Thursday, November 24, 2011

NVHN


Vượt biên, bị cướp biển, thất lạc:
Cha và con đoàn tụ

LTS. Ðối với người tị nạn Việt Nam, có lẽ chưa có câu chuyện nào cảm động bằng cuộc hội ngộ của hai cha con ông Trương Văn Hào, sau 34 năm xa cách. Khi biết tin, phóng viên nhật báo Người Việt đã liên lạc được với ông Hào và được ông kể lại câu chuyện sau đây. Nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, nhật báo Người Việt đăng câu chuyện này để độc giả cùng suy ngẫm.

ROCHESTER, New York (NV) -“Ngay khi vừa nhìn thấy nó, tôi cảm giác như mình vừa tìm lại được vật gì quý giá lắm mà mình đánh mất từ lâu, cảm giác như vậy đó cô.” Ông Trương Văn Hào, qua cuộc điện thoại lần thứ hai với phóng viên Người Việt vào lúc hơn 10 giờ đêm Thứ Hai, trước ngày Lễ Tạ Ơn, nhắc lại cảm xúc của ông, khi nhìn thấy đứa con trai bị thất lạc từ 34 năm trước.(
Gia đình ông Trương Văn Hào hồi hộp chờ đợi hội ngộ với Samart Khumkham (Trương Văn Khai) tại phi trường quốc tế Greater Rochester International Airport. (Hình: Phương Trương cung cấp) - Click để xem thêm hình ở đây

Trong cuộc điện thoại này, ông Hào cho biết đứa con trai mới tìm lại được, lúc đó đang ở Thái Lan, vừa hoàn tất cuộc phỏng vấn xin chiếu khán nhập cảnh vào Mỹ và đã được chấp thuận, với sự can thiệp của Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York).

Câu chuyện tái ngộ của cha con ông Trương Văn Hào và Samart Khumkham (tức Trương Văn Khai), một người ở Rochester, New York, và một người ở một tỉnh xa xôi của Thái Lan, một lần nữa vừa gợi lại những thời khắc đau thương của những ai từng là thuyền nhân. Ðồng thời, câu chuyện lại mở ra thêm hy vọng cho những cha mẹ từng bị mất con, làm cho niềm tin của họ mạnh thêm, với hy vọng, đến một lúc nào đó, may mắn sẽ mỉm cười với mình.

Câu chuyện của 34 năm trước

“Tôi cùng vợ và đứa con trai mới 6 tháng tuổi, tên Trương Văn Khai, rời đảo Phú Quốc ngày 22 Tháng Mười Hai, 1977.” Ông Hào chầm chậm kể lại câu chuyện của mình.
Sau năm ngày lênh đênh trên biển, khi còn cách Songkhla, Thái Lan, chừng 35 dặm thì tàu ông Hào “bị bể.” Cùng lúc đó, họ gặp một chiếc tàu đánh cá Thái Lan, “thế là chúng tôi lên hết trên chiếc tàu Thái, và ở đó bốn ngày.”

Theo lời ông, ngay từ khi lên tàu, thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá “đã tỏ ra rất thích thằng bé. Ông ta đòi mua nó, nhưng chúng tôi không đồng ý.” Ông Hào kể. Cũng chính từ chi tiết này, mà hơn ba thập kỷ trôi qua, ông Hào vẫn tin rằng con trai ông còn sống.
Mọi chuyện vẫn bình thường, tuy nhiên, đến tối ngày thứ tư, “sau khi người thuyền trưởng bỏ sang một chiếc tàu khác đi mất,” những người đàn ông Việt Nam bị những người Thái còn lại trên tàu bắt nhảy xuống biển.

“Tôi cùng một anh đi cùng cứ lênh đênh như vậy trên nước. Ðến khoảng 6 giờ chiều hôm sau thì chúng tôi mới được một chiếc tàu đánh cá vớt.” Ông Hào tiếp tục nói, “Tôi cũng không biết bằng cách nào mà tôi đã sống.”
Ông Hào ở lại trên chiếc tàu này làm việc khoảng hai tuần, “cũng kéo cào, lặt cá.” Sau đó, họ lái tàu vô gần bờ, thả ông xuống, để ông tự bơi vô bờ.
Ông Hào được cảnh sát Thái “đưa vào trại.”

“Chừng một, hai tuần sau thì có một người Thái gốc Việt đi vào trại báo tin cho biết dân địa phương vừa mới vớt được hai xác người đàn bà và đã chôn cất. Hỏi thì nghe mô tả quần áo rất giống với quần áo vợ tôi và vợ người bạn đi cùng. Trên chiếc tàu chúng tôi đi vượt biên chỉ có hai người phụ nữ thôi. Khi đó tôi xin ra ngoài để đi đến đó hỏi thăm nhưng họ không cho ai ra khỏi trại. Từ đó tôi không còn biết tin tức gì nữa.” Ông Hào nói một cách nặng nề.

Sau gần năm tháng ở trong trại, ông Hào được người thân bảo lãnh sang định cư tại Mỹ.

Hành trình tìm con

Tin chắc là vợ mình đã chết, nhưng “trong suốt thời gian qua, chưa bao giờ tôi nghĩ là con tôi chết. Tôi tin là nó còn sống và đang ở đâu đó.” Chính từ niềm tin mãnh liệt này, mà chừng năm, sáu năm sau khi đến Mỹ, ông Hào tìm đến Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ nhờ tìm kiếm con trai ông.

“Nhưng lần đó họ nói tôi không có đủ tin tức cần thiết, như không có hình ảnh, hay giấy tờ gì. Cái gì tôi cũng không có bởi vì bị mất hết rồi.”
Dù bận bịu với cuộc sống, lập gia đình mới, có con nhỏ, ý định tìm đứa con trai thất lạc vẫn lẩn quẩn trong tâm trí người cha. Chừng 10 năm sau, ông Hào lại đến Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ một lần nữa, “cũng làm đơn nhờ họ kiếm, nhưng rồi câu trả lời vẫn là như vậy.”

Ðến cuối Tháng Năm vừa rồi, “khi mới xong khóa học mùa Spring, tôi mua vé đi Thái Lan tìm con tôi.” Và chuyến đi kéo dài một tháng này của người cha đã thật sự có kết quả.

Chặng thứ nhất

Ông Trương Văn Hào rời New York vào ngày cuối Tháng Năm để thực hiện cho bằng được, một lần, hết sức mình, việc tìm kiếm đứa con rời xa ông khi nó mới sáu tháng tuổi. Ông đi, mang theo trong lòng niềm tin của người cha về đứa con vẫn còn sống, và sự ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất của người vợ hiện tại, cùng bốn đứa con thân yêu.

“Ba, con hy vọng là ba sẽ mang được anh Khai về, bằng hết sức của ba.” Người con trai út 10 tuổi của ông, nói với ông như vậy.

Ðầu Tháng Sáu, ông Hào đặt chân đến Bangkok khi trời đã về chiều. Sáng sớm hôm sau, ông bay đến Hat Yai, một thành phố phía Nam Thái Lan, cách Songkhla, nơi có trại tị nạn ông Hào từng ở cách đây 34 năm, khoảng một giờ lái xe.
Ông lưu lại ba ngày. “Trong ba ngày này, tôi đi tìm kiếm một ngôi nhà thờ.”
Người cha đang trong hành trình đi tìm con rõ ràng đã vạch sẵn cho mình kế hoạch tìm kiếm.

Ông nói, “Tôi nhớ ngày xưa ở tỉnh Songkhla có một vị linh mục thường đưa thư vô cho người tị nạn. Tôi không biết tên cha nhưng tôi nghĩ ông chỉ có thể ở lòng vòng quanh tỉnh Songkhla hay quanh quanh đâu đây thôi.”
Ðó chính là lý do vì sao ông Hào lại đi tìm nhà thờ. Tuy nhiên, khi đến nhà thờ, ông Hào được biết “vị linh mục tôi muốn tìm đã ngoài 80 tuổi, nghỉ hưu và về sống ở Bangkok.”

Thất vọng vì không tìm được vị linh mục, nhưng ông Hào lại được vị linh mục mới, hướng dẫn ông đến “gặp một nhóm thanh niên trẻ chuyên giúp đỡ những người tị nạn.”
Sau khi nghe chuyện ông Hào muốn tìm kiếm đứa con thất lạc, nhóm thanh niên này chở ông ngược lại Hat Yai để “quay phim đưa lên tin tức.”

Cũng thời gian này, ông Hào gọi điện thoại về Mỹ cho vợ ông biết ông gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề giao tiếp, bởi vì “càng đi về miền Nam, người ta càng ít biết nói tiếng Anh, và có nói thì cũng rất khó nghe.”
Nhờ vào bạn bè quen biết, vợ ông tìm được một người biết nói tiếng Việt lẫn tiếng Thái, đang ở Lào, bay sang Thái Lan để đi cùng ông Hào.

Chặng thứ hai

Ông Hào và người bạn Lào thuê xe “đi tìm nơi ngày xưa người ta chôn vợ tôi.”
“Chúng tôi lái xe dọc theo bờ biển hết hướng Nam rồi đến hướng Bắc, cứ đi đến đâu thấy có làng là dừng lại hỏi thăm nhưng chẳng được tin tức gì hết,” người đàn ông nhẫn nại kể, như thể hành trình đó vẫn còn mồn một trong ông.

Ông Hào cũng đến sở cảnh sát và các trụ sở của chính quyền địa phương để nhờ giúp đỡ. Có điều, “do nhiều vấn đề tế nhị, nên tôi không nêu ra trong đơn là ngày xưa chúng tôi bị giết, bị cướp, mà chỉ nói là tàu gặp nạn thôi.”
Không tìm được mộ người vợ chết thảm năm xưa, ông Hào và người bạn trở lại Hat Yai, đến những nhà xác tìm tin tức, nhờ lục lọi lại hồ sơ giấy tờ ngày xưa.

Cũng trong những ngày lang thang đi tìm tin tức này, ông Hào tình cờ được giới thiệu gặp một người đang làm việc tại một đài truyền hình ở Bangkok.
Ông kể, “Ðài truyền hình này xuống gặp chúng tôi, dàn xếp một cuộc phỏng vấn cảnh đi tìm con để quay phim. Rồi họ chiếu lên TV.”
Dấu vết đứa con vẫn còn mờ mịt thì người bạn biết tiếng Thái của ông Hảo phải quay trở về Lào vì công việc gia đình.Một lần nữa, người cha này lại “cảm thấy bế tắc.”

Chặng thứ ba

Khi đó, ông Hào đã ở Thái Lan chừng hai tuần.
Ông bắt đầu ngồi xuống, viết lại câu chuyện tìm con, rồi đưa lên Google cho dịch ra tiếng Thái. Ông đưa cả hình ông và người vợ quá cố của mình vào, “để hy vọng hoặc con giống cha hoặc con giống má thì người ta có thể nhận ra.”

“Xong, tôi in ra khoảng 500 tờ. Vào mỗi đêm, tôi đến con đường đông người qua lại và phát cho người ta. Trong tờ rơi đó tôi có hứa tặng cho ai tìm được tin tức con tôi một số tiền.” Ông kể về việc làm của mình.
Ðồng thời, ông Hào cũng tìm gặp được một số người của tổ chức “giống như nhân viên xã hội” nhờ giúp đỡ. Bên cạnh những chi tiết ông Hào cung cấp cho “nhân viên xã hội,” ông còn nhớ thêm được chiếc tàu ngày xưa ông bị bắt lên cùng vợ con ông là “tàu số 21, nhưng không nhớ tên.”

Thời gian này, ông Hào lại quen biết với một người đàn ông Thái biết nói tiếng Anh. Qua người đàn ông này, ông Hào có dịp gặp gỡ một số người làm nghề lái tàu.Từ những người lái tàu, ông lại biết thêm một điều: nơi có thể tìm được “chiếc tàu 21 ngày xưa.” Có điều, không phải là một nơi mà có thể tới ba địa điểm.
Ông Hào mang tin tức này nói cho “nhân viên xã hội” biết, và “họ hứa đưa tôi đi đến những nơi đó.”

Thế nhưng, chuyện đời luôn có những chuyện “thế nhưng” nghiệt ngã như thế.
“Khi đó gần đến ngày bầu cử, rồi có nơi thì có bạo loạn xảy ra, nên họ không chịu đi,” ông Hào nhớ lại.
Người ta không đi, nhưng ông không có lý do gì để không đi, “Tôi thì có sợ gì chết nữa nên tôi có ý định sẽ đi một mình.”
Lần lữa tìm đường đi, cũng là lúc chiếu khán nhập cảnh ở Thái Lan của ông Hào chỉ còn ba ngày là hết hạn.

Chặng thứ tư

“Khi thấy còn ba ngày nữa là hết hạn visa, tôi trở lại tìm những người nhân viên xã hội một lần nữa để đưa hết thông tin cho họ, báo cho họ biết là tôi đi về Mỹ, có tin gì thì họ báo cho tôi biết.” Ông Hào có ý định chấm dứt hành trình tìm kiếm đứa con, ở thời điểm này.
Không ngờ, lúc đó các nhân viên xã hội lại báo cho ông Hào biết rằng họ đã có tin tức của ông chủ vừa mua lại “chiếc tàu số 21.”

“Ngày 28 Tháng Sáu, tôi cùng hai người nhân viên xã hội đi gặp ông chủ tàu.”
Có điều, người cha xem như “mất hết hy vọng,” vì “đó không phải là chiếc tàu hồi xưa tôi lên.”Nhưng.Lại một chữ “nhưng” bất ngờ.
Trong thời gian mấy tiếng đồng hồ đi loanh quanh bến cảng để tìm kiếm “con tàu 21,” một thanh niên làm cho ông chủ tàu vô tình nghe được câu chuyện tìm con của ông Hào.Theo lời thanh niên này thì ngày xưa xóm anh có một gia đình nuôi một đứa trẻ Việt Nam.Ðể chắc chắn, thanh niên này gọi điện thoại hỏi người mẹ, và được trả lời là “đúng rồi.”

Tia sáng lại lóe lên.
Sáng hôm sau, ông Hào cùng bốn nhân viên xã hội, “có cả ông sếp của họ,” lên xe hướng về ngôi làng người thanh niên cho biết.

Chặng thứ năm

“Sau bốn tiếng lái xe, chúng tôi đến nơi thì được chính quyền ở đó xác nhận đúng là hồi trước có một gia đình nuôi một đứa con người Việt,” ông Hào tiếp tục câu chuyện dài mà dường như chẳng hề mệt mỏi.
“Một người dân địa phương khẳng định, ‘Thằng nhỏ nhà đó nhìn rất giống ông.’” Lời nói đó càng khiến niềm tin sẽ kiếm được đứa con trở nên tràn trề và mãnh liệt trong lòng người cha.
“Nhưng gia đình đó đã dọn đi khỏi đây từ 15 năm trước rồi.”

Như trò đùa của số phận, hy vọng vừa lóe lên thì vụt mất. Hạnh phúc như gần kề bàn tay thì lại vuột bay.
Nhưng ý chí con người đôi lúc vượt lên trên những định mệnh nghiệt ngã.
Với sự giúp đỡ của cảnh sát, của chính quyền địa phương, mọi người có được địa chỉ của gia đình có đứa con Việt.
“Khoảng hơn 5 giờ chiều, chúng tôi dồn lên xe van đi tiếp đến nơi cách đó chừng 6 tiếng.”
Theo lời ông Hào, trong suốt đoạn đường này, điện thoại của bốn nhân viên xã hội bận nói chuyện liên tục.

“Khi còn cách chừng hai tiếng nữa đến nơi, thì họ báo cho tôi biết là họ đã gọi báo cho báo chí, truyền hình hay tin hết rồi. Họ nói họ tin chắc rằng thằng bé đó chính là con tôi, 80% là con tôi.” Ông Hào cười, kể tiếp.
Lúc 11 giờ 47 phút đêm 29 Tháng Sáu, ông Hào đến được ngôi nhà của vợ chồng người Thái nuôi đứa con trai ông từ 34 năm qua.
Cũng lúc đó, xe của đài truyền hình, báo chí, cảnh sát địa phương đều có mặt, để ghi nhận lại cuộc hội ngộ không xảy ra quá nhiều trên cuộc đời này.

Giây phút gặp gỡ

Ông Hào nhớ lại thời khắc mà ông mong chờ từ 34 năm nay:
“Tôi thấy tim mình đập mạnh lắm, thấy nôn nao lắm. Trời thì tối, lại không có điện, chỉ có ánh sáng của một bóng đèn nhỏ từ trong nhà hắt ra, cùng ánh sáng của mấy xe truyền hình. Nhưng, chỉ nhìn dáng nó bước ra. Chỉ nhìn cái dáng nó thôi, là tôi đã nhận ra nó là con tôi rồi,” ông Hào kể.

Rồi ông nói tiếp: “Rồi khi tôi gặp mặt nó, là tự nhiên, tôi biết ngay là nó, là thằng con tôi.”Người cha kể lại khoảnh khắc gặp con qua điện thoại, mà tôi nghe ra, gương mặt ông khóc, và miệng ông cười.Không một lời nói nào thốt ra trong giây phút đó.Chỉ có người cha ôm chầm lấy đứa con mình.
Họ không thể nói cùng một ngôn ngữ. Con chỉ nói được tiếng Thái. Cha chỉ nói được tiếng Việt, tiếng Anh.

Nhưng sợi dây máu mủ ràng buộc từ trong sâu thẳm, để người cha tin chắc đó là con mình, và đứa con rời khỏi vòng tay cha mẹ đẻ từ khi 6 tháng tuổi, cũng trong giây phút đó kêu thầm trong đầu, “I know you are my daddy.” (Con biết ba là ba của con mà), (Anh nói với ba mình điều này vài ngày sau thời điểm ấy).

Câu chuyện tiếp theo

Cho dù giây phút đó là thần tiên và diệu kỳ đến mức nào, ông Hào cũng chỉ có thể lưu lại đó hơn 2 tiếng đồng hồ, sau đó phải lên đường ngay để trở lại Songkhla, rồi trở về Malaysia để gia hạn chiếu khán nhập cảnh.

Một ngày sau, ông Hào quay trở lại nơi Khai đang sống, ở đó cùng con trai ông thêm một tháng nữa, trước khi bay về Mỹ chuẩn bị những thủ tục cần thiết cho chuyện gặp lại cả “đại gia đình” tại Hoa Kỳ.
Samart Khumkham, người con trai thất lạc ngày nào của ông Hào, giờ đã là người đàn ông 34 tuổi, có vợ và hai con gái, sống trên rừng cao su, “để làm công việc chăm sóc cao su cho chủ.”

Theo những gì ông Hào được biết, cha mẹ nuôi của Samart ngày xưa làm ở cảng tàu. “Khi đó, bà vợ sanh được một đứa con gái nhưng hai ngày sau thì em bé chết. Lúc đó có một người bồng thằng Khai tới hỏi có muốn nuôi không với điều kiện không được hỏi nguồn gốc từ đâu có thằng bé đó. Thế là vợ chồng họ nhận nuôi đến bây giờ.”

Ở họ, không có khoảng cách của sự xa lạ về tình cảm. “Chỉ qua ngày sau, khi tôi trở lại, là cảm giác như hai cha con đã biết đâu từ hồi nào rồi, cảm giác cha con rất rõ ràng. Nó cũng như vậy. Mấy đứa cháu cũng như đã quen biết mình từ đời nào, rất thân thiện, tự nhiên.”

Nhưng chuyện trò lúc đầu giữa cha con họ thật sự khó khăn.
“Tôi muốn nói gì với nó, tôi gõ ra rồi Google dịch ra tiếng Thái. Ngược lại, nó nói chuyện với tôi cũng bằng cách đó,” ông Hào kể lại kinh nghiệm giao tiếp giữa hai cha con ông một cách hóm hỉnh.Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau hơn ba tháng ông Hào cùng vợ, con và các cô chú nói chuyện với Samart hằng ngày qua skype, vốn tiếng Anh của Samart đã tiến bộ rõ rệt.

Câu chuyện trùng phùng của gia đình ông Trương Văn Hảo đánh động đến Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer.

Ngày 9 Tháng Mười Một, đích thân vị thượng nghị sĩ Dân Chủ, đại diện tiểu bang New York, gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ tại Bangkok, bà Kristie Kenney, yêu cầu cấp chiếu khán cho Khai nhập cảnh Hoa Kỳ.(Giây phút người cha Trương Văn Hào (trái) gặp người con Samart Khumkham (Trương Văn Khai) tại phi trường. (Hình: Phương Trương cung cấp)

“Ðây là một câu chuyện rất hay, đáng được in thành sách,” ông Schumer nói, theo một thông cáo báo chí của văn phòng ông. “Samart và gia đình của anh bị chia ly quá lâu, và thủ tục hành chánh không nên là một sự cản trở cho cuộc hội ngộ có một không hai trong cuộc đời họ. Tôi yêu cầu bà đại sứ bằng mọi cách có thể, giúp Samart nhập cảnh và gặp gia đình anh.”

Sáng Thứ Hai, 14 Tháng Mười Một, từ Thái Lan, Samart Khumkham, tức Trương Văn Khai ngày nào, được chấp thuận cho nhập cảnh vào Mỹ với chiếu khán du lịch B-2 với thời hạn bốn tháng.

“Họ sẽ gửi visa về nhà. Chỉ trong một vài ngày nữa, con tôi sẽ nhận được. Khi đó, tôi sẽ mua vé máy bay cho nó sang Mỹ. Tôi hy vọng nó sẽ đến đây trước ngày lễ Thanksgiving.” Ông Hảo hớn hở nói.

Hôm Thứ Hai, 21 Tháng Mười Một, Samart Khumkham đến phi trường quốc tế Greater Rochester International Airport ở Chili, New York, hội ngộ với gia đình.

Bà Phương Lê, người vợ hiện tại và cũng là người đã sát cánh cùng ông Hào trong hành trình tìm đứa con bị thất lạc, nói với nhật báo Người Việt về giây phút chứng kiến sự gặp gỡ của hai cha con, “Không thể diễn tả được. Chỉ biết là nước mắt tôi chảy xuống khi chứng kiến cuộc trùng phùng này. Tôi cảm thấy quá xúc động.”
“Tôi rất hạnh phúc khi thấy ước nguyện của chồng tôi đã thành sự thật. Ðây là điều mà anh ấy đã trăn trở và ấp ủ từ mấy mươi năm nay. Tôi mừng cho chồng tôi vì những công sức anh ấy bỏ ra đã được ơn trên nhìn thấy và đền bù xứng đáng.” Bà Phương nói thêm.

Và như vậy, mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, có lẽ sẽ là mùa lễ đẹp nhất với gia đình ông Hào, đặc biệt là với hai cha con ông, sau 34 năm bặt tin.

Ngọc Lan
Nov.23/2011