Saturday, December 31, 2016

Happy New Year 2017


MERRY XMAS & HAPPY NEW YEAR
The Santa Band | Christmas Carols


 

Friday, December 23, 2016

Vexillology -
The Study of Flags

Zuckerberg ngầm thừa nhận Facebook đã khác xưa

Mark Zuckerberg vừa tiết lộ cách nhìn mới về vai trò của Facebook trong video trò chuyện với COO Sheryl Sandberg được phát sóng trực tiếp.

“Facebook là một loại nền tảng mới. Nó không phải công ty công nghệ truyền thống”, Zuckerberg lặp lại chính xác những từ khi thông báo cập nhật sản phẩm và quan hệ đối tác với các bên xác minh tin tức vào tuần trước. Tuy nhiên, anh tiến thêm một bước khi nói: “Nó không phải công ty truyền thông truyền thống. Bạn biết đấy, chúng ta phát triển công nghệ và cảm thấy có trách nhiệm về cách nó được sử dụng”.
 
Điều đó cho thấy bước chuyển đổi quan trọng trong cách nhìn nhận Facebook của Zuckerberg so với trước đây. Hồi tháng 8, trong chuyến đi Rome thăm Giáo hoàng, hãng thông tấn Reuters đưa tin Zuckerberg trả lời một người Ý khi hỏi Facebook có trở thành biên tập viên tin tức không: “Không, chúng tôi là công ty công nghệ, không phải công ty truyền thông”. Anh vạch rõ ranh giới giữa Facebook và nhà xuất bản khi giải thích: “Thế giới cần các hãng tin nhưng cũng cần hãng công nghệ như chúng tôi và chúng tôi xem xét vai trò của mình một cách nghiêm túc”.
 
Lý do sự phân biệt này quan trọng như vậy là vì các nền tảng công nghệ đơn thuần được miễn trừ trách nhiệm đối với nội dung lớn hơn cả về mặt pháp lý lẫn trong mắt công chúng. Theo Mục 230(c) Đạo luật Communications Decency năm 1996 của Mỹ, “Không nhà cung cấp hay người dùng của dịch vụ máy tính tương tác nào được đối xử như nhà xuất bản hay người phát ngôn của bất kỳ thông tin nào do nhà cung cấp nội dung thông tin khác cung cấp”. Các công ty truyền thông phải chịu trách nhiệm trực tiếp với nội dung của mình.
 
Nếu so sánh sản phẩm Facebook với một phòng tin tức, bạn có thể thấy người dùng giống như phóng viên viết nên các câu chuyện, trong khi thuật toán News Feed hoạt động như biên tập viên, quyết định chạy bài viết nào và cài đặt nổi bật ra sao. Trong khi đó, cấp quản lý Facebook soạn tiêu chuẩn cộng đồng, chính sách nội dung cũng giống như biên tập viên, phủ quyết hay cho phép các tin tức gây tranh cãi xuất hiện.
 
Facebook viết mã để thuật toán và chính sách hoạt động như một hãng công nghệ nhưng cũng đưa ra các quyết định biên tập về sự ưu tiên và cho phép như biên tập viên báo chí.
 
Du Lam
 

Tuesday, December 20, 2016

11 dự báo đáng ngại cho thế giới trong mười năm tới
 
Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ Strategic Forecasting (Stratfor) đã đưa ra các dự báo cho mười năm tới, và điều nhẹ nhàng nhất có thể nói là tương lai không phải màu hồng. (Điều đáng chú ý: Trung Quốc trì trệ, Việt Nam có hy vọng nằm trong số 16 nền kinh tế mới nổi, chiến tranh có thể xảy ra tại Biển Đông).
 
Biển Đông sẽ trở thành thùng thuốc súng
 
Cuộc chiến tranh giành các đảo ở Biển Đông sẽ trở nên tệ hại hơn trong những năm tới. Stratfor dự báo: « Ba quốc gia sẽ tranh chấp khu vực này: một nước Nga đang yếu đi nên bỗng chốc muốn duy trì các lợi ích, Trung Quốc và Nhật Bản ». Trong trường hợp tồi tệ nhất, sẽ diễn ra một cuộc xung đột vũ trang.
h1


Trung Quốc gặp khó khăn

Mười năm sắp tới, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại. Trong số các nguyên nhân, có sự ngờ vực ngày càng lớn đối với Đảng Cộng Sản. Vì Đảng mặc nhiên từ chối mọi giải pháp tự do, việc kiểm soát nền kinh tế sẽ phải thông qua đàn áp ngày càng tăng. Nếu các thành phố duyên hải có thể duy trì tăng trưởng cao nhờ thương mại, các tỉnh thành nằm sâu trong nội địa sẽ bị trì trệ, và làm chậm lại dần trên mức độ toàn quốc. Một Trung Quốc bị chia cắt làm nhiều mảng là điều có thể xảy ra.

h1
Một xưởng may tại Vĩnh Phúc. Nguồn: internet

Nổi lên 16 « Trung Quốc mini »

Tăng trưởng giảm sút cùng với tình trạng chia rẽ của Trung Quốc đã khiến nổi lên 16 nền kinh tế mới, với dân số tổng cộng 1,15 tỉ người. Đó là Mêhicô, Nicaragua, Cộng hòa Dominica, Pêru, Ethiopia, Ouganda, Kenya, Tanzania, Bangladesh, Miến Điện, Sri Lanka, Lào, Việt Nam, Cam Bốt, Philippines, Indonesia.

h1
Một khu trục hạm lớp Izumo của Nhật. Ảnh: internet.

Nhật Bản tăng cường sức mạnh hải quân ở châu Á
 
Nhà vô địch về quân sự ở châu Á chắc chắn là xứ sở mặt trời mọc. Buộc lòng phải tăng cường sức mạnh trên Ấn Độ Dương do đồng minh Mỹ yếu đi, Nhật Bản chỉ có thể trông cậy vào chính mình để bảo vệ các tuyến đường hàng hải.
h1
Một ngôi chợ truyền thống ở St Petersbourg. Ảnh: internet.
Nga sẽ suy sụp…
 
« Sẽ không có vụ nổi dậy nào chống lại Matxcơva, nhưng cung cách lỗi thời của chính phủ nhằm hỗ trợ và kiểm soát Liên bang Nga sẽ làm nước Nga dần dà suy sụp, và hậu quả là Liên bang sẽ bị chia nhỏ » – Stratfor cảnh báo. Nguyên nhân là do các biện pháp trừng phạt, giá dầu lao dốc, chi phí liên quan đến quân sự tăng lên, và các đấu đá nội bộ như chúng ta đang thấy hiện nay.
h1
Hỏa tiễn liên lục địa RS-24 của Nga. Ảnh: internet.
…khiến cho cả một kho vũ khí nguyên tử không ai quản lý
Và, điều đáng ngạc nhiên là Hoa Kỳ sẽ phải lo việc bảo vệ kho vũ khí này. Việc sụp đổ từ từ của Liên bang Nga mở ra cánh cửa cho bọn buôn lậu đối với một trong những kho dự trữ hạt nhân quan trọng nhất thế giới. Stratfor dự báo: « Đây sẽ là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất thập kỷ ». Hoa Kỳ cũng sẽ tăng cường năng lực răn đe để đề phòng trường hợp bị tấn công.
h1
Nhà máy sản xuất xe Mercedes tại Rastatt, Đức. Ảnh: internet.

Đức vấp phải nhiều trở ngại

Nền kinh tế Đức chủ yếu dựa vào xuất khẩu sang các quốc gia thành viên khác của Liên hiệp Châu Âu (EU). Rất không may là tâm trạng nghi ngờ Châu Âu tăng lên khiến vị trí vững vàng này bị kìm hãm lại. Stratfor nhấn mạnh: « Đức sẽ phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trong khoảng mười hai năm tới ».
h1
Tòa Bảo hiến ở Vacxava, Ba Lan. Ảnh: internet.

Ba Lan tăng cường trọng lượng trong Liên hiệp Châu Âu

Stratfor khẳng định: « Ba Lan sẽ là trung tâm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, và ảnh hưởng của nước này sẽ lớn thêm ». Ba Lan không bị giảm dân số như các nước thành viên EU khác, và sẽ hưởng lợi qua quan hệ đối tác chiến lược với EU, chiếm vị trí đáng kể trên bàn thương lượng.
h1
Một phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu tại Strasbourg. Ảnh:
 
Sẽ có « bốn Châu Âu »

Nếu trong một thời gian dài, sự đoàn kết của Châu Âu dường như khó thể tranh cãi, thì trong mười năm tới mọi sự sẽ khác. Đó là do chủ nghĩa dân tộc và các xu hướng nghi ngại Châu Âu. Theo Stratfor, trong tương lai Châu Âu sẽ chia làm bốn khối: Tây Âu, Đông Âu, Bắc Âu và Liên hiệp Anh. Các dự báo này được đưa ra trước Brexit – khi dân Anh bỏ phiếu tách khỏi EU.
h1
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong lễ khánh thành đường hầm Âu-Á ngày 20/12/2016. Ảnh: internet
 
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng minh bất ngờ của Hoa Kỳ
 
Thế giới Ả Rập sẽ không yên ổn trong mười năm tới, nhưng đối với Thổ Nhĩ Kỳ thì sáng sủa hơn. Nếu cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ rất ít, thậm chí không can dự vào các cuộc xung đột bên ngoài biên giới của mình, Ankara sắp tới không còn giữ được vai trò thụ động. Là quốc gia duy nhất còn giữ được ổn định trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ, chủ yếu nhằm chống lại Nga. Gần như đây là một sự quay lại với chính sách « containment » (chính sách ngăn chận của Hoa Kỳ và đồng minh nhằm ngăn ngừa sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản – ND).
h1
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Abraham Lincohn. Ảnh: internet

Siêu cường Mỹ xuống dốc

Trước một thế giới bất định và xáo trộn hơn bao giờ hết, Hoa Kỳ sẽ tập trung vào chuyện nội bộ, lơi lỏng các vấn đề quốc tế. Ít can thiệp ra nước ngoài hơn, để ổn định hơn trong nước…và có thể dẫn đến nguy cơ tự thu mình lại tương đối, làm tăng thêm bất ổn trên tầm thế giới. Một kịch bản có vẻ đã được khẳng định với việc thắng cử của Donald Trump, người chủ trương cô lập.

 (Tựa gốc: « 11 dự báo đáng ngại cho thế giới trong mười năm tới ». Thụy My chỉ thay đổi trật tự trong bài cho dễ theo dõi. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết tiếng Pháp ở đây, và bài gốc bằng tiếng Anh ở đây).

Thụy My
@anhbasam

Sunday, December 11, 2016

Kẻ Vô Ơn

Kẻ Vô Ơn
 
1.
Nghe tôi nói đến “Hiếu Nhà Băng”, ông Thạc lộ vẻ ngạc nhiên:
- “Hiếu nhà băng” ở Zurich? Ông cũng quen hắn à?
- Quen. Nhưng chưa lâu lắm. Ông biết ông ấy?
- Biết chứ. Từ hồi kháng chiến chống Pháp kìa. Lúc ấy hắn có cái biệt danh khác – “Hiếu tồ”.
- Trái đất tròn thật. Tôi gặp ông Hiếu trong chuyến du lịch trên sông Nil, lâu rồi, dễ cũng đến ba hoặc bốn năm. Quen nhau kiểu ấy thì chỉ loáng thoáng thế thôi, mãi đến năm ngoái gặp lại nhau ở Genève hai đứa mới có dịp tâm sự. Ông này tính tình cởi mở, dễ chịu lắm, tuy có hơi tồ tồ một chút thật, ông gọi là Hiếu tồ cũng không ngoa. Nghe ông nói mới biết, chứ tôi cứ tưởng ông ta là dân Bắc kỳ di cư rồi vọt qua đây sau tháng tư 75. Cái vụ thuyền nhân bi thảm là thế, thế giới chửi cho mất mả, vậy mà cũng có cái mặt hay của nó – người mình giờ ở đâu cũng có, dễ chỉ thua dân Trung Quốc. Người ta bảo ở đâu có gián ở đấy có người Trung Quốc.
- “Hiếu tồ” đi sang bên này khoảng 78 hay 79 chi đó.
- Thuyền nhân?
Ông gật đầu.
- Tức là có đi kháng chiến một đoạn, rồi dinh tê?
- Đại khái thế. Nghe nói bây giờ hắn giàu. Không phải giàu thường thường, mà giàu lắm.
Ông Thạc liếm đôi môi khô. Trong giọng nói của ông có một chút khó chịu, hoặc một chút ghen tị, hoặc cả hai.
- Trông ông ấy bề ngoài thì cũng bình bình, vầy vậy, không có dáng giàu có – tôi thấy cần nói nhận xét của mình, tôi không thích cái sự khó chịu vì người khác giàu ở ông Thạc – Ăn vận xuyền xoàng, xe không sang – một cái BMW không còn mới. Đại khái thì cũng như mọi người khác, người bình thường, không vênh, cũng không hãnh. Nghe ông ấy kể thì đúng là trước khi về hưu ông ấy có làm việc ở một ngân hàng lớn. Phó giám đốc hay là chuyên viên gì đấy.
- Giám đốc đấy, ông ạ. Làm đến chức ấy thằng chó nào mà không giàu cơ chứ?
Ông Thạc đổi giọng ngậm ngùi:
- Ngẫm ra cái số con người ta thật lạ, lên voi xuống chó khôn lường, có giời biết trước. Tôi biết Hiếu lắm. Trước đây, hắn công tác cùng chỗ với tôi.
Đến lượt tôi ngạc nhiên:
- Tức là ông Hiếu còn ở bộ đội nữa?
- Chứ sao. Cấp dưới của tôi. Nhưng hồi ông đến công tác ở chỗ tôi thì hắn không còn đấy nữa. Đào ngũ rồi.
- Năm nào?
- Đầu năm 54.
- Chiến thắng đến nơi mà còn chuồn, rõ hoài, có phải không ông? Ông Hiếu có không muốn nhắc đến giai đoạn ấy cũng là phải thôi, chẳng vinh quang gì.
Tôi với ông Thạc quen nhau hồi ông còn làm trưởng phòng chính trị quân khu 3, tôi từ Việt Bắc về làm công tác tổng kết quân sự. Rồi tiếp quản thủ đô, mấy đợt rèn cán chỉnh quân, chúng tôi gặp nhau luôn. Ông về hưu với quân hàm đại tá. Người khác ở tuổi ông, có thâm niên quân đội như ông, thì đã lên tướng từ lâu.
Chuyện dân “tạch tạch xè”, đi kháng chiến bị phân biệt đối xử là chuyện thường tình, chẳng làm ai ngạc nhiên. Quen nhau lâu thế nhưng tình bạn giữa chúng tôi không thể gọi là thân thiết, có lẽ tại tính tình không hợp, hoặc tại cái gì đó không giải thích được, nhưng biết nhau hơn nửa thế kỷ mà vẫn giữ được quan hệ quen biết nhau thì cũng coi như có sự gần gụi.
Ông sang Đức ở với con gái, không hiểu nhờ ai mà biết địa chỉ của tôi, ông có biên thư hỏi thăm, thành thử có việc qua vùng ông ở, tôi rẽ vào thăm. Ông mừng lắm, ôm chặt, vỗ lưng tôi đồm độp, mắt nhòa đi. Ông đang trong cơn cô đơn, tôi đoán. Tâm trạng này,với từng cơn ác tính, có ở bất cứ người lớn tuổi nào trong cuộc sống xa quê. Hỏi thì ông bảo cuộc sống của ông tạm ổn, không có gì đáng phàn nàn.
Anh con rể người Đức là chuyên viên của hảng Siemens nổi tiếng, lương cao; cô vợ trông nom một cửa hàng hoa tươi, nhiều khách quen, có bề phát đạt. Ngoài ngôi nhà ở khang trang ở trung tâm Stuttgart, hai vợ chồng còn tậu được một nhà vườn. Ở nước Đức như thế là thuộc loại trung bình khá.
Khi mới sang, ông bố vợ ở chung với các con, ít lâu sau ông dọn ra ở nhà vườn. Ông bảo ở đây cũng đủ mọi tiện nghi, lại được ở một mình, dễ chịu hơn, chưa kể sáng sáng còn có việc làm – với cái cuốc, cái kéo tỉa cây, bình tưới, ông chăm sóc mấy giàn hoa leo, mấy luống rau thơm, ăn không ngồi rồi buồn chết đươc. Thỉnh thoảng, cuối tuần, hai vợ chồng dẫn mấy đứa cháu ngoại ra thăm ông.
Ông không biết một tiếng Đức nào, với ai ông cũng chỉ gật đầu mỉm cười thay lời chào. Anh con rể gật đầu chào lại, nhưng không cười. Hai đứa cháu trai nghịch như quỷ sứ, vừa ra đến nhà vườn là chúi ngay vào các trò chơi của chúng, la hét om sòm.
- Cái giống Đức tính lạnh, ông ạ, không như người mình – ông nhận xét. Giao thiệp với dân Đức không dễ, chẳng biết trong bụng chúng nó nghĩ gì. Thằng rể tôi đươc cái lễ độ, biết kính trọng bố vợ.
Ông tiếp tôi ở nhà vườn, xăng xái đi nấu cơm thết bạn. Tôi thấy ông đi đứng còn nhanh nhẹn, lưng không gù, giọng sang sảng, duy có nước da mai mái, dấu ấn của bệnh sốt rét kinh niên, làm ông hơi xấu mã. Hàm dưới đưa ra, má hóp lại. Ở tuổi bảy mươi sáu mà được như thế là tốt rồi. Trong phong thái, ông vẫn còn giữ được chút gì đó của một thời chinh chiến, khi ông còn là một cán bộ quân sự quen ra lệnh. Bây giờ không ra lệnh được cho ai thì ông ra lệnh con béc-giê giống Đức lúc nào cũng quanh quẩn bên chủ. Nó to như con bê, mà hiền khô. Dưới sự chỉ huy của ông nó biết ăn cơm nguội rưới tí nước thịt, y như một con vàng hoặc con vện Việt Nam.
Tôi muốn hỏi ông sang Đức sống lẻ loi thế này làm gì cho khổ, trong khi ở Việt Nam ông có bạn bè, có họ hàng. Tuổi già sống cô độc ở xứ người có vui gì. Lương hưu cấp tá giờ rất khá, hơn trước nhiều lắm, thừa đủ cho một cuộc sống không còn nhiều đòi hỏi. Ông cũng cho biết nhà nước bây giờ chiều cán bộ hưu lắm, nhất là đám có thâm niên cách mạng cao, không muốn họ gây chuyện nay kiến nghị mai phản đối, hoặc a dua với bọn hới mưng đòi dân chủ.
- Sang đây ông có gặp lại ông Hiếu không?
- Có. Mà không.
- Là thế nào?
- Tôi có trông thấy hắn ta, nhưng không gọi.
- Sao vậy? – tôi trợn mắt – Ông giận ông ấy? Giận cái chuyện đào ngũ ấy à? Vớ vẩn. Chuyện từ đời tám hoánh mà đến giờ còn để bụng thì ông quẫn rồi đấy. Bọn mình, thằng chó nào cũng vậy, gần đất xa trời cả rồi, mọi chuyện xửa xưa ông nghe tôi, cứ quăng tuốt đi, cho nó nhẹ. Ông âm lịch quá.
Ông Thạc nhún vai, môi dưới trề ra. Im lặng một lúc, ông thủng thẳng:
- Không phải tôi giận hắn cái chuyện ấy đâu, chuyện ấy tôi không tính, bộ đội hồi ấy đào ngũ nhiều, chẳng phải mình hắn … Hồi Cải cách ruộng đất bọn con cái địa chủ, phú nông, không trước thì sau, theo nhau chuồn bằng sạch. Không như chúng ta, đã đi với cách mạng là ta đi đến cùng. Chúng nó không thể kiên trì lập trường cách mạng là do bản chất giai cấp của chúng nó khác ta …
Tôi che miệng ngáp. Giời ạ, lại cái bài ca lập trường giai cấp cũ rích tưởng chừng không còn có thể nghe thấy ở bất cứ đâu, đùng một cái lại gặp nó giữa lòng nước Đức. Chán ơi là chán. Thậm chí tôi còn không còn thấy ngạc nhiên nữa.
Từ lâu rồi, chính cái ông bạn tôi này từng than thở với tôi rằng chúng tôi, có nghĩa là ông, và cả thế hệ ông nữa, bây giờ là cái vỏ chanh vắt kiệt bị quẳng vào thùng rác lịch sử, rằng cuộc cách mạng đầy lãng mạn là lẽ sống một thời trai trẻ của lớp người như ông đã biến mất, thay vào đó là một xã hội của những kẻ đi sau về trước, trong cái xã hội đó những người như ông chẳng là cái gì hết. Biết thì ông biết đấy, không phải ông ngu, ông không biết, nhưng trong tâm tư ông, trong cái vô thức vô duyên của ông, lại có cái gì đó chống lại cái biết của ông, khốn nạn vậy.
Những người như ông không ít. Trong họ cái quá khứ hào hùng nặng như cối đá, bất chấp sự biết ấy, sự ngộ nhận ấy, vẫn cứ tiếp tục tồn tại, nó sống không cần anh có biết đến nó hay không, nó hiện hữu thường trực như một bản năng được cấy ghép, âm thầm hiện hữu, thậm chí ta không nhận thấy nó, nhưng thỉnh thoảng nó lại trỗi dậy, thỉnh thoảng lại hung hăng lên tiếng. Trong cái xã hội do chính họ tạo ra, nhưng lại hình thành ngoài ý muốn của họ, theo một cách khác hẳn, họ chẳng còn gì để tự hào, họ thấy mình là đồ bỏ trong lòng xã hội ấy, thế là họ đành nhẫn nhục sống với những kỷ niệm, với những giáo điều đã chết và những hào quang không còn lấp lánh.
- Vậy thì vì cớ gì ông giận?
- Hắn là thằng vô ơn, ông ạ – ông thở dài. Tôi giận là giận cái sự vô ơn ấy. Hắn chịu ơn tôi, nhưng khi gặp tôi, hắn lờ. Tôi chỉ cần được nhìn thấy hắn mừng rỡ khi gặp lại tôi thôi, thế là đủ, thế là được, khốn nạn, nào tôi có mong gì hơn, nhưng không, khi gặp tôi, hắn lờ tịt.
 
2.
Ông Hiếu cười buồn khi nghe tôi kể chuyện tôi gặp ông Thạc.
- Tôi nhớ ông ấy chứ, quên sao được. Trí nhớ tôi không đến nỗi tồi. Tôi có nhìn thấy ông ấy thật. Và tôi đã không gọi, đúng thế. Chuyện ông ấy kể cho ông nghe không sai, ông ấy không bịa, đúng là ông ấy có làm ơn cho tôi thật. Nhưng là một thứ ơn mà người mang ơn không muốn nhớ đến …
Chúng tôi ở trong một biệt thự nhỏ và xinh xắn bên bờ hồ Bodensee, còn có tên là hồ Konstanz, chung biên giới với ba nước Đức, Áo, Thụy Sĩ. Hồ này rộng mênh mông, nó đứng thứ hai tính về diện tích các hồ thuộc vùng núi Alpes. Giá đất ở những nơi có địa thế đẹp ở ven hồ Konstanz đắt khủng khiếp, có thể so với giá đất ở Hà Nội. Ở những địa điểm có thể xây khách sạn, nhà nghỉ phải có nhiều tiền lắm lắm mới xây được một biệt thự riêng.
Tôi hiểu như thế nên rất ngạc nhiên thấy bên trong ngôi biệt thự chắc chắn là đắt tiền của ông Hiếu chẳng có gì sang trọng. Giữa phòng khách chình ình một cái chõng tre y như trong một quán nước ở đồng bằng sông Hồng; trên đó lỏng chỏng một cái ấm giỏ và mấy cái bát sành. Ghế ngồi là những thân gỗ mộc xù xì, nhưng có đệm dành cho khách không quen ngồi ghế gỗ. Tôi đã gặp cách bài trí theo lối cổ ở nhiều nhà người Việt ly hương, với những hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, những sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, cái nào cái nấy thuần bằng gỗ quý đặt trong nước làm … Cũng là nỗi nhớ quê hương, nhưng khác với nỗi nhớ của ông Hiếu, nó là nỗi nhớ trưởng giả hoặc mang hơi trưởng giả.
- Tại sao?
Ông Hiếu bắt đầu câu chuyện gợi trí tò mò của tôi vào một đêm khuya, cả hai đều khó ngủ. Chúng tôi ngồi bên nhau, an nhàn tựa lưng trên ghế dài đặt sát mép nước hồ. Ban đêm mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương vô cùng lớn màu đen, với những đốm lửa nhấp nháy ở chân trời, rất xa, nơi có quần thể đông đúc khách sạn và nhà hàng.
- Ông Thạc chưa kể cho ông nghe?
- Chưa. Ông kể đi.
Ông Hiếu im lặng một lúc lâu. Hình như ông do dự, ông không muốn kể, có thể là ông không muốn gợi lại một quá khứ muốn quên. Ông chỉ kể khi tôi phải thúc giục vài lần nữa. Sau đây là câu chuyện tôi được nghe trong đêm ấy.
“Ông Thạc lúc bấy giờ đã là bí thư chi bộ, tôi là quần chúng. Chúng tôi đều là học sinh xuất thân, lý lịch của chúng tôi đơn giản, chúng tôi vào bộ đội như là lẽ đương nhiên – thanh niên thời chiến thì phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Tôi với ông Thạc vừa là bạn, vừa có quan hệ cấp trên cấp dưới. Cái sự tôi ở trong diện cảm tình đảng, đang thời kỳ thẩm tra lý lịch để kết nạp cũng là do ông Thạc quan tâm nâng đỡ. Chứ tôi, nói thật với ông, chẳng thuộc diện được đảng chú ý, tôi thì cũng chẳng mặn mà gì cái sự vào đảng.
- Vào thời ấy mà không biết quý cái sự vào đảng thì, nói thế nào cho đúng nhỉ, – tôi nói – hoặc ông rất cấp tiến, hoặc ông hâm.
- Tôi không cấp tiến, cũng chẳng hâm – tôi lười, ông ạ – ông Hiếu cười khe khẽ. Người ta phấn đấu để được vào đảng, để được đề bạt, để được oai với người khác, tôi thì không. Còn chiến tranh thì mình làm lính, hết chiến tranh thì thôi, chẳng lẽ ở bộ đội cho đến hết đời à? Trong đảng họ nghĩ gì về tôi, tôi không biết. Mà họ nghĩ gì mới được chứ? Họ coi tôi bình thường, như mọi người lính không có gì đặc biệt. Tôi ở đơn vị chiến đấu suốt từ những ngày đầu kháng chiến cho tới khi quân khu lấy về làm ở phòng chính trị, dưới quyền ông Thạc. Tôi không thích làm lính ống quyển , nhưng quân lệnh như sơn, cứ là phải chấp hành.
- Ông có phạm kỷ luật gì trong thời gian ấy không?
- Không.
- Ông Thạc nói ông mang ơn ông ấy là ơn thế nào? – tôi rụt rè hỏi.
Ông Hiếu im lặng.
- Tôi đoán … ông phạm kỷ luật gì đó và ông ấy đã gỡ tội cho ông?
- Cái ơn còn lớn hơn. Tôi sẽ kể ông nghe.
Ông không kể ngay. Ông nhìn ra hồ. Khi có gió, mặt nước cũng lăn tăn một chút làm xao động những đốm lửa xa.
Tôi im lặng chờ. Cuối cùng rồi ông Hiếu cũng bắt đầu câu chuyện gợi trí tò mò của tôi:
 
3.
“Một hôm, ông Thạc gọi tôi ra chỗ vắng. Ông thì thào:
- Lâu nay cậu có tin tức gia đình không?
- Không. Cũng đến cả năm rồi không thấy thư từ gì hết. Chắc cũng chẳng có chuyện gì đâu, vùng tôi ít bị máy bay bắn phá – tôi nói. Ông cụ tớ cũng bận. Làm chủ tịch xã, lại còn kiêm nhiều việc trên huyện nữa. Tớ tính sau đợt chỉnh quân tới sẽ xin đi phép về thăm các cụ.
Ông Thạc có vẻ lúng túng. Có vẻ ông ấy phải chọn lời:
- Tớ nói chuyện này, nhưng cậu phải tuyệt đối bí mật nhá.
- Cậu biết tính tớ rồi, tớ không phải đứa bép xép.
Ông chớp chớp mắt rồi ghé sát vào tai tôi, giọng trầm trọng:
- Ông cụ bà cụ cậu bị lên địa chủ phản động rồi …
Tôi chết điếng.
Tôi không tin ở tai mình. Lúc bấy giờ ở vùng chúng tôi đóng quân đã qua bước giảm tô giảm tức, đang đi vào cải cách ruộng đất, nhưng đơn vị chúng tôi chỉ học tập chủ trương chính sách để ủng hộ chứ không trực tiếp tham gia công tác cùng các đội các đoàn. Trong học tập tôi được biết cải cách ruộng đất do đảng lãnh đạo là một cuộc cách mạng long trời lở đất, là sự đổi đời ở nông thôn, giai cấp nông dân vùng lên đánh đổ bọn cường hào gian ác. Thế nhưng, tôi cũng như nhiều đồng đội của tôi, cứ nghĩ rằng ở đây, hoặc ở đẩu ở đâu kia, mới có những tên địa chủ tàn bạo, ác độc, chứ những quân quỷ sứ ấy không thể có ở quê mình, đừng nói gì ngay trong nhà mình.
- Nghe đâu lại còn Việt Quốc hay Việt Cách gì đó nữa …
Tôi không còn nghe thấy gì nữa. Tôi gục xuống.
- Chắc cậu cũng chẳng biết hết những việc làm của ông cụ đâu … – tiếng ông Thạc văng vẳng bên tai tôi – nhưng chẳng có gì giấu được quần chúng được phát động …
- Làm gì có chuyện ấy được – tôi đứng phắt dậy, tôi kêu lên, rền rĩ. Ông cụ bà cụ tớ hiền như đất ấy mà, nào có biết đảng phái là cái gì.
- Địa phương gửi công văn đến, hỏi về cậu đấy.
- Hỏi về tớ?
- Phải. Tớ đã viết công văn trả lời sau khi hội ý toàn chi bộ, bảo đảm cậu là cán bộ tốt.
- Chuyến ấy xảy ra khi nào?
Ông Thạc thở dài:
- Ba tuần rồi.
Tôi nhớ lại: có một cái gì đó không bình thường trong ánh mắt của các đảng viên khi gặp tôi. Dường như họ tránh nhìn tôi. Trong sinh hoạt cơ quan, mọi chuyện chỉ có đảng viên được biết, quần chúng chỉ có thể đoán rằng có chuyện gì đó, xấu hoặc tốt, căn cứ thái độ của họ.
- Sao cậu không cho tôi biết?
- Nói sao được?! Nguyên tắc.
- Bây giờ cậu bảo tớ phải làm gì?
Ông Thạc suy nghĩ lung.
- Bây giờ cậu về nhà đi – ông nói. Đừng nói với ai cậu đi đâu, chuyện đó mặc tớ lo. Đây là công lệnh, bản sao công văn đơn vị gửi chi bộ địa phương, cứ cầm theo, phòng xa, có khi hữu dụng. Về đến nhà rồi, gặp được ông cụ bà cụ rồi thì trở lại ngay đơn vị. Đấy là tất cả những gì tớ có thể làm cho cậu.
Tôi nói:
- Ông Thạc đối với ông thật là tốt.
- Tôi không nói ông ấy xấu. – ông Hiếu đáp – Ông nghe nốt câu chuyện đã.
Tôi lập tức lên đường. Đi suốt đêm. Suốt ngày hôm sau. Vừa đặt chân vào nhà, tôi bị bắt ngay. Đám du kích ập đến, trói gô tôi lại. Chúng quát tháo, chúng chửi mắng, không cho tôi kịp mở miệng. Mà chúng nó là ai chứ? Toàn người quen kẻ thuộc cả, ông ạ, không hàng xóm láng giềng thì cũng người cùng thôn, cùng xã. Nghe chúng nói với nhau tôi mới biết mẹ tôi không chịu được hành hạ đã thắt cổ tự vẫn tuần trước, còn cha tôi sẽ bị bắn vào sáng hôm sau. Tôi lặng đi. Tôi không khóc được. Nước mắt chưa chảy đã cạn. Mẹ tôi là một nửa cuộc sống của tôi. Ngay cả khi sống xa nhà tôi vẫn cảm thấy mẹ ở bên tôi. Cha tôi khác, tôi yêu cha, kính trọng cha, nhưng không gần gụi cha như gần gụi mẹ.
Tôi không tưởng tượng được cái tai họa giáng xuống gia đình tôi lại lớn đến như thế, lại kinh khủng đến như thế. Đau đớn nhất là cái sự tôi là bộ đội chẳng giúp được gì cho các cụ. Không mảy may. Ngày nay ai cũng biết rõ rằng những khẩu hiệu “Người cày có ruộng,” “Đánh đổ bọn cường hào ác bá, nông dân giành lấy chính quyền,” “Nông dân là quân chủ lực của cách mạng” … chỉ là những lời lừa mị. Nhưng lúc ấy khác, lúc ấy chúng có một tác dụng ghê gớm.
Nông dân ào ào đi theo đội cải cách, hô những khẩu hiệu đùng đoàng ấy đến khản tiếng, đến rạc người. Có thể họ chân thành tin ở cuộc đổi đời mà đảng hứa hẹn, rồi đây họ sẽ trở thành những ông chủ bà chủ ở trong làng, họ sẽ có những gì mà những người sang trọng có, có thể là như thế. Điều tôi biết chắc là những con người khốn khổ hi vọng ở số quả thực sẽ được chia ngay lập tức sau khi bọn nhà giàu trở thành kẻ có tội với cách mạng – một thúng thóc, cái mâm đồng, cái phản gỗ, có khi là cả cái sập gụ cũng nên …
Sáng hôm sau, tôi bị điệu ra trường đấu. Dân chúng cả mấy xã tề tựu ở sân trường học của xã. Tôi đã nghe tiếng loa thúc giục mọi người đi dự cuộc đấu “tên phản động đầu sỏ, tên cường hào gian ác, tên địa chủ có nợ máu với nhân dân” từ khi còn tối đất. Trường học này đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi và của những người bạn học mặt sát khí đằng đằng lăm lăm súng trường mã tấu đứng ở vòng ngoài.
Tôi nhìn thấy cha tôi, bị trói giật cánh khuỷu, bị lôi đi xềnh xệch, bước chân lảo đảo, giữa một đám đông xỉa xói, gào thét, những bộ mặt biến dạng với những đôi mắt đỏ ngầu, những cái miệng há to, nhớt dãi chảy xuống ngực áo, giữa rừng cánh tay vung lên hạ xuống theo những khẩu hiệu đòi trả nợ máu …
- Kinh khủng! Hồi ấy tôi đang theo học ở Liên Xô nên không được chứng kiến những gì xảy ra, chỉ được nghe kể lại, sau này …
- May cho ông, ông là người gốc thành phố, chứ dân nông thôn chúng tôi hồi ấy, chỉ cần hơi có máu mặt một tí là toi. Chẳng riêng gia đình tôi, người cùng cảnh ngộ với chúng tôi nhiều vô số kể … Tôi nói hơi có máu mặt, tức là những người có của ăn của để, chứ không nói những người có dư chút ít ruộng đất. Ở nông thôn miền Bắc nước ta, ông biết đấy, đâu có nhiều địa chủ lớn. Gọi là địa chủ, chứ đó chỉ là nông dân khá giả, do chăm chỉ làm ăn hoặc khéo sắp xếp thu vén mà hơn người. Hơn cũng chẳng nhiều, bất quá vài ba mẫu là cùng, mà lại là mẫu ta.
Ông Hiếu thở dài.
- Có cần kể cho ông nghe chi tiết cuộc đấu không?
Ông Hiếu đặt câu hỏi, rồi im lặng hồi lâu, như thể ông đang nhớ lại cảnh tượng hãi hùng mà ông không phải chỉ là người chứng kiến. Ông là người trong cuộc, người chịu đựng.
- Đại khái là có một cuộc đấu kéo dài, một cuộc xử án chớp nhoáng. Tất cả diễn ra trong những tiếng hô khẩu hiệu không ngớt. Rồi cha tôi bị điệu ra trước bức tường xa nhất của trường học, nơi vẫn còn cái khẩu hiệu do chính tay tôi viết năm 1945: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Minh vạn tuế!” Cha tôi bị bắn ở đó. Trước khi bị bắn, cụ chằm chằm nhìn tôi, nước mắt đầm đìa. Có vẻ cha tôi muốn nói điều gì đó với tôi nhưng không thể nói được – trong miệng cụ là một búi giẻ bẩn thỉu, từ đó nhểu xuống đất những giọt dãi …
- Cụ “đi” có nhanh không?
- Không – ông lắc đầu – Lúc đấu thì hùng hổ lắm, nhưng đến lúc phải cầm súng bắn người thì hình như không ai muốn, hoặc người nào cũng không muốn mình là người bắn viên đạn giết chết một mạng người, thành thử những người du kích được phân công hành quyết đều bắn trượt trong loạt đạn đầu tiên. Những “ông đội” “bà đội” phải hò hét, quát tháo liên hồi, giật lấy súng chỉ cách cho họ bắn họ mới bắn được. Có vài viên trúng, máu loang trên ngực cha tôi, nhưng cụ vẫn chưa nhận được viên đạn kết liễu. Một “ông đội” mắt long sòng sọc chạy xổ đến bên cọc, rút súng lục, bắn thêm một phát vào thái dương cụ mới “đi”. Tôi nhắm mắt lại, không muốn hình dung cảnh tượng gớm ghiếc đó.
 
4.
Chúng tôi ngồi bên nhau, im lặng rất lâu.
- Về sau này, khi nhớ lại những phút hãi hùng đó tôi mới hiểu ra vì sao trước khi đưa những người gọi là địa chủ phản động ra đấu chính thức, người ta bắt nông dân phải đấu lưng trước đã …
- Đấu lưng?
- Vâng, đấu lưng. Tức là người bị đấu phải quỳ, nhưng không được quay mặt lại đám đông đấu mình, còn những khổ chủ, những người được “đội” bồi dưỡng để đấu thì xỉa xói vào lưng người bị đấu mà kể khổ, kể tội … Chẳng qua nếu những người nông dân hiền lành thật thà mà nhìn vào mặt người hôm qua còn là họ hàng, làng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau thì họ không nỡ lòng nào bịa đặt ra những tội lỗi không có, không thốt nổi thành lời những điều vu oan giá họa bất nhân, bạc ác như đội dạy được. Con người không phải dễ dàng trở thành quỷ. Phải dạy dỗ, phải huấn luyện, ông ạ. Và không phải bao giờ người ta cũng thành công. Có nhiều người thà chết chứ không chịu trở thành quỷ.
- Tôi tin có những người như thế.
- Điều đáng buồn là một khi đã thành quỷ rồi thì khó trở lại làm người lắm. Tôi có chú em họ, hồi cải cách ruộng đất còn nhỏ đã đi theo đội học đòi đấu tố, lớn lên thì vào đảng, rồi làm quan, ăn bẩn, cho đến khi về hưu không bị sứt mẻ gì, gọi là hạ cánh an toàn. Giàu có lắm, nhưng bị người trong họ ngoài làng xa lánh. Cũng có người cực chẳng đã phải nhờ vả chú ấy việc này việc khác, nhưng trong thâm tâm họ đều khinh bỉ. Chú ấy phân trần với tôi: “Thời thế nó thế thì phải thế, ai cũng phải làm phải ăn, em cũng không thể khác, người ta không hiểu em, chứ em có lòng dạ nào làm hại bà con.” “Nhưng họ khinh chú là phải chứ?” tôi hỏi. “Thì họ có cách nào khác, yêu em à?”, chú ấy bùi ngùi.
- Sau vụ ấy ông trốn vào thành?
Ông Hiếu tránh nhìn tôi.
- Vâng – ông nói khẽ. Tôi còn biết đi đâu?
- Tôi hiểu. Lúc ấy trong lòng tôi đầy mâu thuẫn thì dúng hơn. Tôi không muốn rời bỏ hàng ngũ kháng chiến. Nhưng tôi cũng không thể ở lại. Quên, chưa nói để ông biết, ông Thạc nhìn xa đã cấp cho tôi đủ giấy tờ cần thiết để tôi không bị lôi vào cuộc đấu tố cùng với gia đình. Đội cải cách đã tha cho tôi trở lại đơn vị.
- Nhiều người ở trong hoàn cảnh ông đã không “dinh tê.”
- Vâng, có người rồi còn trở thành cán bộ cấp cao nữa, tôi biết. Họ phải trả giá đắt cho sự thăng tiến ấy, bằng sự dối trá thường xuyên, bằng sự hàng phục tuyệt đối. Tôi không có đủ dũng khí, và lòng kiên trì nữa, để làm được như họ. Khi đã ở trong thành rồi, có nhiều lúc tôi lại muốn trở ra vùng kháng chiến. Có một sự giằng xé như thế đấy.
Sương xuống làm tôi rùng mình. Cả một vùng hồ Bodenzee lặng lẽ như không lúc nào nó lặng lẽ như thế.
- Ông có gia nhập quân đội Pháp không? Tôi muốn nói ông rồi có bị bắt lính và phải chiến đấu ở phía bên kia không?
- Không. Tôi trốn lính. Tôi không muốn cầm súng nữa, dù ở bên này hay ở bên kia. Nhưng cũng phải thú thực với ông: sau cái chết của cha tôi, cũng có lúc tôi có ý định đi với quân Pháp để đánh lại những kẻ đã mang lại thảm họa cho gia đình tôi. Tôi cũng căm thù lắm chứ. Nhưng tôi đã không làm điều đó nhờ một lời khuyên.
Chả là lúc mới về thành tôi ở nhờ trong một ngôi chùa. Khi biết ý định của tôi, sư cụ bảo: “Con tính sai rồi. Đi với cái Ác này để diệt cái Ác kia không được đâu. Chỉ có cái Thiện mới diệt được cái Ác thôi, con ạ.” Tôi nghe lời sư cụ, nhưng tôi không tìm thấy cái Thiện ở đâu cả.
- Tìm ra cái Thiện đích thực thật là khó.
- Vì không tìm ra nó, tôi chỉ biết làm một người dân bình thường. Nhưng đến năm 75 thì tôi hiểu – cái Ác đang thắng, nếu không làm được gì để chống nó thì chỉ còn cách tránh xa nó, tránh thật xa, xa chừng nào hay chừng ấy, có gọi là chạy trốn nó thì cũng đúng. Tuy chẳng có gì vinh quang trong sự chạy trốn ấy …
Chúng tôi đi ngủ. Đêm đã quá khuya.
Hôm sau, trong bữa điểm tâm, ông Hiếu đột ngột ra cho tôi một câu hỏi lạ tai:
- Ông có nghĩ rằng cải cách ruộng đất là một sai lầm như người ta thường nói không?
- Một sai lầm chứ. Đó là điều không thể chối cãi được. Chính đảng cộng sản vốn không bao giờ chịu nhận mình sai, cũng đã thừa nhận là thế. Người ta đã phải sửa sai ngay sau đó.
- Ông tin người ta có sửa sai?
Tôi có cảm giác ông Hiếu chỉ chờ tôi nói khẳng định để cười vào mũi tôi. Hẳn ông có cách nhìn khác đối với việc ấy. Tôi gật đầu.
- Họ có sửa sai. – tôi nói – Nhưng có sửa đến nơi đến chốn hay không lại là chuyện khác. Và còn phải sửa dài dài, bởi vì trang sử cải cách ruộng đất cho đến nay vẫn chưa khép lại được. Nghe nói mới đây thành phố Hà Nội vừa quyết định đền bù cho những gia đình có người bị giết trong cải cách ruộng đất.
- Đền bù thế nào?
- Một hay hai triệu đồng gì đó cho mỗi người bị chết oan.
Ông Hiếu cười khe khẻ:
- Tức là khoảng trên dưới một trăm đô la, theo tỷ hối hiện tại.
- Khoảng ấy.
Ông Hiếu trầm ngâm nhìn vào ly cà phê.
- Tôi thì không nghĩ đó là một sai lầm. Nói cho đúng, bây giờ tôi mới nghĩ được như thế. Trước kia thì không. Trước kia tôi không nghĩ ra. Một sai lầm có tính toán trước rằng kết quả nó sẽ là như thế nào, không thể gọi là một sai lầm – ông Hiếu thở dài. Người ta chỉ buộc lòng gọi nó là sai lầm khi mưu toan của họ bị bóc trần.
- Cái gì làm cho ông nghĩ như thế?
- Ông nhớ lại xem. Ông sẽ thấy điều này: ở bất cứ quốc gia nào, để tiến hành cải cách ruộng đất người ta phải điều tra tình hình ruộng đất trước đã. Nhưng ở miền Bắc trước cải cách ruộng đất, ông thấy không, đã không có một cuộc điều tra nào hết.
Tôi giật mình. Ý nghĩ ấy chưa từng đến với tôi.
- Ông có lý – tôi thừa nhận. Tôi hồi ấy ở một trong những cơ quan trung ương. Tôi không được biết có một báo cáo nào về chuyện ấy.
- Người ta tính những cái mà hồi ấy chúng ta không nghĩ tới. Người ta muốn thanh toán cho bằng hết những người đã ủng hộ cuộc kháng chiến trong thời kỳ cách mạng còn trứng nước hiện đang giữ những chức vụ trong chính quyền kháng chiến để thay vào đó những người hoàn toàn mới. Những người mới này sẽ hoàn toàn là người của họ. Để làm gì? Để những kẻ được chia quả thực cướp được kia, những kẻ bỗng dưng có được địa vị ăn trên ngồi trốc kia sẽ hết mình với họ … Chỉ có chúng mới là những kẻ rất mực trung thành với họ.
- Tôi muốn hỏi thêm ông một câu.
- Ông hỏi đi.
- Tôi nghĩ ông Thạc muốn ông được gặp mặt cụ nhà lần cuối là một ý nghĩ tốt. Ông không nghĩ thế?
Ông Hiếu cười khe khẽ. Tiếng cười gằn nghe đầy cay đắng.
- Một ý nghĩ tốt chứ, tôi thừa nhận. Có khi nó còn tốt hơn cả những gì tôi nghĩ nữa. Ông ấy đã giúp tôi tỉnh ngộ. Tôi phải chịu ơn ông ấy. Nhưng tôi không cảm được cái ơn ấy trong lòng tôi. Có lẽ tôi tham lam chăng, khi tôi cho rằng trong những ngày ấy tôi cần một cái gì hơn thế. Một cái gì đó chứng tỏ ông ấy đứng về phía tôi, kẻ chịu đựng một bi kịch không đáng có. Một cái gì đó chứng tỏ ông ấy không đứng về phía những tên đao phủ. Cái gì đó ấy sẽ an ủi tôi nhiều hơn, sẽ cho tôi thêm một chút niềm tin đã mất vào con người …
 
5.
Ít lâu sau cuộc gặp gỡ với ông Hiếu, tôi lại gặp ông Thạc. Ông vừa về Việt Nam tham dự cuộc họp mặt truyền thống của quân khu. Ông vui hẳn lên, khác với lần chúng tôi gặp nhau ở Stutgart. Ông kể chuyện những đổi thay ở đất nước, chuyện Hà Nội khác trước đến không nhận ra, chuyện ông vừa được nhận thêm một huân chương vì những công trạng trong quá khứ …
- Ông đã gặp “Hiếu Nhà Băng” rồi hả? Hắn nói sao?
Tôi lúng túng:
- Ông ấy vẫn nhớ ông. Nhưng ông ấy không muốn gặp lại … Vì cuộc gặp lại ấy sẽ làm ông ấy nhớ đến những ngày ông ấy không muốn nhớ đến nữa.
- Cái thằng … Bây giờ mà không biết quên đi quá khứ, hướng tới tương lai là ngu, là xuẩn ngốc. Nó y như mấy thằng đang đòi dân chủ ấy, trong tụi nó có cả những thằng cánh ta ngày trước, tức là đã từng trong quân ngũ, chúng nó mắt nhắm tịt, ương như cua, không biết rằng nước ta bây giờ dân chủ lắm rồi, hơn hẳn ngày xưa rồi, ngày xưa không có nhiều dân chủ là do hoàn cảnh, là chuyện bất khả kháng, chứ bây giờ khác, bây giờ đảng ta vững mạnh, có lực lượng quân đội, công an hùng hậu, thì cho hay chưa cho, cho nhiều hay cho ít, là cái quyền của đảng, đảng không keo xỉn trong chuyện ấy, vấn đề là phải có tính toán; cho cái gì trước cho cái gì sau, cho bao nhiêu, cho vào lúc nào …
Tôi nhìn ông. Ông nói say sưa. Ông bốc. Trong ông ấn tượng của chuyến đi đầy tràn.
- Ông Hiếu gửi lời thăm ông. Tôi nói để mà nói.
- Thế hả? Nó chỉ gửi lời thăm thôi? Không nói thêm gì nữa?
- Không.
Ông Thạc sa sầm mặt.
- Cái thằng vô ơn đến thế là cùng. Để lúc nào tôi kể ông nghe đầu đuôi chuyện tôi đã làm gì cho hắn … Bây giờ chúng mình kiếm cái gì chén đã. Chắc ông đi đường cũng đói bụng rồi.
Tôi vội vã chìa tay ra:
- Xin lỗi, hôm nay tôi mắc một cái hẹn. Để bữa khác vậy.
Trong lòng bàn tay tôi là một vật mềm, nhũn nhẽo.
- Ờ ờ … Tiếc quá! Có bao chuyện muốn kể ông nghe.
- Tiếc quá!
- Nói tóm lại, thằng Hiếu là một thằng vô ơn, ông nhớ đấy, tôi nói với ông rồi đấy. Ông Thạc nói theo, khi tôi đã ra đến cửa.

Vũ Thư Hiên
@Fb/vuthuhien

Tuesday, December 6, 2016

Vì sao lá cờ trên quân phục Mỹ lại bị ngược?

Lá cờ là biểu tượng của một quốc gia, mỗi chi tiết trên đó đều chứa rất nhiều ý nghĩa.
 
Cờ sao của Mỹ đã được sửa tổng cộng 26 lần sau khi chính thức được dùng làm quốc kỳ vào năm 1777, và kiểu cờ được sử dụng đến hôm nay là bản sửa đổi cuối cùng vào năm 1960. 
Quốc kỳ của Mỹ ngày nay, góc trái trên lá cờ có 50 ngôi sao, đại diện cho 50 tiểu bang ở Mỹ. (Ảnh: Internet)
Quốc kỳ của Mỹ ngày nay, góc trái trên lá cờ có 50 ngôi sao, đại diện cho 50 tiểu bang ở Mỹ. (Ảnh: Internet)

Góc trái trên lá cờ của Mỹ có 50 ngôi sao, đại diện cho 50 tiểu bang ở Mỹ, 13 sọc ngang tượng trưng cho 13 thuộc địa vào thời kỳ Mỹ vừa thành lập.
Thế nhưng, có một điều đặc biệt mà mọi người đều nhận thấy đó là trên quân phục của binh lính Mỹ luôn có gắn quốc kỳ, nhưng lại “bị ngược”, 50 ngôi sao nằm ở góc phải. Vì sao lại như vậy?

quân phục Mỹ
50 ngôi sao ở góc phải lá cờ trên quân phục Mỹ. (Ảnh: Internet)

Quốc kỳ Mỹ thường được gắn trên vai phải quân phục của người lính. (Ảnh: Internet)
Quốc kỳ Mỹ thường được gắn trên vai phải quân phục của người lính. (Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Ông Guy D McCardle, một cựu phi công của Không quân Hoa Kỳ và cựu thẩm tra viên phi đoàn tìm kiếm cứu nạn tại vùng chiến sự đã viết câu trả lời trên trang Quora:
 
“Đây là  giải thích chính thức từ quân đội Mỹ:
Theo điều luật quân đội số 670-1: ‘Quốc kỳ Mỹ được gắn trên vai trái hoặc vai phải; vùng ngôi sao hướng về phía trước, để ở mép bên phải của lá cờ. Vì khi để như thế này, lá cờ sẽ hướng về bên phải của người nhìn, tạo ra cảm giác lá cờ đang bay trong gió khi người đeo di chuyển về trước’.
Quốc kỳ được mang trên quân phục với vùng in ngôi sao ở góc trên bên phải, biểu tượng cho lá cờ bay phấp phới khi mang vào chiến trận”.
 
Những kí hiệu lá cờ Mỹ ngược này không chỉ xuất hiện trên quân phục mà trên máy bay cũng thường hay nhìn thấy hình ảnh tương tự. Và cũng cùng lý do là khi bay về phía trước thì lá cờ sẽ tung bay trong gió.
quốc kỳ mỹ
(Ảnh: Internet)

 
Lan Hoa

Sunday, December 4, 2016

GIANG HỒ
 
Giang hồ từ thuở ta thất thế
Chí lớn không thành- thà ẩn cư
Viễn xứ. Ờ ! Thôi thì viễn xứ
Hết đời phiêu bạt chốn quê xa

Mẹ xưa vốn quen mùi rơm rạ
Đốt đồng khô khói phủ che trời
Hoàng hôn mỏi mắt. Chiều châu thổ
Vẳng tiếng kêu đò bên bến song

Cha xưa cầm súng ra đánh trận
Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm
Lần đi đưa tiễn- tay chưa nắm
Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm

Em xưa kẹp tóc thề vội lớn
Cứ ngỡ tình xanh mãi biếc xanh
Tương tư xếp lá đôi bờ mộng
Mơ bóng trăng khuya- tiếng nguyệt cầm

Ta xưa thắp nến chờ đêm xuống
Đợi hồn thiêng khuất nẻo cha về
Mộ bia hiu quạnh. Ngày dâu bể
Phách lạc đâu còn chỗ nương thân

Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng

Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Thầm hẹn mai này quy cố hương
Ta về làm bạn cùng chim chóc
Lẫn với muỗi mòng chín cửa song
 
LINH PHƯƠNG
 
Đọc thêm :