Wednesday, April 30, 2014

Nguyễn Hưng Quốc

Sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam



Trước đây, trên thế giới, có 15 quốc gia chính thức theo chủ nghĩa cộng sản và 11 quốc gia tự nhận là cộng sản hoặc theo khuynh hướng cộng sản. Mười lăm quốc gia ở trên là: Albania, Bulgaria, Czechoslovakia, Đông Đức, Hungary, Mông Cổ, Ba Lan, Romania, Liên Xô, Yugoslavia, Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam. Mười một quốc gia ở dưới là: Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Mozambique, Zimbabwe, Grenada, Nicaragua, Campuchia, Afghanistan và Nam Yemen. Tổng cộng, từ hai bảng danh sách ấy, có cả thảy 26 nước cộng sản hoặc có khuynh hướng theo cộng sản. Từ đầu thập niên 1990, tất cả các chế độ cộng sản ấy đều lần lượt sụp đổ. Hiện nay, trên cả thế giới, chỉ còn năm nước mang nhãn hiệu cộng sản: Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chủ nghĩa cộng sản ở năm quốc gia này sẽ sụp đổ sớm. Trong năm nước, có ba nước có quan hệ chặt chẽ với nhau: Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Có lẽ Lào chỉ thay đổi được thể chế chính trị nếu, trước đó, Việt Nam cũng thay đổi; và Việt Nam có lẽ chỉ thay đổi nếu trước đó Trung Quốc cũng thay đổi. Như vậy, quốc gia có khả năng châm ngòi cho bất cứ sự thay đổi lớn lao nào là Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc và Việt Nam chưa thay đổi và chưa từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, giới nghiên cứu cũng phát hiện những dấu hiệu suy tàn âm thầm của chủ nghĩa cộng sản bên trong hai quốc gia này.

Ở đây, tôi chỉ tập trung vào Việt Nam.

Nhìn bề ngoài, chế độ cộng sản tại Việt Nam vẫn mạnh. Hai lực lượng nòng cốt nhất vẫn bảo vệ nó: công an và quân đội. Dân chúng khắp nơi bất mãn nhưng bất mãn nhất là nông dân, những người bị cướp đất hoặc quá nghèo khổ. Có điều nông dân chưa bao giờ đóng được vai trò gì trong các cuộc cách mạng dân chủ cả. Họ có thể thành công trong một số cuộc nổi dậy nhưng chỉ với một điều kiện: được lãnh đạo. Trong tình hình Việt Nam hiện nay, chưa có một tổ chức đối kháng nào ra đời, hy vọng nông dân làm được gì to lớn chỉ là một con số không. Ở thành thị, một số thanh niên và trí thức bắt đầu lên tiếng phê phán chính phủ nhưng, một, số này chưa đông; và hai, còn rất phân tán. Nói chung, trước mắt, đảng Cộng sản vẫn chưa gặp một sự nguy hiểm nào thật lớn.

Thế nhưng, nhìn sâu vào bên trong, chúng ta sẽ thấy quá trình mục rữa của chủ nghĩa cộng sản đã bắt đầu và càng ngày càng lớn. Như một căn bệnh ung thư bên trong một dáng người ngỡ chừng còn khỏe mạnh.

Sự mục rữa quan trọng nhất là về ý thức hệ.


Khác với tất cả các hình thức độc tài khác, chủ nghĩa cộng sản là một thứ độc tài có… lý thuyết, gắn liền với một ý thức hệ được xây dựng một cách có hệ thống và đầy vẻ khoa học. Thật ra, chủ nghĩa phát xít cũng có lý thuyết, chủ yếu dựa trên sức mạnh và tinh thần quốc gia, nhưng không phát triển thành một hệ thống chặt chẽ và có ảnh hưởng sâu rộng như chủ nghĩa cộng sản. Còn các chế độ độc tài ở Trung Đông chủ yếu gắn liền với tôn giáo cộng với truyền thống quân chủ kéo dài (thường được gọi là độc tài quốc vương, sultanistic authoritarianism) hơn là lý thuyết. Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh: các chế độ cộng sản không thể tồn tại nếu không có nền tảng ý thức hệ đằng sau.

Ý thức hệ cộng sản một thời được xem là rất quyến rũ vì nó bao gồm cả hai kích thước: quốc gia và quốc tế. Ở bình diện quốc gia, nó hứa hẹn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân; ở bình diện quốc tế, nó hứa hẹn giải phóng giai cấp vô sản và tạo nên sự bình đẳng và thịnh vượng chung cho toàn nhân loại. Ở bình diện thứ hai, chủ nghĩa cộng sản, gắn liền với một ước mơ không tưởng, rất gần với tôn giáo; ở bình diện thứ nhất, đối lập với chủ nghĩa thực dân, nó rất gần với chủ nghĩa quốc gia. Trên thực tế, hầu hết các nước cộng sản trước đây đều cổ vũ và khai thác tối đa tinh thần quốc gia trong cả quá trình giành chính quyền lẫn quá trình duy trí chế độ. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia dễ thấy nhất là ở các nước thuộc địa và cựu thuộc địa như Việt Nam.

Sau năm 1991, tức sau khi chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ý thức hệ cộng sản cũng bị phá sản theo. Thực trạng nghèo đói, bất công và áp bức dưới các chế độ cộng sản ấy đều bị vạch trần và phơi bày trước công luận. Sự hứa hẹn về một thiên đường trong tương lai không còn được ai tin nữa. Tính hệ thống trong chủ nghĩa Marx-Lenin cũng bị đổ vỡ. Nền tảng ý thức hệ của các chế độ cộng sản bị tan rã tạo thành một khoảng trống dưới chân chế độ.

Để khỏa lấp cái khoảng trống ấy, Trung Quốc sử dụng hai sự thay thế: chủ nghĩa Mao và Nho giáo (trong chủ trương tạo nên một xã hội hài hòa, dựa trên lòng trung thành). Việt Nam, vốn luôn luôn bắt chước Trung Quốc, không thể đi theo con đường ấy. Lý do đơn giản: Đề cao chủ nghĩa Mao là một điều nguy hiểm cả về phương diện đối nội lẫn đối ngoại; còn với Nho giáo, một là Việt Nam không am hiểu sâu; hai là, nó đầy vẻ… Tàu, rất dễ gây phản cảm trong quần chúng. Bế tắc, Việt Nam bèn tạo nên cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng ông Hồ Chí Minh lại không phải là một nhà lý thuyết. Ông chỉ là một người hành động. Ông viết nhiều, nhưng tất cả đều rất thô phác và đơn giản. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay, cũng không có một người nào giỏi lý thuyết để từ những phát biểu sơ sài của Hồ Chí Minh xây dựng thành một hệ thống sâu sắc đủ để thuyết phục mọi người. Thành ra, cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn không trám được khoảng trống do sự sụp đổ của ý thức hệ Marx-Lenin gây ra. So với Trung Quốc, khoảng trống này ở Việt Nam lớn hơn gấp bội.

Mất ý thức hệ cộng sản, chính quyền Việt Nam chỉ còn đứng trên một chân: chủ nghĩa quốc gia.

Nhưng cái chân này cũng rất èo uột nếu không muốn nói là đã lung lay, thậm chí, gãy đổ.

Trên nguyên tắc, Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước rất cao. Bao nhiêu chế độ ra đời từ giữa thế kỷ 20 đến nay đều muốn khai thác và tận dụng lòng yêu nước ấy. Tuy nhiên, với chế độ cộng sản hiện nay, việc khai thác vốn tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là lòng yêu nước bao giờ cũng gắn liền với sự căm thù. Không ai có thể thấy rõ được lòng yêu nước trừ phi đối diện với một kẻ thù nào đó của đất nước. Hai kẻ thù chính của Việt Nam, trong lịch sử mấy ngàn năm, là Trung Quốc; và gần đây nhất, là Mỹ. Nhưng Việt Nam lại không dám nói quá nhiều về hai kẻ thù này. Với Mỹ, họ cần cả về phương diện kinh tế lẫn phương diện chiến lược. Đề cao truyền thống chống Mỹ, do đó, là điều rất nguy hiểm. Đề cao truyền thống chống Trung Quốc lại càng nguy hiểm hơn: Trung Quốc có thể đánh hoặc ít nhất đe dọa VIệt Nam bất cứ lúc nào.

Bởi vậy, Việt Nam, một mặt, phải hạ giọng khi nói về truyền thống chống Mỹ và phải né tránh việc nhắc nhở đến truyền thống chống Trung Quốc. Hai hành động này có lợi về phương diện đối ngoại nhưng lại có tác hại nghiêm trọng về phương diện đối nội: chính quyền hiện ra, dưới mắt dân chúng, như những kẻ hèn, hèn nhát và hèn hạ. Từ một chế độ được xây dựng trên thành tích chống ngoại xâm, chế độ cộng sản tại Việt Nam lại bị xem như những kẻ bán nước, hoặc bán nước dần dần bằng cách hết nhượng bộ điều này sang nhượng bộ điều khác trước sự uy hiếp của Trung Quốc.

Trước sự sụp đổ của cả hai nền móng, ý thức hệ cộng sản và chủ nghĩa quốc gia, đảng Cộng sản Việt Nam bèn chuyển sang một nền tảng khác: kinh tế với phương châm ổn định và phát triển. Nội dung chính của phương châm này là: Điều cần nhất đối với Việt Nam hiện nay là phát triển để theo kịp các quốc gia khác trong khu vực cũng như, một cách gián tiếp (không được nói công khai), đủ sức để đương đầu với Trung Quốc. Nhưng để phát triển, cần nhất là phải ổn định về chính trị, nghĩa là sẽ không có thay đổi về thể chế và cũng không chấp nhận đa đảng.

Phương châm ấy, thật ra, là một sự bịp bợm: Nó chuyển vấn đề từ chính trị sang kinh tế với lý luận: nếu vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề kinh tế thì mọi biện pháp sửa đổi sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế. Với lập luận này, chính quyền có thể trì hoãn mọi yêu cầu cải cách chính trị.
 


Tuy nhiên, nó hoàn toàn không thuyết phục, bởi, ai cũng thấy, lãnh vực kinh tế là mặt mạnh nhất của chủ nghĩa tư bản và cũng là mặt yếu nhất của chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Tất cả các quốc gia dân chủ ở Tây phương đều có hai đặc điểm nổi bật: về chính trị, rất ổn định và hai, về kinh tế, rất phát triển. Ở Việt Nam, người ta cố thu hẹp phạm vi so sánh: các cơ quan truyền thông chính thống chủ yếu tập trung vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt Thái Lan với một thông điệp chính: đa đảng như Thái Lan thì lúc nào cũng bị khủng hoảng. Nhưng ở đây lại có hai vấn đề: Một, dù liên tục khủng hoảng về chính trị, nền kinh tế của Thái Lan vẫn tiếp tục phát triển, hơn hẳn Việt Nam; hai, ngày nay, do xu hướng toàn cầu hóa, tầm nhìn của dân chúng rộng rãi hơn nhiều; chính quyền không thể thu hẹp mãi tầm nhìn của họ vào tấm gương của Thái Lan được.

Về phương diện lý luận, chiêu bài ổn định và phát triển, do đó, không đứng vững. Về phương diện thực tế, những sự phá sản của các đại công ty quốc doanh và đặc biệt, khối nợ nần chồng chất của Việt Nam khiến dân chúng càng ngày càng thấy rõ vấn đề: các chính sách kinh tế của Việt Nam không hứa hẹn một sự phát triển nào cả, nếu không muốn nói, ngược lại, chỉ lún sâu vào chỗ bế tắc.

Thành ra, có thể nói, tất cả các nền tảng chế độ cộng sản Việt Nam muốn nương tựa, từ chủ nghĩa Marx-Lenin đến chủ nghĩa quốc gia và lập luận ổn định để phát triển, đều lần lượt sụp đổ. Chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay như một đám lục bình chỉ nổi bập bềnh trên mặt nước. Sự tồn tại của nó chỉ dựa vào sự trung thành của công an. Do đó, một mặt, đảng cộng sản đưa ra sự khuyến dụ đối với công an: “Còn đảng, còn mình”; mặt khác, họ ngoảnh mặt làm ngơ trước hai tệ nạn do công an gây ra: tham nhũng và trấn áp dân chúng một cách dã man. Nhưng chính sách này chỉ càng ngày càng biến công an thành một đám kiêu binh và càng ngày càng đẩy công an cũng như chính quyền trở thành xa lạ với dân chúng. Sự xa lạ này càng kéo dài và càng trầm trọng, đến một lúc nào đó, trở thành đối nghịch với quần chúng.

Một nhà nước được xây dựng trên một đám kiêu binh, trong thời đại ngày nay, không hứa hẹn bất cứ một tương lai nào cả.



Tuesday, April 29, 2014

Phạm Thành

Con đường định mệnh

 Video Demchondauvuotbien


(Pvt - hồi ức thương đau của một người cầm súng hèn nhát…)
Nhóm chúng tôi có bốn người . Hòa , Dũng Duyên và tôi ,sống trong một  căn gác chật  chội ở  quận 10 , lọt thỏm giữa  khu chung tư Minh Mạng  với góc ngã bảy  Lý thái Tổ,Sàigòn . Xóm vách lá này mang tên  khu Pétrus Ký . Tôi cũng có bà con  trong  khu vực này nhưng lối vào là lối từ Lý thái Tổ ngược với hướng vào của chúng tôi là bên  một khu chợ nhỏ góc  chung cư Minh Mạng .  Ðây là khu vực  của dân nghèo , đa phần là  gia đình có thân nhân  hy sinh  trong  chiến cuộc  của giai đoạn 1970 / 1973 , chính phủ VNCH tập trung về đây để chuẩn bị xây cất   thành chung cư. Cuộc sống cực kỳ xô bồ . Bà chủ nhà  là người quen của linh mục Nhật , nhận chúng tôi là con cháu , có đút lót  cho cánh phường khóm nên giấy tờ của chúng tôi  không  bị điều tra gay gắt. Ðương nhiên đều là giấy tờ giả , được làm với  những địa chỉ ở Thủ Ðức  và Hóc Môn  , là hai vùng ngoại thành  của Sài gòn có nhiều người nói giọng Bắc di cư . Bà thường nhắc chúng tôi .
 
-          Ðánh đĩ mười phương phải chừa một phương  để lấy chồng . Mấy đứa làm gì thì làm , không được gây phiền hà ở đây .
 
Ðương nhiên là chúng tôi hiểu bà  muốn nhắc  đến việc gì .
 
Bà  cụ sống đơn độc . Ðứa con  trai duy nhất  đi lính Biệt kích sau 1975 không về ! Thời gian chờ đợi đã 5 năm  dài , không một tin tức . Ðêm đêm mùi nhang  thoang thoảng thường làm tôi ứa nước mắt . Bà cụ ngồi  như một pho tượng dưới «tầng» dưới . Góc bàn thờ  bé xíu  ngay bên vách giường của bà là hai tấm hình một phong sương,một trẻ măng .  Lúc nào  mở mắt  , nhìn  xuống khe vách , tôi đều thấy bà  ngồi  bất động với cỗ tràng hạt đen bóng  trên tay . Chưa bao giờ tôi thấy bà  than thở với ai điều gì . Bà sống  lặng lẽ , không mất lòng ai , không nói chuyện ồn ào với ai . Bà là một cái bóng hiền từ và lặng lẽ .
 
Bà cho dân  chạy hàng mối thuê căn chính nên bà chỉ còn một góc  là không gian yên tĩnh. Hàng mối  đều là hàng lậu , dân  buôn trà và cà phê từ Bảo lộc về  bến đổ  xa cảng Miền Ðông sát Viện Hóa Ðạo . Giờ hoạt động  bất thường  và  đều có lót tay hậu hĩnh cho đám công an nên chúng tôi cũng nhờ đó mà đi đi về về , dù có bất thường cũng không làm  ai  cảm thấy lạ lùng . Bên cạnh  nhà là hai ba căn  của giới  chị em giang hồ phiêu dạt. Có những đêm  chị em rước khách ngay tại nhà . Chúng tôi sống trên  một căn gác lửng , như một cõi thiên thai  giữa đời trần ô  trược. Chứng kiến hàng ngày bao điều hỉ nộ ái ố , buồn vui giận hờn đầy vơi  nước mắt .
 
Vì các  vách nhà đều là những miếng carton hoặc  gỗ ván mỏng nên  khó  ai dấu  hàng xóm được trọn vẹn  những sinh hoạt của mình . Bốn anh em tôi  đương nhiên không qua mắt  hoàn toàn được  mấy  chị em phiêu dạt . Một hôm , một ngươì khách vẫy  xe tôi dừng lại  khi đang chạy  trên đường Hồng Bàng. Tôi  bẻ lái vào lề đường . Người phụ nữ bước lên xe ngồi  là người hàng xóm của tôi , sát vách.
 
Chị ngồi lọt thỏm  trong lòng chiếc xích lô cà tàng , vắt vẻo  chân phải gối lên đùi chân trái mặt quay lại ngước nhìn tôi . Tôi chỉ biết  cười mếu máo ! Tôi chưa bao giờ nói chuyện với chị bao giờ . Trong hoàn cảnh này thì  lại  khó  nói hơn , vì chắc chắn  dù cho  chị có bảo tôi chở đến đâu đi nữa , đương nhiên tôi sẽ không  nhận tiền xe . Cả hai  có lẽ đều chờ người khác lên tiếng trước . Bánh xe  vẫn chầm chậm lăn  , đụng bùng binh  Nguyễn Tri Phương , tôi chạy hai vòng vẫn không thấy  chị kêu  chạy hướng nào. Vòng thứ ba tôi chịu hết nổi , hỏi .
 
-           Má về đâu… má ?
 
Chị phá ra cười, xoay nghiêng hẳn người , đầu gối  lên một giá sắt mui xe , buông một câu  lãng xẹt .
 
-          Ðâu cũng được !
 
Bỏ mẹ rồi ! Gặp thứ bán giời không mời thiên lôi rồi . Thứ này đang buồn đời , điệu này đạp có mà bá thở . Tôi  thở dài đánh sượt một phát   rồi rướn mình  đứng hẳn lên bê đan  , khum tay gò người đạp,  nhắm  đường  về  ngã Phú thọ . Muốn điên thì  cho điên  luôn , cho bà  ra hương lộ với  những  bờ kênh rau muống luôn ! Trời đã nhá nhem , bụng thì đói  cồn cào …
 
Xe qua Bảy Hiền , dông tuốt  qua Bà Quẹo .Lúc này thì chị lên tiếng . Giọng  gàn bướng đã mất . Chị hỏi tôi .
 
-          Anh không sợ à ?
-          Sợ gì ?
-          Khu này hay bị cướp xe xích lô ban đêm !
-          Chị nghĩ  mấy thằng cướp chúng đi cướp cái xe cà tàng  này à ?
 
Rồi tôi hỏi lại , lòng nghĩ là bà ta đã nhuốm  sợ  sệt.
 
-          Chị  muốn quay lại chưa ?  Sợ chưa ?
-          Ði với mấy anh  thì sợ gì nữa !
 
Câu trả lời làm tôi chột dạ .  Ẩn trong giọng nói ấy  hình như mang mang một  tâm sự , một nỗi buồn  và một sự hiểu biết nào đó vượt quá tầm mong đợi của tôi …
 
-          Chị quá tin người rồi. Chúng tôi chỉ là những đứa nhà quê  ra tỉnh  kiếm ăn .
-          Anh không dấu được tôi đâu …
 
Tôi giữ giọng bình thản , dù lòng đã phát hoảng .
 
-          Chúng tôi sao dấu được người thành phố . Mà có dấu  cũng  đâu tội tình gì ! Nhà quê đâu phải là  điều  đáng xấu hổ !
-          Anh  coi thường  người chung quanh  quá đấy . Những chị kia  anh có  thể dấu được nhưng tôi thì không …
 
Xe lăn bánh  trên đường vắng  , có lúc nhấp nhổm lộp cộp trên những ổ gà , hai bên  ánh đèn nhà  đã lên , hắt vàng vọt ra đường những ánh sáng nhạt nhòa. Thấy  xót  xa cho người con gái ngồi trên  chiếc xích lô  đang rã rệu , nệm ngồi mỏng dính đã rách bươm…Tôi dừng xe , đứng  xuống đất  để xoay vòng đầu  lại  nhắm về  nội thành. Người phụ nữ phiêu dạt  ngồi lặng lẽ ,bất động trên xe .  Khi tôi  dợm bước chân lên bê đan  để nhảy lên yên . Chị ngoái hẳn mặt lại nhìn tôi , hai khuôn mặt  khá gần nhau , ánh đèn hắt ra từ một  cửa nhà cho tôi  nhìn thấy một đôi mắt đàn bà đã  ướt  , long lanh trong ánh điện nhập nhoạng .
 
-          Sao không sống bình thường như những người khác ?
-          …
-          … sao chống  lại họ được !
-          …
-          … tôi hơn anh  vài ba tuổi thôi. Tôi bắt đầu vào Văn khoa thì trời sập …
-          …
-          … Ba tôi  ra Bắc . Từ ấy đến giờ không tin tức gì cả …
-          …
-           … mẹ tôi  mất  trước  hồi sập tiệm…
-          …
-          …Cư xá họ đuổi ra Lê Minh Xuân . Tôi trốn về , với đứa em . Nó đi rồi ! Tới Thái lan rồi ! ..
-          …
 
Người phụ nữ  độc thoại . Những lời thoại chầm chậm như tiếng búa nện  lên những đầu đinh một chiếc nắp quan  tài ! Tôi đạp loạng choạng . Nước mắt ứa ra  khi nghe tiếng gào lên  của người thiếu nữ  sau tiếng gọi  « Ba ơi »  nghẹn ngào ! Đoạn đường  với những ruộng  ao rau muống đã bắt đầu có những  con nhái óc ách cất tiếng kêu  ngại ngần  cho một  không gian đêm bao la mới .
o
Mọi người tưởng rằng bà cụ sống vô tình không quan sát  đến ai . Tất cả đều đã lầm . Một  buổi  chiều  tối , ánh đèn đã lên . Quanh mâm cơm  đủ năm người . Duyên  mua đâu được ký cá rô đồng, chạy đâu ra  mấy miếng da lợn , nửa  băm cá  nấu canh rau ngót,nửa chiên dòn rụm . Ánh than  hồng  trong chiếc lò hắt  ánh sáng  lên mặt Duyên … ánh mắt tôi vô tình lướt qua làn má  ưng ửng màu hồng tinh khôi  làm lòng tôi  hốt nhiên  cảm giác như  xửng vửng , tôi vội hướng  nhanh tia nhìn  sang hướng khác , đậu lại trên  những miếng than  bùn đá  đang  đỏ rực  trước khi nhận ra ánh mắt  bà cụ  cũng vừa lướt nhanh  qua  mặt tôi và Duyên .
 
-          Duyên nay bao tuổi rồi con ?
-          Dạ , con 18 hơn chút...
Duyên đáp nhẹ nhàng , tay  thoăn thoắt sới  cơm cho ba thằng thanh niên giời đánh  .
-          Cơm  canh ngon không mấy đứa ?
Cả ba chúng tôi đều dạ như cái máy . Miệng vẫn nhồm nhoàm nhai  nhai nuốt nuốt  .
-          Này mà có cơm trắng  thì  còn  ngon hơn biết  bao nhiêu …
 
Bà cụ  vừa nói vừa gắp  một miếng cá đưa lên bát Dũng  .
 
-          Con Duyên  nấu khéo   mà mấy bây không  biết  nói câu nào  khen  cho nó mát ruột .  Con gái khéo chỉ mong có chừng ấy . Mấy đứa thiệt … biết gì gì đâu không…
 
Ba thằng thanh niên gà tồ nghe bà cụ nói  mà vẫn thộn mặt  ngớ ngẩn .Phần đuôi mắt bà cụ sau câu nói  lại như nhìn vào tôi !  Duyên  tản câu chuyện sang hướng khác , có lẽ đàn bà họ dễ cùng nhau  hiểu  nhanh hơn những mớ chữ nghĩa  nửa chừng kiểu này …
-          Mấy bữa  nay không thấy chị Thu  bên hàng xóm ?
 
Không khí  tự dưng như khựng lại .  Thu  là ngươì thiếu nữ cách đây hơn tuần tôi đạp xích lô ra mãi  Bà Quẹo. Trong nhà ai cũng biết  Thu làm gái bán hoa , có điều là  không thuộc hàng chớt nhả  và  chỉ có hàng xóm cận thân mới biết . Thu sống  thu mình như một chiếc bóng nhưng  mỗi khi hàng xóm có ai  khó khăn , Thu  đều dúi tiền vào tay bà cụ chủ nhà  chúng tôi ở , bảo bà cụ giúp ngươì khác nhưng đừng nói  là tiền của Thu . Chuyện này chỉ trong nhà chúng tôi  biết với nhau  . Ngay như chúng tôi , cũng có khi Thu  bảo xích lô chở  năm mười cân gạo vào tận nhà , đưa cho Duyên  hay đưa cho bà cụ . Chắc chắn Thu  đã có những lúc nhìn sang mâm cơm của chúng tôi , bốn đứa chỉ một nồi cháo bobo cho một ngày với bát nước tương . Chắc chắn  Thu biết có những lúc Duyên ngồi khóc một mình khi bốn chúng tôi  không xoay nổi ngày hai bữa  cơm độn, đêm nằm trên căn gác ọp ẹp , chiếc mùng lớn là hai  thằng thanh niên trằn trọc vì cái đói  , chiếc mùng nhỏ là Duyên  bắt chước  bà cụ , ngồi như một pho tượng ! Thằng thứ ba đương còng lưng trên chiếc xích lô cà tàng… và còn những âm mưu ! Còn những  người trong bóng tối mà Thu  chỉ hình dung ra phía sau  chúng tôi …
 
-          Cô ấy đi rồi !
 
Tiếng bà cụ như gió thoảng .
 
-           Về quê hả bác ? - Tiếng Duyên hỏi bà cụ .
-           Quê đâu mà về ! Nó là người Sài gòn này mà . Sanh ra ở đây . Lớn lên ở đây …
-          Vậy cô ấy đi đâu ?
-          Ðài loan !
 
Cả ba đứa con trai đều chưng hửng . Ðài loan ! Một đất nước xa xôi và chắc chắn là tự do ! Một nơi đến  ước mơ  của những kẻ  hải hồ …Và một người đàn bà trẻ đẹp từng có những ngày tháng đau khổ sát  cận  đời sống chúng tôi , chỉ cách một bức vách cạrton mỏng dính  mà mỗi lần phảng phất mùi nước hoa  là đi theo những  tiếng động thầm kín của xiêm y mềm mại. Những thứ tiếng động  có khả năng làm cho những vành tai của bọn thanh niên mới lớn  biết động đậy . Những tiếng động có lúc làm Duyên khe khẽ buông tiếng thở dài  trong đêm  trường ồn ã  đầy hoang vu giữa lòng thành phố…
 
-          Ðừng coi thường  cô ấy !
-          …
-          …
-          Bố  đi tù  chắc đã chết  rồi . Mẹ cô ấy mất trước 75 , cũng mất ngoài đơn vị của chồng . Nghe đâu là  bị pháo .
-          …
 
Tiếng bà cụ  rời  rạc  như những hạt cơm độn sắn khô khốc  « … Thu lấy một người Ðài loan  để trả món nợ của đứa em sau hai lần vượt biên . Cô ấy là giới bán hoa hạng sang trong Chợ Lớn … » . 

O

Duyên và Dũng từ Sài gòn về Vĩnh Long hai ngày sau thì xuống Cao Lãnh rồi hai ngày sau mới đánh vòng về Long Xuyên . Từ Long Xuyên đi xe lôi về Rạch Giá. Dũng là dân bờ bụi , giọng nam giọng bắc  gì Dũng cũng nói được . Duyên  không kém . Những ngày tháng tranh sống  ở ngã ba Hàng Xanh với chiếc xe bánh mì  của một người  chung tổ chức … đã biến Duyên thành cô gái  có thể hóa thân  vào mọi  hoàn cảnh. Tôi chờ tin  của anh em Dũng tới điểm  hẹn  nơi một gia đình  người Tiều  mới  kêu Hòa xuất phát  . 
 
Ba tuần trước , linh mục Nhật  đã nhắn tin cho chúng tôi là phải rời khỏi đất nước ! Tổ chức  tuy vỡ từ 1978  thủ lĩnh là linh mục Vàng dòng Chúa Cứu Thế  bị tuyên án chung thân nhưng vẫn còn duy trì một số ổ nhóm  có vũ khí  đến tận bây giờ . Sự cố  đột ngột là có  một nhóm nữa vừa vỡ . Nhóm này rất có thể  sẽ  chịu đựng không nổi  sự tra tấn dã man mà khai ra nhóm chúng tôi . Nhóm vừa bị bắt  liên quan đến linh  mục Vũ Khánh Tường ở Sài gòn . Linh mục Nhật báo có chuyến ghe cũng của một nhóm công giáo khác   sẽ đi từ Rạch Giá . Quá gấp nên  chỉ là thuyền nhỏ và chắc chắn phải nhắm băng ngang vịnh Thái lan !  Tôi  ít hơn Dũng một tuổi , ít hơn Hòa hai tuổi nhưng là trưởng nhóm , nhận chỉ thị là  phải thi hành . Ðiều lo lắng  là Duyên . Vượt Vịnh Thái lan , chuyện hải tặc là chuyện khó tránh . Tôi bàn  với Dũng là  ba thằng đi nhưng  Duyên ở lại , chờ chuyến sau  , chọn những chuyến  ghe  mạnh  và hướng đi là Singapore hoặc  Mã Lai,Nam Dương . Duyên biết được , giận tím mặt. Ðêm ấy nằm lỳ  lại  nhà chủ xe bánh mỳ  , nhịn đói hai ba ngày nhất định không về nhà  ở Petrus Ký … Dũng bắt tôi phải đi nài nỉ em hắn  về . Tôi bảo sao lại là tôi mà không là Dũng . Dũng  cúi đầu  bảo rằng có những điều tôi phải tự hiểu lấy !  Duyên đã về vơí điều kiện phải được đi cùng chuyến . Sống cùng sống chết cùng chết . Lần đầu tiên Duyên quát vào mặt tôi «…sống cùng sống chết cùng chết , anh biết chưa !». Mắt Duyên đỏ lên như một con mụ điên , trừng trừng nhìn  vào mắt tôi !
 
Hòa xuống Sóc Trăng , từ Sóc Trăng  về Rạch Giá. Tôi đi  từ Sài Gòn về Cần thơ rồi  đáp ở Châu Thành . đây là điểm  xuất phát  của chúng tôi , bằng đường con sông Cái Lớn để ra  cửa  biển  phía Rạch Sỏi. Tháng 3 trời khô ráo , gặp lại anh em Duyên Dũng  nước da đen nhẻm . Duyên đầu trần đen  đủi đến mức không ngờ . Gặp nhau , nhìn tôi , Duyên như một người xa lạ , không  tỏ vẻ hỏi han ân cần như hàng năm qua  sống đời đói khổ cùng nhau . Chẳng biết nghe ai , Duyên  tìm dầu nhớt cũ trét lên đầy cả người và đầu mặt . Móng tay cắt cụt lủn mười đầu sưng tấy  không biết do ngâm  thứ thuốc gì , hỏi  thì không nói .
 
Ðêm đầu tiên  gặp lại nhau  , bốn đứa trú  ở một  căn lều  trong một vườn dứa  và dừa gần bờ sông Cái Lớn .  Tôi gọi cả  ba ra  bờ mương thay phiên bắt tập đi trên bờ bùn  vì tôi  biết chắc  khi gặp hoàn cảnh phải trốn chạy , cách bấm chân  trên mặt đường  bùn   hoặc bờ ruộng trơn những người thành phố sẽ không  biết đàng nào mà lần . Trong đêm  đi trên đường ruộng , cách nào là cách  phân biệt đâu là vũng nước  đâu là đất cứng , bởi cảnh  ruộng dứa kiểu này , ngã trên luống dứa năm bảy lần liên tiếp là coi như tiêu tùng . Ðúng như tôi dự đoán , cả ba thi nhau ngã sõng soài khi phải từng người một chạy theo tôi trên bờ  mương  .  Phải đêm thứ ba , cả ba mới đi đứng tự tin được trên các đoạn đường bùn . Tội nghiệp Duyên . Cô ta không cho tôi  nắm giữ tay  nên ngã chúi nhủi rất nhiều lần, mỗi lần ngã quần áo  mặt mày lấm lem đầy bùn  đất  , không kêu ca  , nghiến răng bò dậy rồi  tập đi tiếp . Ðêm xuống sâu , cả bốn  chui trong một cái mùng , muỗi vô hồi kỳ trận ! Nhiều  kinh hoàng đối với người thành phố . Ba  thằng thanh niên chia nhau  vừa canh  thức vừa ngủ . Cả đêm người thiếu nữ bó gối ngồi  nhìn ba đứa đàn ông , một là anh ruột  mình  , sau anh ruột mình là  hai người đồng chí đã từng gần  hai năm gắn bó gian lao cùng  nhau dưới  chung một mái  nhà lều chõng giữa thành phố  từng mang tên hòn ngọc của vùng viễn đông  .
 
28 trời đêm  đen  như mực . Bốn đứa lần mò xuống xuồng. Hai chiếc xuồng con  nhẹ nhàng đưa bốn đứa ra đoạn sông lớn  . Duyên  nhất quyết  đòi ngồi chung xuồng với tôi . Xuồng chòng chành , tôi ngồi sau  đưa tay đỡ lưng Duyên , Duyên bảo để  rồi sẽ quen , không cần tôi giúp !  Tôi bắt đầu khó chịu vì tính tình đột nhiên kỳ quặc của  đứa con gái em bạn thân của mình , vốn dĩ hết sức ngoan ngoãn từ ngày  gặp nhau  .
 
Cập thuyền lớn  tôi có hơi ngỡ ngàng . Thuyền khoảng 11 mét , ngang  khoảng mét rưỡi , có máy đuôi tôm phía sau  kèm với một máy mạnh  chuyền  động cơ cho chân vịt . Tổng công chỉ có 19 người kể cả 4 ngươì chúng tôi . Tất cả đều được dặn dò trước , tuyệt đối không hỏi han  quê quán  hay tên tuổi của nhau , đặc biệt là  không hỏi về  tổ chức . Trên  thuyền  có bốn người phụ nữ  khó nhận được tuổi vì mặt  mũi  da dẻ đều  giông giống như Duyên , nghĩa là đen đủi một cách kỳ lạ bởi dầu nhớt và phơi nắng  . Cabine thuyền  có 6 khẩu ak , khoảng  hơn chục băng  đạn  loại  băng cong và một túi cói  đầy đạn. Tài công rắn rỏi  cũng  là hoa tiêu . Người đứng trong cabine nhỏ giữ  cần lái  được biết là  thuyền  trưởng . Tôi chỉ  được biết  đó là một người  Bắc  công giáo , đơn vị hoạt động gốc là Mặt trận Kháng chiến Liên tôn ở Gò Công . Hiện hoạt động độc lập . Ðây cũng chính là người chịu trách nhiệm chính của chuyến đi . Nhóm 4 người chúng tôi là nhóm cuối cùng lên thuyền . Tiếng máy  ùng ục nghe rất chắc chắn, đầu ống bô dẫn  sát với mặt nước . Ðúng  mười một giờ đêm  thuyền  kéo neo xuất phát . Ống bô  chìm được  tháo . Sáu cây súng  chia  đều cho hai bên sườn  thuyền. Dũng  thủ một cây với hai băng cong đã cuốn thung chặt thành một. Tôi như thói quen ,  móc bốn trái lựu đạn vào  dây thắt lưng . Ðêm thật nhiều sao  , tấm bạt đen được kéo ra gần đầu che mui thuyền. Thuyền  từ  từ ra cửa biển . Trạm gác cửa biển  địa phận Rạch Sỏi dần hiện ra . Chiếc thuyền  nặng  chịch chở  gỗ  phía trước đã  bị ách lại, thuyền  19 người  sáp đến gần trạm . Giàn  lưới  nghi trang  đã xếp thứ tự cẩn thận  cạnh  lớp bạt được kéo hở một nửa thuyền . Sáu cây súng  đạn đã lên nòng. Lựu đạn  đã cầm sẵn trên tay nhiều người. Tất cả là một sự im lặng khó diễn tả . Tiếng sóng ọc ạch  đánh vào mạn thuyền mỗi lúc mỗi mạnh hơn .Tiếng máy  nổ đều đặn  vô tình . Mùi biển cả đã  tràn trong không khí . Bỗng hai tiếng súng  ak chát chúa vang lên . Ðạn bay chíu qua đầu . Tôi hít mạnh một hơi dài , chuyền  trái lựu đạn sang tay trái , tay phải đưa lên mặt làm dấu thánh giá . Một bàn tày nhỏ nhắn bám vào bắp tay tôi , rồi hai tay nắm chặt lấy tay tôi như kiểu sợ tôi sẽ chạy mất. Có tiếng quát  rất to « Ðm vào  sát  chút nữa coi …» . Thuyền tôi vẫn  chòng chành đứng yên .Tất cả những cái đầu đều  đã nằm hoặc   hụp sát  xuống  thành  ghe . Lại có tiếng quát  « Ðm , thằng kia  không đi đi , sớ rớ đó làm gì …». Tôi thở phào nhẹ nhõm , cảm thấy đau nơi vai , nhìn  xuống là nét mặt Duyên  đang cực kỳ căng thẳng , hàm răng đang cắn  chặt vào vai tôi …
 
Con thuyền  xả máy lớn , chồm lên  lao về phía trước . Bài bản  đã sửa soạn thực tế diễn ra  trùng khớp .  Con tàu chở gỗ là con tầu buôn , thứ ấy  mới có  ăn  chứ mấy con thuyền đánh cá ven biển thì ăn nỗi gì .  Thuyền chỉ có 19 người , đít thuyền  nhẹ tênh , mắt nào thì cũng tin là  thuyền ra cửa biển  để đánh cá . Thuyền không lớn  để  ngươì ta có thể dễ dàng hình dung sự vượt biển ,tài công  lại hết sức bình tĩnh  nhắm  trạm đâm vào.
Tiếng sóng mỗi lúc mỗi ầm ào hơn . Màn đêm mênh mông vô tận .Thuyền nhấp nhô hụp lặn đội sóng . Cảm giác  bao la của biển cả  ùa vào từng  mạch máu của đàn người  vừa  đối mặt  một trận tử chiến hứa hẹn cực kỳ khốc  liệt  .Tấm bạt che được rút lại  , ánh sao  sáng  của chùm bắc đẩu cho tôi biết  mũi thuyền  chính xác  nhắm hướng tây nam  để đâm vào Vịnh Thái Lan . Mối lo thứ hai  mỗi giờ mỗi hình thành lớn  lao hơn : Hải tặc !
 
Thuyền vươn cao,vật vã đâm sâu vào màn đêm hoang vắng. Hai tiếng  qua  rồi bốn tiếng ! Sóng  mênh mông chập chùng, biển êm không gió giật . Mặt trời đã le lói  đỏ hồng  phía tay trái .Trên thuyền hầu như mọi người  dưới  khoang đã ngủ mệt sau những ngày giờ chờ đợi và trốn  tránh căng thẳng . Hòa  nằm dựa mạn thuyền ngoẹo đầu ngủ say . Dũng  đã tháo băng đạn, ôm cây súng ngủ ngon lành. Tôi không dám nhìn Duyên  vì biết Duyên không ngủ , nằm tựa mặt vào vai tôi cơ hồ lúc nào cũng sợ tôi  bỏ trốn. Ngước  mặt nhìn  lên hướng ca bin , người thuyền trưởng  đứng cầm cần lái , miệng  ngậm hờ hững  điếu thuốc rê , mái tóc cắt ngắn  đã chớm bạc. Ông nhìn xuống gặp ánh mắt tôi đang nhìn ông . Một cái nheo mắt  và bàn tay  đưa lên với ngón cái chỉ lên trời  . Nhân dáng một người lãnh đạo hiếm  hoi . Tôi thầm nghĩ vậy , đưa tay vô tình  bóp vào chỗ đau  của bắp vai . Duyên đầy tay tôi ra , lấy bàn tay nhỏ nhắn che lên vết cắn rướm máu , như một đứa bé  con  bị người lớn bắt qủa tang đang ăn vụng …
 Mặt trời  lên rực rỡ , ánh sáng chói lòa . Bỗng  mũi tàu quay chếch hẳn về hướng tay trái ! Một cảm giác rờn rợn chạy nhanh qua sống lưng . Tôi liếc nhìn xuống Duyên . Cô bé  giờ lại nhắm mắt ngủ , hiền lành như một con chó con  bó hai tay gọn  giữa lòng đùi . Ðưa mắt sang Hòa . Hòa thất sắc , tay mân mê trái lựu đạn đeo ở dây lưng quần . Bên cạnh Hòa , Dũng cúi xuống  khẽ đút băng đạn vào ổ súng . Tiếng cạch khô khốc vang lên . Tôi ngước nhìn chếch lên cabin .Cả tài công và thuyền trưởng đứng trên cabin, tay  người  đàn ông tóc hoa râm cầm chiếc ống nhòm mặt đanh lại .  Hầu hết những ngươì trên thuyền đã  tỉnh táo hẳn. Duyên mở đôi mắt như  muốn rách khóe hết nhìn  mặt tôi lại nhìn mặt Dũng , ngón tay  út và áp út  giật  giật  liên hồi . Từ gần hai năm qua , đây là lần đầu tiên tôi thấy cô bé  lộ  ra sự sợ hãi . Và là sự sợ hãi cực độ . Ba ngươì đàn bà kia đều tái xám hết mặt mày,mắt đeo  dính lấy  ngươì đàn ông thuyền  trưởng . Tiếng ông cất lên , giọng Bắc rõ mồn một .
 
-    Ở dưới lườn thuyền có hai khẩu ak , đạn đã ráp sẵn , chỉ rút  cao su  bọc mũi súng ra là bắn được . Súng  kẹp bằng  hai nẹp gỗ , có  chốt và đệm cao su ở phần đầu mũi súng, giật ngược  về phía đầu tàu là súng bung ra .
 
-    Như đã thỏa thuận trước ,  cần nhất là  sự sống  … nên  phải tránh  tối đa sự  đụng độ . - Ông  nhìn mọi ngươì  rồi kết luận  - Tôi và tài công sẽ  điều đình , mọi người  đừng  vọng động .
 
… chừng 40 phút  , một chiếc tàu  gỗ mũi cao săm săm  tiếp  cận  thuyền chúng tôi , cách chừng trăm mét  tiếng  ak đục  đặc  rải từng tràng  , ý  ra lệnh ngừng lại . Thuyền trưởng và tài công vẫn xả hết tốc lực cả máy đuôi tôm  lẫn  máy  gầm . Súng ống  được dấu hết  xuống sàn thuyền . Cuộc rượt đuổi bắt đầu  kịch liệt. Cả hai tàu  và thuyền  đều xả khói đen , đạn bắn  vun vút phát ra từ phía tàu hải tặc . Tôi  nhìn  mọi ngươì rồi nhìn xuống Duyên tôi nghiệp bé bỏng  đang ngồi phủ phục , tay lật bật  cầm cỗ tràng hạt miệng lắp bắp không thành lời .  Cố bé đã quá sợ . Điều sợ hãi kỳ lạ của đời  người con gái  tinh trong …
 
Khoảng cách thu ngắn dần  sau gần nửa giờ  rượt đuổi . Gần tiếng sau  coi như  con thuyền đã bị khống chế  . Cách chừng 50 mét , mọi người nhìn rõ mồn một một  cây phóng lựu B40 đang lăm lăm chĩa vào con thuyền tỵ nạn . Tôi rụng rời  tay chân ! Đây là  tình huống  ngoài hẳn kịch bản ! Nhìn sang Hòa . Hòa lắc đầu , đưa tay gỡ mấy trái lựu đạn trên dây thắt lưng của tôi . Vừa gỡ vừa nói .
 
-          Mày  là chỉ huy . Không có quyền chết . Nhớ đấy…
 
Nhìn sang Dũng , Hòa đưa tay giật lấy cây súng trên tay  Dũng . Tiếng  người thuyền trưởng cất lên .
 
-          Đừng để lộ thái độ chiến đấu  . Quay  cho thuyền  xoay  ngang chống  sóng !
 
Là người  chắc chắn đã quen trận mạc , chắc chắn ông đã hiểu điều Hòa  muốn gì sau câu  nói với tôi và Dũng  . Tàu chao nghiêng cưỡi sóng  đúng lúc Hòa lăn mình trườn lộn ngược ra khỏi thuyền lao xuống biển . Tôi nhìn Dũng , nhắc lại lời của Hòa :” Không được chết” . Duyên  hình như đã hết sợ , bàn tay  tỉnh táo  bám vách thuyền nhìn về hướng tàu hải tặc . Nhóm còn lại tất cả đều đã trong tư thế chiến đấu.
 
Tàu hải tặc  áp sát thuyền , mấy cây súng bên thuyền đã dúi  xuống đám  lưới cá. Hòa ọc ạch lúc lặn lúc trồi  phía khuất tầm nhìn của tàu hải tặc . Bẩy tám  thân hình lực lưỡng đen xì  chỉ bận xà rông đứng  lừng  lững trên mạn tàu  cướp , tay búa tay súng  ra hiệu từng người trong chúng chúng tôi  dồn về phía mũi tầu ,một nửa phải nhảy  xuống nước. Bốn người phụ nữ ngược lại  phải chui vào  cabine để ngồi  phía đuôi tầu .  Tất cả bốn người đàn bà đều tỏ ý chống lệnh của nhóm cướp . Một tràng súng  nổ , quất sụm tức khắc  người đàn ông của nhóm đang đứng  gần bụng thuyền nhất , đó có tài công !  Bốn người phụ nữ rú lên  , ngồi thụp xuống .  Hai  bóng người  lực lưỡng cổ đeo dây vàng có tượng đức Phật  nhày  sang thuyền  nắm ngay lấy bắp tay Duyên  xoay người quẳng  Duyên  như một con gà con  bay lên tàu lớn . Ba người đàn bà còn lại được đưa sang tàu bên kia chóng vánh . Bốn mũi súng ak nhắm trực diện vào đám đàn ông . Cuối tàu lớn   vẫn  im lìm mũi quả hoả tiễn phóng lựu  B40 !..
 
Chúng ra hiệu  hỏi vàng dấu ở đâu , đưa ra cho chúng .  Người thuyền trưởng giơ lên  một cái  bao  nylon nhỏ . Chúng hỏi bằng tiếng Anh lơ lớ  là có bao nhiêu . Thuyền trưởng trả lời 30 lượng . Chúng cười hô hố rồi nhổ toẹt bãi nước bọt  xuống  biển sang phía chúng tôi .  Tiếng thuyền trưởng vẫn nhắc nhở qua kẽ răng  “ phải bình tĩnh , phải giữ mạng sống , chết càng ít càng tốt …” . Ông  ra hiệu  xin nói chuyện .  Thằng có vẻ là  chỉ huy tàu cướp dệnh dạng từ trong cabin cúi đầu bước ra , đứng  nửa chân lên thành  tàu gỗ  chắc  nịch . Nói độc một chữ  “Thoóc !“ .  Vị thuyền trưởng khum tay làm loa , nói chậm tiếng Anh từng tiếng một , đại ý  rằng chúng tôi là  nhóm người chống cộng sản , tìm tự do , không có tiền bạc , 30 lượng là vốn liếng duy nhất , xin  rộng lượng giúp đỡ cho chúng tôi vào đất Thái…” Đáp lại lời chân tình  của vị thuyền trưởng ,  tên chỉ huy  khua khua tay  tỏ ý không hiểu …rồi đi vào cạnh cửa  cabin . Lúc này  bốn người phụ nữ đã bị xé áo . Chúng lấy dầu xăng đổ lên đầu tóc  vào  cả bốn người rồi hai ba đứa đưa tay  thô bạo kỳ cọ  ! Tiếng gào của Duyên làm tim  tôi như có ai  thò tay vào bóp  nát! Tiếng cười khả ố  vang dậy khi cả 4 thân hình lồ lộ hiện ra  sau khi lớp nhớt cặn được rửa sạch . Hai tên nữa nhảy sang thuyền tỵ nạn . Một đứa  đưa tay ra dấu thuyền trưởng ném cái túi vàng cho hắn . Khi đã cầm  túi vàng , y  ra dấu  từng người đến gần y . Mọi người đều phải cởi quần áo trước mặt  hai đứa này, chổng mông cho y thọc ngón tay vào sâu hậu môn .  Tất cả nhịn nhục , hy vọng rồi chúng sẽ thả sau khi có được 30 lượng vàng , sau khi khám xét chúng tôi không có bất kỳ thứ gì dấu dắt .
 
Hai đứa mò vào cabin , chúng  mở hết các nắm  thùng dầu  và đổ lênh láng  ra sàn tàu. Mũi dao  đâm nạy tất cả các  ngóc ngách  có khả năng dấu đồ . Chừng  nửa tiếng , cả bốn  nhẩy hết sang tàu  lớn và  bắt  cả bốn  người phụ nữ phải  tự lột quần . Cả bốn ngồi thụp ,không ai đứng lên . Tên chỉ huy đứng gần chỗ Duyên đang ngồi đưa tay chỉ vào người phụ nữ  ngồi sát cạnh Duyên , chị khoảng 30 tuổi ngoài , chắc đã có  hai ba con  vì bầu vú có vẻ nặng nề  sung mãn không như ba  người còn lại . Hai  tên lực lưỡng mỗi đứa cầm một tay chị kéo ra giữa  khoang bụng  tàu, một tên khác  cầm chân kéo tuột  cả quần trong lẫn quần ngoài . Tiếng cười man dại  tự dưng tắt  ngấm ! Thân thể lõa lồ của người  thiếu phụ đương xuân đã làm chúng  bất ngờ . Tôi nghe tiếng lẩm bẩm  của vị thuyền trưởng “Anh em  nhẫn nhịn , mạng sống là qúy nhất . Ta còn  nhiều việc phải sống để làm  cho xong …” . Tôi  nghe tiếng thờ dồn  dập  của hầu như tất cả  những ngươì đàn ông còn lại bên thuyền tỵ nạn . Tay  ai cũng nắm lại. Người thiếu phụ bị vật ra nằm sấp  ,  thuyền  tỵ nạn thấp nên tình cảnh bi thương  không  đánh trực diện vào đầu  óc  của  đàn người tỵ nạn. Hy vọng mong manh cuối cùng là chúng sẽ thả hết  mọi người sau khi lục soát từng phân vuông trên thân thể từng con người . Hy vọng tràn trề , dù là mỗi người  đều đang có cảm giác  tự lường gạt mình …
 
Duyên là người cuối cùng , tự cô  đứng lên lột quần, và lần đầu tiên trong khung cảnh bi thảm não nề , tôi thấy chiếc quần lót của Duyên lại chính là  chiếc quần lót  duy  nhất của tôi , chị tôi may cho từ vải dù của quân đội cũ. Lần đầu tiên trong hoàn cảnh trái ngang , tôi biết Duyên đến nỗi không có được một chiếc quần lót cho ra quần lót … trong suốt  thời xuân nữ hoa mộng . Tất cả những  gì có được , Duyên đều  dành cho chúng tôi !..
 
Duyên thản nhiên cúi xuống chờ hành vi thô bạo ! Một  tên  bước đến gần Duyên nhưng tên chỉ huy đã nói gì đó . Y đứng lại , ra hiệu cho Duyên mặc lại quần rồi đẩy Duyên vào cabine . Một tiếng nói  lớn giọng hơn bình thường của thằng chỉ huy cất lên khô khô khốc  . Ầm ! Tiếng đề ba  vang lên  gần như đồng lúc với  tiếng nổ của B40 nhắm đúng phần  đuôi khoang thuyền tỵ nạn ! Mũi thuyền xoay ngang hất mọi người xuống nước . Tôi  nắm vội mớ thừng  móc ở đầu thuyền .  Dũng bật ngược lại lên thuyền , chắc chắn  chủ ý của Dũng là nằm úp lại  trên thuyền  gỡ súng AK để quật lại .  Tôi  bất lực trong hoàn cảnh này  vì tôi không  biết bơi !  Những tiếng súng  chát chúa  lại vang lên bên tàu cướp , tôi  ngoái nhìn sang tàu cướp đúng lúc thân hình Dũng bật  ngửa rơi xuống nước trước mặt tôi , lưng  cắm ngập một lưỡi  búa  thái , tay  còn cầm sợi dây  lưng tòn ten mấy qủa lựu đạn.  Trên thành tàu bên kia , hai người phụ nữ lõa lồ , một ôm một cây Ak  không biết đã giựt được của tên cướp nào ,một cầm  cái  búa cùng  húc vào phía cabine ! Đạn từ trong ca bin tàu hải tặc  bắn ra   và đạn tử lườn thuyền  trồi lên bắn lại . Cách tôi  ba bốn  mét , giữa những cơn sóng  xô  dạt dào là ngươì thuyền trưởng  trồi lên hụp xuống như một con rái cá  với cây Ak  khạc  ba viên một  ba viên một. Tôi hoa mắt thật sự ! Cả quãng đời  niên thiếu phá phách ngang tàng của tôi , cả  những năm  hoạt động  chống  đối chính quyền cộng sản ,  chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ phải chứng kiến cảnh  tượng bi hùng   và tận cùng  đau thương thảm khốc đến thế này !
 
Tôi  là người nhát nước . Mệnh thổ có lẽ  hầu hết đều nhát  nước .  Bị hai lần suýt chết đuối  , khả năng  chiến đấu dưới nước của tôi  trở nên cực kỳ tệ hại . Thuyền đang dần chìm !  Tiếng súng  vẫn còn  săn nhau  từ cả hai hướng . Bỗng một  thân hình  vọt cửa cabine tàu  cướp phóng xuống biển hướng về phía tôi . Duyên ! Miệng Duyên đầy máu , phun phì phì trên mặt  nước biển . Cổ Duyên cuốn một sợi dây thừng  kéo theo can nước trống rỗng ! Đạn bắn ngang bắn dọc tới tấp . Máu loang khắp chung quanh người Duyên. Tôi cố nhoài người về phía Duyên  thì Hòa xuất hiện . Hòa sải về phía Duyên , kéo Duyên lại  gần tôi  rồi lặn mất .
 
Chỉ chừng phút sau , ba tiếng  lựu đạn ầm ầm  ầm nổ tan tành chiếc ca bin tàu lớn , lửa  bùng lên dữ dội cho tôi kịp nhìn thấy Hòa từ từ  nghiêng người trên mạn tàu cướp rồi đổ ngang  thân xuống biển . Duyên  hụp lặn  bên tôi , cuốn được  chiếc dây thừng vào cổ tôi rồi chìm nghỉm. Tôi há mồm  quát Duyên không được chết , nhưng nước biển tọng đầy vào ổ họng tôi những lớp bọt sóng và máu của Duyên !..
 o
 ...
Tôi  đến chiếc xe bán bánh mỳ của Duyên ngày  nào . Ngươì bán bánh  nhìn tôi  xa lạ . Rất khó khăn tôi mới nói  ra được tên  người chủ  xe bánh mỳ . Cô  bán bánh  mặt biến sắc bảo tôi đứng coi  xe , dặn tiền  bánh  bán ra sao và tiền thối để ở đâu .  Dáng đi lấp xấp của cô cho tôi hiểu là mọi ngươì  đang vô cùng lo lắng  về chuyến đi .  Hôm nay là  ngày 28 tháng 4 . Đúng một con trăng tôi đã vĩnh biệt  anh em. Một chiếc thuyền cá đã  vớt tôi trên biển và đưa về  U Minh khi tôi không còn biết gì cả . Chiếc bình 20 lít  như một vị cứu tinh thần kỳ . Một chút nước còn  sót lại và  sợi dây thừng  dài  gần 4 mét  đã giúp tôi  trôi nổi trên biển . Cũng chẳng biết là mấy ngày , vì khi vớt tôi , người chủ  chiếc thuyền câu bảo rằng tôi đã mê man  lâu rồi . Đó là một người  gốc Hoa , sợ liên lụy nên  đem tôi về dấu kín , chuyển tôi về Vũng Tàu trên một chiếc thuyền buôn.
 
Cô bán bánh trở lại với  mớ tiền và  một cái bóp , có « giấy tờ» của tôi . Bảo tôi rằng Cha N . cần gặp .
 
Tôi rời chiếc xe bánh mỳ , lòng chập chùng tái tê . Chiếc xe  chỉ tháng trước đây , là em tôi vô tư bán bán nói nói cười cười . Là em tôi với  tiếng quát  thảng thốt «…sống cùng sống  chết cùng chết. Anh biết chưa !.. » . Vành môi ương bướng lúc cong lên  lúc bậm lại  run run giận  dữ !  Tại sao số  phận em lại nghiệt ngã đến như vậy ?  Tại sao , trong những giờ hấp hối  kiệt cùng , em vẫn còn nhớ  rằng tôi là đứa không biết bơi lội ! Giờ này biết  tìm em ở đâu bây giờ ?
 
Mưa rắc hạt đột ngột .Tôi  đi trong cơn mưa bất thường qua cầu Sài gòn . Cô đơn  dâng  lên đến tận cùng . Cuối tháng tư với những lễ lạt bẩn thỉu vô nghĩa .Tôi chẳng còn khóc được nữa . Bạn thân yêu của tôi và những người đồng chí mới gặp vỏn vẹn chưa đầy  một ngày ! Tất cả đã tan vào bọt sóng ! Tất cả đã chiến đấu  và chết hào hùng trước  một kẻ thù vô danh  , bẩn thỉu và hoàn toàn bất xứng ! Lưỡi  kiếm samourai đã phải dùng để giết những con gà dịch  và rồi  bỏ thây hiệp sĩ trên biển  cả lặng câm !..
 
…và tất cả đã chết cho tôi được còn sống ! Tôi sống làm gì nhỉ ? Tôi chỉ là thằng đàn ông đốn mạt  và hèn hạ , hưởng hồng ân  bố thí của  những người đồng chí đã chết ! Trong đó, có những người đàn bà liễu yếu đào tơ, chưa bao giờ  biết đòi  hỏi nơi tôi bất kỳ một điều gì, bất kỳ một thứ gì .
 
 Phạm Thành
Paris 29.4.2014.
( một kỷ niệm chôn vùi …)

Monday, April 28, 2014

30/4

  Chạy giặc 30/4


i, ngày xưa vẫn không bao giờ tin vào tôn giáo, Phật hay Chúa. Nhưng rồi có một chuyện xảy ra trong đời làm thay đổi cả ý đó. Chuyện xảy ra vào đêm 29 tháng Tư năm 1975 và sau đó năm nào đến những ngày tháng Tư, tôi và Minh Hà vẫn nhắc lạ...i cho nhạu.

Năm 1974, ra trường Y Khoa và khóa 21 Quân Y Hiện Dịch, sau khi học khóa huấn luyện sau cùng ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, đến lúc chọn đơn vị. Tháng Ba năm 1975, tôi ra miền Trung làm y sĩ cho Sư Đoàn 3 Bộ Binh, đơn vị đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời quân đội. Chỉ khoảng hai tuần sau, ngày 29 tháng 3, 1975 Đà Nẵng mất và may mắn tôi thoát được bằng đường biển.

Về đến Sài Gòn, tình hình căng thẳng, thành phố rôi loạn, dân chúng tìm đường đi. Tôi bàn với Minh Hà và xin phép bố mẹ hai bên làm một đám cưới, để khi cần, có thể cùng chạy với nhau.

Sau đám cưới, thật nhỏ và thật đơn giản, tôi trở ra Bà Rịa để theo lệnh "tái phối trí" Sư Đoàn 3 Bộ Binh, nhưng không gặp một quân y dược hay nha sĩ nào trong Tiểu Đoàn Quân Y. Đành quay về lại Sài Gòn và trên đường về, tôi gặp một số quân lính của Sư Đoàn 18, từ Xuân Lộc cũng đang thoái lưu về hướng Sài Gòn. Niềm hy vọng cuối cùng coi như sắp chấm dứt.

Chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975, không có phương tiện và cũng chẳng có quen ai, tôi dẫn Minh Hà ra bến Bạch Đằng ở Sài Gòn. Không ai trong gia đình hai bên có can đảm đi thẹo. Căn cứ Hải Quân đóng kín bằng hàng rào kẽm gai. Chẳng mấy chốc đêm tối đổ xuống, vài tiếng súng nổ đâu đó và dân chúng hỗn loạn, không có đường thoát.

Trong đêm lúc tôi và Minh Hà vẫn đi loay hoay quanh bến tàu, có một người đàn bà không hiểu ở đâu ra, gọi với tôi cho biết cổng vào của Hải Quân đã mở. Cả ba chúng tôi cố đi thật nhanh như chạy và len thoát qua được cổng, vào trong căn cứ Hải Quân.

Tàu đầu tiên gặp là HQ-1 nhưng hàng ngàn người đã đứng xếp hàng đợi lên tàu ở chỗ thang lên tàu và chúng tôi những người ở hàng cuối cùng, đứng đợi không có hy vọng đến lượt. Tự nhiên người đàn bà đã dẫn dắt chúng tôi nói với Minh Hà, cho biết đằng sau tàu có người đang leo dây lên tàu.

Thế là cả ba người đi ra phía sau của tàu. Nhưng khi đến chỗ có người leo dây lên tàu thì tôi và Minh Hà không còn thấy người đàn bà đó nữa.

Tôi nắm dây, từ dưới đẩy Minh Hà, nhờ người ở trên kéo lên trước và chính mình leo dây theo sau. Lên được tàu thì chỉ độ hai phút đồng hồ sau lính Hải Quân chặt dây ở thang lên tàu để tàu ra khơi.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975, lênh đênh trên biển chúng tôi được tin Sài Gòn đã mất.

Đến bây giờ tôi vẫn không biết người đàn bà dẫn dắt chúng tôi là ai. Minh Hà tin và tôi đồng ý, chắc chắn là Phật Bà Quan Âm hay Đức Mẹ, đã đến với chúng tôi trong lúc tuyệt vọng.
 
Photo: Tôi, ngày xưa vẫn không bao giờ tin vào tôn giáo, Phật hay Chúa. Nhưng rồi có một chuyện xảy ra trong đời làm thay đổi cả ý đó. Chuyện xảy ra vào đêm 29 tháng Tư năm 1975 và sau đó năm nào đến những ngày tháng Tư, tôi và Minh Hà vẫn nhắc lại cho nhạu.

Năm 1974, ra trường Y Khoa và khóa 21 Quân Y Hiện Dịch, sau khi học khóa huấn luyện sau cùng ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, đến lúc chọn đơn vị. Tháng Ba năm 1975, tôi ra miền Trung làm y sĩ cho Sư Đoàn 3 Bộ Binh, đơn vị đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời quân đội. Chỉ khoảng hai tuần sau, ngày 29 tháng 3, 1975 Đà Nẵng mất và may mắn tôi thoát được bằng đường biển.

Về đến Sài Gòn, tình hình căng thẳng, thành phố rôi loạn, dân chúng tìm đường đi. Tôi bàn với Minh Hà và xin phép bố mẹ hai bên làm một đám cưới, để khi cần, có thể cùng chạy với nhau.

Sau đám cưới, thật nhỏ và thật đơn giản, tôi trở ra Bà Rịa để theo lệnh "tái phối trí" Sư Đoàn 3 Bộ Binh, nhưng không gặp một quân y dược hay nha sĩ nào trong Tiểu Đoàn Quân Y. Đành quay về lại Sài Gòn và trên đường về, tôi gặp một số quân lính của Sư Đoàn 18, từ Xuân Lộc cũng đang thoái lưu về hướng Sài Gòn. Niềm hy vọng cuối cùng coi như sắp chấm dứt.

Chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975, không có phương tiện và cũng chẳng có quen ai, tôi dẫn Minh Hà ra bến Bạch Đằng ở Sài Gòn. Không ai trong gia đình hai bên có can đảm đi thẹo. Căn cứ Hải Quân đóng kín bằng hàng rào kẽm gai. Chẳng mấy chốc đêm tối đổ xuống, vài tiếng súng nổ đâu đó và dân chúng hỗn loạn, không có đường thoát.

Trong đêm lúc tôi và Minh Hà vẫn đi loay hoay quanh bến tàu, có một người đàn bà không hiểu ở đâu ra, gọi với tôi cho biết cổng vào của Hải Quân đã mở. Cả ba chúng tôi cố đi thật nhanh như chạy và len thoát qua được cổng, vào trong căn cứ Hải Quân.

Tàu đầu tiên gặp là HQ-1 nhưng hàng ngàn người đã đứng xếp hàng đợi lên tàu ở chỗ thang lên tàu và chúng tôi những người ở hàng cuối cùng, đứng đợi không có hy vọng đến lượt. Tự nhiên người đàn bà đã dẫn dắt chúng tôi nói với Minh Hà, cho biết đằng sau tàu có người đang leo dây lên tàu.

Thế là cả ba người đi ra phía sau của tàu. Nhưng khi đến chỗ có người leo dây lên tàu thì tôi và Minh Hà không còn thấy người đàn bà đó nữa.

Tôi nắm dây, từ dưới đẩy Minh Hà, nhờ người ở trên kéo lên trước và chính mình leo dây theo sau. Lên được tàu thì chỉ độ hai phút đồng hồ sau lính Hải Quân chặt dây ở thang lên tàu để tàu ra khơi.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975, lênh đênh trên biển chúng tôi được tin Sài Gòn đã mất.

Đến bây giờ tôi vẫn không biết người đàn bà dẫn dắt chúng tôi là ai. Minh Hà tin và tôi đồng ý, chắc chắn là Phật Bà Quan Âm hay Đức Mẹ, đã đến với chúng tôi trong lúc tuyệt vọng.

Phạm Anh Dũng

Phạm Anh Dũng

Sunday, April 27, 2014

Nguyễn Quang Duy

Ưu Việt Của Giáo Dục Tại Miền Nam

Nhân kỷ niệm 30-4-1975, xin được chân thành cảm tạ những nhà giáo dục miền Nam, những thầy cô đã dìu dắt tôi trở thành một người hữu ích phục vụ gia đình và xã hội.
 
Được BBC phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Vương Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Giáo dục xưa nay là một trong những lĩnh vực chịu sự chi phối của chính trị. Thực ra nền giáo dục nào, ở đâu cũng là vậy thôi. Chính trị vẫn cứ đặt ra những mục tiêu, những đích đến và đòi hỏi mọi nền giáo dục phải phục vụ cho nó.
 
Ông Trần Ngọc Vương nhận xét: “Nền giáo dục của miền Nam từ năm 1954 đến năm 1975 có những thành tựu rất quan trọng và cần được tổng kết một cách thực sự nghiêm túc”.
 
Ông Vương cho biết: “Tôi cũng có quen biết những trí thức được trưởng thành trong giai đoạn đó. Một số khá đông trong lứa tuổi của tôi lẫn lớn hơn một chút từ miền Nam cũng là sản phẩm của nền giáo dục của miền Nam cũ, nhiều người trong số họ rất xuất sắc.”
 
Mặc dù ông Vương đã nhìn nhận kết quả của nền giáo dục tại miền Nam, nhưng có thể ông chưa nhận ra chính sự độc lập giữa giáo dục và chính trị tại miền Nam là nhân tố tạo ra kết quả này.
 
Căn Bản Nền Giáo Dục Miền Nam

Vào năm 1958, một Đại hội Giáo dục quy tụ phụ huynh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện quân đội, chính quyền, các tổ chức quần chúng và cơ quan văn hóa giáo dục đã được tổ chức tại Sài Gòn nhằm đề ra một triết lý giáo dục cho miền Nam. Đại Hội đồng thuận chọn ba nguyên tắc dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản.
 
Đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, năm 1964, một Đại Hội khác lại được tổ chức tại Sài Gòn nhằm xem xét lại triết lý nói trên. Kết quả Đại Hội tiếp tục nhìn nhận ba nguyên tắc.
 
Đây là một bằng chứng cụ thể, mục tiêu chiến lược và những đích đến của nền giáo dục tại miền Nam là một quyết định dân chủ hòan tòan độc lập với chính trị. Có chăng chính quyền chỉ chính danh đứng ra triệu tập và tổ chức các Đại Hội về Giáo Dục.
 
Giáo Dục là công việc chuyên môn của những người làm giáo dục

Về mặt quản lý, chính quyền miền Nam đề ra những chính sách và quyết định việc chi tiêu nhằm thực hiện những mục tiêu cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Tuy nhiên việc giáo dục từ điều hành, đến soạn thảo chương trình và giảng dạy là công việc chuyên môn của những người làm giáo dục.
Tại miền Nam nhiều bộ trưởng hay tổng trưởng giáo dục được bổ nhiệm là những người xuất thân từ ngành giáo dục.
 
Trong Bộ Giáo dục ngoài trừ một số chức vụ có tính chất chính trị như đổng lý văn phòng, bí thư… các chức vụ khác đều do những nhà giáo dục có chuyên môn đảm trách.
 
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hòa nhận xét những người làm giáo dục tại miền Nam đều am hiểu công việc chuyên môn, có kinh nghiệm, giàu tâm huyết, và xem chính trị chỉ là nhất thời, tương lai của dân tộc mới trọng đại.
 
Ông Liêm cho biết “những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều phải ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường.”
 
Trong các cơ quan lập pháp, những người đứng đầu các ủy ban hay tiểu ban giáo dục của Thượng viện và Hạ viện đều là những nghị sĩ dân biểu xuất thân từ nhà giáo.
 
Riêng trong lĩnh vực giáo dục đại học, Điều 10 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967) nêu rõ: Nền giáo dục đại học được tự trị. Bộ Giáo dục có một thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học nhưng công việc của vị này chủ yếu là lo thực thi những chính sách về giáo dục đại học.
 
Về học vụ và điều hành, các cơ sở giáo dục đại học được tự trị. Các hội đồng ở cấp viện đại học và cấp trường đại học (hay phân khoa) có quyền thảo luận và quyết định mà không phải trình báo hay xin chỉ thị từ bất cứ ai. Các khoa trưởng của các trường phân khoa không do Bộ Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của Hội đồng Khoa bầu lên.
 
Giáo dục nhân bản lấy con người làm gốc

Triết lý nhân bản mà miền Nam chọn làm căn bản cho giáo dục lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản, không xem con người như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng hay tổ chức nào.
Triết lý nhân bản chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân nhưng không chấp nhận dùng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt tư tưởng chính trị, giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… con người có giá trị như nhau, và mọi người đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
 
Nói rõ hơn nền giáo dục miền Nam lấy quyền con người, quyền dân sự và lấy với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền làm nền tảng để xây dựng con người.
 
Chính vì dựa trên nền tảng nhân bản nên không có vấn đề lý lịch trong học đường miền Nam. Ngay cả con em của cán bộ cộng sản tập kết ra Bắc, những người miền Nam công khai theo cộng sản đều được đối xử bình đẳng như mọi học sinh sinh viên trong học đường miền Nam.
 
Một số trường Quốc gia nghĩa tử được lập ra để trợ giúp việc giáo dục cho học sinh có cha mẹ là quân nhân đã hi sinh bảo vệ miền Nam. Một số trừơng do tư nhân, do các tôn giáo hay do các cộng đồng sắc tộc điều hành. Nhưng tất cả các trường đều theo nguyên tắc cơ bản và chương trình giảng dạy chung.
 
Công Dân Giáo Dục

Dựa trên nền tảng nhân bản học sinh miền Nam từ lớp mẫu giáo đến hết bậc Trung Học đều được dạy môn Công Dân Giáo Dục. Ở bậc tiểu học học sinh được dạy về quyền và bổn phận của một công dân.
 
Lên Trung Học Đệ Nhất Cấp chúng tôi được học những bài học về: cá nhân và gia đình, tổ chức ở học đường, bổn phận của học sinh, đời sống xã hội và tôn giáo, quyền và bổn phận một công dân.
 
Bước sang Đệ Nhị Cấp nhà trường tiếp tục giáo dục về Quốc Gia (dân tộc, lãnh thổ, chánh phủ, hiến pháp, lập pháp, hành pháp, tư pháp), Liên Hiệp Quốc (tổ chức, UNESCO, các tổ chức khác), Phong Tục, Kinh Tế (các lý thuyết, sản xuất, thương mại, tiền tệ, ngân hàng), Chính Trị (dân chủ, chính đảng, chính thể, độc tài, phát xít, cộng sản).
 
Từ bậc Trung Học chúng tôi đã được thực hành dân chủ qua việc bình bầu Ban Điều Hành lớp. Việc chọn lựa từ Trưởng lớp cho đến các Trưởng ban do quyết định của học sinh, quyết định hòan tòan độc lập với nhà trường và chính quyền.
 
Mặc dù giáo dục độc lập với chính trị chúng tôi được dạy và thực hành cơ bản chính trị dân chủ để khi cần sẵn sàng tham gia việc quản trị đất nước.
 
Độc lập vì thế không có nghĩa là “phi” chính trị mà là không bị phụ thuộc vào các đảng chính trị, đảng cầm quyền hay chính quyền.
 
Học đường miền Nam giáo dục học sinh trở thành những công dân với ý thức chính trị và ý thức dân chủ sẵn sàng đóng góp cho gia đình, đất nước và nhân lọai.
 
Ngược lại nền giáo dục tòan trị tại miền Bắc trước 30-4-1975 và tòan quốc sau này dựa trên căn bản giáo dục là một công cụ nhằm duy trì và phục vụ thể chế chính trị cộng sản. Nó chính là nguyên nhân đưa đến khủng hỏang giáo dục, khủng hỏang xã hội.
 
Bài viết “Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc?” dẫn đến kết luận muốn vượt qua tình trạng khủng hoảng xã hội hiện nay, Việt Nam cần quay lại với triết lý giáo dục lấy dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản, và lẽ đương nhiên giáo dục cần độc lập với chính trị.
 
Nguyễn Quang Duy
Melbourne Úc Đại Lợi
25-4-2014

Saturday, April 26, 2014

VN War


 Bốn cựu binh chiến tranh Việt Nam hội ngộ sau 44 năm

ONTARIO, Calif (NV) - Bốn cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam vừa có một cuộc đoàn tụ đầy nước mắt tại phi trường Ontario International Airport, sau 44 năm, từ lúc chia tay ở một khu rừng tại Việt Nam.
Lần cuối họ gặp nhau là ngày 24 Tháng Mười, 1969.
Họ giờ đây tóc đã bạc phơ, nhưng cách đây 44 năm, họ là những người thanh niên trẻ đầy sức sống.(Cuộc gặp gỡ cảm động của bốn cựu quân nhân Hoa Kỳ tại Việt Nam, sau 44 năm xa cách, ở Ontario International Airport. (Hình: Will Lester/The Daily Bulletin)


Lúc ấy, Michael Gude (29 tuổi), Howard Hunt, Jr. (19 tuổi), Grady Fox (22 tuổi), và Bob Bodemann (20 tuổi). Họ là thành viên cùng toán thuộc đội trinh sát 173rd Airborne Brigade Recon Platoon. Ngày hôm đó, họ đang thi hành nhiệm vụ tìm một hang nhốt tù binh Mỹ trong một buổi chiều đẫm sương trong một khu rừng ở Việt Nam.


Bob Bodemann là người dẫn đầu toán, Grady Fox đang xem lại các dụng cụ truyền tin, còn Michael “Dutch” thì đang thuyết phục Howard Hunt Jr. rằng các dòng suối họ đang vượt qua có “vàng.” Trong khi Micheal và Howard mải nhặt những cục đá lấp lánh ánh vàng bỏ vào túi, Bodemann và Fox, đang nóng lòng muốn hoàn thành nhiệm vụ, giục họ bước nhanh lên.


Vượt qua con suối, đi sâu thêm vào rừng, họ nhìn thấy những dòng chữ nguệch ngoạc trên một khoảng đất, và khi liên lạc được với trung ương, họ được báo là vừa lọt vào một nơi địch đã giăng bẫy.


“Cho đến bây giờ, tôi không nhớ đã nghe thấy gì, chỉ nhớ thân hình của Michael bắn lên không trung, và Howard đập vào ngực tôi, và thế, chỉ trong một khoảng khắc, mọi thứ bay lung tung. Tôi đỡ được Howard xuống khỏi người mình, và thấy anh đã bị thương. Howard ngơ ngác hỏi, “Ðiều gì đã xảy ra? Những gì đã xảy ra?”


Howard bị mất một phần ngón tay cái, nhưng Michael bị thương nặng nhất, máu chẩy lênh láng từ nửa còn lại của chân phải.


“Nửa dưới của chân Howard bị bắn văng đi mất.” Fox kể lại. “Tôi buộc chân Howard lại và nhìn người ta khiêng anh đi. Ðó là lần cuối tôi nhìn thấy Howard. Tôi không biết gì nữa, không biết Howard có còn sống sót không. Hãy thử hình dung bạn băng chân cho một đồng đội, rồi không biết sau đó số phận họ ra sao, thì mới hiểu được những thắc mắc cứ ám ảnh.”


Mãn hạn ở Việt Nam, mỗi người đàn ông trở về Mỹ, họ tiếp tục sống đời của mình, và thường tự hỏi ba người bạn cùng toán của mình ngày ấy giờ ra sao.
“Tôi đã băn khoăn về họ từ hơn 40 năm nay,” Howard tâm sự. “Tôi cho rằng Michael đã tử nạn vì không nghe ai nói gì đến anh, ngược lại Howard cũng nghĩ rằng tôi đã chết. Rồi một ngày một thám tử tư từ Colorado gọi điện thoại cho tôi, báo tin về Bob.”
Bob Bodemann cho biết ông đã quá mệt mỏi, và quá sợ những cơn ác mộng về bạn đồng đội cứ đêm đêm và ám ảnh ông trong giấc ngủ.


Và Bob Bodemann bắt đầu hành trình đi lại thành viên trong toán trinh sát của mình, chỉ dám hy vọng tìm được gia đình họ, và được biết chính xác bạn mình đã qua đời ngày nào.


Ngày tháng dần qua. Bob yêu cầu chính phủ gửi về vô số tài liệu, lùng sục mọi trang web và các diễn đàn liên quan, và thực hiện cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ về tin tức của ba người bạn cùng chia sẻ giây phút thập tử nhất sinh đó với mình.


Nhắc lại ngày xưa, Fox nói:
“Ở Việt Nam, Box là một người hay đùa, lúc nào cũng cười hề hề. Bất cứ người bạn nào đang buồn, chỉ cần đến gặp Bob, nói chuyện mấy câu là bắt đầu lây tính khôi hài của Bob, bắt đầu cười nói huyên thuyên. Chẳng ai ngờ Bob lại là người thực hiện việc tìm kiếm.”
Tìm được n

hau rồi, sau khi biết tin Howard đã rất yếu, Bob đề nghị mọi người gặp nhau sớm tại nhà riêng của ông ở Riverside.
“Nghĩ đến cuộc hội ngộ, tôi hồi hộp muốn chết,” ông Fox, giờ này đôi mắt đã lòa, nói:
“Ðã 44 năm rồi tôi không gặp họ. Một người giờ đã 74 tuổi rồi, lại bệnh nặng. Ðoàn tụ này có lẽ cũng là gặp nhau lần cuối, vì thế buổi gặp mặt và vui vừa đắng cay.”


Thế nhưng họ đã vượt mọi khó khăn để gặp nhau.
Bob đến tận phi trường. Ba người bạn của ông đến từ Georgia, Tennessee và Florida được một phái đoàn lớn đón, gồm gia đình, thân hữu, người đi xe đạp vẫy cờ, giới truyền thông địa phương và nhân viên sân bay.


Chưa kịp ôm lấy Michael, Fox đã rơi nước mắt. Howard và Bob nhào đến. Cả bốn ôm lấy nhau trong những dòng lệ, và những thân thể run rẩy vì xúc động.


“Cuối cùng chúng ta đã gặp lại. Ai có thể ngờ được.” Bob nói trong tiếng nấc. (H.G.)