Thursday, October 30, 2014

LS Lê Công Định

Tổng thống Ngô Đình Diệm

Lúc thiếu thời đi học, nhắc đến cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, đa số thầy cô dưới mái trường XHCN của tôi đều gọi là “thằng Diệm” và “thằng Thiệu”. Về nhà tôi kể lại cho ba mẹ nghe. Ông bà nghiêm nghị cấm tôi không nên bắt chước thầy cô, vì như thế là vô lễ và bất kính đối với các bậc tiền nhân. Sau này, trưởng thành, có dịp đi làm việc ngang vùng Ninh Thuận, một đồng nghiệp lớn hơn tôi vài tuổi hỏi: “Nghe nói vùng này là quê hương của thằng Thiệu?” Tôi cau mày, đáp: “Dù sao ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đáng bậc cha chú của anh mà! Nếu mình đi đến vùng Nghệ An, em nói đây là quê hương của thằng Hồ, anh sẽ cảm thấy thế nào?” Anh ấy chống chế: “Xin lỗi, thói quen thôi mà!” Từ đấy anh ấy xem tôi là “phản động” (!). Tôi hãnh diện về tiếng “phản động” đó, vì nhớ đến lời giáo huấn đạo làm người của cha mẹ tôi.
 
Ba tôi, một người tham gia phong trào cộng sản, vẫn luôn bày tỏ lòng kính trọng đối với cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Ông thường nhận định với tôi rằng dân tộc này sẽ tốt đẹp hơn nhiều, thậm chí có thể sánh ngang với Nhật Bản ở Á châu, nếu cụ Diệm lèo lái con thuyền đất nước đến được bờ bến mà cụ tâm niệm và tranh đấu cả một đời. Khi tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì sao ông chưa bao giờ bày tỏ sự tôn trọng tối thiểu đối với bất kỳ lãnh tụ cộng sản nào, ba tôi lắc đầu trả lời: “Ba chọn lầm đường!” Và ông luôn căn dặn tôi: “Thế hệ của con không được quyền lạc lối như ba.”

Mỗi sáng mùng một Tết hàng năm lúc tôi còn là học sinh tiểu học và trung học, sau khi sang chúc Tết ông nội về, ba mẹ thường đưa anh em chúng tôi đến nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi viếng mộ dượng sáu tôi là ký giả Vân Sơn Phan Mỹ Trúc, Chủ bút nhật báo Đông Phương ở Sài Gòn trước 1975. Bao giờ cũng vậy, trước khi đến mộ dượng tôi, ba tôi luôn dừng lại thắp hương, còn mẹ tôi (một giáo dân Công giáo) đọc kinh cầu nguyện trước mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu và bà cụ cố thân sinh của hai ngài. Anh em chúng tôi phải đứng chấp tay, cúi đầu. Điều đó đã trở thành thông lệ của gia đình tôi ngày xưa.
 
Năm 1998, sang Pháp học, tôi đọc một quyển sách về Tổng thống Ngô Đình Diệm và biết rằng sau khi nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi bị giải tỏa năm 1985, hài cốt của ba vị cùng với ông Ngô Đình Cẩn được thân nhân chuyển về nghĩa trang Lái Thiêu. Tết năm 1999, nhân dịp trở về Việt Nam dự chương trình Orientation dành cho sinh viên nhận học bổng Fulbright du học Hoa Kỳ, tôi chở ba tôi đi Bình Dương tìm nghĩa trang Lái Thiêu, mà ông còn nhớ tên gọi xưa là “Nhị Tì Quảng Đông”. Chúng tôi dò hỏi những người dân gác mộ xung quanh đó, thì được hướng dẫn tận tình và đưa đến tận nơi. Họ còn nhắc nhở chúng tôi viếng nhanh rồi về, vì buổi trưa các du kích xã đi ăn cơm nếu không chúng tôi có thể bị mời về xã đội điều tra lý do viếng mộ ông Ngô Đình Diệm (?).
 
Theo quyển sách tôi đọc, bia mộ của cố Tổng thống ghi “Giacôbê Đệ”, còn bia mộ của ông Cố vấn ghi “Baotixita Huynh”, do thân nhân lúc cải táng cố tình tráo hai chữ “huynh” và “đệ” để kẻ gian nhầm lẫn. Tôi không rõ thực hư việc này, nhưng quả nhiên thấy rõ những dòng chữ ấy. Giữa mộ hai ngài là mộ của bà cụ cố thân sinh. Cách một quãng xa, ngôi mộ có tấm bia dựng cao ghi chữ “Can” và năm mất 1964, chính là mộ phần của ông Ngô Đình Cẩn. Hai cha con tôi kính cẩn làm lễ, thắp hương, đọc kinh cầu nguyện và chụp ảnh lưu niệm. Suốt đoạn đường về ba tôi trầm ngâm, muộn phiền trước cảnh một nhân vật từng có sự nghiệp vĩ đại nhất của dân tộc ở thế kỷ 20 mà cuối đời chỉ còn nắm tro tàn vùi chôn tại một nơi và theo một cách thức không tương xứng với tầm vóc và đóng góp của ông. Nỗi buồn của ba lây sang cả tôi.
 
Trở lại Paris năm đó, tôi tìm đến thăm trường Ecole des Chartres, một trong những trường danh giá nhất của Pháp, nơi ông Ngô Đình Nhu từng theo học. Ngôi trường ấy tọa lạc gần trường luật Panthéon-Assas của tôi. Tôi vẫn nể phục ông Nhu như một nhà tư tưởng lớn hiếm hoi của Việt Nam đương thời. Từ chuyến đi năm 1999 trở về sau, lúc thì vào dịp Tết, lúc nhân ngày giỗ hai ông, tôi âm thầm đến viếng mộ phần của bốn vị đều đặn. Giữa năm 2007, một buổi chiều cuối tuần, đón tiếp luật sư Lê Quốc Quân vào Sài Gòn, tôi đưa anh và hai vợ chồng luật sư đồng nghiệp cùng đến nghĩa trang Lái Thiêu. Chúng tôi đã tổ chức một buổi lễ tôn nghiêm dành cho các vị, với nguyện ước một ngày không xa công lao và danh dự của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ được phục hoàn và tôn vinh tương xứng với sự nghiệp vĩ đại của ông.
 
Tiếc rằng giờ đây đang trong thời gian quản thúc, ngày mai tôi không thể đến viếng mộ phần của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và ba vị tiền nhân như mong ước, hy vọng lời chia sẻ này thay cho nén hương tưởng niệm để tỏ lòng kính trọng và niềm tiếc thương của tôi dành cho nhân vật lịch sử đã từng tranh đấu và ngã xuống vì quốc gia Việt Nam.

LS Lê Công Định

VNCH

Quốc Huy
VIỆT NAM CỌNG HÒA

nbg/fb

Kiều hối sẽ suy giảm trong 10 năm nữa

Mỗi năm kiều hối về VN xấp xỉ 10 tỷ đô la. Ít nhất một nửa đến 2/3 số tiền này dùng vào việc chi tiêu, mua sắm ở Việt Nam. Gần như một dạng viện trợ không hoàn lại. Đây là tiền gửi cho thân nhân chi tiêu. Nhưng những người nhận tiền chi tiêu ở Việt Nam cũng chính là những người đang giúp nền kinh tế VN. Nhà nước thu thuế qua những sản phẩm, dịch vụ mà những người này chi tiêu.

 Thành phần gửi tiền về gồm có người Việt định cư tại nước ngoài, số này phần lớn nằm ở các nước tư bản, chiếm phần lớn trong số người gửi tiền về. Kế đến là những người lao động xuất khẩu chiếm thứ hai, số này đa phần ở các nước như Hàn, Nhật, Đài Loan, Mã Lai, Li By, I rắc...đặc điểm những người này do họ lao đông có thời hạn, nên số tiền gửi về không nhiều, hoặc có gửi về thì số tiền đem ra chi tiêu không nhiều. Bởi họ dành dụm để khi hết hạn lao động về còn có vốn làm ăn. Với mức lương bình quân 700 usd một tháng, phải gánh vác nhiều thứ, họ không rảnh rang như những người định cư.

Số còn lại là cán bộ công tác, du học sinh, những người đầu tư ra nước ngoài để có thẻ xanh. Trong số này thì cán bộ đi công tác là chủ yếu. Còn du học sinh thì tiền lại mang từ VN đi, bố mẹ chu cấp. Các nhà đầu tư ra ngoài cũng mang tiền từ trong nước ra, hầu hết họ chuyển tài sản đến một chỗ an toàn. Tiền họ mang về so với việc họ mang đi chỉ đáng 1/10.

Tóm lại số tiền kiều hối phần lớn do những người định cư, số tiền này gửi về cho thân nhân thường với mục đích chi tiêu. Tương lai không xa nguồn tiền này sẽ không còn.

Hiện nay các nước đã thắt chặt việc nhập cư, tị nạn. Nguồn bổ sung cho nhân tố này sẽ chỉ có giảm chứ không tăng. 

Nguồn bổ sung khả dĩ là các thế hệ sau của những người định cư.

Thế hệ sau này sinh ra ở nước sở tại, hầu như những quan hệ thân thiết ở Việt Nam không còn nhiều, những liên kết khác cũng không có. Chỉ mơ hồ là một dòng máu trong người. Nhiều em chả biết tiếng Việt, có em không muốn về VN. Tương lai bố mẹ các em mất đi, các em sẽ chẳng biết về Việt Nam làm gì ngoài việc tò mò xem quê hương của cha mẹ mình thế nào. Thế hệ này sẽ chẳng có lý do gì để phải gửi tiền cho họ hàng xa như bố mẹ của họ gửi cho anh em ruột hay ông bà. Các em gần như gắn bó hoàn toàn với cuộc sống sở tại và tư duy như người sở tại.

 Chắc chắn 10 năm nữa, Việt Nam sẽ gần như mất hoàn toàn dòng kiều hối từ người Việt định cư. Những người đi lần cuối từ biến cố năm 1990 đã cần kề tuổi về hưu, 10 năm nữa trong số họ sống bằng lương hưu, không còn dư dả gửi về nhà. Bố mẹ của họ cũng chả còn sống để họ phụng dưỡng. Anh chị em thì gọi là chút quà không đáng kể. May ra nếu họ trở về VN sống những ngày cuối đời thì còn có được nguồn tiền họ mang theo. Nhưng không biết bao nhiêu % trong số này sẽ về VN sống trong những năm tháng nghỉ hưu, khi mà con chaú của họ ở nước ngoài, khi mà an sinh , phúc lợi điều kiện y tế ở VN những điều cần thiết cho người già lại không được tốt bằng.

Hiện nay nợ công của VN ngày một tăng, đã chạm đến giới hạn cuối cùng của sự an toàn mà chưa có dấu hiệu sẽ giảm ngoại trừ những lời hứa của các nhà lãnh đạo. Việc chấp nhận tàn phá thiên nhiên để đào bô xít, thứ quặng rẻ tiền cho thấy tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam trên đất là cạn kiệt. Cho thuê đất dài hạn để làm khu công nghiệp đã mặc cả đến mức bèo bọt, trước kia thì việc cho thuê đất gắn với việc nhận lao động VN. Nhưng gần đây đã thấy dấu hiệu bị bãi bỏ từ phía các nhà đầu tư, chẳng hạn như ở Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Bình Dương các nhà đầu tư nước ngoài khi thuê đất họ mang công nhân cuả họ sang. Họ sinh sống, làm việc trong một khu khép kín như thế giới riêng, đất nước riêng của họ.

Không còn tài nguyên trên cạn, không còn nguồn kiều hối. Chuyện VN trả nợ chỉ trông chờ vào yếu tố con người, sức lao động, hàng hoá xuất khẩu từ trong nước. Nhìn thế mới biết việc gia nhập các hiệp hội, tổ chức thương mại quốc tế cần thiết đến mức cấp bách cho VN thế nào. Có được quan hệ tốt thì mới mong bán được hàng hoá, có đầu tư bên ngoài, có nguồn xuất khẩu lao động.

Thực tế chứng minh , chả có chế độ cộng sản cầm quyền nào đạt quan hệ tốt với các nước tiến bộ trên thế giới cả.

Sau 10 năm nữa kiều hối dứt, tài nguyên sạch nhẵn. Nội lực thì dặt dẹo trong mớ bòng bong ý thức hệ và quản lý hành chánh chồng chéo, cửa quyền, tham nhũng và lãng phí. Kiếm sống còn chả đủ, đừng nói là trả nợ. Riêng cái khoản tiền chữa những căn bệnh do môi trường, thức ăn, nguồn nước, không khí cũng đủ làm cho VN kiệt quệ.

Đến lúc này mà vẫn còn xây dựng những công trình lãng phí thì không biết ai là thế lực thù địch. Những công trình như nhà văn hoá trụ sở hành chánh, nhà quốc hội, trụ sở đảng, đền thờ lãnh tụ, lãnh đạo...liệu những thứ ấy có sinh ra được lợi nhuận để trả nợ công hay không.?

Điều an ủi là 10 năm nữa sẽ không còn thế lực thù địch bên ngoài, tôi đã gặp nhiều chàng trai , cô gái tuổi đôi mươi ở Mỹ, Âu. Chẳng có hy vọng gì 10 năm nữa khi trưởng thành họ sẽ thành thế lực thù địch bên ngoài của nhà cầm quyền Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa họ cũng chẳng thành khúc ruột ngàn dặm để gửi kiều hối về VN.

Người buôn gió

Wednesday, October 29, 2014

Thơ Trần Trung Ðạo


NHỚ NÚI THƯƠNG RỪNG

Ta vẫn hằng mơ ngày trở lại 
Thăm rừng Nghi Hạ, núi Nghi Sơn
Núi đứng chờ ai khô lệ đá...

Rừng xưa mấy độ lá thu rơi


Mưa có buồn hơn trên xóm vắng
Nắng có vàng thêm những buổi chiều
Ta đi tuyết đổ lên đời trắng
Mưa buồn như mắt mẹ đêm khuya
Chùa xa ai giục hồi chuông đổ
Hay tiếng ru con dưới mộ phần
Cả đời ta chưa yên giấc ngủ
Chập chờn mộng mị trắng thâu canh

Hàng tre Nghi Hạ còn hay mất
Có phải nơi này mẹ gặp cha
Ai uống ngày xưa ly nước vối
Mà nay cay đắng đọng đời ta

Quê hương, ta sẽ về thăm nhé
Dẫu ước mơ xưa đã tật nguyền
Lưng ta đời chém hàng trăm nhát
Còn đây nguyên vẹn một con tim

Ta vẫn hằng mơ ngày trở lại
Thăm rừng Nghi Hạ, núi Nghi Sơn
Sông Thu nước lớn bao mùa lụt
Có xóa dùm ta những tủi buồn

Biết còn chi nữa không Nghi Hạ
Chén rượu hoa niên đã nhạt rồi
Rừng xưa lá đã bao mùa rụng
Lòng người sao còn mãi chia phôi

Ta sẽ nói gì khi trở lại
Nghìn lời không đủ để quên đau
Giữa một non sông tràn máu lệ
Khóc cười cũng chẳng khác chi nhau

Phủi bụi giang hồ trên nếp áo
Ta về như gái khách hoàn lương
Mình ta đứng giữa trời mây trắng
Khóc tuổi xuân phai ở cuối đường.

Trần Trung Ðạo

Monday, October 27, 2014

Nguyễn văn Lục

Sách Cũ Miền Nam 1954 -1975

Đã định tâm như thế rồi. Cho nên, khoảng 6 tháng trước khi về Sàigòn để thăm lại bạn bè, bà con mình, tôi đã nhờ bạn ...bè bên ấy tìm cho tôi những sách mà tôi muốn tìm. Thật ra ít có ai có thì giờ và có lòng để đi làm một công việc vô bổ như thế. Biết bao nhiêu phần đời tôi, biết tìm cái gì, biết mua ra sao. Rất may là tôi còn những người bạn có lòng để tâm giúp đỡ, tên anh là Hồ Công Danh. Đó không phải là đi mua sách cũ mà là một việc truy lùng, sục sạo, mò mẫm đầy bất trắc và may rủi, nhưng cũng đầy thú vị và mủi lòng.

Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế. Đứa may trốn thoát. Tôi có đứa cháu trai, hồi đó, 6,7 tuổi. Khi đi di tản năm 1975, cháu chỉ mang cặp sách của cháu và nhặt một cuốn sách giáo khoa tâm lý học tôi viết thời đó. Sang sau vài năm, cháu đưa lại cho tôi. Kể cũng mừng và cũng buồn cười. Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói xôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít. Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi. Các cháu ngoan bác Hồ. Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng.

Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở.
Sách vở gì cũng sợ nên sách gì cũng phải tẩu tán. Sách vở bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, mặc dầu chúng là người ngoại quốc, mặc dầu chả dính dáng gì đến chuyện chính trị hay chiến tranh Việt nam, chúng cũng chịu chung số phận. Tôi cũng có khá nhiều sách vở bằng tiếng Pháp, nhưng tôi biết rằng, trước sau gì tôi sẽ không bao giờ dùng đến chúng nó nên lôi ra bán ve chai mà không thương tiếc. Sách nhỏ bán trước, sách lớn bán sau, cuối cùng là bộ Bách Khoa tự điển bằng tiếng Anh tuần tự rơi vào tay các ông bà bán ve chai. Ở nơi ấy, chẳng mấy khi mà Aristote gặp được Kant. Cũng chẳng ai ngờ được Bùi Giáng gặp mặt được Heideigger.

Sách cũ đối với tôi là một ám ảnh mời gọi tìm về. Trong đó đặc biệt có truyện sưu tập tài liệu triết cũ. Cũng từ những sách cũ đó mà trước đây tôi lớn lên, được nuôi dưỡng và phát triển về trí năng mỗi ngày. Nếu cơm gạo miền Nam cho tôi lớn lên thì sách miền Nam nuôi dưỡng tôi thành người thông tuệ.

Đi truy lùng lại sách cũ là tìm lại một phần bản thân tôi vậy.
Nhưng khi tôi nói sách cũ thì không có nghĩa là sách cổ, mà là sách của miền Nam xuất bản trước 1975. Sách mà theo bá cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tại kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội, ngày 26 tháng 6, năm 1976 là Việc xây dựng nền Văn Hoá mới đuợc tiến hành trong cuộc đấu tranh quét sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. Đó là hứ Văn Hoá nô dịch, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động...
Để thực hiện nghị quyết trên. Họ đã làm mọi cách : tịch thu, tàng trữ và đốt sách và coi sách vở báo chí miền Nam chỉ là thứ rác rưởi. Phần tôi, tôi dám gọi đó là đống rác tinh thần, tài sản của tất cả trí thức, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà khoa học miền Nam trong vòng hai mươi năm đã bị đốt. Tóm lại, đó là đống rác thân yêu của miền Nam, cho người miền Nam gìn giữ lấy.

A.- Tình hình sách cũ hồi 1975.

Cộng chung số sách đã bị tịch thâu, hay bị đốt theo là bao nhiêu. Hình như chưa có ai hỏi câu hỏi đó và cũng chưa bao giờ có câu trả lời. Có thể chẳng ai biết được. Chỉ tính theo đầu sách thôi, các số liệu cũ của Bộ Thông Tin cho thấy, vào tháng 9- 1972, theo Ủy Hội Quốc Gia Unesco Việt Nam Cộng Hòa trung bình đã cấp giây phép cho 3000 đầu sách được xuất bản một năm. Cộng chung từ năm 1954 đến 1975, đã có khoảng từ 50000- 60000 đầu sách đủ loại được xuất bản, thêm vào đó 200.018 đầu sách ngoại quốc được nhập cảng. Giả dụ mỗi đầu sách in tối thiểu 3000 cuốn. Sẽ có 180 triệu cuốn sách tiếng Việt bị tiêu hủy. Đây chỉ là một lối tính ước chừng. Và như vậy số sách bị tịch thâu, bị đốt, bị bán ra vỉa hè hay ve chai là khoảng 180 triệu cuốn trên khắp miền Nam. Miền Nam theo nghĩa từ Bến Hải vào đến Cà Mâu.

Con số này đã không còn đúng nữa khi ta đọc một bài viết của ông Vũ Hạnh, một nhà văn thời VNCH và là một đảng viên cộng sản trong bài: Mấy ý nghĩ về Văn Nghệ thực dân mới đăng trong tuần báo Đại Đoàn kết: Từ 1954 đến 1972, có 271 ngàn loại sách lưu hành tại miền Nam, với số bản là 800 triệu bản Trong khi đó sách của ông Trần Trọng Đăng Đàn đưa ra con số 357 ngàn loại. Và ông Đàn dám cả gan nói: Như vậy là con số của Vũ Hạnh gần như khớp với con số chúng tôi tìm được. Thưa ông Trần Trọng Đăng Đàn, con số cách nhau gần một trăm ngàn mà ông dám bảo là khớp thì tôi chịu ông. Các ông đã bao giờ biết nói thật chưa.

Cũng vậy, tờ Tin Sáng số ra ngày 1 tháng 8, năm 1976 tính rằng: Từ năm 1962 về sau, tại Nam Việt Nam đã xuất bản 208 bộ sách chưởng, gồm 850 quyển, con số phát hành này ước tính 5 triệu bản, bằng số sách giáo khoa trung học xuất bản cùng thời gian.[ii] Con số này, xin nhờ những vị chuyên gia về Kim Dung cho biết xem thực hư ra sao.

Độc giả thân mến, xin ghi nhận những thống kê của Ủy Hội Quốc Gia Unesco VN là tài liệu đáng tin cẩn. Tôi chỉ xin nói một điều, nước Pháp hiện nay mỗi năm xuất bản khoảng 1000 đầu sách tiểu thuyết mới. Làm sao VNCH có thể xuất bản mỗi năm hơn 20 chục ngàn đầu sách một năm. Những con số của ông Vũ Hạnh hay gì khác là một thổi phồng đến phi sự thực. Tôi không dám bảo là ông ấy nói láo khoét. Hãy trả lại các ông ấy những gì các ông ấy viết. Chỉ cần so sánh con số dự đoán giữa ông và Trần Trọng Đăng Đàn đưa ra cũng cách nhau cả gần một trăm ngàn đầu sách. Điều đó muốn nói với chúng ta điều gì.
Nay tất cả những sách đó đều ra tro. Đây là một chính sách man rợ và xuẩn động của nhà cầm quyền Hànội. Dĩ nhiên, người ta đã không đốt hết mà mang bán, chính vì thế nay còn rơi rớt lại một số nhỏ nơi các tiệm bán sách.

Vì sợ hãi nên người ta mang sách vở tài liệu ra chợ bán ký, đó là thứ hàng vô dụng và nguy hiểm nhất trong lúc ấy. Người ta đốt những sách nào liên quan đến chính trị, nhất là sách vở chống Cộng. Người ta đốt những nhà văn nào liên quan đến chính trị như Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Phan Nhật Nam v.v… Người ta cũng đốt tài liệu, hình ảnh cũ, giấy tờ, huân chương, bằng khen. Đó cũng là thứ mà những người chủ mới không muốn nó có mặt.
Người ta đốt tất cả những kỷ niệm, dù đẹp nhất của đời mình.

Mọi người phải tự hiểu rằng, phải đốt tất cả những gì cần đốt, không phải chỉ đốt những kỷ niệm mà tất cả những gì liên quan đến đới sống đó. Một đời sống mà tự nó đã là một điều xấu, một bản án.
Muốn sống yên, người ta phải đốt tất cả quá khứ đời một người cùng với những kỷ niệm, những sự nghiệp từ quá khứ đó mà ra.
Sách không đốt thì được bày bán lén hoặc công khai. Sự bầy bán sách vở như thế coi như dân chúng bắt mạch được thâm ý người chủ mới muốn gì. Nhưng trong số vạn người bán, vạn người mua, vẫn có những người nhà buôn bất đắc dĩ mà đặc loại là một số nhà văn, nhà giáo chế độ cũ nắm được cái chìa khóa của nhu cầu và ý nuốn của người đọc. Họ tìm ra giữa những kẽ hở để thấy được trong hàng tấn sách báo thải loại, cái nào là thứ hàng có giá trị, có giá đối với người chủ mới. Nạn chợ đen, nạn săn tìm sách cũ cho một thị trường mới nhờ thế càng phát triển.

Một cách nào đó, chính những nhà giáo, nhà văn, những kẻ bán sách lề đường, những tên lái sách trở thành những người bảo tồn Văn hoá miền Nam.
Sách phản động càng cấm, càng có giá. Đó là phản ứng ngược chiều ở thời điểm đó. Trên báo Đại đoàn kết, ngày 10—11-1982, Đinh Trần Phương Nam thú nhận một thực tế phũ phàng như sau: Các hoạt động của chúng ta vừa qua thật rầm rộ, thật phong phú và đa dạng, song các loại sách báo phản động đồi trụy, đã bị quét hết chưa. Xin thưa ngay là chưa.* Số Tiền Phong ngày 23-9-1985 cũng than thở* Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều đợt bài trừ sách báo xấu, nhưng hiện nay hiện tượng mua bán và cho thuê các loại sách báo xấu vẫn còn tồn tại.

Càng những sách bị cấm lại càng có giá trên thị trường đen. Trên vỉa hè phố, những sách từ ngoài đó được phép bầy bán nằm chống mốc, cong queo ít được ai ngó tới. Người ta bầy những sách trên để che mắt mà thôi. Người mua sách sành điệu chỉ cần hỏi tên một tác giả nhà văn Ngụy. Năm phút sau, chạy đi một lúc có liền.
Lại một thách đố nữa cho người chủ nhân ông mới.
Sách Ngụy trở thành một thách đố chính quyền mới, thách đố ai hơn ai chứ không phải ai thắng ai. Thách đố mang tầm vóc văn học, giá trị nghệ thuật dựa trên nhu cầu người đọc. Sách hay thì tìm đọc, sách tuyên truyền thì không đọc.

Đài phát thanh thành phố ra lệnh phải thu nộp tất cả các sách vở, báo chí, phim ảnh, tài liệu in ấn trước ngày 30 tháng tư được coi là đồi trụy. Nhiều người tiếc rẻ đem bán kilô. Các gói xôi bán buổi sáng, nay có tên Nguyễn Thụy Long, Nhã Ca, Thanh Tâm Tuyền. Vừa ăn, vừa đọc kể cũng vui. Nhiều chỗ mang sách vở cũ ra đốt. Mà phải đốt lén vào ban đêm.
Nhưng sau đó ai cũng thấy đốt là phí phạm. Không đốt thì sách vở đó đi đâu ? Không ai biết nữa. Nhiều người nhắc nhở đến tên Tần thủy Hoàng. Nhưng chẳng ai để ý đến có mối liên hệ gì giữa chuyện xưa và chuyện nay.

Tại sao lại dị ứng với văn học như thế? Không lẽ tất cả đều là phế liệu, tàn dư Mỹ Ngụy hết sao ? Sách nào là phản động, đồi trụy ? Vì thế sách cũ ở đây được đồng hóa với sách cực kỳ phản động, không phản động thì đồi trụy, không đồi trụy thì lai căng.. Mấy chữ trên như những khẩu lệnh bao trùm và truy chụp hầu như bất cứ tác giả nào và bất cứ quyển sách nào.
- Trước hết, các nhà xuất bản sách thiếu nhi bị cấm toàn bộ.
Đó là các nhà xuất bản như Tuổi thơ, Nắng sớm, Tuổi Hoa Niên, Sách Đẹp, Viễn Du, Hùng Dũng, Hoa Hồng, Hoa Hướng Dương, Hoa Mai, Hoa Hồng.
- Các dịch giả kiếm Hiệp sau đây cũng bị cấm : Kim Dung, Cổ Long, Trần Thanh Vân, Nam Kim Thạch, Từ Khánh phụng, Phan Cảnh Trung, Long Đức Nhân.
- Các tác giả có sách bị cấm toàn bộ như : Bùi Giáng, Chu Tử, Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ, Đinh Hùng, Nguyễn Mạnh Côn, Hoàng Hải Thủy, Lệ Hằng, Mai Thảo, Nguyên Sa, Nguyễn Đình Toàn, Thế Uyên, Thanh Nam, Võ Phiến, Văn Quang, Vũ Hoàng Chương, Vũ Tài Lục, Nguyễn Mộng Giác, Thảo Trường, Nguyễn Thị Hoàng..
 
Nhận xét :
- Những nhà xuất bản sách thiếu nhi này ấn hành đặc biệt các truyện dành cho thiếu nhi. Những sách đó có tính cách giáo dục, giải trí, hay nêu gương tốt cho các em thiếu nhi. Nội dung lành mạnh và có chất lượng giáo dục. Những nhà xuất bản này thường bất vụ lợi, có sự tài trợ đằng sau của những tổ chức tôn giáo, hay những nhà xuất bản có lòng như trường hợp ông Khai Trí. Vậy mà tội tình gì cũng bị cấm. Cứ cấm là cấm, cấm một cách chùy dập vô tội vạ và vô ý thức.
Các trẻ em miền nam tự nhiên mù chữ vì không có sách đọc.

- Về các dịch giả truyện Kiếm Hiệp cho thấy đây là những sách dịch vô tội vạ, vô thưởng vô phạt xét về mặt luân lý, giáo dục. Chủ đích của người dịch trước hết có thể là giải trí người đọc. Ai đọc truyện kiếm hiệp chả thấy hấp dẫn và hay, đọc để giải trí. Sau đó mới nói tới những chủ đề tình yêu, y học, võ thuật, nhân vật truyện, chất hài, chất ghen tuông, chất giang hồ, kiếm pháp trong các truyện kiếm hiệp ấy. Sách phải được coi là bổ ích và nó là bộ phận không nhỏ trong sinh hoạt Văn học miền Nam. Trẻ đọc, già đọc, bình dân đọc, trí thức đọc.. Mỗi người tìm ra được cái thích thú cho riêng mình. Đến có thể nói, một trong những nét đặc thù trong sinh hoạt Văn Học miền Nam là sách của Kim Dung.
Kim Dung tên thật là Trà Lương Dung. Truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu, xuất bản ở Hương Cảng, từ đó có bút danh Kim Dung. Năm 1957 ra bộ Anh Hùng Xạ Điêu, 1969 ra Lộc Đỉnh Ký. Cho mãi đến 1978 Đài Loan mới rút lệnh cấm tác phẩm Kim Dung và 1986, sau khi tiến lên 4 Hiện đại hoá ở Trung Quốc mới xuất hiện Kim Dung. Truyện chưởng Kim Dung "độc bá quần hùng" trong sinh hoạt văn học ở miền Nam thời ấy. Vào năm 1968, khi xuất hiện Tiếu Ngạo Giang Hồ trên tờ Minh Báo thì có đến 44 nhật báo ở Sàigòn đều tranh nhau dịch và đăng lại. Tình trạng mê Kim Dung đến như thế, và kéo dài cho đến 1972-1974 khi bộ Lộc Đỉnh Ký ra đời. Và đây là lời Vũ Đức Sao Biển, tốt nghiệp Đại học Văn Khoa, Sàigòn, ban Hán Văn: "Tôi học cách làm người, cách đối xử nhân thế, đắc thủ được những kiến thức hoàn toàn không có trong giáo trình đại học từ các tác phẩm của một nhà văn nước ngoài chưa hề biết mặt."
Với lượng tác phẩm đồ sộ như thế, với số người đọc đông như thế, không thể không tìm hiểu văn học miền Nam nhất là văn học dịch mà bỏ qua tác giả Kim Dung. Người ta có thể bàn về bất cứ vấn đề nào của con người, của xã hội. Có thể từ tình yêu, bạo lực, đạo đức, tâm lý hay sự đánh tụt giá của chủ nghĩa bạo lực trong truyện Kim Dung. Từ vấn đề nghệ thuật, cách xây dựng nhân vật tiểu thuyết, chất thơ, chất hài... đến chứng cứ kiếm pháp, Võ và Hiệp, cho đến những vấn đề có thể trở thành tranh luận văn học như hư cấu nhân vật, hư cấu lịch sử. Kim Dung đã hư cấu lịch sử Trung Hoa cách đấy ba thế kỷ mà vẫn hay với cấu trúc tiểu thuyết liên hoàn. Vương Sóc, nhà văn-nhà phê bình Trung Hoa (mà nghĩ đến ông tôi bắt nghĩ đến Trần Trọng Đăng Đàn của Việt Nam), đã gọi tiểu thuyết Kim Dung là một trong "tứ đại tục" bởi đã hư cấu méo mó hình tượng người Trung Hoa. Từ đó đã gây thành những tranh luận lớn khắp Hoa Lục. Lại còn vấn đề tôn giáo, giáo phái trong tiểu thuyết. Luận về anh hùng và những nhân vật biểu tượng như Kiều Phong, một đại trí, đại dũng lại rất giầu tình cảm và lòng nhân ái vời vợi? Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, tài trí hơn người, hành xử quang minh lỗi lạc, tốt bụng hơn người? Dương Quá, Địch Vân, Hồ Phỉ... Rồi còn nhân vật nữ, những mỹ nhân như Hân Tố Tố, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Minh, Tiểu Siêu, Song Nhi, v.v.. mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một thông điệp. Không có những nhân vật nữ đó, tiểu thuyết Kim Dung còn gì?

Vấn đề tâm đắc đối với tôi: Vấn đề chính hay tà, vấn đề thị phi trong cuộc đời, giữa Hiệp nghĩa và xã hội đen, giữa danh môn chính phái và ma giáo. Ai chính, ai tà. Tà chính khác nhau chỗ nào? Đọc Kim Dung sẽ thấy sự phân biệt Chính và Tà là vô thực. Trong Kim Dung, có một cố gắng đánh tụt giá những người tự nhận là Chính Nghĩa, và qua họ, những giá trị mà họ tượng trưng. Sự sa đọa xuống tới sự bất nhân, sự dâm loạn, sự ngu xuẩn của những đệ tử phái Toàn Chân thì còn ai tin gì ở Chính Nghĩa?
Chuyện đã hay, cơ man nào nhân vật, cơ man nào tình tiết chòng chéo lôi kéo người đọc. Kim Dung phải là người kiến thức rộng, đọc nhiều, dùng Quan Thoại, một thứ ngôn ngữ trong sáng, lại kế thừa truyền thống của những nhà văn như Lâm Ngữ Đường, Tào Ngu, Lỗ Tấn… đã biến những chuyện võ hiệp tầm thường thành những tác phẩm để đời. Đã vậy, có những dịch giả như Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ tài tình làm say mê độc giả VN.
Hễ hay thì người đọc, dở thì bị người bỏ quên.

- Về các tác giả, các nhà văn bị xoá sổ cho thấy tính cách tổng quát hoá và khái quát hoá đồng loạt. Tỉ dụ thơ của Vũ Hoàng Chương như Hoa Đăng, Thơ say, Tâm sự Kẻ sang Tần thì tại sao cấm. Gìn Vàng giữ Ngọc và Giòng sông Định mệnh của Doãn Quốc Sĩ thì chỗ nào là phản động, chỗ nào là đồi trụy. Duyên Anh với Hoa Thiên Lý, Sa Mạc tuổi trẻ, Ngựa chứng trong sân trường, Dấu chân sỏi đá thì chẳng những không đồi trụy mà còn có tác dụng giáo dục nữa. Thơ Nguyên Sa, Gõ đầu trẻ, Một bông hồng cho văn nghệ thì hoặc là có tác dụng giáo dục, hoặc đặt ra những vấn đề tranh luận trong văn học. Hầu hết người ta không biết hoặc quên rằng Nguyên Sa còn có tập thơ *Những năm 1960*, trong đó là thứ thơ dấn thân, nhập cuộc. Thảo trường với Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp thì có giá trị tố cáo sự tàn bạo của chiến tranh. Bùi Giáng với Mưa nguồn, Đi vào cõi thơ là những chất ngọc nào phải thứ đồi trụy rẻ tiền.
Có vẻ nhà cầm quyền lúc đó muốn truy chụp tác giả hơn là tác phẩm. Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, Duyên Anh, Đinh Hùng, Hoàng Hải Thủy, Nguyên Sa, Chu Tử, Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca, Võ Phiến, Văn Quang, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn, Tạ Tỵ có viết gì cũng vẫn bị coi là thứ biệt kích văn nghệ.

Xin lấy trường hợp Vũ Hoàng Chương làm điển hình. Ai đã gặp Vũ Hoàng Chương rồi thì đều thấy đó là một thi sĩ gầy ốm tong teo, nói năng nhỏ nhẹ, lúc nào cũng ăn mặc rất chải chuốt, tươm tất, đầu chải mượt với cà rà vạt. Tác phẩm thì tóm gọn trong hai chữ mà thôi : Thơ Tình. Cả đời chỉ biết làm thơ. Và chỉ biết có thơ. Nhưng dù chỉ làm thơ cũng bị coi là người bội phản. Ông đã đi tù như một số nhà văn khác như trường hợp Hồ Hữu Tường. Khi ra khỏi tù được vài ngày thì ông chết.

Mai Thảo dù chỉ viết truyện thuần túy văn chương như Người thầy cũ, Mười đêm ngà ngọc, Căn nhà vùng nước mặn hay Bày thỏ ngày sinh nhật cũng vẫn bị coi là tên Biệt kích văn nghệ hàng đầu của miền Nam. Thanh Tâm Tuyền dù siêu thực hay lãng đãng bí hiểm như Tôi không còn cô độc, Bếp lửa, Cát lầy cũng là kẻ cấy mầm độc tư tưởng ngoại lai thoái hoá. Hủy diệt các niềm tin thì đã có Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện. Duyên Anh có viết Dấu chân sỏi đá, Hoa thiên lý, Thằng Khoa, Gấu rừng, Giặc ô Kê cho trẻ con cũng vẫn là tên đầu sỏ văn nghệ nguy hiểm.

Người ta nhắm đánh vào người, nhắm thái độ lập trường chính trị để đánh giá tác phẩm của tác giả. Vì nhắm tác giả nên có nhiều nhà văn tự nhiên được sót tên một cách cố ý. Đó là những nhà văn một mặt nào đó có thể không chịu xếp hàng trong xã hội miền Nam cho dù thực sự họ cũng xếp hàng như mọi người. Có nghĩa là xét về mặt tác phẩm thì những nhà văn này cũng chẳng khác gì các nhà văn vừa kể ở trên. Có gì phân biệt được về phong cách viết giữa Bình Nguyên Lộc với Lê Xuyên hay với Võ Phiến. Nhưng Bình Nguyên Lộc được tha. Giữa Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung mà đôi khi ta tưởng hai người có cùng một lập trường, cùng một quan điểm và cùng một đường lối. Nhưng sách vở thì lại bị phân biệt đối xử khác nhau.

Trong số những người sót tên trong sổ đen phải kể đến Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Thích Nhất Hạnh.
Sự đánh phá và truy chụp đó nói cho cùng là một sự muốn xoá trắng Văn học miền Nam.

Đó là cái tội đối với lịch sử văn học nói chung, chứ không phải chỉ có tội đối với miền Nam nói riêng. Xin trích dẫn vài tư liệu làm bằng cớ trong sách Văn Học VN dưới chế độ Cộng Sản của Nguyễn Hưng Quốc, trang 200 Theo Phan Cư Đệ và Hà Minh Đức, trong Nhà Văn VN, từ 1954-1975 có 286 bài viết nhằm vu khống, xuyên tạc văn học miền Nam. Chỉ thị của Lê Duẩn sau giải phóng, kỳ họp Quốc Hội khoá 5 : Sau ngày giải phóng nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hoá ấy. Công việc này cần được tiếp tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để.

Về những bài viết, xin kể vài bài : Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hoá mới. Nọc độc văn hoá nô dịch. Những tên biệt kích cầm bút. Lại bàn về nọc độc văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954-75.
Tên những người viết đó là : Trần Trọng Đăng Đàn, Lê Đình Ky, Trần Văn Giàu, Nguyễn Huy Khánh, Thạch Phương, Phan Đắc Lập, Bùi Công Hùng và cả Lữ Phương.

Miền Nam có thể thua cuộc. Nhưng cái văn học đó không có lý do gì bị xoá trắng oan uổng như thế. Bởi vì trong 20 năm sinh hoạt văn học đó, nó xác định cho thấy chỗ đứng của nó với sắc thái và cá tính của một nền Văn học đích thực. Một nền văn học mà sản phẩm của nó là kết quả của tự do suy nghĩ, tự do sáng tác. Đấy là cái ưu vượt của sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam mà trong suốt mấy chục năm chia cắt và cả sau mấy chục năm thống nhất đất nước rồi, người ta vẫn chưa thực hiện nổi một điều đơn giản đó.

Đặc biệt các giáo sư Triết, dù bị phê phán vì rao truyền chủ nghĩa Hiện Sinh, nhưng sách vở của họ lại không bị cấm lưu hành toàn bộ như Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Trần Văn Toàn, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung và các lớp giáo sư trẻ như Đặng Phùng Quân, Nguyễn Trọng Văn. Trừ một trường hợp đặc biệt, dù là giáo sư triết, nhưng viết văn nên cấm lưu hành toàn bộ như sách của Huỳnh Phan Anh và Nguyễn Xuân Hoàng.

Phần tôi nghĩ rằng, thời kỳ sau 1975, đó là thời kỳ Văn Học bất hạnh cho toàn miền Nam
(còn tiếp )

Nguyễn văn Lục
@internet

Sunday, October 26, 2014

Xuân Lôi

Cuộc Đời Nhạc Sĩ Xuân Lôi 

Video : Nhạt nắng



Nhạc-sĩ Xuân-Lôi sinh ngày 17 tháng 10, 1917 tại Hà-Nội. Thân-phụ ông là cụ Phạm-Xuân-Trang, cũng là nhạc-sĩ, từng theo học nhạc cổ Trung-quốc với các ban-nhạc Tàu và cũng có lập ban-nhạc đi trình-diễn. Trong nhà có tất cả là 6 anh em: Xuân-Thư, Xuân-Oai, Xuân-Lôi, Xuân-Tiên, Xuân-Khuê và Xuân-Tuấn. Khi còn nhỏ, Xuân-Lôi đã nắm vững kỹ-thuật nhạc-khí Tàu và thông-thuộc bài bản Tàu.


Buổi trình-diễn đầu-tiên trước công-chúng của nhạc-sĩ Xuân-Lôi tại Khai-Trí Tiến-Đức rất thành-công.


Năm 10 tuổi ông học nhạc-lý, học nhạc-khí tây-phương như: Măng-cầm (Mandoline), kèn saxo baryton, rồi kèn saxo alto, hắc tiêu (Clarinette).

Năm 1936, ông theo cha sang Cao-Miên, trình-diễn và lợi dụng cơ-hội này ghi chép 30 bài ca Cao-Miên và học cách đàn nhạc khí Cao-Miên của dàn nhạc Pinpeat (khong vong, roneat, tro, pey or v.v...).

Năm 1940, người cha của ông định-cư tại Bao-Vinh (miền Trung) nên ông có dịp làm quen với nhạc Huế. Sau đó ông cùng người em là nhạc-sĩ Xuân-Tiên ra Hà-Nội cộng-tác với các vũ-trường để sinh sống.

Năm 1942, ông và người em, nhạc-sĩ Xuân-Tiên, đi theo đoàn cải-lương Tố-Như vô Sài-gòn nhân-dịp hội chợ trình-diễn và lưu-diễn khắp lục-tỉnh miền Nam. Nhờ vậy nhạc-sĩ Xuân-Lôi học hỏi thêm nhạc cải-lương và các điệu hồ-quảng.

Năm 1943, đoàn cải-lương Tố-Như trở ra Bắc. Ông rời gánh và năm 1944, hai anh em ông đàn cho các vũ-trường Lucky-Star, Moulin Rouge tại ngã tư Sở, rồi tại vũ-trường Victory, hotel Spendide, Taverne Royale ở Hà-Nội. Trong thời-gian này, ông học thêm vĩ-cầm (Violon), hâ-ut-cầm (Guitare Hawaienne), trống, đàn banjo alto v.v...

Trong thời-gian tản-cư (khoảng 1946), Xuân-Lôi và Xuân-Tiên lập ban-nhạc Lôi-Tiên đi diễn lưu-động và đàn cho gánh cải-lương Bích-Hợp.

Từ năm 1949 tới 1950, hai anh em lên tận vùng Thái-Nguyên nhập vào ban văn-hóa-vụ với trưởng ban là Hoài-Thanh. Ông có dịp gặp-gỡ các văn-nghệ-sĩ nổi tiếng như: Phan-Khôi, Tố-Hữu, Thế-Lữ, Văn-Cao,Canh-Thân, Lê-Hoàng-Long, Quốc-Vũ, Nguyễn-Tuân.

Trong thời gian ở Thái-Nguyên, ông đã ký-âm mấy chục ca-khúc dân-tộc Chèo thiểu-số. Ông đã cùng Xuân-Tiên nghiên-cứu cách làm ống sáo 10 lỗ và 13 lỗ, có đủ các bán cung để có thể thổi các bản nhạc Tây-phương. Ông chế các ống sáo từ do, re, mi, fa, sol, la, si. Ông còn chế-biến với ống nứa để làm nhạc-khí khác như bộ trống nứa .

Năm 1951 hai anh em đi Nam-Định làm việc ở dancing Văn-Hoa. Ít lâu sau với một thành-phần 12 nhạs-sĩ, ông cùng họ làm việc tại nhà-hàng Le Coq d'Or.

Năm 1953, ông vào Sài-gòn làm việc tại vũ-trường Kim-Sơn, Bồng-Lai, Lê-Lai, Mỹ-Phụng, Văn-Cảnh. Rồi làm đài phàt-thanh Pháp-Á, đài Sài-gòn, đài Tiếng nói Tự-Do, đài tiếng nói Quân-Đội, lập ban nhạc lấy tên Hương-Xa, chuyên đàn nhạc jazz lời Việt.

Năm 1958, nhạc-sĩ Xuân-Lôi đoạt giải nhất với bản Tiếng hát quê-hương do ông bộ trưởng Trần-chánh-Thành trao tặng. Năm 1961, ông lại đoạt giải nhất qua bài Bài hát của người Tự-Do trong cuộc thi sáng-tác của đài Tiếng nói Quân-Đội.

Khi có đài truyền-hình, ông có cộng-tác, chánh với ban Tiếng Tơ-Đồng và ban Tuổi-Xanh. Cho đến trước khi mất Sài-gòn, ông điều-khiển ban nhạc tại nhà-hàng Maxim's do Hoàng-thi-Thơ tổ-chức văn-nghệ theo kiểu quốc-tế.

Trong thời gian sau tháng 4 năm 1975 sống với cộng-sản, nhạc-sĩ Xuân-Lôi có sáng-chế ra một cây đàn làm bằng lon sắt có 39 lon tức 39 nốt nhạc. Đàn được đặt tên là Xuanloiphone và thực-hiện xong ngày 20 tháng 7, 1976.

Nhạc sĩ Thanh-Tùng chụp hình làm tài-liệu và nhạc-sĩ Nguyễn-xuân-Khoát viết bài trên báo Tin-Sáng ngày 17 tháng 10,1979 về nhạc-khí này. Ông có sáng-chế một nhạc-cụ khác bằng nứa 29 nốt gọi là Mélobasse. Đàn Mélobasse chưa thực hiện xong vì thiếu phương-tiện.

Ngày 2 tháng 11, 1987, nhạc-sĩ Xuân-Lôi cùng gia-đình sang định-cư tại Pháp.

Nhạc sĩ Xuân-Lôi còn lại 27 ca-khúc, trong khi nhạc sĩ Xuân-Tiên còn lại 32 bài hát, trong số đó có bài Tình Bắc Dâm-giai ngũ cung để sáng tác nhạc.

Tôi có dịp gặp nhạc-sĩ Xuân-Lôi và mời anh vào thăm viện bảo-tàng Musée de l'Homme. Anh có tặng cho viện bảo-tàng hai cây sáo để tàng trữ. Tôi có giới-thiệu anh vào một quyển loại Who's Who mang tên là The International Directory of Distinguished Leadership dể ghi giữ tiểu-sử của anh. Trong thời gian ở Pháp, anh có làm lại cây đàn Xuanloiphone hoàn tất vào ngày 31 tháng 12, 1991. Anh có biểu-diễn cho tôi nghe, có chụp hình lưu-niệm.

Thỉnh-thoảng anh góp mặt vào những buổi sinh-hoạt cộng-đồng Việt tại Paris.

Nhạc-sĩ Xuân-Lôi đã qua đời lúc 08g45 sáng ngày 29.08.2006 tại Bệnh-Viện Avicenne, Cộng-Hòa Pháp-Quốc! Hưởng thọ 90 tuổi.

Trần Quang Hải

Saturday, October 25, 2014

Nguyễn Quang Duy

Viễn Tưởng Về
Chính Thể Cộng Hòa Cho Việt Nam

Các bạn trẻ quan tâm đến tình trạng đất nước thường phân vân giữa chính thể cộng hòa và thể chế dân chủ. Có bạn còn chưa rõ các quốc gia Đông Âu và Liên Xô đều đã theo chính thể cộng hòa và tương tự Việt Nam sẽ thế.

Cộng hòa - Cộng sản

Cộng hòa nghĩa là mọi công dân đều bình đẳng về chính trị. Có như vậy quyền lực chính trị mới thực sự thuộc về tòan dân. Công dân có quyền và có bổn phận bầu ra người đại diện quốc gia.

Nhờ bình đẳng về chính trị, nền cộng hòa khuyến khích sự phát triển của đa nguyên, đa đảng tạo nền tảng xây dựng xã hội dân chủ.

Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1946-76) và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (1976-) là quốc gia theo thể chế cộng sản. Đảng trên cả Tổ Quốc. Ngay trong đảng Cộng sản các đảng viên đã bị đối xử bất bình đẳng về chính trị.

Ngòai xã hội người dân đã mất hẳn quyền tự do chính trị. Hiến Pháp chỉ là hình thức. Phương thức “Đảng cử dân bầu” cũng là dân chủ hình thức nên không thể xem là nước cộng hòa.

Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia Cộng Hòa trong thời chiến và đã trải hai qua hai nền Cộng Hòa - Tổng Thống chế.

Đệ Nhất Cộng hòa (1956-63) do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo qua 2 nhiệm kỳ và đã chấm dứt sau cuộc đảo chánh 1-11-1963.

Đệ Nhị Cộng hòa (1967-75) trải qua 3 đời Tổng thống.

1. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đắc cử 2 nhiệm kỳ và ông Thiệu đã từ chức ngày 21-4-1975.

2. Tổng thống Trần Văn Hương chỉ được 7 ngày (21-4 đến 28-4-1975).

3. Tổng thống Dương Văn Minh chỉ được 3 ngày 30-4-1975 thì đầu hàng quân đội Bắc Việt, chấm dứt nền Đệ Nhị Cộng Hòa.

Hai nền Đệ Nhất Cộng Hòa (1956-63) và Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-75) đã đi vào lịch sử. Mỗi nền Cộng Hòa có nhiều điểm khác nhau, việc đánh giá và viết lại trang sử là việc làm của những nhà viết sử.

Trong giới hạn bài viết chỉ xin đưa ra một số ưu điểm chung của cả hai nền Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam.

Giá Trị Của Nền Cộng Hòa tại Miền Nam

Việt Nam Cộng Hòa là một nước cộng hòa non trẻ trong thời chiến nhưng đã xây dựng dựa trên một nền tảng dân chủ: (1) công dân bầu Quốc Hội Lập Hiến (2) Quốc Hội Lập Hiến sọan Hiến Pháp (3) công dân bầu Quốc Hội Lập Pháp và bầu Tổng Thống.

Quốc Hội Lập Hiến và Lập Pháp đều có sự tham gia của đa đảng chính trị. Các đảng chính trị đóng một vai trò vô cùng quan trong trong việc xây dựng nền dân chủ và pháp trị tại miền Nam. Cả Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đều đã có đối lập chính trị họat động trong nghị trường.

So với các quốc gia trong vùng Đông Nam Châu Á cùng thời, Hiến pháp 1967 chỉ rõ sự tiến bộ vượt bực của Việt Nam. Hiến pháp vừa ngắn gọn, rõ ràng, vừa nêu rõ chính phủ phải bảo đảm những quyền tự do căn bản, kể cả quyền đối lập chính trị. Hệ thống tam quyền phân lập cũng đã được đưa vào Hiến Pháp 1967.

Cũng so sánh với các quốc gia trong vùng, Việt Nam Cộng Hòa có một số đặc điểm nổi bật:

1. Các quyền tự do căn bản đã được chính phủ bảo đảm, đặt biệt là quyền tư hữu;

2. Xây dựng được một nền dân chủ tam quyền phân lập;

3. xây dựng thành công một nền giáo dục, lấy dân tộc, nhân bản và khai phóng làm căn bản

4. theo kinh tế thị trường tự do;

5. nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề dân sinh như y tế hay thực hiện luật Người Cày Có Ruộng.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy các yếu tố trên là căn bản trong việc phát triển quốc gia. Nghĩa là nếu miền Nam không rơi vào tay cộng sản thì Việt Nam Cộng Hòa sẽ không thể kém xa các quốc gia Đông Nam Châu Á như hiện nay. Nếu không nói là sẽ vượt trội hơn người.

Sau 40 năm, đảng Cộng sản đã hủy họai tất cả những gía trị nền cộng hoà đạt được. Tuy nhiên giá trị tinh thần vẫn còn đó và sẽ đựơc phục hồi.

Tinh Thần Cộng Hòa vẫn tồn tại

Mặc dù Việt Nam Cộng Hòa không còn tồn tại nhưng sinh họat và tinh thần cộng hòa đã ăn sâu vào cách suy nghĩ của người miền Nam.

Tinh thần này đã được truyền cho thế hệ tiếp nối và lan tỏa khắp nơi. Trong nước tại miền Nam các thế hệ đi trước đã kể cho con em họ về lịch sử của họ và của Việt Nam Cộng Hòa.

Ở hải ngọai tinh thần được những người tị nạn mang theo và gìn giữ. Biểu hiện rõ ràng nhất là các sinh họat cộng đồng tại Hoa Kỳ, Tây Âu và Úc châu vẫn tiếp tục sử dụng Quốc Kỳ, Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa và luôn gắn bó với cuộc đấu tranh giành lại tự do tại Việt Nam.

Ngày nay nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại tinh thần cộng hòa đang từng bước hồi phục tại Việt Nam.

Nhiều người sống ở miền Bắc hay trước đây theo cộng sản dần dần cũng nhận ra những ưu điểm mà thể chế cộng hòa mang lại cho dân, cho nước.

Việc công nhận Việt Nam Cộng Hòa cũng được ghi nhận trên những cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam.

Ngày nay, ở hải ngọai có hằng triệu người thuộc thế hệ tiếp nối Việt Nam Cộng Hòa. Nhờ học hỏi, sống và làm việc tại các cường quốc trên thế giới họ đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm sẽ là nền tảng xây dựng lại Việt Nam. Một yếu tố mà Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa không hề có.

Một khi Việt Nam có tự do, những công dân gốc Việt cũng sẽ dùng lá phiếu, sẽ nỗ lực vận động các cường quốc giúp đỡ xây dựng lại Việt Nam.

Viễn Tưởng Về Nền Đệ Tam Cộng Hòa.

Tình hình thế giới đang biến chuyển không ngừng, càng ngày càng nhiều quốc gia trở thành các quốc gia Cộng Hòa. Úc trong 10 năm tới có lẽ cũng sẽ trở thành một quốc gia cộng hòa.

Tình hình Việt Nam cũng thế: (1) bên trên Bộ Chính trị càng ngày càng phân hóa, (2) bên trong đảng Cộng sản diễn biến hòa bình càng ngày càng khốc liệt, (3) bên ngòai xã hội thì đòi hỏi thay đổi chính trị mỗi ngày một tăng thêm.

Các tổ chức tôn giáo, tổ chức đấu tranh chính trị, tổ chức xã hội dân sự đã và đang liên kết tìm một hướng đi mới cho Việt Nam.

Khi chế độ sụp đổ, các quốc gia Đông Âu và Liên Xô đều đã theo chính thể cộng hòa và tương tự Việt Nam sẽ thế.

Muốn có một nền tảng vững chắc cho tương lai, cần hướng đến một Quốc hội Lập hiến sọan một hiến pháp mới cho Việt Nam. Tên nước, cờ, thủ đô, mô hình thể chế dân chủ sẽ được tòan dân quyết định.

Cho đến nay lá cờ vàng vẫn là biểu tượng của những người theo khuynh hướng cộng hòa. Vì thế họ luôn tìm mọi cách vinh danh và hợp thức hóa lá cờ.

Quan điểm cho rằng phải bỏ màu cờ để có thể bàn chuyện dân chủ là một quan niệm thiếu dân chủ. Trước đây ở miền Nam và sau này ở Hải Ngọai cũng đã từng tranh luận công khai về việc thay đổi màu cờ.

Quan điểm dân chủ sẵn sàng chấp nhận phương cách đấu tranh dân chủ qua một cuộc trưng cầu dân ý để có một màu cờ chung cho tòan dân tộc.

Kết Luận

Việt Nam đã từ bỏ chế độ Quân Chủ, đang từ bỏ chế độ độc tài cộng sản, chính chế cộng hòa sẽ là thể chế tương lai Việt Nam. Các quyền tự do cơ bản và giá trị cộng hòa sẽ được phục hồi.

Nền Đệ Tam Cộng Hòa sẽ tiếp tục sứ mệnh xây dựng, giữ gìn đất nước và đưa đất nước đi lên hội nhập vào thế giới văn minh.

Các bạn trẻ dấn thân đấu tranh cho dân chủ khi nắm được điều đơn giản bên trên sẽ định được hướng đấu tranh một cách rõ ràng hơn.

Xây dựng lại đất nước là một việc rất khó, cần biết rõ phải làm gì để có thể làm nhanh hơn với kết quả tốt hơn.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
17-10-2014
@Facebook/nqd

Friday, October 24, 2014

@tuankhanhblog

       Những câu chuyện về đàn bà

IMG_1189.JPG

     Người đàn bà ngồi tựa vào tường trên lối mòn của một con hẻm. Mệt mỏi và thiếp đi cạnh quang gánh của mình. Hai đầu gánh là đủ thứ quà vặt như bánh tráng, kẹo, đến chanh, ớt… rồi có cả đồ chơi trẻ con chằng cột. Chị như muốn kéo cả thế giới chung quanh đi theo mình trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn không có ngày tháng cuối.

Hình ảnh đó đẹp đến mức tôi dừng lại, muốn chụp tấm ảnh làm kỷ niệm thì chị choàng tỉnh. Chị sợ hãi hỏi tôi chụp ảnh để làm gì. Có lẽ những cuộc rượt đuổi hàng rong trên hè phố là cơn ác mộng triền miên khiến chị không bao giờ có được chút thanh thản. Trò chuyện ít lâu, mới biết chị đi từ Quảng Ngãi vào bán hàng rong để gửi tiền về giúp cho gia đình. Tháng nhiều thì được 700-800 ngàn. Tháng ít thì 300-400 ngàn.

Người phụ nữ ấy chỉ là một trong hàng trăm ngàn con người đang lưu lạc mưu sinh trên đất nước này. Ẩn trong nụ cười hay lời rao hàng đơn giản đó, là những câu chuyện đời trôi dạt theo miếng ăn, trắc trở hơn những câu chuyện dài truyền hình giả tạo, nhưng buồn thay, chẳng có mấy người xem.

Khi chị ngồi giở mẩu giấy ghi lại tiền nong đã buôn bán trong ngày. Những ngón tay lần mò trên con số ngắn và nhỏ hơn biết bao lần những biên lai tính tiền thường nhật trong thành phố. Những ngón tay của chị nhiều ngày tháng không có được hơi ấm của chồng. Bao nhiêu người phụ nữ trên đất nước này đã bước lên chuyến xe đời khốn khó và không biết ngày nào có lại được hơi ấm từ người đàn ông của mình? Một trong những người phụ nữ như vậy mà tôi gặp nói rằng bà đã rời khỏi nhà gần 15 năm, sống một mình, làm lụng gửi tiền về quê nhưng chưa bao giờ có ý định chọn một tấm chồng khác.

Khi tôi xin được chụp hình chung với gánh hàng rong của người phụ nữ từ Quảng Ngãi, chị hốt hoảng nói không được. Hỏi mãi, thì chị mới nói thật là sợ chụp hình chung, nếu lỡ chồng đang đi làm ở quê thấy được, tưởng chị “mèo mỡ” sẽ buồn giận, tội nghiệp lắm.

Tôi cứ ước mình viết được một bài hát về người phụ nữ này, hay những người phụ nữ tương tự như vậy. Những nốt nhạc không bật ra được, cứ nghẹn lại trong hốc sâu nào đó. Những người đàn bà được mô tả đẹp như cổ tích trong văn chương, hội hoạ… thường thấy, chưa bao giờ có đủ hình ảnh quê mùa và ngọt ngào đến vậy. Không cần cầm súng hay bước ra bục tuyên hô, những người đàn bà vô danh này chống chọi cho một linh hồn đất Việt mong manh, giữa thời phụ nữ đang phải là một cái gì đó rất khác lạ.Nhưng tôi vẫn còn nợ một bài hát khác, về những người phụ nữ Việt vô danh khác.

Trên một chuyến đi, may mắn được ngồi cùng vài cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan về thăm quê, tôi bèn xin hỏi chuyện đời sống của họ. Nói về chuyện báo chí Việt Nam vẫn mô tả cuộc sống đi lấy chồng Đài Loan như địa ngục hay nô lệ, các cô nhìn nhau, rồi nhìn tôi cười.
“Cũng có những người không may, nhưng không phải ai cũng vậy, anh à”, một cô gái đồng hương Cần Thơ giải thích. Những cô gái rất trẻ nói về cuộc sống mới của mình. Họ nói rằng đã chọn hài lòng với cô đơn, hài lòng với những khó khăn mà họ phải trải qua, ít nhất để cho mình, cho cha mẹ mình thoát nghèo khó. Ở miền Tây, có rất nhiều nơi được đặt tên là làng Đài Loan, làng Hàn Quốc… chỉ vì những đứa con gái lấy chồng xa xứ tằn tiện chi tiêu chỉ để dựng lại nhà cho gia đình mình.

Khi được hỏi về nạn bạo hành gia đình của các cô lấy chồng ngoại quốc. Một người lại nhìn tôi cười, hỏi rằng “bộ anh không không biết là lấy chồng dưới quê xứ mình cũng bị đánh tới chết cũng không ai cứu à?”.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này mở ra cho tôi một góc nhìn khác về những người phụ nữ Việt tìm duyên tha hương. Chắc chắn họ không hoàn toàn những kẻ điên cuồng hay mất nhân cách như báo chí vẫn gièm xiểm. Thật buồn khi có một thời đại mà những người phụ nữ Việt phải chọn cuộc sống khác hơn ở quê hương mình. Rất nhiều người đã phỉ báng họ. Nhưng giữa chọn lựa rất thực tế, có thể tự xoay sở cho đời mình, họ đủ thành thật để không màng một tiếng thơm hảo. Nỗi buồn xin gửi lại cho quốc gia và thời cuộc, họ chỉ là nạn nhân.

Có thể rồi những người phụ nữ này bình an, nhưng họ khó mà có được hạnh phúc. Điều mà mọi tôn giáo dạy con người đi tìm, cả thế gian mơ đến thì họ chấp nhận lìa bỏ trong kiếp sống tạm, để có thể làm được gì đó cho gia đình, hoặc không là gánh nặng ở quê nhà. Cũng như người đàn bà mưu sinh đến từ Quảng Ngãi, bao giờ thì những người phụ nữ lấy chồng xa này sẽ có, hay cảm nhận được hơi ấm của hạnh phúc đời mình?

Trong những ngày xưng tụng phụ nữ được ghi vào lịch, hình bóng “xấu xí” của những người phụ nữ này chắc không thể có trong diễn văn hay những bông hoa đẹp, dù là phô diễn. Cũng không có những bài ca nào chia sẻ, hát về họ giữa một hiện trạng đất nước thiếu những trái tim biết yêu thật thà. Những bài ca chỉ vang lên lời xảo biện.

Một đất nước thật đáng buồn, nếu chỉ còn biết có hot girl hay xưng tụng một giai cấp khoe khoang mua sắm tiền tỉ, thèm khát những vẻ đẹp bề ngoài. Khi trò vui che lấp các số phận, đến một ngày nào đó, tất cả chỉ là mồi thiêu như các loại hàng mã trong niên đại cô hồn. Thật ghê sợ những đêm hoa đăng tranh đua vùi chôn sự thật mà lẽ ra chúng ta cần phải đối diện.

Tôi ước mình viết được bài ca để hát về câu chuyện của những người đàn bà vô danh ấy, một ngày nào đó. Những số phận ấy tầm thường mà khác thường. Nhưng những nốt nhạc hiện thực vẫn chưa thể vang lên, vì vừa chớm thì đã chết lặng trong những cuộc vui hoa đăng bất tận trên đất nước này. Những tượng đài tốn kém mọc lên, những bông hoa đủ màu ngập ngụa đất nước, rực rỡ như phấn son, che lấp giọt mồ hôi hay nước mắt con người.


Tuấn Khanh
@tuankhanhblog

Thursday, October 23, 2014

Trần Trung Đạo

Ánh sáng Điếu Cày

  Khi trục xuất anh Điếu Cày ra khỏi Việt Nam, lãnh đạo CS nghĩ họ trục xuất anh sang Mỹ. Với lãnh đạo CS đó là một chọn lựa khôn ngoan. Bởi vì, theo họ, tên anh gắn liền với các phong trào chống chủ nghĩa Đại Hán Bá Quyền Trung Cộng; phong trào do anh lãnh đạo chẳng những không bị dập tắt dần theo năm tháng tù đày của riêng anh nhưng đã mỗi ngày một phát triển rộng; để anh ở lại là một mối lo canh cánh bên lòng.

Thật ra, đảng nghĩ vậy là lầm.

Từ lâu Việt Nam đã hình thành hai khối, Việt Nam CS và Việt Nam Tự Do. Đảng không đẩy anh qua Mỹ mà đã đẩy anh về phía Việt Nam Tự Do đang có mặt ở khắp bốn phương trời kể cả tại Việt Nam. Thả một con chim như Điếu Cày bay vào bầu trời tự do, con chim đó sẽ không biền biệt cuối chân mây nhưng một ngày sẽ bay về ngậm theo những hạt lúa mới. Hạt lúa dân chủ, khai phóng, nhân bản và tình người.

Khác với nhiều người tranh đấu trước anh, có thể ra đi vì chính kiến, ra đi vì quan điểm, ra đi vì gia đình, Điếu Cày ra đi vì trái tim khát vọng nồng cháy. Chính kiến có thể thay đổi, quan điểm có thể thỏa hiệp nhưng khát vọng độc lập, tự do dân tộc phát xuất từ trái tim của một con người chỉ có chết mới thôi.

Khát vọng độc lập, tự do dân tộc như đã chứng minh trong suốt dòng lịch sử Việt Nam, là ngọn lửa không bao giờ tắt. Hơn một ngàn năm trong bóng đêm nô lệ nhà Hán, nhà Ngô, nhà Đường với bao nhiêu cực hình đày đọa, sáng xuống bể tìm ngọc châu, chiều lên non săn ngà voi, trầm hương, châu báu, nhưng dân tộc Việt vẫn bảo vệ được tính độc lập, vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt trong sáng và thuần nhất. Đất nước chúng ta đã hơn một lần bị mất đi và giành lại được, Thăng Long đã từng bị đốt cháy nhưng chúng ta hãnh diện nói lớn rằng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ bị mất gốc.

Hiếm có trên một đất nước nào, ở đó, tên của một con sông, một ngọn núi, một thôn làng, cũng có thể làm cho người dân khi nhắc đến phải rơi nước mắt. Những Phong Hóa, Nam Quan, Mê Linh, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Thiên Trường, Diên Hồng, Chi Lăng, Lam Sơn, Đống Đa, v.v... không phải chỉ là những địa danh, mà hơn thế nữa, còn là là nơi giữ gìn anh linh hùng khí của dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao, mũi tên bằng đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở Sông Bạch Đằng, dọc Ải Nam Quan không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của bao nhiêu trận mạc, bao nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương và nước mắt của tổ tiên đổ xuống trước tham vọng của các triều đại Bắc phương xâm lấn.

Trong lúc sự kính trọng dành cho hàng trăm nhà dân chủ đang bị tù dày bao giờ cũng sâu đậm, tình cảm của đồng bào trong và ngoài nước dành cho anh Điếu Cày, đặc biệt trong thời gian anh tuyệt thực đã vượt lên trên. Tình cảm đồng bào dành cho anh giống như tình cảm của anh dành cho đất nước: thiêng liêng, thân thương và trong sáng.

Anh Điếu Cày không phải là nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà cách mạng, nhà lý thuyết, nhà hùng biện, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Không phải là nhà nào cả. Anh chỉ là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cái tên một lần nghe rất lạ nay đã trở thành quen thuộc và gần gũi, đặc biệt trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.
Anh Điếu Cày không phải là Nelson Madela của Nam Phi, Aung San Suu Ky của Miến Điện, Vaclav Havel của Tiệp. Anh là một người Việt Nam bình thường, đơn giản như hạt gạo, củ sắn, củ khoai, con mắm, ngọn rau nhưng cũng vô cùng cao quý bởi vì anh nói lên khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Nỗi đau trong lòng anh là nỗi đau của một dân tộc định cư hơn bốn ngàn năm trên bán đảo Đông Dương trải dài 3260 cây số nhưng nay chỉ còn bờ mà không còn biển. Phải dành lại biển Đông, phải giành lại những hòn đảo mang tên Việt Nam, phải giành lại những tài nguyên trong lòng biển mà cha ông đã đổ máu để giữ gìn. Anh bước đi trên con đường quê hương gai góc, con đường nhiều người khác không dám đi: con đường chống Trung Cộng xâm lăng.


Mẫu số chung hôm nay là dân tộc và dân chủ. Mẫu số chung thiêng liêng đó vượt lên trên mọi hiệp định, mọi vĩ tuyến, mọi chia cách, mọi tôn giáo, thế hệ, trong hay ngoài nước. Mẫu số chung thiêng liêng đó không chỉ giá trị đối với những người đã từng hy sinh, từng đổ máu để bảo vệ miền Nam mà còn cho cả nhiều triệu đồng bào đã bị khủng bố từng ngày, từng đêm trên đất nước.

Không giống như 70 ngàn người Nga lưu vong ở Paris sau cách mạng CS năm 1917 hay hàng trăm ngàn người Việt lưu vong ngay sau CS chiếm VNCH năm 1975, người Việt Nam tự do hôm nay không còn mang tâm trạng lưu vong nữa. Thời đại hôm nay là thời đại của những người chết đang bắt đầu sống lại và người đi đang lần lượt quay về. Anh Điếu Cày cũng vậy, trong lòng anh không có khái niệm lưu vong, anh ra đi là để quay về. Và chúng ta sẽ về.

Cuộc cách mạng tin học, cách mạng kinh tế toàn cầu, sự sụp đổ của hệ thống CS Liên Xô và chư hầu Đông Âu đã xóa bỏ nhiều cách ngăn, biên giới, thu ngắn thời gian và thu hẹp không gian. Anh Điếu Cày rời nhà tù, anh ra phi trường, anh lên máy bay, anh xuống máy bay, đối với người Việt quan tâm đến đất nước và anh, tất cả điều đó như đã diễn ra trong cùng một không gian và cùng một múi giờ dù ở chúng ta ở đâu trên mặt đất này. Bởi vì, không gian là trái tim Việt Nam và thời gian được tính bằng nhịp đập của trái tim Việt Nam.

Ngày cáo chung của chế độ CS toàn trị tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Ngay cả những lãnh đạo cao cấp nhất của đảng CS cũng biết điều đó. Những cường hào ác bá cai trị đất nước ngày nay không phải là những người làm nên lịch sử mà chỉ là những kẻ làm công việc giải thích, ăn cắp, bóp méo lịch sử cho phù hợp với tham vọng xích hóa Việt Nam của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản trước đây, và tiếp tục sống huy hoàng trên nỗi thống khổ triền miên của dân tộc Việt Nam. Họ phải bị lật đổ.

Trước ngày 25 tháng 12 năm 1991, đảng CS Liên Xô cai trị một vùng đất có diện tích 22 triệu 400 ngàn kilomet vuông, rộng hơn cả thời huy hoàng nhất của Đế Quốc Nga và một đạo quân 5.3 triệu lính, nhưng không cứu vớt được Liên Xô.
Sự sụp đổ của Liên Xô phát xuất từ nhiều lý do nhưng sâu xa nhất vẫn là từ khát vọng độc lập tự do của các dân tộc Estonia, theo chân là Lithuania, Latvia và lan dần sang các dân tộc khác như Azerbaijan, Armenia, Tajikistan và Uzbekistan. Những dân tộc bị trị chiếm hai phần ba dân số của Liên Xô và đã đấu tranh không ngừng nghỉ ngay từ ngày đầu bị cưỡng chiếm.

Câu chuyện bi hùng về phong trào du kích Anh Em Rừng (Forest Brothers) của các dân tộc vùng Baltics chống lại CS Liên Xô từ sau thế chiến thứ hai là một bằng chứng hùng hồn. August Sabbe, người Estonia, kháng chiến quân cuối cùng của Anh Em Rừng bị KGB khám phá hơn 30 năm sau, ngày 27 tháng 9 năm 1978, nhưng chúng không giết được anh. Anh đã nhảy xuống sông Vohandu tuẫn tiết mang theo khát vọng tự do thiêng liêng. Phạm Hồng Thái của Việt Nam trước đó đã hy sinh như thế. Cuối cùng, tinh thần dân tộc và khát vọng dân chủ tự do của dân tộc Estonia đã thắng KGB và vượt qua được chính sách tẩy não vô cùng thâm độc của chủ nghĩa CS.
Biển Thái Bình hôm nay là sông Bến Hải trước đây. Và thuận lợi hơn trước thời điểm năm 1975, bên kia Thái Bình Dương, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, vì quyền sống của con người đang bùng lên trên mọi ngã đường, mọi giới, mọi thế hệ. Quá khứ dù có khó khăn, hiện tại còn vất vả nhưng tương lai tươi đẹp rồi sẽ đến. Dòng sông dù còn vẩn đục nhưng nước đang trôi nên sẽ có một ngày trong. Cánh cửa đã mở. Ánh sáng đã rọi vào. Những người mang ánh sáng đang có mặt trên khắp ba miền đất nước. Họ còn ít, còn yếu nhưng họ là ánh sáng, ánh sáng Điếu Cày.

Trần Trung Đạo