Thursday, December 31, 2009

Phan Khôi


Cái ác ý ‎bởi nghề nghiệp

Nói “ác” với nói “ác ý” khác nhau. Người ta làm ra một điều “ác” có thể bởi vô ý. Nhưng nói đến “ác ý” thì cái ấy rõ ràng bởi người ta hữu ý mà làm hay thậm chí cố ý mà làm.Trong các nghề nghiệp, nhất là người buôn, thường hay có sự ác ý.(Hình phải:Học giả Phan Khôi)

Có câu chuyện một hiệu thuốc lá toan chuyện cạnh tranh với một bạn đồng nghiệp mình mà giở đến thủ đoạn tàn khốc, thật không ai nghĩ đến.Số là hiệu thuốc X, thuốc lá ngon có tiếng, vẫn bán chạy lâu nay. Ra để cạnh tranh với hiệu X, hiệu Y dùng một thủ đoạn rất hiểm độc.

Hiệu Y bỏ vốn ra hàng vạn mua lấy thật nhiều thuốc lá của hiệu X rồi dìm lại một vài năm mới bí mật đem ra bán. Trong lúc ấy, hiệu Y vốn làm cho thuốc lá của mình ngon lên và quảng cáo thật ráo riết. Tự nhiên công chúng thấy thuốc lá X quá dở – thuốc để đến hàng năm tài gì chả dở? – Rồi đổ xô nhau mua thuốc thuốc lá Y mà hút nên nó bán rất cha.y. Hiệu X sau cũng biết mình bị thiệt hại vì hiệu Y, nhưng không kiện được, bởi không đủ tang chứng.

Lại chuyện hai hãng tàu thủy tranh nhau nữa. Hãng Giáp quyết cướp quyền lợi của hãng Ất, bèn quyết kế đụng cho chìm tàu của hãng Ất trong khi hai chiếc gặp nhau. Và tàu này đụng chìm tàu kia là một sự có tội trước pháp luật. Nhưng hãng Giáp không kể điều ấy,tính rằng dù có kiện thưa nhau cho ra lẽ cũng phải mất một vài năm mới xong, bây giờ cứ hẳng triệt nó đi để chuyển cái lợi chạy tàu con đường ấy về phần mình.

Quả nhiên sau đó vụ kiện cứ dây dưa hoài ba bốn năm mới xong. Hãng Giáp có bị bồi thường cho hãng Ất ít nhiều, nhưng nhờ sự độc quyền trong bấy nhiêu năm, nó vẫn còn lời chán.

Ấy là tôi kể ra một vài thí dụ để chỉ rõ cái ác ý bởi đồng nghiê.p.

Đối với những cái ác ý ấy, pháp luật vẫn không bao giờ dung thứ. Nhưng tại lòng dạ con người quỷ quái đến điều thành thử pháp luật cũng phải có chỗ cùng.

Làm báo cũng là một nghề nghiệp. Một nửa nghề làm báo hàm có những cái tính chất văn học, xã hội...v.v... Nhưng một nửa là buôn bán.Có người lại nói rằng làm báo chỉ có độc một tính chất buôn bán cũng như các nghề nghiệp buôn bán khác. Bởi vì theo thương luật, hễ việc gì đem tiền ra kinh doanh tức là việc buôn bán. Thế thì làm báo cũng kinh doanh bằng tiền nên nó cũng là việc buôn bán.

Người ta coi làm báo là việc buôn bán thì tất nhiên người ta cũng dùng “ác ý để đối phó với nhau”, và cái ý ấy người ta cũng cho là cái “ác ý bởi nghề nghiệp”.

Ngày nay, sự giành nhau mà sống phải coi là sự nghiêm trọng của loài người. Đã thế thì những cái thuyết đạo đức vu vơ không còn là thế lực để địch với những cái quan niệm về quyền lợi hiện tại. Biết vậy nên tôi cũng nhận cho làm báo là một nghề nghiệp buôn bán, và trong đó ai không giữ sự thật thà mà dùng đến ác ý thì dùng.

Tuy vậy, theo lẽ thường việc gì cũng có giới hạn mới được.

Giữa làng báo Sài Gòn, báo này dùng chước quyến rũ, cướp chủ bút của báo kia. Lại có lần hai báo cùng ra số Tết, mà báo này lập thế làm cho báo kia trục trặc để cho báo mình ra trước.Những việc như thế cũng đều là ác ý cả. Nhưng lạ sao, khi nghe những việc ấy, ai nấy chẳng lấy làm đáng dị nghị cho lắm; mà còn có kẻ lại cho là ngộ nghĩnh, buồn cười?

Thì ra, nghề làm báo có cho đứt đi việc buôn bán nữa, cũng chỉ một phần về ty quản lý mà thôi. Những việc trên đó là việc thuộc về ty quản lý, nên dù có đeo cái tính chất lém lĩnh xỏ xiên của nghề buôn bán, chúng ta cũng còn bỏ qua đươ.c. Trong tiếng Việt Nam chưa ai xóa bỏ qua được bốn chữ “thương nhân đa trá” thì con nhà buôn cứ trổ ra các thứ mánh khóe sau lưng pháp luật.Tôi chỉ muốn nhắc cho người ta nhớ rằng: “Trong nghề làm báo còn một phần nữa về tòa soạn”, phần này thì quả không dính dấp gì đến việc buôn bán, cho nên nó chẳng dung được cái ác ý nào cả.

Ai có ác ý trong việc biên tập như đặt điều nói xấu cho kẻ khác, thì có thể bị tòa án truy tố mà mắc vào tội phỉ báng. Còn ai không làm hại kẻ khác, chỉ lấy phải làm trái, lấy đen làm trắng, dù pháp luật không có quyền hỏi đến chớ cũng bị dư luận khinh rẻ hay là hình phạt bởi lương tâm.

Như thế, thì về việc biên tập, chúng ta nên không hề có ác ý mới phải. Cớ sao trên báo lại thấy có sự ấy hoài? Việc rất nhỏ nhặt “hột đậu nhọn” hay “chữa văn” cũng thường làm cho kẻ khác thấy cái ác ý của mình, là làm chi vậy?

Đại khái như một bài ở tờ báo này trước đây có câu “bà ấy quên hết ít nhiều tiếng ta”, vốn là câu chúng ta có thể nói được “hết ít hay hết nhiều” sao lại chẳng được? Thế mà cũng có người cãi rằng đã “hết” sao còn ít nhiều gì? Rõ thật cãi bướng, chỉ có cái ác ý dìm ếm nhau thì mới cãi như thế mà thôi.

Nay đến cuộc chữa văn cũng chỉ thấy cái ác ý người này muốn mạt sát người kia mà bày ra, chứ không có chút thực tình nào về văn cả. Thế chẳng biết người ta tin sự dìm ếm mạt sát ấy là có lợi cho mình mới làm như thế, hay là không tin, nhưng cứ nghĩ cho cái ác ý ấy là bởi nghề nghiệp, làm như thế không hại chi nên cứ làm.

Nếu nghĩ cho đó là cái ác ý của nghề nghiệp thì lầm lắm, vì trong việc đó không còn phải là nghề nghiệp nữa.

Ít nào người ta cũng phải có một chút lòng tôn trọng chân lý thì mới đứng ra làm một cái nghề như nghề báo.


Phan Khôi
(HÀ NỘI Báo, số 23, ngày 10 tháng 6 năm 1936)

Wednesday, December 30, 2009

Sống đẹp


Nhân quả

Một hôm một người đàn ông trông thấy một bà lão với chiếc xe bị ‘pan’ đậu bên đường. Tuy trời đã sẩm tối anh vẫn có thể thấy bà đang cần giúp đỡ. Vì thế anh lái xe tấp vào lề đậu phía trước chiếc xe Mercedes của bà rồi bước xuống xe. Chiếc xe Pontiac củ kỉ của anh vẫn nổ máy khi anh tiến đến trước mặt bà. Dù anh tươi cười nhưng bà lão vẫn tỏ vẻ lo ngại. Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ không một ai dừng xe lại để giúp bà. Người đàn ông này liệu có thể hãm hại bà không? Trông ông không an toàn cho bà vì ông nhìn có vẻ nghèo và đói.

Người đàn ông đã có thể nhận ra nỗi sợ hãi của bà cụ đang đứng bên ngoài chiếc xe giữa trời lạnh. Anh biết cảm giác lo sợ của bà như thế nào rồi. Cái run đó, nỗi lo sợ trong lòng đó mới là lý do tự nó thành hình trong ta. Anh nói:
- “Tôi đến đây là để giúp bà thôi. Bà nên vào trong xe ngồi chờ cho ấm áp. Luôn tiện, tôi tự giới thiệu tôi tên là Bryan Anderson.”

Thật ra thì xe của bà chỉ có mỗi vấn đề là một bánh bị xẹp thôi nhưng đối với một bà già thì nó cũng đủ gây phiền não rồi. Bryan bò xuống phía dưới gầm xe tìm một chỗ để con đội vào và lại bị trầy da chổ khớp xương bàn tay một hai lần gì đó.Chẳng bao lâu anh đã thay được bánh xe. Nhưng anh bị dơ bẩn và hai bàn tay bị đau rát.Trong khi anh đang siết chặt ốc bánh xe, bà cụ xuống cửa kiếng và bắt đầu nói chuyện với anh. Bà cho anh biết bà từ St. Louis đến và chỉ mới đi được một đoạn đường. Bà không thể cám ơn đầy đủ về việc anh đến giúp đỡ cho bà. Bryan chỉ mỉm cười trong lúc anh đóng nắp thùng xe của bà lại. Bà cụ hỏi bà phải trả cho anh bao nhiêu tiền. Bryan chưa hề nghĩ đến là sẽ được trả tiền, đây không phải là nghề của anh. Anh chỉ là giúp người đang cần được giúp đỡ và Chúa, Phật biết đã có rất nhiều người trong quá khứ ra tay giúp anh. Anh đã sống cả đời mình như thế đó, và chưa bao giờ anh nghĩ sẽ làm chuyện ngược lại.

Anh nói với bà cụ: nếu bà thật sự muốn trả ơn cho anh thì lần khác khi bà biết ai cần được giúp đỡ thì bà có thể cho người ấy sự giúp đỡ của bà, và Bryan nói thêm: “Và hãy nghĩ đến tôi…”Anh chờ cho bà cụ nổ máy và lái xe đi thì anh mới bắt đầu đi về. Hôm ấy là một ngày ảm đạm và lạnh lẽo nhưng anh lại cảm thấy thoải mái khi lái xe về nhà và biến mất trong hoàng hôn.

Chạy được vài dặm trên con lộ bà cụ trông thấy một tiệm ăn nhỏ. Bà ghé lại để tìm cái gì để ăn và để đỡ lạnh phần nào trước khi bà đi đoạn đường chót để về nhà. Đó là một nhà hàng ăn trông có vẻ không được thanh lịch. Bên ngoài là hai bơm xăng cũ kỹ. Cảnh vật rất xa lạ với bà. Chị hầu bàn bước qua chỗ bà ngồi mang theo một khăn sạch để bà lau tóc ướt. Chị mỉm cười vui vẻ với bà dù phải đứng suốt ngày để tiếp khách. Bà cụ để ý thấy chị hầu bàn này đang mang thai khoảng tám tháng gì đó nhưng dưới cái nhìn của bà, bà thấy chị không bao giờ lộ sự căng thẳng hay đau nhức mà làm chị thay đổi thái độ.

Bà cụ thắc mắc không hiểu: tại sao khi cho, một người dù có ít, lại cho một người lạ mặt rất nhiều. Rồi bà lại chợt nhớ đến anh chàng tên Bryan hồi nãy.Sau khi bà ăn xong, bà trả bằng tờ giấy bạc một trăm đô-la. Chị hầu bàn mau mắn đi lấy tiền để thối lại tờ bạc một trăm của bà cụ nhưng bà cụ đã cố ý nhanh chân bước ra khỏi cửa rồi. Lúc chị hầu bàn quay trở lại thì bà cụ đã đi mất. Chị hầu bàn thắc mắc không biết bà cụ kia có thể đi đâu. Khi để ý trên bàn chị thấy có dòng chữ viết lên chiếc khăn giấy lau miệng.

Nước mắt vòng quanh khi chị đọc dòng chữ mà bà cụ viết:
- “Cô sẽ không nợ tôi gì cả. Tôi cũng đã ở vào tình cảnh thiếu thốn giống như cô. Có ai đó đã một lần giúp tôi giống như bây giờ tôi đang giúp cô. Nếu cô thực sự nghĩ rằng muốn trả ơn lại cho tôi thì đây là điều cô nên làm: Đừng để cho chuỗi tình thương này kết thúc ở nơi cô.”Bên dưới tấm khăn giấy lau miệng bà cụ còn lót tặng thêm bốn tờ giấy bạc 100 đô-la.Thật ra, có những bàn ăn cần lau dọn, những hủ đường cần đổ đầy, và những khách hàng để phục vụ nhưng chị hầu bàn đã hoàn tất việc ấy để sửa soạn cho qua ngày mai.

Tối hôm đó khi chị đi làm về và leo lên giường nằm thì chị vẫn còn nghĩ về số tiền và những gì bà cụ đã viết cho. Làm thế nào bà cụ đã biết chị và chồng của chị cần số tiền ấy? Với sự sanh nở đứa bé vào tháng tới, điều ấy sẽ là khó khăn….Chị biết chồng chị lo lắng đến mức nào, và trong lúc anh ta nằm ngủ cạnh chị, chị cho anh một cái hôn nhẹ và thì thào bên tai anh:

- ‘Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả. Em thương anh, Bryan Anderson, ạ.’

Nguồn internet

Tuesday, December 29, 2009

Thơ Nguyễn Thái Bình


Vá cờ

Em vá cho dân một lá cờ,
Để người nước Việt lại ươm tơ
Cành Nam nắng ấm chim làm tổ,
Lối bắc rêu phong ngựa thẫn thờ.
Đất khách xứ người hoa nắng nhạt,
Quê cha đất tổ mộng tình thơ
Ai vui mảnh đất nhiều cơm áo
Em bé Việt Nam quyết vá cờ.

Em bé quê tôi quyết vá cờ,
Để hồn nước Việt khỏi bơ vơ
Nghìn thu linh sử lòng ghi khắc,
Vạn thế đất thiêng dấu chẳng mờ.
Nét sắc đường thanh tô vẻ đẹp
Nền vàng sọc đỏ sáng hồn thơ
Em ơi tổ quốc nhờ em đó,
Mau lớn khôn lên giữ cõi bờ.


Nguyễn Thái Bình
Nguồn
honviet.co.uk

Anti Communism


Biểu Tình phản đối cuộc thi hoa hậu
tuyên truyền cho CSVN tại Nuernberg-Đức
chiều tối ngày 26-12-2009


Đọc thêm: Nuernberg-Đức - 4vietnam.org

Monday, December 28, 2009

Tiểu Tử


Những chuyện nho nhỏ

Tôi tẳn mẳn ngồi nhớ lại từng chuyện nho nhỏ, để thấy mỗi chuyện là một nét chấm phá của cuộc đời, có chuyện còn mang vài ẩn dụ để con người suy gẫm. Vậy là tôi lần mò viết lại, không cần thứ tự lớp lang, không cần chọn lựa loại chuyện này hay loại chuyện nọ.

Mời các bạn cùng tôi đi lần vào những chuyện nho nhỏ này để cảm nhận thi vị của cuộc sống đang nằm đầy ở trong đó, và nó thật là gần gũi với mình như hơi thở như nhịp tim …


Bà ĐẦM GIÀ và Anh VIỆT NAM.


Chuyện xảy ra ở ngoại ô Paris (Pháp)
Hôm đó, trên đường về nhà, tôi gặp một người đàn ông Pháp cỡ bốn mươi tuổi ăn mặc đàng hoàng, kè theo hỏi:
- Xin lỗi ! Ông là người Tàu hay người Việt Nam ?
Tôi dừng lại, ngạc nhiên, trả lời:
- Tôi là người Việt Nam.
Ông ta mừng rỡ:
- Vậy, có phải trưa hôm qua, ông đã đỡ một bà cụ té ở chỗ này không ?
Tôi càng ngạc nhiên thêm:
- Không ! Tôi không có đỡ ai hết !

Tôi trả lời mà nghĩ đến mấy chuyện ra tay cứu người rồi mang vạ vào thân vì sau đó nạn nhân quay lại thưa người cứu mình đã lấy tiền lấy đồ .. v v …
Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi nên ông ta mỉm cười ôn tổn nói ;
- Ông yên tâm ! Không có chuyện gì rắc rối hết. Tôi chỉ muốn tìm người Việt Nam đã đỡ mẹ tôi thôi. Bà cụ đó là mẹ của tôi, thưa ông.
- Vậy à ! Nhưng mà tôi nói thật : hôm qua, vào giờ này tôi có đi qua đây, không thấy ai té hết. Mà… bà cụ có sao không ?
- Cám ơn ông, Mẹ tôi không có sao hết.
Rồi, không đợi tôi hỏi, ông kể lại những gì mà mẹ ông đã kể cho ông nghe… Hôm qua, bà cụ đi thăm một bà bạn. Bà đi qua lối này để về nhà. Đây là ngõ đi tắt duy nhứt dẫn qua khu nhà bà ở. Khi đến khoảng đất trống có bốn trụ đèn đường, bà trợt chân té. Lúc đó, cũng có mấy người hấp tấp qua lại, họ quay đầu nhìn nhưng rồi bỏ đi luôn.
Một người đàn ông Á đông, đã đi qua rồi, thấy vậy chạy trở lại đỡ bà đứng lên, lượm cái xắc da mang chéo vào người bà, ân cần hỏi bà có sao không ?
Bà bước thử vài bước, nói không sao, rồi kể rằng già rồi, đi thì được, chỉ có ngồi xuống đứng lên mới là khó.
Ông ta tỏ vẻ ái ngại, bước lại cập tay bà nói để dìu bà về. Hai người đi như vậy một lúc, bỗng bà hỏi ông người Tàu hả, ông trả lời rằng mình là người Việt Nam.
Mắt bà sáng lên, bà nói bà có bà bạn năm nào cũng đi du lịch Việt Nam vào dịp đầu năm, bả nói xứ ông đẹp lắm rẻ lắm, dân chúng hiếu khách dễ thương …
Đến một đoạn đường ngắn, bà cụ bỏ tay ông Việt Nam, bước một mình vừa đi vừa nói tôi đi được ông khỏi lo, tôi ở đường Colette gần đây, còn ông, ông ở đâu ?
Ông đó nói tôi ở khu xa hơn, phía bên kia trường học, ngày nào cũng đi và về bằng ngã này.
Bà cụ đi một đỗi nhìn lại thấy ông Việt Nam còn đứng nhìn theo coi bà cụ có thật sự đi một mình được không !
Tối đó, bà kể chuyện cho người con nghe, rồi sực nhớ ra, bà nói:
“Chúa ơi ! Tao quên nói cám ơn ông ta !”.
Vậy là bà cụ bắt người con hôm sau ra lối đi tắt chận hỏi từng người Á đông để tìm ngưởi Việt Nam đã đỡ bà chỗ “khoảng trống có bốn trụ đèn”, tìm để chỉ nói lời cám ơn mà bà đã quên nói hôm qua !

Kể xong, ông nắm tay tôi siết nhẹ. Rồi ông nhìn tôi, mắt đầy thiện cảm, nói: “Cám ơn !”.
Tôi bước đi, lòng lâng lâng hãnh diện, mặc dầu tôi biết rằng lời cám ơn đó không phải cho tôi mà là cho chung hai chữ “Việt Nam” …
(còn tiếp các chuyện khác)

Tiểu Tử

Vài chi tiết về tác giả:
Tên thật là Võ Hoài Nam (1930), lấy but hiệu Tiểu-Tử.
Sanh quán Gò Dầu Hạ ( Tây Ninh ).
- Tốt nghiệp trường Kỹ sư Marseille năm 1955.
- Dạy lý hoá trung học Pétrus Ký : 1955/1956.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Việt Nam từ năm 1956 đến 30/04/1975.
- Vượt biên cuối năm 1978. Định cư ở Pháp từ đầu năm 1979 đến nay.
- Làm việc cho hãng đường mía của Nhà nước Côte d' Ivoire ( Phi Châu ) (1979/ 1982).
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Côte d' Ivoire từ năm 1982 đến 1991, về hưu ở Pháp.
- Trước 1975, giữ mục biếm văn " Trò Đời " của nhựt báo Tiến.
- Bắt đầu viết truyện ngắn khi lưu vong qua Côte d'Ivoire.
- Tập truyện " Những Mảnh Vụn " ( Làng Văn Toronto xuất bản ) là tập truyện đầu tay.

Saturday, December 26, 2009

GS.Carl Thayer


Giáo sư Carl Thayer và 'mối tình' với phở.

LTS: Người ta biết Giáo Sư Carl Thayer, Học Viện Quốc Phòng Úc, là một chuyên gia về chế độ Cộng Sản tại Việt Nam. Nhưng mấy ai biết ông mê phở tới mức nào? Nhân dịp viết phóng sự về cách ăn phở Việt Nam của người ngoại quốc, chúng tôi hỏi Giáo Sư Carl Thayer xem ông có ăn phở không, và nghĩ thế nào về món ăn thuần túy Việt Nam này. Ai ngờ, để trả lời câu hỏi đơn giản, Giáo Sư Carl Thayer đã gửi một email dài tâm sự về “mối tình của ông với phở”. Ông còn cẩn thận gửi cho chúng tôi một xấp hình chụp tại gia đặc biệt dành riêng cho nhật báo Người Việt, để đi kèm bài phóng sự về phở. Nhìn ông chăm chú chuẩn bị ăn phở, người ta thấy ông dành cho tô phở sự quan tâm đặc biệt của một “nhà nghiên cứu”. Ông Carl Thayer là giáo sư khoa Nhân Văn và Xã Hội Học tại Ðại Học New South Wales, Úc Châu, và là chuyên gia nghiên cứu quân sự, kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng, là tác giả của gần 400 bài viết nghiên cứu tình hình các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương. Dưới đây là nguyên văn email của Giáo Sư Carl Thayer, do Hà Giang chuyển ngữ.(Hình phải:GS.Carl Thayer ăn phở tại nhà)

Phở à?

Tôi biết ăn phở chứ, sao lại không?

Phải nói là mê mới đúng. Tôi mê món ăn này ngay từ lần ăn thử đầu tiên. Có thể nói đây là “love at first bite!”

Tôi được nếm thử món phở vào năm 1967, khi tôi đến Sàigòn trong tư cách một tình nguyện viên làm việc với Cơ Quan Chí Nguyện Quốc Tế (Internaltional Volunteer Service).

Lúc đó, một đám bạn hay rủ tôi đi ăn phở tại một tiệm phở Bắc ở Mỹ Tho. Nếu tôi nhớ không lầm thì tụi tôi cũng rất thích ăn ở một phở tên là Phở 79.

Ở chỗ tôi ở tại Úc, muốn ăn phở cũng dễ thôi, đâu cũng có, nhưng phở ở Úc không gây được cho tôi nhiều “ấn tượng” như phở ở Hawaii.

Trong thời gian ở Honolulu từ Tháng Giêng năm 1999 đến Tháng Giêng năm 2002, vợ chồng chúng tôi rất mê phở ở một tiệm phở ở đây. Thường thì vào mỗi sáng Thứ Bẩy khi đi mua sắm xong, lúc nào vợ tôi cũng đến đấy mua phở mang về nhà để hai vợ chồng cùng ăn.

Có khi trời lạnh, chúng tôi ăn phở một tuần hai lần.

Chúng tôi thường dùng Phở thay cho bữa ăn trưa. Tôi thích đủ mọi thứ, tái, nạm, gầu gần sách, nên ở Canberra, tôi hay gọi món Pho Special tức “phở đặc biệt”. Lần về Hà Nội cách đây mấy tuần, tôi dùng phở cho điểm tâm mỗi buổi sáng, cứ một ngày ăn phở bò thì ngày kia lại ăn phở gà (cho bớt béo). Ăn phở bò thì tôi thích thịt tái phải trụng thật kỹ.

Khi ăn phở, tôi thích bỏ ba bốn khoanh ớt vào tô phở, rồi trộn đều cho đến khi mấy miếng ớt chìm xuống dưới tô. Kế đến, tôi chế vào tô một ít hoisin sauce. Tôi cũng thích bỏ mấy giọt nước mắm vào phở. Thiếu nước mắm phở ăn làm sao ấy, không “đạt”. Cuối cùng tôi vắt chanh vào và bắt đầu ăn. Nếu có giá tôi thường bỏ giá lên trên cùng.

Tôi dùng đũa ở tay phải, và cầm muỗng ăn phở bằng sứ bên tay trái rất sành sỏi. Phải dùng muỗng sứ ăn phở mới ngon!

Tôi rất thích dùng rau thơm với phở, nhưng rau thơm ở ngoài Việt Nam ăn hắc lắm, không giống như ở Việt Nam. Tôi đặc biệt thích cọng rau dài có gai ở hai bên (ngò gai) và thỉnh thoảng cũng ăn lá quế, khi nó không bị hắc. Lá quế ở Úc hay bị hắc lắm. Khi lá quế không hắc, tôi dùng tay ngắt lá rồi bóp nhẹ cho ra mùi thơm.

Bạn bè hay trêu chọc tôi về nỗi mê say phở. Nếu ai có dịp đến thăm chúng tôi thì sẽ thấy nhà tôi đầy rẫy chứng cớ “mối tình của tôi với phở.”

Ðầu năm 2005, khi tôi còn làm việc ở School of Advanced International Studies tại Johns Hopkins University ở Hoa Thịnh Ðốn, tôi được dịp làm bạn với một phụ nữ Việt Nam được học bổng Fulbright qua Mỹ. Bà ấy dậy vợ tôi cách nấu phở, làm chả giò, và một vài món khai vị Việt Nam khác.

Sau khi gần mãn nhiệm kỳ làm việc tại Hoa Thịnh Ðốn, tôi đưa vợ tôi đến thăm Việt Nam lần đầu tiên, và chúng tôi đi tìm mua cho bằng được tô ăn phở bằng gốm Bát Tràng ở gần Hải Phòng. Phải mất bao nhiêu công lao chúng tôi mới mang chúng về đến Canberra an toàn không bị vỡ.

Món phở của Việt Nam rất tuyệt, và đã được đưa vào thực đơn quốc tế của gia đình chúng tôi. Thỉnh thoảng khi chúng tôi nấu phở, và dọn ăn trong tô Bát Tràng hẳn hoi.

Tôi thích chỉ cho mọi người cách ăn phở. Ai cũng thích! Tôi nghĩ, nếu biết phát triển đúng cách, phở sẽ trở thành món ăn rất được ưa chuộng nhất trong vài thập niên tới.

Hà Giang
Nguồn nguoi-viet.com
Đọc thêm:Hà Giang

Friday, December 25, 2009

Đinh Gia Thuyết


Ngọn cờ vàng

Triệu Ẩu nguyên tên là Triệu Thị Trinh, quen gọi là Ẩu nữ, là em Triệu Quốc Đạt, con Triệu Công Hiển, là dòng dõi Triệu Vũ Đế (Triệu Đà). Khi nhà Triệu mất nước, con cháu họ Triệu lấy con gái Mường, trở thành một dòng họ Mường thanh thế, đời này đời khác được tôn là Quan lang. Triệu Công Hiển sống vào thời nước ta nội thuộc nhà Đông Ngô. Đất nước chia làm chín quận, mỗi quận đều đặt quan Thái thú cai trị. Na Sơn, quê quán dòng họ Triệu, thuộc quyền thái thú Lã Đại, một viên quan tàn ác, làm nhiều điều bạo ngược. Triệu Quốc Đạt bị quân Tàu bắt cóc từ nhỏ. Triệu Công Hiển tưởng con đã chết bèn đến khấn ở đền Hai Bà Trưng cầu xin quý tử nhưng hai bà lại linh ứng cho một cô gái là Ẩu nữ. Nàng là người xinh đẹp khoẻ mạnh, có dị tướng (bốn vú), được cha rất yêu quý, truyền dạy cho võ nghệ. Nàng còn được gặp Hai Bà Trưng trong mộng, tự xưng là chị, hứa sẽ giúp em đạt được những điều "sở ước". Chứng kiến cảnh lầm than của dân chúng trong bản mường và hành vi tàn bạo của Thái thú Lã Đại, càng lớn lên Ẩu nữ càng nuôi chí lớn, quyết đánh đuổi được kẻ thù ra khỏi bờ cõi nước Nam.

Nhưng thật ra Quốc Đạt vẫn còn sống. Chàng bị bọn Tàu bắt giữ nuôi cho lớn khôn để định đem chôn làm thần giữ của. Một hôm chàng lập mưu trốn thoát khỏi vòng kiềm toả của chúng, trở về với gia đình. Khi Triệu Công Hiển mất, chàng được nối nghiệp cha giữ chức quan lang. Nhờ sự giúp sức của em gái, chàng đem hết của cải phân phát cho mọi người để chiêu binh mãi mã, thu nạp một lực lượng những người tài giỏi khắp trong vùng Na Sơn. Ẩu nữ lại có sức khỏe lạ thường, tiếng vang như chuông, thân cao chín thước, vú dài ba thước, lưng to đến mười vầng, trong vùng ai cũng kính phục, xem nàng như thần nữ giáng sinh. Lâu nay dân chúng vì sống dưới ách tham bạo của giặc Tàu, lâm vòng cực khổ, phải kéo nhau đi làm nghề đạo tặc, nay nghe tiếng Ẩu nữ đều kéo nhau đến quy phục.

Theo kế của nàng, Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa, dưới trướng có đến hàng chục hổ tướng, quân đông đến năm mươi vạn người. Ẩu nữ lại dùng sắc vàng chế ra quần áo, màu cờ riêng để quân mình khỏi lẫn với quân Ngô. Một thời gian sau, thanh thế của hai anh em trở nên lừng lẫy, quân đội của họ đã nhổ sạch các đồn luỹ của quân Tàu phía Bắc Na Sơn. Ẩu nữ được mọi người gọi tôn là Bà Vương, tiếng tăm vang khắp cõi Giao Chỉ. Thái thú quận Cửu Chân nghe tin hốt hoảng phải cho người phi báo về Tàu xin viện binh sang đánh dẹp. Bà Vương liền thẳng đường rong ruổi tiến ra Cửu Chân, đi đến đâu yết bảng an dân đến đó, dân chúng dọc đường kéo đến đón rước đông như kiến cỏ.

Vua Ngô cho Lục Dận kéo đại binh sang cứu nguy cho Cửu Chân, nhưng vừa đến nơi chưa kịp trở tay thì quân Triệu đã kéo đến vây thành, trong một ngày đầu đánh bại chúng luôn ba trận. Đánh nhau ước đến chín tháng, có đến trên bảy mươi trận, quân Tàu phần nhiều đều thua, quân số thiệt hại đến hơn một nửa. Lục Dận hoảng sợ, ngày đêm nghĩ kế, về sau tìm ra một kế hiểm là cho quân bỏ hết áo quần, trần truồng đón đầu ngựa Ẩu nữ mà đánh. Là một nữ nhi, thấy thế nàng luống cuống thẹn thùng, tức giận mà không biết làm cách nào, chỉ biết nhắm mắt, quay mặt lại phi ngựa chạy trốn.

Quân Triệu vì thế mà lâm vào thế bại, bị đánh tan tác. Ẩu nữ dẫn tàn quân chạy đến núi Bồ Điền, tức núi Hối, thuộc làng Phù Diên, huyện Hậu Lộc ngày nay. Quân Ngô lại kéo đến vây chặt núi rồi nổi lửa đốt rừng, quyết bắt kỳ được Ẩu nữ. Nàng buồn rầu uất ức, nghĩ mình khởi nghĩa chỉ mong diệt giặc trừ hại cho dân, nào hay chưa lập được chút công tích gì đã làm luỵ đến trăm họ, nay chỉ còn một thác mà thôi. Nghĩ đến đấy, nàng bèn thét lên một tiếng vang dội hang núi khiến trời long đất lở rồi ngã xuống ngựa mà hoá, bấy giờ mới 23 tuổi, niên hiệu Vĩnh An thứ bảy nhà Đông Ngô (263). Về sau nàng còn hiển linh âm phù cứu độ dân chúng nhiều phen, được vua nhà Tiền Lý cho dựng miếu thờ, sắc phong là "Bật chính anh hùng tài trinh nhất phu nhân thượng đẳng thần".


Đinh Gia Thuyết
Thực nghiệp- Hà Nội, 1934
Nguồn cinet.gov.vn

Thursday, December 24, 2009

Christmas Day


Nhạc phẩm Hang Bêlem.
Video Hang Be Lem

Mùa Giáng Sinh , gần như mọi người không ai xa lạ với nhạc phẩm Hang Bêlem. Thế nhưng ai là tác giả của bài hát nổi tiếng đó, có lẽ cũng ít ai có thể trả lời được….(Hình phải:Nhạc sư Hải Linh 1920-1988)

Tác giả nhạc phẩm Hang Bêlem

Nhạc sư Hải Linh, Tên thật là Trần Văn Linh tên thánh là Phanxicô sinh năm 1920 tại làng Ứng Luật, phủ Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, địa phận Phát Diệm.

Năm 20 tuổi, Hải Linh vào học tại trường Thầy Giảng (Bùi Chu) và sau đó được giữ lại để dạy Pháp văn và âm nhạc tại trường. Đây là thời gian ông bắt đầu sáng tác một số bài hát đạo cũng như đời. Nhắc tới Hải Linh không thể không nhắc tới nhạc phẩm "Hang Bêlem", sáng tác cho mùa Giáng sinh 1945.

Chính tác giả đã điều khiển ca đoàn nhà thờ chánh tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ đêm Giáng sinh năm ấy. Cha Giám đốc Đại chủng viện là LM Phạm Ngọc Chi đã khen ngợi, và từ đó lưu tâm khuyến khích Hải Linh học hỏi và sáng tác thêm. Sau này, khi làm Giám mục địa phận, chính Ngài đã gửi Hải Linh đi du học về âm nhạc ở nước ngoài vào năm 1950.

Lúc đầu được gửi đi Roma, nhưng 5 tháng sau đổi qua Pháp. Từ năm 1951 học nhạc tại Viện Giáo Nhạc tại Paris, đồng thời học sáng tác tại Trường Nhạc César Franck. Từ năm 1968 đến 1970, ông trở lại Paris lần thứ hai. Nơi đây ông hoàn tất chương trình nghiên cứu sau hai năm học tập.

Trở về Việt Nam năm 1970, Hải Linh tích cực dấn thân vào các hoạt động cho âm nhạc: giáo sư âm nhạc tại Viện Đại Học Đà Lạt, phát triển và đưa Ca Đoàn Hồn Nước tới một trình độ điêu luyện, và đã dày công huấn luyện được 40 lớp ca trưởng-là những người điều khiển các ca đoàn hợp xướng.

Hải Linh thành lập Ca đoàn Hồn Nước nhằm thực hiện hoài bão đưa âm sắc dân tộc vào dòng nhạc tây phương của mình. Ngày 23/12/57 Ca đoàn Hồn Nước ra mắt công chúng lần đầu tiên tại rạp Olympic, dưới sự điều khiển của Hải Linh, đã được khán giả cổ vũ hết lòng vì sắc thái mới lạ cũng như hình thức âm nhạc sống động được chính ông sáng tác và điều khiển.

Hải Linh càng ngày càng xác tín hơn về hướng đi của mình trong công việc đưa nhạc ngữ dân tộc từ bậc đơn điệu lên bậc đa âm đa điệu. Với thao thức về một dòng nhạc dân tộc, Hải Linh tìm học thêm hoặc trao đổi thêm với một số giáo sư nổi tiếng khác về ngũ âm cũng như về điều khiển.

Các tác phẩm trong thời kỳ du học tại Paris đã nói lên việc ông thao thức tìm một nhạc ngữ phù hợp với ngôn ngữ đa thanh của dân tộc.

Nhận xét về tài năng nhạc học dân tộc này, Giáo sư Trần Văn Khê kể lại những kỷ niệm mà ông có với nhạc sư Hải Linh khi gặp nhau tại Pháp, ông kể:

-Lúc đó là lúc ông Ngô Duy Linh cũng đang học ở Sorbon với tôi lối chừng 1970, Hải Linh có đến gặp tôi để mà hỏi thăm về âm nhạc dân tộc. Kỳ đo tôi có nói những cái hay trong nhạc lễ tại miền Nam Việt Nam thì Hải Linh có ghi âm lại để nghiên cứu. Hải Linh đã học nhiều điều trong dân ca và đem ra áp dụng trong nhạc công giáo tức là thánh ca rất thành công vì có được màu sắc dân tộc.

Hang Bêlem là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Hải Linh khi ông vừa 25 tuổi và đây cũng có thể xem là ca khúc quen thuộc nhất của bất cứ người công giáo nào khi lễ Giáng Sinh tới gần.

Lời nhạc gần gũi và đậm nét dân dã của ca khúc đã nằm trong trí nhớ của hàng triệu giáo dân ngay từ lúc họ bắt đầu cảm nhận được sự giáng trần của Thiên Chúa. Với mục đích cứu chuộc, ngài đã ra đời trong hoàn cảnh khốn khó nghèo hèn.

Lời hát êm ái mà chân thật như một trang cổ tích kể lại đêm giáng trần của một em bé mà khi sinh ra, sự chí thánh đã làm khung cảnh lạnh lẽo chung quanh trở nên ấm áp vì tình thương của ngài. Hải Linh đã đem tâm tình của một con chiên để ngợi ca Thiên chúa hơn là viết thánh ca từ tâm thức phụng vụ. Giai điệu chân thành, lời ca hoà ái là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ các ca đoàn khắp nước khi trình diễn bài hát này.

Trong tâm thức chia sẻ và ngợi khen hết mực đối với Thiên Chúa, ca khúc Hang Bêlem tôn vinh niềm tin vĩnh cửu, tình thương vô bờ và lấp lánh trần gian giữa khung cảnh lạnh lẽo của một đêm đông xa tít tắp trong kinh thánh đã trở thành kỷ niệm cho hàng ngàn nhà thờ trong và ngoài nước…

Nguyên nhân

Trong một lần phỏng vấn, nhạc sư Hải Linh cho biết câu chuyện ra đời của bài hát Hang BêLem vào Mùa Giáng sinh năm 1945, Lúc ông đi ngang tòa soạn báo "Đường Sống" ở Nam Định, Hải Linh được ông Minh Châu – chủ nhiệm tờ báo – thách đố việc sáng tác nhanh một ca khúc về chủ đề giáng sinh để đăng báo. Hải Linh nhận lời và hẹn 3 ngày sau trở lại.

Đến hẹn, Hải Linh đưa bản nhạc "Hang Bêlem" tới tòa soạn và tập hát sơ qua cho một số nhân viên trong tòa soạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá nên ông Minh Châu thương lượng rằng, ông sẽ chịu chi phí để lên Hà Nội thuê người khắc nhạc vào bản gỗ để in vào 2000 bản báo Đường Sống sắp tới, sau đó, ông sẽ cho Hải Linh lại bản gỗ của bản nhạc. Hải Linh đồng ý cho nên, phần tên tác giả của bài hát này thường được viết kép là: Hải Linh - Minh Châu.

Lúc ấy, bài hát cũng được in riêng ra 500 bản để bán với giá khoảng 3 hào. Hải Linh gửi lên Hà Nội 10 bản. Một số nhà thờ tại đây sử dụng, nhiều người thấy hay nhưng không tìm đâu ra bản nhạc. Một linh mục tên là Kim Định đã mua một bản danh dự với giá 100 đồng. Hải Linh cũng đem theo một bản nhạc về Phát Diệm. Thánh lễ vọng đêm Giáng sinh, Hải Linh điều khiển Hội Ca Vịnh Nhà Thờ Chính tòa Phát Diệm hợp xướng bản Hang Bêlem này.

Trong lần trả lời phỏng vấn này nhạc sư Hải Linh chia sẻ:

Tôi phải thú nhận rằng tôi không có sáng tác gì cả vì chỉ có một Đấng Tạo Hóa mới thực sự sáng tác mà thôi. Còn tôi cũng như bao nhiêu người khác thì không dám nói là mình sáng tác. Tôi chỉ có "sàng tạc" được một đôi bài. Sàng là sàng qua lọc lại ; tạc là dựa vào một mô thức đa có sẵn để chế biến... như người tạc tượng vậy.

Viết nhạc cũng cực như lao động chân tay vậy vì phải cưu mang, phải tính toán, rồi còn phải biết lý tưởng hóa những cảm nghĩ, tình cảm v.v... Mỗi bài phải có một sức sống riêng. Tất cả những bài tôi viết nằm trong hai chủ đề là :

Tôn Vinh Thiên Chúa, và Tán Tụng Quê Hương Việt Nam.

Tôi phải cảm tạ Thiên Chúa suốt ngày, suốt đời tôi, vì Ngài đã cho tôi biết được một thứ ngôn ngữ tế vi và phổ quát của nhân loại. Tôi cũng phải luôn luôn tán tụng Quê Hương vì đã dưỡng dục tôi”

Ngày 6-1-88 Nhạc sư Hải Linh từ trần vì nhồi máu cơ tim tại bệnh viện Fountain Valley California. Ông ra đi để lại một sự nghiệp đồ sộ về nhạc họp xướng và nhiều thánh ca giá trị, nhưng trên hết, giáo dân không thể quên ca khúc đã đi vào tâm tưởng của họ mỗi bận Giáng Sinh về, ca khúc Hang Bêlem bất hủ…

Nguồn
rfa.org

Wednesday, December 23, 2009

Buddhism


Không có gì là rác cả.

“Không có gì là rác cả” là bài học đầu tiên đại sư Zuigan Goto dạy cho người đệ tử vừa thâu nhận, sau này chính là Thiền sư Soko Morinaga (1925-1995), nổi tiếng của xứ Phù Tang. Viện trưởng Đại học Hanazono, thuộc tông Lâm Tế Nhật Bản.

Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua vì cuộc vật lộn cam go, có khi bao tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.

Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đó đã dẫn bước chân vô định của Soko tới trước cửa chùa Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn gõ cửa. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được đại sư thâu nhận làm đệ tử. Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất:

- Ngươi tin ta chứ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.

Soko trả lời:

- Con xin hết lòng tin tưởng

Đại sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền:

- Theo ta.

Soko líu ríu theo vào. Tới góc sân, đại sư chỉ cây chổi tre, ra lệnh:

- Quét dọn vườn.

Trước khi cầm chổi, Soko quỳ xuống bái tạ đại sư đã thâu nhận mình.

Công việc quét vườn thì có chi là khó, Soko hăng hái quét... quét… và quét. Không bao lâu đã gom được đống rác cao nghệu đầy đất, sỏi, đá vụn và lá khô. Dừng chổi, Soko lễ phép hỏi:

- Bạch thầy, con phải bỏ đống rác này đi đâu ạ?

Bất ngờ, đại sư quát lên:

- Rác ! người nói gì? Không có gì là rác cả !

Soko ngẩn ngơ nhìn đống chiến lợi phẩm, không hiểu, đây không là rác thì là gì? Còn đang lúng túng thì đại sư lại bảo:

- Vào nhà kho kia lấy cái bao lớn ra đây.

Khi Soko tìm được cái bao mang ra thì thấy đại sư đang dùng hai tay, gạt đám lá khô sang một bên. Ông lại bảo:

- Mở rộng miệng bao ra..

Soko tuân lời, lẳng lặng theo dõi thầy đại sư quơ từng ôm lá, bỏ vào bao, thỉnh thoảng lại giậm giậm cho lá xẹp xuống. Cuối cùng, những lá khô trong đống rác đã được nhồi vào bao, cột lại. Soko lại nghe lệnh truyền:

- Đem bao lá này vào nhà kho, để dành đun nước tắm.

Vừa vác bao lá trên vai, Soko vừa nghĩ:

- Còn đống đất đá, không phải rác thì dọn đi đâu?

Ấy thế mà khi ở nhà kho ra, Soko thấy đại sư đang lượm những viên sỏi, đá vụn ra. Trước vẻ ngẩn ngơ của Soko, ông vừa hỏi, vừa sai:

- Có thấy hàng hiên ngay dưới máng xối kia không? Có thấy những chỗ bị nước mưa xoáy lồi lõm không? Đem những sỏi, đá vụn này trám vào những chỗ đó.

Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa.

Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu trên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đât, từ tốn trám vào.

Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích.

Nguồn giacngo
Đọc thêm
ashejournal.com

Khánh Ly


Bên Đời Hiu Quạnh

Tôi không bao giờ nghĩ rằng có một lúc nào đó như lúc này, cuộc sống của ca sĩ Hải Ngoại & Việt Nam lại được mang ra mổ xẻ rạch ròi, tới tấp như thế. Có lẽ, trong đầu óc đơn giản của tôi, ca sĩ ở đâu cũng là ca sĩ….Âm nhạc là một thứ ngôn ngữ đặc biệt chung cho mọi người, ở mọi nơi, mọi phía. Không có biên giới… Nhạc đã được khẳng định như vậy, lẽ nào người hát lại bị loại ra ngoài.(Hình phải:Ca sĩ Khánh Ly)

Tôi không hề phân biệt ca sĩ trong hay ngoài nước. Có chăng, điều bị chỉ trích là cách sống của những người cùng chung một nghiệp dĩ ở hai bờ đại dương. Những ca sĩ lớn lên hay thành danh ở trong nước dường như không có một khái niệm nào về nghệ thuật và quá trình của lớp người đi trước họ cả một phần tư thế kỷ. Và cũng không ai nói cho họ nghe về một thời bình an, đẹp đẽ của sân khấu Miền Nam, trước mùa Xuân 75.


Chúng tôi, lớp người đã được quần chúng chấp nhận trước 75, thật sự đã trải qua bao nhiêu khó khăn, bằng chính năng khiếu của mình.Chỉ có một ít may mắn đủ trình độ văn hoá Đại học và tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Đức Huy, Quỳnh Giao, Mai Hương…Còn lại, đa số chỉ đến Trung học, chưa bao giờ bước chân vào Quốc Gia Âm Nhạc. Lên sân khấu, với năng khiếu Trời cho và may mắn được chấp nhận.

Thời đó, ca sĩ rất ít và không phải bất cứ ai bước lên sân khấu, là đều được coi là ca sĩ…. Quần chúng phải chấp nhận. Các ca sĩ phải chấp nhận.Các trung tâm thâu băng, đĩa phải chấp nhận. Các đài phát thanh phải chấp nhận, chúng tôi mới có được… tạm coi như là ca sĩ và vẫn nằm trong sự kiểm soát, nghe ngóng, chăm sóc của các Trung Tâm mà trung gian là nhạc sĩ.Chỉ một bài “Nỗi Buồn Hoa Phượng”, Thanh Tuyền lúc đó mới 15 tuổi đã trở nên mỏ vàng của Hãng đĩa. Chỉ với “Chuyện Một Chiếc Cầu Gảy” Hoàng Oanh, cô sinh viên văn khoa không hề thua kém Thanh Tuyền của trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt

Không ai có thể hát lại chị Bạch Yến bài Đêm Đông. Không ai có thể làm xao xuyến người nghe như chị Lệ Thanh với Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn.Chị Trúc Mai bài “Hàn Mặc Tử”. Chị Lệ Thu với Ngậm Ngùi và cô Thái Thanh gần như “độc quyền” nhạc Phạm Duy.Không ai có thể thay thế ai.

Vì sao thế, vì thời đó, các nhạc sĩ… đo ni may áo cho ca sĩ. Không thể trật đi đâu được và vì thế, bài hát làm nên ca sĩ. Trúng một cái, cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ đều như sóng dội.. Thời đó nhạc sĩ nhiều hơn ca sĩ.Ngoài công việc chính, họ chỉ chú tâm sáng tác và chọn những giọng hát hợp với bài hát. Phần chúng tôi, mỗi người có một chất giọng riêng. Nghe là biết ai ngay. Chúng tôi đủ thông minh để không giẫm chân người khác.

Năm 69, ông Thiêng, ông Quân có 2 bài… hai bài này chỉ có Khánh Ly, đó là “Kinh Khổ” và “Trên Hoang Tàn Đổ Nát”…. Ông Minh Bằng giao cho tôi… “Người Thợ Săn Và Đàn Chim Nhỏ”. Kim Loan với “Căn Nhà Ngoại Ô”. Giao Linh với “Những Đóm Mắt Hoả Châu”. Phương Hồng Quế có bài “Giờ Này Anh Ở Đâu”. Mai Lệ Huyền và Hùng Cường có một loại nhạc riêng, quen gọi là nhạc kích động.

Chỉ hát một nơi với bài “Mùa Thu Cho Em”, Xuân Sơn đã làm bao người điêu đứng, chưa kể đến bài “Trăng Sáng Vườn Chè”- dẫu sau này Ái Vân dựng lại bằng nhạc cảnh – cũng không làm người nghe quên nổi Xuân Sơn. Carol Kim hát “Hãy Khóc Đi Em”. Ông Sơn bảo… chỉ có Carol Kim hát bài đó trội nhất…Duy Quang trình làng “Thà Như Giọt Mưa”. Elvis Phương bài “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang”… Còn ông Chế Linh thì bài nào vào tay ông là lập tức trở thành của ông.10 năm đầu, tôi chỉ nhận được 2 bài hát của ông Sơn “Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên”, “Một Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui”. Cả hai đều bị giam, cấm phổ biến.Dĩ nhiên tác giả cũng không thể ngồi yên. Lý do đơn giản thôi… viết cho KL. Mấy năm sau đó, một bài hát nữa cũng của T.C.S bị dập, bài “Nhớ Mùa Thu Hà Nội”… cũng lại vì KL.

Tôi nhận được bài hát từ những người vượt biển. Cũng khoảng thời gian đó, từ Pháp gởi qua cho tôi một số bài hát ký tên Hồng Ngọc, trong số đó có bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên”.Thực tế bài hát đó có tựa nguyên thuỷ là “Nước Mắt Cho Sài Gòn”. Ông Võ Văn Ái đã đổi tựa và viết thêm lời hai, Hồng Ngọc là bút hiệu của Nguyễn Đình Toàn, và trong bài viết có câu “đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly”...

Nhưng phải nói rõ, ngay từ những ngày mới tới Mỹ, khi mà mọi người còn bị chia ra, sống riêng lẻ mỗi người một nơi, khó có thể tìm ra nhau từ những trang trại rộng lớn, nằm khuất sau những dãy núi cao mà ngay khi chạy qua trên các xa lộ, chúng ta không thể nhìn thấy được, “Sàigòn Ơi Vĩnh Biệt” của Nam Lộc đã được viết trong thời gian đó.Một ca khúc đơn giản xuất phát từ nỗi lòng của một người vừa rời xa quê hương. Không cầu kỳ văn hoa chải chuốt nhưng rất thật thà nói lên sự tiếc thương, nỗi đau xót và mơ ước ngày trở về, cho dẫu đã nói lên lời vĩnh biệt.Đức Huy trình làng “Đường Xa Ướt Mưa” năm 1979 cùng lúc với Tùng Giang “Tôi Với Trời Bơ Vơ” và Nam Lộc “Người Di Tản Buồn”. Linh Giang “Tôi Muốn”. Phạm Duy “Nguyên Vẹn Hình Hài”,Hoàng Quốc Bảo “Mưa Trên Thành Phố Cũ”, Nguyễn Đức Nam với “Buồn Tháng Mưa”… trong khi đó nhạc Vàng ở VN bị xoá sổ.“Rơi Lệ Ru Người” viết từ năm 75 (khi nghe tin tôi chết trên biển) phải chờ đến năm 1992 khi gặp ở Canada, ông Sơn mới chép in cho tôi bài đó.

Giữa thập niên 80, một số ca sĩ ở VN mới được phép hát lại, nhưng vẫn chỉ loanh quanh ở những tỉnh nhỏ. Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân từ Nhật Ngân lập đoàn gồm Duy Khánh, Nhật Trường, Thanh Lan…Nhã Phương và Bảo Yến nổi lên, rồi Ngọc Bích, Thanh Lan . Nhưng một số ca sĩ may mắn hơn Thanh Lan là Lệ Thu, Ngọc Minh, Hoàng Thi Thao, Lê Uyên và Phương đã đi được. Thanh Tuyền, Giao Linh, Chế Linh cũng thoát.Vài năm sau đó có Thái Thanh đến Mỹ. Như thế, lớp ca sĩ cũ của chúng tôi còn ở VN là Hồng Vân, Lan Ngọc, Nhật Thiên Lan, Mộng Xuân Lan, Ngân Hà, Giang Tử, Anh Khoa… và rất nhiều nhạc sĩ.

Bài tình ca đầu tiên được viết ở trong nước, ra Hải Ngoại và lọt vào lỗ tai tôi là bài “Giọt Nắng Bên Thềm” rồi bài “Em Ơi Hà Nội Phố”, Và từ đó trở đi, nhạc tình được viết với tốc độ khá nhanh bởi những tác giả trẻ và xa lạ.Ngoại trừ Quốc Dũng, Bảo Chấn và Bảo Phúc tung ra hải Ngoại những khuôn mặt lạ, trẻ và một kiểu hát như nhau, chất giọng như nhau, đến nỗi có đôi khi chợt nghe, tôi không thể phân biệt ai là ai.
Tôi không nghĩ những bài hát được sáng tác ở trong nước là dở - có lẽ tại tôi bảo thủ quá chăng – nhưng với một thành phần nhạc sĩ đông đảo, sáng tác liên tục không ngưng nghỉ trong một môi trường thuận tiện, rộng lớn – 80 triệu người nghe.

Nói thật lòng, tôi chỉ nghe được “Giọt Nắng Bên Thềm”, “Em Ơi Hà Nội Phố”, “Thuyền Và Biển”, “Phượng Hồng”, “Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa”, “Tháng Tám Mùa Thu”, “Quê Hương”. Và chỉ có như thế (tôi không nói về nhạc T.C.S). Những bài hát khác không hề ở lại trong đầu tôi. Nó có một chút gì của Mỹ. Một chút gì của Nhật. Một chút gì của Tầu. Một chút gì của Đại Hàn. Một chút gì của Thái.Tất cả có chung một lối hoà âm.

Khoảng trong 2 năm đầu khi những bài hát ở VN tràn ra Hải Ngoại, nhiều người điên cuồng tìm mua nghe, tưởng như nhạc trong nước đã đè bẹp, giết chết nhạc Hải Ngoại phá nát thị trường băng nhạc ở đây.Bạn bè xôn xao hỏi. Tôi nói không bi quan cũng không chủ quan… rồi cũng qua nhanh như lửa rơm… Chỉ đơn thuần là ý nghĩ của tôi với những bài hát viết từ trong nước tôi đã nghe không phải một lần. Vả lại trong số những tác giả trẻ, có người tôi biết trước năm 75.Các trung tâm cũng xôn xao. Tại sao thế nhỉ… Có nhiều TT ở đây phát hành băng đĩa VN cơ mà. Họ bán 10 đồng 3 cuốn CD rồi 10 đồng 4 cuốn.. Nếu CD của chúng tôi bị in giả tại VN lan tràn từ Nam ra Bắc, từ hàng thịt chó tới hàng bún chả, đến phòng tắm hơi, đến những quán karaoke. Từ taxi đến xe đò thì tại sao ở đây không?Một cuốn master thực hiện ở VN giá thành không bao nhiêu và khi được tung ra thị trường thì lại không chỉ dành cho một TT nào mà là cho cả chục người, rồi ai muốn bán kiểu nào, giá nào thì bán.Bà con mình vốn tính luôn thích của lạ. Lạ mà rẻ, ai lại bỏ qua nhất là nó lại mới lại lạ (như mấy ông chồng bị ăn mãi cơm nhà, quà vợ, nay bỗng thấy người lạ, dẫu không đẹp, cũng vẫn thèm). Bèn mua về nhà ngay - giống phong trào phim bộ năm nào – và mê ngay..
Có lạ gì đâu, 27 năm nằm gai nếm mật xứ người, nghe chừng đó ca sĩ, thuộc mặt từng người, coi bộ cũng… mệt mỏi rồi. Thích là phải. Đương nhiên thôi. Bao lâu thì chưa biết nhưng cứ thích, cứ mua cái đã. Thị hiếu của quần chúng đối với một thị trường lạ, tưởng không cần phải bàn ra tán vào, dài dòng, mất thì giờ.Hai năm trôi qua – như tình yêu vậy, không còn gì mới lạ nữa. Những bài hát theo gió cuốn đi.

Sau mùa Xuân năm 75, đồn rằng tất cả nhạc vàng đều bị thiêu huỷ, ai giữ trong nhà như giữ đồ quốc cấm. Sách, truyện cũng cùng chung số phận.Phim ảnh dù bị hủy hoại cũng còn những bản phụ ở nước ngoài.Thật ra thì các ca nhạc sĩ không bị đày ải quá lâu với những chương trình bồi dưỡng ...

Thanh Lan vượt biển hoài mà đường đi không đến bèn leo lên sân khấu hát lại. Cẩm Vân hừng sáng với giọng trầm, ấm áp, rõ ràng. Hồng Hạnh giọng mỏng hơn nhưng xinh đẹp, song nghiệp hát không lâu dài..

Các ca sĩ được chú ý vẫn là Nhã Phương, Bảo Yến, Cẩm Vân, thỉnh thoảng mới có đề cập đến Lan Ngọc, Hồng Vân, Anh Khoa. Nhạc sĩ Duy Hải qua đời, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang qua đời trong tù. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gần như đóng cửa ở ẩn, không cộng tác với đoàn hát nào.Cô Thái Thanh, nhạc sĩ Hoài Trung bị cấm hát vĩnh viễn sau cái buổi phúc khảo tại nhà hàng Queen Bee.Một thời gian ngắn sau đó, nhạc sĩ Hoài Bắc vượt biên, nhạc sĩ Văn Phụng, cô Châu Hà cũng đi thoát….Bài “Quê Hương” là bài tôi thích, bài “Thuyền Và Biển” do Cao Minh hát.Đùng một cái tôi thấy bà con trong và ngoài nước đua nhau hát… bằng lòng đi em… về với quê anh… nghe cũng có vẻ mời gọi lắm nhưng với tôi, nó có vẻ quê quê thế nào ấy. Bài “Ở Hai Đầu Nỗi Nhớ” ấy thế mà tôi lại nghe được.Thì ra “Thuyền Và Biển” thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu. “Ở Hai Đầu Nỗi Nhớ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả bài “Dư Âm” ngày xưa…Rồi sau đó là bông điên điển, là rau đắng, rau ngọt, rau mồng tơi. Lá sầu riêng, chôm chôm… thì thề… đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh…Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người. Tôi nghe mà còn khóc thì bảo sao bà con không đổ xô đi mua, không đè xấp, đè ngữa nhau giành chỗ trên những chuyến bay đi tìm những chùm khế ngọt. Đi để… thành người.

Sau đợt Cẩm Vân, Hồng Hạnh, Ngọc Bích, Nhã Phương, Bảo Yến là những Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Phương Thanh, Thu Hà, Trần Thu Hà là những ca sĩ, nghe nói có được đào tạo trường lớp hẳn hòi và những ca sĩ này sáng tạo ra một lối hát giống nhau nhưng không giống ai.Không giống ai là điều tốt bởi mỗi người phải có cái riêng của mình như các lớp ca sĩ trước. Thanh Tuyền cất tiếng hát là biết ngay Thanh Tuyền. Lệ Thu vừa… nắng chia nửa bãi…. thì đó là Lệ Thu… Em tan trường về, anh theo Ngọ về…. là cô Thái Thanh. Bang bang, em bắn ngay anh… là Thanh Lan. Những ca sĩ không qua một trường đào tạo nào, họ qua… trường đời và họ có cá tính, có cái chất giọng riêng để phù hợp với các bài hát các nhạc sĩ viết riêng cho họ.

Tôi thường hay bị… đố nhạc… Đố chị biết ai hát đấy… và bao giờ tôi cũng thua vì cùng trường, cùng thầy, cùng một cách đào luyện ca sĩ trẻ ở VN hát giống nhau. Bốn năm người hát mà nghe như chỉ một người. Trường lớp có cái hay mà cũng có cái dở và cái sai lại quá lớn.Chẳng còn biết ai là ai mặc dù họ hát vững, kỹ thuật cao, chất giọng tốt và khoẻ nhưng mà ai mới được chứ. Cái… là ai… mới quan trọng.Theo trường lớp để biết kỹ thuật trình diễn, học hát để biết cách hát, biết cách ngân, biết cách lấy hơi chỗ nào, biết cách nhưng sao cho đúng đó là chưa nói đến vấn đề thầm âm.

Người ca sĩ phải có cái lỗ tai tốt, nghe nhạc mới chính xác, bát cũng bị chênh. Một người ca sĩ, ngoài tiếng hát nếu biết rõ về nhạc lý thì càng tốt, tốt lắm lắm (nếu không, trường nhạc mở ra để làm gì) như các chị Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao và bác sĩ Bích Liên.Âm nhạc và nhất là các ca sĩ trình diễn không thể bị đóng khung bởi những điều trường lớp dạy. Khi đã có căn bản, phải tự mình tìm cho mình lối trình diễn riêng và sử dụng tiếng hát của mình theo lối riêng lợi điểm của các anh chị không giỏi nhạc… như tôi chẳng hạn.Ngoài các thầy cô ở trường, khi ra tranh đua với đời, ta cũng nên tìm một người thầy hướng dẫn cho mình con đường nào tốt nhất.
Đôi khi người thầy đó không giỏi nhạc nhưng họ có cái lỗ tai của người nghe, cái nhìn xa trông rộng giúp cho ca sĩ chọn đúng bài, cách trình diễn và cách hát.
Người thông minh có thể không cần ai giúp vẫn tìm được cho mình một đường riêng, tuy nhiên điều này hơi hiếm. Phần lớn, các ca sĩ sau khi tốt nghiệp thường tự cho mình là giỏi, không cần ai nữa. Điều này thì nhiều.

Tôi viết những cảm nghĩ của một người nghe nhạc chứ không phải của một ca sĩ có 40 năm trên sân khấu. Tôi cảm thấy một nỗi thất vọng mênh mang khi cứ tình cờ phải nghe… nghèo 1 rồi nghèo 2 (đến nghèo 3 là sạt nghiệp)… Chim sáo ngày xưa 1, rồi chắc chim còn bay nên lại… chim sáo ngày xưa 2, (nếu không có chim 3 thì có nghĩa con chim này đã nằm trên đĩa). Chim này bắt chước chim đa đa, chim đa đa... đi mất thì đừng trách chim.?

Tôi nghe ông Song Ngọc hát… ngày chị sinh ứ…ư trời cho tôi làm thơ…ứ ư nhưng chữ ứ… ư này tôi không dám viết ra sợ bà con mắng. Tôi nghe bạn bè bảo bài… Nếu anh nói yêu em là thật ra anh đang dối lòng… là lời của một bản nhạc Mỹ nhưng tôi chưa nghe, không dám bàn tới, tuy nhiên, đó là một bài hát thành công của Bảo Chấn. Trần Tiến tướng tá bậm trợn, to như một đô vật nhưng lại thương cho một lá Diêu Bông, lại thương cho tóc gió thôi bay, lại làm riêng một bài hát về ông TCS. Nhìn ông TCS ngồi cạnh Trần Tiến, tôi nghĩ, đúng là…ở hai đầu nỗi nhớ….

Thì cứ cho là vì sống xa quê hương vì sự sống, các nhạc sĩ ở Hải Ngoại cạn hứng không có sáng tác nào đáng kể. Điều đó lầm. Ông Lê Minh Hằng đó chi. Ông Tuấn Khanh đó chi. Nghe “Nỗi Niềm”, “Nhạt Nhoà” mà không ngây ngất sao, nghe “Dĩ Vãng” của TNS mà không ngẩn ngơ sao. Nghe “Người Di Tản Buồn” của Nam Lộc mà không chảy nước mắt sao.Nghe “Có Những Niềm Riêng” của Lê Tín Hương mà không ngậm ngùi sao. Nghe “Tôi Muốn Hỏi Vì Sao” của Diệu Hương mà không thương cảm sao. Nghe “Anh Đã Ngủ Yên Trên Quê Hương” của Trần Duy Đức mà không thấy lòng minh` sao ?Nghe “Đêm Nhớ Về Sài Gòn”, “Một Ngày Việt Nam - Những Bước Chân Việt Nam”, “Cám Ơn Anh”, của TrầmTử Thiêng mà không thấy xót xa sao. Nghe đi. Nghe “Ta Hát Tình Thương Về Biển Đông” của Trúc Hồ - Trầm Tử Thiêng để thấy tấm lòng VN ở Hải Ngoại lớn lao, bao dung và nhân hậu biết bao nhiêu. Nhạc hay là nhạc đến rồi ở lại trong lòng chúng ta. Ở đây, mọi người cần phẩm, không cần lượng. Đối với người nghe nhạc như tôi, nhạc thế mới xứng đáng gọi là nhạc phẩm.

Việt Nam trên 80 triệu người, có bao nhiêu nhạc sĩ sáng tác và những bài hát của họ giờ đi về đâu. Nhà nước vốn kỵ nhạc vàng, đốt sạch hết nhạc vàng năm 75 sao giờ đây lại cho… chim bay tùm lum, lại than nghèo chí chạp, lại khuyến khích nhạc sĩ lấy nhạc Thái Lan, Hồng Kông, Đại Hàn, Nhật Bản… viết lời Việt làm thành của mình, toàn những lời thương mây khóc gió, yêu thương vung vít.Tuổi trẻ VN bây giờ được quyền… bỏ học đi hát karaoke, không cần thi vẫn đậu. Cả nước được quyền xem phim bộ và nghe nhạc vàng… Là tại sao?

Nếu bây giờ có ai hỏi tôi rằng tuổi trẻ VN ở Hải Ngoại làm gì. Xin thưa… chúng nó đang ngồi trong thư viện. Tuổi trẻ ở trong nước đang làm gì. Xin thưa… chúng đang hát karaoke. ....Nhạc của chúng tôi lọt được về VN thật là thiên nan vạn nan, bài nào không có lợi, chủ tiệm băng bèn cắt, bỏ vào đó một bài khác. Bìa băng và tựa băng đổi luôn và như thế, làm sao người nghe có thể nghe được bài hát có giá trị. .....? Các bạn của tôi giờ không ngại gì nữa. Nhạc Việt bây giờ là nhạc… lai căng Hàn và Tàu ...

Tôi mơ ước được nghe lại những sáng tác đầy sáng tạo và đẹp đẽ của các nhạc sĩ ở trong nước cũng như chúng tôi ưu ái tiếng hát của các ca sĩ ở Việt Nam.


Khánh Ly
2009
Nguồn take2tango.com

Tuesday, December 22, 2009

Thanh Nam


Thanh Nam,
Người trọn đời sống chết với văn chương chữ nghĩa!

Khoảng năm 1966, tôi đang cộng tác với nhật báo Dân Đen của ông Nguyễn Duy Hinh có tòa soạn tại đường Lê Lai, Sàigòn thì tờ báo này bị đóng cửa. Thất nghiệp khoảng một tháng tôi được anh Trần Văn Sơn rủ đi làm nhật báo Miền Tây của nhà văn An Khê Nguyễn Bính Thinh. Tòa soạn báo này đặt ở trên đường Thủ Khoa Huân, Cần Thơ. Báo do nhà văn An Khê đứng tên chủ nhiệm nhưng hình như vốn do ông Nguyễn Trung Thành là chủ nhiệm nhật báo Tia Sáng lúc bấy giờ. (Hình phải:Nhà văn Thanh Nam)

Anh Trần Văn Sơn, bút hiệu Tyca, đưa tôi đến gặp anh Trương Hồng Sơn là Giám đốc của nhật báo Tia Sáng. Anh Trương Hồng Sơn không có viết lách gì nhưng lại là người tổ chức ban biên tập của nhiều tờ báo tại Sàigòn lúc bấy giờ.

Chính tại tòa soạn báo Tia Sáng ở đường Phát Diệm, tôi đã gặp và quen biết với nhà văn Thanh Nam. Qua giới thiệu của anh Ngô Tỵ, Tổng thư ký tòa soạn báo Tia Sáng, Thanh Nam cười cười, nói với tôi:
-Qua quán kiếm bia uống.
Trước khi đi, Thanh Nam còn ngoái lại hỏi Ngô Tỵ:
-Chốc ông có qua không?
Ngô Tỵ đang cắm cúi làm tin, nói không nhìn lên:
-Làm tin xong tôi qua, nhưng không chắc. Bữa nay có bạn mới, ông đâu có sợ… độc ẩm.

Ở cái quán cà phê kế tòa soạn, anh Thanh Nam và tôi ngồi ở cái bàn trong góc quán. Quán lèo tèo với ba, bốn cái bàn gỗ. Một thùng gỗ có bọc nhôm trên mặt chất đầy nước ngọt, si-rô, ở một phía có đặt chiếc hỏa lò bằng đất, bên trên là ấm nước bằng nhôm, bên trên có chiếc ấm nhôm khác với chiếc vợt lọc cà phê đặt trên miệng ấm đang bốc khói.

Cô chủ quán người Hoa với chiếc trán vồ bướng bỉnh giống như cô đào chiếu bóng Trịnh Phối Phối lúc bấy giờ rất nổi tiếng với phim kiếm hiệp Thần Kiếm Kim Yến Tử đóng chung với tài tử Vương Vũ.

Không nói không rằng, cô ta khệ nệ khiêng một “kết” bia sơn màu vàng có hình con cọp sơn đỏ: một “kết” mười hai chai bia “33” để dưới gầm bàn. Kế, trở về cái thùng nhôm, chặt đá để vào hai cái ly cối và mang lại bàn chúng tôi. Vẫn không nói không rằng. Lại trở lại thùng gỗ bọc nhôm và trở lại bàn chúng tôi với chiếc dĩa bên trên có đựng mấy bịch ny lông me khô ngào đường. Cúi xuống lấy hai chai bia, khui nắp và để trên bàn. Anh Thanh Nam rót bia ra ly, khuấy khuấy cục đá chạm vào thành ly nghe lanh canh, nâng ly bia lên:

-Uống đi, cậu.

Đó, như vậy là buổi đầu chúng tôi quen nhau. Anh Thanh Nam nói rất ít. Hình như hôm đó tới chai bia thứ hai thì tôi bắt đầu đọc bài thơ “Thu tưởng nhớ” của anh.

Mùa Thu đây rồi sao
Với mây bay lành lạnh
Cho giấc tròn chiêm bao
Ngẩn ngơ từng dư ảnh.

Thương những chiều Thu xưa
Hồn trong những nắng ngọc
Yêu người và làm thơ
Mộng dài theo song tóc.

Thương những lần gặp nhau
Thẹn bừng lên đôi má
Mừng yêu nhìn rất lâu
Vào mắt em biển cả.

Thương những buổi giận hờn
Hai tay ôm mặt khóc
Người yêu chiều chuộng hơn
Vì thua đôi hạt ngọc.

Hôm nay Thu rồi sao?
Có chi làm xao xuyến
Chuyện ngày xưa ngọt ngào
Chỉ mình tôi tưởng niệm.
(Ghi lại theo trí nhớ).

Anh có vẻ thích thú, gật gù:

-Cậu thuộc cả bài thơ ấy à?

Anh nói với tôi về những ngày còn nhỏ sống ở miền Bắc lúc anh sinh hoạt trong đội thiếu niên tiền phong, thời anh còn đội mũ chào mào. Anh cắt nghĩa cho tôi nghe mũ chào mào ở trong Nam gọi là mũ ca-lô. Tôi cũng nhớ là mình có một chiếc mũ ca-lô màu vàng để đội trong những ngày lễ lạc, đứng trước các quan khách hồi thời tiểu học.

Thanh Nam là một “nhà văn miền Bắc đề tựa tập thơ cho một nhà thơ miền Nam” - hình như trong tập thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà anh đã viết như thế.

Một hôm nào đó, tôi và anh ghé vào một sạp bán thuốc lá mua thuốc. Một đứa bé đánh giày xách cái thùng gỗ, chạy theo hỏi:

-Chú, chú, sau này thằng Lập nó có lấy con Lài không chú?

Hình như thằng Lập, con Lài là những nhân vật trong phơi-ơ-tông “Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ” mà lúc bấy giờ anh đang viết trên báo Tia Sáng thì phải. Tôi không nhớ câu trả lời của anh về tương lai của nhân vật cho độc giả của mình là thằng bé đánh giày.

Tôi còn nhớ là sau đó, ở cái quán cà phê ở góc đường Phát Diệm - Trần Hưng Đạo, anh đã nói với vẻ thích thú về những đứa bé đánh giày đón đường hỏi anh về tương lai của các nhân vật trong cái truyện dài đang viết.

Hình như thời gian đó Thanh Nam và Mai Thảo là hai nhà văn trong số những nhà văn có nhiều phơi-ơ-tông đăng trên nhật báo nhất. Và hình như cả hai đều là những nhà văn sống bằng ngòi bút của mình, không giống như một số nhà văn khác nghề cầm bút chỉ là nghề tay trái. Cũng có người nói với tôi là hai nhà văn này không biết đi xe đạp hoặc xe gắn máy mà chỉ có ngồi xe xích lô! Không biết có đúng vậy không?

Trong thời gian tôi cộng tác với nhật báo Miền Tây, lúc đó Thanh Nam viết phơi-ơ-tông “Chuyện Một Người Con Gái Ở Sàigòn”. Anh viết bài trên mặt sau của bản tin Việt Tấn Xã. Chữ viết của anh đẹp và đều. Chính ở căn gác ở tòa soạn báo Tia Sáng, tác giả Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ đã cho những nhân vật của mình: những thằng Lập, con Lài… ra đời. Những nhân vật bình thường của đời sống bình thường trong một xứ sở mà chiến tranh kéo dài dai dẳng cũng đã trở nên bình thường, quen măt.

Cuối năm 1967, vì một lý do riêng, tôi không còn cộng tác với nhật báo Miền Tây. Năm sau, nhận được lệnh nhập ngũ khoá 26 trường Võ Bị Thủ Đức. Thế là tôi từ giã cái nghề ký giả là cái nghề mà hình như lúc còn sống nhà văn Chu Tử gọi là cái nghề “raté” nhất – hình như ở đâu đó nhà văn Chu Tử đã viết là những người làm nghề này tại vì không biết làm cái nghề nào khác (?!), theo học nghề sử dụng súng, dao, giết người để khỏi bị người khác giết. Dù gì thì trong cuộc nội chiến, ngoại khiển tôi cũng đã làm tròn cái bổn phận mà người ta vẫn gọi một cách văn chương, hoa mỹ là “bảo vệ những vườn khoai, nương sắn, những tiếng hát trên nương chiều, những bông hoa ngọc lan thơm ngát phơi mình dưới sương khuya”.

Trong thời gian ở quân đội, ngoài những nhức đầu với những trang tài liệu tịch thu của Việt Cộng có đôi khi dính máu của những cán binh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những cung từ tù, hàng binh; những tài liệu không ảnh, tôi, thỉnh thoảng cũng có viết phóng sự, hoặc phụ trách một trang báo tuổi nhỏ, viết phơi-ơ-tông trên một nhật báo để kiếm thêm tiền bù đắp vào tiền lương lính còm cõi.
Thỉnh thoảng tôi cũng có gặp lại và nhậu la-de với anh Thanh Nam. Cũng ở cái quán kế tòa soạn báo Tia Sáng. Vẫn cô chủ quán người Hoa mà tôi đặt tên Tiểu Muội. Mỗi lần nhậu cũng chỉ với me khô ngào đường đựng trong bịch ny-lông hoặc với trái sê-ri màu xanh đỏ chua chua, ngọt ngọt. Và nếu lần nào tôi không có tiền thì anh Thanh Nam lại ký sổ ghi nợ bằng tiếng Tàu.

Sau đó, vì những sôi động của chiến cuộc, tôi rất ít gặp lại anh. Cho đến khi đọc một tờ báo văn nghệ nào đó loan tin là anh đã cử hành hôn lễ với nhà văn Túy Hồng. Hình như là đám cưới được tổ chức tại nhà hàng Mỹ Cảnh. Và hình như bản tin cũng có viết thêm là tiền bạc để tổ chức đám cưới do bạn bè đóng góp.

Cho đến ngày Cộng quân tấn chiếm miền Nam, cũng như số phận hàng trăm ngàn quân nhân miền Nam phục vụ dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ, tôi phải vào tù. Từ đó không gặp lại và cũng không biết tin tức về anh.

Sau khi ra khỏi nhà tù thứ tám, để biết địa ngục là cảnh đời có thật chứ không phải chỉ là những tranh vẽ treo ở chùa chiền, tôi làm nghề đong rượu và bán… nước trà đá ở một quán nhậu do người bạn của vợ tôi hợp đồng với công ty ăn uống của Tỉnh. Nhiệm vụ của tôi là đong rượu thuốc ngâm trong một cái khạp da bò ra chai một xị, hai xị và bưng trà đá cho khách. Quán nhậu chuyên môn bán gỏi gà, lòng heo phá lấu. Thỉnh thoảng tới mùa chim cũng có bán chim óc cao, chim mỏ nhác rô ti. Bà chủ là người bán cháo gà nổi tiếng trước năm 1975. Cơ ngơi, nhà cửa hiện còn là do một tay bà bán cháo gà.

Không hiểu do bà có tay buôn bán hay cái nghệ thuật luộc gà, chặt gà, trộn gỏi như thế nào đó mà quán của bà rất là đông khách.

Nếu không có chuyến vượt biển chắc là tôi cũng bị bắt trở lại nhà tù, hoặc bị chết bởi ba cái rượu bọt mía. Số là quán nhậu bình dân, mở cửa từ 4 giờ chiều, tới đâu khoảng 8, 9 giờ tối là đã bán hết vì khách bình dân ăn nhậu rất đông. Và trong cái đám khách bình dân ăn nhậu đó: những cựu trung úy đạp xe lôi, cựu đại úy đạp xe đạp ôm, cựu thiếu tá đạp xe ba gác, vá xe đạp, chạy mánh… toàn là bạn bè quen biết với anh chàng bán nước trà đá và đong rượu là tôi. Tôi chỉ yên tâm bán nước trà đá có tuần lễ đầu. Tuần lễ thứ hai, quán vừa mở cửa, tôi đang ở sau quán đong rượu ra những chai một xị, hai xị thì cô thư ký của công ty ăn uống bước vào, cười cười đưa cho tấm giấy, đọc thấy hàng chữ: “Đại ca, đàn em là Hai què chờ đại ca ở bàn số 4”. Bữa khác, đang loay hoay chặt nước đá ở phía sau quán, chợt giật mình khi nghe câu nói dễ ở tù: “Kính chào Đại tá!”, quay lại thấy người bạn đang đứng ở thế nghiêm đưa tay chào.

Chính trong thời gian này, tôi biết được tin tức về nhà văn Thanh Nam. Số là một hôm tôi giúp bà chủ quán bỏ chuối khô vào cái khạp ngâm rượu thuốc gồm có sâm qui, sâm đại hành, và mấy cái dây thần thông quỉ quái gì đó, tôi tình cờ đọc được bài viết có nói về nhà văn Thanh Nam trên tờ Tuổi Trẻ dùng để gói chuối khô. Tờ báo có bài viết về “đời sống văn nghệ sĩ ở nước ngoài”. Tôi nhớ trong bài viết này có đề cập tới hai người: người thứ nhất: Võ Phiến, và người thứ hai: Thanh Nam.
Tôi sững sờ khi đọc đến tin Thanh Nam không còn nữa!

Nhà văn đã giã từ những “Đêm Mưa Tỉnh Nhỏ”, đã chia xa với những “Buồn Ga Nhỏ” để đi về “Cánh Đồng Xanh Phía Dưới” của cõi ngàn thu tịch mịch.

Những bài thơ báo Tuổi Trẻ trích từ tập thơ “Đất Khách” của Thanh Nam. Những đoạn trích riêng rẽ, cố ý để chứng tỏ cái tâm trạng tuyệt vọng, chán chường của văn nghệ sĩ ở hải ngoại. Tôi xin chép lại một vài đoạn (theo trí nhớ) mà tờ Tuổi Trẻ đã trích:

“… Ta như giông bão tan rồi họp
Trôi nổi còn hơn sóng đại dương
Lận đận bên trời chung một lứa
Say càng chua xót, tỉnh càng thương…

… Tuyết đổ dầy thêm, đêm lạnh buốt
Người về phòng nhỏ bóng cô đơn
Mở chai bia lạnh thay cơm tối
Ngồi đọc thư nhà lệ chứa chan”.

Năm 1987, định cư ở Des Moines, thủ phủ tiểu bang Iowa, một tiểu bang miền Trung Tây Hoa Kỳ, qua nhật báo Người Việt do nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tổng thư ký của tờ báo này gửi, tôi có đọc những bài viết của nhà văn Túy Hồng viết về người chồng quá cố của mình.
Qua các bài viết này, tôi mới biết là qua Mỹ, nhà văn Thanh Nam vẫn tiếp tục làm báo Việt ngữ. Trong một bài tổng kết văn học của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc viết đại ý: “Võ Phiến, Thanh Nam và Lê Tất Điều là ba người có công nhất trong việc giữ lửa trong thời kỳ đầu cho nền văn chương Việt Nam ở hải ngoại”.

Năm ngoái, nhà văn Túy Hồng cũng đã viết bài “Anh Có Còn Yêu Em Không?” đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21. Bài viết vẫn là những kỷ niệm về người chồng quá cố. Mới đây, trên tạp chí Sóng ở Canada, nhà văn Túy Hồng lại cho nhân vật truyện của mình nhận xét về người chống quá cố, đại ý: Người suốt đời ăn chơi, nhậu nhẹt như Thanh Nam mà còn viết lời bản nhạc “Suy tôn Ngô Tnổg Thống” với nhạc sĩ Ngọc Bích, tức là người có tinh thần quốc gia…”
Hình như tác giả “Những Sợi Sắc Không”, “Tôi Nhìn Tôi Trên Vách” lúc nào cũng sống với những kỷ niệm về người chồng quá cố.

Thanh Nam là thư ký tòa soạn, là chủ bút các tạp chí Hiện Đại, Văn Học Nghệ Thuật… và là người phơi-ơ-tông thuộc loại nhiều nhất cho các nhật báo ở Sàigòn trước năm 1975. Sang Mỹ, anh lại tiếp tục làm thư ký tòa soạn tờ Đất Mới ở Seattle, tiểu bang Washington. Trước năm 1975, anh đã xuất bản tập truyện ngắn Buồn Ga Nhỏ và nhiều truyện dài đăng báo. Đã xuất bản tập thơ Đất Khách ở Hoa Kỳ và đang viết dở dang hồi ký Hai Mươi Năm Làm Báo (theo nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc).

Những truyện ngắn, truyện dài và thơ của Thanh Nam không xuất sắc, nổi bật đến độ gây tiếng vang ồn ào. Theo tôi, hình như cái đời sống của anh, anh đã là nhà văn, nhà thơ. Anh sống không tính toán với anh em. Có lần lãnh lương ở tòa soạn báo Tia Sáng, ra quán cô Tiểu Muội, tôi thấy anh đưa hết số tiền nhuận bút vừa lãnh hình như là 10 ngàn đồng để trả tiền bia. Đó là lần đầu tiên tôi nghe cô chủ quán mỉm cười và nói với cái giọng lơ lớ: “Thôi còn thiếu 10 đồng bớt cho ông nhà văn đó”. Lại cái chuyện cưới vợ bằng tiền của anh em nhà văn, nhà báo đóng góp vào cũng đã là văn nghệ ra phết!

Trong thời gian quen biết, nhậu nhẹt, tôi không thấy anh có cái kiêu ngạo, làm-dáng-ra-vẻ-nhà-văn. Văn chương, chữ nghĩa của anh cũng giản dị, bình thường như cuộc đời. Như thằng Lập - như những đứa bé đánh giày. Như con Lài - như những đàn bà, con gái đã phải cho-mượn-cuộc-đời. Như những Năm Xe Ngựa, những Buồn Ga Nhỏ, như Bài Hành Bốn Mươi. Và ngậm ngùi như tiếng thơ Đất Khách! Tập thơ mà nhà văn Túy Hồng cho biết là nhà văn Thế Uyên đã nói với chị là ở trại “cải tạo” Việt Cộng đã đem tập thơ này để hù các tù binh sợ mà không dám qua Mỹ. Tôi không có ở trại tù mà cai tù đem tập thơ Đất Khách vào để “hù dọa” tù binh nên tôi cũng không dám có kết luận về việc này!

Như đã viết, văn chương chữ nghĩa của Thanh Nam bình thường như đời sống. Nhưng chẳng phải kể những câu chuyện bình thường với giọng văn bình thường, giản dị một cách lương thiện là điều mà Hemingway, nhà văn đoạt giải Văn chương Nobel, đã mong muốn, hay sao?

Anh Thanh Nam đã đi về bên kia cõi đời. Mọi điều bây giờ, đối với anh, chỉ là chuyện bọt bèo.

Bài viết này không phải là một bài phê bình văn học hay một tổng kết về sự nghiệp văn chương của một nhà văn, nhà thơ, nhà báo. Tôi không phải là, và cũng không đủ khả năng, làm ngự sử văn đàn. Bài viết chỉ là đôi điều kể lể về một người viết văn, làm thơ, làm báo đã trọn đời sống chết với văn chương, chữ nghĩa mà tôi đã có thời quen biết. Chỉ mong được như là nén hương thắp muộn gửi đến linh hồn người quá cố. Và là lời chia buồn trễ tràng - quá trễ tràng, xin gửi tới chị Túy Hồng mà nỗi buồn mất mát chắc hẳn khôn nguôi suốt quãng đời còn lại.

Nguyễn Thiếu Nhẫn
Des Moines 1987.
trích trong NGUYỄN THIẾU NHẪN TUYỂN TẬP,2009

Nguồn lyhuong.net

Monday, December 21, 2009

Evangelical Fellowship Xmas at Saigon


Vietnam allows large public worship service

Video Vietnamese Christians allowed

An historic event happened over the weekend in communist Vietnam, when tens of thousands of Christians worshipped publicly. This event came about after Vietnamese Christians had suffered many years of persecution and hardships.

It's a sight that many thought they would never see -- the gospel openly proclaimed in the communist country.

For decades most of Vietnam's Christians have been forced to worship in secret.

However, over the weekend, the government gave permission for house churches to hold an outdoor evangelistic service and more than 35,000 people showed up.

It is a testimony to the faith and perseverance of the country's church leaders.

"As Americans we take these kinds of things for granted the opportunity to gather and assemble and to worship and celebrate Christmas but in Vietnam the government has not allowed this and there has not been something like this for 35 years and this is historic," said Bruce Jackson of Jackson Family Ministries.

Most Vietnamese have never heard the gospel message. When the pastor gave the altar call, some 8,000 people responded.

CBN News Asia Correspondent Lucille Talusan attended the service and confirmed the number of people at the event.

"Thousands of people came forward to surrender their lives to Jesus," Talusan said. "Actually the stage could not hold all the people and so most of the people were on the ground."

"I feel very happy, because I can become a Christian," said attendee Tram Nguyen. "I cannot describe my feeling now, really very happy. I can cry."

Overwhelmed by the success of the event, the organizers fell to their knees in thanks.

It would be premature to say that religious freedom has come to Vietnam.

In fact, police stopped several buses carrying Christians from outlying provinces to keep them from attending the event. Nevertheless, the leaders are encouraged to press on until the gospel message is heard throughout their country.

"God is working marvelously in ways we cannot imagine," said Pastor Khoa Ho, president of Vietnam Evangelical Fellowship. "We have experienced many great things that God is doing in this country and so we believe there will be more greater things to come."

"We dream that in every village in Vietnam we will have big crusade so that countless, millions of Vietnamese come to know the Lord," said Pastor Daniel Nhan, vice president of Vietnam Evangelical Fellowship

George Thomas & Lucille Talusan
CBN News Reporters
Tuesday, December 15, 2009
Source
cbn.com - dcv.net
Read more : hoithanh.commorungexpress.com

Sunday, December 20, 2009

Nguyễn Bắc Sơn


Chiến tranh Việt Nam và Tôi

Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt
Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ta ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin xí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xăm mình
Ăn muối đá mà hăng say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc
Mang bom đạn chơi trò pháo Tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang

Nguyễn Bắc Sơn
1972
Hình trên:Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn
Nguồn
newvietart.com
Đọc thêm: talawas.deart2all.net

Friday, December 18, 2009

Blogger Uyên Vũ


Công dân ơi, đứng thẳng người lên!

Khi đứng giữa một rừng cánh tay đang vung lên, đứng giữa những tiếng hô vang dội xuất phát từ những lồng ngực tuổi trẻ đầy nhiệt huyết hôm ấy. Tôi bỗng rưng rưng và không thể kìm nén tôi đã nắm tay thật chặt để hòa mình trong nhịp thở sục sôi của tình yêu nước. Ðó là ngày 09 Tháng Mười Hai 2007, ngày mà cùng với những người yêu nước ở Hà Nội, chúng tôi bày tỏ nỗi căm giận khi tổ quốc bị coi thường, khi mảnh đất thấm máu bao thế hệ cha ông có nguy cơ bị chiếm đoạt.(Hình phải posted trên Blog Công Lý & Sự Thật)

Hai năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ rất rõ hình ảnh về các cuộc biểu tình tại Sài Gòn. Sau khi nhà cầm quyền Trung Quốc ra quyết định thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, để trực tiếp quản lý 3 quần đảo trên biển Ðông gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Lập tức, giới blogger mà chủ yếu là sinh viên đã rầm rập xuống đường, ngay trung tâm Sài Gòn, trước cửa lãnh sự quán Trung Quốc. Thông điệp của chúng tôi hết sức rõ ràng: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, thông điệp ấy để trả lời cho mọi ý định xâm lược dù một tấc đất của tổ quốc Việt Nam. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, chúng tôi tự cảm thấy phải lên tiếng như tự cảm thấy giòng máu Lạc Hồng vẫn chảy trong huyết quản. Từ thế giới “ảo” của mạng Internet, từ những ánh nhìn bỡ ngỡ ban đầu, chúng tôi mau chóng nối kết và cất chung một tiếng nói. Dễ hiểu là chỉ có lòng ái quốc nồng nàn mới có khả năng kỳ diệu như vậy.

Trước đó, giới blogger non trẻ và hào hứng chúng tôi gần như chẳng quen biết nhau, chỉ là những nhóm nhỏ rủ nhau đi cafe, rủ nhau dã ngoại tìm chút niềm vui và thư giãn. Cũng từ lâu, qua mạng lưới truyền thông, tin về các vụ bắn giết, cướp bóc, tống tiền các ngư dân Việt Nam đã bắt đầu khơi dậy lòng phẫn uất, ý thức phản kháng lại kẻ thù xâm lăng. Lời tuyên bố của Quốc Vụ Viện Trung Quốc chính là ngòi nổ cho khối căm hờn bộc lộ. Liên tục vài ngày, thông điệp “Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, mãi mãi là như thế” luôn lặp lại trên các blog, diễn đàn và truyền đi trong tin nhắn nhanh IM.

Lần đầu tiên sau 32 năm, sinh viên và thanh niên Sài Gòn đã xuống đường bày tỏ thái độ. Dĩ nhiên, dù ngây thơ đến đâu thì ai cũng biết không phải vì biểu tình mà Trung Quốc sẽ trao trả Hoàng Sa, Trường Sa lại cho Việt Nam. Nhưng nếu chấp nhận im lặng cũng có nghĩa là để mặc mảnh đất cha ông bị xâm lấn, là cúi đầu trước mọi dã tâm của ngoại bang. Lịch sử Việt Nam còn đó, là lịch sử của một dân tộc chưa bao giờ biết khuất phục. “Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh”, hai ngàn năm trước Hai Bà Trưng đã đứng dậy đánh đuổi thái thú Tô Ðịnh, Bà Triệu dẹp quân Ngô. Một nghìn năm dân ta bị đô hộ còn đó, nếu khuất phục sẽ không thể có một nước Việt Nam như hôm nay. Từ mỗi người dân Việt đều lưu giữ gương anh hùng của Ngô Quyền đánh Nam Hán, của Lý Thường Kiệt phá Tống. Lịch sử còn đó, đại quân của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt dù chiếm đoạt bao thành lũy địa cầu, dù mộng bá chủ nhân loại tưởng chừng sắp đạt vẫn phải ngậm hờn với anh hùng Trần Hưng Ðạo, còn đó Lê Lợi dẹp tan quân Minh, Quang Trung vùi thây quân Thanh... Còn nhiều lắm những gương anh hùng bất khuất. Tổ quốc Việt Nam không cho phép thế hệ nào quên, vì mỗi tấc đất đều thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt tiền nhân.

Nếu dân Việt cam chịu cúi đầu khuất phục, tôi tự hỏi làm sao có một Nguyễn Trãi với “hận Nam Quan” biến thành Bình Ngô Ðại Cáo? Nếu cam chịu quỳ gối, thì ngoài Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nhiều dân tộc nữa sẽ khinh rẻ Việt Nam. Không một bài học lịch sử trong nhà trường nào lại sinh động cho bằng chính các em sinh viên dõng dạc đọc to giữa phố phường Sài Gòn bài “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, bài “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Ðạo. Những người trẻ Sài Gòn dù bình thường có thể chỉ mải học, mải chơi nhưng khi ngoại bang đụng đến giang sơn, họ sẽ biến thành những rường cột chống đỡ nước nhà và sẵn sàng liều mình cho tổ quốc. Chỉ có tình yêu nước mới “khích động” được họ liều mình như vậy. Máu của bao con dân Việt đã đổ ra chính ngay tại Hoàng Sa, Trường Sa và mới đây tàu của ngư dân Việt còn bị nhận chìm, xác dân Việt còn bị quăng xuống biển. Nếu khom lưng quỳ gối, Việt Nam đã thành một trong các chư hầu, hay một quận huyện của Trung Quốc từ lâu đời. Và tôi chợt nhớ câu thơ của Marat: “Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống. Công dân ơi, hãy đứng thẳng người lên”. Ðứng thẳng người là mệnh lệnh để đất nước trường tồn.

Tôi cũng tự hỏi nếu thanh niên Việt Nam không bày tỏ thái độ, thì liệu hôm nay vấn đề lãnh thổ, vấn đề biển Ðông có được dư luận quan tâm rộng rãi như hôm nay? Sau các cuộc biểu tình là hằng hà sa số bài viết hâm nóng diễn đàn, sục sôi trên các websites, blogs, mở mạng Youtube gõ chữ Hoàng Sa, Trường Sa là bao nhiêu video clips hừng hực khí thế. Hẳn nhiều người còn nhớ, Trung Quốc công khai đăng báo đòi “xóa sổ Việt Nam trong vòng 21 ngày”, đòi giải quyết Việt Nam bằng bạo lực... Mới đây, bình luận trên nhật báo Giải Phóng Quân Nhân Dân (Trung Quốc) ngày 12 Tháng Ba 2009, Ðại Tá Giải Phóng Quân Trung Quốc Hoàng Thôn Luận (một nhà báo có tên tuổi) viết: “...Quyền lợi quốc gia của Trung Quốc vượt xa ra ngoài biên cương lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Trung Quốc, bao gồm cả các vùng đại dương bao la nơi các tàu chở dầu của Trung Quốc qua lại, cũng như không gian vũ trụ... Quyền lợi quốc gia Trung Quốc mở rộng đến đâu, sứ mệnh của lực lượng vũ trang của chúng ta (Trung Quốc) được mở rộng đến đấy...! Ðứng trước nhiệm vụ lịch sử mới, lực lượng vũ trang của chúng ta (Trung Quốc) không chỉ bảo vệ biên giới lãnh thổ, mà còn phải bảo vệ biên giới quyền lợi quốc gia của chúng ta”. Thử hỏi thanh niên Việt Nam có thể ngồi yên? Chiến tranh biên giới 1979, Trung Quốc muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” thì cũng được đáp trả bằng một bài học đích đáng khác. Ngay lúc này, báo điện tử Tuần Việt Nam có cả một chuyên mục về vấn đề biển Ðông và luôn được độc giả đọc nhiều nhất. Ai cũng biết tranh luận tại các hội nghị, đàm phán tại bàn ngoại giao là các phương pháp giải quyết vấn đề cần thiết. Song bày tỏ thái độ bằng hành động như tăng cường quốc phòng, hỗ trợ cho người lính canh đảo cũng bức thiết không kém và nhất là khơi dậy tình yêu tổ quốc, ý thức bảo vệ chủ quyền cho mỗi công dân còn hiệu quả hơn. Hai năm trước, chúng tôi tham gia biểu tình cũng là một cách bày tỏ thái độ một cách ôn hòa.

Nhưng nhiệt tình của thanh niên Việt Nam từ Hà Nội đến Sài Gòn đã bị từ chối, các cuộc biểu tình ôn hòa tắt ngấm. Tôi mất việc đến hôm nay, nhiều người khác mất chỗ ở, mất việc làm kiếm sống. Những người hăng say nhất lại bị gặp khó khăn nhiều nhất. Có người bỏ nước ra đi... Những tấm lòng yêu nước nhìn nhau e dè. Nhưng tôi vẫn tin, dù chỉ là những cánh én nhỏ nhoi, những người thanh niên đầy sức sống ấy đã báo hiệu là Mùa Xuân của tổ quốc Việt Nam đang về. Tôi tin mỗi người dân Việt sẽ quyết không chấp nhận mất dù chỉ là một mẫu đất nhỏ của cha ông.

Uyên Vũ
Nguồn nguoi-viet.com
Đọc thêm: Blog Công ly và Sự thật - Blogger Uyên Vũ

Thursday, December 17, 2009

Võ Phiến

VĂN HỌC MIỀN NAM
KHÁIQUÁT

1954-1975, chúng ta có những thời điểm ngộ nghĩnh: 1954 chấm dứt một cuộc chiến tranh, 1975 chấm dứt một cuộc chiến tranh khác; 1954 một cuộc di cư, 1975 lại một cuộc di cư nữa; 1954 đất nước đang là một bị chia hai, 1975 đất nước đang chia hai lại hoàn làm một... Chiến tranh phát sinh rồi chiến tranh kết thúc trên nước ta xưa nay đã nhiều lần, nước qua phân rồi nước trở lại thống nhất xảy ra ở ta cũng nhiều lần, duy có chuyện hàng triệu người kéo nhau ra đi là chưa từng thấy. Đó là đặc điểm một thời. Vậy có thể nói thời kỳ chúng ta đang nói đây là thời kỳ văn học giữa hai cuộc di cư. (Hình phải:Nhà văn Võ Phiến)

Mặc dù 1954 và 1975 là những thời điểm ngộ nghĩnh, chúng ta không chọn thời kỳ văn học này vì cái ngộ nghĩnh, dĩ nhiên. Cũng như chiến tranh, qua phân, thống nhất, di cư đều là những biến cố quân sự, chính trị, xã hội trọng đại, nhưng chúng ta không chọn vì những cái trọng đại ấy: Quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến văn học, nhưng không phải là văn học.

Sở dĩ chúng ta tách cái khoảng thời gian nọ làm một thời kỳ văn học riêng biệt tại Miền Nam Việt Nam là vì nhận thấy quả thực trong vòng hai mươi năm ấy văn học nghệ thuật ở đây đã có những sắc thái riêng, đặc biệt, khác hẳn trước đó và sau đó. Trong vòng hai mươi năm ấy ở Miền Nam quần chúng đã có những cảm nghĩ khác, văn nghệ sĩ đã có một quan niệm sáng tác khác thời trước và thời sau. Cái khác, cái thay đổi trong tâm tình con người vào thời kỳ này thật sâu xa và thật đột ngột: chỉ trong vòng năm trước năm sau, vụt cái lòng người biến đổi, văn nghệ chuyển hướng hoàn toàn. Ở ngoài Trung trong những năm đầu thập niên 50, cho đến 1954, những tên tuổi nổi bật là Kiêm Minh, là Vân Sơn PMT; trong Nam tiếng tăm vang dội nhất là Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Trúc Khanh, Lý Văn Sâm... với những nhà khảo luận như Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc v.v... Sau 1954, loay hoay chừng mấy tháng, tự dưng những vị ấy lui vào bóng tối, lặng lẽ, từ đó cho đến suốt hai chục năm kế tiếp không còn có cơ hội xuất hiện thắng lợi trên văn đàn nữa. Và một lớp người mới xông ra, ồ ạt: Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Sơn Nam, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Mạnh Côn, rồi Dương Nghiễm Mậu, rồi Nhã Ca v.v... Thật nhanh chóng: Thoắt cái những người mới được quần chúng độc giả đón tiếp niềm nở, chừng một vài năm sau họ nghiễm nhiên thay thế các lớp nhà văn trước.

Đây không phải là sự thay thế của những cái tên suông, mà là sự thay thế cả một chiều hướng tinh thần. Không có gì khác nhau xa bằng cái tinh thần Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh với tinh thần Dòng sông định mệnh của Doãn Quốc Sỹ, Mưa đêm cuối năm của Võ Phiến, bằng tư tưởng của Thiên Giang với tư tưởng của Nguyễn Mạnh Côn chẳng hạn.

Giữa lớp trước 54 và sau 54 ở Miền Nam chỗ khác nhau không phải chỉ có ở thái độ chính trị. Thế hệ độc giả này không phải chỉ đột nhiên lạnh nhạt với những Vũ Anh Khanh, Trúc Khanh, Vân Sơn PMT v.v..., mà cũng hững hờ luôn cả đối với những nhà văn chống cộng như Nhất Linh, Tam Lang v.v... Họ chối bỏ hết quá khứ. Một giai đoạn mới tự xác nhận một cách mạnh mẽ, ồn ào, có khi quá lố. Thật vậy, một trong những danh từ thời thượng lúc bấy giờ là “hôm nay”: lớp trẻ hôm nay, văn nghệ hôm nay, tiếng nói hôm nay v.v... Hôm nay không hẳn là giỏi hơn hôm qua, hôm nay không hẳn là hay hơn hôm qua. Miễn nó là hôm nay. Nếu không thế nó không được chấp nhận.

“Chấp nhận” là chữ của Thế Uyên. Ông bảo: “Riêng hai đứa chúng tôi
[1] thán phục Nhất Linh tiền chiến và chấp nhận Nhất Linh hậu chiến.”[2] Thế Uyên cho thấy không phải ai cũng “rộng rãi” được như thế: chỉ riêng hai đứa thôi. Còn về phía Nhất Linh, ông có lần tâm sự với Nguyễn Vỹ: “Tôi thì hết tin tưởng vào đời sống và thế hệ ngày nay (...) Thế hệ trẻ ngày nay, họ không hiểu được tụi mình. Họ bảo tôi là kiêu ngạo, là tự cao, tự đại, anh xem có vô lý không? Tôi không chịu được họ, không có nghĩa là tôi tự cao, tự đại.”[3]
Cả đôi bên cùng xác nhận sự cách biệt; cả đôi bên cùng từ chối lẫn nhau. Sự thay đổi hồi 1954 đã hiển nhiên.

Và rồi đến đầu năm 1975 cuộc đổi đời còn đột ngột, còn sâu xa hơn nữa. Đến đây kết thúc một thời kỳ ở Miền Nam, về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Cả cái xã hội ở Miền Nam từ sau 1975, cả nếp sống vật chất lẫn tinh thần ở đây sau 1975 không còn giữ được mấy tí của ngày trước. Rụp một cái: báo chí, sách vở, ca xướng, kịch tuồng, tranh vẽ... nhất nhất đều đổi chiều.

Cho nên có thể nói thời kỳ văn học 1954-1975 khởi đầu và chấm dứt không có chuyển tiếp. Hiếm có thời kỳ văn học nào trong lịch sử được qui định giữa những thời điểm dứt khoát như thế. Giữa hai thời điểm dứt khoát, tại Miền Nam một nền văn học thành hình thật nhanh, phát triển tưng bừng và vội vã, rồi bị vùi dập một cách tức tưởi. Nền văn học ấy có nhiều nét đặc sắc về phẩm cũng như về lượng, rất quí báu đối với bất cứ ai muốn tìm hiểu về đời sống của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại.

[1]Tức Duy Lam và Thế Uyên, hai anh em văn sĩ, hai người cháu gọi Nhất Linh bằng bác.
[2]Nhật Thịnh, Chân dung Nhất Linh, trang 160. Những tác phẩm tái bản tại Hoa Kỳ hầu hết không ghi tên nhà xuất bản cùng ngày tháng ấn loát, vì vậy trong sách này đành không nêu được các điểm cần thiết ấy.[3]Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, Khai Trí, 1970, trang 162.

VĂN HỌC MIỀN NAM
(Click để đọc tiếp)

VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [1. Lời nói đầu]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [2. Khái quát]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [3. Các yếu tố của sinh hoạt văn học: Nhà văn]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [4. Các yếu tố của sinh hoạt văn học: Độc giả]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [5. Các yếu tố của sinh hoạt văn học: Xuất bản]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [6. Mấy nét tổng quát về nền văn học 1954-1975: Bối cảnh]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [7. Mấy nét tổng quát về nền văn học 1954-1975: Văn học & chính trị]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [8. Mấy nét tổng quát về nền văn học 1954-1975: Văn học & tôn giáo / triết học]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [9. Mấy nét tổng quát về nền văn học 1954-1975: Văn học & tính cách cực đoan]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [10. Mấy nét tổng quát về nền văn học 1954-1975: Văn học & vai trò của miền Nam]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [11. Mấy nét tổng quát về nền văn học 1954-1975: Văn học & tính cách tự do]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [12. Mấy nét tổng quát về nền văn học 1954-1975: Đối chiếu thành tích]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [13. Giai đoạn 1954-1963: Bối cảnh – Tình hình trước 1954]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [14. Giai đoạn 1954-1963: Bối cảnh – Tình hình từ 1954]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [15. Giai đoạn 1954-1963: Văn học]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [16. Giai đoạn 1964-1975: Bối cảnh]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [17. Giai đoạn 1964-1975: Văn học]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [18. Các bộ môn: Tiểu thuyết]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [19. Các bộ môn: Tuỳ bút]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [20. Các bộ môn: Thi ca]
VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [21. Các bộ môn: Kịch]

(còn tiếp)

Võ Phiến
Nguồn :tienve.org - freedomísnotfree