Saturday, July 13, 2024

 


Buổi chiều ở thị trấn Sông Pha
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Thị trấn Sông Pha với hai dãy phố trên quốc lộ 20 như chìm ngập trong mưa. Người đàn ông lom khom chạy, tay che đầu, cổ rụt xuống, tưởng như thế mưa sẽ không đổ xuống người. Khi đến một quán ăn, ông ta tạt vào hiên, đứng giũ giũ áo, phủi nước trên tóc rồi mới bước hẳn vào trong. Một cái quán bình thường, giống như bất cứ quán cơm, phở, mì nào trên quốc lộ, tỉnh lộ. Cũng mái tole, vách ván, vài cái bàn gỗ mộc, trên để ống đũa, muỗng, mấy chai xì dầu, nước mắm… vài con ruồi bay lãng vãng. Mùi ẩm mốc, mùi đất lẫn với mùi thức ăn gợi cho ông ta cảm giác dễ chịu, tưởng như quen thuộc với nơi này rất lâu.
Trong quán đã có vài ba người đang xì xụp ăn, mấy ly bia đã cạn. Có lẽ họ là thợ rừng vì bên lề đường có một xe be chở mấy súc gỗ to tướng, dài cỡ vài chục mét. Họ vừa ăn vừa nói chuyện nhát gừng với nhau. Người đàn ông tìm một góc, ngồi tránh gió lùa. Qua khung cửa sổ ông ta nhìn đăm đăm cái dốc cầu lở lói, rồi nghiêng người nhìn cho rõ cái cầu sắt, đen đủi, giống một con thú yên lặng chịu đựng cơn mưa lạnh. Mấy người đàn ông ăn xong, kêu lên: “Tính tiền, bà chủ!”. Một chị đàn bà, cỡ dưới bốn mươi, từ sau quày đi ra. Họ đối đáp, cười nói xã giao vài câu trong lúc trả tiền, rồi toán đàn ông cũng lom khom chạy ra xe, nổ máy. Chiếc xe be ì ạch leo lên dốc cầu, chậm chạp như con khủng long trườn qua dòng nước chảy xiết phía dưới, mờ dần trong mưa.
Có tiếng lao xao ngoài đường. Mấy tóan học sinh đi học về. Chúng đi từng bọn với nhau, trò chuyện. Những chiếc áo mưa đủ màu. Bọn con gái đi nép dưới hiên nhà, bọn con trai thì lội ngược dòng nước mưa, dung chân tạt nước vào nhau, đuổi nhau… Buổi chiều mưa u ám bỗng như sống động hẳn lên vì lũ học sinh. Người đàn ông chợt nhớ lại, lần trước, cách đây vài mươi năm, ông cũng ngồi trong quán ăn nhìn ra đường và bọn học trò cũng đi học về. Cảnh vật, nhà cửa hai bên đường đã hoàn toàn đổi khác nhưng chiếc cầu sắt và lũ học trò vẫn thế. Và nếu không có cơn mưa, ông đã đứng trên dốc cầu ngắm các cô đi học về rồi lần xuống bờ sông, nhìn mê mãi dòng nước như ông đã làm trước đây, khi ông còn trai trẻ.
“Thưa ông dùng chi ?”
Chị chủ quán đứng bên ông tự lúc nào “Xin lỗi chị !..”
“Dạ không sao. Ông có định ăn hay uống món gì ? Hay ông chỉ ngồi trú mưa, cũng không sao !”
“Chị có cháo lòng không ? Tôi nhớ lần trước, có ghé lại một quán ăn nào đó, hình như đằng kia kìa, có món cháo lòng ngon lắm”
“Dạ tôi cũng có cháo long nhưng có lẽ không ngon như ở cái quán mà trước đây ông đã ăn”
“Thú thật tôi cũng không nhớ có ngon không, nhưng ở đó có một kỷ niệm nên tất cả thành ra đẹp và ngon. Lúc nãy tôi đi tìm quán cháo lòng thì người ta chỉ đến đây. Bây giờ sao không còn thấy quán đó nữa, chị ?”
“Dạ, quán đó đã đóng cửa, bán nhà cho người khác rồi “
“Tiếc quá ! Chị cho tô cháo”. Trong lúc chị chủ quán lúi húi làm việc, ông ta để ý mới biết phía trước là quán ăn, phía sau làm nơi cư ngụ của cả gia đình. Lối đi vô nhà sau nằm ngay nơi bếp, cách biệt hẳn hai nơi rõ rệt.
Một cô học trò chạy ùa vào nhà. “Thưa mẹ, con đi học về !” Nó xoay qua chào ông khách “Chào bác ạ !” “Vâng chào cháu !” Nó chào xong là biến mất sau cửa.
“Hùng ơi ! Nhớ nấu cơm kẻo ba con về không kịp”. Tiếng con bé sau nhà vọng ra “Sao giờ này ba chưa về, mẹ ?”
“Nghe ba con nói chiều nay ghé trường đón em con rồi ra xưởng họp hành gì đó”. Chị chủ quán bưng tô cháo đến, ông ta hỏi. “Con gái sao đặt tên Hùng như con trai ?” Chị cười “Ở trường nó tên Hồng, ở nhà quen gọi Hùng từ lúc nhỏ, Chúng tôi cắt tóc ngắn, cho mặc đồ con trai, chúng tôi thích con trai…”
“Tôi thấy tên Hùng đặt cho con gái có vẻ hợp lý. Nhiều ông tên Hùng mà chẳng có vẻ hùng dũng gì cả như tôi chẳng hạn”.
Chị chủ quán đặt tô cháo trên bàn, không trả lời, chỉ liếc nhìn ông khách, xong chị quay về ngồi sau quầy, khuất sau mấy bó hành xanh, ớt chín đỏ treo tòn teng như những vật trang trí. Người đàn ông thong thả nhai những miếng thịt, miếng gan, mắt vẫn lơ đãng nhìn ra đường mưa. Chị chủ quán chăm chú nhìn ông khách ăn, rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị lấy trái chanh, xắt mấy miếng, đặt trên cái đĩa nhỏ đem ra:
“Tôi quên mang chanh. Ông có uống gì không ? Nước ngọt hay bia?”
“Chị cho tôi xin trà nóng. Trời mưa uống trà thích lắm”.
“Dạ ông chờ cho chút. Tôi có sau nhà, trà cho khách uống không được ngon.”
“Cám ơn chị. Có lẽ tôi là khách đặt biệt mới được chị đãi trà ngon.”
“Dạ tôi đoán ông sành uống trà nên phải có trà thơm cho ông. Thường ngày khách chỉ uống cà phê, trà buổi sáng. Họ ngồi chuyện trò cả buổi nên chỉ dùng trà thường.”
Chị chủ trở về ngồi chỗ cũ. Cô gái sau nhà đi ra, âu yếm ôm vai mẹ. Hai mẹ con chuyện trò nho nhỏ gì đấy. Ông khách nhìn và cười.
“Ra đường người ta tưởng là hai chị em, giống nhau quá!”. Chị chủ quán cũng cười.
“Nó lớn rồi, lên trung học mà cứ làm nũng với mẹ như con nít”. Chị nói với con gái.
“Nước sôi rồi, con lấy hộp trà trên bàn thờ ra đây cho mẹ. Xong rồi lo học bài, làm bài. Theo mẹ hoài, bác khách cười cho”.
Ông khách không dám nhìn lâu, sợ bất nhã, nhưng cũng nhìn ra chị chủ quán có đôi mắt đẹp và buồn xa xăm như đăm chiêu về một nơi nào. Bỗng ông nhíu mày lại, đôi mắt đó, hình như ông đã gặp ở đâu? Ông ngước nhìn chị, bắt gặp chị ta cũng đang nhìn ông. Cả hai có vẻ bối rối. Ông đành hỏi một câu cho bớt ngượng:
“Chị lập quán này lâu chưa?”
“Dạ sau giải phóng độ vài năm”.
“Chắc chị người vùng này? Tôi nhớ lần trước có thấy đâu đó mấy chữ Thị Trấn Sông Pha, hình như lúc vừa từ đèo đổ xuống. Chữ lớn lắm”.
“Nó còn đấy chứ, có lẽ trời mưa nên ông không thấy”. Chị chủ quán bưng bình trà và một cái tách trên một khay nhỏ.
“Mời ông dùng trà”
“Cám ơn chị. Buôn bán có khá không chị?”
“Dạ cũng đủ sống. Mọi khi trời không mưa giờ này cũng có khách lai rai đến nhậu.”
“Chị cho tính tiền”
Sau khi trả tiền, ông khách nhìn ra đường:
“Mưa lớn quá!”
“Mọi năm tháng này đâu có mưa. Hôm qua trời còn nắng và cũng không lạnh”. Và như hiểu ý, chị nói: “Trời còn mưa, nếu không vội, ông cứ ngồi đây tự nhiên”
“Cám ơn chị, tôi định đi lanh quanh đây nhưng mưa quá!”
“Có lẽ ông muốn tìm ai?”
“Tôi tìm một người quen. Thú thật, tôi chỉ nhớ tên, không nhớ rõ người, lâu quá!”
“Chắc ông biết nhà?”
“Thì cái quán đằng kia, nhưng đã đổi chủ rồi nên tôi chỉ đi lang thang cho đỡ buồn. Nói đúng ra tôi tìm một kỷ niệm. Mà chị biết, kỷ niệm thì người thích thì giữ, người không thích không muốn nhớ đến. Nhiều khi chuyện không đâu, không có gì đáng nhớ, lại nhớ suốt đời…”
Chị chủ quán về lại sau quày, có vẻ tò mò.
“Người quen mà mình quên mặt! Thế làm sao ông tìm?”
“Giả như có tìm ra người, chắc gì người nhớ ra mình. Lâu quá! Cỡ vài mươi năm, cho nên tôi tìm cho biết thôi. Tôi nói thế này, chắc chị thông cảm với tôi liền. Bây giờ tình cờ chị tìm thấy quyển vở, quyển sách thời còn đi học, hay rõ hơn, chị đọc lại quyển lưu bút chẳng hạn, chị sẽ bồi hồi nhớ lại tất cả, thương yêu tất cả. Mà những người bạn trước kia, nay đã khác rồi, từ gương mặt đến tâm hồn, suy nghĩ, cho nên trong những giây phút hồi tưởng đó, cách tốt nhất là chị đến trường cũ đứng nhìn, chị sẽ thấy lại cả quãng đời thanh xuân với bạn bè ngày trước… Nghĩa là nó ở một thế giới khác, cách biệt hẳn với hiện tại. Tôi cũng thế, tôi muốn đến đấy, ngồi lại cái quán ăn cách đây mấy chục năm, gọi một tô cháo, ăn xong, lang thang trên đường này, đứng ở dốc cầu kia, ngắm mấy cô nữ sinh đi học về, rồi xuống dưới bờ nhìn dòng sông. Cũng may, con đường còn nguyên, cây cầu còn nguyên, dòng nước thì vẫn thế, chỉ có cái quán ăn không còn mà thôi. Cái lạ là người tôi muốn tìm, tôi cũng ước ao cô ta vẫn chỉ độ mười sáu, mười bảy tuổi thôi. Không phải cho tôi bây giờ, mà để tôi tìm thấy tôi lần đầu tiên trong đời được cô ta ban cho cái hạnh phúc đẹp đẽ, thánh thiện của tình yêu. Cho nên tôi nói với chị là tôi đi tìm dĩ vãng, tìm người cũng có, nhưng lại không muốn gặp người” Ông khách nói một hơi như sợ không còn dịp để thổ lộ ý nghĩ mình. Chị chủ quán có vẻ thông cảm. “Coi bộ ông cũng lãng mạng dữ. Nhưng, giả dụ, nay, ông gặp lại người cũ, dĩ nhiên bây giờ già rồi, xấu rồi, ông còn giữ tình cảm, đúng ra, tình yêu đối với người đó không?”
“Chị với tôi đều lớn tuổi rồi nên tôi nói chị sẽ hiểu ngay. Tình yêu lúc đầu là dáng người, ánh mắt, miệng cười, lời nói…Rồi theo thời gian nó không là hình bóng nữa mà là sự cảm thông, chấp nhận, hòa tan vào nhau. Ý tôi muốn nói ở đây là dù cô ta có thế nào tôi vẫn cứ yêu thương. Tôi yêu cái tình mà tôi tin rằng cô ta yêu tôi, yêu cả tình tôi yêu cô ta nữa. Thật khó giải thích! Nhưng chị nhớ một bài thơ của ông Phan Khôi có câu “Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi.” Qua bao năm dài, nó còn lại là tấm lòng, chứ không phải vì tuổi tác hay sắc diện bề ngoài.”
Bàn của ông khách cách quày của chị chủ quán độ năm mét, nhưng tiếng mưa rơi rào rào trên mái tole, ông khách sợ người nghe không rõ, không thông cảm nên ông nói lớn tiếng. Chị chủ quán có vẻ bối rối, nhìn ra đường rồi chị lại cúi xuống lấy ấm nước đến rót vào bình trà cho ông khách. “Ông bảo đi tìm người ta mà lại không muốn gặp, vậy ông đến đây làm gì ?… Để tôi bỏ thêm ít trà nữa”. “Cám ơn chị. Thật tâm tôi muốn gặp nhưng sợ người ta quên nên không dám đối diện. Mà dù có còn nhớ, tôi cũng không nên xáo trộn cuộc sống của người ta. Chắc chắn cô ta đã lập gia đình, có con cái, sống với hạnh phúc bình thường của một người bình thường”.
Chị chủ quán đi lấy hộp trà, mở ra, nghiêng đổ một ít vào lòng bàn tay rồi mở nắp bình trà cẩn thận bỏ vào. Ông khách ngước nhìn chị, hai khuôn mặt gần sát nhau, ông thấy rõ đôi mắt đen chăm chú vào bình trà, chiếc mũi thon, hơi hếch lên vẽ nghịch ngợm, miệng mím lại nửa như làm nghiêm, nửa như cười, gò má hồng da mịn. Ông nghe cả hơi thở nặng nề từ đồi ngực căng phập phồng sức sống của tuổi sung mãn. Ông nói nhỏ “Cám ơn chị, trà thơm quá! Vị đậm và có hậu.” Chị chủ vẫn cúi xuống, lắc nhẹ bình trà. “Ông chờ một lát cho trà ngấm.
Trà Blao ướp ngâu, chúng tôi thường uống trà này, quen rồi.” Chị quay về quày. “Nghe ông kể tôi cũng tò mò muốn biết câu chuyện ra sao và tên của người hân hạnh được ông nhớ mãi suốt mấy mươi năm. Tôi sẽ cố tìm giúp ông, biết đâu tôi sẽ tìm thấy, tôi là người ở địa phương này.” “Lúc nãy chị nói tôi lãng mạn, có lẽ đúng. Chuyện chẳng có gì, với người khác, không đáng để nhớ; nhưng với tôi lại là một biến cố lớn trong đời.
Đại khái như thế này: năm đó tôi học đại học, sắp ra trường, ở Sài Gòn. Trong dịp tôi theo mấy người anh họ đi dự đám cưới của một người bà con trên Đà lạt, lúc quay về chúng tôi đồng ý sẽ ghé Nha Trang chơi. Tôi nhớ đó là lần đầu tôi thea quốc lộ 20 nên tất cả đều mới lạ và đẹp. Đèo Ngoạn Mục, Đa Nhim, Sông Pha…Lúc vừa vào thị trấn Sông Pha thì xe bị trục trặc, người lái xe bảo phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ để người phụ tài đi mua phụ tùng về thay. Chúng tôi rủ nhau vào quán đằng kia.
Trong khi các người anh nhậu nhẹt, tôi chỉ kêu một tô cháo lòng. Cô con gái của chủ quán đem cháo ra. Tôi đoán thế vì tôi thấy cô đi học về, vào nhà thay đồ rồi ra phụ với gia đình ngay. Cô trông rất có duyên và vui. Bây giờ gặp lại có lẽ tôi không nhận ra, chỉ còn ấn tượng là cô có đôi mắt đẹp, đen nhánh như cười, môi hồng tự nhiên. Tôi bảo cô: “Anh đi chiếc xe đó kia kìa, nó bị hư phải sửa, ít nhất là vài tiếng nữa. Anh ra dốc cầu kia đứng chơi, khi nào xe đó sửa xong, em bảo họ chờ một lát và cho người ra kêu anh được không?” “Được chứ, nhưng kêu anh, anh sẽ thưởng gì?” “Nếu là người phụ việc ở đây, anh sẽ biếu ít tiền cám ơn.” “Nếu em gọi?” Tôi đùa: “Nếu là em, anh sẽ tặng em quả tim của anh, để em nấu cháo, khách sẽ khen ngon.” Cô le lưỡi: “Anh nói nghe mà ghê!”
Tính tôi vẫn thế, đến chỗ lạ là thích lang thang, nghiêng ngó cảnh vật, đường sá, nhất là nơi nào có chiếc cầu bắc qua sông là tôi có thể đứng ngắm nhà cửa bên kia bờ, ngắm dòng nước cả giờ không chán. Tôi nhớ rất rõ, khi tôi đứng dưới dốc cầu, mặt trời lặn sau dãy rừng cây âm u phía xa, màu mây trời làm đỏ rực mặt sông, tiếng chim về tổ gọi nhau…
Chị có ra đó đứng ngắm cảnh chiều tà lần nào chưa? Đẹp lắm! Vẻ êm đềm của thị trấn yên tĩnh, hiền hòa này cứ ở mãi trong trí tôi, biến thành ước ao ngày nào được về đây sống, và mỗi buổi chiều ra ngắm dòng sông…Trong lúc đang mơ màng thì tôi nghe tiếng kêu: “Anh đi về lẹ lên, xe sắp chạy rồi.” Tôi ngẩng lên thấy cô học trò, con chủ quán, vừa chạy trên bờ vừa kêu. Cái bờ sông tuy không cao lắm, nhưng có cỏ, nên cô bị trượt chân, gượng lại không được, cứ chạy chúi nhủi xuống phía tôi. Tôi giữ được tay cô nhưng cô cũng ngã nhào vào người tôi, khiến tôi cũng suýt ngã theo. Đôi mắt cô ngước nhìn tôi sáng long lanh. Cô mắc cỡ nên má cô hồng. Tóc cô dài và đen, vướng đầy cánh tay tôi. Không hiểu sao tôi lại đủ can đảm hôn lên môi cô, chỉ hôn phớt thôi. Môi cô mềm, hơi thở cô thơm như của trẻ thơ. Đó là nụ hôn khiến tôi rung động, hạnh phúc nhất trong đời. Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn cảm tưởng như mới đây. Cô đẩy tôi ra, lùi lại, nhìn sững tôi rồi cô cười và nói: “Chạy tìm anh bắt mệt!” Tôi nói “Cám ơn em”. Có lẽ cô bị xúc động nên cứ lúng túng không lên được bờ dốc. Tôi nắm tay cô kéo đi. “Anh tên Hùng, em tên gì?” “Phúc Lan”. “Anh sẽ trở lại thăm em.”Lên khỏi bờ sông, cô gỡ tay tôi ra và chạy trước. Cô mới lớn, hơi cao và ốm nhưng dáng đi đã uyển chuyển, tóc cô bay trong gió…”
Chị chủ quán bỗng kêu lên: “Thôi chết, trời mưa mà tôi quên đậy mớ củi, ướt hết.” Chị để đầu trần chạy ra cửa, vòng qua sau hè. Người đàn ông không quan tâm, rót nước trà uống, ông ta như muốn kể cho riêng mình nghe. Một lát, chị quay vào, cởi áo mưa treo trước hiên. Đầu tóc, mặt mũi ướt đẫm nước mưa. Chị phân bua: “Mưa lớn quá, ướt hết cả”. Chị ra sau quày, lấy khăn xoa đầu tóc, lau mặt, rồi hỉ mũi suỵt suỵt.
Người đàn ông kêu lên: “Chị bị cảm rồi đó!” “Cám ơn, tôi sẽ uống thuốc. Ông kể tới đâu rồi. Xin lỗi, tôi vội quá” “Chuyện đến đó là hết, chẳng có gì hay ho.” “Ông hứa trở lại rồi ông có trở lại không?” “Thú thật, đôi khi tôi cũng quên bẵng đi. Chẳng phải tôi có người yêu khác, mà cuộc đời cứ bắt đầu óc mình quay cuồng với bao chuyện rắc rối, khi nhớ đến cô bé đó thì lại tự hẹn mình chờ dịp thuận tiện. Rồi vụ đổi đời năm 75, tôi không thể đi đâu được. Bây giờ tôi ở xa lắm. Hơn nửa đời người, bao nhiêu biến chuyển, chỉ còn đọng lại trong tâm hồn tôi kỷ niệm nhỏ bé với cô Phúc Lan và buổi chiều Sông Pha năm nào.
Tôi nhớ người cũ, cảnh cũ lắm mới tìm về đây. Tôi thấy thích ở đây, ở đến già đến chết cũng được.” Chị chủ quán cười: “Nếu ông về đây, hễ đến quán này, tôi tính nửa giá thôi. Nhưng bây giờ ông định làm gì, có muốn gặp lại cô bé ngày xưa không? Theo ông kể, có lẽ tuổi cô ta cũng cỡ tôi, cũng đi học cùng trường với tôi, nhưng sao nghe cái tên lạ quá. Để tôi giúp ông, tôi sẽ hỏi các bạn tôi ở đây, dù cô ta có đi nơi khác cũng còn bà con, bạn bè biết cô ta. Nhưng hỏi ra thì báo cho ông cách nào. Ông có địa chỉ không? Ông có muốn nhắn gì với cô ta không?” “Ý kiến chị vậy mà hay. Tôi chỉ cần biết cô ta ở đâu để có dịp tôi chỉ đến nhìn thôi, chứ không gặp. E cô ta đã quên tôi rồi! Lại nữa, tôi không muốn xáo trộn cuộc sống của cô ta. Tôi là kẻ ngoại cuộc rồi.”
“Ông cứ cho tôi địa chỉ, khi tìm ra tôi sẽ báo cho ông.” Rồi chị cười “Tôi cũng bắt chước cô bé ngày xưa của ông, hỏi ông, nếu tìm ra cô ta, ông sẽ thưởng gì cho tôi? Tôi cũng không cần tiền, không cần quả tim của ông”. “Chà khó hè! Thôi thì như chị nói, tôi sẽ đến quán này hàng ngày, suốt quảng đời còn lại của tôi.” “Đùa với ông thôi, bây giờ ông cho tôi địa chỉ, nhưng bà xã của ông nổi ghen thì không phải lỗi của tôi đâu nghe.”
“Tôi chẳng có gia đình. Tôi đã là thanh niên râu rồi, lỡ thì rồi. Chị có giấy cho tôi xin một tờ, cây viết nữa”. Chị chủ quán gọi lớn “Hùng ơi, đem cho mẹ cây viết và tờ giấy.” Cô bé chạy ra. “Con đem cho bác đàng kia”. Chị chủ quán nhìn con gái và ông khách, ngạc nhiên thấy hao hao như hai cha con.
Ông khách hỏi ý kiến chị chủ quán: “Có lẽ tôi nên viết mấy dòng cho cô ta để nhắc lại chuyện cũ xem cô có nhớ ra không. Tôi nên gọi cô ta là chị, bà hay là cô?” “Tôi thấy ông nên viết là bà, hợp lý hơn.” “Phải rồi, gọi là bà đứng đắn hơn. Rủi người ta không nhớ ra mình cũng không bảo rằng mình thiếu lịch sự”. Người đàn ông ngồi nép vào vách để tránh bụi mưa, chống cằm suy nghĩ một lúc rồi cắm cúi viết. Được độ nửa trang ông đọc lại rồi đem đến cho chị chủ quán: “Chị xem tôi viết thế này có được không?”
“Kính gửi bà Phúc Lan,
Tôi tên Hùng, cách đây gần hai mươi năm, tôi là người khách đến quán của gia đình bà ăn tô cháo. Xong, tôi ra bờ sông ngắm cảnh trong lúc chờ xe bị hỏng phải sửa chữa. Bà có ra gọi tôi vì xe đã sửa xong, tôi được biết tên bà là Phúc Lan. Tuy chỉ có thế nhưng tôi vẫn nhớ đến bà mãi. Hôm nay tôi ghé lại Sông Pha thì quán của gia đình bà không còn nữa! Tôi chỉ mong được biết tin về bà bây giờ ra sao? Bà chắc đã có gia đình, tôi thì cũng lớn tuổi rồi, không còn như ngày xưa! Thế nên tôi chỉ ước mong bà xem tôi như một người bạn nếu bà còn nhớ ra tôi. Còn như bà đã quên bẵng tôi thì tôi xin lỗi bà về những dòng chữ vô duyên này. Tôi đã kể hết cho chị chủ quán, người đưa mảnh giấy này, nếu tò mò, xin bà cứ hỏi chị ta. Kính chúc bà và ông nhà và các cháu khang an, vạn sự như ý. Kính thư. Hùng”
Chị chủ quán đọc xong. “Ông viết thế này đủ rồi, nếu cô ta có hỏi gì về ông, tôi sẽ kể lại như ông đã kể cho tôi nghe”. “Cám ơn chị. Tiếc quá, hôm nay trời mưa, tôi không thể đi lòng vòng thị trấn này”. “Ở đây buồn lắm, trời mưa lại càng buồn hơn. Ông từng đi đây đi đó… mà lại thích ở đây cũng lạ! Nếu ông chờ, hy vọng ngày mai mưa sẽ tạnh”. “Sáng sớm tôi phải đi rồi. Chào chị!” Nói xong ông ta lại xòe tay che đầu, rụt cổ lại đi nép vào hàng hiên. Chị chủ quán ngồi nhìn theo ông ta cho đến khi đi khuất. Chị bần thần đọc lại lá thư rồi xé ném vào bếp lửa, chỉ giữ lại cái địa chỉ.
Sông Pha, ngày… tháng… năm…
“Anh thân yêu,
“Buổi chiều, lúc anh rời quán, em muốn chạy theo kêu anh, cho anh rõ rằng người anh muốn tìm là em, nhưng không hiểu sao, em chỉ biết ngồi chết lặng. Tối đó, em cứ thao thức mãi. Tưởng tượng anh đang ở trong quán trọ đằng kia, ngay tại Sông Pha này… Anh gần đó mà sao em thấy xa vời quá! Tình yêu của em, ước mơ của em, hạnh phúc của em… em tưởng là tuyệt vọng, bây giờ đã hiện ra, nhưng em không còn quyền quyết định nữa!
“Và giờ đây, em đang khóc khi viết cho anh. Khóc vì mừng và giận anh. Sao anh hẹn mà không trở lại? Chỉ một cái trượt chân định mệnh, em ngã vào vòng tay anh, em gỡ tay anh ra nhưng em không gỡ được linh hồn em, cuộc đời em ra khỏi anh. Đã bao buổi chiều em ra ngồi ở dốc cầu, âm thầm khóc vì nhớ anh. Em tưởng như anh còn đứng đấy. Dáng anh cao, mắt anh sáng, miệng tươi cười với em. Vì lời hứa của anh mà em hy vọng mãi. Nghe tiếng xe đò ngừng trước đường là em hồi hộp, thầm nhủ rằng anh đang xuống xe và đến với em. Chỗ anh ngồi trong quán, không lúc nào là em không nhìn chừng. Em yêu thương cả đến chỗ ngồi của anh! Và tên anh, nghe người ta gọi nhau, em cũng rung động, nhớ anh.
“Với tuổi thơ ngây, em chỉ cầu mong được gặp anh, nhìn anh, chuyện trò cùng anh, thế thôi. Đến khi trưởng thành, nụ hôn của anh, vòng tay anh thành ước mơ được anh ấp ủ, được quấn quít bên anh.
“Khi quyết định lấy chồng, em cũng ra dốc cầu ngồi khóc đến sưng cả mắt mà chẳng biết tâm sự với ai. Em chỉ biết kêu lên với dòng sông, với gió chiều: “Xin hẹn anh kiếp sau” tưởng như gió sẽ đưa lời của em đến với anh. Nhưng biết anh nơi đâu? Chiều nay em cũng lại ra đấy, đứng nhìn dòng sông, lòng em vui khi anh đã quay lại nhưng không khỏi ngậm ngùi vì những ước mơ chẳng còn gì. Em cũng đành thì thầm với dòng sông, với gió chiều: “Xin hẹn anh kiếp sau”. Anh bảo rằng đã quên em, chỉ nhớ đôi mắt em rất vui, rất đẹp. Bây giờ đôi mắt không còn vui, cũng chẳng còn đẹp đến độ anh đã gặp mà không nhận ra em! Em thì giây phút đầu đã biết ngay là anh, nhưng không hiểu anh có còn nghĩ đến em không? Đến khi nghe anh kể lại, khi anh nhắc đến tên anh, tên em, em phải chạy ra ngoài mưa đứng khóc vì xúc động và để khỏi mềm lòng ngã vào tay anh. Yêu anh, nhớ anh đã là một hạnh phúc. Được biết anh cũng nhớ đến em, hạnh phúc và lòng biết ơn anh tràn ngập lòng em. Bao nhiêu năm rồi, nụ hôn của anh, có bao giờ em quên! Dù sao cũng là một an ủi cho em, không bỏ công em lập quán bên đường để chờ anh. Đứa con gái đầu lòng, em đặt tên anh để mỗi ngày gọi anh cho đỡ nhớ, và em cũng không ngờ nó lại phảng phất giống anh… Từ hôm nay em lại nhìn chừng về phía bàn anh ngồi, lại hy vọng. Anh vẫn thế, nhưng em đã thay đổi. Em đã có chồng, có con. Em thương chồng, thương con. Em có một gia đình bình thường, một hạnh phúc bình thường như anh đã bảo. Lý trí em thì nghe theo lời anh, “Không muốn xáo trộn cuộc sống của em”. Nhưng tự tim em, tự tâm hồn em, cứ mong ngóng được gặp lại anh hàng ngày.
“Hay là thế này. Chúng ta thỏa thuận, cứ vào gần cuối mùa xuân, mỗi năm anh về thăm em một lần, cũng vào buổi chiều như hôm trước. Anh như khách lạ ghé vào quán của em. Anh đừng chuyện trò, hỏi han gì em. Anh cứ ngồi đấy, để em được nhìn thấy anh trong chốc lát, là ban cho em hạnh phúc tuyệt vời rồi. Xin anh đừng liên lạc gì với em cả. Em không ghi địa chỉ của em là vì thế.
“Em van anh, đừng thực hiện ý định về sống suốt đời ở thị trấn này. Dốc cầu còn đó, dòng sông còn đó, ánh nắng chiều vẫn vậy. Nếu anh về ở hẳn nơi đây, mỗi chiều anh ra đứng đấy thì cái thảm cỏ kia sẽ làm trượt chân em. Lần này, em biết, sẽ không gỡ tay anh ra được nữa”
Phạm Thành Châu
Đọc thêm:
Phê Bình Văn Học

Friday, July 12, 2024

吳 氏 行

高 堂 遠 夢 側 雕 靈
昨 別 昇 花 萬 里 程
一 束 玫 瑰 花 在 墓
厭 厭 些 調 曲 離 情

 

Ngô Thị Hạnh

Cao đường viễn mộng trắc điêu linh
Tạc biệt Thăng Hoa vạn lý trình
Nhất thúc mai côi hoa tại mộ
Yêm yêm ta điệu khúc ly tình.

 
Một thời chinh chiến điêu linh
Khúc quanh định mệnh Thăng Bình từ đây
Gửi Em hoa viếng mộ này
Hắt hiu nhớ lại những ngày xưa kia.
2010

*


蝶 戀 花


說 落 兮 歌 蝶 戀 花

蝶 花 好 永 兩 相 沙

茫 茫 遠 見 僚 揚 里 

鬱 淚 淒 徘 蝶 離 花


Điệp luyến hoa
 
Duyệt lạc hề ca điệp luyến hoa
Điệp hoa hảo vĩnh lưỡng tương sa
Mang mang viễn kiến Liêu Dương lý
Uất lệ thê bồi điệp ly hoa.
 
Vui thay khúc hát ân tình
Đẹp thay là bướm quyện mình dưới hoa
Liêu Dương ngàn dặm cách xa
Nhớ Kiều xin tiếp khúc ca đoạn trường.
2005 

Trương Thúy Hậu

Nghe nhạc: 


Saturday, July 6, 2024


寄 請 

白 髮 回 鄉 多 故 事
茫 茫 天 地 酒 將 行
皇 家 祖 宅 挑 孤 旅
 淚 酒 縱 橫 慮 不 思



Ký Thỉnh,

Bạch phát hồi hương đa cố sự

Mang mang thiên địa tửu tương hành

Hoàng gia tổ trạch khiêu cô lữ

Tửu lệ tung hoành lự bất tư .


Gửi Thỉnh 

(nhân Bạn về Quảng Trị)


Tóc bạc về quê ôm chuyện cũ,

Mênh mang trời đất rượu thương tình

Hoàng gia đất tổ trêu thằng nhỏ

Nước mắt hòa cùng rượu xót xa.


Hoàng Dung

June,2024


PS. Hình trên: Hoàng Gia Độ(Thỉnh), người làng Gia Độ, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Wednesday, July 3, 2024

 


Y PHẤN TẢO

Y (衣): áo
Phấn (拚): vải rách vứt bỏ
Tảo (璪): khâu vá

Y phấn tảo: 衣拚璪 : Rag-robe, patchwork robe
Y phấn tảo là áo từ các mảnh vải rách vứt bỏ. khâu vá lại để mặc, nói lên ý niệm từ bỏ vật chất trong tu tập.
Áo thuận tiện cho việc sinh hoạt, tu tập ngoài trời, nơi hốc đá, trong hang động mà Luật tạng Nam tông(Theravada) có ghi.
Chữ tương tự của Y Phấn Tảo(衣拚璪) là Y Bách Nạp(衣百衲), là áo vá trăm mãnh, Nạp(衲) là vá, chắp.
Y phấn tảo t iếng Pali là pamsukula .
(Hình thầy Thích Minh Tuệ ngủ ngồi trong y phấn tảo)

Hoàng Dung

Sunday, June 16, 2024

 HAPPY FATHER'S DAY



Friday, June 14, 2024

Saturday, June 8, 2024

 Nơi đâu cũng là chùa




Hành giả Thích Minh Tuệ không tu trong một ngôi chùa nào. Nhưng ngài có một ngôi chùa rất lớn, đó là cả dài đất hình chữ S này. Góc chùa của ngài có thể là nghĩa địa, gò hoang, gốc cây, bãi biển, lưng đèo…

Lần đầu tiên, Phật tử biết Phật với chùa ở đâu, và tu tập là quyền thiêng liêng, quyền bất khả xâm phạm của mỗi người.

Ngài không có mùa an cư kiết hạ, mùa của ngài ngay ở bước chân thiền hành trong chánh niệm. Khi trong tâm có chánh niệm, thì bước đi đến đâu cũng là tu tập, thấy đâu cũng là Phật đường, và khi ấy tâm trở nên an lạc, thanh tịnh.

Quả thật, Thích Minh Tuệ mở rộng không gian tu Phật đến vô biên. Không nhất thiết phải đến chùa, trước mặt không nhất thiết phải là tượng Phật, trên tay không nhất thiết phải là quyển kinh, và miệng cũng không nhất thiết phải tụng lời kinh. Thế, tức là Phật ở khắp mọi nơi và không lệ thuộc, không chấp vào bất cứ cảnh nào.

Và như vậy, Phật tính đã được đánh thức. Phật tính vốn vô biên, vô lượng, vô ngại, nên tất thảy, có mặt từ ngọn cỏ, lá cây, chim muông, cho đến áng mây buổi sớm, cơn gió thoảng trên ngọn cỏ chiều hôm nơi lưng đèo.

Và thật lạ, những vật vô tri vô giác như mụn giẻ, áo tơi vứt đi cũng thành biểu tượng. Tức chính những hình tướng ấy tự toát lên những lời pháp âm vang giữa chốn bụi trần, giữa nơi bùn lầy tanh hôi. Rồi vật dụng hàng ngày như cái ruột nồi cơm điện cũng là pháp khí, nó cũng gợi nhớ về lòng từ bi và lan tỏa tâm thiện lành.

Là một người bước chân theo con đường của Đức Thế Tôn, Thích Minh Tuệ tuy chỉ tự nhận mình là người còn đang “tập học”, nhưng nhìn vào con đường ấy đã thấy Ngài trùng tuyên chánh pháp bằng chính cái thân kham nhẫn và các pháp hành trì, tức thân ngài là Pháp, sắc ngài là Kinh và giới hạnh của ngài là Luật. Nhà Phật gọi đó là Thân giáo.

Thật hiếm có xưa nay.

Lành thay!

Nguyễn Xuân Diện
07.06.2024

Xem thêm :
Đơn giản

Friday, June 7, 2024

      Ba tăng


Đầu thập niên sáu mươi, gia thế khó khăn, má tôi định mở tiệm cà phê & điểm tâm để đắp đổi qua ngày. Ba tôi nói, muốn buôn bán phải mần sao cho hợp pháp, tức phải có "ba tăng" (patent, môn bài) đàng hoàng, đừng để người ta mần khó dễ. Má tôi lên nhà "đoan", gần bót "sit dèm", nói..., ý muốn bán tiệm cà phê.


Nghe xong họ biểu cho địa chỉ để xuống dòm địa thế rồi mới cấp "ba tăng".

Mấy bữa sau có hai người nhơn viên của Nhà "đoan" xuống. Một người đờn ông và một người phụ nữ trẻ, ăn mặc tươm tất, đi đứng nói năng lịch sự lắm. Họ đi xung quanh tiệm, kéo thước đo, vô tiệm dòm một hồi rồi lắc đầu .

"Sao Cô -Chú ?".

Má tôi hỏi. Người phụ nữ trả lời :"Tiệm bà nhỏ quá, dưới năm chục thước vuông, mà không có chỗ cho thực khách rửa tay nữa nên không cần "ba tăng".

Coi bộ hổng xong,má tôi xuống nước năn nỉ :

"Nhờ Cô -Chú thương tình , tôi một chục đứa con nên mở tiệm sanh nhai qua ngày , nếu hổng cho bán chắc . . ."

Người đờn ông đỡ lời :

"Dạ hổng phải dị (vậy). Hổng cấp "ba tăng" bởi tiệm bà nhỏ quá, kê có mấy cái bàn, hổng đủ sở hụi, tiền đâu đóng "ba tăng" nên bà cứ buôn bán mà hổng cần "ba tăng" ba tiếc gì hết. Coi ngày đi rồi buôn bán, mần ăn, chúc bà buôn may bán đắt, xin kiếu".

Nói xong họ bỏ về. Má tôi cám ơn rối rít, không kịp mời nước họ nữa. Suốt mấy chục năm trời, không đồng bạc thuế. Nhờ cái tiệm nước nho nhỏ, anh em tôi được khôn lớn . . .

Hơn năm chục năm sau, ngồi nghĩ lại thấy ứa nước mắt. Cũng con người với nhau mà cách cư xử sao cách trở muôn trùng . . .

@internet

Tuesday, June 4, 2024

 TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

Chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long, Phường 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài Gòn
Chùa Phước Thành, 360 Phan Chu Trinh, P. An Cựu, TP Huế.
Phật lịch 2568 Số: 03/HĐĐH/TB/VT

Hiện tượng tu sĩ Thích Minh Tuệ.

Kính bạch Chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni,
Kính thưa Quý Thiện Tín Nam Nữ Phật tử các giới trong và ngoài nước,

Hiện nay, tại Việt nam xuất hiện một vị tu sĩ tên là Thích Minh Tuệ, nổi tiếng khắp thế giới. Người tu hạnh đầu đà, một hạnh khó khổ nhất trong đạo Phật.

Trong Phật giáo, có nhiều phương pháp tu hành, tùy theo sở thích, căn cơ, mỗi người tự chọn cho mình một pháp tu. Như Ngài Ma ha Ca Diếp là vị tu hạnh đầu đà đệ nhất, ngài Xá lợi Phất là trí huệ đệ nhất, ngài Mục kiền Liên là thần thông đệ nhất, ngài Phú lâu Na là thuyết pháp đệ nhất...mỗi vị tu theo một hạnh tùy thích, tu hạnh nào cũng được.

Riêng tu theo hạnh đầu đà là đơn giản nhưng khó khổ nhất. Cần thiết phải có một cơ thể mạnh khỏe, cường tráng, chịu đựng được sương gió, đói khát, nóng lạnh ...vì hạnh tu này phải tuân theo 13 pháp khổ hạnh như: ăn ngày một bữa, trước giờ ngọ, mặc y phấn tảo tức là dùng vải vụn, người ta đã vứt bỏ, chắp vá lại thành cái y để dùng, và chỉ có ba y, không được nhiều hơn, ngủ ở dưới gốc cây, ở rừng, nơi đất trống hay nghĩa địa, đi chân đất, không mang giày dép...khó vô cùng, nói chung là phải “ ít muốn, biết đủ, tinh tấn, viễn ly”, nên rất ít người tu theo hạnh này được. Thầy

Thích Minh Tuệ đã giữ giới và tu đúng theo 13 hạnh đầu đà của Phật dạy, nên ông đúng là một tu sĩ Phật giáo, một tu sĩ kiệt xuất nhất, rất hiếm khi xuất hiện.
Nhiều Phật tử thắc mắc rằng, tu như vậy, nếu đúng là tu sĩ Phật giáo thì xây chùa chiền, am thất để làm gì?

Việc này, trong kinh Na Tiên tỳ kheo đã có giải thích rõ ràng. Trong câu hỏi thứ 125, Mi Tiên vấn đáp, khi vua Mi Lan Đà chất vấn ngài Na Tiên rằng, Phật dạy người tu hành như nai trong rừng, rày đây mai đó, muốn ăn, muốn ngủ chỗ nào cũng được, không cố định nơi nào, tự do tự tại, đó là hạnh của tỳ kheo. Nhưng có nơi khác, Phật lại dạy rằng, người Phật tử nên xây lập chùa viện, am thất để chư Tăng có nơi chỗ an ổn tu hành, thì phước đức vô cùng to lớn, kiếp sau có thể sanh lên các cõi trời người, an lạc, sung sướng vô cùng và cũng có thể dứt được sanh lão bệnh tử, giải thoát niết bàn. Phật dạy hai lời như vậy, thì cái nào đúng, cái nào sai?

Ngài Na Tiên trả lời nhà vua rằng, cả hai điều này, Phật dạy đều đúng cả.

Thứ nhất, Phật dạy thầy tỳ kheo sống tự do tự tại, rày đây mai đó, như nai trong rừng, cái ý chính là dạy cho chư Tăng không được đắm chấp, lưu luyến, dính mắc chỗ nào cả.

Còn điều thứ hai, Phật dạy người Phật tử nên xây dựng chùa viện, am thất để chư Tăng có nơi cư ngụ an ổn, sẽ được phước đức, là vì nếu không có chùa viện, am thất thì các Phật tử lấy đâu có nơi để học hỏi, tham vấn giáo lý, chư Tăng lấy đâu chỗ để truyền giới cho đệ tử, để phổ biến giáo lý rộng rãi, để Phật pháp được lưu truyền lâu dài?

Đức Phật không có chỗ nào ngăn cấm chư Tăng, không được ở chùa viện, am thất, cũng không có chỗ nào khuyên bảo chư Tăng phải ở trong rừng, dưới gốc cây, nơi nghĩa địa. Điều quan trọng là muốn chư Tăng không được lưu luyến, dính mắc, đắm chấp nơi nào, mà phải sống đời thanh thản, tự do tự tại mới đúng phẩm hạnh của một vị Tỳ kheo.

Ngày xưa, thời Phật còn tại thế, chỉ có Tăng đoàn còn gọi là giáo đoàn để phân biệt tu sĩ và cư sĩ tại gia. Nhưng trong hoàn cảnh ngày nay, gặp thời mạt pháp, ma chướng rất nhiều, một mình rất khó tu, nên chư Tăng phải hòa hợp, đoàn kết lại để bảo vệ lẫn nhau, tránh các sự phá rối từ bên ngoài, nên mới có các tổ chức giáo hội.

Và một thắc mắc nữa là sư Thích Minh Tuệ có đúng là một tu sĩ Phật giáo không?

Việc này tu sĩ Thích Minh Tuệ cho biết rằng, ông đã xuất gia, vào chùa tu và được Pháp danh là Thích Minh Tuệ, và ông đã giữ giới, tu đúng theo 13 hạnh đầu đà mà đức Phật đã dạy, vậy thì rõ ràng ông là một tu sĩ Phật giáo.

Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây, mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa, tự do tự tại, không nơi cố định, đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng?

Cách đây hơn 6 năm, Sư Minh Tuệ đã vân du tứ phương từ nam ra bắc rồi ngược lại, thầy độc hành trên con đường vạn dặm để mang ánh sáng từ bi trí tuệ của Phật giáo đến với mọi người, nhất là người dân và Phật tử bên kia vĩ tuyến còn rất mơ hồ về Phật giáo.

Và gần đây đạo hạnh của Thầy đã toả sáng, tâm từ của Thầy đã làm cảm động lòng người và quỷ thần, nên đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn rồi đến hàng trăm ngàn người đã tháp tùng cùng thầy từng đoạn trên đường thầy đi qua.

Thảm đỏ, hoa hương và những tấm lòng người Phật tử từ khắp nơi tìm đến đã tạo ra một biển người làm Nhà cầm quyền hoảng sợ.

Tình yêu và sự ngưỡng mộ của người dân và Phật tử dành cho Thầy Minh Tuệ làm lu mờ tất cả mọi thần tượng của chế độ, làm sụp đổ tương lai của một Giáo hội được thành lập và nuôi dưỡng bởi nhà cầm quyền và cũng làm cho nhiều thế lực khác đứng trước một thách thức chưa từng có trong lịch sử khi sự tồn vong của mình bị đe doạ.

Nhà cầm quyền đã quyết định vô hiệu hoá Thầy Minh Tuệ bằng cách tách Thầy ra khỏi Phật tử và người dân, an trí thầy một nơi để họ dễ kiểm soát.

Việc làm này đi ngược lại lòng dân và Phật tử, Nhà cầm quyền có thể kiểm soát xã hội nhưng không thể kiểm soát được lòng người. Kể từ đây, lòng dân và Phật tử sẽ oán trách Nhà cầm quyền và cả Tổ chức Phật giáo do Nhà cầm quyền thành lập, đã tiếp tay cho Nhà cầm quyền.

Và cũng kể từ đây Phật giáo sẽ là nơi quy ngưỡng của người dân Việt trên ba miền đất nước và trên thế giới.

Có thể, một số chùa viện Phật giáo sẽ giảm lượng Phật tử đến viếng, nhưng trong lòng mỗi người Việt nam đã dựng lên trong đó một nơi thờ cúng trang nghiêm cho Phật đà và tất nhiên trong đó có Thầy Thích Minh Tuệ.

Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất hoan hỷ đón chào sự xuất hiện của Sư Minh Tuệ, ủng hộ thầy tiếp tục con đường tu hạnh đầu đà, và cũng cám ơn Thầy Minh Tuệ đã thổi một luồng gió mới vào xã hội Việt nam đã suy đồi đạo đức và mất niềm tin vào đạo Phật.

Yêu cầu Nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn trọng sự chọn lựa tu hạnh đầu đà của Thầy Minh Tuệ mà không can thiệp.

Hãy để Thầy Minh Tuệ vân du tứ phương, khai hoá người dân, làm cho xã hội từ đó tốt hơn, tử tế hơn và văn minh hơn.

Con chim là của bầu trời, con cá là của biển khơi, đem nhốt con chim vào lồng, nhốt con cá vào chậu là bức tử nó.

Thầy Minh Tuệ sẽ ra sao nếu Thầy bị tách ra khỏi người dân và Phật tử, bị tách ra khỏi những nẻo đường quê hương đất nước từng trải ra dưới bước chân Thầy.

Mong rằng các nước, các chính phủ hãy tuân theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, không dàn áp những người tu hành, ai muốn tu theo đạo nào, tu cách nào tuỳ thích để được an ổn tu hành. Đó là điều mong muốn nhất hiện nay của những người theo tín ngưỡng, tôn giáo.

Kính chúc quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni và quý Thiện Tín, Phật tử một mùa Hạ an cư trang nghiêm, thanh tịnh.

Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tổ Đình Thập tháp, Bình Định, Mùa An cư năm Giáp Thìn, 2024.
T.M. Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn GHPGVNTN,
Viện trưởng,

( ấn ký )
Tỳ kheo Thích Viên Định

Monday, May 20, 2024

 TUYỆT MỸ THƯ HỌA VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Tranh của họa sĩ Lê Sâm