Wednesday, October 31, 2012

VNCH

DÒNG NƯỚC MẮT CHO MỘT BẢN QUỐC CA
 
Trải qua một thời gian dài nước mất nhà tan, bị tù đày, gia đình ly tán, phải sống dưới một chế độ thù nghịch, ngày được ra khỏi đất nước, được đứng nghiêm trang, mắt ngước nhìn lá quốc kỳ thân yêu xa vắng bao nhiêu năm, tai nghe lại điệu nhạc hùng tráng năm xưa, lòng bỗng dưng xôn xao bao kỷ niệm, hai dòng nước mắt tuôn rơi. Đã bao nhiêu người mang tâm trạng như tôi vào những ngày đầu đặt chân đến xứ người. Phải chăng những điều gì đã mất khiến cho lòng chúng ta tiếc nuối và xót xa.
 
Nhớ mới một buổi sáng ngày nào, buổi chào cờ cuối cùng tại đơn vị và không ai ngờ đó là buổi chia ly, tan đàn sẻ nghé. Anh em đồng ngũ mỗi người đi về một hướng, người vượt thoát ra đi bỏ lại quê hương, người vào chốn lao tù nơi chốn rừng sâu nước độc. Gia đình miền Nam bỗng dưng tan tác, mỗi người lâm vào cảnh, không cách biệt giữa hai bên bờ sinh tử thì cũng nghìn trùng biệt ly.
 
Có những bản quốc ca xưa hàng trăm năm như quốc ca Hà Lan từ thế kỷ XVI, nhưng cũng có những bản quốc ca chỉ vang vọng trong một thời, non yểu trong hoàn cảnh chiến tranh, của một quốc gia vừa thành hình đã bị định mệnh chôn vùi. Trong đất nước ấy, tuổi trẻ bị dập vùi trong lửa đạn, tương lai mờ mịt trong khói súng, và những niềm hy vọng sớm tàn phai. Để bảo vệ cho tự do của miền Nam, một triệu thanh niên dưới lá quốc kỳ, đã nằm xuống, xương tàn cốt mục, mà bây giờ đã gần bốn mươi năm hài cốt vẫn còn xiêu lạc. Quốc ca đâu phải là một bản nhạc của một nhạc sĩ si tình nào đó viết cho một người, để đời sau những người ca sĩ hát lại cho những người mang cùng tâm trạng riêng lẻ ấy thưởng thức. Quốc ca là nhạc phẩm của một người viết cho triệu người nghe.

Xin đừng ai dạy bảo cho chúng ta biết định nghĩa thế nào là một bản nhạc hay. Lời đẹp, nhạc hay, nhưng tiếng “hay” không nói lên được một điều gì cả. Một bản nhạc mới được tác giả sáng tác xong, nếu mới nghe qua chỉ là đợt sơ khảo, mang cho người nghe cái cảm giác ban đầu hời hợt. Suối từ nguồn chỉ là những dòng nước, trở thành những con sông, chảy qua những bờ lau, cánh đồng, qua những chiếc cầu, qua xóm làng, tới những bình minh rực rỡ, đến những buổi chiều nắng xế và chan hòa với đại dương. Nhạc vô hồn nếu nhạc không mang những kỷ niệm, không in dấu được thời gian, không có quá trình vui buồn với cuộc sống của con người. Có ai nghe một bản nhạc mà không nhớ đến một quãng đời, không nhớ đến một kỷ niệm, không nhớ đến một người, ví dụ như trong câu hát nghe rất ngậm ngùi, liên tưởng trong thời chiến tranh: “Ai có nghe tiếng hát hành quân xa, mà không nhớ thương người mẹ già”(PD).

Tiến sĩ Schubert là học giả nghiên cứu Nghệ thuật trình diễn của Đại học New South Wales Úc cho rằng:“Nếu hỏi bất cứ ai bài hát họ ưa thích nhất là bài nào, nhiều người đã trả lời, đó là những bài hát mà họ đã từng nghe ở thiếu thời hay lúc mới trưởng thành”. Theo ông, những bản ca khúc luôn đọng lại trong tâm trí người nghe với nhiều nguyên do khác nhau như các khái niệm văn hóa, qua kinh nghiệm và sự việc được lặp lại nhiều lần. Chúng ta, vì vậy không lấy làm lạ khi những ca khúc thời chinh chiến hay những bản tình ca xuất hiện trong thời gian 65-75, gần 40 năm sau đều được đón nhận nồng nhiệt bởi những người bước vào tuổi 60 ngày nay ở ngoài hay trong đất nước.

Chúng ta thường mủi lòng nhớ đến quê hương đã bỏ xa khi nghe những khúc dân ca, những tiếng đàn bầu như lời than thở, những tiếng nhị hồ như lời khóc than. Và những con đò, những đêm trăng, những dòng sông, những bờ tre, những cánh đồng, những tiếng hò, những gì của làng mạc đã xa của một thời thơ ấu như sống lại. Đó không chỉ là tiếng gọi của quê hương mà là tiếng thì thầm của dĩ vãng, bỗng dưng hiện về. Trong âm nhạc, dân ca hay những bản nhạc mang âm hưởng dân ca thường đánh động đến lòng người và dễ gây xúc động làm người ta rơi nước mắt.

Nhưng nếu có một ca khúc tác động vào lòng người nhất thì tôi không ngần ngại nói rằng đó là bản quốc ca. Không phải ngày đầu tiên lìa xa đất nước ra đi, bỏ lại tất cả những gì gọi là thân yêu từ quê hương ruột thịt mà người ta đã khóc khi nghe lại bài quốc ca, mà cho đến bây giờ, gần mấy mươi năm qua, tất cả tưởng như đã rơi vào quên lãng, nhạt nhòa theo thời gian, những dòng nhạc như đã khơi lên những “trào lệ cảm”(*) trong lòng chúng ta.

Nhiều bản nhạc chỉ nhắc cho chúng ta nhớ đến một người, hôm nay bài quốc ca làm cho chúng ta nhớ đến hàng triệu người. Những người đã phải rời bỏ đất nước vì tự do, xa cội nguồn, đã bị xô đẩy đi khắp chân trời góc biển. Bài hát nhắc cho chúng ta nhớ đến những người đã chiến đấu, hy sinh thân xác và chết dưới cờ trong suốt một thời gian giữ nước. Bài hát làm cho chúng ta nhớ lại những cánh rừng, những con đường, những bãi biển, là chiến trường, nơi mà anh em ta đã gục ngã. Bài hát làm cho chúng ta nhớ lại nỗi nhục tù đày, những chiến hữu cụt què bất hạnh, những góa phụ cô đơn. Bà hát nhắc lại cho chúng ta khoảng thời gian ba mươi năm, dù là ngắn ngủi nhưng tràn đầy kỷ niệm. Bạn đã thấy người khác khóc và chính bạn đã hơn một lần nhỏ lệ cho quốc ca.

Xin hãy hát lên bài quốc ca, hãy ràn rụa nước mắt để khóc cho một nền tự do đã bị đánh mất, hổ thẹn cho một nền hòa bình trong tủi nhục và để nghĩ đến những người chết cho chúng ta sống, những người bị thương tật cho chúng ta lành lặn, những người ở lại cho chúng ta ra đi.
 
Kính gởi Quý Cơ Quan Truyền Thông
Quý Đồng Hương trên thế giới

Vietnam Film Club trân trọng thông báo:
Cuốn phim tài liệu HỒN VIỆT – QUỐC KỲ QUỐC CA VIỆT NAM, ấn bản Việt ngữ, sau hơn một năm chuẩn bị và thực hiện, hôm nay đang bước vào giai đoạn hoàn tất.

Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ có một Thông Báo chính thức về phát hành, phổ biến và ra mắt tại một số địa điểm trong Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại. Đồng thời Thông Báo chính thức cũng sẽ hướng dẫn cách thức nhận DVD qua đường Bưu Điện, hoặc qua người đại diện của Vietnam Film Club tại địa phương.
Ấn bản Anh ngữ cũng sẽ phát hành vào năm 2013.
 
Hiện thời, một đoạn Video giới thiệu nội dung cuốn phim đã có trên Youtube. Xin mời Quý Vị vào xem :HONVIET trailer.mov
Trân trọng thông báo và kính nhờ Quý Cơ Quan Truyền Thông và Quý Đồng Hương giúp phổ biến rộng rãi Thông Báo này. Vietnam Film Club xin chân thành cảm tạ Quý Vị.

Ban Thực Hiện Phim:Nguyễn Ngọc Bích-Lê Văn Khoa-Phạm Bá Hoa-Huỳnh Sĩ Nghị-Lê Văn Kim-Chu Lynh-Ngọc Hà

Người Việt Nam đang tất tả ngược xuôi hàng ngày vì sinh kế trong nước hay đang định cư khắp bốn phương ở hải ngoại hãy cùng nhau lắng nghe “Quốc Ca VNCH” được ban nhạc quốc tế trình tấu tuyệt vời.Đây là một trong hàng trăm hình ảnh lịch sử giá trị được chiếu lên màn ảnh trong cuốn phim DVD “Hồn Viêt” do đạo diễn Chu Lynh (Washington DC) thực hiện.

Xin liên lạc: VietnamFilmClub@aol.com
 
HUY PHƯƠNG

Tuesday, October 30, 2012

VN.VN

Văn Quang:
 Nhà thơ Tô Kiều Ngân từ đời lính đến Tao Đàn
 
 
Lâu lắm rồi, tôi không gặp anh Tô Kiều Ngân, mặc dù chúng tôi cùng ở chung một thành phố Sài Gòn. Được tin anh từ trần vào ngày 20-10 vừa qua khiến tôi ngỡ ngàng. Sau khi xác nhận, tôi gọi điện thoại cho Huy Sơn ở Mỹ trước tiên vì Huy Sơn và Tô Kiều Ngân cùng tôi từng có thời gian dài cùng làm việc trong tòa soạn 3 tờ báo của Quân Đội là Bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, Nguyệt san Phụng Sự và tuần báo Thông Tin Chiến Sĩ.Sau này Huy Sơn được chuyển sang Bộ Tư Lệnh Không Quân làm tờ báo Lý Tưởng với Hoàng Song Liêm. Huy Sơn, sau khi ở tù cải tạo ra, đi Mỹ theo diện HO.
 
Tô Kiều Ngân và tôi không đi theo diện HO, mỗi người có một lý do riêng. Tô Kiều Ngân ở lại, có gia đình vợ con, có nhà cửa đàng hoàng. Còn tôi lông bông ở trọ, ở chui hết trong chợ Bàn Cờ đến Trương Minh Giảng rồi đến chợ An Đông, cuối cùng về cái chung cư Nguyễn Thiện Thuật và là “dân ABC đi ở thuê” với bốn năm cái “không”. Vợ con đi tuốt hết nên trở thành độc thân thứ thiệt, không đồng xu dính túi, không bạn bè, không nghề ngỗng gì mặc dù qua 12 năm, 2 tháng 26 ngày ở “trại cải tạo”, tôi trồng rau muống rất giỏi. Khối đội phải nhờ tôi đến gieo hạt rau muống cho khu ruộng mới. Tôi gieo hạt đều lắm và… có tay nên ruộng nào cũng tốt. Thế mà về Sài Gòn thất nghiệp nặng. Tôi cứ nhìn mấy cài hè phố mới được đào xới lên để lát gạch mới, và ước ao rằng chỗ đó cho tôi trồng rau muống thì thành phố không thiếu rau. Cái ước mơ thật ngu xuẩn, vậy mà khi còn ở trong cái gọi là “trại cải tạo”, đôi khi tôi lại cho điều đó có thể thành sự thật! Bởi 12 năm, người ta dạy chúng tôi được có thế thôi và thành phố vào những năm đó toàn dép lốp, nón cối làm chuẩn thì việc trồng rau ở hè phố gọi là “tăng gia sản xuất” cũng có thể được lắm chứ. Hè phố là một sự “lãng phí của bọn tư sản”. Ý nghĩ chưa hẳn là hoàn toàn ngu xuẩn.
 
Tôi không rõ anh Tô Kiều Ngân được tha về năm nào và cũng không biết anh ở đâu. Cái ngõ Phan Văn Trị, nơi anh ở trước kia, tôi có đến một hai lần, nhưng không chắc anh còn ở đó không. Sau này tôi mới biết tin anh ở mạn Bình Thạnh và rất ít khi lên trung tâm thành phố gặp bạn bè. Anh có những nơi vui chơi riêng ở miền “ngoại ô”. Cho đến khi vợ chồng anh Trần Thiện Hiệp tổ chức kỷ niệm lễ thành hôn vàng bạc 40 hay 50 năm gì đó, khoảng năm 2007-2008 tôi mới gặp lại Tô Kiều Ngân. Anh có vẻ khỏe mạnh hơn lần cuối chúng tôi gặp nhau trong “trại cải tạo” ở Sơn La, vào khoảng năm 1977-78.
 
Mừng cho người chết trong nhà tù “cải tạo”
 
Anh Tô Kiều Ngân không ở cùng trại tù với tôi, anh đi “lao động” bị ngã gãy tay, phải đưa về trạm xá gần trại giam tôi ở từ năm 1976 khi được đưa ra Sơn La “học tập”. Dịp đó, nhạc sĩ Thục Vũ, tên thật là Vũ Văn Sâm, ở cùng đội trồng rau với tôi, anh bị đau gan đến vàng mắt. Ban đầu còn được ở lại trại, không phải đi lao động. Tôi có nhiệm vụ “thó” một ít rau sống, cung cấp cho anh hàng ngày. Nhưng khi bệnh tình quá nặng, Thục Vũ được đưa sang bệnh xá. Nói là bệnh xá, chứ ở đây cũng chẳng có thuốc men gì chữa chạy cho bệnh nhân. Thậm chí mỗi lần lên khám bệnh xong, anh y tá bôi cho tí dầu cù là vào tay rồi bảo về uống đi hoặc nằm ngửa cổ ra để “cán bộ y tế” nhỏ cho vài giọt nước củ tỏi vào mũi. Thế là xong. Bệnh nhân nặng chỉ còn việc nằm chờ chết. Thục Vũ cũng ở trong trường hợp ấy.

Một buổi sáng sớm, tôi đang lúi húi trồng luống xu hào, bỗng thấy bên mình có cái gì kêu phần phật. Từ từ ngước lên, tôi thấy một mảnh quần trây-di rách bị gió thổi bay lắc lư làm nên tiếng động nghe cũng… vui tai. Tôi nhận ra ông Phan Lạc Phúc, khoác chiếc áo trây di cũng tả tơi “đồng bộ” với cái quần rách. Nước mắt ông Phúc chảy rất chậm trên mặt, ông nghẹn ngào cất tiếng:
- Thằng Sâm chết ở bệnh xá đêm qua rồi.
Tôi lặng người, bởi mới hôm qua, tôi lẻn sang bệnh xá thăm, Thục Vũ đưa cho tôi hai gói thuốc lào nhỏ, anh nói: “Tôi mệt không hút thuốc được nữa”. Ngồi nói chuyện vài phút, anh Tô Kiều Ngân ở trạm xá này cũng đến ngồi chơi. Tôi thấy Thục Vũ vẫn còn khỏe, vậy mà đêm qua đã ra đi.
Sau đó, anh Tô Kiều Ngân nói với tôi lời an ủi đúng nhất, ngắn nhất và cũng bi thảm nhất: “Mừng cho nó, từ nay nó không còn biết đói rét và không ai hành hạ được nó nữa”.
Đám tang Thục Vũ, hình ảnh bi thảm nhất trong cuộc đời chúng tôi.
Nhưng vào buổi chiều năm 1977, khi đồi núi Sơn La bắt đầu chạng vạng, chúng tôi đang làm những công việc cuối cùng ở vườn rau thì bất chợt nhìn sang lối ra từ bệnh xá một khung cảnh hết sức đau lòng. Trên con đường đá cũ nhỏ, vòng theo sườn núi cao vút chập chùng, cách vườn rau là cái ao, đám tang bắt đầu di chuyển chậm chạp. Hai anh cai tù vác súng AK đi đầu, theo sau là một anh tù cầm vài nén nhang, đến 4 anh tù khiêng cỗ quan tài mộc, sau cùng lại là 2 anh cai tù vác súng AK. Suốt con đường dài âm u đó, chỉ có đám người ấy lặng lẽ chuyển động như những bóng ma.
Ở vùng đồi núi bóng tối đổ xuống rất nhanh, mang theo sương mù mỏng dăng ngang triền dốc dựng đứng như những bức tường đá của nhà giam thiên nhiên, chẳng cách nào thoát ra được. Chúng tôi biết chắc đó là đám ma Vũ Văn Sâm tức nhạc sĩ Thục Vũ. Tất cả hơn ba chục tù nhân trong đội rau đứng ngẩn ra, dán mắt nhìn theo cái đám ma thê thảm ấy. Ông Phan Lạc Phúc, đến bên tôi, không nói lời nào, quay mặt đi giấu nước mắt. Nhìn sang phía bên trạm xá, Tô Kiều Ngân và mấy anh bác sĩ trẻ cũng là tù, đứng sau hàng rào kẽm gai cũng ngơ ngẩn. Ngân vẫy tay cho tôi và anh Phan Lạc Phúc chẳng biết để làm gì. Là một sự cảm thông tận cùng hay nói lời từ biệt.
Mấy tay coi tù cũng đứng lặng, nhìn chúng tôi và họ hiểu rằng lúc đó dù bắt chúng tôi thu dụng cụ về trại cũng chẳng ai chịu về, dù có bị bắn tại chỗ. Tất cả đứng như tượng gỗ dõi theo đám tang đi trong buổi hoàng hôn lạnh ngắt, dần khuất vào cuối con đường cong phía chân núi. Sương mù bắt đầu tỏa xuống. Ai đó bỗng cất lên tiếng hát “Sơn La âm u núi khuất trong sương mù. Đoàn thù tha hương cất bước lê trên đường…”. Một bài hát xưa cũ của những nhà cách mạng thương tiếc những chiến sĩ bị giặc bắt cầm tù ở Sơn La. Sao lúc này nó hợp với chúng tôi thế.
Hình ảnh cái đám ma Thục Vũ còn in đậm trong tâm khảm chúng tôi cho đến bây giờ. Tôi chắc anh Tô Kiều Ngân, đến cuối đời cũng chưa quên được hình ảnh này. Nó trở thành những kỷ niệm rất riêng nhưng cũng lại rất chung của những ai đã từng sống dở chết dở qua những cái được gọi là “trại cải tạo”.

Tô Kiều Ngân và cuộc đời binh nghiệp
 
Có lẽ nhiều thính giả và độc giả biết đến anh Tô Kiều Ngân qua “Tiếng sáo Tao đàn” hơn là biết đến “đời lính” của anh. Tôi thì khác, tôi biết anh từ khi cùng làm chung trong mấy tờ báo của quân đội.

Trở lại chuyện xưa, khi tôi mới được lệnh về Nha Chiến Tranh Tâm Lý lúc đó còn trực thuộc Bộ Quốc Phòng, (sau này mới đổi tên thành Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu), từ năm 1957, khi tôi bắt đầu về làm Trưởng Ban Báo Chí (hồi đó chưa được gọi là Phòng), tôi phụ trách điều hành chung. Hồi đó anh Tô Kiều Ngân phụ trách tờ báo có tên là “Quân Đội”, sau này cụ Ngô Đình Nhu yêu cầu đổi tên, nên chúng tôi đề nghị và được chấp thuận đổi tên thành báo “Chiến Sĩ Cộng Hòa”, ra nửa tháng một kỳ. Báo dành chung cho mọi quân nhân. Tờ nguyệt san Phụng Sự, dành cho sĩ quan do anh Huy Sơn phụ trách. Tòa soạn vỏn vẹn chỉ có chừng 10 người, bởi việc in ấn đã do nhà thầu đảm nhiệm hàng năm. Chúng tôi chịu trách nhiệm biên tập phần nội dung. Ngoài 3 người chúng tôi còn các anh Viêm Hồng, Lý Quảng, Phy Phy… Sau này, khi Cục Tâm Lý Chiến về đường Hồng Thập Tự mới có thêm Huy Vân, Tường Linh, Vũ Công Uẩn. Rồi còn có cả anh Đỗ Tốn, tác giả “Hoa Vông Vang” trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, cũng về làm việc tại Ban Báo Chí. Nhưng ông “công tử con quan” đó chỉ đến cho có mặt rồi lại phóng xe đi. Anh lớn tuổi và cũng là nhà văn thuộc hệ đàn anh, vả lại anh về đó chẳng còn bao lâu đến ngày giải ngũ. Sau nữa có thêm Thanh Nam tái ngũ về làm báo CSCH cùng chúng tôi.

Khi mới bước chân vào “nghề làm báo” tôi chỉ là anh viết lách, chưa hề quen với nghề nghiệp này. Công việc mới tuy có thích hợp với khả năng và mong đợi của tôi, nhưng thật ra nghề làm báo chẳng giống nghề viết lách tí nào. Nghề đọc văn người khác, chọn bài và sửa bài không dễ dàng.
Bạn có biết bài học đầu tiên trong nghề làm báo của tôi là gì không? Đó là nghề sửa morrasse, tức là làm “thầy cò”. Những năm ấy, tất cả báo chí VN còn in typo, sắp chữ bằng tay rồi làm bản kẽm, hình ảnh làm clicher cho vào khuôn. Báo Quân Đội không phải kiểm duyệt nên không bị “đục bỏ”. Tuy nhiên làm thầy cò cũng không dễ. Phải biết các ký hiệu thay thế chữ nghĩa. Ngoài ra còn phải biết “dàn trang”, biết trình bày từng bài dài ngắn sao cho đúng khuôn khổ tờ báo… Đó là chút xíu về “kỹ thuật” mà tôi phải học qua các anh Tô Kiều Ngân và Huy Sơn. Tôi và hai anh ấy cùng sửa morrasse, nhưng đến dernière morrasse cho nhà in chạy máy thì tôi phải ký.

Tô Kiều Ngân rời khỏi báo Quân Đội

Cuộc đời binh nghiệp của Tô Kiều Ngân khởi thủy từ khi làm tờ báo Tiếng Kèn của Địa Phương Quân ngoài Huế. Năm 1953, anh được đồng hóa vào quân đội và đưa gia đình từ Huế vào Saigon.
Chúng tôi cùng làm chung trong Ban Báo Chí từ năm 1957, lúc đó anh mang cấp chuẩn úy. Cho đến khi dọn về Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè. Một năm sau, tôi được lệnh đi Quân Khu 3 thành lập Đại Đội Văn Nghệ cho quân khu này dưới quyền tướng Đỗ Cao Trí. Đại đội này có cả sự đóng góp rất quan trọng của nhạc sĩ Anh Bằng.

Khi Đại đội thành lập xong, đi trình diễn được ở các tỉnh thuộc quân khu, tôi trở lại Nha CTTL. Lúc đó Phòng Tài Liệu do anh Vũ Quang Ninh làm trưởng phòng đang thu thập tài liệu để làm cuốn “Trăm hoa đua nở” về vụ án “Nhân văn giai phẩm tại miền Bắc”. Tôi lại được lệnh về đây phụ giúp anh Ninh thu thập và phân tích những tài liệu này.
Bỗng một buổi sáng, vào khoảng năm 1960, tôi được lệnh trở lại Ban Báo Chí ngay. Khi trở lại tòa soạn tôi mới biết anh Tô Kiều Ngân vừa được thuyên chuyển đi đơn vị khác, cũng trong ngành Chiến tranh chính trị (CTCT). Quả thật tôi không hề biết vì lý do nào. Có thể vì nhu cầu công vụ và cũng có thể vì những lý do khác. Tôi cũng không thể tìm hiểu rõ hơn.
Anh đến tuổi được giải ngũ năm 1974 khi mang cấp Thiếu Tá phục vụ tại Phòng CTCT Trường Võ Bị Đà Lạt.
Lúc đó, để đáp ứng quân số tăng, quân đội có hơn một triệu quân nhân, tờ báo Chiến Sĩ Cộng Hòa phát hành 200.000 số một kỳ, tính ra mỗi tiểu đội được 1 tờ.
Sau đó vì nhu cầu tin tức chiến trường ngày một cao, chúng tôi phải làm thêm tờ Thông Tin Chiến Sĩ, ra khổ lớn hơn, tuần 1 kỳ gồm 8 trang.

Đến “cuộc chơi” ở Ban Tao Đàn

Khoảng thời gian tôi và anh Tô Kiều Ngân làm việc với nhau chừng hơn 3 năm và cũng có khá nhiều kỷ niệm của thời trai trẻ.
Tô Kiều Ngân rất tài hoa và cũng đào hoa, nhưng anh rất it khi đi ăn chơi cùng chúng tôi. Anh hơn tôi đến 6 tuổi và đã có gia đình nên chơi khác với cánh còn “xê li bạt” … Tôi nhớ hồi đó Huy Sơn, Nguyễn Ái Lữ và tôi, còn rách như cái mền, nhưng thứ bảy chủ nhật lại ngứa chân muốn đi nhảy. Ông Nguyễn Ái Lữ hiền như bụt, vài lần rủ Tô Kiều Ngân, anh cũng không chịu đi. Anh dành thì giờ cho ban Tao Đàn.
Đó là khoảng thời gian từ 1957- 1960, anh Tô Kiều Ngân là một trong những nhân vật chủ chốt của Ban Tao Đàn ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Với hơn 20 năm trong cuộc đời quân ngũ (1953-1974) thì Tao Đàn đối với anh chỉ là một cuộc chơi. Nhưng cuộc chơi ấy lại để lại dấu ấn đậm nét nhất, đáng giá nhất trong cuộc đời anh và thi ca VN.
Theo anh Phan Lạc Phúc thì sự khai sinh và công việc của Ban Tao Đàn rất đa dạng. Xin trích lược bài nhận định của anh Phan Lạc Phúc tức ký giả Lô Răng:

Những nhân vật then chốt của Ban Tao Đàn
“Người khai sinh và điều khiển chương trình Tao Đàn, như cả nước đều biết, là thi sĩ Đinh Hùng. Chương trình Tao Đàn có thể chia ra làm 3 bộ phận. Bộ phận quan trọng nhất là ban biên tập và diễn đọc gồm Đinh Hùng, Thanh Nam, Thái Thủy; vài năm sau có Huy Quang Vũ Đức Vinh từ Nha Trang vào cộng tác. Bộ phận thứ 2 là ban ca ngâm gồm những tài tử nam, nữ trình diễn thường xuyên hay tùy hứng. Người “đa năng” nhất trong ban Tao Đàn là Tô Kiều Ngân. Anh vừa là tài tử diễn ngâm, vừa biên tập, vừa trong ban nhạc. Tiếng sáo Tô Kiều Ngân réo rắt thường được coi là “indicatif” của Tao Đàn, hợp cùng tiếng đàn thập lục trầm bổng của Bửu Lộc, tiếng piano trầm ấm trước của Ngọc Bích, sau của Phạm Đình Chương. Về giọng ngâm nam ngoài họ Tô, còn có Hoàng Thư; một thời giọng ngâm Thanh Hùng cũng có góp tiếng trên đài. Tô Kiều Ngân tuy giọng không khỏe nhưng anh là người ngâm “khéo” nhất, ngâm giọng Bắc, giọng Trung đều nhuyễn. Hoàng Thư có chất giọng say sưa, mạnh mẽ được đời nhớ mãi trong Bài ca Ngư phủ của Vũ Hoàng Chương. Thanh Hùng với giọng thổ pha kim, xuất sắc trong những tác phẩm bi hùng. Có những giọng ngâm không có mặt lâu năm trên đài nhưng vẫn được đời ghi nhớ như Quách Đàm trong những bài lục bát hay Thiếu Lang trong Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác.

Về giọng ngâm nữ lúc khởi đầu phải nhắc tới cái ngọt ngào của Giáng Hương nhưng các tay sành điệu đều không thể nào quên giọng ngâm đổ hột đặc sắc của bà Đàm Mộng Hoàn, một danh tiếng vang lừng tại Khâm Thiên tiền chiến trong Tỳ bà Hành. Giọng ngâm nữ nhiều năm làm thổn thức trái tim thính giả là Hồ Điệp trong những bài thơ nức nở TTKH. Về sau có một giọng nữ như sương như khói làm khởi sắc những vần ca dao dân tộc và những bài ca huyền sử. Đó là giọng ngâm Hoàng Oanh”. (ngưng trích).

Tiếng sáo của những cảm xúc
Thật ra Tô Kiều Ngân hoạt động trong nhiều lãnh vực, làm báo, viết văn (tác phẩm đầu tay của anh là tập truyện ngắn “Người đi qua lô cốt”, làm thơ, ngâm thơ, bài sáo anh thổi ở Tao Đàn do chính anh sáng tác và đã xuất bản. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tiếng sáo Tao Đàn. Bây giờ người ta nhớ đến tài năng tuyệt vời của anh vì tiếng sáo đó và giọng ngâm thơ mang âm điệu Huế hơn tất cả những thứ khác. Nếu so sánh với tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa, theo nhận xét của tôi, mỗi người có một cái hay riêng. Tiếng sáo của Tô Kiều Ngân cất lên theo cảm xúc từ bài thơ của tác giả và phong cách của người ngâm thơ nên bay bổng và dễ làm rung động lòng người hơn. Tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa hay về bài bản. Nếu anh thổi một bài như Thiên Thai, rất điêu luyện. Nhưng nhiều thính giả vẫn nhớ họ Tô hơn.
 
Từ biệt Tô Kiều Ngân, người cuối cùng của Tao Đàn ra đi.
 
Nhận được tin Tô Kiều Ngân mất, sau khi điện thoại cho Huy Sơn và Hoàng Song Liêm, tôi gọi cho Hàm Anh (còn có bút danh là Sài Gòn Cô Nương), bởi Hàm Anh là con gái nhà phê bình Thượng sĩ, trước đây ở cùng xóm Phan Văn Trị với gia đình anh Tô Kiều Ngân. Chúng tôi mang vòng hoa tới căn nhà khá đẹp của gia đình anh ở trong một xóm nhỏ thuộc quân Bình Thạnh.
Người đón tiếp chúng tôi rất vồn vã chính là bà quả phụ Tô Kiều Ngân. Nhưng tôi đã đọc cái cáo phó của gia đình trên một tờ báo nước ngoài. Nếu chú ý, bạn sẽ thấy một sự… hơi lạ. Đó là có tới hai bà cùng ký tên chung là vợ. Một bà là Phạm Thị Thìn, một bà là Lê Thị Kim Hoa. Một sự “chính danh” ít thấy trên bản cáo phó nào. Tôi phải ghi lại sự kiện này cho đúng, xin chia buồn đến cả 2 gia đình.
Tôi phải lựa lời khơi gợi lại chuyện cũ xem có đúng bà này là “đệ nhất phu nhân” thời xưa tôi đă gặp không. May quá, đệ nhất phu nhân Tô Kiều Ngân nhận ra tôi ngay. Chị ân cần nắm tay tôi thân thiết. Các con trai, con gái anh, cả dòng trước dòng sau, cũng thân mật như vậy. Con gái lớn của anh (là vợ của nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, mất cách đây 2 năm) cũng tới thăm hỏi. Tôi có cảm tưởng như gia đình anh và tôi chưa xa nhau bao giờ.
Tôi và cháu Hàm Anh cùng vào trước linh cữu anh, từ biệt người bạn cũ. Anh ra đi là người cuối cùng cộng tác thường xuyên, là trụ cột của ban Tao Đàn. Nhà văn Tạ Quang Khôi tính nhẩm rằng:
- Thi sĩ Đinh Hùng, trưởng ban Tao Đàn của đài phát thanh Saigon, mất năm 1969 vì ung thư bao tử. Hoàng Thư, một giọng ngâm nam rất truyền cảm, mất cách đây khoảng 20 năm ở Saigon. Hồ Điệp mất tích trên đường vượt biên. Thanh Nam qua đời năm 1985 ở Seattle (tiểu bang Washington) vì ung thư cuống họng. Huy Quang Vũ Đức Vinh mất cuối năm 2005 vì bị tai biến mạch máu não trong khi bác sĩ đang giải phẫu để làm by pass (ở Seattle). Thái Thủy ra đi vì ung thư phổi ở Nam Cali cách đây gần 3 năm.

Từ biệt Tô Kiều Ngân, từ biệt nhóm Tao Đàn nhưng tiếng sáo, giọng ngâm của Tao Đàn còn lại mãi trong đời sống thi ca Việt Nam và trong lòng người Việt yêu thơ khắp nơi.
 
Văn Quang
26-10-2012

Monday, October 29, 2012

HS-TS


Thêm tài liệu cổ TQ không có Hoàng Sa - Trường Sa

Ngày 28-8, tại trụ sở báo Giác Ngộ ở TP.HCM, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ công bố tập sách “Địa dư đồ khảo”, xuất bản dưới triều vua Quang Tự nhà Thanh (1875-1908). (Nhiều bản đồ khẳng định TQ không có Hoàng Sa, Trường Sa)
 
Tập sách này có kèm theo bản đồ chi tiết rõ ràng, nội dung chính thức xác nhận Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) là biên giới cuối cùng của lục địa Trung Quốc. (Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn với tập sách Địa dư đồ khảo tại buổi gặp gỡ - Ảnh: Thời báo Việt Nam.)

Tập sách do cụ Trần Đình Bá (1867 - 1933) lúc làm Thượng thư bộ Hình triều Khải Định (1916-1925) đã cho sao chép cất vào tủ sách Phước Trang ở tư thất (số 114 Mai Thúc Loan, Huế), truyền đến đời thứ 4 là ông Trần Đình Sơn thừa kế, di chuyển vào Sài Gòn từ năm 1968, hiện vẫn được lưu giữ tại 128 Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM.
 
Tập sách Địa dư đồ khảo viết trên giấy xuyến tốt, bên ngoài có bìa cứng, bọc lụa đỏ, kế đến là bìa giấy cũ màu nâu. Tổng cộng có 65 tờ viết chữ Nho hai mặt, chữ còn rõ đẹp, gồm 20 mục khảo cứu về địa dư và 20 bản đồ chi tiết đính kèm.

Giáo sư Cao Huy Thuần, giảng dạy về luật học và chính trị tại Đại học Picardia (Pháp) đánh giá cao đóng góp của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã cung cấp một chứng cứ mới, thêm một trong những bằng chứng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; khẳng định từ xa xưa, chính Trung Quốc chỉ công nhận biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
 
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết thêm: Ngày nay tại Du Lâm, cực Nam của Hải Nam vẫn còn các tảng đá rất to lớn ghi hàng chữ lớn Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển), hoặc Hải Khoát Thiên Không (biển rộng trời không, mênh mông vô bờ bến). (Người dân thủ đô Hà Nội xem tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" của Trung Quốc (năm 1904) chứng minh điểm cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam - Ảnh: VIỆT DŨNG)
 
Như vậy, sau bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” xuất bản năm 1904 dưới thời Khang Hy (Trung Quốc) được tiến sĩ Mai Hồng công bố tại Hà Nội và tháng 7 vừa qua, Địa dư đồ khảo một lần nữa khẳng định cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo TTXVN

Sunday, October 28, 2012

CSVN

Khủng hoảng vì cơ cấu

Mọi thể chế chính trị phải có phương cách giải quyết những tranh chấp quyền lực, giữa các cá nhân hoặc các phe phái. Mỗi chế độ có giải pháp riêng. Các ông Stalin và Mao Trạch Ðông đã dùng những phương pháp chấm dứt các mâu thuẫn rất giản dị.
 
Những đồng chí có thể tranh giành ảnh hưởng với Stalin thường bị đưa ra tòa, kết tội phản động, rồi bắn chết. Khi Stalin chết, những người chung quanh cũng đem bắn ngay trùm mật vụ Beria của ông ta, theo cùng giải pháp đó.
 
Mao Trạch Ðông áp dụng cách đó, nhưng “theo đường hướng Trung Hoa.” Ông ta không xử bắn các đồng chí mà lại đem họ ra giữa chợ, cho “quần chúng” đấu tranh, hành hạ, sỉ nhục; rồi cho kéo dài kiếp sống mòn mỏi, tuyệt vọng, cho đến khi kiệt sức.
 
Những phương cách giải quyết mâu thuẫn nội bộ như trên rất phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Vì chuyên chính vô sản dựa trên bạo lực. Khi bỏ mất nền tảng đó, nó sẽ tự tan rã giống như ngôi nhà bị sụt móng. Chế độ cộng sản bắt đầu rạn nứt khi các đồng chí tranh chấp quyền hành mà không còn bắn giết nhau nữa; chế độ dần dần tan vỡ khi các đồng chí chỉ tìm cách mua chuộc, hối lộ lẫn nhau (trả giá bằng các địa vị sinh lợi chắc chắn, hoặc đưa thẳng tiền mặt, đô la Mỹ). Ðổi mới kinh tế tạo cơ hội cho các “luật chơi mới” xuất hiện. Những người biết sử dụng các luật chơi mới sớm nhất sẽ tạo được thế lực mạnh hơn người khác. Nhưng vì thế các tranh chấp mới xuất hiện và cần giải quyết.
 
Nhưng các phe phái lại muốn sử dụng các luật chơi khác nhau để giải quyết những mâu thuẫn. Trong bất cứ hệ thống chính trị nào, câu hỏi quan trọng nhất là tại sao người này phải làm theo ý kiến, mệnh lệnh của người khác. Tại sao anh được quyền sai bảo mà tôi phải làm theo? Luật chơi cũ dựa trên chức vụ; thí dụ, chức tổng bí thư thì cao hơn chức thủ tướng. Luật chơi mới dựa trên khả năng phân phối, chia chác tài nguyên, lợi lộc. Tất nhiên, những người sử dụng luật chơi mới, phù hợp với thực tế kinh tế mới hơn, sẽ chiếm lợi thế. Tình trạng thay thế “bạo lực cách mạng” bằng “tài lợi kinh tế” làm cho hệ thống tự nó mất thăng bằng. Ðang giữa trận đấu, “luật lệ cuộc chơi” bỗng dưng thay đổi; người ta không còn biết áp dụng như phương pháp nào để giải quyết các tranh chấp nữa.
 
Ðiểm nổi bật là tất cả mọi người đều nhận ra “thực tế với lý thuyết” không đi đôi với nhau nữa. Mà họ cũng không thể đồng ý với nhau làm cách nào để sửa lại cho chúng phù hợp. Hậu quả là họ sẽ phải tiếp tục hô hoán những khẩu hiệu cũ (lý thuyết) mặc dù rỗng tuếch; trong khi đành chấp nhận phó mặc cho thực tế đưa đẩy, trôi nổi theo sức mạnh tương đối giữa các phe phái.
 
Thử tưởng tượng trong một trận đá banh bỗng dưng một tay cầu thủ dùng tay và cùi chỏ, thay vì chỉ dùng chân. Mà mấy anh cầu thủ đó còn tự ý thổi còi nữa. Một người dùng tay; rồi người thứ hai đá cẳng nhau thay vì đá banh; mà đó lại là những cầu thủ bự con, cao cấp; tất cả đua nhau đổi luật chơi, vừa đá banh lại vừa đóng vai trọng tài. Như vậy thì kết quả sau cùng sẽ ra sao? Khán giả sẽ bỏ về hết, trận đấu sẽ phải kết thúc không kèn không trống; giống như ở Liên Xô và các nước Ðông Âu những năm 1989, 90 vậy.
 
Hoàn cảnh bế tắc của cuộc họp gọi là “Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng khóa XI” của đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra theo kịch bản như trên. Ðọc bản tin cuối chúng ta thấy họ bị tắc nghẽn suốt 15 ngày vì không có kết quả cụ thể nào cả. Những lời lẽ mơ hồ, dù làm bộ nói đến cả những chi tiết lẩm cẩm vô ích nhưng trong thực tế lại vu vơ, không gây được hiệu quả nào hết. Qua đó, chúng ta biết chính những người trong Bộ Chính Trị cũng không biết họ phải theo luật chơi nào. Sở dĩ họ họp nhau lại, trước hết là vì có người muốn hạch tội Nguyễn Tấn Dũng. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thổi còi bắt đầu trận đấu, với Trương Tấn Sang đóng vai giám biên và đá cẳng. Nhưng cuối cùng Nguyễn Tấn Dũng vẫn được an toàn “ra về thơ thới hân hoan.”
 
Lý do khiến Ba Dũng an toàn là vì đã tự bày trận đấu trên một sân banh khác, và theo những luật chơi khác. Mấy trăm ông bà ủy viên Trung Ương Ðảng, người theo Trọng Lú, người theo Ba Dũng; cũng theo các luật chơi khác nhau. Cuối cùng, trận đấu giải tán; không có kết quả nào cả vì không thể tính điểm ai thắng, ai thua. Ðể khỏi mất mặt cả bầu đoàn, họ đành phải đưa ra những khẩu hiệu trống rỗng cùng với những biện pháp nửa mùa, không thể gây ra hiệu lực cụ thể nào cả. Họ lúng túng, bế tắc vì không theo một luật chơi chung. Mà họ cũng không thể quay lại, sử dụng các luật chơi kiểu Stalin hay Mao.
 
Ðể thấy tình trạng bối rối và bế tắc của chế độ chính trị tại nước ta, hãy thử tìm hiểu xem trong các chế độ chính trị khác, khi người ta cần giải quyết các tranh chấp quyền lực tương tự giữa các “phe phái” thì họ theo các luật chơi như thế nào.
 
Trong một chế độ đại nghị, ông thủ tướng thường là lãnh tụ phe chiếm đa số ở Quốc Hội, thì các đối thủ của ông ta có thể yêu cầu Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu nhiều người đồng ý là ông thủ tướng đã làm kinh tế suy yếu hoặc nuôi đàn em tham nhũng quá đáng, thì họ sẽ bỏ phiếu lật đổ. Nếu không, ông ta tiếp tục cai trị, trong vinh dự. Ở một nước theo tổng thống chế, thì Quốc Hội không thể lật đổ một tổng thống do dân trực tiếp bầu lên; nhưng họ vẫn có khả năng kìm hãm bớt quyền hành của ông ta qua việc biểu quyết ngân sách. Với quyền nắm túi tiền của quốc gia, Quốc Hội có thể buộc hành pháp phải thỏa hiệp với mình tức là chia sẻ bớt quyền hành.
 
Trong một chế độ cộng sản thì sao? Trên nguyên tắc, đảng nắm toàn quyền. Tổng bí thư, Bộ Chính Trị rồi đến Trung Ương Ðảng quyết định tất cả. Trong cuộc họp 15 ngày đầu tháng 10, Nguyễn Phú Trọng đã trù tính dùng uy tín Trung Ương Ðảng để hạ thủ Nguyễn Tấn Dũng. Thật ra trận đấu đã khởi sự từ mấy tháng trước; ngay sau khi Trọng lên nắm chức tổng bí thư đã tính dùng “luật chơi cũ” để gia tăng quyền hành. Nhưng sân chơi đã thay đổi; uy quyền của tổng bí thư đã giảm sút rõ rệt nhờ Nông Ðức Mạnh ù ù cạc cạc. Có thể coi như chức tổng bí thư đã mất gần hết quyền lực; khi đem so với quyền hành thực tế của chức vụ thủ tướng. Quyền lực được thể hiện trong khả năng chia chác địa vị sinh lợi chứ không phải là các chức vị suông; ngoài ra là khả năng bắt người, giam người. Ba Dũng đã nắm trong tay hầu hết hai thứ quyền đó; nay Trọng Lú cố giành lấy nhưng vô hiệu.
 
Ngay từ đầu, cuộc đấu giữa Trọng và Dũng cho thấy họ theo các luật chơi khác nhau, người này không chịu luật chơi của kẻ kia. Nguyễn Phú Trọng đã ra tay trước khi công bố quyết định đem Ủy Ban Chống Tham Nhũng vào dưới quyền Bộ Chính Trị; để tổng bí thư đương nhiên nắm chức chủ tịch. Ai cũng tưởng Trọng đã thắng Dũng một keo; vì từ đầu Dũng đã lập ra Ủy Ban Chống Tham Nhũng để chính mình nắm đầu. Khi Trọng ra tay giành lấy quyền chống tham nhũng; nhiều nhà quan sát coi là cuộc mâu thuẫn giữa “Ðảng” và “Nhà nước” đã biểu hiện; và vội vã kết luận rằng trong keo này Ðảng đã thắng, tức là Trọng thắng.
 
Nhận xét đó càng có vẻ vững hơn khi Bầu Kiên bị bắt. Vụ bắt Bầu Kiên được thực hiện trong vòng bí mật, kín bưng, giống như cuộc hành quân của toán biệt kích tấn công vào sào huyệt Bin Laden! Một đội công an đặc biệt, do một thứ trưởng Bộ Công An cầm đầu thi hành cuộc đột kích. Mãi đến khi đi bắt Bầu Kiên họ mới thông báo cấp trên là bộ trưởng Công An biết. Như vậy là chức vụ tổng bí thư có quyền sử dụng một nhánh công an riêng, và thủ tướng chính phủ và Bộ Công An phải chấp nhận. Ai cũng nghĩ là Ba Dũng bị thua một keo nặng nề.
 
Nhưng ngay sau đó Nguyễn Tấn Dũng lại họp báo, trưng bày đủ mặt các bộ trưởng ngồi bên, Dũng tuyên bố một cách long trọng là, trái với tin đồn, chính mình đã ra lệnh đi bắt Bầu Kiên. Không những thế, Ba Dũng lại nhân dịp đó lại tự xác nhận mình vẫn là chủ tịch cái Ủy Ban Chống Tham Nhũng; một chức vụ ai cũng tưởng đã bị Nguyễn Phú Trọng giật mất rồi! Ðúng là hai bên đá banh theo lối khác nhau, và bên nào cũng tự coi mình nắm cái còi để thổi! Trước cảnh đó, người ngoài không thể biết được là ở trong nước Việt Nam hiện chỉ có một, hay là có hai cái ủy ban chống tham nhũng chạy song song? Chưa bao giờ hai ông tổng bí thư và thủ tướng lại giành nhau một cái danh hiệu như bây giờ. Mà cũng không ai biết nếu có hai cái ủy ban cùng làm một việc một lúc thì anh chủ tịch nào mới là anh có thực quyền? Chưa hết, anh nào có quyền ra lệnh sai bảo bảo công an? Ðám công an nào sẽ nghe lệnh ai? Nói chung, luật chơi hiện nay nó như thế nào? Chẳng biết sự thật ra sao cả! Nhưng đây là lần đầu tiên trong một chế độ cộng sản mối tranh chấp nội bộ được phơi bày trước mắt thiên hạ như vậy.
 
Trong cuộc họp 15 ngày, người ta tưởng là họ sẽ cùng nhau xác định lại một luật chơi thống nhất. Nhưng thất vọng. Vì ngay cả bản thông cáo cuối cùng họ cũng không dám gọi đó là một thông cáo; chỉ đưa ra dưới hình thức một bản tin, ký tên một phóng viên. Bản tin cho thấy cuộc đấu vẫn chưa ngã ngũ. Như đã phân tích trong bài trước, những điểm kết luận đưa nghe giống như những khuyến cáo, hoặc như các khẩu hiệu nghe cho vui tai nói phải làm gì nhưng không biết phải làm như thế nào. Cũng không thấy có ràng buộc nào để bắt phải thi hành hay không; rồi mai sau người thi hành có thể nói mình đã làm đúng; người chống đối sẽ bảo vẫn làm sai, cũng không có tiêu chuẩn nào để đánh giá cả. Nhìn vào văn từ của “bản tin kết thúc” chúng ta thấy toàn những điểm mập mờ muốn thi hành sao cũng được. Thí dụ, cuộc họp 15 ngày bảo các doanh nghiệp nhà nước mỗi năm phải được kiểm toán (nghe như dạy trẻ con trước khi ăn phải rửa tay!) Nhưng cả hệ thống kinh tế và chính trị ở nước ta chưa hề có những tổ chức chuyên nghiệp và độc lập làm công việc kiểm toán. Như vậy thì có bắt phải kiểm toán hàng tháng, hàng ngày cũng vậy thôi! Bao nhiêu điều khuyến cáo khác cũng tương tự! Cho nên, cuộc đấu chưa ngã ngũ, tức là vẫn như cũ, mạnh ai nấy đá banh theo lối của mình. Nguyễn Tấn Dũng không hề hấn gì hết! Có nhà quan sát đoán là sau 6 tháng hay một năm nữa, họ có thể họp lại để đánh giá việc thi hành. Ðó là cách suy nghĩ hoàn toàn lý thuyết, không hề nghĩ đến quyền hành thực sự nằm trong tay ai. Họ đã họp 15 ngày chẳng đi tới đâu, một năm nữa họp lại cũng chỉ thế thôi.
 
Cơn khủng hoảng bắt nguồn từ từ trong cơ cấu của chế độ, khi cải tổ kinh tế mà vẫn giữ nguyên hệ thống chính trị xơ cứng như cũ. Toàn thể hệ thống đã hết sức sống; mất ngay cả khả năng tự thay đổi. Tình trạng rạn nứt kéo dài sẽ đưa tới nhu cầu thay đổi toàn diện, không cách nào khác.

Ngô Nhân Dụng
@nguoiviet

CT.VN

Không Cho Phép Mình Quên
 
Tôi tên Nguyễn Khánh Vũ, kỹ sư điện toán cho một công ty bên Arizona. Đã tham gia với bài “Nước Mỹ và tôi” vào năm đầu tiên, và mới nhất là bài “Nước Mỹ và vợ tôi”.
 
Nhiều người cho rằng chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm rồi, vả lại Việt cộng cũng thay đổi rồi, sao lại chống? Với tôi, những bài học, những kinh nghiệm thương đau mà thế hệ Cha Anh đã có với Việt cộng nhắc tôi phải cảnh giác luôn luôn.
 
Bài học số 1: Việt cộng giết người Quốc gia ngay trong thời kỳ phôi thai kháng Pháp, đánh Nhật, vì Việt cộng muốn cướp quyền lãnh đạo đất nước, để có thể toàn quyền làm tay sai cho cộng sản quốc tế trước kia, và nay cho quan thầy Trung cộng.

Bài học số 2: Trong những kỳ cải cách ruộng đất, Việt cộng đã giết biết bao người dân vô tội, giết ngay cả những người mà có lẽ chẳng bao lâu trước đó đã hào phóng bỏ ra vàng, tiền của đóng góp trong các cuộc quyên góp cho Việt cộng.

Bài học số 3: Ký kết ngưng bắn với Việt cộng chưa ráo mực thì Hồ Chí Minh xua ngay quân giết hàng ngàn đồng bào miền Nam vô tội trong Tết Mậu Thân.

Bài học số 4: Việt cộng xé ngay bản hòa đàm Paris mà chúng chỉ vừa ký.

Bài học số 5: Trường học Cai Lậy, nơi bao trẻ thơ đang ê a bên trang sách, sao lại là mục tiêu pháo kích của Việt cộng? Sao Việt cộng lại nhẫn tâm bắn vào hàng ngàn đồng bào vô tội đang trốn chạy “giải phóng quân” trên đại lộ kinh hoàng?

Bài học số 6: “Nhà nước thông báo để nhân dân đừng tin vào các tin đồn thất thiệt. Nhà nước sẽ không đổi tiền”. Và việc đổi tiền, thực chất là một cuộc ăn cướp tài sản của người dân miền Nam, được tiến hành chỉ một ngày sau đó. Đây là một nhóm thổ phỉ cai trị, chứ không phải là một nhà nước pháp trị. 500 đồng tiền Việt Nam cộng hòa đổi lấy 1 đồng tiền Hồ. Việt cộng có cái gì để mà đổi?

Bài học số 7:

- “Ngày mai em sẽ chở các con đến đây thăm anh”, Mẹ tôi bịn rịn chia tay Ba tôi sau khi chở Ba tôi đến địa điểm tập trung “cải tạo”.
- “Em về ráng lo cho Thầy Mẹ và các con. Đêm nay chắc chắn anh sẽ bị đem đi nơi khác. Và em cũng đừng mong anh sẽ về sau 10 ngày”, Ba tôi căn dặn.
- “Nhưng… cách mạng thông báo tập trung 10 ngày mà”, Mẹ tôi trả lời.
Ôi thương thay cho người dân hiền lành, thật thà đất nước tôi. Và chắc đâu đó ở Hà nội, đã có một nhóm người ngồi cười khoái trá.
Trên đây là một ít trong số những bài học “cơ bản” mà tôi luôn tự nhắc mình và “không bao giờ cho phép mình quên.”
 
Có nhiều người cho rằng Việt cộng đã thay đổi rồi. Với tôi, Việt cộng chỉ là một loài tắc kè dỏm và hạ cấp. Nó thay đổi màu để tồn tại, để tiếp tục lừa bịp, che đậy cái bản chất bất biến của chúng là tàn ác và đê hèn. Với những người cùng một dòng máu Việt thì chúng chẳng chừa một hành vi bẩn thỉu nào, nhưng với kẻ thù phương Bắc, kẻ thù mà ngàn năm trước cha ông ta đã chỉ mặt đặt tên, thì chúng lại quì gối. Khi đọc bản tin Giang Trạch Dân vào tắm ở Đà nẵng, rồi vào Saigon gặp mặt hoa kiều Chợ Lớn, sau đó mới bay ra Hà nội để gặp bọn đàn em ở Ba Đình, lòng tôi sôi sục căm hờn, tủi nhục. Với cái thằng Tàu phù này, Việt Nam xem chừng chỉ là cái ao làng của nó. Khi đọc bản tin thấy đám du khách Trung cộng phất cờ, đón đuốc thế vận trên đường phố Saigon trong khi những người dân Việt bị cô lập, bị đẩy ra xa, tôi biết rằng tôi vẫn còn sáng suốt. Tôi vẫn thấy rõ cái tồi tệ, xấu xí của Việt cộng dù đang được che đậy dưới một cái áo màu mè bên ngoài của một con tắc kè. Việt cộng đã thay đổi?

Tôi may mắn có một người cha sáng suốt với những phân tích sắc bén, thuyết phục. Ông luôn là người đầu tiên tôi tìm đến để tham khảo và hỏi ý kiến khi nghe hoặc đọc thấy những biến động nào trong xã hội. Là một cựu quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ở tuổi ngoài 70, ông vẫn canh cánh trong lòng chuyện vận mạng đất nước. “Muốn chống cộng mình phải hoặc là có tiền hoặc là có quyền”, Ba tôi nói. Và trong tình thế không có cả hai, ông vẫn chống cộng theo cách riêng. Ông hun đúc tinh thần yêu nước cho con cháu trong gia đình qua các câu chuyện kể, qua những nhận định tình hình, nhắc nhở con cháu tỉnh táo trước những mưu chước của Việt cộng. Ông nhắc con cháu dành chút thời gian thắp một nén nhang, đặt một ít hoa, nơi đài chiến sĩ Việt-Mỹ nhân ngày Chiến Sĩ Trận Vong. Ông cố gắng đến với các cuộc biểu tình nghiêm túc trong cộng đồng. “Mình đến dù không làm được gì nhưng mình phải đến để thể hiện chính kiến của mình, đồng thời động viên anh em”, Ông thường nói như vậy. Ông đến với các buổi ra mắt sách có liên quan đến lịch sử, đến quân đội và luôn ủng hộ mua sách từ những đồng tiền ít ỏi Ông nhận được hàng tháng. Tôi được nghe rất nhiều lần từ những người bạn của Ông, từ sơ giao đến thân tình, “Mỗi lần gặp anh, tôi hiểu ra nhiều vấn đề quá”.

Tôi luôn cố gắng theo Ba tôi tham gia các cuộc biểu tình nghiêm túc trong cộng đồng. Tôi phụ giúp giảng dạy Việt ngữ cho các em nhỏ với hy vọng góp một bàn tay phá vỡ cái nghị quyết 36 mà Việt cộng đã và đang cố gắng thực hiện tại hải ngoại qua sách báo, qua các chương trình ca nhạc của chúng. Tôi tranh thủ giờ ăn trưa trong công ty, để viết bài và tham gia tranh luận trên các diễn đàn với cố gắng “giành dân, lấn đất” với Việt cộng trên mạng điện toán. Tôi luôn mua băng gốc các chương trình ca nhạc, các tài liệu lịch sử để ủng hộ các trung tâm, các cơ sở có đường hướng chống Cộng rõ ràng. Tôi cố gắng giải thích cho các con tôi khi chúng thắc mắc về lá cờ máu chúng thấy trong sách báo.

Bạn bè tôi, có người cho tôi chống cộng cực đoan. Là người Việt nên tôi vẫn nhớ Ông Bà ngày xưa có dạy “một câu nhịn, chín câu lành”. Tôi cũng cho mình là một người Công giáo kiên định và vâng phục. Chúa tôi có dạy rằng “Nếu có kẻ tát con má bên phải, con hãy đưa má bên trái cho kẻ đó tát”.

Kính thưa Ông Bà,
 
Việt cộng ngày xưa đày Ba con nơi rừng sâu, chỉ thả về khi Ba con khập khễng trên đôi nạng gỗ với một bệnh án sống thêm được vài tháng là hết. Mấy chị em con bị xếp vào hàng cuối cùng trong xã hội vì “trúng” đủ mọi “tiêu chuẩn” của Việt cộng, dân Bắc di cư-đạo Công giáo-con Ngụy quân Ngụy quyền. Ngày xưa Việt cộng gọi chúng con là đĩ điếm bám chân đế quốc thì nay là “khúc ruột ngàn dặm”, một khúc ruột mà hàng năm có thể gửi về trong nước gần 10 tỉ tiền đế quốc. Bao nhiêu đồng bào nghèo lê lết sống bên Cambodia hay còn kẹt lại ở Philippines, bao nhiêu công nhân làm tôi mọi khắp nơi, bao nhiêu cô gái bán thân khắp vùng Đông Nam Á, thì sao không là “khúc ruột”?

Trước, Việt cộng giết dân miền Bắc trong “cải cách ruộng đất”, chôn sống dân miền Trung trong Mậu Thân, đày đọa, thủ tiêu quân cán chính miền Nam sau ngày “giải phóng”, nay Việt cộng lại tiếp tục cướp đất của bao người dân thấp cổ, bé miệng, tiếp tục tàn phá quê hương, phá bỏ đạo đức làm người. Người dân đã chẳng những “một nhịn”, mà trăm ngàn “nhịn”, mà “lành” vẫn không thấy.

Ông Bà kính,
làm sao có “lành” với quỷ?
Lạy Chúa,

Việt cộng đánh đồng bào con thê thảm trong “cải cách ruộng đất”. Việt cộng chôn sống đồng bào con trong Tết Mậu Thân. Việt cộng đánh gia đình con và biết bao gia đình miền Nam tan nát sau “ngày giải phóng”. Việt cộng đẩy đồng bào con ra biển Đông và hàng ngàn người đã bỏ mình, đã ô nhục, nhơ nhớp dưới tay hải tặc. Nay Việt cộng tiếp tục đánh phá các cộng đồng hải ngoại, nơi chúng con đang xây dựng lại cuộc sống mới cho thế hệ mai sau.

Lạy Chúa,
chẳng những cả hai má chúng con đã để cho Việt cộng tát, mà toàn thân, lục phủ ngũ tạng cũng tang thương. Thì nay xin Chúa cho con theo câu “có lúc con phải hiền như con trừu, có khi con phải khôn ngoan như con rắn”. Tôi có cực đoan không khi tôi chống Cộng hay Việt cộng đã thay đổi chăng?
 
Tôi sẽ còn chống cộng ngay cả khi Việt cộng không còn trên quê hương tôi.

Ngày quê hương thanh bình, tôi sẽ về lại vùng quê Mỹ Tho hiền hòa, mở một ngôi trường dạy học cho các em nhỏ. Và lồng trong những bài học Việt văn, toán học, tôi chắc chắn sẽ kể cho các em nghe những tội ác của Việt cộng, nhắc cho các em những kinh nghiệm thương đau của cha ông, với một hy vọng các em sẽ không bao giờ để cái chủ nghĩa quái thai này xuất hiện một lần nữa trên đất nước thân yêu dưới bất kỳ hình thức nào.
 
Tôi viết bài này trong niềm tưởng nhớ người Chú, người Cậu, những sĩ quan anh dũng của quân lực Việt Nam cộng hòa hy sinh trong cuộc chiến, những đứa em và bà con xa gần chết trên biển Đông, vì lý tưởng tự do.
 
Nguyễn Khánh Vũ

Saturday, October 27, 2012

VH

'Inside Out and Back Again,'
 một 'bestseller' của Lại Thanh Hà

WESTMINSTER (NV) - Nhà văn nữ Lại Thanh Hà, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Inside Out and Back Again,” vừa đoạt ba giải thưởng National Book Award, Newberry Honor, và New York Times Bestseller, cho tác phẩm của mình.

Tuy phải mất năm năm từ ngày bắt đầu viết đến khi cho ra mắt bạn đọc cuốn “Inside Out and Back Again,” (Tác phẩm đầu tay của Lại Thanh Hà, “Inside Out and Back Again.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)nhà văn Lại Thanh Hà được cho là đã có “một tấm vé số độc đắc” khi thành công rực rỡ ngay với tác phẩm đầu tiên. Tại Hoa Kỳ, đất nước xuất bản sách hàng đầu thế giới với trung bình 328,000 sách mới mỗi năm, số sách được độc giả đón nhận và trở thành New York Times Bestseller có thể nói là hiếm hoi.

“Inside Out and Back Again” là một cuốn tiểu thuyết ngắn, viết theo dạng thơ, trong đó tác giả kể về thời thơ ấu của một cô bé tên Hà (trùng tên với tác giả), 10 tuổi, mập tròn, còn ham chơi của Sài Gòn những năm 1975. Là một học sinh lớp bốn, Hà chẳng bao giờ lo nghĩ xa hơn chuyện làm thế nào để chọc tức cô bạn học giỏi ngồi cạnh bên, hay làm sao để cây đu đủ ngoài vườn mau ra trái. Sài Gòn thất thủ, Hà và gia đình lên tàu vượt biên trong mất mát, sợ hãi. Sau bao ngày long đong trên thuyền, cô bé cùng ba người anh và mẹ cập bến trại tị nạn. Cuối cùng, cả gia đình được một người Mỹ đạo Tin Lành tại Alabama bảo trợ. Hà cố gắng làm quen với vô vàn điều mới mẻ của nước Mỹ xa lạ. Ðất nước này không như “giấc mơ Mỹ,” như mọi người thường kể.
 
Không ai tin, khi tôi nói
nếu được,
tôi đã chọn
cái thời chiến Sài Gòn
thay vì
sự yên tĩnh ở Alabama.
(Trích từ “Inside Out and Back Again”)

“Hầu hết những gì xảy ra cho Hà, nhân vật chính trong câu chuyện, từng xảy ra cho tôi,” tác giả cho biết về cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ những kỷ niệm ngày còn bé. “Kỷ niệm cũ bao trùm câu chuyện. Những cảm giác là thật, chỉ vậy thôi. Tình tiết được viết theo cảm hứng để hoàn thành câu chuyện.”

“Inside Out and Back Again” được Harper Collins, nhà xuất bản hàng đầu của Mỹ, mang đến cho người đọc. Ngay sau khi được phân phối trên thị trường năm 2011, nó nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất, đoạt các giải thưởng lớn như nêu trên.

Nhà văn Lại Thanh Hà cho biết về cuộc sống hiện tại sau những thành công của cuốn sách.

“Công việc hàng ngày không thay đổi nhiều. Mỗi sáng, tôi đưa con gái đi học, đi bộ, rồi về nhà bắt đầu viết lách. Sự khác biệt trong công việc là bây giờ tôi là một nhà văn được ký hợp đồng, nghĩa là thay vì tự viết sách và không biết những câu chữ của mình có bao giờ được xuất bản hay không, bây giờ tôi viết phải nộp đúng hạn. Không biết vậy có tốt hơn không nữa, nhưng cảm giác làm việc rất khác,” tác giả nói.(Nhà văn Lại Thanh Hà với tác phẩm tại lễ trao giải National Book Award. (Hình: Rachel Torgerson)

Lại Thanh Hà đặt chân đến Mỹ những năm 1975. Sau khi tốt nghiệp ngành báo chí tại đại học ở Texas, tác giả đến Orange County, California, làm việc cho tờ báo lớn nhất tại đây, The Orange County Register. Công việc của một phóng viên chuyên tường thuật các sự việc liên quan đến cảnh sát không đủ thỏa mãn tâm hồn nghệ sĩ của Lại Thanh Hà. Sau khi bỏ việc, tác giả theo học nghệ thuật và bắt đầu viết sách. Mười năm sau, cô quyết định viết về quãng thời gian sau khi Sài Gòn thất thủ.

“Inside Out and Back Again” hoàn thành trong năm năm, đến tay các nhà xuất bản. Ðây là tác phẩm đầu tiên của nhà văn Lại Thanh Hà.

“Cuốn sách giúp tôi có danh nghĩa thực sự của một nhà văn. Dù không có điều này, tôi vẫn viết, nhưng được xuất bản và được đón nhận giúp tôi nhận mình là 'nhà văn' dễ dàng hơn khi có người hỏi. Các giải thưởng và doanh số xuất bản khiến tôi ngạc nhiên, cảm giác rất vui vì được đón nhận,” nhà văn Lại Thanh Hà cho biết sự bất ngờ qua thành công của cuốn sách.

Giáo Sư Jeff Brody, cựu phóng viên báo The Orange County Register, hiện giảng dạy tại đại học Cal State Fullerton, cho biết ông không ngạc nhiên với sự thành công của Lại Thanh Hà.

“Một người có tài, có khả năng, và thông minh như Hà không thể dành cho công việc bàn giấy. Hà có đầu óc sáng tạo,” ông nói.

Ðộc giả hâm mộ “Inside Out and Back Again” thuộc nhiều độ tuổi và sắc dân.

Tác giả tâm sự: “Tôi nghĩ nội dung của câu chuyện có thể phù hợp với bất kỳ ai, những người phải rời bỏ những thứ thân quen và bắt đầu lại cuộc sống. Và mọi người đều từng trải qua cảm giác này.”

Một nữ độc giả tên Helen, sống ở Santa Barbara, California, nhận xét: “Tôi đọc một lèo cuốn sách và nó hay không tưởng. Bìa sách nói sách là cho lứa tuổi 8 đến 12, nhưng tôi thực sự thích nó. Thật không ngạc nhiên khi sách được các giải thưởng.”

Các em học sinh gốc Việt cũng yêu thích câu chuyện của cô bé Hà trong “Inside Out and Back Again.” Tuy các sự kiện được kể lại trong thời cuộc sau những năm 1975, các em học sinh gốc Việt vẫn cảm nhận và thấu hiểu những tình tiết của câu chuyện.

Bé Julia Ðỗ, 9 tuổi, kể: “Con bắt đầu đọc hôm Thứ Năm, tới Thứ Sáu là đọc xong.”

Lại Thanh Hà hiện sống ở New York và làm việc tại trường thiết kế Parsons. Cô luôn nhớ tới khoảng thời gian sống và làm việc tại Orange County.

“Tôi thích những thứ tôi chỉ có thể có tại đó, đi vào những suy nghĩ và các vấn đề của cộng đồng Việt, những thứ không thể chỉ đọc sách báo mà biết. Tôi được ăn những món ngon ngay gần nhà. Giờ tôi sống ở New York. Tuy vẫn có thể chạy xuống Chinatown ăn một tô phở, tôi không cảm nhận được không khí Việt Nam nhiều. Tôi vẫn yêu New York, tất nhiên, tôi ở đây hai thập niên mà, nhưng tôi về thăm Orange County mỗi mùa Hè.”

Trở lại với “Inside Out and Back Again,” nhà văn nữ này nói: “Hy vọng cuốn sách làm các em thắc mắc, đặt hàng ngàn câu hỏi cho cha mẹ, cô chú, ông bà. Với những ai từng trải qua cảm giác cuộc sống thay đổi hoàn toàn ngày 30 Tháng Tư, năm 1975, họ có rất nhiều điều để kể, những gì các em nghe được sẽ rất thú vị.”

Thiên An

Friday, October 26, 2012

BC

Cái chết của một tờ báo

 Giữa tháng 10 vừa qua, có một tin làm chấn động giới truyền thông quốc tế: tờ báo Newsweek tuyên bố sẽ đình chỉ hoàn toàn việc xuất bản dưới hình thức giấy in vào cuối năm nay để chuyển hẳn sang hình thức mạng.
 
Ðể hiểu tại sao lời tuyên bố ấy được xem như một quả bom (bombshell), chúng ta cần biết tầm vóc cũng như sự quan trọng của Newsweek trong lãnh vực truyền thông của Mỹ cũng như của thế giới nói chung.

Ðược thành lập từ năm 1933, Newsweek là một trong những tờ báo lớn nhất ở Mỹ. Ðúng ra, nó lớn hàng thứ hai, chỉ sau tờ Time về cả số lượng ấn hành cũng như số quảng cáo. Xuất bản hàng tuần, Newsweek có bốn ấn bản bằng tiếng Anh và 12 ấn bản toàn cầu (global edition) dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Trụ sở chính đặt tại thành phố New York, nhưng Newsweek có đến 22 văn phòng: 9 ở Mỹ (New York, Los Angeles, Chicago, Dallas, Miami, Washington D.C., Boston và San Francisco) và 13 ở ngoại quốc, bao gồm các nơi: London, Paris, Berlin, Moscow, Jerusalem, Bagdad, Tokyo, Hong Kong, Bắc Kinh, Nam Á, Cape Town, Mexico city và Buenos Aires.

Có thời gian Newsweek trở thành một trong vài tờ báo được đọc nhiều nhất thế giới. Ví dụ, năm 2003, số ấn bản hàng tuần của nó lên đến trên bốn triệu, bao gồm 2.7 triệu số bán ở nước Mỹ, còn lại là trên khắp thế giới. Newsweek trở thành nguồn cung cấp thông tin và cách diễn giải thông tin chính cho dân chúng Mỹ và giới trí thức khắp nơi.

Tuy nhiên, những năm gần đây, số ấn bản của Newsweek không ngừng đi xuống. Năm 2008, số ấn bản hàng tuần chỉ còn 2.6 triệu; năm 2009, 1.9 triệu và đầu năm 2010, một triệu rưỡi (trong đó số báo bán được ở các sạp chỉ còn khoảng 40,000 tờ mỗi tuần). Ấn bản bằng tiếng Nga (ra đời vào năm 2004) bị đóng cửa.

Cùng với sự sút giảm của ấn bản được phát hành, thu nhập từ quảng cáo cũng bị sút giảm trầm trọng: mỗi năm giảm khoảng gần một nửa.
 
Hậu quả là tờ báo bị lỗ rất nặng. Năm 2008 lỗ 16 triệu; năm 2009 lỗ 29.3 triệu; trong quý đầu tiên của năm 2010, lỗ 11 triệu. Tháng 11 năm 2010, Newsweek phải hợp nhất với tờ báo mạng The Daily Beast để thành công ty Newsweek Daily Beast Company. Sự phân công như sau: Trong khi The Daily Beast tập trung vào việc phân tích các vấn đề thời sự quan trọng, Newsweek tập trung vào những bức tranh lớn với những sự phân tích theo chiều sâu nhằm phục vụ những độc giả trí thức.

Sự hợp nhất ấy mang lại thành công cho tờ báo mạng The Daily Beast hơn là tờ báo giấy Newsweek: số ấn bản (in) của Newsweek tiếp tục bị giảm; số người đăng ký để đọc tờ báo ấy trên mạng cũng chỉ mới manh nha (27,000 người), trong khi đó, số người truy cập tờ The Daily Beast tăng vọt lên đến 15 triệu mỗi tháng (tăng 70% so với năm ngoái).

hính sự thành công của tờ báo mạng The Daily Beast đã khiến ban giám đốc của Newsweek (cũng đồng thời là của The Daily Beast) quyết định đóng cửa Newsweek dưới hình thức in để từ đầu năm 2013, chỉ xuất hiện dưới hình thức mạng.

Ðằng sau cái chết của tờ báo giấy Newsweek, như vậy, là vấn đề thương mại. Trong năm vừa qua, thu nhập chính của Newsweek là từ báo in (70 triệu từ quảng cáo và 80 triệu từ việc bán báo). Lương trả cho các phóng viên (tổng cộng 122 người) chỉ khoảng 15 triệu. Tuy nhiên, các chi phí khác, từ việc in đến việc phát hành tờ báo đến độc giả cũng như các sạp báo lại quá lớn. Lấy thu trừ chi, tờ báo lỗ mỗi năm đến mấy chục triệu!

Những gì đang xảy ra với Newsweek, thật ra, cũng đang xảy ra ở hầu hết các tờ báo khác.

Trong bài “A note on Newsweek (long) (updated)” đăng trên The Atlantic, James Fallows ghi nhận số ấn bản của cả ba tờ báo lớn nhất ở Mỹ - Time, Newsweek và U.S. News - đều bị giảm liên tục từ 1988 đến 2008.

Không những giảm số báo bán được, theo Katerina-Eva Matsa, Jane Sasseen và Amy Mitchell trong bài “Magazines: by the numbers,” số lượng quảng cáo trên các báo từ năm 2001 đến nay cũng giảm:

Hai nguồn thu nhập chính của các tờ báo là tiền bán báo và tiền quảng cáo. Khi cả hai cùng giảm và xu hướng sút giảm của cả hai càng lúc càng nhanh, tương lai của báo in không có gì sáng sủa cả.

Dĩ nhiên, cái chết của tờ báo in Newsweek hay bất cứ một tờ báo in nào khác, dù phổ thông, nổi tiếng và có ảnh hưởng đến mấy, cũng không phải là dấu chấm hết của truyền thông cũng như của thói quen đọc của quần chúng. Không đọc trên giấy thì người ta đọc trên mạng. Ở đây chỉ là vấn đề chuyển đổi hình thức đọc.

Cái chết của Newsweek trên hình thức giấy chỉ cho thấy một điều: Chúng ta đang sống trong một thời đại có rất nhiều thay đổi. Những thay đổi ấy tuy lặng lẽ nhưng rất lớn lao. Nhiều người gọi đó là cách mạng: cách mạng truyền thông, một trong những cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Nguyễn Hưng Quốc

Thursday, October 25, 2012

CT.VN

Nuôi án
 
Nuôi án thường có trong các vụ án hình sự. Người ta muốn có chiến công, thành tích nên khi phát hiện những đối tượng có manh nha phạm tội thì họ lặng lẽ theo dõi. Không bắt bớ, ngăn chặn ngay. Thậm chí họ còn cài đặc tình vào thúc đẩy việc phạm tội lớn hơn. Nuôi án hay có trong các vụ như mại dâm, buôn ma tuý, cờ bạc, buôn lậu,...đặc điểm của những '' án nuôi '' là có tổ chức, có sự phát triển theo thời gian.

Nhiều đối tượng bán lẻ ma tuý, chứa cờ bạc, cầm lô đề, cho vay lãi, bảo kê hoành hành được thời gian. Nghĩ mình lo lót hết, nhưng một ngày đẹp trời bỗng nhiên bị thộp cổ. Bọn nhỏ thì nhiều vô kể, còn bọn lớn thì như Khánh Trắng, Năm Cam.

Thật ra về số má giang hồ về đao búa, cái thang tính điểm của anh chị giang hồ thì cả Năm Cam, Khánh Trắng đều không có. Nhưng do được che chở của thế lực nào đó, từ một người đạp xích lô trở thành tay anh chị trùm bến bãi, lúc có vị trí rồi thì lúc đó không muốn thì cũng không thể làm ngơ nếu bị kẻ khác xúc phạm. Có lẽ Khánh Trắng chết một phần là do hắn, còn phần nữa là những kẻ đã dựng hắn lên. Nói thế mới chính xác. Cuộc đời Khánh Trắng nếu không một ngày gặp một vị đỡ đầu, thì giờ đây theo đà cuộc sống từ đạp xích lô, vợ bán hoa quả cứ chăm chỉ làm ăn. Khánh Trắng đã ngồi an nhàn uống bia hơi đầu Ô Quan Chưởng, vất xe tải cho một gã lái thuê nào đó. Chỉ việc điều hành chở hàng. Còn bà vợ thì ngồi một sạp hàng hoa quả chỉ đạo vài cô gái trẻ giúp việc cân đo, bó buộc hàng cho khách. Cuộc sống tương đối khá giả, bình bình. Sự thật thì nhiều anh chị ngang hàng Khánh Trắng thậm chí còn số má hơn lúc mà Khánh Trắng đạp xích lô giờ đây đã có cuộc sống như thế.

Thôi thì cứ gọi cho là số phận. Nhưng hẳn Năm Cam, Khánh Trắng ở suối vàng còn ôm khối hờn cả cục với những kẻ đã một thời bao che cho họ.

Nói gì thì nói, nuôi án không phải là việc chính đáng, thậm chí đó còn là đồng loã, tiếp tay cho tội ác. Người có trách nhiệm khi thấy mầm mống của tội phạm thì phải răn đe, giáo dục, ngăn chặn từ đầu. Nhưng công việc đó tương đối là thầm lặng, hiệu quả thì không rõ ràng. Chẳng ai có thể có chứng cứ để báo cáo thành tích rằng tôi đã ngăn chặn một ổ cờ bạc, ổ chứa mại dâm bằng cách khuyên bảo, giáo dục, ngăn ngừa ngay từ khi tên chủ quán mới định bán bia lắp đèn mờ, có xây phòng kín...Bởi chỉ có một xã hội mà người ta theo tiêu chí khác, con người ở đó khác thì họ mới cầm đồng lương và cố gắng làm những việc ngăn chặn cái xấu khi nó chưa xảy ra.

Còn ở đây, thành tích phải bằng số ma tuý cân được, số tiền cờ bạc thu được, số người bị giết...thành tích được miêu tả đầy hào hứng về con số, con số càng lớn thì thành tích của những người chỉ huy chiến dịch, bắt bớ, điều tra lại càng lớn.

Một đất nước thành tích thể thao năm sau cao hơn năm trước, chỉ số kinh tế năm sau cao hơn năm trước là điều rất đáng mừng. Nói nôm na là nếu anh năm nay mua sắm 10 đồng, năm sau 20 đồng thì là điều rất đáng mừng.

Nhưng thành tích bắt tội phạm thì không tương tự như thế nếu chúng ta biết suy nghĩ. Chả lẽ chúng ta hào hứng vì cảnh sát tháng trước bắt 20 bánh ma tuý, tháng sau chiến công rực rỡ hơn là bắt được 40 bánh. Rồi vài năm sau lại thấy khen thưởng rầm rộ vì phá vụ án có 100 bánh heroin.

Bạn thấy sắp có cuộc đánh nhau, hai người hàng xóm chửi nhau theo tiến độ căng hơn, theo kinh nghiệm bạn thấy họ sắp vác dao đến nơi. Bạn gọi điện lên công an phường báo tin. Một lúc sau họ xuống thì sự đã rồi, họ lập biên bản, lấy nhân chứng, bắt bớ, lấy cung. Có người đã trách công an là lúc đó xuống luôn thì không nên chuyện. Anh công an chân tình nhăn nhó trình bày, khổ lắm nhưng mà việc nó chưa xảy ra thì làm sao mà xuống được.!!!

Nói về băng nhóm tội phạm như thời Khánh Trắng, Năm Cam, Dung Hà thì chuyện giết người so với bây giờ còn kém xa. Các băng nhóm thời đó vào cảnh mà họ cho là không thể chấp nhận, cân nhắc kỹ mới quyết định thanh toán đối thủ. Chứ còn bây giờ năm ba cậu thanh niên làm bóng, cho vay lãi, cầm đồ hứng lên là vác súng, dao truy sát. Thậm chí chả phải chuyện làm ăn, mà chỉ ở trong quán bar, quán phở dẫm chân lên nhau, nhìn đểu nhau là có thể vác súng bắn vỡ đầu nhau luôn.

Mấy lần nghe thấy cán bộ lãnh đạo công an nói rằng thiếu nhân lực. Mặc dù năm sau nhiều hơn năm trước. Lập thêm đội dân phòng, đội trật tự tự quản, xung kích, dân quân tự vệ để hỗ trợ công an. Dường như vẫn chưa đủ để lực lượng này đảm bảo số lượng duy trì an ninh, trật tự.

Tội phạm gia tăng dẫn đến tăng cường quân số, trang bị, vũ khí...một cái vòng tương tác cứ như thế kéo dài. Nếu người ta không chú ý đến giáo dục, thậm chí còn có ý đồ nuôi án để lấy thành tích. Thì đương nhiên cái vòng luẩn quẩn đó còn phải nói đến nhiều.

Những chuyện về tội phạm hình sự như thế này không kể thì ai cũng biết. Sở dĩ hôm nay kể vì gặp chuyện bất ngờ. Thường chỉ gặp nuôi án trong các vụ kinh tế, cờ bạc, cưỡng đoạt ( bảo kê bến bãi, nhà hàng), mại dâm...chứ ở những vụ như an ninh chính trị thì không bao giờ có.

Thế nhưng mới đây nghe chuyện một cô bé sinh viên bị bắt, đồn rằng người ta phát hiện từ nhiều tháng trước, cài đặc tình vào theo dõi, rồi để đến khi truyền đơn tung ra họ mới bắt.

Không tranh luận chuyện cô bé có tội hay không có tội, vì đó sẽ là cuộc tranh luận còn diễn ra dài dài đến khi nào cô ấy được thả. Về quan điểm của tôi tất nhiên là cô bé không có tội, nói vậy để các bạn khỏi tranh luận về cô bé có tội hay không. Chuyện ấy sẽ tranh luận ở phần khác. Phần ở đây là chuyện nuôi án cơ.

Về phần những người bắt cô gái thì họ sẽ khẳng định cô bé có tội, bởi thế họ theo dõi từ lâu, cài người để nắm bắt, thậm chí có thể là tác động để cô và các bạn tiến hành hoạt động mà họ nghĩ là đủ chứng cứ để bắt. Vậy là nuôi án đấy.

Đến án chính trị, an ninh quốc gia mà còn nuôi án nữa. Thì thực sự một kẻ xuất thân từ dân lưu manh vốn tưởng đã không có gì bất ngờ với chế độ này, một lần nữa phải kinh ngạc vì hiểu biết của mình vẫn còn non kém quá.

Một đất nước ổn định về chính trị, cứ tưởng là không có những người phạm tội chống chế độ, tuyên truyền nói xấu chế độ, âm mưu lật đổ chế độ cơ. Chứ đã đầy rẫy những người ra toà vì tội như thế rồi mà lại còn nuôi án cả những tội đó để lấy thành tích nữa thì quá là đáng ngại.

Mong sao chuyện đó không phải là sự thật.

Người Buôn Gió
@facebook.nbg