Tuesday, January 31, 2012

Thơ Trần Trung Bình


Người Lấp Biển

(Chuyện Tiên Lãng - Hải Phòng)

Ta nghe nói Đoàn Văn Vươn lấn biển
Chuyện ngày nay mà ngỡ tự xa xưa
Thuở tiền nhân đi khẩn hoang lập ấp
Để mở mang bờ cõi, dựng cơ đồ.


Ta nghe nói, hai mươi năm bền bĩ
Đoàn Văn Vươn buộc biển phải lùi xa
Thêm đất mới, cho người thêm sự sống
Noi gương tổ tiên, bồi đắp sơn hà.


Ta bỗng nhớ Người Ngu Công xẻ núi
Đoàn Văn Vươn lấp biển chuyện hôm nay
Ai đong được bao mồ hôi đổ xuống
Bao gian nan, mưa nắng những năm dài.


Chuyện chàng Vươn nếu xảy ra thuở trước
Những trăm năm thời phong kiến thịnh hành
Chắc sẽ được Nhà Vua ban chiếu chỉ
Truyền sắc phong, ghi công trạng, lưu danh.


Nhưng ngày nay, bạo quyền đi cướp đất
Phá nhà anh, bắt giam nhốt trong tù
Đạo lý nào? Hỡi Hồn Thiêng nước Việt
Ô nhục này sao rữa được ngàn thu?


Kìa hải đảo, dãy biên cương phía Bắc
Ai đã đem dâng cống cho giặc Tàu?
Ai phản quốc? Ai kiên cường lẫm liệt?
Ai đáng bị ngồi trong chốn nhà lao?


Xin nguyện Quốc Hồn ghi công luận tội:
Đoàn Văn Vươn như một đóa hoa sen
Bọn gian ác phải cúi đầu sám hối
Trả lại anh đời sống đủ Nhân Quyền.


Trần Trung Bình
FL.1.2012

Monday, January 30, 2012

Nguyễn Duy-An


Ông Xếp Mỹ, Người nhân viên đặc biệt

Video NguyenDuyAn

Tác giả Nguyễn Duy-An nhận giải thưởng Việt Báo Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2006. Ông hiện là Senior Vice President, phụ trách Information Technology của National Geographic, tổ chức văn hoá khoa học bất vụ lợi lớn nhất thế giới. Bài viết sauđây của ông trích từ báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn 2012, hiện đang phát hành khắp nơi. Hình: Nguyễn Duy-An nói bằng trái tim với gia đình Ông Bernard Callahan (người đầu tiên bên trái)

Được sự đồng ý của ông Bernard Callahan, tôi viết lại những dòng này để bày tỏ lòng quý mến và ngưỡng mộ của tôi dành cho ông nhân dịp ông chính thức về hưu vào mùa hè năm nay. Ông Bernard Callahan là người Vice President đã nhận tôi vào làm việc tại National Geographic vào đầu tháng 8 năm 1998; hơn 2 năm sau, khi tôi được chọn làm Vice President, chúng tôi đã trở thành “peers” rất tương đắc; và từ đầu năm 2006 ông trở thành nhân viên rất đắc lực của tôi sau khi Hội Đồng Quản Trị bổ nhiệm tôi làm Senior Vice President tại National Geographic.
Hơn 13 năm trước...

Sau hai vòng phỏng vấn với một vài vị phó chủ tịch và bốn năm giám đốc ở National Geographic, ông Bernard Callahan nói với tôi trước khi chia tay:

- Với kinh nghiệm của anh và những gì National Geographic đang cần để vượt qua những trở ngại kỹ thuật của năm 2000 (Y2K), tôi sẵn sàng nhận anh về làm giám đốc kỹ thuật; tuy nhiên, anh phải trở lại để gặp bà Sandy Gill là Senior Vice President. Bà ta xuất thân là một “nhà báo” nên anh phải tuỳ cơ ứng biến. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng không làm sao giải thích cho bà ta hiểu được là chúng ta phải thay đổi lại toàn bộ máy móc từ “mainframe” tới “client-server”, từ “Token Ring” qua“CAT-5”... Bà ta đã từ chối hai ba ứng viên cũng rất khá, tuy không bằng anh, chỉ vì họ lúng túng không làm sao giải thích cho bà ta hiểu được tầm quan trọng của vấn nạn Y2K.

Chính nhờ những lời dặn dò của ông Callahan nên trong lúc chờ ngày hẹn để gặp bà Sandy Gill, tôi ngồi suy đi nghĩ lại nhiều lần tìm cách giải quyết vấn đề một cách “rất bình thường” thay vì lập luận theo “khoa học kỹ thuật!” Qua kinh nghiệm mấy năm dạy những lớp sử dụng máy điện toán dành cho người lớn tuổi vào ban đêm ở trường đại học cộng đồng gần nhà, tôi hiểu được phần nào nỗi khó khăn của một người “bình thường” khi phải đương đầu với những từ ngữ chuyên môn trong ngành điện toán... vì đối với họ, học mấy thứ đó còn khó hơn học tiếng La-Tinh! Đã hơn một lần tôi phải sử dụng những danh từ đơn giản, tìm những thí dụ thiết thực với đời sống hằng ngày để giúp “học sinh” hiểu rõ hơn những định nghĩa mông lung trong ngành điện toán. Tôi đọc lại “sổ tay dạy học” gom góp những câu hỏi “vớ vấn” của học trò và những câu trả lời phần lớn do những học sinh lớn tuổi khác đã dùng để giúp bạn học dễ dàng hiểu được “ngôn ngữ thời @” để làm hành trang đi phỏng vấn.

Tới ngày hẹn, sau vài câu chào hỏi xã giao, bà Sandy Gill bảo thư ký gọi ông Bernard Callahan tới văn phòng cùng ngồi “dự thính” và làm “thông dịch viên” khi cần thiết vì bà tự nhận ngay từ đầu là mặc dầu làm “xếp lớn” nhưng bà không biết gì về điện toán cả!

Ông Bernard Callahan vào văn phòng, vừa bắt tay vừa nói nhỏ với tôi: “Cố lên nhé. Nhớ đừng sử dụng từ ngữ chuyên môn. Anh phải nói làm sao để bà ta không cần hỏi lại tôi là anh thắng, bằng không thì...!”

Bà Sandy Gill bắt đầu cuộc phỏng vấn với một câu “nhập đề lung khởi” nhưng rất thực tế:
- Anh nhìn phía sau bàn giấy của tôi đi... Một cái TV, hai cái màn hình điện toán, một cái để xem hồ sơ tài chánh, một cái nữa để xem Email nhưng tôi vẫn cứ phải dùng bút đỏ để sửa bài rồi giao cho thư ký đánh máy lại. Thế cũng chưa đủ vì Bernard và mấy người giám đốc dưới quyền của ông ta còn xin thêm mấy triệu để thay đổi“infrastructure”, nào là “server, switches and routers” rồi “client-server” và“database” gì đó... Tôi biết cái giới hạn trong máy điện toán về việc chỉ dùng 2 con số để ghi năm nên phải thay đổi để có thể ghi cả 4 số, nhưng cái đó là chuyện nhỏ, phải không? Tại sao phải thay đổi toàn bộ như vậy? Tôi biết dùng mấy cái máy mới này tốt hơn dùng máy đánh chữ và như thế cũng được rồi, cần gì phải tiêu nhiều tiền như vậy? Tôi thấy mấy sợi dây cáp nối máy vào bờ tường vẫn còn rất tốt và chẳng bao giờ bị đứt cả, tại sao lại phải thay dây mới? Bernard cũng đã nhiều lần phân tích nhưng tôi cũng chỉ hiểu mù mờ vì đối với tôi dây cáp là dây cáp chứ việc gì phải đổi từ “Token Ring” sang “CAT-5” làm gì cho tốn tiền. Anh nghĩ sao?

Tôi vừa nghe vừa cố nhớ những câu hỏi của bà Sandy Gill và tính nhẩm trong đầu là để thấu hiểu những vấn đề ba ta vừa nêu lên, sinh viên phải theo học ba bốn lớp chuyên môn ở đại học thì làm sao tôi giải thích cho bà ta hiểu được trong cuộc phỏng vấn chỉ giới hạn khoảng một hai giờ đồng hồ! Tuy nhiên, nhờ ông Bernard Callahan đã “gà” trước nên tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và từ từ giải thích:

- Trước hết, tôi xin cám ơn bà đã cho tôi cơ hội này. Tôi xin đan cử một vài hình ảnh cụ thể làm thí dụ để giải thích những thắc mắc của bà. Thế này nhé... Theo như tôi được biết thì ở đây ai cũng được trang bị máy điện toán cá nhân (personal computer) nhưng có lẽ chưa tận dụng hết khả năng của máy vì nhiều lý do khác nhau. Bây giờ chúng ta cứ tưởng tượng rằng National Geographic vừa trang bị cho hơn 2 ngàn nhân viên ở đây mỗi người một chiếc xe hơi mới để đi làm, nhưng khổ nỗi chúng ta chỉ có khoảng 6 trăm chỗ đậu xe. Thêm vào đó, hai con đường L và M đều là đường một chiều, và trong giờ cao điểm thì con đường 17 cũng trở thành một chiều nên mọi người cứ phải chạy lòng vòng mấy lần mới quẹo vào được con đường nhỏ Desales xếp hàng đậu xe! Nhưng rồi làm sao chúng ta có thể chèn nhét hơn 2 ngàn chiếc xe vào 6 trăm chỗ đậu được, đúng không? Do đó, để giải quyết vấn đề, có lẽ chúng ta phải nới rộng bãi đậu xe, xin chính phủ mở lớn những con đường chung quanh sở để không bị tắc nghẽn, nhất là trong giờ cao điểm. Bà vẫn hiểu những gì tôi nói chứ?

- Tốt... nhưng cái đó có dính dáng gì tới việc Bernard muốn tiêu mấy triệu để mua máy móc gì không vậy?

- Vâng, có đấy. Bây giờ bà hãy so sánh chiếc máy điện toán cá nhân trên bàn của bà và các nhân viên trong sở như những chiếc xe tôi vừa nêu trên. Chúng ta có máy rồi nhưng chưa có “server”, chưa có “database” thì cũng như có xe nhưng không lái lên sở được vì không có chỗ đậu. Và rồi, nếu chúng ta có chỗ đậu rồi cũng chưa đủ nếu không mở rộng con đường nhỏ Desales và xin phép mở thêm lối khác để vào “garage” thì mỗi sáng nhân viên cứ phải xếp hàng dài dài chờ đợi... Những sợi dây cáp bà thấy vẫn còn tốt như còn đường Desales nhưng cần phải “mở rộng”, đó chính là sự khác biệt giữa “Token Ring” và “CAT-5”. Thêm vào đó, sau khi mở rộng mấy con đường chung quanh sở và số lượng xe cộ ra vào tăng lên gấp ba bốn lần, chúng ta phải làm thêm bảng “stop”, đèn xanh, đèn đỏ... nếu không sẽ xảy ra nhiều tai nạn giao thông, đúng không? Trong chuyên môn, đó chính là việc làm của mấy cái “switches and routers” mà ông Bernard Callahan đề nghị phải mua đó, thưa bà.

Bà Sandy Gill cười lớn rồi quay sang ông Bernard Callhan:
- Hay quá! Sao mấy tháng nay ông không nghĩ ra cách này để giải thích cho tôi và Hội Đồng Quản Trị?

- Thật tình tôi cũng rất ngạc nhiên và thích thú với kiểu so sánh của anh John... Đó chính là lý do tại sao hôm trước tôi trình với bà anh John là “the right person for the job!”

Sau đó, chúng tôi chỉ ngồi nói chuyện trời trăng mây nước, rồi tập cách phát âm họ “Nguyễn” bằng tiếng Việt, chuyện tôi đi vượt biên, chuyện làm thiện nguyện ở đảo rồi làm sao tôi được định cư ở Mỹ... cho tới hết giờ hẹn và bắt tay ra về. Bà Sandy Gill bảo ông Bernard Callahan tiễn tôi xuống nhà rồi trở lại gặp bà để thảo luận. Lúc đi thang máy xuống nhà, ông Bernard Callhan bảo tôi: “Anh thắng lớn rồi đó!”

Lúc tôi về tới nhà đã có “message” trong điện thoại của phòng nhân sự nhắn tôi liên lạc với họ để thảo luận về vấn đề lương bổng và ngày nhận việc. Chính ông Bernard Callahan cũng gọi và để lời nhắn bảo tôi cứ việc “nêu giá” vì bà Sandy Gill đã nói với ông ta và phòng nhân sự là “bằng bất cứ giá nào cũng phải nhận anh vào làm việc với chức vụ Director, Infrastructure Planning & Management để giải quyết vấn nạn Y2K và chuẩn bị đưa National Geographic tiến xa hơn trên siêu xa lộ thông tin.”

Tôi đã nhận lời về làm cho National Geogaphic dưới quyền ông Bernard Callahan.

Mùa hè năm 2000, trước khi về hưu, bà Sandy Gill, qua sự gợi ý của ông Bernard Callahan,đã đề nghị với Hội Đồng Quản Trị thăng chức cho tôi làm Vice President phụ trách Information Technology để lo về những kỹ thuật mới trong khi ông Bernard Callahan phụ trách những vấn đề hành chánh và tiếp tục bảo trì những hệ thống máy móc do nhóm của tôi đã đưa vào hoạt động. Trong buổi họp và tiệc trà mừng tôi được thăng chức, ông Bernard Callahan đã mời tôi lên sân khấu đứng bên cạnh ông rồi phát biểu trước mặt toàn thể nhân viên và Hội Đồng Quản Trị:

- Có lẽ nhiều người trong hội trường này không thể phân biệt được trách nhiệm và bổn phận của tôi và anh John khác nhau hay giống nhau ra sao. Mấy năm trước, trong lúc bà Sandy Gill và tôi phỏng vấn anh John, tôi đã học được nơi anh một cách giải thích khoa học kỹ thuật rất ấn tượng và độc đáo... Hôm nay tôi sẽ dùng thử, và nếu quý vị không hiểu thì “ông thầy của tôi đây” sẽ tiếp lời và tôi bảo đảm quý vị sẽ hiểu ngay lập tức. Như quý vị biết, từ hôm nay anh John sẽ “ngồi ngang hàng”với tôi trong công việc, và cả hai chúng tôi đều lo về “khoa học kỹ thuật” cho National Geographic, nhưng nếu không khéo, chúng tôi sẽ dẫm chân lên nhau và công việc sẽ không tốt. Vậy thì vai trò của hai chúng tôi khác nhau ở chỗ nào? Xin thưa... Anh John và nhân viên của anh ta sẽ làm công việc của những kiến trúc sư, còn nhóm của tôi là những người thợ xây và trang trí nội thất. Cả hai nhóm chúng tôi sẽ tay trong tay xây lại “tòa nhà khoa học kỹ thuật” của National Geographic mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Có ai không hiểu hay thắc mắc gì không?

Cả hội trường vỗ tay vang dội. Ông chủ tịch Hội Đồng Quản Trị cũng vui vẻ lên tiếng:
- Thật là may mắn cho chúng ta vì Sandy và Bernard kiếm được một người không những rất giỏi về kỹ thuật mà lại còn biết thông dịch những từ chuyên môn ra ngôn ngữ bình thường cho chúng ta dễ hiểu... Có lẽ vì John đã quen dịch qua dịch lại giữa tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, và hình như cả tiếng La-Tinh nữa thì phải nên anh ta dịch“ngôn ngữ điện toán” ra tiếng Anh rất dễ hiểu và lại còn dạy cho Bernard nữa mới là tuyệt vời chứ. Tôi bảo đảm với mọi người là nếu không có anh chàng gốc Việt này thì hôm nay Bernard sẽ nói là anh John sẽ lo về “Information Technology”còn ông ta phụ trách “Systems Administration”, và hầu hết chúng ta lại mù tịt vì không biết họ sẽ làm chuyện gì ở National Geographic!

Từ đó, chúng tôi chung vai sát cánh bên nhau ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong tất cả các lãnh vực chuyên môn của National Geographic, từ việc chụp hình, quay phim, in ấn sách báo cho tới việc trực tiếp truyền hình những cuộc thám hiểm ở sa mạc, ở bắc cực và nam cực hay trong các rừng già Phi Châu cho tới lòng đại dương sâu thẳm. Ông Bernard Callahan luôn luôn nhắc nhở nhân viên là họ phải trở thành “hậu phương vững mạnh” để nhóm của tôi an tâm “ngoài tiền tuyến” và chính nhờ sự hỗ trợ tích cực của ông mà nhóm của tôi có thêm nhiều thì giờ nghiên cứu để sử dụng những phương tiện máy móc tối tân trong những chương trình mới của National Geographic. Chúng tôi làm việc tương đắc tới nỗi có nhiều người nói về ông Bernard Callahan và tôi là “like father like son!”

Giữa tháng 12 năm 2005, ông chủ tịch Hội Đồng Quản Trị gọi tôi lên văn phòng chỉ mấy phút trước cuộc họp “all hands” tổng kết cuối năm. Tôi vừa bước vào cửa, ông Bernard Callahan và 3 vị phó chủ tịch khác cùng đứng lên nói lớn: “Chúc mừng xếp mới!” Ông chủ tịch hội Hội Đồng Quản Trị đứng lên bắt tay và mời tôi ngồi rồi thong thả nói:

- John. Chúc mừng anh. Tôi muốn cho anh biết tin vui trước khi thông báo với tất cả nhân viên là “Board of Trustees” đã đề bạt anh lên chức vụ Senior Vice President từ ngày 1 tháng 1 năm 2006, và đây là những “vice presidents” sẽ làm việc trực tiếp dưới quyền anh, kể cả Bernard. Từ nay, ngoài vấn đề khoa học kỹ thuật, anh phụ trách luôn mấy nhóm lo việc in ấn sách giáo khoa, đặc biệt là chương trình huấn luyện giáo viên dạy tiếng Anh cho người ngoại quốc ở Á Châu, những cuộc thám hiểm cho học sinh “the JASON project”, và cung cấp phương tiện cho những “vấn đề quốc tế (international projects)”... Chúng tôi tin chắc anh sẽ làm tốt và quý vị ngồi đây cũng rất vui khi được làm việc dưới quyền anh. Thôi, chúng ta đi ra hội trường kẻo trễ.

Tôi bàng hoàng xúc động không nói lên lời! Tất cả những vị phó chủ tịch dưới quyền tôi đều làm cho National Geographic lâu năm hơn tôi, nhiều kinh nghiệm hơn tôi, và tuổi đời cũng lớn hơn tôi. Ông Bernard Callahan nói nhỏ với tôi: “Anh rất xứng đáng.Đừng lo, cần gì cứ nói một tiếng!”

Trong lúc phát biểu cảm tưởng trong cuộc họp, ông Bernard Callahan đã khẳng định với tất cả nhân viên rằng ông và những phó chủ tịch khác rất vui khi được làm việc dưới quyền tôi, và điều này “không có nghĩa là chúng tôi đi xuống nhưng là anh John đi lên, và anh ta xứng đáng được như vậy!”

Và cũng từ đó, ông Bernard Callahan luôn luôn tôn trọng và hỗ trợ tôi trong công việc. Ông đã trở thành nhân viên đắc lực nhất của tôi. Chính ông đã lôi kéo và thuyết phục những người khác dẹp tan mọi nghi ngờ hoặc đố kỵ và còn hãnh diện vì xếp của mình xuất thân là một người tỵ nạn đã từng bước đi lên bằng đôi tay, trí óc và con tim của mình. Phần tôi, lúc nào tôi cũng quý mến và kính trọng ông như một người đi trước, một người hướng dẫn và giúp đỡ tôi vững bước trong công việc“quản trị” ở National Geographic. Ông chính là “Role Model” của tôi.

Trước ngày chính thức về hưu, ông Bernard Callahan đã xin với ông chủ tịch Hội Đồng Quản Trị rằng ông muốn tôi là người đại diện National Geographic đọc “diễn văn đưa tiễn” trong ngày trọng đại của ông vì hôm đó tất cả vợ con và cháu chắt của ông đều có mặt, và ông muốn họ được nghe một “ông xếp” nói bằng trái tim chứ không phải chỉ bằng miệng lưỡi. Và đó chính là lý do tôi “đặt tên” cho bài diễn văn hôm đó là “From the Heart… on Mr. Callahan’s Retirement” để đăng lên trang tin nội bộ.

Tôi xin viết lên đây bài diễn văn hôm đó để một lần nữa bày tỏ lòng quý mến và ngưỡng mộ của tôi dành cho ông Bernard Callahan:

From the Heart…
on Mr. Callahan’s Retirement

Ladies and gentlemen,
The Callahan Family and distinguished guests,

It’s indeed an honor and privilege for me to be here to speak on behalf of National Geographic Society in this special ceremony for Mr. Callahan’s retirement.

Fourteen years of service is not long in comparison with over 123 years of the National Geographic history. Working at National Geographic for 14 years is short if we compare it with those who have been here for more than thirty or forty years. However, within this period of time, Mr. Callahan has contributed a significant list of achievements as written in the testimonial.

Bernard,
You and I have shared many ups and downs in the thirteen years I have worked at National Geographic. In August 1998, you hired me as the director of Infrastructure Planning & Management. A few years later, when the Information Technology group was created, we became peers; and in 2006, when the Information Systems, Information Technology and other divisions were consolidated, I became your supervisor; however, I always look to you as my role model. I always respect you as my superior and my mentor. Together, we always try to do the best for the Society.

In conclusion, I would like to quote a statement from another Vice President about our working relationship: “The success of the Information Systems and Technology division through so many reorganizations and changes in its focus could never be achieved without the unyielding loyalty and respect that Bernard and John have always shared with each other.”

Bernard,
Today, you have reached a new milestone of your life. You are retired. I respectfully wish you the best, and may the Lord’s blessings rest upon you always.

Thank you very much.
Nguyễn Duy-An (John)

Nguyễn Duy-An

Sunday, January 29, 2012

Âm nhạc VN

  
Nhạc sĩ Nhật Ngân
(1942-2012)
Hàng trăm đồng hương tiễn đưa nhạc sĩ Nhật Ngân

WESTMINSTER (NV) -" Xuân này con không về”, con đã đi vào miền Miên Viễn. Nhạc sĩ Nhật Ngân đã giã từ cõi thế chỉ trước có hai ngày, đồng hương người Việt khắp nơi đón chào một năm mới, năm Nhâm Thìn 2012(Hàng trăm thân hữu và đồng hương tiễn đưa linh cữu cố nhạc sĩ Nhật Ngân đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Peek Family.)

Vào sáng 28 tháng 1 nhằm ngày Mùng Sáu Tết Nhâm Thìn, tại nhà quàn Peek Family thành phố Westminster, gia đình cố nhạc sĩ đã cùng đồng hương thân hữu cử hành tang lễ tiễn đưa linh cữu cố nhạc sĩ Nhật Ngân đến nơi an nghỉ cuối cùng trong nghĩa trang Westminster.

Ước lượng có tới trên ba trăm đồng hương và thân hữu đã có mặt trong buổi tiễn đưa này. Theo sổ ghi Thăm Viếng thì con số người đến với nhạc sĩ Nhật Ngân khi nhạc sĩ đã ra đi có thể tới con số cả ngàn người.

Sau phần tụng niệm hướng dẫn hương linh do Hòa Thượng Thích Viên Lý và chư tăng hộ niệm của chùa Ðiều Ngự, bà quả phụ Trần Nhật Ngân, cựu Trung Úy Nữ Quân Nhân QLVNCH Ðinh Thị Nương, thay mặt gia đình đã mở một băng nhạc ghi lại một số tác phẩm của cố nhạc sĩ để mọi thân bằng quyến thuộc cùng nhớ lại người nhạc sĩ tài hoa có cái tâm hiền qua những giai điệu mà chính nhạc sĩ đã gửi tiếng ca như cõi lòng mình trong đó.

Ðại diện của các đoàn thể như Hội Ái Hữu Quảng Nam-Ðà Nẵng, ái hữu cựu học sinh trung học Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp lần lượt lên đọc những điếu văn trước linh cữu người bạn đồng môn, nhắc nhở đến một thời cùng sách đèn bên nhau luyến lưu biết bao kỷ niệm. Nhà văn Ðỗ Thái Nhiên, đại diện cho hội Phan Chu Trinh đã nhắc lại rằng: Với tư cách chỉ huy một đơn vị chiến tranh tâm lý, Nhật Ngân dễ dàng có được tờ phép để về thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên Ðán. Thế nhưng thay vì rời bỏ đơn vị để hưởng hạnh phúc riêng, Nhật Ngân tha thiết nói với mẹ: “Con biết không về, mẹ chờ em trông. Nhưng nếu con về bạn bè thương mong. Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường. Không lẽ riêng mình êm ấm? Mẹ ơi, con xuân này vắng nhà”. Nhà văn Ðổ Thái Nhiên cũng nhắc đến giai đoạn sau 30 tháng 4 năm 1975, Nhật Ngân đã là người nghệ sĩ miền Nam đầu tiên dám hỏi thẳng cộng sản rằng “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh” trong một bài nhạc đã được ngấm ngầm truyền tụng trong người dân miền Nam.

Tin nhạc sĩ Nhật Ngân tạ thế được lan truyền nhanh chóng không chỉ trong chốn thân hữu, bạn bè gần xa mà trong cả cộng đồng người Việt và giới trẻ. Vì, nhạc sĩ Nhật Ngân là một tác giả của rất nhiều bản nhạc đã thấm sâu trong lòng mọi người, ít ra là trong hai ba thế hệ(Nhà văn Ðỗ Thái Nhiên, đại diện Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh Ðà Nẵng đang đọc điếu văn bên linh cữu cố nhạc sĩ Nhật Ngân.)

Bài nhạc “Xuân này con không về” được ông sáng tác trong thời chiến chinh khói lửa mịt mờ khắp quê hương, đã không chỉ là tiếng nói chung của những người lính chiến VNCH mà cả sau này khi cộng sản đã cưỡng chiếm được miền Nam đưa hàng hàng triệu quân cán chính VNCH vào các “lò” cải tạo, thì những người lính và cán bộ cộng sản coi tù được nghe lén anh em hát mỗi khi Xuân về, cũng chạnh lòng mà không đàn áp lại còn kín đáo xin anh em dậy cho hát lại.

Ông Phan Bái tức nhạc sĩ Nguyên Phan, bạn đồng môn vói Nhật Ngân hai niên khóa kể lại: “Sau 75 tôi bị đi tù cải tạo. Vào một đêm Giao Thừa, chạnh lòng nhớ gia đình, tôi có hát khẽ lên bài ‘Xuân này con không về’ chẳng ngờ bị tên vệ binh nghe được. Nhưng thay vì chúng bắt đi kỷ luật vì phạm tội hát nhạc vàng, đồi trụy thì tên vệ binh này đã bắt tôi chép lại lời và xin kín đáo dậy cho hắn thuộc bài nhạc”.

Nhạc sĩ Nhật Ngân còn sáng tác nhiều ca khúc trữ tình khác nữa. Những ca khúc này không chỉ thấm sâu trong cảm xúc của các thế hệ chiến tranh mà tuổi trẻ bây giờ cũng rất mê. Bốn cô gái trẻ Michelle Hà, Nguyễn Duyên, Gloria và Jessica Nguyễn, bạn của con trai nhạc sĩ, có mặt trong buổi tiễn đưa này cùng nhất loạt nhắc đến bài “Tôi đưa em sang sông” nói rằng nghe hoài không chán, càng nghe càng thấy buồn man mác. Nguyễn Duyên còn thêm: “ Cả bài Mưa trên biển vắng nữa”.

Gặp thêm một bạn trẻ đang đứng chờ tiễn đưa linh cữu nhạc sĩ, cô Trần Thị Nam Phương. Nam Phương kể: “Chú Nhật Ngân là bạn thân với bố con. Khi bố con còn sống, con vẫn thường chở bố và chú Nhật Ngân đi đánh Tennis, chú rất dễ thương, khi ấy con đâu có ngờ chú đã làm ra bản nhạc mà con rất thích vì thường nghe mẹ hát từ lúc con còn bé, bài Tôi đưa em sang sông” .

Không thể kể hết được những tâm tình của thân hữu khi nhắc về Nhật Ngân. Cuộc sống của Nhật Ngân không chỉ tỏa sáng trong âm nhạc, để lại cho đời những tác phẩm đã vượt thời gian, kể cả những tác phẩm có tính thời sự như “Giã Từ Vũ Khí” hay “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?”... Nhật Ngân còn tỏa sáng trong thân hữu bạn bè đồng hương khi anh sinh hoạt trong cộng đồng. Bóng anh không bao giờ thiếu khi các hội Quảng Nam-Ðà Nẵng hay Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp tổ chức họp mặt... Anh tham gia với tất cả nhiệt tình của mình bằng lời ca, bằng tiếng hát và bằng cả những tác phẩm sáng tác riêng cho Quảng Ðà hay Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp.

Anh từ giã cõi thế. Xuân này và mãi mãi anh không về nữa. Nhưng “Xuân này con không về” chắc chắn sẽ còn mãi với cộng đồng người Việt, cả trong và ngoài nước.

Nguyên Huy

Saturday, January 28, 2012

Thơ Trần Thiên Thị


Nợ nần tháng chạp


Núi đã cho mua đông mượn một bờ vai
để sương mù trĩu xuống
em cho tôi mượn buổi chiều
để nỗi buồn có đôi.

ai đã nhờ vã gì cơn mưa phùn cuối đông
đèn phố vàng chẳng thể hong khô
một lòng trừ tịch

câu thơ yêu đương như chừng đã đọc ở đâu rồi.

những con chữ anh anh em em nằm cận kề
gợi nhớ về những ngôi mộ
nằm song song giữa trời tháng chạp.
 

không lẽ phải nói lại một lần.
một lời yêu đã cũ
như đôi môi vay hoài loài tí ngọ
sóng râm ran nói chuyện dối lừa.


 như một gã làm thơ một đời không nghĩ
thâm canh trên mãnh vườn nhà hàng xóm
chiếc kim đồng hồ lẩn thẩn
như con kiến già bò trên miệng chén
lòng trót vay không thể khất qua năm.

còn chút buồn đây xin trả nốt
em lại về cùng mẹ đón xuân
tháng chạp mù mù không bởi gió
chỉ có một nỗi buồn
đã ra đi là muôn đời ở lại.


Trần Thiên Thị

Friday, January 27, 2012

USA vs.CHINA


Giữa Mỹ và Trung Quốc

Sự tranh giành ảnh hưởng trong khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều quốc gia vùng châu Á – Thái Bình Dương lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan và biến các nhà ngoại giao trở thành những kẻ làm xiếc: Họ phải bước trên những sợi dây mong manh và cố giữ quân bình giữa các quyền lợi và thế lực khác nhau.

Có thể nêu ba nước chính làm ví dụ: Úc, Nhật và Nam Hàn. Cả ba đều là những đồng minh thân cận của Mỹ, hơn nữa, đều xem quan hệ đồng minh với Mỹ là một trong những điều kiện sống còn, một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của nước họ.

Từ sau đệ nhị thế chiến, Nhật và Mỹ đã ký một số hiệp ước song phương về vấn đề an ninh chung. Tuy là một trong những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, Nhật cũng không thể tự bảo vệ mình trong suốt thời chiến tranh lạnh với Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa nếu không có sự trợ giúp tích cực về phía Mỹ. Có thể nói, suốt thời chiến tranh lạnh, Nhật chỉ tập trung vào việc phát triển kinh tế, còn vấn đề an ninh thì hầu như giao khoán cho Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng xem Nhật là căn cứ quân sự lớn nhất ở châu Á, nơi thường xuyên có khoảng 50.000 lính Mỹ đồn trú (khoảng một nửa đóng ở Okinawa). Gần đây, thường xuyên có các cuộc tranh cãi về sự hiện diện của số quân đông đảo này trên đất Nhật. Có lẽ, sắp tới, với chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng và tinh giản quân đội của Mỹ, một số lính sẽ được rút về nước. Tuy nhiên, quan hệ an ninh giữa Nhật và Mỹ, nói chung, vẫn rất chặt chẽ. Nhật vẫn cần Mỹ để bảo vệ mình; và Mỹ cũng cần Nhật để duy trì quyền lực cũng như bảo vệ quyền lợi ở châu Á.

Nam Hàn lại càng cần Mỹ hơn nữa. Không có Mỹ, sẽ không có sự tồn tại của cái gọi là Nam Hàn hay Hàn Quốc bây giờ. Sau cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài ba năm (1950-3) với Bắc Hàn, hầu như lúc nào Nam Hàn cũng sống trong trạng thái phập phồng trước một cuộc xâm lược mới có khả năng xảy ra từ những người anh em cuồng tín, hung hãn và nghèo đói ở phía Bắc. Số lính Mỹ đóng ở Nam Hàn chỉ thấp hơn ở Nhật một chút: khoảng gần 40.000 người. Đó là chiếc bùa hộ mệnh cho một nửa nước tự do này.

Úc cũng vậy. Là một quốc gia Tây phương đất rộng người thưa sống sát nách châu Á, Úc chỉ thoát được thế cô lập và tránh bị đe dọa với một điều kiện hầu như duy nhất: liên minh chặt chẽ với Mỹ. Hiệp ước ANZUS giữa Mỹ, Úc và Tây Tân Lan được ký kết từ năm 1951 là cột xương sống trong chính sách quốc phòng của Úc. Từ đó đến nay, mối liên minh ấy chưa bao giờ bị lung lay hay bị đặt thành nghi vấn. Trong hầu hết các cuộc chiến tranh do Mỹ phát động, ở đâu có lính Mỹ, ở đó có lính Úc. Như hình với bóng. Úc hy vọng, với mối quan hệ gần gũi ấy, Mỹ sẽ sẵn sàng bảo vệ Úc trước bất cứ một sự đe dọa nào từ bên ngoài.

Thế nhưng gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, mối quan hệ giữa cả ba quốc gia kể trên với Mỹ đều đối diện với những thách thức nghiêm trọng. Trên nguyên tắc và một cách công khai, ở đâu người ta cũng dõng dạc khẳng định mối quan hệ ấy vẫn nguyên vẹn, hơn nữa, càng được củng cố thêm khi Trung Quốc bộc lộ một số tham vọng chính trị của họ trên vũ đài thế giới. Nhưng trên thực tế, quan hệ giữa ba nước với Mỹ, vốn dựa trên sự tương đồng về ý thức hệ và quyền lợi chính trị (với Úc thì còn có sự tương đồng về văn hóa nữa), không ngừng bị xói mòn bởi một yếu tố mới: quyền lợi về kinh tế, ở đó, sức nặng càng ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc.

Từ năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật với số tiền giao dịch lên đến 300 tỉ đô-la vào năm 2010. Con số 300 tỉ đô-la giao dịch này cũng là mục tiêu mà giới lãnh đạo Trung Quốc và Nam Hàn đặt ra cho quan hệ thương mại giữa họ vào năm 2015. Hiện nay, với Trung Quốc, Nhật và Nam Hàn là đối tác thương mại đứng hàng thứ 2 và 3, chỉ sau Mỹ. Về phương diện này, vị trí của Úc thấp hơn: Úc chỉ là bạn hàng lớn thứ 7 của Trung Quốc. Nhưng ngược lại, Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, trên cả Mỹ và châu Âu.

Nói một cách tóm tắt, hiện nay, Trung Quốc là địa điểm xuất khẩu lớn nhất của cả ba nước Nhật, Nam Hàn và Úc. Năm 2010, tỉ lệ hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trên tổng số hàng xuất khẩu quốc gia ở Nam Hàn là 25.1%; ở Nhật là 19.4% và ở Úc là 25.3%.

Hầu hết giới bình luận kinh tế và chính trị đều cho lý do quan trọng nhất khiến Úc có thể bình an vô sự trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 và kéo dài đến tận bây giờ là nhờ nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn không thay đổi. Các hầm mỏ khoáng sản ở Úc vẫn làm việc hết công suất để cung ứng cho nhu cầu hầu như vô tận của Trung Quốc.

Bình thường, người ta vẫn phân biệt giữa thương mại và chính trị. Tuy nhiên, khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở thành căng thẳng, Trung Quốc không ngần ngại trong việc biến thương mại thành một vũ khí chính trị. Khi họ trở chứng, kinh tế của cả ba nước Nhật, Nam Hàn và Úc sẽ gặp khó khăn ngay tức khắc. Và như là quy luật ở các nước dân chủ: khi kinh tế gặp khó khăn, dân chúng sẽ bất mãn, và cuối cùng, chính phủ sẽ sụp đổ. Dĩ nhiên không có chính phủ nào muốn sụp đổ cả. Họ sẽ tìm mọi cách để tồn tại, trong đó cách hiệu quả nhất là nhân nhượng Trung Quốc. Đã đành là mọi sự nhân nhượng đều có giới hạn. Nhưng chỉ cần một chút nhân nhượng, tương quan chính trị trong khu vực cũng sẽ đổi khác.

Ở trên, chúng ta chỉ nhắc đến Nhật, Nam Hàn và Úc. Thật ra, Việt Nam cũng ở hoàn cảnh ít nhiều tương tự. Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ phức tạp hơn ba nước kia nhiều. Giữa Việt Nam và Mỹ, nếu không có sự thù nghịch thì cũng có sự nghi ngờ. Nhưng có điều Việt Nam cũng cần Mỹ không thua gì các nước khác cần Mỹ. Thậm chí, còn cần hơn. Không có nước nào chịu nhiều áp lực chính trị từ phía Trung Quốc như là Việt Nam. Cũng không có nước nào cần đồng minh hơn Việt Nam. Từ giữa năm 2011 đã thấy xuất hiện một nỗ lực xây dựng quan hệ đồng minh giữa Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ rõ ràng là chưa đủ mạnh để kiềm chế Trung Quốc. Do đó, chắc chắn là Việt Nam cần một đồng minh khác, lớn và mạnh hơn.

Nhưng đồng minh ấy lại chứa đựng đầy nguy cơ. Trong đó, nguy cơ lớn nhất là mất đảng.

Trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, nếu các nước Nhật, Nam Hàn và Úc, một lúc nào đó, sẽ phải lựa chọn giữa lý tưởng chính trị và quyền lợi kinh tế thì đối với Việt Nam, một lúc nào đó, sự lựa chọn sẽ khốc liệt hơn: giữa độc lập và lệ thuộc.

Hay nói theo lời người dân thường nói: Lựa chọn giữa chuyện mất nước hay mất đảng.

TS. Nguyễn Hưng Quốc

Thursday, January 26, 2012

KTVN

Việt Nam mất cơ hội
xuất cảng gạo cả 200 năm

VIỆT NAM (NV) - Cuối thập niên 1980, Việt Nam bắt đầu xuất cảng gạo sau 25 năm đình trệ và nhiều năm phải nhập cảng để giải quyết nạn đói kém kéo dài.
Lịch sử xuất cảng hạt gạo Việt Nam trong ngần ấy thời gian cũng đã trải qua nhiều biến động, thăng trầm, từ 1.37 triệu tấn vào cuối thập niên 1980 cho đến năm rồi cũng chỉ mới đạt đến mức tối đa là 7.2 tấn.(Hạt gạo Việt Nam đã được Hoa Kỳ chú ý từ hơn 220 năm trước. (Hình: Báo Dân Việt)

Theo báo Dân Việt, hạt gạo Việt Nam vươn ra thế giới như một điều kỳ diệu vì phải khó nhọc lắm mới chen chân cùng các nước xuất cảng gạo hàng đầu thế giới trong thị trường đầy cạnh tranh hiện nay.

Tuy nhiên, giở lại lịch sử 200 năm trước, nhiều người dân Việt bùi ngùi tiếc rẻ cơ hội xuất cảng “ngàn năm có một” của hạt gạo Việt Nam.

Theo một tài liệu được báo Dân Việt trích dẫn, cách nay hơn 224 năm, đại diện thương mại Hoa Kỳ tại Pháp lúc đó là ông Thomas Jefferson lần đầu tiên xác định vai trò quan trọng của hạt gạo Việt Nam đối với người Hoa Kỳ.

Cũng theo tài liệu này thì Hoa Kỳ đã chú ý đến hạt gạo Việt Nam hơn 200 năm trước. Ông Thomas Jefferson còn tìm cách liên lạc với Hoàng Tử Cảnh - con trai của vua Gia Long đang ở Pháp lúc đó để xin một số hạt lúa giống Việt Nam.(Gạo Việt Nam tìm thị trường xuất cảng hiện nay không hề dễ dàng. (Hình: Báo Dân Việt)

 
Ðầu thế kỷ thứ XIX, dưới thời tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ - Thomas Jefferson, một thương thuyền được phái tới để thu thập tin tức về hạt gạo Việt Nam và thảo luận về việc Việt Nam xuất cảng đường và cà phê sang thị trường Hoa Kỳ.

Ðó là chiếc thương thuyền Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam nhưng không gặt hái được thành công vì người đại diện của họ không gặp được vua Gia Long. Thương thuyền sau đó quay sang Philippines.

Cũng theo tài liệu này, chiếc tàu buôn thứ hai của Hoa Kỳ cập cảng Việt Nam khoảng 16 năm sau để tìm mua nông sản, nhưng lại thất bại lần nữa.
Tài liệu nói rằng thuyền trưởng John White của con tàu Franklin chờ mãi không được sự phúc đáp đơn xin ghé bến thương cảng Sài Gòn. Cuối cùng thì ông John White cũng lại quày quả ra đi.

 Chi tiết các sự kiện nói trên được Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton công bố trong chuyến thăm đầu tiên nước Việt Nam cộng sản của vị nguyên thủ Hoa Kỳ vào năm 2000. Trong bài nói chuyện với các sinh viên Việt Nam tại trường đại học quốc gia Hà Nội, Tổng Thống Bill Clinton còn tiết lộ rằng hạt giống gạo Việt Nam được ông Thomas Jefferson mang về Hoa Kỳ từ hơn 200 năm trước đã được gieo trồng tại một trang trại ở tiểu bang Virginia.

Bài viết đăng trên báo Dân Việt bày tỏ nỗi ngậm ngùi tiếc rẻ vì Việt Nam đã đánh mất những cơ hội giao thương ngàn năm một thuở với Hoa Kỳ và cho rằng “đến nay thì hạt gạo Việt Nam vẫn chưa lọt nổi vào danh sách những hàng hóa được nhập cảng và được ưa chuộng tại Hoa Kỳ.”(FL)

CSVN

Tin hay không tin 

Sau vụ anh Ðoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng bị cướp đất rồi bị bắt, nhiều người Việt trong nước đã đặt câu hỏi trên các mạng lưới: “Liệu vụ này có bị chìm xuồng không?” Rồi tự trả lời, “Chúng tôi chả còn biết tin vào đâu nữa!” Một độc giả khác trấn an: “Hãy tin vào đảng vào trung ương...” Nhưng có người phản bác ngay: “Các bác vẫn còn cái trung ương để tin. Em thì chẳng. Dứt khoát như thế cho nó nhanh. Còn tin vào đâu?”

Một cách cụ thể, một vị độc giả trên mạng đề nghị: “Hãy làm một cuộc trưng cầu dân ý bằng cách cho mọi người bỏ phiếu với hai khả năng (chọn lựa): Tin - Không tin.” Và vị này đoán kết quả sẽ “có đến 90 % người dân không tin vào vai trò lãnh đạo của đảng nữa.” Một vị khác đồng ý: “Tôi nghĩ... việc mất lòng tin của dân là nhãn tiền.”

Thực sự bây giờ mà đặt câu hỏi dân Việt Nam còn tin hay không tin đảng cộng sản thì hơi phí thời giờ. Ðó là một vấn đề chẳng cần nêu ra làm gì nữa, câu trả lời ai cũng biết rồi. Có thể đặt ngay một câu hỏi là “Ðảng cộng sản có còn tin vào đảng nữa hay không?” Và có thể trả lời ngay là KHÔNG. Cũng trả lời “Dứt khoát như thế cho nó nhanh!”

Hãy thử tự đặt mình vào địa vị các đảng viên và lãnh tụ cao cấp của đảng mà tự hỏi: “Nếu TIN thì TIN vào cái gì? Có cái gì để TIN hay không?” Hỏi rồi, nhìn quanh nhìn quẩn, thực tình, chẳng thấy có cái gì để tin hết! Chính họ cũng không thấy có gì để tin vào đảng của họ nữa, “Nói dứt khoát như thế cho nó nhanh!”

Trước hết, đảng viên cộng sản còn ai tin vào mục đích sau cùng của các đảng cộng sản là làm cách mạng vô sản toàn thế giới hay không? Các đảng viên cộng sản bây giờ còn tin rằng kinh tế tư bản đang rẫy chết, sắp sụp đổ như ông tổ Karl Marx đã tiên đoán trước đây hơn 150 năm hay không? Các đảng viên cộng sản bây giờ còn ai muốn nghiên cứu học tập những lý thuyết viển vông như Duy Vật Biện Chứng hay Duy Vật Lịch Sử nữa hay không?

Những giáo điều căn bản của đảng cộng sản, họ không tin, thì họ tin vào cái gì? Ngay cả những lãnh tụ cao cấp nhất trong đảng cũng chỉ chăm chắm lo làm giầu, lo củng cố địa vị cho con cháu; có ai bây giờ còn tự xưng mình là một “chiến sĩ vô sản?”

Cơn khủng hoảng niềm tin trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu ngay từ khi họ chiếm được miền Nam Việt Nam. Những đảng viên người miền Bắc thấy rõ người dân trong Nam từng có mức sống cao hơn và có nhiều quyền tự do hơn trước khi “được Ðảng giải phóng.” Những chính sách kinh tế thất bại gây ra nạn đói, cho thấy chủ trương và tài cán của các lãnh tụ là số không. Các cuộc chiến tranh với Khờ Me Ðỏ và Trung Cộng cho thấy cái gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản là hoàn toàn dối trá, bịp bợm. Cảnh sụp đổ của Liên Xô và khối cộng sản ở Âu Châu đã mở mắt tất cả những đảng viên vẫn còn mơ hồ. Khi đảng cộng sản quyết định “đổi mới” thì người ta đã thấy chẳng qua chỉ là trở về với những phương pháp cũ, trước bị đảng cộng sản thay đổi! Nếu còn ai tin tưởng vào đảng cộng sản thì niềm tin đó cũng chấm dứt khi người ta nhìn thấy cảnh các cán bộ từ trên xuống dưới chạy đua trên con đường biến thành tư bản đỏ. Không phải tất cả các đảng viên cộng sản đều hy vọng thành tư bản đỏ, vì chỉ có một thiểu số giành được quyền làm giầu. Những người còn lại phải bám vào đảng để sống.

Riêng đám lãnh tụ đầu đảng bây giờ chỉ còn lo củng cố địa vị mà làm giầu. Họ tìm cách học tập rồi chắp vá những mánh khóe của các chế độ độc tài khác trên thế giới, cố làm sao bảo vệ quyền hành, và bảo đảm đám con cháu sẽ còn được hưởng thụ như họ càng lâu càng tốt. Tất cả là một mạng lưới kết hợp chặt chẽ với nhau để giữ quyền và đục khoét. Ở cấp xã, cấp huyện thì tiêu biểu là xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Ở cấp cao hơn thì tiêu biểu là bọn những tập đoàn PMU 18, Xa lộ Ðông Tây ở Sài Gòn, Vinashin. Tất cả đều nhắm mục đích vơ vét thật nhanh, vì biết ngày sụp đổ không còn xa nữa. Leo lên ngồi được vào một cái ghế rất tốn kém, thời gian kiếm chác không biết được bao lâu, cho nên phải nhất trí vơ vét thật nhanh! Như một người dân đã viết trên mạng: Họ đầu tư thì họ phải cố thu hồi!

Tóm lại, bây giờ, đảng cộng sản cũng không còn tin vào chính nó nữa. Những bài diễn văn vẫn đề cao những chủ nghĩa lạc hậu, vẫn hô to các khẩu hiệu rỗng tuếch; chính họ cũng không còn tin lời họ nói nữa. Ngay việc họ vẫn tự gọi tên đảng của họ là đảng cộng sản đã là một điều dối trá trơ trẽn rồi. Người dân coi họ chỉ là một bè lũ Mafia.

Nhưng một hậu quả thê thảm sau hơn nửa thế kỷ cộng sản cai trị, là họ cũng phá vỡ hết cả niềm tin của mọi người dân Việt Nam. Ðảng cộng sản ngay từ đầu đã chủ trương phá các tôn giáo, vì sợ lòng trung thành với đảng bị chia sẻ. Họ hủy bỏ trật tự của các gia đình, là nơi vẫn chứa đựng các giá trị nhân bản như tình thương yêu giữa cha mẹ và con cái, niềm tin vào phúc đức tổ tiên, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Họ biến công việc giáo dục thành một khí cụ tuyên truyền, xóa sạch tinh thần “tôn sư trọng đạo” mà các tiền nhân từ Chu Văn An đến Nguyễn Ðình Chiểu đã xây dựng trong hàng ngàn năm. Họ bỏ mặc các giáo chức sống nghèo khổ, phải lo kiếm ăn nhiều hơn là lo giáo dục; làm mất uy tín của các thầy giáo, cô giáo, mà từ đời xưa vẫn được coi là lớp người làm gương mẫu cho thanh thiếu niên Việt Nam. Họ coi cả hệ thống tư pháp là một dụng cụ cai trị, không người dân nào tin tưởng vào luật pháp nữa. Trật tự xã hội chỉ dựa trên nỗi sợ hãi trước guồng máy công an.

Hậu quả của các chính sách cộng sản là tạo nên một xã hội bơ vơ không còn ai tin vào các giá trị tinh thần. Trước đây 30 năm, tập truyện Thằng Người Có Ðuôi của nhà văn Thế Giang đã cho thấy những thứ tội ác diễn ra lạnh lùng, ngay cả cảnh người lớn đối xử ác độc với trẻ em. Trước đây 25 năm Nguyễn Huy Thiệp đã mô tả tình trạng con giết cha, vợ bỏ chồng, anh em, bạn bè lợi dụng lẫn nhau; trong một xã hội hoàn toàn không có các tiêu chuẩn luân lý. Nhưng trong văn chương của Nguyễn Huy Thiệp cũng như Thế Giang độc giả còn thấy bóng dáng của lòng từ bi, của những khát vọng hướng về Cái Thiện. Ngày nay, đọc tiểu thuyết Xe Lên Xe Xuống của Nguyễn Bình Phương chúng ta thấy ông cực tả tình trạng trống rỗng tinh thần ở một mức độ kinh hoàng hơn nữa. Cái Thiện hoàn toàn vắng mặt. Các nhân vật trong Xe Lên Xe Xuống không quan tâm đến một giá trị luân lý nào cả. Ðộng cơ của họ khi cư xử với nhau, khi đối phó với hoàn cảnh bên ngoài, đều là do lòng tham và nỗi sợ. Họ chỉ đi tìm tiền bạc, quyền hành, và nhục dục. Họ nhìn người khác đều chỉ thấy đó là những vật có thể dùng để thỏa mãn các mục đích này. Hình ảnh duy nhất còn mang lại niềm tin trong toàn cảnh tiểu thuyết này là tình anh em ruột thịt, qua những ký ức về thời thơ ấu của nhân vật chính, khi hai anh em đối xử với nhau như những con người, không vụ lợi.

Có thể đó là một điều mà Nguyễn Bình Phương nêu lên như mầm mống để nuôi hy vọng cho một nước Việt Nam tốt đẹp hơn. Cuốn tiểu thuyết đặt trong bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Hoa tàn khốc những năm 1979, và 1984, cuối cùng, chứa đựng một nỗi khát khao: Phải sống lại tình anh em máu mủ, như thời chúng ta còn là những đứa trẻ thơ.

Bởi vì các chế độ chính trị sau cùng đều tàn lụi cả. Các chủ nghĩa, các lý thuyết đều chỉ có giá trị nhất thời. Những người giầu có nhất, quyền lực cao nhất, sau cùng cũng sẽ bị lãng quên. Quyền hành, danh vọng, tiền bạc, khi chết không ai mang theo được. Nhưng tình tự dân tộc, tình thương yêu giữa người Việt Nam với nhau giống như tình anh em ruột thịt, vẫn tồn tại. Mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều chia sẻ những nỗi nhục nhằn cay đắng của các nhân vật trong Xe Lên Xe Xuống, trong cơn hoạn nạn đất nước bị xâm lăng. Tất cả đều xúc động khi đọc tin tức về gia đình ông Ðoàn Văn Vươn. Tình đồng bào đó vượt lên trên mọi bức tường chia rẽ chúng ta, dù là tường lửa.

Bây giờ chẳng cần đặt ra câu hỏi người dân còn tin chính quyền cộng sản hay không nữa. Nhưng chúng ta có thể tin vào tình thương yêu giữa đồng bào với nhau. Mối quan tâm lớn là chính chúng ta phải xây dựng lại niềm tin giữa người Việt Nam với người Việt Nam. Bắt đầu bằng tấm lòng thành thật, bằng lời nói đúng sự thật, và thái độ sẵn sàng tin tưởng vào những người cùng thành tâm thiện chí. Chỉ có sự thật xây dựng được niềm tin.

Ngô Nhân Dụng

Tuesday, January 24, 2012

'Trí thức VN


'Trí thức chỉ có con đường dấn thân'
Một học giả của Pháp chuyên nghiên cứu về các vấn đề châu Á cho BBC hay đảng Cộng sản Việt Nam buộc phải tự thay đổi nếu muốn tránh các cuộc đấu tranh của quần chúng.

Trong cuộc trao đổi với BBC hôm 24/01/2012, Tiến sĩ Jean-Francois Sabouret (Hình phải) cho rằng Đảng Cộng sản cần có một lộ trình rõ ràng, hàng năm, để chủ động chuyển đổi theo hướng trả lại quyền lực cho nhân dân.

Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Thế Giới Châu Á, Institut des Mondes Asiatiques tại Paris cũng cho rằng đảng đang đứng trước sự lựa chọn nghiêm trọng hoặc là tiếp tục đóng cửa, không lắng nghe trí thức và các tầng lớp tiến bộ trong xã hội, hoặc cải cách toàn bộ để tránh sự đổ vỡ phức tạp, khó tránh khỏi.

Học giả người Pháp cũng lưu ý tới việc không riêng gì đảng cộng sản, mà theo quy luật chung, bất cứ ai "nắm quyền lực" quá lâu sẽ không tự giác "tự động" trao trả quyền lực cho nhân dân, điều được cho là một ngưỡng thách thức quan trọng đối với các lãnh đạo đảng và nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Bình luận về vai trò của trí thức trong quá trình biến đổi xã hội này, ông Sabouret cho rằng người trí thức "không có sự lựa chọn nào khác" ngoài dấn thân và tiếp tục dũng cảm lên tiếng vì lợi ích chung của xã hội, cộng đồng và nhân loại, dù là họ ở Pháp, ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu.

Nói về tương lai của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, ông Sabouret đánh giá:
"Một cách chính thức mà nói, đảng không thể nắm quyền mãi mãi được. Có nghĩa là những người nắm quyền trên cả nước từ năm 1975, ngày nay là con cháu của họ, bạn bè và đồng minh của họ đang muốn tiếp tục quyền lực lãnh đạo trong một số thời gian nữa.

"Nhưng chúng ta biết rằng những người nắm chính quyền ở Liên Xô năm 1917 chỉ có thể giữ được quyền lực trong vòng 70 năm. Còn những người nắm quyền lực ở Việt Nam từ năm 1975 tới nay, có thể còn độ 20-30 năm năm nữa, tùy vào những diễn biến cụ thể.
"Nhưng cũng có thể là ngắn hơn là bởi vì những người lãnh đạo không thể làm gì thay đổi được trước xu thế của những thế hệ trẻ, những khát vọng dân chủ, khát vọng tự do, khát vọng về tự do phát ngôn, tự do tư tưởng, tư duy."

'Không thể đi ngược'

Chuyên gia về châu Á này cho rằng Đảng Cộng sản sẽ không thể 'kháng lại được những khát vọng này' vì ông ví những nhân tố nằm trong "tư duy" con người này như nhưng lực xã hội khó có thể cưỡng lại được:
"Bạn sẽ không thể cưỡng lại được chúng, bởi vì chúng là những cơn sóng thần (tsunami) đang ập tới ở trên biển. Tư duy con người là như thế, bạn đơn giản là không thể ngăn chặn được tư duy của con người."

Học giả người Pháp cũng nhắc tới trường hợp của Miến Điện và Bắc Triều Tiên.
Ông cho rằng, những biến đổi đã xảy ra ở Miến Điện theo chiều hướng mới về cải tổ xã hội dân chủ, cởi mở, thậm chí sẽ có thể một ngày nào đó xảy ra ở Bắc Triều Tiên, trong một thế giới khó lường như hiện nay.
"Đảng Cộng sản ở Việt Nam đã mở cửa ít nhiều. Họ đã lựa chọn việc mở cửa từng bước có kiểm soát. Tôi không nói về chi tiết. Nhưng nay họ không thể đi ngược trở lại. Họ phải mở cửa. Nếu họ cứ giữ nguyên cánh cửa đóng như thế, tình thế sẽ trở nên nguy hiểm đối với họ."

Bình luận về điều gì mà những người trí thức ở Việt Nam cần phải làm vì tương lai của đất nước, lợi ích của cộng đồng, sau khi điểm lại những nỗ lực trong lịch sử tranh đấu của trí thức Pháp và trí thức nói chung trên thế giới, ông tổng kết:

"Những người trí thức Việt Nam phải tranh đấu thôi. Họ phải đoàn kết lại. Họ phải xuất bản những tạp chí, những trang web mà tại đó họ phải phản biện, phải có đầu óc phê phán. Đương nhiên điều đó là không đơn giản.
"Nhưng người ta chỉ có thể bắt bớ một, hay một vài người thôi, chứ làm sao có thể bắt bớ cả một dân tộc được? Điều đó là không thể!"

'Tới lúc can đảm'
Theo học giả này, đã đến lúc Việt Nam cần có những tiếng nói "can đảm" vì lợi ích chung là lựa chọn của cả quốc gia, dân tộc.
Ông nói:
"Cần phải có những người đứng lên và nói rằng đây là viễn kiến, tầm nhìn mà chúng tôi thấy phải có về Việt Nam. Chẳng hạn như một đất nước mở ra đối với nhiều đảng phái, với một nền dân chủ thực sự, với một đối lập được công nhận.
"Đó là một điều quan trọng đáng làm và những người trí thức Việt Nam phải lên tiếng. Không những chỉ khi họ ở nước ngoài vì điều đó dễ dàng. Mà ở trong nước, họ phải đoàn kết lại, xuất bản, thảo luận những tạp chí, sách vở, mở ra những hội thảo."

Điểm qua một số bài học lịch sử gần đây, kể cả trường hợp các nước diễn ra phong trào Mùa Xuân Ả Rập, ông Sabouret tin rằng lúc đầu chính quyền sẽ "không hài lòng" nhưng sau đó sẽ có sự thay đổi nhân thức:
"Chính quyền sẽ hiểu ra rằng đó là một điều hữu ích, điều hay mà họ có thể sử dụng một cách nào đấy. Họ sẽ hiểu rằng tự do là điều tất cả mọi người đều quan tâm, đó là một quy luật."
"Nếu những người cộng sản Liên Xô cũ đã hiểu quy luật về tự do và đã tiến hành Cải tổ (perestroika), và Minh bạch (Glasnost) từ sớm hơn, thì có lẽ tới nay họ vẫn còn được nắm quyền lực," học giả Pháp nói với BBC.

Tiến sĩ Jean-Francois Sabouret còn là Giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu Châu Á, Réseau Asie, thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học - CNRS của Pháp. Ông từng sang Việt Nam làm việc về nghiên cứu.
Đọc thêm : que choa  -  BBC

VIỆT NAM


Xuân và ước nguyện

Không biết tự bao giờ trong kho tàng thi ca, ca dao Việt Nam đã vang lên tiếng thảm thương, não lòng, tê tái của người phụ nữ Việt lấy chồng xứ "lạ" mỗi khi xuân về:

Đêm ba mươi tết, tết lại ba mươi
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách
Một tay em cầm cái dù rách, một tay em xách cái chăn bông
Em đứng bên bờ sông, em trông sang nước người
Hỡi chú Chệt ơi là chú Chệt ơi [1]
Nhưng đó chỉ là thời xưa, nay thời hiện đại lại khác, xuân về âm nhạc Việt Nam lại gào lên, "Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một biển đông mối tình hữu nghị". Rồi cả đám rủ nhau ăn mặc, ôm hôn, quỳ lạy sao cho giống Ngô và xây cầu, đóng tàu...cao tốc rước thằng Ngô qua ở luôn cho khỏe! Và đảng cộng sản Việt Nam với tấm thân rách nát, tàn tạ của mình, quyết tâm dâng hiến cho Trung Quốc cú chót.
Cuộc hôn nhân không cùng chung chủng tộc ngày xưa, được dân Việt dành cho tấm lòng vị tha, thấm đẫm tội nghiệp và cảm thông chia xẻ. Nay lại khác, cuộc hôn nhân của hai chính quyền đã làm dân Việt uất hận vì đưa Việt Nam trở lại bóng ma đen tối của thời kỳ Bắc thuộc. Và mỗi mùa xuân, dân Việt càng bị đè nặng thêm của kiếp đọa đày.
Vào năm 1928, khi Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra vụ cướp đất tại đồng Nọc Nạn. Một bên là quan chức chính quyền sở tại và bọn phú hào địa phương, một bên là dân khai hoang, mở đất. Nhưng may mắn cho gia đình ông Biện Toại, họ được trả tự do và giữ lại đất đai do cha ông dày công khai phá. Cho dù sống trong xứ sở thuộc địa, họ vẫn được xử theo luật của con người và sau lưng họ, một nền báo chí tự do đã luôn bảo vệ cho công lý.
Nhưng 84 năm sau, cũng tại Việt Nam dưới thời Bắc thuộc, tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng cũng xảy ra vụ cướp đất( Sáng mùng một, gia đình anh Đoàn Văn Vươn dựng lều đón tết ). Một bên là quan chức chính quyền sở tại và bọn phú hào địa phương, một bên là dân khai hoang, mở đất. Nhưng không may mắn cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, vì ông ta sống xã hội ăn cướp và nói láo, nên án phạt nặng nhất đang chờ ông và cũng để răn đe cho những người đã, đang và sẽ bị cướp đất. Ông không biết dựa vào ai vì sau lưng đảng cộng sản Việt Nam, cả một đám côn đồ công an và nền báo chí "khá thuần" không bao giờ biết hay dám nói đến hai chữ "công lý".

Cũng là cướp đất, nhưng ngày chính quyền ngày nay lại càng hoang dã và tinh vi hơn chính quyền ngày xưa. Ngày xưa, chỉ xảy ra trong khuôn khổ vài vùng, nhưng đến cùng vẫn còn cán cân công lý. Ngày nay, lan tràn toàn nước Việt Nam, đi đến đâu cũng nghe "thu hồi, giải tỏa", đẩy dân đen đến cảnh khốn cùng. Xuân đến với những kẻ không nhà, nước mắt và uất hận bị dập vùi trong mảnh đất đẫm mồ hôi bao đời tạo lập, nay đẫm máu. Dân Việt lại chìm sâu và quay cuồng trong điêu linh, tê tái. Đi về đâu?
Vào tháng chín, năm 1787, một phụ nữ đã gặp Benjamin Franklin khi ông ta đã hoàn thành xong hiến pháp Hoa Kỳ, và hỏi, "Thưa ngài, chúng ta được gì, một chế độ cộng hòa hay là chế độ quân chủ?" Benjamin Franklin đã trả lời, "Một chế độ cộng hòa, nếu bà có thể giữ nó" [2]. Vâng, dân Hoa Kỳ đã giữ được chế độ cộng hòa và Hoa Kỳ trở thành cường quốc thịnh vượng.
Cũng vào tháng chín, nhưng năm 1945, một người xưng tên là Hồ Chí Minh cũng tuyên bố Việt Nam là nuớc "cộng hòa", lại còn tô vẽ thêm "hạnh phúc", "tự do", "độc lập" nhưng cố lập hiến pháp dành quyền cho đảng cộng sản cai trị Việt Nam. Dĩ nhiên, "cộng hòa", "hạnh phúc", "tự do", "độc lập" chì là những cái bánh vẽ nhét vào đầu dân chúng. Việt Nam trở thành nước nghèo nàn và lạc lậu.
Và đảng cộng sản Việt Nam cố công dâng đất đai Việt Nam cho Trung Quốc. Lại dâng đất, nhưng không dể vậy! Người dân Việt đã thức tỉnh. Dù vài trăm, vài ngàn người nhỏ nhoi nhưng tiếng thét yêu nước đã bừng dậy tinh thần của dân Việt. Phụ nữ Việt Nam lại phải xuống đường vì tổ quốc. Chỉ với dòng chữ đơn giản, "Hòang Sa, Trường Sa là của Việt Nam", họ chỉ muốn giữ đất đai thấm đẫm mồ hôi và máu của tiền nhân, nhưng Việt Nam đâu là xứ sở tự do mà mấy chị bày tỏ? Bị bắt!
Vâng, cũng chỉ vì đất!
Tôi chỉ là một người con của mẹ Việt Nam. Đứng truớc quê hương trong viễn cảnh điêu tàn, trước viễn cảnh dân Việt lạc loài trên đất mẹ. Tôi ước nguyện Xuân này mang về cho đất mẹ một mùa hè rực lửa, để tổ quốc an khang và dân tộc thái bình.
Còn bạn? Xin một lần, hãy ước nguyện cho quê hương.

Quảng Trung Thiên
[1] Nguyễn Tấn Long, Phan Canh. "Thi ca bình dân Việt Nam", Sống Mới xuất bản, 1969
[2] Tài liệu về sự thành lập liên bang Hoa Kỳ, "Những tranh luận tại hội nghị liên bang năm 1787" . (Documents Illustrative of the Formation of the Union of the American States, "Debates in the Federal Convention in 1787").
@quangtrungthien

Monday, January 23, 2012

Nhâm Thìn 2012


Con Rồng Đông Phương


Rồng thật ra không phài là một con vật có thật mà là một con vật hình thành trong óc tường tượng của con người từ Đông sang Tây. Và vì chỉ là sản phẩm của tường tượng nên rồng giống như một con thằn lằn hay thằn lằn rắn khổng lồ có chân và biết bay. Vậy mà không hiểu tại sao với người Đông phương ở chùa hay các lăng miếu đền thờ đều có hình tượng của rồng. Mặc nhiên hình ảnh con rồng cũng gắn với chùa chiền, đạo Phật và từ tâm .

Ngược lại với các nước Tây phương, con rồng là biểu tượng của bạo lực, và sự hung dữ. Vậy mà nhiều em trai Á Đông mới lớn cứ theo truyền thống phương Đông, xâm một con rồng lên cánh tay với hy vọng mình cũng bay như rồng(?) , rất dễ bị ngộ nhận dưới cái nhìn của các thiếu niên Tây phương hay cái nhìn của những ông cảnh sát không biết cảm quan của người Đông phưong về con rồng.

Cũng cùng là một con vật hình thành từ tưởng tượng, nhưng ở hai phương trời Đông, Tây, con rồng được nhìn dưới hai lăng kính trái ngược nhau. Dù cùng là rồng Đông phương nhưng rồng Việt Nam khác với con rồng của các nước khác ở chỗ rồng Việt Nam ngậm viên ngọc trong miệng chứ không cầm ngọc bằng chân trước như rồng của Tàu, Nhật, hay Đại hàn…

Chi tuổi Bính Thìn 1976, nói theo tử vi là cầm tinh con rồng. Lúc nhỏ, Chi là con rồng Đông phương, thùy mị, trang nghiêm, vẫn được đưa ra làm khuôn mẫu cho con gái trong xóm. Các bà mẹ trong xóm dùng Chi làm gương sáng cho con gái mình cũng đúng vì đó là một cô gái ngoan hiền, học giỏi. Một trong những thói quen xấu của Chi, có từ hồi chưa đi học, là ăn rất chậm, vừa thong thả nhai, vừa ngước mắt nhìn trời xanh như.... rồng tìm đường phó hội. Vì là rồng sinh ra sau năm 1975 nên lớn lên đi học, Chi cùng cả “bầy rồng Bính Thìn” phải mang khăn quàng đỏ, và đã biết giúp việc nhà từ lúc còn học Tiểu học. Lâu lâu, Chi được sai đi chợ để mua những thứ lặt vặt còn thiếu, nhất là vào tháng chạp ta, khi theo truyền thống Việt Nam, giàu hay nghèo ai cũng chuần bị nhiều thức ăn cho dịp Tết. Mang tính chất con rồng Đông phương, nên Chi thường giúp một vài nhà trong xóm mua giúp những thứ lặt vặt họ còn thiếu. Thoạt đầu, họ rất mừng vì đỡ được công đi chợ. Nhưng chỉ được duy nhất một lần rồi không ai dám nhờ Chi mua giùm đồ từ chợ nữa. Lý do đơn giản là không giống đàn bà con gái thường tình đi chợ tìm mua những thức ăn còn tươi tốt, những món hàng giá hời, Chi đi chợ theo kiểu "nhìn mặt chứ không nhìn hàng". Nghĩa là Chi chỉ mua hàng của những em bé bán hàng, mặt mày non nớt, nhiều khi tuổi đời mới chỉ một con số; hay mua hàng của những bà cụ già tóc trắng như cước. Mua không trả giá, nhiều khi còn vừa mua vừa cho, hay biếu. Thế nên sau khi đựơc Chi mua giùm một bó ngò héo quắt queo, một nhúm ớt tươi sắp thành... ớt khô, hay vài trái chanh xanh đã ngã màu vàng nâu, vỏ thì dày, nước thì ít: cả xóm đều từ chối khi được Chi hỏi có muốn mua gì thêm ở chợ để Chi mua giùm.

Với cà nhà, không ai phiền hà gì về cá tính "đi chợ mua hàng nhìn mặt người bán chứ không nhìn hàng" cho đến một lần Chi được sai đi chợ vào ngày ba mươi Tết, ngày của những phiên chợ "được ăn cả ngã về không", nhất là với các hàng tươi như hoa, quả... Như truyền thống Việt Nam, các món ăn cho ngày Tết được chuẩn bị dần dần từ đầu tháng chạp ta. Vì niềm tin cổ truyền của người Việt Nam, không ai muốn làm lụng, nấu ăn trong ba ngày Tết, để được an nhàn cả năm. Thế nên, khởi đầu là dưa món, củ kiệu, dưa hành rồi các món mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai..., đến các món mặn như : tré, thịt kho nước mắm, thịt đông, bành chưng, bánh tét... lần lượt được hoàn thành trong tuần lễ giáp Tết. Ngày tư, ngày Tết chỉ việc đưa lên bàn thờ mời tổ tiên, ông bà, ngưòi quá cố về ăn Tết với gia đình. Tàn hết một cây nhang, thức ăn được hạ xuống, cá nhà cùng ăn uống, những bà nội trợ trong gia đình được thong dong hơn trong dịp Tết. Khách đến thăm, cũng có đồ ăn làm sẵn, nếu không phải là cổ bàn thì cũng là một mâm cơm tươm tất.

Ngày ba mươi Tết thường chỉ có hai món sau cùng được nấu là một nồi chè, vừa để rước (mời) ông bà, người thân quá cố về nhà ăn Tết,vừa để cả năm mọi chuyện được "ngọt như.. đường nấu chè"; và nồi canh mướp đắng dồn thịt- vì mướp đắng được người Nam gọi là "khổ qua"- với niềm tin dân gian miền Nam ,(đặc biệt là sau 30 tháng 4/1975) mọi cực khổ sẽ qua trong năm mới. Nghe cũng có lý và món khổ qua của người Nam hay mướp đắng của người Trung rẽ tiền, dễ nấu, dễ ăn cho cả người già lẫn con nít nên từ sau Tết năm 1976 trở về sau, món canh khổ qua dồn thịt của người Nam trở thành món ăn truyền thống của ngày Tết cho cả Nam, Trung, Bắc.

Tết năm đó, trong nhà ai cũng bận rộn. Chi còn nhỏ chưa được "tín cẩn" đề nấu nướng món gì nên được sai đi phiên chợ cuối cùng trong năm ngày 30 Tết đề mua mướp đắng về nấu canh. Dù đã được dặn dò kỹ lưỡng là phải lựa mua khổ qua trái suông, dài, "mắt to" và còn xanh tươi để canh sẽ xanh tươi, ngọt hơn.

Thế mà như thông lệ ngày thường, Chi lại mang về hơn một chục trái mướp đắng héo vàng, với lời biện luận rất "rồng Đông phương": - Con nhỏ bán mướp đắng bị ế hàng mời con mua mở hàng. Con nhỏ chắc độ mười tuồi, ốm nhom tội nghiệp lắm. Thôi kệ, con mua giùm nó. Mính ăn dở dở một chút cũng được. Tết năm đó cũng là Tết con Rồng, Chi vừa mười hai tuổi, vẫn còn nhỏ nhưng đến bây giờ Chi còn nhớ là nồi canh mướp đắng năm đó không ngon, nước không trong nên chỉ để trong nhà ăn, không dám mời khách. Cũng không dám cúng tổ tiên, sợ ông bà "quở" con gái vụng về! Biết "tội" mình, mấy ngày Tết, Chi ăn toàn canh khổ qua nhưng lòng vẫn vui khi nghĩ đến đôi mắt mừng rỡ của con bé bán mướp đắng tuổi còn nhỏ hơn Chi. Trong thâm tâm, Chi không tin là ăn canh khổ qua ngày Tết thì mọi khổ đau sẽ qua hết. Con bé bán mướp đắng, quanh năm phải đi bán khồ qua, nhưng cái khổ vẫn đeo đẳng triền miên từ tháng giêng đến tháng chạp, từ năm này qua năm khác. Sau này lớn lên, phải sống đời lưu lạc, mặc dù, không tin là ăn khồ qua vào ngày Tết thì "cái khồ sẽ qua hết" nhưng Chi vẫn nấu một nồi canh mướp đắng dồn thịt (hay dồn đậu hủ trộn bún tàu và nấm) đề nhớ đến bà Nội và những cái Tết có đủ hương vị quê hương, có đủ truyền thống Việt Nam dù lúc đó đang là những năm tháng khốn khó cuối thập niên 80.

Có thể con rồng không có thật trên đời, mà chỉ được dựng nên qua trí tưởng tượng. Nhưng dù sao, con rồng vẫn là một trong số mười hai con giáp. Chi sinh năm rồng, và chỉ muốn mãi mãi mình là một con rồng Đông phương mà phải là một con rồng ngậm châu ngọc trong miệng chứ không giữ lấy bằng chân trước.

Bây giờ, ở quê người có muốn tìm một người già, hay một em bé ngây thơ phải buôn thúng bán bưng vất vả kiếm sống cũng không có. Ờ cửa chợ Việt Nam nơi xứ người thỉnh thoảng có một hai bà cụ ngổi bán những ly chè đậu ván, chè hoa cau. Trong các khu phố mua bán của cộng đồng Việt Nam thảng hoặc có vài bà cụ bán dăm bó diếp cá, húng quế xanh tươi, hay mấy cọng bạc hà mập tròn tự trồng lấy ở nhà. Có cụ còn vấn khăn nhung đen rất Bắc kỳ, hay đội nón lá cùa miền Nam mưa nắng hai mùa. Cũng như ngày xưa còn nhỏ, Chi cũng ghé lại mua hàng giùm các cụ chỉ để được thấy một khoảnh khắc rạng rỡ của những "cây cổ thụ Việt Nam" bị bứng gốc trồng trên xứ người vì vận nước. Mặc dù Chi biết các cụ bán "hàng" chỉ để cho vui, để có thêm vài ba chục gởi về giúp người thân ở quê nhà, khác với những bà cụ buôn gánh bán bưng một nắng hai sương, vất vả kiếm sống ở Việt Nam. Tuyệt nhiên không có một em bé nào bưng những rỗ chanh ớt, khổ qua đi bán như mùa Xuân con rồng năm xưa lúc Chi tròn mười hai tuổi .

Nhiều lúc vào chợ Mỹ mua những trái mướp đắng to xanh, tươi tốt mà người Mỹ vẫn gọi là bitter melon, Chi vẫn bồi hồi nhớ lại con bé gầy còm có đôi mắt sáng mừng rỡ khi Chi mua mở hàng cho nó. Rổ mướp đắng héo vàng đã bán hết rất nhanh sau đó có lẽ những người lớn đi chợ thấy một con bé mười hai tuổi mua giùm hàng cho một con bé mười tuổi vào một phiên chợ cuối năm không so đo, lợi hại, được mất, thì đôi lúc những tính toán thiệt hơn của cuộc đời cũng không đáng kể nữa…

Nguyễn Trần Diệu Hương
@vietbao

Sunday, January 22, 2012

Truyện ngắn


Xuân Tha Hương

1.-
Sau năm bảy lăm, bố tôi đi tù cải tạo thì chỉ ít lâu sau, mẹ tôi đem ba anh em chúng tôi về giao cho gia đình bên nội nuôi rồi đi biệt, nghe nói có chồng khác. Sau năm bảy lăm, đồng bào Miền Nam coi như gặp đại họa, gia đình "ngụy" lại càng thê thảm! Bà nội tôi già quá, chẳng có gì ngoài tấm lòng thương con, thương cháu.

Nhà nội tôi ở trong hẻm, gần chợ Cây Quéo. Nhà lợp tôn, vách ván, tuy cũ nhưng chưa rệu lắm, mưa chỉ dột ở vài chỗ.

Cũng may, nền nhà tráng xi măng nên tối đến, ba anh em chúng tôi trải chiếu, giăng mùng, ngủ dưới đất, rất mát và thoải mái.

Chúng tôi có hai người cô, làm công nhân, lương không đủ sống lại còn phải nuôi bố tôi và hai người chú trong tù, nên chúng tôi chẳng khi nào no bụng. Hai đứa em tôi còn nhỏ, đứa bảy tuổi, đứa năm tuổi, tôi thì hơn mười tuổi. Ðói quá, tôi dẫn thằng em kế xách cái bị cói,đến các nơi đổ rác, dùng cái móc sắt moi giấy, chai lọ, bọc ni lông ... bán kiếm tiền ăn quà rong, coi như hai đứa tôi không ăn cơm nhà, đôi khi còn mua ít quà về cho thằng út.

Bữa nào anh em tôi bị mấy thằng lớn hơn cướp mất rác thu nhặt được là tối đó về chúng tôi đành nhịn đói vì bà tôi và các cô cứ tưởng chúng tôi no rồi, không bao giờ để phần cơm, mà chúng tôi cũng không đòi ăn, vì không muốn làm phiền ai cả, tuy vẫn biết nội tôi và các cô rất thương chúng tôi. Mỗi khi có thư của bố tôi hay các chú gửi về xin quà thăm nuôi là nội tôi ngồi khóc!

Bấy giờ gia đình "ngụy quân, ngụy quyền" nào cũng thế cả. Ðàn ông thì ở trong tù, chỉ còn đàn bà, trẻ nít, với người già, chẳng biết xoay sở ra sao, nên được thư xin quà thăm nuôi vừa mừng vì biết người thân còn sống; vừa nhớ và lo, không có gì tiếp tế cho người đi tù nên chỉ biết khóc. Giá như nước mắt mấy bà mẹ, bà vợ, con cháu ... biến thành gạo, cá khô, đường ... thì người trong tù ăn bao giờ cho hết? Nói thế chứ nước mắt nội tôi chẳng còn bao nhiêu, chỉ có hai giọt, lăn đến cái miệng móm xọm là vừa khô.

2.-
Ðể có tiền mua quà thăm nuôi tù cải tạo, các cô tôi tìm xem trong nhà có gì bán được thì đem ra. Trước hết là mấy cái áo quần mới, may trước "giải phóng" rất đẹp. Hai cô tôi, trước khi đem bán, thường mặc vào, ỏng ẹo đi ra, đi vào, soi gương cả buổi, chán chê rồi lầu bầu với nội tôi "Khi nào mấy anh đi tù về, mẹ nhắc mấy ảnh sắm đồ mới mà đền cho tụi con."Tưởng như mấy người tù sắp về đến nơi! Nội tôi cũng tin như vậy nên thường đứng trước cửa, dòm ra đường, vẻ bồn chồn như người chờ xe buýt. Nhưng dòm mãi vẫn không thấy đứa con nào về!

Hết quần áo thì đến cái tủ. Nội tôi cười bảo: "Cái tủ trống rỗng, để chi cho chật nhà!" Bán được tủ, nội tôi giữ tiền, không bỏ ra một cắc, để giành cho các cô đi thăm nuôi tù. "Tụi bây có đói cũng chưa chết. Cha với chú tụi bây trong tù không có thăm nuôi là chết ..."

Quà thăm nuôi cũng chỉ cái bị cà ràng, đựng gạo, cá khô, đường ... Sau khi cái nhà trống trơn, nội tôi nhìn quanh, chỉ còn cái bàn thờ.Nội tôi cũng cười nhưng miệng méo xẹo "Cho bộ tam sự vượt biên."

Bộ đồ thờ bằng đồng, gồm cái lư hương to, có hai con lân hai bên, trên nắp cũng có con lân, đúc rất đẹp, nội tôi coi như của gia bảo. "Từ khi tao về làm dâu nhà nội bây, bộ tam sự nầy thờ đã được hai ba đời trước rồi ...!" Bán chẳng được bao nhiêu nhưng cũng giúp cho người trong tù cầm hơi mà sống. Hà tiện cách mấy, tiền cũng hết, đến lượt cái tủ thờ cẩm lai, chạm trổ rất đẹp, cũng phải lên đường. Lần nầy nội tôi ngồi khóc thút thít mãi, vì không có gì để thờ Phật, thờ Ông Bà. Trước khi giao bàn thờ cho người ta, nội tôi quì lạy mãi, tưởng như thế Phật Bà và Tổ Tiên sẽ thông cảm mà tha thứ cho tội bất kính, bất hiếu.

Tượng Phật và mấy bài vị được để trên một miếng gỗ, treo trên vách, coi như cái bàn thờ. Mỗi tối tụng kinh Phật, cầu an cho người trong tù, nội tôi ngồi bệt dưới đất, gõ mõ cốc cốc, miệng ê a một lúc lại ngước lên bàn thờ và lạy, trông giống con gà bị bịnh dịch, cứ ngửa cổ lên trời, đi thụt lùi rồi ngã lăn ra chết. Nội tôi không bị ngã nhưng mỏi cổ nên sau nầy chỉ cúi lạy coi như lạy cái vách ván.

Rồi đến bô bàn ghế ngồi ăn cơm và tiếp khách, nội tôi kêu mấy bà thường lội xóm "Ai có bàn ghế, giường, tủ, máy may, quạt máy ... bán không?!" Bà nào cũng trề cái môi dài thòng "Chẻ làm củi chụm đi bà ơi! Bà bán không đủ tiền mua củi đâu."

3.-
Vừa lúc tôi tròn mười sáu tuổi, tôi thuê được một chiếc xích lô, thả rong khắp đường phố, chở khách và chở hàng. Tôi còn nhỏ, chân ngắn quá, vói không tới bàn đạp, phải nghiêng bên nầy đạp một cái, nghiêng bên kia đạp một cái, vậy mà xe vẫn chạy ào ào, đâu thua ai! Tôi đạp ngày đạp đêm. Nặng nhẹ, mắc rẻ gì tôi cũng chở tuốt. Bắp thịt chân tôi cứng ngắt, mấy đứa em cứ bóp thử, phục lắm. Từ sáng tinh mơ, tôi đã đẩy xe ra, khuya mới về, đôi khi tôi tấp xe bên đường, trùm cái khăn lớn, ngủ luôn trên xe. Ðược bao nhiêu, sau khi trừ chi phí thuê xe và tiêu vặt, tôi đem giao hết cho nội tôi, để dành thăm nuôi. Cái bị cói đựng quà thăm nuôi nặng hơn trước. Các cô tôi tha không nổi, cứ đi lệch bệch mà miệng thì cười toe toét. "Thăm nuôi ít quá, các ảnh biết, ngoài đời, mình khổ lắm, không muốn nhận quà." Các em tôi, nhờ ăn uống đầy đủ, hồng hào, lớn lên thấy rõ.

Rồi bố tôi và các chú tôi, lần lượt được thả ra. Ai cũng bắt chước tôi đạp xích lô. Nhà đâm khá giả mà nội tôi cũng không còn đứng ở cửa, ngóng ra đường như người ta chờ xe buýt nữa. Mái nhà được lợp lại cho khỏi dột, lại làm thêm một cái gác lửng cho ba anh em tôi làm chỗ ngủ. Tối nào cũng leo lên cái thang rồi bò vào như mấy con thú rừng bò vào hang vì cái gác làm sát mái nhà quá, buổi trưa không ai dám lên vì nóng khủng khiếp.

Ít lâu sau có vụ HO, tù cải tạo được đi Mỹ. Theo như nhà nước phổ biến, người làm đơn chỉ tốn tiền mua các mẫu đơn, điền vào, nộp quận, huyện, nhưng làm như thế đến Tết Ma Rốc mới được đi. "Khâu" nào cũng cần tiền, có tiền thì hồ sơ mới được chuyển đi, như xe máy cần đổ xăng mới chạy được, mà thường tính bằng chỉ vàng, lượng vàng. Còn thêm vụ đôn danh sách nữa.

Ðúng ra ai nộp hồ sơ trước thì được cứu xét trước để chuyển cho tòa đại sứ Mỹ phỏng vấn, ai nộp sau, phải chờ, nhưng nếu có vàng, ra Hà Nội chạy chọt (hối lộ) sẽ được đôn danh sách, nghĩa là được đưa vào danh sách phỏng vấn sớm nhất, đi Mỹ trước.

Gia đình nội tôi làm gì có vàng. Thời may, bố tôi được một bà lớn tuổi, nhưng không chồng, chịu chi phí, với điều kiện để tên bà ta vào như là người vợ của bố tôi để bà ta cùng đi Mỹ. Bà ta lại chịu khó ra Hà Nội đóng vàng nên gia đình tôi được lên máy bay sớm.

Trước đây, bố tôi làm hôn thú với người đàn bà chỉ nghĩ rằng qua đến Mỹ sẽ chia tay, không ngờ hai người vẫn sống chung cho đến nay. Bà ta sinh được hai đứa con, tức em cùng cha khác mẹ với tôi. Bà đối xử với mấy anh em tôi không tốt. Trước bảy lăm, là sĩ quan quân đội, không hiểu bố tôi ra sao; nhưng sau khi đi tù về, bố tôi có vẻ ba phải, ai làm gì cũng mặc, nhất là khi ở Mỹ, ông chỉ nói chuyện tu tiên, tu Phật gì đó, chuyện gia đình không lý đến. Tôi chán quá, qua tiểu bang khác với thằng bạn. Hắn làm việc ở tiệm Mc Donald, và giới thiệu tôi vào làm. Ðây là nghề chỉ có bọn thất học như tụi tôi mới làm vì lương hướng chẳng bao nhiêu. Nếu bạn đi tiệm Mc Donald, người làm phục vụ khách ra sao thì cứ tưởng tượng tôi là một trong những người đó, nên xin khỏi dài dòng.

4.-
Miền Ðông nước Mỹ cũng có nhiều người Á Châu, nhất là người Việt,đôi khi gặp, chuyện trò thăm hỏi cũng đỡ chán đời. Một lần, tôi gặp một cô khách, không đoán được người xứ nào, nhưng rất đẹp, tôi bèn gọi thằng bạn đang chiên French Fries sau bếp:
- Lẹ lên! Ra coi người đẹp.
Hai đứa tôi tranh nhau chào người đẹp. Tôi hỏi (bằng tiếng Anh):
- Cô có phải là người Á Châu không?
Cô mỉm cười, lắc đầu, xổ ngay một tràng tiếng Spanish. Chúng tôi không hiểu nên hỏi cô:
- Có phải cô là người Nam Mỹ không?
Cô gật đầu, nói (tiếng Anh):
- Tôi người Ấn Ðộ, nhưng ở Nam Mỹ.
- Người Ấn Ðộ sao mũi không cao?
Cô ra dấu:
- Tôi cắt bớt nên nó thấp xuống như thế này!
Chúng tôi cùng cười vui vẻ. Thế là tôi và cô coi như quen nhau.

Thật khó để tả cô đẹp ra sao. Cô như viên kim cương màu đen, tỏa ra một thứ ánh sáng quí phái mà hấp dẫn. Da cô ngâm ngâm, mắt cô đen láy và sáng trưng nhưng lại có vẻ buồn buồn. Lông mày cô đậm, cong vòng như lá liễu. Mũi nhỏ, thanh tú, hơi hếch lên nghịch ngợm. Dáng người mảnh mai, tóc đen nhánh, óng mượt, đồi ngực nhỏ nhưng dựng đứng lên,đẹp kỳ lạ ... nhất là khi cô đi, hai cái mông tròn, cao, nhún nhảy, nhẹ nhàng theo từng bước chân như những nốt nhạc trong một bản hòa tấu cổ điển. Nhìn cô đi, tôi chỉ ước được nằm xuống cho cô dẫm chân lên người, có lẽ sẽ sung sướng lắm!

Một lần, khi trao hàng, tôi nói với cô (bằng tiếng Anh):
- Tôi thấy cô đẹp, tôi khen cô, cô có giận tôi không?
Cô lắc đầu:
- Không, tôi cám ơn anh.
- Nhưng tôi nói tiếng Anh không rành lắm nên tôi nói tiếng Việt với bạn tôi để khen cô, cô có nghi ngờ chúng tôi nói xấu cô không?
Cô nhìn tôi, mắt sáng lên, vẻ tinh nghịch:
- Tôi có cái máy trong đầu, tôi sẽ biết các anh nghĩ gì về tôi. Anh cứ nói thử, tôi đoán xem có đúng không?
Tôi nhìn vào mắt cô và nói:
- Mắt em đẹp tuyệt vời! What do I say?
- My eyes're wonderful. Right?

Thực ra không cần cô phải thông minh lắm mới đoán được những gì trong đầu tôi, vì đôi mắt si dại của tôi nhìn cô rất lộ liễu. Ðại khái tôi khen cô bằng tiếng Việt và cô đoán để giải thích bằng tiếng Anh. Ðó là một trò chơi mà cô rất thích.

Một lần, tôi nhìn ngực cô định nói thì cô đã đưa ngón tay lên miệng ra dấu và nói:
- Ðừng nói!
Cô chỉ vào cánh tay trần của cô:
- Anh chưa nói mà tôi đã nổi da gà ...

Lần khác, nhân lúc vắng khách, tôi xin cô đứng yên một phút để ngắm cô. Cô gật đầu, đứng nhìn sự chiêm ngưỡng của tôi với vẻ vừa điềm tĩnh vừa tò mò như nhìn một em bé đang chơi một trò ngộ nghĩnh gì đấy.

Từ nhỏ tôi chỉ tiếp xúc với bọn đầu đường xó chợ, quen ăn nói tục tĩu, về cả những chuyện mà tuổi tôi bấy giờ chưa hề biết, thế nên những gì tôi nghĩ trong đầu thường bật ra thành lời nói rất sống sượng. Mà khổ nỗi, không nói ra, nhất là những ý tưởng không được trong sạch về cô là tôi cứ rậm rực trong người.

Có lần tôi ngứa miệng quá, đành nhìn bàn tay cô và nói (tiếng Việt):
- Ngực em đẹp phải biết! Chỉ nhìn qua lần vải, anh cũng biết nó tròn, nhỏ, cứng, da mịn và thơm. Em cho anh úp mặt vào đó, năm phút thôi ... rồi em lấy súng bụp vào ngực anh một phát, anh sẽ mỉm cười, hạnh phúc đi về chín suối ...
Cô tò mò hỏi tôi:
- Anh nói gì về bàn tay tôi mà nhiều thế?
- Tôi biết coi chỉ tay. Nhìn tay cô tôi biết cô đang có chuyện buồn.
Cô ngạc nhiên:
- Hôm nào anh coi chỉ tay tôi và nói xem tương lai tôi sẽ ra sao?
- Ðể tôi nói ngay bây giờ, có đúng không nhé. Cô đang có chuyện buồn nhưng trong tương lai, cô sẽ vui vì có một người rất yêu cô.
Cô cười:
- Anh muốn tán tỉnh tôi phải không?
- Nhưng cô có thưa tôi về tội quấy nhiễu cô không?
- Anh yêu tôi không phải là cái tội.

Một lần cô mặc thời trang, chỗ rốn chừa ra một khoảng bụng hấp dẫn, tôi đứng nhìn sững, thằng bạn bên cạnh thúc cùi chỏ, nhắc tôi lo phục vụ khách đang chờ. Trong lúc làm việc, hắn thì thầm với tôi, làm như nói chuyện riêng:
- Mầy nhìn bụng em thấy gì lạ không?
- Thấy gì? Chỉ muốn để tay lên, xoa xoa ...
- Em có chửa, ít ra cũng ba bốn tháng. Nhưng sao không thấy em đeo nhẫn cưới?
- Tao cầu cho thằng "tác giả" cái bụng em chạy làng để tao nhào vô.
- Coi bộ em chịu mày rồi, mày dám thầu luôn đứa nhỏ trong bụng em không?
- Tao không xứng xách dép cho em. Em đẹp như thế, tao đứng xa mà ngắm thôi. Nhưng em mà chịu tao thì chuyện em có con với ai, tao đâu cần. Cái gì của em, tao cũng quí cả thì con em, tao cũng quí, cũng thương luôn.
Lúc trao hàng, cô hỏi tôi:
- Các anh nói gì về tôi đấy?
Tôi nói tránh qua chuyện khác:
- Tôi hỏi bạn tôi, nếu tôi mời cô đi tiệm ăn, cô có nhận lời không?
- Anh mời thì tôi nhận lời, nhưng anh được nghỉ giờ nào?
Tôi nói giờ giấc tôi làm việc và cả giờ tôi đi học ESL buổi tối nữa. Cô lắc đầu:
- Lúc anh rảnh rỗi thì tôi bận việc! ... Chúng ta sẽ gọi nhau để biết chắc giờ gặp lại.
Cô cho tôi tấm cạc có ghi địa chỉ và số phôn của cô:
- Khi nào cần, anh gọi tôi.

Nhờ có số điện thoại của cô, tôi được nhiều dịp mời cô đi ăn tiệm những lúc chúng tôi cùng rảnh rỗi. Ðôi khi cô giành phần trả tiền. Lúc đó tôi rất hãnh diện vì biết mọi người chung quanh tưởng lầm cô là vợ tôi và sẽ nhìn tôi khâm phục. "Thằng cù lần có cô vợ đẹp!" vì chỉ có vợ mới phải trả tiền khi đi tiệm ăn hoặc mua sắm. Tôi vênh mặt làm oai thôi chứ không dám đụng đến người cô cũng như không bao giờ cho cô nghe những ý nghĩ sàm sỡ trong đầu tôi bao giờ. Tôi giữ rất kín. Tôi thường nghe nói tình yêu lý tưởng, cao thượng gì đó; nhưng sao, yêu cô càng nhiều tôi càng thấy mình tầm thường, chỉ muốn ôm cô hôn vì thèm muốn.

Thế rồi, mấy tháng sau đó, tôi không thấy cô ta đến. Gọi điện thoại thì được trả lời rằng cô đi xa, chưa về. Tôi cứ ngóng cổ cò nhìn chừng, thấy dáng ai từ xa, giống cô, là tôi hồi hộp. Cho đến khi tôi nghĩ rằng cô đã qua ở hẳn tiểu bang khác rồi thì tôi lại gặp cô, sau giờ làm việc, tại bãi đậu xe. Vẻ mặt cô buồn buồn:
- Tôi đến để anh đưa đi tiệm ăn.
Tôi mừng rỡ:
- Cô biết món ăn Việt Nam không? Ngon lắm. Nhưng cô chờ cho một phút.
Tôi dọn rác rưởi trong xe rồi lấy một cái khăn lông trắng lớn trải lên ghế ngồi và mời cô lên xe. Cô nhìn tôi:
- Anh là người bạn tốt của tôi.

Ðến tiệm tôi gọi chả giò, hến xào ... Cô ăn uống có vẻ ngon lành. Lúc nãy, cô trầm tư bao nhiêu thì giờ đây, cô càng sinh động, vui vẻ bấy nhiêu. Các món ăn đều cay nên cô vừa xuýt xoa vừa cười:
- Ngon quá! Anh gọi những món ăn tôi rất thích. Nhất là có anh ...
Tôi hỏi cô:
- Tôi nghĩ rằng cô đang có chuyện buồn? Cô có thể kể cho tôi nghe? Không chắc tôi sẽ giúp được gì, nhưng khi nói ra, cô cũng sẽ bớt buồn hơn là giữ mãi trong đầu.
Cô yên lặng một lúc rồi hỏi:
- Anh thấy tôi có gì khác trước đây không?
- Tôi nói nhưng cô đừng giận tôi. Hình như cô sắp có em bé. Cô đang mang bầu?
- Anh nói đúng, tôi buồn vì nó. Nó không có cha.
Tôi nhanh nhẩu:
- Tôi xin làm cha đứa bé được không?
- Chưa được đâu. Tôi đang kiện cha nó để đòi tiền cấp dưỡng.
- Vụ kiện đến đâu rồi?
- Ðang làm thủ tục. Nhưng anh cảm thấy thế nào khi đi cạnh người đàn bà có bầu như tôi? Anh nghĩ gì về đứa bé này?
- Tôi yêu cô, tôi sẽ yêu đứa bé. Nó đâu có lỗi gì để không có được một người cha thương yêu nó.
- Anh khác xa thằng chồng lưu manh của tôi. Hắn chờ tôi có bầu mới bỏ tôi đi theo con khác. Khi tôi sanh nó ra, tôi cho anh, anh dám nuôi nó không?
- Nhưng phải nuôi luôn hai mẹ con tôi mới chịu.
Cô mở to mắt, làm như ngạc nhiên:
- Anh định cho mẹ con tôi ăn Mc Donald suốt đời sao?
- Tôi không nghĩ thế, chẳng phải vì tôi giàu, mà vì trông sắc diện cô, cô đẹp sang trọng như công chúa, tôi tin, cô không khổ bao giờ.
Cô cười:
- Lần này anh đoán sai rồi. Tôi khổ từ lúc mới sinh ra vì không có cha. Ngày nào cũng đói vì mẹ tôi có đồng nào uống rượu hết cả. Mấy anh chị em tôi đều cùng mẹ nhưng khác cha. Cha da đen, cha da trắng, cha da vàng ... Cũng chẳng biết chính xác ai là cha mỗi đứa tụi tôi nữa. Bây giờ đến lượt đứa bé trong bụng tôi, nó cũng sẽ không có cha.
- Tôi hứa là sẽ thương yêu nó như thương yêu cô vậy.
- Anh chỉ được thương yêu một người thôi, hoặc tôi hoặc đứa bé. Anh thương đứa bé nhé! Tôi sẽ giao nó cho anh và bỏ đi. Anh tính sao?
- Bố con tôi sẽ đi theo cô!
Cô nghe thế, ngồi cười mãi:
- Cám ơn anh. Tôi biết anh chân thật, nhưng tôi chỉ xem anh là người bạn thân mà thôi. Tình yêu ... không đến với tôi bằng một nguyên nhân nào cả.
Rồi cô thở dài:
- Nó đến và cứ ở mãi trong tôi ...
Lần gặp gỡ đó của chúng tôi vào mùa Ðông. Buổi chiều, trời lạnh nhưng tuyết đã ngưng rơi. Khi chia tay, cô có vẻ suy nghĩ rồi bảo tôi:
- Ít hôm nữa tôi sẽ rời nơi đây, đi tiểu bang khác. Tôi gặp anh lần này để nói bye với anh. Tôi sẽ nhớ mãi rằng tôi đang có một người bạn rất tốt là anh.
- Tại sao cô đi sang tiểu bang khác. Có phải vì tôi làm phiền cô không?
- Không phải thế. Tôi có nhiều bạn ở Florida, chúng gọi, rủ tôi về ở chung, sẽ giúp tôi trong lúc tôi sinh con, sẽ thay phiên nhau săn sóc đứa bé trong những giờ tôi bận đi kiếm sống. Tôi làm nghề móng tay, việc làm chờ sẵn cho tôi ở dưới đó rồi.
Tôi ngập ngừng:
- Ðây là lần cuối tôi được gặp cô. Xin cô cho tôi đưa cô đến một nơi vắng người như công viên chẳng hạn. Tôi cứ ước ao một lần nào đó đi bên cạnh cô trên một quãng đường vắng ...
- Ðược chứ! Tôi sẽ theo anh đến nơi nào anh thích ...

Chúng tôi lên xe và tôi đưa cô đến một công viên có hồ nước, rộng đến độ chỉ thấy được hàng cây mờ mờ với tuyết trắng xóa ở bờ bên kia.
Ở đây, mùa Ðông, vắng hoe, mấy con ngỗng trời, vịt trời cũng đã vềmiền Nam tránh rét, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng mấy con quạ kêu, vang lên đâu đó trong rừng.

Tuyết khắp nơi, trên mặt đất, trên ghế đá, trên những cành cây trụi lá, như nơi nào cũng phủ bông gòn trắng tinh. Bầu trời giống một cái lồng vĩ đại chứa đầy sương mù, chụp lên công viên và hồ nước. Chúng tôi dẫm trên tuyết nghe lạo xạo và để lại những dấu giày sâu ngập đến mắt cá. Khi đến bờ hồ, cô dừng lại tựa vào người tôi nhìn ra mặt nước mênh mông. Chúng tôi cứ đứng yên lặng như thế thật lâu, cho đến gần tối, cô rùng mình vì gió lạnh, chúng tôi chuẩn bị ra về. Tôi nói với cô:

- Cô có cho phép tôi được ôm cô một lần không?
Tôi úp mặt vào mái tóc cô và nói:
- Cô xoay người lại, ngước lên, mỉm cười rồi đưa hai tay ra chờ đợi. Chúng tôi đều mặc áo ấm dày cộm nên tôi ôm cô giống như ôm một đống áo quần. Cô kéo cái mũ trùm đầu xuống và tựa hẳn đầu vào ngực tôi.

Trong đời tôi, cô là người đàn bà duy nhất có cảm tình với tôi, tin cẩn tôi. Và cũng là người đàn bà duy nhất mà tôi yêu thương. Cô đi, tôi buồn lắm!
Và tôi lặng lẽ khóc ... Một lát, cô lấy khăn lau nước mắt cho tôi ...

Mùa Ðông ở xứ Mỹ kéo dài đến tháng hai, là mùa Xuân của người Á Ðông, thế nên chủ nhà tôi ở trọ kéo cả gia đình sang Cali để ăn Tết với cha mẹ, anh em của họ bên đó. Tôi đành sống một mình với mấy gói mì ăn liền. Mùa Xuân hay Tết nhất của người Việt ở Mỹ, thật ra chỉ là trong tâm tưởng. Họ có quê hương, làng xóm, có người thân, bạn bè để nhớ, để thương. Họ có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, tuổi xuân xanh để luyến tiếc. Tôi chẳng có gì. Cha mẹ tôi chẳng phải là hình ảnh thân yêu gì cho lắm. Tôi cũng chẳng có bông hồng, bông trắng nào để cài áo cả. Tuổi thơ của tôi chỉ quanh quẩn bên mấy đống rác hôi thối, mấy đường phố với những con người thấy hoài, gặp hoài mà lúc nào cũng xa lạ, chỉ biết hiếp đáp tôi để giành rác, đánh đuổi tôi vì sợ bị ăn cắp, vì dơ bẩn.

Những ngày Tết tôi chỉ được phép nhìn những đứa trẻ khác ăn mặc đẹp, chỉ được ngửi mùi thức ăn thơm đến ứa nước miếng từ các tiệm ăn bay ra đường.

Bà tôi, bố tôi, các chú, các cô tôi có thể rất thương chúng tôi, nhưng cuộc sống quá khó khăn, chẳng ai hơi đâu mà nói lời thương yêu, cũng chẳng dư giả để quà cáp, kẹo bánh cho tụi tôi ...

Nằm suy nghĩ miên man, tôi nhỏm dậy gọi điện thoại đến cô ta. Không có ai trả lời, tôi để lại trong máy nhắn: "Cô cần một người bạn thân, một người có thể trông nom đứa bé khi cô đi làm thì tôi có thể làm việc đó. Chúng ta thay phiên nhau, người này đi làm thì người kia ở nhà. Xin cô ở lại. Nếu cô không đi nữa, xin gọi ngay cho tôi". Tôi gác máy và canh chừng. Nếu tối nay cô không gọi lại tức là cô đã lên đường từ lúc sáng rồi. Ðến khuya, mắt tôi ríu lại và tôi ngủ quên luôn.

5.
Sáng Chủ Nhật, đúng ngày Mồng Một Tết, tôi không phải đi làm. Ðang nằm lơ mơ tôi bỗng nghe tiếng chuông cửa. Tôi uể oải ra mở cửa thì thấy cô đứng đấy. Cái bụng bầu của cô phồng lên, trông vừa hấp dẫn vừa buồn cười, giống như cô đang giấu nửa trái dưa hấu trong áo. Tôi mừng quá kêu lên:
- Thank you, for your coming to say bye to me!
Cô nhìn tôi, cười cười và nói bằng tiếng Việt khiến tôi kinh ngạc:
- Thôi, đừng có tiếng tây, tiếng u với em nữa. Ra xe xách giùm mấy gói đồ ăn vào. Em ở đây ăn Tết với anh.
- Nhưng sao bữa đó em nói tiếng Spanish như gió, làm tụi anh bị lầm?
- Em làm chung với mấy đứa xì cũng đông nên phải biết để có nhiều khách ...
Rồi cô nghiêm trang bảo:
- Tuần sau, em thuê một căn phòng rộng hơn. Anh dọn đến ở với em.

Phạm Thành Châu
@dactrung  -  langchai