Sunday, May 20, 2012

USA


Tình, Tiền và Hệ Lụy

Đầu đuôi của sự việc là do từ quan hệ tình cảm mà ra. Vào ngày 30/12/2006, tại Chapel Hill, ông John Edwards tuyên bố ra tranh cử Tổng Thống. Ngày hôm đó, ngoài sự tham dự của một số đông người, còn có sự hiện diện của vợ ông, Elizabeth Edwards, và một phụ nữ phụ trách phần quay phim tên là Rielle Hunter. Đó là cái ngày mà công tố viên Robert Higdon cho rằng thời điểm cái nhân của sự hủy diệt được gieo trồng,:"Ông ấy muốn trở thành nhà lãnh đạo của chúng ta. Ông ấy xin chúng ta lá phiếu. Ông ấy có một bà vợ có tên tuổi và một gia đình đẹp đẽ, và vào ngày ấy hạt mầm của sự tự hủy diệt, seeds of his destruction, được gieo trồng." Cái nhân đã có sẵn trong đầu, chờ cho cơ duyên thuận tiện là Rielle Hunter xuất hiện và cuối cùng cái quả từ từ thành hình. Ngày quả chín chính là cái ngày kết tội và bản án được tuyên bố, trừ phi ông ấy luồn lách giỏi hoặc có số may mắn.

Ông John Edwards và bà Elizabeth Anania gặp nhau khi cả hai còn là sinh viên luật tại University of North Carolina. Ông sinh năm 1953, bà sinh năm 1949. Hai người thành hôn vào ngày 30/7/1977. Cả hai có với nhau 4 người con, hai trai hai gái. Người con trai đầu sinh năm 1979 và chết vì tai nạn xe hơi năm 1996. Vào năm 2004, bà Elizabeth bị mắc bệnh ung thư và đã được chữa lành, nhưng ba năm sau bệnh tái phát và cuối cùng bà đã mất vào cuối năm 2010. Bà là người đã từng ủng hộ hôn nhân đồng tính. Có lần vào năm 2007 bà đã nói:"Tôi không biết tại sao hôn nhân của một người khác lại là vấn đề đối với tôi. Tôi hoàn toàn thoải mái với hôn nhân đồng tính."

Ông John Edwards từng là một luật sư vụ hộ nổi tiếng, đã từng cãi cho thân chủ và ông đã thắng kiện với các số tiền lên đến nhiều triệu đô la. Vào năm 1998 ông chuyển qua hoạt động chính trị. Ông đắc cử Thượng Nghị Sĩ liên bang. Vào thời gian ấy có nhiều cử tri có thiện cảm với ông và người ta tin rằng ông là một chính trị gia sáng giá và có nhiều triển vọng trở thành Tổng Thống trong tương lai. Có lẽ ông không được may mắn. Vợ ông bắt đầu lâm bệnh, khiến cho ông phải bỏ nhiều thời gian ra để chăm sóc cho bà. Nhưng bà vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho ông trong việc vận động tranh cử. Thế rồi trong thời gian này ông đã gặp cô Rielle Hunter, nguyên nhân chính của sự rắc rối cho đến ngày hôm nay.

Vào năm 2006 ấy Rielle Hunter còn rất trẻ, 42 tuổi. Cô là nữ diễn viên điện ảnh và là nhà sản xuất phim. Cô Hunter bắt đầu có mặt với tư cách là người phụ trách phần quay phim cho cuộc tranh cử Tổng Thống của ông Edwards.

Vào tháng 10 năm 2007, báo chí khởi sự cho đăng hàng loạt bài nói về vụ ngoại tình của ông Edwards. Vào tháng 12 năm 2007, có tin đồn là cô Hunter có bầu. Người phụ tá tranh cử của ông Edwards là Andrew Young nhìn nhận là tác giả. Ông Edwards đã nhiều lần chối không có quan hệ với Rielle Hunter. Đến tháng 8 năm 2008, ông Edwards thừa nhận vụ ngoại tình của ông với đài truyền hình ABC. Về đứa nhỏ, ông Edwards bảo rằng đó là con của cô Hunter với Andrew Young. Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ bắt đầu cuộc điều tra để tìm hiểu xem ông ấy có sử dụng số tiền đóng góp chính trị lên đến gần một triệu bạc cho mục đích cá nhân hay không. Cuối cùng vào tháng 1 năm 2010, ông Edwards xác nhận ông chính là bố của đứa nhỏ. Bà vợ ông khởi sự thủ tục ly thân với ông với mục đích tiến tới sự ly dị giữa hai người dự trù sẽ diễn ra một năm sau đó.

Vụ xử này đã được tòa đình hoãn vì lý do sức khỏe của ông Edwards. Ông ấy đang phải chữa trị bệnh tim vào tháng 2 năm 2012 cho nên thẩm phán liên bang Catherine Eagles mới định ngày 12/4/2012 để bất đầu xúc tiến việc chọn bồi thẩm đoàn cho vụ xử này.

Vụ xử khai mạc vào ngày 23/4/2012 tại tòa án liên bang tọa lạc tại thành phố Greensboro, North Carolina.

Để truy tố ông Edwards, công tố viên Robert Higdon dùng phụ tá tranh cử của ông Edwards - Andrew Young - làm nhân chứng. Chính ông Young này lúc đầu khai với báo chí đứa nhỏ do cô Hunter sinh ra là con của ông. Nay có lẽ vì chịu áp lực nặng nề của công tố và sợ đi tù cho nên ông này đã hợp tác với ông Higdon cung khai sự thật.

Theo công tố viên Higdon, ông Young đã nhận một chi phiếu bí mật từ bà Rachel Bunny Mellon với số tiền là 725.000 Mỹ kim. Số tiền này được dùng để chi cho cô Hunter hàng tháng. Ngoài ra, ông Fred Byron, một luật sư giàu có Texas, giám đốc tranh cử đặc trách tài chánh của ông Edwards, còn cung cấp thêm 21.000 đồng tiền mặt dùng cho việc mướn ngôi biệt thự tại Santa Barbara cho cô Hunter ở và chuyển một khoản tiền khác là 400.000 đồng tiền mặt là ngân khoản ăn xài, chi tiêu khách sạn và phi cơ cho cô này. Làm như thế là ông luật sư đã giúp đỡ nhằm che dấu vụ ngoại tình của ông Edwards. Phía công tố cho rằng tiền bạc nhận được từ nhà triệu phú Mellon là dành cho quỹ tranh cử và như thế là ông Edwards đã sử dụng số tiền không đúng luật. Ngoài ra, ông ấy biết rõ nội vụ, là người chủ mưu, ra lệnh cho người phụ tá làm những việc bất hợp pháp này và đã khai dối để che dấu sự thật

Luật sư đại diện cho ông Edwards thì nói rằng, cô Hunter nhận được sự giúp đỡ tài chánh của bà Mellon, một người có cảm tình với ông ứng cử viên Edwards và muốn giúp ông ấy giải quyết vấn đề riêng tư mà thôi, và số tiền ấy không liên quan gì đến quỹ tranh cử cả. Ông ấy giải thích lý do mà ông Edwards không muốn dùng tiền riêng của mình để trang trải chi phí sinh hoạt cho cô Hunter là vì ông Edwards không muốn bà Elizabeth, vợ ông, biết được sự thật. Ông Young khai là ông làm theo chỉ thị của ông Edwards và ông này biết rõ sự kiện này. Nhưng luật sư Lowell lại cho rằng mọi sự đầu đuôi là do chính ông Young, tự động liên lạc với bà Mellon để nhận sự giúp đỡ tài chánh với mục đích thu lợi cho chính bản thân ông ta. Bằng chứng đưa ra tại tòa cho thấy chỉ có một phần nhỏ của số tiền do bà Mellon gởi giúp được dùng cho cô Hunter, còn phần lớn được ông Young dùng vào việc xây ngôi nhà 1 triệu 6 của vợ chồng ông gần Chapel Hill. Như thế theo luật sư biện hộ, người đáng lẽ phải ngồi vào cái ghế bị can là ông Young chứ không phải thân chủ của ông là ông Edwards.

Có một điểm ghi nhận ở đây la trong vụ xử này, luật sư biện hộ đã nại ra án lệ Citizens United case của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ năm 2010. TCPV đã phán quyết là những nhóm không liên hệ với các ứng cử viên có thể vận động thu tiền không giới hạn và sử dụng số tiền vận động tranh cử ấy cho hoạt động tranh cử thả cửa miễn sao không có sự hướng dẫn hay phối hợp xuất phát từ ứng cử viên là được. Chính phán quyết này đã mở các cánh cửa cho sự hoạt động mạnh mẽ của các tổ chức gọi là siêu ủy ban hành động chính trị, super political-action committees, viết tắt là PACs, được lập ra với mục đích gây quỹ và chi tiêu nhân danh cá nhân ứng cử viên hay lập trường của họ dù là trên thực tế các ủy ban này không có liên hệ gì đến ban tranh cử của ứng cử viên.

Trước đây ông Obama chống đối tổ chức PAC này. Trên nguyên tắc, mỗi cử tri chỉ được quyền đóng góp tối đa 2.300 đồng cho quỹ tranh cử của mỗi ứng cử viên. Lợi dụng cái kẽ hở này, các ứng cử viên Cộng Hòa đã được các cử tri giàu có ủng hộ tài chánh dưới hình thức này. Vì đây là phán quyết của TCPV cho nên ông Obama không thể làm khác được, cũng phải chấp nhận và nay ông ấy nương theo thời thế, hoan hỉ chấp nhận sự giúp đỡ của các ủy ban này. Bằng cứng là vào tuần trước giới tài tử điện ảnh Hollywood đã nhân danh ông ấy để vận động thu vào cả triệu đô la giúp tranh đấu cho ông và lập trường tranh cử của ông và ông đã tỏ ra hân hoan.

Nói là không liên hệ, không phối hợp với nhau giữa hai bên nhưng trên thực tế sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra đến thế. Theo dõi các quảng cáo tranh cử Tổng Thống kỳ này trên truyền hình người ta thấy quảng cáo vận động của ứng cử viên vừa được chiếu xong thì ngay lập tức một quảng cáo rầm rộ khác cho chính ứng cử viên này được trình chiếu do PACs trả tiền. Điều này khiến cho dân chúng nghi ngờ là phía đằng sau có sự phối hợp của đôi bên miễn sao đừng để lộ sự liên hệ thì thôi. Nói cách khác, giúp đỡ ứng cử viên thế nào cũng được miễn hai bên đừng có công khai phối trí hoạt động và đừng có trao đổi tiền bạc trực tiếp với nhau là kể như hợp lệ hợp pháp hết.

Dựa vào án lệ này của TCPV, luật sư biện hộ cho ông Edwards lý luận rằng ông ấy đã không phối trí việc chuyển tiền từ bà triệu phú Mellon qua trương mục mà người tình của ông dùng khi được người phụ tá của ông chở đi đây đó. Và theo vài chuyên gia, hoạt động này xem ra có vẻ hợp pháp theo tinh thần của án lệ trên.

Bên công tố lại cho rằng, đó chẳng qua chỉ là lý luận mà thôi. Việc gì mà một người phụ nữ nhà giàu lại chi ra cả triệu đồng, qua một phụ tá tranh cử của ông Edwards, cho một người phụ nữ là cô Hunter mà bà ta không hề quen biết? Chính ông phụ tá Young đã khai là làm theo chỉ thị của ông Edwards là gì. Như thế là luật lệ tranh cử bị vi phạm rõ ràng. Và như thế là ông Edwards có tội.

Luật sư Lowell xác nhận với bồi thẩm đoàn rằng ông Edwards có tội nhưng mà là tội lỗi thôi, và ông ấy sẽ chịu sự trừng phạt cả đời để trả giá cho sự sai lầm của ông ấy, chứ còn đối với luật pháp ông Edwards chả có tội tình gì hết cả:"Vụ xử này sẽ định nghĩa sự khác biệt giữa một sự sai trái và một tội phạm....giữa tội lỗi và tội hình. Ông ấy đã thú nhận tội lỗi. Ông ấy sẽ thi hành án tù chung thân cho những tội lỗi ấy. Chứ ông ấy không can tội vi phạm luật pháp."

Lời khai của bà Jennifer Palmieri, nguyên là phát ngôn viên tranh cử của ông Edwards và là bạn thân của vợ ông, tại tòa vào Thứ Tư 9/5/2012, có vẻ bất lợi cho bị can về phương diện che đậy, khỏa lấp và thiếu thành thật trong vụ ngoại tình. Theo bà Palmeri, tại một khách sạn ở Iowa vào năm 2007, bà Elizabeth đã tỏ ra giận dữ khi biết được người tài trợ đã giúp đỡ cho cô bồ đang mang bầu của chồng bà. Hôm đó ông Edwards đã gọi bà Palmeri đến căn phòng tại Davenport, Iowa trong lúc bà Elizabeth đang cãi nhau với hai vợ chồng ông Baron về vụ giúp đỡ tiền bạc và đưa đi mua sắm cho cô Hunter. Ông Edwards hy vọng nhờ chỗ thân tình với vợ của ông, bà Palmeri sẽ giúp làm nguội tình hình. Bà ấy nghe được bà Lisa Blue, vợ của giám đốc tài chánh Baron giải thích với bà Elizabeth là bà ấy giúp cho một tay chẳng qua với mục đích kềm hãm cô Hunter để cô ta không xì thêm tin tức cho báo chí, có hại cho cuộc tranh cử. Bà Elizabeth vẫn không hiểu lý do tại sao cả hai vợ chồng ông Baron lại liên lạc với Hunter làm gì.

Báo chí lúc ấy đã bắt được tin ngoại tình rồi. Ông Edwards có nói với vợ ông rằng ông chỉ giao du với cô Hunter một thời gian ngắn và đã chấm dứt quan hệ này từ nhiều tháng trước rồi. Nói vậy mà không phải vậy. Thực tế hai người vẫn gặp nhau tiếp, và vì đi đêm mãi có ngày gặp ma, kết quả cô ấy có bầu và sinh được một bé gái vào năm 2008.

Chưa hết xui, vào ngày 13/3/2012, Ủy hội Bầu Cử Liên bang đã quyết định bắt buộc ban vận động tranh cử của ông Edwards phải trả lại số tiền 2 triệu mốt mà chinh phủ đã ứng ra cho ông trước đây.

Sáu năm trước ông Edwards chỉ mới có 52 tuổi. Ông có vóc dáng trẻ trung so với tuổi tác. Ngoài ra, ông lại đẹp trai, có khiếu ăn nói, dễ gây cảm tình nơi cử tri, đặc biệt là phái nữ. Trong lịch sử Hoa Kỳ đâu có bao nhiêu vị Tổng Thống đẹp trai, thu được cảm tình của phụ nữ. Thời cận đại có John Kennedy và Bill Clinton, cả hai đều nổi tiếng đào hoa, bay bướm. John Edwards vì thế đâu phải ngoại lệ. Tương lai chính trị sáng rực, ngồi yên bất động vẫn có người đẹp nhào vô, huồng hồ đang dồi dào sinh lực. Lại đúng lúc bà vợ vắng mặt vì bệnh, mỡ lại được để trước miệng mèo. Ông ấy có phải là thánh sống đâu cho nên mới ra nông nỗi. Người nào khác ở vào hoàn cảnh của ông ấy cũng làm thế cả chứ đâu riêng gì ông. Người ta bảo giàu có bạc triệu như ông, nếu chịu bỏ ra vài ngàn mỗi tháng chi cho cô Hunter, đừng dùng đến tiền của người khác dù là tiền ủng hộ thì ông đâu có phải gặp lôi thôi với tòa án như thế này. Cứ "nếu" như thế thì cả thành phố Paris có thể nhét gọn trong một cái chai. Hơn nữa, lấy tiền nhà ra mà chi cho bồ trẻ như thế làm gì trước sau bà vợ chả biết, nguy tai tức thì. Thế thì phải dùng đầu óc tính toán lại. Nhờ anh phụ tá làm Lê Lai cứu chúa. Không dè phụ tá Andrew Young chịu không nổi áp lực và dụ dỗ của bên công tố. Bản thân cũng sợ bị tù tội. Mà trên thực tế có được hưởng tí gì cho cam. Thế lá anh phụ tá đã khai huỵch toẹt hết. Đường hoạt động chính trị của ứng cử viên Edwards đang sáng rỡ, chỉ vì một phút thiếu cái sự tĩnh thức mà bỗng chốc trở thành tối mịt và hình ảnh nhà tù lởn vởn hiên ra trước mắt. Có lẽ giai đoạn này là thời gian ông cựu Thượng Nghị Sĩ cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Đáng thương cảm và tội nghiệp quá.

Gia đình ông Edwards được xem là kiểu mẫu lý tưởng của các gia đìmh bên Mỹ, cả hai vợ chồng thành công về học vấn, có đia vị trong xã hội, có nhiều tiền v.v...ấy thế mà họ có lắm chuyện buồn. Một người con chết sớm vì tai nạn, vợ từ giã cõi đời sớm vì bệnh, bản thân ông vướng mắc vào ái tình, tiền tài và những hệ lụy của chúng. Ngẫm lại, con số người trên thế gian này được hạnh phúc hoàn toàn xem ra không nhiều.

Cho đến Thứ Sáu, 18/5/2012, bồi thẩm đoàn vẫn chưa quyết định xong số phận của ông Edwards. Thế là vào đầu tuần tới, họ sẽ họp tiếp để có kết luận. Ông cựu Thượng Nghị Sĩ sẽ có thêm một cuối tuần hồi hộp.

Mong rằng ông Edwards sẽ được trắng án. Ai ở trên đời chả có lầm lỡ. Ông đã chịu sự dằn vặt bấy lâu nay. Phải ra hầu tòa mỗi ngày và đi chung với một cô con gái dưới con mắt soi mói của quần chúng liên tục như thế ba tuần lễ nay, và tương lai chính trị của ông đã tắt lịm không còn chút hy vọng vớt vát nữa, và vợ ông nay đã là người thiên cổ rồi, xem ra cũng đã là một hình phạt nặng đối với ông và hẳn nhiên khiến ông đau khổ lắm và thế là quá đủ rồi.

Qua chuyện tranh cử lồng với chuyện tình này, người ta lại có lời khen nước Mỹ. Tại Hoa Kỳ, không một ai, từ Tổng Thống đến muôn dân, có thể ngồi trên luật pháp. Đất nước mà có được một nền tư pháp độc lập và một nền báo chí tự do thì làm gì các nạn lạm quyền, hối mại quyền thế, và tham nhũng có cơ tồn tại, nói gì đến phát triển. Một bài học làm gương cho các nước độc tài trên thế giới.

"Người đàn ông không kiểm soát số phận của họ được. Những người phụ nữ trong cuộc đời của người ấy sẽ giúp cho họ làm việc ấy." - Groucho Marx
(Man does not control his own fate. The women in his life do that for him)

"Rượu vang và phụ nữ làm cho những người đàn ông trở thành đờ đẫn và buông lơi định luật của Thượng Đế và làm điều sai quấy." - unknown
(Wine and women make wise men dote and forsake God's law and do wrong)

Nguyễn Văn Huy