Friday, May 7, 2010

Nguyễn Văn Huy


Vấn Đề Di Dân.

Sáng hôm nay sau khi đi bộ xong tôi ghé vào tiệm McDonald's để nhâm-nhi một ly cà-phê nóng và đọc tờ báo địa-phương Daily Breeze. Tại đây tôi chứng-kiến một cảnh lời qua tiếng lại ồn ào giữa một phụ-nữ người da trắng và một nữ nhân viên bán hàng gốc Mễ của cửa tiệm này.

Người đàn bà Mỹ trắng có vẻ giận-dữ với người bán hàng. Bà nói to rằng bà đến trước mà lại không được nhân-viên nhà hàng phục-vụ theo thứ tự, ngược lại có những khách hàng đến sau lại nhận được thức ăn trước chỉ vì những người đó có cùng gốc gác La Tinh giống người bán hàng. Bà ấy bảo rằng đây là nước Mỹ, không thể có cái cảnh ngược đời bất công như thế được. Nhân viên nói lời xin-lỗi nhưng càng lúc tình hình lại càng nóng sốt hơn là vì người nữ nhân-viên đã không khéo léo kềm giữ sự bực bội của chính cô. Cô tiếp tục nói lại với bà khách hàng kiểu như đôi co. Bà khách hàng muốn đi tới cùng về chuyện này bằng cách sẽ than-phiền với cấp trên của cô này. Cô chẳng chịu thua, đáp lại rằng, cái đó tùy bà, bà muốn tới đâu thì tới. Bà khách hàng lại nổi dóa lên, phản ứng rằng, bà sẽ tiếp tục đến tiệm này nữa chứ không chịu thua để xem nhân viên ở đây làm ăn ra làm sao.

Nói chung, cả hai phía đều có lỗi. Họ đã không kềm hãm được sự nóng giận. Cô nhân viên tiệm ăn có lỗi nhiều hơn. Nhà hàng cần có khách hàng, trong tình trạng kinh tế suy thoái, cửa tiệm lại càng cần khách hàng nhiều hơn. Nhờ có khách hàng mà nhà hàng mới tiếp tục hoạt động được và nhờ thế nhân viên mới có thể giữ được việc làm. Khi khách hàng than-phiền như thế, ở địa vị nhân-viên nếu khéo léo một chút thì vấn đề sẽ được giải-quyết nhẹ nhàng. Rất giản-di, người nhân viên chỉ nói với khách một câu thôi là, chúng tôi xin-lỗi bà về sự việc này, chúng tôi sẽ lưu ý và từ đây về sau sự việc như thế này sẽ không tái diễn nữa. Bà khách hàng được thỏa mãn tự ái, dù có không thích người ta thì trước mặt đông người cũng chẳng thể làm gì khác được. Còn nếu bà ấy vẫn tiếp-tục ồn ào thì bà ấy sẽ chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi. Nhân-viên này dường như chưa được huấn-luyện kỹ về 'customer service'. Họ không hiểu câu nói 'the customer is the king', khách hàng là vua hoặc 'the customer is always right', khách hàng không bao giờ sai, thì phải. Cô nhân viên này cần được cho đi dự khóa huấn luyện về phục vụ khách hàng lại và có thể được chuyển qua phần hành không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để tránh cái hậu quả không tốt cho business.

Nguồn gốc sâu xa của sự va chạm nói trên chẳng qua bắt nguồn từ các sự khác biệt hoặc mâu thuẫn mà ra. Nhưng cái khác biệt này sẽ còn tiếp tục tồn tại trên trái đất cho tới khi nào không còn một bóng người. Nó là nguồn gốc của các va chạm cá nhân và chiến tranh của nhân loại.

Lúc nào và thời nào thì cũng có sự khác biệt giữa đen và trắng, giữa giàu và nghèo, giữa người học cao và người học thấp, giữa chủng tộc này và chủng tộc kia, giữa tôn giáo này và tôn giáo nọ, giữa chủ nghĩa này và chủ nghĩa kia, dù là tất cả đều chung sống trong cùng một quốc gia hoặc trong các nước khác nhau v.v...Chỉ khi nào mà mọi người đều tỉnh táo, có ý thức, có lòng từ bi và bao dung thì may ra các cuộc xung đột giữa các cá nhân, giữa các quốc gia mới có thể ngừng lại được.

Hàng năm dân chúng gốc Mễ Tây Cơ sinh sống tại Hoa Kỳ kỷ niệm ngày Cinco de Mayo - fifth of May - ngày mồng 5 tháng 5. Vào ngày 5/5/1862 quân đội Mễ Tây Cơ vói một quân-số ít ỏi đã đánh bại quân đội Pháp với lực lượng đông hơn gấp bội trong trận chiến Battle of Puebla. Người Mể tại Hoa Kỳ cứ đến ngày này là tổ chức ăn mừng niềm kiêu hãnh về nguồn gốc Mễ của họ. Ngày này được xem như một ngày lễ tại Hoa Kỳ. Nhiều nơi còn treo cả cờ quạt của Mễ Tây Cơ. Trên thực tế, mồng 5 tháng 5 không phải là ngày Lễ Độc Lập của Mexico. Chính vì thế Mễ Tây Cơ không có tổ chức kỷ niêm hay ăn mừng ngày này. Cái sự tréo cẳng ngỗng nằm ở chỗ này mà nhiều người đều nhận thấy.

Ngày hôm qua trong chương-trình truyền thanh trên làn sóng AM của Tiến sĩ Laura, một người thường hay giúp đỡ các thính giả Hoa Kỳ giải-quyết các căn bệnh tâm-lý, bà ấy có đề cập đến một sự việc vừa xảy ra tại một trường trung học Hoa Kỳ. Vào ngày mồng 5 tháng 5 vừa qua, có ba học sinh đội mũ mà trên đó có hình cờ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã bị thầy giáo nhà trường chận lại vì vi-phạm nguyên-tắc đeo cờ. Cả thầy giáo và hiệu trưởng đều đồng ý trừng-phạt các em này về tôi đeo cờ Mỹ, chứ không phải cờ Mễ, vào ngày mồng 5 tháng 5. Họ lý luận rằng đây là ngày lễ liên-quan đến Mễ cho nên đeo cờ Mỹ là trái nguyên-tắc và vì thế các em phải bị phạt. Nội vụ được chuyển lên Khu Học Chánh. Kết-quả, chính thầy giáo và hiệu trưởng mới là những người bị xem là sái nguyên-tắc. Đốc tờ Laura đem sự việc này ra kể cho thính giả nghe và đồng thời có lời bàn là, đây là Hoa Kỳ, một quốc gia có chủ-quyền, chứ đây không phải là chi nhánh của Mễ Tây Cơ. Rằng không ai mời quí vị tới nước này cho nên một khi quí vị đã vào đây thì quí vị phải tôn trọng xứ này và luật lệ của xứ này. Rằng nếu quí vị thích nước hàng xóm, không ai cấm quí vị về bên đó mà sống. Thừa thắng xông lên, đốc tờ Laura đề cập đến bộ luật di trú mà tiểu bang Arizona vừa thông qua và được bà Thống Đốc ký ban hành và nói rằng chẳng có gì sai quấy hết khi nhân viên công lực xét hỏi căn cước củ những kẻ tình nghi phạm tôi. Dân chúng Arizona đã ủng hộ luật này ở một tỉ lệ khá cao, 70 phần trăm. Luật qui định cư trú bất hợp pháp tại tiểu bang này là một tội hình và cho phép cảnh sát được quyền xét giấy bất cứ người nào mà họ thấy tình nghi là có hoạt động phi pháp.

Trong tuần lễ vừa qua, dân chúng mà đa-số thuộc gốc Hispanic đã biểu tình rầm rộ tại các thành-phố lớn như New York, Chicago và Los Angeles phản đối luật di trú của Arizona đồng thời đòi hỏi chính phủ liên bang phải có một chính-sách cải tổ di dân thích ứng.

Cách đây hai năm ông Obama lúc đó là ứng viên Tổng Thống Hoa Kỳ đã hứa với cử tri là ông sẻ cải tổ chính sách di dân, Lời hứa hẹn ấy bị trì hoãn không biết đến bao giờ mới thực hiện được. Nay vì tiểu bang Arizona đi bước trước và ông không đồng ý cách thức giải quyết vấn đề; theo ông đây là vấn đề thuộc thẩm-quyền liên bang chứ không phải tiểu bang, và ông đã từng nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri nói tiếng Tây Ban Nha cho nên ông Tổng Thống vừa quyết định là cài tổ di dân sẽ được thực-hiện trong năm nay sau cải tổ tài chánh đang ở trong giai-đoạn gần hoàn tất trên phương diện luật-lệ và chính-sách.

Đây là một vấn đề rất nan-giải. Hoa Kỳ hiện có trên 12 triệu cư dân bất hợp pháp mà phần lớn đến từ biên-giới phía nam nước Mỹ. Các Tổng Thống đời trước đã từng đưa ra chính sách ân xá đối với các cư dân bất hợp pháp nếu họ hội đủ các điều kiện đặt ra trong đó quan trọng nhất là thời gian tối thiểu cư ngụ liên tục tại nước này với giấy tờ chứng minh. Theo thời gian, đâu lại vào đấy. Số di dân nhập nội Hoa Kỳ không ngừng hẳn mà vẫn tiếp tục gia tăng. Lý do là các nước láng giềng phương nam có một nền kinh tế khó khăn, công ăn việc làm khan hiếm, đời sống tiện nghi tối thiểu thiếu sót, một nền giáo dục thiếu thốn, tình trạng chính trị bất ổn và những di dân này cố gắng ở lại và kéo dài tình trạng cư ngụ tại Mỹ với hy vọng chính phủ sẽ đưa ra một cuộc ân xá kế tiếp để hợp thức hoá tình trạng di trú của họ.

Những người theo Đảng Cộng Hòa chỉ trích Đảng Dân Chủ là dễ dãi và nhu nhược không đủ cứng rắn giải quyết vấn đề. Một số công dân Hoa Kỳ có chung biên giới với Mễ Tây Cơ đã tự động tổ chức thành các nhóm nhỏ đi tuần hành dọc biên giới và sẵn sàng thông báo cho lính biên-phòng khi khám phá ra các cuộc vượt biên giới của các cá nhân hay các nhóm di dân này. Chính phủ Mỹ cũng đã có những cố gắng chung với Mexico để giải quyết cái vấn nạn này nhưng chưa đi đến đâu. Chính phủ Mễ thường có khuynh-hướng bênh vực dân Mễ. Ấy là vì mặc dù sống tại Hoa Kỳ nhưng dân gốc Mễ vẫn giữ quyên công dân đầy đũ và vẫn có thể đi bầu cho các ứng viên của các chức vụ dân cử bên nước ấy.

Dân chúng phía nam quá nghèo cho nên mới phải tìm cách vượt sa mạc đầy nguy hiểm và chấp nhận chi tiền cho các tay đầu nậu Mễ để họ giúp chở vào Mỹ. Có người rời xa gia đình để đi đến miền đất hứa cuối cùng biệt tăm tích vì đã bỏ mạng giữa đồng không cát nóng. Biện pháp mà chính phủ Hoa Kỳ đề ra xem ra cũng chẳng có gì mới lạ vì không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Áp dụng biện pháp ân xá cho một số người đã cư ngụ lâu năm tại đây.

Thiết lập hàng rào điện tử dọc biên-giới Mễ Tây Cơ để chặn đứng di dân.

Phạt tù các tên đầu nậu chuyên chở người nước ngoài nhập lậu Hoa Kỳ.

Áp dụng hình phạt nặng đối với các chủ hãng xưởng mướn người cư ngụ bất hợp pháp.

Sở Di Trú thỉnh thoảng mở các cuộc tảo thanh hãng xưởng bất ngờ để lùng bắt cư dân không hợp lệ.

Những người vi phạm luật lệ được đưa vào các nhà tập trung để bị tống-xuất về nguyên quán miễn phí qua đường hàng không. Thành-phần có án tích sẽ phải thọ án trước rồi sẽ bị trục xuất sau. Các tiểu bang la làng về cái vụ này là vì họ đã quá tốn kém trong việc duy trì hệ thống nhà tù gìam giữ các phạm nhân loại này. Ngoài ra, các tiểu bang có đông cư dân bất hợp pháp cư ngụ hàng năm đã phải tốn kém bạc triệu để giải quyết vấn đề xã hội và sức khỏe của những người này khi họ cần đến các dịch vụ xã hội và y tế khẩn cấp mà chính phủ địa phương phải đài thọ. Có những người vượt biên với mục đích sanh đẻ tại đây. Me thì bất hợp pháp nhưng con cái lại là công dân Hoa Kỳ. Nhà thương công và nhà thương tư cứ vì thế mà hao hụt ngân khoản mà đành bó tay vì không được quyền từ chối bệnh nhân trong trường hợp emergency kể cà sinh đẻ. Bế tắc vẫn hoàn bế tắc.

Arizona mặc dù có số cư dân không hợp lệ thấp hơn nhiều so với Texas và California nhưng ví tức nước vỡ bờ và dám làm cho nên đã thông qua luật SB 1070 bất chấp sự phản đối của liên bang và các tiểu bang khác. Từ đây đi đứng ngoài đương trông có vẻ khả nghi phạm pháp người dân có thể bị cảnh sát chận lại và hỏi căn cước. Nếu là người cư trú bất hợp pháp thật sự, họ có thể vừa bị tù mà lại còn bị phạt tiền nữa. Dù rằng ngày áp dụng luật di trú chưa tới nhưng xem ra kết quả lại được thấy rõ.

Tại Arizona năm nay dân chúng gốc Mễ không còn tham dự rầm rộ ngày mùng 5 tháng 5 nữa. Tình trạng được mô tả là vắng hoe là vì người ta sợ bị bắt. Những cư dân bất hợp pháp đang tính toán rời khỏi tiểu bang này. Người khác không còn thấy những các xe pick up lai vãng ở những góc phố có các thanh niên gốc La Tinh tụ tập đễ được mướn làm việc nữa. Những việc mà các người này nhận làm bao gồm xây dựng nhà cửa, trồng cây cắt cỏ và việc nhà. Arizona nổi tiếng gắt gao với người bất hợp pháp. Trước khi có luật di trú mới, trong vòng hai năm nay đã có cả trăm ngàn người thuộc thành phần này rời bỏ tiểu bang. Người ta cho rằng tình trạng này sẽ thuận lợi cho công ăn việc làm của cư dân hợp pháp. Con số cư dân bất hợp pháp trong tiểu bang đã giảm xuống còn khoảng 460.000. Những người đi ra khỏi tiểu bang nhắm về hướng New Mexico. Ít nhất, với tình hình không sáng sủa hiện nay, nhưng người nước ngoài đang có ý định nhập lậu Hoa Kỳ sẽ phải suy nghĩ kỹ và dè dặt nhiều hơn.

Mới ngày hôm qua tại Los Angeles đã có một nhóm nhỏ khoảng chục người kéo nhau đến trại giam người cư trú bất hợp pháp để biểu tình phản đối luật di trú Arizona và sự thi hành các luật di trú từ cấp liên bang, tiểu bang trở xuống, và kêu gọi ân xá cho tất cả các cư dân bất hợp pháp. Đây là nhà giam liên bang giữa trung tâm Los Angeles. Các người này cố tình ngăn chận lưu thông và kết quả có 14 người đã bị cảnh sát bắt giữ. Họ bị khép vào tôi kháng cự, cản trở và trì hoãn điều tra của nhân viên công lực. Họ bảo là trung tâm giam giữ này tượng trưng cho một nhà tù và tập trung quá nhiều di dân và chia rẽ các gia đình. Họ nói rằng nhà giam này cần chấm dứt hoạt động kể cả luật di trú Arizona, các trại giam, các vụ trục xuất và các thủ tục hình sự đối với cộng đồng của họ.

Sau khi Arizona ra luật SB 1070 báo Daily Breeze có làm một cuột thăm dò dư luận hai ngàn người với câu hỏi:"Quí vị có nghĩ là dân chúng Cali nên tẩy chay Arizona và thương mại cũa họ vì cái luật di trú mới này hay không?"

81 phần trăm không đồng ý và 19 phần trăm đồng ý với các ý kiến tiêu biểu như sau:

-Các chính trị gia đồng ý tẩy chay và dễ dãi với cư dân bất hợp pháp có lẽ nên hỏi lại chính họ về lòng ái quốc, và trung thành với nước Mỹ. Tôi không chống di dân hợp pháp giống như phần đông dân Mỹ. Chúng tôi chỉ không muốn những người không thượng tôn pháp luật vào đây mà thôi.

-Không nên tẩy chay, Arizona cần thực phẩm của Cali. Nếu những người vượt biên muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn thì không phải ông Tổng Thống Mễ mới là người cần nghe họ và cung cấp điều họ cần trong nước họ?

-Bất cứ chính trị gia nào thông qua luật hay khuyến khích tẩy chay là phạm tội xúi dục nổi loạn chiếu điềi số 1 của tu chính Án số 14.

-Không những gia đình tôi sẽ viếng thăm Arizona kỳ tới mà chúng tôi còn tiếp tục dài dài. Cảnh sát thi hành luật xem ra hợp lý. Có lẽ chúng ta nên tẩy chay San Francisco và Los Angeles thì đúng hơn.

-Đã đến lúc Cali nên lo chuyện của mình hơn là chõ vào chuyện của người khác. Theo Hiến Pháp, Arizona đang làm cái việc mà liên bang và Cali nên làm.

-Cứ việc tẩy chay. Đối lại chúng ta sẽ làm giống như thế đối với các cơ sở làm ăn nào ủng hộ di dân bất hợp pháp, chẳng thể là kỳ thị khi đòi hỏi rằng tiền thuế được chuyển về cho những công dân hợp pháp trước tiên.

-Ngày lễ 4 tháng 7 gia dinh chúng tôi thay đổi chương-trình, sẽ qua Arizona để ủng hộ bằng chi tiêu du lịch. Hy vọng các người khác cũng làm giống như thế.

-Tôi vừa hủy bỏ chương trình thăm viếng San Francisco vào mùa hè này, kể cả Los Angeles nữa. Có vẽ như tôi sẽ viếng Đại Vực lần đầu tiên vào mùa hè năm nay.

-Dựa theo kết quả thăm dò, trên 80 phần trăm không ủng hộ tẩy chay. Hy vọng các nhà lãnh đạo theo dõi và chú ý đến ý nguyện của dân chúng. Dù sao, tôi ngờ là họ không theo dõi.

-Arizona cần phải nhắc cho Los Angeles biết là họ đang xuất cảng phần lớn điện nước của Cali vì thế cho nên chúng ta cũng nên lịch sự quên béng cái chuyện tẩy chay cho rồi.

Trong các ngày vừa qua, các lãnh đạo chính trị của San Francisco và Los Angeles đã kêu gọi tẩy chay Arizona. Nếu điều này được thực hiện chưa biết ai sẽ chết trước, Arizona hay Cali hay dám các các nhà lãnh đạo của Cali từ tiểu bang xuống đến thành phố sẽ đi đứt trước tiên vì cái sự phẫn nộ của cử tri đối với các sự bất lực của họ, cái sự mị dân và đạo đức giả của họ vậy?

Ai dám bảo nghèo không phải là một cái tội. Vì nghèo cho nên mới phải tha hương kiếm sống. Tổng Thống nước mình không lo cho mình bây giờ vì tình hình kinh-tế khó khăn, Tổng Thống và dân chúng hàng xóm phải nai lưng ra gồng gánh cái quả tạ, lâu ngày nặng chĩu phát cáu, cho nên chỉ một lời nói, một cử, một hành động thiếu tinh tế kiểu như màn biểu diễn sáng nay tại quán McDonald's giữa hai màu da, chủng tộc khác nhau là người ta đi đến cãi nhau, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay dễ như không, và thế giới sẽ tiến tới chiến tranh nguyên-tử mấy hồi. Lúc đó cả hoàn cầu chẳng còn mâu thuẫn khác biệt gì hết, vì tất cả đều chỉ còn là các hạt tro bụi giống nhau mà thôi.

Nguyễn Văn Huy

http://en.wikipedia.org/wiki/Illegal_immigration_to_the_United_States
http://en.wikipedia.org/wiki/Cinco_de_Mayo
http://www.dailybreeze.com/ci_15033723