Monday, August 30, 2010

Nguyễn Vạn Phú


Vì sao “Bổ đề Cơ bản”?

Ngay sau khi GS Ngô Bảo Châu được chính thức trao giải toán học Fields, tôi gởi thư cho một giáo sư quen biết đang giảng dạy môn Toán tại một đại học hàng đầu ở Úc, mời ông viết bài cho TBKTSG, giới thiệu nội dung, ý nghĩa của công trình nghiên cứu mà nhờ đó GS Châu được trao giải.

Người giáo sư trả lời: “Đây là chuyện rất khó, có thể nói là "đội đá vá trời". Một trong ba người cùng được giải thưởng với Ngô Bảo Châu cũng nói rằng họ không thể hiểu hết công trình của nhau. Nếu tôi muốn viết một bài 1.500 từ để người “ngoại đạo” có thể đọc hiểu và hứng thú thì có lẽ tôi phải bỏ ra một năm dành toàn thời gian tìm hiểu công trình đó trước khi có thể viết. Viết như thế nào để người chuyên môn không cười mình dốt, và người không chuyên môn không thấy mình "khoe chữ" mà thấy thích thú! - chuyện không thể làm được trong một hai ngày cuối tuần đâu”.

Đây là một sự khiêm tốn và cẩn trọng mà chúng tôi phải tôn trọng.

Thế nhưng trong nhiều ngày vào tuần trước, những ai muốn tìm thông tin nói trên hầu như khó tìm thấy chúng trên báo chí trong nước. Có cảm giác chúng ta nói đến việc GS Châu được trao Huy chương Fields giống như lúc ông dành được huy chương vàng thi toán quốc tế cách đây hơn 20 năm với quy mô lớn hơn nhiều lần mà thôi. Tức là chúng ta xem đây như một cuộc ganh đua và cuối cùng ăn mừng kết quả. Trong khi thật ra Huy chương Fields là một ghi nhận đến sau những thành tựu trong nghiên cứu toán học của GS Châu, cũng như đa số các giải Nobel, được trao cho những thành tựu trước đó, có khi hàng chục năm, của người đoạt giải.

Cũng may, với từng người đoạt Huy chương Fields, Ban tổ chức Hội nghị toán học thế giới 2010 đều có hai tài liệu giới thiệu, một là bản tuyên dương chính thức, dành cho giới chuyên môn và một bản giới thiệu công trình dành cho công chúng rộng rãi hơn. Người viết bản giới thiệu công trình là nhà báo nữ Julie Rehmeyer, phụ trách chuyên mục Toán cho bán nguyệt san Science News. Ở đây xin mở ngoặc, mong sao có ngày ở Việt Nam, cũng sẽ có nhà báo chuyên về văn học viết lời giới thiệu cho một tác phẩm văn học đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn hay một nhà báo chuyên về điện ảnh được Hội Điện ảnh mời viết lời tuyên dương cho một bộ phim đoạt giải Cánh diều vàng với tính chuyên nghiệp cao như thế.

Bài viết của bà Rehmeyer chỉ dài hai trang nhưng giúp người đọc hiểu được tầm mức công trình của GS Châu. Nếu tóm tắt hai trang này, lượt bỏ hết những khái niệm chuyên môn, chúng ta sẽ có một bức tranh như sau: Năm 1967, nhà toán học Robert Langlands đưa ra một loạt các giả thuyết táo bạo mà đa số cho đến nay vẫn chưa được chứng minh và sẽ là đề tài nghiên cứu cho nhiều thế hệ các nhà toán học trong tương lai. Tuy nhiên các giả thuyết này, được xây dựng thành một chương trình đầy tham vọng, nếu được chứng minh sẽ thống nhất nhiều lãnh vực toán học hiện đại lại thành một thể thống nhất, ví dụ giữa hình học, đại số và số học.

Một trong những công cụ được phát triển từ chương trình Langlands là “công thức vết Arthur-Selberg”, một phương trình cho thấy có thể dùng thông tin hình học để tính toán thông tin số học. Nhưng Langlands gặp một trở ngại lớn khi sử dụng công thức này, vì cứ xuất hiện những tổng số phức tạp. Theo Langlands các tổng số này bằng nhau nhưng ông không thể nào chứng minh được điều đó. Ông xem đây là một bài toán đơn giản nên gọi nó là “bổ đề” (lemma – một kết quả phụ được dùng để chứng minh những kết quả quan trọng hơn) và giao cho một nghiên cứu sinh giải quyết. Thế nhưng không một nghiên cứu sinh nào chứng minh được nó nên Langlands tự mình, rồi nhờ các nhà toán học khác vào cuộc. Đến khi không ai chứng minh được nó, người ta mới gọi nó bằng cái tên quan trọng hơn: “Bổ đề Cơ bản”.

Trong hơn ba mươi năm, vì không ai chứng minh được Bổ đề Cơ bản nên nhiều nhà toán học cứ giả định là nó đúng và xây dựng những công trình dựa trên giả định này. Giả thử nó sai, hàng loạt lý thuyết toán học mà nhiều người dày công xây dựng sẽ sụp đổ.

Cuối cùng, Ngô Bảo Châu là người chứng minh được nó bằng một cách tiếp cận hoàn toàn bất ngờ và mới mẻ. Và khi đưa ra cách tiếp cận này, ông đã giúp mọi người nhìn lại Bổ đề Cơ bản với cách hiểu hoàn toàn mới. Chính nhờ đó, năm 2004, cùng với người thầy của mình là GS Gerard Laumon, ông chứng minh những trường hợp đặt biệt của Bổ đề Cơ bản, và năm 2008 đã giải quyết được toàn bộ bài toán trong trường hợp tổng quát. Phương pháp của ông được kỳ vọng sẽ là công cụ giúp giải quyết những bài toán khác trong chương trình Langlands, thậm chí toàn bộ các giả thuyết làm nên tầm nhìn của Langlands vì cho dù ai làm được việc này cũng sẽ phải dựa vào những ý tưởng Ngô Bảo Châu đưa ra.

Như vậy, thiết tưởng phải đánh giá công trình của GS Ngô Bảo Châu như một bước tiến lớn của ngành toán thế giới chứ không phải của riêng nước nào. Ngoài lãnh vực chuyên ngành của ông, cũng như những nhân vật từng đoạt giải lớn như Nobel, những ý kiến của ông sau này trong nhiều lãnh vực khác, đặc biệt trong giáo dục, khoa học, sẽ mang theo nó một trọng lượng uy tín đáng kể. Đó là kỳ vọng của chúng ta về đóng góp của ông trong tương lai cho nhiều vấn đề của Việt Nam cần có ý kiến của những người như GS Ngô Bảo Châu.

Nguyễn Vạn Phú
Nguồn nguyenvanphu
Đọc thêm thanhnien - marhvn - thichhoctoan - ias.edu - nguoiviet

Thursday, August 26, 2010

Ẩm thực Việt Nam


Xếp loại thức ăn người thiểu số tại Mỹ:
Ðồ ăn Việt Nam tốt hạng thứ ba

Theo đánh giá của các chuyên viên về tác động của ẩm thực đối với sức khỏe, được công bố trên trang mạng Health.com của CNN, thì trong các loại đồ ăn của 10 dân tộc, Việt Nam đứng vào hàng thứ ba.

Ðứng đầu là đồ ăn Hy Lạp, với nhiều loại thực phẩm truyền thống có tác dụng trợ giúp hệ thống miễn nhiễm và ngăn ngừa ung thư cũng như giảm rủi ro bệnh tim, tiểu đường... Các nhà nghiên cứu ở Ðại Học Harvard nói rằng khẩu phần truyền thống Ðịa Trung Hải giúp giảm thiểu 25% trường hợp tử vong vì các chứng bệnh nói trên. Theo nghiên cứu này, thực phẩm Hy Lạp đủ chất béo có ích cho sức khỏe hơn là loại ít béo thông thường.

Cách ăn uống của Hy Lạp cũng tốt vì hòa hợp mỗi món chỉ một ít, không dồn quá nhiều loại thực phẩm nào trong một bữa. Tuy nhiên coi chừng món bánh ngọt “spanakopita” nhiều năng lượng (calories) không kém bacon cheeseburger.

Ðứng thứ nhì là đồ ăn kiểu California với các loại rau tươi, hải sản chế biến đơn giản. Nhưng nhớ rằng cheese có lượng chất béo cao ăn với món rau không phải là thứ làm cho thân hình được thon thả.

Ðồ ăn Việt Nam được xếp hạng ba vì dùng nhiều rau tươi, hải sản và trong kỹ thuật nấu nướng không dùng tới nhiều dầu và do đó không đem vào nhiều năng lượng. Những loại gia vị từ rau thơm đến hành, tỏi, ớt... giúp cho tiêu hóa và chống một số chứng viêm gây bệnh. Ðặc biệt Phở được nghiên cứu này coi là một món ăn ngon, bổ dưỡng và rất tốt. Sườn heo thông dụng trong nhiều món ăn Việt Nam có nhiều chất béo và làm tăng thể trọng không tốt.

Ðồ ăn truyền thống Nhật Bản được đánh giá là tốt cho sức khỏe và nguyên tắc “Hara Hachi Bu” có nghĩa là chỉ ăn no đến 8 phần 10 có hậu quả lâu dài là tránh được nhiều chứng bệnh.

Ðứng hàng thứ năm là đồ ăn Ấn Ðộ, khi nói tới người ta thường chỉ nghĩ rằng quá nhiều gia vị, nhưng thật ra “cà ri” có tác dụng y học, chẳng hạn nghệ và gừng giúp chống Alzheimer.

Nghệ là một dược thảo có nhiều công dụng từ chống viêm tới giúp các vết thương mau lành. Vào hàng ăn Ấn Ðộ nên tránh đồ chiên và các món có nhiều cream hay bơ.

Ðồ ăn Ý đứng hàng thứ sáu với đặc điểm dùng nhiều cà chua, thực phẩm có giá trị cao với sức khỏe và kiểu cách ăn uống nhàn nhã. Nhưng đồ Ý đã được Mỹ hóa như double-cheese pizza bị coi là quá nhiều chất béo.

Ðồ ăn Tây Ban Nha, sử dụng nhiều hải sản, rau, dầu olive và ăn kiểu “tapas” (với những đĩa nhỏ) là rất tốt. Nhưng nên tránh đừng ăn nhiều các loại xúc xích và món chiên.

Ðồ ăn Tây Ban Nha trong các nhà hàng thường quá nhiều năng lượng và chất béo. Nhưng các món truyền thống như đậu tươi và bắp có thể giúp ngừa bệnh tiểu đường loại 2.

Ðồ ăn gọi chung là Nam Mỹ đa dạng vì ít nhất có tới 12 quốc gia khác nhau trên phần lục địa này. Rau tươi và trái cây là tốt nhưng đồ chiên hay nướng thường được ăn quá nhiều.

Cuối cùng tới đồ ăn Thái Lan, trong thành phần món súp phổ thông mang tên Tom Yung Gung có nhiều loại có tác dụng y khoa giá trị và các nhà nghiên cứu nói rằng tỷ lệ bệnh ung thư ở Thái Lan thấp hơn nhiều nước khác. Tuy nhiên nước dừa có thể đem vào cho cơ thể chất béo và năng lượng quá nhiều. (H.C.)

Nguồn nguoi-viet
Đọc thêm vnexpress -
Vietnam

Nguyễn văn Huy


BÀI NÓI CHUYỆN CÔN MINH
Audio rfa

Trong vài ngày nay, tôi nhận được một bài nói chuyện của một ông tướng Trung Hoa vừa được một số báo điện tử đăng tải. Các bạn của tôi đọc được bài ấy và vì nhận thấy đây là một bài lạ và hiếm có cho nên đã chuyển bài ấy cho các bạn bè khác, trong đó có tôi, cùng đọc cho biết.

Có bạn đọc khen ngợi ông tướng này. Có người tỏ ra bội phục ông ấy và nhận xét rằng nếu hàng lãnh đạo của Trung quốc mà có những nhân vật tầm cỡ như thế này thì Trung Hoa sẽ làm bá chủ thế giới và như thế thì Việt Nam sẽ nguy vong.

Đây là bài nói chuyện của tướng chính trị Lưu Á Châu (Liu Yazhou) của Trường Đại Học Quốc Phòng Bắc Kinh vào năm 2002 trước các sĩ quan cấp tiểu đoàn trở lên của quân khu Bắc Kinh.

Người ta chú ý đến bài nói chuyện này vì nó lạ từ trước đến nay. Ông tướng này so sánh hai nền văn hóa Trung Hoa và Hoa Kỳ, Trung quốc và phương Tây, ghi nhận các khuyết điểm của Trung quốc và các ưu điểm của Mỹ và Tây phương. Người ta bảo là ông ấy can đảm và mạnh dạn nói lên sự thật.

Cách đây vài năm một người Trung Hoa là Bá Dương đã xuất bản một quyển sách với tựa đề "Người Trung quốc xấu xí". Ông này cũng là một người can đảm, dám phơi bày những cái khuyết điểm của người Trung Hoa cho người Trung Hoa và dân chúng các nước khác đọc cho biết. Có lẽ cái chủ đích của tác giả Bá Dương là thuốc đắng dã tật, cần phải phô ra cho mọi người thấy những đặc điểm xấu xa của người dân ông thì may ra họ mới cảm thấy ngượng, mắc cỡ mà sửa đổi chăng? Thông thường con người có khuynh hướng nhìn ra thay vì nhìn vào, thấy cái dở của người khác chứ không thấy cái tệ hại của bản thân. Chính vì thế cho nên người ta mới cần có người khác nhắc nhở để mà sửa đổi, điều chỉnh và cải thiện bản thân. Thói hư khó bỏ, tật xấu khó chừa. Qua bao nhiêu thế hệ, người ta đã quen với các thói hư tật xấu rồi thì không dễ gì mà dứt bỏ chúng cho được. Đã là con người, ai cũng có tự ái, người nào dù có ý tốt nói về cái xấu của ta và khuyên ta sửa đổi thì phản ứng đầu tiên của ta là phản kháng lại, mất cảm tình với người đó và cuối cùng có thể là không giao thiệp với người ấy nữa. Nhìn nhận khuyết điểm bản thân và quyết tâm sửa đổi nó là một thái độ can đảm không phải ai cũng làm được đâu.

Sau khi cuốn sách của ông Bá Dương được phát hành vài năm, tình trạng của người Trung quốc đâu lại vào đó, chẳng có thay đổi mảy may chút nào. Nếu có bạn đọc nào ghi nhận được sự tiến bộ nào bên Trung quốc từ sau ngày có quyển sách "Người Trung quốc xấu xí" xin vui lòng chia sẻ để mọi người cùng biết.

Nay mọi người lại có dịp đọc được bài nói chuyện của tướng Lưu Á Châu. Bài này đang được phổ biến khắp thế giới với một thái độ thán phục đối với tác giả của nó.

Nếu đây là bài viết của một người Trung Hoa đang sinh sống tại nước ngoài thì cũng không làm cho người đọc lưu ý nhiều. Ngược lại, đó là một bài nói chuyện của một trung tướng chính ủy thuộc một trường Quốc Phòng Trung quốc trước các hàng sĩ quan cấp tiểu đoàn trưởng trở lên mới khiến cho người đọc có ít nhiều thắc mắc.
Là một công dân gốc Trung Hoa sinh sống tại ngoại quốc như Âu châu hay Hoa Kỳ, được hưởng đầy đủ tự do dân chủ như người bản xứ, tác giả có toàn quyền tự do ngôn luận, và đó là việc bình thường. Thế nhưng một ông Trung Tướng mà lại là tướng chính trị phát biểu ở trong nước, bàn về cái khuyết điểm của nền văn hóa Trung Hoa và so sánh hai nền văn hóa Trung quốc và phương Tây thì phải xem đây là một chuyện lạ. Bài nói chuyện của ông tướng 58 tuổi này tại căn cứ Côn Minh, Vân Nam cách đây 8 năm mà cho đến nay ông tướng không nghe nói bị hạ tầng công tác và thuyên chuyển như thế cần được hiểu như thế này:

- Ông tướng này không có chân trong Bộ Chính Trị, cũng chẳng giữ một chức vụ gì thuộc hàng nội các cho nên các lời phát biểu của ông không phải là tiếng nói hay nhận xét chính thức của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

- Trong chế độ Cộng Sản một ông tướng nói chuyện với các sĩ quan cấp tiểu đoàn trưởng trở lên không được hoàn toàn tự do muốn nói cái gì thì nói. Mà ngay cả một ông tướng võ biền xông pha trận mạc muốn nói cái gì thì nội dung của bài nói chuyện đã được đảng và quân đội kiểm duyệt và cho phép trước. Tướng đánh trận thuần túy bảo là nói năng lơ mơ thì được chứ tướng cấp chính ủy, hướng dẫn và huấn luyện về chính trị cho các sĩ quan, cán bộ cao cấp là tuyệt đối không thể lơ mơ được. Như vậy, bài nói chuyện của tướng Lưu Á Châu đương nhiên phải có sự chấp thuận của đảng trước chứ không thể nào là bài viết do một mình ông tướng biết và chỉ một mình ông đọc như thế được. Ở một nước độc tài đảng trị như Trung quốc các nhà lãnh đạo của họ đâu có để một ông tướng muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm một cách thoải mái và tự do như thế được đâu!

- Một ông tướng chính trị chỉ bàn về văn hóa phương Đông và phương Tây, rồi làm một màn so sánh. Kết quả, Trung Hoa có toàn cái dở, Hoa Kỳ có toàn cái hay. Nếu người nào không sinh sống tại Hoa Kỳ thì không nhận ra, chứ nếu đã cư ngụ tại đây vài năm và để ý theo dõi sinh hoạt sở tại thì nhận ra ông tướng Trung Hoa họ Lưu này nói không rốt ráo. Ông ấy chọn lọc ra cái gì ông ấy muốn nói và ông ấy nói cũng không hết ý nữa. Nghe ông so sánh hai nền văn hóa xong, những người ở phương Tây tưởng thật như thế thì nguy tai đấy. Phương Tây có rất nhiều ưu điểm, chẳng thế mà Âu Mỹ mới tiến bộ vượt bực và nhanh chóng như ngày hôm nay. Trung Hoa có nhiều khuyết điểm chẳng thế mà xã hội tiến bộ chậm chạp hơn. Nhưng phải nói rằng cả hai xã hội đều có các ưu điểm và khuyết điểm cùng một lúc, chứ không thể nói Hoa Kỳ và Âu châu có toàn cái hay và Trung quốc có toàn cái dở được. Thí dụ, cái lối sống bạt mạng của nhiều người Mỹ, tập tành ăn xài từ hồi trung học đến nỗi nợ nần trở thành thói quen khi lớn lên và đi làm việc đến nỗi ngày nay các nhà lãnh đạo và dân chúng Hoa Kỳ xem đó là chuyện bình thường và không thấy cái hậu quả tai hại đến độ cần phải sửa đổi lại. Quốc gia hay cá nhân nợ nần như chúa chổm thế này không biết đến ngày nào nợ nần mới được thanh toán xong. Cái việc mất nhà, mất cửa, khủng hoảng tài chánh của ngày hôm nay là do kết quả của thái độ vung tay quá trán mà ra. Chế độ bầu cử tại phương Tây có cái hay là đân chúng được đại diện bởi những người do chính họ chọn ra để điều hành việc nước, nhưng cái dở là mỵ dân. Có những cái không hợp lý và có khi không hợp pháp nhưng các nhà lãnh đạo hay dân cử cứ làm tới với mục đích lấy lòng đân để kiếm phiếu và được tái đắc cử vào lần sau. Có người nói thẳng, nói đúng, làm mạnh đúng thủ tục, đúng luật nhưng mà nếu cử tri không hài lòng thì có triển vọng thất cử kỳ sau. Trường hợp điển hình hiện nay là cái thái độ của chính phủ liên bang đối với vấn đề cải cách di dân, lúng túng đến độ không có lối thoát. Xã hội Á Đông có truyền thống kính trọng và lo cho người già, duy trì sự liên hệ chặt chẽ, tương thân tương trợ giữa ba thế hệ với nhau. Ở Tây phương, người già cô đơn và lẻ loi hơn bao giờ hết. cái tình gia đình nó nhạt nhòa quá, ấy là vì lúc con cái được 18 tuổi cha mẹ đã muốn tiễn con ra khỏi nhà càng sớm càng tốt. Làm như thế chẳng trách lúc về già con cái cũng chẳng tha thiết đoái hoài đến cha mẹ già, ở đời có qua có lại là vậy.

- Ông tướng họ Lưu nói rất dài nhưng tuyệt nhiên ông tránh đụng tới đảng và giới lãnh đạo. Ông chỉ bàn những cái vô thưởng vô phạt mà thôi. Muốn thay đổi một xã hội, muốn tiến đến dân chủ tự do, và để mưu cầu hạnh phúc ấm no cho toàn dân, xã hội phải được thay đổi từ thượng tầng kiến trúc cho đến hạ tầng cơ sở và hành động cần phải được đi tiếp theo sau lời nói. Còn không thì nói chỉ để mà nói, nói cho xì hơi đỡ tức bụng mà thôi, và như thế chỉ là nói suông chẳng có kết quả gì hết và bài nói chuyện kết cục cũng chẳng đáng bàn đến nữa.

Nếu có thực tâm thay đổi xã hội nhằm mục đích tiến bộ những việc sau đây cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt:

- Sửa đổi hiến pháp. Những trở ngại làm cho xã hội không tiến bộ nằm trong hiến pháp của một nước. Điều khoản đầu tiên cần phải bãi bỏ ngay là điều khoản công nhận và duy trì độc đảng.
- Thiết lập và chấp nhận một nền tư pháp độc lập.
- Chấp nhận một nền báo chí tư nhân.
- Lập các cơ quan giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền và hoạt động của các giới chức liên hệ trong phạm vi hoạt động của họ.
- Cho công bố tất cả tài sản, lương bổng và thu hoạch của các cấp lãnh đạo và dân cử.
- Phải có một hệ thống luật pháp và hình phạt rõ ràng, không thiên vị.

- Hệ thống tuyển dụng nhân viên công sở phải dựa vào thi cử rõ rệt. Sự tuyển chọn nhân viên được căn cứ vào kết quả của các kỳ thi tuyển, tránh bè phái.

Còn nhiều cải tổ khác cần phải thực hiện giúp cho xã hội tiến bộ, nhưng nếu chỉ cần làm cho được các việc trên thì kết quả sẽ đáng kể lắm rồi. Con người nói chung Âu hay Á đều giống nhau. Người ta dễ trở thành lịch sự và văn minh khi có mức sống cao hay ít nhất là được no đủ. Đói rách dễ sinh ra đạo tặc. Thưởng phạt phải công minh, áp dụng cho đồng đều đối với mọi người, từ cấp lãnh đạo xuống đến thứ dân, không ngoại lệ. Lãnh đạo trộm cắp, tham nhũng công khai nhưng vẫn thơ thới trong khi dân nghèo chỉ ăn cắp vặt thì lại vào tù. Lãnh đạo mà không có tư cách, không có được sự kính trọng của dân chúng và cũng chẳng do dân bầu ra mà chỉ là trong nội bộ đảng, một thành phần thiểu số của một nước, tự bầu ra với nhau, tự động thay phiên nhau cỡi đầu cỡi cổ dân chúng, ngồi xổm trên luật pháp, hà khắc với chính đồng bào của mình, và rồi vẫn tiếp tục... lãnh đạo dài dài thì ai cũng đoán được là đất nước sẽ đi về đâu rồi.

Tôi ngờ là ông tướng Lưu Á Châu chỉ nói cho vui thôi chứ rồi ra đâu lại vào đấy. Xã hội đầy rẫy khuyết điểm mà các khuyết điểm quan trong và cần được sửa đổi liên quan đến đảng, lãnh đạo và nhà nước thì ông lờ tịt đi, thế thì không phải là chỉ bàn về ngọn chứ không phải gốc là gì!

Nguyễn văn Huy

Tuesday, August 24, 2010

Âm nhạc VN


Nhạc lính

Xin nói ngay, dù sử dụng từ “nhạc lính”, tôi không có ý định (và khả năng) để bàn về là nhạc lý mà chỉ bàn về lời ca. Và lính ở đây là lính Việt Nam Cộng Hòa.

Qua 70 năm âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20, chúng ta có nhiều loại nhạc khác nhau, tùy cách phân định, tùy thời kỳ, hay tùy xu hướng: nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến, nhạc xanh, nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc tình, nhạc hùng, nhạc lính, nhạc bộ đội, nhạc sến, nhạc sang, nhạc chiến đấu, nhạc cách mạng, vân vân. Nói cho đúng, phải gọi là nhạc và lời. Đó là những “bài hát” = bài để hát. Hoàng Ngọc-Tuấn, trong một bài phỏng vấn của đài phát thanh Úc, gọi chung là “nhạc phổ thông” (popular music)(1).

Nếu những câu ca dao, nhờ vần điệu, dễ nhớ, dễ dàng đi vào tâm hồn con người (hò ru em chẳng hạn) thì ca khúc phổ thông, nhờ các giai điệu đơn giản được lập đi lập lại, dễ dàng thấm sâu vào tâm cảm. Qua đài phát thanh, qua các băng đĩa nhạc, ca khúc được phổ biến rộng và sâu hơn tất cả mọi hình thái nghệ thuật khác. Nhờ âm điệu mà lời (kể cả những lời ngây ngô nhất) cũng trở thành sinh động. Những câu văn, câu thơ bóng bẩy, đầy ẩn dụ, bỗng trở thành trơn tru, dễ hiểu. Khi hò, người ta cần những câu có vần có điệu; nhưng khi hát, có vần thì tốt, không vần cũng chẳng sao. Nhạc đã chuyển văn, thậm chí chuyển những câu nói, thành “vần”.

Ngày nao em đến chơi tặng tôi một chiếc hình/Ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau/ Năm tháng dài ngày sau ghi nhớ mãi/Hình em tóc ngang vai lượt giắt với hoa cài… Đây là một trong những ca khúc mà tôi rất thích vào những năm còn học Đệ Tứ, Đệ Tam (lớp 9, lớp 10), vào lứa tuổi 14, 15 lúc mới bắt đầu tập tễnh biết “cua” (tán) gái. Nếu đọc, bốn câu trên chỉ là một loại văn xuôi khá bình thường. Nhưng khi hát, ta có cảm tưởng chúng có vần điệu. Như thơ. Chữ, câu trở thành dính, kết với nhau như trong những câu ca dao. Có thể nói, giai điệu nhạc trở thành phương tiện chuyên chở tuyệt hảo. Tuyệt hảo đến nỗi, không những làm cho loại lời ca đơn giản mộc mạc như bài “Tấm ảnh ngày xưa” nói trên, mà còn làm cho loại câu cấu trúc khác lạ như “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” hay “Vết lăn trầm/Từ hoang xưa dấu thân anh rã mềm/Như mắt thầm” cũng biến thành trơn tru, dễ nghe mặc dù…khó hiểu/hay có khi không hiểu gì cả.

Lời ca được sự hỗ trợ của nhạc tác động rất mạnh trên các sinh hoạt văn hóa, nhanh và nhạy hơn cả văn lẫn thơ. Chúng sớm trở thành một công cụ phát triển văn hóa, đồng thời cũng là một công cụ tuyên truyền hữu hiệu, gây ảnh hưởng lâu dài. Chính vì thế, mà ca nhạc góp phần mạnh mẽ hình thành nếp sống tinh thần của người dân, nhất là thế hệ mới lớn. Không những thế, có khi chúng còn uốn nắn cả tư tưởng và tình cảm con người. Chúng gần như trở thành món ăn tinh thần cho cả một thế hệ. Chẳng hạn trường hợp Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Nếu cả hai mà là nhà văn hay nhà thơ thì chắc chắn cũng nổi tiếng, nhưng sẽ thua và thua rất xa một Trịnh Công Sơn hay một Phạm Duy viết nhạc. Nhạc của họ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến nỗi họ luôn luôn là đề tài tranh cãi nóng bỏng mỗi khi được đề cập đến.

Thơ thì tôi cũng thuộc, nhưng chỉ nhớ lơ mơ. Nhớ câu trước quên câu sau, hay chỉ nhớ vài đoạn mình thích. Vả lại, thơ thì chỉ đọc thầm. Lời nhạc thì hát lên, hát to. Hát cho người khác nghe. Tôi lớn lên trong âm hưởng của những “Khúc ca ngày mùa”, “Gạo trắng trăng thanh”, “Ngày trở về”, “Trăng thanh bình”, “Tình anh lính chiến”, “Ai lên xứ hoa đào” hay “Duyên kiếp”, “Tấm ảnh ngày xưa”… Lớn hơn chút nữa, là những “Nỗi buồn gác trọ”, “Nửa đêm ngoài phố”, “Đêm đô thị”…Các ca khúc vang vang qua các đài phát thanh, qua những đêm ca nhạc ngoài trời, qua những sáng Chúa Nhật thi hát ở rạp Quốc Thanh được trực tiếp truyền thanh hay qua chương trình “Nhạc yêu cầu” hàng tuần ở các đài phát thanh địa phương.

Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát/Ánh trăng xanh chiếu qua làng xơ xác/Chiếu hồn về bao khúc ca ngày mùa (Khúc ca ngày mùa/Lam Phương)
Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang (Gạo trắng trăng thanh/Hoàng Thi Thơ)

Cho đến giờ này, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mà âm hưởng của những khúc hát như thế vẫn đọng lại trong tâm tưởng. Gần gũi, thân thương, nồng nàn. Thậm chí cả bài ca “Xổ số kiến thiết” mà Trần Văn Trạch hát trong những chiều xổ số hàng tuần (hình như vào ngày thứ tư) cũng không rời bỏ được ký ức vốn đã chật ních hàng khối kỷ niệm buồn vui của đời người. Chúng nhắc đến những ngày tuổi thơ thanh bình và ngập tràn mơ ước. Có thể nói: chúng tạo thành những ẩn dụ mà người ta “sống trong” và “sống với”. Chúng mạnh đến nỗi (ở một mức độ nào, có thể nói) tạo nên một số quan điểm sống. Lắm khi, cả lập trường chính trị. Người ta có thể không xem tranh, không đọc sách nhưng rất dễ dàng nghe hát. Xem tranh, đọc sách là tự mình mình xem, mình đọc. Còn hát, nếu mình không hát, đã có người hát giùm cho mình nghe. Mà không nghe cũng không được. Không thích, không muốn cũng phải nghe. Nghe riết thành quen. Quen lời, quen âm điệu. Chúng thấm vào vô thức lúc nào không hay. Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Chao ôi, dù đã đọc bao nhiêu truyện, đã đọc bao nhiêu tài liệu nghiên cứu “cao cấp” về tình yêu và đã…yêu, câu hát ví von thời xa xưa đó vẫn cứ dai dẳng trở đi trở lại trong tôi. Mỗi khi suy gẫm về tình yêu đôi lứa!

Đọc tiếp toàn bài : Nhạc lính

Trần Hữu Thục
3/2010
Nguồn damau

Joyce Anne Nguyen


Viết

Cách đây vài ngày tôi đọc lại 1 bài viết cũ của mình, “Bài viết không có tựa”, hay còn được biết đến với tên “Đừng bảo tôi im” do bác Hoàng Cơ Định đặt. Và nhận ra đã 1 thời gian rồi tôi gần như không viết gì. Nhìn sang xung quanh, tôi cũng thấy rất nhiều người đã ngưng bút, và bỏ cuộc. Tôi không nói về những người khác, nhưng riêng phần tôi, tôi biết tôi không có quyền than thở. Tôi không có quyền nói mình mệt mỏi. Hiện tại tôi không còn ở VN, nhưng tôi vẫn luôn mang dòng máu VN, và nhìn chung tôi không làm được gì nhiều, thế nên tôi không thể bỏ cuộc. Tôi sẽ tiếp tục viết. Và làm gì đó, theo cách này hay cách khác.(Hình phải Joyce Anne Nguyễn)

Tôi không cần viết, hiển nhiên. Tôi có thể chỉ đơn giản tiếp tục học và làm những việc đúng với tuổi tôi, tiếp tục đời sống tại Na Uy, đôi khi đi chơi đây đó tìm hiểu những đất nước khác, như lúc này đang lang thang Roma trước khi trở lại trường. Thế nhưng, nói như Isabel Allende, làm sao 1 người có thể không viết về những nghèo khổ và bất công trong xã hội khi những người đang cam chịu những điều đó không có quyền cất tiếng nói? Viết không chỉ cho bản thân. Viết cho những người bị buộc phải im lặng. Viết cho những người mất gần như mọi thứ chỉ vì khát vọng tự do. Viết cho những người đã ngã xuống. Viết cho những người đấu tranh cô độc. Viết cho những người còn đang sống và không biết mình bị thiệt thòi và thiếu các quyền sống cơ bản của con người. Viết cho những người đang vô cảm hoặc không biết nhiều về tình hình đất nước. Viết cho dân tộc. Viết cho những phần lãnh thổ lãnh hải đã mất. Viết cho lịch sử. Viết cho những người đã khuất, đang sống và những thế hệ tiếp sau. Viết không phải là tuyên truyền. Viết không phải là hô hào nhân dân xuống đường còn mình an toàn ngồi ở nước khác. Viết là viết ra cảm xúc và sự thật. Viết là viết những gì đã nhìn thấy. Viết là nói về những bất công đang diễn ra. Viết là viết về những khác biệt giữa nước ta và nước khác, để thay đổi, tiến bộ và đấu tranh cho những quyền sống cơ bản. Viết là làm thức tỉnh, là kêu gọi sự quan tâm.

Hãy trả lời tôi.
Bạn cảm thấy gì khi mỗi ngày ra đường thấy kẹt xe, khói bụi, “lô cốt” khắp nơi và các hệ thống làm đường kéo dài từ năm này sang năm khác? Bạn cảm thấy gì khi ngày ngày mở báo ra đọc, nhìn thấy hàng loạt thông tin về tai nạn giao thông (do kẹt xe, vấn đề đường sá…), sập cầu, cháy nhà…? Bạn cảm thấy gì khi những nhà cầm quyền thản nhiên tiến hành dự án bauxite tại Tây Nguyên bất chấp các tác hại và bản kiến nghị? Bạn cảm thấy gì khi biết các ông lãnh đạo cho TQ thuê rừng đầu nguồn? Bạn cảm thấy gì khi chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói VN và Cuba canh giữ hòa bình cho thế giới? Bạn cảm thấy gì khi bà Tôn Nữ Thị Ninh so sánh nhân dân với con cái khi tuyên bố tại buổi họp mặt với Hoa Kỳ “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”? Bạn cảm thấy gì khi người ta bảo bạn phải biết ơn Đảng, Đảng là chân lý, bạn không được quyền phê bình, dù cha mẹ bạn nuôi bạn ăn học, đóng học phí cho bạn, bạn đi học lên lớp nhờ công sức bạn học và thi đậu, rồi lớn lên cũng chính bạn kiếm việc kiếm tiền nuôi chính bạn và gia đình bạn, nhà nước không cho giáo dục miễn phí và cũng không có chế độ y tế nào đảm bảo cho bạn, khi thất nghiệp bạn chẳng có trợ cấp, khi bạn già chẳng ai nuôi bạn ngoài con cháu, khi thình lình bạn chết gia đình cũng chẳng có 1 xu hoặc rất ít, trong khi đó ở nhiều quốc gia khác người dân được trợ cấp rất tốt nhưng không bao giờ xem những người lãnh đạo là cha mẹ? Bạn cảm thấy gì khi bạn được học là nước ta có thừa dân chủ, nhưng sau 1 ngày vừa nói về sự kiện 2 nhà báo bị bắt do vụ PMU18, ngày hôm sau tất cả các báo đồng loạt im lặng, bản thân thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng gần đây phát biểu “Nước ta không có phản biện, phản biện là phản động”, những người bất đồng chính kiến chưa gây nguy hại cụ thể nào đã bị bắt giam, các bloggers mất việc, 1 tờ báo du lịch khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa bị đình bản và khi bạn thử đứng trong lớp hỏi về Hoàng Sa, Trường Sa thì câu trả lời bạn nhận được là “Đây là vấn đề nhạy cảm không nên bàn tới.”? Bạn cảm thấy gì khi trong trường lớp bạn luôn được dạy là chế độ tư bản đang giãy chết bên bờ vực thẳm nhưng các nước tư bản vẫn đang phát triển giàu mạnh và các nước theo chế độ cộng sản đều đã sụp đổ ngày nay chỉ còn lại TQ, VN, Bắc Hàn, Cuba? Bạn cảm thấy gì khi chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Than và Khoáng sản, ông Đoàn Văn Kiểng, nói về dự án bauxite:“Lỗ hay lãi chỉ là dự đoán. Chúng tôi nói có lãi, các nhà khoa học bảo không. Khoa học và thực tế bao giờ cũng là 50:50. Vậy thì tốt nhất hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được. Thực tế sẽ trả lời.”? Bạn cảm thấy gì khi bạn du lịch sang nước khác và người ta chỉ nói “Ni hao” hoặc “Konnichiwa” với bạn? Bạn cảm thấy gì khi đọc tin công an đánh chết dân? Bạn nghĩ sao khi 1 ủy viên chi bộ tuyên bố “Hoàng Sa, Trường Sa là bãi hoang chim ỉa.”? Bạn cảm thấy gì khi đọc tin ngư dân bị hải quân TQ đánh cướp và giết chết, báo chí VN ban đầu chỉ nói là tàu lạ, rồi sau đó mới thừa nhận? Bạn cảm thấy gì về bài báo phân tích VN phải mất 175 năm để theo kịp Singapore, với điều kiện Singapore không phát triển? Bạn cảm thấy gì khi thử so sánh sự chênh lệch trong mức tiền thưởng Tết của 1 công nhân bình thường và 1 quan chức ở nước ta? Bạn cảm thấy gì và theo bạn vì nguyên do gì người VN luôn tìm cách ra khỏi nước dù phải chịu cực khổ và tủi nhục khi sang nước người bằng những con đường kết hôn với chồng Đài Loan, sang lao động tại Malaysia hay Đông Âu, hoặc du học và ở lại?…

Bạn nhìn thấy cả. Những bất công đang diễn ra và bạn nhìn thấy tất cả. Nhưng bạn đã lựa chọn: im lặng. Bạn im lặng vì những người khác im lặng. Bạn im lặng và bạn muốn mọi người đều im lặng. Bạn cũng muốn tôi phải im lặng. Bạn chất vấn tôi, hỏi tôi nhận bao nhiêu tiền để viết, và tại sao tôi phải viết khi tôi hoàn toàn có quyền quên đi và bắt đầu 1 cuộc sống mới tại nước khác, nhưng tôi tin bạn đã biết câu trả lời tại sao.

Joyce Anne Nguyen
Gần 1g sáng, 8/8/2010, Roma, Ý.
Viết tặng những người bạn trên facebook, những bloggers đang viết, đã ngừng viết và những bloggers sẽ bắt đầu viết.

Nguồn tiengnoitddc
Đọc thêm tntddc

Monday, August 23, 2010

Lê Thiệp


Nhớ Sư Ông Trí Hiền
Video kinhvulan

Tôi được tin Sư rời cõi trần mà lòng bâng khuâng khôn tả.

Bỗng đâu những ngày tỵ nạn ở Nhật bùng lên và hình ảnh Sư hiện lên rõ mồn một như mọi sự như mới xảy ra ngày hôm qua. Trại tỵ nạn Fusisawa nằm ngoại ô Ðông Kinh là một nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Một hôm, có một ông sư đến thăm. Sư dáng người nhỏ thó nhưng cung cách ăn nói và dáng điệu chĩnh chạc khiến anh em đều kính trọng. Sư mặc tăng bào Nhật và cho biết ông dù ăn mặc như một nhà sư Nhật, ông vẫn thuộc Giáo Hội Tăng Già Việt Nam . Tôi tò mò không hiểu tại sao khi một ông sư trong hoàn cảnh đó vẫn khăng khăng ngay từ lần gặp đầu tiên đã minh xác lập trường có vẻ hơi quá khích như vậy cho đến khi hiểu ông hơn thì mới vỡ lẽ.(Hình phải: Di ảnh cố Hòa Thượng Thích Trí Hiền, thường được môn đồ, Phật tử thân cận, gọi bằng “Sư Ông,” có dáng vóc ngày càng giống Tổ Vĩnh Nghiêm (Tổ Tuệ Tạng). (Hình: Ái Hữu Gia Ðình Phật Tử Vĩnh Nghiêm)

Sư Trí Hiền du học Nhật và là một trong họa hiếm tăng lữ Việt Nam kham nổi đời sống tu hành tại đất Nhật, trong đó phải nhắc đến thầy Tâm Giác và thầy Thanh Kiểm là những người đã không hổ thẹn là những nhà sư Việt Nam. Nói như vậy vì nhiều lý do. Những nhà tu Việt Nam, do lòng sùng bái của quần chúng Phật tử, thường sống một cuộc sống thoải mái về phương diện vật chất như ăn uống có người hầu kẻ hạ, tu hành thì không có những qui luật khắt khe. Từ đó có nhiều người đội lốt tu và coi chùa là nơi hưởng thụ.

Nhật Bản, tuy cùng là Ðại Thừa và ảnh hưởng rất nhiều Phật Giáo Trung Hoa, lại có bản sắc riêng khiến Phật Giáo, nhất là Thiền Tông và Hoa Nghiêm Tông của Nhật thoát ra và đứng riêng thành một nhánh Phật Giáo đầy màu sắc và cá tính Nhật, không trộn lẫn với Phật Giáo Trung Hoa. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chỉ là một cái bóng mờ ảo của Tàu và ngay cả khi chúng ta nói đến Thiền Việt Nam thì cũng không có chứng tích và văn bản cũng như thực tế nào cho thấy có một thiền Việt khác với những gì của Tàu.

Phái thiền được nhắc đến nhiều nhất là Trúc Lâm đời Trần và cuốn Thiền Uyển Tập Anh vẫn được các nhà tu và sử gia Việt coi là tinh hoa của Thiền Việt Nam. Nhưng những học giả có uy tín sau khi khảo sát và so sánh thì thấy toàn bộ sách là sao chép của Tàu và thê thảm hơn nữa là chắp nối đầu Ngô mình Sở vô cùng ngớ ngẩn. Tôi không tiện dẫn nơi đây về những khảo cứu này vì nó đi ngoài bài viết. Khi không có truyền thống được qui hoạch hóa, có nề nếp và nhất là quá trình chiến tranh loạn lạc liên miên trong suốt lịch sử Việt Nam khiến giáo hội Phật Giáo Việt Nam không thật sự có được một tổ chức có qui củ và một truyền thống được lưu truyền thế hệ này qua thế hệ khác như Trung Hoa và Nhật cùng một số các quốc gia theo Phật Giáo khác.

Nhìn lại kỹ thì thấy Phật Giáo Việt nổi nhất vẫn chỉ là Tịnh Ðộ Tông tức ăn chay niệm Phật. Nói như vậy không có nghĩa Tịnh Ðộ là xoàng là dở nhưng một nền Phật Giáo chỉ có Tịnh Ðộ thì có lẽ hơi hời hợt. Cộng vào đó là lòng mê tín dị đoan và lòng sùng kính nhà tu khiến những nhà tu (tôi không dám vơ đũa cả nắm) trở nên tự phụ, tự cho mình có những thẩm quyền vượt khỏi vị trí nhà tu và lạm dụng bộ áo nhà tu. Chúng ta có quá nhiều thí dụ không cần dẫn chứng. Khi Phật Giáo Việt Nam có những tu sĩ may mắn được du học Nhật, họ không quên được những đặc quyền đặc lợi ở quê nhà và vì vậy đa số không kham nổi đời sống tu thật sự như những người tu hành đích thực trong những chùa chiền hoặc giáo phái Nhật. Thức dậy từ năm giờ sáng công phu cho đến bảy giờ thì lao động thật sự và còn biết bao nhiêu bổn phận khác đến tận nửa đêm may ra mới được nằm xuống. Tóm lại, đi tu học ở Nhật cực kỳ vất vả và đôi khi còn vất vả hơn nữa vì là người ngoại quốc tiếng tăm ú ớ. Thế tại sao một ông sư được ưu đãi như Sư ngay trong môn phái của ông tại Nhật, trụ trì trong ngôi bảo tự cao quí nhất giữa Ðông Kinh lại khăng khăng phủ nhận thực tại và một lòng một dạ nhất định tuyên bố mình thuộc Tăng Già Bắc Việt Di Cư và thỉnh thoảng Sư lại khoác trên mình bộ áo nâu sồng như một nhắc nhở khôn nguôi?

Không hiểu có phải vì cách ăn nói khó chịu của tôi hay vì lẽ gì khác, khoảng hai ngày sau Sư lại đến thăm trại tỵ nạn và rủ tôi đi ra ngoài chơi. Không thể ngờ Sư lôi tôi ra quán rượu. Nhật có những quán rượu rất dễ thương chỉ bán sake và bia với một người bartender duy nhất và món nhậu là thịt gà hoặc thịt heo thái nhỏ sâu thành từng sâu nướng nhậu rất bắt. Thế là một buổi chiều Tháng Năm, một ông sư và một thuyền nhân ngồi khề khà trên hai chiếc đẩu nâng sake nóng chén Sư chén tôi.

Khung cảnh như vậy chắc chắn không thể có ở Việt Nam. Sư hỏi tôi rất nhiều điều về tình trạng Việt Nam sau 75. Tửu lượng Sư không khá, chỉ chiêu cỡ hai ba ly hạt mít và ăn uống thì nhỏ nhẹ nhưng những câu hỏi thì chính xác và đi thẳng vào vấn đề. Tôi vì mới từ Việt Nam ra lòng đầy phấn khích và có thể vì cái khung cảnh là lạ, tôi trở nên ba hoa nói năng có phần bi phẫn về đủ mọi vấn đề. Sư nghe, hỏi nhiều hơn nói và rồi cuối cùng Sư bảo: “Tôi cũng nghe nhiều nhưng hôm nay mới biết thêm về những gì đang xảy ra ở Sài Gòn. Âu cũng là cái nghiệp mà dân mình phải gánh.”

Trời Tháng Năm ở Ðông Kinh khá lạnh, nhất là đối với một kẻ mới từ xứ nhiệt đới như tôi. Trên con đường về và trong cái lành lạnh cuối Xuân, tôi hỏi một câu hết sức vô duyên: “Thế tu ở Nhật đi uống rượu ngoài quán không bị Phật tử mè nheo sao?” Sư bật cười bảo: “Nhật khác, Việt Nam khác, nhưng cái khác chỉ là bề ngoài. Ði tu có những ràng buộc nhưng cũng những thứ thật ra chẳng cần phải giữ. Quan trọng là ở cái tâm và định lực thôi. Phật có lúc ăn thịt trâu nhưng Phật vẫn là Phật phải không? Phật giáo Nhật phóng khoáng lắm nhưng cũng khắt khe lắm, phải ở trong mới biết, nhất là không thể nhìn họ bằng con mắt Việt Nam được.”

Ngày một ngày hai tôi biết đại cương về Sư và cái chữ khắt khe mà Sư đề cập đến một cách hững hờ trở nên một sự thật không chối cãi được. Khoảng vài tuần sau đó, Sư rủ tôi lên chùa nơi Sư trụ trì. Chùa nằm ngay giữa khu Sinjuku là nơi đô hội nhất của Tokyo, nơi một tấc đất có lẽ là chục nén vàng. Sư dẫn tôi vào và chỉ cho tôi coi những bảo vật trấn quốc được lưu trữ ngay trong chùa. Tôi đã rùng mình khi Sư vén màn lên và bên trong bàn thờ nhỏ sơn son thiếp vàng là một pho tượng xám đen của một cao tăng. Vị cao tăng đã ngồi thiền tự diệt bằng cách nhịn ăn từ từ cho đến lúc mỗi ngày chỉ ăn một hạt cơm. Ðó là phép khô thiền dùng lửa tam muội đốt hết để tự diệt. Pho tượng không được sơn phết và dáng ngồi của vị thiền sư vẫn uy nghi tự tại sau bao nhiêu trăm năm mà không hề bị hủy hoại.

Biết tôi ham uống rượu, Sư dẫn vào một căn phòng nhỏ bảo tôi muốn uống chai nào thì cứ tự nhiên vì “cả chùa chỉ có hai thầy trò, Lão Sư thì năm thì mười họa mới uống” còn Sư thì gần như không đụng đến rượu.

Tôi ngơ ngẩn trước cả trăm chai rượu quí do Phật tử tặng, và như chớp, lôi xuống một chai Martell cổ lùn năm sao. Sư mò xuống bếp lục lọi và đem ra một lô đồ khô như mực xé nhỏ, cá cơm khô và rất nhiều loại hột, như điều và những thứ lỉnh kỉnh khác, rồi dẫn tôi vào phòng riêng của Sư. Căn phòng sáu chiếu bề nang cỡ bốn thước bề dài cỡ sáu thước và trống trơn không có đồ đạc gì. Tôi và Sư ngồi bệt xuống và điều cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao hôm đó Sư uống như hũ chìm. Câu chuyện thì vẫn xoay quanh Việt Nam và vào khoảng hai giờ sáng thì chai rượu cạn. Tôi say mèm và tôi nghĩ Sư cũng say.

Tôi lăn ra, thiếp đi chưa bao lâu thì nghe lịch kịch. Sư đã thức dậy. Tôi mắt cay sè hỏi và Sư bảo bốn giờ sáng phải dậy để công phu. Tò mò, tôi cố gượng nhất định theo Sư công phu buổi sáng. Khi lên đến chính điện thì thấy một vị sư già đã ngồi đó. Sư không nói năng gì, lui cui lo đốt đèn và nhang khói xong, quỳ phía sau. Hai vị sư bắt đầu tụng kinh. Âm thanh Nhật ngữ lạ lẫm nhưng chỉ một lúc sau tôi nghe danh hiệu các đức Phật có lẽ từ Hán tự, như Ðại Thế Chí Bồ Tát, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát & nhất là A Di Ðà Phật và tôi cũng lẩm nhẩm đọc theo. Chắc vì thế, sau khi tụng xong nhà sư già quay xuống nhìn tôi gật gật có vẻ hài lòng. Sư nói với tôi: “Bây giờ ông về phòng nghỉ đi vì tôi với Lão Sư còn phải làm việc.” Cái mà Sư nói là phải làm việc giản dị lắm. Hai ông sư, một già lụ khụ, một cũng đã trung niên, còng lưng xuống lau sàn. Chùa rộng mênh mông và tôi cũng lăn lưng cố theo. Hỡi ơi, sau một trận nhậu mờ người, khi cùng hai ông sư lau từ trong ra ngoài ngôi chùa, tôi thở dốc muốn gục ngay tại chỗ. Lúc đó trời bắt đầu hửng sáng, tôi tưởng xong nhưng chưa. Hai ông, mỗi người một cái cào thưa ra sau chùa bắt đầu cào vườn thiền.

Tôi đã đọc và hơi biết về vụ này nhưng không dám can dự. Hai thửa vườn toàn cát mịn trắng phau có lẽ đã được cào từ hôm trước vẫn còn những vết như những đợt sóng vòng từ trong ra ngoài lác đác có vài cái lá rụng đâu đó. Vị sư già chân trần bước vào vừa đi vừa khoa vừa hất khiến cái vườn cát như vừa bị tụi nhỏ chơi đùa tung tóe lên. Lão Sư và Sư nhẹ nhàng bước vào vườn cát. Tôi tò mò đứng nhìn. Vườn cát trắng phau lấp lánh phản chiếu ánh ban mai và hai thầy trò rất chậm rãi cào. Chắc cũng cả tiếng đồng hồ sau đó vườn bỗng có sắc thái khác hẳn. Những đợt sóng cát li ti mịn màng vây quanh những tảng đá và thật sự tôi thấy như lòng mình cũng dịu đi trước công trình giản dị nhưng đầy thiền tính. Công việc xem ra dễ nhưng là cả một dụng tâm vì cào cát sao cho cả một vườn như một quần thể hợp nhất không có gì có thể xen vào được. Tôi thấy hai thầy trò Sư mồ hôi nhễ nhại và chợt hiểu cái dụng tâm chuyên chú vào công việc khó khăn đến mức nào.

Lão Sư ung dung chậm rãi đến chiếc bàn đá cạnh đó và Sư ra hiệu. Tôi lẳng lặng ngồi đối diện với nhà sư già sau khi chắp tay bái. Lão Sư chỉ cười không nói năng gì. Ðó là ông già đầu nhẵn thín hai hàng lông mi rủ xuống nhưng đầy vẻ quắc thước. Sư từ trong bếp đem ra một ấm trà rất lớn và ba cái ly bằng sành khá to. Sư nghiêng bình trà rót từ trên cao vào ly trà sủi bọt. Tôi vốn đọc và loáng thoáng hiểu về trà đạo, những tưởng sắp được thưởng thức nhưng không phải như vậy. Hai vị sư uống ừng ực rất nhanh. Tôi lanh trí làm theo. Trà nhạt thếch có lẫn vị gạo rang. Và đến ly cối thứ hai thì tôi thấy tỉnh hẳn, mọi mệt nhọc từ tinh mơ sáng như dứt hẳn. Mãi sau này khi đã sống ở Nhật đủ lâu, tôi mới hiểu cái gọi là trà đạo chỉ là một biểu tượng văn hóa và không phải người Nhật nào cũng có cơ hội để tham dự một buổi trà đạo. Người Nhật bình thường uống trà hàng ngày và trà được pha lẫn với gạo rang, uống vừa giải khát vừa giúp tiêu hóa.

Lão Sư nói gì đó và Sư cười hỏi tôi “Ðói chưa.” Tôi gật và ba chúng tôi đi vào bếp. Một mâm cơm bày trên bàn và tôi quan sát. Ba bát cơm, ba chén miso và hai dĩa thức ăn gồm đậu phụ và cá cơm chiên giòn cùng với một thố rau luộc. Sư bảo tôi: “Chùa ăn hai bữa sáng và tối, không cao lương mĩ vị gì, ông mà phát Bồ Ðề Tâm đi tu thì chỉ có thế này thôi.” Bụng đói như cào, tôi ngấu nghiến lùa một hơi hai bát cơm. Lão Sư nhìn tôi cười hài lòng. Vậy đó, tôi làm quen với nếp sống của Sư và dần dần tôi hiểu Sư hơn.

Giữa lúc đó, có tin Thứ Trưởng Ngoại Giao Phan Hiền của Cộng Sản thăm Nhật với ý đồ xin viện trợ. Anh em thuyền nhân ở trại Fusisawa bàn nhau toan tính biểu tình phản đối. Chúng tôi vừa đến Nhật chưa quá hai tháng, đường đi lối lại chưa thông, ngôn ngữ thì mù tịt, không hiểu gì về đất Nhật làm sao biểu tình. Một số anh em sinh viên Việt Nam còn hiện diện ở đây cho hay chưa hề có vụ người Việt Nam đi biểu tình và nếu lại là thuyền nhân thì e gặp nhiều trở ngại trong vấn đề định cư. Tôi liên lạc với nhóm anh em sinh viên Người Việt Tự Do và Ngô Chi Dũng đồng ý rằng rất khó khăn nhưng anh bảo tôi thử liên lạc với Sư Trí Hiền hỏi xem sao.

Khi được tham khảo, Sư trầm ngâm và nhỏ nhẹ: “Nhật là quốc gia dân chủ, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến và nguyện vọng, miễn là không bạo động và vi phạm luật pháp thì không ai có quyền cấm cản. Nếu anh em định biểu tình thì tôi sẵn sàng tham dự.”

Khi được biết thuyền nhân toan tính biểu tình, Ma Seour trưởng trại và một viên chức của Liên Hiệp Quốc đặc trách tỵ nạn đã đến trại cảnh cáo thuyền nhân không được quyền làm chính trị. Chúng tôi ngơ ngẩn không lối thoát thì Sư cố vấn: “Anh em cứ thông báo cho họ rằng chúng ta không làm chính trị vì việc làm của anh em không xen vào nội bộ của chính trị Nhật. Anh em không ủng hộ hay chống đối một khuynh hướng chính trị nào của Nhật mà chỉ đấu tranh cho nhân quyền của Việt Nam. Hễ họ tìm cách ngăn thì tôi sẽ dẫn anh em đến tuyệt thực trước trụ sở LHQ.” Chúng tôi theo lời cố vấn của Sư và quả nhiên các viên chức này im tiếng. Ngạc nhiên thay, tất cả anh em sinh viên khi nghe có cụ Trí Hiền thì đều xả lưng giúp cho cuộc biểu tình, tình nguyện dẫn đường chỉ lối và lo những vụ bên lề như đồ ăn thức uống và cả dụng cụ cứu thương. Ðây là cuộc xuống đường đầu tiên của thuyền nhân Việt Nam và phải ghi nhận đó là bước đầu để sinh hoạt của người Việt tại Nhật bùng nổ và tổ chức Người Việt Tự Do đã đóng vai trò tích cực nhất.

Cuộc biểu tình chỉ với 48 người, kể cả trẻ con, nhưng chính cái gương cam đảm của Sư đã khiến ai nấy bỏ mọi sợ hãi lo lắng cho số phận tỵ nạn hăng hái tham gia. Khi hai viên cảnh sát Nhật to lớn kẹp Sư vào giữa nhắc bổng Sư lên như một con nhái thì thuyền nhân la ó nằm vật ra, hò hét phản đối

Sau này Sư luôn luôn có mặt và sát cánh cùng mọi người trong mọi sinh hoạt chung và chính cái thái độ tự tại của một thiền sư đã chinh phục mọi người. Sư cho hay, vì thuộc Tăng Già Bắc Việt Di Cư, Sư đã quyết định tu theo Lâm Tế và tu học tại một thiền viện của Nhật ròng rã trong nhiều năm trời. Sư kể khá nhiều chuyện về thiền viện và lúc nào cũng băn khoăn về tương lai của Giáo Hội Việt Nam: “Khó lắm vì mình thiếu hẳn truyền thống và định chế được qui hoạch hóa và truyền từ đời này qua đời khác. Tôi nhớ khi từ trạm xe lửa xuống thì gặp một anh người Nhật cũng trọc đầu như tôi và được biết anh chàng cũng trên con đường nhập tu. Hai đứa hàn huyên vui vẻ và ngay khi đến trước cổng thiền viện chừng vài chục bước anh ta bỗng chạy thật nhanh và khi tôi bước vào cổng thì anh ta cười khì khì bảo theo qui luật thì kẻ nào vào chùa trước là sư huynh. Từ đó cho đến chết trong hoàn cảnh nào tôi vẫn phải coi vị sư đồng tu này là sư huynh. Câu chuyện có vẻ khôi hài này thực ra tiềm ẩn một điều quan trọng hơn là cái truyền thống được nâng niu bảo trì tuân thủ đời này qua đời khác mà Phật Giáo Việt Nam e còn thiếu.”

Phật Giáo Nhật đã có một biến chuyển trọng đại vào khoảng giữa thế kỷ 19 khi Nhật phải đương đầu với sức ép của Tây Phương và đòi hỏi của Thiên Chúa Giáo phải được quyền truyền đạo. Triều đình Nhật đã ra lệnh tất cả các gia đình Nhật phải đăng ký và trực thuộc vào một ngôi chùa, và bài vị tổ tiên cũng phải được thờ trong các chùa chiền. Biện pháp này cho thấy tại sao ngày nay ở Nhật, Thiên Chúa Giáo chiếm không quá 1% dân số. Biến chuyển thứ hai là các tu sĩ không cần theo lề lối đại thừa Trung Hoa, họ ăn mặn và có quyền lập gia đình. Tu sĩ được các làng mạc hoặc giáo phái chu cấp để sống. Phải chăng chính vì thế đời sống của tu sĩ Nhật quân bằng hơn? Nhưng cũng có một vài biệt lệ như phái của Sư. Tôi hỏi tại sao các tu sĩ Nhật không cạo đầu và có gia đình trong khi Lão Sư và Sư lại trọc lóc sống độc thân, Sư nói đó là truyền thống của phái Thiền Tôn Lâm Tế, chi phái duy nhất vẫn giữ những qui luật tự xưa.

Sư ít khi đề cập đến đời sống riêng vì đã cạo đầu thì những chuyện vụn vặt đó đâu có đáng phải bận tâm. Những chắp nối trong câu chuyện thì Sư xuất gia từ nhỏ tại chùa Quảng Bá và tu học tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Hiệp Ðịnh Geneve chặt đôi Việt Nam và Sư được Hòa Thượng Tố Liên bảo phải đi Nam. Sư lúc đó mới 17 tuổi, tu và sống tại chùa Giác Minh cho đến 1963 với biến cố Phật Giáo làm thay đổi hẳn Miền Nam. Sư nói: Thật là cơ hội bằng vàng cho Phật Giáo Việt Nam nhưng các cụ nhà mình không biết nắm lấy. Nhìn lại thì có nhiều lý do như địa phương tính, nạn bè phái, như cái ngã quá to nhưng tổng quát hơn vẫn là thiếu tổ chức, thiếu truyền thống khiến lại chia năm xẻ bảy, thật đáng buồn.

Sư luôn luôn dùng chữ “Các Cụ Nhà Mình” một cách thân ái khi đề cập đến Phật Giáo Việt Nam. Sư được học bổng đi Nhật và: “Dù biết trước, vẫn không lường được những khó khăn phải vượt qua.” Sau một thời gian trau giồi tiếng Nhật, Sư vào tu tại thiền viện Tokai Ji, một thiền viện nổi tiếng khắt khe. Ðây là thời gian tu học vô cùng gay go khổ nhọc. Mỗi ngày, Sư phải hành cước khất thực, phải lao động đúng như lời “Bất Tác Bất Thực,” phải thiền, rồi còn phải học ở đại học bên ngoài đến nỗi mỗi ngày chỉ ngủ độ bốn tiếng. Có lần Sư hỏi tôi: “Ông có biết tại sao người tôi lệch không?” Tôi phì cười nghĩ đến kiếm hiệp và đùa: “Tẩu hỏa nhập ma.” Sư cũng cười nói: “Ðúng. Tôi bị lệch người vì căn bản thiền của tôi tự mò mẫm khi còn trẻ ở Việt Nam khiến ra như vậy. Sang Nhật, dù có minh sư dìu dắt, cái cố tật vẫn không chừa được. Chính vì thế tôi phải cố gắng hơn các vị đồng tu để tiến kịp họ.”

Ðiều mà Sư không hay nói đến là Sư đã chiếm được lòng kính trọng của toàn bộ phái thiền Thiền Tôn của Nhật. Ngay tại thiền viện Rinzai Di, Sư đảm nhiệm chức Tri Khách Tăng rồi Quản Trị Thiền Viện và đồng thời đắc cử vào Hội Ðồng Nghị Viên của tăng đường Trúc Lâm. Sư là người ngoại quốc lại không có tăng tịch Nhật và đây là trường hợp duy nhất đã xảy ra và vinh dự này ít khi Sư đề cập đến.

Cái lấn cấn nhất của Sư có lẽ là vấn đề tăng tịch. Vị Lão Sư và hầu như toàn môn phái luôn luôn nhắc nhở và hối thúc Sư nhập tăng tịch Nhật với cái ý định để Sư kế thừa Lão Sư trông nom tổ đình Ðông Hải, và sau đó có thể sẽ quán xuyến môn phái. Sư cứ lắc và khất lần cho đến 1975. Sư tâm sự cho đến lúc đó Sư vẫn băn khoăn trước chọn lựa hoặc sống luôn ở Nhật hoặc trở về Việt Nam. Sư nói: “Ông biết đâu chả là đất Phật. Thằng Trí Hiền này là sư ở Nhật hay Việt Nam thì vẫn là thằng Trí Hiền chưa vượt qua cái ải lớn nhất của người tu thiền. Vẫn phải tu, vẫn phải học. Ở Nhật điều kiện tu học, sách vở đầy rẫy và nhất là có nhiều cao tăng để cầu đạo. Nhưng thằng Trí Hiền này còn nợ Việt Nam, còn các cụ nhà mình bên nhà đang lao đao cần đến nó. Thế ông bảo tôi tính sao bây giờ?”

Chính những gì xẩy ra ở Việt Nam và phòng trào vượt biên đã khiến Sư có chọn lựa dứt khoát. Sư từ chức, rời Shizuoka trở về Ðông Kinh sống. Nhưng Lão Sư vẫn nuôi hy vọng Sư đổi ý, nhất là nay Sư không cách gì trở về Việt Nam nữa. Sư cười, kể: “Một hôm, Lão Sư cho hay nếu tôi đổi tăng tịch thì ngài sẽ tháo khoán tất cả ngân khoản trong ngân hàng trao lại cho tôi cũng như nội nhật trong ngày sẽ tấn phong tôi thành Trụ Trị ngôi bảo tự này. Tôi không hề biết ngay khi bước vào cổng thiền viện Tokai là tôi đã được hưởng trợ cấp, hay gọi là lương cũng được. Số tiền đó họ bỏ vào ngân hàng có lời. Ông có biết sau hơn chục năm số tiền lãi mẹ đẻ lãi con lên đến bao nhiêu không? Hai trăm ngàn đô la chưa kể các tài khoản khác tổng cộng lên đến gần bốn trăm ngàn.”

Thật là một chuyện đáng ngạc nhiên đến độ tôi trợn tròn mắt la oai oái: “Trời đất. Sư nhận đi chứ. Tu thiền là phá chấp. Sư Nhật, sư Việt, Sư vẫn là Sư, nhưng là sư Việt thì khố rách áo ôm. Với bốn trăm ngàn đô la làm được khối việc Sư ơi!”

Sư trầm ngâm, lắc đầu:

- Ðâu có thể thế được. Còn các cụ nhà mình nữa. Ðâu có thể thế được.

Vốn hay tếu, tôi bàn:

- Sư cứ thay tăng tịch rồi ít lâu sau vân du sang Mỹ. Tôi sẽ bàn với sư Giang, sư Dục, mỗi người một bên làm hộ pháp. Hai ông này to con tốt tướng, nhiều oai nghi bề ngoài. Tôi sẽ là phát ngôn viên. Chỉ vài tháng thầy trò mình kiếm khối tiền. Có tiền mua tiên cũng được, mình dùng tiền đó lo Phật sự và Việt Nam có phải hay không.

Sư nhìn tôi như một quái vật và sau một lúc thở dài:

- Ðâu có thể thế được. Ðâu có thể thế được.

Tôi rời khỏi trại tỵ nạn Fusisawa đần năm 1979 thì độ sáu tháng sau có điện thoại của Sư. Từ vùng New England, tôi tất tưởi xuống thăm Sư tại chùa đường 16 thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Tay bắt mặt mừng và khi thấy Sư quần lá tọa áo cánh màu xanh nhạt tôi cười ngất: “A ha, thế là Sư Trí Hiền nay lại thuộc Tăng Già Bắc Việt như mấy chục năm về trước ở Quán Sứ Hà Nội với Hòa Thượng Tố Liên.” Sư cười, dắt tay tôi vào phòng, chỉ một tấm ảnh đã cũ phóng lớn chụp chùa Quán Sứ và nói: “Ðây là cụ Tố Liên, còn đây là tôi, ông có nhận ra không. Thế mà hơn ba chục năm rồi.”

Nợ áo cơm khiến tôi lang thang hết nơi này đến nơi khác và xa hẳn Sư. Tôi loáng thoáng biết Sư dựng chùa ở Dallas cho đến cách đây hơn một năm mới có cơ duyên gặp lại Sư. Ngôi chùa mông mênh chính điện nguy nga và cây cỏ hoa lá tưng bừng nhưng Sư Trí Hiền của tôi thì xem ra nhỏ thó hom hem hơn xưa. Câu nói đầu tiên của Sư phần nào phản ánh nỗi cô đơn của Sư: “Ông về đây tôi giao hết chùa cho ông.”

Tình trạng sức khỏe của Sư suy sụp thấy rõ và nhất là cố tật hút thuốc lá liên miên và ăn uống thất thường khiến Sư trông sọm hẳn đi. Tôi nhìn Sư và nghĩ cái gì đã xảy ra thì thế nào rồi cũng sẽ lặp lại. Khi Lão Sư muốn truyền thừa cho Sư để coi sóc Lâm Tế Thiền Tôn thì nay chắc Sư cũng thấp thỏm tìm người kế tục. Sư mất đi nhưng liệu có một Trí Hiền thứ hai dám từ khước gần nửa triệu đô la cùng chức chưởng môn một giáo phái lâu đời của Phật Giáo Nhật chỉ vì vẫn muốn là một ông sư của Tăng Già Bắc Việt Di Cư?

Lê Thiệp
Nguồn nguoi-viet
Đọc thêm: phattu - quangduc

Sunday, August 22, 2010

Ca sĩ Minh Trang


"Ðêm tàn Bến Ngự"
Ðiếu văn Cố Danh Ca Minh Trang
Video minhtrang - sbtn
demtanbenngu

Ðêm tàn Bến Ngự.
Ðêm tàn Bến Ngự đi về đâu!
Danh ca Minh Trang đứng hàng đầu

Bà kể lại Ðêm tàn Bến Ngự
Bản nhạc Tình ghi lại đời sau.
Bản nhạc tình “Ðêm tàn Bến Ngự”
Dòng họ Dương bất hủ lừng danh
Khéo vẽ lên như một bức tranh
Dương Thiệu Tước không bao giờ phai nhạt
Ba tháng ngự đò mới sáng tác
Ðêm tàn Bến Ngự! Ði về đâu?
Trăng khuya chênh lệch bên lầu
Thuyền neo bến gió, ru nhau đi tìm
Nam ai ấp ủ trong tim
Mảnh đôi lưu lạc cánh chim giang hồ
Nam ai ơi! Ðây bên mơ,
Nhìn trăng, trang khuất bên bờ Phi lao
Họ Dương, Bến Ngự ước ao
Viết lên bản nhạc đi vào thi ca
Ðêm buồn lặng lẽ xót xa
Miền Trung xứ Huế đây là trái tim.

Kính điếu,


Tô Sơn Nguyễn Tri

Cước chú: Vào một đêm nào đó, tôi có nghe thoang thoảng bên tai, anh Phạm Long đài Little Saigon phỏng vấn danh ca Minh Trang bản Ðêm Tàn Bến Ngự, do cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác rất phong phú, buồn muôn thủa. Cố nhạc sĩ phải ngủ đò ba tháng.
Hình phải:Hình nữ danh ca Minh Trang chụp khoảng thập niên 50 (1950)


Nguồn nguoi-viet
Đọc thêm
calitoday - nguoivietboston - huyphuong

Saturday, August 21, 2010

Nguyễn Thanh Khiết


Thăm mồ bạn cũ
Video Truydieu

Tao rót cho mầy nửa ly thôi
Để nửa kia tế cáo đất trời
Tế thiên hạ, tế người cùng giống
Tế tao, tế mầy, tế núi sông
Tao nhớ cái ngày ta thua trận
Giặc đuổi sau lưng, pháo nổ bầy
Một cái poncho gói mầy giữa núi
Đất đấp vội vàng lộ cả thây
Ngày nầy năm đó mầy chết trận
Năm đó ngày nầy tao kẻ thua
Nát áo về thành, thành đã mất
Nhục rửa làm dơ mấy cảnh chùa
Uống đi mầy uống nửa ly thôi
Chia với tao những đắng cay nầy
Mấy mươi năm, cái đời cơm áo
Tao sống còn, nửa tỉnh nửa say
Chỉ tội thân mầy nằm ở đây
Mả lệch mồ xiêu đã bao ngày
Tấm bia vỏn vẹn hai cây chéo
Nợ nước thù nhà trả hai tay
Thì cứ nằm đây như lúc xưa
Mặc núi, mặc rừng, mặc gió mưa
Mặc nước mặc non thay tên chủ
Mặc cho trăm họ sống như thừa
Tao rót thêm mầy nửa ly sau
Rải nửa ly nói với núi rừng
Bên mồ người trẻ xưa chết trận
Bạn cũ về thăm dòng lệ rưng
Mai mốt nầy nếu có cơ may
Tao đưa mầy lên chỗ gần mây
Có biển xanh, gió lùa vách đá
Mặt trời lên rực rỡ ngày ngày
Mầy sẽ thấy bên kia phía biển
Đông lắm bạn bè bỏ xứ đi
Đứa giống con hoang, xin giữa chợ
Thằng như ở chực chẳng ra gì
Thôi kệ, nằm đây giữ dùm tao
Một cái giang sơn thấm máu đào
Một lá cờ vàng ba sọc đỏ
Mấy đời vì nó, mấy đời đau .

Nguyễn Thanh Khiết
04-09
Nguồn hungviet

Phạm Văn Tiền


Cuộc hành quân Cửa Việt 1973

Trong khi đang giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, tôi được lệnh thuyên chuyển về làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến vào giữa tháng 11 năm 1972, đang lúc đơn vị đang hành quân. Tôi thay thế Đại úy Phước, còn Trung tá Nguyễn Đằng Tống thay thế Trung tá Tiểu đoàn trưởng Trần Xuân Quang. Đây là một sự thay đổi khá bất ngờ và chẳng có gì hấp dẫn đối với tôi. Lẽ dĩ nhiên khi thượng cấp đã quyết định thì có tính toán kỹ lưỡng rồi. Tôi chẳng bao giờ thích xáo trộn trong cuộc sống thường ngày, nhất là phải rời xa đơn vị Trâu Điên mến yêu, nơi mà tôi đã có quá nhiều kỷ niệm cùng đồng đội, thuộc cấp trong suốt 8 năm liền, kể từ lúc mới ra trường. Tôi mến và yêu thương những người lính thuộc Trung đội đầu tiên của tôi biết bao. Chúng tôi đã cùng thề sống chết có nhau, chia ngọt xẻ bùi, chịu đói chịu khổ trong những giờ phút sinh tử nhất của chiến trường… Và cuộc chiến thì thật tàn khốc, nó đào thải và gạn lọc cuộc sống, may mắn còn lại thật hiếm hoi và hao mòn từng ngày một. Thôi, đã là lệnh thì cứ phải thi hành.


Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến đang nằm trên chạm tuyến Long Quang, cực Bắc về hướng Đông, sát bờ biển Gia Đẳng. Nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng bình thường hóa những sự việc đã xảy ra cho đơn vị này suốt tháng nay: tổn thất và tinh thần không được khả quan lắm. Vượt ra ngoài những lo lắng bâng quơ lúc đầu, tôi đã không mấy khó khăn để làm quen với đơn vị mới. Địch vẫn pháo kích mãnh liệt và thường xuyên vào vị trí Tiểu đoàn nhưng bù lại các pháo đội cơ hữu của ta cũng yểm trợ phản pháo thật hết mình. Nơi địa đạo, dưới hố sâu… các chiến sĩ Kình Ngư luôn ghì chặt tay súng chờ địch từng giờ, từng phút trong rét mướt của những cơn mưa dầm tầm tả của mùa giông bão nơi vùng địa đầu giới tuyến.

Hệ thống phòng thủ và nhân sự được tổ chức lại, tăng cường thêm. Chúng tôi có mặt thường xuyên với binh sĩ trên tuyến đầu, cùng các Đại đội trưởng bàn bạc kế hoạch, dự trù mọi tình huống có thể xảy ra… Địch lại ra sức mở cuộc tấn công mới, nhưng nhờ có chuẩn bị chu đáo cùng sự yểm trợ hữu hiệu của pháo binh, các chi đội chiến xa tăng phái, và nhất là lòng quyết tâm cao độ của các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến nên chiến thắng đã về với đơn vị. Hơn 4O vũ khí các loại bị ta tịch thu và nhiều xác địch nằm ngổn ngang quanh vị trí phòng thủ.

Tiểu đoàn được lệnh lui về Hương Điền để nghỉ dưỡng quân, tái trang bị sẵn sàng cho cuộc hành quân kế tiếp. Đại úy Dương Công Phó của Tiểu đoàn 5, sau khi mãn khóa học Đại đội trưởng, được bổ sung làm Đại đội trưởng Đại đội 1, thay thế Trung úy Xuân đang xử lý thường vụ. Đại úy Nguyễn Trí Nam từ Trung tâm Huấn luyện về làm Trưởng ban 3, bên cạnh các Đại đội trưởng cũ như: Trung úy Dương Tấn Tước của Đại đội 4, Đại đội 3 Trung úy Mai Văn Hiếu, Đại đội 2 Trung úy Ngô Hữu Đức, Trung uý Trần Kim Tài Đại đội chỉ huy. Họ là những cấp chỉ huy trẻ, độc thân, gan dạ, tận tụy hết lòng với đơn vị và thuộc cấp. Trừ “sao mai” Tài là Thủ Đức, còn tất cả đều xuất thân từ quân trường Đà Lạt như tôi và Trung tá Tống, Tiểu đoàn trưởng. Chúng tôi đã sống với nhau trong tình “Huynh đệ chi binh” đậm đà và đáng quý vô cùng.

Đơn vị lại được lệnh lên đường với cuộc Hành Quân Tiến Chiếm Cửa Việt. Đây là cuộc hành quân đặc biệt nhằm mục đích dùng quân sự để hổ tương chính trị. Ngoài vũ khí đạn dược được trang bị, mỗi người lính phải mang thêm trong ba lô 5 lá cờ để sẵn sàng cắm lên vị trí vừa chiếm được. Tôi đã từng có mặt trong những ngày nóng bỏng của cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào, tôi đã hiện diện suốt tất cả các cuộc hành quân Sóng Thần 1972 nhằm tái chiếm Quảng Trị … mà sự tiến quân nhanh hay chậm còn phải tùy thuộc vào tình hình, địa thế mỗi nơi. Còn đây là cuộc hành quân Thần Tốc, thời gian được ấn định thật chi ly, từng giây phút một vì nó cần thiết cho Hiệp định Quốc tế. Chỉ vỏn vẹn 24 giờ đồng hồ, từ 7 giờ sáng 27/1 đến 8 giờ sáng ngày 28/1/73. Bằng mọi cách, các đơn vị tham chiến phải thanh toán cho xong mục tiêu, trên một địa thế toàn là đồi cát trắng, dày đặc chốt địch và mìn bẫy.

Tham dự cuộc hành quân này là lực lượng đặc nhiệm Tango do Đại tá Nguyễn Thành Trí, Tư lệnh phó chỉ huy. Gồm các Tiểu đoàn 2 và 4, sau đó được tăng cường thêm 3 Đại đội của Tiểu đoàn 9 cùng 1 Đại đội của Tiểu đoàn 5 làm Nổ Lực Chính. Cả 3 Tiểu đoàn Pháo binh cơ hữu của Thủy Quân Lục Chiến và 1 Thiết đoàn 2O chiến xa, được tăng phái để yểm trợ cuộc hành quân. Tôi, Tiểu đoàn phó cùng phối hợp chỉ huy với Thiếu tá Hoàng Kiều, Thiết đoàn phó, tại tuyến xuất phát. Mục tiêu chính là phải lấy lại cho bằng được căn cứ Hải quân mà ta bỏ lại sau trận chiến 1972, nằm trên cửa khẩu của nhánh sông Hiếu Giang, chảy từ Đông Hà về biển Đông, cách chúng tôi khoảng 12 km đường chim bay.

Pháo binh đã cày nát mục tiêu 3O phút trước giờ G ấn định, chiến xa M.48, M.41 với hỏa lực thật hùng hậu xung kích đồng loạt cùng các Đại đội Bộ binh tùng thiết trên các chiến xa M.113. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hành quân của Thủy Quân Lục Chiến, ta dùng chiến thuật “biển người”, tràn ngập, phủ đầu địch. Bị đánh bất ngờ, địch tháo chạy, bung tuyến… ta bắt sống khoảng 6O tù binh với toàn vẹn vũ khí. ở sườn trái, về phía Tây, Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến vẫn tiến quân, nhưng có phần chậm hơn vì phải vượt qua những khoảng trống không an toàn.

Bị thua đau, địch tăng viện thêm một Trung đoàn, cùng chiến xa PT.54 và PT.59, đồng loạt phản công vào quân ta. Đã có vài chiến xa M.48 và M.41 của ta bị hư hại tại chỗ vì trúng phải hỏa tiễn tầm nhiệt AT.3 cùng nhiều thương binh cần được di tản về tuyến sau. Đúng 8 giờ đêm cùng ngày, ta chỉ mới nuốt được có nửa đoạn đường, với số tổn thất đáng kể nhưng vẫn phải tiếp tục nuốt tiếp đoạn đường còn lại. Tôi được lệnh để 2 Đại đội 3 và 4 bám chặt những vị trí vừa chiếm giữ, rồi cùng Đại đội 2 của Đại úy Đức lui về tuyến sau nhận lệnh mới.

Bộ Chỉ huy Hành quân quyết định tăng phái thêm Đại đội 2 của Đại úy Từ Đức Thọ và Đại đội 4 của Đại úy Trần Đình Công, thuộc Tiểu đoàn 2 dưới quyền chỉ huy của tôi cùng phối hợp với các chi đoàn chiến xa còn lại của Thiết đoàn 2O. Kế hoạch mới lại là một cuộc hành quân chớp nhoáng, nhị thức Bộ binh – Thiết giáp, nhằm thẳng tiến về hướng Bắc, dọc theo bờ biển mà không còn phải lo sợ cản trở bởi bất cứ ổ kháng cự nào. Đây là một cuộc hành quân liều lĩnh vì sườn trái của ta bị hỗng hoàn toàn… Lại tạo thêm một bất ngờ mới, ta di chuyển ào ạt hơn, vì không thể đoán biết được ý định của ta nên địch trở tay không kịp. Đúng 7 giờ 58 phút sáng ngày 28/1/1973 nghĩa là trước giờ Lệnh Ngưng Bắn có hiệu lực chỉ có 2 phút, quân ta đã làm chủ tình hình !

Các Chi đoàn trưởng Đại úy Xứng và Đại úy Lê Nam cùng tất cả các chiến sĩ Cọp Biển tham dự hành quân đã hoàn tất nhiệm vụ một cách xuất sắc: Cả rừng cờ Việt Nam Cộng Hòa đã ngạo nghễ tung bay trước gió, trên vùng trời Cửa Việt. Về phía địch, cờ “Mặt trận giải phóng miền Nam” cũng được trương lên ở các vị trí mà họ chiếm giữ.

Lần đầu tiên, cả tháng qua mới có ngày nắng ấm như hôm ấy. Bầu trời trong với những tia nắng đẹp lung linh chiếu vào mặt biển, hòa cùng những cơn sóng đập ì ạch vào bờ như tiếng vỗ tay nhịp nhàng đón chào một ngày hòa bình mới ! Binh sĩ ta và địch đã quên đi lệnh CẤM tiếp xúc, cùng ôm nhau hoan hô hòa bình. Thôi, không còn chiến tranh khốc liệt tương tàn, họ mời nhau từng điếu thuốc, bao gạo sấy, thẻ lương khô, viết cho những chữ ký lưu niệm chiến trường… Cả hai bên, đã có nhiều người khóc, những giọt nước mắt dành cho bạn bè, đồng đội đã ngã xuống hôm qua. Trong những giờ phút cuối cùng này, mãi tận Paris, nơi cách xa hơn nửa vòng trái đất, một Hiệp Định đã được ký kết và đã có hiệu lực với chúng tôi, tiếng súng đã ngừng nổ!

Rồi có lệnh cho chúng tôi tiếp tế, tải thương, tái trang bị lại càng nhanh càng tốt, phải đề cao cảnh giác hơn bao giờ hết. Họ, những tên Cộng sản đầu nảo hiếu chiến đã lợi dụng ngưng bắn để tấn công. Bài học Tết Mậu Thân đẫm máu và biết bao vụ vi phạm đã xãy ra trong quá khứ lại tái diễn, làm sao có thể tin được họ !

Lệnh cấm tiếp xúc với địch lần này được áp dụng gắt gao hơn, có lẽ về phía địch cũng thế, họ đã biến mất tự lúc nào và đã có loa tuyên truyền lên án ta vi phạm ngưng bắn ! Tình hình có chiều hướng căng thẳng ngay vào chiều hôm đó. Đến 9 giờ đêm cùng ngày, địch tập trung quân bao vây và áp lực, Đại đội 2 của Đại úy Từ Đức Thọ phải rút ra khỏi vị trí đồn Hải quân mà ta đã chiếm được từ sáng sớm. Để bảo toàn lực lượng và chờ đợi sự can thiệp của ủy ban Liên hiệp Kiểm soát Đình chiến… nên ta có lệnh rút về phòng thủ với toàn bộ Chỉ huy nhẹ tại sát nách bờ biển gần cửa khẩu.

Địch lại bắt đầu pháo kích, đe dọa tấn công ta. Chúng tôi được lệnh tự chống trả mà không có yểm trợ. Các pháo đội Pháo binh ta sẵn sàng trực chỉ nổ súng… nhưng không được lệnh. Tàu chiến Hải quân Việt Nam lảng vảng ngoài khơi mà chẳng có một sự can thiệp nào !

Sáng sớm ngày 31/1/73 sau hơn 3 ngày nằm đêm nằm phòng thủ tại chỗ chịu trận, chúng tôi như những võ sĩ bị trói chặt tay bỏ lên sàn đánh. Mặc cho địch thủ tung hoành tới tấp mà chỉ có khả năng cựa quậy để tránh đòn đau. Cục đường khi đã nằm trên miệng ổ kiến thì cứ thế mà hao mòn dần ! Không còn gì nữa để mà trông chờ sự xuất hiện của những người điều hành trong ủy ban Liên hợp Quân sự Quốc tế. Các ủy viên thừa hành của các nước Cộng sản đời nào chịu chấp nhận sự thua thiệt về phía họ. Còn chúng ta, những người yêu lý tưởng tự do, luôn tin tưởng vào nền công lý và luật pháp đã bị thua thiệt bởi trò chơi chính trị bỉ ổi này. Còn gì vô lý hơn khi ta bị ép ký vào một bản hiệp định chấp nhận sự hiện diện của bọn cướp ngay trên đất nước mình bằng giải pháp “da beo, da cọp”!

Địch đã rảnh tay, không còn vướng bận trên trận tuyến nào nên dồn hết lực lượng về đây: từ Bắc xuống, từ Tây sang, bọc hậu phía Nam . Nghĩa là chúng tôi bị bao vây tứ bề vì sườn phía Đông lại là biển nước mênh mông. Suốt đêm qua, Đại tá Tư lệnh phó, người trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân này, đã liên lạc thường xuyên với chúng tôi vì lo sợ sự tràn ngập của địch. Còn chúng tôi, những người lính tác chiến của Trâu Điên, Kình Ngư đại diện của một binh chủng hùng mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, chẳng bao giờ để địch làm được điều này. Giờ đây cũng vẫn chưa có lệnh gì cho chúng tôi ngoại trừ lời an ủi: Đợi Chờ ! Chờ đợi một giải pháp chính trị.

Chúng tôi đang gặp nhiều vấn đề nan giải:

- Hơn một phần ba chiến xa bị hư hại vì pháo địch.
- Thiếu nước uống, lương thực và đạn dược cạn dần
- Nhiều thương binh và xác đồng đội cần được chuyển về tuyến sau.

Quả đúng như điều tiên đoán, Bộ binh địch có chiến xa yểm trợ đã bắt đầu kéo quân ào ạt vào tuyến. Trung đội tiền đồn của Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 phải di tản vào tuyến trong. Xạ thủ Đại úy Lê Nam, Chi đoàn trưởng tài ba gan dạ, đã diệt gọn 2 chiếc T.59 đang mon men về hướng ta. Tất cả hỏa lực mạnh mẽ nhất của ta cùng lúc nổ thẳng vào địch, thêm vài chiến xa địch bị hạ tiếp. Rồi chính anh đề nghị tôi nên di tản chiến thuật, anh sẽ ra tòa chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, cho dù tôi có đồng ý hay không.

Và tất cả các chiến xa còn lại của Thiết đoàn 2O do anh dẫn đầu ra khỏi tuyến phòng thủ sau đó. Chúng tôi những kẻ may mắn sống sót trở về, nhưng còn gì đau đớn hơn khi phải bỏ lại sau lưng bao xác đồng đội và thuộc cấp của mình ! Những người lính Thủy Quân Lục Chiến đã anh dũng chiến đấu và hết lòng tuân lệnh cấp trên cho đến những giây phút sau cùng.

Hãy vinh danh và mãi mãi nhớ ơn các chiến sĩ Cọp Biển đã hy sinh trong trận đánh này, cũng như những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã can trường bất khuất trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam thân yêu của chúng ta.

Thiếu Tá Phạm Văn Tiền

12/8/2010

Nguồn hungviet

Thursday, August 19, 2010

Fields Medal


Fields Medal Toán học
được trao cho GS Ngô Bảo Châu .

HYDERABAD, Ấn Độ - Hội Liên Hiệp Toán Học Quốc Tế (International Mathematical Union – IMU), hôm 19 tháng Tám, công bố danh sách các nhà toán học được trao những giải thưởng cao quý nhất của Liên Hiệp cho năm 2010, là các giải Fields Medal, Rolf Nevanlinna Prize, Gauss Prize, và Chern Medal Award.(Hình phải:Giáo sư Ngô Bảo Châu)

Trong số các giải thưởng này, Fields Medal được xem là vinh dự cao nhất, và giải thưởng năm nay được trao cho 4 nhà toán học, trong đó có giáo sư Ngô Bảo Châu, gốc Việt Nam. Ba người cùngđược chọn trao Fields Medal 2010 gồm Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnv (Nga), và Cédric Villani (Pháp).

Fields Medal được trao mỗi bốn năm một lần, nhân đại hội Toán học quốc tế, và theo IMU, là để “công nhận thành tựu toán học vượt bậc cho các công trình hiện tại cũng như triển vọng cho các thành tựu tương lai.” Đại Hội Toán Học năm nay được tổ chức tại Hyderabad, Ấn Độ, từ ngày 19 đến 27 tháng Tám, 2010.

Giáo sư Ngô Bảo Châu là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, trong đó nổi bật nhất là công trình chứng minh bổ đề cơ bản, từng được tạp chí Time, Hoa Kỳ, xếp vào danh sách 10 khám phá khoa học quan trọng nhất của thế giới năm 2009.

Giáo Sư Ngô Bảo Châu và bài chứng minh bổ đề cơ bản cho cấu trúc đại số Lie đứng hàng thứ 7 trong danh sách này. Bài chứng minh dài 191 trang được Giáo Sư Châu công bố năm 2008, nhưng được cho là phát minh của năm 2009 vì các nhà toán học khác kiểm soát lại và công nhận trong năm 2009.

Báo Time viết về khám phá của Giáo Sư Ngô Bảo Châu trong bài viết với tựa đề “The Fundamental Lemma, Solved” - “Bổ đề căn bản, đã chứng minh,” như sau:

“Năm 1979, nhà toán học song tịch Canada-Mỹ Robert Langlands phát triển một lý thuyết rộng lớn để nối liên hai ngành toán học là lý thuyết số và lý thuyết nhóm. Trong một loạt những giả thiết và sáng kiến chói lọi, lý thuyết này bắt được những sự đối xứng trong các phương trình liên quan đến số nguyên.”

Lý thuyết này mang tên “chương trình Langlands.” Nếu chương trình này được hoàn thiện, hai ngành lý thuyết số và lý thuyết nhóm sẽ trở thành một, và khi giải được bài toán của ngành này thì giải được luôn một bài tương đương của ngành kia. Chương trình Langlands trở thành một thứ bảng chỉ đường để thống nhất toán học.

Ông Langlands và mọi người đều hiểu rằng chương trình Langlands chỉ là sườn bài, còn cần chứng minh. Nhưng ông cho rằng một bước mà cần chứng minh, được mang tên 'bổ đề cơ bản' (fundamental lemma), có thể chứng minh được sớm. Tuy nhiên, báo Time viết, “việc chứng minh trường hợp tổng quát hóa ra khó hơn so với Langlands dự tính - khó tới mức phải mất 30 năm mới thực hiện được.”

Vào năm 2003, Giáo Sư Ngô Bảo Châu cùng với người từng là giáo sư hướng dẫn của ông chứng minh được một phần của bổ đề cơ bản. Giáo Sư Châu và Giáo Sư Gerard Laumon chứng minh được bổ đề cơ bản cho unitaries group, tiếng Việt gọi là “nhóm unita.”

Với công trình này, năm 2004 hai Giáo Sư Châu và Laumon được trao giải thưởng Clay Research, một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho ngành toán. Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu trở thành người trẻ tuổi nhất được phong danh hiệu “giáo sư” tại Việt Nam.

Giáo Sư Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội. Cha ông là Giáo Sư Ngô Huy Cẩn, làm việc tại Viện Cơ Học, và mẹ ông là Giáo Sư Trần Lưu Vân Hiền, làm việc tại bệnh viện Y Học Cổ Truyền Trung Ương.

Năm 1988, đang học lớp 11, ông được tuyển vào đội tuyển học sinh giỏi đi thi Toán quốc tế tại Canberra, Úc, và đoạt huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42. Năm sau, lớp 12, ông lại trúng tuyển vào đội học sinh giỏi đi thi Toán quốc tế, năm đó tổ chức tại Braunschweig (Brunswick), Ðức, và lại một lần nữa đoạt huy chương vàng.

Về nước, ông được học bổng du học Hungary, nhưng cùng năm đó cuộc Cách mạng Nhung diễn ra, và nhà nước Hungary rút lại học bổng cho học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, ông được nhận học bổng du học tại Pháp.

Năm 25 tuổi, giáo sư Châu tốt nghiệp tiến sĩ tại Ecole Normale Supérieure. Năm 31 tuổi, ông đậu bằng habilitation (tương đương Tiến Sĩ Khoa Học).

Ðầu năm 2004, ông bắt đầu dạy tại Ðại Học Paris-Sud XI.

Sau một thời gian là thành viên “Institute for Advanced Studies” tại Đại Học Princeton, Hoa Kỳ, ngày 25 Tháng Giêng, 2010, GS Châu nhận lời mời về làm giáo sư tại Đại Học Chicago. Ông sẽ chính thức về làm việc tại phân khoa toán của trường kể từ ngày 1 Tháng Chín này.

Những nhà toán học được trao các giải Rolf Nevanlinna Prize, Gauss Prize, và Chern Medal Award năm nay gồm:

Rolf Nevanlinna Prize: được trao cho Daniel Spielman (Hoa Kỳ)

Gauss Prize: được trao cho Yves Meyer (Pháp)

Chern Medal Award: được trao cho Louis Nirenberg (Hoa Kỳ, sinh tại Canada).

Nguồn nguoi-viet.com

Nguyễn Hữu Thời


Cháu Muốn Ở Lại Mỹ
Video lytong - vietcong -
Hôm 24 tháng 7 vừa qua, tôi đi biểu tình chống văn công Việt Cộng Đàm Vĩnh Hưng, tình cờ đứng gần một cô gái trạc khoảng 21, 22 tuổi. Cô không có cầm cờ vàng ba sọc đỏ như mọi người; nhưng trên đầu cô đội mũ lưỡi trai màu vàng ba sọc đỏ biểu hiệu quốc kỳ Việtnam. Điều làm tôi chú ý là khi người cầm loa hô: "Đã Đảo Cộng sản. Đã Đảo Văn Công Việt Công Đàm Vĩnh Hưng", cô giơ tay cao lên và hét lớn Đã Đảo, nét mặt cương nghị, quả quyết. Tiếng hô át cả giọng hô của những người đứng cạnh. Bàn tay phải cô nắm chặt lại và vung lên thật mạnh. Cô như muốn trút hết nỗi căm hờn, uất ức trong tiếng hô.
Trời nắng gắt. Cô không mang kiếng mát. Thoáng nhìn đôi mắt như có ánh lửa. Thấy tôi mang cái bảng lên án Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Pol Pot là những kẻ tội phạm giết người, cô nhìn chăm chăm và xin phép cho cô chụp hình. Tôi xoay người lại đối lưng với các người biểu tình cho cô chụp hình. Tôi mặc quần short vì trời nóng quá. Cô thấy cái chân trái tôi bị băng vì vết mổ chưa lành. Cô hỏi bằng giọng Huế:

- Cháu thấy chú có cái chân quấn băng, đi cà nhắc mà cũng đi biểu tình hỉ?
Tôi chưa kịp trả lời, cô liền nói tiếp:
- Chỗ mô có mấy cán bộ cao cấp trong nước qua Mỹ dịch vụ hay du lịch, cháu thường thấy đồng bào bên ni tụ tập biểu tình phản đối.

Tôi vì chăm chú nhìn chỗ những kẻ đứng sắp hàng vào xem DVH ca hát để hô khẩu hiệu phản đối nên ậm ừ trả lời cho qua chuyện. Thêm nữa, cái chân trái còn nhức nhối lắm; nên thỉnh thoảng cúi xuống xoa nhẹ trên vết thương, không quan tâm mấy đến người đứng bên cạnh vừa mới xin phép mình chụp hình.

Bỗng có một bàn tay vỗ mạnh vào vai làm tôi giật mình quay lại thì ra cô gái khi nảy vẫn còn đứng gần tôi. Cô nói một cách rất tự nhiên như người đã quen thân từ bao giờ, vừa nói cô vừa chỉ vào chỗ những người đứng sắp hàng chờ khám xét mới vào trong rạp hát. Cô reo lên.
- Kìa! Chú nhìn kìa. Con Liên bạn học cùng lớp với cháu đang đứng sắp hàng kìa.
Theo tay cô ấy chỉ, tôi thấy cô Liên nào đó đang đứng sắp hàng. Tôi hỏi:
- Bạn học cô đấy à!
- Dạ. Nó với cháu cùng lớp ở USC đấy!
Vừa trả lời, cô gái móc trong túi quần tây đưa ra tấm vé vào cửa và nói:
- Cháu có tấm vé vào cửa đây nhưng cháu không thèm vào xem đâu. Cháu và bạn cháu giận nhau vì cháu không vào xem với nó.
Tôi nói: " Vậy hả. Tốt lắm! "

Số người biểu tình càng lúc càng dồn lên phía chúng tôi đứng quá đông. Tôi chào cô gái , và lặng lẽ mang cái bảng lách đi chỗ khác, tìm chỗ rộng rãi đứng.Tôi len lỏi ngang qua lớp người đi biểu tình dọc theo đường ra chỗ thưa người, kiếm nơi thoáng khí nghỉ mệt một chút. Bỗng tôi nghe có người gọi tên tôi. Nhìn quanh quất thì ra là anh Phạm Ngọc Dao ( Khóa 19 Võ Bị Đà Lạt) đang ngồi nghỉ mệt cạnh những kết nước lọc. Thấy cái chân trái tôi còn quấn băng. Anh khen: " Cái chân anh đau, đi cà- nhắc như vậy mà cố đi biểu tình. Đáng khen!" Anh lấy chai nước lọc và gói xôi trong cái thùng của chị ngồi bên cạnh mời tôi, anh vừa đưa tôi gói xôi và chai nước lọc, vừa nói liền một hơi:

- Mời anh ngồi xuống đây và dùng tạm đỡ khát. Đây là chị Trạch, hiền thê anh Lê xuân Trạch ( khóa 20 Võ Bị ) bạn thân của tôi. Anh Trạch đang đứng đàng kia kìa. Anh Dao còn cho biết anh chị Trach mỗi khi có biểu tình chống Cộng, anh chị thường nấu xôi bỏ tửng gói vào bao ni- lông, và mua thêm mấy két nước lạnh đem theo để phục vụ người biểu tình. Anh chị làm việc tự nguyện, xung phong, bỏ tiền túi của mình, đơn độc chứ không ở trong một tổ chức tập thể nào cả. Tinh thần chống Cộng anh chị cao lắm đấy!
- Chị Trạch không nói gì chỉ mĩm cười thôi.
Cách đây mười mấy năm, hồi tên Trần Trường treo cờ Việt Cộng và ảnh Hồ Chí Minh nơi tiệm video của y, và mỗi chiều khi đi làm về, vợ chồng tôi đi thẳng đến nơi biểu tình. Đêm nào cũng gặp anh chị Dao ở đó. Anh chị còn dẫn cả đàn con đi cùng. Lúc ấy, anh gầy, nhanh nhẹn, và đầu tóc đen láng. Lần nầy gặp lại anh, đầu tóc anh bạc đều như cước, trông như tiên ông đạo cốt, người bệ vệ, cái bụng hơi phệ, đi đứng châm chạp hơn xưa nhiều. Nước da anh trắng bóc, lại gặp trời nắng gắt nên mặt anh đỏ hồng trông như người say rượu. Thấy tôi nhìn anh có vẽ ngạc nhiên. Anh nói: " Hưu trí rồi nhưng không nhàn nhã đâu."
- Sao vậy?
- Giữ cháu.( Baby-Sitter)
Tôi và anh Dao đang ngồi nói chuyện mông lung, hỏi thăm nhau những năm không gặp, chuyện nhà, chuyện sở, chuyện bạn bè, ai còn, ai mất, chỉ cho nhau ăn uống cử kiêng khi tuổi đời đã lớn, bỗng cô khi nãy mang máy hình trờ tới, đi ngang qua chỗ chúng tôi. Vừa nhận ra tôi, cô liền ghé vào chào. Anh Dao quay qua hỏi:
- Quen hả?
- Không! Mới biết chỗ đứng đàng kia.
Anh Dao nhanh miệng liền mời cô ngồi xuống cùng giải khát . Cô rất tự nhiên, không chút bỡ ngỡ,không e lệ, rụt rè, vui vẻ ngồi xuống cạnh chúng tôi. Thấy cô tỏ vẽ thân thiện, tôi bạo dạn hỏi:
- Chắc cô sắp tốt nghiệp?
- Cháu còn một năm nữa đấy.
- Cô theo học major nào ở USC?
- Cháu theo học môn " vi tính ứng dụng"
- Tốt nghiệp rồi. Cô định xin làm ở đâu?
- Cháu phải trở về Việtnam.
- Cô là du sinh à ?
- Thưa vâng.
Tôi thật thà hỏi:
- Thế à! Cô đi biểu tình không sợ Việt Cộng chụp hình làm khó dễ khi trở về nước sao?

Cô không trả lời ngay câu tôi hỏi vừa rồi, cô cầm chai nước hớp một ngụm, rồi lên giọng, nghiêm nghị nói một hơi dài :
- Nếu mỗi người Việtnam ở đây đều sợ hết thì Cộng sản Viêtnam tha hồ muốn làm gì thì làm đó. Họ tham nhũng, vơ vét, cửa quyền, muốn bắt ai thì bắt, muốn giam ai thì giam, không có luật pháp, kỷ cương gì hết. Họ đưa toàn dân đến chỗ khốn cùng, kiệt lực, quốc gia, tổ quốc tan hoang đó chú. Du sinh cũng có năm bảy loại du sinh, chú ơi! Hơn nữa, tốt nghiệp rồi cháu không muốn trở về đâu. Cháu muốn xin ở lại Mỹ.

- Bằng cách nào cô xin ở lại đây? Cô có bà con gì ở Mỹ nầy không?
- Cháu chỉ có một bà chị họ con ông bác ở tận Alaska. Cháu cố học để khi tốt nghiệp ra trường với GPA thật xuất sắc, và xin tiếp tục học lên nữa. Cháu sẽ tìm một người mà cháu thật lòng yêu, có quốc tịch Hoa Kỳ để lập gia đình..
- Cháu đến đây du học tự túc hay học bỗng?
- Một nửa cha mẹ cháu đài thọ, một nửa là của chính phủ Hoa kỳ cấp qua chương trình được chọn lựa trong những sinh viên xuất sắc.
- Cháu đã là sinh viên xuất sắc rồi đấy. Cháu không ưa Cộng sản, sao cháu mua vé vào xem văn công DVH hát, vừa tốn tiền, vừa mất thời giờ đó. Thời giờ đó đến thư viện đọc sách hay làm công việc từ thiện có ích hơn cháu ạ.
- Cháu biết!. Cháu đâu có mua. Họ phát không cho đấy.
- Thì ra là thế!

Nghe tới đây, tôi thầm hiểu rằng Việt Cộng có chủ trương đưa Đàm Vĩnh Hưng ra các nườc tự do ca hát là có một chủ định đen tối. Chúng lợi dụng sự chóng quên của một số người VN tỵ nạn Cộng sản. Họ đã dễ dàng quên đi những sự tàn ác dã man của bọn côn đồ Cộng sản đã đối xử tàn tệ với họ khi còn ở trong nước. Bây giờ thoát ra được các nước Tây phương, họ có tự do, cơm no ấm cật, rững mỡ, họ dư tiền, dư của, rủ rê du lịch Việtnam, ăn chơi phè phởn trong khi cả triệu triệu người Việt nam thấp cổ bé miệng bị bọn lãnh đạo Đảng viên có quyền, có chức bóc lột, chà đạp, cướp nhà, cướp đất, lừa gạt, hăm dọa, vô cớ bắt bớ, đánh đập, tra khảo, vu oan giá họa v...v...giờ đây họ sống yên lành ở đây, nhận vé tặng không của bọn tay sai Cộng sản ở hải ngoại, họ xun xoe áo quần, che mặt sắp hàng vào xem những tên văn công Cộng sản, hát hò, ru ngũ ...họ đâu có biết rằng một số lớn đồng bào của chúng ta còn lại trong nước bị lũ thống trị Cộng sản Việtnam tước đọat hết quyền làm người tối thiểu phải có như: tự do hội họp, tự do tôn giáo, nhân quyền, tự do báo chí v...v...

Tôi đang miên man nghĩ ngợi những điều vừa kể ở trên; bỗng anh Dao đứng dậy, tôi nắm tay anh nhờ kéo tôi cùng đứng lên. Chúng tôi chào chị Trạch và tiếp tục ra chỗ hàng rào biểu tình tiếp. Cô sinh viên mới quen xách máy hình theo chúng tôi.

Chúng tôi có một chiều thứ Bảy thật có ý nghĩa.

Nguyễn Hữu Thời

Nguồn vietbao.com - Đọc thêm : Toi ac CSVN

Tuesday, August 17, 2010

Anti Communism


Cọng sản VN : Lường gạt,dối trá,bạo lực,chết chóc.

Nhà văn Nga Alexandre Soljenitsym
nói:

"Khi thấy thằng CS nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo. Nếu ta không có can đảm nói nó nói láo, ta phải đứng lên ra đi, không ở lại nghe nó nói láo. Nếu ta không can đảm bỏ đi, mà phải ngồi lại nghe, ta sẽ không nói lại, những lời nó nó láo với người khác."

Nhà văn VN Nguyễn Tuân, nổi tiếng cao ngạo trong văn đàn miền Bắc. Sau mấy chục năm nín thở qua sông,vào đến miền Nam, gặp lại bạn bè, đã phát ra một câu để đời :

"Tao còn sống đến ngày nay, là nhờ biết sợ."

Đức Dalai Lama lãnh tụ tinh thần Phật giáo Tây Tạng nói :

"Cộng Sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi, nẩy nở, trên rác rưởi của cuộc đời."

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói:

"Cộng Sản đã làm cho người dân trở thành gian dối."

Cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin nói :

"CS không thể nào sửa chửa, mà cần phải đào thải nó."

Bí thư đảng CS Nam Tư Milovan Djilas nói :

"20 tuổi mà không theo CS, là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ CS là không có cái đầu."

Cựu Tổng bí thư đảng CS Liên xô Mr. Gorbachev nói :

"Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng CS. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà thú nhận rằng: Đảng CS chỉ biết tuyên truyền và dối trá."

Cựu Tổng thống Nga Putin nói :

"Kẻ nào tin những gì CS nói là không có cái đầu.
Kẻ nào làm theo lời của CS, là không có trái tim."


Cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nói :

"Chấm dứt chiến tranh VN, không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả, cho loại Hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối, cho thế hệ sinh ra tại VN về sau."

Cố Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu nói :

" Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm."

Nguồn baovecovang