Tuesday, November 29, 2011

Communism


Đến Bá Linh mùa tưởng niệm


Hôm nay ngày mùng 9 tháng Mười Một, kỷ niệm đúng 22 năm ngày bức tường ô nhục Bá Linh sụp đổ. Tìm lại bài viết từ Berlin, cách đây đúng 2 năm.(Phần còn lại của bức tường Bá Linh, được rào kỹ để tránh bị du khách “đục” mang về làm kỷ niệm. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

LTS: Những dòng chữ độc giả đang đọc mở đầu cho bài đầu tiên của loạt bài kỷ niệm biến cố Bức Tường Berlin cách đây 20 năm. Bài viết này do phóng viên Hà Giang của nhật báo Người Việt thực hiện ngay tại Berlin trong chuyến đi kéo dài hơn 10 ngày, được bảo trợ bởi công ty địa ốc Stonegate và ATNT Travel & Tour, INC. Ngày mai, 7 Tháng Mười Một, 2009 chúng tôi sẽ gởi đến độc giả ấn bản đặc biệt, được thực hiện từ hơn một tháng nay, về biến cố được xem là quan trọng nhất của thế kỷ 20.

BERLIN – Chuyến bay đưa tôi đến Bá Linh đáp xuống phi trường Tegel lúc trời đang mưa lướt thướt, và khi được một thân hữu đón ra khỏi phi trường đưa về đến nhà, tuyết bắt đầu rơi. Xếp hành lý xong, chưa kịp nghỉ ngơi, một thân hữu đưa tôi đến ngay cổng “Brandenburg Gate.”

Vài ngày nữa thôi, sẽ là ngày 9 Tháng Mười Một. Ngày này, 20 năm trước, ngay tại đây, bức tường Bá Linh sụp đổ, tạo nên một chuỗi ảnh hưởng dây chuyền khiến Cộng Sản Ðông Âu sụp đổ theo.

Trời mưa nhẹ, thỉnh thoảng có một vài sợi tuyết lất phất bay. Bá Linh lạnh đến 6 độ C. Nhưng thành phố dường như đang rất ấm áp: mọi người nô nức chuẩn bị kỷ niệm 20 năm sự kiện Berlin, cũng là 20 năm cuộc “Cách Mạng Hòa Bình.”

Tôi đang đứng trước Brandenburg Gate, chiếc cổng làm nhân chứng thăng trầm của nước Ðức. Lịch sử nào đây? Ðâu là hiện tại, đâu là quá khứ?

Chính tại đây, hơn hai thập niên trước, Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, đã lên tiếng, thách thức và nêu đích danh một nhân vật: Gorbachev, nếu “muốn mưu cầu hòa bình và thịnh vượng cho dân Nga hay cho cả Ðông Âu,” “hãy mở cánh cửa này (open this gate), và hãy giật sập bức tường này (tear down this wall).”
Và, bức tường Berlin đã sập, vào những giờ khắc này, 20 năm trước.

Bức tường Berlin không chỉ phân cách người dân Tây Ðức với đồng bào phía Ðông của họ, bức tường phân chia cả Châu Âu. Và thế giới cũng thế, được phân thành hai phía, Tự Do và Cộng Sản.

Từ phía Ðông, tôi đưa chân bước qua hai hàng gạch, bước vào phía Tây. Nơi đây, những ai đã bỏ mình để đi tìm tự do? Tự do, chỉ cách đúng một bức tường.

Những người ngày xưa đã chết trên đường đi tìm tự do, sẽ được, thân nhân họ, và thế giới này, tưởng niệm. Hôm nay là lần thứ 20!

Trước mắt tôi: một Thánh Giá thật lớn, và một rừng Thánh Giá nhỏ khác. Người ta vẫn giữ sáng ngọn đèn dầu lung linh tưởng niệm.

Chợt nhớ đến đồng bào tôi. Hàng trăm ngàn, nếu không phải hàng triệu, người Việt Nam, cũng đã chết, trên đường đi tìm tự do.

Rời Brandenburg Gate, tôi đến Check Point Charlie. Nơi này trước đây là một trạm gác của quân đội đồng minh, và trong thời gian căng thẳng nhất, hai bên đã dàn ra hai hàng xe tăng đối mặt nhau, sẵn sàng nã súng.

Giờ thì không còn chuyện xe tăng hay nã súng. Nơi đây, bây giờ, là di tích lịch sử.

Khu vực gần Check Point Charlie vui nhộn hơn. Quanh những con đường dẫn đến đây là các kios nhỏ bán quà kỷ niệm. Từng nhóm du khách đi theo các hướng dẫn viên chăm chú nghe câu chuyện lịch sử hay xem những tranh lớn bằng bức tường tả lại khung cảnh Bá Linh ngày xưa.

Các tiệm bán sách, tranh ảnh, quà kỷ niệm ken kín một bên đường, và dọc theo bên đường phía đối diện là Check Point Museum, cả một kho tàng lịch sử nói về niềm khao khát tự do. Tự do, cái giá phải trả cao nhất, chính là mạng sống.

Tại một tiệm bán quà kỷ niệm và tranh ảnh, tôi có dịp chuyện trò với cô bán hàng trẻ tuổi. Cô tên là Katriaja, ở Ðông Ðức, năm nay 27 tuổi, cho biết lúc bức tường Bá Linh bị đổ thì gia đình cô đang ăn cơm. Cha mẹ cô “buông muỗng nĩa nhảy lên,” vì cả hai cùng có người thân ở Tây Ðức. Ngày hôm sau “học sinh cả trường được cho nghỉ học,” và bố mẹ cô lập tức “bàn việc đi thăm người thân.”

Họ xa nhau hơn 20 năm, và lúc ấy, “không biết còn sống hay đã chết!”

Bá Linh sẽ có hàng ngàn những mẩu chuyện như vậy.

Ngày mai, mong cho trời tạnh mưa. Ngày mai sẽ có triển lãm. Người ta gọi cuộc triển lãm là “Cách Mạng Hòa Bình.”

Hà Giang