Wednesday, October 3, 2012

KT.VN

Doanh nghiệp VN đang khó toàn diện.
 
 Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn toàn diện trong bối cảnh sức mua cạn kiệt, chi phí vốn tăng cao, giá nguyên liệu biến động.

Đây là cảnh báo của TS Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương , tại hội thảo Diễn đàn kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức gần đây.
 
Ông Cung nhận xét: “Sản xuất có dấu hiệu đang bước vào thời kỳ suy giảm; số doanh nghiệp giải thể, phá sản và tạm ngưng hoạt động gia tăng; khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ kéo dài; tín dụng suy kiệt... làm tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp nhất trong 10 năm nay”.

Để chứng minh nhận xét này, ông Cung trích dẫn một khảo sát quy mô lớn của Tổng cục Thống kê tiến hành trong nửa đầu năm nay.

Theo khảo sát, giảm cầu trong nước là khó khăn đầu tiên, phổ biến đối với hơn 2/3 số doanh nghiệp; tiếp đến là khó tiếp cận vốn (53,6%), khó khăn trong việc mua nguyên liệu (49,2%), những bất ổn vĩ mô (23,6%).

“Như vậy, tất cả các doanh nghiệp đều gặp phải khó khăn”, ông nhận xét.

Trả lời khảo sát, khoảng một nửa số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gặp khó khăn do giảm cầu trong nước, trong khi có tới 70% số doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn vì lý do này.

Ngược lại, giảm cầu ở thị trưòng nước ngoài đã gây khó khăn cho gần 54% số doanh nghiệp FDI, thì con số này đối với doanh nghiệp nhà nước là 22,2% và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 7,5%.

Ông nhận xét, điều này phần nào chứng tỏ đại bộ phận doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu hoạt động trên thị trường nội địa, chỉ một số không nhiều có xuất khẩu hoặc giao dịch với thị trường nước ngoài.

Chỉ 22% số doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, trong khi đó có tới gần 53% số doanh nghiệp nhà nước và 56% số doanh nghiêp tư nhân trong nước gặp phải khó khăn này.

Hơn 58% số doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn trong mua nguyên liệu, trong khi đó con số này đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước và FDI khoảng 49%.

Có tới 33% số doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn do bất ổn kinh tế vĩ mô, cao hơn khá nhiều so với doanh nghiệp tư nhân trong nước (khoảng 24%) và doanh nghiệp FDI (khoảng 20%).

Theo ông Cung, tiếp cận vốn đang là rào cản phổ biến cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy vậy, khảo sát cho thấy, hơn 42% số doanh nghiệp không vay vốn trong hoạt động kinh doanh, hay số doanh nghiệp này chỉ dựa vào vốn tự có của mình để kinh doanh và không vay mượn của bất kỳ ai.

Trong số 58% số doanh nghiệp có vay vốn từ người khác, thì hơn 58% trong số họ có vay vốn từ ngân hàng thương mại nhà nước, gần 30% có vay vốn từ ngân hàng thương mại cổ phần, gần 39% có vay vốn từ bạn bè, người thân và 5,5% có vay vốn từ các ngân hàng FDI.

 Có khá nhiều rào cản đối với doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đầu tiên và lớn nhất là lãi suất cao; gần 40% số doanh nghiệp gặp phải rào cản này. Tiếp sau là thủ tục phiền hà (28,5%), không có thế chấp (gần 19%), phải trả thêm phụ phí (gần 10%) và cuối cùng là không có vốn đối ứng (khoảng 7%).

Về lãi suất tín dụng, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy phần lớn doanh nghiệp đang vay vốn với lãi suất rất cao. 78,5% số doanh nghiệp đã phải trả mức lãi suất từ 16% trở lên; hơn một nửa số doanh nghiệp phải trả mức lãi suất từ 18% trở lên.

Tuy vậy, ông nhận xét theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, số dư tín dụng mà doanh nghiệp vay và trả mức lãi suất trên 15%/năm đã liên tục giảm trong mấy tuần gần đây, và đến ngày 20-8-2012 đã xuống mức còn 29%.

Về nguyên nhân làm phát sinh những khó khăn đối với doanh nghiệp, ông Cung cho rằng vẫn là do yếu kém nội tại của Việt Nam, mà cơ bản nhất là các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
 
 Theo đó, hàng ngàn dự án đầu tư công đã bị đình hoãn; mức tăng tín dụngđã giảm từ hơn 30% trong nhiều năm trước 2011 đã giảm xuống còn 1,2% trong 8 tháng đầu năm 2012.
 
Tư Hoàng
TBKTSG