Sunday, May 30, 2010

BS.Nguyễn Xuân Quang


Thầy Quyến

Những cựu học sinh có học thầy Quyến ở trường trung học Cường Để không thể nào quên được thầy vì thầy không giống bất cứ một vị giáo sư nào. Riêng tôi, tôi sẽ nhớ thầy cho tới ngày tôi lìa đời này.(Hình phải: BS.Nguyễn Xuân Quang)

Bề ngoài thầy Quyến trông có vẻ “tồn cổ” như một ông đồ Tây học và có thể dưới con mắt của một vài người thầy có vẻ lập dị. Thầy có phong thái của một người ngang tàng bất cần đời. Nhiều lần thầy mặc áo the, đội khăn đóng đạp xe đạp đi dậy học hay dự các buổi lễ lạc trong trường. Miệng nhai trầu bỏm bẻm. Luôn luôn có cặp môi cắn chỉ hồng nước trầu. Trong lúc để lũ học trò làm bài, thầy thường ngồi nhìn qua khung cửa sổ thả hồn về một thế giới riêng tư, kỳ bí nào đó của thầy. Thỉnh thoảng thầy rùng mình, lắc đầu như chợt tỉnh dậy quay về với thực tại là lũ học trò đang ngồi trước mặt. Cặp mắt to nhiều lúc trông như cười rất tinh quái, nhất là lúc thầy nhéo. Thầy không la, không mắng, không phạt nhưng có một cái nhéo rất dộc đáo. Hai ngón tay véo vào da thịt từ từ nhấc lên, vặn qua vặn lại, cái móng tay để dài kiểu thầy đồ nho bấm xuống. Bấm xuống. Bấm xuống rất từ từ cho cái đau có thì giờ nhận biết ra. Đứa nào bị thầy nhéo sẽ nhớ đời.

Thầy dậy tôi Việt văn năm đệ nhị B ban toán. Không biết có phải thầy có cảm tình với tôi hay không như có đứa bạn ghen tị cho là vậy, lúc nào bài luận văn của tôi cũng được điểm cao đứng vào hàng nhất nhì. Những bạn cùng lớp không ưa thầy bảo thầy chấm bài chỉ đọc đoạn mở đầu và đoạn kết luận rồi đo gang xem bài luận dài ngắn bao nhiêu và dựa theo đó mà cho điểm. Có một tên bạn đã thử viết bài luận và ở đoạn giữa chép vào một bài địa lý nhưng bị thầy khám phá ra, thầy xổ toẹt và cho một gậy. Thầy không cho số không, không phạt, chỉ khoanh tròn phần bài viết về địa lý bằng mực đỏ rồi phê ở ngoài lề bài luận “lạc đề”. Hóa ra thầy cũng đã có kinh nghiệm rồi. Thành thử nếu quả đúng là sự thật như nhiều tên bạn nói, thì nếu không đọc kỹ khúc giữa bài luận đi nữa, thầy cũng đọc lướt qua để đề phòng lũ học trò quỉ quyệt chơi xỏ, gài bẫy mình.

Tôi học rất khá. Tháng nào cũng đứng nhất nhì trong lớp. Sáng thứ hai chào cờ mỗi tuần tôi thường được vinh dự kéo cờ. Mỗi sáng được đi lấy sổ điểm từ phòng lao công đem lên lớp học. Cuối năm tôi được Phần Thưởng Danh Dự Toàn Trường do tổng thống Ngô Đình Diệm tặng. Năm đó tôi còn được phần thưởng hạnh kiểm. Ngoài ra tôi còn được tuyên dương trong đêm phát phần thưởng nữa. Lý do là năm đó nhà trường tổ chức trại hè ở bãi biển Đại Lãnh. Tôi không ăn được món cá nhám nấu canh cà chua của trại nấu. Sau bữa ăn, buổi tối nhiều anh em trong trại bị trúng độc thức ăn, đau bụng, ói mửa, đi tiêu chẩy. Chỉ còn tôi và mấy anh em không ăn canh cá là không bị ngộ độc. Chúng tôi cả đêm lo chăm sóc cho các bạn bè bị bệnh.

Học ở Qui Nhơn tôi ở nhà chị gái và ông anh rể. Trước vài ngày lên đường vào Nha Trang thi Tú Tài I, chị tôi sanh một cháu trai ở nhà bảo sanh của một bác sĩ. Về nhà chị tôi bị lên cơn sốt. Đến thăm bác sĩ trở lại, bác sĩ bảo không sao. Ba ngày sau chị tôi lên kinh giật, người co rút uốn cong khỏi mặt giường. Chở chị tôi vào nhà thương, bác sĩ chẩn đoán bảo chị tôi bị phong đòn gánh lúc cắt cuống nhau cho cháu bé. Vì biết quá trễ, chị tôi qua đời. Tiễn chân chị tôi ra nghĩa trang xong tôi lên tầu hỏa vào Nha Trang đi thi. Kết quả là tôi thi rớt kỳ thi đó. Thật là khó tin được, học ban Toán mà tôi giải lầm một cái phương trình bậc hai thật là đơn giản. Tôi đã viết nhầm -b/a thành -b/2a. Bài toán có 8 câu hỏi. Tám cái đáp số của tôi chỉ bằng một nửa của mọi người. Nếu vị giáo sư làm giám khảo nào đó có lòng vị tha cho tôi một nửa số điểm của người khác thì tôi cũng vẫn đậu được vì khi xem điểm tôi chỉ có thiếu một hai điểm để đậu hạng thứ mặc dù bài toán bị số không.

Thi rớt, họ hàng khuyên tôi phá ngang đi thi vào sự phạm làm thầy dậy tiểu học, thi vào cán sự y tế, cán sự thương mại… Nhưng tôi thấy mình phá ngang thì “uổng” quá vì mình học không đến nỗi tệ. Tôi quyết định học “đúp” lại một năm nữa.

Học lại thật nản. Buồn. Ê chề. Cái gì mình cũng “biết rồi khổ lắm nói mãi”, cái gì cũng là một thứ “dejà vue”. Tôi ngồi ở bàn chót thay vì ở bàn đầu như năm trước. Được một cái là giáo sư nào cũng thương nên để tôi yên thân, không bao giờ bắt lên trả bài. Nhiều buổi học dài lê thê, không biết làm gì tôi ngồi làm thơ. Nhiều người ghen ghét, bây giờ có dịp nói xấu, bôi bẩn tôi. Tôi vẫn ngang nhiên tự tại. Làm thơ giúp tôi khuây khỏa:

Bởi ông thi rớt, ông không đỗ,
Không đỗ, ông mới ngồi đây,
Ngồi đây, ông mới làm thơ ngổ.
Thơ ngổ, ông ngâm mặc chúng mày.

Và “Có Những Giờ Học”

Có những giờ học,
Ông thầy nói những lời câm,
Những dòng phấn viết tím bầm.
Con chim độc tấu dương cầm.

Có những giờ học,
Vọng từ bên song,
Tiếng giai nhân khóc.
Vỡ cả chiều Ngang chiều Dọc.

Có những giờ học,
Ông thầy nằm ngủ trên bàn.
Giấy mực đi về dã man.
Linh hồn gẫy thành cạnh góc.

Có những giờ học,
Lớp học là công viên.
Ông thầy là tượng đồng, tượng đất.
Loài yêu thương đang rót mật.

Có những giờ học,
Bàn ghế trở về cây.
Bạn bè trơ thành đá.
Không gian mất một chiều dầy.

. . . . . .

Một hôm trong lớp đang ngồi thả hồn thơ qua cửa sổ. Giật mình thấy thầy Quyến đã đứng ngay bên cạnh. Không biết thầy có thấy mấy câu thơ tôi đang làm nháp hay không. Tôi co người thủ thế chờ cái nhéo “ác ôn” của thầy. Nhưng thầy chỉ đặt nhẹ tay lên vai tôi. Thầy nói thật nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe thôi “Cuối tuần này, em ghé lại nhà thầy”. Nói xong thầy trở lại bàn giáo sư, ngồi nhìn ra khung cửa sổ trở về với thế giới của thầy. Như không có chuyện gì cả.

Cuối tuần đó tôi đến nhà thầy ở đường Võ Tánh. Thầy đưa tôi lên cái gác xép, thế giới riêng tư của thầy. Sách vở chiếm gần hết cái gác xép. Sách báo chữ Việt, chữ nho và ngoại quốc ngổn ngang. Thầy pha trà và cho tôi ăn bánh ngọt trong khi đó thầy têm cho mình miếng trầu. Tôi ngồi chờ. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ở nhà, thầy mặc quần áo ta trông như một đạo sĩ, một tiên ông. Trên chiếc bàn thấp quyển sách về Dịch lý đang mở ngỏ. Chắc thầy đang đọc. Thầy nhai trầu bỏm bẻm. Tôi nghe rõ tiếng nhai chóp chép. Ăn xong miếng trầu. Nhổ bã vào chiếc ống nhổ đã gần đầy nước trầu. Thầy nhìn vào mắt tôi một lúc. Đôi mắt thầy lúc này tinh anh lạ thường. Đôi mắt không còn thấy lờ đờ, xa vắng như thấy hàng ngày trong lớp học.

-Thầy muốn nói với em chuyện này.
-?.
-Thầy muốn em soạn học đi thi Tú Tài Pháp.
Tôi chưng hửng. Thầy nói tôi soạn học đi thi Tú Tài Pháp? Một tên học sinh học ban Toán trường Việt mà lại nhẩy qua thi Tú Tài Pháp.
-Em cứ nghe theo lời thầy. Em có khả năng… Thầy biết.

Thầy quay vào đống sách. Rút ra mấy quyển sách Pháp dầy cộm trông như những quyển từ điển đưa cho tôi. Trong đó có những quyển nghị luận luân lý, văn chương, sử ký…
Cầm đống sách thầy trao cho ra về.
-Em xin đa tạ thầy, nhưng em không biết có học nổi không…
-Hãy tin thầy. Thầy biết em hơn ai hết.

Tôi vẫn không tin là mình có khả năng đi thi nổi Tú Tài Pháp. Nhưng có một điều kỳ lạ, kể từ hôm đến nhà thầy về tôi như được cho uống một liều thuốc hồi sinh trở lại. Tôi hân hoan vì ít ra cũng có một người biết mình, hiểu mình mà người đó lại là thầy mình. Tâm thần không còn bị sa sút đến độ chán đời muốn buông xuôi tất cả nữa. Tôi từ từ tìm lại được niềm yêu đời. Tôi nhìn những bạn học, những bóng hồng ngoài hành lang, trong sân trường lại tìm thấy lại niềm vui sống tuổi học trò trở lại. Lúc đó bên lớp Nhị A có những người đẹp như Minh Châu (hiện giờ là dược sĩ ở Sydney, Úc châu), Tố Mai (Na Uy)… Người đẹp Minh Châu đi xe đạp như Phù Đổng thiên vương cưỡi ngựa sắt. Tôi có chiếc xe đạp “cuốc” của Pháp hiệu “Cigogne” (con Cò) vậy mà cũng không tài nào đạp xe bắt kịp được. Người đẹp lấy biệt hiệu là Tố Mai hát hay và làm thơ cũng có hạng. Tôi có làm một bài thơ nhan đề Tối Mai chọc ghẹo cái tên Tố Mai như sau:

Người đâu hứa hão, để chờ hoài.
Hết Tối Mai rồi lại Tối Mai!
Này tớ bảo cho nường biết nhé.
Phòng khuê, nhớ khóa kỹ then cài.

Tôi vẫn ngán và ngại soạn học để đi thi Tú Tài Pháp, vào lớp tôi vẫn ngồi lơ tơ mơ làm thơ. Thầy thường xuống chỗ tôi ngồi. Không nói một lời nhưng đọc trong ánh mắt thầy tôi biết thầy hỏi tôi đã soạn học thi Tú Tài Tây chưa. Cuối cùng tôi gật đầu đại cho thầy an tâm. Hôm đó tôi về dở mấy quyển sách Pháp ra đọc. Thấy cũng hiểu được. Tôi liên lạc vối anh tôi ở Đà Nẵng nhờ ông anh lấy hộ ngày giờ thi, chương trình học và mua sách giáo khoa Pháp ở trường Collège Française de Tourane. Chỉ còn có vài tháng nữa là có khóa thi Tú Tài Pháp. Tú Tài Pháp thi trước Tú Tài Việt vài tháng. Khi có chương trình rồi tôi bắt đầu học “gạo”, đúng ra phải nói là học “bánh mì baguette”. Từ đó giờ Việt văn của thầy tôi mang quyển Nghị Luận Luân Lý Dissertation Morale của thầy cho vào lớp ngồi nghiền ngẫm.

Nhìn thấy tôi học soạn thi Tú Tài Pháp, đôi mắt thầy long lanh tràn đầy hạnh phúc. Rồi tới ngày thi, tôi cũng liều vác bút đi thi. Tôi đậu ngay Tú Tài Pháp phần thi viết. Nhưng phần thi oral mới là phần tôi run và sợ. Các ông Tây bà Đầm nói tiếng Pháp như gió. Nhưng không ngờ tôi vào thi oral thật là xuông xẻ. Tin tôi đậu Tú Tài Pháp nổ ra như tin tôi thi rớt năm trước. Tôi đến tạ ơn thầy. Thầy nắm tay tôi chỉ nói “Bây giờ thì em tin mình rồi chứ?

Thầy có con mắt nhìn người”. Ba tháng sau, tôi không học một chữ, lại vác bút đi thi Tú Tài Việt và tôi đậu không một chút khó khăn. Vì đậu Tú Tài I Pháp tôi theo học chương trình Pháp luôn. Tôi về ở nhà ông anh ở Đà Nẵng để học trường College Française de Tourane. Ở đây không có classe terminale ban Toán tôi đành học ban Vạn Vật. Năm sau tôi đậu Tú Tài II Pháp không mấy khó khăn. Vì học ban Vạn Vật trường Tây nên khi lên đại học tôi chỉ còn một vài chọn lựa. Một là ra Huế học trường Đại Học Sư Phạm ban Pháp Văn, hai là vào Saigon học Y Khoa hay Dược Khoa.

Biến cố bạn bè bị ngộ độc thực phẩm ở Đại Lãnh và nhất là cái chết oan uổng của chị tôi khiến tôi quyết định thi vào Đại học Y Khoa. Tôi thi vào Năm Dự Bị Y Khoa bằng chương trình Pháp tức dùng ngôn ngữ Pháp, langue véhicule Française và đậu ngay. Nếu tôi không rớt Tú Tài I ban Toán thì chắc sẽ học đệ nhất ban Toán rồi sẽ lên đại học đi theo ngành khoa học vào học trường Đại Học Khoa Học. Nếu tôi không thi vào Y Khoa bằng chương trình Pháp thì khó lòng tôi có thể lọt được vào cổng trường Đại Học Y Khoa Saigon vì chắc chắn tôi không thể nào cạnh tranh lại nổi với các học sinh ban A nổi tiếng là học rất gạo của trường Việt.

Sau khi vào đại học, tôi chỉ có một dịp về thăm lại Qui Nhơn và chỉ gặp lại thầy Quyến có một lần. Lần đó thầy gầy và già đi nhiều. Trông thầy lúc này như một đạo sĩ khổ hạnh. Chỉ còn ánh mắt tinh anh. Cái ánh mắt thầy nhìn tôi khác hơn những ánh mắt thầy nhìn người khác. Đôi mắt của một sư phụ nhìn đệ tử đầy trìu mến. Về sau, tôi thường hỏi thăm Nguyễn Hữu Ân, cháu của thầy, về thầy cho tới khi tôi và Ân đi vào cuộc sống thời chiến tranh không còn gặp nhau nữa.

Tôi vẫn ân hận là không biết những giờ phút cuối cùng đời thầy ra sao.

Thầy đã có một ý nghĩ và một con mắt nhìn tôi khác thường và đã giúp tôi làm một chuyện khác thường. Nếu không có thầy “có con mắt biết nhìn người”, thì đời tôi sẽ đi về đâu? Thầy đã thay đổi hẳn vận mạng đời tôi.

Hôm nay viết mấy dòng này thành thật nghiêng mình tri ơn thầy. Chắc chắn, con sẽ nhớ thầy cho tới ngày con lìa đời này. Những gì con thực hiện được ở đời này phần lớn là do công ơn thầy.


BS.Nguyễn Xuân Quang
Nguồn bacsinguyenxuanquang

Vietnamese valedictorian at UC Berkeley


Valedictorian Trần Tú

Berkeley - Kể từ ngày thành lập UC Berkeley cách đây 141 năm, mỗi dịp ra trường đều được chọn 1 sinh viên giỏi, xuất sắc nhất để đọc diễn văn trong buổi lễ ra trường, năm nay, người đọc diễn văn là một sinh viên Việt Nam tên là Trần Tú (ở Sacramento), đã được chọn để đọc bài diễn văn gần 10 phút trong buổi lễ ra trường được tổ chức vào lúc 9 giờ sáng hôm Chủ Nhật ngày 16 tháng 5 năm 2010(Hình phải). Buổi lễ ra trường này được tham dự của khoảng 30 ngàn người gồm thân nhân và bạn bè của những sinh viên ra trường đến tham dự, và những người tham dự phải có vé mới được vào cửa. Đây là lần đầu tiên trong 141 năm qua mới có một sinh viên Việt Nam được chọn đọc diễn văn trong buổi lễ ra trường của đại học UC Berkeley.

Theo danh sách do trường phát hành phân phát cho người tham dự trong đó số sinh viên ra trường hơn 2,000 người gồm nhiều nghành nghề khác nhau trong đó có khoảng 1,500 cử nhân (BA, BS), khoảng 450 Phó Tiến Sĩ (MS, MA) và khoảng 300 Tiến Sĩ (Ph.D.), nói chung hầu hết là các nhân tài, con cưng của nước Mỹ, vậy mà em Trần Tú được chọn đọc diễn văn ra trường thì quả là một sự hãnh diện chung cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung và cộng đồng người Việt tại Sacramento nói riêng.

Muốn được nhận vào trường UC Berkeley thì phải có điểm từ 3.7 trở lên, đại học UC Berkeley (University of California, Berkeley) có hơn 30 ngàn sinh viên trong đó có rất nhiều sinh viên Việt Nam theo học các nghành nghề khác nhau.

Trong báo Thằng Mõ số 1007 phát hành ngày 20 -11-2009 loan tin: “theo báo Le Figaro (Pháp) thì trong bảng xếp hạng năm 2009 về bảng đứng đầu của 100 trường đại học uy tín nhất thế giới, thứ nhất là đại học Harvard, thứ nhì là đại học Berkeley, thứ ba là đại học Cambridge của Anh, thứ tư là đại học M.I.T…”

Trong thời gian theo học tại trường, Trần Tú đã được các sinh viên trong trường bầu vào chức Phó Chủ tịch của Hội Sinh Viên đại học Berkeley, chủ tịch là người Mỹ trắng. Tú ra trường với 2 bằng một là cử nhân Luật và một Bioengineering, Bioengineering là Kỷ Sư sáng chế về các loại máy móc Y Khoa, nghành này rất là khó.

Năm 2006 Tú ra trường Thủ khoa tại Sheldon High School, Sacramento và cũng đã đọc diễn văn trong buổi ra truờng được tổ chức tại Arco Arena Sacramento. Em Tú cũng được nhà tỷ phú Bill Gates của công ty Microsoft tiếp xúc khi đến thăm trường Berkeley mới đây(Hình phải). Hiện em Tú đã được 2 trường đại học nổi tiếng là Harvard và đại học Yale nhận để tiếp tục theo học về 2 nghành Bác sĩ và Tiến sĩ Luật và em còn đang phân vân chưa biết sẽ theo học trường nào.

Tôi đi cùng với thân phụ của em Tú là Kỹ sư Trần Văn Thông và thân mẫu của em là Bác sĩ Cao Thị Phương Dung vào lúc sáng sớm Chủ Nhật ngày 16 tháng 5 để đến đại học Berkeley tham dự buổi lễ ra trường được tổ chức vào lúc 9 giờ sáng,. Ba người chúng tôi đến nơi khoảng 7 giờ 30, bầu trời Berkeley có chút sương mù và hơi lành lạnh, đậu xe xong thì đi vào tòa chung cư của Tú cư ngụ nằm trước trường. Khi vô căn studio mà Tú đang ở mới thấy thương em vô cùng. Căn phòng rộng chừng bằng 1 cái phòng ngủ thường, không có chỗ nấu ăn, đi tắm thì phải dùng phòng tắm, cầu tiêu chung với nhiều sinh viên khác. Trong phòng thì áo quần, sách vở, giày dép vất lung tung làm cho tôi có cảm tưởng em là 1 người homeless hơn là con của 1 vị bác sĩ, có lẽ em Tú bù đầu, bù cổ để lấy 2 mảnh bằng cùng 1 lúc nên không có thời giờ chăm sóc cho bản thân của mình. Vì Tú đã vô tập họp trong trường sớm nên khi ba chúng tôi lên phòng thì thấy phòng trống không có ai, 2 phút sau thì anh của Tú là Bác sĩ Trần Tuấn ở phòng tắm trở về, Bác sĩ Trần Tuấn là Bác sĩ giải phẫu đang làm việc ở bệnh viện Loma Linda ở Nam Cali, đã tới đây đêm hôm qua để tham dự buỗi lễ ra trường của em mình và Bác sĩ Trần Tuấn cũng đã từng học tại UC Berkeley này.

Tôi cũng đã đi dự buổi lễ ra trường Trung Học của Tú cách đây 4 năm tôi nhận thấy dù là Tú đang theo học nghành bác sĩ nhưng khả năng của Tú là một nhà lãnh đạo chứ không phải là 1 vị bác sĩ để khám, mổ xẻ, chữa trị bệnh nhân như mẹ và anh của mình, vì vậy nên em đã được bầu vào chức vụ Phó chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên UC Berkeley, chủ tịch là sinh viên người Mỹ và em Tú đã được Hội Đồng các Khoa Trưởng chọn để đọc diễn văn là do sự xuất sắc về học vấn cũng như khả năng lãnh đạo của em. Tú dến Mỹ định cư lúc 4 tuổi vẫn nói tiếng Việt trong gia đình.


Châu Ngọc Thủy
Nguồn calitoday.com

Friday, May 28, 2010

LS.Nguyễn Hữu Thống


Hồ Chí Minh,
Kẻ gây thảm họa .

Trong bài "Bắt Trẻ Đồng Xanh" phổ biến hồi tháng 10/1968 khi Hội Nghị Hòa Bình Paris được triệu tập, Võ Phiến đã vạch trần kế hoạch thôn tính Miền Nam của Hồ Chí Minh từ 1954
.


1954: chuẩn bị chiến tranh.

"Cuộc bắn giết sắp tới giữa miền Nam và miền Bắc đã được Cộng Sản xếp đặt từ lúc này, cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7/1954 nghĩa là trước ngày đình chiến theo Hiệp Định Genève.

Khi họ nhận thấy không thể thôn tính cả nước Việt Nam một lần, thì họ đã đặt ngay vấn đề: còn lại nửa nước kia, phải giải quyết ra sao? Và họ đặt kế hoạch "giải quyết", cùng lúc với kế hoạch điều đình. Nghĩa là vào năm 1954.

Thật vậy, hiệp định đình chiến vừa ký kết (Hiệp Định Genève 1954) thì những điều khoản ngưng chiến được thi hành đồng thời với những điều chuẩn bị chiến tranh.

Lúc ấy chính quyền quốc gia lo tổ chức cuộc di cư cho đồng bào miền Bắc.Cũng lúc ấy, cộng sản lo liệu công việc của họ có lớp lang:

- Vũ khí, họ chôn giấu lại một số ở miền Nam;
- Cán bộ và binh sĩ, họ chọn lựa một số cho ở lại: có hạng được bố trí để len lỏi nằm vùng tại các cơ quan quốc gia, có hạng lộ hình tích cho đổi vùng hoạt động.
- Địa chủ, phú nông, bị ngược đãi tù tội, đều được tha thứ, dỗ dành để xoá bỏ hận thù. Những thành phần không dỗ dành được thì họ thủ tiêu.
- Tập kết theo nguyên tắc: đưa ra Bắc hạng trai trẻ có năng lực, uy tín và khả năng, gây phân ly chia cách để mọi gia đình đều có người đi kẻ ở.

Gấp rút tạo liên hệ giữa thành phần thanh niên tập kết ra Bắc và dân chúng miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới tập thể cấp tốc khiến hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt Cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.

Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha mẹ già cùng cô cậu chú bác v...v... là một lực lượng đáng kể để chuẩn bị chiến tranh.

Ngay từ đầu, tình cảm của những người này hướng về Bắc, theo bóng kẻ thân yêu. Do đó, họ thành một khối người dần dần sống cách biệt, nếu không là đối lập với chính quyền Miền Nam. Rồi một ngày kia, chuyện được tính trước đã xảy ra: gia đình có đứa con hay người chồng ra Bắc năm 1954, hai năm sau, một đêm nào đó, có kẻ lạ mặt lẻn vào nhà, lén lút trao một lá thư và một tấm hình mới nhất của con hay chồng từ Bắc mang vào.

Gia đình nọ làm sao tố giác kẻ lạ mặt? Đã không tố giác, tất phải che dấu, nuôi dưỡng. Từ việc này đến việc khác, gia đình nọ dần dần đi sâu vào sự cộng tác với tổ chức bí mật của đối phương, chịu mệnh lệnh của họ, rốt cuộc gia nhập vào hàng ngũ của họ.

Gây được cơ sở quần chúng, bấy giờ các lực luợng vũ trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngòai Bắc kéo vào. Sau đó mới có cái Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời.

Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Saigon từ chối tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết. Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới tập thể do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959 mà là những cô gái tức khắc biến thành goá bụa từ 1954.

1968:Bắt Trẻ Đồng Xanh.

Năm 1968 trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc, đảng CS đã khổ công gom góp thiếu nhi miền Nam đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc, trong những điều kiện di chuyển nguy hiểm đến nỗi cả các binh sĩ khỏe mạnh của họ cũng phải hao mòn suy kiệt dọc đường.

Họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum đến Mỹ Tho, Cà Mâu. Người ta gặp những tóan trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Căm Bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. Như vậy, không phải để bổ sung quân số mà là tổ chức cuộc chiến mai sau.

Điều đình để nghỉ ngơi, đối với Mỹ và chúng ta là thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Điều đình đối với cộng sản là bỏ cuộc nửa chừng, là đành không ăn được keo này. Thua keo này họ bày liền keo khác ngay, vì ngưng chiến theo họ, là một sự dở dang, là chưa hòan tất công việc.

Ý tưởng về ngưng chiến của chúng ta dính liền với mơ ước xây dựng, trao đổi kinh tế, trao đổi văn hóa... Ý tưởng về ngưng chiến của cộng sản dính liền với một cuộc tấn công quân sự. Và những nạn nhân đầu tiên của trận chiến tương lai là những đứa bé con và bố mẹ chúng đã chịu đau thương từ những tháng qua. Chiến tranh tương lai đã chọn nạn nhân của nó trong đám trẻ thơ, đàn bà miền Nam để biến họ thành con côi vợ goá.

Nếu vạn nhất trong thời gian năm bảy năm sắp tới mà đất nước này thóat khỏi một trận chiến nữa thì đó là ý trời, không phải là ý của họ đâu.

Ý của họ nó tàn nhẫn đến nỗi chúng ta không dự liệu tới, không tưởng tượng được.

Năm 1954, sau chín năm ê chề mòn mỏi vì chiến tranh, thấy hòa bình ai nấy nhẹ nhõm; nếu có kẻ nào lúc đó mà xếp đặt một cuộc tàn sát nữa, kẻ ấy tất gan đồng dạ sắt. Thì Hồ Chí Minh đã xếp đặt cuộc tàn sát ngay vào thời kỳ ấy.

Năm 1968, sau hăm ba năm chiến tranh thảm khốc, nghe nói hòa bình mọi người mừng rơn. Nghĩ tới hàng triệu người đã bỏ thây trong thời gian qua, ai cũng tưởng làm người Việt Nam mà có kẻ dám để ý nghĩ mon men đến chiến tranh nữa, thì kẻ ấy mặt dầy mày dạn, tán tận lương tâm. Thì Hồ Chí Minh chính đang xếp đặt thêm một cuộc chiến.

Vậy mà ông ta vẫn an nhiên hưởng sự trọng vọng của bao nhiêu người, kể cả người Việt Nam. Cho hay cái sản phẩm quái dị của thế kỷ này là tuyên truyền chính trị. Nó có một ma lực mê hoặc phi thường. Nó là một thứ tuyên truyền một chiều, qui mô toàn diện, sử dụng các nguồn lợi kinh tế như tại Nga Xô, Trung Cộng, Bắc Việt, Đức Quốc Xã v.v...

Và Hồ Chí Minh không phải chỉ được thứ tuyên truyền ấy xóa cho mình cái chân tướng hiếu sát phi nhân. Ông ta còn hóa thành thiên tài lỗi lạc dưới mắt nhiều người vì đã tổ chức giặc giã trong một phần tư thế kỷ để giành nửa nước.

Trong khi tại khắp các nước Á Phi, những lãnh tụ bất tài nhất cũng dần dần thu hồi được độc lập vẹn toàn cho quốc gia họ với những tổn thất nhẹ hơn nhiều. Ông ta còn hoá thành chính trị gia khôn ngoan, thành "cha già dân tộc"ở dưới mắt nhiều người. Trong khi ở các xứ khác cũng lâm vào tình trạng lưỡng phân, không có chính quyền nào nỡ giải quyết tình trạng một cách bất nhân đến thế, trải bao nhiêu năm cứ nhất mực khăng khăng chủ trương hết cuộc tàn sát này đến tàn sát nọ, không một mảy may sờn lòng xúc cảm trước cảnh chết chóc thê thảm.

Người như thế, không biết lòng dạ ra sao, tim óc ra sao. Bảo rằng cùng trong một người, vừa chứa đầy những kế hoạch xua đồng bào mình vào chiến tranh liên tiếp vừa có chỗ cho tình yêu thương đồng bào, thật không thể hiểu thấu.

Những lời trên đây không được nhã nhặn. Quả thật không nhã nhặn. Và kẻ viết ra phải lấy làm ngượng về lời lẽ mình. Nhưng khi mình là dân một nước đã trải qua bao nhiêu năm khói lửa, rồi lại trông thấy trước mắt một viễn tượng đầy máu me, khi ấy nói về kẻ gây thảm họa thật khó giữ lòng bình thản để nói lời tao nhã.

Có thể nào không giận? Ông ta bảo phải đeo đuổi cuộc tàn sát nọ là vì nguyện vọng dân tộc? Trời, dân tộc này ai cũng xưng biết rõ vanh vách nguyện vọng, ai cũng đòi hành động nhân danh nguyện vọng người dân; có điều mỗi người nêu lên một nguyện vọng khác nhau, hòan toàn khác nhau, lắm khi mâu thuẫn nhau. Đâu là nguyện vọng đích thực, để hồi sau phân giải. Cái chắc chắn là dân tộc này không hề nằng nặc thiết tha với cộng sản đến nỗi chịu chết năm ba thế hệ liên tiếp để rước kỳ được chế độ ấy về. Và ông ta chừng ấy tuổi rồi (78 tuổi), tai nghe mắt thấy đã nhiều, từng trải việc đời đã nhiều, ông ta đâu còn ngây thơ mà quáng mắt vì những danh từ khóac lác, những hứa hẹn hão huyền xa xôi của một chủ thuyết. Ông ta hẳn thừa rõ những gì đê tiện xấu xa xẩy ra phía sau các khẩu hiệu tuyên truyền, thừa rõ sống ở Đông Đức đâu bằng ở Thụy Điển, Hòa Lan, thừa rõ con đường từ Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni tiến đến dân chủ và hạnh phúc, phải xa hơn con đường từ Thụy Sĩ, Phần Lan.

Mà dù cho ông ta không nghĩ như thế, cho rằng Tiệp Khắc sung sướng và tự do hơn Thụy Điển đi chăng nữa, thì sự hơn thua chút ít cũng không đến nỗi bắt phải đổi lấy bằng ba bốn cuộc chiến tranh trong đôi ba mươi năm liền. Đáng lẽ ông ta để cho dân tộc nhỏ bé đã chịu quá nhiều đọa đầy vì ngoại thuộc này được yên thân để làm ăn, để sống cho ra sống trong ít lâu.

Đã không vì nguyện vọng, quyền lợi dân tộc, ông ta hành động vì lẽ đảng ông ta nhất định phải thắng các đảng khác. Chừng ấy tuổi tác rồi, lẽ nào vì tranh hơn thua, mà ông mạnh tay sát hại đồng bào không xót thương đến thế? Người ta có thể vì tức khí, nóng giận mà tàn nhẫn, vung tay quá đà. Đó là chuyện nhất thời. Còn ông, hăm ba năm rồi, ông dai dẳng quá.

Vì cuồng tín chăng? Vì tự ái chăng? Vì cái gì ông ta cũng đáng trách, đáng giận quá.

Nhưng trong vấn đề này, trách móc với giận hờn đâu có ăn thua gì. Ăn thua chỉ có chíên lược thâm hiểm, hành động thích hợp. Mà hành động thì...

Thì rồi chắc chắn ở phía bên này thoạt tiên ai nấy sẽ nhẩy lên mừng hòa bình. Lâu lâu sẽ có người sáng suốt nhắc khẽ đến chiến tranh chính trị. Trong lúc ấy Bắc Việt lặng lẽ điều khiển cán bộ của họ ở trong này âm thầm nhen nhóm cơ sở. Rồi đôi ba năm sau, một ngày nào đó xét thấy thuận tiện, họ cho lệnh bùng nổ. Thế là chiến tranh tái diễn.

Chiến tranh tái diễn: mọi người trên thế giới đang sống an lành bổng bị quấy rầy, bị ảnh hưởng, có một số bị lôi cuốn vào chiến cuộc, lấy làm lo ngại, bực mình, nghiêm khắc trách vấn: "Loạn lạc này đích thị do độc tài, tham nhũng, bất công, kỳ thị tôn giáo v...v.... khiến dân chúng bất mãn nổi lên chống chế độ."

Chiến tranh ác liệt thêm: lương tâm nhân loại bị xúc phạm, các nhà triết học, các luật gia... trịnh trọng suy tư, bàn cãi, rồi lên án... Trong khi ấy các lãnh tụ Hà Nội chỉ cần khéo che miệng nín cười. Đó là điều quan trọng. Họ không được phép cười. Họ không được phép chế giễu lương tâm và trí thông minh của loài người. Họ không được vô lễ; họ chỉ được tiếp tục đánh thật mạnh.

Cứ thế cho đến khi chúng ta chịu không nổi những đòn đánh từ bên ngoài và những dằn xóc từ bên trong, chúng ta bỏ cuộc và cộng sản tiến đến Cà Mâu..." VÕ PHIẾN (1968)

LS.Nguyễn Hữu Thống

Trích trong sách “Giải thể chế độ Cọng sản”
Luật sư Nguyễn Hữu Thống
Xem thêm nguyenhuuthongblog

Giao Tiên


Thần tượng sụp đổ


Ngày 7 tháng 5 năm 2010, Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev đã trả lời câu phỏng vấn của tờ nhật báo Nga Isvestiai rằng: “Chế độ chính quyền ở Liên Xô khi trước không thể diễn tả bằng cách nào khác hơn là một chế độ độc tài toàn trị. Thực không may, đây là một chế độ đàn áp các quyền tự do cơ bản không những chỉ người dân của nước mình, mà còn cho nhân dân các nước nằm trong khối CS, tôi muốn nói tới các nước XHCN khác, trong gần nửa thế kỷ nay. Và vết nhơ này không thể nào bôi xóa trong lịch sử”.(Hình phải:Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev)

Lời phát biểu của vị nguyên thủ Nga đã gây chấn động hệ thống truyền thông Nga và nhiều nước trên thế giới. Vị Tổng Thống 45 tuổi đời, sau 2 năm cầm quyền đã can trường nói lên một sự kiện mà từ trước tới nay không ai dám lên tiếng. Sự can trường và quả quyết của ông còn được thể hiện khi ông quyết định tới Ba Lan để tham dự tang lễ của cố TT Ba Lan, Lech Kaczynski và 94 nhân viên tháp tùng, đã thiệt mạng trong tai nạn máy bay tại rừng Katyn ngày 4/10/2010. Cuộc hành trình tới Ba Lan thực vô cùng nguy hiểm do khói và bụi núi lửa phun ra mù mịt trên bầu trời. Nhiều nguyên thủ quốc gia đã huỷ bỏ chuyến tham dự tang lễ này vì sợ chuyến bay không an toàn, nhưng ông Medvedev đã tới Ba Lan bằng máy bay, bay tầm thấp dưới 10 ngàn mét. Sự hiện diện của ông trong tang lễ làm người Ba Lan rất xúc động và thế giới cảm phục. Ông Dmitry Medvedev muốn chứng tỏ với nhân dân và chính quyền Ba Lan thiện chí của Nga trong việc hòa hợp hòa giải và đoàn kết dân tộc giữa 2 nước.

70 năm trước đây, vào năm 1940, 22 ngàn sĩ quan Ba Lan đã bị Staline ra lệnh thảm sát tại rừng Katyn và cơ quan an ninh Liên Xô đã bưng bít và bóp méo sự thật về vụ này. Mãi sau này, chính quyền Ba Lan mới đưa vụ thảm sát ra tòa án Nhân Quyền Âu Châu tại Strasbourg với những bằng chứng. Thân nhân những người bị sát hại đã đòi chính phủ Nga phải bồi thường..

Tháng 3/2010, Viện Công tố Quân Sự Nga đã trả lời Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu rằng: “vụ thảm sát xảy ra từ năm 1940, tới nay đã vượt qua thời hiệu pháp lý. Nước Nga, ngày hôm nay, không thể chịu trách nhiệm cho một chính quyền 70 năm về trước.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Dmitry Medvedev thì ngược lại. Ông nói: “Nếu ngày hôm nay, nhắm mắt trước những tội ác này, thì trong tương lai, những tội ác như vậy sẽ còn lập lại, ở dạng này hay dạng khác, ở nước này hay nước kia. Vì vậy, thời gian khiếu nại tuy khá xa, nhưng tội ác tày trời như vậy không bao giờ mất thời hiệu. Những người gây tội ác, bất cứ là ai, bất kể thời gian là bao nhiêu năm, cũng phải gánh trách nhiệm ! Đây là vấn đề trách nhiệm và đạo đức, một sự kiện đáng để cho các thế hệ tương lai rút kinh nghiệm.”.

Ông Medvedev cũng tố cáo: “Stalin đã giết dân mình hàng loạt. Ông ta là kẻ sát nhân với số lượng lớn. Tội ác đó không thể tha thứ được.”

Giới truyền thông rất ngạc nhiên vì lời tố cáo tội ác của Stalin từ cửa miệng TT Medvedev. Ông nói một cách tự nhiên, không hề bị một áp lực từ bên trong hay bên ngoài. TT Medvedev đã nhìn ra và nói lên cái chế độ tàn bạo của Liên Bang Xô Viết dưới thời Stalin , một bạo chúa. Ông cũng chỉ trích các tổ chức CS vẫn còn tôn thờ Stalin, muốn treo hình Stalin nhân dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít Đức. Ông khẳng định: “Điện Kremlin sẽ không xử dụng các biểu tượng như vậy. Sự trở lại của chủ nghĩa Stalin đã hoàn toàn bị loại trừ. Và ông kết luận: Tôi đã phải chờ đợi quá lâu để nói lên sự thật này.”

Việc công khai tố cáo tội ác của Stalin đã gây tranh cãi trong công chúng Nga. Một số người đề cao công lao của ông ta trong việc chiến thắng phát xít Đức, nhưng các tổ chức nhân quyền đã đưa ra bằng chứng về sự sát hại hang triệu người Nga trong 3 thập niện cầm quyền. của Stalin. Những trại tù Gulag khủng khiếp gây kinh hoàng cho dân chúng. Các cuộc cưỡng ép di dân và nạn đói năm 1932-1933 đã gây thiệt mạng cho 6 triêu người.

Từ lời tố cáo của TT Medvedev, tờ báo Novaya Gazeta và đài phát thanh Echo Moskvy đã trưng ra tài liệu về mật lệnh giết người của Stalin, trong đó, ngay cả các trẻ em từ 12 tuổi cũng phải chịu tử hình.. Lịch sử Nga đang mở lại những trang sử đen tối nhất. Và Stalin chính là tên tội đồ của dân tộc Nga.

Ngày 9/5/2010 nước Nga tổ chức một lễ kỷ niệm ăn mừng 65 năm ngày chiến thắng phát xít Đức Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo Tây phương tới tham dự lễ kỷ niệm tại Nga. Đặc biệt, cuộc diễn hành được tổ chức tại Quảng trường Đỏ, Moscova, có sự tham gia của các quân đội Anh, Mỹ, Pháp, và Ba Lan . Theo dự kiến, có 10,500 quân nhân tham dự, và cùng một ngày 70 thành phố lớn ở Nga cùng tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng. Đại diện cho VN, Nguyễn Minh Triết sẽ lên đường tham dự lễ kỷ niệm này.

Từ gần một thế kỷ nay, tại VN, Stalin được Hồ Chí Minh coi như là một thần tượng, một vĩ nhân. Trong các bài diễn văn, Hồ đề cập tới Stalin với một giọng tôn kính, gọi Stalin là “cha gìa của thế giới XHCN…” HCM tạc tượng Stalin đặt ngay giữa công viên Hà Nội. Các bài ca ngợi công ơn Stalin được đem vào sách giáo khoa bậc Trung, Tiểu học.

HCM cũng cho Tố Hữu viết những lời thơ khóc lóc thảm thiết khi Stalin chết:

Thương cha, thương mẹ, thương chồng.
Thương mình thương một, thương ông thương mười.

Cái khó của Nguyễn Minh Triết trong kỳ đi họp lần này là không biết đóng góp ý kiến ra sao trước lời phát biểu của TT Medvedev “Stalin là tội đồ của dân tộc”. Thực là “há miệng mắc quai”. Tội đồ của dân tộc Nga lại là thần tượng của CHXHCN VN ?

Lần này đi họp về, Nguyễn Minh Triết hết còn… ba hoa chích choè trước đám Đại Biểu Quốc Hội chỉ thích gật gù và vỗ tay cổ võ.

Giao Tiên

Thursday, May 27, 2010

Dr. Uwe Siemon-Netto


50 năm trước
Hà Nội khởi xướng cuộc chiến Việt Nam

Tết 2010 đánh dấu một cộc mốc quan trọng cho người Mỹ gốc Việt. Theo số liệu của Cơ Quan Thống Kê Hoa Kỳ (U.S. Census Bureau), cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã lên tới con số 1.6 triệu và trở thành cộng đồng thiểu số gốc Á Châu lớn thứ hai toàn nước Mỹ (sau người Trung Hoa*).

Ðối với họ, năm 2010 cũng chứa đựng một khía cạnh đau buồn bởi vì là kỷ niệm thứ 50 của một biến cố khiến họ phải bỏ xứ lưu lạc đến bến bờ này. Năm 1960, cộng sản Bắc Việt thành lập “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam,” gọi tắt là Việt Cộng. Ðiều này đã mở màn cho một cuộc chiến mà hậu quả là nỗi đau đớn chưa nguôi cho hàng chục ngàn người đã từng nếm trải ngục tù cộng sản. Một công trình nghiên cứu y khoa dựa trên nhóm 200 người sống sót đã từng bị hành hạ cho thấy 64% đã biểu lộ những sự hư hại rõ rệt về thần kinh.

Khám phá của Richard F. Mollica, bác sĩ tâm thần của trường Ðại Học Harvard và các cộng sự viên đã minh họa một điều là mặc dù người Mỹ cố quên đi chiến tranh Việt Nam, hậu quả cuộc chiến này vẫn luôn còn đó. Rất nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ không thể quên được sự đón tiếp tồi tệ khi họ trở về Mỹ và bị phỉ báng là những “tên sát nhân trẻ em.” Uất ức vì sự phản bội của đồng hương, hàng ngàn cựu chiến binh Hoa Kỳ đã phải tự tử.

Trong khi đó, dư luận Hoa Kỳ không hề nhắc đến số phận của các cựu chiến binh miền Nam Việt Nam đang sinh sống trên đất nước này. Bây giờ mới rõ ra là họ cũng chịu đựng đau đớn bởi những vết thương vô hình sau khi bị bỏ rơi vào tay bạo ngược. Ðiều này không có gì ngạc nhiên cả. Suốt chiều dài lịch sử, các chiến binh luôn luôn phải gánh chịu hai loại tổn thương - về thể xác gây ra bởi vũ khí và về tinh thần do những ám ảnh đau thương, đặc biệt là nỗi đau bị bỏ rơi ngay tại quê hương của mình.

Hẳn nhiên có nhiều cựu chiến binh miền Nam Việt Nam với những vết thương như vậy trong đám đông nồng nhiệt đầy tiếng pháo đón chào “Năm Canh Dần” vào sáng Chủ Nhật đầu năm. Họ có thể không để lộ ra nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, Bác Sĩ Mollica đã khám phá ra là những vết thương vẫn luôn còn đó.

Khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, những nhà phê bình chính sách Hoa Kỳ đã đồng lòng vào sự bịa đặt rêu rao bởi những tư tưởng gia quá khích và một số bộ phận của truyền thông. Họ cho là Washington và những “tay sai tham nhũng” tại Sài Gòn đã tạo ra cuộc chiến Việt Nam. Ðến nay đã có đầy đủ bằng chứng để chỉ mặt đích danh thủ phạm: đó là Hồ Chí Minh. Dưới cái tên Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh là một thành viên cốt cán của Cộng Sản Quốc tế (Comintern) với nhiệm vụ rõ rệt là áp dụng chủ thuyết Lê-Nin-Nít vào Việt Nam. Hồ Chí Minh đã theo đuổi không mệt mỏi sứ mạng được giao, ngay cả sau khi Hiệp Ðịnh Geneve 1954 tạm thời chia đôi đất nước với Bắc Việt theo Cộng Sản và miền Nam Việt Nam theo khối Tây Âu.

Vài tháng trước kỳ đại hội Ðảng Lao Ðộng lần thứ ba, Quốc Hội Bắc Việt đẻ ra tổ chức Việt Cộng vào tháng 9 năm 1960. Ðiều này chứng tỏ giới lãnh đạo cộng sản đã chuyển từ giai đoạn “khuấy động và tuyên truyền,” giai đoạn đầu của chiến tranh du kích vẽ ra bởi Võ Nguyên Giáp, sang thành “đấu tranh bạo động,” giai đoạn hai của chiến lược này. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn tổng công kích với hình thức chiến tranh qui ước mà thế giới đã được biết qua màn hình TV hàng ngày.

Vào tháng 1, 1960, chính quyền Sài Gòn ghi nhận hàng ngày một số lượng trung bình khoảng 7 “hành vi” khủng bố tại các vùng tiền đồn Việt Nam. Danh từ “hành vi” mà phát ngôn viên quân sự loan báo hàng ngày cho giới báo chí trong “bản tin vào lúc 5 giờ” nghe có vẻ tầm thường nhưng thực chất là những hành động ghê tởm mà số lượng tăng lên nhanh chóng thành hàng trăm và hàng ngàn vụ mỗi ngày.

Ðầu năm 1965, bản thân người viết làm nhân chứng cho một “hành vi” như vậy tại một ngôi làng đã được một toán Việt Cộng chiếu cố đêm hôm trước. Gia đình trưởng làng gồm cha mẹ và 11 người con bị treo cổ chết trên cây. Toàn làng bị bắt buộc phải chứng kiến cuộc tắm máu này. Trong khi đó, một tên cán bộ Việt Cộng răn đe họ “đây là hậu quả cho bất cứ ai cộng tác với ngụy quyền Sài Gòn.” Vị trưởng làng đã trung thành với chính quyền miền Nam Việt Nam trước đó.

Những ký ức như vậy không bao giờ phai mờ được, thì làm sao có thể quên được sự chịu đựng của những cựu chiến binh và công chức miền Nam Việt Nam đã trải qua khi đất nước họ bị đồng minh bỏ rơi và lọt vào tay cộng sản. Nhắc lại lần thứ 50 ngày thành lập tổ chức Việt Cộng cũng là dịp để tỏ lòng tri ân những người đồng minh cũ của Hoa Kỳ, những người đã bỏ mình ngoài biển cả trốn chạy chế độ cộng sản, và đồng thời cho những người đã không ngừng làm kinh ngạc người Mỹ với sự siêng năng, cần cù và lòng trung thành với đất nước này.

Ðã từng chịu đựng sự chế nhạo, nay họ xứng đáng được kính trọng và nhớ ơn sâu sắc. Rất mong năm Canh Dần này sẽ là một năm hạnh phúc và thành công cho tất cả những “Sài Gòn nhỏ” trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.

Dr. Uwe Siemon-Netto

Duy Anh dịch.
Bản gốc tại www.uwe-thebeat.org

(*) Phần thêm của người dịch:

Giáo Sư Uwe Siemon-Netto, Ph.D gốc người Ðức, nguyên tổng biên tập về tôn giáo của United Press Internationa, hiện là bình luận gia quốc tế và một nhà thần học (không phong chức) của đạo Lutheran. Ông là sáng lập viên của Center for Lutheran Theology and Public Life (CLTPL) và chủ tịch của tổ chức “The League of Faithful Masks” đặt bản doanh tại Capistrano Beach và trường Concordia University Irvine, California.

Với tư cách một nhà báo, ông chuyên về những đề tài liên quan đến niềm tin, xã hội và ngoại giao. Ông hiện là cộng tác viên thường trực của tờ “The Atlantic Times,” một tờ báo tiếng Anh hàng đầu của giới báo chí Ðức tại Mỹ.

Ông đã từng là phóng viên tường thuật những sự kiện lịch sử quan trọng như vụ xây dựng bức tường Bá Linh năm 1961, hoạt động của Liên Hiệp Quốc, phong trào nhân quyền tại Mỹ, vụ ám sát TT John F. Kennedy, cuộc chiến Việt Nam (trong thời gian 5 năm), cuộc chiến 6 ngày Ả Rập-Do Thái, và Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Cộng.

Trong thời gian làm phóng viên chiến trường tại Việt Nam, ông đã chứng kiến tội ác Việt Cộng tại Huế kỳ Mậu Thân 1968, trong đó một số người quen của ông là 3 bác sĩ người Ðức cùng với vợ của một người đang làm việc thiện nguyện tại trường Y Khoa Huế đã bị thảm sát.

Dr. Uwe Siemon-Netto

I. PERSONAL
Dr. Siemon-Netto was born on October 25, 1936 in Leipzig, Germany. He attended both public and private schools in East and West Germany. He has residences in both Washington, D.C. and Gurat in Charente, France. He speaks English, German, and French with almost equal facility. He has been married to Gillian, née Ackers, an Englishwoman, since 1962. His home church is Mount Olivet Lutheran Church (LCMS), Washington, DC.

II. EDUCATION
* Master of Arts, Lutheran School of Theology at Chicago (1988)
* Ph. D. Boston University (under Peter Berger)
* D.Litt (Honorary) Concordia Seminary, St. Louis, Mo. (2004)

IV. TEACHING EXPERIENCE
* Director, Concordia Seminary Institute on Lay Vocation in St. Louis, MO
* Concordia Center for Religion and the Media, Bronxville; NY
* Research scholar at the Institute on Religion and World Affairs, Boston University
* Distinguished Visiting Scholar, Hillsdale college, MI
* Instructor, World Journalism Institute and others

V. PUBLICATIONS
Journalistic coverage of the following:
* the construction of the Berlin Wall, 1961
* the Cuban missile crisis
* the U.S. civil rights movement
* the assassination of President John F. Kennedy
* the Vietnam War (over a period of five years) including the 1968 Têt Offensive
* the Six-Day War (covered from the Jordanian side)
* China's Cultural Revolution (from Hong Kong).
Author of the following books and articles:
* The Fabricated Luther: The Rise and Fall of the Shirer Myth (Concordia Scholarship Today)
* Acquittal of God: A Theology for Vietnam Veterans
* One Incarnate Truth: Christianity's Answer to Spiritual Chaos (2002)
* "J. S. Bach in Japan" an article from First Things: A Monthly Journal of Religion and Public Life
* On the Brink: The Myth of German Anti-Americanism (Ethics and public policy reprint

Nguồn to-quoc.net

Hà Giang


Giới truyền thông cần phụng sự cho công lý và sự thật

LONG BEACH - Buổi thuyết giảng tại Long Beach Convention Center, vào ngày 25 và 26 Tháng Chín của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần của dân tộc Tây Tạng, lôi cuốn hàng chục ngàn người từ khắp nơi đổ về Long Beach, thành phố có bờ biển dài nhất miền Nam California.Ðức Ðạt Lai Lạt Ma trong cuộc họp báo. (Hình:Ðức Ðạt Lai Lạt Ma-Lý Kiến Trúc/Tạp chí Văn Hóa)

Trong khi không khí ở bên ngoài Long Beach Convention Center tấp nập từng đoàn người đủ mọi lứa tuổi, mọi sắc dân chen nhau đông vui như trẩy hội, thì bên trong, viên chức ngành an ninh và tình báo Hoa Kỳ toát mồ hôi với nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho buổi gặp gỡ giữa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma với báo chí.

Một tăng sinh Ðài Loan, hiện ở tại Hoa Kỳ, cho biết ông đã từ Kentucky bay đến Long Beach để tham dự buổi hoằng pháp của Ðức Ðạt Lại Lạt Ma. “Ðây không phải là lần đầu tôi đến nghe ngài thuyết giảng.” Dù ngài giảng ở bất cứ đâu, “tôi luôn cố gắng đi nghe,” để học “áp dụng triết lý cao siêu của nhà Phật vào đời sống hàng ngày.”

Sau khi phải xếp hàng rất dài, phải trải qua cổng security, điểm danh, xét ID, và các túi hành trang được đội chó K9 dò tìm vũ khí, giới truyền thông được đưa vào phòng họp, nơi số nhân viên an ninh hiện diện cũng đông ngang với báo giới.

Buổi họp báo bắt đầu trễ hơn một giờ đồng hồ so với dự định, khiến một số phóng viên tỏ vẻ sốt ruột, nhưng ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm khi Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, từ một cửa bên hông bước vào phòng.

Ngài vừa đi, vừa chắp tay hoa, vái chào mọi người.
Ðối với nhiều ký giả, đây là lần đầu được diện kiến Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần khả kính của người Tây Tạng. Và đa số đã bị chinh phục ngay lập tức với thần sắc uy nghi nhưng khiêm cung của ngài.

Ân cần gửi lời chào đến cử tọa, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma bảo rằng mọi người đều có thể sống hạnh phúc nếu mọi người đều đối xử thành thực, công bằng với nhau và “có lòng trắc ẩn với tha nhân.” Và, với tư cách một tín đồ Phật Giáo, bổn phận của ngài là “gieo rắc tình thương” đến muôn nơi.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma chia sẻ quan điểm của ngài về vai trò truyền thông. “Báo giới có một thiên chức lớn lao với xã hội.” Ngài nói. “Ðó là phụng sự công lý và sự thật.” Ðể đảm nhận được trọng trách đó, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cho rằng, nhiều khi ký giả “không thể chỉ tường trình, mà còn phải điều tra.”

Rồi ngài nói đùa: “Do đó các ký giả phải có những chiếc mũi ‘dài như vòi con voi,’ đôi tai có thể ‘nghe được tiếng côn trùng,’ phải đeo ‘thêm một đôi mắt ở sau lưng,’ và có một cái đầu ‘luôn luôn thắc mắc.’”

Phóng viên Người Việt đặt câu hỏi, giữa vai trò lãnh đạo tôn giáo, và lãnh đạo quốc gia, vai trò nào “nhiều thử thách hơn.”
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cho biết từ nhỏ ngài đã được trau dồi để trở thành một lãnh đạo tôn giáo, và “không hề được huấn luyện để trở thành một chính trị gia.” Vì thế, khuynh hướng tự nhiên của ngài là “hướng về toàn thể chúng sinh”. Tuy nhiên, “ở một mặt khác, lòng tôi cũng luôn hướng về người dân Tây Tạng,” vì “khi chúng tôi mất độc lập, phải sống kiếp sống lưu vong, chắc chắn cũng phải có những khắc khoải nào đó.”

Trả lời câu hỏi kế tiếp của Người Việt về nguyện vọng tha thiết nhất của ngài cho người dân Tây Tạng, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma trả lời ngay: “Một nền dân chủ thực sự.” Ngài giải thích thêm, “từ năm 2001, chúng tôi đã bầu ra lãnh đạo của Tây Tạng theo thể chế dân chủ, vị này lãnh đạo được hai nhiệm kỳ,” và chúng tôi sẽ phải “chuẩn bị cho một cuộc bầu cử nữa vào năm 2011.”

Ngài tin rằng “người Tây Tạng phải được bầu ra người lãnh đạo của họ theo thể chế dân chủ,” và “đã có nhiều nỗ lực dân chủ hóa Tây Tạng từ nhiều năm nay.”
Nhà báo Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm nguyệt san Văn Hóa, đặt câu hỏi liệu ngài có dự tính đến thăm Việt Nam và chúc phúc cho 60 triệu tín đồ Phật tử, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đùa ý nhị: “Không có thư mời!” (“There is no invitations”)

Giữa những tiếng cười rộ trong phòng, ngài giải thích thêm, ngay cả tại những quốc gia đang theo chế độ Cộng Sản như Trung Quốc và Việt Nam, nơi mà đời sống tôn giáo bị kềm chế, “tôi tin rằng sâu thẳm trong trái tim những nhà lãnh đạo này, họ vẫn tin vào một đấng Thượng Ðế, nhưng họ chỉ chưa thắng được những ham muốn của chính mình.”
“Ðó là lý do tại sao tôi đi khắp nơi để thuyết giảng!”

Một phóng viên của tờ Tibetan Times hỏi rằng ngài đã từng phát biểu “mong sao chính quyền Trung Quốc ngày càng mỏng đi,” vậy dự tính kế tiếp của ngài là gì. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cười và trả lời: “Tôi từng được gặp một số trí thức và học giả Trung Quốc, họ rất chân thành, rất hiểu, và rất đạo đức,” “những người này vào được chính quyền thì rất tốt.”

Tuy nhiên, “ngay tại Trung Quốc, cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau.”
Ða số các câu hỏi còn lại của buổi họp báo kéo dài đúng 30 phút xoay quanh vấn đề tự trị của Tây Tạng, và mặc dầu các ký giả không nhắc nhiều đến hai chữ Trung Quốc, đa số đều tỏ ra thấu hiểu tình cảnh của người dân Tây Tạng, và ủng hộ nỗ lực đấu tranh để dân chủ hóa đất nước họ.

Trước khi chấm dứt buổi họp báo, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma một lần nữa nhắc nhở giới truyền thông về “trách nhiệm xã hội” của họ: “Phụng sự cho công lý và sự thật
!”

Hà Giang
Người Việt 26-9-2009

Wednesday, May 26, 2010

Very short stories online


Những truyện rất ngắn .

1.
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành "Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo: "Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn. (Thanh Hải)

2. Vòng cẩm thạch
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười: - Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui. Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng. (ST)

3. Quà sinh nhật
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?" Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến... (ST)

4. Con Nuôi
Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói: - Mình biết tất cả về con nuôi đấy. Một học sinh khác hỏi: - Thế con nuôi là gì? Cô bé trả lời: - Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng. (ST)

5. Khóc
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói: "Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh." (ST)

6. Xa xứ
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học. Thư đầu viết: "Ở đây, đường phó sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình..." Cuối năm viết: "Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm..." Mùa đông sau viết: "Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không..." (ST)

7. Cua rang muối
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui: "Cua rang muối thật đó mẹ." Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém: "Còn răng đâu mà ăn?!" (ST)

Source internet

Hải Triều


Lá Cờ Vàng

1.- Có một thời công chuyện làm ăn khó khăn, tôi mua một chiếc ghe nhỏ, theo anh em làm nghề dân chài, đi đánh cá Salmon. Đó là thời vàng son cách đây hơn 10 năm của "làng" ghe đánh cá Salmon gốc Việt ở British Columbia, Canada. Làm 4 tháng, nghỉ 8 tháng ăn lương thất nghiệp. Tôi thấy cái 8 tháng ăn lương thất nghiệp có vẻ ngon cơm, đi đó đây nói chuyện, viết lách, hội thảo, biểu tình… mà không sợ vợ con ở nhà ăn mì gói… Đó là lý do tôi thành "dân chài", mặc dù cái thuở ban đầu lạng quạng ấy, tôi không biết vá lưới, không biết mặt con cá Salmon nó dài ngắn, méo tròn ra sao… Đúng là liều mạng!

Ta đi trong tuyết ươm hơi lạnh
Mà lửa từ tim vẫn nhóm hồng
Với lá quốc kỳ trên ngực áo
Ta thấy còn hơi ấm non sông…

Thuở đó, Ba tôi còn sống, ở Việt Nam, nghe tin tôi ra biển, ông than trời, vì biết tôi không thể là dân làm biển. Ông tưởng tượng tôi đi chân trần, vát lưới ra biển, mặt mày đen như cục thang hầm, nhấp nhô trên sóng nước… như mấy ông dân chài Phan Thiết ở Lạc Đạo, Bình Hưng, Thương Chánh… rồi nghĩ đến cái thời "vàng son" khi tôi từ đơn vị về thăm nhà, ngừng xe jeep trước cửa, bông mai trên bâu áo, ra trường Thủ Đức mấy năm mà vóc dáng vẫn chưa tan nát nét thư sinh, ông lấy làm hãnh diện với bà con làng xóm… Ông thở dài, và khi biển động, bão tố ở biển Phan Thiết xa Canada gần nửa quả địa cầu, ông lại đứng ngồi không yên nhìn ra biển rộng tưởng chiếc ghe tôi đang quay cuồng trong cơn bão, tưởng chừng khi biển Phan Thiết động thì sóng Canada cũng vỗ ầm ầm… Ba tôi than trời là đúng, tôi ra biển nhiều lần song vẫn bị say sóng hộc máu, lưới quăng xuống nước, cá buồn tình trốn mất tiêu… và cuối cùng, tôi bán ghe sau 5 năm chọn lầm cái nghề "Hà Bá" chê lỗ vốn này.

Tôi thương Ba tôi khi nghĩ đến ông, nhưng ông xa tôi nghìn trùng. Cái gần gũi theo tôi lên ghe ra biển là cái "còm piu tơ" Mac Intos và mấy cái thư của cô bé gái 10 tuổi con tôi. Tôi làm nghề biển mà không bỏ được cáo nghiệp… báo. "Nghiệp báo!" Đúng là Phật dạy nghìn năm trước không sai! Báo ở đây là nghề viết lách trăm cay ngàn đắng cùa những tên cầm bút còn chút liêm sỉ và lương tâm… chứ không phải là thứ nghiệp báo trầm luân địa ngục gì cả!

Khi mỗi lần ghe vô bến, bán cá và vá lưới xong, tôi kéo giây điện gắn vô máy và gõ lọc cọc. Bài vở, tin thức lấy từ báo Tây và cái radio… rồi nhét vô cái đầu cho nó làm việc, xong sang/copy vô cái disket gửi qua Toronto cho chủ nhiệm Bùi Bảo Sơn… Tạp chí Lửa Việt vì thế mà tôi vẫn có mặt, cho dù tôi lênh đênh trên sóng nước theo đuôi bầy cá Salmon...

Có một hôm, thả lưới xong, tôi bóc cái thư cô bé gái gửi cho bố, tôi vô cùng xúc động. Thư con tôi có mấy dòng tiếng Anh "con nhớ Daddy! Con nhớ Daddy!" mà trên đầu thư con tôi vẽ một lá quốc kỳ mầu vàng ba sọc đỏ bằng bút chì mầu. Thì ra con tôi biết lá cờ trên bàn tôi là gì, và những gì tôi giải thích cho nó biết… Đọc thư con, nhìn những dòng chữ con nít, nhìn lá cờ… tôi thấy cả một vùng biển cửa sông Skeena gần Alaska ấm lại…

2.- Tại Mỹ cũng như tại Canada, tờ lịch vừa qua bước vào ngưỡng cửa tháng 12 là thiên hạ chuẩn bị cho mùa Giáng sinh. Một hôm cô bé lớp tiểu học con tôi về nhà, vừa bỏ sách vở xuống bàn là nó kéo tôi ra phòng khách:

- Ông thầy trường con gắn cờ Việt cộng trên cây Giáng sinh đó Ba!

- Sao con biết đó là cờ Việt cộng?

- Thì có lần ba chỉ con cờ đỏ sao vàng là cờ Việt cộng, là cờ bỏ tù Ba, là cờ mà Ba Mẹ phải chạy trốn. Con ghét lá cờ đó lắm! Tại sao trường không treo cờ mình Ba?

Tôi bảo con tôi:

- Con giỏi lắm! Ba thương con lắm! Ba với con lên trường, con chỉ cho Ba lá cờ Việt cộng trên cây Giáng sinh nhen!

Cô bé nhanh nhẩu:

- Con dắt Ba đi liền được không Ba?!

Trường cách nhà tôi chỉ vài trăm mét. Hai cha con vô trường, và quả đúng như lời cô bé, một lá cờ đỏ sao vàng nhỏ chen giữa những lá cờ các quốc gia khác được trang trí gắn trên cây Giáng sinh sặc sỡ những bong đèn màu nhấp nháy. Tôi dắt con vào xin gặp ông hiệu trưởng, giải thích cùng ông về lá cờ, về kiếp nạn của dân tộc Việt Nam, và hơn nửa triệu người Việt Nam bỏ nước vượt biển ra đi,vùi thây trong biển cả chỉ vì lá cờ này… Và lá cờ cờ đỏ sao vàng là cơn ác mộng của tôi, gia đình tôi, dân tộc tôi.

Ông thầy Canada nghe tôi giải bày, cảm thức những xúc cảm của tôi khi tôi nói, ông hiểu ra, và khi tôi bảo ông rằng tôi sẽ làm đơn chuyển con tôi đi trường khác học nếu ông còn giữ lá cờ đỏ này trên cây Giáng sinh. Ông từ tốn dắt cha con tôi ra cây Giáng sinh, gở bỏ lá cờ đỏ sao vàng, và quay lại hỏi con tôi:

- Con muốn thầy thay lá cờ nào lên đây?

- Dạ, lá cờ con làm ở nhà!

- OK, mai con đem cờ con làm lên trường nghe!

- Dạ! Mai con đem lên! Con cám ơn thầy!

Đêm đó, nhỏ bé con tôi hí hoáy cắt giấy, tô vẽ một lá cờ vàng ba sọc đỏ nhỏ xíu. Sáng hôm sau nó lên trường thật sớm. Giờ ăn trưa, nó chạy một mạch về nhà:

- Daddy! Cây Giáng sinh ở trường thầy con cho gắn một lá cờ vàng như lá cờ của Ba để trên bàn. Con làm lá cờ đó hồi hôm Ba biết không?

- Ba biết! Ba biết! Ba thấy con làm! Con giỏi lắm! Ba thương con!

Tôi ôm con tôi vào lòng, hôn trên trán nó, và tôi thấy Vancouver ấm cả một trời mùa Đông…

3.- Bình là một thuyền nhân tỵ nạn đi chui, nghĩa là anh em hắn phóng lên ghe tôi giờ chót khi tôi và đám bạn đẩy ghe ra biển. Đến Canada, hắn ở cùng thành phố Vancouver với tôi. Khá lâu không gặp, có lần tôi lang thang trong chợ Longdale Market ở North Vancouver, gặp hắn làm nhân viên security trong chợ, có job tốt, vợ con, nhà cửa đàng hoàng. Tôi mừng là anh em chúng tôi không tên nào chết trên biển, không tên nào thất nghiệp và ba trợn khi đến xứ người… Tôi không mong gì hơn.

Khoảng một tuần sau đó, bất ngờ Bình phone tôi:

- Anh Hai, sáng nay tôi vô làm, thấy thằng manager cho giăng một dãy cờ trên gần nóc lòng chợ, có cả cờ đỏ sao vàng. Tôi xì nẹt và cự lộn với nó!

- Bộ không sợ nó đuổi sở sao?

- Đuổi, tôi tìm chỗ khác làm, chịu nhục làm ở đây mỗi ngày thấy lá cờ này tôi chịu không được! Thằng manager thấy tôi nóng, lúc đầu nó ngạc nhiên, sau tôi giải thích nó hiểu ra, nó đồng ý bỏ lá cờ đó, nhưng nó ra điều kiện là tôi phải tự vô kho mang thang ra leo lên tháo cờ, và thay vào bất cứ một lá cờ quốc gia khác mà tôi không "up set, không nhức đầu" ngay hôm nay. Nó không chấp nhận để giây cờ trong chợ có một khoảng trống. Anh có lá cờ quốc gia nào sẳn ở nhà, lái xe mang gấp qua cho tôi trước khi chợ đóng cửa!

- OK, chuyện gì chứ chuyện này tao bay qua liền!

Mặc dù thằng em thuyền nhân đi chui của tôi nó không tham gia sinh hoạt đấu tranh nào, năm 1975 nó còn nhỏ, chưa đi lính, nhưng nó có tinh thần quốc gia ngon lành, và phản ứng hết sẩy, ngon lành hơn bất cứ ai "ăn cơm quốc gia thờ ma Việt vẹm".

Ngày hôm nay, ai thăm chợ Longdale Market ở North Vancouver, Canada vẫn còn thấy trên nóc chợ một lá cờ vàng ba sọc đỏ giăng giữa hàng cờ các quốc gia khác, đó là lá cờ của tôi và Bình. Hạ được cờ đỏ VC, treo lên lá cờ vàng trên nóc chợ ở Canada là một kỷ niệm khó quên của anh em tàu BI 25803 của tụi tôi khi vào Pulau Bidong năm 1980 trước đây.

4.- Tại Canada, tỉnh Alberta là nơi lá cờ vàng ba sọc đỏ được treo thường trực tại hai thành phố Calgary và Sandre. Chế độ Hà Nội nhiều lần cay cú và can thiệp yêu cầu kéo xuống, nhưng chính phủ các cấp Alberta vẫn lạnh như tiền, quyết tâm giữ lá cờ của cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản là một yếu tố quan trọng để nhà nước Alberta "gửi gió cho mây ngàn bay những lời phản đối, yêu cầu của Hà Nội" .

Những đồng hương Việt Nam có dịp ngang qua Calgary, ngay trên góc xa lộ Deerfoot và International Avenue ( đường 17), sẽ thấy có một công viên treo một dọc cờ các quốc gia tự do trên một hàng trụ cờ, và lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay giữa hàng cờ đó.

Thành phố Vancouver cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong một tình huống rất lý thú. Trên đường Kingsway, một trong nhưng con đường chính của thành phố đẹp nhất Bắc Mỹ này, gần giữa hai góc đường số 10 th Ave và 11 th Ave, có một hảng bán xe khá đắc tiền có tên là Tecnique Auto Sale. Bỗng một hôm, bà con Việt Nam đi xe bus ngang hảng xe, thấy một hàng cờ trong đó có lá cờ đỏ sao vàng tổ bố. Thế là nhiều cú phone gọi tới tấp tới anh em Hội Cựu Chiến Sĩ và Hội Thủ Đức Vancouver:

- Trời ơi mấy ông ơi! Tụi Việt cộng nó treo cờ đỏ sao vàng trên đường Kingsway! Bây giờ mấy ông làm sao chớ!

- Chỗ nào Bác!

- Chỗ tiệm bán xe trên đường Kingsway, gần góc 11!

- OK bác! Tụi cháu đến đó ngay!

Tôi và Trần Văn Trung SĐ18 phóng xe đến đó, và y như rằng, lá cờ đỏ sao vàng "đang giỡn mặt bà con" dưới trời Vancouver. Tôi và Trung vào hảng xe, tự giới thiệu là đại diện cho Hội Cựu Chiến Sĩ và Hội Võ Khoa Thủ Đức thuộc cộng đồng Việt Nam, xin gặp manager…

- Thưa ông, sao hôm nay hảng ông lại có sang kiến treo 12 lá cờ trước hảng xe, và tại sao lại có lá cờ đỏ sao vàng?

- Hảng tôi buôn bán xe, 12 lá cờ được treo là 12 sắc dân đông đảo có mặt sinh sống tại vùng Vancouver Mainland và vùng phụ cận. Người Việt các ông trong vùng này theo tôi đoán có khoảng 40 ngàn dân, do đó tôi treo lá cờ đỏ sao vàng của nước ông!

Tôi biết ngay là hảng xe có một sự nhầm lẫn "vĩ đại và vô tình". Tôi từ tốn giải thích:

- Vì nhu cầu buôn bán, hảng ông mới treo các lá cờ quốc gia của các sắc dân. Chúng tôi đến đây với thiện chí là giúp các ông tránh khỏi những hiểu lầm không lợi cho việc buôn bán của hảng ông. Việc treo các lá cờ khác, chúng tôi không có ý kiến, nhưng treo lá cờ đỏ sao vàng thì không nên?

- Tại sao/Why? Xin ông nói rõ hơn!

- Thưa ông, lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ của đảng cộng sản Việt Nam và đảng đó đã áp đặt thành cờ của nước Việt Nam cộng sản; lá cờ đó không đại diện cho nước Việt Nam tự do của chúng tôi. Vì lá cờ này mà dân tộc tôi đau khổ, vì lá cờ này mà chúng tôi phải bỏ nước ra đi và có mặt ở đây, vì lá cờ này mà nửa triệu người Việt Nam vùi thân trong lòng biển trên đường tìm tự do. Quý hảng treo lá cờ này là khơi lại niềm đau, nỗi hận của 40 ngàn người Việt sinh sống ở đây, và họ sẽ không vào xem xe các ông, không mua xe các ông, và họ có thể tập trung hàng ngàn người biểu tỉnh chống lá cờ đỏ trước hảng ông…

Người Manager hiểu ra ngay sự tình, và ông đồng ý. Ông cho người tháo lá cờ đỏ sao vàng xuống. Nhưng ông bỗng nói:

- Tháo lá cở đỏ xuống thì một trụ cờ bỏ trống…

- Vậy ông có thể thay lá cờ vàng Việt Nam của chúng tôi lên được không?

- OK được! Chừng nào ông giao lá cờ đó cho chúng tôi?

- Ngay hôm nay!

Chúng tôi cho Trung bay về trụ sở Hội Cựu Chiến Sĩ mang đến hảng xe lá cờ vàng ba sọc đỏ. Hảng xe hí hoáy móc vào thanh ngang của trụ cờ nhưng không được, vì cờ không có lổ ngang đủ rộng. Người manager không trả lại cờ, ông giữ lại và mang vào office. Chúng tôi cám ơn ông và từ giả hảng xe. Trên đường về, tôi nói với Trung:

- Đem được cờ đỏ VC xuống là tụi mình thắng VC 1-0 rồi! Chuyện họ treo cờ mình lên được thì càng tốt, không có cũng không sao, miễn là đừng có cờ đỏ sao vàng treo lên trong thành phố này là OK.

Mấy hôm liền sau đó, chúng tôi cứ lái xe lạng qua lại trước hảng xe xem có gì lạ không. Cây cột cờ vẫn để trống, không cờ đỏ, không cờ vàng. Tôi nghĩ bụng, chắc hảng xe muốn giữ thái độ trung lập. 1-0 là tỷ số chấp nhận được. Nhưng ngày hôm sau nữa, khi tôi lái xe qua đường Kingsway để ý cây trụ cờ trống như thường lệ, mắt tôi sáng lên khi thấy lá cở vàng ba sọc đỏ rực rỡ, mới toanh đồng dạng với hàng cờ các nước khác, tung bay trong gió. Thì ra hảng xe thuê may lá cờ vàng theo mẫu lá cờ chúng tôi cho hảng nhưng có một lỗ ngang để luồn vào. Họ đã giữ lời hứa treo lá cờ vàng.

Tôi phone Trung và các bạn:

- Hạ VC thêm một quả nữa! 2-0!

- Cái gì?

- Hảng xe treo cờ mình, đẹp, mới toanh, rực rỡ! Gặp nhau tại Hội quán ngay. Phone cho mấy ông thần nước mặn của mình luôn. Ứng tiền mua giùn một cái thiếp cám ơn, mộ bó hoa, một case beer, lấy ở nhà một chai rượu chưa khui…

- Để làm gì?

- Tặng hảng xe, sao đó mình khao quân!

- Nghe 5, nhận 5!

Nội trong hôm đó, chúng tôi đã tiếp xúc cám ơn hảng xe, để lại trong văn phòng họ một chai rượu, một case beer, một bó hoa và một thiệp cám ơn… nhân danh Cộng đồng Người Việt vùng Greater Vancouver, Hội Cựu Chiến Sĩ và Hội Võ Khoa Thủ Đức Vancouver… Và cuối tháng, khi báo Việt Nam Vancouver ( một ấn bản địa phương của Nguyệt San Việt Nam) ra lò, chúng tôi đã gửi cho hảng xe 40 số báo free mà trang bìa là 1 trang quảng cáo cho hảng xe không lấy tiền. Quảng cáo nẳm ngay nơi trang bìa sau tờ bào với lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay.

Đây là lá cờ vàng ba sọc đỏ duy nhất tại Vancouver rực rỡ, lồng lộng trong nắng tại Vancouver, bất chấp những cú phone và văn thư khiếu nại, phản đối của sứ quán cộng sản tại Ottawa. Tỷ số 2-0 này sẽ tồn tại cho đến ngày tàn trận đấu dài mà thời gian trận đấu được tính bằng năm, bằng tháng trên nỗi đau của dân tộc…

Hiện nay, âm mưu và nổ lực của tà quyền Taliban VC ở Hà Nội vẫn còn đang tiến hành quyết liệt: Phân hóa cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, lăng nhục cuộc chiến đấu chính nghĩa của QLVNCH và bôi bẩn, hạ thế giá lá cờ vàng ba sọc đỏ. Chúng ta mất gần hết, chỉ còn lại mầu cờ. Và chúng ta không chấp nhận những phản bội của bất cứ ai,bất cứ từ đâu tới. Những đoản văn này được viết nhân chuyện mầu cờ bị lăng nhục ở Nam California.

Lịch sử sẽ không tha thứ cho những ai bôi đen lịch sử bằng cách hạ nhục lá cờ vàng!


Hải Triều
Nguồn lyhuong.net

Sunday, May 23, 2010

Lm.Nguyễn Hữu Lễ


Tôi phải sống

Video Đứng lên vì VN

Trích đoạn” Phần III : Tự Do và Hy Vọng”
Hồi ký TÔI PHẢI SỐNG của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ


11. Ngày Trở Về (3)

Cộng đoàn tình thương


Trong thời gian này nhóm “Cộng đoàn tình thương” chúng tôi đang trên đà phát triển mạnh. Những anh tù tôi vừa Rửa tội xong đã trở nên những chiến sĩ đức tin rất nhiệt thành. Qua việc thực tập cuộc sống chia sẻ trong tù, các anh thấy có một lý tưởng để sống vì đây là một kinh nghiệm lạ lùng. Đối với các anh em đó, làm gì có cuộc sống chia sẻ trong môi trường chỉ biết có bắt nạt, lừa đảo, tranh giành, chém giết nhau vì miếng ăn như trong nhà tù này. Các anh em đã tìm thấy được niềm vui trong khi thực hiện các lời trong bài hát “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô Assisiô mà tôi tập cho anh em hát. Cả những anh Trung Quốc cũng hát tiếng Việt, nhưng tôi dịch nghĩa sang tiếng Tàu cho họ: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”

Đây là lúc tôi nhận thấy rõ rệt nhất những hoạt động của chức vụ Linh mục đạt được nhiều kết quả và Chúa đã làm nên những điều kỳ diệu đối với đám tù nhân khốn khổ của chúng tôi. Càng ngày tôi càng thấy yêu thích cuộc sống của tôi lúc bấy giờ. Một cuộc sống rất hạnh phúc mà trước kia lòng ước vọng tự do thúc đẩy quá mãnh liệt đã che lấp không cho tôi nhận ra đâu là ý Chúa muốn tôi phải làm.

Có những đêm tôi dạy giáo lý cho một số anh em, kể chuyện Kinh Thánh cho một số khác. Anh em vui vẻ, ngồi lắng tai nghe. Có nhiều người cảm động nói từ trước tới nay chưa bao giờ được nghe những lời như thế. Từ lâu nay, cứ tưởng Công Giáo là một cái gì ghê gớm và độc ác và nhơ bẩn như được diễn tả trong phim “Ngày Lễ Thánh” được nhà nước cho chiếu khắp nơi, hoặc trong cuốn sách “Gia-Tô Tây Dương Bí Lục” mà đảng cộng-sản phổ biến rộng rãi để nói về “nguồn gốc” và cách hành đạo của Thiên Chúa Giáo! Có những anh thành thật nói, nếu con không gặp cha làm gì con hiểu được con người phải có tình thương và sự tha thứ! Những nhận xét đơn sơ của các anh tù đó đã an ủi tôi và tôi cám ơn Chúa đã cho tôi được sống trong hoàn cảnh này. Điều làm tôi mừng và cảm thấy hạnh phúc là Chúa đã gọi tôi làm chứng nhân cho tình yêu Chúa ngay trong môi trường đầy hận thù này.

Lúc đó, có một số giáo dân ở xứ Bắc Hải trong Nam quyên góp gửi quà cho các Linh mục. Bây giờ tất cả được về, họ vẫn tiếp tục gửi quà cho tôi. Mỗi lần nhận được quà, tôi dành một phần, giao cho anh em trong nhóm “Tình thương” phân phát, bắt đầu từ những anh em túng thiếu nhất. Nói về phần nhân loại thì thực sự lúc đó tôi đang sống trong ngục tù, nhưng về phần tinh thần thì tôi phải nói thẳng là chưa bao giờ tôi thấy hiệu quả trong chức vụ Linh mục như lúc bấy giờ. Khi tôi ý thức và chọn con đường làm Linh mục lúc 20 tuổi là chính vì lý tưởng phục vụ tha nhân, và lúc này tôi đang được sống trọn vẹn cho lý tưởng mà tôi đã chọn.

Tôi vẫn biết không có gì là bền vững trong nhà tù. Di chuyển và thay đổi là chuyện thường xảy ra. Dù vậy, tôi vẫn mong cuộc sống như hiện tại kéo dài, vì tôi coi đây là chỗ mà tôi phải sống. Nếu ý Chúa muốn tôi phải chết ở đây, trong khi tôi đang thi hành chức vụ Linh mục như thế này, thì cũng là điều tôi mong muốn.

Về phía cán bộ, dần dần tôi không còn thấy họ là những con người đáng sợ và xa lạ nữa. Ngược lại, họ cũng chỉ là những người vì hoàn cảnh, vì cuộc sống mà khép mình vào một khuôn khổ, mà chính họ cũng không thấy thoải mái trong khuôn khổ này. Nếu những năm đầu, một số cán bộ đã hành sử quyền hạn thái quá làm cho tôi đôi lúc có ý tưởng ghét bỏ con người, thì giờ đây, sau hơn chục năm giao tiếp, tôi thấy các cán bộ là những người đáng thương hơn là đáng trách.

Có đáng trách chăng là một thể chế chính trị, chỉ biết phục vụ cho quyền lợi của đảng mà đã trói buộc cả một dân tộc vào trong guồng máy đó. Cơ chế đảng cộng sản như một con quái vật do con người sanh đẻ ra nó, nhưng khi sanh nó ra rồi, thì không cách gì có thể kềm chế được sự hung hãn của nó. Nó quay ra ăn thịt bất cứ ai, ngay cả người sanh đẻ ra nó.

Đối với tôi, điều quan trọng không phải là chúng ta tiêu diệt con người, ngay cả những con người đang phục vụ trong chế độ cộng sản. Điều chúng ta phải làm là bằng mọi cách loại bỏ cơ cấu chính quyền vô nhân được xây dựng trên một ý thức hệ ngoại lai lỗi thời. Chính ý thức hệ đó đã làm tan nát tình dân tộc của chúng ta. Ngay chính những người đang phục vụ đảng, cũng có người biết là họ đang đi sai con đường, nhưng khi đã dính chân vào tròng, họ không còn đường trở lui.

Trừ ra những kẻ chủ trương duy trì cơ cấu đảng để trục lợi, để đè đầu cỡi cổ dân tộc, để hối lộ, tham nhũng, vơ vét tài nguyên đất nước, những kẻ đó là tội đồ của dân tộc. Trong khi đó, đa số cán bộ ở cấp thấp là nạn nhân hơn là tội phạm. Tư tưởng này đã làm tôi thoải mái trong cuộc sống lúc bấy giờ và tôi nhìn tất cả đều là những người anh em. Cho dù là họ có thể không chấp nhận tôi, nhưng tôi vẫn nhận họ là những người anh em với tôi trong đại gia đình dân tộc.

Cũng trong thời gian này lại có một hiện tượng lạ xảy ra trong trại. Lúc đó, một anh Trung Quốc trong số con cái tôi tên Trịnh Minh Hoa, nguyên trước kia là một y sĩ bên Tàu, tự nhiên anh nổi tiếng về việc chẩn bệnh. Anh bắt mạch và đoán đúng những chứng bệnh mà không ai tìm ra. Các bệnh nhân sau đó đi bệnh viện kiểm chứng, các bác sĩ cũng nói y như vậy. Anh dùng cách bắt mạch, coi mắt, coi lưỡi và các móng tay của bệnh nhân và nói thật chính xác người đó mắc chứng bệnh gì. Bệnh nhân mua thuốc uống thì khỏi.

Tin lành đồn xa. Bắt đầu có nhiều cán bộ và gia đình họ vào nhờ anh Minh Hoa xem mạch bốc thuốc. Lúc đầu chỉ trong phạm vi trại Nam Hà, về sau này có những người từ các nơi xa cũng tới tìm anh. Anh Minh Hoa lại không nói được tiếng Việt nên tôi đóng vai trò người thông dịch. Lúc này Trung úy T. cũng có ý muốn nhờ tôi dạy Anh văn, nên nhân cơ hội tôi lo thông dịch giúp tiếng Quan Thoại, anh xin với cán bộ quản giáo cho tôi khỏi đi lao động. Từ đó tôi giao đội lại cho đội phó và ở nhà dạy tiếng Anh vào các buổi chiều cho Trung úy T.

Thời gian đó, Trung úy T. thường hay vào chỗ tôi chơi vào các giờ ban sáng. Thường là tôi pha chè (nước trà) mời và chúng tôi cùng ngồi uống chè bàn việc học Anh văn. Anh rất thích học nhưng vì thiếu căn bản nên không tiến bộ nhiều, nhất là việc luyện giọng buổi ban đầu rất khó khăn. Trung úy T. lúc đó quảng 35 tuổi, khổ người rắn chắc, da trắng, mắt hơi nâu và có nhiều râu như người lai Tây. Anh là người hay nói cười, tánh tình cởi mở, phóng khoáng. Gia đình anh ở Hà Nội, vợ là cô giáo và có một cháu gái 4 tuổi, đang ở với mẹ. Thỉnh thoảng anh đưa cháu xuống trại chơi vài hôm. Cháu rất xinh trong bộ đồ đầm màu trắng. Sự quan hệ giữa chúng tôi càng ngày càng mật thiết qua các lớp học tiếng Anh này.

Có những cán bộ làm việc lâu trong trại đã khá thân thiện với những người tù miền Nam ở đây trước tôi, trong đó có Trung úy Lực là cán bộ trực trại. Anh quen biết tôi nhiều trong thời gian tôi hay qua lại buồng 9 của các tướng lãnh trước kia. Thời gian đó, anh hay vào buồng ngồi đánh cờ tướng. Ngoài ra, người nữ cán bộ tài vụ mà tôi gặp ngay từ ngày đầu, sau này tôi biết tên là KT, thỉnh thoảng cũng vào chỗ tôi chơi. Nhất là sau ngày cô đi Nam trong dịp chuyển tù về trại Hàm Tân. Sự đi lại và tiếp xúc đó dần dần tạo nên sự cảm thông giữa người với người. Lúc đó, điều tôi nhận thấy rõ rệt là khoảng cách lằn ranh do ý thức hệ tạo ra càng lúc càng thu hẹp lại và lu mờ dần. Điều này càng củng cố lý luận của tôi, chỉ vì một chủ nghĩa ngoại lai mà dân tộc Việt Nam chúng tôi bị phân rẽ và nhìn nhau như kẻ thù. Trong thực tế, dân tộc chúng tôi là một, chẳng có vì lý do gì phải chia rẽ, hận thù hoặc chém giết nhau.

Tư tưởng này ám ảnh tôi từ những ngày tôi mới bị bắt vào tù qua các câu chuyện tôi không sao quên được. Khi đó, tôi đang ở trại Gia Ray, tỉnh Long Khánh. Hàng ngày, đội chúng tôi đi lao động khai hoang dọn đất chung quanh trại cho những đội trồng trọt canh tác. Thường thì chúng tôi lao động không xa khu vực nhà khách, tức là chỗ để thân nhân tù nhân lên thăm gặp. Như thế mặc dù không được tiếp xúc nhưng người nhà có thể thấy chúng tôi đang cuốc đất khai hoang gần bên.

Có một lần, tôi không nhớ vì chuyện gì mà một anh cán bộ võ trang rất trẻ, chừng 18 tuổi, tập trung cả đội lại đứng dọc theo vách sau nhà khách và chửi mắng chúng tôi thậm tệ trước mặt bao nhiêu thân nhân của tù đang đứng chờ trong nhà khách. Khi chửi, có lúc cao hứng anh gọi chúng tôi là “những con rận sống trong cạp quần của đàn bà! Cách mạng không bắn các anh vì sợ tốn một viên đạn của nhân dân!” Chúng tôi đứng yên trong hàng và cúi đầu nghe anh ta chửi, trong khi đó tôi thấy một số các bà các cô đứng trong nhà khách gần đó đưa tay gạt nước mắt.

Lúc đứng trong hàng, lòng tôi vô cùng đau xót vì thương anh cán bộ còn trẻ này được huấn huyện để chửi những con người đáng tuổi cha chú mình. Tôi chợt nghĩ nếu tôi có con thì anh ta đáng tuổi con trai lớn của tôi, và nếu anh ta sanh ra trong xứ đạo tôi có thể anh là một trong những học trò giúp lễ của tôi! Bỗng dưng tôi thương anh hết sức, và qua anh, tôi thương cho một thế hệ trẻ Việt Nam sanh ra và lớn lên trong chiến tranh tương tàn đã hành sử theo cái nhìn của những con người vì một chủ nghĩa ngoại lai mà quên đi tất cả tình dân tộc. Anh đang phục vụ cho một thể chế chính trị đang chiến thắng, nhưng anh đâu có hiểu rằng thể chế nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có dân tộc là trường tồn.

Cánh hoa đồng nội


Lúc này, tôi thường có dịp tiếp xúc với cô KT, người cán bộ tài vụ. Sau chuyến vô miền Nam, cô có nhiều chuyện để nói với tôi. Tôi phải nhận là chuyến vào Nam lần đầu tiên đó đã làm cô thích thú. Cô đã thay đổi cái nhìn và lối suy nghĩ rất nhiều. Một hôm, cô vào trại tìm tôi có việc liên quan tới tài chánh, sau đó cô hỏi trong Nam tôi ở tỉnh nào. Tôi nói ở Vĩnh Long, thuộc miền đồng bằng sông Cửu Long. Tôi kể với cô sơ qua về phong cảnh và sự trù phú của miền Tây. Cô rất chăm chú nghe nhưng có vẻ không hiểu lắm vì chuyến đi Nam vừa rồi của cô ít giờ quá, không có dịp đi thăm nhiều nơi, và nhất là không quen ai trong Nam. Cô vui vẻ hỏi tôi:

- Anh ở Vĩnh Long nhưng có biết nhiều về thành phố Hồ Chí Minh không?

Tôi bị dị ứng khi nghe ai gọi Sài Gòn bằng cái tên chính trị của nó. Mặc dù cô gọi tên đó một cách rất tự nhiên, tôi trả lời:

-Cái thành phố mà cô vừa hỏi thì tôi không biết, nhưng tôi biết Sài Gòn rất rõ vì tôi học ở đó 7 năm.

Người nữ cán bộ tỏ ra bất ngờ trước câu trả lời của tôi. Cô nhìn tôi bằng đôi mắt mở to dưới hàng mi cong, nhưng liền đó cô tỏ ra nhạy cảm với tâm trạng tôi nên yên lặng, mỉm cười:

-Anh Lễ này! Sao mà anh “gớm” thế? Thôi, đừng để những việc đó làm chúng ta mất vui. Tôi chẳng có ý gì đâu, tôi chỉ muốn nghe anh nói thêm về thành phố Hồ...thành phố Sài Gòn, mà phải nói là tôi rất thích trong lần vào đó. Lần đó, có mấy anh ở đây nhờ tôi tới thăm gia đình. Người nhà tiếp tôi nồng hậu lắm anh ạ. Tôi được tặng nhiều quà lắm. Lúc trở ra, cháu trai rất thích vì mẹ mang về nhiều đồ chơi.

Nói xong nàng nở nụ cười thật hồn nhiên của một cô gái quê Việt Nam thuần túy. Sau đó, nàng nói qua các nơi nàng đã có dịp ghé như Thủ Đức, Nhà Bè v.v... Những đêm ở Sài Gòn, cô ở và làm việc tại An Ninh Nội Chính, và hỏi tôi có biết nơi đó không. Tôi nói đã bị giam ở đó khi vừa bị bắt và tôi có bà cô ở đối diện bên kia đường.

Từ đó, KT hay vào thăm tôi vào buổi sáng trong giờ cả trại đi lao động, vì cô biết tôi bận lớp Anh văn ban chiều. Khi vào, trên tay nàng lúc nào cũng có quyển sổ tài chánh, nhưng có rất nhiều lần cuốn sổ ấy không được dùng vào việc gì. Những lần vào chơi, cô thích kể chuyện về chuyến đi Nam cho tôi nghe, nói là cho tôi đỡ nhớ nhà! Giọng nói rất nhẹ nhàng, dí dỏm, phù hợp với vóc dáng mảnh mai của nàng.

Lúc nào KT cũng mang tính cách đơn sơ và e lệ của một cô gái mới lớn, điều này trái ngược với tuổi đời trên dưới ba mươi của nàng. Mái tóc dài che phủ bờ vai. Về sau này, mái tóc được quấn ngược lên cao, vì buổi trưa hè hôm ấy, KT vào thăm và tôi khen quấn như thế đẹp. Cũng không mấy khi thấy nàng mặc sắc phục, vì có lần nàng mặc sắc phục , lúc vui miệng tôi nói:

-Không hiểu tại sao, khi thấy cô mặc sắc phục công an tôi sợ lắm.

Nàng làm ra vẻ nghiêm trang, hỏi tôi:

-Tại sao anh lại sợ?

- Tôi cũng chẳng biết tại sao! Có lẽ tại máu tôi không hợp với màu sắc này!

KT không nói gì, yên lặng trong giây lát và nhìn tôi tỏ vẻ cảm thông vì nàng đã biết lịch sử đau thương của cuộc đời tù tội của tôi. Lúc sau nàng hỏi:

- Anh Lễ này, nghe nói lúc ở trại Thanh Cẩm anh trốn trại và bị hành hạ kinh lắm phải không? Anh ở trại đó bao lâu nhỉ?

-Vâng, lần đó tôi bị đánh nhiều và bị cùm 3 năm!

- Kinh thế! Anh ở trại đó trong bao lâu?

- Đúng mười năm cô ạ, từ 1978 tới 1988. Khi mới từ Nam ra năm 1977, tôi vào trại Nam Hà này. Sau đó, chuyển lên “Cổng Trời” mất một năm. Chừng chiến tranh biên giới xảy ra, tôi được đưa về Thanh Cẩm 1978, rồi lại về đây! Lúc tôi ở đây lần đầu, ông Thịnh mới là Thượng sĩ trực trại. Bây giờ gặp lại, ông ta đã là Thượng úy rồi. Cô KT này, mười một năm về trước, khi tôi ở trại này, lúc bấy giờ cô làm gì và ở đâu?

-Năm đó tôi chưa vào ngành, còn ở nhà quê tại Vũ Lễ, Thái Bình.

Cô nói tiếp giọng nói thật buồn:

- Anh Lễ, sau thời gian tiếp xúc với các anh miền Nam và nhất là sau chuyến đi này, tôi đã hiểu được các anh nhiều hơn. Sau khi có dịp nói chuyện nhiều với anh, tôi thật kính phục những con người như anh.

Đã từ lâu, tôi nhận thấy tình cảm đặc biệt của nàng đối với tôi qua cử chỉ, thái độ và cách nói năng. Càng ngày, tôi càng hiểu điều đó qua ánh mắt, nụ cười trong các câu chuyện nàng kể, nhất là qua sự ân cần giúp đỡ tôi trong các việc liên quan tới phần vụ của nàng, mặc dù trong tư thế quá khác biệt. KT là một cán bộ và đã có chồng con, nàng có một đứa con trai độ 6 tuổi. Còn tôi là một tù nhân, lại là một Linh mục và là kẻ đã gây ra quá nhiều sóng gió trong trại. Nhưng các thứ đó hình như không là trở ngại đối với tình cảm dạt dào của nàng.

Khoảng đầu tháng 6 năm 1988, lại có biến chuyển khác. Tất cả những người tù Trung Quốc được chuyển hết đi nơi khác. Tôi rất buồn khi phải chia tay với họ. Tôi đã ở chung và chia sẻ bao nhiêu đau khổ với họ trong những năm ở nhà kỷ luật trại Thanh Cẩm. Những người tù ngoại quốc này thường sống dựa vào sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của chúng tôi. Ngược lại, họ đã giúp tôi học và nói thông thạo tiếng Quan Thoại.

Tất cả những người Trung Quốc này đã bị giam 16 năm rồi. Về trại này, tôi đã Rửa tội cho 5 người và tôi coi họ như những người con tinh thần của tôi. Tôi đã giúp họ tìm thấy niềm vui trong cuộc đời khổ ải qua các việc bác ái trong nhóm “Cộng đoàn tình thương”. Trước đó, tôi cũng thường nói với họ, cuộc sống trong nhà tù thay đổi lúc nào không hay, tôi muốn gửi nơi anh em đức tin mà anh em đã lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội. Sau này, hãy mang đức tin đó gieo rắc nơi nào các anh em sẽ tới, nhất là có dịp mang về quê hương Trung Quốc của anh em. Việc ra đi của nhóm tù Trung Quốc làm tôi u sầu trong một thời gian rất lâu. Từ đó về sau, tôi không còn bao giờ nghe biết gì về họ nữa!

Sau khi nhóm tù Trung Quốc chuyển đi rồi, tôi cảm thấy rất trống vắng. Tôi vẫn ở nhà dạy tiếng Anh cho Trung úy T. Những buổi sáng rảnh rỗi, tôi thường giúp anh trực sinh buồng lo quét dọn vệ sinh, lấy nước sôi cho buồng, sau đó ngồi trong nhà ăn soạn bài vở cho giờ lớp ban chiều. Thường thì chỉ có mình Trung úy T. học, nhưng có mấy lần vài cán bộ khác cũng vào dự thính lớp tiếng Anh của tôi. Lúc bấy giờ đã cuối chầu, trại Nam Hà sao thật buồn tẻ. Số tù hình sự đông hơn tù chính trị miền Bắc.

Cuối chặng đường

Một buổi sáng giữa tháng 7 năm 1988, Trung Úy T. vào thăm tôi. Hồi này trình độ tiếng Anh của anh đã tương đối khá nên mỗi khi anh vào, chúng tôi tập chào nhau bằng tiếng Anh và đàm thoại vài câu ngắn và dễ. Anh tỏ ra rất thích thú khi bặp bẹ được vài câu tiếng Anh trong khi tất cả mọi cán bộ khác chẳng ai biết chút gì. Anh rất siêng học, chỗ nào không hiểu thường mang vào hỏi tôi và tỏ ra rất hứng thú khi có dịp thực tập với tôi.

Khác hơn mọi lần, sáng hôm đó, vừa ngồi với tôi một lúc, anh đứng lên từ giã, nói là đang chuẩn bị đi phép một thời gian và chúc tôi ở lại mạnh giỏi. Anh cũng không nhắc gì tới việc học tiếng Anh đang dở dang. Khi tôi nhắc việc này, anh yên lặng một lúc rồi nói cứ tạm thời nghỉ, khi anh về hẵng hay. Nhưng sau đó anh nói tiếp, nếu vì lý do gì không gặp lại thì tôi hãy nhớ lời anh dặn. Tôi hơi ngạc nhiên vì thấy có cái gì hơi khác trong lối nói của anh. Nếu chỉ đi phép vài ngày như những lần trước thì sao anh lại dặn dò tôi như thế. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Ông T., ông nói gì vậy? Bộ ông chuyển đi nơi khác à?

Anh ta đáp tự nhiên:

-Không hẳn đâu anh ạ! Nhưng làm sao biết được chuyện ngày mai!

Nói xong anh đứng lên và nhìn tôi mỉm cười. Tôi nói tiếp:

-Cho tôi gửi lời thăm gia đình ông, thăm cháu bé và cô.

Anh ta gật đầu:

- Cám ơn anh Lễ. Anh ở lại mạnh giỏi, tôi đi đây.

Nói xong, anh bước ra cửa khá nhanh, tôi theo sau tiễn chân. Trước khi khuất dạng vào hành lang dẫn ra sân trại, anh còn quay lại nhìn tôi mỉm cười và đưa bàn tay trái lên làm dấu hiệu từ giã rất nhẹ nhàng.

Khi cán bộ T. đi rồi, tôi quay vào buồng, vừa đi vừa thắc mắc về lối chào tạm biệt của anh. Những lần trước, khi về Hà Nội hoặc đi phép vài ngày anh cũng vào chào từ giã tôi và nói nghỉ học một vài hôm. Nhưng cách nói úp mở hôm nay của anh làm tôi đoán anh sẽ chuyển đi nơi khác. Ý nghĩ này làm tôi chợt buồn, rất buồn. Thì ra tôi quý mến người cán bộ này sâu đậm hơn là tôi tưởng! Nếu thực sự anh đi nơi khác thì tôi mất một người bạn quá tốt trong hoàn cảnh đặc biệt này. Tôi đã mất các anh em Linh mục, tôi đã mất những người bạn trong đợt chuyển vào Nam, tôi vừa mất những anh Trung Quốc mà tôi coi là con tinh thần của tôi, bây giờ nếu tôi mất Trung úy T. nữa, chắc chắn là tôi sẽ rất buồn. Tôi thầm cầu mong cho việc đó đừng xảy ra.

Trở vào nhà ăn, tôi ngồi xuống ghế vì cảm thấy hơi choáng váng khó chịu trong người. Quyển vở tôi soạn bài Anh văn chiều nay đang nằm trên mặt bàn. Tôi với tay gấp lại vì chiều nay không có lớp. Tôi ngồi thừ ra một hồi lâu và ôn lại kỷ niệm về người cán bộ an ninh mà tôi quý mến. Tôi hồi tưởng lại từ lần đầu gặp gỡ tới những ngày tháng chúng tôi gặp nhau trong lớp tiếng Anh. Tôi vẫn nhớ lời anh thường nói:“Anh Lễ, tôi cám ơn anh đã giúp tôi biết về tiếng Anh.”

Thời gian trước đó trong trại lại kháo láo nguồn tin,“sắp có đợt tha”! Cá nhân tôi chẳng mong được về và cũng chẳng để ý tới những diễn biến có dấu chỉ sẽ được phóng thích. Lần đầu tiên tôi nghe nói tới vấn đề này khi được thư của người bạn gửi vào cho biết đang có cuộc thương thuyết Mỹ-Việt. Phía Hoa Kỳ đại diện bởi Tướng hồi hưu John Vessey, đặc phái viên của Tổng thống Reagan, bàn về vấn đề bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước. Một trong các điều kiện phía Mỹ đưa ra là yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thả hết những lãnh đạo tôn giáo còn trong tù. Anh em cho biết là tôi có hy vọng được về nhờ yếu tố này.

Ngoài ra, một số người về trước, qua Mỹ, cũng đã nhờ Tổ chức Ân Xá Quốc Tế can thiệp giúp để tôi được phóng thích. Tôi nghe chỉ để mà nghe, chẳng mong mỏi và cũng chẳng hy vọng, nhất là tôi không coi đó là điều cần thiết nữa. Lúc đó, tôi đang bận tâm củng cố lại nhóm “Cộng đoàn tình thương”, sau khi số anh em Trung Quốc nhiệt tình đã ra đi. Nhóm tù chính trị miền Bắc cũng rất hăng say trong hoạt động của nhóm trong lúc này.

Bấy giờ lại có một dấu hiệu khác. Khoảng tháng 6 năm 1988, có phái đoàn y tế của bộ về làm việc trong trại. Khi phái đoàn y tế vào trại, tôi được gọi lên và hỏi qua về bệnh tình, về thời gian cải tạo. Có điều rất buồn cười là anh cán bộ y tế lại méo mó nghề nghiệp. Khi biết tôi là một Linh mục anh hỏi tôi nghĩ gì về vụ phong thánh cho 117 Thánh Tử Đạo sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 6. Lúc đó, vấn đề phong thánh đang gây tranh luận. Trong tù, có báo Nhân Dân và qua đó, tôi được biết Nhà nước Việt Nam phản đối vụ này ghê lắm. Tôi trả lời với ông ta:

- Tôi ở trong này không có đầy đủ thông tin nên tôi không có ý kiến gì, nhưng tôi cũng xin trả lời. Với tư cách là người Việt Nam, thân xác tôi thuộc quyền Chính phủ Việt Nam, nhưng với tư cách là một Linh mục, linh hồn tôi thuộc về Tòa Thánh. Bất cứ điều gì Tòa Thánh quyết định, tôi vâng theo.

Nghe tôi nói thế, anh ta không hỏi thêm nữa.

Khi tôi về buồng, các anh em tới thăm và cho biết, khi phái đoàn y tế vào trại gọi ai là người đó được về. Nghe xong tôi chỉ cười nói:“Chừng nào dê đực đẻ con tôi mới được về!” Trong tù không có tin gì làm mọi người háo hức và săn đón cho bằng tin có đợt phóng thích, vì thế mấy ngày nay cả trại cứ bàn tán xôn xao về tin này.

Khi cán bộ T. đi phép được một ngày thì anh văn hóa tên Quỳnh, người Hải Phòng, có biệt danh là “Quỳnh Ngựa” vì mặt anh dài, nói với tôi sau khi từ cơ quan trở về:“Tôi nghe nói anh có tên trong đợt tha lần này.”

Đó là lần đầu tiên sau 13 năm tôi được nghe nói tôi có thể được tha về. Nhưng khổ nỗi, tin này đến với tôi trong lúc tôi không còn mong đợi nữa, nếu không muốn nói là thất vọng khi nghe tin đó. Vì nếu có về đi nữa thì cũng chỉ là chuyển từ một nhà tù nhỏ sang một nhà tù lớn. Khi bước ra khỏi đây để trở về xã hội bên ngoài, chưa chắc gì tôi đã yên thân. Trong khi đó, tôi đã tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời phục vụ trong nếp sống ở đây.

Sáng hôm sau, trại xuất quân lao động nhưng tôi vẫn được nghỉ vì chưa bình phục hẳn sau trận kiết lỵ và cán bộ y tế cho tôi nghỉ dưỡng bệnh một thời gian dài. Buổi sáng trong trại rất vắng lặng, thỉnh thoảng thấy trực sinh các buồng đi lại dọn dẹp hoặc lấy nước sôi. Trong lúc tôi đang giúp anh trực sinh buồng quét sân thì cô KT bước vào.

Hôm nay cô vào sớm hơn thường lệ, trên tay không cầm quyển sổ quen thuộc, chỉ có một tờ giấy trắng được cuộn tròn lại như ống tre. Mỗi lần cô vào chơi đều mang lại cho tôi niềm vui với nụ cười rất tự nhiên và cách nói chuyện thật duyên dáng của cô. Thấy cô bước vào sân, tôi dừng tay và tiến ra tới đầu hồi nhà ăn của đội gần bên cửa ra vào sân, tiếp chuyện:

- Sao mấy hôm nay không thấy cô đâu cả?

KT trả lời có vẻ kín đáo:

- Mấy hôm rồi tôi bận quá anh ạ!

Tôi đùa lại bằng một câu có vẻ triết lý...vụn:

-Có lần tôi đọc được câu:‘‘Người bận việc là người hạnh phúc!’’ Cô đang hạnh phúc đấy!

Cô cười, đáp lại:

- Gớm thật! Anh thì lúc nào cũng chữ với nghĩa! Tôi xin nhường cái hạnh phúc đó cho anh, tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi thôi!

-Cô không nhường thì tôi cũng đã có rồi, lúc nào tôi chẳng bận.

KT tấn công:

- Anh nói thế! Như hôm nay không lao động, anh bận gì nói tôi nghe nào?

- Tôi bận mà cô không biết đó thôi
Cô trợn mắt nhìn tôi:

- Anh bận gì?

-Tôi bận suy nghĩ đến cô đi đâu từ mấy ngày nay!

Cô cười bẽn lẽn :

- Gớm! Anh nói thế!

-Tôi biết ngay là cô không tin, đúng không?

Nàng yên lặng một chút, khẽ e lệ, gật đầu:

- Tôi tin!

Tôi đùa vui:

- Cô thấy chưa? Tôi đang bận nên lúc nào tôi cũng hạnh phúc!

Sau câu nói đùa của tôi, cả hai cùng cười. Cô bước lại gần tôi và nói nhỏ nhẹ cách bí mật:

- Anh Lễ này, anh khao đi!

Tôi đoán biết có cái gì khác thường trong thái độ của KT sáng nay. Nhất là sau những tin đồn “có đợt tha” trong mấy ngày qua và đặc biệt là anh “Quỳnh Ngựa” đã nói với tôi. Mặc dù đoán biết một phần nhưng tôi cũng giả vờ bình thản:

-Thì lúc nào cô vào chơi mà tôi chẳng khao, khi thì uống chè, khi thi ăn kẹo...!

Thấy tôi có vẽ không hiểu, cô hạ giọng nói nhỏ:

-Anh Lễ này, anh có tên được về đấy!

Như vậy là chắc rồi. Cái tin đó cuối cùng đã đến với tôi. Cái tin mà cả chục năm trời qua, tôi mong đợi ngày đêm. Cái tin mà trước đây tôi cứ tưởng tượng nó rất ghê gớm và không có một biến cố vui mừng nào trong đời tôi có thể so sánh được! Nhưng lúc này khi nó đến, tôi lại đón nhận nó hết sức hững hờ và lạnh nhạt. Tôi hiểu điều đó nên cố không làm phật ý người đưa tin, người cán bộ mà tôi quý mến. Tôi yên lặng, lấy lại vẻ trang nghiêm:

- Tôi không tin.

Nghe tôi nói thế, KT tỏ vẻ cảm thông vì có lần tôi cũng nói cho cô biết là ngoài bìa hồ sơ tôi có hàng chữ:“Thành phần không thể cải tạo được”. Nàng mỉm cười kín đáo:

-Anh Lễ, tôi cho anh coi cái này.

Vừa nói cô vừa mở tờ giấy cuộn tròn trong tay ra trao cho tôi:

-Anh coi nhưng không được tiết lộ cho tới khi công bố. Nếu anh nói ra thì tôi và anh chung một cùm đấy.

Tôi đáp:

-Như thế thì càng thích chứ sao!

- Anh Lễ này! Lúc nào anh cũng đùa!

Vừa nói nàng vừa giả vờ giật lại không trao tờ giấy cho tôi. Đó là một phụ bản giấy đánh máy của Quyết Định tha. Có lẽ là bản thứ 3 hay thứ 4 gì đó, nét chữ không rõ nhưng đọc được dễ dàng. Trong danh sách có tên 14 người và tên tôi nằm ở sau cùng. Có cả tên cha Nguyễn Bình Tĩnh, anh Nguyễn Đức Khuân và một tu sĩ miền Bắc.

Tôi chăm chú đọc mảnh giấy khá lâu, không phải để coi có những ai nhưng vì lúc đó tôi đang ở trong một tâm trạng hết sức lạ lùng. Tôi đọc đi đọc lại tên của tôi, nhưng tôi lại có cảm tưởng không phải là tôi mà là một cái tên rất quen thuộc. Tên trong tờ giấy này không thể là của tôi, vì chẳng bao giờ tôi nghĩ là tên tôi có thể nằm trong một mảnh giấy bắt đầu bằng hàng chữ “Quyết Định Tha” được. Thấy tôi cầm tờ giấy khá lâu, KT đưa tay đón lấy. Tôi trả lại nàng với tâm trạng bàng hoàng khiến nàng phải kêu lên:

-Anh Lễ! Được tha mà trông anh sao lại buồn thế?

Tôi chỉ thinh lặng lắc đầu, vì nói sao cho nàng hiểu được tâm trạng tôi. Lúc đó tôi chợt nhớ tới Trung úy T. và những lời úp mở của anh khi từ giã tôi ngày hôm qua. Anh biết tôi được về nhưng không thể nói ra được và tôi đã đoán sai. Thay vì anh đổi đi thì tôi sẽ ra về trong thời gian anh đi vắng. Tôi đoán là anh cũng buồn như tôi.

Kẻ ở người đi

Đêm cuối cùng ấy, khi tôi đến từ giã anh em, nhất là những người con tinh thần tôi sinh họ lại trong đức tin, nước mắt chúng tôi chảy ra khá nhiều. Tôi ôm lấy từng người con vào lòng, như muốn truyền sức mạnh cho những người tôi đã Rửa tội và đức tin họ còn non nớt. Lúc ban chiều, tôi cũng đã đi các buồng để từ giã anh em trong nhóm “Cộng đoàn tình thương”. Tôi trao lại tất cả những gì tôi có cho người tôi chỉ định thay thế tôi điều khiển Cộng đoàn. Tâm trạng chúng tôi đêm ấy đau buồn vì biết là cha con sẽ chẳng còn bao giờ gặp lại nhau nữa!

Hôm sau, trại công bố chính thức, sau đó, những người được tha về ra cơ quan để lăn tay và ký tên vào giấy ra trại. Trong giấy ra trại có ghi:“Đương sự phải về trình diện chánh quyền địa phương trong thời hạn một tháng kể từ ngày ký”. Xếp tờ giấy làm tư, tôi cho vào túi áo trước ngực được may phía bên trong, cài kim băng cẩn thận để ngăn ngừa trộm cắp.

Tôi bước sang phòng KT kế bên làm các thủ tục về tiền nong. Còn một số tiền ở nhà mới gởi ra cho tôi, KT chưa kịp ra bưu điện lãnh, tôi gửi lại cô làm quà cho cháu. Tôi là người cuối cùng lên cơ quan làm thủ tục, vì trước khi bước ra khỏi cổng trại, tôi phải dừng lại khá lâu để bắt tay từ giã quá nhiều anh em còn ở lại. Họ tiễn đưa tôi tới cổng trại và mỗi người cố nói với tôi một vài lời trước giờ chia ly. Riêng các anh em ở chung buồng, đêm qua chúng tôi đã thức với nhau gần suốt đêm.

Sau khi hoàn tất mọi việc, tôi khoác chiếc ba-lô nhẹ hẫng lên vai và bước ra khỏi phòng tài vụ. KT xếp sổ sách giấy tờ trên bàn, đứng lên đi vòng ra phía sau chiếc ghế dài bằng gỗ nặng chắc chắn, bước theo ra, tiễn chân tôi. Chúng tôi đi song song bên nhau trong một hành lang dài và hẹp dẫn ra phía mặt tiền nhà nằm dọc theo đường cái.

Chúng tôi yên lặng bước đi, chẳng ai nói với ai câu gì, nhưng tôi có cảm tưởng chính sự thinh lặng trong lúc này lại nói lên nhiều hơn. Tự nhiên tôi chợt nhận ra, người con gái đang bước đi bên cạnh tôi lúc này không còn là người cán bộ tài vụ nữa, mà là người thân thiết của tôi. Nàng đã trở lại thành một người phụ nữ bình thường như bao nhiêu người phụ nữ khác với những xúc cảm tự nhiên trước lúc chia tay người thân và không còn hy vọng gặp lại.

Khi cả hai ra gần tới ngõ, tôi bất chợt dừng lại, quay sang nhìn KT và bắt gặp đôi mắt màu đen đang mở thật to nhìn tôi, hai hàng mi dài và cong. Nàng đang chớp mắt để che giấu sự xúc động. Tôi nhìn sâu vào mắt nàng, nói nhanh mấy câu giã từ:

- Thôi giã biệt KT! Chúc cô và gia đình ở lại gặp nhiều may mắn. Xin cám ơn sự lo lắng và giúp đỡ của cô trong thời gian qua.

-Anh Lễ! Đừng nói lời cám ơn! Những gì tôi làm là do lòng quý mến của tôi đối với anh. Cháu trai sẽ mừng khi nhận quà của anh. Anh được ra về tôi mừng lắm. Tôi thật không biết phải nói gì trong lúc này. Chúc anh lên đường bình yên, nhớ bảo trọng thân thể và cầu mong anh xây dựng một tương lai tốt đẹp. Về Nam, có gặp các anh ở trại này cho tôi hỏi thăm.

Vừa nói, nàng vừa tiến lại sát bên tôi trong một cung cách rất tự nhiên của người em gái trong lúc tiễn biệt người anh. Tôi nắm lấy và bóp nhẹ bàn tay bé nhỏ có các ngón thon dài của K.T. Nàng để yên bàn tay trong tay tôi. Tôi nghe tay nàng nóng, đang run nhẹ. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối tôi cầm lấy bàn tay nàng, mặc dù trong thời gian mấy tháng qua, đã nhiều lần gặp nhau. KT từ tốn quay lại trong tư thế mặt đối mặt và đặt bàn tay còn lại lên tay tôi, nắm chặt lấy và nâng thật chậm lên cao tới cằm. Mắt nàng ướt long lanh, chớp thật nhanh và đang ngước nhìn tôi trong lúc lập lại lời từ biệt. Giọng nàng nhẹ như hơi thở:

- Anh đi bằng yên.

Tôi buông tay nàng ra. Chẳng nói thêm lời nào, tôi quay đi, xốc lại chiếc ba-lô trên vai và bước vội mấy bậc tam cấp lên đường cái. Vừa bước lên mặt đường, tôi nghe tiếng KT gọi với theo:

-Anh Lễ, tôi nói cái này!

Tôi dừng bước, quay lại và đã thấy nàng đứng ngay sau lưng. Trong lúc hai người đứng giữa vùng ánh sáng của nắng ấm ban mai, tôi thấy nàng đẹp một cách thật hồn nhiên. Một vẻ đẹp kín đáo và đơn sơ của loài hoa dại trong đồng nội.

Thời gian qua, tôi vẫn nhận thấy nơi nàng sự duyên dáng qua thái độ đối xử và cách nói năng, nhưng hôm nay, tôi thấy nàng còn có một cái gì khác biệt hơn. KT mặc áo sơ-mi màu hoa cà, quần đen, tóc quấn ngược lên cao để lộ cái ót trắng ngần. Hình ảnh này tôi đã thấy nhiều trong những lần nàng vào khu giam thăm tôi trước đây. Nhưng sao hôm nay, tôi thấy nàng như một con người khác. Có lẽ nhờ vị thế ngăn cách giữa hai người không còn nữa, hay vì vẻ thân thương và gần gũi đã làm nàng xinh đẹp hơn mọi ngày? Tôi bỗng buột miệng nói lên ý nghĩ trong đầu:

-Hôm nay tôi trông KT như một người khác!

Nàng mở thật to đôi mắt đen láy, nhìn tôi cách ngạc nhiên hỏi lại:

- Khác thế nào hở anh?

Tôi đáp gọn:

- Trông xinh hơn mọi ngày!

Mặt nàng tự nhiên đỏ ửng. Nàng vội ngoái đầu theo phản ứng tự nhiên, tỏ vẻ e thẹn và lắc lư người như để từ chối lời khen của tôi. Nàng bước tới gần, nói thật nhỏ, mặc dù gần đó chẳng có ai:

- Sau này anh ở đâu và làm gì, anh nhớ thư cho biết nhé!

-Viết thư từ, tôi sợ trở ngại cho công tác của cô.

Nàng đáp nhanh:

-Anh cứ viết thẳng về địa chỉ ở Thái Bình ấy, chẳng hề gì đâu!

Tôi ngần ngừ một lúc và gật đầu, trong lúc vẫy tay từ giã nàng và quay gót bước đi. Bên tai còn nghe vọng tiếng nói cuối cùng của nàng:

-Anh đi bằng yên, nhớ nhá.

Quãng đường trước mặt

Tôi bước nhanh theo dọc con đường lớn chạy trước mặt dãy nhà dài dùng làm khu hành chánh của cơ quan, hướng về phía khu nhà của gia đình cán bộ nằm cách xa cổng trại khoảng vài trăm thước, để ra đường cái đón xe khách đi Phủ Lý, để từ đó lên Hà Nội. Ánh nắng chói chang và khung cảnh mới lạ làm tôi choáng ngộp. Tôi lầm lũi bước đi như người trong cơn mộng du đang lâng lâng giữa thực và mộng.

Tới chỗ chờ xe tôi dừng lại, quay nhìn trại Nam Hà lần cuối. Trại trông sao thật vắng lặng và buồn tênh, không ngờ nơi đó lại chôn giữ một phần lớn kỷ niệm của đời tôi. Lúc đứng đó tôi chợt nhận ra, trong số không biết là bao nhiêu chục ngàn tù nhân trong Nam bị đưa ra Bắc cách nay đã hơn một thập niên, tôi là người tù miền Nam cuối cùng bước ra khỏi trại giam miền Bắc! Tôi bỗng buột miệng nói:“Thời gian qua mau! Mới ngày nào mình ngỡ ngàng trên chuyến xe ca từ Hải Phòng đến đây trong đêm sương mù giá lạnh, mà bây giờ đã gần 12 năm! Đời người như một giấc chiêm bao....”

Có chiếc xe khách đang từ xa chạy tới. Tôi giơ tay lên đón.

Lm.Nguyễn Hữu Lễ
Trích đoạn” Phần III : Tự Do và Hy Vọng”
Hồi ký TÔI PHẢI SỐNG
Đọc thêm tại:vantholacviet.org