Nhâm Thìn là năm thế nào?
Năm Tân Mẹo (Mão) sắp qua, Nhâm Thìn sắp tới. Còn nhớ năm ngoái thiên hạ bị phân vân giữa lịch Ta và lịch Tàu về chuyện chữ Mão có nghĩa là con Mèo hay là Thỏ. Rồi có chuyện nhà văn hóa học Nguyễn Thừa Hỷ lên đài BBC phân tích một cách sai lè rằng chữ Tân trong thiên can có nghĩa là mới đã tạo nên tranh luận rất sôi động về mặt kiến thức ngày nay. Năm Tân Mẹo vừa qua cũng có rất nhiều chuyện sôi động long trời lở đất và chắc chắc còn tiếp diễn đến Nhâm Thìn.
Vào dịp này trong Tết năm ngoái, có số nhà ngôn ngữ học theo trường phái "Đại Kinh" (lấy dân tộc Kinh làm quan điểm trung tâm Bách Việt) còn lấy chuyện con động vật Thố Tôn (兔猻) nào đó ở Trung Á trong tiếng Tàu dịch sang tiếng Anh là Pallas's Cat làm bằng chứng như đúng rồi rằng người Trung Quốc cũng bị nhầm giữa mèo và thỏ rồi đi đến dẫn chứng 12 con giáp là của văn minh lúa nước Việt Nam. Trung Quốc nó tinh mắt như mèo, nó soi từng li từng tí suốt cả mấy ngàn năm nay, làm thế nào mà trông gà hóa cuốc chuyện cơ bản như ý bác Nguyễn Cung Thông nghĩ.
Tuy những nhà ngôn ngữ học có tinh thần Việt học rất cao nhưng mà các nhà ấy cứ phân tích theo kiểu này thì thật là ngang phè và bất chấp quá! Thố Tôn (tôn là một loại mèo hoang hay chồn cáo) có cấu trúc từ vựng như kiểu miêu hùng (gấu mèo) dùng một loài động vật làm tính từ bổ nghĩa cho danh từ để miêu tả một loài động vật khác, Thố tôn không phải để chỉ về loài thỏ đâu ạ. Trong tiếng Việt có từ gà quạ thì thuộc về dòng gà chứ không phải quạ. Chỉ khác là tiếng Trung Quốc viết ngược tính từ, thế mà đem quy phạm từ ngữ tiếng Việt đối chiếu vào rồi bảo Cat (mèo trong tiếng Anh) là Thỏ.
Nhưng đó là chuyện Tân Mẹo đã qua, nhắc lại thì cãi nhau thêm 12 năm nữa. Bây giờ nói sang chuyện năm mới, năm rồng, Trung - Việt lại giống nhau, đều đặn như đếm.
Hôm trước có một bác đồng hương chúc Tết mình năm Nhâm Thìn nhưng nói quen giọng địa phương phát âm thành năm Dâm Thìn, nghe rất là ngồ ngộ. Tuy bác ấy không phát âm phụ âm nhờ (nh) theo nguyên tắc quốc ngữ chính âm, nhưng mà buồn cười lắm! đem truy ra chữ Nhâm 壬 (thiên can) trong chữ Hán thì đúng là nó cho chữ Dâm 淫 mượn làm âm. Do đó, cách phát âm tuy có quê mùa đấy nhưng không thể không ghi nhận dấu vết liên quan về mặt ngữ âm rất quan trọng. Ghi chú: Bác này không hề bị ngọng mà ăn nói tự nhiên theo giọng địa phương.
Ngoài ra, cách đọc chữ Thìn 辰 (địa chi) cũng là một đặc điểm chuyển biến nào đó về mặt ngôn ngữ của Việt Nam. Chữ Thìn này đúng ra phải đọc là Thần trong mọi tình huống văn chương và ngữ cảnh. Ngay trong tiếng Trung Quốc hiện đại cũng không có sự phân biệt về hai cách đọc như tiếng Việt Nam ta. Không biết vì lý do huý kỵ gì mà có sự biến âm từ thần thành thìn, xin nhường lại cho các học giả thích.
Tuy nhiên, theo sự suy đoán về năm Nhâm Thìn, con rồng năm nay phải nói là rất đặc biệt: Nhâm Thìn → Dâm Thìn → Dâm Thần → Quần Long Hành Vũ. Chữ Dâm cũng có nghĩa là mưa dầm. Trong Hán tự, chữ Dâm khi đứng một mình không có nghĩa là hoàn toàn dâm (dật) như trong tiếng Việt. Chỉ khi nào chữ dâm kết hợp thành từ vựng thì ý nghĩa khái quát của nó mới tung ra một cách rõ nét và linh hoạt. Đây chính là đặc điểm khái quát mông lung của chữ Hán rất có tác dụng to lớn trong việc sáng tạo từ ngữ. Người Việt ngày xưa gọi Hồ Tây ở Hà Nội là Dâm Đàm chính là thể hiện ý tứ mênh mông sương khói của nó chứ không liên tưởng đến cảnh giới sắc tình như ngày nay.
Lại nói phiếm thêm, trong 12 con giáp, rồng được xem là con vật huyền bí thiêng liêng nhất tiêu biểu cho văn hóa trên mây của phương Đông. Tuy nhiên, rồng được xem là quái thú đối với văn minh phương Tây. Hình như cả hai phía Đông Tây cũng có điều chỉnh nhận thức về totem rồng để nó không va chạm nhau về phương diện văn minh văn hóa.
Cả hai dân tộc Trung Quốc và Việt Nam đều coi rồng là vật tổ và tự xưng là con cháu của rồng. Thành ngữ "con rồng cháu tiên" của Việt Nam hoặc là "long chi truyền nhân" của Trung Quốc ở khắp nơi đã nói lên điều này.
Cũng phải thừa nhận mẹ rồng nào mà đẻ ra được hai dân tộc này là quá sức vĩ đại. Rồng thiêng đã sinh ra dân tộc Việt Nam mà còn chưa mệt lại còn sang bên ấy sinh ra thêm cả dân tộc Trung Quốc đông đại bành vè. Mắn quá!
Đề cao văn hóa rồng thiêng làm tổ mà lịch số lại rơi vào năm rồng thì phải nói năm nay vận hội sẽ hết sức đặc biệt. Do đó, nhâm thìn năm nay nên được điều chỉnh về mặt ngữ âm để gọi thành năm dâm thần như là đặc điểm vinh danh vật tổ.
Ngoài ra, nói Nhâm Thìn thành Dâm Thần chính là thời điểm quần hùng tụ hội, như rồng gặp mưa, hô phong hoán vũ, sẽ còn nhiều chuyện long trời lở đất hơn cả năm Tân Mẹo.
Trần Đông Đức