Wednesday, July 31, 2013

Japan vs China

MỘT BỨC THƯ CỦA NGƯỜI NHẬT
VIẾT CHO NGƯỜI TRUNG HOA LỤC ĐỊA
 
Nhứt châm kiến huyết (Kim châm rỉ máu), lời vàng ngọc, chúng ta cần phải thực sự kiểm thảo và phản tỉnh.
 
Là một người Nhật Bản, tôi có đôi điều muốn cùng các bạn chia sẻ nơi đây về cái nhìn của tôi đối với người Trung Hoa. Tôi trước kia là một du học sinh của trường đại học Trung Quốc Nhân Dân, tôi đã ngu khờ sống ở Hoa Lục đến 5-6 năm, vì vậy tôi tin rằng tôi hoàn toàn có đủ tư cách để nói lên cái nhìn của tôi.

Về địa lý, Nhật Bản và Trung Hoa rất gần nhau, nhưng mà về tính cách thì hai dân tộc lại xa nhau một trời một vực, người Hoa Lục (Trung Cộng) cho tôi cảm nhận cái ấn tượng lúc ban đầu là rất tốt, nhưng về lâu về dài, thì những khuyết điểm đều bạo lộ hết ra ngoài, người Hoa Lục nhát gan, nịnh hót, hèn yếu, hư ngụy, xảo trá, thích làm tài khôn, và cái điều làm cho tôi không thể nào lý giải được là tại sao người Hoa Lục tự đối đãi với chính đồng bào ruột thịt của họ thì rất ư là vô tình, nhưng lại đối đãi với người ngoại quốc thì họ rất khép nép và cung kính.

Lúc tôi mới vừa đến Hoa Lục, bất quá thì tôi chỉ là một tên học trò nghèo khó, ấy thế mà tôi lại được đãi ngộ như là một “siêu quốc dân”, kinh nghiệm của nhiều năm ở đó, cho tôi một ấn tượng rất sâu đậm, người Hoa Lục chẳng khác nào một thau cát rời rạc, người Hoa Lục đoàn kết một lòng là có, nhưng điều đó chỉ xảy ra ở vào những thời điểm đặc biệt, tỷ dụ như dân tộc họ đang đối diện với sự diệt vong, nhưng mà đó lại cũng không phải là một sự đoàn kết triệt để nữa, người Hoa Lục đối diện với Ngoại Đấu và Nội Tranh thì hầu như nghiêng về phần Nội Tranh nhiều hơn, người Hoa Lục hận nhứt là Hán Gian. Tôi không phải là kẻ xâm lăng (đối với vấn đề xâm chiếm Trung Hoa, tôi tôn trọng lịch sử, thừa nhận đó là cái lỗi lầm của Nhật Bản), người Hoa Lục đã nuôi dưỡng các cô nhi của chúng tôi trong thời kỳ chiến tranh, thế mà họ đã nhẫn tâm tàn hại đồng bào của họ ở thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (thậm chí là giữa thân tình với nhau), những điều này thật tình tôi không làm sao mà hiểu nổi, nếu không phải là người Hoa Lục thì chẳng ai có thể mà hiểu được, các bạn là người Hoa Lục các bạn làm sao lý giải, nếu như nói người Hoa Lục là lương thiện, hư ngụy việc chi, tôi thật chẳng biết đó là chuyện gì, nếu như người Hoa Lục đơn thuần không có việc nồi da xáo thịt, thì đây có thể nói là lương thiện, nhưng khi xảy ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa, thì tình huống đã đổi khác, thật tình mà nói, đối với việc làm của các bạn, tôi thấy chẳng có điểm nào để gọi là cảm ơn, nếu có thì chỉ là nghi vấn và không thể nào lý giải mà thôi.

Còn nữa, tôi cũng không thể nào hiểu nổi tại sao các bạn lại không nhận khoản tiền bồi thường sau chiến tranh của Nhật Bản, không có một dân tộc nào giống như dân tộc người Hoa Cộng đối nội thì tàn bạo, nhưng đối ngoại thì lại ẩn nhẫn. Điều này đã làm cho tôi liên tưởng đến sự quan hệ giữa Do Thái và Đức Quốc. Thật lòng mà nói tôi rất thán phục người Do Thái, thái độ không khoan thứ không nhờ vả đối với người Đức của họ, đã tỏ rõ sự trọng thị quyền lợi và giá trị tự kỷ, họ không tha thứ người Đức, nhưng người Đức rất kính trọng họ, ngược lại, tại phương Đông, hiện thực người Nhật Bản rất khinh thị người Trung Hoa, các bạn vứt bỏ bồi khoản, các bạn tha thứ chúng tôi, chúng tôi vẫn hận các bạn, khinh thị các bạn, bỉ thị các bạn, nguyên nhân không phải tại chúng tôi, mà là do bởi tự chính các bạn, các bạn tự khinh tự tiện (đê tiện), người ngoài cũng không làm sao có cách để giúp các bạn, người Hoa Lục không có huyết tính, ý khí đã bị mài cùn lụt hết rồi, cái còn lại chỉ là hơi tàn, tự ti, và ngôn ngữ của các bạn hiện là sùng bái Tây Dương với cung cách nịnh hót để làm cho Ngoại Nhân vui thích.

Các bạn tự cho là Văn Minh Cổ Quốc, nhưng ngoại trừ những kiến trúc giết người rùng rợn, những văn vật trong các viện bảo tàng, sinh hoạt của người Hoa Lục trong hiện thực, có còn lưu lại cái bóng dáng văn minh truyền thống hay không? Không sai, Nhật Bản đã từng chịu sự ảnh hưởng văn minh của Trung Hoa trong thời gian dài lâu, nhưng mà hiện tại sự bảo tồn văn hóa và duy trì được như xưa của người Hoa Lục lại chỉ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Tân Gia Ba, chứ không ở Hoa Lục. Các bạn đem thành tín, tiết nghĩa, lễ nghi, tứ thư ngũ kinh coi như bốn thứ đồ phế thải mà quét vào bãi rác, tiếng nói là kiến lập một xã hội mới, có ngờ đâu lại như thế này, các bạn dĩ nhiên là thấy rõ ràng hơn chúng tôi, một đằng thì tham ô hủ bại (lời quỷ dối người của các bạn: “hủ bại là vấn đề mà các nước trên toàn thế giới đều phải đối diện”), tham bạc mê vàng, ca kỹ dâm ô, chơi chó đua ngựa, còn đằng khác thì nghèo đến nổi cơm ăn chẳng đủ no. Làm đồ giả, Hoa Cộng không ai địch nổi, thổi phồng nói dóc, thấy lợi quên nghĩa, các bạn không có tín ngưỡng, tin chủ nghĩa Marxisme. Nếu mà Marx có biết được cái chủ nghĩa của ông ta mà là một cái xã hội như vậy, chắc là ông ta cũng phải tức chết đi thôi, tinh thần rỗng tuếch, chẳng ai tin ai, thật không thể nào mà trách một cái thau cát rời rạc, người Hoa Lục hiện tại, với mức độ vô tri, ngu muội như thế nếu thụt lùi trở về ở thời của năm 1895 thì cũng chẳng tốt hơn được là bao nhiêu.

Trung Cộng là một đại quốc, nhưng mà về chính trị thì tuyệt đối là một kẻ yếu, các bạn từng trào tiếu Nhật Bản chúng tôi là chính trị ải tử (thằng lùn), nhưng mà chúng ta thử so sánh chế độ xã hội, coi xem cái xã hội nào trên thế giới ăn ngủ được ngon, xã hội chủ nghĩa chỉ còn có vài ba nước mà thôi, lại không đoàn kết, chuyên chế, độc tài, thế giới chẳng hoan nghinh, nhưng vì Trung Cộng bạn quá to lớn, cho nên được thấy là trọng yếu, nhưng các bạn vẫn luôn là đối tượng ở thế công chính trị đối với Tây phương, chưa bao giờ tự chủ động xuất kích (để cải thiện), lý do là vì các bạn không làm, nhân quyền bị thế giới lên án bao nhiêu năm? Ai đem nhân quyền là quyền sống tối đại của con người đi giáng cách (chà đạp nhân quyền)? Cách Mạng Văn Hóa, Bước Đại Nhảy Vọt, bao nhiêu cái sai lầm của chính phủ của các bạn, các ca xướng gia của các bạn vẫn hát: người dẫn đường cải cách khai phóng, dắt chúng tôi đi về hướng thời đại mới. Giờ thì không còn người dân Hoa Lục nào ngoan ngoãn, nghe theo, ở vào thời đại văn minh như ngày nay, thì cái tình huống như thế thật là hiếm có rồi.

Các bạn người Hoa Lục đang tự hủy hoại chính mình, trí tuệ của chính mình, tài nguyên của chính mình. Kinh tế Hoa Lục các bạn phát triển nhanh, cái giá phải trả có xứng đáng không? Tài nguyên khô kiệt, môi trường sinh thái bị ác hóa. Nguồn tài nguyên năng lượng tuyệt vời của tỉnh Sơn Tây của các bạn, đã bị chính các bạn hoang phí hủy hoại đến thế nào, kinh tế lạc hậu, dân sinh suy thoái, tham quan hoành hành. Các bạn có biết chăng, thời Trung Hoa Dân Quốc thống trị Hoa Lục, Sơn Tây hãy còn là một tỉnh mô phạm, các bạn cũng chẳng biết địa vị của Sơn Tây trong lịch sử Trung Hoa, kinh tế của tỉnh Sơn Tây thịnh vượng ở thời Thanh triều, một nửa số quan tể tướng ở thời nhà Đường đều xuất thân từ tỉnh Sơn Tây, địa vị của Sơn Tây cao hơn xa so với thành phố Thượng Hải mà các bạn đã từng tự hào huênh hoang khen tặng, bây giờ các bạn hãy thử nhìn Sơn Tây, là sẽ biết ngay cái gì là cái khoảng cách giữa lịch sử và hiện thực rồi (GDP bình quân đầu người Hoa Lục là số 1 từ dưới chót đếm lên). Các bạn hoang phí và hủy hoại tài nguyên như thế, giả sử như Sơn Tây được mang cho Nhật Bản, chúng tôi sẽ rất trân trọng như là tổ tiên mà cung phụng để phát triển Sơn Tây, và Sơn Tây sẽ giàu mạnh hơn nhiều so với Bắc Kinh, Thượng Hải cường thịnh mà các bạn đã từng trọng thị. Các bạn kinh tế phát triển nhanh, rồi mừng rỡ mà dùng cái quái gì là Thượng Hải, là Bắc Kinh làm cửa sổ để ngắm nhìn, ngu xuẩn quá! Hai thành phố đó chiếm diện tích Hoa Lục là bao nhiêu, dân số bao nhiêu? Các bạn trường kỳ khinh thị nông dân, 9 trăm triệu nông dân mà không chiếu cố tốt cho họ, Hoa Lục các bạn sẽ phải đối diện với đại loạn rồi đó.

Lúc ở Bắc Kinh tôi đã có nói chuyện với một bà lão người đến từ tỉnh Sơn Đông, bà là người đã dắt hai đứa con gái của bà đến Bắc Kinh để cùng bán dâm, bà nói, nhờ ở thân xác mình mà có cơm ăn, không xấu hổ đâu, có xấu hổ chăng là cái xã hội này kìa, vì hơn 40 năm trước, chính quyền sở tại đã khua chiêng gióng trống mang mấy nghìn dân bản xứ (Sơn Đông) di dân đến Tân Cương, đưa đến vùng hoang vu sơn dã, để họ tự sinh tự diệt, số người bị chết nơi đó không biết là bao nhiêu, nhưng họ vẫn không cho trở về Sơn Đông, lén trốn về Sơn Đông cũng chẳng ích gì, Chính quyền nói, họ chẳng phải là người Sơn Đông, không có hộ khẩu, mấy mươi năm lưu lạc, tìm ai để đòi công lý? Những niềm vui công trạng lớn của các bạn, mấy chục tỷ công trình nói làm là làm, chúng tôi những người bị các bạn coi là nghững người Nhật Bản “khó tính”, Hoa Lục giàu, nhưng mà số người thất nghiệp lại gia tăng, thêm một người thất nghiệp là xã hội sẽ có thêm một nhân tố bất ổn định cho xã hội. Các bạn không giải quyết, thu nhập của nông dân thấp, các bạn không quan tâm, khoảng cách giàu nghèo càng xa, các bạn lại làm như là chẳng thấy gì, cái mà các bạn thích là người ngoại quốc tán dương, cái điểm này nhiều người đã thấy rất rõ, các bạn hư vinh, xa xỉ, xã hội của các bạn hỗn loạn, các bạn lại muối mặt không biết xấu hổ mà dám nói là thời của người Nhật đã hết rồi, Hoa Lục Cộng Sản đã vượt xa Hoa Kỳ rồi, ha ha, cái nhìn thiển cận!

Các bạn bất quá chỉ mới “cởi mở” hai mươi mấy năm, mà đã láo khoét như vậy, kinh tế Nhật Bản đang đình trệ, các bạn liều mạng “phát triển” mười năm vẫn không đạt được 1/4 tổng sản lượng kinh tế của Nhật Bản, vậy mà dám nói vượt xa Hoa Kỳ, chuyện thần thoại chăng? Còn nữa, tình hình thế giới không tốt cho các bạn, nhưng mà Nhật Bản, nhờ vào chế độ ưu việt, người dân thật lòng, cùng với sự chân thành giúp đỡ của Tây Phương, là lý do đủ để tái phục hồi. Còn Hoa Lục bởi hình thái ý thức, chế độ, với Hoa Kỳ hoặc với các nước tự do khác không thể dung nhập cùng nhau, Hoa Lục ổn định cái gì, một khi mà xã hội hỗn loạn, kinh tế băng hoại, các nước xung quanh không có ai ủng hộ, cũng bởi vì nước của các bạn trước sau vẫn luôn cho người ta cái nhìn phản cảm. Bởi vậy Nhật Bản tuy thua trận, vẫn có cơ hội vươn lên, Hoa Lục thua, chắc chắn sẽ hoàn toàn chia năm xẻ bảy. Các quốc gia xung quanh đều mong muốn Hoa Lục như vậy, nước Nga chẳng muốn các bạn được yên, Ấn Độ hận các bạn, Đông Nam Á hận các bạn, bởi vậy hoàn cảnh của các bạn rất là tệ hại và bấp bênh, ấy thế mà các bạn vẫn chẳng hề thấy được cái nguy cơ đó, vẫn cảm giác lương hảo, như vậy rõ ràng là quá ngu muội.

Trong những sắc dân Đông Phương, chúng tôi tôn kính người Hàn Quốc, bởi vì họ và chúng tôi rất giống nhau, có máu có thịt, dám nói dám làm, lịch sử của chúng tôi và của các bạn đã từng có vấn đề va chạm nhau, người Hàn Quốc từ ông tổng thống đến quốc dân đều có thể kháng nghị, Trung Cộng thì chỉ có vài ba người phát ngôn của Bộ Ngoại giao với sự hiểu biết thiển cận không biết khinh trọng chỉ biết ở đó ý ý á á. Ha ha, đấy là cái sự khác biệt đó, Người Hàn Quốc hận chúng tôi, nhưng chúng tôi kính trọng người đối thủ này, bạn hận hay không hận chúng tôi, chúng tôi cảm nhận không có chuyện gì để nói, bởi vì tính cách của các bạn, phẩm hạnh của các bạn cho thế giới thấy rõ, người Hoa Lục không có tính thẳng thắn, cương trực. Hiện tôi đang suy nghĩ, không quên việc trước (lịch sử) sẽ là thầy của việc sau (tiền sự bất vong hậu sự chi sư), như vậy, cuối cùng, giữa Nhật và Hoa Cộng ai là người đã bỏ quên lịch sử?

Chúng tôi tham bái thần xã, sửa lại sách giáo khoa lịch sử, nói rõ là chúng tôi không có quên cái giai đoạn lịch sử đó, còn các bạn? Những người bị hại trong thế chiến thứ hai? Các bạn chỉ vì lo tranh chấp trong đảng phái, mà không nghĩ đến đại nghĩa của dân tộc. Nói gì đến cái chuyện trong 8 năm kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Hoa, sách sử của các bạn viết về giai đoạn lịch sử đó so với chúng tôi sao nó quá mơ hồ không rõ ràng, là bởi vì các bạn tự bóp méo lịch sử, ha ha! (Một lần nữa cho thấy rõ là nội tranh nặng hơn ngoại kháng) các bạn chửi chúng tôi là không nhìn thẳng vào vấn đề xâm lược Trung Hoa, làm thương tổn đến cảm tình người dân Hoa Lục, thế còn các bạn thì sao? Qua nhiều lần vận động “cải tổ” chính trị, các bạn đã có nhìn thẳng vào sự bức hại của mình đối với người dân hay chưa? Có nhìn thẳng vào sự hủy hoại của cách mạng văn hóa hay chưa? Các bạn cần phải trực thị với rất nhiều điều sai lầm đó, Đó là do ai (?) đã làm tổn hại cảm tình của người dân Trung Hoa vậy hở? Làm phim Tàn sát thành Nam Kinh, trong số các bạn lại có những người vô lương đã thốt lên là tại làm sao không có nhiều màn hiếp dâm trên ống kính.

Các bạn người Hoa Lục là cái kiểu như vậy, làm sao kêu người ta chấp nhận được hỉ, các bạn có thể không có khả năng, nhưng các bạn lại còn không cần đến nhân cách, người Mỹ đánh chúng tôi đến gần chết, chúng tôi không hận họ, chúng tôi bội phục họ, Hàn Quốc bị chúng tôi thống trị qua, bây giờ họ đã thành công lập được kỳ tích kinh tế, họ dám tranh đấu và dám làm, chúng tôi kính phục họ, còn các bạn người Hoa Lục cộng sản thì chẳng có được một cái điểm nào để cho chúng tôi coi trọng cả, hãy cố gắng phản tỉnh đi, các bạn đất rộng và giàu tài nguyên, lịch sử lâu đời, thế mà phải thua dưới tay chúng tôi, các bạn không cảm thấy xấu hổ hay sao? Một cái thau cát rời rạc sinh ra đầy chật ních đám người toàn chia rẽ, thời đại của các bạn giờ còn có thể sinh ra được những chí sĩ gì nữa hay không? Trung Hoa Dân Quốc còn có Lỗ Tấn, Thái Ngạc, Chu Tự Thanh là những người mà chúng tôi bội phục. Bây giờ các bạn ngoài những tay tham quan, hư hoa học giả, những phần tử tư tưởng khiếp hèn, thì còn có cái gì nữa đâu? Các bạn chẳng đã từng nói muốn vun bồi tài năng người bản địa để họ được làm chủ nhân của những giải thưởng hòa bình Nobel hay sao? Tại vì sao đến bây giờ vẫn chẳng có được vậy? Vụ máy siêu điện toán dùng chip Loongson của các bạn, tần số chủ mới chỉ có 266Hz (Hertz), thế mà dám lớn lối thổi phồng đòi thương nghiệp hóa, ha ha! Người Hoa Lục, chúng tôi kính phục các bạn cái gì chứ? Người cùng cội rễ đồng tông Tân Gia Ba ở thời kỳ SARS cũng đã phải chế tài các bạn một lúc, sự kiện La Cương, đã làm cho người ta không làm sao hiểu nổi, hởi những người Trung Hoa chia rẽ, người Do Thái tề tâm như thế ấy, các bạn lại phân hóa như thế này, các bạn một tỷ mấy người, một tỷ mấy cái tư tưởng rời rạc, chúng tôi một trăm triệu người Nhật Bản đều cùng nhau suy nghĩ làm sao để đưa quốc gia chúng tôi thoát ra khỏi cảnh khó khăn, tất cả chúng ta đều cùng sống trên quả địa cầu này, rõ thật thú vị lạ lùng!

*Sự kiện La Cương: Đài phát thanh tỉnh Hồ Nam, ngày 25/02/2003 lúc 0giờ 16 phút do ông La Cương phụ trách chương trình trực thoại truyền thanh, có phát đi lời nhục mạ người Hoa Lục của một thính giả người Nhật tên là Tiểu Nguyên Kính Thái Lang trong 3 phút. Kết quả là ông La Cương và một số đồng sự bị cho nghỉ việc cũng như bị phạt vạ tiền.

Địa lý,Nhân Văn,Xã Hội và Chính Trị của Trung Quốc, như thế nào?
 
1) Nếu Tân Cương và Tây Tạng độc lập thì Tàu chỉ còn 1 nửa
2) Nếu Hoa Nam tách ra thì Tàu chỉ còn 1/4
3) Nếu Nội Mông va Mãn Châu tách ra thì Tàu chỉ còn 1/8 diện tích hiện nay
Tức là Tàu chỉ còn bằng diện tích của 3 nước Đông Dương gộp lại.
Cho nên Tàu sẽ tìm mọi cách, kể cả phải chiến tranh tận diệt với Mỹ để không bị vỡ ra từng mảnh. Vì vỡ ra có nghĩa là mộng bá chủ toàn cầu của Đại Hán sẽ tan ra mây khói.
 
@calitoday  -  ngoclinhvugia

Tuesday, July 30, 2013

USA

Hoa Kỳ dung tam tế

Ðừng bị ù tai vì nhiễu âm - nên nhìn vào thực tế kinh tế quốc tế...

Từ vài tháng qua, người ta bắt được nhiều tín hiệu trái ngược về tình hình kinh tế toàn cầu sau năm năm chấn động. Trong các nền kinh tế công nghiệp hóa, Hoa Kỳ đã phục hồi nhanh nhất. Âu Châu chưa ra khỏi cơn khủng hoảng và Nhật Bản mới bắt đầu áp dụng những giải pháp cải tổ táo bạo để đẩy lui làn sóng suy trầm. Ngoài thế giới công nghiệp hóa, nền kinh tế có sản lượng thứ nhì của thế giới là Trung Quốc cũng khởi sự cải cách và có đà tăng trưởng thấp hơn. Rốt cuộc, kịch bản “Tàu vượt Mỹ” chỉ là ảo vọng...
 
 Giữa khung cảnh đó, vụ thành phố Detroit bị vỡ nợ vì thu vào không đủ cho gánh nợ hơn 18 tỷ, trong đó phân nửa là nghĩa vụ về hưu bổng và y tế phải chi ra mà chẳng có nguồn thu. Ðã vậy, hôm 24, Tổng Thống Barack Obama lại mở chiến dịch vận động dư luận cấp cứu kinh tế với lối giải thích kỳ lạ về nguyên do của tổng suy trầm và hậu quả cho giới trung lưu.

Tức là kinh tế Hoa Kỳ chưa phục hồi?
 
Hôm Thứ Hai 29 tháng 7, đến lượt một chuyên gia cao cấp của Bắc Kinh đả kích lập luận bi quan về triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Justin Lin (Lâm Nghị Phu) là người có thẩm quyền: Từ Ðài Loan đào thoát qua Hoa lục năm 1979, ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Chicago để là viên chức ngân hàng Trung Quốc, rồi qua làm phó chủ tịch và kinh tế trưởng của Ngân Hàng Thế Giới từ 2008 đến năm ngoái, trước khi về làm cố vấn kinh tế cho lãnh đạo Bắc Kinh.
Nghĩa là kinh tế Trung Quốc chưa đến nỗi nào?
Bài viết này không đề cập đến chuyện “kinh tế cũng là chính trị” - xin để tuần sau! - mà cố trình bày những nguyên nhân sâu xa hơn, khiến Hoa Kỳ đã phục hồi sớm nhất trong các khối kinh tế lớn của thế giới. May ra, ta khỏi bị hiểu lầm về những lý luận hàm hồ của các chính khách.
***
Trước hết, thế giới trôi vào khủng hoảng tài chánh rồi suy trầm từ năm 2008 vì lý do chính là vay mượn quá nhiều sau khi tiêu thụ quá mức tiết kiệm. Nói đến điều ấy, ai cũng có thể nghĩ Hoa Kỳ là thủ phạm vì tiêu thụ chiếm đến 72% của tổng sản lượng, trong khi các nước đang phát triển, kể cả Trung Quốc, đã có mức tiết kiệm rất cao và nhờ vậy mà có tiền cho Mỹ vay để duy trì một thất quân bình quá lớn và quá lâu, đến vài chục năm.
 
Trong hoàn cảnh đó mà bảo Hoa Kỳ hồi phục sớm nhất là một nghịch lý nhuốm mùi “phục Mỹ”...
Thật ra, trong sự vận hành của kinh tế toàn cầu với tác động tương hằng từ xứ này qua xứ khác, lời phê phán đạo đức chỉ là chính trị. Thí dụ như dân Ðức hy sinh tiết kiệm cho dân Hy Lạp tiêu xài quá mức nên mới gây khủng hoảng trong khối Euro. Hoặc Bắc Kinh thắt lưng buộc bụng người dân để lấy dự trữ ngoại tệ rất cao cho Mỹ vay nhằm gây sức ép với Hoa Kỳ... Truyện ngụ ngôn con ve sầu ca hát và tiêu hoang nên mắc nợ con kiến chắt bóp tiết kiệm chỉ là... truyện.
Sự thật lại đơn giản như một bản kế toán. Xin lỗi quý độc giả về chuyện khó hiểu này!
 
Quốc gia nào cũng có hai sinh hoạt là sản xuất và tiêu thụ. Khi sản xuất nhiều hơn tiêu thụ thì được một khoản dư dôi là tiết kiệm. Nếu tiết kiệm nhiều hơn số đầu tư thì được thặng dư trong cán cân chi phó hay trương mục vãng lai. Số thặng dư phải được đầu tư ra ngoài, tức là xuất cảng tiền tiết kiệm, hay xuất cảng tư bản. Ngược lại, nếu tiết kiệm nội địa ít hơn đầu tư thì phải nhập cảng tiết kiệm, hay tiếp nhận đầu tư của nước ngoài. Theo định nghĩa kế toán, trương mục vãng lai và trương mục đầu tư phải cân bằng, với kết số bằng số không. Thâm hụt trương mục vãng lai phải được bù đắp bằng tư bản nhập nội.
 
Từ khái niệm trừu tượng đó, xin nhớ thêm rằng xuất cảng tư bản có nghĩa là nhập cảng số cầu từ nước khác. Vì vậy, khối tiết kiệm và tiêu thụ mới ảnh hưởng đến ngoại thương, xuất nhập cảng. Chính sách ngoại thương là kết quả của tình trạng chi thu, tiêu thụ và tiết kiệm bên trong. Và các nước muốn can thiệp vào ngoại thương để nâng xuất cảng và giảm nhập cảng thì có thể nghĩ đến giải pháp hối đoái, như phá giá để dễ hàng bán ra với giá rẻ hơn và giảm số nhập cảng vì giá đắt hơn.
 
Những biện pháp can thiệp này tác động ngược vào số tiêu thụ và tiết kiệm nội địa...
Sau mấy trăm chữ về một chuyện khó hiểu, xin trở lại vấn đề chính là sức tiết kiệm của từng nước. Dĩ nhiên là nó tùy vào nếp văn hóa, tâm lý bi quan hay lạc quan về tương lai, mà cũng lệ thuộc vào chánh sách kinh tế hay những ràng buộc về tổ chức, với chỉ dấu tổng hợp là mức tiêu thụ so với tổng sản lượng.
 
Mức trung bình của nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu là ở trên 50% tổng sản lượng GDP. Hoa Kỳ có số tiêu thụ quá cao (tiết kiệm quá thấp), bằng 70-72%. Trung Quốc thì ngược lại, với số tiêu thụ chỉ bằng 35-37% tổng sản lượng.
 
Yếu tố quan trọng nhất là các khối kinh tế này không biệt lập mà tác động vào nhau. Việc Mỹ phải nâng mức tiết kiệm (giảm mức tiêu thụ) lại liên hệ với việc Trung Quốc phải tăng mức tiêu thụ. Sợi dây chuyển lực giữa hai nhu cầu này là ngoại thương, và gián tiếp hơn, là hối suất đồng bạc.
Nhưng việc điều chỉnh còn tùy thuộc vào tình trạng khép mở, tự do nhiều hay ít, của hai nước.

Hoa Kỳ trôi vào khủng hoảng vì nợ cao, tiết kiệm thấp do nhiều yếu tố tâm lý (lạc quan) hay chính trị, thậm chí sự hao tốn cho chiến tranh. Yếu tố quan trọng là vì có nền kinh tế mở nhất, với cơ chế linh động nhất: Thế giới càng tiết kiệm nhiều dân Mỹ càng tiêu thụ mạnh và tiết kiệm của thiên hạ tràn vào Mỹ càng tạo ra thịnh vượng và hiệu ứng là tâm lý phồn vinh... giả tạo.
 
Năm năm qua, Hoa Kỳ đụng đáy sớm nhất, dân chúng bóp bụng trả nợ, doanh nghiệp gia tăng tiết kiệm và đang xây dựng lại một nền móng quân bình hơn. Mức độ tự do của cơ chế khiến nước Mỹ ứng phó nhanh nhất. Nhưng trình độ dân chủ của chính trị cũng khiến các chính trị gia phát biểu lung tung để kiếm phiếu và gây ra ấn tượng sa sút của Hoa Kỳ.
 
Ngược lại, Trung Quốc trì hoãn nhu cầu cải cách mức tiêu thụ quá thấp được thấy từ 10 năm trước, tới khi tổng suy trầm xuất hiện năm 2008 lại còn thổi lên một núi nợ khổng lồ. Nếu trong 10 năm tới, xứ này cần nâng mức tiêu thụ từ 35% lên 50% để có cơ cấu quân bình hơn thì vừa phải đạt mức tăng trưởng hơn 10% một năm vừa tái phối trí tài nguyên từ khu vực nhà nước qua các hộ gia đình. Là điều bất khả về chính trị vì thế lực của đảng viên và cán bộ nhà nước. Do tình trạng bất khả này, đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ còn ở khoảng 3-4% một năm.

Vì vậy 10 năm tới là 10 năm thoái trào của Trung Quốc và sự tái xuất hiện của siêu cường Hoa Kỳ mà nhiều người cứ tiên đoán là đang đi vào tiêu vong!

Chỉ có tại Hoa Kỳ:
 
Một học khu tại tiểu bang Indiana cho biết là năm ngoái đã tốn 300 ngàn đôla thực phẩm mà làm học sinh bị đói. Chỉ vì học khu Carmel Clay áp dụng sáng kiến của Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama là cung cấp bữa trưa lành mạnh hơn cho học sinh, họ tốn tiền mua rau cỏ trái cây mà chẳng ai muốn ăn nên cuối cùng thì vào thùng rác. Bà giám đốc chương trình thực phẩm là Linda Wireman còn cho biết học sinh than phiền rằng chúng về nhà với bụng rỗng. Chủ quan duy ý chí của nhà nước để đẹp lòng lãnh đạo?

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Monday, July 29, 2013

Khoa học

Lần đầu tiên tạo được tế bào gốc từ da người


Theo AFP, 16/05/2013, lần đầu tiên các nhà khoa học Mỹ tạo được các tế bào gốc của phôi thai người từ các tế bào da, bằng clonage tức kỹ thuật nhân bản vô tính. Đây là lần đầu tiên việc tạo ra tế bào gốc được ghi nhận là thành công, sau một loạt các nỗ lực đầy hứa hẹn trong những năm vừa qua. Kết quả nghiên cứu kể trên được công bố trên tạp chí mạng Cell.(Right :Tế bào gốc AFP)
 
Các tế bào gốc của phôi thai là những tế bào duy nhất có thể tự phân chia để tạo ra tất cả các loại tế bào chuyên biệt khác trong cơ thể con người, với tổng số khoảng hơn 200 loại. Việc tế bào gốc có khả năng sinh sản vô hạn khiến cho việc nắm được kỹ thuật tạo ra tế bào này sẽ mang lại tiềm năng trị liệu hết sức to lớn.
 
Việc làm chủ được các tế bào gốc đặc biệt hứa hẹn trong việc chữa trị các căn bệnh cho đến nay được coi là không thể chữa khỏi, như bệnh Parkinson, bệnh xơ cứng từng mảng trong hệ thần kinh trung ương, một số căn bệnh tim mạch và các tổn thương ở tủy sống...
 
Thành công vừa rồi là của nhóm nghiên cứu tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon, do ông Shoukhrat Milatipov lãnh đạo. Thành công này tiếp nối một thành quả trước đó vào năm 2007, với việc chuyển các tế bào da của loài khỉ thành tế bào gốc bào thai.
 
Kỹ thuật nhân bản vô tính đã được các nhà nghiên cứu sử dụng để thực hiện việc này : Dùng nhân các tế bào da, cụ thể trong trường hợp này là nhân tế bào da có chứa ADN của một bé sơ sinh 8 tháng tuổi, để chuyển nó vào trong các trứng mà những phụ nữ tình nguyện cung cấp. Các trứng này tạo ra các phôi thai, là nơi từ đó các tế bào gốc được chiết xuất ra.
 
Bác sĩ Militapov giải thích : « Các tế bào gốc đạt được bằng kỹ thuật này cho thấy khả năng tự phân chia thành các loại tế bào khác nhau, như tế bào thần kinh, tim và gan, giống như các tế bào gốc của một bào thai được hình thành theo con đường bình thường ».
 
Bác sĩ Militapov nhấn mạnh là việc các tế bào gốc « được tái lập trình » có thể được lấy từ chính vật liệu di truyền của một người bệnh, nên nếu áp dụng việc cấy ghép, sẽ không có vấn đề cơ thể người bệnh đào thải chúng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là « còn nhiều chặng đường phải vượt qua, trước khi đạt được các trị liệu chắc chắn và hiệu quả ».
 
Một ưu điểm của kỹ thuật mới này là sẽ không sử dụng các phôi thai đã được thụ tinh. Việc dùng phôi thai thụ tinh, đồng nghĩa với việc phá hủy bào thai, đặt ra các vấn đề đạo lý rất hệ trọng.
Kể từ khi Dolly, con cừu vô tính đầu tiên, ra đời tại Anh quốc năm 1996, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật colonage với khoảng 20 giống loài, như dê và thỏ, tuy nhiên chưa bao giờ thành công trong thực nghiệm với khỉ hay các loài linh trường khác, bởi cơ chế nhân bản sinh học của chúng phức tạp hơn nhiều.
 
Bước tiến mới đây trong việc nhân bản vô tính để tạo các tế bào gốc của phôi thai không mở ra con đường cho việc thực hiện các kỹ thuật nhân bản vô tính với loài người. Đây là điều mà ông Dan Dorsa, giám đốc nghiên cứu của Đại học nơi thành công trong kỹ thuật tạo tế bào gốc nói trên, nhấn mạnh. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù kỹ thuật này được sử dụng để nhân bản vô tính các tế bào gốc (nhân bản vì mục tiêu trị liệu), về nguyên tắc phương pháp này không cho phép tạo ra được các nhân bản vô tính người (tức nhân bản vì mục tiêu sinh sản).
 
Thực tế là, từ nhiều năm nay, các nghiên cứu về kỹ thuật tạo ra tế bào gốc trên khỉ đã không cho phép tạo ra các con khỉ vô tính, và điều này chắc chắn sẽ không cho phép làm như vậy đối với con người. Giám đốc nghiên cứu đại học Oregon nói rõ : « Tính chất mong manh của các tế bào người, như nghiên cứu mới đây cho thấy là một cản trở quan trọng đối với sự phát triển của kỹ thuật nhân bản vô tính ».
 
Mặc dù vậy, những người phản đối kỹ thuật nhân bản vô tính đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ nghiên cứu này, cũng như các tiềm năng của nó. Đối với hội đồng giám mục Công giáo Mỹ, các công trình này « sẽ có thể được các nhà khoa học khác sử dụng nhằm tạo ra các trẻ em bằng phương pháp nhân bản vô tính », như phát biểu của Hồng y Boston Sean O’Malley. Bất kể mục tiêu nào, theo giáo hội Công giáo Mỹ, « nhân bản vô tính con người đồng nghĩa với việc coi người như các vật phẩm, và có thể được chế biến tùy theo ý muốn của những người khác ».
 
Trọng Thành

Sunday, July 28, 2013

Quốc Hận 20-7

59 năm Hiệp định chia đôi đất nước
 

 

 
Cây cầu chia đôi đất mước
 
Hiệp Định Genève chia đôi đất nước được ký ngày 20-7-1954 và liền sau đó là cuộc di cư chưa từng có của gần một triệu người từ Bắc vào Nam. Tính tới tháng 7 năm nay, 58 năm trời đã trôi qua. Trẻ thơ ngày ấy nay đã thành người già. Cả dân tộc vẫn trông ngóng an bình và hạnh phúc trên nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ của chết chóc, tàn phá, chia ly. Nhân dịp này, chúng tôi xin kể hầu độc giả về Hiệp Định Genève và ký ức về cuộc hành trình tìm tự do của dân mien Bắc, trong đó có chúng tôi, để gọi là “ôn cố tri tân”.


HIỆP ĐỊNH GENÈVE 20-7-1954

Cuộc chiến tranh giữa Pháp (với quân đội Quốc Gia VN tiếp tay) và Việt Minh đã bước sang năm thứ 9 vào năm 1954. Lực lượng Việt Minh càng ngày càng lớn mạnh từ khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Hoa Lục năm 1949. Mao đã giúp Hồ Chí Minh tổ chức và trang bị các đơn vị lớn đến cấp sư đoàn và đại đoàn. Trong khi đó tướng Henri Navarre, tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương, lại phạm lỗi lầm lớn về chiến lược. Ông đưa quân đến đóng tại lòng chảo Điện Biên Phủ với ý định chặn đường quân Việt Minh tiến sang Lào và nhử quân Việt Minh đến để tiêu diệt. Navarre không ngờ Trung Cộng đã tiếp tế cho Việt Minh hàng ngàn đại bác và cao xạ phòng không, đồng thời gửi nhiều tướng lãnh của Hồng Quân sang giúp việc tham mưu và chỉ huy. Đường tiếp tế cho Điện Biên Phủ bị cắt, chỉ còn trông vào không vận, trong khi không vận bị hạn chế khả năng hoạt động vì thời tiết và hệ thống phòng không của địch. Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7-5-1954 là chuyện đương nhiên phải xảy ra.

Trước áp lực quân sự của Việt Minh, Pháp muốn điều đình để tìm lối thoát. Việt Minh cũng sẵn sàng nói chuyện vì qúa mệt mỏi, bị tổn thất nặng về nhân sự và hy vọng có thể chiếm được nhiều lợi thế trên bàn điều đình. Các nước lớn cũng muốn giải quyết vấn đề Đông Dương cho xong sau khi đã dàn xếp chấm dứt chiến tranh Cao Ly. Vì thế, một hội nghị quốc tế về Đông Dương, trong đó vấn đề Việt Nam là chính, được triệu tập tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 8-5-1954. Đồng Chủ tịch hội nghị là Anh và Liên Xô. Chu Ân Lai đại diện Trung Cộng. Phạm Văn Đồng đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngoại Trưởng Nguyễn Quốc Định cầm đầu phái đoàn Quốc Gia Việt Nam. Sau ngày 7-7-1954, Bác Sĩ Trần Văn Đỗ, tân Ngoại Trưởng, được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cử sang thay. Lào và Cao Miên cũng có đại diện tham dự.

Về phiá chính phủ Pháp, vài ngày sau khi hội nghị khai diễn, Thủ Tướng Laniel bị lật đổ. Tân Thủ Tướng Mendès France thuộc đảng Xã Hội lên cầm quyền. Khi nhận chức, ông hứa với dân Pháp là ông sẽ đạt giải pháp cho vấn đề VN trong 100 ngày. Nếu không, ông sẽ từ chức. Đích thân Thủ Tướng Mendès France đi phó hội vì ông kiêm luôn chức bộ trưởng ngoại giao. Điều này chứng tỏ quyết tâm tìm hòa bình của ông, nhưng cũng cho thấy thế yếu của ông khiến đối phương gia tăng đòi hỏi, gây thiệt hại cho quyền lợi của Pháp và của phe Quốc Gia VN.
 
 
Ngày 20-7-1954, Hiệp Ước Ngưng Chiến Tại Việt Nam được ký kết giữa Thiếu Tướng Delteil, đại diện Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương và Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu, thay mặt Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hiệp Ước Ngưng Chiến có 47 điều với nội dung chính như sau:

- Giới tuyến quân sự được ấn định từ cửa sông Bến Hải theo lòng sông đến biên giới Lào-Việt (gần vỹ tuyến 17). Thiết lập khu phi quân sự rộng 5 cây số mỗi bên. Phiá Bắc giới tuyến do VNDCCH kiểm soát. Phiá Nam do Pháp và chính phủ Quốc Gia VN.

- Việc rút quân, chuyển quân, vật liệu và dụng cụ quân sự của hai bên phải làm xong trong thời hạn 300 ngày.

- Trong thời hạn này, dân chúng được tự do chọn và chuyển đến vùng kiểm soát của bên này hay bên kia theo ý muốn.

- Trao trả tù binh và thường nhân bị giam giữ.

- Không được đem quân đội, nhân viên quân sự, võ khí vào VN. Có thể đổi hay thay thế không qúa 50 người mỗi tháng. Không cho ngoại quốc lập căn cứ quân sự.

- Thành lập Ủy Ban Liên Hợp hai bên để thi hành Hiệp Ước và Ủy Ban Giám Sát và Kiểm Soát Quốc Tế gồm đại diện 3 nước Ấn Độ, Canada và Ba Lan.
     
Kèm theo Hiệp Ước Ngưng Chiến còn có Bản Tuyên Cáo Chung Kết không có chữ ký của phái đoàn nào, nhưng được coi như tất cả các phái đoàn đều thỏa thuận, trừ hai phái đoàn Quốc Gia VN và Hoa Kỳ. Hai phái đoàn này công bố tuyên ngôn riêng.

Bản Tuyên Cáo Chung Kết có 14 điều. Quan trọng nhất là Điều 7 dự trù tổng tuyển cử tự do tại VN vào tháng 7-1956, tức 2 năm sau ngày ký Hiệp Định.
Điều 9 của Tuyên Cáo nói tới việc không chấp nhận những sự phục thù cá nhân hay đoàn thể đã tham gia tranh đấu ở bên này hay bên kia.

Hiệp Ước ấn định như thế nhưng chẳng bên nào áp dụng nghiêm chỉnh, ngoài các điều khoản liên quan tới ngưng bắn và phân vùng.

Hiệp Định Genève 1954 là kết qủa của một sự dàn xếp giữa các đại cường Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Cộng. Mỹ giữ thái độ không chống không ủng hộ. Việt Minh và phe Quốc Gia đã ngậm đắng nuốt cay, bất lực nhìn những kẻ khác quyết định số phận của mình. Không một phe VN nào muốn đất nước bị chia đôi. Việt Minh nghĩ rằng họ đang kiểm soát được đa số lãnh thổ, trừ các thành phố lớn. Nếu có một cuộc ngưng bắn tại chỗ, họ sẽ có nhiều lợi thế. Phe Quốc Gia đề nghị quân hai bên rút về những vùng tập trung tạm thời, dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp quốc, trong khi chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử tự do. Phe Quốc Gia có lợi thế riêng trong việc đang kiểm soát những thành phố lớn, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, tất cả các thành phố khác ở miền Trung và miền Nam, trừ Quy Nhơn nằm trong Liên Khu 5 của Việt Minh. Ngoài ra, phe Quốc Gia cũng rất quan tâm tới sự an toàn của giáo khu Phát Diệm. Khu này được Giám Mục Lê Hữu Từ thành lập từ những năm 1946, 1947, được bảo vệ bằng một lực lượng quân sự riêng, không cho Việt Minh đến quấy phá, cũng không cộng tác với Pháp. Nhiều lãnh tụ Quốc Gia, trong đó có Ngô Đình Nhu, Lê Quang Luật… bị Việt Minh truy bức và không muốn sống trong vùng Pháp kiểm soát, đã đến nương náu tại khu tự trị Phát Diệm. Đến năm 1949, khu tự trị mới cộng tác với chính quyền Quốc Gia vừa được thành lập.

Vì vậy, việc chia đôi đất nước khiến phe VN nào cũng bị thiệt hại. Hai bên đều cố tranh đấu nhưng không thể thay đổi ý định của các đại cường. Khi biết việc chia đôi đất nước là điều không thể tránh, đại diện Việt Minh Tạ Quang Bửu đưa đề nghị lập giới tuyến ở vỹ tuyến 13 với ý định đặt Huế và Đà Nẵng vào nửa phía Bắc. Dĩ nhiên Pháp và Anh không chịu. Phạm Văn Đồng đề nghị nhích lên vỹ tuyến 16. Chu Ân Lai thỏa thuận với Mendès France và Molotov phân vùng ở vỹ tuyến 17 để khai thông hội nghị và áp lực Việt Minh phải chấp thuận. Dù phải nhận một giải pháp bất như ý, trái với tham vọng của họ, Việt Minh phải làm bộ hân hoan ca ngợi chiến thắng và hòa bình, trong khi bắt đầu sửa soạn đường lối hành động cho tương lai: chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử được dự trù 2 năm sau, và khi cần, sẽ phát động một cuộc đấu tranh võ trang mới để chiếm miền Nam.

Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước là đòi hỏi và hy vọng của phe cộng sản. Họ tính toán rằng tại miền Bắc họ có thể kiểm soát dân chúng hầu như 100%. Ở miền Nam cũng vẫn có người ủng hộ họ, chưa kể những cán bộ nằm vùng do họ gài lại sẽ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phá rối và cả tổ chức gian lận cục bộ trong cuộc bầu cử. Như vậy chắc chắn họ sẽ có đa số phiếu và họ sẽ thống nhất đất nước dưới sự thống trị của họ. Họ đã sốt sắng liên lạc với chính quyền miền Nam từ 1955 để hối thúc thi hành tổng tuyển cử, kêu gọi các chính phủ đã tham dự hội nghị Genève làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (danh xưng chính thức của miền Nam từ 26-10-1955) để chính phủ này phải tôn trọng hiệp định, nhất là điều khoản tổng tuyển cử. Khi VNCH quyết liệt từ chối, cộng sản mở chiến dịch trên khắp thế giới tố cáo VNCH và Mỹ vi phạm hiệp định, có tình kéo dài tình trạng chia đôi đất nước.

VNCH công bố chỉ chấp nhận tổng tuyển cử khi nào dân chúng cả hai miền có tự do như nhau, có sự thông thương và tự do bỏ phiếu không sợ một áp lực nào, dưới sự kiểm soát hữu hiệu của Liên Hiệp Quốc. Xét về thực tế, lời biện minh này có cơ sở. Nhưng cũng cần xét thêm về mặt pháp lý để xem việc từ chối tổng tuyển cử có vi phạm Hiệp Định Genève hay không.

Trước hết, Hiệp Định Ngưng Bắn chỉ do đại diện của Pháp và Việt Minh ký, đại diện chính phủ Quốc Gia VN không ký. Phe Quốc Gia chỉ bị ràng buộc về những gì liên quan tới quân sự, vì Quân Đội Quốc Gia được Quốc Trưởng Bảo Đại tạm thời cho đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Quân Đội Viễn Chinh Pháp tại Đông Dương (các thỏa ước quân sự 30-12-1949 và 30-12-1950). Pháp không có quyền quyết định nhân danh Quốc Gia VN về các vấn đề có tính cách chính trị. Hành động trái nguyên tắc này phải được coi là lạm dụng lòng tin (abuse de confiance).

Thứ đến, việc tổng tuyển cử được nói trong Điều 7 của Bản Tuyên Cáo Chung Kết. Bản Tuyên Cáo này coi như được đương nhiên chấp thuận (tacitement consentie) nhưng không có chữ ký của bất cứ phái đoàn nào. Riêng hai phái đoàn Quốc Gia VN và Hoa Kỳ đã ra tuyên ngôn bầy tỏ sự không đồng ý. Tuyên Ngôn do Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ công bố nói rõ: “Việt Nam long trọng phản đối việc ký kết Hiệp Định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội Nghị ghi nhận rằng Chính Phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống Nhất, Độc lập và Tự Do cho xứ sở” (1). Khi một chính phủ không ký văn kiện chung và công khai tuyên bố chống lại nội dung của văn kiện đó, tại sao lại có thể bị kết án vi phạm hiệp định, không tôn trọng cam kết?

CUỘC DI CƯ TỪ BẮC VÀO NAM

Chiếu điều 14, khoản d của Hiệp Ước Ngưng Chiến, dân chúng có quyền tự do chọn vùng sinh sống trong thời hạn 300 ngày, dân miền Bắc đã lũ lượt tìm cách vào Nam ngay sau khi Hiệp Định được ký kết. Dân các thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng may mắn nhất, vì nếu muốn đi Nam, họ có thể đi ngay từ thành phố của họ, không gặp trở ngại gì, lại có thể bán đồ đạc, xe cộ, nhà cửa trước khi đi, dĩ nhiên với giá vừa bán vừa cho. Trong khi đó dân ở các thành phố cộng sản đã tiếp thu, nhất là ở các miền quê xa xôi, việc đi Hà Nội hay Hải Phòng để từ đó vào Nam không phải là chuyện dễ dàng. Trước hết, họ phải bỏ lại tài sản, nhà cửa, ruộng vườn. Kế đó, phải thoát được những ngăn chặn trá hình hay công khai của Việt Minh. Dù vậy, khắp nơi, đặc biệt vùng đồng bằng Bắc Việt, dân chúng vẫn kéo nhau đi Nam từng đoàn từng lũ, bất kể những khó khăn và nguy hiểm.

Bỏ phiếu bằng tầu (bay) tại phi trường Gia Lâm
 
Bỏ phiếu bằng tầu (bay) tại phi trường Gia Lâm
 
Tôi đã được chứng kiến cảnh dân quê, đặc biệt từ Bùi Chu, Phát Diệm, Ninh Bình, lũ lượt kéo nhau đến thành phố Nam Định, trên đường đi Hà Nội để xuống Hải Phòng vào Nam. Theo Hiệp Định, Hải Phòng được chính quyền Quốc Gia và Pháp cai trị thêm 300 ngày trước khi trao lại cho Việt Minh. Mỗi ngày có hàng ngàn người đến tạm trú trong nhà chơi có mái của trường Lê Bảo Tịnh, chung quanh nhà thờ, nhà xứ và nhà người quen. Họ không tạo ra những vấn đề ăn ở, vệ sinh, trật tự. Họ ngừng ở Nam Định như chỗ nghỉ chân hoặc đợi người nhà. Mỗi đợt chỉ tạm trú một hai đêm rồi kéo nhau đi, nhường chỗ cho đợt khác. Họ tự lo việc ăn uống và dọn dẹp. Chính quyền gửi đến nhiều cán bộ nam nữ gọi là giúp dân, nhưng thật ra là để thuyết phục những người này quay về, đừng đi Nam nữa. Cán bộ tỉ tê là tại sao lại bỏ cửa bỏ nhà, bỏ mồ mả ông bà tổ tiên để đi đến nơi xa lạ, không biết tương lai sẽ ra sao. Họ còn dọa rằng chính quyền tay sai của Pháp Mỹ trong đó rất hung ác, chuyên môn hứa láo và bóc lột dân lành, rằng nay nước nhà đã độc lập rồi, chỉ hai năm nữa là tổng tuyển cử thống nhất Nam Bắc, chẳng lẽ lúc đó lại bồng bế nhau về có phải là phí phạm thời giờ, của cải và khó ăn khó nói với bà con ở lại. Nhưng những người đã quyết đi không nao núng vì những lời tuyên truyền, dụ dỗ. Có vài trường hợp dành giật, níu kéo giữa cán bộ và dân ra đi, khiến Ủy Hội Quốc Tế có văn phòng ở Nam Định phải đến can thiệp. Nói chung, những người đi sớm đều đi được vì cộng sản không dám làm mạnh lúc đó để tỏ ra tôn trọng Hiệp Định. Ngoài ra, họ cũng chưa có kế hoạch ngăn cản vì việc dân ùn ùn bỏ đi xảy ra qúa bất ngờ, ngoài sự ước tính của họ. Thời gian sau, việc ngăn cản người đi Nam được thực hiện có bài bản. Ai đi trễ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và cũng khó đi lọt.

Sau ngày việt Minh tiếp thu Hà Nội, 9-10-1954, Hải Phòng trở thành nơi duy nhất phải đến trên đường đi Nam. Vào thời gian cao điểm, tháng 4-1955, mỗi ngày Hải Phòng đón nhận khoảng 2,000 người đến từ các nơi. Trong khi đó có trên 70,000 người đang đợi các chuyến tàu và máy bay. Tàu của hải quân Pháp và Hoa Kỳ mỗi ngày chở hàng chục ngàn người vào bến Sài Gòn. Khoảng 70 phi cơ quân sự Pháp, không kể máy bay của Air Vietnam, được trưng dụng, lập cầu không vận chở dân di cư vào phi trường Tân Sơn Nhứt. Ngày 26-5-1955, tàu Gascogne của Pháp là chuyến tàu cuối cùng chở 888 người di cư tới Sài Gòn. Dân di cư từ Bắc vào Nam có 533,868 người đi đường biển, 243,657 người đi bằng máy bay. Nếu tính luôn công chức, quân nhân và gia đình, thêm những người vượt tuyến bằng phương tiện riêng, tổng số dân di cư lên tới trên 800,000 người.

Cuộc ra đi bằng tầu hỏa tại Hải Phòng 
Cuộc ra đi bằng tầu thuỷ tại Hải Phòng 
 
Cuộc di cư 1954-1955 là cuộc bỏ phiếu bằng chân của trên 800,000 người dân miền Bắc cương quyết rời bỏ chế độ cộng sản để đi đến vùng do chính phủ Quốc Gia kiểm soát. Nếu dân được đi tự do, con số này sẽ cao hơn nhiều. Nên nhớ rằng dân số miền Bắc lúc đó, tính từ vỹ tuyến 17 trở ra, chỉ có khoảng 13 triệu người. Khi gần một triệu người bỏ đi, cộng sản VN mới thấy dân không yêu họ như họ tưởng. Miền Bắc mất đi một tiềm lực nhân sự lớn. Đa số dân có học và có khả năng cao về doanh thương và công nghệ ở các thành phố lớn đều đi vào Nam. Ngoài ra, cộng sản còn bị mất mặt về phương diện tuyên truyền. Vì thế họ phải ngụy biện rêu rao rằng đa số người di cư là giáo dân Công Giáo, bị các cha cố tuyên truyền, dụ dỗ đi Nam, số khác là những kẻ có quyền lợi gắn bó với Pháp và những kẻ phản quốc theo gót thực dân đế quốc Pháp Mỹ. Lý do tôn giáo đúng một phần nhưng vì đức tin, không phải vì dụ dỗ mê hoặc. Ngoài ra, giáo dân dù chiếm phần đông cũng không phải là tất cả. Sự thực, dân miền Bắc đã thấy tận mắt cách cai trị độc tài, tàn bạo, dối trá của Việt Minh, đã nếm mùi tiền cải cách ruộng đất qua những cuộc đấu tố, dù mới chỉ là những bước dạo đầu nhẹ nhàng nhưng đã đủ làm dân khiếp sợ. Họ đã thấy chủ nghiã cộng sản vô thần đang được từ từ áp dụng, giết dần giết mòn truyền thống văn hóa của dân tộc. Đó là lý do khiến người ta bỏ miền Bắc di cư vào Nam. Bỏ hết để đi vào một miền đất chỉ hứa có tự do, không hứa thiên đàng hạ giới. Số người di cư đã vượt qúa mọi dự đoán. Người Pháp dự trù có 60,000 người. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chỉ hy vọng 100,000. Thực tế đã có 860,000 người chạy cộng sản vào Nam (2).

Ngày 11-5-1955, Việt Minh tiếp thu thành phố Hải Phòng. Luật Sư Lê Quang Luật, Đại Biểu Chính Phủ Quốc Gia tại Bắc Việt, rước một hộp đất miền Bắc vào trong Nam, chấm dứt sự hiện diện của chính quyền Quốc Gia Việt Nam tại miền Bắc.

Cuộc di cư 1954-1955 của gần một triệu người từ Bắc vào Nam vừa là một gánh nặng vừa là một chiến thắng đầu tiên cho miền Nam. Số người đông đảo này, tuy mới chỉ là một tảng băng nổi, đã chứng tỏ sự oán ghét của nhân dân đối với chế độ cộng sản. Nó cung cấp nhiều bộ óc, nhiều bàn tay để cùng đồng bào miền Nam xây dựng một xã hội tiến bộ vượt xa xã hội miền Bắc. Nó đóng góp xương máu để bảo vệ miền Nam. Nó tạo sự thông cảm, hòa đồng Bắc Nam qua tiếng nói, tập tục, hôn nhân, thức ăn thức uống. Nói tóm lại, con người và văn hóa đồng bằng sông Hồng đã được đem vào đồng bằng Cửu Long để hòa hợp thành một văn hóa mới: văn hóa Việt Nam thống nhất. Không cần sự áp đặt bằng súng đạn như năm 1975. 

CUỘC TRỐN CHẠY CỦA GIA ĐÌNH TÔI

Là dân thành phố ở lại sau khi Việt Minh đã tiếp quản Nam Định từ tháng 6-1954, gia đình tôi chưa có quyết định dứt khoát đi hay ở. Chúng tôi nhiều lần sững sờ vì những vụ ra đi bất ngờ của những người thân quen. Việc đi Nam được giữ bí mật, không ai nói với ai, đôi khi được giữ kín với cả anh chị em ruột. Buổi sáng khi thức dậy, nếu thấy nhà hàng xóm đóng kín cửa, không một tiếng động, không một bóng người, là biết nhà đó đã đi rồi, đi rất sớm, bằng xe hàng hay bằng phương tiện nào khác lúc trời chưa sáng hẳn. Lúc đó người ở lại vừa buồn vừa phân vân. Đi hay ở? Đi thì phải bỏ lại hết và làm cách nào để có thể sống nơi xa lạ? Lịch sử tái diễn với những cuộc vượt biên 20 năm sau.

 
Đến tháng 11-1954, bố mẹ tôi mới mới sửa soạn đưa gia đình di cư vào Nam. Yếu tố quyết định là việc cán bộ kinh tế đòi sát nhâp xưởng tiểu công nghệ của bố mẹ tôi vào công ty hợp doanh với nhà nước. Bố tôi biết đây là thủ đoạn nhà nước kiểm soát trước rồi chiếm hữu sau. Sưu cao thuế nặng đã bắt đầu đè trên tư nhân. Tôi có chiếc xe đạp “demi course” rất nhẹ bằng duras do Đức sản xuất, chiếc xe tôi dùng đi học và đã đạp tới tận Thái Bình để thu tiền hàng. Khi sửa soạn di cư, tôi đem chiếc xe thân yêu ra bán ở chợ trời. Khi vừa ngã giá 800,000 tiền cụ Hồ với người mua thì một cán bộ mặc sơ-mi nâu, đeo sắc cốt, xuất hiện ngay sau lưng và đòi tôi đóng thuế 400,000. Tôi không bán nữa, đưa xe về để lại cho một người bà con với giá thấp hơn, nhưng không bị mất tiền thuế cao đến vô lý như vậy. Ngay lúc đó, tuy mới chỉ là một đứa con nít 14 tuổi, tôi đã nhận ra thật khó sống với mấy ông Việt Minh này.

Gia đình tôi phải đi Hải Phòng làm hai đợt. Đợt đầu bố tôi dẫn tôi và hai em trai đi theo. Mẹ tôi, chị họ tôi và hai em nhỏ phải đợi đi đợt sau. Chúng tôi đi xe hàng lên Hà Nội rồi từ đó đi xe hỏa xuống Hải Phòng. Hà Nội đã được Việt Minh tiếp thu từ tháng 10. Muốn đi Hải Phòng phải có giấy phép vì là đi vào vùng địch còn kiểm soát. Rất may bố tôi đã dự liệu và có giấy phép đi mua hàng. Địa điểm ranh giới giữa hai vùng kiểm soát là ga Đỗ Xá thuộc tỉnh Hải Dương trên quốc lộ số 5. Tại ga này, trước khi sang vùng địch kiểm soát, mọi hành khách đều bị lục xét tỉ mỉ. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị lột quần áo để khám xem có dấu vàng và tiền Đông Dương Ngân Hàng trong người hay không. Vàng và tiền Đông Dương bị tịch thu hết. Nhiều người khi bị lột hết vàng và tiền đã khóc lóc quay về, không dám đi Nam khi chỉ có hai bàn tay trắng.

Bố tôi biết trước chuyện này nên đã nghĩ ra cách dấu vàng rất hiệu qủa. Ông cho ba anh em chúng tôi đi guốc mộc. Mỗi chiếc guốc được dùi hai lỗ xuyên chỗ đóng quai. Mỗi lỗ có một lượng vàng lá Kim Thành được cuộn lại và luồn vào. Sau đó quai guốc được đóng lại bằng đinh và che lỗ. Bố tôi còn lấy nước muối xoa trên đinh để làm cho đinh rỉ rét trông như đinh cũ. Thế là ba anh em tôi với ba đôi guốc có thể mang theo 12 lượng vàng. Chỉ khổ cho tôi phải canh chừng các em, một đứa 10 tuổi, một đứ 7 tuổi, để chúng đừng tiết lộ bí mật và đừng đánh rơi guốc từ trên xe lửa. Riêng bố tôi, ông còn đánh lừa cán bộ bằng một mánh khác. Ông cuốn giấy bạc 100 đồng Đông Dương trong những điếu thuốc lá được rút ruột, rồi ấn lại chút thuốc ở hai đầu. Ông bỏ 15 điếu thuốc có tiền vào vào phiá trong bao thuốc thơm Du Kích hay Điện Biên, 5 điếu phiá ngoài là thuốc thật. Ông tỉnh bơ rút thuốc hút trước mặt cán bộ, đôi khi còn mời cán bộ hút một điếu cho vui. Nhờ có chút vốn liếng nhỏ mang theo, gia đình tôi mới dễ xoay sở trong những ngày đầu đặt chân đế Sài Gòn.

Đến Hải Phòng, bố tôi giao chúng tôi cho một người anh họ của ông đang ở trại tạm trú để nhờ bác trông coi chúng tôi trong khi bố tôi trở lại Nam Định đón mẹ, chị và hai em tôi. Chúng tôi ở với bác và anh Thanh con bác tại căng (camp) Hạ Lý nằm giáp ranh thành phố Hải Phòng. Đây là một khu trại được dựng với hàng trăm lều vải lớn của quân đội, có thể cung cấp nơi tạm trú cho hàng ngàn dân di cư trong thời gian làm giấy tờ và chờ tàu hay máy bay chở vào Nam. Trong thời gian ở trại, chúng tôi được phát gạo nhưng phải tự túc mua thức ăn. Bên cạnh trại, mỗi buổi sáng có những người buôn thúng bán bưng đến bán rau, thịt cá và gia vị. Việc ăn ở kể như tạm ổn. Đối với tôi chỉ có hai nỗi khổ. Một là lều vải nhà binh tỏa hơi nóng, mùi vải bố rất ngột ngạt khi trời nắng và nền đất lầy lội sũng nước khi trời mưa. Hai là sự mong ngóng từng giờ từng phút bố mẹ tôi từ Nam Định đến đoàn tụ với chúng tôi. Tôi đã nghĩ nếu có chuyện gì xảy ra khiến bố mẹ tôi không đi được, tôi sẽ dẫn các em trở về, không thể đi Nam khi không có bố mẹ.

 
May mắn thay, chỉ một tuần sau, bố mẹ, chị và các em tôi đã đi lọt và có mặt ở Hải Phòng. Bố tôi hú hồn vì thoát được bàn tay công an. Tối hôm trước ngày bố tôi về lại Nam Định để đưa nốt gia đình đi đợt hai, loa phát thanh của khu phố đã gọi rõ tên bố tôi và tố cáo bố tôi đi vào vùng địch để nhận công tác gián điệp cho địch. Nghe tin này, bố tôi cùng gia đình rời khỏi nhà ngay trong đêm. Sáng sớm hôm sau lấy xe đi Hà Nội ngay. Công an không trở tay kịp nên bố tôi đã thoát và gia đình tôi mới được đoàn tụ.

Ở Hải Phòng, bố tôi đưa mẹ con tôi đến ở nhờ nhà một người quen tại phố Dinh. Trong thời gian lo giấy tờ và chờ đi Sài Gòn, chúng tôi có dịp thăm viếng Hải Phòng, thành phố lớn thứ nhì của miền Bắc. Chúng tôi đi thăm chợ Sắt, phố Khách, nhà hát lớn, đi lễ nhà thờ phố Dinh…, nhìn cảnh thành phố đìu hiu chờ ngày đổi chủ.

Ngày 8-12-1954, chúng tôi được xe nhà binh chở từ điểm hẹn tại nhà hát lớn Hải Phòng tới phi trường Cát Bi. Từ đó chúng tôi được máy bay cánh quạt của Air Vietnam chở vào Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi được đi máy bay, được một cô chiêu đãi viên mời nước ngọt miễn phí. Nhưng vì ly nước có “gaz”, tôi đã ói ra mật xanh mật vàng, quên cả nhìn xuống quê hương miền Bắc để nói lời giã biệt.

59 năm đã trôi qua. Tôi vẫn chưa về thăm lại quê hương miền Bắc. Nếu Trời cho có ngày tôi về được, thì chắc cây đa bến cũ con đò đã khác xưa! Và người cũ sẽ còn lại ai?

Mặc Giao

Saturday, July 27, 2013

BBC

Phe hữu Mỹ bực vì Obama và Hồ Chí Minh
 
Video  Foxnews
 
Chia rẽ trong chính trị Hoa Kỳ lại được khơi dậy sau câu nói của Tổng thống Barack Obama về lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh.

Khi tiếp Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang ở Nhà Trắng hôm 25/7, ông Obama cho biết phía Việt Nam tặng ông bản sao lá thư Hồ Chí Minh gửi tổng thống Mỹ Harry Truman năm 1946 bày tỏ mong muốn có quan hệ “hợp tác đầy đủ” .

“Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng nhờ Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, và những lời nói của Thomas Jefferson.”

“Hồ Chí Minh đã nói ông muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Và Chủ tịch Sang bày tỏ rằng ngay cả nếu 67 năm đã trôi qua, thì cũng là điều tốt khi chúng ta còn đang có tiến bộ,” ông Obama nói.

‘Thiếu hiểu biết’

Ngay lập tức kênh truyền hữu cánh hữu Fox News gọi bình luận của ông Obama là “ngu dốt”, đặt câu hỏi phải chăng ông xúc phạm giới cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam

Chris Stirewalt, biên tập viên chính trị của Fox News, cho rằng ngụ ý của ông Obama, tổng thống thuộc đảng Dân chủ, là “giá như ông Hồ và Truman có thể làm những gì mà Obama và ông Sang làm tuần này, thì đã tránh được biết bao hiểu lầm”.

Ông này nói “thật khó hiểu làm sao” Người Cha Lập Quốc như Jefferson lại “gây cảm hứng cho sự nghiệp giết chóc của nhà độc tài Việt Nam”.

“Việc liên hệ giữa những nhà sáng lập Hoa Kỳ và ông Hồ cho thấy hoặc tổng thống vô cùng thiếu hiểu biết lịch sử hoặc chứng tỏ sự mềm dẻo đạo đức đáng ngạc nhiên.”

Viết trên tờ Wall Street Journal, cây bút Ronald Radosh lại nói Hồ Chí Minh “không phải là Washington hay Jefferson; ông ta là tay Marxist-Leninist trung thành”.

“Hãy gạt đi ý tưởng là Hồ Chí Minh có chút gì quan tâm đến Tuyên ngôn Độc lập, ngoại trừ đó chỉ là công cụ mà có lúc ông ta dùng đến để hy vọng đạt được các mục tiêu cộng sản,” người này viết.

Một số chính khách đảng Cộng hòa cũng ra tuyên bố phản đối.

Dân biểu Texas, Sam Johnson, từng bị giam bảy năm tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội trong thời chiến, nói ông Obama “xúc phạm” các tù nhân chiến tranh.

“Đây là cú tát vào mặt những người từng phục vụ - và đặc biệt những ai phải trả cao nhất cho tự do trong thời kỳ đen tối đó,” ông này ra thông cáo.

Từ Florida, dân biểu Ileana Ros-Lehtinen tuyên bố "đánh đồng Hồ Chí Minh với Thomas Jefferson là xúc phạm cống hiến và hy sinh của những người từng phục vụ ở Việt Nam".

"Dám nói một tay đồ tể tàn sát đối thủ và giết những người chống lại ách chuyên chế lại có cảm hứng từ những lý tưởng đã đưa quốc gia này trở thành đất nước tự do và dân chủ nhất thế giới, là coi thường những Người Cha Lập Quốc và những người đổ máu để bảo vệ viễn kiến của họ," bà giận dữ.

Nhưng cũng có người bênh vực tổng thống Mỹ, như cây bút Asawin Suebsaeng trên trang Mother Jones.

“Bình luận của Obama không phải là nói hớ hay xúc phạm các cựu binh Mỹ,” ông này viết.

“Điều Obama nói là sự thật lịch sử. Tháng Chín 1945, Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hà Nội.”

“Lá cờ ánh sao chói lọi [quốc ca Mỹ ] được một ban nhạc người Việt chơi lúc ông ta đọc diễn văn, nhưng ông ta còn mở đầu tuyên ngôn bằng trích dẫn Thomas Jefferson,” cây bút này nhắc lại.
 

Friday, July 26, 2013

USA

Hoa Kỳ kín đáo bố trí lực lượng quanh Biển Đông 

 
Bắt đầu từ ngày mai, 22/07/2013, Phó Tổng thong Mỹ Joe Biden lên đường công du Châu Á với hai chặng dừng chính là Ấn Độ và Singapore. Nhà Trắng Mỹ không hề che giấu, mục tiêu chuyến đi lần này của ông Joe Biden còn nhằm khẳng định lại quyết tâm « xoay trục » sang Châu Á của chính quyền Obama.(Tàu cận chiến duyên hải USS Independence của Mỹ (nguồn: www.navy.mil)

Chặng ghé Singapore của Phó Tổng thống Biden không phải là ngẫu nhiên vì quốc gia Đông Nam Á này, cùng với Philippines, đang càng lúc càng giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống bố trí lực lượng của Mỹ quanh Biển Đông, nhằm dự phòng mọi bất trắc đến từ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước nhỏ trong khu vực, đặc biệt là với Philippines và Việt Nam.
 
Từ nhiều năm nay, tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng với việc Trung Quốc công khai đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích, và càng lúc càng tung thêm lực lượng quân sự và bán quân sự đi tuần tra trong khu vực để áp đặt yêu sách chủ quyền, sắn sàng dùng võ lực xua đuổi, sách nhiễu tàu thuyền các nước khác tại những nơi mà Bắc Kinh cho là của Trung Quốc.
 
Về bề nổi, các cuộc thảo luận của Phó Tổng thống Mỹ với ba lãnh đạo Singapore cao cấp nhất - Tổng thống Tony Tan Keng Yam, Thủ tướng Lý Hiển Long và cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu – sẽ đề cập đến tình hình Biển Đông và nỗ lực của khối ASEAN- mà Singapore là một thành viên quan trọng - muốn tiến tới một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc nhằm ngăn ngừa xung đột.
 
Trọng tâm này đã được chính ông Biden gợi lên hôm 18/07 vừa qua,khi Phó Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc và ASEAN đẩy mạnh đàm phán trên trên các quy tắc ứng xử tại Biển Đông.
Tuy nhiên, ngoài hoạt động ngoại giao trên đây, chuyến thăm Singapore của nhân vật lãnh đạo số hai Hoa Kỳ còn có một mục tiêu khác không được quảng bá rộng rãi. Đó là thị sát việc tái bố trí lực lượng quân sự Mỹ trong khuôn khổ chiến lược xoay trục qua Châu Á đã được chính quyền Obama quyết định và đang từng bước thực hiện, với Biển Đông được xem là một trọng tâm.
 
Theo một quan chức Mỹ cao cấp xin giấu tên, tại Singapore, Phó Tổng thống Biden sẽ ghé thăm một căn cứ hải quân Mỹ và chiến hạm USS Freedom, một chiếc tàu chiến thế hệ mới nhất vừa được Mỹ triển khai tại vùng Biển Đông, đặt bản doanh tại Singapore. Đây là chiếc tầu cận chiến duyên hải LCS (Littoral Combat Ship) đầu tiên trong số 4 chiến hạm mà Hoa Kỳ đã quyết định cử đến hoạt động trong khu vực.
 
Vừa đến Đông Nam Á vào tháng Tư vừa qua, chiếc USS Freedom đã bắt đầu tham gia tập trận với các đối tác của Mỹ trong vùng – mà cụ thể là với Malaysia - để thích nghi với địa bàn hoạt động, tăng cường hiệu năng chiến đấu khi cần thiết.
Trên trang mạng của tờ báo Philippine Daily Inquirer ngày 18/07/2013, nhà báo Bernie Lopez đã nêu bật hỏa lực hùng hậu và tính chất cực kỳ hiện đại và linh hoạt của loại chiến hạm đời mới này của Mỹ, hầu như có thể thay thế các loại khu trục hạm và tuần dương hạm lớn hơn nhưng di chuyển chậm hơn.
 
Đây là loại vũ khí được cho là có khả năng đối phó hữu hiệu với chiến lược chống tiếp cận được Trung Quốc áp dụng, và không phải là ngẫu nhiên mà ngay từ đầu, Hoa Kỳ đã thuyết phục được Singapore cho sử dụng cảng tại chỗ để làm bản doanh cho loại chiến hạm này, sẽ chủ yếu hoạt động tại vùng Biển Đông.
 
Ngoài Singapore, Mỹ cũng đang đàm phán với Manila để cho tàu chiến và phi cơ của hạm đội Thái Bình Dương được dễ dàng ra vào và lưu lại các căn cứ quân sự, hải cảng và sân bay trên lãnh thổ Philippines. Mục tiêu của Hoa Kỳ được cho là không phải sử dụng bất kỳ cơ sở nào, mà chủ yếu là các căn cứ nhìn ra Biển Đông, chẳng hạn như căn cứ hải và không quân của Mỹ trước đây ở vịnh Subic gần Manila.
 
Các nguồn thạo tin mới đây đã tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Washington đã xác định được khoảng một chục cơ sở quân sự và dân sự tại Philippines mà quân đội Mỹ muốn sử dụng, và đa số các cơ sở này đều nhìn ra Biển Đông.
 
Đàm phán Mỹ - Philippines vẫn đang tiếp diễn, nhưng các ví dụ từ Singapore cho đến Philippines, đều chứng tỏ rằng, dù không rầm rộ tuyên bố công khai, những rõ ràng là Hoa Kỳ đang từng bước thực hiện chiến lược xoay trục qua vùng châu Á – Thái Bình Dương, với khu vực quanh Biển Đông là một trong những ưu tiên.
 
Trọng Nghĩa