Tuesday, September 15, 2020

 Tòa Hành chánh tỉnh Kiến Phong (1960)



Friday, September 11, 2020

Gửi em, cô gái Bình Long 

Nhớ theo Hổ Xám vào An Lộc
Đội pháo trên đầu như đội mưa
Múa kiếm đứng ngăn thù cửa Bắc
Mà tưởng mình là Nguyễn Huệ xưa.

Trong tiếng đạn reo mù khói trận
Bỗng gặp em, cô giáo như mơ
Em ngồi rũ tóc trong hầm tối
Đọc tiếng kinh cầu, như đọc thơ.

Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Chúa ơi, Biệt Kích là thi sĩ
Thi sĩ cầm gươm như đi chơi.

“An Lộc địa sử lưu chiến tích
Biệt Kích dù vị quốc vong thân”
Lời thơ hôm ấy sao hay quá
Nghĩa trang buồn như tiếng lá rơi.

Pha hỡi, bây chừ em đâu nhỉ ?
Cô giáo hôm xưa đã lấy chồng ?
Chúc em hạnh phúc răng long bạc
Còn anh hôm nay vào Phước Long.

Anh theo quân vào nơi hiểm địa
Hét tiếng xung phong đến vỡ trời
Bắn cháy xe tăng như uống rượu
Mà tưởng em đang rót chén mời.

Bóng địch chập chùng nơi cửa ngõ
Ba trăm quân đánh một sư đoàn
Mãnh hổ nan địch quần hồ bại
Anh thối binh về mà thấy oan.

Nửa chừng lại gặp cơn bão lửa
Toán Delta bị kích giữa đàng
Ôi lại Phước Long lưu chiến tích
Anh bị trúng đạn giữa rừng hoang.

Và chừ giờ đang ngồi bó gối
Tay xích chân xiềng trong trại giam
Máu bụng vẫn tuôn ra như suối
Anh biết mình thôi thế là tan.

Nhưng giây phút cuối anh vẫn nhớ
Màu áo hoa dù nón mũ xanh
Nhớ dáng em xưa cô giáo nhỏ
Họa bút thành thơ như tiếng oanh.

“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
Xá gì một cõi đi về đất
Biệt Kích lưu danh, Biệt Kích đời”.

Biệt Kích vô danh.

Bài thơ trên đây của một người lính Biệt Kích vô danh. Anh là một hạ sĩ trẻ của biệt-đội I. Tháng 1/75 nhảy vào Phước Long. Bị thương và bị bắt. Trong giờ phút cuối cùng của đời người, anh đã cố viết được một bài thơ rất cảm động với mong muốn gửi tặng cô giáo Pha.

Anh ấy đã chết sau đó 8 ngày và bài thơ đã được giao lại cho một người bạn đồng cảnh ngộ. Và anh bạn ấy đã học thuộc lòng mang tới vùng đất Tự Do từ lao tù CS.

TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC NHA TRANG



Monday, September 7, 2020

 TRƯỜNG TRUNG HỌC LÝ TÍN

QUẬN LÝ TÍN-TỈNH QUẢNG TÍN



Friday, September 4, 2020

Chuyện bà già mang dép Lào

Khoảng năm 1981, 1982 đời sống giáo viên cực kỳ khó khăn. Tôi quyết định đi xe đạp thồ để có tiền mua sữa cho con. Chiếc xe đạp để đi dạy hàng ngày được bổ sung thêm cái giỏ phía trước và cái yên nệm mút phía sau bạc –ba- ga cho khách ngồi … êm đít!

Mỗi sáng cứ 5 giờ là ra đứng ở đầu hẽm trước nhà để chờ khách. Khi trời bắt đầu sáng thì bỏ con hẽm nơi khá gần trường đang dạy, rất dễ gặp học trò, chạy xuống đường Lý Tự Trọng hoặc Trần Cao Vân cách nhà độ 3 km đứng đón khách. Có khách hay không thì 10 giờ 30 phải quay về nấu cơm ăn để chiều …lên lớp.

Một buổi sáng đang bon bon trên đường Trần Cao Vân trước chợ Lầu Đèn, chạy về nhà chuẩn bị đi dạy thì có một bà cụ dáng rất nhà quê đón xe. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì được một cuốc xe có thêm tiền. Lo vì sợ khách đi xa không về ăn cơm kịp để 12h30 vào dạy tiết 1. Tôi phanh xe và hỏi:

– Cụ đi mô.

Bà cụ nói:

– Đây xuống bến xe Vĩnh Trung mi lấy mấy?

Thấy bà già nhà quêtôi chợt nhớ mẹ. Tuyến đường lại trùng với lộ trình về nhà của mình nên tôi nói:

– Đúng giá là 1 đồng rưỡi. Còn chừ cụ cho mấy cũng được, cụ không có tiền thì con chở giúp cụ một đoạn, con đang trên đường về.

Bà cụ cười dơ hàm răng chỉ còn toàn … lợi và nói:

– Thằng ni đi thồ mà nói nghe vui hỉ!

Nói xong bà cụ cúi xuống cầm đôi dép lào đã mòn lín. Hai cái gót đã thủng hai lỗ lớn bằng đồng bạc cào lưng. Cụ bỏ đôi dép vào giỏ xe của tôi và nói:

– Xuống bến xe mi nhớ nhắc tau lấy đôi dép ni chớ không phải mi đợi tau quên rồi lấy luôn nghe chưa!

Tôi cười và bảo:

– Cụ yên tâm. Con không mang dép bằng tay nên không lấy đôi dép ni mô!

Lên xe chuyện qua chuyện lại mới biết bà cụ ở Thanh Quýt ra thăm, mang cho con trai đang làm công nhân ở cảng một ang gạo vì nghe nói gạo mua tiêu chuẩn ăn không đủ, bữa nào cũng chỉ lưng bụng mà đi làm. Còn bà thì biết tôi là thầy giáo cấp 3 đi xe thồ thêm ngoài giờ để mua sữa cho con. Nghe hoàn cảnh của nhau, cả hai bà cháu đều im lặng. Một chặp tôi nghe bà ngồi sau chép miệng rồi nói:

– Răng ai cũng khổ hết trơn ri hè!

Đến bến xe Vĩnh Trung, tôi quay lại dặn:

– Cụ ngồi im, đừng lo, để con tìm xe Vĩnh Điện cho cụ đi. Bến xe đông sợ cụ tìm không ra.

Tìm được xe đi Vĩnh Điện, tôi phanh xe đạp và nói với cụ:

– Cụ nhớ lấy đôi dép. Con chở hộ cụ một đoạn thôi không lấy tiền.

Bà trả lời:

– Thằng ni nói nghe được. Tau không trả tiền xe nhưng chờ tau một xí (tí).

Vừa nói cụ vừa lật lớp áo ngoài rồi mở cây ghim túi áo trong và lấy ra 3 đồng, đưa cho tôi.

Tôi giẫy nẩy:

– Con nói rồi. Con chở dùm không lấy tiền xe.

Cụ bảo:

– Biết rồi. Tau cũng không trả tiền xe. Tau cũng không cho mi.

Mi có chưn có tay, có sức dài vai rộng mi làm mi ăn.

Tiền ni tau gởi mi đem về mua sữa cho cháu tau.

Mi không lấy tau la làng là mi móc túi của tau.

Răng. Nhận đi con, cho bà vui.

Nói xong cụ nhét tiền vào túi áo của tôi rồi cắp nách đôi dép lào đã mòn gót leo lên xe.

Lần đó tôi đứng khóc một mình giữa bến xe Vĩnh Trung đông đúc cho đến khi chuyến xe đò rời bến… chạy khuất!

*

Bà ơi. Bà đang ở cõi nào?

Nay con có thể viết những quyển sách nhận nhuận bút hàng chục triệu đồng. Đứa cháu nhỏ thời đó nay đã là tiến sĩ làm giảng viên của một trường đại học danh tiếng. Nhưng có lẽ, cho đến lúc chia tay cuộc đời này con vẫn còn nợ bà … một hộp sữa!

Sài Gòn, 26/5/2017
LÊ THÍ