Saturday, May 30, 2015

Thuốc lá

bienho thuocla 11
Tranh cổ động cho Ngày Thế giới Không hút Thuốc lá 31 tháng Năm


Cuộc Thánh chiến chống hút thuốc lá ở thời đại này vẫn tiếp diễn.

Bất chấp những tội đồ ngoan cố như tôi, không phải chỉ riêng hôm nay, 31 tháng Năm, mà toàn bộ những ngày còn lại trong năm sẽ là Ngày Thế giới Không hút Thuốc lá. Chúng tôi không có lựa chọn với ngày tháng. Chúng tôi những công dân hạng hai đã từ lâu không còn lựa chọn. Khi đi tầu hay ngồi máy bay, khi ăn tiệm hay mua sắm, khi trực công sở hay họp hành, khi nghe hòa nhạc hay ngắm tranh, khi dạo công viên hay tắm biển, khi nhảy nhót hay đàn đúm câu lạc bộ, khi đón con ở trường hay đưa cha mẹ vào bệnh viện, khi cầu nguyện hay thăm mộ... mọi chỗ đều loại trừ chúng tôi, và thậm chí trên ban-công nhà mình, trong chính bốn bức tường riêng tư nhất của mình, chúng tôi cũng nghiễm nhiên bị đào thải. Chuyện nghe như tiếu lâm, nhưng không có gì nghiêm túc hơn: lệnh cấm hút thuốc lá có hiệu lực trong cả các quán shisha khói mù ở Đức! Và nhà sản xuất Camel, tập đoàn Reynolds American, chiếm một phần ba thị trường thuốc lá Hoa Kỳ,cũng treo lệnh cấm hút thuốc tại chính các văn phòng của mình! Không ai cười, vì đã cuồng tín thì không hài hước.


Những kẻ cuồng tín tuổi thọ đã xây vững chắc một nền độc tài không khói, nơi thiểu số chống đối chết với lời nguyền rủa trên bia mộ: đáng đời một phần tử ngu xuẩn. Tôi không thể quên ông bác sĩ khoa hô hấp đã nhìn tôi đầy thương hại: "Bà Phạm, chắc bà biết là những người thông minh thì không hút thuốc." Một chân lý tuyệt đối. Một lập luận chắc nịch. Không nền độc tài nào xây trên những chân lý tương đối và những lập luận ngả nghiêng. Tôi đã nhả khói gần 40 năm. IQ của tôi thấp hơn của người thiểu năng trí tuệ.  
bienho thuocla 11
Bìa album Abbey Road, điếu thuốc trên tay Paul McCartney đã bị tẩy
bienho thuocla 11
Yoko Ono và John Lennon trong phỏng vấn trên giường
Chúng tôi đã chứng kiến điếu thuốc ở tay phải của Paul McCartney trên hình bìa của album Abbey Road lừng lẫy biến mất. Trong cảnh phỏng vấn trên giường huyền thoại, rồi trên tay John Lennon sẽ là một củ cà rốt sạch, phù hợp với cảnh giường chiếu và áo quần trắng tinh. Đã và sẽ bị thủ tiêu là cái vũ khí hành hung sức khỏe tối nguy hiểm ấy ở hình ảnh phổ biến của các thủ phạm nghiêm trọng khác: Albert Einstein, Sigmund Freud, Hannah Arendt, Salvatore Dalí, Susan Sontag, Thomas Mann, Václav Havel, Jean-Paul Sartre, Coco Chanel, Marlene Dietrich, Marlon Brando, Jack Nilcoson… và 100% các ca sĩ nổi tiếng. Bạn có thể hình dung Janis Joplin hát nhạc nicotine-free?

Những tín đồ đầy thiện tâm của cái tôn giáo hiện đại, nảy sinh từ phương Tây - hay nói chính xác hơn: từ nước Mỹ - mang tên Sùng bái Sức khỏe này sẽ nhiệt thành giúp Humphrey Bogart trong Casablanca ra khỏi tình trạng ám khói kinh niên, để chàng lột xác thành Nicolas Cage, mặt mũi lúc nào cũng đầy nỗ lực, và tôi sẽ nghe câu kết ai cũng thuộc lòng trong phim thành "I think this is the beginning of a disaster". Bộ phim Smoke mà Paul Auster viết kịch bản sẽ bị Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa vào danh mục các phương tiện truyền nhiễm nguy hiểm. Bức tranh Người đàn ông hút thuốc lá của Picasso thì dễ xử lí hơn, đổi tên thành Người đàn ông phun kẹo cao su cũng không khiến người xem ngơ ngác và không làm nó mất giá trị đầu tư trên thị trường nghệ thuật hiện thời. Đằng nào thì Trung Quốc cũng sẽ mua tất cả các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của phương Tây, sau khi mua châu Phi và mấy nước Đông Âu lặt vặt. Nhưng Người đàn ông hút tẩu của Paul Cézanne sẽ trở thành Người đàn ông không tẩu sau khi tẩu bị thanh trừng. Còn bức chân dung tự họa của Van Gogh với một bên tai quấn băng và chiếc tẩu ngậm miệng cùng những vòng khói vĩ đại thì sao? Chiếc tẩu sẽ được thay bằng một gọng kính Ray-Ban và khói sẽ nhường chỗ cho những đám mây không ô nhiễm. Đó sẽ là thế giới của nền độc tài của sức khỏe. Tôi không cường điệu. Mà nếu có thì chỉ là để tiến nhanh hơn về phía sự thật. Đó là tôi còn chưa nhắc đến bộ quần áo dạ tiệc nổi tiếng với tên Smoking sẽ bị cải tên thành No Smoking.

Vì sao chúng tôi ngoan cố?

Tất nhiên chúng tôi có thể viện ra rằng Hitler, Mussolini và dường như cả Nhật hoàng Hirohito đều không hút thuốc, trong khi các nguyên thủ phe Đồng minh quang vinh, Churchill, Roosevelt và Stalin đều là những ống khói khổng lồ. Nhưng người tử tế thì không dùng đến những lập luận chí mạng kiểu đó. Nếu cần thì chúng tôi sẽ sử dụng cuốn sách The Nazi War on Cancer của Robert N. Proctor, giáo sư Stanford. Tác phẩm này nói về một cuộc chiến chớp nhoáng (Blitzkrieg) khác, cuộc chiến mà nhà nước Quốc xã tiến hành để thanh tẩy mọi độc hại khỏi thân thể, tâm hồn và trí óc của dân tộc Đức thượng đẳng, trong đó thuốc lá đóng một vai trò nổi bật cạnh những chất độc hại khác như Do Thái, nhạc jazz, cộng sản, đồng tính luyến ái… Nó thực sự đáng là cẩm nang trích dẫn để vô hiệu hóa ngay tức khắc mọi tham vọng tẩy trùng thế giới từ bất kì khuynh hướng, mầu sắc nào. Nhân tiện nói luôn, Hitler hút mỗi ngày hai bao, trước khi quẳng mẩu đầu thuốc lá cuối cùng xuống dòng Danube và bắt tay vào công cuộc hồi sinh dân tộc Đức. Sự nghiện ngập lúc trước chỉ làm vàng các đầu ngón tay ông ta. Sự cuồng tín thay thế nó đã kéo cả thế giới vào một cơn lốc nâu thảm khốc.
bienho thuocla 11
Charles Everett Koop
bienho thuocla 11
Winston Churchill
Chúng tôi cũng không dễ bị những ấn tượng bề ngoài chi phối, mặc dù tôi buộc phải nói rằng, hình thức chính là nội dung. Nội dung nào toát lên từ một gương mặt như của Charles Everett Koop, vị quốc y khét tiếng của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ, thành viên Giáo hội Trưởng lão, người đã tuyên bố liên minh giữa khoa học và Thượng đế và là đầu tầu trong việc biến quốc gia này thành lãnh thổ tự do cho khói súng nhưng cấm khói thuốc lớn nhất hoàn cầu? Hoa Kỳ, với 2,2 triệu tù nhân, tức gần một phần tư tổng số tù nhân toàn thế giới, trong đó có trên 3000 tử tù, đương nhiên từ chối ước nguyện cuối cùng của một tử tù trước giờ hành hình, nếu đó là một điếu thuốc lá. Và nội dung nào toát lên từ một gương mặt như của Winston Churchill, người nổi tiếng với hai câu nói bất hủ, một về nền dân chủ và một về việc hút thuốc: "Tôi đọc báo, thấy nói là hút thuốc có hại cho sức khỏe, nên tôi đã bỏ. Bỏ đọc báo."? Tôi chọn Churchill. Nhân tiện nói luôn, ông thọ 91 tuổi.

Một thuở, tôi đã viết để hút. Phần thưởng cho mỗi trang viết tay cuốn Thiên sứ là một điếu thuốc. Một điếu là cả một tài sản. Chưa bao giờ tôi thấy văn chương có ý nghĩa hơn. Càng về cuối, chữ càng to ra và tôi càng chăm xuống dòng, có trang toàn những lời thoại nôn nóng chờ một liều nicotine mới. Bây giờ tôi hút để viết. Mỗi điếu nhả ra được một câu là mừng. Song đó là chuyện phụ. Tôi vẫn hút thuốc, vì xác tín chính trị. Vì ác cảm tột độ với mọi hình thức độc tài và mọi thể chế cuồng tín. Khoan dung là nhựa sống của một nền dân chủ. Tôn trọng lựa chọn cá nhân là cốt tủy của một xã hội tự do. Thế quyền thay thần quyền là nguyên tắc của những nền văn minh hiện đại. Cả ba cột trụ đó đang lung lay bởi cuộc Thánh chiến phũ phàng chống những người hút thuốc. Tôi chấp nhận đứng nhả khói cô đơn trong chiếc cũi ngoài trời tuyết, không phải để nhân loại này sì sụp vái lạy thêm một Thượng đế nữa của tôn giáo Sùng bái Sức khỏe, với thánh đường là các fitness club và đội quân săn lùng những người phổi đen để gắp lên giàn thiêu.

Vâng, tôi sẽ yểu thọ hơn quý vị bảy năm, theo thống kê. Thì sao? Ai có thể nói rằng bảy năm cuối cùng với mắt mờ chân run và sự phế thải xã hội của mình là đỉnh cao cống hiến cho chính bản thân, chứ chưa nói cho gia đình hay nhân loại? Tôi vẫn hút thuốc, để khẳng định rằng chỗ thích đáng cho lời cảnh báo giết chóc không phải là trên vỏ bao thuốc mà trên vỏ hộp đạn. Rằng sự tồn tại bao la của mỗi chúng ta không thể bị giản ước vào hai chữ sức khỏe. Rằng ý nghĩa sâu xa của sự sống chẳng liên quan gì đến tổng số năm tháng dằng dặc trong một cuộc đời vô vị kiêng khem. Nói như Mark Twain, bỏ thuốc là việc quá thường, tôi đã nhiều lần bỏ. Không bỏ mới là một lựa chọn gian nan.

Phạm Thị Hoài -
31/5/2015