Thursday, May 31, 2012

VHVN


Đọc thi tập VÙNG ĐẤT HÃM
của nhà thơ Phạm Cây Trâm.

Vùng Đất Hãm là tập thơ gồm khoảng 150 bài thơ của nhà thơ Phạm Cây Trâm viết khi tác giả đi tù cọng sản tại vùng Tiên Lãnh,tỉnh Quảng Nam kể từ sau năm 1975.Khác với các tập thơ khác cùng tác giả,”Vùng Đất Hãm” là trường hận ca,được sáng tác theo nhiều thể loại,chủ yếu xoay quanh các đề tài liên quan đến:cọng sản,quốc gia, tù nhân,trại tù,lao động,bạn bè trong tù,bệnh tật,chết chóc,thương nhớ gia đình…và niềm tin chính nghĩa quốc gia tất yếu sẽ thắng cọng sản .Mở đầu,trong bài “Thay lời tựa “ở trang 7 như:“Vùng Đất Hãm”ký bằng thơ.Ghi từ tù ngục giữa bờ tử sinh”hoặc ở trang bìa sau :

“Đêm và ngày,ngày đêm thống hận
Nơi ngục tù ta thú hai chân
Về lại quê hai chân ta thú
Muôn năm lịch sử” hận trường hành”

Vùng Đất Hãm hay “Tiên Lãnh trường hận”là biểu tượng địa danh của trại tù Tiên Lãnh,bao gồm các trại  phụ:Làng Bầu,trại 1,Thôn 5, Na Sơn Đồng Mộ,NhàTrắng…quanh các con sông Tranh,sông Tum …là một trong những địa danh của những chiến lợi phẩm man rợ,khũng khiếp cùng sự  trả thù,đày đọa cho đến chết và như thế,cũng là niềm tự hào của Công An Quảng Nam,tỉnh thành của thành đồng tổ quốc cọng sản Việt Nam,đã liên tục 5 lần được trao cờ danh dự của Đảng vì đã quản lý tù tốt nhất nước,nên khỏi phải đưa số tù quan trọng ra Bắc như tác giả ghi chú về lời tuyên bố của họ,phác thảo hình ảnh trại Bầu của vùng đất hãm từ mạn dưới sông Tranh : “Lên dốc năm trăm tận núi sâu”,và :

Đã 10 năm núi rừng vây hãm…
Đất trời đây địa ngục trần gian
(Địa ngục trần gian.-tr.27)

Rừng thiêng,nước độc, sốt lên cơn
Sống lê la mắt sâu,da bủng
Vợ lên thăm chảy lệ căm hờn.
(Kiếp tù-tr.17)

Nơi đây tại Vùng Đất Hãm,cọng sản đã giam gữ các công viên chức,sĩ quan,chức sắc tôn giáo,đảng phái có lúc lên đến 5.000 người…tất cả đều là tù nhân chính trị,là kết cục cuộc chiến huynh đệ tương tàn do đảng cọng sản Việt Nam khát máu và mù quáng,theo lệnh Cọng sản dệ tam quốc tế.Tất cả những tù nhân,do không đứng dưới lá cờ máu,đều bị quy tội phản cách mạng,đều bị giam cầm, tù tội,thủ tiêu,xử tử…Cũng như các trại kiên giam khác trên toàn quốc,sau năm 1975,đều là những Gulag Việt Nam.Ở bên kia bức màn sắt,không bao giờ có khái niệm tự do,dân chủ,nhân quyền…người dân không bao giờ được phép biết đến .Cọng sản Bắc Việt đã trắng trợn,xem những người yêu nước,những chức cắc tôn giáo chống lại chủ thuyết vô thần là có tội,các đảng phái đối lập chia xẻ và cân bằng quyền lực không có chỗ đứng trong độc đảng toàn trị…Tất cả các tù nhân trong các trại,đã bị cưỡng bức thú tội,và từ đó lấy giả chứng buộc tội:

Ngục tù không tội,chung thân khốn…
Cờ đỏ sao vàng hại nước dân
(Cải tạo-tr.12)

Khác với chế độ lao tù trên thế giới,chế độ lao tù cọng sản là lao động cực nhọc bất kể ngày đêm,mưa nắng,quanh năm các ‘trại viên”luôn bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần,từ núi cao,vực sâu cùng chế đọ ăn uống và y tế,khắc nghiệt đau thương,hơn cả thời Pháp thuộc:

Nắng mưa vai nặng ngậm ngùi
Mồ hôi như tắm lui cui bước dần…
(Đường dốc núi-tr.18)

Nội quy cấm trong các trại tù cọng sản áp dụng cho tù nhân là”không được quan hệ,không nghe,không biết,không thấy’,là vô nhân tính và vô luân.Phẩm cách cao cả và lòng nhân hậu của những con người đã sống bên này vỹ tuyến 17 kể từ năm 1954 là khác, là vẫn kín đáo xích lại gần nhau,đùm bọc,thương yêu và giữ  vững lòng tin nơi chính nghĩa quốc gia,dưới ngọn Cờ Vàng,đối đầu không khoan nhượng với chủ nghĩa quốc tế cọng sản. Quân dân Việt Nam Cọng Hòa đã không “thành công” ngăn chặn chủ nghĩa cọng sản để toàn dân hết thống khổ,nhưng đã “thành nhân” để lịch sử thực tiển sau đó,so sánh chủ nghĩa,chế độ chính,tà…để thẩm định tương lai đất mước.Thế nên,những người bạn tù của Phạm Cây Trâm luôn là những hình ảnh chân chính,đáng trân trọng và quý mến trong đa phần tập thơ về,những chiến sĩ quốc gia tuẩn tiết,những bạn tù bị cọng sản xử bắn trong trại là những anh hùng,noi gương anh hùng Nguyễn Thái Học chống Pháp,chống Cọng:

Tháng tư oan nghiệt,đoạn trường
Ta khóc không hề nghe tiếng khóc
Sáng ngày rừng núi vẻ thê lương.
(Bài thơ thương tiếc tr.213)

Bọn Việt cọng tàn bạo
Dẫn Anh ra pháp trường
Trói Anh vào cột bắn
Giữa đất trời đau thương
(Chiến hữu Trần Quang Trân .tr.106)

Như bao thân phận tù nhân khác tự cổ chí kim,một ngày như thiên thu tại ngoại,thương vợ thân cô một tay tảo tần,nhớ con thơ dại thiếu tình thương và giáo huấn của cha,hằng tưởng phụ mẫu tuổi già sức yếu mà ngày về của mình vô định, bà con xóm giềng thống khổ dưới chế độ mới,người tù vùng đất hãm nghỉ gì và viết gì đây :

Ngục tù thấy chân lý
Chánh nhất định thắng tà
Ngục  tù thấy dân ý
Diệt giặc quyết không tha.
(Thư cho con năm 1982)

“Nhớ em-Hai chữ trời ngơ ngác.
Cháy núi khô sông một nghĩa chờ”
(Cháy Núi Khô Sông,Một Nghĩa Chờ-tr.32)

Chính cũng tại vùng đất này,các bậc sĩ phu tỉnh Quảng Nam,các chiến sĩ Việt Quốc,sau cái chết của đảng trưởng Nguyễn Thái Học chống thực dân Pháp năm 1930,lại phải đối mặt khốc liệt với một kẻ thù mới lưu manh,tàn bạo và vô nhân hơn là đảng Cọng Sản Việt Nam,đã bị cọng sản bắt giam tại trại tù Trà Linh,Tiên Hội,hay bị hành hình do vụ cầu Chiêm Sơn năm 1946,đặc biệt ngay chính trong gia đình,nhớ lại hình ảnh trước đây khi nhà thơ mới vừa  13 tuổi, vào năm 1945, bàng hoàng xúc động :

Rồi bắt Anh tôi tù nơi Tiên Hội…
Bản án mười năm-hận thù chụp mũ
Từ bửa Ba tôi ngục tù khổ nhọc
Nơi núi rừng Tiên Hội đã hai năm
(Bài thơ thay lời bạt-tr.251)

Hơn lúc nào hết,vững tin tưởng vào hồn thiêng đất nước và tiền đồ dân tộc,con dân Việt không thể bị áp bức đày ải.không thể cái ác ,cái xấu,dối trá và lừa lọc cai trị,chi phối.Đôi khi,trong tận cùng khổ tận,thập phần bên bờ tử sinh,trong phòng tối của xà lim đói khổ và bệnh tật,tác giả cầu khẩn Phật,Chúa,cứu giúp cho tất cả tù nhân yêu nước”Sao không xuất hiện cứu chúng ta..,những kẻ vì dân,nước…”,vẫn đành lòng “Nếu không có Thượng đế,thì tôi là Thượng đế” như lời đối thoại trong cuốn truyện Anh em nhà Karamazov của văn hào Nga  Fyodor Dostoesky,để rồi phải tự kiêu hùng cố sống, sắt thép và vững tin :

Là niềm tin trên đá nở hoa
Sẽ không xa ngày vui hội ngộ
Vinh quang đất nước,khải hoàn ca.
Thân này đâu kể tả tơi
Muôn năm vẫn đứng giữa trời quê hương
(Đường dốc núi-tr.19)

Nhà giáo,nhà thơ Phạm Cây Trâm chiến đấu trong hàng ngũ Việt quốc mà cơ sở Quảng Nam vốn hoạt đông  mạnh mẽ và hữu hiệu “nhà ba đời chống cọng”buồn và  căm phẩn:

Tam kỳ buồn thấy mã tấu,giao găm
Nỗi lo sợ mãi ngày đêm quanh quất...
Nhìn cờ đỏ sao vàng
Trên thành phố cư tang.
(Mười hai năm tù về.-tr.231)

Nhà chí sĩ chống thực dân Pháp đất Quảng Nam,cụ Phan Châu Trinh trong” Chí thành thông thánh” có lúc hỏi” “Trường thử bách niên cam thóa mạ,Bất tri hà nhật xuất lao lung?Rút cuộc,hậu duệ Phạm cây Trâm từ “Vùng Đất Hãm”cọng sản, cũng ”Mười hai năm tù về.Quản chế vô thời hạn”và ”Công lý đời về kẻ sát nhân,Ta không tội thành tù có tội,Chẳng mấy hồi gia cảnh nát tan”.(Địa ngục trần gian – tr,25)

Hằng năm,những người tù chính trị năm xưa tại “Vùng Đất Hãm”,cũng như hằng trăm trại tù khác trên toàn cỏi Việt Nam sau năm 1975,thường tổ chức họp mặt để tưởng nhớ những chiến sĩ quốc gia vị nước vong thân,tự sát trong những ngày đầu khi cọng quân chiếm được miền Nam,bị xử bắn hoặc chết trong các trại tù,hoặc sau khi ra tù...mà tất cả,ám ảnh rất rõ nét,tưởng chừng như mới hôm qua.Tất cả đều một lòng rằng,cuộc chiến Quốc-Cọng vẫn còn đó”Ai phò gian?Ai phụng sự quốc gia”.Ai thắng ai,lịch sử vẫn tiếp tục viết,qua sách báo,webpage, của những tù nhân sống sót năm xưa từ vùng đất hãm trở về,hàng giờ hằng ngày cùng toàn dân,cương quyết chiến đấu nhằm loại bỏ chủ nghĩa cọng sản lỗi thời trên quê hương yêu dấu,tái tạo chủ nghĩa quốc gia,dưới bóng Cờ Vàng đại nghĩa và truyền thống,quyết xây dựng một nướcViệt Nam mới,không cọng sản,độc lập,tự do và phú cường.

Nhiều tác phẩm văn học kháng Pháp trước đây và chống Cọng hiện nay,hình thành từ những người con tài hoa đất Quảng Nam ,không chỉ là những bản án chính tri dành cho các chế độ xấu xa này,mà còn là những kết tinh của ngôn ngữ Việt,gạn lọc,sắc bén và   văn chương còn lại trên trang giấy,trên online,như là những dấu ấn phụ bản thêm vào,bên cạnh quốc sử,về một thời kỳ dài, nhiễu nhương,đau thương của dân tộc.Và “Vùng Đất Hãm” thi tập đầy nhiệt huyết nối tiếp này,được xem như là bản án chủ nghĩa cọng sản,chế độ cọng sản  hay chủ yếu,thể hiện nguyên trạng chế độ nhà tù khắc,tàn bạo và vô nhân,từ sau năm 1975 đến nay, như là bằng chứng gửi lại hậu thế .

Bình thân vốn nặng lòng với vùng đất Quảng Nam,may mắn có một thời gian sống ở  vùng đất thân yêu,kiên cường và anh dũng này, tôi cũng bị cọng sản giam cầm cùng anh Phạm Cây Trâm và tất cả các chiến si quốc gia khác,đặc biệt các chiến sĩ Việt quốc kính mến,một thời chung vai đấu cật chiến đấu chống cọng sản miền Bắc xâm lăng,gìn giữ miền Nam tự do,nhưng rồi vận nước tiêu vong,tự do dân chủ không còn,chính trị lệ thuộc,kinh tế sụp đổ,văn hóa nô dịch Mác Lê,xã hội băng hoại,đạo lý suy đồi, nhân dân ta thán...nỗi ám ảnh triền miên về thân phận con người(nhân quyền),về vận nước hưng vong(dân chủ,tự do)...từ trước và cũng từ “Vùng Đất Hãm” đã 36 năm qua,từ sau tháng Tư đen năm 1975 cho đến hôm nay mà dấu ấn tình nghĩa riêng chung,thảy đều bao la thấm đậm.

Từ đó do tình tri kỷ và tri bỉ,lại được tác giả Phạm Cây Trâm  ân cần và hoan hỉ cho đọc trước tập thơ “Vùng Đất Hãm”-Tiên Lãnh Trường Hận Ca này,bằng tất cả lòng thành,ý cạn,xin được  ghi nhận các điều thô thiển như trên,như là những ân tình mãi còn lại,hầu mong chia xẻ phần nào về một thời để sống và để chết,đã vốn có. Mong rằng, nếu có gì vô ý, sơ suất,hoặc thái quá,bất cập,xin được tác giả và độc giả rộng lòng lượng thứ cho.

Trương Thúy Hậu
Ngày 24 tháng 12 năm 2011

Lifestyle

Điều Giản Dị Cao Quí.

Tôi xin ghi lại đôi dòng trích từ bài báo trên trạng mạng Tuổi Trẻ Online:

Chín năm và một mối tình

Theo giới truyền thông Mỹ, đám cưới của cặp đôi được tổ chức rất bình dị vào ngày 18.5.2012 vừa qua, ít ngày sau khi Priscilla Chan chính thức tốt nghiệp khoa y Đại Học California, thành phố San Francisco, Mỹ, đúng một ngày sau khi Facebook chính thức phát hành cổ phiếu lên sàn chứng khoán Nasdaq (IPO).

Mark Zuckerberg Priscilla Chan gặp nhau cách đây chín năm, khi cả hai còn đang là sinh viên tại Đại Học Harvard. Năm 2005, khi Zuckerberg chuẩn bị rời khỏi nơi này, anh đã đặt câu hỏi với bạn gái mình là “có muốn làm việc tại Facebook không ?” Tuy nhiên, cô gái người Mỹ gốc Hoa tốt nghiệp Đại Học Harvard chuyên ngành sinh học năm 2007 chưa bao giờ hiện thực hóa lời đề nghị của Zuckerberg: trở thành nhân viên của Facebook. ….

Đám cưới bất ngờ và giản dị

Một ngày sau cú hích ra mắt thị trường chứng khoán được báo chí Mỹ mô tả “đi vào lịch sử” trên sàn chứng khoán của mạng xã hội Facebook, chú rể 28 tuổi Zuckerberg đã tiến hành đám cưới bình dị với cô dâu 27 tuổi, Priscilla Chan. Chàng tặng nàng một chiếc nhẫn hồng ngọc “vô cùng giản dị” – theo lời một vị khách có mặt tại buổi tiệc miêu tả, do chính tay Zuckerberg thiết kế mẫu.
Đám cưới được tổ chức tại nhà riêng của Zuckerberg ở Palo Alto, bang California. Tất cả 100 khách mời là họ hàng và bạn bè thân thiết trước đó còn tưởng đây chỉ là buổi tiệc ăn mừng… lễ tốt nghiệp đại học của Priscilla Chan, và dĩ nhiên ai cũng đều bị bất ngờ.
Một kết thúc có hậu từ một tình yêu đẹp và bình dị. Mark Zuckerberg hiện đang nắm giữ 503,6 triệu cổ phiếu và giữ quyền điều hành công ty.(PHONG VÂN – THÚY QUỲNH)

Hẳn nhiều người trong chúng ta mấy ngày nay đều biết và xôn xao về thông tin này. Học và tốt nghiệp trường Đại Học Havard (ước mơ của bao nhiêu người), giàu có (nắm quyền điều hành một trong những công ty giàu có nhất nước Mỹ), sở hữu kiến thức (chủ mạng thông tin ảnh hưởng nhất nhì thề giới), nhưng tổ chức đám cưới với người yêu (chin năm một mối tình), tại nhà riêng (không phải tại nhà hàng sang trọng), khoảng 100 khách mời (nói theo kiểu ta là 10 bàn), quà cưới đơn giản (Một chiếc nhẫn hồng ngọc “vô cùng giản dị”).

Một người có rất nhiều thứ như thế mà lại tổ chức lễ cưới như vậy đáng cho chúng ta học hỏi. Ngược hẳn với bài học này, chúng ta đang chứng kiến những kiểu tiêu tiền như nước của một loại “công tử Bạc Liêu” mới, đám cưới “siêu sang” đầy mỉa mai của những kẻ mà xét trình độ, tài năng và của cải không đáng làm học trò của Mark Zuckerberg. Chạy đua với những kiểu ăn chơi cho có đẳng cấp, họ đang làm những chuyện lố bịch phù phiếm.

Cách đây hai năm tôi có được mời đi dự một đám cưới của một gia đình quen biết, hai anh chị là người có học, trước đây cả hai là nhà giáo, khi cơ cấu kinh tế thay đổi, anh có việc ở một công ty nước ngoài, vị trí khá cao nên thu nhập lớn, chị loay hoay làm từ thiện rồi ngẫu hứng mở “chuỗi” nhà hàng khá thành công, tiền lời từ các nhà hàng chị dành cho người nghèo, thu nhận nhân viên chị nhằm giáo dục thanh thiếu niên làm người.

Hai anh chị làm đám cưới cho con trai ở một nhà hàng khách sạn năm sao nổi tiếng ở thành phố Sàigòn. Anh con trai vừa đi du học ở nước ngoài về thương một cô bé… nhà quê! Hai ông bà cha mẹ cô dâu chưa một lần biết đến chợ Bến Thành. Đám cưới diễn ra trong một bầu khí hết sức thân mật, khách trong nước lẫn ngoài nước khoảng… 10 bàn (nên nhớ anh làm giám đốc bán hàng của một tập đoàn lớn, có cả ngàn đại lý ở khắp nơi trên đất nước).

Ông bố chú rể khai mạc tiệc rất giản đơn, anh lên nói vài lời về tiến trình “chúng nó” thương nhau, bổn phận làm cha làm mẹ phải lo cho con cái, cám ơn mọi người đã đến dự, cám ơn cha mẹ cô dâu đã vui lòng làm sui, “anh chị sui” đã làm cho anh nhớ lại thời gian khổ, ngồi bờ ruộng vấn điếu thuốc rê trong giờ nghỉ của thời phải đi lao động Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhớ lại hương đồng gió nội, nhớ mùi rạ mùi rơm, nhớ làn khói chiều làm cay mắt khi nấu bếp, nhớ củ khoai lang lùi trong bếp lửa thân thương…

Anh ngỏ vài câu tiếng Anh với bạn bè và đồng nghiệp, rồi bữa tiệc bắt đầu. Không văn nghệ, không MC, không hò hét, không vũ điệu nhảy nhót, không chân dài chân ngắn váy thấp váy cao, không đội hoa đội nến, không tháp ly rượu rót đầy tràn… bầu khí thân mật mọi người nói chuyện ăn uống thoải mái, chính bố mẹ chú rể chủ động làm cho thoải mái, anh chị sui ăn uống kiểu nông dân, không câu nệ muỗng nĩa, khăn ăn, ly tách…

Ngày nay có quá nhiều kiểu đua đòi “cho bằng em bằng chị”, tốn kém vô ích, thậm chí gây bất đồng cho cuộc sống hôn nhân mai hậu, người ta quá bận tâm vào những cái hào nhoáng bề ngoài mà bỏ quên những sự chuẩn bị cần thiết cho nội tâm là yếu tố quan trọng của cuộc sống. Sẽ là vô ích khi đám cưới thật to nhưng không tạo nên hạnh phúc. Điều quan trọng là sẽ sống ngày mai ra sao thì họ bỏ quên. Ích gì khi “nở mặt nở mày” nhưng “ba bẩy hăm mốt ngày” gia đình trở thành địa ngục. Giản đơn bình dị nhưng chân thành và yêu thương là sự khôn ngoan cần phải được tạo dựng.

Chúng ta bắt đầu chuẩn bị vào Hè, đối với Giáo Hội, chúng ta bước vào “mùa lễ lạc”, ngay sau kết thúc niên học, các Giáo Phận, các Dòng Tu vào “mùa chịu chức”, vào “mùa khấn hứa”, chúng ta sắp đối diện với những những điều nhức nhối như những nhức nhối của xã hội, dĩ nhiên với tư cách của Hội Thánh theo Chúa Kitô, Hội Thánh của người nghèo, vấn đề của chúng ta sẽ nhức nhối hơn gấp bội. Chúng ta sẽ tổ chức hay tham dự các Lễ Tạ Ơn của các tân Linh Mục như thế nào? Đó là thách đố của chúng ta hôm nay.

Tôi nhớ lại vào tháng 8 năm 1999, khi Giáo Phận Long Xuyên tổ chức lễ phong Giám Mục cho hai Linh Mục, Giuse Trần Xuân Tiếu và Giuse Ngô Quang Kiệt, tin tức được loan đi để xin cầu nguyện nhưng không đặt thiệp mời một ai, Ban Tổ Chức chuẩn bị cơm hộp cho bất cứ ai đến tham dự lễ phong chức, sau lễ đó, tiếng ra tiếng vào khá ồn ào, lắm người đã phê bình nặng lời, họ xem như “không bình thường” và không đúng cách.

Lễ phong chức giản dị như vậy, nhưng hai vị Giám Mục đó đã sống rất xứng đáng, cách riêng Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, người mà nay đã lui vào ẩn mình như đời đan tu, ngài đã hết lòng với Giáo Phận trong những ngày được đặt làm Giám Mục Lạng Sơn, một Giáo Phận có trăm ngàn khó khăn, ngài đã sống xứng đáng là một vị Tổng Giám Mục của Hội Thánh Công Giáo khi kiên cường lên tiếng cho Giáo Hội và cho con người.

Còn đó những tiếng nói của ngài dõng dạc cất lên ở hội trường UBND thành phố Hà Nội năm 2008, cất lên giữa những người đang “hằm hè nghiến lợi nghiến răng” như muốn cắn xé Giáo Hội. “Tôn giáo là quyền của con người, không phải là đặc ân xin – cho”, ngài đã nhận lấy trách nhiệm không chỉ là trách nhiệm tôn giáo, thứ tôn giáo quanh quẩn trong Nhà Thờ, nhưng còn là trách nhiệm với đất nước, dân tộc và lịch sử của đất nước này khi chỉ ra cái sai của sự lạm quyền, tham nhũng, bất minh.

Vị Tổng Giám Mục đó đã lãnh lấy sứ mạng mục tử trong một buổi lễ hết sức giản dị, không rềnh rang, không tiệc tùng, không “vinh qui bái tổ” hoành tráng… Nhưng 4 năm qua, những biến chuyển của xã hội đang tiếp tục chứng minh con người kiên cường bất khuất và yêu mến ấy đúng, đúng trong cả tầm nhìn và đúng trong cả cách ứng xử với xã hội.

Hãy học nơi những tấm gương giản dị nhưng tuyệt vời, hãy học cách sống cho đời và cho người, chúng ta cần giúp nhau sống cuộc đời ngắn ngủi ở trần gian này một cuộc sống có ý nghĩa.

Lm. VĨNH SANG, DCCT
27.5.2012 (Ephata 511)

Wednesday, May 30, 2012

VH

Truyện thật ngắn.

Bàn tay

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em luồn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

Tự trách, bấy lâu mình quá vô tình!



Ba mất. Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa .

Nó về ở với Nội . Nội già . Nó làm tất cả . Nó giống người châu Phi - đen trùi trũi ! Có người hỏi : "Mày có buồn không ??" . Nó im lặng nhìn xa xăm .....

Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn nhiều . Nội nhìn nó ngạc nhiên . Nó ngậm ngùi : "Con còn có Nội - nó chẳng còn ai ..... !!" .....

Chị Em

Mấy chị em nó thường cãi nhau chí choé. Chị sợ em suy nghĩ non nớt, hay xía vào chuyện của em. Em sợ chị suy nghĩ chưa chính chắn, hay làm tài lanh. Bực quá, ước gì làm con một.
Ra trường nhận việc đi xa, chị em nó mỗi người một nơi. Lạ thật, chị em nó lại thèm được cãi nhau chí choé.

Domino

Cứ mỗi chiều, nó lại đem domino rủ ba chơi. Nó "thả" ba ăn. Nó đòi gỡ nhưng vẫn "thả" cho ba ăn. Sáu giờ, nó : Con dọn cơm ba ăn nghe? Ba : Ừ. Nó mừng rơn.

Chiều nay, nó và ba lại chơi domino. Nó "thả" nhưng ba ngừng chơi, nhìn đồng hồ. Năm giờ , Ba đi đây tí. Nó nếu kéo nhưng ba thả cờ. Bảy giờ, ba về say xỉn, mẹ ôm nó khóc. Những quân cờ nằm lăn lóc, buồn như mẹ và nó, không đủ sức giữ chân ba và cơn thèm rượu.

Phải chi

Chiều hôm trước, thằng bé hai tuổi nước da trắng hồng lẫm đẫm theo cha như hình với bóng. Cái miệng xinh xắn luôn bi bô nói "ba..........đi chơi".

Sáng hôm sau, thằng bé nằm bất động trong cái nôi sắt ở nhà thương. Đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt nhợt nhạt tái mét.

Quyết định rút ống thở. Cha mẹ bé ôm chặt vào lòng thân thể lạnh dần của bé. Nước mắt họ đã đông cứng và tim họ đã ngừng đập tự khi nào. Phải chi trời SJ đừng nóng bức, phải chi nhà hàng xóm đừng quên cài cửa hồ bơi, phải chi cha theo bé như hình với bóng.

@internet

Tuesday, May 29, 2012

CHINA


Bắt đầu của một kết thúc
cho đảng Cộng Sản Trung Quốc?

“Chưa bao giờ tình hữu nghị Mỹ-Trung thắm thiết như ngày hôm nay”. Tôi đã phải bật cười khi nhìn bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton, người luôn luôn có bộ mặt đăm đăm không cười, nói một câu khôi hài duyên dáng sau chuyến viếng thăm Trung cộng đầu tháng 5 năm 2012.

Nhà thơ T.S. Elliot có câu nổi tiếng: “Tháng 4 là tháng độc ác nhất trong năm”. Tháng 4 năm 2012 không tử tế lắm với xã hội hài hòa của Hồ Cẩm Ðào và sao quả tạ chiếu xuống phơi bày bộ mặt trái đảng Cộng Sản Trung Quốc từ trong ra ngoài. Tháng 4, 2012, chẳng những bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa căng thẳng mà Trung Cộng còn phải đối phó với các quốc gia khác; các nhà đấu tranh môi sinh chiếm tòa đại sứ Trung Cộng ở Quito, cộng hòa xích đạo Ecuador, biểu tình chống Trung Cộng xây đập nước Myitsone ở Bắc Miến Ðiện, công nhân hãng dầu Trung Hoa bị bắt cóc ở Sudan và biển Ðông vẫn tiếp tục dậy sóng với sự khiêu khích của Hải quân Trung Cộng. Tự hào về cách dùng quyền lực mềm mỏng, chính quyền Trung Cộng cũng đã bị phản đối mạnh mẽ ở Luân Ðôn ngày hội báo chí, họ bị các nhà văn quốc tế phản đối mạnh mẽ về vấn đề kiểm duyệt báo chí và thông tin ở Trung Hoa.

Biến cố Trùng Khánh

 Giao đoạn chuyển tiếp yên ổn từ Giang Trạch Dân qua Hồ Cẩm Ðào không thấy đến cho tân Hoàng Ðế Tập Cận Bình và Tướng Lý Khắc Cương trong năm 2013 qua kỳ đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 18, 91 năm thành lập đảng, vào Mùa Thu năm nay.

Các nhà quan sát thời cuộc đã xem biến cố Trùng Khánh là biến cố quan trọng nhất kể từ biến cố Thiên An Môn năm 1989. Ngày 14 tháng 3 được nhớ là ngày đàn áp đẫm máu ở Tây Tạng trước kỳ thế vấn hội 8 thánh 8, 2008 nay lại ngày đánh dấu biến cố Trùng Khánh. Với sự thanh trừng bí thư đảng Bạc Hy Lai, biến cố Trùng Khánh trùng với ngày lễ Kinh Trập của người Hoa, kéo dài từ ngày 5 đến ngày 20, mặt trời di chuyển từ kinh tuyến 345 độ đến 360 độ, thời tiết nóng, sâu bọ thức dậy. Biến cố Trùng Khánh cho cả thế giới thấy sâu bọ làm người.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 6 tháng 2, khi Vương Lập Quân cảnh sát trưởng Trùng Khánh, chạy 200 dặm từ Trùng Khánh đến Thành Ðô ở Tứ Xuyên, vào tòa lãnh sự Mỹ trú ẩn. Cả hai phía Hoa Kỳ và Trung Cộng cho đến nay đều không tiết lộ chi tiết. Hoa Kỳ nói họ Vương đến tòa lãnh sự có hẹn trước và ngày hôm sau tự ý rời lãnh sự nhưng cảnh sát công an đứng đợi sẵn để bắt giam ông Vương. Quốc Hội Hoa Kỳ đã la ó, phàn nàn tòa lãnh sự đã bỏ lỡ cơ hội khai thác tài liệu họ Vương đã đem đến trong đó có nhiều chi tiết về chín ông hoàng trong Bộ Chính Trị trung ương đánh nhau tranh quyền.

Tất cả câu chuyện từ cảnh sát trưởng họ Vương cho đến Bí Thư Bạc Hy Lai đến bà Cốc Khai Lai vợ ông Bạc đầu độc thương gia Neil Hywood cho đến nay đều đến từ tin đồn và giống như những tin đồn của những cuộc đảo chánh “thật giả khó phân”. Trong tin đồn thật có câu chuyện tranh chấp quyền hành giữa Bạc Hy Lai và Bộ Chính Trị trung ương với tham vọng thành một trong chín ông hoàng trong kỳ đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc sắp đến. Câu chuyện tham nhũng của họ Bạc, lương cán bộ có con đi học trung học Harrow ở Luân Ðôn, vào trường Oxford và Harvard, lái xe Porch, là câu chuyện bình thường của cán bộ cộng sản. “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” vừa cướp đêm lẫn cướp ngày là bí thư đảng cộng sản ai cũng rõ. Chuyện buôn bán giữa bà Cốc Hy Lai với tình nhân người Anh cũng chưa có bằng cớ chính xác có tin đồn họ Vương đã đưa tài liệu vì vậy bị Cốc phu nhân hăm giết. Ông Neil Hywood, mang tiếng thương gia nhưng không tiền, nên bị nghi là gián điệp cơ quan phản gián MI6 vì lái xe Porche mang bảng số 007 nhưng tài ba không bằng James Bond nên cái chết bị nghi là đầu độc chứ không vì rượu hồi tháng 11 năm 2011. Cả đời không biết uống rượu, sau khi chết xác bị thiêu ngay nên sự nghi ngờ đầu độc có thể tin nhưng chính quyền Anh phủ nhận ông Hywood là gián điệp. Tin đồn còn cho là chỉ huy quân đội Trùng Khánh Chu Dung Khang và họ Bạc âm mưu đảo chính chính quyền Bắc Kinh. Họ Bạc biến mất sau cuộc thanh trừng.

Tình, tiền, thù, chuyện không có gì lạ trong thời chế độ quân chủ chuyên chế từ Pháp với bà Medicis qua Anh với Lady McBeth cho đến Tàu đời nhà Hán 202 trước Thiên Chúa, khi Vương Thái Hậu nắm quyền, cậu vua con có nàng hầu eo nhỏ, người mỏng manh nhẹ như con chim se sẻ nhảy trên bàn tay đô lực sĩ, sau bà đầu độc giết con thành lệ truyền xuống sau nghìn năm đến thời Từ Hy Thái Hậu.

Bạc Hy Lai là người có hai bộ mặt. Những người ủng hộ họ Bạc gọi ông là “người hùng ngã ngựa” vì đương đầu với Hồ-Ôn, những nhà tranh đấu nhân quyền tố cáo Vương Lập Quân làm việc cho họ Bạc đã giết trên 2,000 người không đem ra tòa từ đảng viên tham nhũng hối lộ, đối lập và giết tù nhân kể cả tù nhân Pháp Luân Công bán nội tạng nhiều hơn các thành phố khác. Hai sự kiện rõ rệt sau những tin đồn: Lãnh tụ địa phương làm loạn, đạp trên luật lệ (điều không có gì lạ với những ông quan thời cộng sản) và khác biệt chính trị.

Trùng Khánh là một trong 4 thành phố trung ương tập quyền ở Trung Hoa ngoài Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân. Trong thập niên 1930 và 1940, Trùng Khánh là nơi chế tạo vũ khí cho Quốc Dân Ðảng, hiện nay Trùng Khánh là trung tâm kinh tế 32 triệu dân ở vùng Tây Nam Trung Hoa.

Mô hình Trùng Khánh bắt đầu từ năm 2007 khi Bạc Hy Lai về làm bí thư (sau khi ông bố, một trong Bát Ðại lão của Mao Trạch Ðông, mất cùng năm) được cả nước chú ý nhất là những năm sau này.

Hai mươi năm trước, khi Tổng Bí Thư Ðặng Tiểu Bình thăm các tỉnh miền Nam kêu gọi phải cải tổ nhanh hơn thì kinh tế đã phát triển mạnh, công ty quốc doanh được tư nhân hóa nhưng lại sinh ra thất nghiệp, lạm phát, cán bộ cướp nhà cướp đất, sự gia tăng khác biệt giữa người giàu và nghèo gia tăng. Trung Hoa phải đối diện với ba ngọn núi mới “học phí cao, giá nhà gia tăng quá mức và chi phí y tế không kham được”. Ðến thời Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo, họ chỉ lo củng cố địa vị, nói cải tổ chính trị nhưng không thực hiện, vẫn một đảng Mafia. Thủ Tướng Ôn Gia Bảo có một bộ mặt thân thiện với các chính quyền Âu Mỹ nhưng là cánh tay mặt của Hồ Cẩm Ðào.

Mô hình Trùng Khánh bắt đầu năm 2007, trùng với khủng hoảng kinh tế thế giới, khác với mô hình Bắc Kinh. Mô hình kinh tế Trùng Khánh nhắm vào sự đầu tư thương mại và phát triển, nhắm vào bình đẳng, cán bộ được khuyến cáo “ăn, sống và làm việc giống như dân”, chống các tội ác có tổ chức, mọi người được khuyến khích phát biểu ở các buổi họp công cộng. Các quan sát viên thế giới công nhận mô hình Trùng Khánh là một cải tổ sâu rộng nhất từ ngày Mao Trạch Ðông chết năm 1978. Mô hình Trùng Khánh luôn luôn thay đổi, nhắm vào công lý, phân chia đất đai, dân được cấp bằng khoán đất, giá nhà chung cư không đắt đỏ, các công ty thương mại nhắm chiều hướng toàn cầu.

Ngày 18 tháng 3 năm 2012, ủy ban cải tổ Bắc Kinh do nhóm “tân tả” nhắm vào tư hữu hóa giáo dục, xe hỏa, y tế, truyền thống, điện lực, v.v... đã nhắm vào Trùng Khánh. Với dáng điệu đẹp trai, Bạc Hy Lai là một cái gai cho Bắc Kinh nhất là đối với hai bí thư.

Trùng Khánh tiền nhiệm Vương Dương đương kim tỉnh trưởng Quảng Ðông sẽ là 1 trong 9 ông hoàng và Hẹ Quốc Giang giám đốc kỷ luật của đảng cầm đầu cuộc điều tra vợ chồng họ Bạc. Thủ Tướng Ôn Gia Bảo họp báo ngày 14 tháng 3, 2012 sau hai buổi họp ở Quốc Hội và hội nghị chính trị đã công nhận sự thành công của Trùng Khánh nhưng sau đó đổi giọng chỉ trích Bạc Hy Lai dính líu với cách mạng văn hóa. Họ Ôn không cho ký giả đặt câu hỏi. Cùng ngày công an đến Trùng Khánh. Ngày 15 tháng 3, Phó Thủ Tướng Giang đến Trùng Khánh cách chức họ Bạc. Không khí chính trị giống như biến cố Lâm Bưu năm 1971. Tin tức được lựa chọn hay giả tạo được phóng ra cùng lúc, các tin tức của New York Times, Financial Times và Wall Street Journal cũng như Ðại Kỷ Nguyên (Epoch Times của Pháp Luân Công) loan tin không khác các báo và tin mạng lưới của chính quyền Trung Cộng. Ðặc biệt là mạng Weibo bị đóng nhưng mạng tin chống chính quyền vẫn bị cấm của Pháp Luân Công ngày hôm đó lại không bị chận. Có lẽ đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn cho thấy bộ mặt xấu của Bạc Hy Lai giết đệ tử Pháp Luân Công nhưng ai cũng hiểu Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo đối xử độc ác với đối lập không kém Bạc Hy Lai.

Các nhà đấu tranh nhân quyền

Biến cố Trùng Khánh đưa bộ mặt cướp đất cướp tiền của đảng Cộng Sản Trung Quốc ra ánh sáng chưa hết dư âm thì bộ mặt cướp quyền làm người, cướp quyền sống của đảng Cộng Sản Trung Quốc lại được đưa ra công chúng trước ngày bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đến Bắc Kinh qua vụ Luật Sư Trần Quang Thành (Chen Guangcheng). Tin tức về Trần Quang Thành rõ hơn vụ Bạc Hy Lai, không phải là tin đồn. Nhà luật sư mù từ nhỏ sau một cơn sốt (có lẽ biến chứng bệnh viêm màng óc) năm nay 41 tuổi, tự học luật sau khi hành nghề Ðông y sĩ, được đảng ca ngợi đưa ra làm gương học tập nhưng đảng trở mặt bỏ tù 4 năm về tội “phá hoại tài sản công“ “tụ tập cản trở lưu thông” năm 2006. Ra khỏi tù, Trần Quang Thành bị giam tại gia từ 2010. Họ Trần làm đảng cộng sản khó chịu khi yêu cầu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo phải bảo vệ an ninh cho vợ con ông và cho Ôn Gia Bảo “một cơ hội chót cải tổ hệ thống chính trị độc đảng”. Ngày 22 tháng 4 năm 2012, Trần Quang Thành đợi đến tối lén ra khỏi nhà, leo tường trốn, trước đó ông đào hầm nhưng thất bại. Nhờ nhóm đấu tranh nhân quyền giúp, nhà đấu tranh nhân quyền cho phụ nữ và chống ép phá thai Trần Quang Thành đến tị nạn tại Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh cách 300 dặm.

Trần Quang Thành đã nổi tiếng năm 2007, được giải nhân quyền Ramon Magsaysay thường được gọi là giải Nobel Hòa Bình của Châu Á và là một trong 180 người, được tuần báo Time chọn, thay đổi bộ mặt thế giới. Ngày phát giải vợ của Trần Quang Thành, là Hu Jia bị lấy thông hành, điện thoại di động bị tịch thu. Giống như trường hợp của Lưu Hiểu Ba, không ai đại diện Trần Quang Thành nhận giải, chiếc ghế bị bỏ trống.

Sau 6 ngày thương lượng, Luật Sư Trần Quang Thành được đưa ra khỏi Tòa Ðại Sứ Mỹ đến chữa bệnh tại một bệnh viện ở Bắc Kinh và sẽ đi du học Hoa Kỳ trái với ước muốn của anh nhưng đây là một thất bại của bà Clinton. Thủ Tướng Ôn Gia Bảo được giữ mặt mũi bằng cách chứng minh cho thế giới biết Trần Quang Thành chỉ bị chính quyền địa phương quấy nhiễu, đẩy được những nhà đấu tranh nhân quyền ra khỏi nước là ước muốn của đảng cộng sản. Ra ngoại quốc, theo thời gian tiếng nói các nhà đấu tranh tắt dần như trường hợp Ngụy Kính Sinh, linh hồn bức tường dân chủ, đến Mỹ năm 1997 nay ở trong bóng tối, sống nhờ trợ giúp bạn bè, tiền đọc diễn văn. Ða số những nhà lưu vong vắng tiếng vì thiếu lãnh đạo.

Vương Lập Quân trong cơn khủng hoảng chạy vào tòa lãnh sự, Trần Quang Thành vào tòa đại sứ có tính toán. Con đường vào tòa lãnh sự không phải là con đường tị nạn khỏi Trung Cộng, không chuyến máy bay nào có thể rời khỏi Bắc Kinh qua vòng vây cảnh sát. Trong quá khứ, chỉ có một người trốn vào tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh được đưa ra khỏi nước sau 13 tháng ở căn phòng chung cư dưới hầm tòa đại sứ.

(Có hai khu nhà của tòa đại sứ, một ở bên trong và một vòng ngoài dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, khi vụ Trần Quang Thành xảy ra người ta không thấy cảnh sát bao vây chung cư bên ngoài nên đã biết Trần Quang Thành ở chung cư dưới hầm.) Giáo Sư Phương Lệ Chi (Fang Lizhi) một ngày sau thảm sát Thiên An Môn, trốn vào tòa đại sứ Mỹ. Sau 13 tháng điều đình, để gỡ mặt mũi cho Ðặng Tiểu Bình, Tiến Sĩ Kissinger yêu cầu giáo sư Fang viết tờ tự khai, bản tự khai của ông không có nghĩa nhận tội, giúp Hoa Kỳ đưa ông qua Anh, từ Anh về Arizona làm giáo sư Vật lý không gian. Giáo Sư Fang gia nhập đảng cộng sản, đảng viên xuất sắc nhưng cũng bị tố trong kỳ cách mạng văn hóa, đi học tập cải tạo ở vùng mỏ than, ông học lý thuyết vật lý không gian sau khi cải tạo vì chỉ có ngành này mới theo đuổi được mà không cần dùng đến vật liệu trong thời kỳ cộng sản.

Làm viện trưởng viện kỹ thuật khoa học ở An Huy trong thời Ðặng Tiểu Bình khi ông này chủ trương “Hiện đại hóa với đặc tính Trung Hoa” (có nghĩa là hiện đại với quyền lợi đảng, không chia sẻ đều cho mọi người) ông giáo sư đã nhái hỏi sinh viên: “Liệu các anh có tin Vật lý với đặc tính Trung Hoa?” Vì những câu nói châm chọc như vậy năm 1987 ông bị đuổi ra khỏi đảng, ngược lại ông trở nên nổi tiếng trong giới trí thức khắp nơi trong nước.

Giáo Sư Phương Lệ Chi, Lưu Hiểu Ba, Hồ Bình, Trần Quang Thành thuộc giới trí thức đấu tranh nhân quyền có chung một đặc điểm: Bắt đầu với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vào đảng cộng sản rồi về sau cảm thấy cay đắng vì lý tưởng bị phản bội, họ chỉ trích chế độ rồi bị ở tù hay bị đày lưu vong nước ngoài. Riêng Giáo Sư Phương Lệ Chi, khoa học đã dẫn ông vào con đường tranh đấu nhân quyền vì năm lý do: 1. Khoa học bắt đầu bằng sự nghi ngờ, nhờ nghi ngờ khoa học tiến bộ trong khi đám đảng viên của Mao Trạch Ðông chỉ có một niềm tin cứng ngắc Marx Lenin lỗi thời. 2. Khoa học dựa vào những phán đoán độc lập không phán xét một cách hồ đồ như những con người cộng sản. 3. Khoa học bình đẳng đưa đến xã hội bình đẳng. 4. Khoa học cần tin tức, cần thông tin dự kiện chính xác đầy đủ không bị giấu nhẹm như tin tức tuyên truyền cộng sản. 5. Khoa học tìm ra sự thật, sự thật được phơi bày, sự thật như nhân quyền, phổ thông ở khắp nơi không thay đổi vì chính trị.

Nhờ Giáo Sư Phương Lệ Chi mà từ cuối thập niên 1980 chữ nhân quyền được dân Trung Hoa biết đến và nhân quyền phổ thông từ miệng người dân qua đến mạng lưới thông tin.

Sau ngày thảm sát Thiên An Môn 4 tháng 6 năm 1989, Giáo Sư Phương Lệ Chi bị đảng cộng sản Trung Quốc xem là “bàn tay đen” nổi tiếng nhất trong giới trí thức cần phải bịt miệng ngược lại những năm gần đây Luật Sư Trần Quang Thành nổi tiếng trong giới bình dân.

Giáo Sư Phương Lệ Chi mất ở Arizona Hoa Kỳ ngày 6 tháng 4 năm 2012, ông vẫn mang trên vai bản án chống phá cách mạng.

Ngày bà Ngoại Trưởng Clinton rời Bắc Kinh, báo chí của chính quyền Trung Cộng hậm hực với ông Gary Locke “chính đại sứ là kẻ gây rối loạn”. Trong vụ Trần Quang Thành, ông đại sứ Hoa Kỳ kín tiếng, nhưng hình ảnh ông tân đại sứ Mỹ gốc Hoa mang ba lô, tự mua ly cà phê Starbucks ở phi trường không cận vệ không người hầu hạ khác hẳn các ông quan cộng sản ở Bắc Kinh, đã in đậm vào lòng dân Trung Hoa thèm khát dân chủ.

Ly cà phê Starbucks màu nhiệm đã kéo cựu Chủ Tịch Giang Trạch Dân 85 tuổi ra ánh sáng sau nhiều tin đồn đảng Cộng Sản Trung Quốc dấu tin ông đã chết. Mỗi sáng trước khi đến bệnh viện tôi ghé qua Café Starbucks, nhưng tôi không ngờ ly cà phê trên tay ông đại sứ Gary Locke lại nguy hiểm cho đảng Cộng Sản Trung Quốc hơn là viên thuốc của Bạc phu nhân đầu độc ông Neil Hywood!

Việt Nguyên
7 tháng 5, 2012

Monday, May 28, 2012

VHVN


Ông bình vôi

Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi.

Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà trung thường dùng; một thứ hình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng. Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên.

Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống, có một cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là “cho ông bình ăn”. Và lâu lâu đắp thêm cái miệng nó một lần, hoá nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra.
Thứ bình vôi thường, dùng chìa bằng tre: nhưng thứ bình vôi sang, bao giờ cũng dùng chìa bằng sắt, ở thân cái chìa, đôi khi lại có đeo một lưỡi dao để rọc trầu.

Nhà khác thế nào tôi không biết, còn nhà tôi, tối lại, bà tôi cứ nhớ rút cái chìa ra để ra một nơi khác. Làm như thế, bà tôi cắt nghĩa rằng “ông bình” linh lắm, đêm hôm có kẻ trộm đạo, “ông” sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp cái miệng thì không mách được.

Tôi nói “nhà tôi có một cái bình vôi”, không đúng. Nói đúng là từ hôi tôi còn nhỏ cho đến năm tôi hai mươi lăm tuổi, bà tôi chết, nhà tôi có ba cái bình vôi kế vị nhau. Bởi vì dùng lâu ngày, trong lòng đầy vôi khô cứng, miệng nó vì cứ đắp nên tum húm lại, không dùng được nữa, phải mua cái khác.

Lúc đó nhà tôi có một cái tran thờ Tam vị: ở giữa là Phúc đức chính thần, hai bên là Thổ công và Táo quân. Hễ cái bình vôi nào bị thải ra thì bà tôi bảo đem đặt lên cái tran ấy, thờ nhân thể.
Sự thờ phượng như thế, không phải chỉ riêng một nhà tôi đâu. Cả làng, nhà nào có bình vôi thải ra, cũng đều đem đặt trên các tường thành đình hoặc chùa; như thế, người ta cho rằng thờ “ông bình” đó.
Cái bình vôi, tại sao lại gọi bằng “ông”, đọc từ đầu đến đây, bạn đọc đã biết. Ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể làm hại mình được thì gọi bằng “ông”, vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng gọi bằng “ông”.

Con cọp ăn thịt mình được, gọi bằng ông Cọp, con khỉ phá hoại hoa màu của mình được, gọi bằng ông Trưởng; con chuột, cắn quần áo của mình được, gọi bằng ông Tí. Cái đầu rau, dùng năm mười năm mới thay cái khác, gọi bằng ông Núc; cái che, to, đường kính của nó có khi gần đến một mét, gọi bằng ông Che [1] . Người Việt Nam về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì đều gọi bằng “ông” để tỏ lòng tôn kính, sùng bái.

Tôi có phạm một cái tội hồi mới mười tám tuổi, bây giờ tôi xin tự kiểm thảo và thú nhận.

Năm tôi mười tám tuổi, tôi không tin như bà nội tôi tin nữa. Một đêm mùa hè, gió nam như bão, sáng trăng mờ mờ [2] (Hình phải:Phan Khôi), tôi rủ mấy thằng bạn lứa tuổi với tôi đi dọc đường cái làng, đi qua đình vào chùa, bao nhiêu “ông bình vôi” thờ trên tường thành, chúng tôi đều hất một loạt xuống đất cả. Sao lại làm như thế? Chúng tôi cứ làm như thế, không cần có lý luận. Nhưng, vài hôm sau, trở lại xem, không biết là do tay ai, thấy đều đặt lại tề chỉnh trên tường thành.

Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi. Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng có thể làm thế cả. Nếu ngày nay tôi phải tự kiểm thảo thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi.

Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cũ rũ trên tran hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ông.

Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt:

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi,
Càng sống càng bé lại

Sunday, May 27, 2012

VN/CT


Hào khí Nhân Văn Giai Phẩm

Video Hen1ngayve

Chuyện chỉ có thể xảy ra tại Việt Nam. Một đám công an ở Nha Trang đánh đá, tra tấn một phụ nữ làm công. Chỉ vì bà này bị người chủ nhân giàu có nghi ngờ và tố cáo bà lấy trộm tiền.

Nạn nhân là bà Trần Thị Lan bị “đánh đá bằng cả tay chân, bằng dùi cui và cả bằng roi điện suốt ba ngày, mang thương tích khắp người,” phải điều trị hàng tuần lễ trong bệnh viện.

Trong thế giới văn minh cảnh sát công an không phải là những người quyết định ai có tội hay không có tội. Vì phán xét này thuộc thẩm quyền của tòa án, là ngành tư pháp. Trong thế giới văn minh nếu có một người bị kết tội ăn cắp thì cũng chỉ bị phạt tù hay phạt tiền; không ai “trừng phạt” một người ăn trộm món tiền trị giá “hơn một ngàn đô la” bằng dùi cui, roi điện. Mà nếu có ai bị tòa kết án thì việc trừng phạt không phải là nhiệm vụ của công an. Chỉ dựa vào lời tố của chủ nhân mà đánh đấm dã man một người lao động làm công, đám công an này chứng tỏ họ sẵn sàng làm tay sai cho những người giàu sang, và khinh rẻ người lao động nghèo khó, coi như súc vật. Ðánh đấm người ta đến bầm tím là hành động của côn đồ, du đãng, người có tư cách không ai làm. Năm thằng đàn ông xúm lại đánh đấm một phụ nữ tay không là hành vi hèn hạ đáng xấu hổ. Ðám công an Nha Trang này vừa vi phạm luật pháp, vừa làm trái với đạo lý sơ đẳng của loài người, vừa làm cho chính họ nhục nhã.

Với tất cả các thành tích như thế, đại úy công an Trần Bá Tuấn vừa được tòa phúc thẩm tha bổng, xóa bỏ bản án 9 tháng tù treo.

Chuyện này chỉ có thể xảy ra dưới chế độ cộng sản. Bởi vì chế độ cộng sản từ bản chất vẫn công nhiên trà đạp trên các nguyên tắc sơ đẳng của pháp luật, vẫn quen thói bất chấp đạo lý làm người. Chắc Ðại úy Trần Bá Tuấn và đám công an Nha Trang cũng không nghĩ là họ phạm pháp. Họ chỉ làm theo thói quen, như lối các lãnh tụ cộng sản vẫn làm kể từ khi cướp chính quyền ở nước ta. Thái độ và hành vi “bất chấp pháp luật” đã được Hồ Chí Minh, Trường Chinh đặt thành khuôn mẫu ngay từ thời họ phát động Cải cách Ruộng đất, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Cộng. Vụ cướp ruộng, cướp nhà “long trời lở đất” này đã giết oan hàng trăm ngàn người dân Việt Nam, trong đó có những người đã đóng góp rất nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Sau thời gian xảy ra vụ này, những nhà trí thức Việt Nam đã cảnh cáo tình trạng bất chấp pháp luật của chế độ cộng sản. Sớm nhất, là trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm với các ông Phan Khôi, Nguyễn Hữu Ðang, và Giáo Sư Nguyễn Mạnh Tường. Ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi Trường Chinh ra trước Mặt Trận Tổ Quốc thú nhận các lỗi lầm về chiến dịch Cải cách Ruộng đất, Luật gia Nguyễn Mạnh Tường đã dõng dạc nêu lên các nguyên tắc của luật pháp để cho ông tổng bí thư đảng cộng sản nghe một bài học. Trong bài thuyết trình lâu 6 giờ đồng hồ, ông nói: “Khi thi hành chính sách này (Cải cách Ruộng đất) người ta đã vi phạm luật pháp.” Vì đảng cộng sản chủ trương “thà giết chết oan 10 người còn hơn bỏ sót một địa chủ,” trong khi nguyên tắc của pháp lý là “thà bỏ sót 10 người có tội còn hơn là kết tội oan một người”. Nguyễn Mạnh Tường đã dũng cảm phê phán các lãnh tụ đảng lúc đó: “Những người lãnh đạo có trách nhiệm vụ Cải cách Ruộng đất không thể chỉ đứng ra xin lỗi, nhận đảng đã sai lầm. Xin lỗi không phải là một hành động của luật pháp. Giết người rồi, không thể chỉ xin lỗi mà xí xóa được.” Với tư cách một luật gia (ông đã có hai bằng tiến sĩ, luật và văn chương ở Pháp từ năm 1932, lúc 22 tuổi) Nguyễn Mạnh Tường đề nghị phương pháp giải quyết: Quốc Hội phải lập một ủy ban điều tra vụ Cải cách Ruộng đất, rồi đưa ra tòa án; “(T)òa sẽ phân xử, kết án, tùy theo trách nhiệm nặng, nhẹ của mỗi người, từ lãnh đạo cao nhất trở xuống.”

Nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê, trong cuốn sách mới xuất bản về vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã tinh tế nhận xét rằng các lời lẽ “Giết người rồi, không thể chỉ xin lỗi mà xí xóa được” và “từ lãnh đạo cao nhất trở xuống” đã tấn công thẳng vào Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ lãnh đạo đảng cộng sản. Vì sau vụ Cải cách Ruộng đất, Hồ Chí Minh chỉ đứng ra xin lỗi. Hồ cất chức Trường Chinh để chính ông ta kiêm nhiệm chức tổng bí thư, còn Võ Nguyên Giáp thì đọc bản kiểm thảo các sai lầm. Không một lãnh tụ cộng sản nào chịu trách nhiệm pháp lý trong vụ Cải cách Ruộng đất cả! Họ đã tạo ra thói quen “ngồi lên trên pháp luật” làm gương cho các cán bộ, như đại úy công an Trần Bá Tuấn ở Nha Trang bây giờ!

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm quy tụ những người trí thức can đảm nhất ở miền Bắc Việt Nam trong thời đại của họ. Sau bài thuyết trình của Nguyễn Mạnh Tường, trong hai số báo Nhân Văn vào tháng 11 năm 1956, Nguyễn Hữu Ðang đã hai lần nêu cao chủ trương phải thiết lập một chế độ pháp trị. Ông nêu ra những điều trong hiến pháp năm 1946 bảo đảm các công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do hội họp, tự do cư trú, tự do đi lại, vân vân. Ðiều 11 nói: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ giam cầm người công dân Việt Nam” nhưng ngay trong thời đó các nhà trí thức như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Ðặng Ðình Hưng cũng bị đi “cải tạo” không thời hạn; các văn nghệ sĩ như Trần Dần, Tử Phác vô cớ bị bắt giam. Thật không khác gì bà Trần Thị Lan ở Nha Trang ngày nay. Họ còn cơ cực hơn bà Lan, vì sau đó họ bị tù đày, bị cô lập, cắt hết cả việc làm, nghề nghiệp, không thể nào kiếm cơm gạo nuôi vợ con hàng mấy chục năm trời, nhiều người khốn khổ cho đến lúc chết.

Trên báo Giai Phẩm Mùa Thu, Nguyễn Hữu Ðang đã mở cuộc phỏng vấn để các nhà trí thức khác có dịp lên tiếng: Trần Ðức Thảo đòi phải có tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu, tự do phê bình; Ðặng Văn Ngữ viết: “Dưới một chế độ độc tài không ai dám chỉ trích chính phủ thì còn đâu mà thấy khuyết điểm về tự do dân chủ?” Ðào Duy Anh kêu gọi giới trí thức phải “đấu tranh” cho tự do, quyết chống lại bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân; Phan Khôi viết “bàn về lãnh đạo văn nghệ” để phê bình toàn thể việc lãnh đạo xã hội.

Cũng can đảm như Nguyễn Mạnh Tường, trong bài trên Phan Khôi dám phơi bày sự thật là triều đình cộng sản cực kỳ phong kiến. Ông nêu thí dụ đám cầm đầu văn nghệ lúc đó đả kích thơ Trần Dần viết hoa chữ “Người” là phạm tội, vì chữ “Người” viết hoa chỉ được dùng để nói đến Hồ Chí Minh thôi. Phan Khôi mỉa mai so sánh cảnh tượng đó không khác gì cảnh một ông quan trong triều đình phong kiến đứng ra tố cáo một ông quan khác đã viết chữ theo kiểu “đài;” lối này chỉ được dùng khi viết đến ông vua mà lại dùng để khi viết về một thường dân!

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chứng tỏ giới trí thức Việt Nam không bao giờ lãng quên trách nhiệm với lịch sử. Ngay từ đầu thời Pháp thuộc các Nho sĩ như Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Ðình Phùng, Nguyễn Cao đã bảo vệ tiết tháo sáng ngời. Thế hệ sau có những Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh noi gương họ. Ðọc cuốn sách của Thụy Khuê viết về Nhân Văn Giai Phẩm chúng ta còn được nhắc nhở để không quên thế hệ tiếp nối với những Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Hoàng Ðạo, Phan Khôi. Tác phẩm vẽ ra hình ảnh sôi nổi của những Trần Dần, Lê Ðạt, Phùng Cung, các kẻ sĩ giữa thế kỷ 20.

Người trí thức Việt Nam không bao giờ quên nhiệm vụ của mình là tranh đấu cho tự do và cho sự thật. Trong báo Nhân Văn, Trần Ðức Thảo viết “Người trí thức hoạt động văn hóa cần tự do như khí trời để thở.” Người trí thức phải đỏi hỏi các quyền tự do được phát triển (mở rộng) vì đó là “nhiệm vụ số một của mình cũng như của toàn dân”.

Các thế hệ thanh niên Việt Nam, nhất là các nhà văn, nhà báo bây giờ và trong hàng trăm năm nữa vẫn có thể cảm thông với bầu máu nóng của Trần Dần khi ông viết: “Biểu hiệu cao nhất của trách nhiệm người viết là thái độ tôn trọng, trung thành với sự thực... Tôn trọng, trung thành với sự thực vừa là trách nhiệm, vừa là lập trường, vừa là phương pháp làm việc của người viết... Nếu như sự thực ngược lại chính sách, chỉ thị, thì phải viết sự thực chứ không phải là bóp gò sự thật vào (cho đúng) chính sách!” Trần Dần đã viết những hàng trên trong bản dự thảo để trình bày trước một hội nghị giới văn nghệ trong quân đội năm 1955. Tất nhiên bản dự thảo đó không bao giờ được công bố, nhưng nó cho thấy Trần Dần đúng là một chiến sĩ. Lê Ðạt đã dùng những câu thơ để lên án chế độ độc tài chuyên chế: “Ðem bục công an máy móc đặt giữa tim người - Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước!” Ngày nay không thấy người cầm bút nào trong quân đội bầy tỏ được sĩ khí rực rỡ như vậy.

Ngày nay không phải chỉ trong giới viết văn làm báo mà ngay cả giới thanh niên ở Việt Nam đa số vẫn cúi đầu khúm núm đi “theo lề đường” do đảng cộng sản chỉ định. Người ta đăng những bản tin công an đánh người, công an giết người vô tội vạ, mà không gây nên một nỗi phẫn uất nào trong công chúng đô thị! Một vụ Ðoàn Văn Vươn đã đưa tới những vụ Văn Giang, Vụ Bản, dấy lên ở khắp các vùng nông thôn đau khổ. Nhưng thanh niên thành phố còn mê man đi ôm hôn ghế ngồi của các ca sĩ thần tượng ngoại quốc! Người thành thị chạy theo lôi sống xa hoa và sa đọa của bọn nhiều quyền và nhiều tiền, đã quên mất đồng bào nông dân cũng là bà con ruột thịt của mình đang khốn khổ! Cuộc sống đô thị đưa tới cảnh đồi trụy tinh thần! Nếu ở một quốc gia dân chủ tự do thì sau khi Ðại úy Trần Bá Tuấn và đám công an hành hung một chị làm công Trần Thị Lan tàn nhẫn như thế chỉ vì chị bị chủ nhân giàu có nghi ngờ, thì thanh niên, sinh viên, học sinh ở Nha Trang đã xuống đường phản đối nhiều lần rồi! Trí thức đâu cả rồi? Sĩ khí đâu mất rồi?

Thanh niên Việt Nam ngày nay cần đọc lại những vần thơ như Lê Ðạt viết. Ông diễn tả khát vọng của tuổi trẻ thời 1955, lời thơ nay đọc lại vẫn còn làm náo nức lòng người: “Phải quét sạch mây đen / cho khung trời rộng mở - Chặt hết gông xiềng / cho những cánh bay lên - Ngày và đêm / mộng bay đầy cuộc sống - Khát vọng theo khát vọng - Không gì ngăn cản được con người!” Khi đọc lại câu chuyện cuộc tranh đấu “trứng chọi đá” của giới trí thức Việt Nam trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam. Nhìn lại những tấm gương của họ, chúng ta thấy còn hy vọng. Bầu máu nóng của các nhà tranh đấu dân chủ ngày nay đang sôi lên để tiếp nối chí khí bất khuất của Phan Khôi, Trần Dần, Nguyễn Hữu Ðang. Họ cho phép chúng ta hy vọng hào khí dân tộc sẽ còn sáng mãi.

Ngô Nhân Dụng

Saturday, May 26, 2012

PC

How to live before you die


Trích đoạn dịch cuối bài phát biểu của Steve Jobs tại lễ trao bằng tốt nghiệp của trường đại học Stanford June 12, 2005:

Hồi 17 tuổi,tôi đọc một câu có ý như sau:Nếu bạn sống mỗi ngày đều như là ngày cuối cùng của cuộc đời mình,thì một ngày nào đó,bạn sẽ hoàn toàn tin tưởng rằng bạn đã đúng.Điều này gây ấn tượng mạnh trong tôi,và cũng từ đó,cho đến 33 năm sau,mỗi buổi sáng,khi nhìn trong gương,tôi tự hỏi: "Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi, tôi sẽ muốn làm những gì tôi sắp làm hôm nay?" Và bất cứ khi nào câu trả lời là "không" quá nhiều ngày liên tiếp, tôi biết tôi cần phải thay đổi một cái gì đó.

  Suy nghỉ rằng mình sắp chết chính là điều quan trọng nhất mà tôi từng gặp phải để giúp tôi thực hiện những chọn lựa lớn trong cuộc sống, bởi vì hầu như tất cả mọi thứ - tất cả mong đợi, tất cả niềm tự hào, tất cả nỗi lo sợ xấu hổ hay thất bại - những thứ này sẽ không còn,khi đối mặt với cái chết, khi đó chỉ còn lại những gì thật sự quan trọng mà thôi. Khi biết rằng mình sắp chết là cách tốt nhất để tránh cái vòng suy nghĩ rằng là,có một cái gì đó để mất. Bạn chẳng có cái gì cả. Nên chi,không có lý do để không làm theo trái tim của bạn.

  Khoảng một năm trước đây, tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Tôi đã chụp cắt lớp lúc 7:30 vào buổi sáng và nó cho thấy rõ ràng một khối u trong tuyến tụy của tôi. Thậm chí tôi không biết tụy tạng là gì nữa. Các bác sĩ nói với tôi điều này gần như chắc chắn là một loại ung thư không chữa được, và rằng e chỉ còn sống không quá 3 đến 6 tháng. Bác sĩ khuyên tôi về nhà thu xếp công việc và chuẩn bị hậu sự,ý của bác sĩ là như thế. Điều này có nghĩa là,với mấy tháng ít ỏi còn lại,để dặn dò con cái và trối trăn mọi thứ mà bạn nghĩ rằng bạn dự tính trong mười năm tới .Điều này cũng có nghĩa là phải cố gắng kín đáo để mong rằng cả nhà bớt ưu phiền mọi thứ . Điều này,có nghĩa là nói lời vĩnh biệt.

Tôi tiếp tục sống trong tình trạng được chẩn đoán như thế nhiều ngày. Tối khuya hôm đó, tôi được làm xét nghiệm sinh thiết, họ bỏ một đèn nội soi xuống cổ họng, qua dạ dày vào ruột non, lấy kim châm vào tuyến tụy của tôi và lấy một số mẫu tế bào trong khối u. Tôi rất bình thản, nhưng vợ tôi,đang có mặt tại chỗ,có nói với tôi rằng khi họ xem các tế bào dưới kính hiển vi, bác sĩ đã reo lên khi phát hiện ra rằng,tuy đây là một hình thức rất hiếm gặp của ung thư tuyến tụy,nhưng lại chữa trị được,bằng phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật, và may mắn, tôi bây giờ đã khỏe lại.

  Đây là lần mà tôi đã phải đối mặt với cái chết cận kề, và tôi hy vọng sẽ còn cảm giác gần gủi như thế trong ít  thập kỷ nữa. Khi đã từng trải qua nó, tôi có thể nói để bạn biết một cách chắc chắn hơn một chút là chết ,tuy vốn hữu thường,nhưng thuần lý.

Không ai muốn chết, thậm chí kể cả những người muốn lên thiên đường,cũng không muốn chết để đến đó, nhưng, cái chết là điểm hẹn của tất cả chúng ta. Không một ai có thể trốn chạy khỏi nó.

  Và đó là cách mà nó phải diễn ra, bởi lẽ đơn thuần,chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Đó là tác nhân thay đổi của cuộc sống, nó gạt bỏ cái cũ để làm đường cho cái mới. Ngay bây giờ, mới là các bạn. Nhưng một ngày nào đó, không lâu nữa, bạn sẽ dần dần trở thành cái cũ và lại bị loại bỏ. Xin lỗi là đã quá bi quan, nhưng điều đó là sự thật. Thời gian của bạn là có hạn , do đó, không lãng phí nó,để sống cuộc sống của người khác. Đừng nhốt mình trong những tín điều, nghĩa là sống với các kết quả của suy nghĩ của người khác. Đừng để quan điểm của người khác đánh chìm tiếng nói bên trong của lòng bạn, trái tim và trực giác của bạn. Bằng cách nào đó,chừng đó đã rõ những gì bạn thực sự muốn trưởng thành. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.

  Khi tôi còn trẻ, có một cuốn sách kỳ lạ được gọi là Cẩm nang toàn thế giới, đó là một trong những thánh kinh của thế hệ chúng tôi. Nó được tạo ra bởi một người tên là Stewart Brand, ở Menlo Park, cách đây không xa và anh ta đã viết ra nó,đưa vào đời bằng cảm giác đầy thi tính. Thời điểm đó là vào cuối thập kỷ 60(thế kỷ 20), trước khi có máy tính xách tay và máy tính để bàn, do đó, nó được làm bằng máy chữ, kéo, và máy ảnh Polaroid. Nó giống như trang Google trên giấy vậy, trang Google của 35 năm sau . Nó rất chi là lý tưởng, được tạo ra từ các công cụ tinh xão và ý tưởng vĩ đại. Stewart và nhóm của ông xuất bản đều đặn một số tập Cẩm nang toàn thế giới, và sau đó là ấn bản cuối cùng. Thời gian đó vào khoảng giữa thập niên 70,lúc tôi bằng tuổi các bạn bây giờ. Ở bìa sau của số cuối cùng là một bức ảnh của một con đường đồng quê vào buổi bình minh, nói lên điều mà bạn có thể tìm thấy sự an bình trong đó, nếu bạn là người thích mạo hiểm. Bên dưới là dòng chữ: "Luôn khao khát-Dám làm" Đó là lời tạm biệt của số báo sau cùng của họ .

  "Hãy luôn khao khát và dám làm ". Tôi đã cầu mong điều  này cho chính bản thân mình, và hôm nay cầu chúc các bạn điều đó, khi các bạn tốt nghiệp để bắt đầu con đường mới.

  Hãy luôn khao khát công việc - Và dám làm những điều mình thích.

Cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều.

Steven jobs
Nguyễn Ngô Xá dịch
@mediaite

Friday, May 25, 2012

VHVN


Triết trong thơ Tô Thùy Yên

Video Chiều trên phá Tam giang

(...) Bảo rằng trong thơ Tô Thùy Yên có chủ đề triết lý, bảo thế e chưa thích hợp. Gần như toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông là một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ. Bí ẩn đó là ám ảnh chủ yếu của đời ông (...)(Hình phải:Thi sĩ Tô Thùy Yên)

Ðãng tử - cũng như góa phụ, như chim biển bắc - của ông chẳng qua là biểu tượng. Cuộc đi ông nói đây là cuộc đi trong kiếp nhân sinh mờ mịt, không bến bờ không định hướng, cuộc đi bắt đầu từ vạn cổ mà rồi không bao giờ kết thúc, là cuộc “tuần du bất tận”. Sự sống giục giã: gió thổi, chim bay, mây xôn xao, thủy triều sôi réo... Phải lên đường chứ. Nhưng lên đường về đâu?

“Ðến ngả ba, đành theo một lối
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia.” (Ðãng Tử)

Ôi, thân phận người đãng tử của Tô Thùy Yên.

Có lần khác ông viết về mối tình ngày nhỏ: “Vườn Hạ”. - Tình xưa, kìa, có phải như Tố với Hoàng một đời thiết tha? hoặc giả có phải thân nhau từ thuở bé thơ như Mùi của Siêu chăng? Vậy thì mùi mẫn biết mấy!

- Hừm. Ðâu có. Làm gì có sự mùi mẫn đối với một người tình không chân dung? Ở đây không có dáng hình kiều diễm nào. Không mặt mũi vóc dáng, không tên tuổi, không có cả một màu áo. Không ai trông thấy giai nhân đâu, ở đây chỉ gặp một nhân vật tàn nhẫn mang tên là Thời Gian.

(...) Cái yêu (...) không là chủ yếu (...) ông (...) suy tưởng buồn rầu về chuyện “mai kia mốt nọ”. Khiếp, cái mai mốt nghĩ mà kinh. Mai mốt anh về:

“Hỏi em, em lấy chồng xa xứ
Hỏi bạn, bạn lìa quê bặt tin.”

Không còn bạn, không còn tình, ông chiêu hồn tuổi dại, ông lay gọi:

“Thơ ấu, dậy đi, mừng dụi mắt
Cùng anh chạy nhảy tiếp thời vui.”

Thời vui, anh với em đá gà bằng cỏ xướt, đùa giỡn la rân dưới mưa, lăn vòng, đá bong bóng nước v.v. Nhưng mai mốt không ai còn có thể chạy nhảy tiếp một thời vui. Không ai tiếp được cái gì nữa cả. Thời gian xóa hết. Cái chân dung nghìn mặt của Thời Gian có những nét đáng hãi:

“Trời cao mỏi mắt, chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh
Ngoài quãng chói chang hư ảo múa
Dường như ai réo ấu danh anh (...)

(...) Nằm đây phủ sáng hằng hà sao
Nghe thủy triều lui bậc bậc sầu
Nghe tiếng mõ chùa khô khốc khóc
U minh ngày tháng bóng lao đao (...)

(...) Cây cỗi càng sưng vết chặt lồi
Chờ nhau cho đáng kiếp chờ thôi
Tuổi già gom lại bao thương tưởng
Như cuối vườn chiều mót củi rơi.” (Vườn Hạ)

Giữa cái vui hôm nay với cái buồn mai kia mốt nọ, sự thay đổi khiến ta liên tưởng đến cảnh Hồng lâu mộng. Mới ngày nào, một cậu bé trên mười tuổi giữa cái xôn xao của đám đông đảo hàng bốn trăm rưởi nhân vật, đa số là đàn bà con gái thơm tho xinh đẹp, nói cười ríu rít, quấn quít yêu thương. Rồi chẳng mấy chốc, xuân chưa qua hạ chưa đến, mà tan tác đã xảy ra (...)

(...) một lần khác, Tô Thùy Yên làm thơ về đảo Trường Sa. - Ờ ờ, ông đi nhiều mà. Gặp cảnh đẹp ông dừng chân hứng bút đề thơ, bốn câu ba vần, hay tám câu năm vần chứ gì?

- Nói vậy sai lắm, sai quá lắm. Ðừng nói với ông làm chi chuyện đẹp với không đẹp, chuyện ngắm với nghía. Ông đến đây, trong lòng trong trí bận bao nhiêu cái khác. Ông thắc mắc hỏi han:

“Mùa đông bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ.”

Ông tủi hổ về sự nhỏ nhoi của kiếp người; ông muốn cùng bể khơi cùng khóc:

“Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.” (Trường Sa Hành)

Ở Trường Sa, cũng như ở phá Tam Giang, và có lẽ ở động Hương Tích, ở đỉnh đèo Ngang hay ở Ðộng Ðình hồ cũng thế thôi, ông không có thái độ thưởng ngoạn; thái độ ông vượt ra ngoài sự bận tâm về cái đẹp xấu:

“Chiều trên phá Tam giang
Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn
Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng
chợt hãi hùng
Dớn dác ngó.” (Chiều Trên Phá Tam Giang)

Ở Trường Sa, cũng như ở phá Tam Giang, và ngay những khi không đi đến đảo xa phá rộng nào cả, đến chốn đại dương mênh mông hay trước sóng to gió lớn nào cả, ngay một buổi sáng như mọi buổi sáng, ngồi trước ngôi nhà ở làng quê, ông cũng nghe được cái ít người nghe: cái cựa quậy của đất trời:

“Ta ngồi trước ngõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh
Mầm cỏ nhoi nhoi lên rạo rực
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh.”

Rồi đứng lên đi loanh quanh, gặp dăm ba người làng, ông cũng nói được cái ít người nói trong những dịp ấy: ý nghĩa đời người.

“Ta ngồi cho đến khi trời trắng
Ðồng ruộng xanh đông đúc tiếng người
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Ðời người cũng chuyện phiếm mà thôi.”

Và ngộ nhất là dẫu không làm gì cả: không đi không ngồi không nghe không nói gì cả, chỉ có hoặc nhìn một ngọn cỏ, hoặc chỉ thở, chỉ sống không thôi, ông vẫn có dịp đề cập đến tận vấn đề rốt ráo của nhân sinh:

“Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân

Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm...”(Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ)

Ông Tô Thùy Yên! Giá Thượng Ðế mà biết được trong vô vàn chúng sinh có những đứa sống đầy ý thức như thế, không một phút giây nào không chăm chú từng hiện tượng lạ lùng của cuộc sống, không thấp thỏm ngạc nhiên, có đứa sống một cuộc sống đầy thao thức sáng tạo như thế, chắc Thượng Ðế không khỏi thêm hãnh diện về công trình của mình, và chắc chắn Người... yêu ông biết chừng nào (...)

(...) “Cây dừa ngất gió trùng điệp” gợi ông một “kiếp đau dài” (Trường SaHành); “gốc cây nứt nở vỏ” nói với ông “bao điều thầm lặng lớn” mà “trí ta không đủ lực đo lường” (Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ); góa phụ khóc chồng, ông kêu “em khóc làm chi lẽ diệt sinh”; tiếng con chó tru ông thấy “thăm thẳm ngây thiên địa”; gái góa tìm chồng không phải tìm trong vườn ngoài nội mà là... “chạy tìm anh ngoài cõi gió”... Tâm hồn ông tưởng chừng có kích thước vũ trụ (...)

(...) Ông (...) hàng ngày ra vào cửa sinh cửa tử, đàm đạo với khí Âm khí Dương, chuyện trò với cái Vô Cùng cái Bất Tận v.v... Trông cây dừa ông không chỉ thấy cây dừa, nhìn gốc cây ông không chỉ thấy gốc cây, nghe chó tru không chỉ nghe chó tru v.v. Những hình ảnh âm thanh nọ còn là những ký hiệu, để ông đọc cái nghĩa đời, ông đọc ra lời nói của Thượng Ðế, đọc những tiết lộ về bí nhiệm của cuộc sống. Thơ ông là thế. Không sao? Thơ ông là thế, là triết đấy. Thơ ông là triết, nhưng ông không phải là triết gia. Theo cái nghĩa một đấng suy tư, theo cái hình ảnh một kẻ sói đầu, khắc khổ miệt mài. Nếu miễn cưỡng phải là triết gia, ông là thứ triết gia ràn rụa nước mắt, triết gia héo hắt tâm can. Ông không vắt óc nghĩ ra tư tưởng; ông cảm xúc triết lý, bằng tấm lòng, bằng ngũ quan. Cái triết này không tháp ngà tháp nghiếc gì. Không tháp, không đền, cũng không phải thành hình từ trong phòng, trong liêu, trong am, trong động, trong hang nào cả. Những câu hỏi của Tô Thùy Yên đặt ra là đặt giữa trời đất bao la, giữa bể khơi ầm ĩ, giữa phá rộng sông dài, đặt ở ngả ba sông, ở mép nước lao xao lính tráng một chiều dừng quân, đặt giữa súng ống ngổn ngang, thây người chồng chất v.v. Giữa dòng đời tấp nập, giữa sinh hoạt náo nhiệt... (...)
(...)

(...) băn khoăn siêu hình là chủ yếu trong thơ Tô Thùy Yên, ngay từ lúc bắt đầu, từ những ngày ông còn rất trẻ (...)

Võ Phiến
(Trích từ bài nhận định về thơ Tô Thùy Yên
trong bộ sách
Văn học Miền Nam)

@gocnhin  -  vanhocmiennam  -  damau