XUÂN VŨ: MỘT NGÔI SAO VĂN HỌC ĐÃ TẮT
Trích đoạn :
Bốn năm sau (1964-1967)
Một đêm mưa tầm tã, tại Xóm Mới, một xóm nhỏ nằm bên ven sông Vàm Cỏ đông, thuộc địa phận huyện Lò Gò, tỉnh Tây Ninh, mà bên kia sông là lãnh thổ Campuchia, địa phận tỉnh Prây-Ven, tôi lại gặp Xuân Vũ trong quán hủ tiếu Ba Nhỏ (Tên của ông chủ quán đã được khách đến ăn đặt thành tên quán)
Tôi vừa bước vô quán vừa cởi áo mưa ra, thì nghe tiếng của ai đó, rất quen, đang ngồi ăn trong quán, gọi thật to:
- “Sáu Tùng, tại sao lại gặp ông ở tại mật khu này nữa vậỷ Tôi đã trốn nợ đời... từ thủ đô ngàn năm văn vật chạy vô đây! Còn ông chắc chạy trốn nợ tình của các cô gái Hà Thành chớ gì?”
Cả quán cười ồ... Tôi xoay người lại nhìn: Hóa ra không ai khác là anh chàng nhà văn tài hoa, hay nói đùa họ Bùi, tên Xuân Vũ. Tôi liền “phản pháo” ngay, rằng:
- «Ông Sáu Búa (ám chỉ Lê Đức Thọ), chủ nợ của anh, ủy nhiệm cho tôi vào tận “rừng sâu núi hiểm” này, để đòi cho được món “nợ tư tưởng” Révisionnisme (Chủ nghĩa xét lại hiện đại) đó nghe!»
- “Tớ đã vô tận đây rồi, thì có đến 12 búa tớ cũng chẳng sợ, nên 6 Búa đâu có nghĩa gì đối với tớ! Nhưng tôi chỉ ngại ông đòi tiền 2 tô phở Tư Lùn thôi... »
Xuân Vũ cười trả lời một cách thoái mái. Rồi anh ta hỏi tôi:
- «Ông vào đây hồi nào vậỷ”
Tôi kéo ghế ngồi vào cùng bàn với Xuân Vũ, rồi trả lời gọn lỏn rằng:
- Từ mùa khô năm 1964.
Tôi hỏi lại anh ta:
- «Còn anh, vào đây từ lúc nàỏ”
- “Như vậy, anh là “cựu binh”! Còn tôi vừa mới sạch mùi “tân binh”, 2 năm!”
Xuân Vũ vừa trả lời vừa chỉ vào bộ quần áo ‘Giải phóng quân” của anh đang mặc.
Lúc này, tôi mới chú ý: Về bên ngoài, Xuân Vũ bây giờ không phải như nhà văn Xuân Vũ ở Hà Nội, mà hình như anh đã thay đổi hoàn toàn! Nước da của anh đã xạm màu sốt rét, sau 2 năm lăn lộn trong chiến khu miền Đông “rừng thiêng nước độc”. Mái tóc “kiểu tóc Nguyễn Tuân” đã biến mất, nhường cho mái tóc “hớt cua”thật ngắn. Xuân Vũ đã biến thành một sĩ quan giải phóng về hình thức, với bộ quân phục màu xanh lá cây, đầu đội nón tai bèo, đeo súng nhỏ K.54 xề xệ bên hông phải, treo lủng lẳng trên giây ceinture màu vàng.
- «Bây giờ, anh đúng là một CHIẾN SĨ VĂN NGHỆ GIẢI PHÓNG trên chiến trường Nam bộ rồi đó!”
Tôi nói với giọng pha trò.
- “Cám ơn anh đã tặng cho “danh hiệu cao quí” đó. Nhưng không biết tôi có làm tròn nhiệm vụ “vinh quang nặng nề đó hay không?”
Xuân Vũ cười mỉm, nói với giọng đùa cợt
Sau khi ăn hủ tiếu xong, mưa rừng cũng đã tạnh hẳn, tôi kéo Xuân Vũ ra bờ sông vắng để tâm sự. Xuân Vũ cho biết: Chính anh tự nguyện xin đi B, và vận động sự ủng hộ của Đảng đoàn Văn nghệ mãi, mới được Ban Tổ chức Trung Ương chấp thuận Về tới Trung ương cục, anh được phân công về Tiểu ban Văn nghệ, trực thuộc Ban Tuyên Huấn do Trần Bạch Đằng phụ trách. Xuân Vũ cũng cho biết: Anh đã gặp được bà Nguyễn Thị Định, và bà ấy đã đề nghị anh nên về quê hương Bến Tre, lấy tài liệu sống để viết một tác phẩm lịch sử mang tên “Bến Tre, Ngọn Cờ Đầu Của Phong Trào Đồng Khởi”, do bà ấy lãnh đạo hồi 1959-1960. Vì vậy, tháng tới anh sẽ về Bến Tre với sự giới thiệu trực tiếp của bà Nguyễn Thị Định- Phó Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Quân Sự Miền.
- “Tôi tin rằng, thông qua chuyén đi về quê hương Đồng Khởi, cũng là quê hương của tôi lần này, sẽ có chất liệu đầy đủ cho tôi sáng tạo nên một tác phẩm có giá trị cao hơn cuốn Hòn Đất của Anh Đức!”
Xuân Vũ nói rất hứng khởi và tràn đầy sự tự tin!
- “Tôi cũng hy vọng anh sáng tạo được một tác phẩm bất hủ cho nền văn học giải phóng! Nhưng tôi e anh sẽ không hài lòng trước một thực tế không giống như những ai đã kể về Đồng Khởi đâu!”
Tôi nói một cách dè dặt.
Xuân Vũ tỏ vẻ ngạc nhiên, trầm ngâm... rồi hỏi:
- “Anh đã biết được sự thật thế nào về cuộc Đồng khởi Bến Tre? Nhưng dù sự thật có phũ phàng đến thế nào... tôi cũng phải về quê nhà một lần, để trang trải vấn đề tình cảm, và kiểm chứng thực tế luôn...»
Sau đó, Xuân Vũ hỏi tôi:
- «Hiện nay, anh công tác ở đâu? Tôi muốn liên lạc với anh thì làm thế nàỏ”.
- “Không dấu gì anh, tôi công tác ở ngành Tình Báo, nên không tiện cho địa chỉ cơ quan, vì sẽ vi phạm kỷ luật đã quy định! Nhưng khi nào anh muốn gặp tôi thì cứ viết thư hẹn, và đưa cho anh Ba Nhỏ, chủ quán hủ tiếu mà chúng ta vừa ăn đó. Anh chỉ nói: “Nhờ anh chuyển gấp cho anh Sáu Kiếng” là tôi nhận được ngay! Sáu Kiếng là tên của tôi hiện nay”.
Tôi không thể nói thật cho Xuân Vũ biết: “Ba Nhỏ là mật hộ viên của tôi”. Và càng phải giữ bí mật về thân phận của tôi hiện nay. Từ năm 1964, tôi không phải là tôi của những năm trong kháng chiến chống Pháp, hay là những năm đầu tập kết ra ở Hà Nội nữa! Trên lĩnh vực chính trị, hiện giờ tôi đã đứng trên chiến tuyến của Mặt Trận Quốc Gia đối đầu với Mặt Trận Cộng Sản (núp dưới danh nghĩa Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam). Vả lại, tôi đang “nằm vùng” trong hàng ngũ Quân Giải Phóng, khoát áo Cán bộ Giải phóng, mạo danh là đồng chí của Xuân Vũ, nên phải cảnh giác với mọi người chung quanh, kể cả người thân!
Tôi muốn lôi kéo Xuân Vũ về với chính nghĩa Quốc Gia Dân Tộc, để anh có điều kiện phát huy đến đỉnh cao về năng lực sáng tạo văn học của anh. Nhưng tôi phải kiên nhẫn chờ đợi cơ hội thuận lợi, để sau khi anh đã “va đầu vào thực tế phũ phàng” của cái gọi là “Đồng Khởi Bến Tre”, mà Hà Nội đã thần thánh hóa vai trò “vĩ đại của chị Ba Định”, trong việc chỉ huy “đoàn quân vũ trang bằng súng bặp dừa” đã đánh thắng cả “sư đoàn Mỹ- Ngụy” (!?) Tôi tin tưởng anh sẽ tỉnh ngộ nhanh, bởi vì Xuân Vũ vốn là môt nhà văn thức tỉnh... và đến lúc ấy, tôi chỉ “rót thêm một giọt nước vào ly nước đã đầy” là ly nước của anh sẽ tràn ra, không ai ngăn chặn được!
Cuối năm 1968.
Tôi đang ngồi tại văn phòng của A17 (mật danh của Sở Điệp Báo) tại đầu đường Mạc Đỉnh Chi (Sàigòn), thì nhận được một bản báo cáo của Ty An Ninh Bến Tre, cho biết: «Nhà văn Xuân Vũ đã ra trình diện với tư cách là người TÌM TỰ DO!” Tôi rất vui khi nhận được tin Xuân Vũ đã tự thức tỉnh, từ bỏ hàng ngũ cộng sản, trở về với Chính Nghĩa Quốc Gia, không vì sợ gian khổ, cũng không phải vì bã lợi danh, mà vì Lý Tưởng Tự Do, vì sự nghiệp sáng tác chân chính của anh!
Ngày hôm sau, tôi điện thoại xuống Ty An Ninh Bến Tre hỏi thăm tình trạng của Xuân Vũ, thì được biết Ban Q. (Ban Thẩm Vấn) của số 3 Bạch Đằng, đã bốc Xuân Vũ về Sàigòn ngay trước khi tôi gọi điện thoại. Vậy là tôi có thể đến gặp Xuân Vũ dưới hình thức “Thẩm vấn để khai thác tin tức”- Bởi vì theo nguyên tắc bảo toàn an ninh, ngăn chặn những phần tử “Chiêu Hồi Giả”, cho nên bất cứ ai ở trong hàng ngũ cộng sản trở về với quốc gia, đều phải qua giai đoạn Thẩm Vấn ở địa phương hoặc ở Trung ương (tùy theo chức vụ và vai trò của họ). Tôi muốn gặp Xuân Vũ cũng phải tôn trọng nguyên tắc đó! Cho nên, tôi phải gọi điện thoại cho Ban Q. xin đăng ký thẩm vấn “nhà văn Tìm Tự Do Xuân Vũ”, nhưng được trả lời rằng: «Dù là ưu tiên 1 (tức trong nội bộ Phủ Đặc ủy) nhưng cũng phải đợi đến khi Ban Q. và CIA Sàigòn thẩm vấn xong, thì mới xếp lịch thẩm vấn cho A17 ». Tôi đành phải chờ!
Một tháng sau. Vào những ngày cận Tết Kỷ Dậu (2-1969), tôi được Ban Q. sắp xếp cho gặp nhà văn Xuân Vũ. Tôi gặp Xuân Vũ, không bằng tư cách là Thẩm Vấn Viên, mà với tư cách là bạn hữu. Vậy là, trong vòng 20 năm (1950-1970) tôi chỉ gặp được Xuân Vũ có 5 lần - Một lần trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1950). Hai lần ở Hà Nội (1960, 1963). Một lần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1967). Và lần này tại Sàigòn, thủ đô của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, một vùng trời Tự Do (1969). Rõ ràng, tôi và nhà văn Xuân Vũ đã có “Duyên Kỳ Ngộ” của hai Học Sinh yêu nước “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu’, của hai Thanh Niên có mộng ước “cầm bút viết lên những nét điển hình của con người Việt Nam, của tâm hồn Việt Nam”; và của hai Chiến Sĩ Việt Nam, đã một thời chọn sai lý tưởng cách mạng, nhưng cũng đã thức tỉnh, chối bỏ chủ nghĩa cộng sản, trở về với chính nghĩa Quốc Gia Dân Tộc!
Đọc hết bài :
Lê Tùng Minh