Monday, October 22, 2012

SK.VN

Nữ nghệ sĩ Thanh Nga
nổi tiếng do trận cầu thể thao
 
Nếu nói về Thanh Nga thì biết bao nhiêu là chuyện để nói, nhưng trong bài này tôi chỉ nêu lên một sự kiện không có liên quan gì đến cải lương, đã làm cho đào cải lương Thanh Nga nổi tiếng vang lừng khắp nước.(Thanh Nga chạy đá banh? Không phải, mà là một cảnh trong phim “Ðôi Mắt Người Xưa” do hãng Liêm Film thực hiện năm 1961. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai))

Số là vào năm 1959, thời kỳ mà văn nghệ và thể thao có điều kiện để phát triển, đặc biệt là môn bóng tròn, tức đá banh, được coi như phát triển mạnh nhứt.

Tại thủ đô Sài Gòn, Bộ Thanh Niên Thể Dục và Thể Thao được cấp ngân khoản sửa chữa, xây dựng lại sân banh Renaul ở vùng Máy Ðá, trên đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn, thuộc khu Nguyễn Tri Phương gần trường đua ngựa Phú Thọ, để thay thế cho sân Tao Ðàn trong vườn Bờ Rô không còn thích hợp để đón các đội banh nước ngoài. Sân Renaul được xây cất lại theo tiêu chuẩn quốc tế lúc đó, khán đài xây nới rộng thêm nhiều, có sức chứa khoảng 30,000 người và đổi tên là sân vận động Cộng Hòa.

Tới hôm lễ khánh thành khán giả với con số kỷ lục ngồi đứng chật hết vận động trường, nhứt là khán đài bình dân bị nhét không còn chỗ đứng, người ta ước lượng hôm bữa đó không dưới 40,000 người coi, và nếu ai để ý sẽ thấy ở bên khán đài danh dự có Thanh Nga, bà bầu Thơ cùng một số nghệ sĩ của đoàn Thanh Minh. Thế nhưng, nếu Thanh Nga đi coi đá banh bình thường thì cũng như mọi người thôi, thì có gì đâu phải nói và cũng đâu có gì để nổi tiếng, nhưng cái đặc biệt của trận cầu này là Thanh Nga vừa đi coi lại vừa đá banh mới là có chuyện để nói chứ! Có chuyện để cho thiên hạ bàn tán nhiều, tạo thêm uy tín làm nổi tiếng tên tuổi Thanh Nga.

Vì là khánh thành sân vận động mới, nên hôm đó có rất nhiều viên chức cấp lớn trong chính phủ tham dự, và sau khi cắt băng khánh thành, quan khách được mời lên khán đài danh dự xong là trận banh mở màn cho sân mới bắt đầu. Người ta thấy từ hai đầu sân, hai đội banh Quan Thuế và AJS của cảnh sát cùng chạy ra giữa sân chào khán giả hai bên, và sau tiếng còi của trọng tài, hai đội lui về vị trí thì ban tổ chức nói lớn trong máy: “Hai đội cầu đã sẵn sàng, xin mời nữ nghệ sĩ Thanh Nga ra sân đá quả banh đầu tiên.” Câu nói trên của vừa dứt, tức thì tiếng ồn vang động cầu trường, và Thanh Nga rời khán đài danh dự bước ra sân trong tiếng vỗ tay hoan hô vang dội.

Hôm bữa đó đài phát thanh Sài Gòn trực tiếp truyền thanh, những người hâm mộ môn bóng tròn trên cả nước đã bao quanh chiếc máy radio để nghe xướng ngôn viên Huyền Vũ tường thuật tại chỗ trận đầu, và dĩ nhiên lời mời Thanh Nga đá quả banh đầu tiên cũng được Huyền Vũ lập lại trên máy.

Lúc Thanh Nga đưa chân đá quả banh thì hình ảnh đó được thu vào ống kính của các phóng viên, và hôm sau thì tấm hình “đưa chân” của Thanh Nga cùng quả banh như không muốn chạy được lên trang nhứt các báo để đồng bào khắp nước cùng thấy (lúc bấy giờ có người làm bài thơ “Quả Banh Không Muốn Chạy” mà rất tiếc chúng tôi không nhớ nội dung lời thơ). Việc này đối với các quốc gia phương Tây thì rất thường, chẳng có gì lạ, nhưng đại đa số người Việt Nam lúc bấy giờ thì đó là một hiện tượng khá lạ lùng, để rồi khi ra về là câu chuyện bàn tán với nhiều lập luận khác nhau trong vấn đề Thanh Nga đá banh. Do đó mà từ buổi chiều hôm ấy thiên hạ trên cả nước bàn tán về Thanh Nga, và tên tuổi cô bắt đầu sáng rực từ hôm ấy.

Qua sự việc trên chúng ta thấy rằng cái cơ duyên đưa đến trong đời đã tạo nên nguồn dư luận làm nổi tiếng nữ nghệ sĩ Thanh Nga, chứ chưa chắc gì ca diễn trên sân khấu mà được hoan nghinh quảng bá đến như thế. Cái may mắn của Thanh Nga là vừa lớn lên, lại gặp lúc mà hai môn văn nghệ, thể thao phát triển, nên mới có được cảnh đặc biệt hiếm có như trên.

Ngành Mai
@nguoiviet