Friday, May 28, 2010

LS.Nguyễn Hữu Thống


Hồ Chí Minh,
Kẻ gây thảm họa .

Trong bài "Bắt Trẻ Đồng Xanh" phổ biến hồi tháng 10/1968 khi Hội Nghị Hòa Bình Paris được triệu tập, Võ Phiến đã vạch trần kế hoạch thôn tính Miền Nam của Hồ Chí Minh từ 1954
.


1954: chuẩn bị chiến tranh.

"Cuộc bắn giết sắp tới giữa miền Nam và miền Bắc đã được Cộng Sản xếp đặt từ lúc này, cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7/1954 nghĩa là trước ngày đình chiến theo Hiệp Định Genève.

Khi họ nhận thấy không thể thôn tính cả nước Việt Nam một lần, thì họ đã đặt ngay vấn đề: còn lại nửa nước kia, phải giải quyết ra sao? Và họ đặt kế hoạch "giải quyết", cùng lúc với kế hoạch điều đình. Nghĩa là vào năm 1954.

Thật vậy, hiệp định đình chiến vừa ký kết (Hiệp Định Genève 1954) thì những điều khoản ngưng chiến được thi hành đồng thời với những điều chuẩn bị chiến tranh.

Lúc ấy chính quyền quốc gia lo tổ chức cuộc di cư cho đồng bào miền Bắc.Cũng lúc ấy, cộng sản lo liệu công việc của họ có lớp lang:

- Vũ khí, họ chôn giấu lại một số ở miền Nam;
- Cán bộ và binh sĩ, họ chọn lựa một số cho ở lại: có hạng được bố trí để len lỏi nằm vùng tại các cơ quan quốc gia, có hạng lộ hình tích cho đổi vùng hoạt động.
- Địa chủ, phú nông, bị ngược đãi tù tội, đều được tha thứ, dỗ dành để xoá bỏ hận thù. Những thành phần không dỗ dành được thì họ thủ tiêu.
- Tập kết theo nguyên tắc: đưa ra Bắc hạng trai trẻ có năng lực, uy tín và khả năng, gây phân ly chia cách để mọi gia đình đều có người đi kẻ ở.

Gấp rút tạo liên hệ giữa thành phần thanh niên tập kết ra Bắc và dân chúng miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới tập thể cấp tốc khiến hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt Cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.

Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha mẹ già cùng cô cậu chú bác v...v... là một lực lượng đáng kể để chuẩn bị chiến tranh.

Ngay từ đầu, tình cảm của những người này hướng về Bắc, theo bóng kẻ thân yêu. Do đó, họ thành một khối người dần dần sống cách biệt, nếu không là đối lập với chính quyền Miền Nam. Rồi một ngày kia, chuyện được tính trước đã xảy ra: gia đình có đứa con hay người chồng ra Bắc năm 1954, hai năm sau, một đêm nào đó, có kẻ lạ mặt lẻn vào nhà, lén lút trao một lá thư và một tấm hình mới nhất của con hay chồng từ Bắc mang vào.

Gia đình nọ làm sao tố giác kẻ lạ mặt? Đã không tố giác, tất phải che dấu, nuôi dưỡng. Từ việc này đến việc khác, gia đình nọ dần dần đi sâu vào sự cộng tác với tổ chức bí mật của đối phương, chịu mệnh lệnh của họ, rốt cuộc gia nhập vào hàng ngũ của họ.

Gây được cơ sở quần chúng, bấy giờ các lực luợng vũ trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngòai Bắc kéo vào. Sau đó mới có cái Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời.

Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Saigon từ chối tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết. Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới tập thể do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959 mà là những cô gái tức khắc biến thành goá bụa từ 1954.

1968:Bắt Trẻ Đồng Xanh.

Năm 1968 trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc, đảng CS đã khổ công gom góp thiếu nhi miền Nam đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc, trong những điều kiện di chuyển nguy hiểm đến nỗi cả các binh sĩ khỏe mạnh của họ cũng phải hao mòn suy kiệt dọc đường.

Họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum đến Mỹ Tho, Cà Mâu. Người ta gặp những tóan trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Căm Bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. Như vậy, không phải để bổ sung quân số mà là tổ chức cuộc chiến mai sau.

Điều đình để nghỉ ngơi, đối với Mỹ và chúng ta là thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Điều đình đối với cộng sản là bỏ cuộc nửa chừng, là đành không ăn được keo này. Thua keo này họ bày liền keo khác ngay, vì ngưng chiến theo họ, là một sự dở dang, là chưa hòan tất công việc.

Ý tưởng về ngưng chiến của chúng ta dính liền với mơ ước xây dựng, trao đổi kinh tế, trao đổi văn hóa... Ý tưởng về ngưng chiến của cộng sản dính liền với một cuộc tấn công quân sự. Và những nạn nhân đầu tiên của trận chiến tương lai là những đứa bé con và bố mẹ chúng đã chịu đau thương từ những tháng qua. Chiến tranh tương lai đã chọn nạn nhân của nó trong đám trẻ thơ, đàn bà miền Nam để biến họ thành con côi vợ goá.

Nếu vạn nhất trong thời gian năm bảy năm sắp tới mà đất nước này thóat khỏi một trận chiến nữa thì đó là ý trời, không phải là ý của họ đâu.

Ý của họ nó tàn nhẫn đến nỗi chúng ta không dự liệu tới, không tưởng tượng được.

Năm 1954, sau chín năm ê chề mòn mỏi vì chiến tranh, thấy hòa bình ai nấy nhẹ nhõm; nếu có kẻ nào lúc đó mà xếp đặt một cuộc tàn sát nữa, kẻ ấy tất gan đồng dạ sắt. Thì Hồ Chí Minh đã xếp đặt cuộc tàn sát ngay vào thời kỳ ấy.

Năm 1968, sau hăm ba năm chiến tranh thảm khốc, nghe nói hòa bình mọi người mừng rơn. Nghĩ tới hàng triệu người đã bỏ thây trong thời gian qua, ai cũng tưởng làm người Việt Nam mà có kẻ dám để ý nghĩ mon men đến chiến tranh nữa, thì kẻ ấy mặt dầy mày dạn, tán tận lương tâm. Thì Hồ Chí Minh chính đang xếp đặt thêm một cuộc chiến.

Vậy mà ông ta vẫn an nhiên hưởng sự trọng vọng của bao nhiêu người, kể cả người Việt Nam. Cho hay cái sản phẩm quái dị của thế kỷ này là tuyên truyền chính trị. Nó có một ma lực mê hoặc phi thường. Nó là một thứ tuyên truyền một chiều, qui mô toàn diện, sử dụng các nguồn lợi kinh tế như tại Nga Xô, Trung Cộng, Bắc Việt, Đức Quốc Xã v.v...

Và Hồ Chí Minh không phải chỉ được thứ tuyên truyền ấy xóa cho mình cái chân tướng hiếu sát phi nhân. Ông ta còn hóa thành thiên tài lỗi lạc dưới mắt nhiều người vì đã tổ chức giặc giã trong một phần tư thế kỷ để giành nửa nước.

Trong khi tại khắp các nước Á Phi, những lãnh tụ bất tài nhất cũng dần dần thu hồi được độc lập vẹn toàn cho quốc gia họ với những tổn thất nhẹ hơn nhiều. Ông ta còn hoá thành chính trị gia khôn ngoan, thành "cha già dân tộc"ở dưới mắt nhiều người. Trong khi ở các xứ khác cũng lâm vào tình trạng lưỡng phân, không có chính quyền nào nỡ giải quyết tình trạng một cách bất nhân đến thế, trải bao nhiêu năm cứ nhất mực khăng khăng chủ trương hết cuộc tàn sát này đến tàn sát nọ, không một mảy may sờn lòng xúc cảm trước cảnh chết chóc thê thảm.

Người như thế, không biết lòng dạ ra sao, tim óc ra sao. Bảo rằng cùng trong một người, vừa chứa đầy những kế hoạch xua đồng bào mình vào chiến tranh liên tiếp vừa có chỗ cho tình yêu thương đồng bào, thật không thể hiểu thấu.

Những lời trên đây không được nhã nhặn. Quả thật không nhã nhặn. Và kẻ viết ra phải lấy làm ngượng về lời lẽ mình. Nhưng khi mình là dân một nước đã trải qua bao nhiêu năm khói lửa, rồi lại trông thấy trước mắt một viễn tượng đầy máu me, khi ấy nói về kẻ gây thảm họa thật khó giữ lòng bình thản để nói lời tao nhã.

Có thể nào không giận? Ông ta bảo phải đeo đuổi cuộc tàn sát nọ là vì nguyện vọng dân tộc? Trời, dân tộc này ai cũng xưng biết rõ vanh vách nguyện vọng, ai cũng đòi hành động nhân danh nguyện vọng người dân; có điều mỗi người nêu lên một nguyện vọng khác nhau, hòan toàn khác nhau, lắm khi mâu thuẫn nhau. Đâu là nguyện vọng đích thực, để hồi sau phân giải. Cái chắc chắn là dân tộc này không hề nằng nặc thiết tha với cộng sản đến nỗi chịu chết năm ba thế hệ liên tiếp để rước kỳ được chế độ ấy về. Và ông ta chừng ấy tuổi rồi (78 tuổi), tai nghe mắt thấy đã nhiều, từng trải việc đời đã nhiều, ông ta đâu còn ngây thơ mà quáng mắt vì những danh từ khóac lác, những hứa hẹn hão huyền xa xôi của một chủ thuyết. Ông ta hẳn thừa rõ những gì đê tiện xấu xa xẩy ra phía sau các khẩu hiệu tuyên truyền, thừa rõ sống ở Đông Đức đâu bằng ở Thụy Điển, Hòa Lan, thừa rõ con đường từ Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni tiến đến dân chủ và hạnh phúc, phải xa hơn con đường từ Thụy Sĩ, Phần Lan.

Mà dù cho ông ta không nghĩ như thế, cho rằng Tiệp Khắc sung sướng và tự do hơn Thụy Điển đi chăng nữa, thì sự hơn thua chút ít cũng không đến nỗi bắt phải đổi lấy bằng ba bốn cuộc chiến tranh trong đôi ba mươi năm liền. Đáng lẽ ông ta để cho dân tộc nhỏ bé đã chịu quá nhiều đọa đầy vì ngoại thuộc này được yên thân để làm ăn, để sống cho ra sống trong ít lâu.

Đã không vì nguyện vọng, quyền lợi dân tộc, ông ta hành động vì lẽ đảng ông ta nhất định phải thắng các đảng khác. Chừng ấy tuổi tác rồi, lẽ nào vì tranh hơn thua, mà ông mạnh tay sát hại đồng bào không xót thương đến thế? Người ta có thể vì tức khí, nóng giận mà tàn nhẫn, vung tay quá đà. Đó là chuyện nhất thời. Còn ông, hăm ba năm rồi, ông dai dẳng quá.

Vì cuồng tín chăng? Vì tự ái chăng? Vì cái gì ông ta cũng đáng trách, đáng giận quá.

Nhưng trong vấn đề này, trách móc với giận hờn đâu có ăn thua gì. Ăn thua chỉ có chíên lược thâm hiểm, hành động thích hợp. Mà hành động thì...

Thì rồi chắc chắn ở phía bên này thoạt tiên ai nấy sẽ nhẩy lên mừng hòa bình. Lâu lâu sẽ có người sáng suốt nhắc khẽ đến chiến tranh chính trị. Trong lúc ấy Bắc Việt lặng lẽ điều khiển cán bộ của họ ở trong này âm thầm nhen nhóm cơ sở. Rồi đôi ba năm sau, một ngày nào đó xét thấy thuận tiện, họ cho lệnh bùng nổ. Thế là chiến tranh tái diễn.

Chiến tranh tái diễn: mọi người trên thế giới đang sống an lành bổng bị quấy rầy, bị ảnh hưởng, có một số bị lôi cuốn vào chiến cuộc, lấy làm lo ngại, bực mình, nghiêm khắc trách vấn: "Loạn lạc này đích thị do độc tài, tham nhũng, bất công, kỳ thị tôn giáo v...v.... khiến dân chúng bất mãn nổi lên chống chế độ."

Chiến tranh ác liệt thêm: lương tâm nhân loại bị xúc phạm, các nhà triết học, các luật gia... trịnh trọng suy tư, bàn cãi, rồi lên án... Trong khi ấy các lãnh tụ Hà Nội chỉ cần khéo che miệng nín cười. Đó là điều quan trọng. Họ không được phép cười. Họ không được phép chế giễu lương tâm và trí thông minh của loài người. Họ không được vô lễ; họ chỉ được tiếp tục đánh thật mạnh.

Cứ thế cho đến khi chúng ta chịu không nổi những đòn đánh từ bên ngoài và những dằn xóc từ bên trong, chúng ta bỏ cuộc và cộng sản tiến đến Cà Mâu..." VÕ PHIẾN (1968)

LS.Nguyễn Hữu Thống

Trích trong sách “Giải thể chế độ Cọng sản”
Luật sư Nguyễn Hữu Thống
Xem thêm nguyenhuuthongblog