Friday, July 3, 2009

Việt Dương


Park Chung Hee xây dựng kinh tế Đại Hàn

Từ thập niên 1990 đến nay, nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã mời gọi doanh nhân Nam Hàn vào Việt Nam đầu tư và đã học kiểu làm kinh tế của Nam Hàn, nhưng đáng tiếc là những người lãnh đạo đảng Cộng Sản chỉ học hình thức, mà bỏ quên tinh thần. Vì thế nhân chuyện ông Đại Sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Mitsuo Sakaba, trong Hội Nghị Các Nhà Tài Trợ Việt Nam tại Hà Nội ngày 4/12/08, cho Việt Nam biết là các khoản viện trợ ODA của Nhật sẽ tạm dừng cho tới khi nào Việt Nam có biện pháp hữu hiệu tận diệt tham nhũng, chúng tôi xin ghi lại đây ít điều về chuyện làm kinh tế của tướng Park Chung Hee, xem ông Park khác mấy ông cách mạng vô sản Việt Nam ra sao trong việc đưa đất nước Đại Hàn đi lên.

1. Định mục tiêu
Sau khi nắm chính quyền (7/1961), tướng Park Chung Hee đã nói trước 20.000 sinh viên đại học Seoul như sau:


“Toàn dân Nam Hàn phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng vào mà làm việc nếu muốn được sống còn. Làm cách nào trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Nam Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Chúng ta sẽ bắt thế giới phải ngưỡng mộ chúng ta. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu cho rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mỵ dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”.

Có thể coi những lời này là lời thề của Park Chung Hee. Vì trong gần 20 năm lãnh đạo Nam Hàn, ông đã dựng Nam Hàn dậy, làm sống lại niềm tin trong lòng người dân qua sự lãnh đạo cương quyết, làm đến cùng những lời thề này trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế và xã hội.

2. Năng động mà thực tiễn
Park Chung Hee lãnh đạo cương quyết, nhưng rất năng động và thực tiễn trong cách nhìn và giải quyết sự việc. Sau đây là mấy thí dụ điển hình:

Về việc vận dụng tài năng và sản nghiệp của giới doanh nhân
Ngay từ những ngày đầu lên cầm quyền, Park Chung Hee đã tìm cách đặt nền cho mối tương quan chính quyền và doanh nghiệp theo hướng có lợi cho chương trình phát triển kinh tế qua mấy bước như sau:
Thứ nhất, nhân danh luật Giải Quyết Việc Tích Lũy Tài Sản Bất Hợp Pháp mới được ban hành, chính quyền bắt hầu hết những doanh nhân hàng đầu và đe dọa tịch thu toàn bộ tài sản của những người này. Nhưng đây chỉ là một biện pháp đe dọa. Vì sau đó, chính Park đã thực hiện một cuộc họp với 10 nhân vật lãnh đạo đầu não trong số doanh nhân bị bắt, và đi đến một biện pháp hòa giải là chính quyền sẽ không thực hiện việc truy tố. Nhưng đổi lại, những người này phải chịu một số tiền phạt lớn (tất nhiên tiền này trở thành quỹ quốc gia, chứ không thành của riêng) và thuận đi vào hướng phát triển kinh tế theo kế hoạch của chính quyền.
Thứ nhì, trong việc vận dụng kiến thức kinh doanh cùng sự hợp tác của doanh nhân, chính quyền đã gửi 13 nhân vật hàng đầu của giới này ra ngoại quốc để quan sát thị trường và thu hút đầu tư ngoại quốc. Khi trở về, nhóm này đã đưa ra nhiều đề nghị hữu ích, trong đó đề nghị thiết lập hải cảng kỹ nghệ ở Ulsan đã được chính quyền thực hiện cấp thời. Sau đó, dưới sự yểm trợ của chính quyển, tầng lớp kỹ nghệ gia, thương gia đã thành lập những tổ chức mới hoặc chỉnh đốn lại những tổ chức cũ thích ứng với hướng đi mới. Trong những tổ chức này, đáng kể nhất là Liên Đoàn Kỹ Nghệ Đại Hàn, Phòng Thương Mại, Hội Thương Gia Đại Hàn, Hội Hợp Tác Các Xí Nghiệp Nhỏ và Trung, và những hội kỹ nghệ đại diện cho những ngành kỹ nghệ đặc biệt.
Kết quả của những biện pháp trên đây là Park Chung Hee đã tạo được thế chế ngự doanh nhân trên hướng hợp tác và quan trọng hơn là đã có thể vận dụng năng lực và tài sản của họ vào hướng hoạt động phát triển sản xuất.
(Le Roy Jones & Sakong, Government, Business and Entrepreneuship in Economic Development: The Korean Case, Harvard University Press, 1980, trg. 70)

Về vấn đề sống tự túc
Khi mới ở cương vị lãnh đạo quốc gia, Park Chung Hee đã hỏi một kinh tế gia là Đại Hàn muốn thoát khỏi cảnh sống phụ thuộc nước khác thì phải làm gì và khi nào sẽ đạt được. Mấy năm sau ông cho biết, có lẽ vì căn cứ vào số tiền viện trợ 300 triệu Mỹ kim hàng năm của Hoa Kỳ mà nhà kinh tế trả lời là cần xuất cảng được ít nhất 300 triệu Mỹ kim thì có thể sống ở mức tự túc tối thiểu. Park đã thực hiện điều này, và đến 1967 khi ông nhắc lại câu chuyện, Đại Hàn đã xuất cảng được 360 triệu Mỹ kim. Nhưng con số đó vẫn còn xa với chuyện sống tự túc. Vì thế, ông đã quyết định nâng số xuất cảng lên mức 1 tỉ trong khoảng 3 hay 4 năm. Cách nhìn và biện pháp của ông để đạt được mục tiêu là “Nếu sản xuất hàng rẻ mà tốt thì hàng hóa Đại Hàn vẫn còn nhiều chỗ tiêu thụ trên thị trường thế giới”. (Park Chung Hee, Major Speeches by Park Chung Hee, Seoul: Hollyon, 1980, trg. 147)

Ngoài vấn đề phát triển sản xuất, Park Chung Hee đã thực hiện chính sách toàn quốc thắt lưng buộc bụng, từ chính quyền đến dân chúng. Làm việc nhiều, nhưng sống giản dị, hàng tuần mỗi người phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc ngoại quốc, không uống cà phê (Nam Hàn không có cà phê). Đến cuối thập niên 1970, Nam Hàn đã sản xuất hàng loạt máy truyền hình màu, nhưng chỉ để xuất cảng, còn trong nưóc tiếp tục dùng TV trắng đen.
Với Park Chung Hee, tiết kiệm là quốc sách để Đại Hàn có thể đứng dậy, thoát vòng lệ thuộc. Vì thế, trong nhiều bài diễn văn, ông thường nói: “Một xu ngoại tệ là một giọt máu”. Tất nhiên đây không phải là thứ ngôn ngữ hùng biện, nói cho hay mà ông đã sống tiết kiệm bằng chính nếp sống thanh đạm của mình. (Làm tổng thống 19 năm mà khi chết tài sản của ông chỉ có trên mười ngàn Mỹ kim).

Về việc tái lập quan hệ bình thường với Nhật Bản
Trong 12 năm cầm quyền, Lý Thừa Vãn đã duy trì mối thù hận của dân Đại Hàn với tội ác của thực dân Nhật. Nhưng đến năm 1964, vì nhu cầu phát triển kinh tế, Đại Hàn cần tư bản và kỹ thuật, nhất là cần ngoại quốc đầu tư trực tiếp để giảm bớt số nợ đã quá lớn, Park Chung Hee đã can đảm đối diện với những cuộc biểu tình chống đối trên toàn quốc, khi nói với dân Đại Hàn về việc cần chấm dứt chính sách thù hận với Nhật Bản là “Chúng ta phải nhìn xa. Chúng ta không được cô lập với cộng đồng thế giới, và nhất là chúng ta phải biết vị trí của mình ở Viễn Đông”. (Park Chung Hee, sđd, trg. 83)
Kết quả của tầm nhìn và hành động can đảm này đã giải quyết được nhiều vấn đề xung đột giữa hai nước như quyền đánh cá ở vùng biển giữa Nhật và Đại Hàn, và địa vị người Đại Hàn sống ở Nhật, nhưng quan trọng nhất là mở đường cho việc phát triển mậu dịch, với mức gia tăng buôn bán từ 400 triệu Mỹ kim năm 1967 lên 9 tỉ năm 1980, và Nhật Bản trở thành khách hàng lớn thứ nhì sau Hoa Kỳ. Cùng với mậu dịch, Nhật cũng là nước đầu tư hàng đầu vào Đại Hàn trong các ngành kỹ nghệ lọc dầu, đóng tàu, điện tử và nhiều loại kỹ nghệ khác, với tổng số vốn đầu tư, đến năm 1980, đã lên tới 1 tỉ Mỹ kim. Ngoài buôn bán và đầu tư, Nhật còn trợ giúp Đại Hàn về tài chánh cùng kỹ thuật, và chính nhờ sự trợ giúp này mà Đại Hàn đã vượt qua được nhiều trở ngại trong việc thực hiện một số dự án kỹ nghệ lớn. Một thí dụ điển hình về chuyện này là sau khi Ngân Hàng Thế Giới cùng các công ty Mỹ và Âu Châu bác bỏ dự án xây dựng nhà máy liên hợp sắt thép Pohang, vì cho là không thể thực hiện được, thì Nhật đã quyết định trợ giúp Đại Hàn xây dựng dự án với kỹ thuật và trên 120 triệu Mỹ kim, vừa tặng vừa cho vay.

Về việc thay đổi nông thôn Đại Hàn
Xuất thân từ một gia đình nông dân, Park Chung Hee thâm hiểu sự tuyệt vọng của nông dân trong cái vòng luẩn quẩn nghèo đói, lạc hậu suốt cả ngàn năm, và nhất là trong đời mình, ông đã chứng kiến nhiều chương trình cải cách nông thôn thất bại từ sau ngày Đại Hàn thoát khỏi sự thống trị của Nhật. Vì thế, khi tiến hành chương trình Saemaul (Phong trào cộng đồng mới) để canh tân nông thôn, ông đã vạch ra đường lối chỉ đạo thực tiễn là “Đi từng bước, đừng quá nhiều, quá nhanh”. Đối với chính quyền là không được cưỡng ép và tất cả các dự án phải có tác dụng nâng cao lợi chung cùng lợi tức của nông dân. Còn đối với nông dân là phải tự làm việc để thay đổi vận mệnh của mình. Trong việc khuyến khích nông dân, Park Chung Hee thường nói với họ: “Tại sao chỉ biết phàn nàn mà không chịu làm việc cần mẫn. Làm việc đi, chính quyền sẽ giúp đỡ và sẽ ưu tiên trợ giúp những người chứng tỏ có tinh thần cao về tự lực, tự túc và hợp tác”.

Từ những nguyên tắc trên, phong trào Cộng Đồng Mới, qua việc hoạch định chu đáo, đầu tư sáng suốt và nhất là khéo giác ngộ nông dân về sự thăng tiến đời sống, đã có thể dấy lên lòng nhiệt thành, tinh thần sáng tạo và nỗ lực chung của nông dân trong việc thực hiện các dự án hợp tác theo sự lựa chọn của chính họ. Vì thế, chỉ trong khoảng gần một thập niên với chất xúc tác của tinh thần Saemaul, nông dân đã tự thay đôi được đời sống của mình và làm biến đổi toàn diện nông thôn Đại Hàn.
Trước sự thành tựu đặc biệt của phong trào Saemaul, nhiều nhà khoa học xã hội, chuyên viên phát triển nông thôn và viên chức chính quyền cao cấp của nhiều nước đã tới Đại Hàn để quan sát và nghiên cứu. Tới năm 1979, số khách này đã lên tới trên 1000 và riêng năm 1978 là 425 người. Ở đây xin ghi ít lời nhận xét về phong trào Saemaul của một số nhân vật quốc tế:
- Với Leopold Sedar Senghor, Tổng Thống Senegal: “Hiện nay Senegal đang tiến hành một cuộc cách mạng nông nghiệp, nên đặc biệt tôi rất cảm kích trước sự phát triển của Đại Hàn qua phong trào Saemaul”.
- Với Joseluis Cruz Salazar, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Quốc Hội Guatemala: “Saemaul là một phong trào đặc biệt. Tôi sẽ cố gắng áp dụng hệ thống và phương pháp này vào Guatemala”.
- Với Albert, Hoàng Tử nước Bỉ: “Tôi sẽ gửi các viên chức nông nghiệp của Bỉ sang Đại Hàn để học về phong trào Saemaul”.
- Với Winyu Ankara, Thứ Trưởng Nội Vụ Thái Lan: “Saemaul là một phong trào thành công nhất trong các chương trình loại này mà tôi đã thấy trên khắp thế giới”. (Park Chung Hee, Saemaul, Seoul: Korea Textbook, 1979, trg.72)

3. Đánh thức niềm tin
Gần một thế kỷ sống dưới chế độ Nhật thuộc, và sau đó hơn 10 năm dưới chế độ độc tài, tham nhũng Lý Thừa Vãn, đa số dân Nam Hàn đã đi vào tâm trạng tuyệt vọng, sống ù lì và bất cần. Tâm trạng sống đó đã tiêu hủy niềm tin vào tương lai và sự siêng năng, nhân tố căn cốt của công cuộc xây dựng con người và đất nước. Nhận chân điều này nên trong cuộc cách mạng kinh tế, Park Chung Hee đã đặt nặng việc thay đổi tinh thần dân chúng. Vì ông quan niệm rằng: “Việc xây dựng kinh tế và phát triển tinh thần không phải là hai ý niệm riêng biệt mà cả hai phải đi song hành với nhau. Xây dựng không thể thiếu tinh thần và ngược lại… Nhiều dân tộc khác phải mất hàng thế kỷ để tìm ra thần trí của mình. Còn chúng ta đã tìm thấy tinh thần dân tộc Đại Hàn trong chính thập niên này (1970)”. Nói lên những điều này không khó. Người lãnh đạo nào cũng có thể nói bằng hay nói hay hơn. Nhưng điều khác ở đây là Park Chung Hee đã lấy chính cuộc sống và hành động của mình tác động vào sự thay đổi để chính quyền trở thành biết làm, có hiệu quả và dân trở thành có niềm tin, biết chăm chỉ và kiên nhẫn để thay đổi cuộc đời và đạt những mục tiêu chung. Kết quả là chỉ gần 20 năm, cuộc cách mạng của Park Chung Hee đã phục hưng được tinh thần tự tin và cương quyết của dân tộc Đại Hàn, trong đó học và làm đã trở thành một cái đạo để đưa con người và dân tộc đi lên.
Đối với sự thay đổi tinh thần ở nông thôn, ký giả Brian Kelly đã ghi lại lời giải thích của một viên chức Đại Hàn khi hướng dẫn ông về thăm làng của mình: “Phong trào Saemaul đã thay đổi nông thôn. Căn bản là khôi phục ý thức xấu hổ và tranh đua của nông dân. Dân Đại Hàn không luôn chăm làm như ông thấy bây giờ. Trước đây chúng tôi lười và sau chiến tranh, nhiều người mang tâm trạng đại bại, thiếu động lực để làm việc. Vào cuối thập niên 1950, không ai quan tâm đến tình trạng lợi tức đầu người chỉ khoảng 100 Mỹ kim, nhưng phong trào Saemaul đã khiến mọi người quan tâm đến chuyện này. Chúng tôi thuộc nền văn hóa nặng chất hổ thẹn. Đó là một phần của truyền thống Khổng giáo, thứ truyền thống sợ mất sĩ diện, và Saemaul đã làm sống lại thứ truyền thống này”. (Brian Kelly, The Four Little Dragons, New York: Simon and Schuster, 1989, trg. 46)

Còn đối với công nhân kỹ nghệ, Allen Patric, đại diện công ty Ford Motor ở Seoul, đã nói với ký giả Boyd Gibbons: “Tôi đã làm việc ở Brazil, Mexico và Âu Châu, nhưng không ở đâu tôi thấy người dân làm việc siêng năng như người Đại Hàn. Ngay người Nhật cũng trở thành lười nếu so sánh với họ”.
(Boyd Gibbons, The South Koreans, National Geographic, August 1980)
Một nhà báo Thụy Điển đã chứng kiến tại chỗ thứ đạo này trong cuộc thăm viếng một xưởng đóng tàu Đại Hàn. Ở đó, ông đã thấy hàng chục ngàn công nhân cắm cúi làm việc hùng hục, giống như những cỗ người máy cử động không biết mệt mỏi. Họ làm việc hăng say một cách kỳ dị như những người lính đang chiến đấu ở chiến trường, không ai kiểm soát ai, người nào việc ấy, rập khuôn và hoàn thành công việc một cách hoàn hảo. Khi ông hỏi: Động lực nào mà qúi vị lại có tác phong làm việc ghê gớm như thế? Một anh công nhân đáp: Chúng tôi là một nước nhỏ, nếu không chiến đấu ắt không tồn tại được. Một người khác nói: Chúng tôi làm việc cho tổ quốc chúng tôi. Còn một chị thì nhỏ nhẹ: Chúng tôi làm việc cho chúng tôi và cho con cháu mai sau. (Chu Văn, Phỏng Vấn Cựu Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm, Việt Nam Thời Nay, Melbourne, 5/1991)

4. Tận nhân lực
Trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở, Park Chung Hee đã thực hiện được một kỳ công là xa lộ Seoul – Pusan, công trình xây dựng cầu đường lớn nhất trong lịch sử Đại Hàn, chạy dọc theo chiều dài của Nam Hàn, từ thủ đô Seoul tới hải cảng Pusan ở bờ biển phía nam. Khi đưa ra chương trình này, ông nhằm hai mục tiêu: Thứ nhất là giải quyết việc giao thông cho phát triển kinh tế, và thứ nhì quan trọng hơn là đem lại cho người dân một niềm tin mới là họ có khả năng xây dựng và sáng tạo lớn. Nhưng theo nhận định chung của một số tác giả nghiên cứu về Đại Hàn thì có lẽ ông là người duy nhất ở cả trong và ngoài nước có niềm tin này. Vì thế, khi ông đề nghị dự án xây dựng xa lộ 4 làn xe chạy, xuyên qua những rặng núi với địa thế kinh hoàng, thì quốc hội đã thẳng tay bác bỏ. Những nhà lập pháp, kể cả những người thuộc đảng của Park Chung Hee, đã không tin là có thể thực hiện nổi xa lộ mà nếu xây dựng được thì con đường sẽ đưa quốc gia tới phá sản, vì phí tổn xây dựng và bảo trì. Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và các cơ quan tài chánh quốc tế cũng đồng quan điểm như thế.
Tuy vậy, Park Chung Hee đã không nản lòng và để tâm nghiên cứu những bản báo cáo của các chuyên viên cố vấn ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Ông yêu cầu những người phụ tá thu thập tất cả những tài liệu về việc xây dựng xa lộ từ miền núi Andes ở Nam Mỹ tới Tây Bá Lợi Á của Liên Bang Sô Viết, và tự mình nghiên cứu tường tận những tài liệu này. Rồi sau đó, với các kỹ sư Bộ Xây Dựng, ông dùng trực thăng lên, xuống và băng qua toàn thể khu vực núi non để xem xét, ghi chép hết tuần này đến tuần khác.
Cuối cùng, ngày 1/2/1968, ông ra lệnh khởi công. Toàn thể xa lộ dài 428 km, băng qua 29 cầu chính, 208 cầu nhỏ và 6 đường hầm chính đã hoàn tất ngày 30/6/1970. Các chuyên viên vận tải thuộc Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cho biết là với phí tổn 330 Mỹ kim cho 1 cây số, có thể là thấp nhất trong lịch sử xây dựng xa lộ loại này. Trong 3 năm đầu, xa lộ Seoul – Pusan đã phục vụ cho khu vực tạo ra 70% tổng sản lượng quốc gia, và xe cộ sử dụng con đường đã chiếm tới 80% lượng xe lưu thông trong nước.
Một kỹ sư Bộ Xây Dựng làm việc 18 tháng ở Công Trường Xây Dựng Xa Lộ, đã ghi lại: “Sau một thời gian, tôi thấy ông như là người điều khiển một ban nhạc. Với chiếc trực thăng và cây gậy, ông lên xuống, lần này với một toán nhà địa chất để tìm hiểu có cái gì trục trặc mà vách núi đã sập trên những người xây dựng đường hầm, lần khác với mấy nhà thủy học Liên Hiệp Quốc để tìm xem các họa đồ viên của Đại Hàn đã ghi sai mực nước ngầm ra sao. Nếu ngày thứ Ba không có được câu trả lời thì ông sẽ trở lại với vấn đề này ngày thứ Năm hoặc thứ Bảy”.
Ký giả Michael Keon đã ghi lại một sự kiện cho thấy Park Chung Hee đã coi việc hoàn thành con đường như là một nhiệm vụ lịch sử, khi chính ông đích thân làm lễ tuyên thệ cho những sĩ quan trẻ được tuyển chọn trong Đoàn Kỹ Sư Công Binh để làm đốc công và chuyên viên sửa chữa máy móc, với lời thề: “Nguyện hiến thân cho sự thịnh vượng của tổ quốc cùng hạnh phúc của đồng bào, và sẽ chịu bất cứ hình phạt gì nếu không làm tròn nhiệm vụ”. (Michael Keon, Korea Phoenix: A Nation from the Ashes, Englewood Cliffs: Prentice – Hall International, 1977, trg. 78, 79)

Năm 1961, có lẽ ít người dám tin khi Park Chung Hee nói là sẽ biến Đại Hàn thành cường quốc kinh tế trong 20 năm. Nhưng với phong cách lãnh đạo cương quyết, thực tiễn và hết lòng, ông đã đem lại niềm tin. Vì chỉ trong một thời gian ngắn, người dân Đại Hàn nhận ra rằng lời nói và cuộc sống của ông đã đi đôi với việc làm. Từ đó, ông đã có thể truyền cho người dân ý thức về sự cấp bách phải làm để giải phóng thân phận của một quốc gia nghèo đói và chậm tiến: “Xin đồng bào nhớ rằng dân tộc chúng ta đã mất cả thế kỷ. Chúng ta không còn thời gian để mất nữa. Vì chúng ta phải thực hiện cả chục việc trong thời gian mà những nước khác chỉ phải làm một. Chúng ta phải tiếp tục làm khi các dân tộc khác có thể nghỉ ngơi. Ngày nay, bánh xe lịch sử quay với một tốc lực ghê gớm. Nếu bỏ qua một ngày lười biếng, chúng ta sẽ tụt lại đằng sau người khác một năm, mà nếu lãng phí một năm, chúng ta sẽ tụt hậu 10, 20 năm”. (Park Chung Hee, Major Speeches, trg. 72)
Dân Đại Hàn đã cảm được điều này và họ đã thực hiện được công cuộc giải phóng Nam Hàn khỏi kiếp nạn nghèo đói.

Kết luận

Sau gần hai thập niên sử dụng những biện pháp độc tài, chế độ Park Chung Hee đã thực hiện được cuộc cách mạng kinh tế, đưa Đại Hàn từ một nước nghèo đói, chậm tiến lên hàng những quốc gia phát triển giàu mạnh. Vì thế, từ khởi đầu cuộc cách mạng kinh tế, có thể nhiều người đồng ý là những biện pháp độc tài của Park Chung Hee cần thiết để chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị, bất ổn xã hội kéo dài, và cũng cần thiết để chính quyền có thể dễ dàng huy động tài nguyên nhân vật lực thực hiện các chính sách xây dựng kinh tế.
Nhưng theo thời gian cầm quyền cùng với những thành tựu kinh tế, Park Chung Hee, qua nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, đã tự coi mình là người không thể thay thế đối với vận mệnh của Đại Hàn. Vì thế ông đã không nhìn biện pháp độc tài như một giai đoạn cần thiết để biết dừng trên hướng đặt nền cho sự phát triển kinh tế với chính trị dân chủ mà trụ vào độc tài như một nền tảng để duy trì quyền lãnh đạo mãn đời. Từ tham vọng này, Park đã tạo ra một tình thế tương tranh thường trực giữa độc tài và dân chủ. Rồi vì cần duy trì quyền lực, ông càng ngày càng lún sâu vào con đường chối bỏ tự do dân chủ nhân danh sự ổn định và phát triển. Từ quan niệm cho rằng “Nhân dân Á Châu sợ hãi đói nghèo hơn là sợ chế độ độc tài…, và thứ ngọc thiếu ánh sáng được gọi là chế độ dân chủ thì vô nghĩa đối với người dân chết đói và tuyệt vọng” (Michael Keon, đd, tr. 106), ông đã nhìn lệch giá trị nhân sinh, chối bỏ lịch sử tiến hóa của con người theo kiểu ngụy biện của một nhà chính trị độc tài. Theo cách nhìn này, ông đã giảm trừ giá trị con người vào chuyện cơm áo mà quên cùng đích của việc giải phóng con người là tự do, dân chủ và công lý, nhất là lịch sử của dân tộc Đại Hàn cho đến đời của Park là lịch sử của nửa thế kỷ bị nô lệ, áp chế và tủi nhục. Việc coi thường ý thức dân chủ thời đại, coi thường khát vọng dân chủ của nhân dân Đại Hàn đã đưa ông đến cái chết thảm khốc (26/10/79) và hạ thấp sự nghiệp chính trị của ông. Thực tế là con đường độc tài của Park Chung Hee đã không đem lại sự ổn định như ông mong muốn, mà người dân Đại Hàn đã trả lời ông rằng người Á Châu cũng là người như các dân tộc khác trên thế giới, ai cũng muốn có tự do và dân chủ.
Nhưng nhìn lại, chúng ta thấy dân tộc Đại Hàn vẫn có cái may là đã có một ông tướng quân phiệt mà yêu nước, biết sống và biết làm để đưa người dân và đất nước đi lên.
Cứ nhìn vào đời sống và những việc làm của Park Chung Hee, rồi nhìn vào xã hội và tinh thần của người dân Nam Hàn ngày nay, chúng ta sẽ thấy sự bất hạnh của dân Việt, sẽ thấy mối nhục và mối nguy của đất nước khi những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã ăn cắp cả những món tiền ngoại viện để người ta phải nói: Các ông hãy chấm dứt tham nhũng, rồi hãy đi xin thế giới.
Năm 1961, Park Chung Hee đã nói với dân Đại Hàn: “Chúng ta sẽ bắt thế giới phải ngưỡng mộ chúng ta”, và dân Đại Hàn đã làm được việc ấy. Còn ở Việt Nam ngày nay thì đảng Cộng Sản đã dùng độc tài toàn trị bắt dân Việt phải cúi mặt để đảng tự do ăn cắp và tàn phá đất nước. Nhưng dân Việt sẽ cúi mặt hay ngẩng đầu?

Việt Dương

Nguồn :
vietdc.org