Wednesday, November 30, 2011

Lifestyle


Câu Chuyện Đời
 
Đời sống Hoa Kỳ

Sau khi trải qua 5 năm trong trại cải tạo học tập của Cộng Sản, vị sĩ quan nọ nạp đơn để xin đi Hoa Kỳ. ông nghe người ta nói nhiều về đời sống dễ dàng ở Hoa Kỳ, trong lòng có rất nhiều kỳ vọng. Thế rồi, ông và gia đình được di dân sang Hoa Kỳ. Ngày đầu tiên đặt chân tới đất Mỹ, tại phi trường ông vào một quán cafeteria chọn một cái bàn trống rồi chờ người hầu bàn tới đưa thực đơn. Chờ mãi không thấy ai tới, rồi ông thấy một bà Mỹ bưng khay đầy đồ ăn ngồi xuống bàn trước mặt và giảng cho ông là ở đây ông phải xếp hàng, tự lấy đồ ăn rồi trả tiền.

Vài năm sau, sau khi gia đình và con cái đã ổn định và thành đạt. Trong một bữa ăn thân mật gia đình và bạn bè, ông nhắc nhở tới kinh nghiệm ngày đầu tiên tới đất Mỹ, ông nói: “Bây giờ tôi mới biết đời sống ở Hoa kỳ ra làm sao! Cuộc đời cũng giống như một quán cafeteria! Chúng ta có thể có đủ mọi thứ với điều kiện chúng ta phải trả một giá. Chúng ta có nhiều cơ hội đưa tới thành công, nhưng thành công đó không phải do ai mang sẵn tới cho chúng ta cả! Chúng ta phải đứng dậy tự lo liệu, tự tạo lấy và gặt hái lấy.”

Người thợ xây cất

Người thợ mộc già nọ làm việc rất chuyên cần và hữu hiệu lâu năm cho hãng thầu xây cất nọ. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia đình. Tuy không còn có đồng lương nhưng ông ta muốn nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già.

Hãng xây cất cũng vô cùng luyến tiếc là sẽ thiếu đi một người thợ giỏi đã tận tụy nhiều năm. Hãng đề nghị với ông cố gắng ở lại giúp hãng xây cất một căn nhà chót truớc khi thôi việc. ông ta nhận lời. Vì biết mình sẽ giải nghệ, cùng với sự miễn cưỡng, ông ta làm việc một cách tắc trách qua quít, xây cất căn nhà với những vật liệu tầm thường kém chọn lọc miễn có một bề ngoài đẹp đẽ mà thôi.

Mấy tháng sau, khi căn nhà làm xong, ông đuợc ông chủ hãng mời tới, đưa cho ông chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: "Ông đã phục vụ rất tận tụy với hãng nhiều năm, để tưởng thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, hãng xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!"

Thật là bàng hoàng. Nếu người thợ mộc biết là xây cất căn nhà cho chính mình thì ông ta đã làm việc cẩn thận và chọn lựa những vật liệu có phẩm chất hơn. Sự làm việc tắc trách chỉ có mình ông tự biết và nay thì ông phải sống với căn nhà mà chỉ có riêng ông biết là kém phẩm chất.

Đàn vịt Trời

Vào những mùa đông, chúng ta thường thấy hàng đàn vịt trời bay thành hình chữ V, bay hàng trăm dặm từ Bắc xuống Nam để tìm nơi ấm cúng. Các nhà khoa học đã khám phá rằng những đàn vịt trời đó có những quy luật di chuyển rất đáng cho chúng ta suy gẫm về tinh thần đoàn thể.

1. Mỗi khi con vịt vẫy cánh bay, chúng sẽ tạo ra một luồng gió quyện và tạo ra một hấp lực nâng con vịt bay bên cạnh. Như vậy khi chúng bay theo đội hình chữ V, thì con nọ nương vào hấp lực của con kia, chúng có thể bay nhẹ nhàng hơn và tăng khả năng bay xa hơn gần gấp đôi.

Con người ta cũng vậy, nếu những người có cùng một chí hướng mà biết cách hợp quần thành những đoàn thể hay cộng đồng để nương tựa nhau thì dễ đạt được những mục đích cao cả hơn.

2. Khi một con vịt bị xa rời khỏi đội hình, thì nó sẽ cảm thấy bị đuối sức vì phải tự lực, nên nó lại phải cố gắng bay vào trong đội hình để nương tựa vào hấp lực của những con vịt bay trước.

Nếu chúng ta biết xếp chặt hàng ngũ, không xa rời đoàn thể hay cộng đồng thì sẽ có lợi lớn.

3. Riêng con vịt bay đầu đàn là không được hưởng hấp lực của bạn đồng hành, nên nó rất chóng mỏi mệt. Khi nó mệt thì nó sẽ bay xuống nương vào đội hình và sẽ có con vịt khoẻ mạnh khác bay vào vị trí dẫn đầu, cứ như vậy thay đổi trong suốt ngày baỵ

Trong cộng đồng con người cũng vậy, vai trò lãnh đạo luôn luôn đuợc thay đổi tùy theo tình thế, theo tinh thần dân chủ.

4. Trong khi bay, chúng thường lên tiếng kêu quác quác để thúc dục nhau bay theo kịp một tốc độ.

Trong các đoàn thể, người ta phải biết nhắc nhở nhau để giữ vững tinh thần hay thắt chặt tình đồng đội, Trong quân ngũ, các quân nhân thường lên tiếng đếm hoặc hát để tất cả đoàn đi theo nhịp quân hành.

5. Khi một con vịt bị đau hay bị bắn trọng thương phải rời khỏi đội hình, thì sẽ có hai con vịt đồng hành rời theo để nâng đỡ và bảo vệ. Hai con đó ở bên cạnh con vịt yếu kém cho đến khi tự bay đuợc, hoăc bị rớt chết, thì chúng mới bỏ bay theo đoàn vịt khác.

Chúng ta hãy suy gẫm tới tình đồng loại và những quy luật của đàn vịt trời mà đối xử với nhau trong cùng một cộng đồng hay đoàn thể.

Source internet

Tuesday, November 29, 2011

Communism


Đến Bá Linh mùa tưởng niệm


Hôm nay ngày mùng 9 tháng Mười Một, kỷ niệm đúng 22 năm ngày bức tường ô nhục Bá Linh sụp đổ. Tìm lại bài viết từ Berlin, cách đây đúng 2 năm.(Phần còn lại của bức tường Bá Linh, được rào kỹ để tránh bị du khách “đục” mang về làm kỷ niệm. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

LTS: Những dòng chữ độc giả đang đọc mở đầu cho bài đầu tiên của loạt bài kỷ niệm biến cố Bức Tường Berlin cách đây 20 năm. Bài viết này do phóng viên Hà Giang của nhật báo Người Việt thực hiện ngay tại Berlin trong chuyến đi kéo dài hơn 10 ngày, được bảo trợ bởi công ty địa ốc Stonegate và ATNT Travel & Tour, INC. Ngày mai, 7 Tháng Mười Một, 2009 chúng tôi sẽ gởi đến độc giả ấn bản đặc biệt, được thực hiện từ hơn một tháng nay, về biến cố được xem là quan trọng nhất của thế kỷ 20.

BERLIN – Chuyến bay đưa tôi đến Bá Linh đáp xuống phi trường Tegel lúc trời đang mưa lướt thướt, và khi được một thân hữu đón ra khỏi phi trường đưa về đến nhà, tuyết bắt đầu rơi. Xếp hành lý xong, chưa kịp nghỉ ngơi, một thân hữu đưa tôi đến ngay cổng “Brandenburg Gate.”

Vài ngày nữa thôi, sẽ là ngày 9 Tháng Mười Một. Ngày này, 20 năm trước, ngay tại đây, bức tường Bá Linh sụp đổ, tạo nên một chuỗi ảnh hưởng dây chuyền khiến Cộng Sản Ðông Âu sụp đổ theo.

Trời mưa nhẹ, thỉnh thoảng có một vài sợi tuyết lất phất bay. Bá Linh lạnh đến 6 độ C. Nhưng thành phố dường như đang rất ấm áp: mọi người nô nức chuẩn bị kỷ niệm 20 năm sự kiện Berlin, cũng là 20 năm cuộc “Cách Mạng Hòa Bình.”

Tôi đang đứng trước Brandenburg Gate, chiếc cổng làm nhân chứng thăng trầm của nước Ðức. Lịch sử nào đây? Ðâu là hiện tại, đâu là quá khứ?

Chính tại đây, hơn hai thập niên trước, Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, đã lên tiếng, thách thức và nêu đích danh một nhân vật: Gorbachev, nếu “muốn mưu cầu hòa bình và thịnh vượng cho dân Nga hay cho cả Ðông Âu,” “hãy mở cánh cửa này (open this gate), và hãy giật sập bức tường này (tear down this wall).”
Và, bức tường Berlin đã sập, vào những giờ khắc này, 20 năm trước.

Bức tường Berlin không chỉ phân cách người dân Tây Ðức với đồng bào phía Ðông của họ, bức tường phân chia cả Châu Âu. Và thế giới cũng thế, được phân thành hai phía, Tự Do và Cộng Sản.

Từ phía Ðông, tôi đưa chân bước qua hai hàng gạch, bước vào phía Tây. Nơi đây, những ai đã bỏ mình để đi tìm tự do? Tự do, chỉ cách đúng một bức tường.

Những người ngày xưa đã chết trên đường đi tìm tự do, sẽ được, thân nhân họ, và thế giới này, tưởng niệm. Hôm nay là lần thứ 20!

Trước mắt tôi: một Thánh Giá thật lớn, và một rừng Thánh Giá nhỏ khác. Người ta vẫn giữ sáng ngọn đèn dầu lung linh tưởng niệm.

Chợt nhớ đến đồng bào tôi. Hàng trăm ngàn, nếu không phải hàng triệu, người Việt Nam, cũng đã chết, trên đường đi tìm tự do.

Rời Brandenburg Gate, tôi đến Check Point Charlie. Nơi này trước đây là một trạm gác của quân đội đồng minh, và trong thời gian căng thẳng nhất, hai bên đã dàn ra hai hàng xe tăng đối mặt nhau, sẵn sàng nã súng.

Giờ thì không còn chuyện xe tăng hay nã súng. Nơi đây, bây giờ, là di tích lịch sử.

Khu vực gần Check Point Charlie vui nhộn hơn. Quanh những con đường dẫn đến đây là các kios nhỏ bán quà kỷ niệm. Từng nhóm du khách đi theo các hướng dẫn viên chăm chú nghe câu chuyện lịch sử hay xem những tranh lớn bằng bức tường tả lại khung cảnh Bá Linh ngày xưa.

Các tiệm bán sách, tranh ảnh, quà kỷ niệm ken kín một bên đường, và dọc theo bên đường phía đối diện là Check Point Museum, cả một kho tàng lịch sử nói về niềm khao khát tự do. Tự do, cái giá phải trả cao nhất, chính là mạng sống.

Tại một tiệm bán quà kỷ niệm và tranh ảnh, tôi có dịp chuyện trò với cô bán hàng trẻ tuổi. Cô tên là Katriaja, ở Ðông Ðức, năm nay 27 tuổi, cho biết lúc bức tường Bá Linh bị đổ thì gia đình cô đang ăn cơm. Cha mẹ cô “buông muỗng nĩa nhảy lên,” vì cả hai cùng có người thân ở Tây Ðức. Ngày hôm sau “học sinh cả trường được cho nghỉ học,” và bố mẹ cô lập tức “bàn việc đi thăm người thân.”

Họ xa nhau hơn 20 năm, và lúc ấy, “không biết còn sống hay đã chết!”

Bá Linh sẽ có hàng ngàn những mẩu chuyện như vậy.

Ngày mai, mong cho trời tạnh mưa. Ngày mai sẽ có triển lãm. Người ta gọi cuộc triển lãm là “Cách Mạng Hòa Bình.”

Hà Giang

Monday, November 28, 2011

VIET NAM


Hà Cớ Gì Mình Phải Sợ

Tôi nhìn tấm hình, và thấy nó (hơi) kỳ! Coi: đón khách mà trang trọng quá cỡ như vậy thấy đã ... khó coi rồi. Tiễn khách thì mắc (mẹ) gì mà phải ân cần quá xá vậy chớ? Lẽ ra, chỉ cần phất tay (nói “bye bye”) là kể như xong. Khỏi nói gì luôn, cho nó khoẻ, cũng đâu có sao – tiền đã thu rồi – đúng không?
Mà Nhật Bản không phải là dân tộc duy nhất hay chào kính theo kiểu đó. Tụi Đại Hàn cũng có cái tật (lôi thôi) y chang như vậy.

Bữa rồi, tôi đi lạc vô một cái Koreatown ở California. Thấy có tiệm ăn lạ, quảng cáo mấy loại bia mình chưa biết bao giờ nên bèn ghé lai rai uống (thử) vài chai. Trên đường về, tôi tự hứa là sẽ không bao giờ bước chân trở lại nơi này thêm lần nào nữa.

Thiệt là phiền hết sức. Đi nhậu kiểu này, ngó bộ, không vui!
Họ niềm nở chào đón khi thực khách bước vào nhà hàng, tươi tỉnh vui vẻ chăm sóc suốt bữa ăn, và cúi đầu trang trọng tiễn khách khi ra đến cửa. Cách tiếp đãi lễ phép và lịch sự hơn mức cần thiết này khiến một thằng Việt Nam (tha phương cầu thực, khố rách áo ôm) như tôi vô cùng bối rối, và không khỏi trạnh lòng chợt nhớ đến những cửa hàng quốc doanh ở đất nước mình – vào những ngày tháng cũ:

Những ngày ấy, hắn dậy từ lúc còn tối đất..... Cửa hàng mậu dịch lúc hắn đến còn vắng tanh. Nhưng ngoài khung cửa đóng im ỉm, những khuôn cửa bảo vệ kho tàng của cải, niềm vui hạnh phúc mà mỗi người sẽ được chia theo khẩu phần và thang bậc xã hội đã được tiêu chuẩn hoá bằng các loại phiếu bao giờ cũng có sẵn những cái lốt: Gạch vỡ, mũ nón rách, bát mẻ, ống bơ gỉ, mảnh cạp rá gẫy, niêu đất thủng, mảnh giấy xi-măng, đá củ đậu, cán ô gẫy… Mỗi thứ ấy là một sổ, một hộ, một người. Có khi là hai ba sổ, hai ba người. Nhấc cái nón mê. bên trong bốn hòn gạch vỡ. Vậy là năm người tất cả.

Đấy là những lốt người ta xếp từ tối hôm trước. Hắn tìm nhặt một hòn gạch để vào cuối hàng rồi đứng sát cục gạch đó. ... Chờ. Lâu. Lâu lắm. Trời rạng dần. Rồi sáng bạch. Rồi mặt trời lên. Rồi người đi làm. Đường đông. Rồi vắng. Mới thấy những người mình mong đợi đến. Ôi! Những thiên thần. Những cô gái, có cả những bà đã đứng tuổi, ý thức được tầm quan trọng của mình, phẩm giá đức hạnh cao quí của mình, vị trí chót vót trong xã hội của mình, nghiêm nghị dắt xe lên hè, mở khoá. Không thèm nhìn ai, họ gọi nhau, họ dựng xe, họ đi mua nước uống, họ bật quạt, họ cười nói oang oang.

Thấy họ đến đám đông đang bồn chồn nôn nóng, sốt ruột, cau có, làu bàu trong miệng tự nhiên thay đổi hẳn. Họ chỉnh đốn lại hàng ngũ. Họ giấu biệt vẻ mặt lúc nãy, làm ra vui vẻ tươi tắn, thú vị vì được xếp hàng để các cô mậukhỏi phật ý. Dừng để các cô ấy mếch lòng. Đừng để các cô ấy thấy mình sốt ruột. Cũng có người không kìm được, ngọt ngào:
- Tới giờ rồi, bán thôi chị ơi…
Thật là một sai lầm tai hại. Không ai thèm trả lời kẻ hỗn xược ấy. Người ta lại giờ sổ ra,cộng trừ. Người ta lại ra uống nước và cười nói to hơn. Cứ phải nén cái gì từ cổ xuống. Cứ chờ. Mãi cũng phải được chứ.
Thế rồi tất cả mở cờ trong bụng, reo lên từ đáy lòng khi thiên thần bước ra ghế ngồi trước bàn ngay chỗ cửa ghi-sê. Tiếng reo ấy làm thiên thần khó chịu. Bằng chứng là thiên thần lại quay vào phía trong một lúc rồi mới ra, lật sổ xem xét, im lặng, chăm chú hệ trọng, trang nghiêm. Thiên thần ngẩng lên nhìn vào đám đông vô liêm sỉ, hay quấy rầy, không để ai yên nhưng đã biết lỗi và đứng im phăng phắc:

- Lào! Đưa sổ đây! Lăm người một. Từ từ chứ lào. Đã bảo lăm sổ một. Ai là Tẩm!
Một ông già móm mém bật trả lời không chậm một giây:
- Em đây! Dạ! Em là Tẩm đây.
Tất cả nhìn cô mậu dịch viên. Cô lật sổ gốc. Cô ghi định lượng. Cô ký vào sổ gạo của ông già. Cô không nói một câu. Ông già khe khẽ:
- Cô cho em đong 6 ký được không? Em vay nhiều quá rồi. Tháng vừa rồi 1ắm khách quá. Có chú em ở Hà Nội về chơi, lại có mấy đứa cháu từ quê ra.
- Sang kỳ chỉ bán mỗi sổ một phần ba định lượng.
Ông im lặng. Sổ của ông, hộ độc thân có 13 ký rưỡi (các con ông đã đi chiến trường cả). Được đong bốn ký rưỡi. Một phần ba ngô là ký rưỡi. Ba ký gạo. Cô mậu nhìn vào ba rem tính tiền và nói: l đồng 47. Ông già đưa ra hai tờ giấy một đồng.
- Có tiền nẻ không?
- Dạ. Em không ạ. – Ông già nói như người có lỗi.
Ba bốn người chạy từ dưới lên:
- Tiền lẻ đây ạ.
Một em bé trạc tuổi con Thương nhanh chân đến trước tiên. Nó đưa cho cô mậu dịch viên những đồng một xu hai xu năm xu bằng nhôm và những đồng tiền giấy một hào. Tiền lẻ hơn thẻ thương binh. Nó sẽ được đong trước. Chẳng ai dám ghen tỵ với nó. Hắn sợ nhất những sổ ưu tiên, những bao tải có buộc túi ni-lông đựng sổ gạo kèm theo tiền. Hắn sợ nhất những cái túi vải có đựng phiếu thịt và tờ giấy xin mua bao nhiêu thịt. Những suất ấy được cắt trước. Lại toàn chỗ ngon. Có khi đến lượt mình chỉ còn ít bạc nhạc.” ( Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập II. CLB Tuổi Xanh, Hoa Kỳ: 2000, 62-64).

Đó là chuyện của thời bao cấp. Thời đó đã qua nhưng “di sản và di tích” của nó vẫn còn nổi bật trong nếp sống hàng ngày. Thái độ, và ngôn ngữ, của một số chủ hàng ăn hay công nhân viên nhà nước bây giờ (e) còn quá quắt hơn “những cô mậu dịch viên” ngày trước nữa:
 
Người ta mách nhau, chớ có vào hàng quán hay chợ (nhất là ở Hà Nội) nếu không biết tự bưng bê, lấy ghế, tự trông giữ xe, tự đi tính tiền. Ai ngây thơ đòi được phục vụ tận răng, rất có thể bị chủ quán tương cả bát nước dùng vào mặt.
Nếu không có bản lĩnh, càng không nên vào chợ buổi sáng bởi rất có thể bị người bán cằn nhằn, đốt vía, quát tháo, thậm chí sỉ nhục, thượng cẳng chân hạ cẳng tay.’ Chẳng riêng ở chợ búa bình dân, mua hàng hiệu ở những nơi sang trọng như các trung tâm thương mại, cũng đừng dại nghĩ mình là thượng đế. Hỏi han nhiều, thử hàng lắm, lại trót mở miệng kì kèo giá cả, chê bai chất lượng, rất dễ bị nhân viên bán hàng liếc xéo khinh khi và chỉ tay ra cửa.”

Những cô bán hàng làm nhiệm vụ đuổi khách và những cửa hàng chẳng cần khách quay lại không chỉ nhiều ở Hà Nội, mà nhan nhản khắp nơi trên đất nước ta. Người ta còn mách nhau: Phải cẩn thận khi đến bưu điện, ngân hàng, uỷ ban. Ở những chốn công quyền này, để giao dịch suôn sẻ, phải biết xin xỏ. Nếu không, tông giọng của các nhân viên sẽ cao dần, ánh mắt sắc lạnh dần; hoặc ngược lại, bạn có thể lãnh một trận mắng như trút lửa vì tội không biết gì cả!?; và kết cục, bạn phải đi lại một số lần may ra mới xong việc...”
Nạn bán hàng chửi, đuổi, doạ khách tồn tại được chính bởi thói quen chấp nhận và tâm lý nhẫn nhục của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam, rơi rớt lại từ thời bao cấp, khi mà quan hệ cung - cầu buộc phải dựa trên cơ chế xin - cho.”

Hơn nửa thế kỷ qua, người Việt không chỉ “nhẫn nhục” ở nơi cửa hàng buôn bán, chốn công quyền. Họ phải cúi mặt ở tất cả mọi nơi và mọi lúc khác nữa, kể cả lúc đã ngồi vào ghế Đại Biểu Quốc Hội, hay đứng trước diễn đàn quốc tế – với tư cách là phát ngôn viên của Bộ Ngọai Giao.

Di sản “nhẫn nhục” này, may thay, đã bị khước từ bởi nhiều người dân Việt đang ở lớp tuổi ba mươi: Phạm Thị Thanh Nghiên, Lê Trí Tuệ, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tấn Hoành, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Tiến Trung, Ngô Quỳnh, Bùi Chát ... Họ đều đang bị tù tội hay hay không chế.

Tuy thế, những bản án khắc nghiệt hay những phương thức sách nhiễu đê tiện mà nhà đương cuộc Hà Nội dành cho những nhân vật kể trên – xem ra – không ảnh hưởng gì (nhiều) với lớp người thuộc lứa tuổi đôi mươi, kế tiếp:

- Huỳnh Thục Vy: Im lặng trước nghịch lý là thiếu trách nhiệm với bản thân mình, chủ động hay bị động hợp tác với cái cơ chế phản tiến bộ là một gánh nặng tội lỗi.
- Huỳnh Trọng Hiếu: Đứng trước hành động tội ác, sự im lặng được hiểu là đồng thuận, và sự thỏa hiệp với tội ác là một hành động tội ác.
- Nguyễn Anh Tuấn: Cũng bởi chúng ta tham lam quá: vừa muốn những điều tốt đẹp – tự do hơn, dân chủ hơn – lại vừa muốn yên lành, an toàn để hưởng những điều tốt đẹp ấy. Nhưng, không có hạnh phúc nào giá rẻ cả. Tôi vẫn hằng tin thế.
- Nông Hùng Anh: Gặp phải điều gì không đúng thì phải lên tiếng, sống đúng lương tâm con người, thấy điều phải thì bênh vực, thấy điều trái cần lên án và đấu tranh xóa bỏ nó, mọi người đều như vậy thì xã hội mới tốt lên được.
- Nguyễn Thanh Linh: Thế thì hà cớ gì mình phải sợ?

Tưởng Năng Tiến

Sunday, November 27, 2011

CHINA

Bắc Kinh:
Chó Đái Quanh, Bò Cạp Cắn Bừa, Hay Ếch Phình Bụng?
Vào ngày 16 tháng 11 năm 2011, nhân dịp công du Canberra, thủ đô nước Úc, Tổng Thống Barack Obama đã trịnh trọng tuyên bố rằng: “Điều quan trọng là họ [Trung Quốc] phải chơi đúng theo luật đi đường.” Đây chỉ là lời đúc kết cảm nhận của nhiều quốc gia trên thế giới về hành vi phi pháp và trái với chuẩn mực hành xử của cộng đồng quốc tế mà Bắc Kinh đã triển hiện một cách trắng trợn trong thời gian qua. Tuy nội dung không có gì mới lạ nhưng lời tuyên bố này mang ý nghĩa lớn lao vì không những đây là lần đầu tiên vị lãnh đạo số một của thế giới trực tiếp chỉ trích thái độ sai trái của Bắc Kinh, Tổng Thống Hoa Kỳ còn củng cố lời nói của mình bằng hành động cứng rắn cụ thể nhằm kiềm chế ý đồ bá quyền của Trung Quốc: ký kết hiệp ước thành lập liên minh quân sự với Úc.

Mười một năm trước, bộ trưởng quốc phòng đương thời của Phi Luật Tân nhận định rằng: “Trung Quốc giống hệt một con chó chạy quanh và vén cẳng đái khắp mọi nơi để vạch ranh lãnh thổ cho mình” (South China Morning Post, October 10, 2010). Tuy hình tượng so sánh có vẻ hơi bất nhã nhưng tỉ dụ này không xa sự thực bao nhiêu. Dĩ nhiên đây không phải là lần đầu tiên (hay cuối cùng) mà các nhân vật có tầm cỡ trong giới quân sự và quan hệ quốc tế dùng hành vi của động vật để miêu tả thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông.

Gần đây, giáo sư James Jones của Học Viện Chiến Tranh Hải Quân Hoa Kỳ lại ví von Trung Quốc với loài bò cạp (The Diplomat, , October 19, 2011). James Jones mượn câu chuyện ngụ ngôn “Ễnh Ương Và Bò Cạp” của Aesop để nhắc nhở giới ngoại giao và tướng lãnh Hoa Kỳ giữ nhiệm vụ quản lý mối quan hệ Trung – Mỹ rằng phân tích được và mất theo chiều hướng của mô thức mà ông ta gọi là “lý thuyết quyết định dựa trên tính toán chi phí và lợi ích” (“determinism of cost-benefit calculations”) nhiều lúc không thể tiên đoán chính xác hành vi của Bắc Kinh. Nguyên do là vì, cũng như loài bò cạp, Bắc Kinh lắm khi chỉ hành động theo “tập quán thâm căn cố đế bắt nguồn từ văn hóa” — một mô thức mà ông ta gọi là “lý thuyết văn hóa quyết định” (“cultural determinism”): Dẫu đã ra sức thuyết phục ễnh ương cõng mình qua khe nhưng khi thú tính trỗi dậy bò cạp vẫn cắn chết ễnh ương ngay giữa dòng để cả hai cùng vùi thây đáy nước, bất chấp mọi cân nhắc về vấn đề sinh tồn.

Tuy trên bình diện tượng trưng so sánh Bắc Kinh với loài bò cạp là một ví von rất có sức hấp dẫn, nhưng xét kỹ lý luận của James Jones hàm chứa một số sai lầm cơ bản về mặt khái niệm và lô-gic. Tôi phân tích hai điểm chính. Thứ nhất, hành vi của bò cạp trong câu chuyện ngụ ngôn này không mang tính “văn hóa quyết định” như ông ta trình bày mà ngược lại phải mang tính “bản năng quyết định” (tôi gọi là “instinctual determinism”). Nguyên do là vì bò cạp đã hành động theo sự thối thúc của dục vọng trời sinh (tức là thuộc phạm trù “tiên thiên” hay “nature” mà James Jones đã thừa nhận qua câu trả lời của bò cạp trong đoạn kết do chính ông ta trích dẫn: “It’s my nature…”) chứ không do ảnh hưởng của văn hóa hay xã hội (tức là thuộc phạm trù huấn dưỡng “hậu thiên” thường được gọi tắt bằng khái niệm “nurture”). Nếu “tập quán” và “giáo dục” hay “học hỏi” là yếu tố quyết định thì bò cạp sẽ cố đè nén thú tính cho đến khi qua đến bờ bên kia mới cắn chết ễnh ương: Một hành động tương đương với chiến thuật “quá kiều trừu bản” (“qua cầu rút ván” hay “sang được sông phá sập cầu”) theo chiều hướng văn hóa tam thập lục kế mà giới lãnh đạo quân sự Trung Hoa thấm nhuần đã mấy ngàn năm nay.

Thứ hai, nếu nói rằng hành vi của Bắc Kinh là kết quả do ảnh hưởng của văn hóa tạo nên, thì đó là loại văn hóa nào? Văn hóa “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” và “tứ hải chi nội giai huynh đệ” theo truyền thống Nho giáo? Văn hóa thủ lợi tối đa theo chiều hướng chính trị hiện thực của Tôn Tử Binh Pháp hay Lục Thao Tam Lược của Khương Tử Nha và Huỳnh Thạch Công? Hay là loại văn hóa bắt nguồn từ một chủ nghĩa phản dân chủ và vô nhân đạo được triển hiện qua nhiều biến cố đẫm máu chẳng hạn như Cách Mạng Văn Hóa, Thiên An Môn, Pháp Luân Công, và Chiến Tranh Xâm Lược Việt Nam 1979?

Vấn đề lại càng phức tạp hơn nếu xét đến trạng thái tâm thần phân lập của ĐCSTQ. Ví dụ, dưới thời Mao, Hồng Vệ Binh phá mộ và đập bia của đấng Vạn Thế Sư Biểu (kẻ mà họ cho là cội nguồn của nhiều tệ đoan xã hội) nhưng bây giờ Học Viện Khổng Tử lại mọc lên như nấm — tính đến cuối tháng 10 năm 2011, tại hơn 100 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới đã có đến 323 học viện và con số này sẽ tiếp tục gia tăng, tất cả đều được thiết lập để phục vụ cho chiến lược “quyền lực mềm” của Trung Quốc.

Bởi vậy, thay vì nói chung chung, nếu James Jones giảng giải tỉ mỉ và cụ thể hơn, lý thuyết “văn hóa quyết định” của ông ta hoặc giả có thể chấp nhận, nhưng dẫu sao việc so sánh hành vi được phỏng định là mang tính văn hóa với bản năng có khuynh hướng trời sinh của bò cạp là một tỉ dụ rất khiên cưỡng.

Có người cho rằng Bắc Kinh đang phô bày dáng điệu ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung như chính câu chuyện cổ tích “Tỉnh Để Chi Oa” của Trung Quốc miêu tả. Đúng, vô tri cũng là một đặc trưng của giới hoạch định chiến lược tại Bắc Kinh. Nhưng theo tôi, thái độ của họ còn phản ánh tính tự phụ khờ khạo tiếp cận điên rồ. Trong chiều hướng này, tỉ dụ do câu chuyện ngụ ngôn “Ếch Và Bò” của Aesop gợi ý có lẽ hợp lý hơn:

Ếch con thủ thỉ với ếch cha bên bờ ao: “Cha ơi, con vừa trông thấy một quái vật thật khủng khiếp. Nó cao như núi, có cặp sừng đồ sộ trên đầu và một cái đuôi dài thườn thượt, còn móng chân thì lại chẻ ra làm hai!” Ếch Cha ộp oạp trả lời: “Ồ, đó là con bò của bác nông phu ý mà con. Nhưng nó không bự như thế đâu; có lẽ nó lớn hơn cha chút xíu, nhưng cha có thể tự biến thân để lớn lên như nó một cách dễ dàng. Con hãy xem đây.” Nói xong ếch cha tự thổi phồng bụng ra rồi hỏi ếch con: “Nó bự như thế này không?” Ếch con thành thực đáp lời: “Ồ, nó lớn hơn thế rất nhiều, cha ạ.” Lần nữa, ếch cha lại tự thổi phồng bụng lên rồi hỏi ếch con con bò có lớn như thế không. Câu trả lời của ếch con vẫn cứ là: “Nó lớn hơn, cha ạ, nó lớn hơn nhiều.” Ếch cha hít một hơi thật dài và rán sức thổi phồng, thổi phồng, thổi phồng… rồi dương dương tự đắc rằng: “Chắc chắn là nó không lớn như thế này đâu…” Nhưng nói chưa dứt lời thì bụng đã nổ tan tành.

Trong giai đoạn gần đây, Hoàn Cầu Thời Báo (loa phóng thanh chủ chốt của Nhân Dân Nhật Báo hay cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ) đã trở thành bình đài để loài ếch của Aesop tại Bắc Kinh diệu võ dương oai nhằm hư trương thanh thế. Hiện tại, thuật ngữ “thao quang dưỡng hối” hầu như đã lỗi thời, chẳng mấy khi được tờ báo này nhắc đến. Thay vào đó, tính hiếu chiến và ngạo mạn được nâng cao cực độ bằng thứ ngôn từ chói tai gai mắt như hăm he “sát kê hách hầu” và cảnh báo thiên hạ hãy “chuẩn bị nghe tiếng đại pháo.” Họ cho rằng “thời cơ động võ đã đến” vì Trung Quốc có đủ khả năng đối chọi với Hoa Kỳ. Ngày 20 tháng 10 vừa qua, Long Thao, một bình luận viên thường xuyên của tờ báo này, thậm chí còn rêu rao rằng Hoa Kỳ không dám khai chiến với Trung Quốc và nếu yêu sách bá quyền của họ không được thỏa mãn, Bắc Kinh sẵn sàng thách thức Hoa Thạnh Đốn “cứ đụng độ một phen xem sao.”

Bài viết gốc tiếng Trung của Long Thao trên Hoàn Cầu Thời Báo được dịch sang tiếng Anh và đăng tải trên trang mạng Global Times. Độc giả có thể tham khảo bản tiếng Việt do tôi dịch từ bản tiếng Trung để đối chiếu với luận điểm phản biện của tôi trong bài viết này. Tôi chọn dịch từ bản tiếng Trung vì đây là văn bản chủ yếu dành riêng cho quần chúng quốc nội trong khi đó bản tiếng Anh đã được “xử lý” nhiều chỗ cho phù hợp với thể thức tiêu thụ của giới độc giả ngoại quốc. Nếu đọc lướt, hai văn bản này chẳng khác nhau mấy về mặt đại ý, nhưng ở đây “con ác quỷ lại nằm trong chi tiết” (nói theo thành ngữ tiếng Anh “the devil is in the detail”). Nếu so sánh kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy những chi tiết trong bản gốc tiếng Trung (bị cắt bỏ hoặc được “vệ sinh hóa” trong bản tiếng Anh) phản ánh ý đồ muốn khuấy động chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong giới độc giả nội địa nhằm tạo dựng niềm tin và sức ủng hộ phi lý tính cho tham vọng bá đạo tràn trề ảo tưởng của tác giả. Trong phần phản biện sau đây tôi sẽ trình bày phân tích và cứ liệu để lần lượt bác bỏ luận điệu của Long Thao trong từng điểm một.

Thứ nhất, mục tiêu chiến lược tổng thể của Hoa Kỳ tại Biển Đông không phải bất chiến, bất hòa mà là chủ hòa, bị chiến.

Tuyên bố của bà Clinton tại Hà Nội vào hồi năm ngoái rằng Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia tại Biển Đông không phải là một lời phát biểu suông. Hoa Kỳ không phải kẻ ưa “tích cực” xía vào chuyện của người khác tại châu Á như Long Thao cáo buộc. Thứ nhất, hầu hết các nước thành viên của khối ASEAN đều mong muốn Hoa Kỳ can thiệp để tạo thế đối trọng với Trung Quốc tại Biển Đông. Họ mở rộng vòng tay hoan nghênh Hoa Kỳ và thậm chí còn trách móc Hoa Kỳ không năng nổ lắm. Tuy rất hài lòng với lập trường của Hoa Kỳ, một số nước đã than vãn rằng lời phát biểu của bà Clinhton có vẻ “muộn màng.”

Thứ hai, trong khi mục tiêu tranh chấp chủ chốt của các nước Đông Nam Á là lãnh thổ và lãnh hải tại Biển Đông, mục tiêu tranh chấp mang ý nghĩa thực tiễn của Hoa Kỳ là quyền tự do hàng hải (cũng như tiến hành các hoạt động thương mãi phù hợp với luật pháp quốc tế) tại vùng biển này. Hoa Kỳ cực lực phản đối ý đồ giới hạn hoạt động của chiến hạm ngoại quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc khi họ đưa ra yêu sách bắt buộc nước ngoài phải xin phép Bắc Kinh trước. Lập trường của Hoa Kỳ (và tất cả các nước phát triển khác) là vùng biển này thuộc về hải phận quốc tế và tàu thuyền nước ngoài có quyền tự do ra vào cũng như thao diễn hoạt động quân sự mà chẳng cần ai phê chuẩn cả. Đây là một tranh chấp mang ý nghĩa chiến lược và địa-chính-trị cực kỳ quan trọng. Bởi vậy, chí ít trên phương diện này, Hoa Kỳ cũng là một quốc gia đương sự tại Biển Đông.

Mối bất hòa giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng như giữa Trung Quốc và Nhật Bản không phải là do Hoa Kỳ gây ra với mục đích “tạo thế đối trọng khu vực để quản lý toàn cầu” như Long Thao vu khống. Cuộc diện này hoàn toàn là do hành vi ngang ngược và phi lý nhằm xúc tiến ý đồ bá quyền của Trung Quốc tạo nên.

Theo nhận định của thiếu tướng Dhruv C Katoch (Chủ Tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Địa Chiến, New Delhi): “Hành động của Trung Quốc trong mấy năm gần đây phản ánh một sách lược quyết đoán ngày càng tiếp cận đường ranh của thống trị.” Ông liệt kê một số nguyên nhân đã khiến cho mối quan hệ Trung-Ấn trở nên căng thẳng, chẳng hạn như: (1) Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng biên giới Trung-Ấn và xua quân xâm nhập vào lãnh thổ của Ấn Độ tại Ladak và Arunachal Pradesh; (2) Trung Quốc xúc tiến chiến lược chuỗi ngọc trai nhằm bao vây Ấn Độ bằng cách xây dựng một số hải cảng tại các nước quanh rìa Ấn Độ; (3) Trung Quốc giúp Pakistan phát triển quân sự và vũ khí hạt nhân cũng như hỗ trợ nước này trong các cuộc chiến tại Jammu và Kashmir nhằm cột chân Ấn Độ tại Nam Á; (4) Trung Quốc phản đối các dự án thăm dò và khai thác dầu khí liên hợp giữa Ấn Độ và Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. (Độc giả có thể tham khảo toàn văn bài viết của Dhruv C Katoch tại đây.)

Tương tự, thái độ hung hăng trong chiều hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku (Điếu Ngư Đài) và các hải vực giàu trữ lượng dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản mới chính là nguyên nhân dẫn đến tình hình xung đột giữa hai nước này trong mấy năm gần đây. Gieo gió thì đương nhiên phải gặt bão. Bắc Kinh không thể đổ lỗi cho kẻ khác về hậu quả do chính hành vi ngỗ ngáo của mình gây ra.

Hoa Kỳ, các nước Đông Nam Á, cũng như Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc đang kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết vần đề một cách ôn hòa, nhưng ngược lại Bắc Kinh cứ muốn bác bỏ mọi điều khoản trong bộ luật biển UNCLOS mà họ cảm thấy không có khả năng phục vụ cho ý đồ bá quyền của mình. Bắc Kinh chỉ muốn dùng những cứ liệu lịch sử đế quốc mơ hồ để làm cơ sở cho yêu sách lãnh thổ của họ. Hoa Kỳ cũng như các nước Đông Nam Á mong muốn hòa bình để cùng nhau phát triển, nhưng họ phải ráo rốt chuẩn bị chiến tranh trước ý đồ bá chủ ngày càng hung hăng trắng trợn, phi pháp và vô đạo đức của Trung Quốc. Bởi thế việc diễn tập quân sự là một chuẩn bị hết sức cần thiết chứ chẳng có gì nhảm nhí cả. Hoạt động thu mua vũ khí tối tân của các nước Đông Nam Á trong những năm gần đây cũng chỉ nhắm vào mục đích tự vệ trước thái độ gây hấn kiểu “hooligans” (“côn đồ”) của Trung Quốc, nói theo lời của học giả Carlyle Thayer. Nỗ lực của Nhật Bản và Ấn Độ trong việc hợp tác chiến lược với các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Phi Luật Tân gần đây cũng hoàn toàn phù hợp với kế sách chủ hòa, bị chiến của Hoa Kỳ, một biểu hiện chủ chốt của khái niệm “quyền lực thông minh” (“smart power”) mà chính phủ Obama đang năng nổ thực hiện, tức là lấy “quyền lực mềm” (“soft power”) làm cơ sở, nhưng sẵn sàng sử dụng “quyền lực cứng” (“hard power”) nếu cần. Kẻ “nhe nanh, múa vuốt” tại Biển Đông chính là Trung Quốc chứ chẳng phải là ai khác. Lời lẽ ngược ngạo của Long Thao triển hiện rõ ràng thái độ vừa ăn cướp vừa la làng của kẻ lưu manh.

Thứ hai, Hoa Kỳ thừa sức phát động chiến tranh mới để đánh bại ý đồ bá quyền lố lăng của Trung Quốc.

Dường như hầu hết các phân tích gia quân sự trên thế giới (bao gồm học giả và tướng lãnh Trung Quốc) đều thừa nhận rằng Trung Quốc phải cần thêm nhiều thập niên nữa mới có khả năng quân sự ngang ngửa với Hoa Kỳ. Bởi thế, chí ít là từ bây giờ cho đến lúc đó, Hoa Kỳ thừa sức đánh phủ đầu Trung Quốc. Hơn nữa, điều mà Trung Quốc đáng phải lo lắng là hiện thời Hoa Kỳ đang hồi kết thúc hoạt động quân sự tại Iraq và Afghanistan, và như vậy họ càng có nhiều “khí lực” hơn trong kế hoạch chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang vùng Á Thái để đối phó với Trung Quốc.

Trên bình diện chiến lược tối chung, xem thường sức mạnh nguyên tử của Hoa Kỳ là một sai lầm chí tử có thể đưa đến sự sụp đổ của ĐCSTQ nhanh chóng hơn thiêu thân lao vào lửa. Trong một luận văn đăng trên tạp chí Foreign Affairs (số Mar/Apr 2006), hai giáo sư khoa học chính trị Keir A. Lieber và Daryl G. Press đưa ra nhận định rằng trong 50 năm vừa qua đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ có thể trở thành quốc gia duy nhất ngự trị trên đỉnh điểm của tính ưu việt hạt nhân và sắp đạt được năng lực thực hiện các cuộc tấn công “tiên phát chế nhân” (“first strike”) để hủy diệt toàn bộ kho vũ khí hạt nhân viễn trình của cả Nga và Trung Quốc. Các yếu tố mang lại năng lực này cho Hoa Kỳ vừa có tính khách quan vừa có tính chủ quan: Tuy giảm về lượng nhưng các hệ thống vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ tăng tiến về chất “một cách đầy ấn tượng” nhờ vào nỗ lực không ngừng nâng cấp kỹ thuật, trong khi đó Nga vẫn cứ dậm chân tại chỗ (thậm chí có nguy cơ suy thoái) và Trung Quốc thì tiến bước rất chậm chạp.

Cung cách hành động của Hoa Kỳ trong chiến dịch lật đổ Gaddafi cũng là một triển hiện tốt đẹp của đường lối “quyền lực thông minh.” Nhường quyền lãnh đạo cho đồng minh và khuyến khích họ đóng góp nỗ lực quân sự ở một mức độ tích cực hơn không phải là dấu hiệu suy yếu hay mệt mỏi của quân đội Hoa Kỳ mà ngược lại là một phương phức sử dụng quyền lực quân sự khôn khéo hơn. Thứ nhất, giết gà không cần dao mổ trâu. Không lực của các nước đồng minh trong khối NATO (với sự hỗ trợ tương đối khiêm nhường của Hoa Kỳ), như mọi người có thể thấy rõ, đã dư sức lùa quân Gaddafi xuống cống. Thứ hai, hợp tác với đồng minh không những đã mang lại cho Hoa Kỳ một khả năng lớn lao trong việc tận dụng nhiều nguồn tài nguyên ở mức phí tổn thấp hơn, chiến lược đa phương còn nâng cao tính chất đạo đức của cộng đồng quốc tế và qua đó thể hiện rõ rệt hơn tính chính nghĩa của Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao thắng lợi của nhân dân Libya dưới sự hỗ trợ của không lực NATO đã khiến uy tín và tỉ lệ ủng hộ Obama, tại Hoa Kỳ cũng như trên trường quốc tế, gia tăng.

Long Thao cho rằng cuộc khủng hoảng tài chánh bắt đầu tại Hoa Kỳ và lan rộng ra toàn cầu đã làm kiệt quệ ngân sách quốc phòng của nước này và “khiến cho Hoa Kỳ khó khôi phục nguyên khí trong khoảng thời gian ngắn hạn. Không có tiền, lớp vỏ vàng son của quân đội Hoa Kỳ chỉ là biểu hiện của một loại động cơ chết máy.” Đây không thể là tư duy của một kẻ tự xưng (hoặc được lăng xê) là “chiến lược phân tích sư” mà là phong cách của thuật sĩ giang hồ: chuyên môn “hồ thuyết bát đạo” (nói tầm phào) và “phát bạch nhật mộng” (nằm mơ giữa ban ngày). Hiện thực mà bất cứ người quan sát động thái quân sự của Hoa Kỳ nào cũng phải thấu hiểu là cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh toàn cầu tuyệt đối không hề có tác dụng làm suy giảm mức chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ.

Trái lại, theo số liệu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ được trình bày qua biểu đồ dưới đây thì ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ tăng trưởng không ngừng trong suốt mười năm vừa qua, từ 310 tỉ Mỹ kim cho 2001 lên đến 700 tỉ Mỹ kim cho 2011. Xin lưu ý rằng số liệu trong biểu đồ này không bao gồm chi phí dành riêng cho các hoạt động liên quan đến hệ thống vũ khí hạt nhân do Bộ Năng Lượng phụ trách (khoảng trên dưới 25 tỉ Mỹ kim mỗi năm) và chi phí tác chiến phụ thuộc vào tình hình chiến sự (không thể dự tính trước). Ngân sách quốc phòng cho năm 2012 được dự tính sẽ giảm bớt khoảng 15 tỉ Mỹ kim so với năm 2011, nhưng đây chỉ là hệ quả của tiến trình nâng cao hiệu suất của việc chi tiêu. Cắt giảm trong năm 2012 chỉ tập trung vào việc loại bỏ những chương trình không cần thiết và các hoạt động mang tính lãng phí.

Rõ ràng các mức chi tiêu trên biểu đồ này không có khả năng chế tạo “một loại động cơ chết máy.” Chúng chỉ là những con số quỷ quái đang khiến cho chư vị chủ nhân của Trung Nam Hải mất ăn mất ngủ mà thôi, đặc biệt là khi được đặt vào bàn toán so sánh. Đầu tháng 3 năm nay, Bắc Kinh công bố ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2011 là 601 tỉ yuan (khoảng 91,5 tỉ Mỹ kim). Đây là một con số mang tính chất “thao quang dưỡng hối.” Trên thực tế, mức chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2011 được ước tính phải lên đến khoảng 140 tỉ Mỹ kim, và như vậy tối đa cũng chỉ bằng 1/5 ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ (hoặc 1/8 nếu dùng con số chính thức do Bắc Kinh đưa ra). Đây mới chính là sự thực về hiện tượng “không có tiền” đang làm cho quân đội Hoa Kỳ kiệt quệ do “chiến lược phân tích sư” Long Thao “hồ thuyết” trong cơn mơ làm bá chủ thiên hạ.

Thứ ba, thành quả của Chiến Tranh Lạnh đang phát triển càng ngày càng mạnh mẽ thêm và độc lập với quan hệ Trung-Mỹ.

Sự băng hoại của chế độ cộng sản theo kiểu Liên Xô và Đông Âu là điều mà chính quyền Trung Quốc nỗ lực ngăn chận suốt hơn 20 năm qua và đang đe dọa nền thống trị độc tài của ĐCSTQ từng giây từng phút. Hoa Kỳ đã đóng góp lớn lao cho quá trình dân chủ hóa khối xã hội chủ nghĩa và chính bản thân thành quả này đang phát triển càng ngày càng mạnh mẽ, và nói chung là độc lập với mối quan hệ Trung-Mỹ. Về mặt chính trị và tư tưởng, Trung Quốc đã đánh mất tất cả các đồng minh của mình trong khối xã hội chủ nghĩa cũ và đang phải xiết chặt tình hữu nghị với tập đoàn độc tài của thế giới, đặc biệt là tại châu Phi, nhưng cũng như Gaddafi, bạn bè của Bắc Kinh đang lần lượt dẫy chết, một phần, chí ít, là do sự thành công của thể chế dân chủ tự do vừa trỗi dậy tại các nước Đông Âu và Nga ảnh hưởng.

Chiến tranh Triều Tiên đã mang lại thành tựu cho Nhật Bản, cứ cho là Long Thao nói đúng như vậy đi, nhưng Nhật Bản ngày nay là một đồng minh đắc lực của Hoa Kỳ và là một quốc gia có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển hòa bình của thế giới. Đây là một thành quả mong muốn không những cho Hoa Kỳ mà cho toàn thể nhân loại (ngoại trừ Trung Cộng). Ronald Reagan đã châm ngòi dẫn phát tiến trình hủy diệt chế độ toàn trị tại Nga, nếu kết quả của một cuộc chiến tại Biển Đông sẽ mang lại thêm nhiều thành tựu cho nước Nga tự do dân chủ thì đó cũng là chuyện phù hợp với mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ.

Theo nhận định của giáo sư (gốc Trung) Minxin Pei, thông điệp mà bà Clinton muốn gởi đến Bắc Kinh qua bài luận văn mang tựa đề Thế Kỷ Thái Bình Dương Của Hoa Kỳ có mùi vị vừa chua vừa ngọt. Hàm ý của bà Clinton trong lời phát biểu “không thể để quan hệ Trung-Mỹ thất bại” chủ yếu là nhắm vào những tiến trình hợp tác song phương trong phạm vi kinh tế và văn hóa chứ không phải là chiến lược quân sự. Muỗng canh ngọt ngào này được bà Clinton âu yếm mớm mồi để Bắc Kinh cảm thấy dễ chịu trước khi nuốt tiếp muỗng canh chua chát mà bài luận văn muốn trịnh trọng nhấn mạnh là bộ phận quan trọng nhất trong chính sách của Hoa Kỳ. Đó là kế hoạch tăng cường các liên minh quân sự song phương tại châu Á để đối phó với Trung Quốc, nâng cấp và nới rộng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại vùng Tây Thái Bình Dương, và nỗ lực xúc tiến thể chế dân chủ và nhân quyền trong khu vực này mà Trung Quốc cố nhiên là mục tiêu chủ chốt. (Độc giả có thể tham khảo bài phân tích của Minxin Pei tại đây.) Long Thao đã hiểu nhầm hay chưa đọc kỹ bài phát biểu của bà Clinton (hoặc hiểu nhưng bị cảm thức sô vanh làm mù quáng) nên cho rằng trong bất kỳ tình huống nào Hoa Kỳ cũng cần phải duy trì quan hệ và tránh đối đầu quân sự với Bắc Kinh bằng mọi giá. Dường như để trực tiếp nhắn nhủ giới diều hâu hiếu chiến như Long Thao tại Trung Quốc, cũng vào ngày 16 tháng 11 vừa qua, Tổng Thống Obama đã tuyên bố một cách cứng rắn rằng: “Ý niệm cho rằng chúng tôi [Hoa Kỳ] sợ Trung Quốc là sai lầm.”

“Peaceful rise” hay là “shameful demise”?

Long Thao bảo Trung Quốc chủ trương thế giới hòa hài, nhưng ngoài những kẻ như Kim Young-Il, Mugabe, và Gaddafi ra ai có thể tin tưởng được điều đó? Bắc Kinh giống hệt một người mắc chứng tâm thần phân liệt lúc nào cũng nói một đường làm một nẻo, nay rầy mai khác. Thuật ngữ “peaceful rise” (“trỗi dậy hòa bình” từ nguyên gốc là “和平崛起” hay “hòa bình quật khởi”) từng mang lại cho cộng đồng quốc tế nhiều kỳ vọng giờ đây đã mất hết ý nghĩa nội tại và thường được dùng để biểu thị mỉa mai. Mộng ước xây dựng “thế kỷ của Trung Quốc” đang chết yểu trước kế hoạch “thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.”

Bên ngoài, Trung Quốc tứ bề thọ địch. Chưa kể hiệp ước liên minh quân sự Mỹ-Úc vừa được Tổng Thống Barack Obama và Thủ Tướng Julia Gillard công bố vào ngày 16 tháng 11 năm 2011 nhằm phòng chống Trung Quốc, Bắc Kinh đang bị bao vây toàn diện: đông có Đài Loan, Nhật Bản, và Nam Hàn; tây có Ấn Độ; nam có Đông Nam Á; bắc có Nga và Mông Cổ). Bên trong, Trung Quốc mắc nhiều hội chứng nan y. Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối đầu với những rạn nứt nghiêm trọng về mặt cơ cấu sau giai đoạn bạo phát chủ yếu là nhờ vào sức lao động rẻ tiền. Chính sách “một con” khiến dân số lão hóa nhanh chóng và đang trở thành một trái bom nổ chậm giữa lúc xã hội đang bị tha hóa trầm trọng vì hố giàu nghèo ngày càng lan rộng. Trong khi xung đột chủng tộc và lãnh thổ đang chờ cơ hội bùng nổ (tại Tây Tạng, Tân Cương, và Mãn Chu, chẳng hạn), thể chế độc tài toàn trị, tệ nạn tham nhũng, và chính sách cướp đoạt đất đai là một số nguyên nhân gây ra phẫn nộ và bạo động trong nhiều tầng lớp quần chúng, đặc biệt là nông dân. Tính nghiêm trọng của vấn đề này có thể định lượng rõ rệt qua mức chi tiêu hàng năm để duy trì an ninh quốc nội: con số này tương đương với (thậm chí vượt quá) ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh.

Tóm lại, có nhiều dấu hiệu biểu thị ĐCSTQ đang tiến dần về phía bờ “kết thúc nhục nhã” (“shameful demise”), nhưng những tín đồ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan như Long Thao vẫn cứ liều lĩnh với tham vọng bá quyền ngược ngạo trên trường quốc tế. Họ đang “phình bụng” đến mức báo động. Để tránh thảm họa nổ tan xác, Bắc Kinh cần học hỏi gấp rút bài học luân lý từ câu chuyện ngụ ngôn “Ếch Và Bò” của Aesop: Vô tri cặp đôi với tự phụ là nẻo đường tắt dẫn đến đích tự diệt.

Nam Hải Trường Sơn
Tháng 11, 2011

Petition

 
Please urge the Vietnamese government to cease
their harassment towards Mr. Huynh Ngoc Tuan
and his children immediately and unconditionally.
 

Dear President Obama,
Dear Representative
Dear Senator

The Honorable Barack Obama
The President Of The United States Of America
The White House
1600 Pennsylvania Avenue NW
Washington, D.C. 20500


Dear Mr. President:

We are writing on behalf of all citizens concerned with the novelists and freedom journalists Mr. Huynh Ngoc Tuan, Ms.Huynh Thuc Vy and Mr. Huynh Trong Hieu who were the victims of assault in the hands of police agents. On November 08th, 2011 they were publicly denounced and humiliated with a warrant house search organized by the authorities. As human rights advocates, he and his family have been subjects to ongoing police surveillance and harassment – they have received threatening phone calls and has had their home attacked by thugs that were allegedly under directed order by the Public Security Forces.

When Tuan was jailed in 1992 for his outspoken opinions on the Vietnamese government's human rights violations, Huynh Thuc Vy had just turned 7 and her brother, Huynh Trong Hieu, was 3 years old. A few years later they lost their mother. Thuc-Vy and Trong Hieu became homeless for 10 years before their father was released. Regardless, they still grew to become useful and active citizens in society. Today, posts blogged by this sister-brother duo shocks the public opinion and rocks the communist regime. They are at risk of imprisonment for daring to speak out for truth and reason.

The harassment of Huynh’s family is directly related to their work in the defense of human rights in Vietnam. Mr. Huynh Ngoc Tuan, who suffers from diabetes and advanced tuberculosis, was refused adequate medical care during his previous time in prison. We are seriously concerned for the physical and psychological integrity of Huynh Ngoc Tuan.

After 10 years of imprisonment writer Huynh Ngoc Tuan remains a resilient patriot. When asked if he intended to apply for a visa to a free country in an agreement to stop writing about the human violations in Viet Nam the writer answered without hesitation: “I want to stay here [in Viet Nam] and if must die I want to die in our home land.”

We believe that political suppression cannot continue to be upheld in Vietnam should Vietnam want to continue enjoying Permanent Normal Trade Relations with the United States and of being exempt from the Country of Particular Concern designation.

Therefore, we respectfully request you and your administration to intervene. Mr. Huynh Ngoc Tuan, Ms. Huynh Thuc Vy and Mr. Huynh Trong Hieu, like any citizen of the world, are entitled to basic human rights. Please urge the Vietnamese government to cease their harassment towards Mr. Huynh Ngoc Tuan and his children immediately and unconditionally.

Respectfully Yours,

Saturday, November 26, 2011

USA vs AUSTRALIA


Diễn văn của Tổng thống Obama trước quốc hội Úc

Video Obama's speech

Thưa Thủ tướng Gillard, lãnh đạo [đối lập] Abbott, cám ơn hai vị vì sự đón tiếp rất nồng hậu. Thưa ngài Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch và các thành viên Hạ viện và Thượng viện Úc, thưa các quý ông và quý bà, tôi xin cám ơn quý vị vì đã cho tôi vinh dự được đứng trong căn phòng tuyệt vời này để tái khẳng định những liên kết giữa Hoa Kỳ và Úc, hai nền dân chủ và hai đất nước bè bạn lâu đời nhất trên thế giới.

Thưa quý vị và nhân dân Úc, cám ơn lòng hiếu khách đặc biệt của quý vị. Và tại đây, ở thành phố này – một ―nơi gặp gỡ cổ kính — tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những cư dân đầu tiên của mảnh đất này, thuộc một trong những nền văn hoá liên tục lâu đời nhất trên thế giới, những người Úc đầu tiên.

Tôi đến Úc lần đầu khi còn nhỏ, qua lại giữa Haiwaii nơi tôi sinh ra, và Indonesia, nơi tôi đã sống bốn năm. Lúc đó mới tám tuổi nên không phải lúc nào tôi cũng hiểu được thứ ngôn ngữ lạ lùng của các bạn. (Cười). Đêm qua tôi đã cố gắng nói một vài từ ―tiếng Anh kiểu Úc.‖ (Cười) Hôm nay tôi không muốn quý vị phải chịu đựng thêm những điều chói tai đó nữa. Tôi thực sự yêu thích thứ tiếng này và sẽ giới thiệu thứ tiếng này vào ngôn ngữ thường dùng ở Washington. (Cười)

Đối với một cậu bé người Mỹ, Úc và người dân Úc — sự lạc quan, tính xuề xòa và khiếu hài hước của các bạn — khiến tôi có cảm giác rất thân thuộc. Cảm giác như ở nhà. Tôi luôn mong muốn được trở lại đây. Năm ngoái tôi đã cố gắng hai lần để quay lại. Nhưng Úc là một Đất nước May mắn, và hôm nay tôi cảm thấy may mắn được có mặt tại đây khi chúng ta kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập liên minh không thể phá vỡ được của chúng ta.

Những gắn kết giữa chúng ta rất sâu sắc. Trong câu chuyện của mỗi quốc gia, chúng ta đều thấy chính mình trong đó. Tổ tiên ta đã băng qua những đại dương rộng lớn — một số người lựa chọn để đến, một số khác bị đưa đến trong xiềng xích. Những người định cư mở rộng sang phía Tây băng qua những đồng bằng trải dài rộng lớn. Những người đầy hoài bão lao động cần cù bằng cả trái tim và đôi tay mình để xây dựng những đường sắt và thành phố. Nhiều thế hệ người nhập cư — khi di cư đến nơi — đã bổ sung thêm một sợi chỉ mới vào tấm thảm thêu nên mỗi nước chúng ta. Và chúng ta là những công dân sống theo một niềm tin chung – bất kể bạn là ai, bất kể trông bạn thế nào, mọi người đều xứng đáng có cơ hội công bằng; mọi người xứng đáng được hưởng công bằng.

Dĩ nhiên, tiến bộ trong xã hội của chúng ta không phải lúc nào cũng có thể tránh khỏi có những căng thẳng, hay những tranh đấu để vượt qua quá khứ đau thương. Nhưng chúng ta là những đất nước sẵn sàng đối mặt với sự không hoàn hảo, và tiếp tục vươn tới những lý tưởng của mình. Đó là tinh thần chúng tôi đã chứng kiến trong hội trường này cách đây 3 năm, khi đất nước này truyền cảm hứng cho cả thế giới bằng hành động hoà giải mang tính lịch sử đối với những thổ dân Australia gốc. Đó chính là tinh thần đổi mới, ở Hoa Kỳ, đã cho phép tôi đứng trước các quý vị hôm nay với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ. Và đây là tinh thần mà tôi sẽ thấy trong ngày hôm nay khi tôi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Lãnh thổ Bắc Australia, nơi tôi sẽ gặp những Chủ nhân Truyền thống của Mảnh Đất này.

Để có được những tiến bộ đó chúng ta không phải không chịu những hy sinh to lớn. Sáng nay, tôi đã rất xúc động khi đến thăm đài tưởng niệm chiến tranh của các bạn để tri ân những liệt sĩ, nam và nữ, của Úc. Cuối ngày hôm nay, ở Darwin, tôi sẽ cùng Thủ tướng đi chào các quân nhân dũng cảm của chúng ta. Đây là dịp để nhắc nhở chúng ta rằng – từ những chiến hào trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất đến những dãy núi ở Afghanistan — những người Úc và Mỹ đã luôn đứng bên nhau, chiến đấu cùng nhau, hy sinh cùng nhau trong bất kỳ cuộc chiến lớn nào trong suốt một trăm năm qua. Bất kỳ cuộc chiến nào.

Tình đoàn kết này đã duy trì chúng ta suốt một thập niên khó khăn. Chúng ta sẽ không bao giờ quên các cuộc tấn công ngày 11/9 đã cướp đi mạng sống của không chỉ người Mỹ mà còn của người dân của nhiều quốc gia khác, kể cả người Úc. Ở Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ không bao giờ quên khi Úc khẩn thiết kêu gọi sự tham gia của Khối hiệp ước quân sự ANZUS [Úc - New Zealand - Mỹ] – lần đầu tiên. Điều này cho thấy rằng hai quốc gia chúng ta luôn thống nhất như một. Và không ai trong chúng ta sẽ có thể quên những con người của đất nước mình đã thiệt mạng trong các cuộc khủng bố của al Qaeda trong suốt những năm qua, trong đó có những công dân Úc vô tội.

Và đó là lý do tại sao, khi cả Thủ tướng và Nhà lãnh đạo đối lập đều đồng ý rằng chúng ta quyết tâm phải thành công ở Afghanistan. Đó là lý do tại sao tôi chào đón Úc là quốc gia, ngoài NATO, đã đóng góp nhiều binh lính nhất cho cuộc chiến quan trọng này. Và đó là lý do tại sao chúng ta tôn vinh tất cả những người đã phục vụ ở Afghanistan vì an ninh của chúng ta, kể cả 32 người Úc yêu nước đã hy sinh, trong đó có Đại uý Bryce Dufy, Hạ sĩ Ashley Birt, và Chuẩn Hạ sĩ Luke Gavin. Chúng ta sẽ tôn vinh sự hy sinh của họ bằng cách bảo đảm rằng Afghanistan sẽ không bao giờ lại trở thành khởi nguồn của những cuộc tấn công chống lại người dân của chúng ta. Không bao giờ.

Là hai đối tác toàn cầu, chúng ta luôn chung tay bảo vệ an ninh và phẩm giá của người dân trên khắp thế giới. Chúng ta nhìn thấy điều này khi các nhân viên cứu hộ của chúng ta lao đến giúp đỡ lẫn nhau khi đất nước chúng ta bị hoả hoạn, hạn hán và mưa lụt. Chúng ta nhìn thấy điều đó khi chúng ta chung tay duy trì hoà bình — từ Đông Timo đến bán đảo Ban-căng — và khi chúng ta theo đuổi một tầm nhìn chung: một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Chúng ta nhìn thấy điều đó trong sự phát triển giúp cưu mang mỗi đứa trẻ ở châu Phi; sự hỗ trợ giúp cứu mỗi gia đình khỏi nạn đói; và khi chúng ta mở rộng hỗ trợ đến với người dân ở Trung Đông và Bắc Phi, những người xứng đáng được hưởng quyền tự do — thứ quyền đã cho phép chúng ta có mặt tại hội trường dân chủ vĩ đại này.

Đây là liên minh mà chúng ta tái khẳng định ngày hôm nay — bắt nguồn từ những giá trị gốc của chúng ta; được kế tục bởi từng thế hệ. Đây là quan hệ đối tác mà chúng ta đã cùng góp sức để làm sâu sắc hơn trong suốt ba năm qua. Và hôm nay tôi có thể đứng trước các bạn và nói một cách tự tin rằng liên minh giữa Hoa Kỳ và Úc chưa bao giờ mạnh như hiện nay. Giống như trong quá khứ, liên minh của chúng ta tiếp tục không thể thiếu được trong tương lai của chúng ta. Vì vậy ở đây giữa những người bạn thân thiết, tôi muốn đề cập đến một mục đích lớn hơn trong chuyến thăm của tôi đến vùng này — đó là những nỗ lực của chúng ta nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và nhân phẩm ở châu Á Thái Bình Dương.

Đối với Hoa Kỳ, điều này phản ánh một sự thay đổi rộng lớn. Sau một thập niên bận rộn với hai cuộc chiến đẫm máu hao tiền tốn của, lúc này Hoa Kỳ đang chuyển sự chú ý đến tiềm năng rộng lớn của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Chỉ trong vòng vài tuần nữa, sau gần chín năm, những binh sĩ Mỹ cuối cùng sẽ rời Iraq và cuộc chiến của chúng tôi ở đó sẽ kết thuc. Ở Afghanistan, chúng tôi đã bắt đầu quá trình quá độ – một sự quá độ đầy trách nhiệm – để người Afghanistan có thể tự đảm trách tương lai của chính họ và để các lực lượng đồng minh có thể bắt đầu rút quân. Và với các đối tác như Úc, chúng tôi đã giáng những đòn chí mạng vào al Qaeda và đẩy tổ chức khủng bố này vào con đường đi đến thất bại, kể cả việc thực thi công lý đối vơi Osama bin Laden.

Không nghi ngời gì nữa, làn sóng cuộc chiến tranh đang lùi xa, và Hoa Kỳ đang nhìn về một tương lai mà chúng tôi phải dựng xây. Từ châu Âu đến châu Mỹ, chúng tôi đã và đang củng cố các đồng minh và quan hệ đối tác. Tại Hoa Kỳ, chúng tôi đang đầu tư vào các nguồn lực đem lại sức mạnh kinh tế lâu dài của chúng tôi — đó là giáo dục con cái chúng tôi, đào tạo nhân công, xây dựng cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy thương mại, tăng cường nghiên cứu khoa học để tiến đến những đột phá mới. Chúng tôi đã thực hiện một số quyết định khó khăn để cắt giảm thâm hụt ngân sách và đưa nền tài chính vào đúng trật tự — và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quá trình này. Bởi vì sức mạnh kinh tế của chúng tôi ở trong nước là nền tảng của vai trò lãnh đạo của chúng tôi trên thế giới, kể cả ở đây tại châu Á Thái Bình Dương.

Tiêu điểm mới của chúng tôi vào khu vực này thể hiện một chân lý căn bản — đó là Hoa Kỳ đã, đang và sẽ luôn là một quốc gia Thái Bình Dương. Những người nhập cư từ châu Á đã giúp xây dựng Hoa Kỳ và hàng triệu gia đình người Mỹ, trong đó có chính gia đình tôi nuôi nấng liên hệ của chúng tôi với khu vực này. Từ trận đánh bom vào Darwin đến việc giải phóng những hòn đảo ở Thái Bình Dương, từ những cánh đồng lúa ở Đông Nam Á đến bán đảo Triều Tiên lạnh giá, nhiều thế hệ người Mỹ đã từng phục vụ ở đây, và đã hy sinh ở đây. Nhờ đó mà nhiều nền dân chủ có thể trỗi dậy; những phép màu kinh tế đã đến và có thể đưa hàng trăm triệu dân đến với thịnh vượng. Người Mỹ đã cùng các bạn đổ máu để đạt được tiến bộ này — và chúng ta sẽ không bao giờ cho phép đảo ngược điều này.

Ở đây, chúng tôi nhìn thấy tương lai. Là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới và chiếm hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu, châu Á Thái Bình Dương có vai trò thiết yếu, xứng đáng nhận ưu tiên cao nhất của tôi: đó là tạo công ăn việc làm và cơ hội cho người Mỹ. Với sự hiện diện của hầu hết các cường quốc hạt nhân của thế giới và khoảng một nửa nhân loại, châu Á đóng vai trò lớn trong việc xác định liệu thế kỷ sắp tới sẽ được đánh dấu bởi xung đột hay hợp tác, bởi những tổn thất vô ích hay tiến bộ cho nhân loại.

Do vậy, là Tổng thống, tôi đã đưa ra một quyết định chiến lược có tính toán — là một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò lớn hơn và dài hạn trong việc định hình khu vực này và tương lai ở đây, bằng cách duy trì các nguyên tắc cốt lõi và mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các đồng minh và bạn bè của chúng tôi.

Để tôi giải thích thêm. Thứ nhất, chúng tôi tìm kiếm an ninh, nền tảng của hòa bình và thịnh vượng. Chúng tôi ủng hộ một trật tự thế giới mà ở đây quyền lợi và trách nhiệm của tất cả các quốc gia và người dân đều được nêu cao. Nơi đây luật pháp và quy tắc quốc tế đều được thực thi. Nơi đây thương mại và tự do hàng hải không bị cản trở. Nơi đây những cường quốc đang nổi lên đóng góp vào an ninh khu vực, và nơi đây những sự bất đồng đều được giải quyết một cách hòa bình. Đó là tương lai mà chúng tôi đang tìm kiếm.

Hiện nay tôi biết rằng một số quốc gia trong khu vực này đang băn khoăn muốn biết về cam kết của Hoa Kỳ đối với việc duy trì những nguyên tắc này. Vì vậy, hãy để tôi trực tiếp đề cập vấn đề này. Khi Hoa Kỳ đưa nền tài chính của mình vào đúng trật tự, chúng tôi đang cắt giảm chi tiêu. Đúng vậy, sau một thập kỷ tăng mạnh ngân sách quốc phòng — khi chúng tôi hoàn toàn kết thúc cuộc chiến ở Iraq và bắt đầu giảm dần cuộc chiến ở Afghanistan — chúng tôi sẽ cắt giảm vài phần trong chi tiêu quốc phòng.

Khi xem xét tương lai lực lượng vũ trang của chúng tôi, chúng tôi đã bắt đầu cân nhắc xác định những lợi ích chiến lược quan trọng nhất và chỉ đạo những ưu tiên quân sự và chi tiêu quốc phòng của chúng tôi trong thập niên sắp tới. Và đây là điều mà khu vực này cần phải biết. Khu chúng tôi kết thúc các cuộc chiến hiện nay, tôi đã chỉ đạo cho nhóm cố vấn an ninh quốc gia đặt sự hiện diện và các sứ mệnh của Washington ở châu Á Thái Bình Dương lên ưu tiên hàng đầu. Kết quả là việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ không — tôi nhắc lại – không phương hại gì tới kế hoạch ở châu Á Thái Bình Dương.

Chỉ đạo của tôi hết sức rỏ ràng. Trong khi chúng tôi lên kế hoạch và ngân sách cho tương lai, chúng tôi sẽ dành các nguồn lực cần thiết để bảo đảm hiện diện quân sự hùng mạnh ở khu vực này. Chúng tôi sẽ giữ vững khả năng độc đáo của mình nhằm thể hiện sức mạnh và răn đe các mối đe dọa đối với hòa bình. Chúng tôi sẽ giữ các cam kết của mình, trong đó có trách nhiệm đã ghi trong hiệp ước với các đồng minh như Úc. Và chúng tôi sẽ thường xuyên tăng cường khả năng để đáp ứng được các đòi hỏi của thế kỷ 21. Những lợi ích lâu dài của chúng tôi trong khu vực đòi hỏi chúng tôi phải hiện diện lâu dài trong vùng này. Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi tới đây để ở lại đây.

Thực sự chúng tôi đã và đang hiện đại hóa sự bố trí phòng thủ của Hoa Kỳ trên khắp châu Á Thái Bình Dương. Sự bố trí phòng thủ sẽ phân bổ rộng hơn — duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của chúng tôi ở Nhật Bản và trên bán đảo Triều Tiên, trong khi đẩy mạnh sự có mặt của chúng tôi ở Đông Nam Á. Sự bố trí phòng thủ của chúng tôi sẽ uyển chuyển hơn — với những khả năng mới nhằm bảo đảm các lực lượng của chúng tôi có thể hoạt động một cách linh hoạt. Và sự bố trí phòng thủ của chúng tôi sẽ bền vững hơn bằng cách giúp đỡ các đồng minh và đối tác xây dựng khả năng của họ, với các hoạt động huấn luyện và tập trận.

Chúng ta nhìn thấy sự bố trí phòng thủ mới của chúng tôi ở Úc. Những sáng kiến mà Thủ tướng Úc và tôi đã công bố hôm qua sẽ giúp đưa quân đội của hai nước chúng ta đến gần nhau hơn. Chúng ta sẽ có những cơ hội mới để huấn luyện với các đồng minh và đối tác khác, đến từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Và điều này sẽ cho phép chúng ta phản ứng nhanh hơn đối với đủ loại thách thức, kể cả các cuộc khủng hoảng nhân đạo và hoạt động cứu trợ nạn nhân của thảm họa.

Kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai, người dân Úc đã nồng nhiệt chào đón các binh sĩ Hoa Kỳ đã từng qua lại trên đất nước của các bạn. Thay mặt nhân dân Hoa Kỳ, tôi xin cám ơn các bạn sắp tới sẽ tiếp tục đón thêm các binh sĩ của chúng tôi, vì họ là những người sẽ bảo đảm cho quan hệ liên minh giữa hai nước chúng ta tiếp tục vững mạnh và sẵn sàng đối phó với những thách thức của thời đại ngày

Chúng ta nhìn thấy thêm sự hiện diện của Hoa Kỳ trong các liên minh mà chúng tôi đã củng cố. Tại nhật bản, liên minh này vẫn là hòn đá tảng cho an ninh khu vực. Tại Thái Lan, chúng tôi là đối tác trong việc cứu trợ nạn nhân của thảm họa. Tại Philippines, chúng tôi tăng cường các chuyến viếng thăm bằng tàu chiến và hoạt động huấn luyện. Và tại Hàn Quốc, cam kết của chúng tôi với an ninh của Cộng Hòa Triều Tiên sẽ không hề suy suyển. Chúng tôi thực sự nhấn mạnh quyết tâm sẽ có hành động cứng rắn chống lại bất kỳ hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Việc vận chuyển nguyên liệu hạt nhân từ Bắc Triều Tiên đến các quốc gia hay các thực thể phi quốc gia sẽ được xem như là một sự đe dọa nghiêm trọng đến Hoa Kỳ và đồng minh, và chúng ta sẽ buộc Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những hậu quả của hành động như vậy.

Chúng ta thấy sự hiện diện tăng cường của Hoa Kỳ tại khắp Đông Nam Á—trong quan hệ đối tác với Indonesia chống cướp biển và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, trong công việc của chúng tôi với Malaysia để ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân; trong các chuyến tàu chúng tôi triển khai đến Singapore, và trong quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam và Campuchia; và trong cách chúng tôi hoan nghênh Ấn Độ khi họ ― hướng [về phía] đông‖ và đóng vai trò lớn hơn của môt cường quốc châu Á.

Đồng thời, chúng tôi sẽ trở lại tham gia vào các tổ chức khu vực. Hoạt động của chúng tôi tuần này tại Bali sẽ đánh dấu cuộc gặp lần thứ ba giữa tôi và các lãnh đạo ASEAN, và tôi tự hào là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á. Tôi tin chúng ta có thể cùng đối phó với những thách thức chung như [nạn] phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh hàng hải, trong đó bao gồm cả hợp tác tại biển Nam Trung Hoa [Biển Đông].

Trong khi đó Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Cả hai nước chúng ta — Hoa Kỳ và Úc — đều quan tâm sâu sắc đến sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình và thịnh vượng. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ hoan nghênh Trung Quốc. Chúng tôi đã thấy Trung Quốc có thể là một đối tác từ việc giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều tiên đến hỗ trợ ngăn chặn nạn phổ biến vũ khí hạt nhân. Và chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác với Bắc Kinh, bao gồm giao thiệp nhiều hơn giữa quân đội hai nước nhằm tăng cường hiểu biết và tránh [để xảy ra] các toan tính sai lầm. Chúng tôi sẽ làm điều đó ngay cả khi đang tiếp tục trao đổi thẳng thắn với Bắc Kinh về tầm quan trọng của việc tuân thủ các qui chuẩn quốc tế và tôn trọng những quyền con người cơ bản của nhân dân Trung Hoa.

Một châu Á hòa bình và an ninh là nền tảng cho lãnh vực thứ hai mà Hoa Kỳ lại đang dẫn đầu — thúc đẩy sự thịnh vượng mà chúng ta chia sẻ. Lịch sử dạy chúng ta rằng, lực lượng lớn nhất xưa nay giúp tạo ra sự giàu có và cơ hội mà thế giới từng biết đến, là các thị trường tự do. Vì thế chúng ta tìm kiếm các nền kinh tế cởi mở và minh bạch. Chúng ta tìm kiếm thương mại tự do và công bằng. Và chúng ta tìm kiếm một hệ thống kinh tế thế giới cởi mở, nơi mà các luật chơi là r ràng và các quốc gia tuân thủ các luật chơi đó.

Tại Úc và Hoa kỳ, chúng ta hiểu các nguyên tắc này. Chúng ta nằm trong số những quốc gia có nền kinh tế cởi mở nhất trên trái đất. Sáu năm kể từ hiệp định thương mại [mang tính] cột mốc giữa hai nước, buôn bán giữa chúng ta đã tăng mạnh mẽ. Người lao động của hai nước đang kiến tạo các quan hệ đối tác mới và các sản phẩm mới, như những công nghệ máy bay tiên tiến ta đang cùng nhau xây dựng tại Victoria. Chúng tôi là nhà đầu tư hàng đầu tại Úc và các bạn đầu tư vào Hoa Kỳ nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia nào, tạo ra nhiều việc làm tốt đẹp ở cả hai đất nước.

Chúng tôi nhận thấy rằng quan hệ đối tác kinh tế không thể chỉ là việc một quốc gia khai thác nguồn tài nguyên của quốc gia khác. Chúng tôi hiểu rằng không thể áp đặt từ trên xuống bất cứ một chiến lược phát triển dài hạn nào. Sự thịnh vượng thật sự — sự thịnh vượng có sức thúc đẩy sáng tạo, sự thịnh vượng bền lâu — phải đến từ việc giải phóng nguồn lực kinh tế lớn nhất của chúng ta, đó là tinh thần doanh nghiệp và tài năng trong dân chúng.

Vì vậy ngay cả khi Hoa Kỳ phải cạnh tranh gay gắt tại các thị trường Á châu, chúng tôi cũng thúc đẩy các mối quan hệ đối tác kinh tế mà tạo ra cơ hội cho tất cả các bên. Trong khi thực thi một hiệp định thương mại lịch sử với Hàn Quốc, chúng tôi đàm phán với Úc và các đối tác thành viên APEC khác, nhằm tạo ra một nền kinh tế liền mạch trong khu vực. Cùng với Úc và các đối tác khác, chúng tôi đang trên đường đạt đến hiệp định thương mại nhiều tham vọng nhất, cũng là một mô hình tiềm năng cho toàn khu vực – [Hiệp Định] Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ là vẫn là nền kinh tế lớn nhất và năng động nhất trên thế giới. Nhưng trong một thế giới đầy các nối kết qua lại, các nước thường trỗi dậy và ngã xuống cùng nhau. Đó là lý do tại sao tôi ra sức thúc đẩy nhóm các nước G20 đi đầu và là trung tâm của hoạt động hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu — nhằm trao cho nhiều nước, trong đó có Úc, vai trò lãnh đạo lớn hơn trong quản lý kinh tế quốc tế. Cùng nhau, chúng ta sẽ cứu kinh tế thế giới khỏi khủng hoảng. Và giờ đây, thách thức khẩn cấp nhất của chúng ta là tạo tăng trưởng trong đó có thêm cơ hội viêc làm cho mọi người.

Chúng ta cần sự tăng trưởng công bằng, nơi mà mọi quốc gia tuân thủ đúng luật; nơi mà quyền của người lao động được tôn trọng; nơi các doanh nghiệp của chúng ta có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng; nơi mà tài sản trí tuệ và các công nghệ mới giúp thúc đẩy sức sáng tạo, được bảo vệ; và nơi các đơn vị tiền tệ đều do thị trường quyết định, và không quốc gia nào [được phép] có lợi thế không công bằng.

Chúng ta cũng cần đến sự tăng trưởng rộng lớn– không dành cho chỉ vài nước, mà phải vì lợi ích nhiều nước — với những cải cách [có mục đích] bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị xúc phạm và một cam kết toàn cầu nhằm chấm dứt nạn tham nhũng đang kìm chế tăng trưởng. Chúng ta cần sự tăng trưởng cân bằng, bởi vì chúng ta sẽ cùng thịnh vượng khi các quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn [quay lại] thúc đẩy mức cầu tại chính nội địa của họ.

Và chúng ta cần sự tăng trưởng bền vững. Điều này bao gồm năng lượng sạch để tạo ra việc làm ‗xanh‘, và chống biến đổi khí hậu — một hiện tượng mà giờ đây ta không còn có thể phủ nhận. Chúng ta thấy tác hại [của biến đổi khí hậu] thể hiện ở các đám cháy rừng lớn mạnh hơn trước, các cơn lụt lội tàn phá nghiêm trọng hơn, hay hiện tượng các đảo tại Thái Bình Dương đang đối phó với mức nước biển đang dâng cao. Là hai trong số các nước đang thải lượng carbon lớn, Hoa Kỳ và Úc có trách nhiệm đặc biệt — phải đi đầu [trong phát triển bền vững.]

Mọi quốc gia có đóng góp giải pháp chống biến đổi khí hậu theo cách riêng của mình — và tôi biết rằng đây là vấn đề không khỏi gây tranh cãi tại cả hai nước chúng ta. Nhưng tất cả những gì chúng ta có thể làm — và đang làm — là cùng nhau phối hợp đầu tư vào năng lượng sạch, tăng cường sử dụng năng lượng thật hiệu quả, thực hiện những cam kết chúng ta nêu ra tại Copenhagen và Cancun. Chúng ta có khả năng và sẽ làm được điều đó.

Khi chúng ta phát triển kinh tế, chúng ta cũng cần nhớ đến liên kết giữa tăng trưởng và hoạt động điều hành công quyền đúng đắn — thực hiện pháp trị, minh bạch trong các cấp chính quyền và thực hiện công lý một cách công bằng. Vì lịch sử đã chứng minh rằng, về lâu về dài, dân chủ và tăng trưởng kinh tế luôn đồng hành. Và thịnh vượng mà không kèm theo tự do thì chỉ là một biến tướng của đói nghèo.

Điều này đưa tôi tới lãnh vực [đề cập] sau cùng mà chúng ta cũng đang dẫn đầu — những hỗ trợ của chúng ta đối với các quyền căn bản của mỗi người dân. Mỗi quốc gia thường tạo đường đi cho chính mình. Nhưng thực tế cho thấy một số quyền của con người mang tính phổ quát; trong đó gồm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo, và quyền tự do của người dân trong việc chọn những người lãnh đạo của họ.

Chúng không phải những quyền của riêng người Mỹ, của người Úc, hay của Phương Tây. Chúng là nhân quyền. Những quyền này khuấy động trong tâm hồn của mỗi người dân trong các thể chế dân chủ thành công ở đây, tại Châu Á. Những thể chế chính trị khác đã được thử áp dụng và đã thất bại – [đó là] chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, các chính thể chỉ do một cá nhân hay do một nhóm nhỏ lãnh đạo. Những thể chế này đã thất bại đều vì một lý do đơn giản: chúng đã không đếm xỉa đến nguồn gốc sâu xa nhất của quyền lực và tính chính nghĩa — là ý chí của nhân dân. Đúng, dân chủ có thể rối rắm và thô thiển — và tôi biết rằng tất cả quí vị tại đây [quốc hội Úc] đã pha trộn nhuần nhuyển trong những buổi Chất Vấn Nghị Trường. (Cười). Tuy nhiên, bất kể là chúng ta có những khác biệt về đảng phái hay tư tưởng, chúng ta đều biết rằng những nền dân chủ của chúng ta [Úc và Mỹ] đã may mắn cho ra đời hình thái chính quyền tuyệt vời nhất trong nhân loại.

Do vậy, là hai quốc gia có hai nền dân chủ tuyệt vời, chúng ta lên tiếng bênh vực cho những quyền tự do này một khi chúng bị đe dọa. Chúng ta trở thành đối tác với các nền dân chủ mới nổi lên, như Indonesia chẳng hạn, giúp họ tăng cường các cấu trúc chính quyền để dựa vào đó thực thi hệ thống quản trị tốt đẹp. Chúng ta khuyến khích một nhà nước [có cơ chế] cởi mở, bởi vì các nền dân chủ phụ thuộc vào khối công dân tích cực và được thông tin đầy đủ. Chúng ta giúp tăng cường các xã hội dân sự, vì xã hội dân sự sẽ tăng cường quyền lực trong dân chúng để họ buộc chính phủ chịu trách nhiệm trong các hoạt động của mình. Và chúng ta thúc đẩy quyền lợi cho tất cả các tầng lớp — phụ nữ, các nhóm thiểu số và đa sắc tộc — xã hội nào tiếp thụ được những tiềm năng của tất thảy các tầng lớp dân chúng, xã hội đó sẽ được thành công hơn, sẽ trở nên thịnh vượng hơn và công bằng hơn.

Những nguyên tắc trên đã định hướng cách chúng tôi tiếp cận Miến Điện – đó là sự kết hợp giữa cấm vận và tiếp xúc ngoại giao. Hôm nay, bà Aung San Suu Kyi được tự do, không còn bị quản thúc tại gia. Một số tù nhân chính trị được trả tự do và chính quyền đã bắt đầu một cuộc đối thoại. Tuy vậy, các vi phạm nhân quyền vẫn còn đó. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng rõ rệt về những bước tiếp theo mà chính quyền Miến Điện phải thực hiện để cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.

Đó chính là tương lai mà chúng tôi tìm kiếm ở Châu Á Thái Bình Dương — an ninh, thịnh vượng và phẩm giá cho tất cả người dân ở đó. Đó chính là những điều chúng tôi bênh vực. Đó là bản chất người Mỹ. Đó là tương lai mà chúng tôi sẽ theo đuổi, cùng với sự góp sức của các đồng minh và bè bạn, cộng với mọi yếu tố căn bản trong sức mạnh Mỹ. Tựu trung để chúng ta khỏi nghi ngờ gì thêm: tại Á Châu Thái Bình Dương, trong thế kỷ thứ 21, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ toàn tâm nhập cuộc.

Đương nhiên, trong giai đoạn có những thay đổi to lớn và bất an này, viễn tượng nói trên có vẻ chưa [thực] chắc chắn. Xuyên qua một đại dương to lớn, chúng ta không thể biết được điều gì đang chờ đón ở phía chân trời. Nhưng nếu vùng đất rộng lớn này và dân chúng tại đây có thể dạy chúng ta được điều gì, thì đó chính là lòng quyết tâm giành tự do và sự tiến bộ mà chúng ta không có lý gì để nghi ngờ.

Đó là lý do tại sao phụ nữ của nước Úc đã đứng lên đòi để tiếng nói của họ được lắng nghe, để nước Úc là quốc gia đầu tiên có phụ nữ được bầu cử và ứng cử vào quốc hội, và đến một ngày, có một người phụ nữ trở thành Thủ Tướng.

Đó là lý do tại sao dân chúng xuống đường biểu tình — từ Dehli đến Seoul, từ Manila đến Jakarta — để loại bỏ các chế độ thực dân và độc tài và từ đó xây nên vài trong số những nền dân chủ lớn nhất của thế giới.

Đó lý do tại sao có người lính đứng canh gác tại khu phi quân sự Nam-Bắc Triều Tiên để bảo vệ người dân miền Nam, và có người thanh niên Bắc Triều Tiên dám liều mạng trốn qua biên giới xuống phiá Nam. Đó là lý do tại sao có những người lính đội mũ màu xanh da trời gìn giữ hòa bình cho một đất nước mới thành lập. Và cũng là lý do tại sao có những phụ nữ gan dạ vào các nhà chứa cứu các bé gái thoát khỏi cảnh nô lệ thời nay, một thảm cảnh phải cần bị triệt tiêu.

Đó lý do tại sao những thanh niên yêu chuộng hòa bình trong những chiếc áo choàng Saffron đã đối đầu với bạo lực và súng đạn, và tại sao hàng ngày — từ thành phố rộng lớn bậc nhất thế giới đến những vùng nông thôn hẻo lánh đã có những hành động dũng cảm mà có lẽ thế giới chưa từng thấy — như một sinh viên đăng tin trên blog; một người dân ký tên vào tuyên cáo; một nhà tranh đấu không chịu khuất phục khi chịu quản thúc tại gia — chỉ để đòi các quyền lợi tương tự những gì mà chúng ta đang chăm chút ngày hôm nay.

Thế giới sẽ không bao giờ được quên những con người như thế. Những dòng lịch sử có lúc sẽ tạm ngưng hoặc chảy, nhưng qua thời gian chúng di chuyển — chủ động và quyết định — chỉ theo một hướng. Lịch sử đứng về phía tự do — xã hội tự do, chính quyền tự do, kinh tế tự do và con ngưới tự do. Tương lai là của những người đứng lên vì những lý tưởng đó, trong khu vực này, cũng như trên toàn thế giới.

Đây là câu chuyện về liên minh mà chúng ta kỷ niệm ngày hôm nay. Đây là cốt lõi của sự lãnh đạo Hoa Kỳ và cốt lõi của quan hệ đối tác của chúng ta. Đây là công việc chúng ta sẽ cùng làm, vì an ninh, thịnh vượng và phẩm giá của mọi người dân.

Thượng Đế ban phước lành cho nước Úc, Thượng Đế ban phước lành cho nước Mỹ và Thượng Đế ban phước lành cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc của chúng ta.

Xin cám ơn quí vị.