Tuesday, September 29, 2009

Hậu quả Cọng sản


Kỷ niệm 60 năm “Cầu Không Vận Berlin”

LONDON (AFP) – Hôm Thứ Bảy một buổi lễ kỷ niệm 60 năm Cầu Không Vận Berlin đã được tổ chức tại Alweras, Starffordshire, nhằm xưng tụng thành tích trợ giúp tranh đấu bảo vệ tự do cho dân chúng Tây Bá Linh và vinh danh những người đã hy sinh trong công cuộc này.

Hoa Kỳ lãnh đạo chiến dịch tiếp tế bằng đường hàng không cho Tây Bá Linh (3 khu vực thuộc quyền kiểm soát của Mỹ, Anh, Pháp) sau khi Liên Sô phong tỏa đường bộ và đường sông từ Tây Đức đi ngang lãnh thổ Đông Đức năm 1948. Các máy bay Anh đã bay 175,000 phi xuất, chở đến Berlin 530,000 tấn hàng tiếp liệu bao gồm lương thực, nhiên liệu, thuốc men cùng các nhu yếu phẩm khác – trong tổng số hơn 2 triệu tấn hàng được chuyển qua cầu không vận này và 39 đoàn viên phi hành người Anh đã chết trong các tai nạn.

Văn thư của Thị trưởng Berlin gởi tới được đọc trong buổi lễ. Thị trưởng Klaus Wowereit viết: “Các người lớn tuổi ở Berlin đến ngày nay vẫn còn ghi nhớ với lòng tri ân sâu xa về những sự trợ giúp liên tục mà họ tiếp nhận được qua mùa đông gian khó 1948-1949 ….Những ‘oanh tạc cơ mang kẹo’ bay trên Berlin đổ nát đã trở thành biểu tượng về quyết tâm của Đồng Minh dành cho thành phố này”.

Buổi lễ đã để một phút yên lặng tưởng niệm những người đã hy sinh trong khi phục vụ cầu không vận trong khi một máy bay Dakota (C-47) – loại máy bay vận tải 2 động cơ sử dụng phổ biến nhất ở giai đoạn trong vá sau Thế Chiến II – bay ngang, (HC)

Monday, September 28, 2009

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh


Tâm sự của mẹ Nấm
Viết Cho Con - Mười Lăm Phút Đồng Hồ

Audio rfa.org - Menam interview -
Video Lòng mẹ

Tháng 9 - tháng thứ 35 trong tuổi thứ 3 của con.

Tháng biến cố của cuộc đời mẹ, và thật sự điều khiến mẹ thấy ăn năn nhất cho đến giờ là mẹ chưa chuẩn bị tình huống để lo cho con thật kỹ càng khi mẹ quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình.(Hình phải: mẹ Như Quỳnh - bé Nấm)

Mai này con lớn, nếu đọc được những dòng này, và nếu lịch sử có thay đổi, thì mẹ hy vọng rằng con sẽ hiểu được những gì mẹ và các cô, các chú khác đã và đang cố gắng nỗ lực vì tương lai của chúng con.

Chú Hiếu - bố của bạn Tí Hớn, đã chuẩn bị sẵn tâm lý nên chú ấy để lại cho Tí Hớn những lời ru con từ nước Vệ thật buồn.

Mẹ không hề nghĩ đến việc đó.Bởi mẹ chỉ nghĩ đơn giản là việc mẹ làm không phương hại đến ai, là tiếng nói của cá nhân mẹ, một người mẹ Việt Nam.

Mẹ - chỉ nghĩ đơn giản là khao khát được nói, được bày tỏ, được làm điều gì đó để chứng tỏ ý thức Việt của mình.

Mẹ - chỉ nghĩ đơn giản là mình là một người trẻ - chính xác hơn là một người mẹ trẻ - vì vậy mẹ phải có trách nhiệm trước tương lai của con.

Mẹ - không muốn con đi vào con đường học lịch sử nhàm chán của chính bản thân mình.

Lịch sử là một môn khoa học đòi hỏi sự chính xác, và bất kỳ ai có ý định bẻ cong lịch sử nhằm phục vụ cho ý đồ cá nhân thì đều có tội với nước Việt này con ạ.Trong những ngày J mà mẹ phải trải qua, có lẽ con là áp lực tinh thần lớn nhất với mẹ, vì vậy mẹ kiên quyết từ chối những lời đề nghị mà thiên hạ đã đưa con ra làm vật trao đổi với mình.

Những ngày J đó thật khủng khiếp và khó khăn, và mẹ thật sự biết ơn bà cố, bà ngoại, tất cả các ông, bà, cậu, dì, anh, chị, em trong gia đình mình. Mọi người đã tạo cho con một tâm lý thật vững vàng trong những ngày "mẹ đi công tác".

Con - một cô bé chưa tròn 35 tháng tuổi - đã có sự linh cảm về "chuyến đi công tác chẳng an toàn của mẹ". Con rất ngoan.Tự giác ăn uống, vui chơi và thương nhất là con "ý thức được việc của bản thân mình. Mẹ cám ơn con rất nhiều con gái bé bỏng, và thực sự là mẹ rất tự hào về con.

Câu chuyện bà ngoại kể lại cho mẹ nghe khiến mẹ phải rơi nước mắt mỗi tối, là việc con hay lẩm nhẩm và hát to bài hát "15 PHÚT ĐỒNG HỒ". Bài này trước lúc "đi công tác" mẹ hay hát cùng con, nhưng con hình như không tập trung để nghe nên không thuộc mấy. Vậy mà khi vắng mẹ con lại nghêu ngao :

" 15 phút đồng hồ
Buồn nhớ má thấy mồ.
Buồn như con cá rô đem để vào tô.
Mình lên giây đồng hồ.
Mừng hết lớn nghe bồ.
Mừng như con cá rô đang bơi vào hồ."

"15 phút đồng hồ" của mẹ không dài và cũng không ngắn, nó đủ khiến mẹ già dặn hơn và có trách nhiệm hơn. Những người có con cái chắc chắn sẽ hiểu rằng việc tách mẹ ra khỏi con trong chừng ấy ngày là việc làm vô nhân đạo, chưa kể đến việc luôn đem cái gia đình bé nhỏ của mình ra để làm áp lực với mẹ con à. Chỉ riêng việc này thôi mẹ đã nhận ra rằng mẹ con đang ở một xứ sở mà có những việc ai cũng hiểu chỉ "vài người" không chịu hiểu.

"15 phút đồng hồ" của mẹ có nhiều đánh đổi. Mẹ chấp nhận từ bỏ tất cả để được về với con bởi mẹ yêu con hơn bất kỳ thứ gì trên đời này.

Mẹ đã nói, đã bày tỏ một thứ tình yêu khác ngoài tình yêu thương con, và khốn khổ cho mẹ đó là thứ tình yêu không hợp lệ vì chưa được cấp phép. Chua xót quá phải không con?


Trải qua "những ngày J" mẹ đã có một quyết định quan trọng mà có thể điều đó sẽ làm khá nhiều bạn bè và người quen của mình phải hụt hẫng và thất vọng. Nhưng trong thâm tâm mẹ mẹ tin rằng, mẹ đã và sẽ là cô giáo đầu tiên dạy con đánh vần hai tiếng "quê hương", và mẹ tin rằng con gái mẹ tự hào vì điều đó.

"... Quê hương là gì hở mẹ ?
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một Mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người."


Mừng con tháng tuổi 35 tròn đầy, xinh tươi và rạng rỡ.
Mẹ yêu con!

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Nguồn nguoivietyeunuoc
Đọc thêm Thơ Caubay
- rfi.fr

Chiến dịch Cờ Vàng


Hình ảnh ngày Điều trần Dự luật Cờ Vàng(24-9-2009)
tại tiểu bang Massachusetts-USA

















Nguồn nguoivietboston.com

Sunday, September 27, 2009

Thơ Tô Thùy Yên


Trường Sa hành


Toujours il y eut cette clameur,
Toujours il y eut cette fureur...
(Saint John Perse)

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên

Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê

Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh

San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người


Tô Thùy Yên
3-1974

Nguồn thivien.net

Saturday, September 26, 2009

Người Việt tị nạn CS


Cảm tưởng của Luật sư Trúc Celine Phạm
nói trước các chính trị gia Đức, và hơn 1200 người tham dự
trong ngày khánh thành Tượng Đài Tỵ nạn CS tại Hamburg 12/9

Kính thưa Ông Bà Tiến sĩ Neudeck,
kính thưa quí vị Quan khách,

Tôi tên là Trúc Celine Phạm, một trong những cựu thuyền nhân may mắn đã được tàu Cap Anamur cứu vớt. Tôi hiện đang sống với ba mẹ và ba chị em ở Hamburg. (Hình bên phải:Luật sư Trúc mặc áo màu đen đứng cạnh chủ tịch Nguyễn Hữu Huấn, chị của Trúc là Tâm mặc áo dài trắng)

Tôi thường bị hỏi, do đâu mà tôi đã đến Hamburg, thế là tôi phải ngược về dĩ vãng và kể lại chuyến vượt biên bi thảm thoát khỏi Việt Nam của chúng tôi bằng chiếc thuyền gỗ nhỏ, chật cứng với những người vượt biên khác. Và lúc ở trong Vịnh Thái Lan, ghe chúng tôi đã bị những ghe cướp bao vây và bị cướp như thế nào, khi các người đàn ông, thanh niên bị cưỡng bách rời khỏi ghe (trong đó có cả ba tôi) và lại lúc ấy, sự may mắn không ai ngờ đã đến, chiếc trực thăng của tàu Cap Anamur từ chân trời bỗng dưng xuất hiện và đã đuổi bọn cướp biển chạy đi và cũng nhờ đó, chúng tôi đã thoát chết ở những giây phút cuối cùng.
Sự kiện này chỉ được tóm gọn lại trong vài dòng chữ, nhưng dư hưởng của nó đã làm cho tôi nhận thức được, nếu tôi để tâm suy nghĩ thêm một chút. Gia đình tôi đã gặp may mắn là nhờ có những con người đã động tâm khi nhìn thấy sự nguy khốn của tha nhân, và với sự động tâm đó họ có thể làm thay đổi được nhiều sự kiện.

Vào năm 1980, khi ba mẹ tôi dẫn chị tôi và tôi vượt biên khỏi Việt Nam, với hy vọng cho hai chúng tôi sẽ được lớn lên trong một đất nước, nơi chúng tôi có đầy đủ điều kiện được phát triển TỰ DO, trong tư tưởng cũng như trong hành động.

Tôi chỉ có thể đoán rằng, sự quyết định lúc ấy của ba mẹ tôi khó biết là dường nào, khi họ phải bỏ lại gia đình, nhà cửa, cũng như cuộc sống nơi đó, để mạo hiểm bước vào một tương lai bấp bênh, đến một thế giới xa lạ.

Vâng cái thế giới xa lạ ấy, nơi chúng tôi bỗng nhiên đã có mặt. Tôi còn nhớ, khi chị tôi và tôi lần đầu tiên đã nhìn thấy tuyết trắng xóa và chúng tôi đã cố gắng chụp bắt những hoa tuyết bay bayHoặc là khi chúng tôi gặp „ông già Noel“ lần đầu tiên và khi nhìn thấy hình tướng của ông, thú thật, chúng tôi cảm thấy sợ hơn là vui mừng. Một cảm giác đẹp khôn tả đã đến với chúng tôi, với cặp mắt mở to, miệng thì há rộng khi đứng trước cây Giáng sinh thật đẹp với đầy quà tặng. Cái thế giới xa lạ đầu tiên ấy cũng đã trở thành thế giới của chúng tôi.

Sau khi được cứu vớt nhờ tàu Cap Anamur, qua sự bốc thăm, quê hương thứ hai của chúng tôi đã được xác định: Hamburg. Qua nhiều chứng minh trong quá khứ, là tôi đã luôn không được may mắn trong việc bốc thăm, nhưng điều này chắc phải xét lại: Không những chỉ riêng thành phố Hamburg mở vòng tay chào đón chúng tôi, một thành phố tuyệt đẹp và đa dạng mà còn có những người đáng yêu đã và đang giúp đỡ chúng tôi không vụ lợi qua những lời khuyên nhủ, cũng như qua những hành động cụ thể.

Tổ chức Cap Anamur đã thành công trong thời điểm đó, chiếm được cảm tình của nhân dân Đức qua mục tiêu nhân đạo, trong việc kêu gọi sự thông cảm cần thiết và sự tự nguyện giúp đỡ của người dân Đức. Thí dụ như sự phối hợp với tờ báo „ Hamburger Abendblatt“ để tìm những nguời bảo trợ cho các gia đình tị nạn có con trẻ, qua đó từ những ngày đầu, chúng tôi đã quen được với gia đình Zibell, gia đình này, từ 30 năm qua đã có mặt trong mọi tình huống với chúng tôi như chung trong một gia đình. Và cũng đã nẩy sinh thêm biết bao nhiêu tình bạn thắm thiết, từ trường học, láng giềng, trong đại học, qua nghề nghiệp cũng như ngoài đời. Chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi được hạnh phúc khi có được những người đáng yêu này.

Tôi hiện đang sống ở Barmbek, làm việc tại hãng Beiersdorf, thích món ăn Labskaus và mỗi khi có dịp, cũng đi xem các trận đá bóng của đội banh St. Pauli. Tuy nhiên, khi tôi cảm nhận Hamburg là quê hương tôi, đó là phát sinh từ những bối cảnh, do những người chung quanh hằng ngày đã tặng tôi cái cảm giác là tôi cũng thuộc vào đó.

Hiện giờ tôi đang nói Hamburg như là quê hương mới của tôi và tôi không thể không nhắc đến, cạnh đó còn có quê hương xưa của tôi. Việt Nam là quê cha, đất tổ, Việt Nam là nơi tôi đã được sinh ra. Vì khi rời khỏi Sài Gòn, tuổi tôi còn rất nhỏ, nên trong một thời gian dài tôi đã tưởng rằng, trong tim tôi chỉ có chỗ cho một thành phố quê hương thôi. Nhưng hôm nay, tôi có thể nói ra với đầy hãnh diện rằng, trong tôi đang có hai quả tim đang đập: cho hai thành phố, mỗi thành phố có mỗi cách riêng của nó, đều tạo cho tôi cảm giác đẹp là tôi đang ở trên quê hương tôi. Buổi tổ chức hôm nay là một cơ hội tuyệt vời cho người Việt chúng tôi được nói lên lời tri ân sâu sắc nhất đến ông bà Tiến sỉ Neudeck, các quan khách tham dự và nhân dân Đức.

Trước hết, chúng tôi xin cám ơn đến tất cả những người bạn và những người quen biết- đặc biệt, tôi xin cám ơn người bạn đời của tôi, anh rể tôi và gia đình của họ - về sự cởi mở đối với những đặc thù Việt Nam và sự rộng lượng khi đụng phải sự „bướng bỉnh“ đầy Việt Nam tính của chúng tôi.

Hơi riêng tư một chút, chị em chúng tôi cũng muốn chân thành cám ơn ba mẹ chúng tôi, hai người đã vì tương lai chúng tôi, cố gắng bền bỉ và đã hy sinh nhiều cho chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng và tri ân, hai người đã giáo dục thận trọng cho chúng tôi biết gìn giữ những giá trị và truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, nhưng bên cạnh đó hai người cũng đã cho chúng tôi những tự do cần thiết để chúng tôi có điều kiện hội nhập và phát triển ở Đức được.

Kế đến, lời cám ơn của chúng tôi xin gửi đến chính quyền và nhân dân Đức, những người đã hợp tác với dự án của Tiến sĩ Neudeck và sự yểm trợ tài chánh lớn lao của nhân dân Đức, nhờ đó những chuyến Cap Anamur mới có thể thực hiện được.

Sự tri ân thật đặc biệt của chúng tôi ngày hôm nay, xin gửi đến ông bà Tiến sĩ Neudeck, vì con tim, vì sự can đảm và vì sự bền chí của ông bà. Với tổ chức Cap Anamur, ông bà đã cứu sống hơn 10.000 người Việt và đã tặng họ cũng như các thế hệ kế tiếp của họ một đời sống trong tự do.

Xin ông bà nhận từ chúng tôi, những người đã được cứu sống nhờ qua lý tưởng trọn đời cho nhân bản của ông bà, lòng tri ân sâu sắc nhất.

Hamburg, ngày 12.09.2009

Vài dòng tiểu sử về Trúc Celine Phạm:

Sinh ngày 09.08.1976 tại Sài Gòn-Việt Nam
Đầu năm 1980, lúc 3 tuổi cùng cha mẹ và người chị (5 tuổi) vượt biên thoát khỏi Việt Nam và từ tháng 6 năm 1980 được định cư tại Hamburg, Đức Quốc
1983 – 1996 : Tiểu học và Trung học tại Hamburg
1996 : Tốt nghiệp Trung học
1996 – 2002 : Học tại Universität Hamburg khoa Luật
2002 : Tốt nghiệp kỳ thi Luận án Quốc gia Kỳ I
2002 – 2004 : thực tập tại các Văn Phòng Luật sư và các Đại Công ty thương mãi
2004 – 2006 : Luật sư thực tập tại Tiểu Bang Schleswig Holstein ở nhiều bộ phận chuyên môn trong Tòa án, tại các Công sở, các hãng Bảo hiểm, Văn phòng Luật sư tại Newyork – USA
2006 : Tốt nghiệp kỳ thi Luận án Quốc gia Kỳ II
2006 – nay : làm Luật sư của Đại công ty Beiersdorf AG

Nguồn lyhuong.net

Phạm Tín An Ninh


Lá rụng không về cội

Thứ bảy tuần rồi, ông Trương nhận được hai món quà, do ông bà sui vừa về thăm quê bên Việt Nam mang sang tặng. Hai món quà thực ra không đáng bao nhiêu tiền, nhiều lắm cũng chỉ bằng giá một tô phở bán ở Little Saigon, nhưng với ông nó lại là vô giá, đã làm ông xúc động, nghẹn ngào đến nỗi không thốt lên được hai tiếng cám ơn. Cả tuần nay, nhiều đêm ông trằn trọc mất ngủ, ban ngày ngồi thẫn thờ, hoặc chắp tay sau lưng lẩn thẩn một mình trong khuôn vườn nhỏ sau nhà, suy nghĩ mông lung.

Năm vừa rồi, con cháu đã tổ chức mừng Lễ Thượng Thọ cho ông, mặc dù ông thường cản ngăn điều ấy. Nhưng con cháu làm vậy là phải, vì gia đình ông trải qua bao đời sống trong gia phong lễ giáo, hơn nữa suốt một đời vào sinh ra tử mà ông sống được tới hôm nay cũng là lạ lắm. Con cháu không chỉ mừng ông mà còn phải cảm tạ Đất Trời.

Sinh ra ở vùng quê, một cái huyện nghèo, mà thơ mộng. Biển xanh nằm sát bên dãy trường sơn hùng vĩ, cực bắc tỉnh Khánh Hòa. Cuộc đời ông có nhiều may mắn bất ngờ. Vì sinh kế, cha mẹ ông phải vào Nam lập nghiệp. Ông được một người trí thức có lòng nhận làm dưỡng tử. Người này gốc Quảng Bình, tốt nghiệp kỹ sư công chánh ở đại học Sorbone bên Pháp, vừa mới hồi hương và đang làm cho hãng thầu Descours &Cabaud đặc trách hai công trường xây cầu NeakLuong và Norodom, cách thủ đô Nam Vang 6 – 10 cây số. Là “dưỡng tử” nhưng ông thường được xưng hô là “thầy trò”. Ông kỹ sư chưa lập gia đình. Để thuận tiện công việc làm, ông thuê một ngôi nhà đơn lập, nằm cạnh nhà của người bạn là một nhà giáo, và gởi gấm cậu dưỡng tử theo học. Thời đó Nam Vang không có một trường nào dành cho văn hóa Việt Nam, mà chỉ có trường Pháp và Miên. Ông kỹ sư sống ở Pháp hơn bốn mươi năm, thấm nhuần văn hóa Pháp, vì vậy “cậu bé” Trương tất nhiên chịu ảnh hưởng của người dưỡng phụ, nên học hành rất nhanh và sớm thi đỗ Diplôme.

Ngày 8 tháng 3 năm 1945, quân Nhật lật đổ chính quyền bảo hộ Pháp ở Đông Dương. Ông kỹ sư dưỡng phụ bị quân Nhật bắt đem đi mất tích. Không còn nơi nương náu, ông Trương chỉ còn con đường duy nhất là về lại quê xưa. Bảy tháng sau, quân Pháp từ Ban Mê Thuột đổ xuống đồng bằng như thế chẻ tre. Ông Trương, lúc này đã là một thanh niên, bị bắt. Khi Phòng Nhì Pháp thẩm vấn, ông đội (Phinh) thông ngôn dịch sai câu trả lời của ông Trương, làm cho viên sĩ quan Pháp hiểu lầm tức giận, đứng lên định tát vào mặt ông Trương. Nhờ lanh trí và với căn bản Pháp văn vững chãi, ông Trương trình bày tận tường sự việc, làm cho vị sĩ quan Pháp ngạc nhiên, thán phục. Thay vì làm tù binh, ông Trương được đưa vào Nha Trang để làm thủ tục đồng hóa vào quân đội Pháp. Sau đó ông được sự giúp đỡ của một số Sĩ quan Pháp tốt nghiệp trường Võ Bị Saint Cyr, thi đỗ vào École Militaire InterArmes de Dalat (EMIAD) ( trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt). Tốt nghiệp với thứ hạng cao, ông được chọn làm huấn luyện viên cho các khóa Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch

Rồi từ ngày ấy ông biền biệt xa quê, nơi chôn nhau cắt rốn, cho tới hôm nay. Đúng ra, trong thời gian hơn sáu mươi năm ấy, ông chỉ sống ở quê mình vỏn vẹn có ba năm, khi ông bất ngờ được chọn về đây làm quận trưởng. Nhiều người cho đây là một điều may mắn. Hơn nữa lúc này là thời Đệ Nhất Công Hòa, tiêu chuẫn để chọn một quận trưởng rất khó khăn.Vậy mà khi nhận được Lệnh Bổ Nhiệm, ông đã xin từ chối. Ông biết làm việc ngay ở quê mình là một điều không dễ, bởi còn có nhiều người thân, em út trong nhà , bà con chú bác. Dù tình lý có phân minh, cũng khó tránh được đôi lời dị nghị.

Nhưng cuối cùng ông cũng phải mang balô, từ giã một tiểu đoàn thiện chiến, do chính ông dày công tổ chức và rèn luyện, về chính quê mình nhận trách nhiệm mới, nặng nề phức tạp. Lời khẩn cầu từ chối của ông không được chấp thuận. Lý do được Bộ Nội Vụ đưa ra: Ông (cố vấn) Ngô Đình Nhu đang là dân biểu Quốc Hội (đảm trách hai quận thuộc tỉnh Khánh Hòa, trong đó có quận của ông), đề nghị Trung Ương bổ nhiệm một vị quận trưởng phải có đạo đức, lập trường kiên quyết chống Cộng, vừa có kinh nghiệm tổ chức chiến đấu vừa am tường địa hình và dân chúng trong quận. Trong danh sách những người được đề nghị, ông Trương là đối tượng duy nhất đáp ứng các tiêu chuẩn trên. Ba năm, sau khi đã ổn định tình hình và tổ chức được một hệ thống chính quyền xã ấp cùng một lực lượng an ninh vững mạnh, xây xong một con đập lớn (Bình Trung) và ngôi trường trung học công lập đầu tiên cho quận, ông làm đơn xin được trở lại đơn vị cũ. Là một sĩ quan chiến đấu, ông không hứng thú với những thủ đoạn ở chính trường. Đơn chưa được xét, thì xảy ra cuộc đảo chính ngày 1.11.63. xóa bỏ nền Đệ Nhất Cộng Hòa một thời thịnh trị. Ông bị đám tướng tá “cách mạng” chụp cho chiếc nón Cần Lao, mặc dù ông là một phật tử ngoan đạo, thuần thành. Cuối cùng không tìm ra tội, họ phải chấp nhận đề nghị của ông: trả ông về quân đội. Ông được bỗ nhậm về Trung Đoàn 48BB biệt lập, đang quần thảo với địch quân trong Chiến khu D. Bàn giao công việc cho người kế nhiệm.Thêm một lần nữa ông phải ra đi trong thương tiếc của mọi người. Và ông cũng không ngờ, lần ra đi này cũng là lần vĩnh viễn xa quê.

Bao nhiêu năm lăn lộn ở các chiến trường, biết bao lần vào sinh ra tử, đơn vị ông đã tạo nhiều chiến thắng lẫy lừng. Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ rồi Đệ Tứ Đẳng ông được tưởng thưởng từ khi còn khá trẻ, được chính các vị nguyên thủ quốc gia trao gắn. Cũng có một thời ông được chọn về làm huấn luyện viên cho các quân trường lớn : Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, Võ Khoa Thủ Đức, Chỉ Huy Tham Mưu Đà Lạt. Ông cũng là đồng soạn giả của một số Binh Thư dành cho các cấp chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn bộ binh.

Tình hình Vùng 1 Chiến Thuật ngày càng nặng nề, từ ngày đường mòn Hồ Chí Minh với những ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam - không hiểu vì sao - gần như bỏ ngõ (?), để từng đoàn xe pháo Bắc quân xâm nhập. Từ những chiến trường khu D, Bình Long, ông được điều ra tận vùng địa đầu hỏa tuyến, tái tổ chức một trung đoàn biệt lâp, với trang bị và nhiệm vụ phù hợp với một sách lược do chính cá nhân ông biên soạn lúc còn phục vụ tại Trường Chỉ Huy Tham Mưu Đà Lạt. Đó là kế hoạch“Chữ Tâm Trong Lũy Tre Xanh” (The Hearth Within The Green Bamboo Rampart), có nghĩa là phía quốc gia phải chinh phục được niềm tin của dân làng trước (và trong) kế Hoạch Bình Định & Xây Dựng Nông Thôn. Và cũng vì chính sách lược ấy, ông được thuyên chuyển đến vùng lãnh thổ này: Hai quận Hòa Vang và Điện Bàn thuôc tỉnh Quảng Nam được cơ quan MACV đề nghị làm thí điểm cho việc thực thi kế hoạch.

Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã tái tổ chức xong trung đoàn, lấy Tâm Lý Chiến làm hành trang cho binh sĩ mang vào vùng trách nhiệm, đến tận những nơi thâm sơn để theo dõi, bám sát và tiêu diệt các đại đơn vị Bắc quân xâm nhập. Mặc dù luôn bóp méo, viết sai sự thực, nhưng trong quân sử của đối phương không hề dám viết một dòng nào về hai Sư đoàn 304 và 324B của chúng đã đụng độ với lực lượng Hưng Quảng I của ta tại Quảng Nam. Bởi theo yêu cầu và chỉ điểm của đơn vị ông, một ngày, bốn phi vụ B52 trải thảm tại một khu vực nhỏ hẹp ở Gò Nổi (Phù Kỳ, huyện Điện Bàn) mà sau đó, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã phải dùng Rome Plough của Sea Bee để vào chôn xác quân thù. Đủ biết số tử vong của địch cao biết chừng nào.

Trong hồi ký, Y sĩ Thiếu Tá Nguyễn Gia Thọ, nguyên là bác sĩ quân y của Trung Đoàn, đã viết về ông khi vị bác sĩ này mới về trình diện:

….Tôi có cảm tình ngay với vị chỉ huy mới, vừa lịch sự vừa dứt khoát, lệnh lạc rõ ràng, và coi quân y quan trọng cho đơn vị. Tôi hình dung lại dáng người của ông, cao gầy, mặt xương. Sau tôi biết ông là người có tú tài Pháp, sùng đạo Phật, đêm nào cũng thắp nhang khấn ngoài trời, và trong ngôn ngữ truyền tin, ông là Phượng Hoàng….. và về chiến tích đầu tiên mà vị bác sĩ này được vinh dự góp phần, một ngày không xa sau đó:

….Kết quả cuộc tấn công của Việt Cộng: ta gần như vô sự, chỉ có Canh, xạ thủ đại liên, rớt từ chòi cao xuống, xương sống gãy một đốt đi lom khom và tôi, bị miểng đạn vạt mất mông bên trái, không ăn thua gì. Còn địch thì để lại trên một trăm xác chết ngoài hàng rào. Sau trận đó, tôi được thưởng anh dũng bội tinh với ngôi sao bạc, và chiến thương bội tinh.

Đại Tướng Hoa Kỳ Louis C. Wagner, từng là cố vấn trưởng trung đoàn, được ông Trương đề nghị ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, trong tập bút ký nổi tiếng Steel and Blood, đã hết lời ca ngợi trung đoàn dưới sự chỉ huy của ông. Nhưng với ông, người Mỹ đã làm cho ông thất vọng. Từ sự trở mặt của một đồng minh cho đến cả cái tình một thời chiến hữu.

Ngoài trách nhiệm nặng nề của người anh cả một đại đơn vị, ông còn trách nhiệm của người anh cả đối với những đứa em trai không cha, mẹ già, chu cấp lo lắng cho các em học hành. Ông cũng không thể dắt díu hết bầu đoàn thê tử theo ông ra vùng lửa đạn, nên phải gởi cậu trai lớn về quê ngoại Ninh Hòa và hai cậu con trai nhỏ cho hai người em trọ học ở Nha Trang. Sau này, tất cả các em và con trai đều theo bước chân ông vào quân ngũ. Có người là sĩ quan biệt động quân, người ở hải quân, không quân.

Trung Đoàn Biệt Lập của ông trở thành một đơn vị hàng đầu thiện chiến, luôn ở tuyến đầu lửa đạn. Cuộc đời ông lại gắn chặt dưới những giao thông hào, trong những lô cốt làm bằng những bao cát (được gọi là trung tâm hành quân) và đại gia đình ông bây giờ chính là những người lính chiến dưới quyền, cùng ông sống chết, nhục vinh.

Với khả năng lãnh đạo chỉ huy, đức tính cương trực liêm khiết, cùng bao nhiêu kinh nghiệm chiến trường, ông được tướng Ngô Quang Trưởng, điều về làm Tư Lệnh Phó cho một Sư Đoàn thiện chiến vào bậc nhất miền Nam. Một Sư Đoàn đã tạo nên bao chiến tích lẫy lừng cùng những vị Tư Lệnh và nhiều cấp chỉ huy nổi danh một thời của Quân Lực: Ngô Quang Trưởng, Phạm văn Phú, ..., Lê Huấn, Võ Toàn, ...

Đầu tháng 3/75, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, Quân Đoàn II có lệnh triệt thoái khỏi Cao Nguyên theo Tỉnh Lộ 7. Một cuộc lui binh tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh. Tướng Ngô Quang Trưởng đau đớn nhận lệnh bỏ Quân Đoàn I, trong khi người bạn đồng minh phủi tay và chính quyền trung ương cùng cả một hậu phương rối ren, hổn loạn. Sư Đoàn của ông cũng cùng chịu chung số phận. Vị Tư Lệnh cùng vài vị trung đoàn trưởng tử nạn trực thăng, không ai tìm ra tung tích. Ông nhìn cả một đại gia đình tan tác mà trong lòng như có trăm ngàn vết chém. Cuối cùng ông cũng phải rời khỏi vùng đất địa đầu miền Nam, nơi có những người lính anh hùng,giẫm lên xác thù, cấm cờ trên Cổ thành Quảng Trị, có cố đô của một triều đại cũng từng một thời dẹp Bắc bình Nam, mở rộng cả một vùng giang sơn bờ cõi, nơi đã hơn 30 năm đứng vững trong bom đạn hung hãn của kẻ thù và những tranh chấp hận thù của những người nhân danh tôn giáo. Ông đã phải cắt ruột mà đi, không những chỉ bỏ lại máu xương, bao nhiêu nấm mồ đồng đội, cùng với những chiến tích vang dội một thời, mà còn cả một đứa con trai, cũng là lính chiến, rút lui theo đoàn quân lên tàu, nhưng chẳng bao giờ tới bến. Người con trai của ông đã nằm lại vĩnh viễn ở một nơi nào đó cùng với đồng đội - những chiến sĩ vô danh .

Như một phép màu, ông Trương đã được bốc đi vào đúng giờ thứ hai mươi lăm của cuộc chiến, khi địch quân cấm lá cờ oan nghiệt nửa đỏ nửa xanh trên nóc ngôi nhà “ Dinh Độc Lập”. Hôm đó người ông đi, mà hồn ông vẫn còn ở lại trên quê nhà.

Đến Mỹ, ông tìm một nơi tạm cư vắng vẻ, cùng với một gia đình không trọn vẹn, sống âm thầm những tháng ngày còn lại. Ông tìm lãng quên trong sách vở, với những đứa cháu nội ngoại không hề biết quê hương nơi ông sinh ra và cả một đời chiến chinh và nỗi đau cắt ruột. Niềm vui duy nhất của ông bây giờ là tìm lại những đồng đội ngày xưa, nhắc nhớ nhau một thời trận mạc. Nhưng vui đó rồi lại buồn đó, khi bất chợt có ai nhắc lại tên một người đã mất hoặc vẫn còn sống mà khốn khổ lạc loài trên chính mảnh đất quê hương.

Những lúc rảnh rỗi, ông đóng cửa phòng, đọc sách, hồi tưởng lại cả một chuỗi quá khứ của đời mình, nhớ lại từng chi tiết trong các trận đánh, phân tích các điều thành bại rồi viết lại và lưu giữ trong computer. Lâu lâu ông lại mở ra đọc, nghiền ngẫm hằng giờ. Rồi thở dài. Ông tiếc thầm, vì những kinh nghiệm có được từ bao nhiêu máu xương này không còn biết đem truyền lại cho ai.

Nhiều lúc ông da diết nhớ quê, nhớ mồ mả cha mẹ tổ tiên, nhưng ông không bao giờ có ý nghĩ trở về, dù chỉ một lần, và chỉ một đôi ngày ngắn ngủi. Bởi một lý do đơn giản: ông nghĩ nơi ấy không còn là quê hương ông ngày xưa, mà chỉ còn là một vùng đất lạ lẫm, mà mỗi ngày, mỗi một phút, lũ cầm quyền vong bản, hèn mạt, bất tài, đua nhau bán rẻ quê cha đất tổ, cướp đi từng hạt cát của biển, hạt lúa của ruộng đồng, từng cành cây của rừng, từng tảng đá của núi và cả những giọt nước mắt, mồ hôi của những người dân khốn khổ, trong đó có nhiều người bà con của ông đã gần 50 năm chưa hề gặp lại. Ông cũng hổ thẹn, thấy chính mình có lỗi khi để quê nhà lọt vào tay bọn giặc man rợ, bất lương.

Suốt một tuần nay, buổi sáng nào, sau khi thức dậy, ông cũng rón rén đến bàn thờ, tìm hai món quà mà ông bà sui đã tặng : một chiếc nón lá và một bao nilon chỉ toàn là cát.

Hôm nay, ông ngồi thật lâu, dường như suy nghĩ một điều gì quan trọng lắm. Cuối cùng, ông đi tìm chiếc ghế, đứng lên đóng một cây đinh vào vách phòng khách, nơi mà trước đây ông luôn dặn dò, nhắc nhở vợ con mình không được làm điều ấy. Ông trịnh trong treo chiếc nón lá lên đó. Rồi ông lùi ra nhìn chiếc nón. Bất chợt trong nhạt nhòa nước mắt, ông nhìn thấy bóng dáng mẹ ông, nhớ tới bài văn xuôi rất học trò của ông Thanh Tịnh, mà ông đã thuộc lòng từ thời tấm bé :

“....Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần..”. Hôm ấy mẹ ông cũng đội một chiếc nón lá .

Nhớ tới bao nilon cát, ông tìm một tấm nhựa mới, đổ hết cát từ trong chiếc bao hai lớp, lên tấm nhựa. Những hạt cát mà ông bà sui của ông đã hốt lên từ bãi biển ở quê ông, nơi mà thời còn nhỏ dại ông thường tụ tập tại đây tắm biển, vui đùa với đám bạn bè con nít, reo hò đón những chiếc ghe đầy cá của những bác ngư ông láng giềng trở về từ biển cả. Ông lấy cái lư hương trên bàn thờ xuống, lau chùi bên trong sạch sẽ, lót lên một tấm vải màu đỏ, rồi trịnh trọng bốc từng bốc cát bỏ vào. Những hạt cát đối với ông bây giờ là những hạt ngọc, trong lóng lánh ông tưởng chừng như bao nhiêu đôi mắt của người thân, của đồng đội, bạn bè, dù còn sống hay đã chết, bây giờ biền biệt ở nơi nào đó, mịt mờ trong cõi hư vô. Ông chỉ bỏ vào chiếc lư hương một nửa số cát, nửa còn lại ông gói thật kỹ vào tấm vải đỏ, rồi bỏ vào trong một chiếc hôp thiếc, vốn là hộp trà kỷ niệm lễ cưới của thằng con trai út.

Ông dặn lòng, tối nay, ông sẽ thức khuya một đêm nữa, viết tờ di chúc cho vợ và các con. Cả một đời ông đã bỏ lại quê nhà, sang xứ người khi tuổi đã về chiều, ông chỉ còn biết đem hết công sức nuôi nấng, dạy dỗ các con. Trời không phụ lòng ông, tất cả con cái đều đã nên người, hiếu thảo. Mai này, khi nhắm mắt ra đi, ông cũng chẳng còn gì để lại, ngoài cuốn nhật ký ghi lại đời mình. Và bây giờ có thêm chiếc lư đồng, trong đó chỉ có những hạt cát quê hương, mà ông xem như “vật gia bảo” trên bàn thờ tiên tổ. Nửa số cát còn lại, ông cất kỹ dưới đầu giường và xin vợ con ông sẽ rắc trên di thể của ông trước khi đậy nắp quan tài.

Ông hình dung tới những chiếc lá trong cơn bão, tả tơi, tan tác, bị cuốn đi trong trời đất mênh mông, để không bao giờ được rơi về với cội. Lòng thấy xót xa. Bỗng bất chợt, ông nhìn lên bàn thờ, mắt ông sáng lên, rạng rỡ, khi nghĩ rồi đây bên cạnh mình còn có nắm cát của quê hương.

phạm tín an ninh
Nguồn hungviet.org

Friday, September 25, 2009

Nguyễn Quang Lập


Bí mật 30 năm
Tặng anh Tống Văn Công

Phùng Quán làm bài thơ Lời mẹ dặn khi mình mới một tuổi(1957), mặc dù bị cấm đoán lung tung nhưng đến năm 7 tuổi mình đã biết, còn được đọc cả bài thơ, đơn giản vì ba mình rất thích bài này. Cạnh nhà mình có bác Thông công an, hình như hồi đó bác làm trưởng hay phó ty công an tỉnh Quảng Bình, cũng rất thích bài này.

Khi nào hai cụ ngồi với nhau cũng đều nhắc đến Phùng Quán, Trần Dần. Có người thì hai cụ nói tiếng Pháp, vắng người thì các cụ cứ nói oang oang không kiêng dè gì, mặc kệ mình đứng ôm cột nhà hóng chuyện. Ba mình nói anh đem bài này giáo dục chiến sĩ công an là tốt lắm, bác Thông gật gù, nói đúng đúng. Bác Thông nói anh đem bài này vào sách giáo khoa dạy con nít cũng rất tốt, ba mình gật gù, nói đúng đúng.

Ba mình nhìn bác Thông cười cười, nói nếu trên bảo bắt Phùng Quán, anh có bắt không. Bác Thông cười cái hậc, nói tôi chấp hành nhưng trước khi chấp hành tôi sẽ phản đối. Rồi bác thở dài, nói tôi chỉ làm được có thế thôi, khó lắm khó lắm.

Đó là vài câu tiếng Việt mình nghe được, nhớ đến giờ. Còn thì hai cụ toàn nói tiếng Pháp, mình chẳng hiểu gì, chỉ lâu lâu lại nghe Phùng Quán Phùng Quản. Cái tính tò mò bẩm sinh, mình lục cho được bài thơ Lời mẹ dặn.

Còn bé chẳng thấy hay gì, chỉ thấy đúng.Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao doạ giết/ Cũng không nói ghét thành yêu giống y chang ba mạ, cô thầy vẫn dạy, có gì đâu nhỉ ?

Sau này chơi thân với Phùng Quán, mình có kể cho anh nghe chuyện ấy, anh xuýt xoa tấm tắc khen bác Thông, nói công an mà như thế thì quá tuyệt vời. Khi đó anh mới kể bí mật mà anh đeo duổi chẵn ba chục năm vì bài thơ này.

Nghĩ cũng hay hay, bài thơ như một chân lý hiển nhiên ấy lại làm cho thời đó xôn xao, đi đâu cũng thì thào thì thầm, như vừa phát hiện gì ghê gớm lắm. Tất nhiên bài thơ bị qui chụp là biểu tượng hai mặt, là mưu đồ đen tối của lực lượng thù địch. Từ Bích Hoàng tương một bài “Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số kẻ cầm đầu trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm” in trên Văn nghệ Quân dội số 5 ( 5/1958). Nghe thất kinh.

Anh Quán nói thực ra mình viết Chống tham ô lãng phí với Lờì mẹ dặn như những góp ý với Đảng thôi, vì mình nghĩ mình là chiến sĩ, mình không dám nói thật cho Đảng biết thì ai nói. Cho nên mới có câu này Trung ương Đảng ơi! /Lũ chuột mặt người chưa hết/ Đảng cần lập những đội quân trừ diệt/ Có tôi/ Đi trong hàng ngũ tiên phong! là mình nghĩ thế thật, khi đó Đảng hô một phát là mình vác súng xung phòng ngay, mưu đồ gì đâu.

Mình cười khì khì, nói mấy ông cũng dở hơi, nếu có mưu đồ ai lại dại đi nói với Đảng, làm thế hoá ra lộ thiên cơ à. Anh Quán cười cái hậc, nói thủa bé đến giờ mình cũng chẳng thấy lực lượng thù địch nào đi góp ý cho Đảng cả. Nó không chửi Đảng thì thôi, ngu gì lại đi góp ý.

Chuyện tưởng đến đó là xong, ai dè một tối ở chòi Ngắm sóng, anh rút tiền đưa mình, nói Lập đi mua cho anh chai rượu, anh kể chuyện này hay lắm. Chỉ chai rượu trắng với nhúm lạc rang, hai anh em ngồi gần sáng đêm. Anh Quán kể hồi đó phê phán chỉ trích đánh đấm anh rất nhiều, nhưng đánh đau nhất, độc nhất là bài thơ Lời mẹ dặn- thật hay không dài 112 câu của Trúc Chi, hình như in báo Nhân dân.

Mình hỏi Trúc Chi là ai, anh nói từ từ cái đã, rồi anh ngâm nga cả bài thơ, không quên một câu nào, chứng tỏ anh đã đọc đi đọc lại bài thơ này vài trăm lần là ít trong suốt mấy chục năm qua. Hồi này hễ ai bị phê ở báo Nhân dân, dù chỉ nhắc khẽ bóng gió một câu thôi, cũng cầm chắc là đời tàn. Thế mà cả bài thơ 112 câu dài dằng dặc, chụp mũ anh không thiếu một thứ gì.

Nào là Nó ghét chỗ thầy hiền bạn tốt/Nó yêu nơi gái điếm cao bồi/ Ghét những người đáng yêu của thiên hạ/Yêu những người đáng ghét của muôn người,/ Quen học thói gà đồng mèo mả/ Hoá ra thân chó mái chim mồi…

Nào là Theo lẽ thường: thì sét đánh không ngã/ Chắc trên đầu có cột thu lôi/ Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt/ Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi/ Nghề bút giấy đã làm không trọn/ Dùng dao khắc đá cũng xoàng thôi !…

Mình nói qui kết tàn bạo thế, anh không bị tù tội là may, cậu Tố Hữu có ba đầu sáu tay cũng đừng hòng giúp cháu. Anh Quán gật gù, nói đúng rồi, cho nên mình có trách Tố Hữu đâu. Đột nhiên anh nhìn thẳng vào mặt mình, nói hơn ba chục năm qua mình chỉ làm một việc là tìm cho ra Trúc Chi là ai.

Anh Quán trầm ngâm hồi lâu, uống hết chén rượu, nói sở dĩ mình quyết tìm cho ra Trúc Chi là ai, vì đời mình tan nát cũng chính ông này chứ không ai khác.Tìm để biết ông ta là ai, rứa thôi, ngoài ra không có ý chi hết. Khi đó nhiều người cho mình dại, tìm chẳng để làm gì, nhỡ người ta biết mình đang đi tìm, có khi mình lại thiệt thân.

Hồi đó cả nước chỉ có mỗi anh Trúc Chi làm thơ ở Hải Phòng, anh là cán bộ tập kêt, thỉnh thoảng lên Hà Nội vẫn gặp Phùng Quán chuyện trò rất vui vẻ. Phùng Quán đã đi tàu về Hải Phòng hỏi cho ra nhẽ. Trúc Chi cười buồn, nói anh nghĩ tôi là hạng người nào lại đi làm mấy trò khốn nạn đó.

Phùng Quán bế tắc, đôi khi nghi người nọ người kia nhưng tóm lại là không phải. Năm 1989, tình cờ có người bạn gửi cho anh tập thơ Một đôi vần của Trúc Chi do nxb Văn hoá dân tộc Việt Bắc ấn hành, trong đó in nguyên bài thơ Lời mẹ dặn- thật hay không, lời nói đầu cho biết Trúc Chi đó là Hoàng Văn Hoan.

Bí mật ba mươi năm đã giải toả, Hoàng Văn Hoan khi đó đã cư trú chinh trị tại Trung quốc. Anh Quán cười cái hậc, nói mình muốn gặp Hoàng Văn Hoan quá nhưng không sao gặp được. Mình nói anh gặp làm cái gì, anh nói để nói một câu, một câu thôi. Mình hỏi câu gì. Anh Quán uống một hơi cán chén, vuốt râu ngâm nga, nói anh Hoan ơi… ai quen học thói gà đồng mèo mả/ ai hoá ra thân chó mái chim mồi…

Nguyễn Quang Lập

Nguyễn Xuân Phước


Từ Phan Liêu, Đặng Dung đến Nguyễn Trãi
Tâm sự của một thế hệ
trước những biến động của đất nước ở đầu thế kỷ thứ XV

1
Vào cuối thế kỷ thứ 14 nước Đại Việt bắt đầu một giai đoạn suy vong.

Ở đầu thế kỷ thứ 13, chỉ 200 năm trưóc đó, đoàn quân bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư hãn và Hốt Tất Liệt đã phải bị khuất phục trưóc những chiến công hiển hách của Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải. Nhưng đến cuối thế kỷ 14, nhà Trần đã mất đi năng lực quốc phòng để gìn giữ biên giới. Các vị vua cuối cùng nhà Trần nhu nhược, yếu hèn. Nước Chiêm Thành nhỏ bé ở phương nam, dưới sự lãnh đạo của Chế Bồng Nga, đã hơn 10 lần đem quân vượt biên giới phía nam xâm phạm lãnh thổ và ba lần đem quân tàn phá kinh đô Thăng Long.

Trong bối cảnh đó, Hồ Quí Ly xuất hiện như một cái phao cứu vãn nhà Trần. Ông đã giúp triều đình cũng cố lại triều chính và quân đội. Hai cha con Hồ Quí Ly và Hồ Nguyên Trừng đã xây dựng đưọc một nền công nghệ quốc phòng cao độ có khả năng sản xuất được những vũ khí tân kỳ. Với khả năng quân sự mới đó, thủy quân Đại Việt đã giết được Chế Bồng Nga, chấm dứt được hoạ xâm lược của Chiêm Thành.

Nhưng cái phao cứu sinh Hồ Quí Ly đã trở thành sợi dây thòng lọng lịch sử cho nhà Trần. Với khôn ngoan, mưu lược cùng với quyền lực trong tay, Hồ Quí Ly đã chấm dứt nhà Trần và mở ra triều đại nhà Hồ.

Hồ Quý Ly là một con người văn võ toàn tài với đầy tham vọng, và là một nhà chính trị tài giỏi quyền biến. Nhưng Hồ Quý Ly phải đương đầu với tham vọng to lớn hơn ở phương bắc. Đó là tham vọng của Minh Thành Tổ, một hoàng đế thông minh đảm lược vừa mới cưóp ngôi người cháu ở Kim Lăng, Trung Hoa.

Đầu thế kỷ 15 là thời gian Trung Hoa đã được bình định và bước vào giai đoạn phục hưng. Năm 1398, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương băng hà. Ông truyền ngôi lại cho cháu đích tôn, tức là Huệ Đế. Năm 1402, Huệ đế bị chú là Yên Vương Lệ (Chu De) cứớp ngôi. Yên vương Lệ lên ngôi tức là Minh Thành Tổ.

Dưới thời Minh Thành Tổ, ông đã cho tổ chức hạm đội viễn dương với 48 chiếc tàu và 28.000 thủy binh dưói quyền chỉ huy của đô đốc Trịnh Hoà viễn du khắp nơi trên thế giới. Sử cho biết hạm đội Trịnh Hoà (Zheng He) thực hiện 7 chuyến viễn du, đã chinh phục các nuóc Nam Á, Phi châu, và gần đây các sử gia Tây Phương đã khám phá đoàn thám hiểm của Trịnh Hoà đã có dấu chân tại Greenland, Bắc cực và châu Mỹ trước cả Columbus, đem về cho Minh Thành Tổ rất nhiều vật lạ quí hiếm và sự thần phục của các vương quốc xa xôi.

Sự kiện nầy nói lên một điều là đối lực của dân quân Đại Việt bấy giờ là Minh Thành Tổ, một triều đại cực thịnh của Trung Hoa.

Minh Thành Tổ muốn mở rộng biên giới về phương nam. Nhân cơ hội một số quan lại nhà Trần chạy qua Kim Lăng dâng sớ tố cáo nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh đã phất ngọn cờ Diệt Hồ Phù Trần, để đem quân sang Đại Việt.

Năm 1406 Minh Thành Tổ phong Chu Năng làm Chinh Di Đại Tướng Quân, Trương Phụ làm Chinh Di Hữu Phó Tướng Quân cùng Mộc Thạnh làm Chinh Di Tả Phó tướng quân thống lĩnh 80 vạn quân chia làm hai cánh tràn xuống nước ta. (ĐVSKTT 307)

Thực chất của chiến dịch chinh nam với 800 ngàn quân dưới nhãn hiệu Diệt Hồ Phù Trần của nhà Minh là cuôc chiến tranh xâm lược đi liền với một cuộc di dân vĩ đại. Minh Thành Tổ muốn bình định Đại Việt để Đại Việt trở thành quận huyện của Trung Hoa như Ngô Việt, Mân Việt trước đây. Do đó, cuộc chinh nam lần nầy không phải chỉ là một cuộc viễn chinh quân sự thuần túy. Minh Thành Tổ đã phát động chiến tranh xâm lược tổng hợp quân sự, văn hoá và huyết thống. Đoàn quân 800,000 người đó có tác dụng pha loãng giòng máu của dân Việt ở phương nam, và làm thay đổi nếp sống và văn hoá Việt để đồng hoá vào Trung Hoa.

Đồng thời, mặt trận tâm lý với khẩu hiệu Diệt Hồ Phù Trần của Minh Thành Tổ đã đánh vào nhược điểm về giá trị chính thống của chính quyền Hồ Quí Ly. Đòn tâm lý nầy gây giao động mạnh mẽ trong quần chúng và chi phối mạnh mẽ ý chí chống xâm lăng của quân dân Đại Việt.

Mất tính chính thống, Hồ Quí Ly mất năng lực đạo đức để lãnh đạo công cuộc kháng chiến. Hồ Quí Ly đã thất bại trên mặt trận chiến tranh chính trị trước khi mặt trận quân sự bị sụp đổ.

Sự thất bại của nhà Hồ trong việc lãnh đạo công cuộc chiến đấu chống quân Minh đã đưa Đại Việt vào vòng nô lệ bắc triều lần thứ hai.

2.
Phan Liêu, Đặng Dung và Nguyễn Trãi là ba thanh niên sinh ra lớn lên thời Trần mạt. Ba người đều là dòng dõi của những đại quan làm việc vói triều đình nhà Trần. Khi nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, thân sinh cả ba đều hợp tác với chế độ mới. Họ là những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thanh niên của đầu thế kỷ 15 phải chứng kiến sự phá sản thê thảm của triều đại nhà Trần, một triều đại đã hơn một lần đưa dân tộc Đại Việt lên đỉnh cao của lịch sử .

Nguyễn Trãi, Đặng Dung và Phan Liêu đều sinh ra và lớn lên cùng thời kỳ. Nguyễn Trãi và Đặng Dung đi tìm con đường cứu nước. Nguyễn Trãi đã thành công và Đặng Dung đã phải tuẩn tiết. Riêng Phan Liêu đã đầu hàng giặc để làm quan.

a.
Phan Liêu là con của quan thái phó Nghệ An Phan Quí Hữu. Nghệ An là cửa ngõ vào Hoá Châu. Lúc ấy lực lượng của Giản Định Đế và Trùng Quang Đế đang nắm giữ vùng Nghệ An Thanh Hoá. Năm 1413, Trương Phụ đem quân đánh Nghệ An. Phan Quí Hữu ra hàng. Phan Liêu được Trương Phụ cho làm tri phủ Nghệ An. Quân của Trùng Quang Đế chạy về Hoá châu. Phan Liêu đem thông tin quân số của Trùng Quang Đế cho Trưong Phụ biết. Nhờ đó, Trương Phụ đã tiêu diệt được lực lượng Nghĩa Quân. Trùng Quang Đế và Đặng Dung đều bị bắt trong trận Hoá Châu nầy và sau đó tự vẫn trên đưòng giải về Kim Lăng. Do sự phản bội của Phan Liêu, chế độ nhà Trần hoàn toàn cáo chung. Đến năm 1419, Phan Liêu bất đồng quan điểm với Mã Kỳ, một tướng lãnh quân Minh, nên đem quân giết quan quân nhà Minh ở Thanh hoá và chạy qua Ai lao.

Phan Liêu không đầu hàng ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh xâm lược. Ông đầu hàng vào năm 1413, tức là 6 năm sau khi Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân tràn vào Đại Việt. Trong thời gian đó, cha của Phan Liêu là Phan Quí Hữu đang còn làm quan cho nhà Hậu Trần, đang làm công tác phù Trần.

Ở giai đoạn nầy động lực cho sự hợp tác với quân Minh không còn là phù Trần nữa. Sau 6 năm chiếm đóng Đại Việt quân Minh không hề quan tâm đến việc đưa con cháu nhà Trần trở lại ngai vàng. Chiến dịch Diệt Hồ Phù Trần đã hiển nhiên trở thành cuộc chiến tranh xâm lược. Ở giai đoạn nầy, hàng quân Minh là sự chọn lựa giữa cái chết vinh vì đất nước và cái sống nhục theo quân xâm lược, là chọn lựa giữa đi với Trùng Quang vào núi kháng chiến và theo giặc Minh làm quan. Phan Liêu chọn con đường thứ hai.

Cuộc nổi loạn của Phan Liêu năm 1419 chắc chắn đã gây giao động mạnh trong hàng ngũ quân Minh. Nhưng vì cuộc nổi loạn không có tầm vóc lớn nên không gây ảnh hưởng rộng rãi và bị tiêu diệt ngay. Sau đó ông đã trốn sang Ai Lao và mất hút vào trong lịch sử.

Ở Phan Liêu chúng ta thấy được tính chất bất định của một con người đã mất định hưóng dân tộc. Ông hành xử bởi cá nhân và vì cá nhân. Ngay cả khi ông nổi loạn chống quân Minh, cái động lực chính là mâu thuẩn quyền lợi và cá tính giữa ông và tướng nhà Minh là Mã Kỳ. Do đó, ông không thấy được lực lượng Lam Sơn đang lớn mạnh, đang xoay đổi vận hội của dân tộc.

b.
Đặng Dung là con của quốc công Đặng Tất một đại quan nhà Trần, Cũng như tất cả những quan lại dưới triều Trần mạt, Đặng Tất đã hợp tác với chính quyền Hồ Quí Ly. Khi Trương Phụ đem quân xâm chiếm nước ta, Đặng Tất đang làm Đại Tri Châu ở hạt Hoá Châu. Lúc đầu ông theo giặc Minh được Trương Phụ cho tiếp tục giữ chức vụ cũ. Đến khi Giản Định Đế khởi nghĩa thì ông đem thành Nghệ an dâng cho Giản Định, và dâng con gái vào hậu cung. Đặc biệt Hoá Châu là vùng địa đầu ở phía nam của Đại Việt. Nói về đất Hoá Châu thì đây là nơi có địa thế rất hiểm trở. Năm 1413 khi Trương Phụ đem quân đánh Hoá Châu, Mộc Thạnh trình với Trương Phụ như sau: “Hoá Châu núi cao bể rộng khó lấy lắm.” (TTK tr. 204) Với truyền thống gia đình và địa phương anh linh như thế, Đặng Dung đã được hun đúc trở thành một võ tướng của nghĩa quân nhà hậu Trần. Trong lúc gian nan chỉ huy cuộc kháng chiến, ông đã để lại cho chúng ta bài thơ Cảm Hoài được sử gia Trần Trọng Kim dịch như sau:

Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay,
Vai khiên trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài vầng nguyẹt đã bao rày.

Bài thơ nầy được danh sĩ Lý Tử Tấn, một học giả thời Lê, tác giả Chuyết Am Văn Tập, nhận xét:”không phải người hào kiệt, không thể làm được.” Qua bài thơ, chúng ta có thể thấy được Đặng Dung không những là một võ quan, một người yêu nước, mà còn là một người nghệ sĩ tài hoa. Cho đến ngày hôm nay, không ai một người Việt nào khi đọc hai câu cuối của bài Cảm Hoài mà không xúc động trước lòng yêu nước tuyệt vời của ông.

Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài vầng nguyệt đã bao rày.

Sau khi cha ông là Đặng Tất bị Giản Định Đế Trần Ngỗi giết chết, ông thấy được viễn ảnh đen tối của cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Trần Ngỗi. Con người Trần Ngổi quá thiển cận, thiếu tự tin, và thiếu tài lãnh đạo. Đặng Dung thấy nhu cầu của thế hệ mới đứng ra nhận trọng trách của lịch sử. Từ suy nghĩ đó, ông đã cùng người bạn đồng cảnh ngộ là Nguyễn Cảnh Dị con của đại tướng Nguyễn Cảnh Chân vừa bị giản Định Đế xử tử, đón Trần Quý Khoáng, là người cùng trang lứa với ông, để lập làm vua vào năm 1409. Trần Quí Khoáng là con Mẫn Vương Trần Ngạc. Mẫn vương là con vua Trần Nghệ Tông và là anh của Giản Định Đế. Trùng quang Đế gọi Giản Định Đế bằng chú.

Để tạo sự đoàn kết trong công cuộc kháng chiến Đặng Dung cùng Trần Quý Khoáng và những ngưòi bạn đồng chí hướng đã tái phối trí lại lực lượng kháng chiến. Trong tổ chức mới, quyền hành của thế hệ lớn tuổi bị giảm thiểu và những ngừoi trẻ đứng ra nắm binh quyền. Giản Định Đế đưọc bố trí làm thái thựơng hoàng, một vị trí uy tín nhưng không có thực quyền.

Đặng Dung nổ lực tạo sinh khí mới cho công cuộc kháng chiến bằng cách tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đứng ra nắm chủ động việc lãnh đạo cuộc kháng chiến. Nhưng sinh lực nhà Trần đã hết. Sau một vài chiến thằng nhỏ, quân kháng chiến đã phạm một số sơ suất chiến lược làm mất cơ hội bắt sống Trương Phụ. Từ đó, lực lượng kháng chiến yếu dần. Đồng thời quân Minh gia tăng hành quân, và với sự phản bội của Phan Liêu, Giản Định Đế đã bị bắt đưa về Kim lăng. Sau trận chiến ở Hoá Châu năm 1413, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy và Trùng Quang Đế cũng bi bắt. Đến đây nhà hậu Trần hoàn toàn cáo chung.

Trên đường bị giải về Kim Lăng vua tôi đã trầm mình tự vận. So với việc Giản Định Đế chiụ nhục về Kim Lăng, hành động đi tìm cái chết của Trùng Quang, Đặng Dung cũng như các tướng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy cho chúng ta thấy được dũng khí của một thế hệ trẻ yêu nước, rất lãng mạn, rất hào hùng, nhưng vô cùng bất hạnh.

Cuộc đời của Đặng Dung là tượng trưng cho lòng yêu nước trung trinh, để nợ nước lên trên thù nhà. Ông mang tâm sư “Vai mang trái đất mong phò chúa” đến hơi thở cuối cùng. Tận trung với vua, với nhà Trần cho đến tận cùng cái vận hạn của triều đại ấy.

Khi bàn đến cái thất bại của nhà Hậu Trần, Sử thần Ngô Sĩ Liên viêt:

Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung, Nguyễn Súy, đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không?.

Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang, vì sao vậy?. Bọn Dung vì nghĩa không thể cùng sống với giặc, phải tiêu diệt bọn chúng mới nghe, cho nên mới hết lòng, hết sức giúp đỡ Trùng Quang để mưu khôi phục. Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mơí chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được!

c.
Nguyễn Trãi là con của Nguyễn Ứng Long tự là Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, là con thứ ba của quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán, một chức vị tương đương với tể tướng. Ông Nguyễn Phi Khanh là một học sinh nhà nghèo học giỏi. Sử sách kể rằng quan tư đồ Trần Nguyên Đán thấy Ứng Long học giỏi nên yêu mến mời làm thầy dạy cô con gái. Hai thầy trò yêu nhau bà Thái có thai ngoài vòng lễ giáo. Ứng Long bỏ trốn. Quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán cho người đi kiếm về để gã cô con gái đang mang thai cho Nguyễn Ứng Long. Lúc đó ông mới 19 tuổi. Khi lấy bà Thái xong, Nguyễn Ứng Long học tiếp thi Thái học sinh và đâu bảng nhãn. Tức là đậu thứ nhì trong kỳ thi tiến sĩ. Bà Thái là người đàn bà thông minh đã được đọc sách thánh hiền từ thuở nhỏ. Cha bà là Trần Nguyên Đán là một thần đồng, đậu tiến sĩ năm 14 tuổi và là dòng dõi Thượng tướng Trần Quang Khải, con thứ của vua Trần Thái Tông. (ĐVSKTT 277)

Mang trong mình truyền thống thông minh xuất chúng Nguyễn Trãi đậu tiến sĩ năm 21 tuổi dưói triều Hồ Hán Thưong. Ông làm đến chức ngự sử đài chính chưởng cho đến khi nhà Minh xâm lược nước ta.

Năm 1407, Nguyễn Phi Khanh cùng với hai em của Nguyễn Trãi bị quân Minh bắt đưa sang Trung Hoa. Nguyễn Trãi theo cha và hai em đến tận địa đầu biên giới đất nước. Khi cha con chia tay nhau ở Ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi phải về lại Thăng Long để lo việc báo thù cho cha và trả nợ nước. Lúc đó Nguyễn Trãi 27 tuổi. Câu chuyện Nguyễn Trãi Nguyễn Phi Khanh đã đưọc nhà thơ Hoàng Cầm kể lại với kịch thơ Hận Nam Quan, và tác phẩm nầy đã trở thành một di sản sản văn chương yêu nước bất diệt.

Trở về Thăng Long với lời dặn dò của cha trong tâm khảm, Nguyễn Trãi nhìn đất nước tan hoang, lòng người ly tán, không khỏi cảm thấy đau thương. Trương Phụ, Mộc Thạnh và 800 ngàn quân Minh đã vào Thăng Long và đóng binh khắp miền đất nước. Một số lớn nhân sự của triều đình Hồ Quý Ly bị bắt về Kim Lăng. Người hàng giặc. Kẻ đi kháng chiến. Về phương diên gia tộc, Trần Thúc Dao, con trai của Trân Nguyên Đán, và là cậu ruột của Nguyễn Trãi, đã hàng quân Minh và được Trương Phụ cho giữ đất Diễn Châu. Sau nầy Thúc Dao bị Giản Định Đế giết chết. (DVSKTT tr. 313)

Từ khi Nguyễn Trãi chia tay với cha ở Ải Nam Quan năm 1407 đến khi ông tìm đến Lê Lợi năm 1416 là 10 năm. Đó là giai đoạn trong cuộc đời của Nguyễn Trãi không được lịch sử nói gì đến nhiều. Đó là 10 năm chứa đầy những ẩn số lịch sử, mà người sau nghĩ rằng Nguyễn Trãi đã nằm yên, không vọng động.

Có lẽ trong giai đoạn đó ông cũng biết công việc khởi nghĩa của Đặng Dung. Có lẽ ông đã nghe bài thơ Cảm Hoài của Đặng Dung lưu truyền trong đám sĩ phu yêu nước. Chắc Nguyễn Trãi cũng biết câu chuyện về khí tiết của Nguyễn Biểu khi ông mắng Trương Phụ và bị nhục hình đến chết. Nếu ông là ngưòi yêu nước, hay ít ra là một sĩ phu có quan tâm đến đất nước, tại sao ông không chia xẻ quan điểm chính trị với Đặng Dung để diệt Minh phù Trần ? Tại sao ông, là con cháu của nhà Trần, không gia nhập phong trào kháng chiến của Giản định đế và Trùng Quang Đế để khôi phục nhà Trần, để giành lại độc lập cho tổ quốc?

Liệu thái độ im lặng của ông có bị người đương thời “chụp mũ” là thiếu tinh thần ... “phù Trần” chăng?

Người đương thời nghĩ gì khi Nguyễn Trãi cùng với người anh em con cô con cậu là Trần Nguyên Hãn tìm đến người nông dân chưa có danh trên chốn giang hồ có tên là Lê Lợi ở Lam Sơn năm 1416?

Lê Lợi sinh năm 1385 nhỏ hơn Nguyễn Trãi 5 tuổi. Ông gặp Lê Lợi năm ông 36 tuổi và Lê Lợi 31 tuổi. Phải chăng ông chọn Lê Lợi vì Lê Lợi là hình ảnh của một thế hệ mới. Nhưng nếu Nguyễn Trãi muốn chọn thế hệ mới tại sao ông không tôn Trùng Quang Đế Trần Quí Khoáng làm minh chủ để cùng với Đặng Dung Diệt Minh Phù Trần ?

Về quan điểm thế hệ, Nguyễn Trãi rất gần với Đặng Dung. Cả hai đều quan niệm rằng cuộc chiến mới phải do thế hệ trẻ lãnh đạo. Thế hệ cũ, đại biểu là Giản Định Đế Trần Ngổi, không có đủ năng lực để lãnh đạo cuộc chiến chống nhà Minh. Giản Định Đế vừa lên ngôi trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn đã lo tuyển thê thiếp vào hậu cung. Chiến thắng Bô Cô chưa ráo máu giặc, Giản Định đã nghe lời hoạn quan trong triều đình giết hai danh tướng có công đầu là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Những sự kiện nầy cho thấy Trần Ngỗi là con người thiển cận, nghi kỵ và thiếu tự tin. Hay nói như Lê Lợi, là con ngừơi đam mê tửu sắc. Và do đó, Giản Định Đế không có khả năng tập hợp và nuôi giữ nhân tài để lãnh đạo công cuộc kháng chiến.

Đặng Dung tìm đến ngừơi hậu duệ trẻ tuổi của nhà Trần là Trần Quí Khoáng để tôn lên làm vua. Còn Nguyễn Trãi tìm đến Lê Lợi, một hào trưởng vô danh ở Thanh Hoá, để dâng Bình Ngô Sách và tôn Lê Lợi lên làm minh chủ.

Mười năm từ khi chia tay với cha ở Ải Nam Quan, Nguyễn Trãi đã dành thời giờ suy nghĩ về một chiến lược mới để cứu nước. Bình Ngô Sách là kết tinh của những suy nghĩ của Nguyễn Trãi.

Ngày nay Bình Ngô Sách đã thất lạc. Nhưng qua tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo chúng ta có thể thấy được sách lược mới của cuộc kháng chiên của Lê Lợì.

Cương lĩnh chính yếu của Bình Ngô Sách là đêm đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo, và chiến lược bình Ngô là Mưu Phạt và Tâm Công. Đánh bằng mưu và đánh vào lòng người. Nguyễn Trãi đã phát động cuộc chiến tranh nhân nghĩa. Nguyễn Trãi xây dựng quan điểm đúng đắn về chiến tranh chính nghĩa để đương đầu lại với cuộc chiến tranh giả nhân nghĩa dưới khẩu hiệu diệt Hồ phù Trần bịp bợm của Minh Thành Tổ. Ông dùng chiến tranh tâm lý chính đạo để đối phó chiến tranh tâm lý tà đạo của quân xâm lược.

Ngay ở đề tựa Bình Ngô Sách, ông đã gọi Trung Hoa là giặc Ngô. Tại sao không gọi quân của nhà Minh là giặc Minh mà gọi là giặc Ngô? Đây là nghệ thuật dùng chữ của Nguyễn Trãi để xác định giá trị chính thống của cuộc chiến tranh chống ngoại xâm giành độc lập của Lê Lợi. Lê Lợi dấy binh vì đại nghĩa chứ không phải làm thảo khấu như Chu Nguyên Chương. Nguyễn Trãi dùng chữ Ngô để nhắc lại cho mọi ngưòi biết rằng chính Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương khi còn là giặc cỏ cũng tự phong là Ngô Vương. Xuất xứ của Chu Nguyên Chương là từ Ngô Việt, một bộ phận của Bách Việt đã bị đồng hoá vào Trung Hoa. Ông gọi cuộc chiến nầy là cuộc chiến “bình Ngô” để trả lại Minh Thành Tổ chữ “chinh Di” mà ông dùng để gọi Đại Việt. Ông phản bác nhà Minh ngay ở thuật ngữ “chinh Di” và ông nhấn mạnh rằng thái độ ngạo mạn của người Hán gọi nguời Việt là Di, là mọi rợ, (như khi Minh đế phong Chu Năng làm “Chinh Di” Đại Tưóng Quân), là một điều xúc phạm đến truyền thống văn hoá lâu đời của Đại Việt. Ngay ở tên “Bình Ngô Sách” Nguyễn Trãi đã xác định đưọc chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi và kích động được niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước.

“Bình Ngô” cũng xác định cuộc chiến nầy là một cuộc chiến văn hoá, để đối đầu với chiến dịch “chinh Di” của Minh Thành Tổ nhằm đồng hoá Đại Việt. Chính vì thế trong phần mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo Nguyễn Trãi khẳng định giá trị truyền thống lâu đời của văn hoá phương nam: “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu, Sơn hà cương vực đã chia, Phong tục bắc nam cũng khác”.

Đồng thời, ông bổ xung ý niệm nhân nghĩa mông lung của Nho Giáo bằng cách đưa ý niệm nầy vào thực tế chính trị. Theo ông, đối tượng của chính trị là nhân dân, không phải là huyết thống hay dòng họ. Vai trò của nhà cầm quyền phải làm sao cho nhân dân sống an cư lạc nghiệp. Do đó, nhân nghĩa không nằm ở khẩu hiệu, ở tuyên truyền. Nó nằm ở chổ khi thực hiện cái mà ngưòi ta gọi là điều nhân nghĩa đó, có làm cho nhân dân đưọc hạnh phúc ấm no hay không. Ông đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc những người lãnh đạo ưa nói điều nhân nghĩa phải chứng minh đưọc khả năng đem lại cơm no áo ấm cho nguời dân cách cụ thể.

Và nữa, nếu phải phát động một cuộc chiến tranh nhân nghĩa thì mục đích của nó là để triệt tiêu bạo quyền, chứ không phải để xây dựng một chế độ cường bạo hơn, độc ác hơn. Khi một chế độ mới độc ác hơn đưọc thiết lập để thay thế chế độ cũ, lập tức, mọi khẩu hiệu nhân nghĩa trong cuộc chiến đều mất giá trị. Và cuộc chiến đó trở nên mất chính nghĩa.

Do đó, nhân danh “phù Trần” hay bất cứ một lý tuởng vĩ đại nào để thay đổi văn hoá dân tộc, để ngăn sông cấm chợ, để bóc bột nhân dân, để các tầng lớp nhân dân căm thù lẫn nhau, làm đời sống nhân dân bất ổn định, để làm cho đời sống nhân dân cùng khổ một điều bất nghĩa, là một tội ác. Ông gói ghém quan điểm nầy trong câu mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo.

Suốt hai trăm năm trước đó, Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư và Binh Thư Yếu Lược của Trần Hưng Đạo được coi như sách lược quốc phòng của Đại Việt và của triều đại nhà Trần. Hai bộ sách nầy là biểu tượng của đỉnh cao về tư duy quốc phòng giúp nhân dân Đại Việt chiến thắng giặc Nguyên Mông ở thế kỷ 13. Nhưng đến đầu thế kỷ thứ 15, sách lược quốc phòng của Trần Hưng Đạo không giúp nhà Trần gìn giữ ngai vàng và bảo vệ đất nước.

Có lẽ Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư và Binh thư Yếu Lược của Trần Hưng Đạo không còn đủ “linh nghiệm” để cứu nước và cứu nhà Trần. Hậu duệ của Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo không còn hùng khí của cha ông để giữ Thăng Long trước những đợt tấn công của Chế bồng Nga.

Không phải đến đời Hồ Quí Ly nhà Trần mới mất ngôi. Trước Hồ Quí Ly, nhà Trần đã một lần mất ngôi khi Trần Dụ Tông nhường ngôi lại cho Dương Nhật Lễ (1369-1370). Nếu Trần Nghệ Tông không diệt được Dương Nhật Lễ để giành lại ngôi thì nhà Trần đã cáo chung từ năm 1369. Nhưng Trần Nghệ Tông là một vị vua nhu nhược, yếu hèn. Ông lên ngôi để kéo dài giai đoạn hấp hối của nhà Trần. Chính Trần Nghệ Tông, và ngay cả Trần Nguyên Đán, đã mở đường cho Hồ Quí Lý cướp ngôi nhà Trần sau nầy.

Trong mười năm yên lặng, từ khi chia tay Nguyễn Phi Khanh ở Ải Nam Quan, đến ngày ông gặp Lê Lơi ở Lam Sơn, có lẽ Nguyễn Trãi đã dành thời giờ để nghiền ngẫm sách lược của tổ phụ và suy nghĩ đến vận nước và vận hạn của nhà Trần. Ông đem tâm tư và tinh hoa trí tuệ để tìm phưong sách giải phóng đất nưóc khỏi tay quân Minh xâm lược. Và Bình Ngô Sách đã thành hình trong giai đoạn nầy. Khi viết Bình Ngô Sách, ông đã quyết định bước ra khỏi bóng che vĩ đại của Trần Hưng Đạo. Bình Ngô Sách, như lịch sử đã chứng minh, là một đỉnh cao mới trong lịch sử quốc phòng của dân tộc để tiếp nối đỉnh cao của Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư và Binh Thư Yếu Lược trong công cuộc cứu nưóc tồn chủng.

Nhưng tại sao Nguyễn Trãi không dâng Bình Ngô Sách cho Trùng Quang Đế mà phải tìm đến con người vô danh Lê Lợi ở núi Lam Sơn?

Có lẽ Nguyễn Trãi thấy được nhà Trần đã suy vong. Nói theo ngôn ngữ của dân gian thì vận số của nhà Trần đã hết. Phù Trần không còn là lý tưởng và là khẩu hiệu có thể giải quyết vấn đề đất nước. Phù Trần có thể là cứu nước. Nhưng cứu nước không hẳn đồng nghĩa với phù Trần.

Quan điểm về triều đại và dân tộc của Nguyễn Trãi đã bác bỏ quan điểm phù Trần của Đặng Dung. Lịch sử cho thấy một Đặng Dung trung trinh với nhà Trần dù cho cha ông là Đặng Tất bị Giản Định Đế giết chết. Trưóc cái thảm hoạ xảy ra cho gia đình, ông không oán hận triều đình. Ngược lại, ông vẫn quyết tâm theo đuổi con đường cần vương phục quốc mà ông đã chọn lựa. Đặng Dung tìm cho được Trùng Quang Đế, một hậu duệ khác của nhà Trần, để phò lên ngôi, để tiếp tục công việc cứu nước. Lòng yêu nước và trung quân của Đặng Dung sáng chói. Nhưng Đặng Dung gắn liền dân tộc với triều đại, với những con ngưòi biểu tượng của quyền lực đã một thời rất vĩ đại, rất vinh quang, nhưng đã phá sản. Đặng Dung không sai lầm. Nhưng Đặng Dung chưa tìm được, chưa thấy được cái mới, cái xuất lộ cho dân tộc.

Nguyễn Trãi khác hẳn. Mặc dù Nguyễn Trãi là hậu duệ của nhà Trần, nhưng với ông, khẩu hiệu “yêu nước là yêu nhà Trần” không còn đúng nữa.

Quan điểm nầy cũng phù hợp với quan điểm của cha ông là Nguyễn Phi Khanh. Khi Hồ Quí Ly cướp ngôi, Nguyễn Phi Khanh đã nhanh chóng ra phục vụ nhà Hồ. Nguyễn Phi Khanh chia tay với triều đình nhà Trần bên vợ không luyến tiếc. Chính Nguyễn Trãi cũng có thiện cảm với nhà Hồ. Trong Bình Ngô Đại Cáo ông viết “vừa rôi nhà Hồ chính trị phiền hà”. Dùng chữ “chính trị phiền hà” để nói đến việc Hồ Quí Ly giết vua soán ngôi, Nguyễn Trãi đã coi việc việc nhà Trần mất ngôi không phải là chuyện to lớn.

Nguyễn Trãi đã giải quyết được một tâm lý cực kỳ quan trọng của một thanh niên trước cái bế tắc của đất nước. Đó là phải cắt dứt cho được cái não trạng trung quân xuẩn động trong công cuộc cứu nước tồn chủng. Ông đã bước ra khỏi tâm thức chính trị trung quân của thời đại phong kiến để nhìn về phía tương lai của dân tộc. Một triều đại đã chết không thể làm cho nó sống dậy, và càng không thể coi nó là cứu cánh của cuộc kháng chiến. Nguyễn Trãi coi sự sống còn của dân tộc quan trọng hơn là tồn vong của một triều đại. Ông tách dân tộc ra khỏi chế độ. Ông phủ nhận quan niệm “yêu nước là yêu nhà Trần”. Chính điều nầy đã đánh dấu sự trưởng thành về ý thức dân tộc trong con người Nguyễn Trãi.

Từ những suy nghĩ trên, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn, lả hai hậu duệ chính thống của nhà Trần, đi tìm con đường mới. Đó là đường vào Lam Sơn. Vì chỉ có Lam Sơn mới có thể trở thành trung tâm vận động lịch sử. Và chỉ có Lam Sơn mới làm cho đất nước hồi sinh.

3.
Phan Liêu, Đặng Dung và Nguyễn Trãi trở thành hình ảnh biểu tượng của ba thành phần thanh niên ở đầu thế kỷ thứ 15.

Phan Liêu là đại biểu cho thành phần chọn cho mình chổ đứng trong hàng ngũ quân xâm lăng.

Thành phần nầy có những xu hướng khác nhau. Có những người vọng ngoại nhẹ dạ tin tưởng vào những lý thuyết và khẩu hiệu của ngoại bang như “Diệt Hồ Phù Trần” của giặc Minh nên ra đi ra nưóc ngoài tìm đường cứu nưóc. Họ là những ngưòi mở đưòng hợp tác với giặc Minh và đưa giặc vào nhà. Đó là những người cõng rắn cắn gà nhà. Xu hướng nầy đại biểu cho lòng trung quân, cần vương thiển cận, cục bộ. Họ muốn trả thù cho chúa nhưng quên cái thảm hoạ mất nước. Họ sẳn sàng rước về cho dân tộc một thảm hoạ nguy hiểm hơn cái thảm hoạ thay đổi chính trị, thay đổi triều chính.

Xu hướng khác là những người thấy cái tuyệt vọng trong việc giành độc lập nên đành đứng vào hàng ngũ giặc để tìm đường sống cho cá nhân và gia đình. Họ không phải laà thành phần cõng rắn cắn gà nhà, nhưng là thành phần cầu vinh.

Tất cả những xu hướng nầy đều đứng về phía giặc làm công cụ và tay sai. Họ đã góp tay với giặc tiêu diệt sức sống văn hoá và mọi sức đề kháng chống xâm lăng của dân tộc để bảo toàn lãnh thổ.

Những người nầy có những lúc cũng phản tỉnh, nổi loạn. Những ngưòi phản tỉnh quyết liệt như Đặng Tất đã hy sinh tất cả để theo kháng chiến. Những ngưòi phản tỉnh nửa vời, như Phan Liêu, cũng nổi loạn rồi mất định hướng. Và dĩ nhiên còn lại những ngưòi như Lương Nhữ Hốt theo giặc đến ngày giặc cuốn gói về nước.

Nhưng lịch sử cũng còn những Đặng Dung và Nguyễn Trãi.

Ngày nay chúng ta không thể không rung động trước bài thơ Cảm Hoài của Đặng Dung. Hình ảnh của một người tráng sĩ mài gươm dưới ánh trăng mong phục thù cho chúa là hình đẹp nhất trong lịch sử giành độc lập của dân tộc. Đó là cái đẹp của lòng yêu nước chất chứa nỗi u hoài, tuyệt vọng. Hình ảnh đó của Đặng Dung đã khơi dậy phong trào yêu nước lãng mạn, kích động được lòng yêu nước nồng nàn của hàng bao thế hệ cho đến ngày nay. Chính những hy sinh đó đã kết thành hồn sử linh thiêng của dân tộc và làm cho ý thức dân tộc lớn lao lên.

Nguyễn Trãi bước một bước xa hơn. Ông gắn bó cái lãng mạn của lòng yêu nước với tinh thần yêu nước thực dụng.

Yêu nước mù quáng sẽ dễ dàng trở thành tay sai cho những chiêu bài nhân nghĩa giả dối bịp bợm của ngoại bang. Lòng yêu nước mù quáng có tác hại biến người yêu nước thành tay sai mà họ tưởng mình làm cách mạng dân tộc. Họ quay mặt lại với tổ quốc, với nhân dân, tiêu diệt văn hoá dân tộc mà lương tâm không bị cắn rức.

Yêu nước lãng mạn mà thiếu tinh thần thực tế như Đặng Dung cũng không đủ liều lượng để giải quyết vấn đề đất nước.

Nguyễn Trãi quân bình giữa tình cảm yêu nước và lý trí. Ông là người biết được thời và thế. Trong những bức thư dụ hàng Vương Thông, Nguyễn Trãi đem “chữ thời” trong Kinh Dịch để thuyết phục. Ông viết: “tôi từng xem Kinh Dịch 384 hào, mà cốt yếu là chữ thời.”

Chữ thời cũng chính là xu thế lịch sử. Thuận xu thế lịch sử là thuận với chữ thời. Phản xu thế lịch sử là nghịch lại với chữ thời.

Khi thấy vận hạn nhà Trần đã chấm dứt, ông can đảm chia tay với quá khứ, chia tay với triều đại Lý Trần để tìm đến Lê Lợi. Ông nối kết những người yêu nước mới, không nặng nợ với quá khứ, để mở ra vận hội mới cho dân tộc.

Ông quyết liệt phủ nhận và lật mặt nạ chiêu bài giả dối Diệt Hồ Phù Trần của nhà Minh. Nhưng ông cũng không đứng trên lập trường Diệt Minh Phù Trần để phò một triều đình đã bị phá sản.

Nguyễn Trãi phóng tầm nhìn vào tương lai để xác định lập trường của ông. Ông đứng trên lập trưòng của một nước Đại Việt mới, một nước Đại Việt sắp ra đời và sẽ phải ra đời.

Sách Tang Thương Ngũ Lục kể rằng Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến tìm Lê Lợi hai lần. Lần đầu gặp ngày giổ, Nguyễn Trãi thấy một Lê Lợi phàm phu tục tử vừa cắt thịt vừa ăn, ông thất vọng trở về. Lần thứ nhì ông đến, nhìn trôm vào thư phòng của Lê Lợi, ông thấy Lê Lợi thức khuya nghiền ngẫm binh thư. Lúc đó ông mới vào xin ra mắt đấng minh chủ.

Có lẽ lần đầu Nguyễn Trãi thấy đưọc con người thật rất tầm thường của Lê Lợi, một hào trưởng đã lột bỏ hết tất cả những hào quang và huyền thoại. Khi Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi lần thứ hai, ông thấy Lê Lợi là con người của binh thư, của đất nước. Ông thấy được Lê Lợi là con người có ý chí, biết học hỏi cầu tiến và biết tự rèn luyện bản thân. Ông đem con mắt của một nhà khoa bảng yêu nước ở Thăng Long để đánh giá một hào trưởng miền núi gốc Mường Việt trong công tác cứu nước. Ông nhìn được Lê Lợi xuyên qua cái bề ngoài quê mùa thô lỗ của một nông dân. Ông thấy được những đức tính và khả năng lãnh đạo trong con người của Lê Lợi. Những yếu tố nầy làm cho Lê Lợi nổi bật lên gìữa gần 30 phong trào kháng Minh thời bấy giờ.

Về sau có người trách Nguyễn Trãi không có con mắt nhìn xa để sau nầy bị hại đến bản thân và gia đình. Nhưng ở đây Nguyễn Trãi đi tìm con đường và con người cứu nước, chứ không phải đi tìm danh phận cho mình và dòng họ. Do đó, dù ông có tiên liệu được phận bạc của mình với nhà Lê, vì công cuộc cứu nước, ông vẫn dấn thân vào Lam Sơn.

Năm 1416, Nguyễn Trãi đã cùng 18 vị anh hùng Lam Sơn cùng nhau kết ước ăn thề ở Hội Thề Lũng Nhai. Ý niệm hôi thề là một sáng kiến mới về mô hình tập hợp nhân tài để tổ chức kháng chiến. Ý nghĩa của hội thề là sự ràng buộc những người làm việc nước bằng qui ước đạo đức để giảm thiểu tính chuyên chế, và đồng thời tăng cường tính lý tưởng, tính khai phóng của người lãnh đạo kháng chiến, và sẽ là người lãnh đạo đất nước trong tương lai. Hội thề là xã ước thành văn đầu tiên của Đại Việt trong thời kỳ phong kiến. Nó nối kết cuộc vận động thời đại với linh thiêng của dân tộc. Nó thiết lập giá trị đạo đức cho công cuộc cứu nước. Hội Thề Lũng Nhai, do đó, đã xây dựng đưọc nền tảng đạo đức và thiết kế đạo lý cho công cuộc kháng chiến chống Minh giành độc lập của phong trào Lam Sơn..

Biến cố Lũng Nhai, cũng như quan điểm về triều đại của Nguyễn Trãi như đã nói trên, một lần nữa xác định sự trưởng thành về ý thức dân tộc của thế hệ mới. Nhiệm vụ cứu quốc tồn chủng không còn là độc quyền của một dòng họ, của triều đình, của giai cấp, mà là của mọi người, từ kẻ khoa bảng đến nông dân vô danh.

Nhờ đó, Hội Thề Lũng Nhai đã xác định được giá trị chính thống lịch sử của phong trào kháng chiến Lam Sơn, tái tạo được đạo đức của tầng lớp lãnh đạo, xây dựng lại nội lực dân tộc, để hình thành một triều đại mới và một nước Đại Việt mới.

Từ Hội Thề Lũng Nhai, Lam Sơn đã trở thành căn cứ địa hồi sinh dân tộc. Xuất phát điểm lịch sử ấy đã đẩy cuộc khởi nghĩa Lê Lợi đến thành công, đã giúp Lê Lợi giành được độc lập cho tổ quốc, khai sáng triều đại nhà Lê, hoàn thành được sứ mệnh cứu quốc tồn chủng của tiền nhân, và mở ra một thời đại phục hưng mới và lớn lao cho Đại Việt.

4.

Đã gần một ngàn năm từ khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long để củng cố nền tự chủ sau một ngàn năm bắc thuộc và mở ra thời đại phục hưng lần thứ nhất . Từ đó, lịch sử dân tộc ta đã trãi qua bao triều hưng phế.

“Từ Triệu Đinh Lý Trần xây nền độc lập
Cùng Hán Đưòng Tống Nguyên hùng cứ một phương
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau
nhưng hào kiệt thời nào cũng có”

Ở mỗi thời kỳ suy vong, trong xã hội cũ đã chứa đựng cái mầm sống của thời đại mới. Cái mầm sống đó là giấc mơ về một tổ quốc sẽ được hồi sinh và sự trông ngóng vào một xã hội mới tươi đẹp hơn, nhân bản hơn, khai phóng hơn. Cái lực của mầm sống đó là công cuộc tập hợp dân tộc, tập hợp những hào kiệt của thời đại. Cái định hướng để cho cái mới phải ra đời là tư tưởng chỉ đạo của thời đại. Cuộc vận động cứu nước đòi hỏi người làm lịch sử phải thấy được mầm sống của dân tộc trong mỗi một giai đoạn bế tắc.

Công việc khơi dòng lịch sử của thế hệ là thực hiện cho được một cuộc tập hợp dân tộc mới. Đó là công tác thiết kế nền tảng đạo lý để quy tụ, gầy dựng và vun trồng mầm sống ấy.

Nhưng tập hợp chưa đủ. Công tác lịch sử đòi hỏi ngươì lãnh đạo phải có một viễn kiến, một tầm nhìn lớn về con đường phục hưng dân tộc và công tác kiến thiết đất nước. Tầm nhìn về dân tộc và thế giới là nền tảng tư duy thời đại giúp người lãnh đạo phát hiện được xu thế lịch sử của dân tộc và thế giới để làm định hướng cho mầm sống dân tộc được bật ra. Khi mầm sống ấy đến ngày thành thục nó sẽ bộc phát thành giòng thác thời đại, thành một bùng nổ lịch sử, nó sẽ làm vỡ những bờ đê đóng cõi, những rào cản thời đại, quét đi những tàn dư, những thối nát của xã hội cũ, để làm thành cái xuất lộ cho dân tộc. Cái bộc phát ấy là đòi hỏi của lịch sử để sửa sai những cái sai quấy của thời đại cũ, những cái mâu thuẩn và bất hợp lý của xã hội cũ, những cái vô lý xuẩn động và dối trá của tư duy cũ.

Xuất lộ là khởi điểm của công cuộc xoay đổi thời đại để mở ra thời kỳ phục hưng để làm cho dân tộc Đại Việt lớn lao lên, để công tác bảo vệ bờ cõi bền vững hơn, để xây dựng một đất nước hợp lý hơn, hợp với qui luật phát triển hơn, cho thuận xu thế lịch sử hơn, cho hợp với con người hơn.

Đó là ý nghĩa của cách mạng và cũng là thông điệp lịch sử của Nguyễn Trãi gởi đến cho thế hệ chúng ta ngày hôm nay.

Nguyễn Xuân Phước

Sách tham khảo:

- Trần Gia Phụng, Việt Sử Đại Cương, tập 1, Nhà Xuất Bản Non Nước, Toronto, Canada, 2003
- Lâm Hán Đạt, Tào Dư Chương, Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, Nhà Xuất Bản Trẻ, Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001
- Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Nhà Xuất Bản Văn Hoá, Hà Nội, 1997
- Nguyễn Trãi Toàn Tập, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, Nhà Xuất Bản Văn Học, 2000
- Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Trãi Vê Tác Giả và Tác Phẩm, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, Hà Nội 2001
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ấn Bản Điện Tử
- Nguyễn Trãi, Lam Sơn Thực Lục Ấn Bản Điện Tử
- Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Xuân Thu 1990, tái in ấn bản của Trung Tâm Học Liệu VNCH năm 1971.
- Gavin Menzies, 1421 The Year China Discovered America, Published by Harper Collins Publishers, Inc. New York, 2002
- Thích Phước An, Từ Nguyễn Trãi đến Ngô thời Nhậm và Đưòng Lên Núi Yên Tử Thư Viện Hoa Sen http://www.thuvienhoasen.org/nguyentrai-ngothoinham.htm
- Lý Đông A, Huyết Hoa, ấn bản điện tử do Hận Nam Quan ấn hành, http://chinhkhiviet.com
- Lý Đông A, Chu Tri Lục, ấn bản điện tử do Hận nam Quan ấn hành http://chinhkhiviet.com
- Lý Đông A, Việt Sử Thông Luận, ấn bản điện tử do Hận nam Quan ấn hành http://chinhkhiviet.com/

Nguồn
vantuyen.net

Hoàng Sa-Trường Sa


THƯ NGỎ
Của Luật-gia Việt Nam ở Hải-ngoại
về vấn đề Thềm Lục Địa Việt Nam

Kính gửi:
-Đại Hội Đồng Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc
Đồng kính gửi:
-Ông Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc,
-Chính Phủ các Quốc Gia Hội Viên Luật Biển LHQ 10/12/1982

Kính thưa Quý Vị,

Chúng tôi trân trọng gửi Thư Ngỏ này đến Quý Vị với tư cách các “Phụ Tá Công Lý”, tức các Luật Sư và Thẩm Phán từng phục vụ tại Miền Nam Việt Nam, tức Việt Nam Cộng Hoà trước đây, và tại các Quốc Gia trong Cộng Đồng Thế Giới Tự Do hiện nay.

Chúng tôi được biết Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa LHQ sẽ họp đại hội từ ngày 10/8/2009 đến 11/9/2009 tại trụ sở LHQ ở New York để cứu xét lần đầu tiên hồ sơ về Thềm Lục Địa “mở rộng” đến 350 hải lý của các nước ven biển theo qui định của LHQ ngày 13/5/1999.

Trong số 51 hồ sơ đệ nạp tại Ủy Ban và sẽ được đem ra cứu xét có 2 hồ sơ của nhà cầm quyền Hà Nội; một đứng tên với Mã Lai ngày 6/5/2009 xin mở rộng Thềm Lục Địa VN ra ngoài 200 hải lý và một đứng tên VN ngày 7/5/2009 không xin mở rộng Thềm Lục Địa cho VN.

Kính thưa Quý Vị,

I. Vì quyết định của Quý Vị có ảnh hưởng trầm trọng đến hải phận và hải đảo mà dân tộc Việt Nam đã mất bao xương máu để bảo vệ và vì dân tộc Việt Nam hiện nay không được đại diện bởi một chính phủ hợp pháp do chính họ trực tiếp bầu ra, chúng tôi thấy có nghĩa vụ phải gửi Thư Ngỏ này đến Quý Vị để trân trọng yêu cầu Quý Vị bác bỏ 2 hồ sơ của nhà cầm quyền Hà Nội vì các lý do chính sau đây:

1. Nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay không phải là một chính quyền hợp pháp vì đã được hình thành từ sự vi phạm thô bạo từ Hiến Chương LHQ đến tất cả các Hiệp Ước Quốc Tế về VN mà nhà cầm quyền Hà Nội đã ký kết nên không thể nhân danh nước VN được.

Chúng tôi tin chắc rằng Quý Vị đều đã biết rất rõ nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay, tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở Miền Bắc VN trước đây, đã cùng với Hoa Kỳ và Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam ký kết với Việt Nam Cộng Hoà, tức chính quyền ở Miền Nam VN trước đây, Hiệp Định Hoà Bình Paris ngày 27/1/1973 nhằm “kết thúc chiến tranh và tái lập hoà bình tại Việt Nam.”

Điều 15 của Hiệp Định này minh định: “Việc thống nhất nước VN sẽ được thực hiện từng bước qua phương thức hoà bình trên căn bản thương nghị và thoả thuận giữa hai Miền Nam Bắc, không bên nào cưỡng ép bên nào, không bên nào thôn tính bên nào, thời gian thống nhất sẽ do Miền Bắc và Miền Nam đồng thuận.”

Sau đó 5 tuần lễ, để bảo đảm cho Hiệp Định Paris phải được tôn trọng nghiêm chỉnh, 12 nước trong đó có Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp và nhà cầm quyền Hà Nội lại ký Định Ước Quốc Tế ngày 2/3/1973 cũng tại Paris trước sự chứng minh của ông Tổng Thư-ký LHQ.

Điều 4 của Định Ước này minh định: “Các bên ký kết Định Ước này trân trọng cam kết sẽ triệt để tôn trọng những quyền căn bản của nhân dân VN như chủ quyền độc lập, thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của VN.”

Thế nhưng, ngay sau khi ký kết 2 Hiệp Định và Định Ước Quốc Tế còn chưa ráo mực, nhà cầm quyền Hà Nội đã xua quân xâm chiếm Việt Nam Cộng Hoà, vi phạm trắng trợn các Hiệp Ước vừa ký kết và vi phạm thô bạo Hiến Chương LHQ về Hoà Bình. Do đó, nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay hay CHXHCNVN không thể được xem là một chính quyền hợp pháp để nộp hồ sơ về Thềm Lục Địa đại diện cho toàn thể nước VN được.

2. Nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay không do người dân trực tiếp và tự do bầu cử mà do đảng CSVN chọn lựa và chỉ đạo nên chỉ đại diện cho quyền lợi của đảng CSVN; do đó 2 hồ sơ của Hà Nội vì quyền lợi của đảng CSVN chứ không phải vì quyền lợi của nước VN.

Chúng tôi cũng tin chắc rằng Quý Vị đều đã biết rất rõ CHXHCNVN là 1 trong 4 nước cộng sản còn sót lại trên thế giới và nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay đã và đang áp dụng một chính sách độc tài toàn trị dựa vào một lực lượng công an hùng hậu và tàn bạo. Quốc Hội VN hiện nay, cơ quan quyền lực cao nhất của một nước, tuy hình thức là do dân bầu nhưng thực tế thì người dân chỉ được chọn trong một danh sách hầu hết là đảng viên đảng CSVN đã được đảng CSVN tuyển lựa trước. Quốc Hội bù nhìn này chỉ định Chính Phủ; như thế, nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay là do đảng CSVN chỉ định và hành động vì đảng CSVN chứ không phải vì nước VN.

Điều hiển nhiên trên đây được chứng minh cụ thể qua chính 2 hồ sơ nhà cầm quyền Hà Nội đã đệ trình Ủy Ban Thềm Lục Địa. Thật vậy, hồ sơ ngày 6/5/2009 nộp chung với Mã Lai tuy mang danh nghĩa xin mở rộng Thềm Lục Địa VN ra ngoài 200 hải lý nhưng vùng xin mở rộng hình tam giác ngược này phía dưới thì né đụng quần đảo Trường Sa và phía trên tránh chạm đến quần đảo Hoàng Sa, tức cố ý dành 2 quần đảo này cho bản đồ hình lưỡi bò do Trung Cộng tự vẽ bất chấp qui định của Luật Biển LHQ.

Hồ sơ ngày 7/5/2009 không những không xin mở rộng Thềm Lục Địa VN ra 350 hải lý mà VN có đầy đủ điều kiện để được hưởng mà nhà cầm quyền Hà Nội còn cố ý gạt quần đảo Hoàng Sa ra ngoài đường ranh 200 hải lý của VN với mưu toan đen tối dành quần đảo này và Vịnh Bắc Việt cho Trung Cộng. [Điều này sẽ được chứng minh rõ ràng hơn nữa ở phần 3 dưới đây].

Tóm lại, cả hai hồ sơ của nhà cầm quyền Hà Nội rõ ràng là vì quyền lợi của đảng CSTH mà đảng CSVN hiện đang hoàn toàn lệ thuộc chứ không phải vì quyền lợi của dân tộc VN mà nhà cầm quyền Hà Nội có trách nhiệm phải bảo vệ nên không thể là hồ sơ nhân danh nước VN được.

3. Hai hồ sơ của nhà cầm quyền Hà Nội nhằm che dấu mục tiêu bất chính là công khai hoá hay hợp pháp hoá những gì mà đảng CSVN và đảng CSTH đã thoả thuận ngầm với nhau qua Hiệp Ước bất bình đẳng và bất hợp pháp ngày 25/12/2000 chứ không phải nhằm mục đích xin mở rộng Thềm Lục Địa cho VN nên phải bị bác bỏ tức khắc.

Chúng tôi cũng hoàn toàn tin chắc rằng, với nhãn quan vô tư và dầy kinh nghiệm, Qúy Vị chỉ cần đọc qua 2 hồ sơ của nhà cầm quyền Hà Nội là đã nhận ra ngay tính cách không hợp lý và không bình thường của chúng. Có rất nhiều chi tiết hay dữ kiện có thể nêu ra đây để chứng minh tính cách khác thường hay vô lý này hay nói khác đi là sự che dấu mục tiêu đích thực của 2 hồ sơ giả danh xin mở rộng Thềm Lục Địa cho VN của nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay.

Tuy nhiên, vì thời lượng giới hạn của một Thư Ngỏ và nhất là vì tôn trọng thời gian của Quý Vị, chúng tôi chỉ xin nêu lên một chi tiết điển hình sau đây cũng đủ chứng minh hùng hồn rằng: Nhà cầm quyền Hà Nội đã lợi dụng việc Luật Biển LHQ 10/12/1982 cho phép các nước ven biển được xin mở rộng Thềm Lục Địa ra 350 hải lý để phục vụ tham vọng bành trướng của bá quyền Bắc Kinh chứ không phải là vì quyền lơi của VN mà lẽ ra nhà cầm quyền Hà Nội phải xin mở rộng Thềm Lục Địa ra 350 hải lý và bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Cộng đã và đang xâm chiếm bằng võ lực thô bạo.

Thật vậy, cả 2 hồ sơ ngày 6/5/2009 và 7/5/2009 của Hà Nội không những không xin mở rộng Thềm Lục Địa VN ra ngoài 200 hải lý mà VN có đầy đủ điều kiện theo qui định của Luật Biển LHQ 1982 để được hưởng mà bản đồ kỹ thuật của cả 2 hồ sơ này đều cố ý gạt 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào bên trong chu vi của bản đồ hình lưỡi bò do Trung Cộng tự vẽ và đòi hỏi hết sức vô lý, bất chấp các qui định của Luật Biển LHQ 1982.

Hơn nữa, đường ranh giới 200 hải lý trong hồ sơ ngày 7/5/2009 đã được nhà cầm quyền Hà Nội cố ý cho dừng lại đột ngột và không lý do khi gặp quần đảo Hoàng Sa không ngoài ẩn ý quần đảo này đã được 2 đảng CSVN và đảng CSTH thoả thuận qua Hiệp Ước mà hai bên đã lén lút ký kết ngày 25/12/2000. Do đó, nếu Quý Vị chấp nhận hồ sơ này thì không khác gì Quý Vị đã tiếp tay cho nhà cầm quyền Hà Nội để mặc nhiên công nhận hay hợp pháp hoá Hiệp Ước bất bình đẳng và bất hợp pháp ngày 25/12/2000, trong đó đảng CSVN đã dâng cho đảng CSTH 20 ngàn km2 vùng Vịnh Bắc Việt của VN.

II. Tuy nhiên, trong trường hợp Quý Vị cho rằng dẫu sao thì nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay cũng là một thành viên của tổ chức Luật Biển LHQ 10/12/1982 nên Ủy Ban không thể không cứu xét 2 hồ sơ do Hà Nội đệ nạp:

1. Chúng tôi trân trọng thỉnh cầu Quý Vị, vì sự công bằng, hãy ghi vào nghị trình cứu xét hồ sơ về Thềm Lục Địa VN do cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn mà chúng tôi được biết là đã đệ nạp tại văn phòng ông Tổng Thư Ký LHQ ngày 27/4/2009, nhân danh Việt Nam Cộng Hòa, một chính quyền hợp pháp tại Miền Nam VN và đã bị nhà cầm quyền Hà Nội xâm chiếm thô bạo bằng võ lực như đã trình bầy ở trên.

Bởi lẽ, cho dù thực thể này hiện nay không còn tồn tại trên thực tế nhưng cho đến nay chưa hề bị xoá bỏ bởi một văn kiện quốc tế tương tự nào và về mặt thuần tuý pháp lý phải xem là nó vẫn tồn tại căn cứ vào các điều khoản của Hiệp Định Genève 20/7/1954 chia đôi Việt Nam, và Hiệp Định và Định Ước Quốc Tế Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại Hòa Bình cho Việt Nam.

2. Vả chăng, nếu vì bất cứ lý do gì mà Quý Vị không thể xem hồ sơ của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn nhân danh VNCH được, chúng tôi thỉnh cầu Quý Vị hãy xem hồ sơ này như một bằng chứng khả tín và cần thiết hay một tiếng chuông thứ hai trong lúc Quý Vị cứu xét 2 hồ sơ của Hà Nội, nhất là khi 2 hồ sơ này đầy tì vết như đã nói trên đây.

Thật vậy, sẽ là một thiếu sót trầm trọng và tai hại vô cùng về mặt thủ tục xét xử nếu Quý Vị không quan tâm gì đến các bằng chứng khả tín và giá trị trước khi quyết định một vấn đề hệ trọng vì liên quan tới Hiến Chương LHQ, các Hiệp Ước Quốc Tế và nhất là liên hệ tới hải phận và hải đảo của một quốc gia đang bị mưu toan thôn tính qua chính các hồ sơ Quý Vị cứu xét.

3. Sau hết, trong trường hợp Quý Vị thấy cần phải có thêm nhân chứng, vật chứng để quyết định của Quý Vị được vô tư, chính xác và không bị dị nghị, đặc biệt là đối với 2 hồ sơ đầy tì vết của Hà Nội, xin Quý Vị đừng ngần ngại liên lạc với chúng tôi hay với bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào mà Quý Vị cho là có thể mời đến để trình bầy trước Quý Vị những điều cần thiết mà Quý Vị cần biết về vấn đề hệ trọng này.

Chúng tôi bày tỏ nơi đây sự tôn kính và tình cảm tốt đẹp đối với Quý Vị, những người mà chúng tôi hoàn toàn tin cậy về lòng công chính và sự vô tư khi quyết định một vấn đề có liên quan đến Hiến Chương LHQ, các Hiệp Ước Quốc Tế và sự toàn vẹn hải phận và hải đảo của Việt Nam, một nước đang bị đảng CSTH mưu toan xâm chiếm với sự tiếp tay của đảng CSVN, tức nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay qua 2 hồ sơ về Thềm Lục Địa đã đệ nạp Quý Vị.

Chân thành cám ơn Quý Vị đã quan tâm và dành thời gian cho vấn đề vô cùng hệ trọng nói trên.

California, Hoa Kỳ, ngày 21 tháng 8 năm 2009

-LS Trần Thái Văn, Dân Biểu Quốc Hội Tiểu Bang California
-TP Phan Quang Tuệ, Chủ Tịch Hội Luật Gia Việt Nam California
-LS Nguyễn Thành, Điều-hợp-viên Nhóm Công Lý & Hoà Bình cho Hoàng Sa & Trường Sa VN
-LS Thiên Ý Nguyễn Văn Thắng, Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Luật Khoa Việt Nam Texas
-LS Trần Sơn Hà, nguyên Chủ Tịch Hội Ái Hữu Luật Khoa Việt Nam tại Hoa Kỳ
-LS Đoàn Thanh Liêm, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam
-LS Nguyễn Thu Hương, 730 Story Road,


Đọc thêm :

( do Hải ngoại đệ nạp năm 2009)