SUY NGHĨ VỀ SỰ KIỆN QUÂN NHÂN MỸ
NHẶT RÁC TRÊN CẢNG TIÊN SA
Trong thời gian ba chiến hạm thuộc hạm đội 7 thuỷ quân Mỹ thăm Việt Nam từ ngày 23-4 đến ngày 28-4 vừa qua, ngoài những hoạt động bình thường như diễn tập cứu hộ, thể thao, văn nghệ… các binh sĩ trên hai chiến hạm Blue Ridge và Safeguard bỏ neo tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, còn có một hoạt động đáng chú ý: cuối mỗi buổi chiều họ đều cử người dàn hàng ngang nhặt rác sạch sẽ và triệt để (họ nhặt cả những mẩu thuốc lá bé xíu) trên cầu cảng nơi họ neo tầu. Đây không phải hành vi của một vài cá nhân mà là hành vi tập thể, được tổ chức hẳn hoi, và diễn ra đều đặn trong suốt những ngày họ ở thăm nước ta. Ý nghĩa của nó như thế nào? Nếu một người khách đến thăm chúng ta mà lấy chổi ra quét nhà, chúng ta có thể nghĩ theo hai hướng sau:
1) Khách này …mất dạy, đến chơi nhà người ta mà mang chổi ra quét nhà, bộ chê nhà tao bẩn sao? Nhà tao từ thượng cổ đến giờ như vậy đó, ai khiến mày quét?!
2) Khách này là bạn tốt, vấn đề xả rác bừa bãi đối với chúng ta có thể chưa quan trọng lắm nhưng đối với họ có lẽ là một vấn đề rất quan trọng, chính vì vậy họ đã dám làm một điều có thể dễ mất lòng chúng ta, là người họ đang muốn có mối quan hệ tốt. Họ thực sự muốn chia xẻ với chúng ta một bài học mà bản thân họ đã học được trước chúng ta hơn một trăm năm (hơn một trăm năm trước đây họ, cũng như tất cả các dân tộc khác trên thế giới, kể cả người Nhật, người Sing, người Hàn, người Đức, người Anh, người Pháp… cũng đều xả rác, đều đái đường như chúng ta). Rõ ràng họ thấy hành vi xả rác quá lạc hậu của chúng ta không xứng đáng với phẩm giá con người Việt Nam mà họ tôn trọng và quý mến.
Từ hai hướng suy nghĩ trên, chúng ta có thể có những phản ứng như sau:
1) Tức, chửi thề, không làm gì khác thêm (ngoại trừ tuyên truyền vận động chung chung, hàng năm tổ chức mùa hè xanh sạch đẹp…) để đối phó với hành vi xả rác bừa bãi mà người Việt chúng ta vẫn còn duy trì từ thời ăn lông ở lỗ.
2) Phớt lờ, không làm gì khác thêm, vì “Người mình kém ý thức làm sao so được với người Nhật, người Mỹ, người Sing…”
3) Xấu hổ, cắn răng chấp nhận, cám ơn bạn đã cho chúng tôi một bài học quý. Sau đó huy động ý chí và sức mạnh của toàn dân vào một cuộc vận động tích cực và triệt để nhằm nhằm chấm dứt vĩnh viễn thói quen cực kỳ lạc hậu xả rác bừa bãi của người Việt chúng ta.
Trong ba hành vi kể trên, hành vi thứ nhất là hành vi của Chí Phèo trong văn hóa Việt, nghĩa là của những người thua cuộc (losers) trong văn hóa Mỹ.
Hành vi thứ hai là hành vi của những người mang nặng mặc cảm nô lệ, tự đánh giá hoàn toàn sai về giá trị và tiềm năng của con người Việt Nam.
Hành vi thứ ba là hành vi can đảm, cao thượng, và bản lĩnh, thể hiện đầy đủ cá tính và phong cách con người Việt Nam qua truyền thống văn hóa lâu đời của chúng ta. Sau đây là cách cụ thể để thực hiện hành vi can đảm, cao thượng và bản lĩnh này:
Từ mấy chục năm nay chính quyền địa phương các cấp đã bỏ ra rất nhiều công của để tuyên truyền vận động quần chúng không xả rác bừa bãi; hàng năm chúng ta đều huy động các đoàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh vào các chiến dịch “Mùa hè xanh sạch đẹp”. Các nước phát triển cũng làm những việc này, tuy nhiên họ khác ta ở một điểm quan trọng: bên cạnh công tác tuyên truyền vận động kể trên, họ tích cực và nghiêm khắc thực thi luật cấm xả rác. Ở Singapore, dù rác là một mẩu thuốc lá, người vi phạm bị bắt quả tang cũng có thể bị phạt tiền thật nặng và phải mặc áo tù đi làm vệ sinh hàng trăm giờ nơi công cộng. Đây không phải là sáng kiến của Singapore, các nước Mỹ, Đức, Nhật… đã làm như vậy trước Singapore gần một thế kỷ.
Việt Nam chúng ta cũng có luật Vệ sinh môi trường cấm xả rác nơi công cộng. Vấn đề là chúng ta chỉ cần thực thi luật này một cách nghiêm chỉnh và rốt ráo. Nghiêm chỉnh và rốt ráo có nghĩa là một mảnh giấy gói kẹo, một cái tăm, một mẩu thuốc lá cũng là rác; khăn giấy chùi miệng là miếng rác quá lớn, cần phạt thật nặng những chủ tiệm ăn đã để cho thực khách vất khăn giấy xuống nền nhà. Đây là cách các quốc gia phát triển trước chúng ta đã nghĩ ra: họ không thể phạt từng cá nhân khách trong các tiệm ăn, họ chỉ cần phạt thật nặng chủ tiệm, buộc chủ tiệm phải tự nghĩ ra các giải pháp để khách không tiếp tục xả rác nhè xương xuống nền nhà một cách vô văn hoá như từ bấy lâu nay. Giải pháp này cũng buộc các chủ tiệm không được duy trì tập quán lạc hậu: ban ngày tha hồ cho khách xả rác, tối quét sau. Tập quán này cũng giống như một cô gái đẹp ban ngày ra đường tiếp xúc với mọi người thì ăn mặc lôi thôi lếch thếch, mặt mũi tèm lem; tối về nhà trước khi đi ngủ mới lo tắm rửa, thay quần áo đẹp và điểm phấn tô son!
Việc xóa bỏ thói quen xả rác bừa bãi là việc không dễ, nhưng cũng không phải là quá khó đến nỗi không thể làm được. Có ba vấn đề quan trọng cốt lõi ở đây:
Vấn đề quan trọng nhất là quyết tâm cao độ của chính quyền các cấp và của toàn dân. Quyết tâm phải ở mức độ cao nhất, nghĩa là tương đương với quyết tâm đánh giặc. Chỉ khi nào chúng ta quyết tâm đánh giặc lạc hậu này, không cho nó tiếp tục kìm hãm dân ta vào vòng chậm tiến, chúng ta mới có khả năng thành công và chen chân được vào hàng ngũ những dân tộc phát triển trên thế giới.
Vấn đề quan trọng thứ nhì là triệt để xóa bỏ tư tưởng nô lệ chủ bại kiểu “Người mình kém ý thức”. Các dân tộc đều khởi đầu kém ý thức như nhau. Không có dân tộc nào từ thuở hồng hoang đã biết phân biệt đất nước hồ ao sông suối và cái thùng rác. Người ta vượt qua được thói xấu này thì chúng ta cũng vượt qua được.
Vấn đề quan trọng thứ ba là bên cạnh công tác tuyên truyền gíao dục, vận động, phải có các biện pháp chế tài nghiêm khắc và rốt ráo(Tàu chỉ huy USS Blue Ridge (LLC-19) cập cảng Tiên Sa trưa nay. Ảnh: Nguyễn Đông). Điều này đã được chứng minh cả trên lý thuyết tâm lý học (thuyết Nhận thức hành vi/Cognitive behavioral theory) lẫn trong thực tế ở Việt Nam. Thuyết Nhận thức hành vi đã chỉ ra cách hay nhất giúp con người thay đổi hành vi là giáo dục kèm theo trừng phạt. Giáo dục không kèm theo trừng phạt là giáo dục chung chung; trừng phạt không đi kèm giáo dục sẽ không mang lại kết quả lâu dài. Thực tế Việt Nam đã nhiều lần chứng minh lý thuyết này: xóa nạn mù chữ năm 1945, toàn dân đội mũ bảo hiểm năm 2007…
Tóm lại nếu chính quyền có quyết tâm lãnh đạo, nhân dân Việt Nam dứt khoát sẽ thoát được tập quán lac hậu xả rác bừa bãi. Cuộc đấu tranh này khó nhưng còn dễ hơn nhiều so với các cuộc đấu tranh khác mà chúng ta đã vượt qua trong lịch sử. Ngoài ra, chúng ta chỉ cần làm kiên quyết và rốt ráo trong một thời gian (có thể 6 tháng), khi quần chúng đã tập được thói quen mới, cơ chế dân chủ tự quản sẽ phát sinh và thói xấu lạc hậu sẽ không còn chỗ tồn tại vì đại đa số quần chúng không chấp nhận. Thói xấu xả rác bừa bãi chắc chắn một ngày kia sẽ được xoá sổ ở nước ta, đấy là chân lý.
Câu hỏi là nhân vật lãnh đạo nào, thành phố nào trên đất nước ta sẽ giành được lá cờ đầu và được lịch sử vinh danh. Đây sẽ là một trang sử vinh quang, một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam./.
Câu hỏi là nhân vật lãnh đạo nào, thành phố nào trên đất nước ta sẽ giành được lá cờ đầu và được lịch sử vinh danh. Đây sẽ là một trang sử vinh quang, một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam./.
Trần Đình Tuấn
May,03-2012
May,03-2012