Tuesday, March 29, 2022

 Tháng Tư đen


Tưởng nhớ LÊ VIẾT HỒNG

 

Trong trí nhớ (nhỏ nhoi và tồi tệ của tôi vì ảnh hưởng thuốc mê qua nhiều cuộc phẫu thuật) không biết tôi và Hồng đã trở nên bạn thân từ lúc nào, chỉ biết tôi và Hồng cùng học Tham sự Khóa 3 sau đó cùng về học Đốc sự khóa 17.

Khi học Tham sự Khóa 3, kỷ niệm khó quên của tôi về các bạn: Hồng, Đẩu, Châu… những con sâu đánh bạc trong ký túc xá là cái thẻ lương của tôi được các bạn rất ưu ái, các bạn đã mượn đỡ từ đầu tháng và chỉ trở về với tôi cuối tháng, có thể vì thế mà tình bạn thắm thiết hơn.

Khi về học ĐS 17 tôi và Hồng lại thân nhau hơn, thỉnh thoảng tôi có ra thăm bà cụ mẹ của Hồng, cho đến ngày ra trường Hồng và tôi rủ nhau chọn tỉnh Bình Định. Cùng ra Bình Định – Qui Nhơn có tất cả 7 người khóa 17, gồm có An, Liên, Bạch, Khanh, Hồng, Mười và Thành. Hồng được bổ nhiệm Phó quận Tam Quan (quận xôi đậu), còn tôi đi quận Hoài Ân (quận mất đất bị Cộng sản chiếm, dân di tản tạm cư ở Phú Tài, quận Tuy Phước). Năm 1974, Hồng được chuyển về làm Phó quận An Túc, còn tôi đưa dân đi định cư cũng tại An Túc (mượn đất của An Túc). Sau đó tôi về làm Phó quận Tuy Phước, Hồng vẫn ở An Túc cho tới khi anh vĩnh viễn ra đi.

Hồng được diễn tả là một Phó quận rất vui vẻ, hiền hòa, bặt thiệp dễ dãi và chịu chơi nên rất được dân chúng và quân cán chính quý mến đến nỗi có lần được kể là Việt cộng muốn phục kích giết Hồng nhưng dân chúng đã xin tha “vì nếu giết ông thì đến bao giờ mới có người thay thế để phát tiền cho dân và không biết người đó có dễ dàng, vui vẻ như ông này không”. Do đó Hồng đã thoát chết.

Nhưng số trời đã định, Hồng chết vào tay Việt cộng, gần ngày mất Qui Nhơn (1/4/1975).

Trước ngày đi nhận nhiệm sở tại Bình Định – Qui Nhơn, chúng tôi được anh cả của Hồng (Trung tá Lê Thiện Giáo) nhắn nhủ: “Các em ra đó lấy lại căn nhà 3 tầng ở đường Tăng Bạt Hổ, trước cổng chùa Thầy Năm, ở, giữ nhà cho anh”. Do vậy, Hồng đã đem vợ con ra chung sống với chúng tôi cho tới ngày mất Qui Nhơn.

Trong những ngày khói lửa chiến tranh đó, một sự kiện khá hi hữu, bất thường đã xẩy ra và đưa đến cái chết của Hồng, đó là khoảng ngày 22, 23 tháng 3 năm 1975 quận An Túc bị cộng quân bao vây bắn phá rất nặng nề, dân chúng ùa nhau di tản bằng mọi giá, tình thế rất hỗn loạn, hầu như không còn phương tiện di chuyển, nhưng may thay có một chiếc Shinook cuối cùng đáp xuống, mọi người chen chúc nhau leo lên, Hồng vì quá nhỏ con không leo lên được, trong lúc tuyệt vọng, một thần hộ mệnh của Hồng đã tới đó kịp là Thiếu tá Trương Đình Ty, cựu Quận trưởng Tam Quan, cấp trên cũ của Hồng, ông này rất quý Hồng nên đã đập vỡ cửa kính sau của trực thăng rồi nhét Hồng vào, thế là Hồng thoát về được tới Qui Nhơn an toàn. Nỗi vui mừng chưa trọn thì vài ngày sau anh Trưởng ty công vụ tỉnh đưa xe zíp tới tận nhà Hồng đón Hồng ra trực thăng bay về lại An Túc, anh cho biết đây là lệnh của Phó tỉnh vì Quận trưởng An Túc đã báo cáo Hồng đào ngũ. Anh Trưởng ty còn cẩn thận đưa Hồng tới trực thăng chờ cho khi máy bay cất cánh anh mới trở về và chỉ vài ngày sau quận An Túc bị cộng quân tràn ngập, quận An Túc thất thủ và quân cán chính phải di tản bằng cách băng qua núi để tới quận Bình Khê trên đường về Qui Nhơn (lúc đó Trần Đình Mười, ĐS 17 đang làm phó Quận). Trên đường di tản Hồng bị trật chân không đi được, Thiếu tá Ty đã nhờ một anh lính cõng Hồng ra tới Bình Khê, từ đó Hồng thuê xe Honda chở về Qui Nhơn; nhưng rủi thay trên đường về Qui Nhơn bị VC phục kích, Hồng không dám đi và quay trở lại Bình Khê, gặp Thiếu tá Ty cũng về Qui Nhơn, Hồng báo cho Thiếu Tá Ty biết có VC phục kích phía trước nhưng T.Tá Ty nói ông Phó trở lại đi còn tôi có lính tôi sẽ mở đường máu mà đi và ông ta đã về tới Qui Nhơn an toàn, tôi tới gặp ông ta và được biết tin về Hồng còn ở lại Bình Khê. Sau đó, tôi nghe được là VC đã pháo kích ồ ạt vào đám di tản ở Bình Khê và biến nơi đó thành một mồ chôn tập thể của hàng ngàn quân cán chính VNCH, trong đó có Hồng.

Còn vợ con Hồng tôi nhớ rất rõ vào ngày 28/3 bạn bè ở cơ quan Usaid tỉnh báo cho tôi biết đây là chuyến bay cuối cùng của Usaid có cần gởi ai về Sàigòn thì đi ngay, tôi quyết định đưa vợ con của Hồng về Sàigòn trước, tôi trấn an bà xã Hồng là cứ bình tĩnh về SG trước, tôi hứa ở lại đợi tin Hồng rồi sẽ cùng với Hồng về Sàigòn sau và vợ con Hồng đã về tới Sàigòn bình an hôm đó.

Cùng thời gian đó tôi theo hiệu triệu của TT. Nguyễn Văn Thiệu “bằng mọi giá giữ lại các tỉnh ven biển”,  tôi đã vác ghế bố vào tử thủ ở Văn phòng Hành chánh Tỉnh dù không có một tấc sắt trong tay cho tới ngày chạy khỏi Qui Nhơn (30/3/1975) và ngày 1/4/1975 thì Qui Nhơn bị thất thủ. Trong vài ngày trước khi chạy khỏi Qui Nhơn, dân đã di tản hết, máy bay, xe đò, tàu thuyền không còn phương tiện nào cả, ban đêm chỉ còn chiếc xe zeep của tôi và mấy chú chó chạy rong ngoài đường…

Sau 1975, tôi đã bị đi tù ra Bắc 10 năm, khi được trả về tôi đã đến thăm bà cụ mẹ của Hồng, ở số 13 đường Trần Quốc Toản – Quận 10, hy vọng gặp lại vợ con Hồng, nhưng vợ con Hồng không ở đó, chỉ gặp được bà mẹ của Hồng. Bà cụ nhắn nhủ với tôi trong nước mắt giàn giụa: “Con nhớ tìm giúp và đưa mẹ con nó về cho mẹ, mẹ đã mất con trai bây giờ mất cả cháu”.

Sau này, tôi lại được tin gia đình Hồng cho biết thêm , 2 anh của Hồng sau khi đi tù về, đã ra quận Bình Khê tìm tông tích Hồng và may mắn gặp được đúng người dân địa phương chỉ chỗ Hồng và nhiều đồng đội nữa, đã bị VC đưa ra "tòa án nhân dân lưu động" xử tử, và nhận đúng những di vật của Hồng mang trên người để lại, tại đây.

-----------

Khoảng thời gian từ năm 1986 đến 1995, khi còn ở Saigon, mỗi lần về quê Quảng Trị, tôi đều đi qua làng Hồng, nhớ Bạn và thường lẫm bẫm cầu nguyện cho Hồng đã mất, yên nghĩ miên viễn và cầu xin Thiên chúa xót thương đoái hoài vợ con Hồng bình yên, vượt qua mọi thử thách khi không còn Hồng bên cạnh.

Lê Viết Hồng người làng Trí Bưu, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

 Làng Trí Bưu xưa có tên gọi là Cổ Vưu nằm ngay cạnh tỉnh lỵ, bên bờ sông Thạch Hãn và là làng ân sũng được chọn để phục vụ tin mừng Chúa Ki Tô từ thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đóng tại bản doanh Dinh Cát, nơi mà các giáo sĩ Dòng Tên nổi tiếng sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ(1620) đã đến đây lưu trú một thời gian.

 Đời Tây Sơn, vua Cảnh Thịnh cấm đạo và truy sát gắt gao . Ngày 17‑8-1798, một nhóm giáo dân Trí Bưu và Thạch Hãn chạy vào ẩn trốn tại rú Lá Vằng, cách 5 cây số về phía Tây, nơi họ từng vào đó làm, lấy củi. Ban đêm họ họp nhau đọc kinh, lần hạt dưới gốc cây đa đại thụ và tại đây họ đã nhiều lần được thấy Đức Mẹ hiện ra, mặc áo choàng, tay bồng Chúa Hài Đồng, ban lời an ủi cho những tín hữu bị bách hại, đó là nét độc đáo của vị Nữ Vương Thiên Đàng khi đến trên đất Việt, và giáo dân Cổ Vưu đã có vinh dự hiếm hoi ấy. Về sau, do người Pháp phiên âm không dấu nên vùng Lá Vằng này trở thành địa danh Thánh địa La Vang cho đến nay. Bạn Lê Viết Hồng của chúng ta là con cháu của những vị tiền bối sống sót khi trốn tránh bách hại tại rú Lá Vằng của 225 năm về trước.

 Ngoài bạn Lê Viết Hồng hy sinh tại tỉnh Bình Định, khóa 17 chúng ta có 3 Bạn hy sinh trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đó là Trịnh Xây Dựng, Trưởng Cơ Sở Dân Vận Chiêu Hồi tỉnh Kiến Hòa, Phó quận Hà Vĩnh Tường tại tỉnh tỉnh Phước Long . Ngậm ngùi tưởng nhớ các Anh sau gần nửa thế kỷ đau thương, mà vẫn tưởng như mới hôm qua của kỳ vọng trong sân Học viện, phục vụ đất nước và dân chúng.

 Ký ức về tên tuổi của những người đã nằm xuống vì lý tưởng tự do, lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy trong tháng Tư đen năm 1975 là sự kế thừa của những tấm gương vĩ đại của tiền nhân. Khi bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn và khâm phục, chúng ta không bao giờ quên rằng sự cảm kích cao nhất không phải là nói ra những lời mà phải xem đó những kinh nghịệm sống phải noi theo cùng truyền lại cho thế hệ sau tính quả cảm, lòng bất khuất trước quân thù Cọng sản trong lịch sử đau thương của nước Việt ở hậu bán thế kỷ 20.

 Mong sao chúng ta không bao giờ quên những người đồng đội đã ngã xuống trong tháng Tư đen, trong những giờ phút thiêng liêng và đau buồn nhất của dân tộc, vì miền Nam độc lập và tự do.

Hoàng Trác Thành & Nguyễn Trí

Cali-Boston. Mars.2022.

Friday, March 25, 2022

Thư Gởi Về Em Gái Việt Nam


*

Có lẽ anh không về gặp nữa
Những người năm ấy đã chia tay
Phố phường, thôn xóm, làng quê cũ
Anh kể như chim đã lạc bầy.

Có lẽ anh không về gặp nữa
Họ hàng Nội, Ngoại...những người thân
Ai còn, ai mất dù thương tiếc
Rồi cũng nguôi ngoai, bớt khổ dần.

Có lẽ anh không về gặp nữa
Người em gái nhỏ vẫn chờ mong
Nhạt nhòa ngấn lệ ngày đưa tiễn
Chắc đã phôi pha tuổi má hồng.

Có lẽ anh không về gặp nữa
Những người bất nghĩa, lúc sa cơ
Thói đời ngã ngựa liền quay mặt
Giậu đổ bìm leo, bọn trở cờ.

Nghe nói quê mình giờ đã khác
Kẻ giàu vô cảm sống xa hoa
Bạo quyền cướp của người lương thiện
Oan khuất trùm lên khắp mọi nhà.

Nghe nói quê mình giờ đã khác
Dân nghèo cam chịu cảnh tôi đòi
Trai hiền xuất khẩu làm nô dịch
Gái đẹp rao thân bán nước ngoài.

Nghe nói quê mình giờ đã khác
Biên cương, cột mốc nhổ lui về
Biển Đông, hải đảo vào tay giặc
Một lũ bù nhìn đang ngủ mê.

Nghe nói quê mình giờ đã khác
Những người yêu nước bị giam cầm
Bó tay, trí thức đành im lặng
Vận nước dài theo cảnh tối tăm.

Đâu còn như thuở ngày xưa cũ
Làng xóm yêu thương đậm nghĩa tình
Thân ái trẻ, già vui cuộc sống
Bờ tre chim hót gọi bình minh.

Đâu còn như thuở ngày xưa cũ
Đồng ruộng bao la lúa chín vàng
Em gái qua cầu nghiêng nón lá
Nhịp chày giã gạo rộn thôn trang.

Đâu còn những cảnh ngày xưa cũ
Tà áo tung tăng buổi học về
Mái tóc em thơ đùa nắng ấm
Rộn ràng sách vở mỗi mùa thi.

Bao giờ đất nước bừng tươi sáng
Bóng tối lùi xa gót độc tài
Anh vẫn nguyện cầu Hồn Sông Núi
Quê mình sớm thấy được tương lai.

Để anh trở lại căn nhà cũ
Có bóng hàng cau tắm nắng chiều
Thăm những người xưa còn gặp mặt
Viếng người dưới mộ, thuở thương yêu.

Dương Quân

Fl.Dec.2011 

Thursday, March 24, 2022

 Ngô Thị Hạnh

Video: Lính xa nhà


       Quận Thăng Bình tỉnh Quảng Tín, nay thuộc Quảng Nam, là phủ Thăng Hoa xưa từ đời nhà Hồ. Năm 1402 Hồ Quý Ly cử Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ  lộ Thăng Hoa .

       Quận nằm ngay trên quốc lộ 1, cách Đà Nẳng khoảng 40km. Trước năm 1975, có 20 xã và 120.000 dân. Cùng gia đình chạy giặc từ Quế Sơn về, Ngô Thị Hạnh người con gái ở quận tôi xưa, ở đây.


Và trong cái không gian êm ả đầy tình thân thiện của các cư dân, được sống hạnh phúc trong một thể chế tự do dân chủ ở miền Nam, đã không lường được tới mức nào cái đám mây đen hung dữ từ miền Bắc, xuôi Trường sơn ập giông bão qua ngã Việt Sơn xuống đây.

        Thế hệ sau không biết và hiểu được là đã có một thời mặt trận toàn  quốc sôi động đến quyết chiến. Quân Cộng Sản Bắc Việt nhất quyết đánh chiếm miền Nam tự do, nhuộm đỏ đất nước theo lệnh cộng sản Nga Tàu và đưa con người đến chỗ cùng cực của xã hội chủ nghĩa không tưởng, mà khi dạy con sau này, người mẹ nào cũng cố dấu đi những nổi đau khi nghỉ lại những ngày đó. Đó là những ngày đầu mùa Xuân năm 1975, dẫn đến biến cố 30 tháng 4, để khoảng vài năm sau, do không sống được dưới chế độ độc tài cộng sản, nhiều người đã bỏ nước ra đi tìm tự do bằng vượt biên, vượt biển. Em Hạnh và gia đình em đã đến Úc châu như thế.

        Vào những ngày chinh chiến sau cùng, khoảng sau ngày 15 tháng 3 năm 1975, sau khi VC đã chiếm được quận Tiên Phước gần một tuần trước, tình hình chiến sự căng thẳng và nguy ngập, các cánh đồng tại quận đã ngập lúa vàng, dân chúng đang chờ đợi một vụ mùa bội thu. VC cũng đang rục rịch ở vùng duyên hải.

Ông Thiếu tá Quận trưởng nói tôi dẫn một phái đoàn nhân sĩ và nhân viên xã ấp ra Quế Sơn ủy lạo binh sĩ trung đoàn 3 thuộc sư đoàn 3 quân đoàn I và nhờ hành quân vào quận bảo vệ mùa gặt. Buổi chiều, ngồi tại quán cóc bên vệ đường, thấy dân chúng từ miệt trên đổ xuống lánh nạn cộng sản, trong đó có một em bé, tay ôm một con gà chạy loạn. Đằng xa kia, từ Hương An vào, đoàn quân tăng viện lặng lẽ tiến bước trong buổi chiều tà, đến Hà Lam rồi rẽ xuống miệt Bình Đào. Những hình ảnh xúc động đó như còn dính chặt trong tim cho đến nay. 

Tại thời điểm này, ông Đại tá Tỉnh Trưởng đi quan sát tình hình địa phương, tạt qua quận, gặp ở đầu ngõ, ông bảo: “Sao giờ này còn ở đây? Ông ra ngay Đà Nẳng để lo cứu trợ đồng bào chạy loạn ra ngoài đó. Đây là lệnh khẩn. Thi hành ngay.” Không kịp từ giả ai, tôi buồn rầu ra đi và linh tính biết có điều gì đó, không trở lại và biết trong đám người chạy loạn có em. Những tháng ngày binh lửa mà dấu ấn không bao giờ phai đó tại Đà Nẳng, mọi thứ là một thảm kịch của đất nước. Quốc gia Việt Nam đang gặp thời kỳ mạt vân. Vận nước và cuộc sống người dân chìm ngập tang thương khổ ải từ đây.

          Sông núi, biển cả kia là của cha ông để lại để con cháu cùng nhau tô bồi, mưu cầu hạnh phúc. Hà cớ gì phải tranh giành bắn giết lẫn nhau, gây tội tình cho nhau. 

Ông Nguyễn Văn Cư, một đảng viên Việt quốc và nhân viên tại quận nói: 
“Ông Phó, đừng bỏ chúng tôi. Nếu có chết, chúng tôi lập miếu thờ ông. Ông ở lại cùng chúng tôi.” Ngày 29 tháng 3, chừng 11 giờ trưa chỉ khoảng một trung đội, Việt Cộng vào chiếm Tòa thị chính Đà Nẳng. Chúng vào ngay bằng cổng chính, chia 2 toán nép theo tường, tiến vào. 

rời Tòa thị chính, trên không, rất cao vẫn còn một chiếc trực thăng sơn màu xanh trắng bay, và sau đó bị bắt cùng anh Thiệu, Phó tỉnh và anh Quý, Trưởng ty Nội an vào ban đêm vài hôm sau đó. Lúc này Cộng quân đã tiến đến Phan Rang.

           Nhớ lại, dạo đó em còn nhỏ, như một đóa hoa hồng vừa chớm nở, hồn nhiên và yêu đời. Em khoảng chừng 15, 16 tuổi, đang học lớp 10, buổi chiều em hay mặc bộ đồ đen xây dựng nông thôn và đạp cái xe đạp cũng “xây dựng nông thôn”, em giống tôi. Đồng phục đen và xe do Đài Loan cung cấp cho Việt Nam, chạy loanh quanh trong quận, đôi khi dừng lại ở sân vận động để xem đá banh. Em trông giống con trai. Tháng 9 năm 1975, em bị Cọng sản bắt giam cùng các thanh niên, học sinh Thăng Bình khác tại trung tâm thẩm vấn Đà Nẳng vì tội Phục Quốc.

        Nhiều lần cuối tuần, tôi thường hay về tỉnh lỵ Tam Kỳ, cách xa 25 cây số, chơi. Chiều chủ nhật, mỗi khi ra xe là đã thấy một nhóm thanh niên nam nữ đã ngồi trên xe, chờ quá giang về lại quận, trong số đó thường có em. Tuổi trẻ thật hồn nhiên và thánh thiện. Ba em là đảng viên Quốc dân đảng, sau năm 1975 cũng bị bắt đi tù. Ông có tiệm bán thuốc Tây và thú tiêu khiển là đi săn. Đôi lần ông rủ anh Chỉ huy trưởng cảnh sát quận Nguyễn Phi Hường và tôi tới nhà nhậu. Khi tù về, cả gia đình vượt biển và sống ở Úc châu.

            Gia đình em cũng như  nhiều gia đình miền Nam khác, vốn quen sống trong tự do dân chủ, không chấp nhận chế độ độc tài cọng sản, sau năm 1975 đã phải đành lòng bỏ nước ra đi với hy vọng một ngày không còn cọng sản, sẽ trở về quê hương ngàn đời yêu dấu, dựng lại Cờ Vàng đại nghĩa cùng nhau sống trong tình yêu thương đồng bào ruột thịt, quyết tâm xây dựng lại đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, phú cường. Cũng như Em, sau 10 năm trở về, hình ảnh người Mẹ ngồi nhặt sạn trong rổ gạo, nhìn ứa nước mắt rồi tôi cũng phải lạy Mẹ ra đi, cho đến hôm nay…

        Được tin em mất, cuối năm ngồi buồn nhớ đến Em và một thuở Thăng Bình xa xưa, tôi viết vội bài thơ đại ý nói: Xấu hổ khi phải bỏ Thăng Bình ra đi không lời từ biệt ai, nhất là em. Và cho đến nay, chỉ đặt được một bó hoa hồng lên mộ em trong tưởng tượng, cùng cầu mong Em ở nơi thiêng liêng nào đó, chia xẻ cùng tôi về những cư dân thánh thiện của chúng ta, còn mất trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này.

        Hồng nhan bạc mệnh. Em không phải hồng nhan. Em chỉ đẹp và dễ thương. Vậy mà em mất sớm. Em đã mất và nếu thoát khỏi vòng luân hồi thì thôi. Nếu tái sinh thì mong gặp lại.

Trương Thúy Hậu
Boston-Dec.31-2010

Tuesday, March 8, 2022

 LỜI NGƯỜI Ở LẠI

*

Sonia, em hãy bồng con
Theo đoàn người
Vượt qua biên giới Ba Lan
Anh ở lại.

Bầu trời xanh mát Ukraina của chúng ta
Hôm nay không còn mây trắng
Không còn chim bay
Mà chỉ còn lửa khói
Gây nên bởi kẻ mộng cuồng
Anh ở lại.

Những điện đài nguy nga
Ghi dấu lịch sử oai hùng của đất nước chúng ta
Đang bốc cháy.
Những mái ấm gia đình yên vui hạnh phúc
Nay tan tành vì bom đạn
Bởi bàn tay một kẻ độc tài hung bạo
Anh ở lại.

Anh phải ở lại
Vì không thể đứng từ xa
Nhìn quê hương bị dập nát
Dưới gót giày xâm lược
Không thể đứng từ xa
Nhìn dân tộc mình bị câm tiếng.

Anh phải ở lại
Anh phải trở về
Đứng chung hàng ngũ
Những người cầm súng bảo vệ biên cương
Vẹn toàn lãnh thổ.

Sonia ơi, em hãy tin
Nếu có phút giây nào lắng tiếng đạn bom
Anh ôm súng ngồi im
Gởi hồn sang bên kia biên giới
Nhớ tới em, nghĩ đến con
Gợi lòng sống lại những ngày hạnh phúc
Thời gian dưới mái ấm êm đềm
Những tháng năm đất nước thanh bình, tự chủ.

Sonia ơi
Càng nhớ thương em, càng nghĩ đến con
Lòng anh không mềm, không lơi tay súng
Trái lại hồn anh thêm dũng mảnh quyết tâm
Dành lại những gì chúng ta sắp mất.

Em ở bên kia vùng yên lành
Hãy cầu nguyện cho anh
Xin có một ngày hân hoan tái ngộ
Hãy cầu nguyện cho đất nước chúng ta
Sớm đạt hoà bình, vinh quang, chiến thắng.

Nhưng Sonia ơi,
Chiến tranh nào không làm mất mát
Chiến tranh nào không có người đi không về
Nếu lỡ một ngày
Em không thấy anh trở lại
Anh chỉ xin em
Khi con của chúng mình khôn lớn
Em hãy chỉ hình anh
Và nói với nó
Con hãy hãnh diện có một người cha
Đã sống không hèn
Và đã chết không nhục.

TRANG CHÂU
Mars.02.2022
*

WORDS OF THE MAN WHO STAYS (TO FIGHT)

Sonia, please carry our child
and follow the crowd
to cross the Polish border
I will stay.

Today in our Ukrainian blue sky
there are no more white clouds
No more birds flying
But only fires and smokes
Caused by an insane dreamer
I will stay.

The grandiose palaces
symbols of our country’s valiant history
are now ablaze
The peace and happiness of family homes
are now shattered by bombs
by the hands of a cruel dictator
I will stay.

I have to stay
Because I can’t stand from afar
to watch our homeland being crushed
under the heels of invaders
I can’t stand from afar
io watch our nation being silenced.

I have to stay
I have to go back
to join the ranks
of people who with guns protect our borders
to keep our national territory intact.

Sonia, please believe
If there iwere a moment free of sounds of bombs
I will hold my gun and sit still
to send my soul across the border
Thinking of you, thinking of our child
prompting my heart to relive the happy days
of the cozy times under our roof
in the years of our country still sovereign and peaceful .

Dear Sonia
The more I miss you, the more I think of our child
My heart does not soften, my hand does not release the gun
On the contrary, my soul gets stronger and more determined
to get back all what we’re about to lose.
Staying on the other side in a peaceful area
Please pray for me
for our joyful day of reunion
please pray for our country
to soon attain peace, glory and victory.

But, Sonia,
is there a war without losses?
Is there a war in which there are people
going and all of them come back alive?

If there will be a day
you don’t see me coming back
I only have a request
that when our child grows up and matures
Please show him a picture of me
And tell him
to be proud to have a father
who lived without cowardice
and died without shame.

Engish translation By Vuong Dang-Vu