Saturday, April 12, 2014

Thơ Trần Văn Lương


Bài Trường Ca Máu
 
          (Tháng Tư Đen về, nhớ đến Việt Khang và
            những người Việt yêu quê hương đang
               bị giam cầm trong lao tù Cộng sản)

Bài trường ca tắt nửa chừng,
Lòng người sớm đã dửng dưng vô tình.

 
Phòng giam lạnh, người tù se nét mặt,
Lặng lẽ vin tường, ánh mắt xa xôi.
Trôi lăn trong ngục tối mấy năm rồi,
Chỉ vì "tội" hát lên lời yêu nước.
 
Sức dẫu yếu, nhưng lòng không khiếp nhược,
Vì quê nhà, luôn giữ được quyết tâm.
Phút giây đây, trong bóng tối âm thầm,
Gượng đứng thẳng, lâm râm câu thề nguyện.
                          x
                     x        x
Dù chúng có giam cầm tôi vĩnh viễn,
Vẫn không làm tắt được tiếng hát tôi.
Vì bao lâu còn có chút tàn hơi,
Chí tranh đấu vẫn còn nơi nương náu.
 
Tôi sẽ viết lên bài trường ca máu,
Vạch trần điều chúng cố giấu lâu nay,
Là dân tôi đang gánh chịu đọa đày,
Sống kềm kẹp dưới bàn tay ác thú.
 
Tôi sẽ dựng lại xóm làng xưa cũ,
Nơi bao năm luôn ấp ủ tình người,
Nhưng giờ đây, sau một cuộc đổi đời,
Đã bất hạnh thành nơi đầy bất trắc.
 
Tôi sẽ tới miền cao nguyên xa lắc,
Đang dần dà bị chúng cắt sạch cây,
Và cho Tàu khai thác khắp đó đây,
Mưa trút xuống, thành vũng lầy đỏ ối.
 
Tôi sẽ nói thay người dân vô tội,
Vượt thác ghềnh đến Hà nội kêu than,
Vì đất đai bị cán bộ tham tàn,
Đem súng ống đến ngang nhiên làm chủ.
 
Tôi sẽ đến tiễn đưa đoàn ngư phủ,
Chết oan khiên dưới súng lũ giặc Tàu,
Để nhìn rừng khăn tang trắng phau phau,
Mà thấm thía dần nỗi đau bị trị.
 
Tôi sẽ khấn các vong hồn tử sĩ,
Đau lòng vì chốn yên nghỉ ngàn thu,
Cũng không sao thoát nanh vuốt kẻ thù:
Nghĩa trang cũ thành khu buôn bán lẻ.
 
Tôi sẽ gặp, dù lòng đau như xé,
Người dân lành đang làm mẹ, làm cha,
Đói nghèo đành đem máu, thận... mình ra,
Cắn răng bán, cầu qua cơn khốn khó.
 
Tôi sẽ tiếc thương người con gái nhỏ,
Vì miếng ăn phải rời bỏ thôn nhà,
Rồi vô tình vướng cạm bẫy phồn hoa,
Thành hàng hóa bày bán ra xứ lạ.
 
Tôi sẽ khóc khi nhìn khay thuốc lá,
Của người đang vất vả kiếp thương binh,
Vì cho dân xưa được sống an bình,
Đã không ngại hy sinh phần thân thể.
 
Tôi sẽ đến góp chung đôi dòng lệ,
Với gia đình những người trẻ hăng say,
Chống bọn Tàu xâm lược, để giờ đây,
Phải đau đớn chịu đắng cay tù rạc.
 
Tôi sẽ kể hết muôn ngàn tội ác,
Của bọn cầm quyền khắc bạc phi nhân,
Chà đạp nhân quyền, bán nước, hại dân,
Theo lệnh chủ, như một phần món nợ.
 
Tôi sẽ hát thật to lời nhắc nhở,
Để dân mình luôn nhớ đến non sông,
Để mai sau con cháu giống Lạc Hồng,
Không phải sống lưu vong trên đất Việt.
 
Và tôi sẽ cầu xin trong đoạn kết,
Cho toàn dân thôi hết sợ bạo quyền,
Cất cao đầu, cương quyết đứng vùng lên,
Đem hạnh phúc trở về trên cố thổ.
                          x
                     x        x
Từ ngục tối, từng câu ca thống khổ,
Vượt tường giam như thác đổ băng rừng.
Nhưng than ôi, lòng người đã dửng dưng,
Nên tiếng hát nửa chừng đành đứt đoạn.
 
Chỉ còn lại mớ âm thanh hỗn loạn:
Tiếng chào mời, tiếng rao bán hét la,
Tiếng bấm hình của các nhiếp ảnh gia,
Tiếng lanh lảnh của các nhà "từ thiện",
 
Lẫn với tiếng huênh hoang trò chuyện,
Của đàn người vượt biển năm nao,
Về ăn chơi chè chén xôn xao,
Thành tích nổ ào ào vui hơn Tết.
 
Người nhạc sĩ trong tù nằm lịm chết,
Bản trường ca đoạn kết chửa kịp vang.
Và ngoài kia, dưới xiềng xích ngoại bang,
Vùng đất khổ vẫn ngập tràn tang tóc.
                          x
                     x        x
Đêm đất trọ, mấy ai còn trằn trọc,
Tháng Tư  về, mấy kẻ khóc quê hương !

                   Trần Văn Lương
            Cali, Mùa Quốc Hận 2014