Tuesday, May 11, 2010

Trần Việt Trình


Chuyện Một Chiếc Cầu

Video Câu hò bên bờ Hiền Lương - Chuyến đò vĩ tuyến

Năm nay, để đánh dấu 35 năm “Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” sáng ngày 1 tháng 5, lần đầu tiên “Lễ hội thống nhất non sông” đã được chính quyền CSVN tổ chức trọng thể với quy mô quốc gia ở cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt của đất nước và cũng là nơi chịu hậu quả nặng nề và tàn khốc trong chiến tranh. (Hình phải:Cầu Hiền Lương nhìn từ bờ Nam)

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tại Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 quy định đây là Giới tuyến quân sự tạm thời, là đường biên chia cắt trong thời gian hai năm chờ cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam được quy định vào tháng 7 năm 1956. Trong chiến tranh, nó được chọn làm ranh giới chia cắt đất nước. Còn ngày nay nó đã trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt trong suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975. Cầu Hiền Lương ở cây số 735 trên Quốc lộ 1, nơi có vĩ tuyến 17 đi qua. Lúc được chọn làm ranh giới chia cắt đất nước, cầu Hiền Lương được sơn hai màu khác nhau để phân biệt hai miền Nam Bắc. Màu vàng cho miền Bắc và màu đỏ cho miền Nam. Đường ranh phân chia Nam Bắc trên cầu là một vạch sơn trắng 10cm. (Hình phải:Cầu Hiền Lương năm 1961 nhìn từ bờ Bắc)

Con sông Bến Hải dọc vĩ tuyến 17 này có chiều dài chừng 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200m, nơi hẹp nhất khoảng 20 đến 30m. Ngày xưa, đoạn sông cầu Hiền Lương rộng 100m này chỉ có bến phà. Năm 1928, dân Vĩnh Linh được huy động để làm cầu bằng gỗ rộng 2m dùng cho khách bộ hành. Năm 1931, người Pháp sửa chữa lại nhưng xe cộ muốn qua sông vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943, cầu được xậy lại để xe loại nhỏ có thể chạy qua được. Năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp cho xây thành cầu bê tông cốt thép dài 162m, rộng 3.6m, và có trọng tải 10 tấn. Năm 1952 Pháp lại cho xây cầu lại để chịu đựng được trọng tải đến 18 tấn. Cầu này tồn tại được 15 năm, từ năm 1952 đến năm 1967 thì bị chiến tranh tàn phá hư hỏng hoàn toàn. Từ năm 1972 đến 1974, công binh VNCH cho bắt và sử dụng cầu phao dã chiến cách cầu cũ 20m về phía tây. Đến năm 1974, cầu được xây dựng lại.

Cũng tại nơi đây, chiếc cầu vừa HIỀN vừa LƯƠNG thiện này đã chứng kiến những trận “chiến tranh chính trị” quyết liệt về nội dung cũng như về hình thức tuyên truyền giữa 2 miền Nam Bắc.

Ngày ấy để tuyên truyền, Bắc Việt đã cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh gồm 5 dàn loa với chiều dài 1,500m ở bờ Bắc. Mỗi lần chính quyền miền Nam cho phát những bài tâm lý chiến qua bờ Bắc thì bờ Bắc lại lớn tiếng phát lại át tiếng nói của miền Nam. Vào đầu năm 1960, chính quyền TT Ngô Đình Diệm cho tăng cường những loại loa tối tân, công suất mỗi loa hàng trăm watt, vang xa hàng chục cây số. Dưới chế độ CS, tuyên truyền là chiến lược hàng đầu nên CS Bắc Việt quyết không chịu thua. Bắc Việt liền dùng chiến thuật “biển người” cố hữu áp đảo với một “biển loa” 20 cái ồn ào to họng cộng với 1 cái loa cơ động chủ lực có công suất 500W có đường kính vành loa rộng đến 1.7m và có tổng công suất là 7000W có thể vang xa hơn 10km qua bờ Nam. Đó là công suất âm thanh riêng tại khu vực cầu Hiền Lương. Tổng công suất giàn loa trên bờ Bắc Hiền Lương là 180,000W.

Đó là cuộc chiến về âm thanh, cũng tại nơi đây, đã diễn ra những ngày tháng chọi nhau về cờ. Tính từ năm 1956 đến năm 1967, lực lượng giới tuyến của miền Bắc đã sử dụng đến 267 lá cờ lớn nhỏ đủ cỡ. Lá cờ to cao lớn nhất vĩ tuyến 17 của miền Bắc rộng đến 134m2, nặng 15kg, và cao 38,6m. Với bản chất gian xảo cố hữu, hàng ngày giới hữu trách miền Bắc cho kéo cờ lên sớm hơn và hạ cờ trễ hơn giờ quy định là từ 6 giờ 30 sáng đến 6 giờ 30 hầu mong dân bờ Nam chiếu cố đến lá cờ đỏ sao vàng. Cột cờ bị bom miền Nam làm ngã nằm 1967. Để cột cờ và lá cờ đứng vững dưới bom đạn của miền Nam, miền Bắc đã phải “sinh Bắc tử Bắc” 13 mạng và hơn 50 bị thương.

Vẫn biết không có cuộc chiến tranh nào là không có kẻ thắng người thua! Vẫn biết không có cuộc chiến tranh nào là không có hy sinh mất mát và hận thù dai dẳng! Nhưng cuộc chiến hơn 20 năm của dân tộc VN không phải là cuộc chiến tranh giải phóng chống giặc ngoại xâm như CSVN vẫn thường lấp liếm, nguỵ biện và xảo quyệt tuyên truyền. Nếu nói đó là chiến thắng chung của dân tộc, nếu nói “Không có kẻ thắng người thua mà chỉ có dân tộc VN chiến thắng xâm lược Mỹ” thì tại sao vào được Sài Gòn chưa đầy một tháng những người cộng sản đã lừa đưa mấy trăm ngàn người thất trận nói là đi học tập, chỉ mang theo 10 đến 20 ngày lương thực rồi nhốt họ, rồi đày đoạ họ năm này qua năm khác, có người đến mười mấy năm và lắm người bỏ xác nơi rừng sâu nước độc.

Hơn thế nữa, cái mà CSVN gọi là “Một cuộc chiến tranh xâm lược phi lý và tàn bạo nhất” đó do ai khởi xướng? Nếu những người cộng sản không cương quyết “Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước” bằng mọi giá, không nhất định qui thiên hạ về một mối dưới quyền của họ thì có lẽ VN ngày nay vẫn còn hai miền Nam Bắc và như vậy đã không có hàng triệu người bỏ xác trên chiến trường. Nói Hoa Kỳ muốn tham chiến ở Việt Nam là không đúng. Miền Nam VN không bao giờ tính chuyện tham chiến với miền Bắc. Nói như vậy thì cuộc chiến xảy ra chỉ vì miền Bắc muốn thôn tính miền Nam. Cuộc chiến mà CSVN đã đổ xương máu và tinh hoa của hơn hai thế hệ người Việt thực chất là một cuộc nội chiến. Không có chuyện giải phóng ở đây, bởi miền Nam nào có muốn ai giải phóng! Cuộc chiến do miền Bắc khởi xướng đó đã trở thành một cuộc chiến tương tàn, một cuộc nội chiến đúng nghĩa của nó. Dầu chế độ ngày nay và đảng cộng sản có muốn khoác cho nó cái mặt nạ nào đi chăng nữa thì đó cũng vẫn là một cuộc nội chiến. Sự hiện diện và đóng góp của quân đội Hoa Kỳ, cũng như sự hỗ trợ của Trung Cộng và Liên Xô, đã chỉ làm cho cuộc nội chiến Nam Bắc thêm cay đắng!

Truyền thông và báo chí trong nước những ngày gần đây rêu rao “Đoàn kết xây dựng đất nước, không phân biệt quá khứ”. Vẫn biết những khó khăn còn chồng chất do sự khác biệt ý thức hệ rất nặng nề giữa những người CS lãnh đạo trong nước cùng người Việt tỵ nạn ở hải ngoại. NHƯNG, dù cho CSVN có thú nhận sự trã thù hèn hạ của chúng đối với những người thất trận hầu mong được giải oan để đi đến “Xoá bỏ hận thù”, việc hòa giải cũng khó mà xảy ra bởi vết thương vẫn còn đó, lịch sử đã ghi, và 30 tháng 4 sẽ mãi mãi là ngày Quốc Hận cho những người con Việt.

35 năm đã trôi qua kể từ ngày non sông “thống nhất” và đất nước “hoà bình”. Trong 35 năm qua, đất nước đã trải qua biết bao thăng trầm nhưng hệ lụy của chiến tranh vẫn còn đó. 35 năm, thời gian đủ dài để làm dịu những hận thù và xóa đi những vết thương lòng. Mùa xuân năm 1975, cầu Hiền Lương nối lại hai bờ Nam Bắc sông Bến Hải, đất nước đã nối liền một dải, nhưng buồn thay, lòng người với những vết thương hằn sâu rớm máu vẫn còn ly tán. Người Việt do sự trớ trêu của lịch sử bị chia thành hai chiến tuyến ngày xưa, ngày nay vẫn chưa tụ về một mối. Vẫn chưa thể tay trong tay, mắt nhìn mắt, lòng nối lòng cùng chung dựng xây Tổ Quốc!

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, đã phơi mình đón nhận định mệnh oan nghiệt, để trở thành giới tuyến chia đôi 2 miền. Đường ranh phân chia trên cầu là một vạch sơn trắng rộng 10 cm. Chỉ 10cm thôi vậy mà hơn 20 năm máu lửa chiến chinh, thịt nát xương tan, nồi da nấu thịt, và huynh đệ tương tàn. Dân tộc Việt nam đã phải vượt qua biết bao gian khó hy sinh mới có ngày non sông nối liền một dải. Phải mất đến 21 năm để hai miền Nam Bắc vượt qua lằn ranh 10 cm ấy! Giới tuyến không còn nữa, nhưng con sông ấy, cây cầu ấy, mãi mãi là chứng tích của một giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt khi đất nước bị chia đôi, và những hệ luỵ oán thù còn kéo dài cho mãi đến ngày hôm nay!

Thời gian 35 năm đủ để mỗi người Việt, ngoài nước cũng như trong nước, lắng lòng, sáng suốt ngẫm lại những điều hay dở và đúng sai của chính mình! Thời gian 35 năm qua với biết bao thăng trầm người Việt ta đã trải qua. Không ít những bài học phải trả giá bằng máu xương, và tiền bạc, mất dân, mất đất, mất tài nguyên. Lẽ nào những bài học đắt giá đó chưa đủ để người cộng sản cầm quyền ở trong nước tỉnh ngộ mà nghiệm ra một chân lý: Không có quyền lợi nào thiêng liêng và cao cả hơn quyền lợi của dân tộc. Tổ Quốc là của mọi con dân nước Việt. Tổ Quốc không phải, không thể và không bao giờ là của riêng một giai cấp thống trị hay của riêng một đảng phái nào.

Trần Việt Trình
10 tháng 5 năm 2010
Tài Liệu tham khảo:
“Cầu Hiền Lương và khát vọng ở hai bờ sông Bến Hải”, CAND - 01/05/2010
“Cảm Xúc Tháng Tư Bên Cầu Hiền Lương bến Hải”, Lăng Kính Cuộc Đời - 29/04/2010i

Nguồn lyhuong.net