Wednesday, April 27, 2016

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
 

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...



Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
 
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
 
Trần Thị Lam
 
@anlacminh

Monday, April 25, 2016

Wednesday, April 20, 2016

BẦU CỬ Ở MỸ
Hillary Clinton thắng cử bầu sơ bộ tại Bang nhà
Democratic Primary
Clinton has won New York.

April.19/2016

 

Xem thêm : nydailynews

@Fb/NQD

Sunday, April 17, 2016

CỜ VÀNG "NHẬP NỘI"
 



Có một người bạn vừa gủi cho BB 1bức ảnh và một câu chuyện liên quan ,xin kể lại cho mọi người cùng nghe:


Hôm 24/3/16,có việc nhà anh bạn B...B vềVN, tại phi trường Tân Sơn Nhứt ( tôi dùng đúng tên của phi trrường VNCH) anh chứng kiến một vụ " lộn xộn " một du khách Mỹ với chiếc T Shirt in cờ Vàng bị an ninh sân bay hoạnh họe ,anh bạn chụp được bức hình,nhưng sợ sự chú ý của an ninh anh vào một quán cafe ngồi chờ xem động tĩnh, một lát sau du khách mỹ đó vào đúng quán anh bạn đang ngồi, anh lân la trò chuyện thì anh Mỹ cho biết anh đi từ Hà Nội vào, và cũng vì chiếc áo này anh đã bị an ninh phi trường Nội Bài làm phiền anh 3 tiếng đồng hồ. Họ yêu cầu anh lột chiếc áo,không mặc nửa, anh cho biết mặc gì là quyền tự do của anh, anh không làm bất cứ đều gì theo lệnh giới chức trừ phi đó làyêu cầu của đại diện toà đại sứ Mỹ . Cuối cùng họ phải để anh đi sau 3 tiếng. Anh cho biết anh quyết định mặc cùng chiếc áo đó vào Sài Gòn như một hành động thể hiện quyền tự do cá nhân.

 BB nghỉ Phúc Kiến nô càng ngày càng lú : Hù dọa dân Cờ Vàng nội địa không ai sợ, ngay cả người mới ra tù vì " Cờ Vàng " Cờ Vàng nội địa xuất hiện khắp nơi. Túng quá, chúng phải thị uy với người ngoại quốc,mà lại chọn nhầm du khách Mỹ,một dân tộc có truyền thống yêu chuộn quyền tự do cá nhân, điều mà bảnTuyên ng6n nhân quyền Liên Hiệp quốc công nhận , nên chúng đành cụp đuôi
.


@Fb/CHTB

Saturday, April 16, 2016

Thầy tôi, giáo sư Trần Ngọc Ninh 


(Viết nhân dịp Sinh Nhật thầy Trần Ngọc Ninh)


LTS: Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.


Giáng sinh năm nay tôi có món quà qúy.  Cặp mắt của tôi theo tuổi già bị mờ vì  cườm trắng đục được giải phẫu thành công.  Những tháng vừa qua, nhìn cuộc đời qua màn sương trắng,  những buổi sáng mặt trời lên chói sáng lại là những giây phút khó chịu, hạnh phúc ngồi trong phòng làm việc viết bài, đọc sách đã bị mất đi khi ánh mặt trời chiếu sáng qua tấm mành.  Ngũ quan của con người như Phật Thích Ca dạy “không toàn hảo” nay thị giác không toàn hảo đã gây nhiều ngộ nhận, mắt người bị cườm nhìn mọi vật dưới ánh sáng mặt trời bị “lòa”, không nhận được người đối diện trước cửa kính với ánh sáng đằng sau như máy chụp hình bị “contre soleil”, dễ bị hiểu lầm như  “ông nay nổi tiếng nên khinh người, không nhận ra bạn bè”, hay một đêm làm việc mờ mắt sáng ra đọc tin trên mạng đài BBC, câu chửi tục của trung tá công an Vũ văn Hiển “Tự Do là cái con C…” đọc thành “Tấn Dũng là cái con C…” có thể khiến ông Hiển bị tù hay bị khiển trách.
 
 Màu sắc qua lăng kính trắng đục của thủy tinh thể bị thay đổi, đỏ thành hồng, xanh đậm thành xanh nhạt, tất cả màu nhìn như bị một màu trắng tuyết tạt vào.  Hình ảnh trên máy điện toán và Ipad bị nhoè, phải đoán mò, ban đêm lái xe rõ hơn ban ngày, đôi khi bị những ảo giác, đoàn xe bên đường trông như đoàn xe đang di chuyển trên xa lộ, lái xe không an toàn là lý do chính nên mắt phải cần giải phẫu.
    
Ở vào thời đại y khoa tân tiến thế kỷ 21, so với 37 năm trước ngày tôi tốt nghiệp y khoa, giải phẫu mắt cườm đã tiến một bước vĩ đại, phẫu thuật nhanh chóng không đau với những tiến bộ về gây mê nhưng tâm lý người bệnh không thay đổi.  Từ vai trò thầy thuốc nay thay đổi vị trí thành người bệnh, tôi cũng đi vào những bước thắc mắc, chờ đợi, như những bệnh nhân khác trong khi đặt tất cả niềm tin vào người bác sĩ điều trị.
 
Buổi sáng hôm đến phòng khám mắt của trường đại học Baylor khu trung tâm y khoa Texas, khung cảnh đại học với những người áo trắng đã khiến tôi nhớ về một bệnh viện nhỏ nói tôi được mẹ tôi dẫn đến lần đầu để khám mắt sau khi bị thương tích do tai nạn chơi đùa giữa hai anh em. 
 
Bệnh viện Bình Dân nằm ở góc đường Phan Thanh Giản và Cao Thắng, nơi tôi đã sống một cuộc đời sinh viên y khoa và nội trú với các thầy của tôi, những giáo sư y khoa Thạc sĩ nổi tiếng.  Giáo sư Nguyễn Đình Cát, thạc sĩ mắt, đem trường hợp của tôi, giảng dạy cho các sinh viên y khoa về trường hợp điển hình máu chảy ở phòng trước mắt của một cậu bé 12 tuổi.  Mười năm sau, ông lại nhìn vào mắt của tôi để dạy cho các bạn cùng nhóm, trong đó có Đỗ Hoàng Ý sau này đi theo vết chân của thầy, về một trường hợp mắt cườm nằm phía sau thủy tinh thể điển hình của mắt cườm thương tích.  Ngày nằm trên giường bệnh đợi đến phiên mổ, nhìn lên hai ngọn đèn chiếu sáng trên trần tôi nhớ lại những lời của thầy tôi giáo sư Đào Đức Hoành: “không có bệnh, chỉ có người bệnh” để dạy chúng tôi đối xử nhân bản với bệnh nhân. 
 
Người thầy có tâm Phật  không bao giờ giận học trò đã có những lời khuyên giống như giáo sư Phạm Biểu Tâm, người thầy đã cầm dao dạy thuật giải phẫu cho bao thế hệ sinh viên, đã dặn chúng tôi “các anh phải xem bệnh nhân như là người nhà, phải đối xử với họ như là thân nhân, cha mẹ, anh em của các anh khi họ phải vào nằm trong bệnh viện.”

Những vị thầy đã ảnh hưởng đến cuộc đời hành nghề y khoa của tôi phần lớn là các giáo sư đã có công xây dựng bệnh viện Bình Dân, từ ngày di cư vào Nam năm1954, từ bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội, với bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ.  Các giáo sư Nguyễn Hữu, Phạm Biểu Tâm, Ngô Gia Hy, Đào Đức Hoành, Nguyễn Đình Cát, Trần Ngọc Ninh, đã biến bệnh viện Bình Dân thành bệnh viện ngoại khoa nổi tiếng nay đã về với những người muôn năm cũ trừ giáo sư Trần Ngọc Ninh. (Hình phải : Giáo sư Trần Ngọc Ninh)
Năm nay vào tháng 11 năm 2012, ông đã thọ 90 tuổi.  Ông là một trong những Đại Giáo Sư (Grand Professeur) của trường đại học y khoa Saigon qua nhiều thế hệ trong đó có tôi.  Tôi đã học rất nhiều từ thầy, nhưng mỗi lần nghĩ về thầy Ninh tôi lại cảm thấy buồn cười, cả đời tôi rượt theo thầy, một người bạn thân của giáo sư Đào Đức Hoành.
   
 Tôi biết ông lần đầu tiên năm tôi học đệ nhị trường Chu Văn An (CVA), ông đến thăm trường với tư cách tổng trưởng văn hóa giáo dục.  Dáng ông cao lớn, giọng nói điềm đạm nhưng có uy khiến người nghe kính nể, ngỗ nghịch như học trò CVA vẫn phải lắng nghe ông mặc dù ông rất khiêm nhượng nói rằng ông là một người học trò CVA cũ về thăm lại các bạn. 
 
Năm ấy ông chủ trương phát triển phong trào thanh niên và đưa hướng đạo vào trường học, nhờ tinh thần của ông mà Lê Khuê Hiệp lúc ấy là Tổng thư ký ban đại diện và tôi đứng ra lập đoàn hướng đạo của trường CVA. 
 
Hơn một năm sau, tôi lại có dịp nhìn thấy ông trong năm Tết Mậu Thân 1968 tại bệnh viện Nhi Đồng.  Tôi và đoàn hướng đạo vào bệnh viện Nhi Đồng làm việc tình nguyện băng bó các vết thương, săn sóc cho các trẻ khi bệnh viện thiếu điều dưỡng, đi theo các bà sơ và các anh sinh viên y khoa năm thứ tư, Nguyễn Chấn Hùng và Nguyễn Lương Tuyền trong khu giải phẫu tiểu nhi khi ấy tôi mới biết ông là đại giáo sư giải phẫu tiểu nhi, nhìn thái độ cung kính của bác sĩ Trần Xuân Ninh và các bác sĩ điều trị đối với ông, tôi biết ông là một người thầy đáng kính. 
 
Năm ấy là một năm đánh dấu khúc quanh của đời học sinh ngỗ nghịch của tôi.  Ấn tượng về ông và những người mang áo choàng trắng cũng như những ngày đến nhà người bạn hướng đạo đã vào y khoa trước tôi một năm, Trần Thế Kiệt với cuốn Atlas Gray’s Anatomy, đã khiến tôi quyết định chọn ngành y khoa và sau này, ngành giải phẫu. 
 
Có thể nói, nhờ giáo sư Trần Ngọc Ninh mà tôi đã đậu vào y khoa, ông đã đặt nặng phần kiến thức tổng quát hơn các môn khác như vạn vật, những câu hỏi như:  Tựa cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” của bà Margaret Mitchell tên tiếng Pháp là gì? đối với một học sinh hay trốn học, xem  xi nê, đọc tiểu thuyết như tôi là một câu đố vui dễ dàng!
   
 Đậu vào y khoa rồi tôi mới hiểu, người thầy y khoa, đã tốt nghiệp ở Hà Nội rồi sang Pháp du học với giáo sư Merle d’Aubigné ở bệnh viện Cochin về ngành giải phẫu chỉnh trực và với giáo sư Pierre Petit về ngành giải phẫu tiểu nhi ở bệnh viện St Vincent De Paul và qua Anh tu nghiệp giải phẫu tiểu nhi với giáo sư Seddon, đã dạy chúng tôi “muốn trở thành người y sĩ giỏi các anh phải biết nhiều về mọi phương diện không chỉ y khoa”. 
 
Người y sĩ hoàn toàn ấy, thầy của chúng tôi thạc sĩ  y khoa Pháp, cũng là một người thầy trong văn học.  Thập niên 1960 ông dạy văn hóa và văn minh đại cương tại đại học Vạn Hạnh trong khi ông đang giữ chức tổng trưởng văn hóa giáo dục.  Cuốn sách tôi thích đọc là cuốn “Đức Phật giữa chúng ta” (năm 1972) cho thấy kiến thức của ông về Phật Giáo trong khi ông cũng thông thạo triết của Lévi-Strauss.  Ông là người có kiến thức rộng với vầng trán cao trí thức, giáng điệu cương nghị, ông luôn khiến tôi nhớ đến câu của triết gia Francis Bacon “Kiến thức là sức mạnh” (Knowledge is Power).
    
Đọc lại cuộc đời qua cuốn tự thuật của ông, ông là một mẫu sinh viên điển hình yêu nước trong thời Pháp thuộc.  Theo Tây học, học y khoa chương trình Pháp, đi du học ở Pháp nhưng thế hệ của ông là thế hệ của những sinh viên yêu nước tranh đấu dành độc lập theo gương của các cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu.  Trong lúc làm nội trú nhà thương Phủ Doãn, ông đã cùng với bạn cùng lớp bác sĩ Khả và bác sĩ Hoành rải truyền đơn chống Pháp, khác với giáo sư Hoành về sau không hoạt động chính trị, giáo sư Trần Ngọc Ninh tham gia đảng phái và hoạt động chính trị trong cả cuộc đời.
    
Vào y khoa rồi, tôi cũng như các sinh viên y khoa khác, muốn gặp ông vẫn thật là khó, vẫn phải “kính nhi viễn chi”, nhìn thầy từ xa… Năm  thứ hai bắt đầu đi thực tập lâm sàng, chúng tôi cũng chỉ học qua các anh nội trú khu giải phẫu chỉnh trực ở bệnh viện Bình Dân cho mãi đến năm thứ tư các sinh viên y khoa mới được đi thực tập ở khu giải phẩu tiểu nhi  bệnh viện Nhi Đồng và chỉnh trực ở bệnh viện Bình Dân đồng thời được nghe thầy giảng bài ở đại giảng đường trường y khoa.
    
Ở giảng đường thầy lúc nào cũng chững chạc từ giáng điệu đến y phục.  Ông giảng bài với kiến thức rộng lớn của ông hợp với những người có ý tự học và muốn tìm hiểu rộng hơn ngoài sách vở, khi giảng bài ông hay ngửng mặt nhìn lên, người ngoài nhìn nghĩ là ông khinh các cậu sinh viên nhưng có lẽ đó là đặc điểm của một người hay suy nghĩ.  Ông giảng với trình độ cao khác hẳn với trình độ của một giáo sư trung học.  Sinh viên trong giờ học của ông thường yên lặng.  Nhờ ông mà sinh viên thích tìm tòi học hỏi đọc sách và hiểu biết ngoài môn học căn bản, từ giải phẫu tiểu nhi đến chỉnh trực, ông đi qua lãnh vực nhân chủng học nhờ vậy chúng tôi có những hiểu biết căn bản về tiến hóa của loài người từ Homo Erectus đến Homo Sapiens để sau này đọc thêm sách tiến hóa của Darwin. 
    
Tôi có lúc mê thầy, sau giờ học đôi khi đi xe Honda chở bạn chạy trên những con đường cây dài bóng mát yên tĩnh Tú Xương, Yên Đổ, bắt gặp chiếc xe Pegeot 404 màu trắng của thầy đi trên đường Phan Đình Phùng, là chạy theo sau xe ông đến tòa soạn Bách Khoa.
 
 Thời ấy tôi mê đọc sách, mê tạp chí Sáng Tạo  và Bách Khoa và mê những bài khảo cứu khô khan của ông trong Bách Khoa như “Tinh thần đại học”, “tư tưởng chính trị Việt Nam”, “Hành trang và hành trình vào văn hóa”.  Cái thời sinh viên của tôi chỉ mê thầy, mê sách mà không mê ca sĩ!
     
Ở bệnh viện, sinh viên sợ cái uy của ông nhưng ông cũng có cái điểm yếu là nếu thương sinh viên nào thì ông ít “quay” còn sinh viên nào kém là bị ông mắng cho nên sinh viên “sợ” trình “ca” bệnh cho ông thầy khi ông đi qua giường bệnh. 
 
Tôi còn nhớ một kỷ niệm ở bệnh viện Nhi Đồng, một anh bạn trên tôi một lớp trình “ca” cho thầy, khi nghe xong ông trầm ngâm nhìn bạn tôi hỏi một câu: “anh bao nhiêu tuổi?” anh bạn xanh mặt, ấp úng trả lời: “thưa thầy năm nay con 22 tuổi”.  Ông thầy phán một câu:  “tôi nghĩ anh còn thì giờ để đổi nghề!”
     
Ông thường hay nói với học trò: “các anh là sinh viên của tôi chứ không phải là học trò của tôi, học trò của tôi phải là nội trú, phụ tá cho tôi như ngày xưa Tử Cống Tử Lộ hầu Khổng Tử”.
 
 Học trò của ông như vậy không nhiều, nổi tiếng có bác sĩ Vũ Văn Nguyên sau qua học Mayo Clinic ở Minesota, có bác sĩ Trần Xuân Ninh qua bệnh viện Nhi Đồng ở Chicago, có bác sĩ Nguyễn Lương Tuyền giáo sư tiểu nhi đại học McGill, Montreal Gia Nã Đại và còn lại ở Việt Nam là bác sĩ Võ Thành Phụng và Nguyễn văn Quang.  Quan niệm thầy trò của ông quả là khó hơn của thẩy tôi giáo sư Đào Đức Hoành và khó hơn cả Khổng Tử: “nhất tự vi sư bán tự vi sư” chỉ dạy nửa chữ cũng là thầy hay “tam nhân đồng hành…” một trong ba người cùng đi có người là thầy ta. 
 
Năm thứ tư, tôi cũng bắt chước Tử Cống, Tử Lộ, đến phòng ngoại chẩn khu chỉnh trực ở bệnh viện Bình Dân, lúc một giờ, giờ mọi người ngủ trưa, đến với Tuấn “gà mái” trên tôi một lớp để xem ông khám bệnh và giảng dạy có khi cho bác sĩ Võ Thành Phụng có khi cho bác sĩ Nguyễn văn Quang hai giảng nghiệm viên của ông.  Tôi đứng khoanh tay chầu riết rồi ông thầy cũng nhận được mặt quen vì tôi cũng thích đọc sách y khoa Mỹ có thể trả lời những câu anh Phụng, anh Quang không trả lời được như: mạch máu nhỏ nuôi máu lớn là gì, mạch máu nhỏ nuôi thần kinh tên gì?
    
Năm thứ năm y khoa, sau khi đậu kỳ thi tuyển vào nội trú các bệnh viện, tôi về khu ung thư bệnh viện Bình Dân với giáo sư Đào Đức Hoành.  Bệnh viện nằm gần nhà, quen thuộc với tôi từ năm thứ nhất, cứ mỗi hai ba đêm sau khi ở trường về nhà, ăn tối, đến nhà bạn, đi café rồi ghé vào bệnh viện đi theo anh nội trú Nguyễn Chấn Hùng trên tôi năm lớp, trực suốt đêm, sáng lại vào lớp.  Thời kỳ học nghề mổ xẻ, đi từ những thủ thuật nhỏ, may vá vết thương, săn sóc vết thương chiến tranh cho đến phụ mổ các trường hợp cấp cứu, mổ ruột dư v.v… với các anh nội trú và các giảng viên như các anh Hồ Tấn Phước, Nghiêm Đạo Đại, Nguyển Đình Tuyến…
 
Bệnh viên Bình Dân có không khí gia đình với tình anh em chia xẻ cùng một đam mê y học và lý tưởng.  Bệnh viện nhỏ tôi quen từng góc cạnh.  Từ ngoài cửa đi đến phòng trực, qua khu giải phẫu tổng quát với văn phòng giáo sư Phạm Biểu Tâm bên phải, bên ngoài là khu mắt của giáo sư Cát, đi thẳng qua phòng mổ cấp cứu đến phòng hậu giải phẫu, bên trái là khu quang tuyến, phòng thí nghiệm, nhà thuốc, đến khu tiết niệu, khu da liễu, khu hàm mặt, phía sau là khu tai mũi họng, khu ung thư nằm ở dãy nhà mới, đi lên lầu là phòng mổ, lên lầu ba là phòng các nội trú.  Các phòng của các đàn anh Hùng, Phụng, Tuyền, Ân, Quang, tôi đã quen thuộc trước khi vào nội trú.  Trong bốn năm sinh viên đi theo các anh để tự học thêm, cho đến ngày đậu nội trú tự nhiên bỗng trở thành “ông thầy” quan trọng mỗi lần y tá, y công từ phòng săn sóc hậu giải phẫu hay phòng cấp cứu lên đập cửa mời đi xem bệnh. 
 
Thời kỳ nội trú không biết ngày đêm, nhờ sự đam mê mà quên hết những cực khổ nhọc nhằn của nghành y.  Phòng mổ là nơi thi thố tài năng, là trung tâm điểm của các y sĩ giải phẫu cho nên ngày xưa ở Anh phòng mổ được gọi là phòng diễn xuất (theater room).  Ở phòng mổ, giáo sư Trần Ngọc Ninh được tiếng là mổ đẹp và cẩn thận, ông không làm mất máu, nơi vết mổ của ông bao giờ cũng sạch sẽ.  Cách mổ chứng tỏ được cá tính của con người. 
 
Giáo sư Phạm Biểu Tâm mổ ngay ngắn, cẩn thận, không dư nét giống như cách nói với học trò của ông, kỷ luật, thẳng thắn.
 
Giáo sư Ngô Gia Hy mổ nghiêm túc, cần người phụ mổ hợp với thầy như bác sĩ Đặng Phú Ân. 
 
Giáo sư Đào Đức Hoành mổ ung thư, vết mổ bao giờ cũng rộng, cắt nhiều, mỗi lần thầy mổ chúng tôi phải chuẩn bị toán phụ chờ đợi khi cần phải chạy lên phòng mổ.
 
 Tôi chưa thấy thầy Nguyễn Hữu mổ, ông đi Pháp trước khi chúng tôi lên năm thứ nhất, nhưng mẹ vợ tôi “chị Vân lớn” là người phụ mổ chính cho thầy nói rằng thầy mổ đẹp, nhanh, cẩn thận, sau này học trò của thầy là bác sĩ Nghiêm Đạo Đại cũng mổ đẹp như thầy Nguyễn Hữu (bác sĩ Đại sau làm giáo sư giải phẫu ghép cơ quan ở Đại Học Pittsburg Hoa Kỳ có phẩu thuật ghép tụy tạng nổi tiếng).  Bác sĩ giải phẫu cần phải có người phụ mổ giỏi nên các thầy cần các nội trú giỏi.  Hai người hợp nhau như đi cùng một vũ điệu trong im lặng, bình tĩnh, người phụ mổ phải thuộc từng “bước”, trước khi mổ đọc lại sách cơ thể học, đọc lại phương pháp giải phẫu, tác động nhịp nhàng không cần phải nhắc, bàn tay mặt dơ ra là đã có kềm, kéo, kim may sẵn, “cắt, buộc, hút máu, chấm máu, banh vết mổ” các động tác làm kịp thời trong yên lặng dưới ánh đèn của phòng mổ.
    
Sau ngày “mưa sa trên nền cờ đỏ” 30 tháng 4, 1975, tôi gần các thầy hơn.  Các bác sĩ giảng nghiệm viên bị đi học tập cải tạo, ở bệnh viện còn lại trên là các thầy dưới là các nội trú. 
 
Cảnh đời thay đổi, xã hội chủ nghĩa làm cách mạng muốn đưa con người về trước thời kỳ con người biết đứng thẳng (Homo Erectus), trong hoàn cảnh ấy tôi vẫn khâm phục thầy Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh, hai ông vẫn giữ tư cách của người trí thức.  Ở bệnh viện, lao công làm chủ, vợ chồng anh Được quản lý còn các bác sĩ đi lau nhà.  Giáo sư Phạm Biểu Tâm bưng xô nước lau nhà té bầm cả cánh tay mặt.  Ông tâm sự:  “trong đời tôi có hai lần đổi đời, năm 54 và năm 75, hồi 54 tôi còn trẻ còn năm 75 tôi đã già rồi!”
 
Giáo sư Ninh vẫn giữ nét mặt kiêu ngạo, ngày 1 tháng 5 vào trường bàn giao cho ban quân quản mới, ông ngẩng mặt nhìn biểu ngữ “không  gì quí hơn độc lập tự do”, tránh đi qua bên đường vào văn phòng hành chính thay vì phải đi qua biểu ngữ.  Các ông thầy mỗi ngày đi xe đạp đến bệnh viện, phải ngồi nghe y sĩ Năm Lực từ trong rừng dạy cách mổ cho đến ngày giáo sư Tôn Thất Tùng vào Nam thăm bệnh viện.
    
Tháng 8 năm 1977, giáo sư Trần Ngọc Ninh vượt biên, chuyến đi như cuộc du ngoạn có chuẩn bị, vài ngày đến đảo Pulau Besar Mã Lai. 
 
Tháng 10 cùng năm, tôi “rượt” theo ông, đến đảo Pulau Besar sau 42 ngày lênh đênh, đến đảo thì ông đã đi Mỹ.  Cái lều tôi ở tạm là lều cũ của thầy.  Qua Mỹ, tháng 2 năm 1979, tôi nhận được thơ ông viết giới thiệu để đi thực tập các bệnh viện khi ông đang làm ở bệnh viện Đại học Pittsburg.  Các sinh viên nói với nhau, thầy thay đổi khi qua Mỹ không còn khó tính như xưa nhưng với kinh nghiệm riêng của tôi, thầy có bộ mặt nghiêm khắc nhưng thương học trò. 
 
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có lần trong buổi giao ban buổi sáng ở bệnh viện Bình Dân, bác sĩ Văn Tần và Năm Lực đưa “ca” tôi mổ đêm hôm trước khi tôi là xếp “ tua gác”. “Ca” áp xe ruột dư, tôi mổ không biến chứng nhưng vết mổ Mc Burney thay vì vết mổ ngay giữa bụng.  Tôi không có mặt trong buổi giao ban (gác đêm xong sáng sớm tôi liền đi uống café, bất cần đời!) giáo sư Ninh nói: “phải là người cầm dao mới quyết định cách mổ, chúng ta không thể chỉ trích nếu chúng ta không có mặt lúc ấy”.
    
Ông là ân nhân của các bác sĩ tốt nghiệp từ sau 1976, nhờ ông can thiệp với hội    
AMA mà họ được công nhận để được thi lấy bằng tương đương hành nghề ở Hoa Kỳ. 
   
 Một lần khác vào năm 1974, ngày hội thảo giáo dục y khoa do phái bộ AMA tổ chức cùng với ban đại diện sinh viên với Trần Thế Kiệt làm chủ tịch, các sinh viên trẻ chỉ trích tinh thần thiếu dân chủ của giáo sư Ninh và thầy không dạy đúng kiểu Mỹ.  Trần Thế Kiệt: “các thầy phải nhận phê phán, trong lịch sử nhân loại, có hai người là đã có phê bình”.  Giáo sư Ninh đã đỏ mặt lớn tiếng nhưng sau đó ở hành lang trường trước mặt tôi và các sinh viên năm thứ tư chỉ trích thầy, ông đã ôn tồn đứng thảo luận một cách rất dân chủ. 
 
Hè năm 1995 tôi có dịp về thăm bệnh viện Bình Dân.  Buổi tối về nhà bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, anh nói với tôi “em vào Bình Dân mà các nhân viên gọi điện thoại qua các nhà thương khác nói giáo sư Trần Ngọc Ninh về thăm!”  Tôi cũng không hiểu tại sao có sự lầm lẩn buồn cười giữa tôi và thầy!
    
Mùa hè năm 2008, tôi có dịp đến thăm thầy và tặng ông tập sách “Từ bàn viết Houston” của tôi.  Hai thầy trò nói chuyện với nhau hơn hai giờ mà thầy vẫn lưu luyến giữ lại. 
 
Ông tặng lại tôi hai cuốn sách của ông,  cuốn “Cơ cấu Việt Ngữ” đồ sộ,  công phu nhưng “chỉ bán được có ba cuốn” và tập “Tuyết Xưa” một quyển sách giá trị về văn hóa tựa đề đến từ câu thơ của Francois Villon “Mais òu sont les neiges d’antan?”(Tuyết năm xưa bây giờ ở nơi nào?).
 
 Câu thơ được nhắc đi nhắc lại dưới bốn đoạn thơ.  Giòng thời gian qua mau, tôi nhìn mái tóc thầy đã trắng như tuyết, đến thăm thầy có nhà báo Đỗ Qúi Toàn và vợ tôi, Quỳnh Giao, cho nên tôi không có dịp tranh cãi với thầy: “qua bao mùa tuyết xưa, bây giờ thầy có xem con là học trò hay chỉ là sinh viên của thầy?”
 
Việt Nguyên

Friday, April 15, 2016

Tản mạn 30/4: Mưng mủ một vết đau

Cứ mỗi khi tháng 4 đến, trong tôi lại ùa về trùng trùng những ký ức. Tôi không có thói quen sống hoài niệm, nhưng có những khoảnh khắc làm cho tôi không thể nào quên.
 
Ba Mẹ tôi rất đông con, ngày mất nước mẹ tôi còn ôm cái bụng bầu em bé út thứ 10 sắp khai hoa nở nhụy. Thường thì gia đình đông con người ta gọi là Phúc, nhưng phúc đâu không thấy, chỉ thấy tai họa ập xuống đầu gia đình tôi khi cộng quân tràn về chiếm đóng. Ngày đó, với trí óc non trẻ, tôi nghĩ chắc không bao lâu đâu, rồi việt cộng sẽ rút, giống như xem phim những căn cứ địa bị vc chiếm đóng rồi sau đó có một quân đoàn dù hay thiết giáp gì đó sẽ tới giải vây. Nhưng không phải vậy. Tôi thấy trên gương mặt Ba tôi vẻ đăm chiêu thường xuyên xuất hiện. Mẹ tôi thì cáu gắt hơn mọi ngày. Anh chị tôi thì ngơ ngác, duy chỉ có các em tôi là vô tư nô đùa. Còn tôi thì đắm mình trong sách báo, hay nghe ngóng radio (hồi đó tôi mê nghe đài Mẹ Việt Nam lắm).

Cái ngày thảm họa đó cũng đến, Mẹ tôi đưa hết anh chị em tôi về quê lánh nạn theo lệnh di tản ban hành. Chỉ còn tôi, bà chị cả và cô giúp việc ở lại quyết giữ lấy căn nhà. Ngày đó hay có nạn hôi của, và tôi đã chứng kiến nạn hôi của ấy khi có một kho hàng của cơ quan từ thiện bị người ta cạy cửa vào lấy sạch, thủ quản kho hàng này đã di tản từ lâu. Ai nghe đến danh từ “cộng sản” là le lưỡi khiếp đảm. Có một câu chuyện vui vui được kể lại như thế này: Một đoàn bộ đội cs từ rừng về đi ngang qua nhà một người dân. Thình lình đoàn người dừng lại, vừa nhác thấy một người đàn bà trạc tuổi 57, 60 đang ngồi nhai cơm mớm cho con ăn, người bộ đội ra dáng chỉ huy quay hỏi người đàn bà:

- Chị chỉ cho chúng tôi quán nước gần đây, chúng tôi vừa từ bưng về khát nước lắm.

- Vâng, các đồng chí cứ đi thẳng tới cuối đường thì rẽ trái, quán nước ở ngay đầu đường.

Rồi chừng như muốn làm đậm đà thêm câu chuyện, ắt hẳn muốn lấy cảm tình của người chiến thắng chăng, bà huyên thuyên nhanh nhẩu:

- Cám ơn các đồng chí cách mạng. Nhờ có các đồng chí mà người dân thành phố chúng tôi không còn sợ bị cộng sản pháo kích nữa. Cám ơn các đồng chí nhiều lắm(!)

Cả đoàn bộ đội nín khe, mặt mày tái mét, không biết trạng thái này là vì sốt rét rừng hay vì tác động bởi câu nói vô tình của người đàn bà kia. Riêng người bộ đội chỉ huy thì khuôn mặt đanh lại, lạnh lùng bước đi, chả buồn nói một lời cám ơn, hay chí ít một nụ cười.

Rồi thì những “hồ hởi, phấn khởi”gượng tạo ban đầu cũng qua, gia đình tôi bắt đầu phải đối mặt với những trận cuồng phong không thể tránh được. Đầu tiên Ba tôi bị ném vào trại “tập trung cải tạo”, nhưng thực chất là trại nhục hình dành cho quân nhân cán chính VNCH. Suốt một tháng ròng rã cs nhốt Ba tôi ở một nơi bí mật không ai hay biết. Mẹ tôi, người yếu như con sên sau khi sinh nở. Vì lo lắng cho Ba tôi mà Mẹ tôi gầy rộc đi, mắt Mẹ tôi lúc nào cũng mờ lệ. Tuy nhiên, khi có ai tò mò hỏi về Ba tôi, bà giữ im lặng bằng một nụ cười buồn không trả lời.

Thời điểm đó, không ai dám tin ai. Không ai dám nói thật những suy nghĩ của mình về chế độ mới, sợ người ta báo cáo lên phường để dâng công với chế độ. Hàng xóm láng giềng trước kia thân là thế, tối lửa tắt đèn có nhau, thế mà giờ trở nên e dè nhau, quan sát nhau. Ngày đó, các em tôi còn nhỏ dại, con nít chơi đùa với nhau, thằng em trai áp út của tôi lỡ tay ném viên gạch vào cửa sổ làm bằng kính của nhà hàng xóm, thế là họ làm lớn chuyện, đòi thưa em tôi vào tù. Mẹ tôi sợ lắm, vì gia đình có Ba làm cho chế độ cũ thì đã là cái gai trong mắt của chế độ mới rồi, cho nên mất bao nhiêu tiền Mẹ tôi cũng không tiếc, chỉ mong sao họ im lặng và bỏ qua cho. Thế là họ treo giá, một cái giá cắt cổ, Mẹ tôi bấm bụng bồi thường. Con dại cái mang, Mẹ tôi bảo vậy. Hàng xóm được nước càng lấn tới, ăn hiếp anh chị em tôi. Em gái tôi phẫn uất chịu không nổi, xin Mẹ đi học võ. Ban đầu Mẹ tôi ngần ngừ không cho, nhưng em tôi thuyết phục mãi, nào là “con học võ không phải đánh lộn với ai đâu, chỉ là giúp cho cường thân kiện thể thôi”, nào là “con gái phải biết võ, lỡ bị kẻ xấu tấn công thì cũng biết đường tự vệ” v.v… cuối cùng Mẹ tôi bằng lòng. Cũng nhờ có cô em gái biết võ, chúng tôi sống tự tin hơn.

Một ngày kia có người từ chỗ tạm giam Ba tôi trở về, lúc đi ngang nhà tôi, người đó ngó dáo dác xem chừng không có ai mới ném vào nhà tôi một mẩu giấy được xé từ hộp thuốc lá Captain, loại thuốc thường ngày Ba tôi vẫn hay hút. Mẹ tôi nhận ngay ra tuồng chữ của Ba tôi, và bà như ngất đi vì quá đỗi vui mừng. Ba tôi bị nhốt vào một phòng giam mà trước kia Ba tôi thường làm việc, để hỏi cung những người cộng sản nằm vùng chuyên đặt mìn trên xe đò, đặt plastic ở rạp hát làm chết dân hàng loạt. Người giúp chuyển lá thư của Ba tôi về cho Mẹ tôi là một cô gái ăn sương tốt bụng, cô nhìn thấy hoàn cảnh của Ba tôi đáng thương nên bất chấp sự hiểm nguy, nhận đưa thư về để mong Ba tôi được có người thân thăm viếng. Nếu không, vc sẽ nhốt Ba tôi dài hạn mà không cần kết án. (Đã có nhiều người lâm vào trường hợp giống Ba tôi mà đến nay vẫn còn ngồi tù, vẫn chưa có người thân đi thăm nuôi). Sau đó không bao lâu, Ba tôi chính thức đi trại nhục hình với lời hứa hẹn của vc là “chỉ đi 10 ngày rồi sẽ trở về nguyên quán”. Thật là một lời nói láo trơ trẽn nhất mà vc đã dùng để dối gạt người dân miền Nam, đặc biệt là đối với quân nhân cán chính VNCH và thân nhân của họ!

Giai đoạn năm 1978, 1980, phong trào vượt biên nở rộ. Đi đâu cũng nghe thiên hạ xầm xì chuyện vượt biên. Làm sao không vượt biên cho được khi quyền làm người đã bị tước đoạt? Chính sách bao tử trị của vc xem ra khá hiệu nghiệm, Người dân bị khuất phục và trở nên thụ động chỉ vì… Đói! Thật vậy, đói làm cho con người mất đi khả năng đối kháng, trở nên hèn yếu và nhu nhược. VC cố tình triệt hạ miền Nam bằng ba lần đổi tiền, đồng thời “Đánh tư sản mại bản”, dùng chữ cho hay thế thôi chứ thật ra là ăn cướp. Cướp sạch, cướp tới tận cùng của người dân miền Nam. Nhiều gia đình làm ăn tích lũy từ thời cha ông của họ, trở thành trắng tay qua một ngày “đánh tư sản mại bản”, có người treo cổ tự tử, có người bị sốc nặng trở thành điên loạn. Và ý tưởng vượt biên bắt đầu nhén nhúm trong lòng họ. Thế rồi những chuyến tàu vượt biển đầu tiên ra khơi. Có người đến được bến bờ tự do đã gởi thư về, càng thôi thúc những những chuyến tàu sau tiếp nối. Có người còn nói: “thà chết ngoài biển làm mồi cho cá mập còn hơn làm nô lệ cho chế độ khốn nạn này”. Và thế là họ đi. Già có, trẻ có, gái có, trai có, họ đi mà không nhận thức được nguy hiểm đang chờ họ phía trước. Họ phó thác cho số mạng, đi cái đã, rồi ra sao thì ra.

Tôi có một cô bạn, nhỏ hơn tôi vài tuổi. Khuôn mặt đẹp thánh thiện, và tâm hồn cô cũng thánh thiện. Cô đang học lớp 9 thì bỏ học ngang xương. Tôi hỏi: “sao em lại nghỉ học?”. Cô buồn buồn trả lời: “Học làm gì chị ơi. Học cho lắm lên ĐH cũng bị đánh rớt à”. Tôi biết cô nói đúng, “học tài thi lý lịch” là câu châm ngôn mà bọn trẻ thời đó thường hay nói. Nhưng tôi cũng cố tìm lời an ủi: ‘Thì kệ đi, mình học để tích lũy kiến thức cho mình, chứ bỏ học là mình chịu dốt sao?”. Cô nháy nháy mắt: “mà chắc gì em ở lại VN đâu mà học chị?”. Tôi chột dạ: “Cái gì? Em tính đi đâu mà không ở VN?”. Cô đưa ngón tay trỏ lên môi: “suỵt!” Tôi hiểu ý, không nói nữa.

Một tháng sau, tôi nhận được tin báo: “H.T đi vượt biên vì hết nước uống và lương thực, nên bị ăn thịt chết rồi!”. Bàng hoàng, sửng sốt, tôi không tin vào tai mình. Cách một tháng trước tôi còn nói chuyện với cô ấy mà. Không, tôi không tin có chuyện đó. Người dân xứ tôi hay đồn thổi lắm. Nên chuyện này chắc chắn chỉ là lời đồn thôi. Nhưng không, khi tôi tìm tới nhà cô bạn tôi để xác minh, thì trời ơi, ngay giữa nhà là một chiếc bàn thờ với tấm di ảnh của người bạn nhỏ. Tôi òa khóc nức nở. Lòng tôi tê điếng. Trở về nhà với tâm trạng nặng trĩu như mang một tảng đá trong lòng, tôi nhủ thầm: “Mình sẽ viết lại những gì mình chứng kiến, hầu để cho lớp trẻ sau này hiểu rõ hơn cái gọi là “giải phóng” của csVN. Tất cả người dân, Bắc cũng như Nam, đều bị vc dối gạt hết rồi”.

Và đến bây giờ, sau hơn 40 năm, dân mình vẫn còn bị gạt…

 Tháng tư đen thứ 41
4/15/2016
Hồn Nhiên
@Danlambao

Thursday, April 14, 2016

Giàu có không phải là trong túi mình có bao nhiêu tiền ,
mà là mình dám cho đi bao nhiêu .

Bà Ariane Nelson , ở Mỹ , đang đứng đổ xăng thì 1 cậu bé da đen chừng 17-18 tuổi rụt rè đến bên bà hỏi xin bà mua giùm cho cậu 1 chai sữa tươi . Thoạt đầu bà định nói không , nhưng khi vào tiệm trả tiền thì bà lại đổi ý mua sữa cho cậu .
 
Cậu bé cám ơn bà rối rít rồi cầm chai sữa chạy vội đến bên cô bạn gái đang đứng chờ . Bà Nelson đã quay đi rồi , nhưng có cái gì đó thôi thúc bà ng...oái đầu lại nhìn xem họ làm gì . Thì ra cô bé cầm trên tay 1 tô ngũ cốc , cậu đổ sữa vào cho cô ăn sáng .
Thấy vậy , bà Nelson đến bên và hỏi thăm hoàn cảnh 2 người . Được biết cả 2 đều nghèo , cha mẹ không lo được , nên 2 người phải dựa vào nhau để sống . Họ không có việc làm và mấy ngày rồi họ chỉ ăn ngũ cốc thay cơm .
 
Ngoc Nhi Nguyen's photo. Bà Nelson liền nói " Vậy cậu rửa xe cho tôi đi , tôi sẽ trả cậu $20 " . Cả 3 người đến chỗ rửa xe tự động gần đó và cậu bé rửa xe cho bà thật cẩn thận . Lúc cầm tờ $20 bà trả , cậu bé ứa nước mắt cám ơn . Cậu nói , đã lâu rồi cậu chưa tìm được việc làm , tiền ăn uống mấy ngày qua của họ là do cô gái chi trả . Cậu rất vui mừng vì hôm nay cậu đã có thể là 1 người đàn ông chân chính , kiếm tiền bằng sức lao động của mình để lo cho bạn gái .
 
Cảm động vì thái độ và tư duy của cậu , bà Nelson dẫn họ về nhà , lấy 1 bộ quần áo vest cũ của con trai bà cho cậu , để cậu có quần áo đàng hoàng mặc đi xin việc , hướng dẫn cậu cách điền đơn và cách trả lời phỏng vấn sao cho dễ kiếm được việc hơn . Cậu nhỏ cám ơn bà đã giúp cho cậu lấy lại sự tự tin và hứa với bà sẽ cố gắng thật tốt để sống làm người tử tế .
 
Bà Ariane Nelson đăng câu chuyện trên lên FB của mình . Bà nói " Tôi không giàu có gì , chỉ vừa đủ ăn đủ mặc . Nhưng theo tôi nghĩ sự giàu có không nằm ở chỗ mình có bao nhiêu tiền , mà ở chỗ mình cho đi được bao nhiêu ! "
 
Đọc thêm :  Neusner
 

Wednesday, April 13, 2016

Nửa Hồn Xuân Lộc
 
Nếu được như bố già thượng sĩ
Nghe tin lui quân chỉ nhìn trời,
Vỗ về nón sắt, cười khinh bạc,
Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi.
Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc
Lại muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
Cay nồng mắt người gục trên vai.
Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,
Khóc theo, vợ lính cả trăm người!
Em biết dù tim ta sắt đá
Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.
Mây xa dù quen đời chia biệt
Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!
Bí mật lui quân mà đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi.
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung đứt đoạn rồi.
Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi!
Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết
Như một vành tang bịt đất trời!
Chân theo quân rút, hồn ta ở
Sông nước La Ngà pha máu sôi
Thương chiếc cầu tre chờ thác lũ
Cuốn qua Xuân Lộc khóc cùng người
Ta đi, áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,
Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,
Vườn nhà em chuối chín vàng tươi.
Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,
Cho bầy gà nắm lúa đang phơi,
Chôm chôm hai gốc đong đưa võng,
Ru nắng mùa xuân đẹp nụ cười...
Nếu được đưa quân lên Định Quán
Cuối cùng một trận cũng là vui
Núi Chứa Chan kia sừng sững đứng
Sư đoàn 18 sao quân lui?
Thân ta là ngựa sao không hí
Cho nỗi đau lan rộng đất trời
Hồn ta là kiếm sao không chém
Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.
Hỡi ơi! chân bước qua Bình Giã
Cẩm Mỹ nhà ai khói, ngậm ngùi!
Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
Xóm làng Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
Đêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút
Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người
Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi,
Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui
Ta biết dưới hầm em đang khóc
Thét gầm pháo địch dập không thôi...
Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc
Ta muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ em buồn, không nói được
Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!
Ngại phút rời xa em sẽ khóc,
Bao người vợ lính sẽ buồn theo
Yếu đuối tim ta người chiến sĩ
Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu.
Rút quân bỏ lại đời ta đó,
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời,
Lửa ngút, trái tim ta lửa ngút,
Trái tim người lính mới yêu người.
Vì bí mật quân, ta đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn,
Núm ruột miền Trung càng xa vời.
Sáng mai chắc chắn em buồn lắm
Sẽ trách sao ta lại phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi
Cao nguyên bài học đầy cay đắng
Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi...
Ta chẳng muốn làm người bại trận
Thành người tình phụ đó em ơi.
Ðêm nay quân rút hồn ta ở
Nhìn nước La Ngà pha máu sôi,
Thuơng chiếc cầu chờ cơn thác lũ
Tràn qua Xuân Lộc cuốn theo người.
Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,
Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận
Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi.
Em hỡi, em thương đàn thỏ trắng,
Bầy gà mất mẹ sống mồ côi
Em hỡi em thương người lính trận
Người lính đêm nay phụ bạc rồi.
Bao năm ta trọn tình đất đỏ,
Một phút này thôi thẹn với đời
Sốt rét đêm run, ngày không ngã
Bao lần máu đổ dửng dưng cười.
Một phút này thôi, hừ lại ngã,
Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơi.
Nếu được đưa quân lên Ðịnh Quán,
Cuối cùng một trận cũng là vui.
Sáng mai chân bước qua Bình Giã,
Cẩm Mỹ nhìn lui luống ngậm ngùi!
Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy,
Một trời Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
Muôn năm em hỡi trời xuân Lộc
Giữ nửa hồn ta mãi với người.
Giữ nửa hồn ta bên chiếc võng
Dưới giàn thiên lý bóng trăng soi...
Ðêm nay quân rút sầu riêng rụng
Trong vườn em và trong tim tôi!
Tôi sợ một ngày mai bại trận
Ðể em côi cút lại trên đời.
Nếu phải một ngày mai bại trận
Ðêm nay sao ta lại bỏ người!
Em hỡi, dưới hầm ai đang khóc,
Thét gào pháo địch mãi không thôi.
Xuân Lộc trời ơi Xuân Lộc cháy
Ai gọi tôi về trời Gia Rai!!

Nguyễn Phúc Sông Hương
Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 3, Trung đoàn 48, SĐ 18 BB
Xem thêm :