Thursday, December 3, 2009

Hà Giang


Thăm 'Nhà Tù Stasi' khét tiếng:
'Ðừng để ai cướp đi dân chủ'

BERLIN - Có ít nhất 75,000 người đã bị bắt và giam cầm hai năm vì tội “tìm cách vượt bức tường để trốn khỏi Ðông Ðức.”

Ít ai được biết, sau khi bị bắt, những người này bị giam cầm ở đâu, và họ phải ở tù trong điều kiện như thế nào?

Khi đón xe buýt đi thăm “Nhà Tù Stasi” trong ngày cuối cùng ở Bá Linh, chúng tôi không ngờ, người ta đã có sẵn câu trả lời.

Rất nhiều người muốn đến thăm “Nhà Tù Stasi,” và tất cả đều phải hẹn trước, phải đi theo “tour.” Nếu chỉ vào xem một dãy những căn buồng kín mít chỉ to hơn người nằm một chút, và những cánh cửa bằng sắt dày đến 25 cm, không ai có thể hiểu được nhà tù này hoạt động như thế nào.

Nhóm của chúng tôi may mắn được ông Dieter von Wichmann, một tù nhân đã bị giam cầm hai năm ở nhà tù này, và hiểu tường tận cách sinh hoạt của cái “địa ngục trần gian” này, làm hướng dẫn viên. Ông đang giảng giải cho một nhóm học sinh lớp 12 khi chúng tôi gia nhập nhóm.

Ông Dieter von Wichmann năm nay 71 tuổi, bị bắt giam vào Stasi vào năm ông 25 tuổi, và bị tù hai năm vì tội “tìm cách trốn qua Tây Ðức.”

Theo ông Wichmann, “Nhà Tù Stasi” được xây tại Ðông Bá Linh ngay sau Thế Chiến Thứ Hai, là trung tâm tạm giam và tra tấn tù nhân chính trị, trong đó phần lớn là những người có hành động bị cho là chống đối chế độ, như tìm cách vượt tường đi tìm tự do.

Tuy gọi là trung tâm tạm giam, nhiều tù nhân đã bị giam giữ ở đây cho đến chết, và cũng ngay tại đây, họ bị lãnh án mà không cần phải đem ra xét xử hay có luật sư bào chữa.

Người ta gọi đây là “Nhà Tù Stasi” vì nhà tù được cai quản bởi những “Stasi,” tức mật thám của chế độ Cộng Sản Ðông Ðức.

Stasi là những người lão luyện trong ngành tra hỏi tù nhân. Họ được trả lương rất cao, tỉ lệ thuận với sự tàn ác và thâm hiểm, và đa số thân nhân của họ không biết họ làm nghề gì.

Trách nhiệm của Stasi là để bảo vệ chế độ Cộng Sản tại Ðông Ðức.

“Nhà Tù Stasi” gồm nhiều phòng nhỏ (gọi là cell) chỉ vừa cho một người nằm, không cửa sổ, không bàn, không ghế, không giường, không nhà tắm, và một số phòng lớn hơn, có chiếc giường, bàn nhỏ, ghế, và một bồn vệ sinh.

Ông Dieter von Wichmann cho biết đây là nhà tù “biệt giam.” Tất cả tù nhân đều bị nhốt riêng một mình trong phòng tối. Không ai biết được người bị giam bên cạnh mình là ai, không bao giờ được ai vào thăm, và cũng chẳng bao giờ được nghe thấy tiếng động gì.

Cũng theo ông Dieter von Wichmann, đây là hình thức khủng bố và hành hạ tinh thần tàn ác nhất, vì “bỗng dưng tù nhân bị hoàn toàn cô lập khỏi thế giới bên ngoài, mất hết cả ý niệm về thời gian, và suốt ngày suốt đêm phải ở một mình.”

Ông Dieter von Wichmann kể cho chúng tôi nghe về sinh hoạt hàng ngày của các tù nhân ở đây, ông cho biết: “3,000 người đã chết trong nhà tù này.”

Khi bị bắt, tù nhân bị bịt mắt. Họ bắt tù nhân đi và chở đi lòng vòng nhiều tiếng đồng hồ trong một chiếc xe tối bít bùng, để không biết “bị chở đi đâu.”

“Khi vừa vào đến trại tù họ lái xe vào một phòng cực sáng” để cho mắt chúng tôi “bị gần như mù đi và đầu óc choáng váng.”

Khi chúng tôi bị “ngất ngư,” thì cuộc tra tấn bắt đầu!

Trỏ vào một phòng khoảng năm mét vuông, chung quanh không có tường mà chỉ có những song sắt, ông nói, trước khi bị đưa vào phòng biệt giam, “họ lột hết quần áo chúng tôi. Chúng tôi chỉ còn là những con vật, và soi đèn vào tất cả mọi chỗ kín, để xem chúng tôi có dấu được gì vào đó không.”

Cả sau khi bị giam, tù nhân cũng bị họ theo dõi liên tục.

“Sáng chúng tôi phải ngủ dậy lúc 6 giờ, và khoảng 15 phút sau sẽ có người bỏ thức ăn trong ngày vào phòng qua một cái lỗ nhỏ như cái lỗ chó.” Tuy phòng có đèn, các công tắc đều để ở bên ngoài, và người giám thị (Stasi) có quyền tắt hay bật đèn tùy hứng, lúc thì để ông trong bóng tối cả tuần, sau đó lại bật cho đèn sáng trưng lên để hành hạ ông.

Cửa phòng cũng có một ổ khóa và một chìa khóa cực lớn. Mỗi khi họ mở khóa, là tiếng vang vang lên nhức óc.

“Thường thì họ hành hạ tôi như vậy khoảng một tuần, rồi lại lôi tôi ra tra khảo.”

Ông nói, ban đêm phải nằm quay mặt vào ổ khóa, và bàn tay úp sấp xuống và để trên chăn, để cho họ nhìn thấy. “Họ muốn canh không cho chúng tôi trốn thoát.”

“Lúc mới vào tù, tôi bị đánh hoài, vì hay quên và bỏ tay vào trong chăn, vì lạnh.”

Cứ mỗi ba phút thì họ lại đi tuần qua phòng chúng tôi một lần, và rọi đèn vào phòng để nhìn rõ mặt và hai bàn tay của chúng tôi.

Ban ngày họ cũng đi tuần mỗi ba phút. Họ nhìn chúng tôi qua khe cửa. Ban ngày thì không ai được ngủ, ai ngủ ngày thì sẽ bị đánh hoặc sẽ bị cho bơm vòi nước lạnh vào người.

“Họ (Stasi) là những người rất tàn ác, và họ muốn hành hạ tinh thần chúng tôi, để nếu được thả chúng tôi sẽ bị nản chí.”

Bị ở trong tù gần hai năm, và bị khủng bố tinh thần như thế nhưng sau khi ra tù, ông Dieter von Wichmann vẫn không nản chí.

“Tôi được ra tù là nhờ chương trình mua tù nhân của Tây Ðức”. Ông nói.

Họ bán chúng tôi cho Tây Ðức với giá từ 40,000 Euro đến 100,000 Euro một tù nhân, tùy trường hợp.

Từ mười năm qua ông Dieter von Wichmann dùng toàn thời giờ của mình để làm việc với “Nhà Tù Stasi,” với mục đích giảng giải cho giới trẻ biết sự tàn ác của chế độ Cộng Sản.

Trước khi chia tay với đám học sinh, ông dặn dò các em: “Hãy hiểu giá trị của Dân Chủ, bảo vệ nó, và đừng để ai cướp nó đi. Cũng đừng chịu thua một chế độ nào, mà phải can đảm đòi hỏi quyền của mình. Nếu không sẽ không bao giờ có thay đổi.”

Hà Giang