Wednesday, December 16, 2009

Luật rừng CSVN


Chuyện hai ông Thanh
- Danh tương như, thực bất tương như

Câu chuyện vụ án tướng Thanh đã gây ra tốn khá nhiều giấy bút của cánh nhà báo. Thu hút sự chú ý của công luận. Nay đã xử phúc thẩm. Xem ra vụ án đã khép lại. Nhưng ai quan tâm tới vụ án thì vẫn còn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong vụ án này các bị cáo đều là cán bộ cốt cán của công cụ Nhà nước. Còn bên bị hại thì nêu chung chung, là bộ máy lãnh đạo của Đà Nẵng.

Nhưng nếu ai chú ý rà soát lại toàn bộ thông tin báo chí từ trước đến nay, liên quan đến Đà Nẵng thì có thể nhận ra rằng ở đây có hai đối thủ, ông Trần Văn Thanh Chánh thanh tra của Bộ Công an và ông Nguyễn Bá Thanh Bí thư TP Đà Nẵng. Nhưng hình như cũng không phải như thế, ẩn phía sau còn tầng tầng, lớp lớp, nhóm này hội nọ. Ai mà biết được. Ông cựu chủ nhiệm HTX Hòa Vang phải nói là có con đường quan lộ thênh thang. Từ một vùng quê bán sơn địa, ông lên huyện, lên tỉnh khá nhanh và ngoạn mục. Tuy không phải là dân trí thức cách mạng hay dân Mácxít được đào tạo bài bản qua trường lớp nhưng sự đi lên của ông rất nhanh chóng, ít bị cản trở. Ông không phải thành phần COCC, nối nghiệp truyền thống cách mạng, nhưng ông đã thành công nhờ cá tính mạnh mẽ của mình. Hơn nữa các bước đi của ông rất hợp nhịp với các biến đổi miền Trung, nhất là ở thành phố Đà Nẵng. Nên thời cuộc đã tạo cho ông nhiều cơ hội. Nhìn cả quãng đường không dài từ chủ nhiệm một HTX nhỏ bé, ông đã thành người đứng đầu Đà Nẵng, lại có cả bằng Tiến sĩ về học thuật, như vậy sức phấn đấu của ông quả là phi thường.

Thành phố Đà Nẵng trên con đường qui hoạch, sắp xếp lại để thành một thành phố lớn của miền Trung, của Đông Nam Á. Ông kiên quyết ra tay, sử dụng nhiều biện pháp mạnh và ông đã có ít nhiều thành công. Vì vậy ông vào Trung ương ủy viên nhẹ như lông hồng, không có một cản trở nào. Danh tiếng ông vang dội khắp cả nước. Ông được đánh giá như một khuôn mặt sáng giá cho hàng ngũ lãnh đạo kế cận. Ông và bạn bè của ông kì vọng nhiều vào Đại hội đảng X, rất có thể ông là một uỷ viên bộ chính trị mới, trẻ, làm ăn kinh tế tốt, vì dân miền Trung trong đợt tới thì không còn ai nằm ở vị trí Bộ CT nữa cả.Vậy mà, ngay trước kỳ Đại hội mọi ý định vượt bậc đều tiêu tan. Thậm chí ông còn vất vả chống đỡ trước các câu hỏi của Ban Kiểm tra trung ương Đảng. Có lúc người ta còn đặt câu hỏi về vị thế Đại biểu quốc hội của ông. Cho nên ông phát biểu trong thảo luận ở tổ hay tại Quốc Hội bỗng dưng rụt rè, khác hẳn với tư thế tay chém vào gió như trước đây. Sao lại thế? Tại ai?

Sự kiện thì không có gì mới. Mọi thông tin thì báo chí đã đưa thường xuyên về các vụ bê bối ở Đà Năng suốt mấy năm ròng.( Thiết nghĩ cũng không nên nhắc lại). Nhưng ai là người đứng sau vụ việc này. Người thấp cổ bé họng thì hoàn toàn không có cơ. Vậy hóa ra chính là ông giám đốc sở công an của Đà Nẵng, ông Trần Văn Thanh. Là người đứng đầu một cơ quan cực kỳ quan trọng trong công quyền, ông mới có nhiều thông tin và ông nắm khá rõ các tình tiết vụ việc liên quan đến ông Bá Thanh. Nhưng chẳng lẽ ông Văn Thanh nhiệt tình chống tham nhũng hay ủng hộ lẽ phải mà ông hăng hái với các vụ việc như thế. Khi công tác nhiều năm trong ngành, với chuyên môn nghiệp vụ của mình thì ông cũng thừa hiểu, đối kháng với Bí thư thành phố đang lên thì khác nào trứng chọi đá. Có nghĩa là đằng sau ông còn có người ủng hộ. Người này hay nhóm người này còn thế lực trên tầm ông Bá Thanh. Đương nhiên họ cũng sẽ hứa hẹn gì đó để lên dây cót cho ông Văn Thanh.

Thật hú vía cho ông Bá Thanh. Ông vượt qua được thời kỳ Đại Hội Đảng X, ông vẫn tại vị UVTW. Như ông Lê Khả Phiêu đã nói, cậu này có khuyết điểm, các anh cũng có nhiều ý kiến, nhưng mình cho rằng cậu ấy làm tốt, nên giữ lại làm nòng cốt, cứ xem thành tích của cậu ấy làm ở Đà Nẵng là biết.
Sau ĐH X, ông Bá Thanh chưa thể ra Hà Nội được và ông an tâm trở về làm tiếp Lãnh chúa miền Trung. Ở vị trí này ông có thời gian củng cố quyền lực và chuẩn bị cho cuộc chơi mới. Phía ông Văn Thanh thì cũng đã lường trước mọi chuyện, dù sao thì bước khởi đầu cũng có ít nhiều thành công. Ông Văn Thanh được phong Tướng. Từ Đại tá lên tướng khó lắm, lên tướng có nghĩa là niên hạn không bị hạn chế, ít bị ràng buộc bởi các qui định ngặt nghèo về Luật phục vụ…Lên hàm tướng phải thông qua Ban Bí thư. Nhưng nếu ông Văn Thanh ở lại Đà Nẵng thì sẽ khó cho cả hai ông Thanh. Bước đi tiếp của các anh bề trên và ông Văn Thanh là ông Tướng phải ra Hà Nội. Đương nhiên chức vụ Chánh thanh tra Bộ công an là quan trọng rồi, phải thông qua Ban Bí thư và nhất là thường vụ Bộ CA. Ông Văn Thanh cũng quá chủ quan, cho rằng mình ngồi ở Bộ, bề trên, muốn làm gì cũng được. Ông lại manh nha làm tiếp các bước đi của mình. Nhưng ông quên rằng Đảng là phải to hơn chính quyền. Ông chánh thanh tra Bộ làm sao mà bì được với một ông UVTW. Sau khi tại vị ổn định ở Đà Nẵng, ông Bí thư nhẹ nhàng ra lệnh cho tư pháp làm các bước cần thiết. Còn liên quan đến ai thì ông không cần biết, cái đấy đã có các cơ quan chức năng dưới quyền ông thực thi.
Sự vụ xử ông Văn Thanh khá khôi hài. Ông biết là ông có khả năng bị” thất lộc” khi vụ án được tiến trình. Dấu hiệu đầu tiên là ông mất chức Chánh thanh tra. Nhưng ông cũng cố vớt vát ít nhiều, cũng ngược xuôi, nhưng e chừng không qua nổi. Rơi vào vị thế của ông bấy giờ thì người thường không thần kinh thì cũng đổ bệnh này khác. Ông muốn tránh đòn hiểm của đối thủ, ông dùng kế “ Thiền sư thoát xác” mong tránh được đòn hiểm.
Đoạn ông “diễn” khá đạt, nhưng không thành công. Vụ xử gần như là làm trò cười cả hai bên cho công luận. Nhìn qua các thủ tục tố tụng hình sự thì dư luận không đồng tình với Tòa án Đà Nãng, cho là thiếu tính nhân đạo tối thiếu của cơ quan tư pháp, mang tính thù hằn nhiều hơn là xét xử công bằng trước pháp luật. Nhưng đồng thời cũng cười ông Văn Thanh với trò diễn của mình, không “có gan ăn muống có gan lội hồ”. Đồng thời người ta cũng ngán ngẩm thay cho những ai say mê quyền lực, nếu sai lầm thì bị trả giá quá đắt.

Trong thời gian sau sơ thẩm, các cơ quan tư pháp TW có ý kiến khác nhau về vụ này. Viện kiểm soát TATC và phía báo CA cho rằng ông Văn Thanh vô can, các nhân vật khác có khả năng trắng án. Có nghĩa là sau một thời gian dài các phía vẫn chưa thống nhất với nhau về quan điểm xử lý. Như vậy về lâu dài vẫn còn nhiều khúc mắc.
Khi Tòa án TC ở Đà Nẵng tuyên án cho Phúc thẩm, hầu như vẫn giữ nguyên tội danh cho các bị cáo. Thì cho thấy phía ông Bá Thanh đã ổn định và hùng mạnh đến mức nào. Cũng nên nhớ rằng trong các văn bản và ngay cả thông tin báo chí rất hiếm hoi nhắc đến ông Bá Thanh mà gộp chung thành một khối từ: Lãnh đạo Đà Nẵng. Như vậy họ đã thống nhất từ trưóc và nay chỉ còn thực thi nốt công việc mà thôi.

Ông Văn Thanh cũng có nhiều sơ ý. Sao lại chọn văn phòng LS của ông Cù Huy Hà Vũ cho mình. Đúng là Văn phòng này có danh tiếng trong các vụ kiện độc đáo. Nào kiện tỉnh Huế- Thừa Thiên, bảo vệ cho ông Tướng Quắc, ông Huynh trước tòa Hà Nội. Ông CHHV còn làm nhiều việc từ trước đến nay chưa từng có, tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Văn hóa, rồi còn kiện cả Thủ tướng chính phủ. Nhưng giỏi lý luận tranh tụng mấy thì Văn phòng này cũng không thể có cơ thắng cơ quan tư pháp của công quyền. Ông LS CHHV càng nổi danh bao nhiêu thì thân chủ của ông lại càng bị cơ quan tư pháp làm khó bấy nhiêu.

Dù rằng khởi điểm của vụ án Tướng Thanh ban đầu mang yếu tố tham nhũng. Nhưng càng đi sâu vào và theo diễn biến thì mang một màu sắc chính trị quyền lực nhiều hơn. Qua đó dư luận cũng thấy trước pháp luật, chiến thắng luôn thuộc về phía mạnh.

Còn những ai còn say mê quyền lực và các trò chơi quyền lực thì lượng sức mình, biết đâu có ngày chính mình lại rơi vào lao lý, mà mình chỉ là một quân cờ trong ván bài lớn. Chính bộ máy công quyền mình tôn thờ, đã từng mẫn cán phục vụ lại thành cỗ máy nghiến nát bản thân mình.

danchoa
Nguồn quechoa
Đọc thêm : rfa.org - fra.org