Tuesday, November 22, 2011

Ba Lan


Ba Lan vinh danh người đóng góp vô giá
vào sự sụp đổ của cộng sản

Trong năm 2009, vào dịp kỷ niệm 20 năm Bức tường Berlin sụp đổ, báo chí Ba Lan hỏi Lech Walesa, cựu lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan rằng, những nguyên nhân nào đã dẫn tới sự sụp đổ chế độ cộng sản Ba Lan.(Tổng thống Ronald Reagan trước cổng West Brandenburg của nước Đức năm 1987 với câu nói nổi tiếng: "Gorbachev, Ngài hãy phá đổ bức tường này!” - Ảnh Tư liệu)

Lúc bấy giờ Lech Walesa đã đưa nhận xét mang tính ước lệ: 50% công lao thuộc về Giáo Hoàng John Paul II, 30% thuộc phong trào tranh đấu “Đoàn Kết” và sự hy sinh của nhân dân Ba Lan, 20% còn lại bao gồm những nguyên nhân khác: học thuyết chống lại đế chế Xô Viết của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, tư tưởng thức thời của Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Michail Gorbachev, sự ủng hộ của chính phủ và công đoàn các nước dân chủ, v.v...

Tuy nhiên, với cách nói trên, Lech Walesa chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố làm phá sản hệ thống cộng sản tại Ba Lan và châu Âu. Ít ai có thể xác định được các nguyên nhân bằng những con số toán học cụ thể như thế. Tất cả mọi yếu tố đã đan quyện nhau, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp mang lại thắng lợi.

Một trong những yếu tố ấy được nhân dân Ba Lan vinh danh trong ngày 21 tháng 11 năm 2011.

Vào trưa thứ Hai ngày 21/11 tại thủ đô Warsaw của Ba Lan đã diễn ra lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm Cố Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan.

Tượng đài được xây dựng trên Ujazdowski Avenue. Đây là một trong những con đường đẹp nhất của thủ đô Warsaw. Dọc con đường này, một bên là những công viên cây xanh rộng lớn nối tiếp nhau, một bên khác là trụ sở của các cơ quan chính phủ, nhà nước Ba Lan và những toà nhà của đại sứ quán các nước, trong đó có Hoa Kỳ.

Vào dịp kỷ niệm trọng thể 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ tại Berlin, tối ngày 9 tháng 11 năm 2009, ông Lech Walesa đã được chính phủ nước Đức chọn làm người xô đổ tấm xốp đầu tiên, biểu tượng của bức tường ô nhục Đông-Tây, tạo hiệu hứng domino làm hàng loạt tấm khác sụp đổ theo.

Tôi vẫn nhớ không khí náo động, rạo rực hôm ấy với sự hiện diện của hàng chục nguyên thủ quốc gia và hàng chục ngàn người từ khắp thế giới đổ về Berlin. Tôi đã chụp tấm hình kỷ niệm ngay ở nơi những tấm xốp bị khựng lại bởi một tấm mà trên đó có viết những dòng chữ Trung Quốc(Đêm kỷ niệm 20 năm Bức tường Berlin sụp đổ, Berlin ngày 9/11/2009 - Ảnh: Lê Diễn Đức). Không biết có phải ngụ ý của nhà thiết kế muốn cho mọi người ý thức rằng, hệ thống cộng sản châu Âu đã sụp đổ, nhưng Trung Quốc cộng sản vẫn còn đó, hay không?

Giờ đây lại chính Lech Walesa được chính phủ Ba Lan chọn làm người dỡ tấm che, khánh thành đài tưởng niệm Tổng thống Ronald Reagan.

Ý tưởng xây dựng tượng đài vinh danh Tổng thống Hoa Kỳ tại Ba Lan nhắm vào năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ronald Reagan (ngày 6 tháng 2 năm 1911).

“Chúng ta nghiêng mình trước Tổng thống Reagan vì lẽ trong thế hệ của chúng ta đã chấm dứt được sự chia rẽ và và xung đột lớn. Ronald Reagan đã đóng góp vào sự sụp đổ của Bức tường Berlin và ủng hộ Công đoàn Đoàn kết Ba Lan” - Lech Walesa nói trước khi dỡ băng khánh thành.

Lech Walesa, người thợ điện đã từng làm chập mạch hệ thống cộng sản châu Âu (như nhận định của tờ Time), người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1983 khi đang bị quản chế trong chế độ cộng sản Ba Lan, Tổng thống Ba Lan dân chủ đầu tiên (1990-1995), cho biết, vào lúc ấy ai cũng nghĩ rằng sự sụp đổ của cộng sản là sự kiện dường như khó có thể xảy ra.

Ông nói thêm:

“Những người lớn tuổi còn nhớ, chỉ riêng ở Ba Lan lúc ấy đã có hơn 200 nghìn binh sĩ Liên Xô chiếm đóng, còn ở châu Âu có tới hơn một triệu cùng với vũ khí hạt nhân, vì vậy hầu như một thay đổi lớn sẽ không thể xảy ra nếu không có chiến tranh hạt nhân, thế mà điều này đã xảy ra”.

“Tôi tự hỏi liệu Ba Lan bây giờ, châu Âu và thế giới có như hôm nay nếu không có Tổng thống Reagan. Là nhân chứng của các sự kiện, tôi phải nói rằng, điều này là không thể nào hình dung nổi”.

Theo cựu Tổng thống Ba Lan, những nhân vật lớn khác trong giai đoạn đó như Giáo hoàng John Paul II, Thủ tướng Anh quốc Margaret Thatcher và Tổng thống Pháp Francois Mitterand, đều có suy nghĩ tương tự.

“Không những bầu không khí giữa các lãnh đạo lớn của thế giới đã được tạo ra, như Đức Thánh Cha, Tổng thống Reagan, Tổng thống Mitterrand, Thủ tướng Thatcher, mà còn tạo ra cả bầu không khí trong xã hội Ba Lan, phù hợp với những tính cách ấy” – Lech Walesa nói.

Cựu lãnh đạo Đoàn kết Ba Lan cho rằng, chủ nghĩa cộng sản sụp đổ bởi vì “tất cả mọi người
 ai cũng đã làm những gì mình thấy cần phải làm và mọi thứ đã tạo nên thành công vĩ đại”.(Lech Walesa dỡ tấm che, khánh thành Tượng đài Ronald Reagan - Ảnh: TVN24)

Sự đóng góp vào lịch sử mới nhất của Ba Lan

Trưởng Văn phòng Tổng thống Ba Lan, Jacek Michalowski, đọc thư của Tổng thống Bronislaw Komorowski gửi đến những người tham dự buổi lễ. Tổng thống Komorowski nhận định đóng góp của Ronald Reagan vào trang sử mới của Ba Lan là “vô giá”.

“Ronald Reagan nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ vào thời gian khi cuộc đối đầu giữa Đông và Tây đã đạt tới bước phát triển mới. Trong bối cảnh ấy, nhà lãnh đạo của thế giới tự do đã dẫn đầu một chính sách xác đáng và nhất quán chống lại hệ thống cộng sản” – Tổng thống Ba Lan viết trong thư.

Đáp lời, Đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan Lee Feinstein đã đọc thư của Tổng thống Barack Obama.

“Tổng thống Reagan đã có món quà đặc biệt cho sự trỗi dậy hy vọng của tất cả những người bị buộc phải sống trong hoàn cảnh khó khăn. Ông cũng đã khôi phục được niềm lạc quan của người Mỹ tại thời điểm kinh tế khó khăn và đưa ra thách thức của chính trị thế giới, mang lại hy vọng cho dân tộc Ba Lan bằng sự hỗ trợ vững chắc đối với phong trào phản kháng Đoàn kết” – Tổng thống Obama viết.

Tới tham dự buổi lễ có sự tham dự buổi lễ còn có đặc mệnh toàn quyền của Thủ tướng Ba Lan về các vấn đề đối thoại quốc tế, giáo sư Bartoszewski, Thị trưởng Warsaw, bà Hanna Gronkiewicz-Waltz và nhiều nghị sĩ, dân biểu của quốc hội Ba Lan và Hoa Kỳ, trong đó có David Dreier, người đảm nhiệm cương vị dân biểu liên tục từ năm 1980, khi Ronald Reagan làm tổng thống.

Cảm hứng từ lời nói của Ronald Reagan

Sáng kiến xây dựng đài tưởng niệm khởi điểm từ năm 2008 và được hợp tác với Ronald Reagan Foundation và Thư viện Ronald Reagan ở Simi Valley, tiểu bang California.

Tượng đài đứng trước toà đại sứ quán Hoa Kỳ tại Warsaw với Ronald Reagan trong tư thế đứng trước bục phát biểu. Đây là hình ảnh Tổng thống Ronald Reagan ở cổng Brandenburg bên phía Tây của nước Đức vào ngày 12 tháng 6 năm 1987. Nơi đây Ronald Reagan đã thốt ra câu nói nổi tiếng: “Gorbachev, Ngài hãy mở cổng này! Gorbachev, Ngài hãy phá đổ bức tường này!”.

Sự kiện lịch sử đó chính là niềm cảm hứng của nhà điêu khắc Ba Lan Wladyslaw Dudek, tác giả của Tượng đài Ronald Reagan tại thủ đô Warsaw.

Lê Diễn Đức
* Tin và các trích dẫn phát biểu (trong ngoặc kép) được lấy từ báo chí Ba Lan, trang web đài truyền hình tin tức Ba Lan Tvn24.pl và Newsweek ấn bản tiếng Ba Lan, ngày 21/11/2011