Trung Tá Nguyễn Văn Long : Bảo Quốc công thần
Audio Tr/T Nguyen Van Long
Sau chính biến 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ nền Ðệ nhất Cộng Hòa, Quốc Gia trải
qua một thời kỳ hỗn lọan. Tại miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên Huế, họat động
ngành an ninh trật tự hoàn toàn tê liệt. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm mà đã
thay đổi sáu Giám-Ðốc Nha Công An. Có ông chỉ tại chức 32 ngày. Hai Trưởng Ty
Công An Thừa Thiên và Cảnh Sát Huế đều là cơ sở nòng cốt Cộng Sản, một vài tay
chân của nhóm Phật Giáo Ấn Quang tranh đấu ly khai xuống đường phá rối. An ninh
trật tự hoàn toàn suy sụp.
Ðể đối phó với tình hình rối ren của vùng I,
tháng 6 năm 1966 Trung Ương quyết-định bổ nhiệm Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đảm
nhiệm chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, và ngay lập tức, ông cho chấn
chỉnh lại những hoạt động của Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại địa phương đầy
biến động này, đồng thời bổ nhiệm Quận Trưởng Cảnh-Sát Võ Lương giữ chức
Giám-Ðốc Cảnh Sát Quốc-Gia Vùng. Quận Trưởng Cảnh Sát Võ Lương là Giám-Ðốc thứ
bảy kể từ năm 1963 và là người đầu tiên giữ vững đựơc kỷ cương trật tự sau một
thời gian hỗn loạn quá dài. Ðể mau chóng ổn định nhân-sự cũng như họat động, Ông
cho lệnh di chuyển Nha CSQG từ Huế vào Ðà-Nẳng. Ông cho tất cả nhân viên dễ dàng
trong một tháng để thu xếp gia-đình.
Trong vòng một tháng đó, phần đông
nhân-viên đã có đủ thì giờ để ổn định việc nhà cửa và chuyện con cái học hành.
Chỉ riêng Trung Tá Long, lúc ấy vừa được bổ nhiệm chức Chủ-Sự Phòng An Ninh Nội
Bộ kiêm Thanh Tra, là còn loay hoay chưa kiếm ra nơi tá túc cho gia-đình. Hết
hạn 1 tháng, Ông không thèm xoay sở nữa mà đã sáng kiến thực hiện một việc cổ
kim không giống ai:
Thấy có một khoảng đất công trống trên đường Duy Tân,
giữa lòng Thành Phố, Ông dựng lên một cái chái lợp tôn, dựa lưng vào bức tường
thành của một Công Sở. Ðó là nơi gia đình ông đang cư trú, không điện không
nước.
Có hai nhân viên thuộc quyền ghé thăm thấy cả nhà ban đêm thắp hai
ngọn đèn dầu lù mù, họ rủ nhau hùn tiền mua đến cho ông một cái đèn Manchon. Ông
từ chối nhất định không lấy, nói thế nào ông cũng không chịu, bắt họ đem đi trả
lại.
Câu chuyện nhà ông Long thắp đèn dầu được nhiều người kể đi kể lại ở
sở. Một hôm nhân có dịp ngồi chung xe với ông Giám Ðốc lên họp Quân Ðoàn, tôi kể
Ông nghe câu chuyện về cái đèn Manchon. Ông Giám Đốc lắc đầu nói: “...tính của
Long là vậy, tôi biết chả từ lâu, từ hồi còn làm bên Công An Liên Bang. Ðó là
một người rất tốt, thanh liêm và cương trực, đông con nhà nghèo...”. Từ lúc đó
cho đến khi vào họp Ông không nói thêm lời nào. Ông lặng lẽ, dường như có điều
tính toán suy nghĩ, ngó mông lung ra ngoài đường. Tuần lễ sau, tôi ghé nhà Long
thăm đã thấy có điện nước. Hỏi ra thì biết trong lúc Ông Long đi làm, có 2 người
tới bắt cho 2 bóng đèn và 2 lỗ cắm điện, một vòi nước. Họ không lấy tiền cũng
không cho biết ai sai tới. Tôi biết ngay là do sự can thiệp kín đáo của Ông Giám
đốc. Biết Ông không ra mặt tôi cũng làm thinh luôn.
Liền sau đó, trong
một phiên họp khoáng đại, ông Giám Ðốc hỏi nhỏ tôi, nhà Long có điện chưa. Tôi
trả lời có rồi, có cả nước nữa. Ông gật đầu, mỉn cười nhìn về phía Long, nét mặt
hiền lành khoan dung. Ông vui vì đã giúp được thuộc cấp một việc tuy nhỏ nhưng
rất cấp bách cần thiết. Tính Ông quảng đại, kín đáo và chi-tiết. Nhiều khi làm
ơn từ việc nhỏ đến việc lớn, không cần cho ai biết.
Dạo ấy, vì cơ sở mới
dọn từ Huế vào, phòng ốc chưa đủ, Ông Giám-đốc cũng không có tư dinh phải ở tạm
một phòng trong khách sạn Grand Hotel trên đường Bạch Ðằng. Trong khách sạn có
sẵn Restaurant. Ông thường dùng bữa vớí nhiều viên chức khác ngành, vừa ăn vừa
luận bàn công việc. Những lúc không mời ai, Ông gọi tôi tới ăn cơm chung. Nhờ có
chút khả năng giao-thiệp, quen biết nhiều người và luôn sẵn những chuyện tếu vô
hại, Ông thường ngồi nhiều giờ với tôi, bàn về đủ mọi thứ, phần lớn là những
việc trên trời dưới đất, không dính dấp gì tới công vụ. Nhân một lúc vui vẻ, cởi
mở, tôi nhắc lại chuyện Trung Tá Long và hỏi Ông lý do không cho Long biết việc
Ông can thiệp bắt điện nước vào nhà. Ông cườì rồi từ từ kể. Sau đây là những gì
Ông Giám đốc Võ Lương nói về Trung Tá Nguyễn văn Long:
“...Tôi biết Long
từ những thập niên 1940, khi Giả ( tiếng thông dụng miền Trung có nghĩa là Anh
ấy, Ông ấy ) mới gia-nhập Ngành An ninh thời Tây. Giả nổi tiếng1à siêng năng cần
mẫn, kỷ-luật và trong sạch. Lương bổng không đến nỗi tệ nhưng gia-đình đông con
lại suốt đời không tơ hào những bổng lộc phi nghĩa nên thời nào cũng nghèo. Cả
đời ở nhà mướn. Ðúng ra, trước năm 1963 Giả cũng có một căn nhà tương đối được,
ở đường Phạm Hồng Thái, Thành Phố Huế. Nhà này có từ nhiều năm trước, có thể do
cha mẹ để lạị. Trước đảo chánh Ông Diệm, Giả bị bắt giam trong vụ Gián Ðiệp Miền
Trung do Phan Quang Ðông điều tra khai thác. Trong thời gian bị ngưng chức không
lương tiền hàng tháng, bà vợ đã phải bán căn nhà này để đong gạo cho gia
đình...
...Giả sống rất chừng mực, lương thiện, không có khả năng xoay
xở, lại càng không muốn xoay xở bậy bạ. Nhũng lúc gặp khó khăn thì cắn răng chịu
đựng, không hề muốn nhờ vả ai. Giả rất khó chịu khi phải chịu ơn người khác.
Ðiều này giải thích được tại sao tôi không trực tiếp cho biết đã nhờ người bắt
điện nước cho gia đình Giả. Chuyện nhỏ không muốn Giả có mặc cảm mang
ơn....
... Là viên chức kỳ cựu, phuc vụ trong ngành đã hơn 20 năm, Long
có khá nhiều cơ hội để khá hơn, nhưng cơ hội nào Giả cũng bỏ qua, có khi còn
quyết liệt từ chối thẳng tay, nên đến bây giờ vẫn sống chật hẹp với đồng lương
của một công chức.
... Giả bị bắt giam trong vụ Gián Ðiệp Miền Trung năm
1962 nên sau khi Chính Phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, Long được cử ngay làm Trưởng
Ban Công Tác Ðặc nhiệm điều tra tội ác và tài sản chế độ cũ cũng như của nhóm
Cần Lao. Nhiều người cứ tưởng dịp này Long tha hồ ân oán giang hồ. Nhưng trái
với mọi suy đoán, Long hành xử trách nhiệm hoàn toàn vô tư, không nghe lời xúc
xiểm, không thành kiến, cũng như không bới lông tìm vết. Ðể tránh mấy tay môi
giới chạy chọt xin xỏ đút lót lôi thôi, Long cắm trại luôn trong sở, thật khuya
mớí lạch cạch đạp xe về nhà. Dạo ấy cả gia-đình đã theo đạo Công Giáo, nhà thuê
ngay kế bên Dòng Chúa Cứu Thế Huế.. Nhà Long cữa đóng then cài. Long không tiếp
bất cứ ai.
...Năm 1965, Long đưọc bổ nhiệm làm Trưởng Ty Công an Ðặc Biệt
Bến Hải, đóng dọc theo Nam Vĩ Tuyến 17 thuộc Quận Trung Lương, Tỉnh Quảng Trị.
Nhận việc chưa bao lâu thì Phòng Lương Bổng, Vật Liệu , Kế Toán đưa cho Giả một
phong bì đầy tiền. Long hỏi cái gì thì họ cho biết, như thông lệ từ trước, đây
là số tiền bán bớt xăng nhớt và văn phòng phẩm nạp cho Trưởng Ty làm mật phí
giao tế. Giả đỏ mặt, trợn mắt đòi bỏ tù cả đám. Từ đó hết ai dám léng phéng
chuyện tiền nong lem nhem với Long...”
Kể đến đây Ông Giám Ðốc cườì thành
tiếng và nói đùa: “...Nếu Long chịu nhận vàì ba mớ phong bì như thế thì đâu đến
nỗi bây giờ phải cắm dùi đường Duy Tân. Nên nhớ Long đang là chức Trưởng Ty khi
được lệnh di chuyển từ Quảng Trị vào Ðà-Nẵng. Một Ông Tưởng Ty mà ngày trước
ngày sau phải ở bụi ở đường thì thế gian chỉ có một Nguyễn văn Long mà thôi,
không có người thứ hai. Bổ nhiệm Long vào chức An Ninh Nội Bộ và Thanh Tra, tôi
yên tâm nhưng cũng có nhiều anh khó chịu không vui đấy...”
Khi tôi hỏi về
Vụ Gián Ðiệp Miền Trung , Ông cho biết vụ ấy không hẳn là có thật mà chỉ do Pháp
cố ý dựng chuyện lên để phá thối. Công việc của Phan Quang Ðông là huấn luyện và
tung mạng lưới tình báo gián điệp ra Bắc hoạt động vùng Thanh Nghệ Tĩnh mà thôi.
Ðông không dính líu gì đến vấn đề nội chính và an ninh quốc nội. Ðông bị xử tử
hình để bịt miệng, do áp lực từ Cộng Sản trong nhóm tranh đấu, gây rối Mìền
Trung. Không có vụ gián điệp thì Ðông cũng bị giết.
Hình như Long biết sự
kiện này cho nên ngày xử bắn Phan Quang Ðông tại Sân Vận Ðộng Chi Lăng, mấy
người bạn cùng vụ rủ Long đi coi, Long từ chối. Long
nói:
“...chuyện Ðông có những điều chưa minh bạch, xét xử vội
vàng và có quá nhiều áp lực. Ðông đâu đáng tội chết! Vả lại oán thù nên cởi,
không nên buộc... Ông Giám Ðốc kết luận:...Long khắt khe sắt thép với chính mình
nhưng khoan dung nhân hậu, công bằng và rộng lượng với kẻ khác, cả với kẻ vừa
mới giam giữ mình...”
Năm 1970 , tôi bàn giao chức Chỉ Huy Trưởng cho
Thiếu Tá Trần Hàng(*) để ra Ðà-Nẵng. Vừa nhận việc chưa được bao lâu thì Thành Phố
chịu một cơn bão lụt Sóng Thần khủng khiếp chưa từng thấy trong cả trăm năm. Mưa
như trút nước. Sóng biển gầm thét dữ dội. Một phần đường trong thành phố ngập
nước quá đầu gối. Giáp ranh phía Bắc Thành Phố là Bãi Thanh Bình thành một vùng
nước mênh mông. Nhưng ngặt nghèo và nguy hiểm nhất là khu tạm cư Ngọc Quang. Khu
này là một giải cát bồi thoai thoảỉ nằm dài giửa Bãi Thanh Bình và biển cả,
không một bóng cây. Từ tầm xa nhìn tới , toàn khu hoàn toàn biến mất, chỉ còn
thấy lác đác ít nóc nhà nhấp nhô theo sóng dữ. Gió rất mạnh, thổi giật từng cơn.
Bộ Chỉ Huy Cành Sát Quốc Gia huy động toàn bộ lực lượng cơ hữu như Giang Ðoàn và
trưng dụng thêm một số ghe thuyền tư nhân trong nỗ lực di tản dân chúng vào khu
an toàn, lúc ấy là sân Trường Kỹ Thuật ở đường Cao Thắng và chung quanh 2 Thánh
Ðường Họ Giáo Ngọc Quang và Giáo Xứ Thanh Ðức.
Qua máy truyền tin, Giang
Ðoàn cho tôi biết gia-đình Trung Tá Long ở vào một khu nguy hiểm nhất. Nhà có
thể bị cuốn trôi ra biển bất cứ lúc nào. Cả gia-đình đã lên được đất liền nhưng
Trung Tá Long đang ngồi trên một cái chõng tre, tay cầm chai rượu thuốc, nói là
để ở lại giữ nhà, không chịu đi đâu hết. Tôi nghe mà lạnh người. Cũng lại cái
“Ông Trời sợ” này nữa. Tôi không thể quên vụ Ông cắm dùi ở đường Duy Tân năm nào
và việc Ông Giám Ðốc Võ Lương kín đáo giúp đỡ bắt điện nước cho Long.
Tôi
nhờ Giang Ðoàn ra tận nơi, đưa máy truyền tin cho tôi nói chuyện với Long. Nghe
tiếng tôi, Ông nói ngay: Chào Ông Chỉ Huy Trưởng, tôi không sao đâu. Sau một hồi
giải thích gần như năn nỉ, cuối cùng phải viện dẫn lý do an ninh cũng như xin
Ông hợp tác để làm gương cho đồng bào. Cuối cùng Ông mới chịu vào bờ.
Dọn
dẹp bão lụt xong, dân chúng lo sửa sang những thứ đỗ nát. Tôi điện thoại cho Ông
hỏi thăm nhà cửa hư hại ra sao. Ông trả lời tỉnh bơ: Nhà chỉ có mấy tấm ván, xẹp
xuống rồi dựng lại lên, có chi mà hư hại. Tuần này tôi xin nghỉ mấy ngày phép và
mất một mớ đinh là xong ngay.Tôi bái phục cái thái độ bình tâm giản dị gần như
bất cần của Ông, nhưng quyết định phải ra tận nơi coi cho biết. Tôi mặc thường
phục cùng với mấy tay bài trừ du đãng đi Honda, luồn lách ra Ngọc Quang. Tới nhà
Ông Long, tôi hết hồn.
Căn nhà của Ông chỉ là một tác phẩm chắp nối vội
vàng và lỏng lẻo gồm mọi thứ tạp nhạp không đáng gọi là vật liệu, góp nhặt từ
nhiều nguồn gốc khác nhau. Nhà nằm lọt vào khu vực tạm cư hỗn độn gồm các gia
đình đổ về từ những vùng quê Quảng Nam mất an ninh. Giây điện và giây phơi áo
quần chằng chịt. Rất mau, tôi vụt nhớ đến một bản báo cáo của Cảnh Sát Ðặc Biệt
về việc Cộng Sản cài người vào dân tị nạn và vụ xe ông Trưởng Phòng Ðặc Biệt Nha
tên Diệp đi mua vật liệu bên Quận Ba bị đặt Plastic chết banh xác trên gần Chợ
Cồn năm nào. Thương Ông, tôi nhất định phải đưa Ông vào thành phố.
Ngay
ngày hôm sau tôi nhờ các Phường Quận tìm dùm một miếng đất cho Ông Long cất nhà.
Các nơi tìm được khá nhiều nhưng tôi chọn ra 4 chỗ. Tôi lái xe đưa Ông đi xem.
Cả 4 chỗ Ông không chê nhưng ngần ngại không quyết định, viện dẫn nhiều lý do
nghe cũng được. Chuyện không thể chậm trễ, tôi nói ngay: hay là Ông vô ở chung
với tôi. Ông cười khẩy, tưởng tôi bực mình nói lời mỉa mai. Sự thực khi nói câu
đó, tôi nghĩ đến khu đất trống sau tư dinh dành cho gia đình Chỉ Huy Trưởng số
37 Nguyễn Thị Giang, ngay trung tâm thành phố, sát tường rào Trường Nam Tiểu
Học, có thể mở lối đi riêng. Tôi chỉ cho Ông. Ông chịu liền nhưng còn bán tín
bán nghi. Ðể xác nhận không phải chuyện bông đùa, tôi đưa Ông tới một trại cây
đường Phan đình Phùng, nói với bà chủ chọn cho Ông một số cây ván thứ tốt, hoá
đơn gởi cho tôi. Tới đây Ông mới tin là chuyện thật và bắt tay tôi vui vẻ, nói
lời cám ơn.
Không chờ đợi lâu, Ông cho tháo căn nhà từ Ngọc Quang, cha
con chồng vợ cả gần chục người hớn hở dựng căn nhà mới. Chỉ trong vòng chừng 2
tuần là xong, điện nước từ nhà tôi câu qua. Gia đình Ông Long vui vẻ đã đành,
phần tôi cũng vui không ít.
Những ngày tiếp theo, tôi chờ hoài không thấy
trại gỗ đưa hóa đơn tới, hỏi ra mới biết: thấy tôi tận tâm, nể mất lòng, Ông chỉ
lấy một ít ván gắn vào mặt tiền coi cho được còn bao nhiêu Ông mua các thứ tạp
nhạp từ một bãi phế thải ở đường Ông Ích Khiêm chở mấy xe Ba Gác về, đóng phía
trong phía ngoài khá tươm tất. Một lần nữa tôi cảm phục tính lương thiện và sòng
phẳng của Ông. Dọn vào nhà mới xong, ít lâu sau Ông thăng Trung Tá và được bổ
nhiệm Chánh Sở Tư Pháp, tiếp tục phục vụ tại Bộ Chỉ Huy Vùng. Từ đây Ông yên tâm
ở bên cạnh nhà tôi và tôi cũng có cơ hội làm một chút quan sát:
Nhà Ông
rất đông con. Một vợ một chồng, sinh 12 lần, nuôi 13 đứa, có cả cặp sinh đôi sau
cùng, một trai một gái. Ông còn cưu mang thêm một đứa cháu mồ côi, anh nó đi
lính tận trên Pleiku, giao luôn cho Ông giữ. Chưa hết. Nhà còn có thêm một con
heo con. Bà Long nói phải nuôi thêm con heo làm lợi, cho đứa cháu mồ côi thêm
tiền ăn học. Chuyện nhà Ông Long nuôi heo nhiều người không tin, đòi đến coi.
Làm gì giữa thành phố, ngay cạnh tư dinh Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát mà lai có người
dám nuôi heo. Ai nói gì thì nói, hiểu rõ hoàn cảnh gia-đình, cùng cái lý do chân
thật và tội nghiệp đối với Bà Long, tôi không phản đối. Mấy đứa con nhỏ của tôi
cũng rất ưa thích con heo. Ði học về, tụi nhỏ chạy sang xem, cho heo ăn, trầm
trồ khen heo sạch sẽ và mau lớn. Thấy các con ưa thích, tôi cũng vui. Bà Long
lại càng vui hơn.
Ông Long dạy con rất nghiêm nhưng không hề ồn ào to
tiếng. Ông ưa nói chuyện gương trung liệt người xưa và lấy chuyện sách đèn của
các con làm trọng. Ông thường dặn con: dù hoàn cảnh nào cũng ráng kiếm cho được
ba mớ chữ. Câu Ông thưòng nhắc đi nhắc lại với các con là: Khi nào cái đầu cũng
ở trên. Cái đầu phải có kiến-thức để điều khiển toàn thân làm những việc khá hơn
là việc tay chân lao động.
Những lúc rảnh rỗi nhà tôi hay sang chơi, khen
mấy cháu học giỏi và thường dấm dúi cho các em chút đỉnh tiền để khi thì mua cái
cặp sách, khi thì mua bộ áo quần. Ðặc biệt đứa cháu mồ côi là nhà tôi thương
nhất. Ông Long có mấy con đã trưởng thành. Hai anh đi không quân, một thiết
giáp, ba Cảnh Sát. Đứa đầu lòng tên Phụng, Sĩ Quan Biệt Ðộng Quân, tử trận.
Thỉnh thoảng các cháu về phép, nhà tôi thường dặn dò phải cận thận giữ mình, đôi
khi còn có chút ít tiền cho các cháu cà phê. Những cử chỉ thương yêu nhẹ nhàng
kín đáo như thế chỉ có các con và Bà Long biết, Ông Long thì không. Qua tôi, nhà
tôi đã hiểu tính Ông Long rất tự ái và không ưa nhờ vả ai, dù là từ những người
thân.
Trong năm năm sống cạnh nhau, Ông Long chỉ sang nhà tôi có một lần,
đi chung với Ông Võ Hoàng, anh Ông Giám Ðốc Võ Lương. Lúc ấy tôi vừa cho thêm
một người bạn khác, Ông Huỳnh Giáo cựu Trưởng Ty Công-An Quảng Tín làm căn nhà
đằng sau , phía bên phải. Nhà Ông Long bên trái. Ông Võ Hoàng là một nhà phong
thủy cho biết hai căn nhà phía sau Tư dinh là một phối trí phong thủy tuyệt hảo,
che chắn hết mọi bất trắc, rủi ro, không sợ đao kiếm cùng kẻ xấu chém lén sau
lưng. Ông Chỉ Huy Trưởng sẽ yên vị tại chức lâu dài. Tôi không biết nhiều về
phong thủy, cũng không hẳn tin. Tôi chỉ muốn làm một việc tử tế khi có cơ hội để
giúp cho hai người bạn mà tôi rất thương yêu và mến phục.
Sống bên nhà
tôi lâu như thế mà gia-đình Ông Long không bao giờ xin ân huệ cho mình cũng như
cho bất cứ ai. Họ sống lặng lẽ, âm thầm gần như cam chịu. Bà Long thường nói đây
là căn nhà vừa ý nhất từ trước đến nay và ao ước được ở đây mãi mãi.. Niềm ao
ước bình thường giản dị ấy không được bao lâu thì Ðà-Nẵng thất thủ, cuối tháng
ba 75. Tai trời ách nước đổ sập xuống, chúng tôi tan tác mỗi người một
nơi.
Tôi thoát đi được trong gang tấc, theo một tàu Mỹ vào Cam Ranh. Tại
đây dùng tàu đò dân-sự vào Vũng Tàu. Khi vừa mới từ bờ ra lại biển khơi, tôi gặp
Ông Long đi trên một ghe đánh cá từ Ðà-Nẵng vào. Tôi đổi tàu cùng Ông xuôi Nam.
Về đến Saì-Gòn chia tay mỗi người một ngã. Tôi tìm cách cùng gia đình thoát thân
lần nữa. Qua tới Guam được mấy ngày thì được tin Long tự sát. Tôi bàng hoàng xúc
động, thương Ông suốt một đời lận đận và kết thúc tức tưởi thế kia. Từ đó tôi bị
thúc bách và tự cho như có bổn phận phải tìm thêm tin tức của Long:
Ở Mỹ,
tôi theo dõi các báo lớn ngoại quốc có đăng trang bìa hình Long tự sát trước
tượng đài Thủy Quân Lục Chiến khu tiền đình Trụ Sở Quốc Hội, sắc phục và cấp bậc
Sĩ Quan Cảnh Sát ngay ngắn đàng hoàng, nhưng không có báo nào nói xác Long ai
đem đi đâu. Tôi cứ nghĩ thi thể vô thừa nhận đã bị vùi dập ở một xó xỉnh
nào.
Nhưng không. Khoảng hơn hai tuần sau, Bà Long nhận đươc giấy báo vào
nhà thương Grall nhận xác. Nguyên do là khi tuẫn tiết, trong túi áo Long có thẻ
căn cước địa chỉ 37 Nguyễn Thị Giang, Ðà-Nẵng. Nhà thương cứ theo địa chỉ đó mà
báo tin. Tôi nhớ là cái căn cước bọc nhựa ấy tôi đổi lại cho Long khi vừa mới
dọn vào ở chung, đặc biệt có chữ ký của tôi làm kỷ niệm, không phải chữ ký của
Thiếu Tá Chỉ Huy Phó như những căn cước khác. Tự nhiên tôi có chút suy nghĩ sao
mà cái việc nhỏ nhặt như việc đổi cái thẻ căn cước bọc nhựa năm xưa lại đưa đến
một sự việc quá quan trọng như thế. Cái căn cước có chữ ký của tôi đó không phải
vì nhu-cầu mà chỉ vì chút cảm tình, nhưng lại chính nhờ nó mà gia-đình nhận đươc
xác của Long. Ðây có phải chỉ là một diễn tiến tình cờ hay là một tính toán cẩn
thận của Long. Giả thuyết thứ hai hợp lý hơn.
Ðà-nẵng mất mau quá, Long
chưa kịp lãnh lương tháng ba nên nhà không có tiền vào Sàigon. Tội nghiệp chỉ có
cô Tâm, con thứ ba vào nhận xác. Tới SàiGòn ngày 17 tháng 5 cô Tâm cùng với một
người chị thứ hai tên Ðào và người em gái tên Thuận đang làm việc ở Sai-Gòn tới
nhà thương Grall. Tại dây nhân viên Bệnh Viện, như có được lệnh của Ban Giám
Ðốc, đã dành mọi dễ dàng, chỉ vẽ tận tâm chu đáo và tỏ ra có thiện cảm đặc biệt
với người chết. Họ tắm rửa, thoa thuốc, uốn nắn và chăm sóc thi thể nhẹ nhàng tử
tế đến độ làm các con cảm-động và ngạc nhiên. Ngày chôn cất có ban hậu sự Nhà
Thương sắc phục và xe tang đàng hoàng, khoan thai đưa tiễn tới Nghĩa Trang. Tất
cả đều hoàn toàn miễn phí. Thi hài được mai táng tại Nghĩa Trang Giáo Xứ Công
Giáo Bà Quẹo với đầy đủ lễ nghi tôn giáo. Có Linh-Mục đến làm phép xác. Rõ ràng
là cái chết công khai và lẩm liệt của một Anh Hùng vị Quốc vong thân, ngay lập
tức đã có người trân trọng. Ít năm sau gia đình cải táng. Lần này thì khăn tang
trắng một vùng, đầy đủ vợ và các con, các cháu, xác được hỏa thiêu. Tro ký thác
tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài-Gòn, đường Kỳ Ðồng.
Ngày mất nước 30 tháng 4 năm 75, khi biết mọi sự đã hỏng hết, nhiều
Tướng Lãnh, Sĩ Quan, Binh Lính, Cảnh Sát và cả nhân- viên Dân Chính đã tự sát
tại nhiều nơi và bằng nhiều cách, cách nào cũng nói lên chí khí bất khuất không
đầu hàng, không để cho thân rơi vào tay giặc. Nhưng cái chết của Trung Tá Nguyễn
văn Long mới được cả thế giới biết đến mau nhất, gây xúc động mạnh nhất. Long đã
chọn cách thế, giờ giấc cho cái chết có mục đích tại một địa điểm không thể có
nơi nào thích hợp hơn. Trước Tòa Nhà Quốc Hội, dưới chân Tượng Ðài Chiến Sĩ là
nơi biểu tương Trái Tim đang thoi thóp của Miền Nam. Ông đã nằm xuống đó để chấm
dứt nhịp đập trái tim Ông. Ông dâng hiến máu tươi và mạch sống cho Tổ Quốc. Khỏi
cần phải luận bàn dông dài, cả thế giới cùng công nhận Long đã bình tĩnh sửa
soạn cho cái chết từng chi-tiết. Long mặc sắc phục, cấp bậc chỉnh tề, thẻ căn
cước cài trong túi áo. Trước lúc bắn vào đầu, Long đứng nghiêm, chào kính Tượng
Ðài rồi khoan thai nằm xuống. Chỉ một phát súng dứt khoát và chính xác, Long anh
dũng đền ơn nước.
Ðã một thời sống gần và làm việc chung, tôi thương mến
Long lúc sinh thời, kính phục Long khi đã chết và sẽ mãi mãi nhớ Long. Cái chết
của Long là một cái chết bất tử.
Nguyễn An Vinh
Ghi chú của Diendan:Tác
giả Nguyễn An Vinh,bàn giao chức vụ Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Quảng
Tín cho Thiếu tá Cảnh sát Trần Hàng năm 1970.Sau 1975,Thiếu tá Trần Hàng bị công
an CS đánh đập,tra tấn cho đến chết tại trại tù Nam Hà.Mong rằng,sẽ có người
biết chuyện,viết lại cái chết bi thảm của vị Thiếu tá kiên cường,bất khuất này.