Tuesday, December 22, 2009

Thanh Nam


Thanh Nam,
Người trọn đời sống chết với văn chương chữ nghĩa!

Khoảng năm 1966, tôi đang cộng tác với nhật báo Dân Đen của ông Nguyễn Duy Hinh có tòa soạn tại đường Lê Lai, Sàigòn thì tờ báo này bị đóng cửa. Thất nghiệp khoảng một tháng tôi được anh Trần Văn Sơn rủ đi làm nhật báo Miền Tây của nhà văn An Khê Nguyễn Bính Thinh. Tòa soạn báo này đặt ở trên đường Thủ Khoa Huân, Cần Thơ. Báo do nhà văn An Khê đứng tên chủ nhiệm nhưng hình như vốn do ông Nguyễn Trung Thành là chủ nhiệm nhật báo Tia Sáng lúc bấy giờ. (Hình phải:Nhà văn Thanh Nam)

Anh Trần Văn Sơn, bút hiệu Tyca, đưa tôi đến gặp anh Trương Hồng Sơn là Giám đốc của nhật báo Tia Sáng. Anh Trương Hồng Sơn không có viết lách gì nhưng lại là người tổ chức ban biên tập của nhiều tờ báo tại Sàigòn lúc bấy giờ.

Chính tại tòa soạn báo Tia Sáng ở đường Phát Diệm, tôi đã gặp và quen biết với nhà văn Thanh Nam. Qua giới thiệu của anh Ngô Tỵ, Tổng thư ký tòa soạn báo Tia Sáng, Thanh Nam cười cười, nói với tôi:
-Qua quán kiếm bia uống.
Trước khi đi, Thanh Nam còn ngoái lại hỏi Ngô Tỵ:
-Chốc ông có qua không?
Ngô Tỵ đang cắm cúi làm tin, nói không nhìn lên:
-Làm tin xong tôi qua, nhưng không chắc. Bữa nay có bạn mới, ông đâu có sợ… độc ẩm.

Ở cái quán cà phê kế tòa soạn, anh Thanh Nam và tôi ngồi ở cái bàn trong góc quán. Quán lèo tèo với ba, bốn cái bàn gỗ. Một thùng gỗ có bọc nhôm trên mặt chất đầy nước ngọt, si-rô, ở một phía có đặt chiếc hỏa lò bằng đất, bên trên là ấm nước bằng nhôm, bên trên có chiếc ấm nhôm khác với chiếc vợt lọc cà phê đặt trên miệng ấm đang bốc khói.

Cô chủ quán người Hoa với chiếc trán vồ bướng bỉnh giống như cô đào chiếu bóng Trịnh Phối Phối lúc bấy giờ rất nổi tiếng với phim kiếm hiệp Thần Kiếm Kim Yến Tử đóng chung với tài tử Vương Vũ.

Không nói không rằng, cô ta khệ nệ khiêng một “kết” bia sơn màu vàng có hình con cọp sơn đỏ: một “kết” mười hai chai bia “33” để dưới gầm bàn. Kế, trở về cái thùng nhôm, chặt đá để vào hai cái ly cối và mang lại bàn chúng tôi. Vẫn không nói không rằng. Lại trở lại thùng gỗ bọc nhôm và trở lại bàn chúng tôi với chiếc dĩa bên trên có đựng mấy bịch ny lông me khô ngào đường. Cúi xuống lấy hai chai bia, khui nắp và để trên bàn. Anh Thanh Nam rót bia ra ly, khuấy khuấy cục đá chạm vào thành ly nghe lanh canh, nâng ly bia lên:

-Uống đi, cậu.

Đó, như vậy là buổi đầu chúng tôi quen nhau. Anh Thanh Nam nói rất ít. Hình như hôm đó tới chai bia thứ hai thì tôi bắt đầu đọc bài thơ “Thu tưởng nhớ” của anh.

Mùa Thu đây rồi sao
Với mây bay lành lạnh
Cho giấc tròn chiêm bao
Ngẩn ngơ từng dư ảnh.

Thương những chiều Thu xưa
Hồn trong những nắng ngọc
Yêu người và làm thơ
Mộng dài theo song tóc.

Thương những lần gặp nhau
Thẹn bừng lên đôi má
Mừng yêu nhìn rất lâu
Vào mắt em biển cả.

Thương những buổi giận hờn
Hai tay ôm mặt khóc
Người yêu chiều chuộng hơn
Vì thua đôi hạt ngọc.

Hôm nay Thu rồi sao?
Có chi làm xao xuyến
Chuyện ngày xưa ngọt ngào
Chỉ mình tôi tưởng niệm.
(Ghi lại theo trí nhớ).

Anh có vẻ thích thú, gật gù:

-Cậu thuộc cả bài thơ ấy à?

Anh nói với tôi về những ngày còn nhỏ sống ở miền Bắc lúc anh sinh hoạt trong đội thiếu niên tiền phong, thời anh còn đội mũ chào mào. Anh cắt nghĩa cho tôi nghe mũ chào mào ở trong Nam gọi là mũ ca-lô. Tôi cũng nhớ là mình có một chiếc mũ ca-lô màu vàng để đội trong những ngày lễ lạc, đứng trước các quan khách hồi thời tiểu học.

Thanh Nam là một “nhà văn miền Bắc đề tựa tập thơ cho một nhà thơ miền Nam” - hình như trong tập thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà anh đã viết như thế.

Một hôm nào đó, tôi và anh ghé vào một sạp bán thuốc lá mua thuốc. Một đứa bé đánh giày xách cái thùng gỗ, chạy theo hỏi:

-Chú, chú, sau này thằng Lập nó có lấy con Lài không chú?

Hình như thằng Lập, con Lài là những nhân vật trong phơi-ơ-tông “Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ” mà lúc bấy giờ anh đang viết trên báo Tia Sáng thì phải. Tôi không nhớ câu trả lời của anh về tương lai của nhân vật cho độc giả của mình là thằng bé đánh giày.

Tôi còn nhớ là sau đó, ở cái quán cà phê ở góc đường Phát Diệm - Trần Hưng Đạo, anh đã nói với vẻ thích thú về những đứa bé đánh giày đón đường hỏi anh về tương lai của các nhân vật trong cái truyện dài đang viết.

Hình như thời gian đó Thanh Nam và Mai Thảo là hai nhà văn trong số những nhà văn có nhiều phơi-ơ-tông đăng trên nhật báo nhất. Và hình như cả hai đều là những nhà văn sống bằng ngòi bút của mình, không giống như một số nhà văn khác nghề cầm bút chỉ là nghề tay trái. Cũng có người nói với tôi là hai nhà văn này không biết đi xe đạp hoặc xe gắn máy mà chỉ có ngồi xe xích lô! Không biết có đúng vậy không?

Trong thời gian tôi cộng tác với nhật báo Miền Tây, lúc đó Thanh Nam viết phơi-ơ-tông “Chuyện Một Người Con Gái Ở Sàigòn”. Anh viết bài trên mặt sau của bản tin Việt Tấn Xã. Chữ viết của anh đẹp và đều. Chính ở căn gác ở tòa soạn báo Tia Sáng, tác giả Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ đã cho những nhân vật của mình: những thằng Lập, con Lài… ra đời. Những nhân vật bình thường của đời sống bình thường trong một xứ sở mà chiến tranh kéo dài dai dẳng cũng đã trở nên bình thường, quen măt.

Cuối năm 1967, vì một lý do riêng, tôi không còn cộng tác với nhật báo Miền Tây. Năm sau, nhận được lệnh nhập ngũ khoá 26 trường Võ Bị Thủ Đức. Thế là tôi từ giã cái nghề ký giả là cái nghề mà hình như lúc còn sống nhà văn Chu Tử gọi là cái nghề “raté” nhất – hình như ở đâu đó nhà văn Chu Tử đã viết là những người làm nghề này tại vì không biết làm cái nghề nào khác (?!), theo học nghề sử dụng súng, dao, giết người để khỏi bị người khác giết. Dù gì thì trong cuộc nội chiến, ngoại khiển tôi cũng đã làm tròn cái bổn phận mà người ta vẫn gọi một cách văn chương, hoa mỹ là “bảo vệ những vườn khoai, nương sắn, những tiếng hát trên nương chiều, những bông hoa ngọc lan thơm ngát phơi mình dưới sương khuya”.

Trong thời gian ở quân đội, ngoài những nhức đầu với những trang tài liệu tịch thu của Việt Cộng có đôi khi dính máu của những cán binh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những cung từ tù, hàng binh; những tài liệu không ảnh, tôi, thỉnh thoảng cũng có viết phóng sự, hoặc phụ trách một trang báo tuổi nhỏ, viết phơi-ơ-tông trên một nhật báo để kiếm thêm tiền bù đắp vào tiền lương lính còm cõi.
Thỉnh thoảng tôi cũng có gặp lại và nhậu la-de với anh Thanh Nam. Cũng ở cái quán kế tòa soạn báo Tia Sáng. Vẫn cô chủ quán người Hoa mà tôi đặt tên Tiểu Muội. Mỗi lần nhậu cũng chỉ với me khô ngào đường đựng trong bịch ny-lông hoặc với trái sê-ri màu xanh đỏ chua chua, ngọt ngọt. Và nếu lần nào tôi không có tiền thì anh Thanh Nam lại ký sổ ghi nợ bằng tiếng Tàu.

Sau đó, vì những sôi động của chiến cuộc, tôi rất ít gặp lại anh. Cho đến khi đọc một tờ báo văn nghệ nào đó loan tin là anh đã cử hành hôn lễ với nhà văn Túy Hồng. Hình như là đám cưới được tổ chức tại nhà hàng Mỹ Cảnh. Và hình như bản tin cũng có viết thêm là tiền bạc để tổ chức đám cưới do bạn bè đóng góp.

Cho đến ngày Cộng quân tấn chiếm miền Nam, cũng như số phận hàng trăm ngàn quân nhân miền Nam phục vụ dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ, tôi phải vào tù. Từ đó không gặp lại và cũng không biết tin tức về anh.

Sau khi ra khỏi nhà tù thứ tám, để biết địa ngục là cảnh đời có thật chứ không phải chỉ là những tranh vẽ treo ở chùa chiền, tôi làm nghề đong rượu và bán… nước trà đá ở một quán nhậu do người bạn của vợ tôi hợp đồng với công ty ăn uống của Tỉnh. Nhiệm vụ của tôi là đong rượu thuốc ngâm trong một cái khạp da bò ra chai một xị, hai xị và bưng trà đá cho khách. Quán nhậu chuyên môn bán gỏi gà, lòng heo phá lấu. Thỉnh thoảng tới mùa chim cũng có bán chim óc cao, chim mỏ nhác rô ti. Bà chủ là người bán cháo gà nổi tiếng trước năm 1975. Cơ ngơi, nhà cửa hiện còn là do một tay bà bán cháo gà.

Không hiểu do bà có tay buôn bán hay cái nghệ thuật luộc gà, chặt gà, trộn gỏi như thế nào đó mà quán của bà rất là đông khách.

Nếu không có chuyến vượt biển chắc là tôi cũng bị bắt trở lại nhà tù, hoặc bị chết bởi ba cái rượu bọt mía. Số là quán nhậu bình dân, mở cửa từ 4 giờ chiều, tới đâu khoảng 8, 9 giờ tối là đã bán hết vì khách bình dân ăn nhậu rất đông. Và trong cái đám khách bình dân ăn nhậu đó: những cựu trung úy đạp xe lôi, cựu đại úy đạp xe đạp ôm, cựu thiếu tá đạp xe ba gác, vá xe đạp, chạy mánh… toàn là bạn bè quen biết với anh chàng bán nước trà đá và đong rượu là tôi. Tôi chỉ yên tâm bán nước trà đá có tuần lễ đầu. Tuần lễ thứ hai, quán vừa mở cửa, tôi đang ở sau quán đong rượu ra những chai một xị, hai xị thì cô thư ký của công ty ăn uống bước vào, cười cười đưa cho tấm giấy, đọc thấy hàng chữ: “Đại ca, đàn em là Hai què chờ đại ca ở bàn số 4”. Bữa khác, đang loay hoay chặt nước đá ở phía sau quán, chợt giật mình khi nghe câu nói dễ ở tù: “Kính chào Đại tá!”, quay lại thấy người bạn đang đứng ở thế nghiêm đưa tay chào.

Chính trong thời gian này, tôi biết được tin tức về nhà văn Thanh Nam. Số là một hôm tôi giúp bà chủ quán bỏ chuối khô vào cái khạp ngâm rượu thuốc gồm có sâm qui, sâm đại hành, và mấy cái dây thần thông quỉ quái gì đó, tôi tình cờ đọc được bài viết có nói về nhà văn Thanh Nam trên tờ Tuổi Trẻ dùng để gói chuối khô. Tờ báo có bài viết về “đời sống văn nghệ sĩ ở nước ngoài”. Tôi nhớ trong bài viết này có đề cập tới hai người: người thứ nhất: Võ Phiến, và người thứ hai: Thanh Nam.
Tôi sững sờ khi đọc đến tin Thanh Nam không còn nữa!

Nhà văn đã giã từ những “Đêm Mưa Tỉnh Nhỏ”, đã chia xa với những “Buồn Ga Nhỏ” để đi về “Cánh Đồng Xanh Phía Dưới” của cõi ngàn thu tịch mịch.

Những bài thơ báo Tuổi Trẻ trích từ tập thơ “Đất Khách” của Thanh Nam. Những đoạn trích riêng rẽ, cố ý để chứng tỏ cái tâm trạng tuyệt vọng, chán chường của văn nghệ sĩ ở hải ngoại. Tôi xin chép lại một vài đoạn (theo trí nhớ) mà tờ Tuổi Trẻ đã trích:

“… Ta như giông bão tan rồi họp
Trôi nổi còn hơn sóng đại dương
Lận đận bên trời chung một lứa
Say càng chua xót, tỉnh càng thương…

… Tuyết đổ dầy thêm, đêm lạnh buốt
Người về phòng nhỏ bóng cô đơn
Mở chai bia lạnh thay cơm tối
Ngồi đọc thư nhà lệ chứa chan”.

Năm 1987, định cư ở Des Moines, thủ phủ tiểu bang Iowa, một tiểu bang miền Trung Tây Hoa Kỳ, qua nhật báo Người Việt do nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tổng thư ký của tờ báo này gửi, tôi có đọc những bài viết của nhà văn Túy Hồng viết về người chồng quá cố của mình.
Qua các bài viết này, tôi mới biết là qua Mỹ, nhà văn Thanh Nam vẫn tiếp tục làm báo Việt ngữ. Trong một bài tổng kết văn học của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc viết đại ý: “Võ Phiến, Thanh Nam và Lê Tất Điều là ba người có công nhất trong việc giữ lửa trong thời kỳ đầu cho nền văn chương Việt Nam ở hải ngoại”.

Năm ngoái, nhà văn Túy Hồng cũng đã viết bài “Anh Có Còn Yêu Em Không?” đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21. Bài viết vẫn là những kỷ niệm về người chồng quá cố. Mới đây, trên tạp chí Sóng ở Canada, nhà văn Túy Hồng lại cho nhân vật truyện của mình nhận xét về người chống quá cố, đại ý: Người suốt đời ăn chơi, nhậu nhẹt như Thanh Nam mà còn viết lời bản nhạc “Suy tôn Ngô Tnổg Thống” với nhạc sĩ Ngọc Bích, tức là người có tinh thần quốc gia…”
Hình như tác giả “Những Sợi Sắc Không”, “Tôi Nhìn Tôi Trên Vách” lúc nào cũng sống với những kỷ niệm về người chồng quá cố.

Thanh Nam là thư ký tòa soạn, là chủ bút các tạp chí Hiện Đại, Văn Học Nghệ Thuật… và là người phơi-ơ-tông thuộc loại nhiều nhất cho các nhật báo ở Sàigòn trước năm 1975. Sang Mỹ, anh lại tiếp tục làm thư ký tòa soạn tờ Đất Mới ở Seattle, tiểu bang Washington. Trước năm 1975, anh đã xuất bản tập truyện ngắn Buồn Ga Nhỏ và nhiều truyện dài đăng báo. Đã xuất bản tập thơ Đất Khách ở Hoa Kỳ và đang viết dở dang hồi ký Hai Mươi Năm Làm Báo (theo nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc).

Những truyện ngắn, truyện dài và thơ của Thanh Nam không xuất sắc, nổi bật đến độ gây tiếng vang ồn ào. Theo tôi, hình như cái đời sống của anh, anh đã là nhà văn, nhà thơ. Anh sống không tính toán với anh em. Có lần lãnh lương ở tòa soạn báo Tia Sáng, ra quán cô Tiểu Muội, tôi thấy anh đưa hết số tiền nhuận bút vừa lãnh hình như là 10 ngàn đồng để trả tiền bia. Đó là lần đầu tiên tôi nghe cô chủ quán mỉm cười và nói với cái giọng lơ lớ: “Thôi còn thiếu 10 đồng bớt cho ông nhà văn đó”. Lại cái chuyện cưới vợ bằng tiền của anh em nhà văn, nhà báo đóng góp vào cũng đã là văn nghệ ra phết!

Trong thời gian quen biết, nhậu nhẹt, tôi không thấy anh có cái kiêu ngạo, làm-dáng-ra-vẻ-nhà-văn. Văn chương, chữ nghĩa của anh cũng giản dị, bình thường như cuộc đời. Như thằng Lập - như những đứa bé đánh giày. Như con Lài - như những đàn bà, con gái đã phải cho-mượn-cuộc-đời. Như những Năm Xe Ngựa, những Buồn Ga Nhỏ, như Bài Hành Bốn Mươi. Và ngậm ngùi như tiếng thơ Đất Khách! Tập thơ mà nhà văn Túy Hồng cho biết là nhà văn Thế Uyên đã nói với chị là ở trại “cải tạo” Việt Cộng đã đem tập thơ này để hù các tù binh sợ mà không dám qua Mỹ. Tôi không có ở trại tù mà cai tù đem tập thơ Đất Khách vào để “hù dọa” tù binh nên tôi cũng không dám có kết luận về việc này!

Như đã viết, văn chương chữ nghĩa của Thanh Nam bình thường như đời sống. Nhưng chẳng phải kể những câu chuyện bình thường với giọng văn bình thường, giản dị một cách lương thiện là điều mà Hemingway, nhà văn đoạt giải Văn chương Nobel, đã mong muốn, hay sao?

Anh Thanh Nam đã đi về bên kia cõi đời. Mọi điều bây giờ, đối với anh, chỉ là chuyện bọt bèo.

Bài viết này không phải là một bài phê bình văn học hay một tổng kết về sự nghiệp văn chương của một nhà văn, nhà thơ, nhà báo. Tôi không phải là, và cũng không đủ khả năng, làm ngự sử văn đàn. Bài viết chỉ là đôi điều kể lể về một người viết văn, làm thơ, làm báo đã trọn đời sống chết với văn chương, chữ nghĩa mà tôi đã có thời quen biết. Chỉ mong được như là nén hương thắp muộn gửi đến linh hồn người quá cố. Và là lời chia buồn trễ tràng - quá trễ tràng, xin gửi tới chị Túy Hồng mà nỗi buồn mất mát chắc hẳn khôn nguôi suốt quãng đời còn lại.

Nguyễn Thiếu Nhẫn
Des Moines 1987.
trích trong NGUYỄN THIẾU NHẪN TUYỂN TẬP,2009

Nguồn lyhuong.net