Sunday, May 23, 2010

Lm.Nguyễn Hữu Lễ


Tôi phải sống

Video Đứng lên vì VN

Trích đoạn” Phần III : Tự Do và Hy Vọng”
Hồi ký TÔI PHẢI SỐNG của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ


11. Ngày Trở Về (3)

Cộng đoàn tình thương


Trong thời gian này nhóm “Cộng đoàn tình thương” chúng tôi đang trên đà phát triển mạnh. Những anh tù tôi vừa Rửa tội xong đã trở nên những chiến sĩ đức tin rất nhiệt thành. Qua việc thực tập cuộc sống chia sẻ trong tù, các anh thấy có một lý tưởng để sống vì đây là một kinh nghiệm lạ lùng. Đối với các anh em đó, làm gì có cuộc sống chia sẻ trong môi trường chỉ biết có bắt nạt, lừa đảo, tranh giành, chém giết nhau vì miếng ăn như trong nhà tù này. Các anh em đã tìm thấy được niềm vui trong khi thực hiện các lời trong bài hát “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô Assisiô mà tôi tập cho anh em hát. Cả những anh Trung Quốc cũng hát tiếng Việt, nhưng tôi dịch nghĩa sang tiếng Tàu cho họ: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”

Đây là lúc tôi nhận thấy rõ rệt nhất những hoạt động của chức vụ Linh mục đạt được nhiều kết quả và Chúa đã làm nên những điều kỳ diệu đối với đám tù nhân khốn khổ của chúng tôi. Càng ngày tôi càng thấy yêu thích cuộc sống của tôi lúc bấy giờ. Một cuộc sống rất hạnh phúc mà trước kia lòng ước vọng tự do thúc đẩy quá mãnh liệt đã che lấp không cho tôi nhận ra đâu là ý Chúa muốn tôi phải làm.

Có những đêm tôi dạy giáo lý cho một số anh em, kể chuyện Kinh Thánh cho một số khác. Anh em vui vẻ, ngồi lắng tai nghe. Có nhiều người cảm động nói từ trước tới nay chưa bao giờ được nghe những lời như thế. Từ lâu nay, cứ tưởng Công Giáo là một cái gì ghê gớm và độc ác và nhơ bẩn như được diễn tả trong phim “Ngày Lễ Thánh” được nhà nước cho chiếu khắp nơi, hoặc trong cuốn sách “Gia-Tô Tây Dương Bí Lục” mà đảng cộng-sản phổ biến rộng rãi để nói về “nguồn gốc” và cách hành đạo của Thiên Chúa Giáo! Có những anh thành thật nói, nếu con không gặp cha làm gì con hiểu được con người phải có tình thương và sự tha thứ! Những nhận xét đơn sơ của các anh tù đó đã an ủi tôi và tôi cám ơn Chúa đã cho tôi được sống trong hoàn cảnh này. Điều làm tôi mừng và cảm thấy hạnh phúc là Chúa đã gọi tôi làm chứng nhân cho tình yêu Chúa ngay trong môi trường đầy hận thù này.

Lúc đó, có một số giáo dân ở xứ Bắc Hải trong Nam quyên góp gửi quà cho các Linh mục. Bây giờ tất cả được về, họ vẫn tiếp tục gửi quà cho tôi. Mỗi lần nhận được quà, tôi dành một phần, giao cho anh em trong nhóm “Tình thương” phân phát, bắt đầu từ những anh em túng thiếu nhất. Nói về phần nhân loại thì thực sự lúc đó tôi đang sống trong ngục tù, nhưng về phần tinh thần thì tôi phải nói thẳng là chưa bao giờ tôi thấy hiệu quả trong chức vụ Linh mục như lúc bấy giờ. Khi tôi ý thức và chọn con đường làm Linh mục lúc 20 tuổi là chính vì lý tưởng phục vụ tha nhân, và lúc này tôi đang được sống trọn vẹn cho lý tưởng mà tôi đã chọn.

Tôi vẫn biết không có gì là bền vững trong nhà tù. Di chuyển và thay đổi là chuyện thường xảy ra. Dù vậy, tôi vẫn mong cuộc sống như hiện tại kéo dài, vì tôi coi đây là chỗ mà tôi phải sống. Nếu ý Chúa muốn tôi phải chết ở đây, trong khi tôi đang thi hành chức vụ Linh mục như thế này, thì cũng là điều tôi mong muốn.

Về phía cán bộ, dần dần tôi không còn thấy họ là những con người đáng sợ và xa lạ nữa. Ngược lại, họ cũng chỉ là những người vì hoàn cảnh, vì cuộc sống mà khép mình vào một khuôn khổ, mà chính họ cũng không thấy thoải mái trong khuôn khổ này. Nếu những năm đầu, một số cán bộ đã hành sử quyền hạn thái quá làm cho tôi đôi lúc có ý tưởng ghét bỏ con người, thì giờ đây, sau hơn chục năm giao tiếp, tôi thấy các cán bộ là những người đáng thương hơn là đáng trách.

Có đáng trách chăng là một thể chế chính trị, chỉ biết phục vụ cho quyền lợi của đảng mà đã trói buộc cả một dân tộc vào trong guồng máy đó. Cơ chế đảng cộng sản như một con quái vật do con người sanh đẻ ra nó, nhưng khi sanh nó ra rồi, thì không cách gì có thể kềm chế được sự hung hãn của nó. Nó quay ra ăn thịt bất cứ ai, ngay cả người sanh đẻ ra nó.

Đối với tôi, điều quan trọng không phải là chúng ta tiêu diệt con người, ngay cả những con người đang phục vụ trong chế độ cộng sản. Điều chúng ta phải làm là bằng mọi cách loại bỏ cơ cấu chính quyền vô nhân được xây dựng trên một ý thức hệ ngoại lai lỗi thời. Chính ý thức hệ đó đã làm tan nát tình dân tộc của chúng ta. Ngay chính những người đang phục vụ đảng, cũng có người biết là họ đang đi sai con đường, nhưng khi đã dính chân vào tròng, họ không còn đường trở lui.

Trừ ra những kẻ chủ trương duy trì cơ cấu đảng để trục lợi, để đè đầu cỡi cổ dân tộc, để hối lộ, tham nhũng, vơ vét tài nguyên đất nước, những kẻ đó là tội đồ của dân tộc. Trong khi đó, đa số cán bộ ở cấp thấp là nạn nhân hơn là tội phạm. Tư tưởng này đã làm tôi thoải mái trong cuộc sống lúc bấy giờ và tôi nhìn tất cả đều là những người anh em. Cho dù là họ có thể không chấp nhận tôi, nhưng tôi vẫn nhận họ là những người anh em với tôi trong đại gia đình dân tộc.

Cũng trong thời gian này lại có một hiện tượng lạ xảy ra trong trại. Lúc đó, một anh Trung Quốc trong số con cái tôi tên Trịnh Minh Hoa, nguyên trước kia là một y sĩ bên Tàu, tự nhiên anh nổi tiếng về việc chẩn bệnh. Anh bắt mạch và đoán đúng những chứng bệnh mà không ai tìm ra. Các bệnh nhân sau đó đi bệnh viện kiểm chứng, các bác sĩ cũng nói y như vậy. Anh dùng cách bắt mạch, coi mắt, coi lưỡi và các móng tay của bệnh nhân và nói thật chính xác người đó mắc chứng bệnh gì. Bệnh nhân mua thuốc uống thì khỏi.

Tin lành đồn xa. Bắt đầu có nhiều cán bộ và gia đình họ vào nhờ anh Minh Hoa xem mạch bốc thuốc. Lúc đầu chỉ trong phạm vi trại Nam Hà, về sau này có những người từ các nơi xa cũng tới tìm anh. Anh Minh Hoa lại không nói được tiếng Việt nên tôi đóng vai trò người thông dịch. Lúc này Trung úy T. cũng có ý muốn nhờ tôi dạy Anh văn, nên nhân cơ hội tôi lo thông dịch giúp tiếng Quan Thoại, anh xin với cán bộ quản giáo cho tôi khỏi đi lao động. Từ đó tôi giao đội lại cho đội phó và ở nhà dạy tiếng Anh vào các buổi chiều cho Trung úy T.

Thời gian đó, Trung úy T. thường hay vào chỗ tôi chơi vào các giờ ban sáng. Thường là tôi pha chè (nước trà) mời và chúng tôi cùng ngồi uống chè bàn việc học Anh văn. Anh rất thích học nhưng vì thiếu căn bản nên không tiến bộ nhiều, nhất là việc luyện giọng buổi ban đầu rất khó khăn. Trung úy T. lúc đó quảng 35 tuổi, khổ người rắn chắc, da trắng, mắt hơi nâu và có nhiều râu như người lai Tây. Anh là người hay nói cười, tánh tình cởi mở, phóng khoáng. Gia đình anh ở Hà Nội, vợ là cô giáo và có một cháu gái 4 tuổi, đang ở với mẹ. Thỉnh thoảng anh đưa cháu xuống trại chơi vài hôm. Cháu rất xinh trong bộ đồ đầm màu trắng. Sự quan hệ giữa chúng tôi càng ngày càng mật thiết qua các lớp học tiếng Anh này.

Có những cán bộ làm việc lâu trong trại đã khá thân thiện với những người tù miền Nam ở đây trước tôi, trong đó có Trung úy Lực là cán bộ trực trại. Anh quen biết tôi nhiều trong thời gian tôi hay qua lại buồng 9 của các tướng lãnh trước kia. Thời gian đó, anh hay vào buồng ngồi đánh cờ tướng. Ngoài ra, người nữ cán bộ tài vụ mà tôi gặp ngay từ ngày đầu, sau này tôi biết tên là KT, thỉnh thoảng cũng vào chỗ tôi chơi. Nhất là sau ngày cô đi Nam trong dịp chuyển tù về trại Hàm Tân. Sự đi lại và tiếp xúc đó dần dần tạo nên sự cảm thông giữa người với người. Lúc đó, điều tôi nhận thấy rõ rệt là khoảng cách lằn ranh do ý thức hệ tạo ra càng lúc càng thu hẹp lại và lu mờ dần. Điều này càng củng cố lý luận của tôi, chỉ vì một chủ nghĩa ngoại lai mà dân tộc Việt Nam chúng tôi bị phân rẽ và nhìn nhau như kẻ thù. Trong thực tế, dân tộc chúng tôi là một, chẳng có vì lý do gì phải chia rẽ, hận thù hoặc chém giết nhau.

Tư tưởng này ám ảnh tôi từ những ngày tôi mới bị bắt vào tù qua các câu chuyện tôi không sao quên được. Khi đó, tôi đang ở trại Gia Ray, tỉnh Long Khánh. Hàng ngày, đội chúng tôi đi lao động khai hoang dọn đất chung quanh trại cho những đội trồng trọt canh tác. Thường thì chúng tôi lao động không xa khu vực nhà khách, tức là chỗ để thân nhân tù nhân lên thăm gặp. Như thế mặc dù không được tiếp xúc nhưng người nhà có thể thấy chúng tôi đang cuốc đất khai hoang gần bên.

Có một lần, tôi không nhớ vì chuyện gì mà một anh cán bộ võ trang rất trẻ, chừng 18 tuổi, tập trung cả đội lại đứng dọc theo vách sau nhà khách và chửi mắng chúng tôi thậm tệ trước mặt bao nhiêu thân nhân của tù đang đứng chờ trong nhà khách. Khi chửi, có lúc cao hứng anh gọi chúng tôi là “những con rận sống trong cạp quần của đàn bà! Cách mạng không bắn các anh vì sợ tốn một viên đạn của nhân dân!” Chúng tôi đứng yên trong hàng và cúi đầu nghe anh ta chửi, trong khi đó tôi thấy một số các bà các cô đứng trong nhà khách gần đó đưa tay gạt nước mắt.

Lúc đứng trong hàng, lòng tôi vô cùng đau xót vì thương anh cán bộ còn trẻ này được huấn huyện để chửi những con người đáng tuổi cha chú mình. Tôi chợt nghĩ nếu tôi có con thì anh ta đáng tuổi con trai lớn của tôi, và nếu anh ta sanh ra trong xứ đạo tôi có thể anh là một trong những học trò giúp lễ của tôi! Bỗng dưng tôi thương anh hết sức, và qua anh, tôi thương cho một thế hệ trẻ Việt Nam sanh ra và lớn lên trong chiến tranh tương tàn đã hành sử theo cái nhìn của những con người vì một chủ nghĩa ngoại lai mà quên đi tất cả tình dân tộc. Anh đang phục vụ cho một thể chế chính trị đang chiến thắng, nhưng anh đâu có hiểu rằng thể chế nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có dân tộc là trường tồn.

Cánh hoa đồng nội


Lúc này, tôi thường có dịp tiếp xúc với cô KT, người cán bộ tài vụ. Sau chuyến vô miền Nam, cô có nhiều chuyện để nói với tôi. Tôi phải nhận là chuyến vào Nam lần đầu tiên đó đã làm cô thích thú. Cô đã thay đổi cái nhìn và lối suy nghĩ rất nhiều. Một hôm, cô vào trại tìm tôi có việc liên quan tới tài chánh, sau đó cô hỏi trong Nam tôi ở tỉnh nào. Tôi nói ở Vĩnh Long, thuộc miền đồng bằng sông Cửu Long. Tôi kể với cô sơ qua về phong cảnh và sự trù phú của miền Tây. Cô rất chăm chú nghe nhưng có vẻ không hiểu lắm vì chuyến đi Nam vừa rồi của cô ít giờ quá, không có dịp đi thăm nhiều nơi, và nhất là không quen ai trong Nam. Cô vui vẻ hỏi tôi:

- Anh ở Vĩnh Long nhưng có biết nhiều về thành phố Hồ Chí Minh không?

Tôi bị dị ứng khi nghe ai gọi Sài Gòn bằng cái tên chính trị của nó. Mặc dù cô gọi tên đó một cách rất tự nhiên, tôi trả lời:

-Cái thành phố mà cô vừa hỏi thì tôi không biết, nhưng tôi biết Sài Gòn rất rõ vì tôi học ở đó 7 năm.

Người nữ cán bộ tỏ ra bất ngờ trước câu trả lời của tôi. Cô nhìn tôi bằng đôi mắt mở to dưới hàng mi cong, nhưng liền đó cô tỏ ra nhạy cảm với tâm trạng tôi nên yên lặng, mỉm cười:

-Anh Lễ này! Sao mà anh “gớm” thế? Thôi, đừng để những việc đó làm chúng ta mất vui. Tôi chẳng có ý gì đâu, tôi chỉ muốn nghe anh nói thêm về thành phố Hồ...thành phố Sài Gòn, mà phải nói là tôi rất thích trong lần vào đó. Lần đó, có mấy anh ở đây nhờ tôi tới thăm gia đình. Người nhà tiếp tôi nồng hậu lắm anh ạ. Tôi được tặng nhiều quà lắm. Lúc trở ra, cháu trai rất thích vì mẹ mang về nhiều đồ chơi.

Nói xong nàng nở nụ cười thật hồn nhiên của một cô gái quê Việt Nam thuần túy. Sau đó, nàng nói qua các nơi nàng đã có dịp ghé như Thủ Đức, Nhà Bè v.v... Những đêm ở Sài Gòn, cô ở và làm việc tại An Ninh Nội Chính, và hỏi tôi có biết nơi đó không. Tôi nói đã bị giam ở đó khi vừa bị bắt và tôi có bà cô ở đối diện bên kia đường.

Từ đó, KT hay vào thăm tôi vào buổi sáng trong giờ cả trại đi lao động, vì cô biết tôi bận lớp Anh văn ban chiều. Khi vào, trên tay nàng lúc nào cũng có quyển sổ tài chánh, nhưng có rất nhiều lần cuốn sổ ấy không được dùng vào việc gì. Những lần vào chơi, cô thích kể chuyện về chuyến đi Nam cho tôi nghe, nói là cho tôi đỡ nhớ nhà! Giọng nói rất nhẹ nhàng, dí dỏm, phù hợp với vóc dáng mảnh mai của nàng.

Lúc nào KT cũng mang tính cách đơn sơ và e lệ của một cô gái mới lớn, điều này trái ngược với tuổi đời trên dưới ba mươi của nàng. Mái tóc dài che phủ bờ vai. Về sau này, mái tóc được quấn ngược lên cao, vì buổi trưa hè hôm ấy, KT vào thăm và tôi khen quấn như thế đẹp. Cũng không mấy khi thấy nàng mặc sắc phục, vì có lần nàng mặc sắc phục , lúc vui miệng tôi nói:

-Không hiểu tại sao, khi thấy cô mặc sắc phục công an tôi sợ lắm.

Nàng làm ra vẻ nghiêm trang, hỏi tôi:

-Tại sao anh lại sợ?

- Tôi cũng chẳng biết tại sao! Có lẽ tại máu tôi không hợp với màu sắc này!

KT không nói gì, yên lặng trong giây lát và nhìn tôi tỏ vẻ cảm thông vì nàng đã biết lịch sử đau thương của cuộc đời tù tội của tôi. Lúc sau nàng hỏi:

- Anh Lễ này, nghe nói lúc ở trại Thanh Cẩm anh trốn trại và bị hành hạ kinh lắm phải không? Anh ở trại đó bao lâu nhỉ?

-Vâng, lần đó tôi bị đánh nhiều và bị cùm 3 năm!

- Kinh thế! Anh ở trại đó trong bao lâu?

- Đúng mười năm cô ạ, từ 1978 tới 1988. Khi mới từ Nam ra năm 1977, tôi vào trại Nam Hà này. Sau đó, chuyển lên “Cổng Trời” mất một năm. Chừng chiến tranh biên giới xảy ra, tôi được đưa về Thanh Cẩm 1978, rồi lại về đây! Lúc tôi ở đây lần đầu, ông Thịnh mới là Thượng sĩ trực trại. Bây giờ gặp lại, ông ta đã là Thượng úy rồi. Cô KT này, mười một năm về trước, khi tôi ở trại này, lúc bấy giờ cô làm gì và ở đâu?

-Năm đó tôi chưa vào ngành, còn ở nhà quê tại Vũ Lễ, Thái Bình.

Cô nói tiếp giọng nói thật buồn:

- Anh Lễ, sau thời gian tiếp xúc với các anh miền Nam và nhất là sau chuyến đi này, tôi đã hiểu được các anh nhiều hơn. Sau khi có dịp nói chuyện nhiều với anh, tôi thật kính phục những con người như anh.

Đã từ lâu, tôi nhận thấy tình cảm đặc biệt của nàng đối với tôi qua cử chỉ, thái độ và cách nói năng. Càng ngày, tôi càng hiểu điều đó qua ánh mắt, nụ cười trong các câu chuyện nàng kể, nhất là qua sự ân cần giúp đỡ tôi trong các việc liên quan tới phần vụ của nàng, mặc dù trong tư thế quá khác biệt. KT là một cán bộ và đã có chồng con, nàng có một đứa con trai độ 6 tuổi. Còn tôi là một tù nhân, lại là một Linh mục và là kẻ đã gây ra quá nhiều sóng gió trong trại. Nhưng các thứ đó hình như không là trở ngại đối với tình cảm dạt dào của nàng.

Khoảng đầu tháng 6 năm 1988, lại có biến chuyển khác. Tất cả những người tù Trung Quốc được chuyển hết đi nơi khác. Tôi rất buồn khi phải chia tay với họ. Tôi đã ở chung và chia sẻ bao nhiêu đau khổ với họ trong những năm ở nhà kỷ luật trại Thanh Cẩm. Những người tù ngoại quốc này thường sống dựa vào sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của chúng tôi. Ngược lại, họ đã giúp tôi học và nói thông thạo tiếng Quan Thoại.

Tất cả những người Trung Quốc này đã bị giam 16 năm rồi. Về trại này, tôi đã Rửa tội cho 5 người và tôi coi họ như những người con tinh thần của tôi. Tôi đã giúp họ tìm thấy niềm vui trong cuộc đời khổ ải qua các việc bác ái trong nhóm “Cộng đoàn tình thương”. Trước đó, tôi cũng thường nói với họ, cuộc sống trong nhà tù thay đổi lúc nào không hay, tôi muốn gửi nơi anh em đức tin mà anh em đã lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội. Sau này, hãy mang đức tin đó gieo rắc nơi nào các anh em sẽ tới, nhất là có dịp mang về quê hương Trung Quốc của anh em. Việc ra đi của nhóm tù Trung Quốc làm tôi u sầu trong một thời gian rất lâu. Từ đó về sau, tôi không còn bao giờ nghe biết gì về họ nữa!

Sau khi nhóm tù Trung Quốc chuyển đi rồi, tôi cảm thấy rất trống vắng. Tôi vẫn ở nhà dạy tiếng Anh cho Trung úy T. Những buổi sáng rảnh rỗi, tôi thường giúp anh trực sinh buồng lo quét dọn vệ sinh, lấy nước sôi cho buồng, sau đó ngồi trong nhà ăn soạn bài vở cho giờ lớp ban chiều. Thường thì chỉ có mình Trung úy T. học, nhưng có mấy lần vài cán bộ khác cũng vào dự thính lớp tiếng Anh của tôi. Lúc bấy giờ đã cuối chầu, trại Nam Hà sao thật buồn tẻ. Số tù hình sự đông hơn tù chính trị miền Bắc.

Cuối chặng đường

Một buổi sáng giữa tháng 7 năm 1988, Trung Úy T. vào thăm tôi. Hồi này trình độ tiếng Anh của anh đã tương đối khá nên mỗi khi anh vào, chúng tôi tập chào nhau bằng tiếng Anh và đàm thoại vài câu ngắn và dễ. Anh tỏ ra rất thích thú khi bặp bẹ được vài câu tiếng Anh trong khi tất cả mọi cán bộ khác chẳng ai biết chút gì. Anh rất siêng học, chỗ nào không hiểu thường mang vào hỏi tôi và tỏ ra rất hứng thú khi có dịp thực tập với tôi.

Khác hơn mọi lần, sáng hôm đó, vừa ngồi với tôi một lúc, anh đứng lên từ giã, nói là đang chuẩn bị đi phép một thời gian và chúc tôi ở lại mạnh giỏi. Anh cũng không nhắc gì tới việc học tiếng Anh đang dở dang. Khi tôi nhắc việc này, anh yên lặng một lúc rồi nói cứ tạm thời nghỉ, khi anh về hẵng hay. Nhưng sau đó anh nói tiếp, nếu vì lý do gì không gặp lại thì tôi hãy nhớ lời anh dặn. Tôi hơi ngạc nhiên vì thấy có cái gì hơi khác trong lối nói của anh. Nếu chỉ đi phép vài ngày như những lần trước thì sao anh lại dặn dò tôi như thế. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Ông T., ông nói gì vậy? Bộ ông chuyển đi nơi khác à?

Anh ta đáp tự nhiên:

-Không hẳn đâu anh ạ! Nhưng làm sao biết được chuyện ngày mai!

Nói xong anh đứng lên và nhìn tôi mỉm cười. Tôi nói tiếp:

-Cho tôi gửi lời thăm gia đình ông, thăm cháu bé và cô.

Anh ta gật đầu:

- Cám ơn anh Lễ. Anh ở lại mạnh giỏi, tôi đi đây.

Nói xong, anh bước ra cửa khá nhanh, tôi theo sau tiễn chân. Trước khi khuất dạng vào hành lang dẫn ra sân trại, anh còn quay lại nhìn tôi mỉm cười và đưa bàn tay trái lên làm dấu hiệu từ giã rất nhẹ nhàng.

Khi cán bộ T. đi rồi, tôi quay vào buồng, vừa đi vừa thắc mắc về lối chào tạm biệt của anh. Những lần trước, khi về Hà Nội hoặc đi phép vài ngày anh cũng vào chào từ giã tôi và nói nghỉ học một vài hôm. Nhưng cách nói úp mở hôm nay của anh làm tôi đoán anh sẽ chuyển đi nơi khác. Ý nghĩ này làm tôi chợt buồn, rất buồn. Thì ra tôi quý mến người cán bộ này sâu đậm hơn là tôi tưởng! Nếu thực sự anh đi nơi khác thì tôi mất một người bạn quá tốt trong hoàn cảnh đặc biệt này. Tôi đã mất các anh em Linh mục, tôi đã mất những người bạn trong đợt chuyển vào Nam, tôi vừa mất những anh Trung Quốc mà tôi coi là con tinh thần của tôi, bây giờ nếu tôi mất Trung úy T. nữa, chắc chắn là tôi sẽ rất buồn. Tôi thầm cầu mong cho việc đó đừng xảy ra.

Trở vào nhà ăn, tôi ngồi xuống ghế vì cảm thấy hơi choáng váng khó chịu trong người. Quyển vở tôi soạn bài Anh văn chiều nay đang nằm trên mặt bàn. Tôi với tay gấp lại vì chiều nay không có lớp. Tôi ngồi thừ ra một hồi lâu và ôn lại kỷ niệm về người cán bộ an ninh mà tôi quý mến. Tôi hồi tưởng lại từ lần đầu gặp gỡ tới những ngày tháng chúng tôi gặp nhau trong lớp tiếng Anh. Tôi vẫn nhớ lời anh thường nói:“Anh Lễ, tôi cám ơn anh đã giúp tôi biết về tiếng Anh.”

Thời gian trước đó trong trại lại kháo láo nguồn tin,“sắp có đợt tha”! Cá nhân tôi chẳng mong được về và cũng chẳng để ý tới những diễn biến có dấu chỉ sẽ được phóng thích. Lần đầu tiên tôi nghe nói tới vấn đề này khi được thư của người bạn gửi vào cho biết đang có cuộc thương thuyết Mỹ-Việt. Phía Hoa Kỳ đại diện bởi Tướng hồi hưu John Vessey, đặc phái viên của Tổng thống Reagan, bàn về vấn đề bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước. Một trong các điều kiện phía Mỹ đưa ra là yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thả hết những lãnh đạo tôn giáo còn trong tù. Anh em cho biết là tôi có hy vọng được về nhờ yếu tố này.

Ngoài ra, một số người về trước, qua Mỹ, cũng đã nhờ Tổ chức Ân Xá Quốc Tế can thiệp giúp để tôi được phóng thích. Tôi nghe chỉ để mà nghe, chẳng mong mỏi và cũng chẳng hy vọng, nhất là tôi không coi đó là điều cần thiết nữa. Lúc đó, tôi đang bận tâm củng cố lại nhóm “Cộng đoàn tình thương”, sau khi số anh em Trung Quốc nhiệt tình đã ra đi. Nhóm tù chính trị miền Bắc cũng rất hăng say trong hoạt động của nhóm trong lúc này.

Bấy giờ lại có một dấu hiệu khác. Khoảng tháng 6 năm 1988, có phái đoàn y tế của bộ về làm việc trong trại. Khi phái đoàn y tế vào trại, tôi được gọi lên và hỏi qua về bệnh tình, về thời gian cải tạo. Có điều rất buồn cười là anh cán bộ y tế lại méo mó nghề nghiệp. Khi biết tôi là một Linh mục anh hỏi tôi nghĩ gì về vụ phong thánh cho 117 Thánh Tử Đạo sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 6. Lúc đó, vấn đề phong thánh đang gây tranh luận. Trong tù, có báo Nhân Dân và qua đó, tôi được biết Nhà nước Việt Nam phản đối vụ này ghê lắm. Tôi trả lời với ông ta:

- Tôi ở trong này không có đầy đủ thông tin nên tôi không có ý kiến gì, nhưng tôi cũng xin trả lời. Với tư cách là người Việt Nam, thân xác tôi thuộc quyền Chính phủ Việt Nam, nhưng với tư cách là một Linh mục, linh hồn tôi thuộc về Tòa Thánh. Bất cứ điều gì Tòa Thánh quyết định, tôi vâng theo.

Nghe tôi nói thế, anh ta không hỏi thêm nữa.

Khi tôi về buồng, các anh em tới thăm và cho biết, khi phái đoàn y tế vào trại gọi ai là người đó được về. Nghe xong tôi chỉ cười nói:“Chừng nào dê đực đẻ con tôi mới được về!” Trong tù không có tin gì làm mọi người háo hức và săn đón cho bằng tin có đợt phóng thích, vì thế mấy ngày nay cả trại cứ bàn tán xôn xao về tin này.

Khi cán bộ T. đi phép được một ngày thì anh văn hóa tên Quỳnh, người Hải Phòng, có biệt danh là “Quỳnh Ngựa” vì mặt anh dài, nói với tôi sau khi từ cơ quan trở về:“Tôi nghe nói anh có tên trong đợt tha lần này.”

Đó là lần đầu tiên sau 13 năm tôi được nghe nói tôi có thể được tha về. Nhưng khổ nỗi, tin này đến với tôi trong lúc tôi không còn mong đợi nữa, nếu không muốn nói là thất vọng khi nghe tin đó. Vì nếu có về đi nữa thì cũng chỉ là chuyển từ một nhà tù nhỏ sang một nhà tù lớn. Khi bước ra khỏi đây để trở về xã hội bên ngoài, chưa chắc gì tôi đã yên thân. Trong khi đó, tôi đã tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời phục vụ trong nếp sống ở đây.

Sáng hôm sau, trại xuất quân lao động nhưng tôi vẫn được nghỉ vì chưa bình phục hẳn sau trận kiết lỵ và cán bộ y tế cho tôi nghỉ dưỡng bệnh một thời gian dài. Buổi sáng trong trại rất vắng lặng, thỉnh thoảng thấy trực sinh các buồng đi lại dọn dẹp hoặc lấy nước sôi. Trong lúc tôi đang giúp anh trực sinh buồng quét sân thì cô KT bước vào.

Hôm nay cô vào sớm hơn thường lệ, trên tay không cầm quyển sổ quen thuộc, chỉ có một tờ giấy trắng được cuộn tròn lại như ống tre. Mỗi lần cô vào chơi đều mang lại cho tôi niềm vui với nụ cười rất tự nhiên và cách nói chuyện thật duyên dáng của cô. Thấy cô bước vào sân, tôi dừng tay và tiến ra tới đầu hồi nhà ăn của đội gần bên cửa ra vào sân, tiếp chuyện:

- Sao mấy hôm nay không thấy cô đâu cả?

KT trả lời có vẻ kín đáo:

- Mấy hôm rồi tôi bận quá anh ạ!

Tôi đùa lại bằng một câu có vẻ triết lý...vụn:

-Có lần tôi đọc được câu:‘‘Người bận việc là người hạnh phúc!’’ Cô đang hạnh phúc đấy!

Cô cười, đáp lại:

- Gớm thật! Anh thì lúc nào cũng chữ với nghĩa! Tôi xin nhường cái hạnh phúc đó cho anh, tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi thôi!

-Cô không nhường thì tôi cũng đã có rồi, lúc nào tôi chẳng bận.

KT tấn công:

- Anh nói thế! Như hôm nay không lao động, anh bận gì nói tôi nghe nào?

- Tôi bận mà cô không biết đó thôi
Cô trợn mắt nhìn tôi:

- Anh bận gì?

-Tôi bận suy nghĩ đến cô đi đâu từ mấy ngày nay!

Cô cười bẽn lẽn :

- Gớm! Anh nói thế!

-Tôi biết ngay là cô không tin, đúng không?

Nàng yên lặng một chút, khẽ e lệ, gật đầu:

- Tôi tin!

Tôi đùa vui:

- Cô thấy chưa? Tôi đang bận nên lúc nào tôi cũng hạnh phúc!

Sau câu nói đùa của tôi, cả hai cùng cười. Cô bước lại gần tôi và nói nhỏ nhẹ cách bí mật:

- Anh Lễ này, anh khao đi!

Tôi đoán biết có cái gì khác thường trong thái độ của KT sáng nay. Nhất là sau những tin đồn “có đợt tha” trong mấy ngày qua và đặc biệt là anh “Quỳnh Ngựa” đã nói với tôi. Mặc dù đoán biết một phần nhưng tôi cũng giả vờ bình thản:

-Thì lúc nào cô vào chơi mà tôi chẳng khao, khi thì uống chè, khi thi ăn kẹo...!

Thấy tôi có vẽ không hiểu, cô hạ giọng nói nhỏ:

-Anh Lễ này, anh có tên được về đấy!

Như vậy là chắc rồi. Cái tin đó cuối cùng đã đến với tôi. Cái tin mà cả chục năm trời qua, tôi mong đợi ngày đêm. Cái tin mà trước đây tôi cứ tưởng tượng nó rất ghê gớm và không có một biến cố vui mừng nào trong đời tôi có thể so sánh được! Nhưng lúc này khi nó đến, tôi lại đón nhận nó hết sức hững hờ và lạnh nhạt. Tôi hiểu điều đó nên cố không làm phật ý người đưa tin, người cán bộ mà tôi quý mến. Tôi yên lặng, lấy lại vẻ trang nghiêm:

- Tôi không tin.

Nghe tôi nói thế, KT tỏ vẻ cảm thông vì có lần tôi cũng nói cho cô biết là ngoài bìa hồ sơ tôi có hàng chữ:“Thành phần không thể cải tạo được”. Nàng mỉm cười kín đáo:

-Anh Lễ, tôi cho anh coi cái này.

Vừa nói cô vừa mở tờ giấy cuộn tròn trong tay ra trao cho tôi:

-Anh coi nhưng không được tiết lộ cho tới khi công bố. Nếu anh nói ra thì tôi và anh chung một cùm đấy.

Tôi đáp:

-Như thế thì càng thích chứ sao!

- Anh Lễ này! Lúc nào anh cũng đùa!

Vừa nói nàng vừa giả vờ giật lại không trao tờ giấy cho tôi. Đó là một phụ bản giấy đánh máy của Quyết Định tha. Có lẽ là bản thứ 3 hay thứ 4 gì đó, nét chữ không rõ nhưng đọc được dễ dàng. Trong danh sách có tên 14 người và tên tôi nằm ở sau cùng. Có cả tên cha Nguyễn Bình Tĩnh, anh Nguyễn Đức Khuân và một tu sĩ miền Bắc.

Tôi chăm chú đọc mảnh giấy khá lâu, không phải để coi có những ai nhưng vì lúc đó tôi đang ở trong một tâm trạng hết sức lạ lùng. Tôi đọc đi đọc lại tên của tôi, nhưng tôi lại có cảm tưởng không phải là tôi mà là một cái tên rất quen thuộc. Tên trong tờ giấy này không thể là của tôi, vì chẳng bao giờ tôi nghĩ là tên tôi có thể nằm trong một mảnh giấy bắt đầu bằng hàng chữ “Quyết Định Tha” được. Thấy tôi cầm tờ giấy khá lâu, KT đưa tay đón lấy. Tôi trả lại nàng với tâm trạng bàng hoàng khiến nàng phải kêu lên:

-Anh Lễ! Được tha mà trông anh sao lại buồn thế?

Tôi chỉ thinh lặng lắc đầu, vì nói sao cho nàng hiểu được tâm trạng tôi. Lúc đó tôi chợt nhớ tới Trung úy T. và những lời úp mở của anh khi từ giã tôi ngày hôm qua. Anh biết tôi được về nhưng không thể nói ra được và tôi đã đoán sai. Thay vì anh đổi đi thì tôi sẽ ra về trong thời gian anh đi vắng. Tôi đoán là anh cũng buồn như tôi.

Kẻ ở người đi

Đêm cuối cùng ấy, khi tôi đến từ giã anh em, nhất là những người con tinh thần tôi sinh họ lại trong đức tin, nước mắt chúng tôi chảy ra khá nhiều. Tôi ôm lấy từng người con vào lòng, như muốn truyền sức mạnh cho những người tôi đã Rửa tội và đức tin họ còn non nớt. Lúc ban chiều, tôi cũng đã đi các buồng để từ giã anh em trong nhóm “Cộng đoàn tình thương”. Tôi trao lại tất cả những gì tôi có cho người tôi chỉ định thay thế tôi điều khiển Cộng đoàn. Tâm trạng chúng tôi đêm ấy đau buồn vì biết là cha con sẽ chẳng còn bao giờ gặp lại nhau nữa!

Hôm sau, trại công bố chính thức, sau đó, những người được tha về ra cơ quan để lăn tay và ký tên vào giấy ra trại. Trong giấy ra trại có ghi:“Đương sự phải về trình diện chánh quyền địa phương trong thời hạn một tháng kể từ ngày ký”. Xếp tờ giấy làm tư, tôi cho vào túi áo trước ngực được may phía bên trong, cài kim băng cẩn thận để ngăn ngừa trộm cắp.

Tôi bước sang phòng KT kế bên làm các thủ tục về tiền nong. Còn một số tiền ở nhà mới gởi ra cho tôi, KT chưa kịp ra bưu điện lãnh, tôi gửi lại cô làm quà cho cháu. Tôi là người cuối cùng lên cơ quan làm thủ tục, vì trước khi bước ra khỏi cổng trại, tôi phải dừng lại khá lâu để bắt tay từ giã quá nhiều anh em còn ở lại. Họ tiễn đưa tôi tới cổng trại và mỗi người cố nói với tôi một vài lời trước giờ chia ly. Riêng các anh em ở chung buồng, đêm qua chúng tôi đã thức với nhau gần suốt đêm.

Sau khi hoàn tất mọi việc, tôi khoác chiếc ba-lô nhẹ hẫng lên vai và bước ra khỏi phòng tài vụ. KT xếp sổ sách giấy tờ trên bàn, đứng lên đi vòng ra phía sau chiếc ghế dài bằng gỗ nặng chắc chắn, bước theo ra, tiễn chân tôi. Chúng tôi đi song song bên nhau trong một hành lang dài và hẹp dẫn ra phía mặt tiền nhà nằm dọc theo đường cái.

Chúng tôi yên lặng bước đi, chẳng ai nói với ai câu gì, nhưng tôi có cảm tưởng chính sự thinh lặng trong lúc này lại nói lên nhiều hơn. Tự nhiên tôi chợt nhận ra, người con gái đang bước đi bên cạnh tôi lúc này không còn là người cán bộ tài vụ nữa, mà là người thân thiết của tôi. Nàng đã trở lại thành một người phụ nữ bình thường như bao nhiêu người phụ nữ khác với những xúc cảm tự nhiên trước lúc chia tay người thân và không còn hy vọng gặp lại.

Khi cả hai ra gần tới ngõ, tôi bất chợt dừng lại, quay sang nhìn KT và bắt gặp đôi mắt màu đen đang mở thật to nhìn tôi, hai hàng mi dài và cong. Nàng đang chớp mắt để che giấu sự xúc động. Tôi nhìn sâu vào mắt nàng, nói nhanh mấy câu giã từ:

- Thôi giã biệt KT! Chúc cô và gia đình ở lại gặp nhiều may mắn. Xin cám ơn sự lo lắng và giúp đỡ của cô trong thời gian qua.

-Anh Lễ! Đừng nói lời cám ơn! Những gì tôi làm là do lòng quý mến của tôi đối với anh. Cháu trai sẽ mừng khi nhận quà của anh. Anh được ra về tôi mừng lắm. Tôi thật không biết phải nói gì trong lúc này. Chúc anh lên đường bình yên, nhớ bảo trọng thân thể và cầu mong anh xây dựng một tương lai tốt đẹp. Về Nam, có gặp các anh ở trại này cho tôi hỏi thăm.

Vừa nói, nàng vừa tiến lại sát bên tôi trong một cung cách rất tự nhiên của người em gái trong lúc tiễn biệt người anh. Tôi nắm lấy và bóp nhẹ bàn tay bé nhỏ có các ngón thon dài của K.T. Nàng để yên bàn tay trong tay tôi. Tôi nghe tay nàng nóng, đang run nhẹ. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối tôi cầm lấy bàn tay nàng, mặc dù trong thời gian mấy tháng qua, đã nhiều lần gặp nhau. KT từ tốn quay lại trong tư thế mặt đối mặt và đặt bàn tay còn lại lên tay tôi, nắm chặt lấy và nâng thật chậm lên cao tới cằm. Mắt nàng ướt long lanh, chớp thật nhanh và đang ngước nhìn tôi trong lúc lập lại lời từ biệt. Giọng nàng nhẹ như hơi thở:

- Anh đi bằng yên.

Tôi buông tay nàng ra. Chẳng nói thêm lời nào, tôi quay đi, xốc lại chiếc ba-lô trên vai và bước vội mấy bậc tam cấp lên đường cái. Vừa bước lên mặt đường, tôi nghe tiếng KT gọi với theo:

-Anh Lễ, tôi nói cái này!

Tôi dừng bước, quay lại và đã thấy nàng đứng ngay sau lưng. Trong lúc hai người đứng giữa vùng ánh sáng của nắng ấm ban mai, tôi thấy nàng đẹp một cách thật hồn nhiên. Một vẻ đẹp kín đáo và đơn sơ của loài hoa dại trong đồng nội.

Thời gian qua, tôi vẫn nhận thấy nơi nàng sự duyên dáng qua thái độ đối xử và cách nói năng, nhưng hôm nay, tôi thấy nàng còn có một cái gì khác biệt hơn. KT mặc áo sơ-mi màu hoa cà, quần đen, tóc quấn ngược lên cao để lộ cái ót trắng ngần. Hình ảnh này tôi đã thấy nhiều trong những lần nàng vào khu giam thăm tôi trước đây. Nhưng sao hôm nay, tôi thấy nàng như một con người khác. Có lẽ nhờ vị thế ngăn cách giữa hai người không còn nữa, hay vì vẻ thân thương và gần gũi đã làm nàng xinh đẹp hơn mọi ngày? Tôi bỗng buột miệng nói lên ý nghĩ trong đầu:

-Hôm nay tôi trông KT như một người khác!

Nàng mở thật to đôi mắt đen láy, nhìn tôi cách ngạc nhiên hỏi lại:

- Khác thế nào hở anh?

Tôi đáp gọn:

- Trông xinh hơn mọi ngày!

Mặt nàng tự nhiên đỏ ửng. Nàng vội ngoái đầu theo phản ứng tự nhiên, tỏ vẻ e thẹn và lắc lư người như để từ chối lời khen của tôi. Nàng bước tới gần, nói thật nhỏ, mặc dù gần đó chẳng có ai:

- Sau này anh ở đâu và làm gì, anh nhớ thư cho biết nhé!

-Viết thư từ, tôi sợ trở ngại cho công tác của cô.

Nàng đáp nhanh:

-Anh cứ viết thẳng về địa chỉ ở Thái Bình ấy, chẳng hề gì đâu!

Tôi ngần ngừ một lúc và gật đầu, trong lúc vẫy tay từ giã nàng và quay gót bước đi. Bên tai còn nghe vọng tiếng nói cuối cùng của nàng:

-Anh đi bằng yên, nhớ nhá.

Quãng đường trước mặt

Tôi bước nhanh theo dọc con đường lớn chạy trước mặt dãy nhà dài dùng làm khu hành chánh của cơ quan, hướng về phía khu nhà của gia đình cán bộ nằm cách xa cổng trại khoảng vài trăm thước, để ra đường cái đón xe khách đi Phủ Lý, để từ đó lên Hà Nội. Ánh nắng chói chang và khung cảnh mới lạ làm tôi choáng ngộp. Tôi lầm lũi bước đi như người trong cơn mộng du đang lâng lâng giữa thực và mộng.

Tới chỗ chờ xe tôi dừng lại, quay nhìn trại Nam Hà lần cuối. Trại trông sao thật vắng lặng và buồn tênh, không ngờ nơi đó lại chôn giữ một phần lớn kỷ niệm của đời tôi. Lúc đứng đó tôi chợt nhận ra, trong số không biết là bao nhiêu chục ngàn tù nhân trong Nam bị đưa ra Bắc cách nay đã hơn một thập niên, tôi là người tù miền Nam cuối cùng bước ra khỏi trại giam miền Bắc! Tôi bỗng buột miệng nói:“Thời gian qua mau! Mới ngày nào mình ngỡ ngàng trên chuyến xe ca từ Hải Phòng đến đây trong đêm sương mù giá lạnh, mà bây giờ đã gần 12 năm! Đời người như một giấc chiêm bao....”

Có chiếc xe khách đang từ xa chạy tới. Tôi giơ tay lên đón.

Lm.Nguyễn Hữu Lễ
Trích đoạn” Phần III : Tự Do và Hy Vọng”
Hồi ký TÔI PHẢI SỐNG
Đọc thêm tại:vantholacviet.org