Thursday, January 12, 2012

Lê Như Đức


Ngày Đó


Tác giả Lê Như Đức, sinh năm 1962 tại Sàigòn, Việt Nam; Nghề Nghiệp: Kỹ sư cơ khí cho Boeing, Houston; Gia Đình: Vợ và ba con, hai gái một trai. Trong số bài góp phần viết về nước Mỹ, tác giả từng viết ba bài “Ơn Anh”, “Ơn Chị”, “Ơn Em” đề cập đến đủ mọi tình huống mà những thế hệ anh, chị và thế hệ các em đã và đang trải qua để bảo vệ phẩm giá tự do cho người Việt, nước Việt. Sau đây là bài viết mới của ông về một giấc mơ chung nhân kỷ niệm 29 năm biến cố tháng Tư 1975.

Ngày đó chắc chắn sẽ tới. Dân tộc tôi sẽ có đầy đủ quyền làm người. Cuộc sống của người dân nước tôi sẽ cải thiện nhiều nhờ có tự do, có dân chủ và có cả công lý. Ngày đó mọi người Việt sẽ đứng lên đập đổ độc tài, độc đảng. Ngày đó toàn dân tôi sẽ ngồi lại để xây dựng lại từ đầu. Người Việt từ năm châu bốn bể sẽ về để đem kiến thức lẫn vốn liếng cùng chung góp, cùng tái tạo, cùng trùng tu.

Tiếng mọi người, mọi nhà vang gọi nhau lên đường. Tiếng mừng tủi gặp nhau sau bao năm chia cách. Tiếng của anh chị em chúng tôi khóc chào mừng. Tiếng quen gọi của cha con sau bao năm chia lìa. Tiếng bạn bè thổn thức thầm gọi tên nhau trước những nấm mồ hoang.

Ngày của đất nước, của sông núi và của dân tộc. Ngày của tương lai tươi sáng, của từ giã tủi nhục lưu vong, của xóa bỏ dốt nát nghèo đói, của đòi hỏi bình đẳng nhân quyền, của hận thù bỏ qua. Ngày của họp mặt, của trở về, của chia sẻ. Ngày của những tin vui đưa tới. Ngày của đau buồn đã qua. Ngày của đoàn kết, của đồng lòng, của thương yêu.

Ngày của mọi người nước tôi đã mong chờ từ bao lâu.
Ngày đó, tôi là một mục sư đã tốt nghiệp thần học từ Mỹ, sẽ về lại quê hương tôi để lo lắng tâm linh cho người dân sau những năm dài bị đọa đầy trong cái chủ nghĩa vô thần quái gỡ. Tôi sẽ đi từ bắc chí nam để chỉ cho dân tôi biết thức ăn tinh thần của con người qua tôn giáo và tín ngưỡng. Tất cả mọi người đều được tự do chọn lựa tín ngưỡng mình yêu thích, tự do truyền bá tôn giáo của mình và nhất là tự do tổ chức những lễ nghi theo quy luật của tôn giáo mình đang theo.

Tôi sẽ cho người dân tôi hiểu được tôn giáo cũng cần thiết như không khí, như nước uống. Chính tôn giáo đã góp phần lớn trong sự tạo dựng nền tảng đạo đức cho con người, giảm bớt tệ đoan của xã hội, và tạo tình thương gắn bó giữa người dân.

Chính quyền không thể phủ nhận vai trò đóng góp của tôn giáo. Chính quyền càng không thể cấm đoán việc hành đạo của người dân. Người dân tôi phải có tự do tín ngưỡng. Đó là nguyện vọng của tôi, được thấy mọi tôn giáo được tự do phát triển trên đất nước thương yêu, nhỏ bé của tôi.

Ngày đó, tôi là một thợ in từ Hoà Lan, sẽ về in lại cho các em nhỏ nước tôi những sách giáo khoa dựa tên căn bản đạo đức của một con người chứ không phải loại nhồi sọ một chiều. Tôi sẽ hủy bỏ tất cả những bài toán tàn bạo như hôm nay em bắn chết một thằng Mỹ, ngày mai em bắn chết hai thằng Mỹ như vậy tổng cộng em bắn chết mấy thằng Mỹ trong hai ngày qua.

Chỉ có những chính quyền cai trị bằng những tên côn đồ thất học mới cho in những sách giáo khoa dậy học trò một cách ngu muội và đần độn như vậy. Tôi sẽ in lại tất cả những tác phẩm đã bị đốt bỏ trong chiến dịch bài trừ văn hóa tuyên truyền phản động. Năm xưa Tần Thủy Hoàng đã đốt sách giết học trò bị nguyền rủa muôn đời. Ngày nay, những tên vô lại ngu đần của nước tôi nắm chính quyền hủy văn hoá, giết người dân. Tôi sẽ đưa những bài văn, những vần thơ giá trị mà các văn nghệ sĩ đã tốn công viết thành vào học đường để thay thế cho những sáo ngữ nịnh bợ của những tên bồi bút như Tố Hữu khi viết về tên đồ tể khát máu nhất của dân tộc Nga sô: “Ông Xì-ta-lin ơi, ông Xì-ta-lin ơi, / nghe tin ông mất đất trời còn không. /Thương cha thương mẹ thương chồng/ thương mình thương một, thương ông thương mười”.

Ngày đó, tôi là kiến trúc sư tốt nghiệp từ Ý Đại Lợi, sẽ về vẽ lại cho đất nước tôi những đền đài, lăng tẩm đã bị tàn phá qua chiến tranh và qua những đập phá, trộm cắp, thờ ơ từ những kẻ vô thần. Tôi sẽ uốn nắn lại những con đường qúa cong queo vì những xây dựng vô tổ chức, sẽ trùng tu lại những công trình kiến trúc xưa đã bị tàn phá vì không được tu bổ, và sẽ sửa sang, hiện đại lại mọi góc cạnh của thành phố, lẫn thôn quê đã bao năm bị thua sút vì chính sách ngu dân, cô lập của những “đỉnh cao trí tuệ” trong đảng cộng sản Việt nam. Tôi sẽ vẽ lại cái thiên đường thật sự mà mọi người Việt mong muốn chứ không phải những ảo ảnh, những bánh vẽ do những kẻ bịp bợm bầy ra.

Những em bé của nước tôi sẽ có được những Disney Land, những SeaWorld, những Six Flags để thật sự vui chơi chứ không còn phải chờ đợi thêm vài ba kế hoạch 5 năm của nhà nước Việt cộng. Người tu hành nước tôi sẽ có được những ngôi chùa, những đền thờ yên bình để tu hành, không bị chính quyền cướp giựt quấy phá. Người dân có được những nhà cửa khang trang trú ngụ, những xa lộ rộng lớn di chuyển, những siêu thị thênh thang để mua bán.

“Con người sinh ra để sống chứ không phải để chuẩn bị sống”. Người dân nước tôi phải được thừa hưởng những tiện nghi, những tiến bộ của khoa học, của xã hội ngay lúc này chứ không thể ngồi mơ ước, chờ đợi ba bốn chục năm sau sẽ có.

Ngày đó, tôi là một thợ uốn tóc và làm móng tay từ Hạ Uy Di, sẽ về để tô điểm lại những gì mà người phụ nữ nước tôi đã không còn có qua bao tháng ngày lao động cưỡng bức, nghèo đói thiếu ăn. Hình dáng yêu kiều mềm mại của người phụ nữ Việt Nam nước tôi đã biến dạng sau bao năm sống trong thiên đường xã hội chủ nghĩa để thay thế cho những bàn tay chai cứng, những đôi môi thâm xám, những bàn chân nức nẻ đã được đảng bộ hình thành và chiêm ngưỡng.

Tôi sẽ xoá bỏ những nếp nhăn khổ đau trên mặt người em gái chưa qúa ba mươi để thành tươi vui, dịu dàng. Sẽ sửa đổi những bàn tay chai cứng đã “trưởng thành trong lao động” của người chị gái thành mềm mại, búp măng. Nét đẹp của người phụ nữ nước tôi phải được chăm sóc, tô điểm đầy đủ, phải cho cả thế giới chiêm ngưỡng qua những kỳ thi hoa hậu quốc tế chứ không thể được rao bán nhục mạ qua mạng lưới internet.

Ngày đó, ông già này đang đánh cờ trong hội già, cũng phải chống gậy về để xem cái đất nước tan hoang như thế nào sau những năm dài do những tên lường bịp ngu muội cai trị đất nước theo cái tên gọi quái ngỡ: định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông già này dù đi đứng khó khăn cũng nhất định phải lết tới tận Ba Đình để quất vào xác cái tên Hồ tặc hỗn láo dám xưng bác với mọi người. Phải lên tận Lào Cai, Yên Bái để xem chúng đã dâng bao nhiêu thước đất cho Tầu cộng" Phải qua Lào và Cam Bốt để coi xem chúng đã chiếm đất, cướp của, đồng hoá người ra sao" Phải xuống tận Tiền giang, Hậu giang để coi bọn Tầu cộng đã phá rối thượng nguồn sông Cửu long như thế nào" Phải lên vùng thượng du Tây nguyên coi chúng hành hạ ngược đãi dân tộc thiểu số ra sao"

Rồi những nghĩa trang, những đền thờ, những tháp chùa, mồ mã sẽ phải được nhắc nhở trùng tu lại. Những nghi thức tế lễ cổ truyền của dân tộc, những phong tục, tập quán, ông già này sẽ chỉ dạy lại con cháu hầu sau này biết để mà cúng bái, thờ phượng.

Ngày đó, bà già này đang rửa rau, trông nhà cho thằng con trai, cũng phải mang thân sắp tàn này về để dậy lại cho con cháu những món ăn mà đã biến mất trên quê hương vì nghèo đói.

Dân tộc ta không những phải được ăn đủ mà còn được ăn ngon. Những gạo Nàng hương, cốm Vòm, Tám thơm sẽ được gầy giống lại cho mọi người thưởng thức chứ không chỉ những tên trong ban chỉ đạo trung ương. Rồi cả những bánh trái bầy cúng trong những ngày lễ, ngày giỗ, những công dung ngôn hạnh của người phụ nữ Việt Nam, những tiết hạnh khả phong sẽ phải được ghi nhớ làm gương cho hậu thế mai sau. Những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện dân gian, câu vè, câu hò của các miền phải được ghi chép lại thay thế cho những chuyện láo lếu, rẻ tiền chuyên ca tụng lãnh tụ, hay chính lãnh tụ viết ca tụng lãnh tụ.

Ngày đó, tôi là bác sĩ tốt nghiệp từ Gia Nã Đại, sẽ về để chữa bệnh cho đồng bào tôi. Tôi sẽ đem theo những tiến bộ về y khoa của nhân loại làm bạn đồng hành đi đến những hang cùng ngõ hẹp trên quê hương đau khổ của tôi để cứu người.

Không có gì tủi nhục bằng khi tôi có bằng cấp y khoa treo đầy nhà mà người dân khốn khổ của nước tôi lại không có được một viên thuốc uống mỗi khi đau yếu. Không có gì đau buồn bằng khi nhìn thấy những người dân nước tôi hàng ngày chết chỉ vì không biết những vệ sinh căn bản. Không có gì nhục nhã bằng khi hằng ngày nghe người ngoại quốc phê phán về nền y tế chậm tiến của nước tôi cứ phải dùng bùa phép và cạo gió để chữa bệnh.

Tất cả bệnh nhân của nước tôi sẽ phải được chữa trị trong những nhà thương tối tân bằng những phương pháp hiện đại. Mọi người sẽ được bình đẳng chăm sóc như nhau, không phân biệt đảng viên cao cấp cỡ nào.

Ngày đó, tôi là một quân nhân gốc Việt trong quân đội của hoàng gia Anh đang đóng quân tại Iraq, sẽ xin giải ngũ non để về để bảo vệ đất nước của tôi. Bao năm nay chúng ta đã nhục nhã bị cộng nô dâng lần đất cho Tầu cộng. Hết hiến Trường sa, Hoàng sa lại bàn giao Ải Nam Quan, thác Bản Giốc.

Lịch sử hai ngàn năm giữ nước và dựng nước của chúng ta chưa hề khuất nhục ngoại bang, chưa hề chịu thua, dâng không đất đai cho bất cứ triều đại nào của Trung quốc. Với thánh tướng Trần Hưng Đạo đã khẳng khái trả lời vua Trần Nhân Tông:
“Nếu bệ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước”.

Nhìn lại những tên chóp bu trong đảng cộng sản ngày nay, ta thấy cả một sự hèn hạ mỉa mai. Trung cộng chưa ra quân, chúng đã vội gửi người qua tận Bắc Kinh dâng đất cho người anh em kết nghĩa, môi hở răng lạnh:
“Nếu đảng cộng sản Việt Nam muốn dâng không đất cho Trung quốc, xin hãy cử bác đi đầu”.
Việt cộng thích dùng từ “anh hùng”. Ai cũng là anh hùng. Anh hùng lao động, anh hùng đào mương, anh hùng hốt phân. Cả đảng, ai ai cũng đều là anh hùng bán nước.

Tôi trở về quê hương chỉ xin làm một người lính bình thường để đi đòi lại đất đai của tổ tiên tôi để lại. Xin không làm người anh hùng.

Ngày đó, tôi là một nữ giáo sư từ vương quốc Bỉ, sẽ về lại quê hương cùng với những đồng nghiệp Việt Nam trong trường để cùng nhau cải tổ lại chương trình giáo dục nhồi sọ một chiều do chế độ đã lập ra để đạo tạo những con người mù quáng chỉ ù lì phục vụ cho đảng cộng sản.
 
Tôi sẽ dậy cho các em nhỏ nước tôi không những kiến thức về văn hoá, khoa học mà cả kiến thức về xã hội, về dân chủ, về nhân quyền, về những quyền tự do của một con người trong một xã hội tiến bộ. Mọi người sẽ được tự do xử dụng internet, tự do đọc những tác phẩm trên thế giới và nhất là tự do phát biểu cảm tưởng của mình về mọi lãnh vực kể cả chính trị.

Tôi sẽ dậy cho thế hệ mai sau hiểu được trách nhiệm và bổn phận của người dân đối với đất nước. Thấy được những mưu đồ lừa đảo của những tên ác độc nắm chính quyền dùng một chủ nghĩa bịp bợm dựa trên sự bình đẳng về tài sản để xây dựng một thiên đường ảo. Sẽ tập cho các thế hệ đàn em có một phán xét độc lập, một tư tưởng cấp tiến để tham gia và xây dựng chính quyền.

Ngày đó, em dù là một tù nhân phạm tội dùng ma túy ở Mỹ, cũng sẽ hướng về quê hương với đầy lòng cảm xúc nhớ mong. Tuy đã làm lỗi lầm để giờ phải ngồi tù nhưng em cũng muốn có thể được về lại đất nước để cùng chung vui với tất cả mọi người.

Quê hương em đang cần tất cả mọi bàn tay trở về cùng đóng góp, cùng xây dựng. Em xin hứa cố gắng gìn giữ kỷ luật và hạnh kiểm để được chóng ra, về lại chốn xưa cùng góp sức giúp được ít nhiều với mọi người. Mọi tấm lòng nhiệt thành sẽ được tận dụng, mọi lỗi lầm sẽ được tha thứ. Em tin là như vậy.

Ai cũng có lúc phạm lầm lỗi. Tuy nhiên nếu mình nhận ra lỗi lầm của mình để mà thay đổi thì đáng được tha thứ. Em hy vọng rằng những kẻ đã và đang gây nên những khổ đau cho dân tộc mình hãy mau tỉnh ngộ, từ bỏ những dối trá mị dân để lừa dối, đưa cả một dân tộc đến chỗ nghèo đói cho riêng mình thụ hưởng.

Đất nước mình đâu thiếu gì tài nguyên, người dân mình đâu có ngu đần, lười biếng, vậy tại sao mình cứ mãi mãi xếp vào hạng nghèo, dốt nhất thết giới" Phải chăng chỉ tại chính quyền mình cai trị bởi những tên ngu ngốc, độc tài nên mới làm cả một dân tộc không ngóc đầu lên được, không dám ngửng mặt nhìn người ngoại quốc.

Suốt đời ngửa tay đi xin tiền viện trợ của tư bản rồi chửi tư bản. Đi xin ăn đã không biết nhục lại còn cứ vênh váo lên khoe khoang là anh hùng đánh thắng cả ba đế quốc Pháp, Nhật, Mỹ. Đánh thắng đế quốc để rồi dân cứ lần mòn kiệt quệ chết vì nghèo đói thì nên thua cho đân được nhờ.

Ngày đó, tôi là một kỹ sư tốt nghiệp từ Đức quốc, sẽ về để xây dựng cho nước tôi những nhà máy và công xưởng hiện đại có tầm vóc và tiếng tăm trên thế giới.

Thật là một nhục nhã khi biết bao người Việt hải ngoại tốt nghiệp đủ loại bằng cấp, làm đủ loại chức tước trong các nhà máy, đại công ty mà trong nước không chế nổi một cái máy cày. Thế kỷ này mà vẫn cứ hiện thực xã hội chủ nghĩa: con trâu đi trước cái cày theo sau. Sáng đào khoai mì, chiều thì khoai lang.

Người Việt vừa thông minh vừa cần cù. Ra quốc ngoại không lâu, nhà nào cũng có con cháu tốt nghiệp đại học đủ mọi ngành, giữ đủ mọi chức. Đi làm thì siêng năng, chăm chỉ lại khiêm tốn nên ai cũng thương mến. Vậy mà nhìn về quốc nội, sau bao năm xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa, người dân không tìm được một việc làm để khả dĩ kiếm cơm ngày hai bữa. Đến kỷ nguyên này rồi mà cả nước không chế nổi một cái xe gắn máy nói chi đến xây nổi một cây cầu hay một cái đập thủy điện. Thật không biết mắc cở lại cứ bô bô bám lấy cái chủ nghĩa lỗi thời, rồi bắt người dân học tập chê bai chủ nghĩa khác chậm tiến.

Ngày đó, tôi là một nghệ sĩ từ Pháp, sẽ trở về để hát cho dân tôi nghe những điệu hò dân tộc, những bài ca mặn nồng, yêu thương đầy tình người và tình dân tộc. Nghệ sĩ nước tôi không thể “quốc doanh” được. Họ phải được tự do sáng tác ra những tác phẩm theo cảm xúc của mình, tự do viết nên những vần thơ theo sự rung động của con tim. Nhà thơ không thể hùng hục, thô lỗ như Hồ chí Minh muốn: “Nay ở trong thơ nên có thép / nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Nghệ sĩ phục vụ nghệ thuật, không phục vụ cho một đảng phái hay chính trị nào cả. Tuy nhiên, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Tôi là một nghệ sĩ nhưng cũng là một người dân trong một nước. Dân tộc tôi nghèo đói, đất nước tôi bị chiếm dần, chính quyền nước tôi đàn áp, tù đầy người dân vô tội, tôi không thể không làm ngơ được. Tôi phải dùng ảnh hưởng của nghệ thuật ít nhiều để cứu dân tôi.

Ngày đó, tôi là một thợ đương làm trong nhà máy chế xe hơi ở Nhật, sẽ trở về để làm việc ngay trên quê hương của tôi. Tôi sẽ chỉ cho dân tôi cung cách làm việc của người thợ trong một nhà máy lớn. Người thợ sẽ phải được hưởng mọi quyền lợi do chủ nhân nhà máy cung cấp như lương hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ. Mọi người sẽ được hưởng như nhau chứ không phải chỉ riêng những đảng ủy cao cấp của nhà máy.

Người thợ bình thường như tôi cũng có thể vào bất cứ cửa tiệm hay gian hàng nào mua sắm nếu có tiền. Không thể phân chia tiêu chuẩn cán bộ cấp nào mới được vào cửa hàng nào. Thật là một sự phân chia giai cấp trắng trợn mà cứ đi chê xã hội tư bản nhiều giai cấp.

Ngày đó, tôi là một phóng viên nhà báo từ Little Saigon, sẽ về lại quê tôi để gặp lại những đồng nghiệp cũ. Tôi sẽ cùng với họ dựng lại những tòa báo có tiếng nói độc lập và trung thực để tự do in mọi chính kiến của toàn dân, toàn đảng phái, toàn tôn giáo, toàn chủng tộc kinh thượng.

Tôi sẽ khuyến khích dân tôi đóng góp ý kiến để xây dựng chính quyền “do dân và vì dân”. Tôi sẽ cho in lại những sự thật về những thiên đường bánh vẽ do những tên độc tài ngu dốt bầy ra để mị dân kiếm bổng lộc cho chính mình. Tôi sẽ kê khai lại những tài sản thật mà những tên chóp bu trong đảng cộng sản đã tiêm hút từ nhân nhân, những thủ đoạn dã man thủ tiêu người của chúng, những văn thư, khế ước chứng minh chúng hèn hạ bán nước ra sao. Tôi sẽ phơi bầy ra ánh sáng tất cả những bí ẩn hậu trường để người dân tôi sáng suốt chọn lựa đại biểu cho đất nước.

Quyền tự do báo chí của nước tôi phải được chính quyền tôn trọng như mọi quyền tự do khác của người dân. Không có tự do báo chí sẽ không có tư do ngôn luận. Không có tư do ngôn luận người dân sẽ bị những người trong chính quyền tha hồ đàn áp không nương tay.

Ngày đó, tôi là một thương gia từ Thụy Sĩ, sẽ về lại thăm quê cha đất tổ và cũng đồng thời chỉ dậy lại cho người dân tôi những luật lệ buôn bán trong và ngoài nước, xây dựng hệ thống ngân hàng và trao đổi tiền tệ trên thế giới.

Đất nước tôi mới chỉ có tiểu thương gia chứ chưa có được đại tư bản để xây dựng cho quốc gia những kỹ nghệ nặng và phát họa cho đất nước những chương trình phát triển kinh tế cho tương lai. Dân tôi chỉ biết có thủ công nghệ chứ chưa hề được vào làm trong đại công ty, chỉ biết bỏ tiền vào trường mục tiết kiệm lấy lời chứ chưa từng biết đầu tư thị trường, chưa hề biết mua bán chứng khoán. Tôi sẽ chỉ dân tôi cách chi tiêu, dành dụm cho những đầu tư cho tương lai con cháu mai sau.

Người Tầu có câu: Phi thương bất phú. Đất nước tôi muốn giầu mạnh thì phải mở rộng cửa buôn bán, trao đổi với mọi nước trên thế giới. Không thể cứ vòng vòng chơi với vài ba nước lỗi thời xã hội chủ nghĩa anh em để xa lánh thế giới rồi mị dân khoe khoan là sẽ giầu to ba bốn chục năm sau.
Có lẽ không gì đau khổ bằng trong khi tôi sống sung túc, nhà cao cửa rộng, đồ ăn thức uống thừa mứa mà cả chục triệu người dân tôi không có đến một chén cơm lót lòng mỗi ngày, cả trăm ngàn em bé suy dinh dưỡng vì thiếu ăn từ lúc chào đời.

Ngày đó, tôi là một nữ sinh viên năm thứ ba ngành điện toán từ Đan Mạch, sẽ ngưng học, trở về quê hương với những bạn bè trong trường để cùng với dân tôi xây dựng lại đất nước.

Tôi sẽ chỉ cho các sinh viên trong nước sự quan trọng của tầng lớp trí thức đối với sự phát triển của đất nước. Chỉ có những tên đồ tể, vô lại mới so sánh “trí thức thua cả cục phân” như lời Mao chủ tịch từng dậy dân tộc Trung Hoa và được Hồ chí Minh cùng đảng cộng sản Việt nam coi là kim chỉ nam cho luân lý xã hội chủ nghĩa. Tất cả mọi thành phần, mọi nghành nghề: “sĩ, nông, công, thương” đều có ích cho quốc gia cả. Chỉ có những lãnh tụ độc tài, những đảng viên bán nước, những công an hại dân mới xứng đáng so sánh như lời Mao “chủ tịt”.

Đất nước tôi phải được lãnh đạo bởi những người có kiến thức, có văn hoá, có trình độ chứ không thể là những tên lưu manh, vô học, hết đường binh nhẩy vào kháng chiến rồi trở thành lãnh tụ, kiêm thần tượng, kiêm anh hùng, kiêm nhà văn, và kiêm luôn nhà tư tưởng học lẫn ngôn ngữ học.

Ngày đó, tôi là luật sư đang hành nghề tại Úc, sẽ về để giúp dân tôi viết lại chương hiến pháp với công lý minh bạch để bảo đảm cho người dân nước tôi được sống với đầy đủ quyền tự do thiêng liêng của con người.

Đất nước tôi không những phải có luật lệ rõ ràng mà ý kiến và nguyện vọng của người dân sẽ phải được chính quyền tôn trọng. Tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thương mại và quyền tư hữu của người dân không được giới hạn dưới bất cứ lý do hay trường hợp nào.

Cuộc sống của người dân tôi sẽ được chính quyền bảo đảm về an ninh tuyệt đối. Không một cá nhân hay đoàn thể nào có quyền bắt bớ hay xử tội một ai mà không thông qua hệ thống tư pháp. Tôi sẽ đi khắp hang cùng ngõ hẻm giảng dậy cho người dân tôi hiểu được những quyền hạn của một công dân trong một đất nước dân chủ. Một chính quyền do người dân chọn lựa để phục vụ cho chính họ chứ không phải cho một cá nhân hay đảng phái nào. Mọi độc tài, độc đảng sẽ bị ngăn cấm. Mọi bắt bớ thủ tiêu, xử kín vì bất đồng chính kiến sẽ không còn.

Ngày đó chính là ngày của chúng tôi trở về xây dựng lại đất nước nghèo đói của chúng tôi từ đầu.

Ngày đó phải là ngày mùng một sáng sủa của hội ngộ đầu tháng. Ngày đó không thể là ngày ba mươi tăm tối của cuối tháng chia tay. Ngày của mọi trái tim tại hải ngoại đều hướng về, của mọi suy tư đều nghĩ đến, của những xúc động thổn thức đều không ngưng. Ngày của những lời thành thực vang gọi nhau đoàn kết, động viên nhau lên đường, nhắc nhở nhau quên bỏ hận thù. Ngày của mọi người trong nước chờ đón người từ nước ngoài trở về để cùng nhau xây dựng.

Ngày của mọi người từ hải ngoại hân hoan trở về họp mặt người trong nước.
Ngày của hợp nhất, của một lòng.

 Vùng lên hỡi những người Việt đau thương trong nước, những ngày nghèo đói, tù đầy của dân tộc ta chắc chắc sẽ qua. Những ngày khủng bố, đàn áp, thủ tiêu, học tập sẽ không còn. Tự do thật sự sẽ trở về lại trên quê hương.

Ngẩng mặt lên hỡi những người Việt yêu thương tại hải ngoại, những ngày tủi nhục, lưu vong của chúng ta chắc chắn sẽ qua. Chúng ta sẽ xiết chặt tay nhau trở về xây dựng lại quê hương khi kẻ thù bị đánh đổ, khi giặc cộng không còn.

Ngày đó phải tới.
Chúng ta phải gặp lại nhau.

Houston, một ngày tháng tư, năm 2004
Lê Như Đức
@vietbao