Saturday, May 31, 2014

HS-TS

Việt Nam Cộng Hòa,
lối thoát của Hoàng Sa và dân tộc


Sau 40 năm nếu tính từ thời gian hải quân Trung Cộng tấn chiếm Hoàng Sa và 56 năm kể từ khi Phạm Văn Đồng gởi công hàm cho Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai, lần đầu tiên lãnh đạo CSVN chính thức phủ nhận công hàm. Bao nhiêu lần lập đi lập lại câu thần chú “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền đối với Hoàng Sa” nhưng giới lãnh đạo CSVN không hề nhắc đến công hàm, tưởng chừng như văn bản đó không phải là của họ. Thứ Sáu 23-5-2014, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Biên Giới Quốc Gia, trong cuộc họp báo với mục đích “làm rõ công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng” đã đưa ra các lý luận để phản bác các quan điểm của Trung Cộng.

Điều kiện quốc tế dẫn tới công hàm Phạm Văn Đồng

Trước 1958, Trung Cộng không có một quan điểm rõ ràng nào về lãnh hải. Nhà văn Trung Quốc Wei Wen-han nghiên cứu về lãnh hải nhắc lại cho đến tháng Sáu 1957 Trung Cộng vẫn chưa có một xác định nào về hải phận và thềm lục địa thuộc về Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tháng 12 năm 1957, Nam Dương tuyên bố mở rộng lãnh hải từ 3 hải lý theo truyền thống mà hầu hết các quốc gia áp dụng sang 12 hải lý và được tính từ điểm ngoài cùng của các đảo thuộc lãnh thổ Nam Dương. Vì Nam Dương là quốc gia quần đảo, nếu tính như vậy, một vùng biển rộng lớn của vùng Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đều thuộc quyền kiểm soát của Nam Dương. Anh, Hòa Lan và nhiều quốc gia khác cùng lên tiếng phản đối. Trung Cộng chụp lấy thời cơ binh vực Nam Dương và ngày 4 tháng 9 năm 1958 công bố riêng một Bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc (Declaration on China’s Territorial Sea) với các điểm chính như mọi người đều biết: “Bề rộng của lãnh hải Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sẽ là 12 hải lý” và “áp dụng tương tự đối với Đài Loan và các đảo chung quanh, Quần đảo Bành Hồ (Penghu), Quần đảo Trung Sa (Tungsha), Quần đảo Tây Sa (Hsisha), Quần đảo Chungsha, Quần đảo Nansha (Nam Sa), và các đảo khác thuộc Trung Quốc”.

Công tâm mà nói, bản tuyên bố của Trung Cộng trong thời điểm đó nhắm vào Mỹ đang bảo vệ các tàu hàng Đài Loan trong các vùng đảo Kim Môn, Mã Tổ, Bành Hồ hơn là các nước Đông Nam Á. Người soạn thảo bản tuyên bố của Trung Cộng áp dụng phương pháp tính lãnh hải của Nam Dương và có tầm nhìn Đại Hán nên đã đưa các đảo Tây Sa (Hsisha) tức Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) tức Trường Sa trong vùng biển Đông vào. Chính phủ Mỹ tức khắc bác bỏ bản tuyên bố của Trung Cộng và các chiến hạm Mỹ vẫn tiếp tục bảo vệ an ninh cho các tàu hàng Đài Loan trong vùng 3 hải lý của đảo Kim Môn, Bành Hồ chung quanh Đài Loan. Trung Cộng không dám bắn. Bộ quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch tấn công Trung Cộng bằng bom nguyên tử. Để giữ thể diện, Bành Đức Hoài tuyên bố ngưng bắn vào Kim Môn nếu tàu chiến Mỹ ngưng bảo vệ tàu hàng Đài Loan. Mỹ chẳng những không đáp lại đòi hỏi của Trung Cộng mà còn gởi Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles thăm Đài Loan để bàn kế hoạch phòng thủ Đài Loan lâu dài.

Hai lý do Trần Duy Hải dùng để bác bỏ công hàm Phạm Văn Đồng

Thứ nhất. Công hàm Phạm Văn Đồng “hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Lý luận này không thuyết phục được ai. Không cần phải đứng về phía Trung Cộng mà chỉ một người có chút hiểu biết và dù đứng về phía Việt Nam cũng phản bác lại dễ dàng. Đưa ra lý do không đề cập đến Hoàng Sa, Trường Sa là một cách tự kết án mình. Bản tuyên bố của phía Trung Cộng ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Cộng và Việt Nam đáp lại bằng cách “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố”. CSVN có nhiều cách để lấy lòng đàn anh Trung Cộng mà vẫn giữ được chủ quyền đất nước. Chẳng hạn, Phạm Văn Đồng chỉ nhấn mạnh đến sự ủng hộ của đảng và nhà nước CSVN đối với các chính sách của Trung Cộng trong xung đột Đài Loan mà không nhắc nhở gì đến Hoàng Sa, Trường Sa và coi như không biết đến “Bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc”. May ra còn có thể cãi cọ được. Tiếc thay, lãnh đạo đảng sợ viết như vậy chưa vừa lòng đàn anh và chưa tỏ bày hết lòng dạ trung kiên, kết cỏ ngậm vành của mình.

Không giống thái độ của các nước Mỹ, Anh, Hòa Lan, CSVN tự nguyện đưa cổ vào tròng. Không có một văn bản nào cho thấy Trung Cộng áp lực Việt Nam phải đồng ý với bản tuyên bố lãnh hải của Trung Cộng. Không có tài liệu nào cho thấy Trung Cộng đe dọa nếu CSVN không ủng hộ sẽ đưa quân sang “dạy cho một bài học” hay cắt đứt viện trợ. Thời điểm năm 1958 vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa chưa phải là mối bận tâm hàng đầu của Trung Cộng, tuy nhiên những người soạn thảo bản công bố chủ quyền biển của Trung Cộng đã biết phòng xa. CSVN thì không. Nếu sự kiện được trình lên toàn án quốc tế, không một quan tòa nào sơ đẳng đến mức đánh giá hai văn bản một cách độc lập với nhau.

Phân tích để thấy, lãnh đạo CSVN trong lúc phủ nhận giá trị của công hàm Phạm Văn Đồng trước dư luận quốc tế, cũng đồng thời thừa nhận trước nhân dân Việt Nam công hàm Phạm Văn Đồng là công hàm bán nước.

Lý do thứ hai cũng do Trần Duy Hải đưa ra “Hoàng Sa và Trường Sa cũng phù hợp với thực tế lúc đó hai quần đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa”.

Trong hai lý do, chỉ có lý do Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là có sức thuyết phục về mặt pháp lý cũng như gây được cảm tình của thế giới tự do. Tuyên cáo của chính phủ VNCH công bố ngày 14 tháng Hai năm 1974 xác định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như Bạch thư của Bộ Ngoại Giao VNCH đầu năm 1975 đanh thép bác bỏ giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng không thể công nhận những gì không thuộc lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. VNCH là một quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về VNCH đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, lý luận VNCH có gây được cảm tình nhân loại và có thể dùng để tranh luận trong bàn hội nghị cũng chưa thắng được bởi vì VNCH không còn là một thực thể chính trị.

Phản bác của nhà nghiên cứu Trung Quốc

Ngô Viễn Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật Việt Nam và từng du học tại Việt Nam đã bác bỏ các luận điểm của CSVN. Ngô Viễn Phú cho rằng “Ở thời điểm đó, trên trường quốc tế, một số quốc gia có quan hệ tốt với miền Bắc, trong đó có Trung Quốc, đều thừa nhận miền Bắc là đại diện hợp pháp duy nhất cho Việt Nam; và phía Trung Quốc, vào ngày 18 tháng 1 năm 1950, thể theo đề nghị của chính quyền miền Bắc, đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với miền Bắc, hai bên cùng cử đại sứ (tới Hà Nội và Bắc Kinh).”

Đàn anh Cộng Sản Trung Quốc công nhận đàn em CSVN là chuyện đương nhiên và thể theo lời yêu cầu của CSVN chứ không phải của VNCH. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước thay đổi theo từng thời kỳ. Singapore là một nước nhỏ nhưng mãi đến 1990 mới công nhận Trung Cộng. Liên Xô là một nước lớn nhưng Mỹ bắt chờ 16 năm sau cách mạng CS Nga mới công nhận Liên Xô. Thời điểm 1933 Nhật bắt đầu bành trướng ở phương Đông nên Mỹ cần làm dịu căng thẳng ở phương Tây, nếu không Tổng thống Franklin Roosevelt còn cô lập Liên Xô thêm nhiều năm nữa.

Việc “Trung Quốc, đều thừa nhận miền Bắc là đại diện hợp pháp duy nhất cho Việt Nam” cũng chỉ giá trị giữa miền Bắc CS và Trung Cộng không ảnh hưởng gì với quốc tế và không liên hệ gì đến nước thứ ba, trong trường hợp này là VNCH. Trung Cộng có quyền công nhận miền Bắc Cộng Sản và không công nhận VNCH về mặt ngoại giao nhưng vẫn phải thừa nhận VNCH là một quốc gia độc lập được quốc tế và các quốc gia tham dự hội nghị Geneva, trong đó có Trung Cộng tham dự và ký kết.

Trong khi phản bác Ngô Viễn Phú lại cũng dựa trên lý luận CSVN đã xâm lược VNCH và không có quyền “thừa kế” lãnh thổ của nước bị chiếm: “Nếu theo quan điểm đã nhắc đến ở trên của các học giả Việt Nam thì, miền Bắc là “bên thứ ba ở ngoài không liên quan”, như vậy, sẽ có nghĩa là thừa nhận địa vị hợp pháp của chính quyền miền Nam, và thế thì, những cái gọi là “bù nhìn” hay “chính quyền ngụy” chỉ là cách gọi càn, và việc “giải phóng miền Nam” của chính quyền miền Bắc chính là hành động xâm lược. Theo nguyên tắc của luật quốc tế, bên xâm lược không có quyền “kế thừa” lãnh thổ và tất cả các quyền lợi của bên bị xâm lược, thế thì, chính quyền Việt Nam hiện nay, vốn là kế tục của chính quyền miền Bắc trước đây, sẽ không có quyền lấy tư cách người kế thừa của chính quyền miền Nam để mà đưa yêu cầu về lãnh thổ đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa.”

Về mặt công pháp quốc tế cũng như cả lãnh đạo CSVN lẫn phe phản bác lý luận của CSVN đều công nhận rằng chủ nhân thật sự của Hoàng Sa vẫn là VNCH. Do đó, điều kiện tiên quyết, chọn lựa duy nhất và con đường thích hợp nhất không chỉ để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Công mà mở đường cho tự do, dân chủ và thịnh vượng là tập trung vào công cuộc phục hưng VNCH.

Lối thoát VNCH

Đọc tới đây, một số độc giả có thể sẽ dừng lại vì cho người viết không tưởng, hư cấu hay chủ trương đi lại một vết xe đổ. Không. Phục hưng VNCH không phải là đi lùi vào quá khứ mà hướng tới tương lai, không phải lập lại mà thăng tiến cao hơn. VNCH không phải là vết nhăn trên trán của thế hệ cha chú đã qua mà là hành trang và ước vọng của tuổi trẻ ngày nay. Chủ nghĩa CS mới thật sự là lạc hậu và việc cáo chung của chủ nghĩa này chỉ là vấn đề thời gian. Thác nước Niagara không thể nào chảy ngược. Không phải người viết, phần đông độc giả mà ngay cả các lãnh đạo CSVN cũng không thể chối cãi sự thật đó. Chủ nghĩa CS còn kéo dài ở Á Châu cho đến hôm nay là nhờ họ biết núp bóng sau tấm bình phong chống thực dân đế quốc. Tấm bình phong do họ dựng lên đang rã mục. Năm 1954 tại miền Bắc, nhiều người thật sự tin rằng đảng CS và dân tộc Việt Nam là một, như nước với sữa, như máu với thịt, hay như Hồ Chí Minh nói “đảng là con nòi của dân tộc”. Năm 1975, khi đối diện với miền Nam từ lối sống đến phương tiện hoàn toàn khác với những gì bộ máy tuyên truyền CS đã thêu dệt nhiều người bắt đầu nhận ra đảng đã lợi dụng máu xương của những người ngã xuống vì khát vọng hòa bình, vì mơ ước đoàn viên, vì cơm no áo ấm chỉ để CS hóa toàn đất nước. Và hôm nay, 2014, đông đảo nhân dân Việt Nam đã hiểu rõ cơ chế độc tài là trở lực duy nhất trên con đường dẫn đến một Việt Nam tự do, dân chủ, văn minh. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ toàn diện và triệt để tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.

Và khi đó, thể chế nào khác sẽ thay thế chế độ CS nếu không phải là thể chế cộng hòa? Thực tế chính trị rất hiển nhiên đó đang là một khải hoàn ca tại hầu hết các quốc gia cựu Cộng Sản như Cộng hòa Czech, Cộng hòa Hungary, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Lithuania, Cộng hòa Estonia, Cộng hòa Mông Cổ v.v… Tiến trình dân chủ hóa diễn ra nhanh hay chậm tùy theo điều kiện của mỗi nước nhưng là hướng phát triển của văn minh nhân loại trong thời đại này.

Giá trị của VNCH

Trong suốt 60 năm từ 1954, bộ máy tuyên truyền của đảng đã không ngừng vẽ trong nhận thức của bao nhiêu thế hệ Việt Nam một VNCH chẳng khác gì một con ma, ghê sợ, hung dữ và tội lỗi nhất trong thế gian này. Suốt 60 năm qua, VNCH là hiện thân của mọi thứ tội ác. Trong nhận thức không chỉ tuổi trẻ Việt Nam sinh sau 1975 mà ngay cả các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhà văn, nhà thơ đều được dạy để biết VNCH có ba đặc điểm lớn là “tham nhũng”, “trấn áp” và “ôm chân đế quốc Mỹ”.

Trong tiểu luận “Khám nghiệm một hồn ma” trên Talawas 8 năm trước người viết đã có dịp phân tích thể chế cộng hòa tại miền Nam. Xin trích một phần bài viết đó ở đây để chia sẻ với các độc giả chưa đọc.

Miền Nam trước 1975 có tham nhũng không? Chẳng những có mà còn vô cùng trầm trọng.

Miền Nam có đàn áp biểu tình, đối lập không? Có, không chỉ đàn áp một lần mà nhiều lần, không chỉ một năm mà nhiều năm.

Miền Nam trước 1975 có sống bám vào viện trợ Mỹ không? Có, không chỉ 300 triệu dollars “viện trợ đặc biệt” như nhiều người hay nhắc mà nhiều tỉ đô la.

Vâng, tất cả điều đó đều có. Chế độ cộng hòa tại miền Nam Việt Nam ra đời và lớn lên trong một hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trong đó các nguyên tắc dân chủ đã trở thành con dao hai lưỡi. Chính con dao dân chủ hai lưỡi đó đã đâm vào thân thể của chế độ cộng hòa hàng trăm vết thương đau đớn từ ngày mới ra đời cho đến gục xuống trong tức tưởi. Miền Nam có tất cả sắc thái của một xã hội dân chủ đang từng bước đi lên. Dân chủ không phải là lô độc đắc giúp một người trở nên giàu sang trong một sớm một chiều mà là quá trình tích lũy vốn liếng từ những chắt chiu của mẹ, tần tảo của cha, thăng trầm và thử thách của cả dân tộc.

Ngay cả những quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nam Hàn cũng phải bước qua con đường đầy máu nhuộm để có được nền dân chủ như hôm nay. VNCH cũng vậy. Miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng có đấu tranh chính trị, có ông quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào chống tham nhũng hoạt động công khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông tướng trong sạch, có nghị gà nghị gật nhưng cũng có những chính khách, dân biểu, nghị sĩ đối lập chân chính. Như một viên ngọc nằm trong lòng lớp rong rêu của vỏ con trai, trên tất cả, giá trị đích thực của VNCH không nằm trong tham nhũng, trấn áp và đồng đô la Mỹ mà nằm trong Hiến pháp VNCH đặt nền tảng trên một thể chế dân chủ do dân và vì dân.

Lời mở đầu của Hiến pháp 1967 do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967, xác định Việt Nam là một chế độ cộng hòa “Dân chủ độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân, chủ quyền thuộc về toàn dân” phát xuất từ “Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.”

Ngoài phần mở đầu hùng hồn nêu trên, chuyên chở trong suốt 9 chương và 117 điều của Hiến pháp 1967 là nền tảng của chế độ cộng hòa, qua đó, quyền lãnh đạo đất nước như chỉ rõ trong điều 3, được phân quyền rõ rệt: ”Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng xã hội”.

Phục hưng VNCH không có nghĩa là phục hưng chính quyền miền Nam. Chính thể không đồng nghĩa với một chính quyền và do đó không sống hay chết theo một chính quyền. Giá trị của VNCH được xây bằng xương máu của bao nhiêu người và ngày nay đã vượt qua khỏi vĩ tuyến 17 để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc. Sau 39 năm, VNCH như một mạch nước chảy ngầm trong rặng núi, đau đớn, vất vả, khó khăn nhưng không bao giờ ngừng chảy. Nếu ai cho tôi khoác lác hãy gác qua bên mặc cảm Bắc Nam, định kiến xã hội, khuynh hướng chính trị, đảng phái, tôn giáo, tả khuynh, hữu khuynh, thù hận riêng tư và thậm chí che luôn bốn chữ Việt Nam Cộng hòa trên trang đầu của Hiến pháp VNCH mà chỉ đọc một cách nghiêm chỉnh nội dung thôi, tôi tin người đọc dù Nam hay Bắc, dù trong hay ngoài nước, sẽ công nhận đó chính là mục tiêu mà dân tộc Việt Nam cần phải đạt đến. Công nhận các giá trị được đề ra trong hiến pháp VNCH không có nghĩa là đầu hàng, chiêu hồi. Không. Không ai có quyền chiêu hồi ai hay kêu gọi ai đầu hàng. Đây là cuộc chiến mới, cuộc chiến giữa dân tộc và phản dân tộc, giữa cộng hòa và cộng sản, giữa tự do và độc tài, giữa nhân bản và toàn trị. Mỗi người Việt sẽ chọn một chỗ đứng cho chính mình phù hợp với quyền lợi bản thân, gia đình, con cháu và sự sống còn của dân tộc.

Hiến pháp VNCH có thể chưa hoàn chỉnh nhưng là một văn kiện tham khảo cần thiết để kiến tạo một Việt Nam dân chủ cường thịnh. Hạt giống do Phan Chu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và rất nhiều nhà cách mạng miền Nam khác gieo xuống hàng thế kỷ trước đã mọc và lớn lên trong mưa bão. Hạt giống dân chủ khơi mầm tại miền Nam cũng không chỉ bắt đầu sau khi đất nước bị chia đôi 1954 mà đã có từ hàng trăm năm trước.

Lợi dụng chính sách Nam kỳ tự trị của thực dân, các nhà cách mạng tại miền Nam có cơ hội học hỏi và áp dụng phương pháp đấu tranh nghị trường, tiếp cận các tư tưởng dân chủ Tây phương, mở mang dân trí làm nền tảng cho chế độ cộng hòa sau này. Đó không phải là sản phẩm của Tây hay Mỹ mà là vốn quý của dân tộc đã được đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt của nhiều người. Đó không phải là tài sản của riêng miền Nam mà của tất cả những người Việt cùng ôm ấp một ước mơ dân chủ. Những ai biết gạt bỏ định kiến Bắc Nam, tháo gỡ lớp màn “căm thù Mỹ Ngụy” ra khỏi nhận thức, sẽ thấy đó chính là hành trang cần thiết cho nỗ lực mưu cầu một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Không cần phải tìm giải pháp từ Miến Điện, Nam Phi, Ai Cập, Libya hay tìm chân lý ở Anh, ở Mỹ mà ngay ở đây, giữa lòng đất nước Việt Nam.

Phục hưng VNCH không có nghĩa là phủ nhận công lao của những người đã hy sinh trong chiến tranh chống thực dân Pháp. Như kẻ viết bài này đã nhấn mạnh nhiều lần, cuộc chiến chống thực dân Pháp là cuộc chiến chính nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh đầy gian khổ nhưng rất anh hùng của một dân tộc bị nô lệ đã đứng lên chống lại một thực dân tàn bạo. Việc tham gia vào đảng phái, kể cả việc tham gia vào đảng Cộng sản của một số người Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp, chủ yếu là để được tổ chức hóa nhằm mục đích hợp đồng chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ dàng hơn. Những người Việt yêu nước thời đó chọn lựa đảng phái như chọn một chiếc phao để đưa dân tộc sang bờ độc lập nhưng đối với đảng CS chiếc phao lại chính là dân tộc.

Nhiều người yêu nước chọn tham gia vào đảng CS nhưng bản thân đảng CS như một tổ chức chính trị dựa trên ý thức hệ CS chưa bao giờ là một đảng yêu nước. Những nông dân hiền hòa chất phác, những công nhân đầu tắt mặt tối làm sao biết được con đường họ đi không dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc bẫy buộc chặt chẳng những cuộc đời họ mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc đến ngày nay. Dù sao, người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, không đánh thuê, đánh mướn cho một chủ nghĩa, một ý thức hệ ngoại lai vong bản hay cho một quyền lợi đế quốc nào sẽ không bao giờ chết, không bao giờ bị lãng quên. Lịch sử sẽ đánh giá, tổ quốc sẽ ghi công họ một cách công bằng.

Phục hưng VNCH không có nghĩa là tái thực thi hiệp định Paris. Dân tộc Việt Nam là một thực thể thống nhất và tất cả các hòa ước Patenôtre, hiệp định Geneva hay hiệp định Paris đều là những chiếc còng của thực dân và đế quốc áp đặt lên đầu lên cổ dân tộc Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam yếu kém và phân hóa. Trước 1975, trong đáy lòng của bất cứ một người Việt yêu nước nào cũng mong một ngày dân tộc Việt Nam từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau sẽ được đoàn viên trong tự do, dân chủ và thịnh vượng. Tuy nhiên, ngoài trừ lãnh đạo CSVN chủ trương CS hóa toàn cõi Việt Nam bằng súng đạn của Nga, Tàu, không ai muốn đoàn viên phải trả bằng giá của nhiều triệu sinh mạng người dân vô tội, đốt cháy một phần đất nước, để lại một gia tài nghèo nàn lạc hậu cho con cháu. Hôm nay, dù không tự mình chọn lựa, dân tộc Việt Nam cũng đã là một và không có một thế lực nào làm Việt Nam phân ly lần nữa.

Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, có khi cuồn cuộn lúc âm thầm, có chỗ sâu chỗ cạn nhưng chưa bao giờ ngưng chảy. Đó là sự thật. Khoảng thời gian từ khi Mã Viện, danh tướng nhà Đông Hán, đánh bại Hai Bà Trưng (năm 43) đến khi Lý Nam Đế đánh bại quân Lương Vũ Đế và dựng nước Vạn Xuân (năm 543) là tròn 500 năm. Biết bao nhiêu lớp người đã sinh ra và chết đi trong suốt 5 thế kỷ sống trong bóng tối nô lệ nhưng sức sống Việt Nam vẫn tồn tại và lớn lên. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới trong đó người dân gọi nhau bằng hai tiếng đồng bào thân thương và trìu mến. Đối mặt với một kẻ thù đông hơn nhiều và mạnh hơn nhiều, chưa bao giờ sức mạnh tổng hợp của 90 triệu người Việt trong nước và 3 triệu người Việt ở hải ngoại cần thiết như hôm nay. Đảng CS có 3 triệu đảng viên nhưng đa số trong số 3 triệu người này trong thực tế cũng chỉ là nạn nhân của một tập đoàn lãnh đạo đảng tham quyền và bán nước. Chỉ có sức mạnh toàn dân tộc phát triển trên cơ chế dân chủ tự do mới mong thắng được Trung Cộng và mọi kẻ thù có âm mưu xâm lược Việt Nam. Tổ tiên Việt Nam đã làm được rồi các thế hệ Việt Nam ngày nay cũng sẽ làm được.

Người viết biết rằng, đối với một số người Việt đã bị bộ máy tuyên truyền đầu độc quá lâu và các bạn trẻ bị nhào nặn hoàn toàn trong hệ thống giáo dục một chiều CS, để có một nhận thức đúng về lịch sử là một quá trình đấu tranh tư tưởng khó khăn.

Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn thẳng vào thực tế đất nước sau 39 năm vẫn là một nước lạc hậu về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, quốc phòng và đời sống. Việt Nam còn thua xa những nước ở châu Phi như Ghana, Sierra Leone, Namibia vì những quốc gia đó còn nghèo nhưng hãnh diện vì chính phủ họ do nhân dân họ bầu lên. Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn vào cách giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Cộng của lãnh đạo CSVN. Ngoài những lời phản đối đọc như kinh nhật tụng họ không có và cũng không thể có một chọn lựa dứt khoát nào chỉ vì quyền lợi trước mắt của một nhóm người lãnh đạo được đặt lên trên quyền lợi lâu dài của đất nước. Như người viết đã trình bày trong bài trước, rồi mai đây, sau trận đánh ghen HD-981, lãnh đạo CSVN lại lên đường sang Bắc Kinh triều cống, lại 16 chữ vàng, lại ca ngợi tình đồng chí, nghĩa anh em thắm thiết. Cơn hờn giận giữa hai đảng CS theo thời gian có thể sẽ nguôi ngoai nhưng trên các vùng biên giới, trong lòng biển Việt Nam, máu của ngư dân Việt Nam, của người lính biển Việt Nam sẽ không ngừng chảy. Thảm trạng xã hội Việt Nam hôm nay, những lạc hậu kinh tế hôm nay, những yếu kém về quốc phòng hôm nay, những cô đơn trong bang giao quốc tế hôm nay là những câu trả lời cho những ai còn do dự, còn một chút tin tưởng nào đó ở lãnh đạo đảng CSVN.

Sau hải chiến Hoàng Sa đầy hy sinh xương máu, VNCH lần nữa lại được lịch sử giao trọng trách đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa trong tay Trung Cộng. Cuộc tranh đấu mới sẽ khó khăn nhưng là con đường đúng nhất của dân tộc trong cùng hướng phát triển của nhân loại. Giống như hầu hết các nước cựu CS ở Đông Âu và khối Liên Xô, thể chế Cộng Hòa là chọn lựa đương nhiên và dứt khoát. Các quốc gia sẽ bình đẳng trước công pháp quốc tế. Những khẩu hiệu tuyên truyền rất sến như “16 chữ vàng”, “hữu nghị Việt Trung” sẽ bị chôn sâu theo xác của ý thức hệ CS. Dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn để phát triển thành một quốc gia hiện đại về cả kinh tế lẫn quốc phòng. Các nhà lãnh đạo VNCH trong cuộc đấu tranh mới trên mặt trận ngoại giao sẽ hành xử xứng đáng với tư cách của một cấp lãnh đạo chính danh, thay mặt cho một nước VNCH thống nhất, dân chủ, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của đại đa số con người yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới. Giành lại Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa là một cuộc tranh đấu gian nan, gai góc, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng chính nghĩa và chân lý cuối cùng sẽ thắng.

Trần Trung Đạo

@nguoivietboston

Friday, May 30, 2014

BS.Trần Mộng Lâm

Không Thể Đứng Dưới Lá Cờ Đỏ 1 Sao Vàng
Để Chống Lại Lá Cờ Đỏ 5 Sao Vàng !!
 

Hình Việc Biển Đông nổi sóng kể từ khi Trung Cộng kéo dàn khoan 981 vào lãnh hải Việt Nam đã gây ra nhiều tranh cãi, nhiều bình luận thời cuộc, nhất là kể từ khi có các cuộc biểu tình gây ra chết chóc, phá hoại các hãng xưởng của Đài Loan.

 Các nhà bình luận đã viết các bài bình luận rất sắc bén, ví tình hình Biển Đông như một ván cờ, trong đó có các cao thủ như Trung Công, Việt Công, Mỹ vả cả Nga đang tranh tài cao thấp, với những nước cờ quỷ khốc thần sầu. Các diễn biến chính trị, kể cả việc ông Cù Huy Hà Vũ mới sang Mỹ cũng được đem ra bàn, kẻ lạc quan, kẻ nghi ngại bi quan, thực những người dân thường, không có kiến thức cao siêu, khó lòng hiểu được, đành chỉ biết giữ vai trò chờ đợi và quan sát thôi.
 Tuy nhiên, với kiến thức rất hạn hẹp của một người Việt Nam trung bình, chỉ có một tấm lòng là yêu tổ quốc, người viết thấy là suy nghĩ sao cũng được, nhưng đừng đi ra khỏi 4 điều gọi là 4 Sự Thực sau này :

1. Sự Thực Thứ Nhất : Trung Công luôn luôn nuôi tham vọng thôn tính Việt Nam : Tham vọng này không phải chỉ mới đây, mà đã có tù hàng mấy ngàn năm về trước. Bốn cuộc Bắc Thuộc đã được ghi lại trong lịch sử nước ta. Gần đây, Trung Công đã hết lòng viện trợ cho Cộng Sản Việt Nam để chúng chiếm trọn vẹn đất nước. Cuộc Bắc Thuộc thứ năm đã và đang bắt đầu.
2. Sự Thực Thứ Hai : Không thể đứng Dưới Lá Cờ Đỏ 1 sao chống lại lá cờ Đỏ 5 sao.
Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng Sản Trung Hoa có nhiều mối liên hệ rất nguy hiểm cho đất nước chúng ta. Trung Cộng đã giúp Việt Cộng chiến thắng, chiếm trọn nước Việt Nam. Với những con người chuyên về buôn bán như người Tầu, khi bỏ ra một vốn, phải thu về ít nhất bốn lời. Trước 1975, Việt Công đã dâng Hoàng Sa, Trường Sa . Sau 1975, đã dâng cả ngàn cây số vuông đất đai, đã dâng Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc. Việc bán nước được tiếp diễn dài dài với các lãnh tụ của CS VN, kể từ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và mới đây với Lê Khả Phiêu và nay thì các tên trong bộ máy chánh quyền và bộ Chánh Trị của đảng CSVN. Bọn bán nước nhiều quá, có thể nói là tại VN, đi ra khỏi ngõ là đụng phải bọn Lê Chiêu Thống, Phạm Văn Đồng. Cờ Trung Cộng 5 sao. Cờ Việt Cộng 1 sao. Chúng là đồng bọn. Làm sao có thể đứng dưới lá cờ 1 sao chống lại lá cờ 5 sao ??
3. Sự Thực Thứ Ba là những gì đang diễn ra tại Biển Đông và những cuộc biểu tình Quốc Doanh trong và ngoài nước đều là bài bản.Dù chúng đang diễn những vở tuồng nhạt nhẽo nào, ta cũng có thể kết luận là : Đó là những trò bịp bợm. Những vở tuồng đó chỉ có mục đích đánh lừa người dân VN yêu nước, để chúng đi tiếp con đường “con rắn Trung Cộng nuốt con chuột VN mà thôi”, nuốt sao cho ngọt, và càng ít chống đối vùng vẫy càng hay.Chúng ta đừng mất thì giờ tìm hiểu những gì bí ẩn phía sau các vụ bạo động «có tổ chức» để làm gì, Chúng dàn cảnh ra đó, vì mục đích gì thì cũng không có lợi cho Việt Nam.
 4. Sự Thực Thứ Tư là : Không thể trông cậy nhiều vào sự giúp đỡ của các nước tư bản.
Mỹ thì chúng ta biết rõ quá nhiều rồi. Ông OBAMA ???
 Người nào, nước nào, thì cũng chỉ biết đến quyền lợi của họ trước tiên.Có quyền lợi, thì không mời cũng tới.
 Không có quyền lợi thiết thực, không có sự cần thiết cho tương lai lâu dài của Nước Mỹ, thì can thiệp cho có, vậy thôi. Trách ai bây giờ ???
 Người VIệt Nam hãy cố sống thực tế, và bỏ bớt các ảo tưởng đi.
 Tại Canada. Mấy tháng nay, báo Canada, truyền hình Canada, tin tức về Biển Đông, về Việt Nam, chỉ có mấy dòng. Bên Mỹ không biết thế nào.
 Kết Luận :
 Cứu được nước Việt Nam, chỉ có thể là người Việt Nam.Hãy coi nhà cầm quyền VN ngày nay như những tên Thái Thú của Tầu.Và hãy bắt đầu cuộc Trường Kỳ Kháng Chiến, như Lê Lợi đã làm trước kia.Nếu không làm bây giờ, thì 10 năm sau, 50 năm sau, cũng phải làm, nhưng có thể sẽ quá trể vì điều kiện sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.Đừng để Việt Nam trở thành Tây Tạng, hỡi các bạn trẻ Việt Nam.
BS.Trần Mộng Lâm
@internet

Thursday, May 29, 2014

TS. Nguyễn Quang A:

TRÁI TIM NHẦM CHỖ ĐỂ TRÊN ĐẦU”


Không đứa trẻ Việt Nam nào không biết câu đánh giá “trái tim nhầm chỗ để trên đầu” về sai lầm của Mỵ Châu và vua cha đã dẫn đến thảm họa cho dân tộc.
Đó là một nét hay trong văn hóa Việt Nam: chúng ta biết tự phê phán mình. Và tư duy phê phán ấy phải được nuôi dưỡng, khuyến khích để tạo nên sức mạnh của dân tộc này.


Đáng tiếc chế độ toàn trị đã tìm mọi cách hủy diệt tư duy phê phán và trong cái tội tầy đình này với dân tộc thì cảnh sát tư tưởng đứng ở vị trí hàng đầu. Cảnh sát thông thường cung cấp cho dân chúng những dịch vụ thiết yếu: buộc thực thi pháp luật, trật tự, sự bình yên, trấn áp tội phạm; để đổi lại nhân dân phải đóng thuế để nuôi lực lượng đó và trong bất cứ chế độ nào đều cần đến cảnh sát. Tuy vậy, cảnh sát tư tưởng, lực lượng phản động nhất, phản dân tộc và dân chủ nhất chỉ tồn tại trong các chế độ độc tài và nó không mang lại bất cứ giá trị nào cho xã hội ngoài sự hủy hoại và sự đồi bại.
Trong bối cảnh cảnh sát tư tưởng hoành hành, không lạ là rất rất nhiều người Việt Nam đã để nhầm trái tim lên đầu.


Một tay phóng viên nào đó của hãng thông tấn Nga, RIA Novosti, trong một bài báo nhân dịp Nga và Trung Quốc ký hợp đồng 400 tỷ USD về khí đốt, về việc Nga cung cấp cho Trung Quốc nhiều máy bay lên thẳng quân sự hiện đại, đã cho rằng “Hoàng Sa là của Trung Quốc”. Bài báo ấy đã gây sự phẫn nộ đùng đùng trên mạng và báo chí chính thống.

Rất nhiều người Việt nam đã học ở Nga, họ yêu nước Nga và vun đắp cho tình hữu nghị Việt-Nga (cũng thế với Trung Quốc). Rất đúng. Nhưng không ít người do để nhầm trái tim lên đầu đã tỏ ý tán thành những hành động của Sa hoàng mới với Crimea và Ukraina. Cảnh sát tư tưởng đi đầu: chỉ ngó cách đưa tin của TV và báo chí chính thống thì rõ.
Bài báo của tay phóng viên [Nga] kia cũng khiến nhiều người đặt nhầm trái tim lên đầu phải thức tỉnh. Nhân dân Nga vĩ đại là khác với chính quyền Sa hoàng mới và những kẻ bồi bút. Và nhận ra thế là điều tốt. Đừng trách cái tay phóng viên ấy, những người Việt Nam hãy trách chính mình: sao họ lại quên bài học mà đứa trẻ nào cũng biết (nhưng “nhờ ơn” cảnh sát tư tưởng nên họ, những người trưởng thành, đã quên mất rồi).


Đúng ¼ thế kỷ trước, tôi có dịp gặp ông Đỗ Mười, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khi đó, để đề xuất cho chúng tôi mua lại món nợ của Việt Nam với Liên Xô có giá trị hơn 12 tỷ rúp chuyển nhượng (tỷ giá chính thống khi đó 1 USD = 0,6 Rúp chuyển nhượng). Ông bảo thế các chú định lừa ông anh cả à? Tôi bảo ông, bọn kinh doanh chúng tôi thuận mua vừa bán, chẳng lừa ai cả. Tôi đưa hợp đồng ra nói với ông rằng cái máy xúc đặc biệt này mà Nhà nước Việt Nam đã mua của ông anh cả theo nghị định thư có giá 500.000 rúp chuyển nhượng và tạo thành một phần của món nợ khủng ấy, còn tôi mua đúng cái máy đó chỉ có 5.000; chẳng ai lừa ai cả. Con số đó làm ông sốc, làm ông thức tỉnh. Tay phóng viên RIA Novosti đó nói bậy, hãy hiểu hắn và phản bác hắn nhưng không cần quá nhiều xúc cảm.
Trái tim để lên đầu tai hại thế đó: với dân thường đã là nguy hiểm, với các nhà lãnh đạo đó là tai họa cho dân tộc.

Việc nhà cầm quyền Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan HD-981 tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam làm cho một số nhà lãnh đạo Việt Nam bừng tỉnh. Quá lâu họ đã đặt trái tim lên đầu và không nghe nhân dân những người đã thức tỉnh từ lâu. Cái mặt nạ 4 tốt, 16 chữ vàng đã rớt xuống tan tành. Và sự bừng tỉnh đó, việc đặt trái tim đúng chỗ và dùng cái đầu lạnh để phán xét, để kích thích tư duy phê phán, để xây dựng tình hữu nghị đích thực với Trung Quốc là một dấu hiệu hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kẻ ăn phải bùa mê, thuốc lú đang lấp lửng, chần chừ, luyến tiếc, thậm chí vẫn coi những thứ bùa mê ấy của nhà cầm quyền bành trướng là bảo bối phải giữ gìn. Cũng chẳng lạ, hóa ra họ toàn là cảnh sát tư tưởng và vài kẻ ăn theo! Không rõ các đảng viên của Đảng CSVN để cho những kẻ lú lẫn như vậy lãnh đạo mình có cảm thấy xấu hổ hay không? Người tử tế chắc chắn phải xấu hổ. Những người còn lương tri trong hàng ngũ các đảng viên của Đảng CSVN, mà tôi tin còn khá đông, hãy đặt trái tim mình đúng chỗ và hãy lên tiếng, hành động, ngăn cản hoặc vô hiệu hóa ngay lập tức những kẻ như vậy đang lãnh đạo mình, nếu họ còn muốn có đóng góp tích cực nào đó cho đất nước và dân tộc. Khác đi, tiếp tục đặt trái tim nhầm chỗ, ù lì, vô cảm, cam chịu, không thức tỉnh, không xổ cái bù mê thuốc lú ấy ra khỏi mình, thì các vị cũng sẽ bị lịch sử vất vào sọt rác và bị ô danh với con cháu muôn đời. Đừng để điều đó xảy ra với các bạn.

Hãy để trái tim đúng chỗ, hãy thức tỉnh và đi cùng dân tộc. Chỉ có việc xây dựng nền dân chủ thực sự, từ bỏ chế độ độc tài toàn trị, xây dựng nền pháp trị hiện đại, tôn trọng các quyền con người, các quyền dân sự và chính trị của người dân mới là con đường tự cứu được các vị và là con đường cứu nước, cứu dân tộc, và cũng là con đường đưa đất nước tiến lên. Không liên minh để chống nước thứ ba, nhưng cần liên minh để bảo vệ đất nước.
Cơ hội ngàn năm có một để thoát Hán, để xây dựng tình hữu nghị đích thực, chứ không phải thứ hữu nghị “viển vông, lệ thuộc” với Trung Quốc (hay các quốc gia khác). Đừng bỏ phí cơ hội, hãy chung tay hành động cùng nhân dân.


TS. Nguyễn Quang A
@basam

Tuesday, May 27, 2014

HD-981

Trung Quốc bên bờ một sai lầm lớn?



Trung Quốc cần thận trọng nếu không muốn mắc sai lầm chiến lược khi làm cho Việt Nam và nhiều nước láng giềng nổi giận vì những hành động ‘khiêu khích và thách thức’ chủ quyền, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc đương đại từ châu Âu.

Trao đổi với BBC hôm 23/5 từ Viện Nghiên cứu Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông của Pháp tại Paris (INALCO), Giáo sư Francois Huchet cho rằng tính toán của ê kíp lãnh đạo do ông Tập Cận Bình đứng đầu có thể đang dẫn tới ‘một sai lầm lớn’.

Sai lầm này có thể xảy ra với Trung Quốc, khi hàng loạt các quốc gia láng giềng ở khu vực lần bị đẩy tới thế ‘bắt tay nhau’ trong một dạng thức ‘liên minh mới’ được Hoa Kỳ hậu thuẫn để đối lại Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại thuộc Đại học Rennes II của Pháp, nói:
“Sau một loạt các diễn biến, tôi cho rằng Trung Quốc đã đang nhận thấy một tình thế nguy hiểm, bên bờ xảy ra, khi một loạt quốc gia xung quanh Trung Quốc từ Nhật Bản tới Việt Nam, hay Philippines và Hàn Quốc thảo luận với nhau và đều nổi giận với Trung Quốc,
“Tôi nghĩ sẽ ngày một khó khăn hơn cho Trung Quốc đẩy tới các áp lực và đưa ra các hành động khiêu khích khác trong tương lai.”

‘Trung Quốc đã khôn ngoan?’

Trước câu hỏi liệu động thái đưa giàn khoan HD-981 của Trung Quốc vào khu vực Hoàng Sa trên Biển Đông có phải là một động thái và tính toán ‘khôn ngoan’ hay không, nếu Việt Nam, quốc gia lâu nay vẫn bị Trung Quốc gây áp lực về chủ quyền biển đảo, tìm cách tiếp cận gần hơn nữa với Hoa Kỳ và xoay hẳn lưng lại với Trung Quốc, GS Huchet nói:

“Rõ ràng là nếu Trung Quốc tiếp tục tỏ ra hung hăng trên các vùng biển ở khu vực như họ đã làm đặc biệt trong hai ba năm trở lại đây, chắc chắn các quốc gia bị thách thức và khiêu khích trong vùng sẽ tìm kiếm sự bảo vệ từ Hoa Kỳ,
“Chúng ta đã thấy xuất hiện hàng loạt các tuyên bố giữa các quốc gia đó với Hoa Kỳ, với Hoa Kỳ cũng tích cực hoạt động và hiện diện nhiều hơn trong khu vực trong hai năm trở lại đây,
“Tổng thống Obama đã nói Hoa Kỳ muốn trở lại ở khu vực và Hoa Kỳ cũng đã đang có lập trường rất mạnh mẽ, như trong chuyến thăm gần đây ở châu Á, tại Nhật Bản, ông Obama đã nói quần đảo Senkaku thuộc quyền tài phán của người Nhật,
“Do đó Hoa Kỳ đưa quần đảo này vào vùng ảnh hưởng của mình, do vậy, tôi nghĩ rằng mọi sự sẽ trở nên khó khăn hơn cho Trung Quốc nếu họ tiếp tục hung hăng, lấn tới,
“Bởi vì các hành động này của Trung Quốc không chỉ gây ra các xung đột đơn lẻ với từng quốc gia mà Trung Quốc khiêu khích, thách thức, mà còn tạo ra một dạng thức liên minh mới với Hoa Kỳ,
“Mà liên minh này sẽ không chỉ giới hạn ở các khu vực như Biển Đông, hay biển Hoa Đông, mà cũng liên quan tới cả nơi khác như Ấn Độ,
“Hiện tại Ấn Độ đang tìm kiếm nhiều hơn một liên minh với Hoa Kỳ từ năm 2005 tới nay, do đó, ở chung quanh Trung Quốc, có thể ngoại trừ Pakistan, Kazakhstan hoặc Bắc Hàn – quốc gia có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc,
“Nhưng chúng ta thấy một dạng liên minh để bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không dám hung hăng hơn và không dám mở rộng ảnh hưởng của nước này quá xa.”

‘Nếu VN kiện đòi Hoàng Sa?’

Trước câu hỏi liệu động thái giàn khoan HD-981 có thể khơi mào một tình huống bất lợi hơn cho Trung Quốc, khi Việt Nam, sau hơn bốn mươi năm ‘im lặng’, nay có thể vừa kiện Trung Quốc ra quốc tế về vụ giàn khoan, vừa kiện đòi Trung Quốc rút toàn bộ các lực lượng khỏi các đảo đã cưỡng chiếm trên Hoàng Sa từ năm 1974 và trả lại chủ quyền cho Việt Nam, nhà nghiên cứu nói:

“Trung Quốc hiện nay đang muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của mình và đẩy lui, đẩy hẳn Hoa Kỳ ra khỏi châu Á, để Trung Quốc có thể thống lãnh khu vực, không chỉ về mặt kinh tế như trong 20 năm trở lại đây, mà còn thống trị về mặt quân sự và bảo vệ các nguồn năng lượng,
“Cho nên đây không chỉ là vấn đề về dầu lửa, câu chuyện đi xa hơn thế rất nhiều, thế nhưng Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này,
“Vì các quốc gia láng giềng, trong đó đương nhiên có Việt Nam, nước có lịch sử rất phức tạp với Trung Quốc, đã đang và sắp đối đáp lại với những hành động đó. Do đó, tôi nghĩ Trung Quốc nên thận trọng mà không nên khiêu khích quá mức các quốc gia đó.”

Trước câu hỏi tính toán gì đang thực sự diễn ra sau các động thái mà ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc và bộ tham mưu của ông, đã quyết định tiến hành trong vụ làm nóng lên khu vực biển Đông từ đầu tháng Năm trở lại đây, Giáo sư Huchet nói:

“Trước đây, nội bộ của Trung Quốc có thể có tình huống một cánh quân sự nào đó trong Ban lãnh đạo cao cấp Trung Quốc có thể muốn tỏ ra mạnh mẽ và lấn lướt hơn bằng các động thái quân sự, so với cánh khác thiên hơn về ngoại giao,
“Nhưng qua những gì quan sát được, có thể đoán rằng các động thái đối ngoại và hướng ngoại cứng rắn vừa rồi của Trung Quốc, cho thấy các cánh quân sự, thiên về sức mạnh, đã không nào hành động mà không có sự nhất trí của ông Tập Cận Bình,
“Và tôi nghĩ đằng sau tất cả các động thái gần đây, từ thách thức, khiêu khích Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, Philippines và gần đây nhất là Việt Nam ở Biển Đông, rõ ràng đây là một toan tính nhằm thăm dò phản ứng của các quốc gia láng giềng và sự chống đối của Hoa Kỳ,
“Đương nhiên là nếu không có sự phản ứng nào đối kháng lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới, lấn lướt xa hơn, và họ sẽ có nhiều các hành động khác,
“Thế nhưng nay thì Trung Quốc đã thấy họ đã tạo ra sự khiêu khích quá lớn và đã gây ra phản ứng rất mạnh ở Việt Nam, và tôi chắc rằng, lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đang phải cân nhắc lại tình huống và chắc chắn họ sẽ phải thận trọng hơn với các hành động trong tương lai.”

‘Không thể trông đợi EU’

Được hỏi về việc liệu Liên minh Châu Âu (EU) có thể có vai trò nào đáng kể hay không cho Việt Nam trong trường hợp Hà Nội muốn đương đầu với Bắc Kinh trong tranh chấp về chủ quyền quốc gia, biển đảo và kiện Bắc Kinh ra quốc tế về vụ giàn khoan, nhà nghiên cứu từ châu Âu nói:

“Tôi có thể thẳng thắn nói rằng chúng ta không nên kỳ vọng bất cứ sự hậu thuẫn đáng kể nào của EU, ở khu vực này của thế giới, EU có một ảnh hưởng rất yếu, họ còn đang quá bận rộn với nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan Ukraine,
“Tôi không nghĩ Liên minh Châu Âu sẽ có bất cứ một hành động nào ở khu vực này và thực tế EU không có thực lực hay sức mạnh quân sự để làm điều đó, cường quốc duy nhất có thể làm được một điều gì đó thực sự có ý nghĩa ở khu vực là Hoa Kỳ, chứ không phải là EU.”

Theo ông Huchet, ngoại trừ một vài tuyên bố mang tính chính trị, quốc tế có thể không nên kỳ vọng thêm ‘bất cứ điều gì to tát’ từ EU tại khu vực Biển Đông, tuy nhiên, một lần nữa, theo nhà nghiên cứu, Trung Quốc hiện nay nên thận trọng để tránh sai lầm.
Ông Huchet nói: “Trung Quốc đang thay đổi cách chơi, trong một hai chục năm trở lại, họ xuất hiện ở khu vực châu Á, Đông Nam Á như một đối tác đầu tư, hợp tác kinh tế,


“Thế nhưng sau khi được cho là đã nắm được nhiều lợi thế gây dựng được ở nhiều quốc gia trong khu vực, khẳng định được ảnh hưởng và vị thế kinh tài, họ lại muốn chuyển sang một bộ mặt khác, họ muốn chới những con bài để đạt được sự thống trị ảnh hường và áp lực về an ninh, quân sự,
“Đây là điểm mà theo tôi, Trung Quốc phải hết sức thận trọng, nếu như họ không muốn phạm phải một sai lầm lớn tạo ra một liên minh chống đối Trung Quốc trong khu vực, cộng thêm với đối thủ lâu nay của họ là Hoa Kỳ,” ông Huchet nói với BBC.

‘Tạm rút nhưng sẽ quay lại?’

Giới quan sát hiện đang tiếp tục theo dõi và dự đoán các động thái, kịch bản xử lý cuộc xung đột xung quanh vụ giàn khoan HD-981 giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Hôm thứ Bảy, 24/5, Giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu từ Học viện Quốc phòng Úc được tờ báo mạng VnExpress.net của Việt Nam trích dẫn lời, nêu nhận định:
“Có vẻ như Trung Quốc sẽ rút giàn khoan dầu về nước trong hoặc trước ngày 15/8 tới để tránh mùa bão lớn trên biển… Các cơn bão sẽ đem lại cơ hội cho Trung Quốc xuống thang.”
Tuy nhiên nhà nghiên cứu này cho rằng Trung Quốc có thể sẽ trở lại và sau khi tạm rút, sẽ vẫn có những động thái bảo vệ ảnh hưởng tại khu vực.
“Nếu Trung Quốc thực sự muốn khoan dầu, họ sẽ đánh dấu vị trí giếng dầu sau khi giàn khoan khổng lồ này được đưa đi. Đồng thời Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các tàu hải cảnh ở khu vực được cho là có dầu,” GS. Thayer được dẫn lời nói thêm.
“Dự đoán Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc lập một vùng nhận dạng phòng không giới hạn phía trên đảo Hải Nam và quần đảo Trường Sa nhằm thiết lập thẩm quyền của thành phố Tam Sa.”


Theo nhà quan sát này, trước viễn cảnh đó, Việt Nam tiếp tục cần cân nhắc những biện pháp trong đó các bước động thái cả về pháp lý lẫn ngoại giao.
“Việt Nam phải tiếp tục đưa vụ việc này ra cộng đồng quốc tế, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bị cô lập. Việt Nam có thế đứng vững chắc, với điều kiện không bị khiêu khích bởi Trung Quốc…
“Việt Nam và Philippines là hai nước ở tiền tuyến trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Philippines mới đây là một bước đi rất tích cực,” ông Thayer nói với tờ báo mạng của Việt Nam.

HS-TS

Thế giới thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam ra sao?



VOV.VN – Từ hơn 5 thế kỷ trước, Hoàng Sa, Trường Sa đã được các nhà bản đồ học, các nhà hàng hải… phương Tây thừa nhận.
Phần 1: Bản đồ cổ thế giới thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Trong khi các bản đồ cổ về Trung Quốc do thế giới và chính Trung Quốc xuất bản trước thế kỷ XX đều có cương giới dừng lại ở điểm cực Nam của đảo Hải Nam thì rất nhiều bản đồ cổ về Việt Nam do thế giới và Việt Nam xuất bản đều vẽ Hoàng Sa, Trường Sa và khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cấp đến những bản đồ thế giới hay bản đồ Đông Nam Á được các nhà hàng hải, các nhà phát kiến địa lý và các thương gia phương Tây vẽ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.
Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613, thể hiện quần đảo Pracel (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam, trừ Pulo Condor (Côn Đảo) và Pulo Cici (đảo Phú Quốc) được vẽ riêng

“Đây là những bản đồ có thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng ghi chú vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trong vùng biển của nước ta với nhiều tên gọi khác nhau. Điều này chứng tỏ từ thế kỷ XVI, nhiều người phương Tây đã biết đến vùng biển đảo Hoàng Sa và ghi nhận quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam lúc bấy giờ”, TSKH Trần Đức Anh Sơn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng khẳng định.
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, trên những tấm bản đồ này, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường được miêu tả như “lưỡi dao” dài, kéo dọc suốt ngoài khơi đối diện với bờ biển Việt Nam. Tên của các đảo và quần đảo được ghi khá rõ trên bản đồ các bản đồ này. Đầu của “lưỡi dao” thường ghi: I. de Pracel hay Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels… Điểm cuối của “lưỡi dao” thường ghi là Pulo Sissir (hay Pullo Sissir, Pulo Cécir), gồm hai đảo: Pullo Sissir da Terra (Cù Lao Câu) và Pullo Sissir do Mar (Cù Lao Thu) ở vùng biển Bình Thuận ngày nay.
Bản đồ do Homann Heirs vẽ năm 1744 thì hình vẽ quần đảo Hoàng Sa được ghi chú là “I. Ciampa”, viết tắt của chữ “Islands Ciampa”, nghĩa là “quần đảo (thuộc vương quốc) Ciampa”

Ciempa hay Campalà tên các nước phương Tây lúc bấy giờ gọi xứ Đàng Trong, do họ cho rằng đây là đất cũ của vương quốc Champa

Vùng bờ biển Việt Nam đối diện với quần đảo mà người phương Tây ghi là Pracel hay Paracel, tức là vùng duyên hải miền Trung Việt Nam ngày nay, thì được ghi chú là Costa da Paracel hay Coste de Pracel, tức là bờ biển Hoàng Sa, hay là Costa de Campa, tức là bờ biển Champa. Cách ghi này chứng tỏ các nhà hàng hải, các nhà địa lý phương Tây lúc bấy giờ đã mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo này thuộc về Việt Nam lúc bấy giờ mà họ gọi là Cochinchine, Cochinchina, Cauchy-Chyna, Cochi-China, Cauchim Chynan, Annam, Champa…
Đặc biệt, trên tờ bản đồ An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838 có ghi dòng chữ Latin: Paracel seu Cát Vàng, nghĩa là “Paracel hoặc là Cát Vàng”. Giám mục Taberd là tác giả một bài viết in trong tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal (số 6, năm 1837) xuất bản tại Calcuta, đã khẳng định: “Paracels, hay Pracel, tức là Hoàng Sa – Cồn Vàng, thuộc về Cochinchina”, tức là thuộc về Việt Nam. Bản gốc của bản đồ này hiện đang lưu giữ tại Thư viện quốc gia Pháp Richelieu tại Paris.
An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838


“Đó là cách mặc nhiên thế giới nhận Hoàng Sa đích thực thuộc chủ quyền của Việt Nam ít nhất từ 5 thế kỷ nay”, nhận xét của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu – một chuyên gia hàng đầu về bản đồ cổ Việt Nam. Riêng ông Nguyễn Đình Đầu đã sưu tập được 30 bản đồ cổ của phương Tây, có niên đại từ năm 1489 đến năm 1697, có thể hiện hình vẽ và địa danh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645 thì quần đảo Pracel (Hoàng Sa) được vẽ nối liền với các đảo: Pulo Secca de Mare (Cù Lao Thu, tức đảo Phú Quý), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh), Pullo Canton (Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn), thành một chuỗi đảo liên hoàn thuộc lãnh thổ Cochinchina (Đàng Trong)

Ngoài ra, cá nhân đã sưu tập được nhiều bản đồ thế giới chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam phải kể đến ông Trần Thắng, Việt kiều Mỹ. Anh Trần Thắng sau khi bỏ tiền túi ra mua những tấm bản đồ, cũng như sao chụp các nguồn tư liệu này đã tặng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng. Đến nay Viện này lưu giữ khoảng 200 bản đồ ở dạng ấn phẩm đã xuất bản và bản mềm được sao chụp từ các ấn phẩm gốc đáng tin cậy đang được lưu giữ trên thế giới.


Bản đồ do Visscher vẽ năm 1680

Như vậy, ngoài những sự kiện lịch sử đã được chứng thực, cùng với các nguồn tư liệu thành văn với nhiều ngôn ngữ khác nhau, thì những tấm bản đồ cổ của phương Tây nói trên đã góp phần chứng minh rằng từ hơn 5 thế kỷ trước, Việt Nam đã xác lập chủ quyền quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền này đã được các nhà bản đồ học, các nhà hàng hải, nhà phát kiến địa lý… phương Tây thừa nhận và ghi dấu lên những tấm bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải của họ.
Vì thế, những tấm bản đồ này là những tư liệu quý, góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

Mời đón đọc phần 2: Văn tự cổ phương Tây khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam




Một số bản đồ thế giới đáng chú ý:

Bản đồ Asia do Gerard Mercator (1512 – 1594) vẽ vào cuối thế kỷ 16; bản đồ East India do Petrus or Pieter vẽ năm 1594; bản đồ India Orientalis do Jodocus Hondius vẽ năm 1613; bản đồ Insulæ Indiæ Orientalis Praæcipuæ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613; bản đồ Asia noviter delineata do Willem Janszoon Blaeu vẽ năm 1617; bản đồ Asia do John Speed vẽ năm 1626; bản đồ Asia do John Speed vẽ năm 1626; bản đồ India Orientalis do Gerard Mercator vẽ năm 1630; bản đồ Insulæ Indiæ Orientalis do Jodocus Hondius vẽ năm 1632; bản đồ Carte de l’Asie do Van Lochem vẽ năm 1640; bản đồ India quæ Orientalis dicitur, et Insvlæ Adiacentes do Willem Janszoon Blaeu vẽ năm 1645; bản đồ Indiæ Orientalis do Visscher vẽ năm 1680; bản đồ Carte des Costes de l’Asie sur l’ocean contenant les bancs isles et costes & c. do Alexis Hubert Jaillot vẽ năm 1720, bản đồ Carte de l’Asia do Homann Heirs vẽ năm 1744…


Monday, May 26, 2014

HD981

Giàn Khoan Tàu Cộng: May hay Rủi

Giàn Khoan


Từ hai tuần nay, từ ngày 2 tháng 5 2014 nầy  Trung Cộng đem giàn khoan đến khai thác trên thềm lục địa Việt Nam, và lần đầu tiên nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam dám lên tiếng phản đối một cách mạnh mẽ: ngoại giao thì tuyên bố cương quyết tố cáo và mạnh dạn chống đối, quốc nội thì “cho phép dân chúng biểu tình chống Trung Cộng”.

Nhưng đây là một thái độ chẳng đặng đừng của một kẻ nhu nhược từ bao năm nay quỳ gối hàng phục thằng đàn anh phương Bắc. Thật vậy, trước hành động leo thang ngang ngược của Trung Cộng, nhà cầm quyền Cộng sản Hà nội không thể không phản đối, nhà cầm quyền Công sản Hà nội không thể không có thái độ. Vì vậy chúng ta cũng không lấy làm ngạc nhiên và cũng không hoan hô cám ơn cổ võ khi nhà cầm quyền Cộng sản Hà nội “cho phép” người dân trong nước biểu tình và còn ra vẽ khuyến khích cám ơn những cuộc biểu tình vận động của người việt hải ngoại chống Trung Cộng. Trái lại chúng còn thừa lúc khí thế dân tộc đang sôi sục, thừa cơ hội dân chúng người Việt tỵ nạn hải ngoâi quá căm giận Tàu, thiếu cảnh giác, chúng lợi dụng thừa gió bè măng, biểu dương lực lượng cộng sản ra Hải ngoại bằng “tung cờ đỏ” ngập quảng trường Trocadero Paris tuần qua, chứng tỏ là trong “cơn hổn loạn” vẫn không từ bỏ chương trình Nghị quyết 36 chỉ biết đối tượng chống đối là người việt tỵ nạn hải ngoại, bất kể tình huống vẫn xem đấy là thù địch chánh yếu (chưa bao giờ có hiện tượng cờ đỏ Cộng sản Việt Nam được phấp phới như vậy ở Paris !)Vì vậy, xin cảnh giác

Xin tất cả anh chị em chúng ta, xin tất cả những cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản Việt Nam tại hải ngoại ! Xin đừng lầm lẫn trò đánh lận trò đánh bài lận nầy:  Sự thật phải được nói rõ, nhận định rõ :Trung Cộng đang xâm lược đất nước Việt Nam ! Đúng vậy ! Nhưng dưới  và với sự đồng lõa, bảo trợ  và do chính tay của Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đường dắt lối đưa địch vào nhà !. Đảng Cộng sản Việt Nam và ( nhứt định không quên) với Hồ Chí Minh và các đàn em đệ tử đã bán rẽ Việt Nam cho Trung Hoa Cộng sản ngay từ sau Đệ nhị Thế Chiến rồi, cốt chỉ để được  quyền điều khiển Việt Nam. Một khi  đã rước voi về dày mả tổ thì đừng bày đặt khóc lóc khi giàn khoan nhập thềm lục địa và cướp đoạt lãnh hải và các quần đảo của Việt Nam.

Cộng sản Việt Nam chỉ cho phép biểu tình nửa vời để gọi là phản đối Tàu !  Nửa vời vi vẫn hạn chế, vẫn kiểm soát, vẫn cho công an bố trí, theo dõi, bắt bớ. Cho phép để biết rõ đối lập, để biết rõ đường đi lối về. Cho phép để  “hốt trọn” đối kháng. Nửa vời vì cuối cùng lại  cũng dẹp biểu tình, lấy cớ để bảo vệ kiều dân Tàu, để bảo vệ kiều dân và cơ sở “ngoại quốc”. Không ai có thể “ tự tạo bạo động” và “tự giữ an ninh trong bạo động” được cả ! Vừa muốn giựt giây mà sợ động rừng;  vừa điêu ngoa xỏ lá một mặt tổ chức phản đối Tàu xâm phạm lãnh thổ “để làm vừa lòng dân ?” hay để “kiểm soát lòng dân ?”, và một mặt đàn áp biểu tình “trấn an đàn anh Tàu ?” hay “tạo an toàn cho chủ nhơn” ? ! Sự thật là Đảng Cộng sản Việt Nam đã thật sự  bán Việt Nam cho Tàu từ lâu rồi, vì vậy mới có những hành động dở dở ươn ươn như vậy !  Bán từ cái thuở năm xưa khi Mao Trạch Đông vừa cướp được chánh quyền. Bằng chứng là đài Phát thanh Tàu tuần qua đã kể rõ công hàm Phạm Văn Đồng thừa lệnh Hồ Chí Mình công nhận chủ quyền lãnh hải gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Tuy đây là một ký kết giữa hai Đảng Công sản đấy nhưng là của hai đảng đang cầm quyền của hai quốc gia. Nên ngày nay về mặt pháp lý, và trước sự đã rồi, hai nhóm quần đảo của quê hương chúng ta kể như đã mất. Trường Sa may mắn hơn, nhờ các quốc gia láng giềng tranh chấp, trở thành một vấn đề quốc tế, Tàu khẹt giỏ khó nuốt trọn tất cả nên Việt Nam còn có thể giữ được một số đảo. Còn Hoàng Sa, than ôi ! đã mất trọn ! Nhưng nhờ cuộc hy sanh của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tháng giêng năm 1974 đã đánh dấu sự bất khuất của quân dân cán chánh của dân tộc Việt Nam miền Nam không Cộng sản, và cũng nhờ vậy,  mà ngày nay là một bằng chứng duy nhứt, về mặt pháp lý, chủ quyền của người Việt, và cũng là một chứng tích của sự  “không nhìn nhận chủ quyền củaTrung Công”, vì Trung Cộng đã cưởng chiếm Hoàng Sa. Còn đối với chế độ miền Bắc, im lặng là đồng lõa, và khốn nạn hơn, im lặng là cổ võ, im lặng là khuyến khích, im lặng là NHÌN NHẬN !. Miền Bắc lúc năm 1974 đã im lặng, tức là đã cổ võ, nhìn nhận cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, và còn chưa kể những tuyên bố chạy tội,  kiểu cà chớn loại “nên để Hoàng Sa cho Tàu giữ còn hơn để cho Ngụy” của một tên đảng viên cao cấp mất dậy vô trách nhiệm, vô tổ quốc nào đó mà chúng tôi không thèm nhớ tên!. Vuốt mặt nói những câu như vậy mà nay hắn cũng có tên đường hay tên quảng trường ! Nhục nhã thay !

Năm 1975, Đảng Cộng sản Bắc Việt Hà Nội  chiến thắng được miền Nam  và quân dân cán chánh Việt Nam Cộng Hòa là do quân dânTàu đánh giúp. Năm 1954, Đảng Cộng sản Bắc Việt thắng quân đội viễn chinh Pháp qua chiến thắng Điện Biên Phủ cũng do quân dân Tàu đánh giùm. Tất cả việc ấy, những nợ nần ấy do  chính do Tàu đã nói lên, và đã định  giá gần một ngàn tỷ dollars ! một con số xem to nhưng quá rẽ, mà ngày nay toàn dân Việt Nam đang phải trả. Trả bằng mất đất, trả bằng mất biển, trả bằng mất rừng, trà bằng mất nhà mất cửa mất công ăn việc làm, trả bằng ở đợ, trả bằng làm công, làm cu ly, làm đỉ điếm … hay muốn thoát hiểm phải vượt biên tha hương cầu thực, trồng cỏ cần sa, bán buôn ma túy, rửa chén, nấu thuê…!
Làm gì đây ? Làm gì đây để thoát nạn Hán hóa, Tàu hóa ! Và đã Hán hóa rồi ! Ngày nay tại Việt Nam, chữ Tàu nhan nhản. Chữ Tàu từ những bảng hiệu các cửa hàng, tiệm ăn, chữ Tàu trên những hàng bày bán trong chợ, trên những thương hiệu quần áo, trong cái hằng ngày phải thấy, trong cái hằng ngày phải gặp, vì từ đồ gia dụng đến hộp bánh, hộp mứt, món ăn, đến chai thuốc uống, lọ dầu xoa, cây kem bóp …đều do Tàu làm, Tàu chế, Tàu bày, Tàu bán, …   tất cả đều có chữ Tàu, chữ Tàu đến cả chốn thờ phượng, tâm linh như đền đài, chùa chiền, miếu cổ, nơi thờ cúng thiêng liêng tất cả đều có bảng được viết được vẽ chữ Tàu. Và khốn nạn hơn, có những người Việt thuần túy ngày nay, tự cho mình là kẻ có ăn có học, có tâm có linh, có tinh có thần Việt Nam, có văn có hóa cội nguyềnViệt Nam nhưng lại khi viết bài viết vỡ  thích dùng hoặc  câu hoặc điển, hoặc tích của Tàu,  thích phải có một câu văn, một bài thơ hay bài phú bằng tiếng Tàu, bằng chữ Tàu.  Còn mất dạy hơn, xỏ lá hơn, nói trớ, gọi tránh là chữ Nho, và còn cường điệu hơn gọi đấy là chữ Thánh Hiền, và nào là cửa Khổng sân Trình, và nào của Khổng, và nào của Lão.  Chán thật ! Lão tử, Khổng tử chỉ là  hai tên Tàu râu dài mà chế độ các triều đại  phong kiến Quân chủ dùng để đô hộ dân ta bằng văn hóa ngoại bang, ru ngủ cả dân tộc ta trong một cơn mê ngu dốt để đến nổi chỉ với 40 tên thủy quân lục chiến Pháp và Y Pha Nho và một chiếc tàu chiến đánh hạ thành Huế chưa đầy một ngày! Cũng như ngày nay chế độ triều đại Cộng sản  dùng Các Mác và Lê Nin hai tên Tây râu xồm đô hộ dân ta cũng bằng văn hóa ngoại bang đè bẹp nềnn văn minh và  văn hóa  ngày nay của ta. Sau gần 40 năm cầm quyền xây dựng đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam và lý thuyết Mắc Lê đã đưa dân tộc ta, đất nước ta đi vào ngõ cụt của con đường tụt hậu.

Xưa ta bị nạn Tàu, gần đây ta gặp nạn Cộng, ngày nay ta bị nạn Tàu Cộng ! Còn đâu người Việt ! Còn đâu  Văn Hóa Đại Việt !   
Nên nhớ những năm qua, đã có những hiện tượng nho nhỏ đã bao lần cảnh giác chúng ta rằng Việt Cộng đang ru ngủ  đưa chúng ta dần dần  biến thành Tàu Cộng. Hãy nhớ đi, nhớ những quả bóng bóng nhỏ nhỏ  được thổi phồng lên để thử dư luận dân chúng ta, xem chúng ta có chấp nhận làm người dân Tàu cộng không ?  ta hãy nhớ đi : nào chuyện ngôi sao thứ sáu trên lá cờ Tàu, nào chuyện Tàu kiều tự do đi lại trên đất Việt. (Tại sao người Việt hải ngoại mặc dù được ru ngủ, dụ khị bằng câu hát  “khúc ruột ngàn dặm” vẫn phải mua visa vào du lịch Việt Nam mà dân Tàu Cộng đi ra vào Việt Nam không cần visa chiếu khán gì cả ? ). Còn chuyện Bô Xít ? Còn chuyện tỉnh Bình Dương ? hay chuyện Thuê rừng ? … Bóng bóng ?  hảo ?  hay sự thật phủ phàng ? Và nay Giàn Khoan đến sau một lô những chuyện cắt cáp, bắt ngư dân, phạt tiền ngư dân, chuyện từ ngữ “tàu lạ” đâm, đụng, đánh đắm …. tàu ta!! Vậy thì nay đến chuyện,
 
Giàn Khoan:  Dịp May hay Vận Rủi?

Giàn khoan đến vì thời cuộc. Giàn khoan xâm phạm lục địa Việt Nam là một chuyện phải đến,  và trước sau gì cũng đến, vi đã được sắp đặt rồi, chỉ đến sớm tý thôi. Giàn khoan cho kịp với bầu cử Ukraine, Giàn khoan đến cho kịp sự gặp gở Nga-Tàu. Mầy Crimée, Tao Hoàng Sa..Mầy Hắc Hải, Tao Biển Đông. Mầy Ukraine, Tao Việt Nam. Liên Minh Cộng sản xưa kia nay lập lập. Liên Sô-Trung Cộng, phải lập lại chư hầu. Phải lập lại khối Varsovie. Giàn khoan phải đến hải phận Việt Nam trong tháng năm. Tháng năm Nga đã dùng bạo loạn chiếm pjía Đông Ukraine. Chỉ có vậy thôi giàn khoan đến tháng năm, phải đến vào tháng năm 2014. 
  
Giàn khoan đến sớm, đó là một dịp may ! Dịp may cho người dân Việt Nam trong nước thấy rõ vai trò xâm lược của Trung Cộngvai trò nhu nược của Việt Cộng. Tại sao Tàu lại gấp gáp đưa Giàn Khoan vào lục địa Việt Nam vậy ? Tàu không ngại  tỏ rõ cho Việt Nam và Thế giới biết ý đồ xâm lược và bá chủ của mình ? Cũng vì thời cuộc,  như đã nói trên, vì dịp may hiếm có cho Tàu, ( thời cơ Nga và Ukraine, thế giới Âu Mỹ bối rối với Poutine) phải làm thôi. Nhưng nhờ vậy giúp cho người dân chúng người Việt ta sau những năm tháng trì kéo hy vọng, kiểu con “đà điểu cúi đầu chổng mông dưới cát”, nay đã phải  thấy sự thậtbắt buộc phải đấu tranh. Kết luận, người dân muốn chốngTàu xâm lược, phải buộc Nhà cầm quyến Cộng sản từ chức. Phải dẹp Đảng Cộng sản Việt Nam mới giải phóng được đất nước. Đây là một sine qua non. Một bắt buộc. Còn Đảng Cộng sản Việt Nam là còn nợ Tàu, nên nhớ gần 1000 tỷ dollars. Và phải trả, là mất đất mất biển thôi.

Từ đầu tháng hai năm nay, thời sự quốc tế bổng nóng bỏng hơn. Vì Ukraine, thời sự Ukraine đã mở đường cho Trung Cộng xâm chiếm Việt Nam với hy vọng là vô tội vạ. Nga chiếm Crimée, dân Ukraine gốc Nga, Nga thoại đòi đem  Ukraine trở về ảnh hưởng Nga, mở đầu một chương trình thành lập lại một Liên bang  Sô Viết Nga cũ. Poutine  biết lợi dụng thời cơ. Với một Obama đang gặp khó khăn tại Quốc Hội Mỹ, với một Liên Âu  cũng đang gặp khó khăn với Liên Âu không đồng thuận. Khủng hoảng kinh tế ở Liên Âu nếu có vẽ đang trên đà hồi phục, khủng hoảng xã hội vẫn chưa giải quyết được, nạn thất nghiệp ở các nước Liên Âu còn cao, đời sống càng khó khăn mắc mỏ hơn, thuế má không giàm mà trái lại còn tăng. Và với những chiến tranh cục bộ tại Trung Á, với những chiến tranh cục bộ tại Châu Phi, với nạn Hồi giáo quá khích khủng bố, Liên Âu đang bị dân tỵ nạn kinh tế và chiến tranh tràn ngập – ( với một cái lạ ngược đời là trong nhóm tỵ nạn kinh tế có một rất đông người Tàu, vốn là công dân một quốc gia giàu nhứt thế giới !) -. Poutine biết rằng Mỹ và Liên Âu chỉ “ù ơ dí dầu” với Syrie, Mỹ và Liên Âu “ù ơ dí dầu” với Mali, Trung Phi (mặc dù Pháp cho quân sang làm “sen đầm quốc tế” ở Châu Phi đó, nhưng thật sự cũng chẳng giải quyết gì cả – vì Phi châu là Phi Châu và loạn Phi Châu người Châu Phi còn chưa hiểu làm sao anh da trắng hiểu nổi – một thí dụ, ngày hôm nay, nhóm Boko Haram Hồi giáo quá khích  ở Nigéria chỉ với độ 2000 tên khủng bố mà quốc tế điên đầu không giải quyết nổi, phải họp thượng đỉnh để giải quyết, bằng quyết tâm … đối thoại, kêu gọi đoàn kết thống nhứt hành động … sao như y chang phe ta chống Cộng vậy !. Cả quân đội xứ Nigéria khổng lồ cũng không làm gì được !

Thật nực cười ! Tàu Nhựt gây cấn với chuyện đảo Điếu Ngư mấy năm trời có sao đâu ? Mỹ để khỏi bị chê rằng ngày nay “yếu gối” mất sức làm “sen đầm quốc tế” nên nêu ra “thuyết xoay trục” (sang Đông),  bán cái  vai trò  “sen đầm quốc tế.” phía Tây cho Tây, hay cho ai đó muốn làm thì làm, nhưng cũng chẳng ai chịu làm cả …- vì …ngu sao ? – Tây làm Hollande ông Tổng Tây làm, vì ông Tổng Tây bất tài, mất uy tín chánh trị nội bộ, nên đem quân viễn chinh cứu …Phi châu hỗn loạn. Lỗ hổng một cường lực quốc tế. Poutine xơi tái Ukraine vô tội vạ. Nato đdúng nghĩa Nato, no action talk only-không làm chỉ nói ! Vì vậy Tàu mới có dịp xơi tái Việt Nam ! và chỉ xơi được Việt Nam thôi ! Đụng Nhựt u đầu, đụng Phi Luật Tân sức trán. Vì Nhựt và Phi Luật Tân ở Biển lớn, ở Thái Bình Dương là nơi Mỹ vẫn cho là Ao Mỹ – Mare Americana !  Tàu bè hải quân hạm đội Mỹ tùm lum. Đớp Việt Nam ở Biển Đông, chỉ là một cái ao nhỏ – mà mấy tay học giả địa dư quốc tế đặt tên là Biển Tàu-Mer de Chine- thật là phẻ re, thành thử  phe ta là nạn nhơn của thời cuộc, của vô tình, của khoa học, của sự ngu dốt của mấy thằng sử học Tây âu cà chớn, và đành, vì thấp cổ bé miệng chẳng kêu ca gì  được cả. Biển Tàu là hải phận Tàu, là lãnh hải Tàu, that’s it, nói gì bây giờ, nói gì cũng thua, chỉ có đánh nhau thôi. Đánh thua cũng phải đánh. Ngoài ra: Làm gì được đây. Vậy thì :

Bạo động, trong bất bạo động: Nhà cầm quyền Cộng sản Hà nội cấm biểu tình chống Trung Cộng chứ có cấm dân chúng hay chúng ta tẩy chay hàng hóa, mua bán với Tàu đâu ? Chúng ta phải làm sao thằng Tàu Kiều nó ở không nổi với dân ta,  và phải hoặc cuốn gói về Tàu, hay hui nhị tỳ – nói như Tây hồi thua Algérie la Valise ou le Cercueil – Cái Rương hay cái Hòm.  Phải phá đám đời sống của nó. Nó đi xe đạp, ta xi lốp xe đạp. Nó đi xe hơi ta xì lóp xe hơi, đinh rải, dao đâm. Nó đi một mình ta đánh hắn. Nó đi đông, ta chọc hắn đánh ta, để ta nằm vạ … Cuộc sống của Hoa kiều phải không được bằng yên. Phải mở :

Chiến dịch Bài Hoa

Tât cả người dân trong nước mở chiến dịch Bài Hoa, hãy xóa chữ Tàu, hãy phá đám thằng Tàu, chọc cho Tàu chê Việt Nam, chọc cho người Tàu hết du lịch Việt Nam. Tàu đang dùng đòn nói xấu Việt Nam để Tây Mỹ và ngoại quốc nản Việt Nam.  Tốt lắm ! Chúng ta chấp nhận gây một kinh tế thảm thương cho Việt Nam. Tây  Mỹ ngoại quốc nản Việt Nam ? bỏ ra đi, du lịch ế ẩm, kinh tế tiêu tùng, tình hình bất ổn, đất nước khó khăn ? nhưng Tàu kiều ra đi, nhà cầm quyền Việt Cộng sẽ tiêu tùng, vì người dân sẽ đuổi bọn cầm quyền bán nước. Chúng ta không đủ sức đánh nhau bằng quân đội thì chúng ta khủng bố đời sống Tàu Kiều! Và nếu cần lẫn lộn, nhầm người, da vàng á đông là ta chơi tới luôn? Tàu Cộng, Tàu Đài Loan, Tàu Singapore,  hay cả Đại Hàn, Nhựt bổn ta chơi tới bến luôn. Hểt thấy chữ Tàu là ta chơì. Nhà cầm quyền Việt Cộng phải có thái độ, hoặc đuổi Tàu Kiều ra khỏi xứ Việt Nam ( trục xuất để giữ an toàn cho dân Tàu) hoặc đánh dân Việt Nam. Nhưng nếu đánh dân Việt Nam để bảo vệ Tàu thì ta không đánh Tàu Cộng mà đánh Tàu Đài Loan …Nhưng vậy Đài Loan sẽ kiện Việt Nam. Nói tóm lại ta phải buộc Nhà cầm quyền Việt Nam có thái độ !

Còn Hải ngoại ta, khỏi nói, chúng ta phải Bài Hoa.

Tẩy chay toàn bộ hàng Tàu. Chiến dịch NO CHINA phải được Hải  ngoại tổ chức thành một nếp sống. Bài Hoa là phải tẩy chay tất cả hàng hóa có chữ Hoa Ngữ, hay tất cả những made in China.  Các báo Việt Ngữ không đăng quảng cáo có chữ Tàu, nhựt trình không trình bày Hoa ngữ, không in Hoa Ngữ. Không vào  ăn uống ở các china town, tẩy chay Tàu.
Biểu tình chống Tàu, phải, nhưng phải biểu tình chống cả Hà nội !
Đời sống người hải ngoại ta có khó khăn đấy, trên bàn ăn thiếu những món quen thuộc, báo chí thất thu vì thiếu quảng cáo người Hoa. Nhưng phải biết hy sanh !
Quyết không xin xỏ, kêu gọi, nghị quyết gì cả. Chúng ta không đối thoại với người bán nước, kẻ nhu nhược. Và chúng ta không đi chơi Việt Nam, không gởi tiền cho Việt Nam
Dân trong nước sẽ khổ, nhưng có đói có khổ mới hiểu được thế nào là mất nước. Chứ mất nước mà có bà con cứ có tiền sống lè phè  thì dễ quá ! Tất cả chúng ta đều sống sót được những năm khốn nạn nhứt từ sau 30/04/75 đến năm 85 tạiViệt Nam, thì nay có thể chúng ta chịu đựng được. Còn phe ta ở hải ngoại không ăn món Tàu, thi ta ăn món Việt, không mặc áo Tàu thì ta mặc áo Tây áo Mỹ. Ráng lên bà con ơi, chẳng chốc Thằng Tàu té, thì thằng Việt Cộng cũng đổ.
Ngày mai chúng ta chào nhau ở chợ Bến Thành.
To morrow, see you in Saigon!
Chuyện Giàn Khoan là một dịp may. Dịp để chúng ta có bằng chứng cụ thể hành động xâm lược Tàu Cộng, dịp để chúng ta có bằng chứng cụ thể hành động bán nước Việt Cộng.
Dịp để chúng ta dẹp cả hai. Bài Hoa, D[V]iệt Cộng ! Còn chờ gì nữa.

Hồi Nhơn Sơn, Giàn Khoan, tuần thứ ba.
 
Phan Văn Song