Wednesday, April 23, 2014

BS Trần Văn Tích

Chúng Tôi Ở Lại Đây – Wir bleiben hier

Cái chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa“ của Đông Đức trước đây thực chất hầu như chỉ hiện diện trên đầu môi chót lưỡi của những người cộng sản và dựa vào ba cột trụ để thống trị dân chúng: khủng bố, đàn áp công dân qua bộ máy an ninh mật vụ công an cảnh sát là một, tuyên truyền xuyên tạc mạ lỵ phương Tây là hai và hù doạ bằng hình ảnh người anh em vĩ đại Liên Xô sẵn sàng can thiệp bảo vệ chính quyền nhân dân trong trường hợp hai cột trụ một và hai gãy đổ là ba. Cái cột thứ ba đổ nhào trước tiên qua đường lối cải cách của Gorbatschow, tuy rằng mới đầu giới lãnh đạo cộng sản Đông Đức đã tỏ ra không mấy lo ngại vì hy vọng triều đại Gorbatschow sẽ không tồn tại lâu dài. Cái cột thứ hai gãy gục khi hàng vạn người Đông Đức tràn qua biên giới Hung-Áo ngày 11.9.1989, sau những làn sóng tỵ nạn chiếm cứ các toà đại sứ Tây Đức ở Prague, ở Warsaw, thực hiện hình thức bỏ phiếu bằng chân và bằng xe. Cái cột thứ nhất đứng vững lâu nhất. Nó chỉ lung lay khi chính người dân Đông Đức bắt đầu không còn sợ chế độ stalinit nữa để đưa ra những khẩu hiệu đấu tranh mới Wir sind das Volk (Chúng tôi là nhân dân) và nhất là Wir bleiben hier (Chúng tôi ở lại đây).

Thực vậy, bốn mươi năm lịch sử quốc gia Đông Đức là bốn mươi năm lịch sử hoạt động đối lập và bốn mươi năm lịch sử đàn áp đối lập. Hoạt động liên tục và đàn áp liên tục. Để đối phó lại chiến dịch đàn áp mạnh mẽ tàn bạo, thoạt tiên người dân Đông Đức chỉ có biện pháp trốn chạy. Họ vượt thoát “thiên đường xã hội chủ nghĩa“ bằng mọi hình thức bộ não con người có thể nghĩ ra: chui vào thùng xe hơi, leo lên khinh khí cầu, đào đường hầm dưới đất, căng dây thép ngang trời, nhảy qua bức tường Berlin v.v… Trên lãnh thổ Đông Đức thì họ biểu tình đòi thống nhất đất nước, đòi thống nhất tiền tệ. Họ nêu khẩu hiệu: “Nếu đồng DM không đến với chúng tôi thì chúng tôi đến với đồng DM“. Nhưng kể từ khoảng cuối thập niên 70 thế kỷ vừa qua, quần chúng đấu tranh chống cộng thay đổi chiến thuật. Lực lượng đối lập càng ngày càng phát triển cả về nhân sự lẫn tổ chức. Thoạt tiên là những phản kháng thuộc lĩnh vực văn hoá. Rồi hướng đấu tranh trở nên đa dạng, lan toả sang phạm vi bảo vệ hoà bình và bảo vệ môi sinh. Kế đến các giáo hội đứng ra nhận vai trò đầu tầu, đứng lên nắm tác dụng đầu não. Mặt khác, giới trẻ càng ngày càng ý thức rõ trách nhiệm và chức năng của mình, càng ngày càng tỏ ra bất bình đối với chế độ toàn trị độc đảng. Tuy cơ quan Mật vụ Stasi cũng thành công trong công tác nội vận lũng đoạn các tổ chức đối lập và trong nhiều trường hợp từng tàn bạo đàn áp nhưng thanh thế và sức mạnh các phe đối kháng vẫn cứ càng ngày càng bành trướng, song song với những biến chuyển ở các quốc gia lân cận.
 
Năm 1989, cả Đông Đức lẫn Tây Đức đều cùng kỷ niệm bốn mươi năm thành lập. Tuy nhiên tình hình ở Đông Đức dưới sự khống chế sắt máu của đảng cộng sản SED với thủ lãnh Honecker cứ càng ngày càng xấu đi. Trong khi hàng vạn công dân Cộng hoà Dân chủ Đức trốn chạy qua biên giới Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc thì lực lượng đối lập tại quốc nội cứ mỗi ngày mỗi mạnh. Chỉ vài hôm sau ngày “quốc khánh“, hàng trăm ngàn người tụ tập biểu tình bất bạo động chống bạo quyền áp bức. Rồi sáng kiến đấu tranh mới nảy sinh: dân Đông Đức đòi thống nhất với Tây Đức. Khẩu hiệu thuở ban đầu Wir sind das Volk (Chúng tôi là nhân dân) được đổi thành Wir sind ein Volk (Chúng tôi là một dân tộc). Các lực lượng đối lập cứ tiến dần từng bước như thế để đi đến giai đoạn đòi hỏi cải cách dân chủ. Kết quả: một bàn tròn (der Runde Tisch) qui tụ các tập thể phản kháng và đảng cộng sản SED cùng các tổ chức vệ tinh của nó đạt được chiến thắng quyết định đầu tiên khi bức bách Stasi phải giải tán, khi đòi hỏi biên soạn được hiến pháp dân chủ và tổ chức bầu cử quốc hội tự do.

Người dân Đông Đức đã biết lợi dụng cả thời lẫn thế và nhất là họ đã thấy được rằng chỉ có họ mới đòi được tự do cho họ. Cho nên họ đã chuyển hướng và chuyển hoá hình thức đấu tranh. Thoạt đầu là bỏ nước ra đi bằng mọi giá, kể cả bằng sinh mệnh bản thân. Nhưng đến một thời điểm nhất định, họ không bỏ phiếu bằng xe bằng chân nữa, họ bỏ phiếu bằng tay bằng miệng. Họ quyết định ở lại để đấu tranh, wir bleiben hier.
Dân tộc Việt Nam cũng đã từng cả triệu triệu người bỏ phiếu bằng chân, bằng thuyền, bằng máy bay. Chúng ta đã đứng lên thực hiện giai đoạn chống đối thứ nhất. Chúng ta đã chống cộng qua thái độ phỉ nhổ chế độ đồng thời chúng ta cũng truy tố tội ác cộng sản Việt Nam. Chúng ta không truy tố tội ác của giặc trước bất kỳ toà án cấp quốc gia, cấp liên quốc hay cấp quốc tế nào cả mà chúng ta truy tố tội ác của giặc trước công luận quốc tế, trước dư luận thế giới, trước lương tri nhân loại. Đến nỗi Toà Thánh Vatican cũng phải lên tiếng vì lời tố cáo của chúng ta, đến nỗi Nữ Hoàng Anh quốc cũng không thể giữ im lặng trước lời tố cáo của chúng ta. Chúng ta đã góp máu, góp nước mắt, góp tù đày, góp chết chóc, góp hãm hiếp, góp vàng, góp nhà, góp của cho giai đoạn một. Chúng ta đã góp nhục nhằn, góp cơ cực, góp những tháng năm còng lưng làm nail, góp những ngày xuân làm vệ sinh nhà xí. Và chúng ta cũng không hề ngần ngại quay trở lại góp công, góp sức, góp đầu óc, góp suy tư cho đại cuộc chính nghĩa chống cộng tại cả hải ngoại lẫn quốc nội.

 Bây giờ là giai đoạn chống đối thứ hai, giai đoạn này do đồng bào quốc nội thủ vai chánh. Tuy nhiên nếu như người dân trong nước không tự mình tranh đấu, nếu như tuổi trẻ Việt Nam trong nước không can đảm dấn thân thì đảng cộng sản sẽ vẫn tiếp tục ngồi lên đầu lên cổ dân tộc và dân tộc vẫn phải cúi đầu quì gối mang nỗi nhục lạc hậu và yếu hèn. Nếu quốc nội không ý thức được trách nhiệm của mình thì chữ S bên bờ Thái bình dương sẽ còn lâu mới được như mảnh đất nhìn ra Bắc hải.

 Giữ vai trò độc tôn trực tiếp chống cộng, đồng bào quốc nội cần ý thức rằng phải diện đối diện với kẻ thù thì mới chống nó hữu hiệu được. Muốn thực tình chống Việt cộng thì phải ở lại Việt Nam.

BS Trần Văn Tích
13.4.2014