Friday, November 18, 2011

Abraham Lincoln


Hai phút mà bất tử

'Gettysburg Address' của A. Lincoln

Vào ngày 19 tháng 11, 1863, một Nghĩa Trang Quốc Gia được khánh thành tại Gettysburg, Pennsylvania, nơi xảy ra trận đánh quyết định trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, trong đó Nam quân (Confederate Army) đại bại nhưng cả hai bên đều thiệt hại nặng nề về nhân mạng, trận đánh diễn ra trong ba ngày: 1, 2 và 3 tháng 7 cùng năm, tử sĩ lên tới con số không thể tưởng tượng nổi: 53,000 người thương vong.

Cả thế kỷ sau, chưa có một con số chính xác, song theo một cuốn sách đáng tin cậy (1), thì Bắc quân (Union Army) có 23003 thương vong, trong có 3072 người chết, 14497 bị thương, 5434 mất tích hay bị bắt(Cố Tổng Thống Abraham Lincoln). Nam quân có 20451 thương vong, trong có 2592 người tử trận, 12707 bị thương, 5150 mất tích hay bị bắt. Chắc chắn những con số này không chính xác, vì Nam quân nói họ chỉ bỏ lại chiến trường 770 thương binh trong khi giám đốc bệnh viện quân đội Hoa Kỳ (miền Bắc) cho biết danh sách Nam quân ghi tên điều trị là 6082 người.

Nghĩa Trang Quốc Gia Gettysburg được thành hình trên đồi Cemetery Hill, kế cận vùng đất phía Nam quận hạt, nơi cả ngàn xác chết đã được chôn vùi vội vã từ may ngày đầu tháng 7, trong có những nấm mộ quá nông đã bị mưa dội làm trật lên cả xương cốt. Tiểu bang Pennsylvania kêu gọi và được 18 tiểu bang khác đóng góp để xây nghĩa trang này. Trong khi cả ngàn tử thi được bốc lên, di chuyển tới nơi an nghỉ mới trên đồi, ngày khánh thành dự định là ngày Thứ Năm, 19 thánh 11, 1863; người đọc bài diễn văn chính là Edward Everett, nguyên tổng trưởng Ngoại Giao thời Tổng Thống Millard Fillmore (1800-1874), viện trưởng Ðại Học Harvard và thượng nghị sĩ, từng là ứng viên phó tổng thống trong liên danh đối nghịch với Tổng Thống Abraham Lincoln. Người ta có gửi một thiệp mời tới Tòa Bạch Ốc, không dự trù là Tổng Thống Lincoln sẽ tới dự như một quan khách, bất ngờ là ông nhận lời. Vì lễ độ, ban tổ chức xin tổng thống phát biểu cho “vài lời ngắn gọn” (a few appropriate remarks) sau khi diễn giả chính nói xong.

Sau buổi trưa, buổi lễ trang trọng bắt đầu với bốn ban nhạc, trong có ban nhạc Hải Quân từ Hoa Thịnh Ðốn tới, vô số bộ trưởng, tướng lãnh, thống đốc 7 tiểu bang và 15,000 quan khách. Nội các tới bằng ngựa, con ngựa người ta cung cấp cho tổng thống quá nhỏ, khiến hai chân ông gần chạm đất. Ông đội cái mũ ống độc đáo màu đen và đeo đôi găng tay trắng. Diễn giả chính đọc bài diễn văn dài 117 phút. Bài của ông này đã đăng hết nguyên hai trang nhật báo. Ðến lượt Abraham Lincoln sau đó được mời lên. Không có hình chụp tổng thống đọc diễn văn, vì người chụp hình duy nhất của ban tổ chức cho biết máy chụp bị hư, còn đang sửa. Máy chụp chỉ sửa xong khi tổng thống đã đọc xong bài diễn văn, chỉ ngắn có hai phút. Phóng viên báo Cincinnati Commercial tường thuật như sau:

“Tổng thống chậm rãi đứng lên, rút từ trong túi ra một tờ giấy, đọc bằng một giọng sắc, cao, khô khan, mấy điều ngắn gọn và cốt yếu.” Ngày hôm sau không một tờ báo lớn nào nói đến bài phát biểu của Lincoln, kể cả 3 tờ báo lớn của New York, trong có tờ The New York Times. Tiến Sĩ William E. Barton, người viết tiểu sử chính về Abraham Lincoln và cũng là tác giả cuốn “Lincoln at Gettysburg” đã tìm hiểu kỹ lưỡng các sự kiện liên hệ, cho biết không hẳn như thế. Ngay lúc Lincoln đọc xong, diễn giả Everett, người nói 117 phút trước đó, vốn là một người hùng biện có tiếng, đã tới khen ngợi tổng thống nói hay. Ông ta hôm sau còn gửi cho tổng thống một lá thư, trong có viết: “Tôi sẽ hài lòng lắm nếu tôi tự khen được mình là trong hai tiếng đồng hồ, tôi đã tới gần được cái ý tưởng trung tâm mà tổng thống đã nói tới chỉ trong 2 phút.” Nhưng dư luận dần dần thành hình. Tiến Sĩ Burton ghi nhận phóng viên của tờ Chicago Tribune hôm sau đã đánh điện tín về tòa báo câu này: “Bài phát biểu của Tổng Thống A. Lincoln trong lễ khánh thành Nghĩa Trang Quốc Gia sẽ sống mãi trong biên niên sử của con người.” Nhưng chủ bút của tờ báo không viết gì thêm.

Trong những tháng kế tiếp, nhiều tờ báo đã khám phá ra sự hùng biện, vẻ đẹp, và sức mạnh của những lời Lincoln phát biểu hôm 19 tháng 11, 1863. Hiện có 5 bản viết tay bài ấy, từ chính tay Lincoln, trưng bày tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, Thư viện Ðại Học Cornell, cho đại sứ Cuba ở Mỹ mà ông này đóng khung gửi lại biếu Lincoln để tỏ lòng ngưỡng mộ, và cho ông Edward Everett khi ông gửi thư xin Lincoln một bản để làm kỷ niệm và một bản cho Thư Viện Lịch Sử tiểu bang Illinois. Người ta có tên để gọi bản phát biểu đó: Gettysburg Address, Diễn văn Gettysburg.

Trong cuốn The Civil War của Harry Hansen, chương 23, Gettysburg Address được mệnh danh là Hai phút tới Bất tử (Two Minutes to Immortality). Thượng Nghị Sĩ Charles Sumner người đối nghịch với Tổng Thống Lincoln phát biểu: “Trong văn chương và trong ngôn ngữ, Gettysburg Address là bài diễn văn vĩ đại nhất đã được viết nên.” Nhiều tác giả gọi Abraham Lincoln là nhà văn đích thực; ông Douglas L. Wilson đã nghiên cứu các bài diễn văn của Lincoln, và cho rằng vị tổng thống này là một nhà biên soạn chữ nghĩa vô cùng tinh tế, một người viết đi viết lại một bản văn cho đến khi nào câu văn đọc lên mọi người đều hiểu, và có sức mạnh truyền đạt cao nhất (2).

Sau đây là phần chuyển ngữ bài phát biểu Gettyburg Address của Abraham Lincoln, những câu văn rực rỡ hàm súc và cao cả mà nhiều “lãnh tụ” chính trị thế giới sau đó hai thế kỷ nay đã mượn đi mượn lại:

“Bốn lưỡng kỷ và bảy năm trước đây (3) ông cha chúng ta đã mang tới lục địa này một tân quốc gia, hình thành trong Tự Do, và cống hiến đề xuất xác định rằng mọi người sinh ra đều Bình Ðẳng. (4)

“Ngày nay chúng ta lâm vào cuộc nội chiến lớn, chúng ta đang thử thách xem quốc gia - bất cứ quốc gia nào từng được sinh ra như thế và từng được khai sáng như thế - sẽ sinh tồn ra sao. Chúng ta gặp nhau nơi đây trong một trận đánh vĩ đại của cuộc chiến đó. Chúng ta đã tới đây để khánh thành một phần đất của trận đánh làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã hiến cuộc đời của họ cho đất nước đặng đất nước có thể tồn tại. Ðó là điều thích hợp cho cả hai bên chúng ta và chính đáng để chúng ta thực hiện.(Một em bé nhìn tượng cố Tổng Thống Abraham Lincoln tại viện bảo tàng Gettysburg, Pennsylvania. (Hình: Tim Sloan/AFP/Getty Images)

“Nhưng trong một nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể khánh thành - chúng ta không thể cúng hiến - chúng ta không thể thánh hóa - phần đất này. Những con người dũng cảm, sống hay chết, những con người chiến đấu, nơi đây, đã hiến dâng vượt xa hơn quyền lực nghèo nàn của chúng ta, cho dù để thêm vào hay để bớt đi. Thế giới sẽ ít để ý, không nhớ nhiều hơn, những gì chúng ta nói ở đây, nhưng sẽ không bao giờ quên những gì họ đã làm ở đây.

“Ðó là cho chúng ta, những kẻ đang sống, thay vì khánh thành ở đây những việc làm chưa hoàn tất những gì họ đã hoàn tất, cho tới bây giờ, bởi không một ai gánh vác. Ðó là thay vì cho chúng ta ở đây để khánh thành những nhiệm vụ to tát còn lại trước mặt, để từ những cái chết danh dự kia chúng ta gia tăng sự cống hiến cho những mục đích họ đã cho đi toàn thể sự cống hiến lớn nhất cuối cùng - đặng chúng ta ở đây kiện toàn tối đa hầu cho những tử sĩ đã chết không uổng phí; để quốc gia này sẽ tái sinh trong tự do, và chính quyền này sẽ là chính quyền của người dân, bởi người dân, cho người dân, và sẽ không biến khỏi mặt đất.” (Bản chuyển ngữ của Viên Linh)

VIÊN LINH
Chú thích:
(1) Harry Hansen (1961): The Civil War, Bonaza Books, New York.
(2) Douglas L. Wilson (2006): Lincoln's Sword: The Presidency and the Power of Words.
(3) Nguyên văn: “Four score and seven years ago...” Score: 20, có thể gọi là lưỡng kỷ, Lincoln muốn nhắc đến năm 1776, Hoa Kỳ tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc, và tinh thần Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ.
(4) Có ý nhắc đến Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập 4 tháng 7, 1776 của Hoa Kỳ.