Tuesday, March 29, 2022

 Tháng Tư đen


Tưởng nhớ LÊ VIẾT HỒNG

 

Trong trí nhớ (nhỏ nhoi và tồi tệ của tôi vì ảnh hưởng thuốc mê qua nhiều cuộc phẫu thuật) không biết tôi và Hồng đã trở nên bạn thân từ lúc nào, chỉ biết tôi và Hồng cùng học Tham sự Khóa 3 sau đó cùng về học Đốc sự khóa 17.

Khi học Tham sự Khóa 3, kỷ niệm khó quên của tôi về các bạn: Hồng, Đẩu, Châu… những con sâu đánh bạc trong ký túc xá là cái thẻ lương của tôi được các bạn rất ưu ái, các bạn đã mượn đỡ từ đầu tháng và chỉ trở về với tôi cuối tháng, có thể vì thế mà tình bạn thắm thiết hơn.

Khi về học ĐS 17 tôi và Hồng lại thân nhau hơn, thỉnh thoảng tôi có ra thăm bà cụ mẹ của Hồng, cho đến ngày ra trường Hồng và tôi rủ nhau chọn tỉnh Bình Định. Cùng ra Bình Định – Qui Nhơn có tất cả 7 người khóa 17, gồm có An, Liên, Bạch, Khanh, Hồng, Mười và Thành. Hồng được bổ nhiệm Phó quận Tam Quan (quận xôi đậu), còn tôi đi quận Hoài Ân (quận mất đất bị Cộng sản chiếm, dân di tản tạm cư ở Phú Tài, quận Tuy Phước). Năm 1974, Hồng được chuyển về làm Phó quận An Túc, còn tôi đưa dân đi định cư cũng tại An Túc (mượn đất của An Túc). Sau đó tôi về làm Phó quận Tuy Phước, Hồng vẫn ở An Túc cho tới khi anh vĩnh viễn ra đi.

Hồng được diễn tả là một Phó quận rất vui vẻ, hiền hòa, bặt thiệp dễ dãi và chịu chơi nên rất được dân chúng và quân cán chính quý mến đến nỗi có lần được kể là Việt cộng muốn phục kích giết Hồng nhưng dân chúng đã xin tha “vì nếu giết ông thì đến bao giờ mới có người thay thế để phát tiền cho dân và không biết người đó có dễ dàng, vui vẻ như ông này không”. Do đó Hồng đã thoát chết.

Nhưng số trời đã định, Hồng chết vào tay Việt cộng, gần ngày mất Qui Nhơn (1/4/1975).

Trước ngày đi nhận nhiệm sở tại Bình Định – Qui Nhơn, chúng tôi được anh cả của Hồng (Trung tá Lê Thiện Giáo) nhắn nhủ: “Các em ra đó lấy lại căn nhà 3 tầng ở đường Tăng Bạt Hổ, trước cổng chùa Thầy Năm, ở, giữ nhà cho anh”. Do vậy, Hồng đã đem vợ con ra chung sống với chúng tôi cho tới ngày mất Qui Nhơn.

Trong những ngày khói lửa chiến tranh đó, một sự kiện khá hi hữu, bất thường đã xẩy ra và đưa đến cái chết của Hồng, đó là khoảng ngày 22, 23 tháng 3 năm 1975 quận An Túc bị cộng quân bao vây bắn phá rất nặng nề, dân chúng ùa nhau di tản bằng mọi giá, tình thế rất hỗn loạn, hầu như không còn phương tiện di chuyển, nhưng may thay có một chiếc Shinook cuối cùng đáp xuống, mọi người chen chúc nhau leo lên, Hồng vì quá nhỏ con không leo lên được, trong lúc tuyệt vọng, một thần hộ mệnh của Hồng đã tới đó kịp là Thiếu tá Trương Đình Ty, cựu Quận trưởng Tam Quan, cấp trên cũ của Hồng, ông này rất quý Hồng nên đã đập vỡ cửa kính sau của trực thăng rồi nhét Hồng vào, thế là Hồng thoát về được tới Qui Nhơn an toàn. Nỗi vui mừng chưa trọn thì vài ngày sau anh Trưởng ty công vụ tỉnh đưa xe zíp tới tận nhà Hồng đón Hồng ra trực thăng bay về lại An Túc, anh cho biết đây là lệnh của Phó tỉnh vì Quận trưởng An Túc đã báo cáo Hồng đào ngũ. Anh Trưởng ty còn cẩn thận đưa Hồng tới trực thăng chờ cho khi máy bay cất cánh anh mới trở về và chỉ vài ngày sau quận An Túc bị cộng quân tràn ngập, quận An Túc thất thủ và quân cán chính phải di tản bằng cách băng qua núi để tới quận Bình Khê trên đường về Qui Nhơn (lúc đó Trần Đình Mười, ĐS 17 đang làm phó Quận). Trên đường di tản Hồng bị trật chân không đi được, Thiếu tá Ty đã nhờ một anh lính cõng Hồng ra tới Bình Khê, từ đó Hồng thuê xe Honda chở về Qui Nhơn; nhưng rủi thay trên đường về Qui Nhơn bị VC phục kích, Hồng không dám đi và quay trở lại Bình Khê, gặp Thiếu tá Ty cũng về Qui Nhơn, Hồng báo cho Thiếu Tá Ty biết có VC phục kích phía trước nhưng T.Tá Ty nói ông Phó trở lại đi còn tôi có lính tôi sẽ mở đường máu mà đi và ông ta đã về tới Qui Nhơn an toàn, tôi tới gặp ông ta và được biết tin về Hồng còn ở lại Bình Khê. Sau đó, tôi nghe được là VC đã pháo kích ồ ạt vào đám di tản ở Bình Khê và biến nơi đó thành một mồ chôn tập thể của hàng ngàn quân cán chính VNCH, trong đó có Hồng.

Còn vợ con Hồng tôi nhớ rất rõ vào ngày 28/3 bạn bè ở cơ quan Usaid tỉnh báo cho tôi biết đây là chuyến bay cuối cùng của Usaid có cần gởi ai về Sàigòn thì đi ngay, tôi quyết định đưa vợ con của Hồng về Sàigòn trước, tôi trấn an bà xã Hồng là cứ bình tĩnh về SG trước, tôi hứa ở lại đợi tin Hồng rồi sẽ cùng với Hồng về Sàigòn sau và vợ con Hồng đã về tới Sàigòn bình an hôm đó.

Cùng thời gian đó tôi theo hiệu triệu của TT. Nguyễn Văn Thiệu “bằng mọi giá giữ lại các tỉnh ven biển”,  tôi đã vác ghế bố vào tử thủ ở Văn phòng Hành chánh Tỉnh dù không có một tấc sắt trong tay cho tới ngày chạy khỏi Qui Nhơn (30/3/1975) và ngày 1/4/1975 thì Qui Nhơn bị thất thủ. Trong vài ngày trước khi chạy khỏi Qui Nhơn, dân đã di tản hết, máy bay, xe đò, tàu thuyền không còn phương tiện nào cả, ban đêm chỉ còn chiếc xe zeep của tôi và mấy chú chó chạy rong ngoài đường…

Sau 1975, tôi đã bị đi tù ra Bắc 10 năm, khi được trả về tôi đã đến thăm bà cụ mẹ của Hồng, ở số 13 đường Trần Quốc Toản – Quận 10, hy vọng gặp lại vợ con Hồng, nhưng vợ con Hồng không ở đó, chỉ gặp được bà mẹ của Hồng. Bà cụ nhắn nhủ với tôi trong nước mắt giàn giụa: “Con nhớ tìm giúp và đưa mẹ con nó về cho mẹ, mẹ đã mất con trai bây giờ mất cả cháu”.

Sau này, tôi lại được tin gia đình Hồng cho biết thêm , 2 anh của Hồng sau khi đi tù về, đã ra quận Bình Khê tìm tông tích Hồng và may mắn gặp được đúng người dân địa phương chỉ chỗ Hồng và nhiều đồng đội nữa, đã bị VC đưa ra "tòa án nhân dân lưu động" xử tử, và nhận đúng những di vật của Hồng mang trên người để lại, tại đây.

-----------

Khoảng thời gian từ năm 1986 đến 1995, khi còn ở Saigon, mỗi lần về quê Quảng Trị, tôi đều đi qua làng Hồng, nhớ Bạn và thường lẫm bẫm cầu nguyện cho Hồng đã mất, yên nghĩ miên viễn và cầu xin Thiên chúa xót thương đoái hoài vợ con Hồng bình yên, vượt qua mọi thử thách khi không còn Hồng bên cạnh.

Lê Viết Hồng người làng Trí Bưu, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

 Làng Trí Bưu xưa có tên gọi là Cổ Vưu nằm ngay cạnh tỉnh lỵ, bên bờ sông Thạch Hãn và là làng ân sũng được chọn để phục vụ tin mừng Chúa Ki Tô từ thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đóng tại bản doanh Dinh Cát, nơi mà các giáo sĩ Dòng Tên nổi tiếng sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ(1620) đã đến đây lưu trú một thời gian.

 Đời Tây Sơn, vua Cảnh Thịnh cấm đạo và truy sát gắt gao . Ngày 17‑8-1798, một nhóm giáo dân Trí Bưu và Thạch Hãn chạy vào ẩn trốn tại rú Lá Vằng, cách 5 cây số về phía Tây, nơi họ từng vào đó làm, lấy củi. Ban đêm họ họp nhau đọc kinh, lần hạt dưới gốc cây đa đại thụ và tại đây họ đã nhiều lần được thấy Đức Mẹ hiện ra, mặc áo choàng, tay bồng Chúa Hài Đồng, ban lời an ủi cho những tín hữu bị bách hại, đó là nét độc đáo của vị Nữ Vương Thiên Đàng khi đến trên đất Việt, và giáo dân Cổ Vưu đã có vinh dự hiếm hoi ấy. Về sau, do người Pháp phiên âm không dấu nên vùng Lá Vằng này trở thành địa danh Thánh địa La Vang cho đến nay. Bạn Lê Viết Hồng của chúng ta là con cháu của những vị tiền bối sống sót khi trốn tránh bách hại tại rú Lá Vằng của 225 năm về trước.

 Ngoài bạn Lê Viết Hồng hy sinh tại tỉnh Bình Định, khóa 17 chúng ta có 3 Bạn hy sinh trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đó là Trịnh Xây Dựng, Trưởng Cơ Sở Dân Vận Chiêu Hồi tỉnh Kiến Hòa, Phó quận Hà Vĩnh Tường tại tỉnh tỉnh Phước Long . Ngậm ngùi tưởng nhớ các Anh sau gần nửa thế kỷ đau thương, mà vẫn tưởng như mới hôm qua của kỳ vọng trong sân Học viện, phục vụ đất nước và dân chúng.

 Ký ức về tên tuổi của những người đã nằm xuống vì lý tưởng tự do, lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy trong tháng Tư đen năm 1975 là sự kế thừa của những tấm gương vĩ đại của tiền nhân. Khi bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn và khâm phục, chúng ta không bao giờ quên rằng sự cảm kích cao nhất không phải là nói ra những lời mà phải xem đó những kinh nghịệm sống phải noi theo cùng truyền lại cho thế hệ sau tính quả cảm, lòng bất khuất trước quân thù Cọng sản trong lịch sử đau thương của nước Việt ở hậu bán thế kỷ 20.

 Mong sao chúng ta không bao giờ quên những người đồng đội đã ngã xuống trong tháng Tư đen, trong những giờ phút thiêng liêng và đau buồn nhất của dân tộc, vì miền Nam độc lập và tự do.

Hoàng Trác Thành & Nguyễn Trí

Cali-Boston. Mars.2022.