người ở đó vẫn còn là con người.”
“Được rồi, được rồi, tôi hiểu, tôi hiểu, đừng khóc nữa bà. Nín đi kẻo tụi nhỏ cười.”
 
Vậy mà cái thằng ít học ấy, chỉ vài năm bập bẹ đi học tiếng Anh trong các lớp đặc biệt dành cho người lớn tuổi nước ngoài, đã thoắt cái, chuyển vận, trở thành đại nghệ sĩ, chẳng cần bất cứ thứ vốn liếng nhà trường nào, cũng chẳng cần bằng cấp hay nghề nghiệp chuyên môn nào để kiếm sống. Hắn giàu to thoáng chốc. Tậu một dinh thự to lớn cho mình và vợ con. Tậu luôn căn nhà nhiều phòng cho ba mẹ vợ. Tặng hai em vợ hai chiếc xe láng lẩy để đi học. Tiền vào như nước. Tiền ra cũng như nước. Bạn bè càng lúc càng đông. Hắn rộng tay chi xài, giúp đỡ vốn liếng làm ăn cho hết người này đến người nọ khiến cho nhiều gia đình cũng được phất lên. Hắn còn biết giúp tiền cho các cơ quan từ thiện xã hội, các cơ sở tôn giáo, giúp người tàn tật, nghèo đói, thiên tai ở Việt Nam, ở Phi châu, ở Nam Mỹ, ở Ấn Độ... bất cứ nơi đâu có vận động giúp người đói khổ, hắn đều vui vẻ ký ngân phiếu gởi tới.
 
Gia đình vợ, bà con bên vợ, cho đến những họ hàng xa của vợ hay của hắn, không còn dám khinh thường hắn nữa. Hắn bây giờ trở thành con người của đám đông, của quần chúng. Ai ai cũng biết mặt, biết tên hắn cả. Thành công rực rỡ như vậy, hắn vẫn hiền lành, dễ thương, vui vẻ, hòa hoãn với mọi người như hôm nào còn ở ruộng rẫy. Không ai gặp hắn mà không vui lên. Hắn luôn mang đến niềm vui cho kẻ khác, niềm vui vật chất hay niềm vui tinh thần.
 
Chỉ có một điều hắn không bao giờ hiểu nổi là Lộc, vợ hắn, tại sao vẫn không được hạnh phúc hoàn toàn như hắn nghĩ. Cô ta không bao giờ ngăn cản những điều hắn làm. Cô ta luôn khuyến khích hắn thực hiện những điều tốt, những điều mà cô nghĩ là mang lại phước đức cho gia đình, con cái. Có thể nói rằng những điều công ích mà hắn đóng góp cho đời đa phần đều do sự hướng dẫn và khích lệ của vợ. Nhưng thỉnh thoảng, Năm lại thấy vợ buồn so. Đôi mắt nàng chìm sâu xuống với một nỗi buồn lạ lùng, mang mang.
“Em có điều gì buồn hả?”
“Không, không có.”
“Em không thích anh làm chuyện ấy hả?”
“Không, em thích chứ.”
“Chứ sao... mặt em thấy buồn quá vậy”
“Anh thấy được sao?”
“Ừ, trong mắt em đó.”
“Nó như thế nào?”
“Như là em đang tìm kiếm, chờ đợi... một cái gì.”
 
Lộc im không nói. Nhiều lần Năm gặng hỏi mà vẫn không có câu trả lời.
“Em không biết nữa. Em thật khó nói cái cảm giác của em. Em biết, chúng ta đã có tất cả mọi thứ và chúng ta có nhau. Nhiều người ước ao có được hoàn cảnh như chúng ta. Nhưng mà... sao em vẫn thấy thiếu cái gì đó, không hiểu nổi. Em đang cố gắng tìm cho ra cái điều đó. Có lẽ một lúc nào đó em cũng sẽ tìm thấy thôi. Lúc đó, chắc em sẽ không còn buồn nữa đâu. Nhưng anh à, chỉ là chuyện nhỏ thôi. Mọi thứ ở đây, trong cuộc sống này, đều thoải mái. Em không dám đòi hỏi gì hơn nữa.”
 
Lộc nói vậy, nhưng rồi càng lúc nàng lại càng buồn nhiều hơn. Ăn uống ít lại. Ngủ ít lại. Nói ít lại. Mọi thứ đều không còn gì là quan trọng đối với nàng nữa. Nàng đi đứng nằm ngồi, sống và hít thở cái không khí tiện nghi trong ngôi biệt thự của một phu nhân giàu có mà vẫn cứ thẫn thờ thờ thẫn như người mất hồn. Năm giục vợ đi bác sĩ gia đình, rồi bác sĩ tâm thần. Không thay đổi được gì. Nàng vẫn buồn. Càng lúc càng lặng lẽ, ít nói và càng giống người bệnh hơn. Xanh xao, gầy mòn. Đôi mắt lạc thần. Đôi mắt của người đang tìm kiếm, chờ đợi một cái gì quay lại với mình. Năm lo sợ, chạy đôn chạy đáo, tìm bác sĩ tây-y, đông-y, thầy pháp, thầy bói... ai cũng nghĩ mình có thể chữa trị được, cũng khám, nói chuyện, cho toa, cho lời khuyên... nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Lộc vẫn cứ ngồi thừ, buồn tiu nghỉu như người nghèo bị mất trộm.
“Em ơi, em có biết không? Em là tất cả vốn liếng của đời anh đó. Cho dù anh có ngồi trên đống vàng, tự hào trên núi danh vọng... nhưng mất em, mất nụ cười và niềm vui của em, là anh mất tất cả đó. Em nói đi, nói anh nghe em muốn gì. Em cần gì, thiếu gì, cứ nói anh nghe, chân trời góc biển nào anh cũng sẽ tìm về đây cho em. Nói đi, nói đi em. Anh sẵn sàng chịu mất tất cả, vứt hết tất cả, chỉ để giữ lại mình em cho đời anh. Chỉ một mình em thôi, là đầy đủ, là hạnh phúc cho anh rồi.”
 
Nàng chớp chớp đôi mắt, long lanh ngấn lệ. Năm thấy vậy thì hơi mừng. Nghĩ rằng nàng vẫn còn cảm giác đối với tình yêu của mình. Nghĩ rằng có thể những lời của mình đã gợi ý cho nàng tìm ra cái gì nàng thiếu. Nhưng rồi, nàng vẫn không nói gì cả.
 
Bây giờ người ta đã bắt đầu đồn đãi rằng vợ của nhà đại nghệ sĩ bị mắc bệnh tâm thần. Năm giảm bớt những buổi trình diễn để quanh quẩn ở nhà với vợ, chờ đợi nàng nói, chờ đợi nàng cười.
 
Cho đến một đêm, Năm về trễ. Không dám làm động giấc ngủ của vợ, Năm nằm ngủ ở sofa phòng khách. Trằn trọc một lúc, trầm tư về cuộc sống của mình với người vợ đang bệnh, Năm thiếp đi một cách mệt mỏi. Bất chợt, Năm giật mình, thấy vợ ngồi kế bên. Bàn tay của Lộc đang ắp trên má hắn. Hắn sung sướng nắm lấy tay vợ, ngồi chổm dậy:
“Em, em... không ngủ hả? Em có điều muốn nói với anh phải không?”
 
Lộc gật gật cái đầu. Trong bóng đêm, mái tóc nàng xõa xuống hai bên vai làm nổi bật khuôn mặt trắng bệch.
“Em nói anh nghe đi. Em buồn điều gì? Em thấy thiếu cái gì, nói đi. Anh sẽ lập tức mang cái đó về cho em bằng mọi giá.”
 
Lộc lắc đầu. Ngồi im một lúc, nàng bắt đầu thủ thỉ:
“Anh có biết em thương anh nhất lúc nào không?”
“Ư... lúc anh âu yếm em... phải không?”
“Không phải.”
“Lúc anh vui cười, nắm tay dắt em đi giữa phố chợ.”
“Không phải. Những cái đó là trong hiện tại. Em muốn nói cái hình ảnh đẹp ở quá khứ kia.”
“Quá khứ à? Từ lúc mới qua Mỹ, hay lúc còn ở Việt Nam?”
“Còn ở Việt Nam.”
“Vậy thì khoảng thời gian hai đứa mới quen nhau chứ gì. Có phải lúc anh giả giọng bà Thanh Thanh, hát mấy bản nhạc tiền chiến kéo nhựa cả tiếng đồng hồ không?”
“Cái đó thì chỉ vui vậy thôi, cái vui cho đám đông, đâu phải cho riêng em.”
“Vậy chứ cái gì, em nói đại đi, anh đâu có nhớ hết được.”
Lộc im.
“Xin lỗi em, để anh nói, để anh nhớ coi nào. Có phải lúc em chận anh lại, hỏi anh có phải anh đang theo em không.”
Lộc lắc đầu.
“Vậy có phải lúc hai đứa đi xem cải lương về... chia tay nhau, em nói em thương anh, anh cũng nói anh thương em, phải không?”
Lộc gật đầu nhiều cái. Năm sung sướng nói tiếp:
“Thật vậy hả, em chỉ nhớ, chỉ mong, chỉ muốn ôn lại cái kỷ niệm đó thôi hả?”
“Không phải chỉ là cái kỷ niệm đó mà là cái giọng nói của anh lúc ấy.”
“Là sao? Anh không hiểu.”
“Cái giọng nói của anh lúc ấy... nó chân tình, ngây ngô, trung hậu, dễ thương, hồn nhiên lắm, anh có biết không?”
“Ơ... chỉ vậy thôi sao? Anh đã nói gì há, à, anh nói 'tui thương em' rồi sau đó anh nói 'anh thương em'... phải không?”
“Phải, nhưng cái giọng lúc đó là cái giọng thật của anh, còn bây giờ đó hả, anh chỉ nói với em bằng cái giọng của người khác mà thôi. Mỗi ngày, mỗi ngày, em cố gắng lắng nghe, để tìm lại cái giọng ngày xưa của anh, nhưng em thấy anh không còn nói bằng cái giọng đó nữa. Giọng của anh bây giờ là giọng của người khác. Ôi, anh có biết không, cho dù là giọng vàng, giọng bạc, giọng của vua, của tổng thống, của siêu sao màn bạc, của ca sĩ lừng danh... của bất cứ thượng đế, thiên thần, thiền sư, triết gia, nhà văn, nhà thơ nào đi nữa... thì vẫn là giọng giả thôi, vẫn là giọng của họ thôi. Hàng ngày anh mang những người ấy, hết người này tới người kia, mang về nhà này, để sống chung trong căn nhà này. Ôi, căn nhà đầy ắp những thượng khách. Em thật là mệt với những hình bóng của các người lừng danh nổi tiếng. Họ thật xa lạ đối với em, chẳng cho em chút thoải mái nào cả. Em không phủ nhận tất cả những thành công của anh lâu nay là do nhờ anh giả được cái giọng của họ y hệt, nhưng đó là trên sân khấu, còn ở đây, trong căn nhà này, trong đời sống hàng ngày bên nhau, em chỉ cần anh, cần cái giọng thật của anh, cái giọng mà hôm nào dưới trăng anh đã ấp a ấp úng nói lời tỏ tình đầu tiên với em... Em chỉ cần có chừng đó thôi. Em chỉ cần cái giọng một trăm phần trăm của anh, không bắt chước, không nhái, không giả, không cóp nhặt, không vay mượn của bất cứ ai trên đời. Anh cho em đi, anh hãy tìm lại giọng nói ấy cho em đi. Em van anh, hãy tìm lại cái giọng ấy cho em, đừng đánh mất nó. Anh đánh mất nó thì làm sao em tìm thấy nó được nữa, hu hu...”
“Được rồi, được rồi... để anh nói lại giọng của anh, để anh nói lại...”
“Không, giọng đó không phải của anh, của ca sĩ Vũ Linh.”
“Để xem, à giọng của anh đây rồi.”
“Không phải, đó là giọng của cựu Trung tướng Nguyễn Minh.”
“Từ từ, chịu khó một chút em ơi, đây nè, giọng anh như vầy nè, 'anh thương em'.”
“Không phải, giọng đó của ông nghị viên thành phố.”
“Anh thương em.”
“Không, giọng đó của nhà văn Phạm Tôn.”
“Anh thương em.”
“Không, của thi sĩ Bùi Lâm.”
“Anh thương em.”
“Không phải.”
“Anh thương em.”
“Không phải.
“Anh thương em.”
“...”
“...”
 
Năm không thể nói lại được giọng nói cũ của hắn. Suốt ngày hắn đi ra đi vào cứ lẩm bẩm “anh thương em” mãi. Hắn không còn đi lưu diễn nữa. Báo chí nhắc đến hắn, nói châm chọc một câu rằng: “đại nghệ sĩ Nguyễn văn Năm bận đi trình diễn show Anh thương Em.” Có báo nói rằng cả hai vợ chồng đại nghệ sĩ đều trở thành những bệnh nhân tâm thần.
 
Những bệnh nhân ấy, người thì lắng nghe, lắc đầu, tìm kiếm, chờ đợi; người thì cứ lẩm bẩm mãi một điệp khúc 'anh thương em'. Điệp khúc ấy, mọi cặp tình nhân trên cuộc đời đều đã từng nói qua, nhắc qua, nhưng không phải ai cũng nói được bằng giọng thật của mình.
 
Vĩnh Hảo

Thursday, February 27, 2014

Bảo Ðịnh

Nhớ về Xuân Lộc
 
Ðêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết,
Như một vành tang bịt đất trời!
Chân theo quân rút, hồn ta ở,
Sông nước La Ngà pha máu sôi.

(Nguyễn Phúc Sông Hương - Nửa hồn Xuân Lộc)
 
Sau thời gian đầu sống cuộc đời lưu vong tỵ nạn cộng sản tại quê người, phải bươn chải lo cuộc mưu sinh, cuộc sống dần dần ổn định.
Những cựu chiến binh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, cũng như các cựu chiến binh của các quân binh chủng khác của QLVNCH, đã nghĩ đến các bạn đồng đội của mình còn sống lây lất tại quê nhà, nhất là các thương phế binh và cô nhi quả phụ. Những lần họp mặt, lúc thì ở vùng Orange County, lúc thì ở San José của California, Hoa Kỳ. Họ họp mặt không ngoài mục đích gặp gỡ hàn huyên tâm sự, nhắc lại chuyện xưa, nhớ lại một thời vẫy vùng ngang dọc trên con đường Bảo Quốc-An Dân. Và luôn luôn họ vẫn nhớ những đồng đội cũ chẳng may trở thành tàn phế, sống cuộc đời tủi nhục và xa lạ ngay chính trên quê hương của mình.
Kẻ ít người nhiều, họ gom góp lại, và cổ động đồng hương. Số tiền đóng góp và quyên được đã gửi trực tiếp đến các TPB/SÐ18BB ở quê nhà. Dù ít dù nhiều, cũng là tấm lòng của người đi, của đồng đội đã một thời vào sinh ra tử.
 
Năm nay, 2009, cuộc hội ngộ gia đình 18 được tổ chức tại Úc. Tuy đường xa diệu vợi, phải ngồi máy bay trên 20 tiếng đồng hồ, nhưng phái đoàn từ Mỹ châu cũng cố gắng về tham dự tương đối hùng hậu.
Trưởng phái đoàn là Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo, tư lệnh Sư Ðoàn 18BB, kiêm tư lệnh mặt trận Xuân Lộc tháng 4 năm 1975. Tháp tùng Hằng Minh (danh hiệu truyền tin, tên gọi thân thương mà các cựu chiến binh Sư đoàn 18 vẫn gọi người anh cả của mình) là anh chị Lê Văn Trang ở Canada, anh chị Bảo Ðịnh Nguyễn Hữu Chế (cựu Tiểu đoàn trưởng TÐ2/43), anh chị Hạnh  Lan ở Holland (Michigan), anh chị Bình ở Connecticut. Tưởng cũng nên nhắc, Hằng Minh là tên cố Trung Tá Lê Hằng Minh, tiểu đoàn trưởng TÐ2/TQLC, tức Tiểu Ðoàn Trâu Ðiên lừng danh. Trung Tá Lê Hằng Minh cùng tiểu đoàn của ông bị VC phục kích trên đoạn đường giữa Huế và Quảng Trị. Tiểu đoàn đã phản phục kích thành công, nhưng người hùng Lê Hằng Minh và một số chiến sĩ mũ xanh anh dũng đã nằm lại trên con đường oan nghiệt mà nhà báo Pháp Bernard B. Fall gọi là Con Ðường Không Vui (La Rue Sans Joie).
Tướng Ðảo lấy tên Hằng Minh dùng làm danh hiệu truyền tin của mình để tưởng nhớ một người em “Anh Hùng” đã đền xong nợ nước, và cũng để nhắc nhở mình phải xứng đáng với danh hiệu đó.
 
Chương trình hội ngộ được các cựu chiến binh 18 tại Úc do chiến hữu Hoàng Lập Chí, Trưởng ban tổ chức (thuộc TÐ1/48, một luật sư trẻ, rất năng động), và các đồng đội cùng thân hữu lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Chương trình được tổ chức hai ngày:
- Dạ tiệc “Nhớ về Xuân Lộc” vào lúc 7 giờ tối ngày Thứ Sáu, 7 tháng 8 năm 2009, tại nhà nhà hàng Crystal Palace, Canley Vale Road, Canley Heights, NSW 2166, được đồng hương và cựu quân nhân QLVNCH tham dự đông đảo. Các chiến hữu Phạm Quang Ngọc (SQ tài chánh Trung Ðoàn 43), Ðổ Trung Chu (cựu tiểu đoàn trưởng TÐ1/43), Lê Văn Lệ (trưởng ban 4 Trung Ðoàn 43), Bác Sĩ Tấn, Nha Sĩ Sơn, Dược Sĩ Thạnh thuộc Tiểu Ðoàn 18 Quân Y,... cùng tất cả các nàng dâu, con cháu và bạn hữu Sư Ðoàn 18 đã cùng nhau, mỗi người một tay, tổ chức thành công đêm dạ tiệc gây quỹ yểm trợ TPB Sư Ðoàn 18BB, Mặt trận Xuân Lộc và QLVNCH còn sống lây lất tại quê nhà.
- Buổi nói chuyện chủ đề “Vị trí trận chiến Xuân Lộc trong Quân Sử VNCH” vào lúc 2 giờ đến 5 giờ chiếu ngày Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Ðồng NSW (Bibbys Road, Bonnyrigg, NSW 2177). Trong số quan khách, có sự hiện diện của Chiến sĩ Võ Ðại Tôn, ông cựu Ðại Sứ VNCH Ðoàn Bá Cang, chiến hữu Mai Ðức Hòa (Chủ tịch Tổng Hội CQN Úc Châu), Chiến hữu Trương Công Hải (Chủ tịch Hội CQN/NSW), Luật Sư Võ Trí Dũng (Chủ tịch CÐ/NVTD/NSW), Luật sư Võ Minh Cương, Ông Tô Ngọc Kim, Luật Sư Lưu Tường Quang (cựu giám đốc SBS Radio Australia), quí vị đại diện các hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông Việt Ngữ, nghị viên trẻ thành phố Fairfield Trần Nhân (cũng là con chim đầu đàn thuộc lực lượng hậu duệ VNCH tại Úc Châu), các em hậu duệ, và khoảng trên 400 đồng hương tham dự.
Ngoài ra báo chí Việt Ngữ và các đài phát thanh (Quốc Việt của SBS Radio, Tường Vân, Minh Trí, Phạm Cường của Phát Thanh Hậu Duệ, Ngọc Hân của đài VOA) đã phỏng vấn và đưa tin về cuộc hội ngộ của Gia đình 18 tại Úc Châu, làm cho bầu không khí vốn trầm mặc của xứ Kangaroo đang giữa mùa Ðông lạnh giá trở nên ấm áp sôi động.

Sư Ðoàn 18 Bộ Binh & trận chiến Xuân Lộc
Vào những ngày cuối của VNCH, tình hình thật hỗn loạn. Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu bị áp lực từ mọi phía, buộc phải từ chức vào buổi chiều ngày 21 tháng 4, 1975. Cũng thời gian này, Sư Ðoàn 18BB đã được lệnh rời bỏ Xuân Lộc về Biên Hòa.
“Các ông phải nói cho thế giới biết sự chiến đấu anh dũng và thắng lợi của SÐ18BB. Các ông phải nói để cho Chính phủ Mỹ thấy mà hổ thẹn vì đã bỏ rơi một đồng minh như Việt Nam.”
Trên đây là lời kể lại của Luật Sư Lưu Tường Quang, cựu giám đốc đài SBS, Australia, nhân buổi dạ tiệc “Nhớ Về Xuân Lộc.” Luật Sư Quang là cựu quyền tổng thư ký Bộ Ngoại Giao VNCH, được lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, triệu tập Ngoại giao đoàn đến Bộ Ngoại Giao vào buổi sáng ngày 21 tháng 4, 1975 để thông báo về việc từ chức của tổng thống. Trước khi ra về, vị đại sứ Anh Quốc đã dừng lại, nói với Luật Sư Quang lời tâm tình chân thật.

Trận chiến mở màn
34 năm về trước, vào lúc 5 giờ 40 phút sáng ngày 9 tháng 4, 1975, quân CSBV thuộc Quân Ðoàn 4 của Tướng Hoàng Cầm đồng loạt mở cuộc tấn công vào thị xã Xuân Lộc và thị trấn ngã ba Dầu Giây, phòng tuyến ngăn chận quân xâm lăng CSBV đang tràn vào từ miền Trung theo QL1, và Cao Nguyên theo QL20. Quân Ðoàn I&II/QLVNCH thua trận nhanh chóng. Quân xâm lăng tiến công như vũ bão, chúng tràn qua Vùng 1 & 2 như đi vào chỗ không người. Cuộc tiến quân quá dễ dàng đến đổi Văn Tiến Dũng, tên Ðại tướng CSBV, chỉ huy đạo quân xâm lăng đã huênh hoang khoác lác: “Cán bộ và chiến sĩ tham mưu không vẻ kịp bản đồ cho bước tiến quân của bộ đội.”
Nhưng đạo quân xâm lăng của Tướng Dũng đã bị chận lại ngay tức khắc khi chúng đánh “cấp tập” vào Sư Ðoàn 18BB tại Xuân Lộc. Bởi vì chúng đã đụng phải bức tường thép: “Tuyến Thép Xuân Lộc.”

Vào những ngày của tháng 3, 1975, sau khi thất thủ Phước Long (6.1.75), mất Ban Mê Thuột (10.3.75), bỏ Ðà Nẵng (30.3.75), tình hình chiến sự tại Vùng 3 bắt đầu sôi động. Bọn đầu lĩnh Bắc Bộ Phủ thông qua kế hoạch thôn tính miền Nam Việt Nam trong hai năm (1975-1976). Theo kế hoạch của Bộ Chính Trị Cộng Ðảng, năm 1975, tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa, Giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhưng cuộc lui binh thất bại của Quân đoàn II trên Liên Tỉnh lộ 7B, và “lệnh lạc” giữ hay bỏ Huế và Ðà Nẵng không dứt khoát rõ ràng, khiến Vùng 1 đã hoàn toàn rơi vào tay CSBV một cách dễ dàng trong khoảng 10 ngày (19 ố 30.3.75), chỉ vì kế hoạch lui binh cũng thất bại như ở Quân đoàn II. Sau khi Phan Rang, tuyến phòng thủ xa nhất bị thất thủ ngày 16 tháng 4, 1975, Xuân Lộc được lệnh bỏ ngõ ngày 21 tháng 4, 1975, ngày 26 tháng 4, 1975, CSBV đã không chờ đến năm 1976, chúng bắt đầu mở chiến dịch gọi là Chiến dịch Hồ Chí Minh, để nhanh chóng thôn tính toàn bộ miền Nam.

Nửa đêm ngày 17 rạng ngày 18 tháng 3, 1975, Sư 7/CSBV được tăng cường 10 chiếc xe tăng, tung Trung Ðoàn 141 tấn công khu vực trung tâm Ðịnh Quán, một quận cực Bắc của tỉnh Long Khánh, Trung Ðoàn 209 tấn công vị trí đóng quân của các đại đội thuộc Tiểu Ðoàn 2/43 do Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế chỉ huy, nằm bên ngoài thị trấn (đơn vị này từ Xuân Lộc, mới di chuyển đến đây chiều ngày hôm trước). Quá trưa ngày 18 tháng 4, quân CSBV chiếm quận đường, thiếu tá quận trưởng bị bắt, căn cứ Ðại Ðội 377/ÐPQ nằm trên điểm cao thất thủ, các đồn bót Nghĩa Quân cũng cùng chung số phận.

Thị trấn Ðịnh Quán mất.
Trên đà thắng lợi, quân CSBV tập trung lực lượng dứt điểm TÐ2/43.
Ðơn vị này phải rút chạy dài về cầu sông La Ngà, rồi về hậu cứ tiểu đoàn tại Núi Thị để bổ sung quân số và tái trang bị. Căn cứ cấp Tiểu đoàn ÐPQ của Thiếu tá Làu Vĩnh Quay đóng giữ cầu sông La Ngà cũng bị giặc chiếm vào ngày hôm sau. Ðoạn đường này của QL20 cho đến Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Ðồng đã lọt vào tay giặc. Trong lúc đó quận Hoài Ðức thuộc tỉnh Bình Tuy gồm các xã Võ Ðắc, Võ Su và Sùng Nhơn cũng bị Cộng quân tấn công mạnh. Các đơn vị ÐPQ, NQ và Tiểu Ðoàn 3/43 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Dư cũng phải rút chạy. Giờ đây Xuân Lộc trở thành điểm địa đầu của Tổ quốc, ngăn chặn giặc tràn vào từ phương Bắc. Tuyến phòng thủ từ xa Phan Rang do Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chịu trách nhiệm mất vào chiều ngày 16 tháng 4, 1975, vị chủ soái cùng một số cấp chỉ huy cao cấp bị bắt. Tiếp theo là Phan Thiết và Bình Tuy cũng liên tiếp lọt vào tay giặc.

Tuyến Thép Xuân Lộc
Không một ai nghĩ rằng những người lính Miền Ðông mang phù hiệu “Cung Tên,” đã đánh một trận để đời, đã viết nên một trang sử vẻ vang cho Quân sử VNCH, đã đánh cho Cộng quân thua xiểng liểng. Mặc dầu trong quá khứ, Sư Ðoàn 18BB không phải là đơn vị đánh giặc giỏi, trái lại từng bị đánh giá là một trong các sư đoàn kém khả năng của QLVNCH. Nhưng kể từ mùa Hè đỏ lửa năm 1972, sư đoàn được đặt dưới quyền Ðại tá Tư lệnh Lê Minh Ðảo, một sĩ quan trẻ, năng động, thông minh và nhiều mưu lược, nhất là biết cách lãnh đạo chỉ huy. Trung Tướng Phillip B. Davidson của Quân Lực Hoa Kỳ, qua kết quả của trận chiến Xuân Lộc, đã có nhận định thích đáng như sau: “The battle for Xuan Loc produced one of the epic battles of any of the Indochina wars, certainly the most heroic stand in Indochina War III... In this final epic stand ARVN demonstrated for the last time that, when properly led, it had the 'right stuff.'”
Tên Thái Thượng Hoàng Triều đình đỏ Bắc Việt Lê Ðức Thọ phải thú nhận: “Kết cục là anh em cũng không đánh được Xuân Lộc, bị thương vong nặng, phải rút ra...”
Văn Tiến Dũng, tên chỉ huy đạo quân xâm lược than: “Kế hoạch tấn công Xuân Lộc của QÐ4 lúc đầu chưa tính hết được sự phát triển phức tạp của tình hình, chưa đánh giá hết tính chất ngoan cố của địch. Tính chất giằng co ác liệt qua trận đánh này...”
Trần Văn Trà, tên chỉ huy quân “Giải Phóng Miền Nam” cũng bắt chước đàn anh than: “Các báo cáo cho biết các mũi tiến triển tốt... Nhưng vào cuối ngày 10.4.75 trở đi, tình hình trở nên căng thẳng. Ðịch phản công điên cuồng... Máy bay địch đánh phá ác liệt... tình hình rất gay go. Các đồng chí Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng và cả anh Lê Ðức Thọ, rất lo lắng khi thấy địch càng tập trung thêm lực lượng và ta có vẻ khựng lại... hoặc bị đẩy lui.”

Sau ba ngày tấn công vào Xuân Lộc và ngã ba Dầu Giây, các Sư 6, 7 và 341 thuộc Quân Ðoàn 4 của Tướng Hoàng Cầm đã không làm nên “cơm cháo” gì, bị Sư Ðoàn 18BB chận lại, bị thiệt hại nặng, phải tăng cường thêm Trung Ðoàn 95B, và điều thêm Sư Ðoàn 325 vào mặt trận. Chiều ngày 11 tháng 4, 1975, tại Lộc Ninh, Thủ phủ của cái gọi là “Chính phủ Cộng Hòa Lâm Thời miền Nam Việt Nam”, bọn đầu lĩnh trong đạo quân xâm lược gồm Lê Ðức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, và Trần Văn Trà họp khẩn cấp để đề ra phương án mới. Chúng quyết định thay đổi kế hoạch ban đầu, sử dụng Quân Ðoàn 4 của Cầm đánh cầm chân Xuân Lộc, còn đại quân sẽ đi vòng qua Hàm Tân, dọc theo bờ biển, rồi theo QL15 tiến lên đánh thẳng vào Biên Hòa. Cánh quân từ Cao Nguyên sẽ tiến xuống theo QL20. Nhưng trước hết phải tiêu diệt cho được Chiến đoàn 52 của Ðại Tá Ngô Kỳ Dũng đang lập tuyến phòng thủ tại ngã ba Dầu Giây. Theo nhận định của bọn chúng, đây là điểm yếu trong tuyến phòng ngự liên hoàn. Thực tế cũng như vậy. Bởi vì CÐ52 đã xuất phái Tiểu Ðoàn 2/52 của Ðại Úy Huỳnh Văn Út cho Xuân Lộc ngay từ buổi tối ngày 10.4. Cho nên khi quân của Tướng Cầm được tăng cường thêm Trung Ðoàn 95B, chúng đã có cơ hội đánh dứt điểm tuyến phòng ngự của CÐ52 vào chiều ngày 15 tháng 4. Trong lúc đó Trung Ðoàn 8, SÐ5BB của Trung Tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng bị cầm chân tại Hưng Lộc và Hưng Nghĩa, cách ngã ba Dầu Giây lối 3 cây số. Lữ Ðoàn 3 Xung kích của Tướng Khôi gồm mấy trăm chiếc chiến xa và mấy tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân tùng thiết cũng không thể nào phá được nút chận của địch để ra giải cứu CÐ52 đang nguy khốn. Kết quả CÐ52 bị thiệt hại nặng, phải rút chạy về Biên Hòa. Chiến đoàn 52 bị thua trận, nhưng Xuân Lộc vẫn đứng vững, nhất là sau khi được tăng viện thêm Lữ đoàn 1 Dù của Trung Tá Nguyễn Văn Ðỉnh vào chiều ngày 12 tháng 4. Từ bị động chống đỡ, quân trú phòng bắt đầu mở những cuộc phản công truy kích địch.

Tại mặt trận Xuân Lộc, ngoài yếu tố quyết định là vị tướng tư lệnh mặt trận có tài thao lược, cấp chỉ huy can trường và gần gũi binh sĩ, và hơn hết là tinh thần quyết chiến quyết thắng của người lính. Nhưng việc thành bại của một trận chiến, Pháo yểm và Không yểm vẫn đóng vai trò then chốt. Hai trái bom BLU-82 được thả xuống chỉ huy sở và hậu cần của Sư Ðoàn 341/CSBV, sau khi Dầu Giây thất thủ, đã bị Hà Nội la hoảng vì đã gây thiệt hại cho chúng rất nhiều (nhưng rất tiếc, không có cơ hội để kiểm chứng chính xác mức độ thiệt hại).

Sau khi tiến quân như thế chẻ tre từ Vùng 1, Vùng 2, và đè bẹp tuyến phòng thủ địa đầu Vùng 3 (Phan Rang), đạo quân xâm lăng của Tướng Văn Tiến Dũng đã bị chận đứng tại Xuân Lộc, chúng đã đụng phải bức tường thép: Tuyến Thép Xuân Lộc. Tuyến thép dược dựng lên do những chiến binh Sư đoàn 18BB, ÐPQ & NQ Long Khánh, các chiến sĩ mũ nâu của Tiểu Ðoàn 82/BÐQ, mũ đỏ của Lữ Ðoàn 1 Dù. Mười hai ngày đêm tấn công Xuân Lộc là 12 ngày đêm thảm bại của đạo quân xâm lược. Quân CSBV bị giết tại trận trên 6 ngàn tên, 37 xe tăng và xe bọc thép bị bắn cháy. Tổn thất của quân bạn được xem là nhẹ, chỉ có CÐ52 (-) của Ðại Tá Dũng và TÐ2/43 của Thiếu Tá Chế là bị thiệt hại nhiều nhất, lối 50% quân số.

Tháng 7 năm 1954 Pháp thua Việt Minh tại trận Ðiện Biên Phủ đưa đến việc qua phân đất nước. Tháng 4 năm 1975, CSBV thua QLVNCH tại trận Xuân Lộc, nhưng thắng lớn trên khắp các mặt trận, đưa đến nước VNCH bị xóa tên trên bản đồ thế giới, QLVNCH không còn. Nhưng trận chiến Xuân Lộc đã ghi lại một nét vàng son chói lọi trong quân sử VNCH. Xuân Lộc là trận chiến cuối cùng của cuộc chiến tranh Quốc Cộng kéo dài trong hai mươi năm. Nhưng là một trận chiến thắng vẻ vang, là niềm tự hào có được của quân và dân VNCH, khiến kẻ địch khiếp sợ và đồng minh phải nể phục.
 
Nhớ về Xuân Lộc không phải chỉ để hoài niệm suông, để hãnh diện một chiến thắng đã đi vào dĩ vãng, đang bị lãng quên theo năm tháng, mà để nhắc nhở chúng ta, những người còn sống, thế hệ trẻ, thế hệ mai sau, phải làm thế nào để xương máu của các chiến sĩ đã đổ xuống Mặt Trận Xuân Lộc không vô nghĩa.
 
Bảo Ðịnh
(Michigan, ngày 17 tháng 8 năm 2009)

Wednesday, February 26, 2014

Ukraine

Công an Ukraine quỳ gối xin tha lỗi
 
Nhân dân Ukraine thắng, cựu Tổng Thống Viktor Yanukovych thua, đang chạy trốn. Hơn ba tháng trước đây, cả ông Yanukovych và những người chống ông, không ai ngờ chuyện có ngày xảy ra. Bắt đầu, là một cuộc biểu tình nho nhỏ. Tháng 11 năm 2013, Tổng Thống Yanukovych bất ngờ tuyên bố ngưng bàn thảo về bản hiệp ước thương mại với Liên Hiệp Âu Châu (EU) mà hai bên đang chuẩn bị ký kết. Mấy trăm người, đa số là sinh viên, xuống đường phản đối. Họ không đòi ông tổng thống từ chức, chỉ đòi ông trở lại với chính sách thân thiện với EU mà nước Ukraine đã theo đuổi từ sau khi độc lập.
 
Tại sao các bạn trẻ này nổi giận? Có phải vì họ tính toán, thấy liên kết kinh tế với Châu Âu thì lợi hơn hay không? Chưa chắc. Nhưng họ đã thấy cảnh ông Yanukovych sang Nga bí mật gặp Tổng Thống Vladimir Putin, được Putin hứa cấp viện 15 tỷ đô la; khi về nước lập tức đổi chiều chữ U, cắt đứt liên hệ với Âu Châu. Chắc nhiều người cảm thấy nhục! Ukraine mới được độc lập từ năm 1990, sau nhiều thế kỷ bị các Nga hoàng thống trị, rồi bị nhập vào Liên Bang Xô Viết. Các hoàng đế Nga, trắng và đỏ, đã tìm cách tiêu diệt văn hóa Ukraine, di dân Nga sang đó; lưu đày các nhà chính trị, giới trí thức và văn nghệ sĩ lên Siberia nếu họ chống lại. Stalin dùng dân Ukraine làm thí nghiệm tập thể hóa nông nghiệp, khiến mươi triệu người chết đói. Người Ukraine nghĩ về chính phủ Nga cũng giống như người Việt Nam đối với các chính phủ bên Tàu. Hai đợt “cải tạo,” và “thanh trừng” của Stalin, (năm 1929-34 và 1936-38) đã giết chết gần 700,000 dân Ukraine. Trong đó đã giết 80% giới trí thức, văn nghệ; và ba phần tư các sĩ quan cao cấp. Vâng lệnh Putin quyết định tách xa Châu Âu khiến Yanukovych bị dân Ukraine khinh thường. Biểu tình đòi giao thương với Châu Âu là một cách bày tỏ thái độ với chính phủ Nga!
 
Nhưng chỉ có các sinh viên tỏ thái độ; các chính trị gia đối lập không tổ chức cuộc biểu tình. Nhiều lãnh tụ đối lập cũng vẫn muốn thân thiện với Nga. Dân thủ đô Kiev cũng không tham dự. Chắc vì họ thấy cuộc biểu tình này rồi sẽ chẳng đưa tới kết quả nào; sau khi các “ông lớn” đã đi đêm với nhau. Mọi chuyện bất ngờ thay đổi sau khi ông Yanukovych đàn áp.
 
Viktor Yanukovych đã nắm chính quyền nhiều lần. Người to như ông hộ pháp, tài sản giầu bậc nhất nước, mười năm trước ông đang làm thủ tướng, vừa đắc cử tổng thống, thì dân Ukraine cũng biểu tình chống bầu cử gian lận. Ông khuyên vị tổng thống đàn áp nhưng không được nghe, cho nên cả hai mất chức. Cuộc Cách Mạng Mầu Cam đưa Viktor Yushchenko lên ghế tổng thống và bà Yulia Tymoshenko làm thủ tướng. Năm 2006 ông lại liên minh với mấy đảng khác, và trở lại ngồi ghế thủ tướng. Năm 2010 thì ông đắc cử tổng thống!
 
Ðối với một nhà chính trị hoạt đầu, nắm chính quyền chỉ là một cơ hội trục lợi; mà từ bốn năm nay ông Yanukovych đã tích lũy được tài sản khổng lồ cho gia đình, con cái, các đại gia ghét ông nhưng cũng sợ ông. Chế độ Dân Chủ đối với ông là một cuộc chơi banh giữa các nhà chính trị cùng với các đại gia, họ chia nhau ghế, tranh cướp tài sản quốc gia; anh nào cũng tham lam và lạm dụng quyền hành như anh nào. Còn người dân, đến ngày bỏ phiếu sẽ mê hoặc họ, đánh lừa họ, họ tin rằng dân chúng ở đâu cũng vậy.

Theo bản năng sẵn có, ngay lập tức Viktor Yanukovych thẳng tay đàn áp đám sinh viên phản kháng. Kinh nghiệm mười năm trước nhắc nhở ông là phải tiêu diệt biểu tình ngay từ đầu. Các sinh viên bị đánh, bị bắt, đám đông bị dẹp tan. Hậu quả bất ngờ, là phản ứng của dân chúng Kiev. Họ phẫn nộ trước cảnh đàn áp, và họ đến ủng hộ với các sinh viên. Họ vẫn còn nhớ quyền lực của người dân trong cuộc Cách Mạng Mầu Cam mạnh thế nào. Ngay sáng hôm sau, hàng trăm ngàn người xuống đường, kéo tới tràn ngập công trường Maidan, ở trung tâm thủ đô, và cứ thế tiếp tục ngày này sang ngày khác. Cuộc biểu tình ngày càng đông đúc hơn; vì những người biểu tình rất trật tự, theo đúng kỷ luật, khiến cho không những dân chúng Ukraine mà cả thế giới cũng kính trọng. Họ dựng lều, làm hàng rào, đồng ca những bài hát yêu nước. Ðêm sang ngày, trong nhiệt độ dưới số không.
 
Phong trào phản kháng đã tự chuyển biến, như con nhộng hóa thành con ngài, con sâu biến thành con bướm. Người dân không những đòi phải tái lập giao thương với Châu Âu, mà đòi quyền được sống xứng đáng với tư cách công dân một nước độc lập. Xã hội Công dân xuất hiện, nhiều người lên tiếng tố cáo guồng máy chính trị thối nát, tham nhũng, và bất lực trước các khó khăn kinh tế, làm cho đất nước nghèo, nghèo và hèn! Ukraine là một miền đất phì nhiêu nhất trong Liên bang Xô viết thời xưa. Công nghiệp tiến bộ, 99% dân biết chữ, tỷ lệ người đi học đại học cao bậc nhất thế giới, cái máy computer đầu tiên của Liên Xô được sáng chế ở Ukraine! Vậy mà trong hai chục năm qua các nhà chính trị đã làm tiêu tán hết cả những di sản quý báu của tiền nhân, đưa đến cảnh phải sang Nga “ăn xin” ông Putin, và trả giá bằng cách bất ngờ đoạn tuyệt với EU! Các chính trị gia đã làm cho dân nghèo, làm cho cả dân tộc thành hèn yếu!
 
Dân trung lưu Ukraine lại đứng dậy, mười năm sau cuộc Cách Mạng Mầu Cam, cuộc cách mạng sau đó đã bị các chính trị gia chiếm đoạt và lợi dụng. Cả ông tổng thống và các chính trị gia đối lập đều không ngờ lòng dân trào lên nhanh như vậy. Ông Yanukovych không nói chuyện với dân chúng biểu tình, mà mời các lãnh tụ đối lập tới thương thuyết; dùng chiến thuật trì hoãn để xoa dịu dư luận thế giới. Dân vẫn biểu tình ngoài trời, trong không khí mùa Ðông giá lạnh, trong hai tháng trời.
 
Cố vấn của ông Putin đã công khai khuyên Yanukovych hãy thẳng tay đàn áp. Yanukovych đã học được phép chống biểu tình của ông thầy Putin. Ngày 16 Tháng Giêng, ông ban hành luật cấm biểu tình, ai chống chính phủ sẽ bị trừng trị bằng luật hình sự. Nhưng người dân Ukraine can đảm hơn ông tưởng. Trong ba ngày, gần một trăm người bị giết. Ngày 22 Tháng Giêng 2014, các thanh niên, sinh viên bắt đầu dùng gạch, đá, chai xăng chống lại công an. Công an an nổ súng. Mấy chục người chết. Bầu không khí thủ đô và ở công trường Maidan thay đổi, sau khi máu chảy. Người dân không sợ hãi mà còn mạnh bạo và cương quyết hơn. Yanukovych bèn rút lại đạo luật cấm biểu tình, bắt ông thủ tướng từ chức để chạy tội; mời một lãnh tụ đối lập thuộc đảng của bà Tymoshenko lên thay nhưng không được. Yanukovych bay sang Nga dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Ðông.Tình hình êm dịu kéo dài, chắc nhờ Putin đã yêu cầu Yanukovych không được làm cho tin tức cuộc chơi mùa Ðông bị lu mờ so với tin tức Ukraine trên các báo đài khắp thế giới.
 
Những thanh niên lãnh đạo cuộc biểu tình đã chọn đúng thời điểm Putin đang lo thế vận hội mà phản công. Họ tự lập ra một Ðoàn Thanh Niên Tự Vệ, điều động dân dựng hàng rào kháng cự, tự võ trang, chuẩn bị đối đầu với đám công an xung phong. Chính quyền có lúc dọa đem cả quân đội tới đàn áp biểu tình, nhưng các tướng lãnh vẫn đứng ngoài cuộc tranh chấp chính trị. Yanukovych tiếp tục “câu giờ” bằng các cuộc thương thuyết với các đảng đối lập. Có lúc họ đã đạt được thỏa hiệp, sửa Hiến Pháp để trao quyền cho Quốc Hội nhiều hơn, chấp nhận cho Yanukovych có thể tiếp tục làm tổng thống đến cuối năm nay mới bầu cử. Trong khi đó bộ trưởng Công An tuyên bố đã phát “súng trận” cho công an, sẵn sàng giết. Khi các lãnh tụ đối lập công bố kết quả cuộc thương thuyết, nhiều người dân hô đả đảo. Một thanh niên đọc tên một người bạn cùng ở trong Ðoàn Thanh Niên Tự Vệ, cả anh ta với vợ và con nhỏ đã bị công an bắn chết. “Không thể thỏa hiệp! Yanukovych phải từ chức ngay!”
 
Trong thời gian đó, ở trong Quốc Hội, các đại biểu đảng viên của ông Yanukovych đã thấy gió đổi chiều. Một số thỏa hiệp với các đại biểu đối lập thay đổi Hiến Pháp, họ làm luật trả tự do cho bà Tymoshenko. Ngày Thứ Tư, sinh viên đánh nhau với công an cảnh sát. Ngày Thứ Năm, công an an xung phong Berkut dùng đạn thật bắn chết hàng chục người biểu tình, các đại biểu Quốc Hội thấy phải hành động. Một đại biểu đối lập đề nghị một lời kêu gọi công an ngưng bắn dân. Phe chính phủ phản đối, cảnh đấm đá lẫn nhau diễn ra. Ðể thay đổi không khí, một đại biểu đề nghị một phút tưởng niệm các người đã chết, bên dân cũng như bên công an. Trong không khí tĩnh lặng đó, chỉ nghe thấy tiếng hơi thở của mình, chắc nhiều người đã thay đổi ý kiến. Quốc Hội thông qua lời kêu gọi công an ngưng bắn dân.
 
Hình như các công an chỉ chờ cơ hội đó. Ngày Thứ Sáu, họ lặng lẽ giải tán. Khi đoàn biểu tình tiến tới trụ sở các bộ, các sở, cảnh sát, công an đã bỏ trống, đường phố thuộc về người dân. Sáng sớm Thứ Bảy, Yanukovych cùng gia đình bỏ trốn. Ông đến một tỉnh miền Ðông, nơi nhiều người gốc Nga sống, xưa nay vẫn là hậu cứ của ông. Ông tính qua biên giới sang Nga, nhưng lính biên phòng ngăn lại. Ông đưa tiền hối lộ, họ từ chối.
 
Yanukovych không ngờ cơ sự xảy ra như vậy. Các nhà chính trị đối lập cũng không ngờ. Trước đó, người ta vẫn lo Ukraine sẽ xảy ra nội chiến, vì tinh thần ái quốc của dân ở phía Tây rất mạnh, còn dân ở phía Ðông vẫn thân Nga hơn. Nước Georgia, trước cũng thuộc Liên Xô như Ukraine, đã từng bị quân Nga tấn công, rồi kéo hai vùng tách ra đòi tự trị, và thân Nga. Nhưng sau khi một chính phủ lâm thời thành lập ở Kiev, các tỉnh miền Ðông tuyên bố sẽ tuân phục chính quyền trung ương. Vùng Crimea, vốn trước kia thuộc nước Nga, chỉ được trao cho Ukraine từ năm 1954, nhiều người gốc Nga kéo đến bảo vệ tượng Lenin, sợ dân Ukraine tới kéo đổ. Nhưng chính quyền Crimea cũng tuyên bố sẽ không ly khai.
 
Một chế độ độc tài trông bên ngoài có vẻ rất kiên cố; đã sụp đổ nhanh chóng. Dân Ukraine đã giành lại quyền độc lập tự do thật sự. Nhưng bây giờ đến lúc xây dựng lại nền dân chủ, họ sẽ phải rút kinh nghiệm quá khứ. Chế độ Dân Chủ chỉ là một hình thức tổ chức cho xã hội. Nội dung là tự do, công bằng, và quyền tham dự của người dân vào việc đất nước. Dân Ukraine không có kinh nghiệm sống dân chủ, sau mấy thế kỷ sống dưới các chế độ chuyên chế của các Nga hoàng và các lãnh tụ cộng sản. Sau khi được độc lập và xóa bỏ chế độ cộng sản, chính quyền rơi vào tay đám chính trị hoạt đầu. Bọn họ cầm quyền nhưng cải tổ kinh tế rất chậm chạp để bảo vệ quyền lợi giới quyền quý, chương trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước chỉ làm giầu cho chính họ, gia đình, và phe đảng. Tham nhũng tràn lan. Các đại gia gây ảnh hưởng trên guồng máy cai trị.
 
Bây giờ dân Ukraine sẽ phải bắt đầu lại xây dựng dân chủ tự do từ những bước đầu. Sống dân chủ tự do khó hơn người ta tưởng. Nhưng chắc chắn sống tự do vẫn hơn làm nô lệ. Vì vậy hàng trăm thanh niên Ukraine đã đổ máu hy sinh. Trong ngày Thứ Bẩy, trong lúc các nhà chính trị đang bàn nhau lập chính quyền mới, dân thủ đô Kiev đã tổ chức tang lễ cho những người đã khuất. Ngày hôm qua, cả thế giới được nhìn thấy hình ảnh những người công an Ukraine quỳ gối xin tạ lỗi với nhân dân, vì nhiều đồng đội của họ đã bắn chết dân.
 
Ngô Nhân Dụng

Tuesday, February 25, 2014

Nguyễn Lộc Yên

LINH TỪ QUỐC MẪU: TRẦN THỊ DUNG (? - ?)

Trần Thị Dung là con gái Trần Lý, em Trần Thừa, Khi Thái tử Sảm đến làng Tức Mặc, thấy có sắc đẹp, lấy làm vợ. Năm 121O, Trần Thị được lập làm Nguyên phi. Đàm thái hậu là mẹ Huệ Tông, thấy họ Trần nắm giữ quyền bính, nên lo ngại, hất hủi Trần Thị và mấy lần muốn hạ độc. Năm 1216, Trần Thị được sắc phong Hoàng hậu. Năm 1225, nhà Lý mất ngôi. Hoàng hậu Trần Thị Dung giáng xuống làm Thiên cực Công chúa, để gả cho Trần Thủ Độ (hai người là chị em họ). Những cung nhân nhà Lý, thì đem gả cho các tù trưởng các mường.

Tháng 8 năm Bính tuất (1226), tổ chức đám cưới Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, sau đó bà được phong làm Linh từ Quốc mẫu. Giặc Nguyên xâm lược nước ta lần thứ nhất (1258), bà đã trực tiếp chỉ huy giới hoàng tộc rút khỏi kinh thành. Sau đó bà chỉ huy thu nhặt sắt thép, khích lệ các hiệp thợ rèn, ngày đêm rèn luyện vũ khí, cung cấp cho quân sĩ nhà Trần. Như vậy bà cũng có công lớn trong việc đánh đuổi quân Nguyên.

Bà Trần Thị Dung, Việt Sử Tiêu Án, (trang 69) viết: “Thái hậu là người đàn bà góa của nhà Lý đương triều, được xem như là mẹ của Thủ Độ, sao lại nỡ muối mặt, táng tâm đến thế, cái ngày thầy tăng chùa Chân Giáo lên cõi niết bàn, lại là ngày Hoàng hậu bị hạ giá, tuy đã đổi tên gọi là công chúa, nhưng ở trong họ còn là anh em gần; vì con nhà chài lưới chả biết lễ nghĩa là gì, tập tục loạn luân như thế, từ đời Kinh, Hấp đã có thế rồi...”.

*- Thiết nghĩ: Việt Sử Tiêu Án viết: “Con nhà chài lưới chả biết lễ nghĩa là gì...”, e rằng quá khắt khe chăng?! Vì chỉ có Trần Thị Dung hợp sức với Thủ Độ, mới dựng lên được nhà Trần. Cũng nhờ nhà Trần vững mạnh, mới trừ được loạn lạc trong nước và đủ sức mạnh để diệt quân Nguyên xâm lược?!

Cảm khái: Linh từ Quốc mẫu


Nào ngờ dân dã, được vua yêu?!
Duyên nợ trăm năm, lủng củng nhiều!
Nguy biến nước nhà, cùng gánh vác
Chung lưng góp sức đỡ tường xiêu!!!


Nguyễn Lộc Yên

Monday, February 24, 2014

Nguyễn Hưng Quốc

Ai có thể đánh bại được Cộng sản.

Nhìn lại lịch sử tranh chấp giữa hai khối tư bản và Cộng sản trong gần suốt thế kỷ 20, nhận xét đầu tiên người ta có thể rút ra là: Không ai có thể đánh bại được Cộng sản.

Nhận xét ấy được hỗ trợ bởi hai bằng chứng:

Thứ nhất, trên phạm vi toàn cầu, trong 70 năm đầu tiên, chủ nghĩa Cộng sản phát triển cực nhanh, nhanh đến độ dường như không có ai và không có cái gì có thể ngăn cản được. Ra đời tại Nga năm 1917, năm năm sau, 1922, Liên bang Xô Viết được thành lập với vai trò nòng cốt của Nga, châu tuần bởi các nước láng giềng nhỏ của Nga, như Ukraine, Belarus, Georgia, Armenia và Azerbaijan. Sau đó, một số nước khác bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết, như Estonia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đến giữa thập niên 1980, Liên bang Xô Viết, với diện tích trên 22 triệu cây số vuông và đường biên giới trên 60.000 km, chiếm đến một phần sáu diện tích trái đất, rộng bằng cả Bắc Mỹ. Năm 1945, sau Đệ nhị thế chiến, một số nước thuộc Trung Âu và Đông Âu lần lượt rơi vào tay Cộng sản: Albania, Ba Lan, Bosnia, Bulgaria, Croatia, Đông Đức, Hungary, Macedonia, Montenegro, Romania, Serbia, Slovakia, Slovenia, Tiệp Khắc, Nam Tư. Sau đó nữa là các nước thuộc châu Á và châu Phi, như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Afghanistan, Campuchia, Congo, Mông Cổ, Yemen, Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Somalia, Eritrea và Mozambique. Vào giữa thập niên 1980, khối Cộng sản rất mạnh, chiếm một phần ba dân số thế giới. Cho đến lúc ấy, câu khẩu hiệu chủ nghĩa Marx-Lenin hoặc chủ nghĩa Cộng sản bách chiến bách thắng vang lên khắp nơi. Dân chúng ở các nước Cộng sản, vốn bị nhồi sọ, tin điều đó, đã đành. Ngay phần lớn dân chúng ở Tây phương, tuy biết tất cả những mặt trái đầy tiêu cực của chủ nghĩa Cộng sản, vẫn không tin là Tây phương có thể đánh bại được Cộng sản.

Thứ hai, dù cả hai bên, tư bản và Cộng sản, lúc nào cũng cố gắng tự kiềm chế, nhưng ít nhất cũng có hai nơi cuộc chiến tranh lạnh đã biến thành chiến tranh nóng: Ở Triều Tiên trong ba năm, 1950-1953, và ở Việt Nam, từ 1954 đến 1975. Ở trận chiến đầu, hai bên hòa nhau, Triều Tiên bị chia đôi, Nam và Bắc. Điểm phân cách vẫn là vĩ tuyến 38, đúng với quyết định của phe Đồng Minh trong hội nghị Potsdam vào tháng 8 năm 1945. Ở trận chiến sau, Mỹ tự nhận là thua sau khi rút khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. (Về điểm này, tôi có phân tích khá kỹ trong bài “
1975: Việt Nam có thắng Mỹ?”. Ở đây, tôi tạm thời chấp nhận cách nhìn quen thuộc và phổ biến để khỏi bị gián đoạn mạch lý luận trong bài viết này.)

Có điều, từ nhận xét nêu ở đầu bài viết, không ai có thể đánh bại được Cộng sản, người ta lại chứng kiến một sự kiện oái oăm vào thời điểm bản lề giữa hai thập niên 1980 và 1990: chủ nghĩa Cộng sản đã bị sụp đổ trên phạm vi toàn cầu. Cái gọi là “sụp đổ” ấy có hai mức độ: sụp đổ hoàn toàn và sụp đổ một phần, hơn nữa, phần lớn. Nhưng dù sụp đổ hoàn toàn hay sụp đổ một phần thì cũng vẫn là sụp đổ. Một sự sụp đổ lớn lao, nhanh chóng, và đặc biệt, hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của mọi người ở mọi phía.

 Sự sụp đổ hoàn toàn diễn ra ở Nga, Đông Âu, Trung Âu, Trung Đông, Trung Mỹ và châu Phi.

Trước hết, ở châu Âu, chỉ trong vòng chưa tới ba năm, toàn bộ các đảng Cộng sản đang nắm quyền sinh sát gần như tuyệt đối ở Đông Âu và Trung Âu đều mất sạch quyền hành; chế độ độc đảng trở thành đa đảng; bầu cử tự do được tổ chức khắp nơi, các thành phần đối lập hoặc lên cầm quyền hoặc được chia quyền (ở Ba Lan, ngày 4/6/1989; Turkmenistan 7/1/1990; Uzbekistan 18/2/1990; Lithuania 24/2/1990; Moldova 25/2/1990; Kyrgyzstan 25/2/1990; Belarus 3/3/1990; Nga 4/3/1990; Ukraine 4/3/1990; Đông Đức 18/3/1990; Estonia 18/3/1990; Latvia 18/3/1990; Hungary 25/3/1990; Kazakhstan 25/3/1990; Slovenia 8/4/1990; Croatia 24/4/1990; Romania 20/5/1990; Armenia 20/5/1990; Tiệp Khắc 8/6/1990; Bulgaria 10/6/1990; Azerbaijan 30/9/1990; Georgia 28/10/1990; Macedonia 11/11/1990; Bosnia & Herzegovina 18/11/1990; Serbia 8/12/1990; Montenegro 9/12/1990; và Albania 7/4/1991). Liên bang Xô Viết tan rã. Hầu hết các quốc gia trước đây bị sáp nhập vào Liên bang đều tuyên bố độc lập hoặc tự trị. Ngay cả ở Nga, đảng Cộng sản không những bị mất quyền mà còn bị khinh bỉ và tẩy chay, không còn đóng vai trò gì trên bàn cờ chính trị quốc nội.

Xin lưu ý; sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở các nước trên đều diễn ra rất gọn gàng, không gây xáo trộn và đặc biệt, không đổ máu, trừ Romania, nơi Ceaușescu bị lật đổ và giết chết, kéo theo cái chết của khoảng 1.100 người khác.

Sự sụp đổ ấy nhanh chóng lan sang các vùng khác, đặc biệt các vùng Trung Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Năm 1990, ở Nicaragua, sau một cuộc bầu cử tự do, đảng Cộng sản mất quyền; ở Angola, cuộc chiến giữa Cộng sản và phe chống Cộng chấm dứt; năm 1991, ở Ethiopia, Trung tá Mengistu Meriam, nhà độc tài Cộng sản từng thống trị đất nước suốt gần 15 năm, chạy trốn khỏi đất nước, và Eritrea tuyên bố tách khỏi Ethopia, trở thành độc lập và từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản. Ở Trung Đông, năm 1990, chế độ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Yemen bị sụp đổ, sau đó, hợp nhất với Nam Yemen, thành lập nước Cộng hòa Yemen; ở Afghanistan, chế độ Cộng sản của Najibullah sụp đổ vào mùa xuân 1992.

Sự sụp đổ một phần diễn ra ở Trung Quốc, Lào, Cuba và Việt Nam.

Chế độ Cộng sản, như nó từng tồn tại từ năm 1917 đến cuối thập niên 1980, dựa trên ba nền tảng chính: Về ý thức hệ, dựa trên chủ nghĩa Marx-Lenin; về kinh tế, dựa trên chính sách quốc hữu hóa và nguyên tắc kế hoạch hóa tập trung; và về bộ máy quyền lực, dựa trên sức mạnh độc tôn của đảng, công an và quân đội. Ở cả bốn quốc gia kể trên, từ đầu thập niên 1990, nền tảng ý thức hệ coi như đã bị phá sản; nền tảng kinh tế cũng bị biến chất theo chiều hướng tư bản hóa. Trên cái thế kiềng ba chân của chế độ, hai chân đã bị sụp. Chỉ còn một chân là bộ máy quyền lực. Gọi chế độ Cộng sản ở bốn quốc gia này bị sụp đổ một phần, thậm chí, phần lớn, là vậy.

Trên thế giới hiện nay, chỉ có một quốc gia duy nhất còn giữ được chế độ Cộng sản chính thống và “truyền thống” trước năm 1990, đó là Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, không ai xem đó là điều đáng tự hào. Ngược lại. Nó chỉ bị xem là
một thứ quái thai.

Như vậy, chúng ta chứng kiến một nghịch lý: một mặt, có cảm tưởng như không ai có thể đánh bại được Cộng sản; mặt khác, chỉ trong vòng mấy năm thật ngắn ngủi, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều thi nhau ngã gục. Vậy thì ai đánh bại nó?

Có nhiều câu trả lời đã được đưa ra. Nhưng câu trả lời được nhiều học giả đồng tình nhất là: Không có ai đánh bại Cộng sản cả. Chỉ có Cộng sản mới đánh bại được Cộng sản.

Cộng sản đánh bại Cộng sản bằng cách nào?

Bằng nhiều cách. Thứ nhất, bằng các sai lầm có tính hệ thống trong kinh tế khiến nước Cộng sản nào cũng nghèo đói xơ xác. Giữa thập niên 1980, phần lớn các cửa hàng quốc doanh, kể cả cửa hàng thực phẩm, ở phần lớn các nước Cộng sản, bao gồm cả Liên Xô, đều trống không. Nợ nước ngoài chồng chất. Riêng Ba Lan, nơi chế độ Cộng sản sụp đổ đầu tiên, nợ các nước Tây phương đến trên 100 tỉ đô la và đối diện với nguy cơ không thể trả được. Thứ hai, tình hình kinh tế tồi tệ ấy càng tồi tệ thêm nữa do nạn tham nhũng tràn ngập ở mọi cấp. Thứ ba, những thất bại về kinh tế, sự hoành hành của tham nhũng và những chính sách độc tài tàn bạo của chính quyền làm dân chúng bất mãn và nổi dậy tranh đấu đòi thay đổi chính sách, đặc biệt, dân chủ hóa. Cuối cùng, đối diện với tất cả các vấn đề ấy, hầu như mọi người, kể cả các cán bộ cao cấp nhất, đều mất hẳn niềm tin vào chủ nghĩa Cộng sản. Họ biết chắc chắn một điều: họ không thể tiếp tục tồn tại được nếu họ không tự thay đổi. Chính sách glasnost và perestroika của Mikhail Gorbachev ra đời là để đáp ứng lại nhu cầu đó. Nhưng ngay cả khi đưa ra chính sách cải tổ và tái cấu trúc như vậy, giới lãnh đạo vẫn không an tâm hẳn. Họ biết đó chỉ là những biện pháp vá víu. Tự thâm tâm, tất cả đều mất niềm tin vào chế độ.

Chính vì mất niềm tin như vậy nên ở những thời điểm quan trọng nhất, mọi người đều đâm ra hoang mang, không ai dám quyết định điều gì. Ngày 9 tháng 11 năm 1989, khi dân chúng đổ xuống đường biểu tình trước bức tường Bá Linh, bộ đội và công an, dù đông hơn hẳn, không biết đối phó thế nào. Họ gọi điện thoại lên cấp trên. Các cấp trên của họ sợ trách nhiệm, cứ đùn qua đẩy lại với nhau: Cuối cùng bức tường bị đổ. Ở Nga cũng vậy, trước các cuộc xuống đường của dân chúng, không ai dám ra lệnh quân đội hay công an nã súng vào dân chúng:
cuối cùng, chế độ sụp.

Không phải cán bộ, công an hay giới lãnh đạo bỗng dưng nhân đạo hơn. Không. Ở đây không phải là sự thay đổi trong tính khí. Mà ở nhận thức. Tất cả đều nhận thức được sâu sắc mấy điểm chính: Một, ngày tàn của chế độ Cộng sản đã điểm; nó không thể tồn tại thêm được nữa. Hai, nó cũng không thể cứu được. Mọi nỗ lực cứu vớt đều tuyệt vọng và chỉ gây tai họa không những cho đất nước mà còn cả cho chính bản thân họ. Cuối cùng, như là hệ quả của hai điều ấy, chọn lựa tốt nhất mà họ nên làm là buông tay bỏ cuộc.

Cả ba nhận thức ấy đều không thể có nếu không có hai điều kiện: Thứ nhất, người ta có dịp so sánh với sự giàu có, tự do và dân chủ ở Tây phương và thứ hai, các nỗ lực tranh đấu không ngưng nghỉ của dân chúng, đặc biệt giới trí thức, trong việc vạch trần các sai lầm và tội ác của chế độ. Cả hai điều kiện đều quan trọng, nhưng điều kiện thứ nhất chỉ có thể phát huy được tác dụng là nhờ điều kiện thứ hai. Những sự phê phán và tranh đấu cho dân chủ liên tục càng ngày càng làm nổi bật sự khác biệt sâu sắc giữa tự do và toàn trị, càng làm lung lạc niềm tin ngay cả ở những kẻ cuồng tín và mê tín nhất, cuối cùng, cô lập những kẻ lì lợm bám víu vào bộ máy độc tài. Khi sự cô lập đến mức độ nào đó, người ta chỉ còn hai lựa chọn: hoặc trở thành Gorbachev hoặc trở thành Ceaușescu (hay gần hơn, Muammar Gaddafi ở Libya).
 
Nguyễn Hưng Quốc

Sunday, February 23, 2014

US universities

Các đại học Mỹ nhận hiến tặng
gần $34 tỉ năm 2013
 
Trị giá hiến tặng từ các nhà hảo tâm cho các trường đại học Mỹ đã lên tới gần $34 tỉ trong năm 2013, một con số kỷ lục, theo bản báo cáo đưa ra mới đây và cũng là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế đang trên đường phục hồi.

Ðây là một tin tốt đẹp cho các đại học ở đủ mọi tầm cỡ, theo lời bà Ann Kaplan, giám đốc Hội Ðồng Trợ Giúp Học Vấn (CAE) trong bản báo cáo trợ giúp học vấn được thực hiện thường niên (VSE). Cơ quan CAE, vốn đã thực hiện các cuộc thăm dò VSE mỗi năm kể từ năm 1957 tới nay, công bố kết quả của năm 2013 hôm Thứ Tư tuần qua.(Right : Stanford University, một trong những đại học nhận được tiền hiến tặng nhiều nhất. (Hình: C. Flanigan/Getty Images)

Tuy là các trường danh giá thuộc nhóm Ivy League vẫn tiếp tục đứng đầu bảng về số tiền nhận được, người ta thấy nhiều trường khác có được sự gia tăng lớn lao trong mức hiến tặng từ năm 2012 đến 2013 là những trường đại học cộng đồng.

Các dữ kiện CAE có được cũng giống như kết quả nghiên cứu khác về việc hiến tặng của giới hảo tâm nói chung cũng như về lãnh vực tặng cho các trường đại học.

Trên tổng thể, mức hiến tặng cho mọi mục tiêu tăng gần 5% trong năm 2013, theo bản báo cáo mang tên Charitable Giving Report, do công ty Blackbaud Inc. ở thành phố Charleston, tiểu bang South Carolina thực hiện. Blackbaud chuyên cung cấp nhu liệu và dịch vụ cho các tổ chức thiện nguyện.

Các nhà nghiên cứu tại trường Lilly Family School of Philanthropy thuộc đại học Indiana University ở thành phố Indianapolis và viện Giving Institute ở thành phố Chicago cũng nhìn thấy sự gia tăng đều đặn của mức độ hiến tặng từ năm 2009 tới nay.

Sự kiện này không làm ngạc nhiên các chuyên gia về từ thiện và các kinh tế gia.

“Việc hiến tặng cho các trường đại học thay đổi tùy theo tình hình kinh tế,” bà Kaplan cho biết. “Nếu chúng ta trong tình trạng suy trầm và thị trường chứng khoán tuột dốc, mức độ hiến tặng sẽ giảm xuống. Và đây thật sự là thời gian duy nhất mà người ta nhìn thấy có sự sút giảm.”

Tuy các nhà hảo tâm cỡ lớn, những người có khả năng cho hàng trăm ngàn hay hàng triệu đô la, có khi lên cả tỉ đô la, sẽ không thật sự cảm thấy bị nghèo đi trong thời gian có suy trầm kinh tế, họ vẫn ngần ngại trong việc cho món quà lớn trong hoàn cảnh kinh tế đen tối, theo bà Kaplan. Hơn thế nữa, nhiều món hiến tặng thường dưới hình thức cổ phiếu. Khi thị trường chứng khoán đi xuống, các cổ phiếu đó không có trị giá nhiều cho trường được tặng hay cho người hiến tặng về mặt giảm thuế.

Nhưng điêu đó không có nghĩa là lòng hảo tâm hoàn toàn đóng băng trong thời gian suy trầm kinh tế, theo Una Osili, giám đốc nghiên cứu của Lilly Family School of Philanthropy.

Trong thời buổi khó khăn, các nhà hảo tâm thường chú trọng đóng góp cho các tổ chức chuyên giúp cho những nhu cầu căn bản của cuộc sống thường ngày.

Sự kiện mức hiến tặng cho các đại học tăng lên cho thấy giới hảo tâm nay cảm thấy tự tin hơn về tình hình tài chánh của họ cũng như nền kinh tế nói chung để quay trở lại những mục tiêu có trước khi suy trầm kinh tế.

“Những mục tiêu đó thường chú trọng vào việc ‘tạo ảnh hưởng thay đổi một điều gì đó,’” theo lời Tiến Sĩ Osili.

“Người ta có thể tặng tiền cho trường y khoa để nghiên cứu cách chữa trị ung thư,” theo lời bà Osili. “Hay người ta cũng có thể giúp chương trình dạy âm nhạc hoặc tặng học bổng cho các gia đình nghèo để giúp giảm tình trạng nghèo khó. Những người hiến tặng cho các đại học thường có nhiều cơ hội khác nhau để có ảnh hưởng vào đời sống.”

Ðầu tư vào những chương trình này không chỉ cho thấy là tình hình kinh tế hiện khá hơn, nhưng cũng tạo ra một hệ thống hạ tầng cơ sở vững chắc cho tương lai, theo bà Kaplan.

“Các đại học là nơi khởi sự các thay đổi xã hội, nghiên cứu y khoa và tiến bộ về khoa học trên cả nước, và hạ tầng cơ sở đó rất cần thiết,” bà Kaplan nói.

Tại Palo Alto, tiểu bang Califoria, các nỗ lực gây quỹ tại đại học Stanford University đã giúp tài trợ việc tái xây dựng bệnh viện Stanford Hospital, một bệnh viện cộng đồng quan trọng trong vùng Bay Area nhưng cũng giúp các bệnh nhân ở khắp nơi tại Mỹ.

Stanford nhận được đóng góp khoảng $931 triệu trong năm ngoái, cao hơn so với bất cứ trường nào khác. Trong số này, $60 triệu sẽ được dùng để hỗ trợ cho các sinh viên được nhận vào trường nhưng không có đủ khả năng đóng tiền học.
 
Lê Tâm
@ Higher Education  -  @nguoiviet

Saturday, February 22, 2014

Ngô Nhân Dụng

Ðảng tan rã vì những thế lưỡng nan 


Trong cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi (Chương 12), Trần Trọng Kim nhận xét về đảng Cộng sản Việt Nam: “Cái chủ nghĩa cộng sản về đường luận thuyết cũng có điều bảo thủ như là muốn chữa những điều bất công trong xã hội, nhưng về đường kinh tế, thì lại áp chế quá, làm lắm điều hà khốc và dùng những thủ đoạn quỷ quyệt giả dối, khiến người ta mất lòng tin cậy. Ðem cái bất công bình nọ mà phá cái bất công bình kia thì dù có thắng lợi đi nữa, cũng không chắc đã vững bền.” (Xin chú thích: Bảo thủ ở đây nghĩa là đáng giữ)

Trần Trọng Kim viết cuốn hồi ký này trước khi qua đời năm 1953 ở Ðà Lạt, vào tuổi 70, nhà xuất bản Vĩnh Sơn, Sài Gòn, in di cảo vào năm 1969. Trước đây hơn 60 năm, tác giả đã tiên đoán rằng dù có thắng lợi đi nữa, đảng Cộng sản cũng không vững bền. “Cũng không chắc đã vững bền” là lối diễn tả nhẹ nhàng theo ngôn ngữ của một nhà giáo, một người thấm nhuần phong cách Nho gia. Theo lối bây giờ sẽ nói thẳng rằng vì “người ta mất lòng tin cậy” đảng Cộng sản chắc chắn sẽ tan rã.

Vào lúc Trần Trọng Kim tiên đoán chế độ Cộng sản sẽ tan rã, cụ hoàn toàn dự đoán theo lương tri, chưa có kinh nghiệm như chúng ta bây giờ đã chứng kiến cảnh sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Nga và Ðông Âu từ năm 1989. Ngày nay lớp hậu sinh học hỏi được nhiều hơn, với nhiều bằng cụ thể chứng hơn, chúng ta thấy rõ hiện tượng Ðảng Tan Rã đang xẩy ra, đúng như lời tiền nhân tiên đoán.

Trước hết vì các chế độ độc tài sụp đổ là một trào lưu đã diễn ra khắp thế giới liên tục trong 40 năm qua. Từ thập niên 1970 đến nay, gần 100 quốc gia đã chuyển từ độc tài sang các thể chế dân chủ dưới nhiều hình thức, và với mức độ tự do nhiều hay ít khác nhau. Các nước đổi sang thể chế dân chủ ngày càng nhiều, tại những nước đã dân chủ hóa thì dân vẫn đòi hỏi được tự do thêm. Người dân cũng như giới quyền quý ở Việt Nam, cũng như bên Trung Quốc đều biết điều đó.

Có một kinh nghiệm lịch sử, là các chế độ độc tài thường chấm dứt sau khoảng thời gian khoảng 70 năm cầm quyền, dù không bị sụp đổ do một biến cố bên ngoài, như Ðức Quốc Xã, Phát Xít Ý, hay Quân Phiệt Nhật thua trận. Cộng sản Liên Xô nắm quyền lâu nhất, được 74 năm. Quốc Dân Ðảng Trung Hoa được 73 năm, bắt đầu ở lục địa, chấm dứt ở Ðài Loan. Ðảng Dân chủ Ðịnh chế (Partido Revolucionario Institucional, PRI) ở Mexico cai trị 71 năm. Cả hai đảng ở Ðài Loan và Mexico sau còn được dân bầu trở lại cầm quyền vì họ chấp nhận, khởi xướng quá trình dân chủ hóa. Ðảng Cộng sản Nga thì không. So với thời hạn 70 năm thì hiện nay chế độ Cộng sản Trung Quốc đã thọ được 65 tuổi tính từ năm 1949, Cộng sản Việt Nam đã cầm quyền 69 năm kể từ năm 1945. Không biết hai đảng này sẽ phá được kỷ lục của Liên Xô hay không, nhưng chắc chắn họ sẽ theo chung một số phận. Cảnh tan rã thường được báo hiệu từ hàng chục năm trước, cường độ tăng lên dần dần.

Có hai lý do khiến cho các chế độ độc tài phải tan rã, dù ở Liên Xô, Mexico, Việt Nam hay ở Trung Quốc. Thứ nhất là hiện tượng suy đồi từ bên trong guồng máy thống trị. Thứ hai là loài người tiến bộ, với những thay đổi trong đời sống kinh tế, xã hội, nhất là trong kỹ thuật thông tin. Hai hiện tượng đó diễn ra song hành, thúc đẩy lẫn nhau, đưa tới tình trạng “Ðảng Tan Rã” không thể tránh được.

Về hiện tượng tự suy đồi, các chế độ độc tài nuôi sẵn những mầm mống tự diệt, ngôn ngữ Mác xít gọi là những mâu thuẫn nội tại. Mâu thuẫn là điều Karl Marx coi là không thể tránh được, dù ông chỉ lo phân tích những mâu thuẫn nội tại của kinh tế tư bản. Sau khi phân tích, ông Marx tiên đoán các mâu thuẫn từ bên trong sẽ khiến hệ thống kinh tế tư bản giẫy chết. Kết luận này sai lầm, không phải vì kinh tế tư bản không có những mâu thuẫn nội tại. Nhưng nhờ được bổ túc bằng thể chế dân chủ nên các mâu thuẫn được biểu hiện tự do, nhờ thế tự thay đổi. Một “hệ thống mở” có khả năng tự chuyển hóa để thoát chết. Một hệ thống khép kín như các chế độ độc tài cũng cần đáp ứng các mâu thuẫn nội tại. Nếu nó cứ tiếp tục khép kín thì sẽ đi tới sụp đổ. Ngược lại, nếu nó bắt đầu cởi mở thì xã hội sẽ tự đổi, dần dần tới lúc không còn độc tài nữa. Ðây là một thế lưỡng nan khó thoát ra được. Ðảng có thể tan rã qua hai con đường, hoặc sụp đổ nhanh chóng hoặc qua những “diễn biến hòa bình.”

Ngoài ảnh hưởng các mâu thuẫn trong xã hội, một hệ thống khép kín tự nó đã chứa những mâu thuẫn, giữa thực tế và lý tưởng. Ðầu thế kỷ 20, nhà phân tích xã hội Robert Michels người Ðức đã phân tích mối mâu thuẫn nội tại trong các đảng xã hội, một bên là lý tưởng tự do và bình đẳng, một bên là thực tế quyền hành được tập trung vào trong tay một nhóm nhỏ các lãnh tụ. Tập trung quyền kiểm soát các đảng viên, quyền sử dụng các tài nguyên của đảng, sẽ đưa tới chế độ quả đầu (oligarchy). Hiện tượng này thấy rõ trong các chế độ độc đảng, đưa tới cảnh suy đồi ngay từ bên trong.

Không thể nào có dân chủ ở bên trong một đảng nếu đảng này chủ trương cai trị cả xã hội bằng phương pháp chuyên chế. Khi một đảng chiếm độc quyền lãnh đạo, qua một, hai thế hệ, các lãnh tụ sẽ thấy cơ hội “thu lợi nhuận,” vì họ đã “đầu tư” cả cuộc đời vào đảng. Với độc quyền lãnh đạo, xã hội không có cơ chế nào để kiềm chế họ. Giữa đám lãnh tụ, các mâu thuẫn sẽ nảy sinh, họ tranh giành nhau, khi cần thì thay đổi “luật chơi” trong nội bộ để chiếm thêm nhiều quyền và nhiều lợi lộc hơn. Bên ngoài, những người lanh lẹ, khôn ngoan nhìn thấy việc vào đảng như một cơ hội đầu tư. Những đảng viên bên dưới có thể “phấn đấu” leo dần lên các nấc thang, chờ tới ngày sẽ trở thành lãnh tụ và bắt đầu thu lợi nhuận. Nhưng tất nhiên họ cũng thấy có thể thu lợi nhuận sớm hơn, vì ở mỗi cấp quyền hành đều tập trung và không cơ chế bên ngoài nào để kiểm soát và kiềm chế. Ðộc quyền lãnh đạo thi hành từ trên xuống dưới tạo ra môi trường thuận lợi cho họ. Ðó là nguyên nhân gây nên cảnh lạm quyền, tham nhũng, các đảng cộng sản ở Trung Quốc cũng như Việt Nam đều đã thú nhận. Họ không thể giảm bớt được tệ nạn này nếu vẫn tiếp tục giữ độc quyền lãnh đạo. Nhưng mối mâu thuẫn nội tại này không đủ làm cho đảng tan rã nhanh nếu không có những mâu thuẫn lớn trong sự vận hành của toàn thể hệ thống.

Trong một xã hội sống dưới chế độ độc tài, mối mâu thuẫn thứ nhất phát khởi vì nhu cầu của đảng phải kiểm soát đám dân bị trị. Càng kiểm soát chặt chẽ thì càng làm cho xã hội chậm tiến, từ kinh tế đến văn hóa. Người dân so sánh chế độ mình đang sống với các nước chung quanh, thấy họ đang thua kém về mọi mặt, thấy cần thay đổi chế độ. Muốn xoa dịu lòng dân thì phải nới lỏng guồng máy kiểm soát, phải “đổi mới” để đáp ứng nhu cầu, từng bước một. Ðài Loan, Ba Lan, Hungary đã đi từng bước như vậy trong hàng chục năm, trước khi thay đổi hẳn. Ði trên con đường này chính quyền độc tài có dịp lâu lâu lại kể công mình đã “đổi mới” cứu dân thoát tai họa của những người cầm quyền trước, độc tài hơn mình. Những khẩu hiệu “tiến lên chủ nghĩa xã hội” được thay thế bằng khẩu hiệu “tiếp tục đổi mới để tiến lên.” Con đường này trước sau cũng trở thành “diễn biến hòa bình” đòi thay đổi toàn diện. Nếu cố cưỡng lại khát vọng của người dân thì mâu thuẫn ngày càng nặng hơn, diễn biến sẽ không còn hòa bình nữa, như đã xảy ra ở Phi Luật Tân thời Marcos, ở Nga, và đặc biệt ở Rumania. Ðây là một thế lưỡng nan (dilemma), chọn đi theo con đường nào cũng dẫn tới tình trạng chế độ tan rã.

Mâu thuẫn thứ hai nằm ngay trên con đường đổi mới chậm từng bước. Nới rộng guồng máy kiểm soát thì người dân sẽ được no ấm hơn. Nhưng sau khi đủ ăn, đủ mặc rồi, kỳ vọng của dân chúng sẽ lên mức cao hơn. Uy tín của chính quyền được đo lường bằng những bước tiến trên đường phát triển kinh tế nó cho biết nền cai trị bền vững hay không. Nhưng các nhu cầu kinh tế sẽ gia tăng, người dân vẫn tự so sánh đời sống của họ với các nước chung quanh mà họ nhìn thấy trên ti vi, hay qua đám du khách. Chính quyền độc tài bị đặt vào một thế lưỡng nan mới. Nếu kinh tế phát triển chậm, dân bất mãn, có thể đưa tới diễn biến không hòa bình. Nếu kinh tế tiến bộ, xã hội thay đổi, tâm lý và thái độ của người dân sẽ thay đổi, người ta không thể chấp nhận sống dưới ách độc tài mãi được. Vì kinh tế phát triển tạo ra một tầng lớp trung lưu, lợi tức và học vấn cao hơn. Họ sẽ nuôi những khát vọng bình thường của giới trung lưu khắp nơi. Họ ý thức về quyền công dân của mình, họ biết tập họp thành tổ chức, một xã hội công dân ra đời là mầm mống tạo thêm nhu cầu sống tự do dân chủ. Ðảng PRI đã thành công phần nào trong việc nâng cao đời sống của dân Mexico trong hơn nửa thế kỷ; nhưng chính vì thế mà dân gặp họ muốn thay đổi.

Các chế độ độc tài thường ra đời sau các cuộc chiến tranh hay cách mạng, với những lãnh tụ đầu tiên được tô điểm bằng hình ảnh hấp dẫn quần chúng, Max Weber gọi là “charisma.” Sau đó, phải đi qua một quá trình mà Max Weber gọi là “bình thường hóa” (routinization). Mâu thuẫn nằm trong quá trình này, vì không đáp ứng được những thay đổi trong xã hội. Các chế độ độc tài thất bại vì không thể bình thường hóa một nền nếp xã hội mà giới trung lưu nhìn thấy là không bình thường. Giới trung lưu thành hình khi kinh tế phát triển. Lợi tức lên cao khiến người ta muốn tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ mà người nước khác được hưởng. Sau khi thỏa mãn những nhu cầu sơ đẳng (cơm ăn, áo mặc, nhà ở) sẽ nẩy sinh những nhu cầu ở cấp cao hơn, như con cái được hưởng một nền giáo dục tử tế, mình được an toàn nhờ pháp luật bảo vệ, được thỏa mãn các nhu cầu tinh thần, như quyền được đóng góp ý kiến về những quyết định chung liên can đến mình. Nhu cầu cao nhất là quyền được lựa chọn, được quyết định, do đó cần được cởi trói khỏi chế độ độc tài. Người ta tin vào một số giá trị giống giới trung lưu ở các nước tiến bộ, vì trình độ học vấn tương tự. Với hiểu biết rộng hơn, họ cũng bớt bảo thủ, sẵn sàng chấp nhận những bất đồng về tư tưởng, ý kiến. Họ tự ý thức các quyền lợi của mình và quyền lợi chung của xã hội mình đang sống; và họ sẵn sàng lên tiếng đòi hỏi, nếu cần thì hành động để phản kháng.

Một xã hội không thể tạo ra một tầng lớp trung lưu trong khi vẫn duy trì một guồng máy kiểm soát đè nén không cho những khát vọng của giới trung lưu được thể hiện, qua xã hội công dân với những tổ chức mà giới trung lưu tự lập để thể hiện những giá trị bình thường của giới trung lưu khắp mọi nơi. Diễn biến tất sẽ xảy ra, hòa bình hay không hòa bình. Chế độ độc tài phải tan rã.

Ngô Nhân Dụng