Sunday, December 27, 2020

Cô Giáo Miền Nam, Học Trò Miền Bắc 

Hơn 30 năm sau, họ mới gặp lại nhau trên đất Hợp Chủng Quốc. Cô giáo nay đã già. Học trò cũng không còn trẻ nữa. Cô dĩ nhiên không nhận ra trò, nhưng trò đã nhận ra cô. Và cô giáo Oanh bỗng nhớ lại tất cả những ngày giờ tai hoạ.

...

- Các đằng ấy ơi, cho tớ chơi với!

Con nhỏ cố nở nụ cười thân thiện nhất năn nỉ ba đứa bạn khác cùng lớp đang đánh đũa trước sân. Một đứa đang định tung trái banh lên, bỗng dừng lại, che miệng cười khúc khích.

- Đằng ấy? Hí! Hí!

Đứa kia chanh chua hơn:

- Ậy, tụi “tớ” chơi dở lắm, không dám chơi với “đằng ấy” đâu.

Cả bọn cùng cười xòa sau câu đùa của đồng bọn. Đứa thứ ba có vẻ biết điều hơn một chút:

-Tụi tao chơi gần hết bàn rồi, để mai rồi mày chơi chung nghe.

Con nhỏ buồn rầu quay lại. Nó biết con kia chỉ nói cho có lệ mà thôi. Ngày mai tụi nó sẽ nói những câu tương tự, hay cũng kiếm những cớ khác để từ chối không muốn cho nó chơi chung. Đây không phải là lần đầu tôi chứng kiến những đứa học trò trong lớp đồng lõa nhau cô lập Vân. Nó là đứa học sinh miền Bắc đầu tiên trong lớp tôi của niên khóa 1976/77.

Nhớ lại sau hôm khai giảng niên khóa mới được hai ngày, tôi đã giật mình lo lắng khi bỗng nhiên bị gọi lên phòng Giám Hiệu có chuyện cần! Chuyện gì? Đối với tình hình bây giờ, bị gọi lên văn phòng riêng rẻ như lúc này là một dấu hiệu không tốt. Nhưng sau khi “tự kiểm điểm”, tôi thấy mình không phạm điều gì sai nên cũng yên tâm đôi chút.

Mụ hiệu trưởng đón tôi niềm nở hơn mọi ngày. Thấy tôi đi vào, một người đàn ông trong trang phục bộ đội với cái nón cối trên bàn ngừng tay vấn thuốc đứng dậy chào. “Đồng chí” Trần Bình, theo lời giới thiệu, là một cán bộ cao cấp từ Hà Nội đang trong thời gian công tác dài hạn tại thành phố Hồ Chí Minh. Vân là con gái ông ta. Con bé hôm đó mặc áo bà ba trắng, quần satin đen, tóc dài và rậm kẹp lại gọn gàng phía sau … Nhìn Vân lễ phép chào, tôi bỗng nghe bỗng nghe một chút xót xa. Quả là một xưởng đúc tuyệt vời! Con nhỏ trông không khác chi một cô cán bộ tí hon. Màu sắc duy nhất trên người con bé là đôi dép rỗ màu vàng nhạt. Đôi dép vẫn còn mới lắm.

Tôi dắt Vân về lớp và xếp ngồi bàn đầu để có thể dễ dàng “chú ý giúp đỡ” như lời cha nó ân cần nhắn nhủ. Bỏ qua những gì bên ngoài, nó cũng khá xinh xắn. Gương mặt bầu bĩnh tuy hơi đen, nói thưa lễ độ. Tuy chán ghét mụ hiệu trưởng đến thậm tệ, không chút cảm tình với người đàn ông trong bộ quân phục chuyên chính màu xanh ấy, tôi vẫn không thấy có lý do gì để ghét bỏ Vân.

Nhưng, bốn mươi mấy học sinh trong lớp tôi lại không nghĩ như vậy. Những ánh mắt kỳ thị ngày càng rõ rệt. Những mái đầu xanh tụm năm tụm ba xì xầm bàn tán. Tôi nghe rõ một lần chúng gọi Vân là “con bộ đội”, kháo nhau “Coi chừng nó cho mày đi học tập cải tạo đó!” v.v và vv…Vì thế mà đã gần tháng, con bé vẫn chưa hội nhập vào chúng bạn, mặc dù nó cũng cố gắng lắm. Tôi tội nghiệp giùm Vân, nhưng cũng không trách được lũ học trò còn lại. Xã hội và hoàn cảnh đã gieo vào đầu óc lũ trẻ thơ ngây những tư tưởng nghi kỵ, oán ghét tất cả những người đã trực tiếp, hay có liên hệ đến sự mất mát trong gia đình chúng. Tôi biết trong lớp có đứa cha là lính Cộng Hòa đã hy sinh đền nợ nước. Một số khác là con em của sĩ quan hay công chức dưới chế độ Sai gon cũ đang bị đi học tập cải tạo tại một vùng hoang vu nào đó, chưa rõ ngày về.

Anh Hai tôi là Đại Úy Biệt Động Quân, cũng khăn gói quả mướp theo lời nửa dụ dỗ nửa đe dọa của chính quyền nay đã hơn một năm. Tin tức duy nhất nhận được là vài lá thư gởi về mà địa chỉ là một hòm thư vô nghĩa. Lá thơ theo một khuôn mẫu nhất định như trăm ngàn cái khác, trấn an và động viên gia đình tham gia lao động, triệt để thi hành chính sách của nhà nước. Chị dâu tôi mòn mỏi trông chờ. Quỹ gia đình thu hẹp, chị phải dấn thân ra chợ trời chụp giựt, tráo trở để kiếm tiền nuôi ba đứa con. Những lúc tôi sang thăm cháu là dịp chị mở bầu tâm sự. Chị nguyền rủa, oán than không tiếc lời với thời thế đảo diên sâu bọ làm người … ngay trước bọn nhỏ.

Cha mẹ đã vậy, con cái cũng dễ dàng ảnh hưởng. Người lớn oán người lớn, thì trẻ con cũng …ghét trẻ con. Dĩ nhiên những mái đầu thơ chưa đủ trí khôn để hiểu thế nào là độc tài, là đảng trị, là mất mát tự do … Đầu óc lũ trẻ như những trang giấy trắng mà lớp cha anh đã vô tình quệt vào một vết đen thù ghét, tị hiềm.

Tôi không ghét Vân như học trò tôi. Trái lại là khác. Tôi biết nó đang bị cô lập và lạc loài giữa một môi trường xa lạ. Nhưng mỗi lần nhìn Vân, tôi không khỏi liên tưởng tới mụ hiệu trưởng hợm hĩnh, lúc nào cũng rình rập các giáo viên. Mụ cũng đi làm bằng áo bà ba trắng, quần satin đen khuôn mẩu đó, ngồi bắt chân lên ghế salon trong văn phòng say sửa giảng chủ nghĩa Mác-Lê. Tôi cũng thấy qua con bé, cha nó hôm gặp mặt. Mặc dù ông ta vẫn lịch sự và nhũn nhặn, tôi cũng không khỏi mang tư tưởng đây là người đã cướp đi tất cả tự do của toàn miền nam, trong đó có tôi. Không chừng ông ta đã đối diện với anh tôi trong một trận chiến nào đó.

Vân học thua kém chúng bạn rõ ràng. Những môn phải học thuộc lòng, con bé tương đối chu toàn một cách chăm chỉ. Nhưng về toán số thì thật bết bát. Những bài toán đố đơn giản với trình độ học sinh lớp bốn cũng khiến con bé ngồi cắn bút. Tôi cũng không rõ ngoài Bắc nó đã học lớp mấy, nên khi lên gặp mụ hiệu trưởng, tưởng là sẽ tìm hiểu thêm trình độ con bé để xếp lớp cho đúng. Ai ngờ mụ trừng mắt nhìn tôi:

- Chị bảo sao? Vân mà kém toán ư? Vô lý thật. Nó là học sinh tiên tiến, và xong lớp hai ở Hà Nội rồi. Chị cũng biết trung học ở miền Bắc ưu việt chỉ 10 năm thôi là đã tương đương với lớp 12 trong này rồi (mụ hãnh diện). Nếu cứ học ngoài ấy, nó lên lớp ba, là phải bằng… lớp năm trong này cơ đấy. Tôi xếp nó vào lớp bốn của chị để thử, rồi tính sau…

Mụ ngừng một chút lấy hơi, rồi tiếp:

- Chị có theo đúng chương trình không? Tôi muốn xem lại giáo án của chị.

Trời ơi lý luận như mụ thật là độc đáo. Bỏ qua trình độ của hai học sinh tốt nghiệp hệ 10 năm và 12 năm. Nhưng nói một học sinh lớp hai miền Bắc đã tương đương với lớp bốn trong Nam, thì tôi cũng đành chịu. Cơn tức giận trào lên, tôi định cãi. Nhưng câu cuối cùng của mụ làm tôi chột dạ, ngậm bồ hòn nuốt xuống. Nói thêm với người đàn bà này chỉ vô ích. Không chừng mụ lại ghép cho tôi tội phản động, bài bác chế độ … thì mất việc. Đối với hoàn cảnh hiện nay, mất việc là không lao động, là kinh tế mới. Thôi được, mụ là kẻ chiến thắng làm vua, tôi thua phải làm giặc thôi!

*

Chiến tranh đã qua, Nam Bắc một nhà cùng nhau tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa. Những cái loa thông tin nhai đi nhai lại một điệp khúc cằn cỗi và trơ trẽn. Chỉ một thời gian ngắn, toàn miền Nam đã thấm đòn. Người ta bảo nhau trông thấy Văn Vĩ lái xe Honda dạo mát Sàigòn! Đi đâu tôi cũng nghe bàn tán về những chuyến đi danh từ nói: tàu 3 blocks, máy Yammar đầu xanh, đầu bạc v.v…Chỉ nghe và biết thế thôi, tôi hiểu mình không có diễm phúc tham dự vì gia đình không đủ khả năng tài chánh. Nếu có, ba mẹ tôi cũng phải ưu tiên cho hai đứa em trai đang tuổi sắp đi nghĩa vụ quân sự. Tôi chuẩn bị tinh thần làm cái cột đèn bất đắc dĩ.

Một người bạn tù chung trại vốn là bác sĩ quân y có chuyên môn nên được thả về trong đợt đầu tiên ghé qua báo tin, anh Hai tôi đã ra đi vĩnh viễn. Mấy tháng trước, đúng một năm sau ngày tình nguyện đi học tập cải tạo, anh và một số sĩ quan khác chung cảnh ngộ đã cùng nhau đòi hỏi ban quản giáo nếu họ có tội gì hãy đưa ra tòa xét xử công bằng. Tại sao lừa dối họ nói đi học tập có 10 ngày mà nay đã một năm trôi qua, ai cũng để lại vợ dại con thơ không rõ cuộc sống thế nào, đem thân khổ sai lao động trên những vùng rừng thiêng nước độc mà ngày về tăm tối mù khơi.

Kết quả nhóm sĩ quan đó bị kết tội toan tính chống đối nhà nước, biệt giam với những hình phạt khắc nghiệt. Anh Hai tôi vốn đang bị bệnh, thể chất suy yếu nên không kham nổi, ra đi về miền vĩnh cửu. Anh mất đã mấy tháng rồi nhưng gia đình, cha mẹ, vợ con hoàn toàn không hay…

Tôi lãnh nhiệm vụ qua báo tin dữ cho chị Hai, vì người bạn tù chỉ đến nhà ba mẹ tôi nói vài câu ngắn rồi phải đi ngay. Tối hôm đó, mắt tôi quầng đỏ ấp a ấp úng không thành lời. Chị vẫn bình tĩnh hỏi chuyện gì đã xẩy ra cho anh Hai? Tôi như được mở khóa, khóc òa như đứa trẻ, kể lể. Chị ngồi bất động, không một phản ứng. Nhìn chị, tự nhiên tôi cảm thấy rờn rợn. Người đàn bà trước mặt chỉ hơn tôi hai tuổi mà như xa cách đến hai mươi năm. Chỉ hai năm trời tảo tần nuôi con, nuôi chồng, đã tàn phá dung nhan chị đến độ tàn nhẫn. Nay niềm hy vọng cuối cùng đã tắt. Chị ngồi yên hồi lâu, lẳng lặng đứng dậy bên giường ôm thằng Út lúc đó đang ngủ vùi vào lòng, xua tay ra hiệu cho tôi đi về. Tôi biết mình không thể nói được điều gì thêm. Tất cả những lời an ủi hay khuyên nhủ lúc này chỉ là vô nghĩa. Bước ra cửa, tôi quay lại nhìn và thấy giọt nước mắt đầu tiên của chị rơi trên mặt thằng bé.

 *

Hòa bình rồi mà súng vẫn nổ trên khắp mọi miền. Đâu đó vẫn còn có kẻ ngã gục, còn tù tội, chống đối. Suốt hai mươi năm nội chiến, gia đình tôi đã may mắn toàn vẹn. Anh Hai tôi là người duy nhất trong gia đình chính thức cầm súng chiến đấu, nhưng đã trở về với mái ấm gia đình sau lời kêu gọi đầu hàng của cấp lãnh đạo từ tháng tư năm ấy. Nay anh đã nằm xuống, hy sinh trong muộn màng và tức tưởi. Sự ra đi của anh đã tác động vào tâm lý tôi mãnh liệt.

 Ngày Sàigòn hoàn toàn rơi vào tay cộng sản, gia đình tôi cũng như tất cả người miền nam dù biết là tương lai bất định, nhưng dù sao cũng còn niềm hy vọng mong manh: hòa bình. Cộng sản hay quốc gia, cũng là người Việt. Giải đất này từ bắc chí nam đã rách nát sau bao năm chịu đựng bom đạn. Đã đến lúc mọi người dẹp hết hận thù, chủ nghĩa, để cùng nhau hàn gắn.


Mọi hy vọng chỉ là cái bánh vẽ to tướng. Dân miền Nam thấm đòn. Đã muộn rồi. Mỹ đã cút và Ngụy cũng đã nhào. Chính phủ mới nắm chặt bao tử người dân qua chính sách hộ khẩu. Hàng ngũ công an dày đặc khắp phố phường làm dân chúng hết đường cục cựa, chỉ còn âm thầm chịu đựng và… nguyền rủa.

Đến bây giờ tôi mới biết thế nào là căm hờn. Thời gian qua, tôi cũng như bao người khác, chán chường một cách thụ động. Nhưng ngoài những mất mát chung, chế độ cũng chưa đụng chạm gì đến gia đình tôi. Nhìn chung quanh, những gia đình với nhiều bất hạnh; những người mất nhà mất cửa từ vùng kinh tế mới trở về thành phố lang thang đói khát không hiện tại không tương lai.. tôi đã thấy thỏa mãn vì hoàn cảnh mình cũng còn sáng sủa hơn bao người khác.

Tôi đã lầm. Sự yên ổn hiện tại của mình chỉ là tạm thời. Chế độ sẽ không chừa một ai khi thời gian cho phép. Cái chết của anh Hai tôi là phát súng khai hỏa đầu tiên. Tôi căm hờn nhìn những cái nón cối, đôi dép râu, khẩu súng AK … những thứ tiểu biểu tượng trưng cho chế độ.

Vân đập vào mắt tôi mỗi ngày qua cách ăn mặc và cái giọng Bắc Kỳ chua chua của nó. Ôi đối tôi, con nhỏ này đã được nhào nặn từ lúc mới sinh ra. Đầu óc nó chắc chứa đầy những …Bác, và đương nhiên khi lớn lên sẽ sẵn sàng chết cho Đảng. Trời ơi, nó sẽ là một con nhỏ cộng-sản!

Trước kia tôi còn thông cảm, giúp đỡ Vân, nay tôi lại ngấm ngầm khoái trá nhìn học trò cô lập “con bộ đội” này (?). Tôi biết mình đã nhỏ mọn và sai lầm khi tự nhiên ghét bỏ Vân, nhưng cái chết của anh tôi như đám mây đen kịt che khuất mọi suy nghĩ công bằng mà một người lớn, có học như tôi phải nhận rõ.

Có lẽ Vân cũng thấy sự thay đổi và thắc mắc lắm. Người duy nhất trong lớp đối xử tốt với nó đã về hùa với đám đông để nó một mình. Vân càng mặc cảm hơn khi biết mình thua kém bạn bè trong các môn học. Đôi khi nhìn con bé ở lại trong lớp lơ đãng nhìn các đứa khác chơi đùa ngoài sân trong giờ giải lao, tôi cảm thấy tội nghiệp. Nhưng rồi hình ảnh anh tôi ngã gục nơi trại cải tạo nổi lên, tôi lại ghét nó thêm.

*

Sau khi vào lớp độ nửa tiếng, tôi được gọi lên phòng Giám Hiệu. Thôi chết! Hậu quả đã đến như tôi lo sợ, nhất là hôm nay Vân vắng mặt.

Sự việc bắt đầu từ tuần trước, khi trong giờ sinh hoạt tôi chọn bài hát “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ” cho cả lớp cùng ca. Thay vì câu “râu bác dài tóc bác bạc phơ”, hai ba cái miệng từ cuối lớp gào lên “chân bác dài, bác đạp xích lô” tôi thấy Vân quay lại nhìn thằng Tùng to giọng nhất. Thằng nhỏ không biết tai họa sắp tới, còn làm mặt xấu chọc Vân. Tôi làm ngơ, vội vàng chấm dứt ngay giờ sinh hoạt và để ý Vân. Nhưng con nhỏ không để lộ nét gì khác hơn ra ngoài mặt.

Một tuần qua, tôi hồi hộp sợ Vân lên báo cáo mụ hiệu trưởng. Thằng Tùng chắc chắn bị đuổi học vì tội phản động. Ba mẹ nó ở nhà dĩ nhiên gánh lấy hậu quả. Và tôi cũng bị rắc rối to, nhất là đã lơ qua không xét đến.

Khi lên tới phòng giám hiệu và nhìn vào, tim tôi chùng xuống vì thấy Vân lấp ló trong đó. Niềm lo âu đã thành sự thật! Không còn đường tháo lui, đành đẩy cửa bước vô. Tôi ngạc nhiên vì người đứng dậy chào không phải mụ hiệu trưởng đáng ghét. Người đàn ông là cha của Vân. Ông ta vẫn trong bộ quân phục màu xanh, cái nón cối để bên cạnh như lần đầu gặp gỡ cách đây mấy tháng. Hắn đến đây để bắt tôi ư? Câu hát giễu vô ý thức của một đứa trẻ có thể đưa đến kết quả nghiêm trọng như vậy sao? Tôi thực sự lo sợ.

Cha của Vân không đi ngay vào vấn đề như tôi nghĩ. Ông ta quanh co hỏi thăm tình hình nhà trường học sinh … đủ mọi chuyện. Đôi khi đi vào chuyện cá nhân riêng tôi nữa. Hắn muốn gì đây? Định giở trò mèo vờn chuột ư? Tự ái sùng sục nổi dậy đẩy lui niềm lo sợ lúc ban đầu. Tôi thấy mình đang đối diện với một kẻ thù xảo trá. Hắn đã chiến thắng chúng tôi bằng vũ lực, và nay đang muốn đánh gục tôi bằng tâm lý.Tôi ngang nhiên đối đáp với tất cả niềm ấm ức bấy lâu chất chứa về phương pháp giảng dạy, chương trình, giáo án v.v… và nhất là nhấn mạnh về trường hợp Vân không thể theo nổi các bạn cùng lớp khác. Hắn kiên nhẫn nghe, thỉnh thoảng gật gù. Tôi hăng say bày tỏ tư tưởng không chút e ngại. Tôi cảm thấy sung sướng. Ít ra tôi cũng một lần hiên ngang đối diện với hoàn cảnh.

Khi tôi ngưng nói, người đàn ông nhìn tôi thật lâu, và chậm rãi:

- Cám ơn cô đã cho biết những điều vừa rồi. Quả thực tôi chưa bao giờ nghĩ đến … Dù sao, tôi đến đây hôm nay là để cùng cháu Vân từ giã cô. Tuần tới tôi trở ra công tác tại Hà Nội và Vân sẽ theo tôi ra ngoài ấy.

Câu nói thật bất ngờ làm tôi không tin ở tai mình. Ông ta và Vân gọi tôi lên đây để từ giã, không phải để bắt mình ư? Tôi quay sang nhìn Vân và nghe nó nói:

- Thưa cô, em xin chào cô.

Sự việc xẩy ra làm tôi hơi lúng túng. Thì ra Vân không báo cáo gì về vụ thằng Tùng. Bỗng dưng tôi thấy hổ thẹn. Mình đã ngờ oan, lại thêm đối xử không đẹp với Vân gần tháng qua. Tôi cảm thấy cay cay ở mắt. Bỗng nhiên cái nón cối không còn nằm trên đầu của Vân nữa. Đôi dép râu cũng trở lại nguyên hình đôi dép ny-lông màu vàng nhạt. Trước mặt tôi là một học trò thơ ngây như bao nhiêu đứa trẻ khác. Nhân chi sơ, tính bản thiện. Trong đầu óc của Vân có thể chứa đầy bác và đảng, đoàn và đội, nhưng tất cả cũng chỉ vì nó lỡ sinh ra và lớn lên trong xã hội, trong một chế độ như vậy. Hay đúng ra, Vân cũng như bao kẻ khác, là nạn nhân của chính sách “Vì lợi ích mười năm: trồng cây; vì lợi ích trăm năm: trồng người” mà thôi.

Lần đầu tiên sau cái chết của anh Hai, tôi trở về với bản ngã vô tư của mình. Đành rằng chế độ có nghiệt ngã, đó là chuyện người lớn. Trẻ thơ ở đâu cũng chỉ là những trang giấy trắng. Nếu tôi không thể tô xanh điểm hồng trên những trang giấy ấy, thì ít nhứt cũng không có quyền bôi lọ bằng những giọt mực đen.

Vân đứng khép nép ở góc phòng, sau lưng cha nó, ngượng nghịu cúi gầm mặt, thỉnh thoảng len lén nhìn tôi. Năm năm trời làm nghề giáo, trường hợp học trò nghỉ học giữa niên khóa là chuyện đã xẩy ra. Những lần ấy, tôi thường cảm động nắm tay chúng để nhắn nhủ, cầu chúc em những lời sau cùng. Nhìn đứa học trò bé dại vì hoàn cảnh phải rời ghế nhà trường, tôi thường bâng khuâng khi nghĩ rằng trong lớp từ đây sẽ thiếu vắng một bóng dáng quen thuộc, giọng nói ngây thơ. Nhưng tôi cũng cảm thấy tâm hồn yên ổn vì những ngày tháng qua đã hết lòng thương yêu, dạy dỗ chúng. Đối với Vân lúc này, tôi thấy có sự thiếu sót, một món nợ ân tình với con bé. Tôi muốn chạy lại ôm Vân vào lòng, quên đi tất cả những hận thù, bom đạn, chủ nghĩa…, tất cả những gì đã chia cách hai chúng tôi.

Cha của Vân nhìn đồng hồ và đứng dậy:

- Đến giờ chúng tôi phải lên đường. Xin chào cô.

Ông ta bắt tay tôi từ giã. Vân lẳng lặng theo sau, nó lí nhí:

- Thưa cô em đi.

Cổ tôi nghèn nghẹn, muốn nói vài lời, nhưng không thốt lên được, chỉ gật đầu.

Ra tới cửa, ba của Vân dừng lại, hơi đắn đo một chút rồi nói:

- Tôi muốn thành thực khuyên cô một điều. Những gì cô vừa nói với tôi, đừng nói thế với ai cả. Không thay đổi gì được đâu. Với thời thế bây giờ, cô cũng biết…

Ông bỏ dở câu nói. Tôi gật đầu hiểu ý, và nhìn hai cha con bước mau trên sân trường đầy nắng.

*

Món nợ ân tình của cô giáo Oanh, nhân vật xưng “tôi” từ đầu câu chuyện với cô bé Vân đó, đến hơn ba mươi năm sau mới được trả, trên mảnh đất tự do có tên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ này.

Cô học trò từ miền bắc xã hội chủ nghĩa đi lao động xuất khẩu tại Cộng Hoà Dân Chủ Đức. Năm 1989, khi bức tường Bá Linh sụp đổ, đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu, Vân đã mau mắn xin ở lại xin tỵ nạn với nước Đức tự do nhân ái, không về Việt Nam nữa. Ba năm sau, cô gặp một người Việt du lịch từ Hoa Kỳ sang, kết hôn, và di dân theo chồng về Mỹ. Cô đang làm phụ tá văn phòng cho một bác sĩ Việt Nam ở Cali

Cô giáo Oanh ở lại Sài Gòn một thời gian, cùng chồng là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa từng bị đi học tập cải tạo. Hai vợ chồng và gia đình được chương trình HO đưa sang định cư tại Cali 1991.

Cô nay đã già, hồi hưu, và đi khám bác sĩ.

Hai người gặp lại nhau tại phòng mạch. Cô dĩ nhiên không nhận ra trò, nhưng trò đã nhận ra cô. Hai cô trò đã ôm nhau mừng mừng tủi tủi sau hơn ba mươi năm xa cách.

Còn ông cán bộ Trần Bình?

Vân ngậm ngùi cho hay cha của cô đã tử trận trong cuộc chiến biên giới 1979 với Trung Cộng. Mẹ của Vân đã dùng tất cả tài sản dành dụm được chạy chọt cho Vân đi lao động sang Đông Đức, dặn dò con gái tìm cơ hội đi luôn, nếu có thời cơ hãy đào thoát về miền tự do, đừng bao giờ trở lại Việt Nam nữa.

Vân đã thành công. Cô đã là một công dân Mỹ. Các con của Vân đều được sinh ra trên đất nước tự do này.

Về phần tôi, tác giả bài viết, may mắn được cô giáo Oanh kể lại mối duyên gặp gỡ với cô học trò tên Vân.

Cô giáo Oanh đó, là chị của tôi.

TháiNC
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.

Tuesday, December 22, 2020

 MERRY XMAS & HAPPY NEW YEAR 2021



Monday, November 30, 2020

TÒA HÀNH CHÁNH 
TỈNH BÌNH ĐỊNH



Friday, November 13, 2020

Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị(1962)



Wednesday, November 4, 2020

Quận Đôn Luân
 Tỉnh Vĩnh Long


 

Tuesday, October 13, 2020



Nhà thơ CAO HẠNH
(1953-2017)

*

Ngày chị đi lấy chồng

Ngày chị đi lấy chồng
Tóc em còn để chỏm
Giờ đưa dâu
Em mãi bắt cào cào
Sực nhớ lại
Em chạy ùa ra bến sông
Lúc ấy con thuyền đã rời bến xuôi dòng
Chị ngoảnh lại nhìn em , lệ tràn mi mắt
Em bâng khuâng hồn níu bóng con thuyền
Sỏng tay rơi
Con cào cào bay lên
Đôi cánh tím vẽ hoàng hôn lên nắng vàng hun hút.

Ngày ấy chị đi để lại
Chiếc áo tơ tằm có hàng cúc bóp
Và cuốn sổ bìa da ghi bài hát
Nét chữ hiền màu mực tím rưng rưng
Lũ chúng em giành nhau chiếc áo tơ tằm
Để hít hà hơi chị
Những đứa em chưa hề biết chữ
Mà ngày nào cũng lật sổ từng trang.

Chị ơi …từ ấy đã 40 năm
Mái tóc em bây giờ điểm bạc
57 tuổi rồi tóc chị vẫn còn xanh.

Rồi một ngày con quạ bay ngang
Để lại tiếng kêu lạnh núi
Cả nhà nhìn nhau không nói
Ba ngày sau tin chị mất bay về.

Cao Hạnh

Nghe nhạc :

Tuesday, September 15, 2020

 Tòa Hành chánh tỉnh Kiến Phong (1960)



Friday, September 11, 2020

Gửi em, cô gái Bình Long 

Nhớ theo Hổ Xám vào An Lộc
Đội pháo trên đầu như đội mưa
Múa kiếm đứng ngăn thù cửa Bắc
Mà tưởng mình là Nguyễn Huệ xưa.

Trong tiếng đạn reo mù khói trận
Bỗng gặp em, cô giáo như mơ
Em ngồi rũ tóc trong hầm tối
Đọc tiếng kinh cầu, như đọc thơ.

Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Chúa ơi, Biệt Kích là thi sĩ
Thi sĩ cầm gươm như đi chơi.

“An Lộc địa sử lưu chiến tích
Biệt Kích dù vị quốc vong thân”
Lời thơ hôm ấy sao hay quá
Nghĩa trang buồn như tiếng lá rơi.

Pha hỡi, bây chừ em đâu nhỉ ?
Cô giáo hôm xưa đã lấy chồng ?
Chúc em hạnh phúc răng long bạc
Còn anh hôm nay vào Phước Long.

Anh theo quân vào nơi hiểm địa
Hét tiếng xung phong đến vỡ trời
Bắn cháy xe tăng như uống rượu
Mà tưởng em đang rót chén mời.

Bóng địch chập chùng nơi cửa ngõ
Ba trăm quân đánh một sư đoàn
Mãnh hổ nan địch quần hồ bại
Anh thối binh về mà thấy oan.

Nửa chừng lại gặp cơn bão lửa
Toán Delta bị kích giữa đàng
Ôi lại Phước Long lưu chiến tích
Anh bị trúng đạn giữa rừng hoang.

Và chừ giờ đang ngồi bó gối
Tay xích chân xiềng trong trại giam
Máu bụng vẫn tuôn ra như suối
Anh biết mình thôi thế là tan.

Nhưng giây phút cuối anh vẫn nhớ
Màu áo hoa dù nón mũ xanh
Nhớ dáng em xưa cô giáo nhỏ
Họa bút thành thơ như tiếng oanh.

“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
Xá gì một cõi đi về đất
Biệt Kích lưu danh, Biệt Kích đời”.

Biệt Kích vô danh.

Bài thơ trên đây của một người lính Biệt Kích vô danh. Anh là một hạ sĩ trẻ của biệt-đội I. Tháng 1/75 nhảy vào Phước Long. Bị thương và bị bắt. Trong giờ phút cuối cùng của đời người, anh đã cố viết được một bài thơ rất cảm động với mong muốn gửi tặng cô giáo Pha.

Anh ấy đã chết sau đó 8 ngày và bài thơ đã được giao lại cho một người bạn đồng cảnh ngộ. Và anh bạn ấy đã học thuộc lòng mang tới vùng đất Tự Do từ lao tù CS.

TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC NHA TRANG



Monday, September 7, 2020

 TRƯỜNG TRUNG HỌC LÝ TÍN

QUẬN LÝ TÍN-TỈNH QUẢNG TÍN



Friday, September 4, 2020

Chuyện bà già mang dép Lào

Khoảng năm 1981, 1982 đời sống giáo viên cực kỳ khó khăn. Tôi quyết định đi xe đạp thồ để có tiền mua sữa cho con. Chiếc xe đạp để đi dạy hàng ngày được bổ sung thêm cái giỏ phía trước và cái yên nệm mút phía sau bạc –ba- ga cho khách ngồi … êm đít!

Mỗi sáng cứ 5 giờ là ra đứng ở đầu hẽm trước nhà để chờ khách. Khi trời bắt đầu sáng thì bỏ con hẽm nơi khá gần trường đang dạy, rất dễ gặp học trò, chạy xuống đường Lý Tự Trọng hoặc Trần Cao Vân cách nhà độ 3 km đứng đón khách. Có khách hay không thì 10 giờ 30 phải quay về nấu cơm ăn để chiều …lên lớp.

Một buổi sáng đang bon bon trên đường Trần Cao Vân trước chợ Lầu Đèn, chạy về nhà chuẩn bị đi dạy thì có một bà cụ dáng rất nhà quê đón xe. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì được một cuốc xe có thêm tiền. Lo vì sợ khách đi xa không về ăn cơm kịp để 12h30 vào dạy tiết 1. Tôi phanh xe và hỏi:

– Cụ đi mô.

Bà cụ nói:

– Đây xuống bến xe Vĩnh Trung mi lấy mấy?

Thấy bà già nhà quêtôi chợt nhớ mẹ. Tuyến đường lại trùng với lộ trình về nhà của mình nên tôi nói:

– Đúng giá là 1 đồng rưỡi. Còn chừ cụ cho mấy cũng được, cụ không có tiền thì con chở giúp cụ một đoạn, con đang trên đường về.

Bà cụ cười dơ hàm răng chỉ còn toàn … lợi và nói:

– Thằng ni đi thồ mà nói nghe vui hỉ!

Nói xong bà cụ cúi xuống cầm đôi dép lào đã mòn lín. Hai cái gót đã thủng hai lỗ lớn bằng đồng bạc cào lưng. Cụ bỏ đôi dép vào giỏ xe của tôi và nói:

– Xuống bến xe mi nhớ nhắc tau lấy đôi dép ni chớ không phải mi đợi tau quên rồi lấy luôn nghe chưa!

Tôi cười và bảo:

– Cụ yên tâm. Con không mang dép bằng tay nên không lấy đôi dép ni mô!

Lên xe chuyện qua chuyện lại mới biết bà cụ ở Thanh Quýt ra thăm, mang cho con trai đang làm công nhân ở cảng một ang gạo vì nghe nói gạo mua tiêu chuẩn ăn không đủ, bữa nào cũng chỉ lưng bụng mà đi làm. Còn bà thì biết tôi là thầy giáo cấp 3 đi xe thồ thêm ngoài giờ để mua sữa cho con. Nghe hoàn cảnh của nhau, cả hai bà cháu đều im lặng. Một chặp tôi nghe bà ngồi sau chép miệng rồi nói:

– Răng ai cũng khổ hết trơn ri hè!

Đến bến xe Vĩnh Trung, tôi quay lại dặn:

– Cụ ngồi im, đừng lo, để con tìm xe Vĩnh Điện cho cụ đi. Bến xe đông sợ cụ tìm không ra.

Tìm được xe đi Vĩnh Điện, tôi phanh xe đạp và nói với cụ:

– Cụ nhớ lấy đôi dép. Con chở hộ cụ một đoạn thôi không lấy tiền.

Bà trả lời:

– Thằng ni nói nghe được. Tau không trả tiền xe nhưng chờ tau một xí (tí).

Vừa nói cụ vừa lật lớp áo ngoài rồi mở cây ghim túi áo trong và lấy ra 3 đồng, đưa cho tôi.

Tôi giẫy nẩy:

– Con nói rồi. Con chở dùm không lấy tiền xe.

Cụ bảo:

– Biết rồi. Tau cũng không trả tiền xe. Tau cũng không cho mi.

Mi có chưn có tay, có sức dài vai rộng mi làm mi ăn.

Tiền ni tau gởi mi đem về mua sữa cho cháu tau.

Mi không lấy tau la làng là mi móc túi của tau.

Răng. Nhận đi con, cho bà vui.

Nói xong cụ nhét tiền vào túi áo của tôi rồi cắp nách đôi dép lào đã mòn gót leo lên xe.

Lần đó tôi đứng khóc một mình giữa bến xe Vĩnh Trung đông đúc cho đến khi chuyến xe đò rời bến… chạy khuất!

*

Bà ơi. Bà đang ở cõi nào?

Nay con có thể viết những quyển sách nhận nhuận bút hàng chục triệu đồng. Đứa cháu nhỏ thời đó nay đã là tiến sĩ làm giảng viên của một trường đại học danh tiếng. Nhưng có lẽ, cho đến lúc chia tay cuộc đời này con vẫn còn nợ bà … một hộp sữa!

Sài Gòn, 26/5/2017
LÊ THÍ

Thursday, August 27, 2020

 MẶT SAU CHỢ VĨNH LONG . 1968



 Bệnh viện tỉnh Bình Long



Monday, August 17, 2020

Gặp Lại Tiếng Nước Tôi 
Thơ Trần Kiêu Bạc 
Hồng Vân diễn ngâm


Sunday, August 16, 2020

QUẬN ĐÔN LUÂN
TỈNH PHƯỚC LONG

Friday, August 14, 2020

 QUẬN HOÀI NHƠN

TỈNH BÌNH ĐỊNH



Monday, July 20, 2020

VẪN CÒN ... ẤM ỨC


        Chuyện cũ đã gần 30 năm thế nhưng mỗi khi nhớ lại, nhắc lại vẫn thấy nhớ tiếc, bất mãn.

        Vào đầu năm 1973, lúc đã 36 tuổi đời, 11 tuổi nghề, tôi trở lại trường theo học Cao Học khóa 8 ban ngoại giao.

        Hồi sinh thời, cố giáo sư Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông từng tranh đấu cho trường Hành  Chánh đào tạo các ngành nhà nước. Ẩn ý chính trị ? Điều đó không quan trọng. Chỉ biết đây là một đề nghị hợp lý. Bộ Tư Pháp chống đối viện lẽ thẩm phán là những người cần kiến thức chuyên môn luật học. Không biết ý kiến của Bộ Ngoại Giao thế nào ? Có điều chắc chắn là họ muốn bảo vệ cái châsse của họ.
   
     Từ trước Bộ Ngoại Giao tuyển người như thế nào ? Có thời mỗi vị được cử đi làm Đại Sứ được quyền mang theo một người thân tín để làm bí thư, một gia sư và một người giúp việc nhà. Khi Đại Sứ hồi hương, các người mang theo ở lại rồi dần dần trở thành viên chức Bộ Ngoại Giao các cấp tùy theo trình độ và văn bằng. Đặc biệt thời Đệ Nhất Cộng Hòa một số khoa bản từ nước ngoài được mời về nước phục vụ. Tóm lại việc tuyển dụng có tính cách lẻ tẻ dựa vào tiêu chuẩn khả năng và tín nhiệm. Mãi cho đến thời bác sĩ Trần Văn Đỗ, bộ Ngoại Giao mới bắt đầu tuyển các Thạm Vụ Ngoại Giao một cách hệ thống. Bộ đã mở chừng 4 hay 5 kỳ thi tuyển và thu nhận khoảng 100 nhân viên. Một số ít Tham Vụ gốc dân sự rất xuất sắc có thể kể Lưu Tường Quang từng giữ chức Tổng Thư Ký bộ Ngoại Giao, Cao Xuân Tứ từng trông coi nhiệm sở Hòa Lan.
    
    Mãi gần 3 năm sau khi bị Cộng Sản ám sát, ước nguyện của giáo sư Bông mới thành.
  
      Năm 1972, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ký Nghị Định (?) với hai điểm chính sau đây:
        
   1. Học Viện Quốc Gia Hành Chánh được giao phó tuyển dụng và đào tạo sinh viên Cao Học gồm các ban:
- Hành Chánh
- Kinh Tế
- Tài Chánh
- Ngoại Giao
- Thẩm Tra Kế Toán
         2. Việc xếp hạng ngạch trật:
- Đối với sinh viên thường: Vào ngạch trật có chỉ số 510 ở ngạch liên hệ. 
- Đối với sinh viên công chức: Thăng một trật và xếp vào ngạch liên hệ có chỉ số tương đương.
        Nghị Định được chiếu hội bởi các bộ liên hệ.
        
Việc thi tuyển vào ban Ngoại Giao ra sao ?

        Thi tuyển gồm 2 phần: Viết và Vấn đáp.

        - Phần thi viết có bài nghị luận chính trị, nghị luận tổng quát và bài dịch tiếng Việt ra tiếng Pháp và Anh.
        Đề thi chính trị do Bộ Ngoại Giao đề nghị và Bộ Ngoại Giao cũng là premier correcteur nữa.
      Tôi còn nhớ đề bài nghị luận chính trị: Hãy tìm hiểu nguyên nhân đưa đến việc xích lại (rapprochement) giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ảnh hưởng của việc nầy đối với các Quốc Gia Á Châu ?

        Tôi chuẩn bị cho kỳ thi nầy chưa bao giờ kỹ hơn. Tôi tìm đọc các tạp chí chính trị như Forreign Affairs revue, Asian studies, Cao Đẳng Quốc Phòng v.v… Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trong một bài đăng ở Nghiên Cứu Hành Chánh cho rằng Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam sẽ bị hy sinh sau khi Hoa Mỹ bắt tay nhau. Tôi cứ thế mà tán rộng ra cho rằng phen nầy Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, công cụ của Cộng Sản Hà Nội sẽ đi chỗ khác chơi để cho hai anh lớn (Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản Hà Nội) nói chuyện thẳng với nhau. Một người bạn tôi lạc quan hơn cho rằng Bắc Việt sẽ bị xóa tên trên bản đồ và Việt Nam sẽ thống nhất với sự lãnh đạo của Miền Nam.

        Thật ra ngày nay các bạn đã biết tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã được giải mật cho thấy Đài Loan và Việt Nam Cộng Hòa bị hy sinh. Mỹ cho rút khỏi Đài Loan các giàn phóng có đầu đạn nguyên tử. Còn Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đã bị tên điếm thúi ngoại giao Kissinger bán đứng bằng hiệp định Paris với những điều khoản thật phi lý. Sau ngày mất nước chúng ta thấy một ông già tiều tụy vừa đi vừa lẩm bẩm: Tổ cha mi thằng Kissinger. Đó là cụ Phạm Văn Nhu, thầy học cũ của tôi ở trường Khải Định, Huế và cũng từng là nghị sĩ Liên Hiệp Pháp và Chủ Tịch Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

        Giáo sư Hùng chỉ nói đúng một phần. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị khai tử nhưng không phải do việc xích lại Hoa Mỹ mà chính bởi cha đẻ của nó là Cộng Sản Bắc Việt. Xin nhắc lại đoạn hồi ký “Memoire d’un Việt Cộng” của Trương Như Tảng, Bộ Trưởng Tư Pháp của cái gọi là chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Khi ngồi trên khán đài xem duyệt binh mừng chiến thắng Miền Nam ngày 2 tháng 5 năm 1975 chờ mãi vẫn không thấy đoàn quân giải phóng bèn hỏi Trường Chinh, Trường Chinh trả lời cộc lốc: Đã được sát nhập rồi.

        Sự ngây thơ của Trương Như Tảng không chỉ có thế. Người ta còn kể là y còn ký sự vụ lệnh cho các nhân viên Bộ Tư Pháp chế độ cũ đi học tập cải tạo nữa.

        - Phần vấn đáp giáo sư Nguyễn Ngọc Huy hỏi những vấn đề chính trị thế giới nóng bỏng vào thời đó. Bà giáo sư Nguyễn Thị Huệ hỏi Pháp văn và một giáo sư nữa (quên tên) hỏi Anh Văn.

        Kỳ thi tuyển gay go. Lúc đầu có 20 người được chọn. Sau vấn đáp chỉ còn lại 10 người trúng tuyển thực thụ trong 400 người dự thi.

        Thành phần giáo sư giảng dạy bao gồm số giáo sư cơ hữu của trường còn có những nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại Giao nữa. Thành phần diễn giả ngoại quốc còn phải kể đến các viên chức sứ quán Mỹ và Thẩm Kế Viện (cour des comptes) Pháp. Tôi được cử làm liên lạc viên giữa Trưởng ban Ngoại Giao là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Bộ Ngoại Giao. Thỉnh thoảng bà giáo sư Huệ còn cử tôi đưa đón các giáo sư khác (professeur-visiter). Chúng tôi quả thật phấn khởi và thích thú lúc đầu. Càng về lâu về dài sự hăm hở bớt dần. Gặp giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, người bạn thân cũ từ thời trường Luật nay trở thành giáo sư trong buổi học đầu tiên anh ta ngạc nhiên: C’est un luxe. Liên tưởng tới cái background của tôi vào lúc đó: Đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ luật, có những connections với Phủ Tổng Thống và các tổ chức đảng phái chính trị. Anh nghĩ xem chỉ cố gắng mài quần trên ghế nhà trường hai năm mà tôi được vào Bộ Ngoại Giao bằng cửa chính với ngạch sứ thần hạng nhì và sẽ có gần 20 năm trong nghề là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Làm gì có chuyện sứ thần? Tham vụ đã là may! Tôi cãi lại: Nghị Định nói rõ mà bạn. Rồi “toi” sẽ thấy. Bọn ngoại giao chúng nó bảo vệ cái lâu đài ấy kỹ lắm. À, mà nếu là sứ thần thật không khéo “moi” cũng bỏ nghề dạy để nhảy vào đó.

        Trong hai năm đi học ấy có quá nhiều biến chuyển về chính trị, quân sự rất bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa. Một anh bạn cùng khóa nói vui: Điệu nầy không khéo chúng mình trình diện bà Nguyễn Thị Bình tới nơi. Bộ Ngoại Giao lại đổi chủ một cách không bình thường. Ngoại trưởng Trần Văn Lắm đắc cử vào Thượng Nghị Viện ra đi, nhường chỗ cho ông Nguyễn Phú Đức đang là Phụ Tá Ngoại Vụ Phủ Tổng Thống. Chỉ sau mấy tháng giáo sư Vương Văn Bắc thay thế ông Đức.

        Nhân viên Bộ Ngoại Giao xem ra không mấy hoan hỷ với viễn tượng từ nay mỗi năm sẽ có thêm 10 người mới vào ngạch trật thấp nhất sẽ là Tham Vụ hạng nhất. Họ đưa ra những ý kiến kỳ thị như là đám ấy ra trường sẽ được gởi về địa phương giúp đỡ các Tỉnh trưởng về giao tế và nghi lễ, hoặc là họ có thể được về Bộ Ngoại Giao nhưng chỉ phục vụ trong nước mà thôi (sédentaire) giống như cách tổ chức Bộ ngoại Giao Nhật Bản. Mặt khác họ cố tình “downplay” sự có mặt của chúng tôi. Mỗi năm chúng tôi phải đi thực tập tại Bộ Ngoại Giao 2 tháng. Ấy vậy mà phải lần thực tập năm thứ hai chúng tôi mới được Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc tiếp kiến với sự hiện diện của tất cả viên chức cao cấp khác của Bộ. Tôi thay mặt anh em đồng khóa đọc diễn văn rất cảm kích gợi lại những kỷ niệm 15 năm trước chính giáo sư cũng tại chỗ nầy số 6 Alexandre De Rhodes (vốn là Học Viện Quốc Gia Hành Chánh trước khi dời về đường Trần Quốc Toản) đã truyền đạt những kiến thức căn bản về các học thuyết chính trị. Giáo sư Bắc tiếp chúng tôi đặc biệt niềm nở và tỏ ý kỳ vọng vào việc đào tạo viên chức ngoại giao của trường Quốc Gia Hành Chánh. Chúng tôi cũng nhắc nhở nhau trong thời gian thực tập hãy nỗ lực làm việc hầu gây ấn tượng tốt. Và cái nhìn của các cấp chỉ huy bộ đã thay đổi, thuận lợi hơn.

        Thế rồi cũng đến ngày ra trường. Lễ tiếp nhận chúng tôi tại Bộ Ngoại Giao đã được tổ chức trang nghiêm trọng thể. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thay mặt trường Quốc Gia Hành Chánh (không còn là Học Viện nữa, một thành tích của Đại tá Quách Huỳnh Hà, Tổng Ủy Trưởng Công Vụ) giới thiệu các tân khoa và nói về cách thức đào tạo sinh viên Cao Học Ban Ngoại Giao. Tưởng cần ghi nhận sự kiện hai giáo sư Bắc và Huy vốn là chỗ thân tình không giấu sự ngưỡng mộ và quý trọng nhau. Bọn tôi rất vui mừng và hy vọng mọi chuyện rồi sẽ suông sẻ. Dịp nầy tôi lại được thay mặt anh chị em đồng khóa đọc diễn văn. Có một chút trục trặc nhỏ. Số là ông Đào Nguyên Lãng, Giám Đốc Trung Tâm Huấn Luyện Bộ Ngoại Giao chắc vốn không mấy hảo cảm với chúng tôi. Có thể là với việc trường QGHC từ nay đào tạo viên chức Bộ Ngoại Giao, vai trò của ông bị xuống cấp chăng. Ông ấy muốn xem trước bài diễn văn của tôi để nếu cần thì kiểm duyệt. Tôi không chịu và ông nhượng bộ. Lời phát biểu của tôi vừa cao ngạo vừa khiêm tốn. Đại để tôi nói rằng chúng tôi được đào tạo thành những cán bộ chứ không phải là công chức ngoại giao với tinh thần dấn thân làm sáng tỏ chính nghĩa quốc gia ở nước ngoài. Kinh nghiệm và kiến thức chúng tôi còn yếu kém cần đến sự dìu dắt chỉ vẻ của các bậc đàn anh.

        Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Quốc Trị mở tiệc tiếp tân giới thiệu chúng tôi với quan khách, đặc biệt có ông Đại sứ Pháp Mereillon, ông Josiah Bennet, sứ thần đại diện cho Đại sứ Martin (chắc đang lúc dầu sôi lửa bỏng) và Ngoại trưởng Vương Văn Bắc. Mọi chuyện dường như tốt đẹp quá phải không các bạn ? Thế nhưng thấy vậy mà chưa phải vậy!

        Nhưng rồi chúng tôi được bổ về Bộ Ngoại Giao vào tháng 1 năm 1975. Chỉ hai tháng sau các bạn đồng khóa thuộc các ban khác được bổ dụng vào các ngạch liên hệ ở trật chỉ số 510 nếu là sinh viên thuần túy và ở trật liền trên nếu là sinh viên gốc công chức. Riêng Bộ Ngoại Giao thì cứ trì hoãn mãi. Họ bị kẹt việc bổ dụng chúng tôi vào ngạch sứ thần và 2 sinh viên công chức khác vào ngạch cố vấn. Các sinh viên thuần túy được chấp nhận bổ dụng vào ngạch Tham Vụ Ngoại Giao hạng nhất. Đó cũng là một sự nhân nhượng lớn đối với họ rồi.

        Tôi đến gặp giáo sư Trị than thở. Ông nhỏ nhẹ nói rắng: Chúng ta đang mở được cánh cửa rồi, các anh chị cứ thong thả đi vào. Bên đó còn có anh Trần Ngọc Diện cũng là anh em hành chánh mình cả, lo gì. Tôi lại chạy đến anh Lê Công Truyền lúc nầy đã là Phụ Tá Tổng Ủy Trưởng Công Vụ. Đường vào nhà anh quá tối tăm khuất nẻo thêm vào mưa như thác. Sau khi nghe trình bày sự việc ở ngoài cổng nhà, anh thản nhiên: Đúng rồi. Anh mới vào nghề mà đòi làm “sứ thần” sao được! Nước mưa ngấm vào người làm tôi thấy lạnh ấy vậy mà không lạnh bằng câu nói của anh. Ô hay nào tôi có đòi làm sứ thần bao giờ. Nghị Định Thủ Tướng quy định như vậy. Thú thật tôi rất bất bình cách trả lời của một người đang nắm giềng mối công vụ.

        Một hôm ông Lưu Tường Quang, Tổng Thư Ký cho gọi tôi lên văn phòng nói chuyện. Sau những câu xã giao, ông đi vào đề về việc bổ dụng những người mới gốc công chức có chỉ số cao hơn 510. Ông nói rằng trong nghề ngoại giao thường người ta hay dùng cách thức thỏa hiệp để thương lượng. Vậy tôi đề nghị bổ dụng anh vào ngạch Tham Vụ hạng nhất sau 3 năm, có nghĩa là chỉ sau một năm làm việc, anh sẽ tự động thăng ngạch Cố Vấn hạng 3. Tôi trả lời: Đúng, trong thương lượng có thỏa hiệp. Nhưng đây là văn kiện pháp quy thì chỉ có thi hành mà thôi.

        Trong lúc chờ đợi, lương bổng của chúng tôi như sau: Chưa có gia đình lãnh khoản 20 ngàn đồng, có gia đình 30 ngàn đồng thua lương chính thức không có phụ cấp chức vụ đến 20 ngàn đồng.

        Tôi chuẩn bị kiện Bộ Ngoại Giao ở Tham Chính Viện thì biến cố 30 tháng 4 xảy đến. nước mất tất cả sá chi cái ngạch trật. Khi vào tù, một anh Giám Đốc Nha cũ nói  tùy theo kinh nghiệm và để an ủi hay thật lòng với tôi: Việc Bộ không bổ dụng anh vào đúng ngạch trật không thể giải thích được. Đáng lẽ cứ xếp anh vào ngạch sứ thần nhưng cử anh vào chức vụ tùy theo kinh nghiệm và khả năng. Trong tù tôi khá gần gũi với giáo sư Nguyễn Duy Xuân. Hẳn các bạn khóa 7 còn nhớ giáo sư lái Floride Sport dáng dấp rất hào hoa dạy chúng ta môn kinh tế thế giới. Thế mà những năm trong tù bệnh hoạn đã lấy đi nét tinh anh của thầy. Có lần thầy nói với tôi: Nầy anh Phước, tôi nghĩ anh sẽ được về trước tôi. Nếu vượt thoát tới Mỹ, anh cố theo lại nghề ngoại giao. Hãy tìm đến trường Fletcher thuộc Đại Học Tuffs chuyên dạy về ngoại giao. Tôi tin anh có thể thự hiện được lòng mong mỏi của tôi vì anh hiếu học và có khả năng. Tôi cảm kích những khích lệ của thầy nhưng trong thâm tâm tôi thấy chuyện đó chẳng khác chi nằm mơ giữa ban ngày. Tù đến năm thứ 10 rồi còn biết ngày nào ra. Ra rồi thì làm sao mà đi ? Mà đi thì liệu có thoát nổi không ? Và rồi nếu có tới nước Mỹ đi nữa thì trình độ của mình làm sao với tới cương vị của một nhà ngoại giao đại diện cho Hoa Kỳ tại hải ngoại.

        Tôi được tin thầy Xuân mất trong tù khi vừa tới đất Mỹ. Rất tiếc là tôi không có dịp báo cho thầy vui là tình cờ tôi đã được vào Bộ Ngoại Giao Mỹ! Số là khi tốt nghiệp Cao Học Công Tác Xã Hội (Master of Social Work) tôi được tuyển dụng bởi cơ quan ICMC/JVA làm việc tại trại tị nạn ở Phi Luật Tân. Cơ quan ICMC/JVA là một cơ quan kết ước với State Department. Cấp chỉ huy tối cao của tôi là Đại Sứ Mỹ ở Manila. Tôi được cấp thẻ công vụ như là một “special case worker” của Tòa Đại Sứ Mỹ. Trong ID ảnh của tôi có background lá cờ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tôi được lui tới chỗ giải trí của ngoại giao đoàn. Tôi được mua hàng PX (vì là cháu ngoại nên chỉ giới hạng vào thức ăn, mỹ phẩm, sách báo). Và quan trọng hơn hết là được những nụ cười tươi mời mọc bởi các kiều nữ Maní chen chúc bao quanh Tòa Đại Sứ hàng ngày bất kể thời tiết với hy vọng lọt mắt xanh của một chàng trai Mỹ gốc xoài, mít, hay ổi.

        Tôi cứ kể như cái duyên ngoại giao cũng không đến nỗi triệt buột. Ấy vậy quên thì thôi, còn nhớ lại cái chuyện sứ thần của 30 năm trước thì vẫn còn… ấm ức… cả đời.

        Bạn nào đọc xong bài viết nầy xin gọi cho tôi ở số (209) 957.2665 hoặc để chửi tôi: Lẩm cẩm quá mầy ơi, Kissinger nó bán đứng Miền Nam một cách tức tưởi mà mầy không ấm ức hay sao ?  Hoặc để chia xẻ nỗi ấm ức với tôi: Đến thời mạt vận rồi, nên áp dụng luật lệ tùy tiện như vậy đó. À dù sao so với luật rừng của Cộng Sản vẫn còn khá hơn nhiều. Thái độ nào của các bạn tôi cũng hoan nghênh cả.

Nguyễn Văn Phước 
CH8-ĐS7

Friday, July 17, 2020

QUẬN HẢI NINH
TỈNH BÌNH THUÂN

QUẬN NĂM CĂN
TỈNH AN XUYÊN
1962

Sunday, June 21, 2020

Chợ Cá Trần Quốc Toản - Sài gòn 
 (Hình chụp năm 1964)


Saturday, June 20, 2020

TÒA HÀNH CHÁNH TỈNH KIÊN GIANG