Hồi Ức của Ô. Nguyễn Văn Ngân, Cựu Phụ Tá TT Nguyễn Văn Thiệu
Thởi Luận.– Ngày 6 tháng 11, 2023 ông Nguyễn Văn Ngân, cựu Phụ tá đặc biệt về chính trị Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã từ trần đột ngột ngày 1 tháng 11, 2023 do bệnh tim tại bệnh viện Lakewood, Nam California, hưởng thọ 88 tuổi.
Sự nghiệp của ông thời Đệ Nhị Cộng Hòa là phụ tá Tổng thống đặc trách các cơ quan dân cử như Thượng Hạ Viện, Tối Cao Pháp Viện và Giám sát viện. Công việc hầu hết diễn ra trong hậu trường nhưng rất quan trọng và được Tổng thống Thiệu trọng nể. Nhiều sự kiện thời đệ nhị Cộng hòa nếu ông không nói ra thì mai sau có thể sẽ không ai biết hoặc biết lõm bõm nếu không nói là có thể sai lầm.
Thế nhưng xuất thân của ông ra sao, ít người biết vì ông chỉ mang cấp Đại úy khi từ trường Quân Cảnh được chọn về làm chuyên viên của Ủy ban Lãnh đạo quốc gia. Lại có tin đổn ông là “cộng sản nằm vùng” tại Dinh Độc lập như Huỳnh Văn Trọng.
Thực sự thì ông đã sống tại Liên Khu IV trong thời kháng chiến chống Pháp 1945-1955 (gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và phân khu Bình Trị Thiên). Ông gia nhập bộ đội Việt Minh từ lúc còn rất trẻ, cùng đơn vị và một khóa sĩ quan Quân Chính với nhà văn Phùng Quán (Nhân Văn Giai phẩm), trong các năm 1949, 50, 51.
Nhưng năm 1952 Ông bị cộng sản cầm tù cùng một số trí thức Liên Khu IV dưới tội danh “gián điệp Pháp”. Đây là thời kỳ đảng Lao Động đã ra công khai và đang chuẩn bị công cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức sẽ được phát động cuối năm 1953. Ông được phóng thích do Hiệp định Genève cuối tháng 10, 1954.
Tại Mỹ, trước khi nghỉ làm việc vì tuổi đã cao, hai ông bà mở tiệm dry clean ở thành phố Norwark. Ông bà chia phiên trông tiệm nên chỉ có một người vừa làm chủ vừa làm thợ. Mỗi lần tôi đến thăm ông, khi bước vô cửa tiệm thì có tiếng chuông báo ông biết để ông từ phía sau tiệm bước ra gặp bạn hữu hoặc tiếp thân chủ, đa số là phụ nữ mang tới giao cho ông những túi đựng quần áo dơ. Khi đó ông phải soát xét tình trạng từng món đồ hầu kịp thời báo cho khách biết để tránh sự than phiền, khiếu nại hay bắt đền khi họ tới lấy đồ đã giặt xong. Tôi đã đứng xem ông Ngân làm công việc này và ngạc nhiên tự hỏi ông học nghề này từ bao giờ và sao ông không đeo khẩu trang, đeo găng tay khi tiếp xúc với những áo quần của khách mang tới giặt vốn đã nhét vô bao nhiều ngày nên đã bốc mùi khiến tôi chỉ đúng xa và xem thôi mà đã muốn nhăn mặt.
Nhìn cung cách ông làm việc cần cù như một người tỵ nạn bình thường, mấy ai biết con người đó đã một thời tạo ra những ông to bà lớn biểu tượng cho sân khấu chính trường của Miền Nam Việt Nam.
Gặp ông nhiều năm nay, tôi cũng ngạc nhiên là dù cho thời gian lặng lẽ trôi qua nhưng sức khỏe của ông vẫn phong độ, cử chỉ nhanh nhẹn hơn hẳn những người thuộc lớp tuổi của ông. Theo bà Ngân thì mới đây, ông đã một mình sơn lại cả trong và ngoài căn nhà ông bà và bốn người con trưởng thành đang ở.
Ngày 2 tháng 11, 2023 khi được tin ông mất, chúng tôi lên thăm thì bà Ngân vừa nhạt nhòa nước mắt vừa nói về ông với vẻ ngạc nhiên tại sao ông lại ra đi quá đột ngột chỉ sau một đêm vô bệnh viện như thế. Bà cũng nói hàng ngày ông tập thể dục rất đều đặn như bơi lội tại hồ bơi của khu chung cư và đi bộ. Bà đưa chúng tôi ra vườn sau, chỉ cho xem kia là cây hồng mềm mà ông vửa leo lên cưa cụt những cành cao sau khi đã hái hàng trăm trái, đây là ông trồng cây ăn trái, nhiều nhất là cây măng cầu. Bà chỉ một cây măng cầu mà ông vửa mới trồng được vài hôm và tính hôm nay mới bón phân vào gốc.
Chúng tôi không cầm được nước mắt khi bà vừa khóc vừa nói : “Mấy hôm trước ông nói vời tôi, sinh nhật này, anh sẽ đưa em ra tiệm ăn. Thế mà đến sinh nhật tôi, ngày 1 tháng 11 thì ông đã bỏ tôi mà đi rồi”.
Những khi nói chuyện với ông, tôi không khỏi kinh ngạc vì ông có một trí nhớ phải nói là phi thường… Cho nên những năm gần đây, mỗi năm tôi đều xin ông một cuộc phỏng vấn hoặc ông viết cho tờ Giai Phẩm Xuân Thời Luận ít chuyện về những năm tháng cũ mà ông là một kho sử liệu tiềm ẩn vô giá.
Dưới đây là những đoạn tóm lược từ nhiều bài viết về hồi ức chặng đời trước khi bước vô Dinh Độc lập của ông đã đăng trên Thời Luận:
Đỗ Tiến Đức
tóm lược
Đọc toàn bài:
Hồi Ức của Ô. Nguyễn Văn Ngân