Friday, April 25, 2014

30/4

Ưu tư diễn nghĩa

Giờ là những ngày cuối của tháng Tư. Năm nào cũng vậy, càng đến gần ngày 30 tháng Tư tôi lại có cảm giác bất thường, ngột ngạt, bực bội. Mà không phải chỉ riêng mình có cảm giác đó. Nhìn quanh, tôi thấy bạn bè, người thân cũng vậy, và cả đời sống quanh tôi cũng vậy.

Mở ti-vi lên là thấy xe tăng, bom đạn, cờ hoa. Báo chí cũng vậy, có vơi đi phần nào, nhưng cũng vậy. Hò hét, hoan hô. Đứng trên vũng máu hát ca, nhảy múa lăng xăng mãi nếu không thấy trơ trẽn, thì cũng phải mệt và nhàm!

Năm nay là năm thứ 39 kể từ ngày 30/04/1975, cái biến cố làm thay đổi vận mệnh của từng số phận và của cả dân tộc. Tôi nghĩ, cái ngày bất thường trong ký ức ấy sẽ chẳng bao giờ trở nên bình thường. Ở bên này vĩ tuyến 17 cũng như bên kia. Với người Việt ở trong nước cũng như người Việt ở hải ngoại.

Tôi vừa đọc bài “Ưu tư ngày 30-4” của tác giả Nguyễn Minh Hòa, ở blog Quê Choa. Theo như nội dung của bài viết, thì tác giả là một sĩ quan trong quân đội Bắc Việt có mặt trong đoàn quân tấn công và chiếm giữ Sài Gòn vào thời điểm 30/04/1975. Với nhiều người, thì đây là những suy nghĩ chân thực, cấp tiến trong lúc này.  Tôi thấy có những chi tiết rất thú vị trong bài khi ông nói về “chiến lợi phẩm”, xin trích lại nguyên văn như sau:

“Lễ kỷ niệm ngày chiến thắng năm nào cũng diễn ra trong không khí tưng bừng, cờ hoa rợp trời, mọi người hân hoan, nhưng nhìn kỹ lại hình như không có mấy ai trong số những người lính giải phóng thành phố ngày ấy có mặt trên lễ đài, hay trong khối quần chúng tay vẫy cờ hoa. Những người lính còn sót lại qua những mùa chiến dịch ấy, sau chiến tranh đã lặng lẽ trở về với đời thường, với cày cuốc, với bò gà, với kìm búa. Nhiều người đã mất, nhiều người sống với những thương tích, bị bệnh tật giày vò đau đớn, có một sự thực là đa phần họ sống rất cơ cực. Thỉnh thoảng về quê hương gặp lại những người đồng đội xưa mà muốn rơi nước mắt. Trở về quê sau những ngày hừng hực chiến thắng ấy, hầu hết trong số họ gắn đời với mảnh ruộng, chẳng bao giờ có dịp nào trở lại thăm thành phố này nữa, mà có muốn thì cũng chả đào đâu ra tiền, bởi tiền ăn còn còn chả có, nói chi đến một chuyến đi xa. Sau 1975, chả hiểu sao, bề trên vội vàng cho hàng triệu quân nhân về quê càng nhanh càng tốt. Họ về nhà với những con búp bê mắt nhắm mắt mở bằng nhựa tái chế đen thui, người khá hơn thì có thêm cái khung xe đạp đểu làm bằng tôn mỏng. Họ để lại sau lưng những nhà cao cửa rộng, biệt thự xe hơi, vàng bạc hột xoàn, đất đai mênh mông, những thứ có được do máu của chính họ đổ ra, và rồi thế vào đó là những người tiếp quản, những người “xây dựng, phát triển” từ hậu phương, các hạt giống đỏ từ các nước xã hội chủ nghĩa tràn về tiếp nhận, sử dụng. Họ chẳng màng, ngày ấy các sĩ quan dạy lính tráng rằng ai lấy chiến lợi phẩm trước sau cũng bị chết, hay nói đúng hơn có màng cũng không đến lượt, những chủ nhân mới tiếp quản cơ ngơi đồ sộ ấy cũng chẳng cần biết ai mang lại cho họ những thứ đó, bởi đơn giản là họ hiểu đó là tiêu chuẩn, chế độ được hưởng, vậy thôi. Rất, rất nhiều người trong số chủ nhân mới ấy, trước đó chỉ là những tay làng nhàng, vớ vẩn, thậm chí cực hèn nhát, bỏ ngũ, cơ hội, bị kỷ luật nay tự nhiên có ghế, được biếu không một đống của cải, vào thời sốt đất có nhiều anh bán được cả nghìn cây vàng, xem ra làm cách mạng cũng có số. Khi còn sống, danh tướng, Thượng tướng Trần Văn Trà có một câu nói nổi tiếng mà có quá nhiều vị không thích đó là “nói cho cùng thì tất cả những chiến công hiển hách đều thuộc về những người lính bình thường nhất”, nhưng có một vế sau không ai nói đến là “nhưng lợi ích và chiến lợi phẩm mà cuộc chiến đó mang lại thì không thuộc về những người bình thường nhất”.
Đọc đến đây tôi khựng lại, lưu ý ở chỗ “Họ để lại sau lưng những nhà cao cửa rộng, biệt thự xe hơi, vàng bạc hột xoàn, đất đai mênh mông mông, những thứ có được do máu của chính họ đổ ra.”
À, thì ra lý do để đổ máu là thế! Là “những nhà cao cửa rộng, biệt thự xe hơi, vàng bạc hột xoàn, đất đai mênh mông mông,” của Miền Nam.
Và theo suy nghĩ của ông Hòa thì “những thứ có được” đó không phải là tài sản, là mồ hôi nước mắt của người Miền Nam, kẻ thua cuộc trong cuộc chiến, mà là từ “máu” của đồng đội ông, những thành viên của đội quân Miền Bắc, kẻ thắng cuộc.

Đọc xong đoạn này, tôi không khỏi có ý nghĩ rằng cái “ưu tư ngày 30-04” này là ưu tư của một kẻ cướp không được đồng bọn chia chác đồng đều, bị chơi cha, chơi gác, sau mẻ cướp.

Lâu nay, tôi thấy những “ưu tư”, “phản tỉnh” nhuốm màu cay đắng kiểu này xuất hiện rất nhiều, ngày càng nhiều. Chúng được nhiều người từng là chiến binh của lực lượng quân đội miền Bắc, và nhất là những người trong Mặt trận Giải phóng Miền Nam, đã tham dự vào cuộc chiến, bộc bạch trong lúc họ nói thật lòng. Chính những ý nghĩ trung thực (mà ngô nghê) này đã xóa sạch ý nghĩa “cuộc chiến tranh thần thánh; chống Mỹ cứu nước; giải phóng, bảo vệ đất nước” mà phía cộng sản miền Bắc tuyên truyền với họ.

Sự thật ở đâu?

Chính đây là những sự thật nhỏ, góp lại thành sự thật lớn: cuộc chiến tàn bạo, phi nghĩa, xuất phát từ một bên; để lại hậu quả là một vết thương chẳng thể nào lành, và vắt kiệt sinh lực của dân tộc!
***
Còn tôi, tôi thấy ngày tàn của cuộc chiến đó như thế nào ư? Tôi thấy nó qua tấm ảnh này:
Ngày 23/04/1975, đúng 39 năm trước, một người cha gánh đứa con nhỏ và một mớ đồ ít ỏi, từ Trảng Bom, chạy về hướng Sài Gòn. Tôi tự hỏi cậu bé trên lưng cha, hiện nay đã là một người trung niên trên 40 tuổi, còn sống hay không? Giờ này cậu như thế nào? Trong hôm đó mẹ cậu ở đâu?

Và, quý ông Hòa kia ơi, ngoài những thứ chiến lợi phẩm: những nhà cao cửa rộng, biệt thự xe hơi, vàng bạc hột xoàn, đất đai mênh mông mông như ông vừa kể, thì Miền Nam còn có thứ tài sản trên đầu đòn gánh của người cha trong tấm hình này mà các ông đã bỏ quên.

Nó là: số phận của những con người!

Nam Đan
Sài Gòn, 23/04/2014